Tiểu luận - Tạp bút
Triết lý
Ðoàn Văn Khanh *
đăng lúc 12:04:41 AM, Jul 03, 2008 *
Số lần xem: 1924 TRIẾT LÝ
Nếu mỗi người có cái triết lý riêng của mình thì mỗi một dân tộc cũng phải có một cái triết lý riêng của dân tộc đó. Dĩ nhiên khi nói đến cái triết lý này, không có nghĩa là nói đến những tư tưởng đã được hệ thống hóa bằng lý trí suy luận như trong những hệ thống triết học của các triết gia, mà chỉ là những biểu lộ tản mạn về vũ trụ, con người và cuộc đời. Những biểu lộ này tuy không hẳn là những quan niệm minh nhiên, nhưng vẫn ngấm ngầm tác động lên hành vi xã hội của con người, cho dù con người có ý thức đến điều đó hay không.
Qua kinh nghiệm sống, con người Việt nam từ hàng ngàn năm nay đã giãi bày tâm tư tình cảm của mình vào những bài ca dao hay câu truyện cổ tích để cho mọi người cùng truyền tụng. Khi con người truyền tụng với nhau những bài ca dao hay những câu truyện ấy thì chính con người cũng đã mặc nhiên bị những tâm tư tình cảm đó ảnh hưởng vào tâm tưởng khiến cho người ấy cũng có những lối hành xử mang đặc tính của những tâm tư tình cảm được xem như là chung này. Do đó, muốn tìm hiểu cái triết lý nhân sinh của dân tộc, chúng ta không thể nào không xé đến những tác phẩm của nền văn học dân gian, vì chính nơi đây mới là tấm gương thực sự phản ánh cái triết lý ẩn tàng của dân tộc.
Từ nhận định này, một bài vè Con Voi, một bài ca dao Thằng Bờm, một câu truyện Ba anh học trò dốt làm thơ Con Cóc v.v... đều có thể xem như đó cũng là những tác phẩm triết lý vì trong đó chứa đựng những cái nhìn hoặc những biểu lộ của thái độ về sự vật, con nguời và cuộc đời. Và một trong những biểu lộ triết lý bàng bạc nhưng cũng rất phổ cập trong dân gian có thể nói là cái triết lý được gói ghém trong câu truyện Bài thơ Con Cóc.
1.- BÀI THƠ TUYỆT TÁC VỀ CON CÓC
Truyện kể rằng có ba anh học trò dốt nọ rủ nhau cùng làm một bài thơ. Ðang bí chưa nghĩ ra đề tài gì thì bỗng có con cóc xuất hiện. Một anh thấy thế liền ứng khẩu đọc lên:
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra.
Anh thứ nhì nhìn thấy cóc sau khi nhảy ra khỏi hang thì ngồi thù lù một chỗ, nên cũng đọc ngay:
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó.
Ðến lượt anh thứ ba chưa biết tiếp nối bài thơ như thế nào thì chợt thấy cóc ngồi chán lại nhảy đi, bèn ngâm luôn:
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi
Làm xong mấy câu thơ trên, ba anh học trò lấy làm đắc ý cùng cười lăn ra mà chết.
Ðã là người Việt nam thì không thể nào không biết câu truyện cười này, cũng như không ai là không thuộc bài thơ Con Cóc. Thông thường thì mọi người vẫn lấy câu truyện này để cười cái dốt, cái dở, cái dởm đời của những kẻ bất tài mà lại ham học đòi văn chương thi phú. Tuy nhiên nếu suy nghĩ sâu xa hơn một chút, chúng ta thấy câu truyện trên có một ngụ ý triết lý, và tôi cho rằng đó cũng chính là cái triết lý tiêu biểu của dân tộc Việt nam.
Cũng giống như vô số những câu truyện dân gian, không ai có thể xác định được tác giả cũng như thời điểm câu truyện được sáng tác. Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung thì câu truyện phải xuất hiện sau khi dân tộc Việt nam đã từng bị Trung quốc đô hộ, văn hóa và học thuật của người Hán được áp đặt vào xã hội Việt nam và xã hội đã đi vào tổ chức có kỷ cương theo mẫu mực Trung quốc nên mới có học trò nung kinh nấu sử và đua đòi thi phú.
Dân tộc Việt từ thời lập quốc, trải qua 18 đời vua Hùng là một thời gian dài hơn hai ngàn năm, nhưng tất cả những gì còn truyền lại cũng chỉ là huyền thoại. Suốt thời gian này, trình độ tri thức vẫn còn tản mạn trong những tin tưởng phiếm thần chứ chưa tiến lên lãnh vực siêu hình của lý trí suy luận. Do đó khi bị người Trung hoa đô hộ, người Việt nam tiếp xúc với văn hóa phương Bắc, thì bị ngay nền tư tưởng và học thuật của quốc gia này khống chế đến độ sau khi đã giành lại được quyền tự chủ, giới sĩ phu vẫn tiếp tục bị những hệ tư tưởng Trung hoa chi phối nên đã không sáng tạo được một hệ tư tưởng nào riêng cho mình, mà hầu như chỉ lặp lại những tư tưởng kinh điển của Trung hoa được coi như là mẫu mực.
Nhưng đó là nói riêng về giới sĩ phu. Ðối với người Việt nam nói chung thì khi tiếp xúc với nền văn hóa phương Bắc cũng là lúc dân tộc Việt nam phải làm nô lệ cho Trung quốc. Chính sách cai trị hà khắc của quan lại Trung hoa cũng như những hành động bóc lột dân lành của đám người Tàu mang đầu óc thương mại sang sinh sống trên đất Việt đã gây ra không biết bao nhiêu là kinh nghiệm thương đau và hãi hùng cho dân tộc Việt.
Vì bản chất hiền lành cho nên người Việt nam vẫn thích co cụm lại với nhau mà sống, và tìm cách an ủi nhau bằng tình cảm hơn là suy luận tìm kiếm phương thức để hành động. Do đó, để có thể sống còn, dân tộc Việt nam chỉ còn cách duy nhất là nhẫn nhục chịu đựng. Tuy nhiên, trong tâm tưởng, người Việt nam vẫn âm thầm chống lại ảnh hưởng của Trung quốc, vì sự xâm nhập của nền văn hóa này cũng đồng nghĩa với sự thống trị và sự biến đổi nếp sống cổ truyền của dân tộc. Như vậy, có thể nói người đặt ra câu truyện này phải là một người có tinh thần dân tộc, muốn chống lại sự lệ thuộc Trung hoa, nên đã bày tỏ những nhận định của mình qua hình thức một câu truyện khôi hài để có thể phổ biến dễ dàng. Người nghe truyện dù không nhận thức phần tư tưởng một cách minh nhiên, nhưng vẫn bị cái tinh thần của câu truyện tác động vào nếp suy nghĩ và hành xử của mình một cách vô thức.
Nhân vật trong câu truyện là ba anh học trò có nghĩa là những người vẫn thường được xem như là kẻ đi tìm tri thức và nắm được tri thức. Cái đề tài để làm thơ cũng giống như cái tri thức về vũ trụ mà con người muốn tìm. Nhưng ba anh học trò vốn dĩ dốt, cho nên không nghĩ ra được cái đề tài nào khác hay hơn là con cóc đang xuất hiện trước mặt. Vậy thì ba anh học trò kia cũng có thể được xem như là tượng trưng cho đại đa số người dân Việt nam, không thích suy luận, nên không nhìn thấy những nguyên lý cao siêu trừu tượng như giới sĩ phu Trung quốc, mà chỉ nhìn thẳng vào sự vật đang có trước mặt.
Theo cách phân tích này, chúng ta có thể nói nội dung câu truyện muốn bày tỏ một thái độ chống lại tri thức triết học có tính chất duy lý và trừu tượng. Nhưng khi một kẻ nào đó chống lại tri thức triết học duy lý, thì người đó cũng đã rơi vào cái triết lý bất khả tri, vì con người không thể nào tránh khỏi triết lý như Karl Jaspers đã từng viết trong Ðường vào Triết học. Do đó mà cái triết lý của câu truyện vẫn còn.
Câu truyện này cũng biểu lộ một khuynh hướng hoài nghi về bản chất hay yếu tính của sự vật, phát xuất từ sự nghi ngờ dân tộc thống trị, từ đó đâm ra nghi ngờ luôn tất cả những gì thuộc về tư tưởng cao siêu mà dân tộc thống trị đề ra, nên chỉ còn để ý tới cái gì mình tri giác được, tức là hiện tượng. Những điều mà ba anh học trò mô tả trong bài thơ Con cóc có thể coi như là những nhận định có tính cách hiện tượng luận và hiện sinh về vũ trụ và con người. Nguyên ủy của vũ trụ như là cái hang đầy bí hiểm, con người không thể nào tìm hiểu. Còn sự hiện hữu của cái thế giới này cũng chỉ như sự xuất hiện của con cóc trước mặt ba anh học trò. Tất cả những gì có thể biết được đều là hiện tượng, giống như mấy anh học trò chỉ nhìn thấy được "con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi". Cũng có thể xem câu truyện này như một nhận định về sự hiện hữu của con người. Con người được sinh ra, sống trên đời, rồi lại chết đi, chẳng khác nào như lời mô tả sự xuất hiện của con cóc ở trên. Con người cũng không hề biết nguyên do cũng như cứu cánh của sự hiện hữu của mình trong vũ trụ, cũng như không thể nào can thiệp vào những điều kiện gắn liền với sự hiện hữu đó. Hình như tất cả đều xảy ra theo một định luật tất yếu nào đó.
2.- NHÂN SINH QUAN THẰNG BỜM
Quan niệm này còn được biểu lộ trong bài vè Con Voi mà nhiều người vẫn thường coi như là một bài hát dành cho trẻ em, không có nghĩa gì cả, nhưng thật ra đó cũng là một cái nhìn triết lý về cuộc đời, vì cái câu chuyện con voi kể mãi như một điệp khúc không ngừng này cũng chính là một nhận thức về cái vòng tuần hoàn của các hiện tượng trong vũ trụ.
Con vỏi con voi
Cái vòi đi trước
Hai chân trước đi trước
Hai chân sau đi sau
Cái đuôi đi sau rốt
Tôi ngồi tôi kể nốt cái chuyện con voi...
Con vỏi con voi...
Nhưng con người thì hữu hạn, cho nên cái vòng hiện tượng dù có liên tục mãi thì khả năng con người cũng chỉ tri giác được trong phạm vi giới hạn hiện hữu của mình mà thôi. Do đó cái biết của con người cũng chỉ như anh chàng kể chuyện con voi, quanh quẩn với một số hiện tượng tái diễn không bao giờ ngừng, không biết bắt đầu từ bao giờ và chấm dứt ở đâu. Con người chỉ biết rằng, hiện tượng ta hiện hữu là do cha mẹ ta sinh ra ta. Cha mẹ ta cũng do ông bà ta mà có. Ta lại sinh ra con ta, và con ta sẽ sinh ra cháu ta. Những thế hệ có trước ông bà ta, cho dù ta có muốn biết cũng không biết được, vì lúc ấy ta chưa sinh ra. Ta cũng không sống lâu để có thể nhìn thấy những thế hệ tiếp sau thế hệ con cháu ta. Thành thử trong cái chuỗi hiện tượng của những hiện hữu tiếp nối không ngừng ấy, ta cũng chỉ có thể biết được đến thế là cùng.
Cái hình ảnh con voi di chuyển này cũng đồng thời nêu lên một ý thức về trật tự trong hiện tượng, đưa đến ý tưởng về một sự an bài. Cái vòi phải đi trước hết. Hai chân trước phải đi trước hai chân sau, và cái đuôi phải là sau cùng, không thể nào có sự thay đổi hay đảo lộn. Hiện tượng hiện hữu của con người trong trần gian này cũng luôn luôn bị ràng buộc vào một số điều kiện nhất định khiến cho con người không thể nào hành động một cách khác hơn.
Nhưng tại sao con người hiện hữu thì hình như lại là câu hỏi mà người Việt nam không muốn nghĩ tới mà chỉ nghĩ tới cái thân phận con người trong cuộc sống hiện tại. Ngoài cái ý thức về tính cách hữu hạn của kiếp con người được sinh ra, lớn lên, già đi, rồi phải chết, trong đó còn kèm theo không biết bao nhiêu là hệ lụy như đói rét, đau khổ, bệnh tật v.v..., nhưng vẫn luôn luôn bám vào cuộc sống, và lúc nào cũng thấy mình cứ phải lo lắng và vất vả vì mưu sinh. Thân phận con người trong cuộc đời, nhất là khi con người đó lại là dân nước nô lệ, cũng chẳng khác nào thân phận con kiến đậu phải cành cây cọc trong bài ca dao Con kiến.
Cái kiến mày đậu cành đa
Ðậu phải cành cọc, leo ra leo vào
Cái kiến mày đậu cành đào
Ðậu phải cành cọc, leo vào leo ra
Vì thân phận hiện sinh của con người luôn luôn bị giới hạn trong một số điều kiện nhất định, cho nên nhịn nhục để sống còn như đa số vẫn làm, hoặc là "theo voi ăn bã mía", "theo đóm ăn tàn" đám người Trung hoa cai trị để mưu cầu chút bã vinh hoa như một số người khác, thì con người vẫn không bao giờ thoát ra khỏi những điều kiện giới hạn của kiếp người. Do nhận định này mà người Việt nam mỗi khi không hiểu được nguyên nhân vì sao của bất cứ một sự việc gì, vẫn thường hay đổ cho số mệnh xui ra, và hay tin vào định mệnh.
Vậy thì hệ luận của cái ý thức thân phận này là người Việt nam không thích đua tranh tìm kiếm những gì cao xa hơn là những nhu cầu thiết thực trước mắt, cho nên mới đưa đến cái quan niệm thực tế thiển cận được bộc lộ trong bài ca dao Thằng Bờm.
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi hòn xôi, Bờm cười
Bờm là một kẻ chỉ có mỗi cái quạt mo chẳng đáng giá gì cả. Phú ông là bậc cao sang quyền quý, có trong tay đầy đủ mọi thứ, nên không thấu hiểu được cái tâm trạng về thân phận như Bờm. Như thế thì những thứ như ba bò chín trâu v.v... mà phú ông đề ra làm vật trao đổi với cái quạt mo của Bờm có cần thiết cho Bờm không, hay chỉ là những cái phú ông đưa ra nhằm phỉnh gạt Bờm? Vì ý thức được thân phận mình nên Bờm chỉ cần cái gì có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế của mình hơn là những thứ xa hoa, cho nên khi nói tới nắm xôi là cái cụ thể gần gũi với Bờm hơn cả thì Bờm mới cười ngụ ý thỏa thuận.
Trong lãnh vực tri thức cũng thế. Người dân thường chỉ thấy có cuộc sống trước mắt, nhưng cuộc sống đó thì lúc nào cũng đầy dẫy lo âu và bất trắc, trong khi triết học thì lại toàn bàn chuyện cao siêu của tư tưởng, đưa ra những ý niệm trừu tượng xa rời thân phận thực tế của con người. Vậy thì những tư tưởng học thuyết mà người Trung hoa dùng làm nền tảng để xây dựng xã hội và uốn nắn con người có phải là chân lý không, hay cũng chỉ là những điều con người đặt ra để lừa dối và ép buộc con người vào khuôn khổ của guồng máy thống trị? Vốn quen sống dựa vào mối quan hệ tình cảm hơn là coi xã hội phải được đặt trên căn bản của những nguyên tắc lý trí, người Việt nam lúc nào cũng coi trọng mối tương quan giữa những con người cụ thể nên đã từ chối sự suy luận triết học, chỉ vì những học thuyết triết học lúc nào cũng muốn gò bó con người vào trong mô hình của những ý niệm trừu tượng.
3.- CHÂN LÝ SỜ VOI
Từ cái triết lý bất khả tri về nguyên ủy của sự vật và ý thức về sự hiện hữu giới hạn của con người hiện sinh, người dân Việt cũng cảm thấy rằng chân lý là một điều ngoài khả năng nhận thức của con người. Vậy thì từ triết lý con cóc, nảy sinh ra chân lý sờ voi.
Câu truyện thầy bói xem voi có thể tóm lược như sau: Có năm anh thầy bói mù rủ nhau đi xem voi. Gặp phải chú quản tượng thích chơi trò oái oăm, nên chú bèn cho mỗi anh mù chỉ được rờ xem một bộ phận của voi thôi. Một anh rờ đụng cái vòi liền bảo con voi giống như một con giun lớn. Anh thứ nhì sờ nhằm tai voi liền bảo con voi giống như cái quạt. Anh thứ ba sờ trúng chân voi liền cho là voi giống như cái cột đình. Anh thứ tư sờ phải bụng voi liền cả quyết voi như cái trống. Anh cuối cùng sờ gặp đuôi voi liền tin là voi giống như cái chổi. Thế là cả năm anh cãi nhau tranh phần đúng rồi cuối cùng thì đi đến chỗ ẩu đả chỉ vì anh nào cũng khư khư với cái biết của mình.
Câu truyện có tính cách khôi hài nhưng thật ra đó cũng là một biểu lộ triết lý trong vấn đề đi tìm chân lý. Con người thì hữu hạn và khả năng tri thức cũng bị giới hạn chẳng khác nào những anh thầy bói mù. Chân lý thì như con voi. Mấy anh thầy bói mù không thể nào nhìn thấy voi mà chỉ sờ đụng một bộ phận nào đó của voi thôi. Do đó mà cái hình ảnh con voi mấy anh thầy bói mù tri giác chưa phải là voi, hơn nữa đó lại là một tri giác bằng xúc giác chứ không phải tri giác bằng thị giác nên không thể nào giống và đầy đủ như là hình ảnh của thị giác ghi nhận.
Như vậy thì cái gọi là chân lý mà con người nhận thức được bằng tri thức bị giới hạn của mình không phải là chân lý đúng và toàn thể mà chỉ là những nhận thức có tính chất chủ quan và phiến diện, do đó khi kết luận những điều nhận thức chủ quan và phiến diện ấy như là chân lý toàn thể, con người đã xa rời chân lý thật để tin vào một chân lý ảo tưởng. Do đó mà tất cả những học thuyết triết học muốn cắt nghĩa toàn thể vũ trụ này cũng chẳng khác nào những lời mô tả con voi của các anh thầy bói mù trên đây mà thôi.
Bản chất người Việt nam vẫn thiên về tình cảm nên thường nhìn sự vật qua khía cạnh hiện tượng, trong khi triết học của Trung hoa hay Ấn độ thì lại đi vào siêu hình. Do đó mà khi xã hội được tổ chức dựa theo những quan niệm triết học đặt trên căn bản yếu tính của lý trí suy luận thì con người hiện sinh bị bỏ quên để biến thành con người của những ý niệm trừu tượng. Ðây là một quan niệm không phù hợp với tâm tư của người Việt nam.
Khi nhìn vào thực tại thân phận của mình, người dân Việt nam lại phải đối đầu với những kinh nghiệm khổ đau của mình mà không có cách giải quyết nên thường quay về với những tin tưởng hoang đường để mong cầu khẩn sự phù hộ của các thần linh, những sức mạnh tuy vô hình, nhưng hình như lại có thể tác động trực tiếp lên cuộc sống của con người. Cũng vì không có tinh thần duy lý, cho nên có nhiều khi nhằm giải thích sự trùng hợp của một vài hiện tượng, người Việt nam đã không dùng lý trí suy luận để xác định đâu là nguyên nhân và đâu là hậu quả một cách chính xác, mà lại thường liên kết hai hiện tượng ngẫu nhiên thành một định luật phổ biến để biện minh cho những kết luận hoàn toàn có tính cách võ đoán của mình, khiến cho những điều sai lầm nhiều khi lại được coi như là chân lý. Ðiều này khiến cho người Việt nam dễ trở thành mê tín dị đoan, không phát triển được óc khoa học, và đó cũng là lý do khiến cho thuật bùa chú cũng như các khoa tử vi bói toán lại lôi cuốn đuợc mọi tầng lớp trong xã hội.
Ngoài ra, cái khuynh hướng muốn tìm đến với những nguồn sự an ủi hơn là tìm kiếm phương thức hành động để biến cải thân phận cũng khiến cho người dân Việt nam thích tìm đến với tôn giáo. Nhưng cũng vì mục đích thực tế thiển cận là nhằm giải cứu thân phận, cho nên người Việt nam khi tin vào tôn giáo vẫn thường hướng vào phần nghi thức cứu rỗi cho thân phận hơn là phần tư tưởng triết lý. Ngay cả Phật giáo khi truyền sang Việt nam và trở thành tín ngưỡng phổ cập trong dân gian, không phải vì người dân Việt nam lĩnh hội được cái tư tưởng vô minh cao siêu của triết học Phật giáo, mà điều chính yếu là do lòng mong muốn được cứu thoát khỏi vòng trầm luân nhờ vào sự từ bi của đức Phật. Ðó mới chính là cái điều người dân Việt quan tâm.
Suốt mấy ngàn năm sống trong nền văn minh bộ lạc, người Việt nam đã tạo cho mình những nếp suy nghĩ cũng như tình cảm ăn sâu vào tiềm thức. Do đó mà khi những hệ tư tưởng của Trung hoa cũng như của Ấn độ có tác động đến nếp sống khiến cho con người Việt nam có những tin tưởng mới, những suy tư mới, thì những điều mới này khi phổ cập vào dân gian đều được biến cải cho phù hợp với tâm tư tình cảm truyền thống của dân tộc. Do đó mà trong lãnh vực tôn giáo người Việt nam cũng không triệt để với tư tưởng triết học của một tôn giáo nào cả mà nhiều khi còn hòa đồng nhiều niềm tin khác nhau, đôi khi còn pha lẫn cả những mối dị đoan của những tin tưởng phiếm thần xa xưa còn sót lại.
Có thể nói khi trình độ tri thức của người dân Việt nam chuyển từ những tin tưởng phiếm thần qua triết học siêu hình thì cũng là lúc người dân trải qua kinh nghiệm thân phận nô lệ, cho nên đâm ra oán ghét kẻ ngoại nhân thống trị. Do đó mà người dân Việt nam mới hay có khuynh hướng bài ngoại, cũng như cái khuynh hướng muốn phản kháng cái trật tự xã hội xây dựng trên những ý niệm về triết học của ngoại nhân, và nảy sinh ra cái triết lý Con Cóc. Và từ cái triết lý Con Cóc, người dân Việt đâm ra hoài nghi mọi tri thức triết học có tính cách trừu tượng duy lý, cho nên thường không hoàn toàn chấp nhận những điều cao siêu từ lý trí suy luận, và không thích đi sâu vào lãnh vực tư tưởng.
Chính vì mang trong tâm hồn một thái độ triết lý như vậy, người Việt nam thường tỏ ra không mấy quan tâm đến những vấn đề thuộc lý trí mà chỉ chú trọng đến lãnh vực tình cảm trong cuộc sống, vì chỉ có tình cảm mới thực sự xoa dịu những nỗi khổ đau của kiếp người. Ðiều này trong quá khứ đã giúp cho dân tộc Việt nam không bị Trung hoa đồng hóa, nhưng trong hiện tại, thái độ thờ ơ với nền tảng duy lý lại chính là sự cản trở cho công cuộc cách mạng hóa tư tưỏng để xây dựng một xã hội khoa học và tiến bộ, theo những nguyên tắc tự do và dân chủ của thời đại. Tuy nhiên, dù sao thì cái bản chất thiên về tình cảm này, và cái triết lý hoài nghi mọi tri thức duy lý vẫn tiếp tục làm cho người Việt nam lúc nào cũng cảm thấy gắn bó với dân tộc mình, những con người cùng chung một ý thức về thân phận.
ÐOÀN VĂN KHANH
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng
login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin
ghi danh.