Jan 22, 2025

Tùy bút - Bút ký

SÀI GÒN mưa và nỗi niềm
Xuân Phương * đăng lúc 07:22:29 PM, Aug 23, 2011 * Số lần xem: 5385
Hình ảnh
#1

SÀI GÒN mưa và nỗi niềm
Tác giả/Nhân vật: Xuân Phương

Vùng đất Saigon, từ hàng trăm năm trước, đã như một lòng chảo, cho bao
nhiêu điều tốt lẫn xấu đổ về, để hình thành nên một sinh hoạt nhịp
nhàng. Saigon tuy thay đổi liên miên, nhưng lúc nào, thời nào cũng dễ
dãi, cởi mở như bản chất xuề xòa, nhân hậu của người miền Nam. Biết
bao người tứ xứ tới đây đã bị Saigon hóa dần dần, để biến thành một
dân Sài gòn.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Saigon. Với đời sống trôi qua hàng ngày, hàng
tuần, hàng tháng…không bao giờ tôi thật sự để ý hay lưu tâm đến khí
hậu, thời tiết của Saigon. Nhưng bây giờ, khi đã phải xa rời, thì cái
khác nhau những lúc gió, lúc nắng, lúc mưa…nơi tôi đang ở và Saigon đã
làm thành nỗi nhớ Saigon khôn nguôi – Là những vui buồn của ngày xưa,
là những kỷ niệm khó phai, từ nơi nào xa vời, thỉnh thoảng thức dậy.
Mùa nắng là mùa của hoạt động, của năng lực. Mùa mưa là mùa của hoài
niệm, của ký ức. Phải! Nhớ nhất là mưa! Mưa chợt ào chợt dứt tưới mát
những hàng cây me, cây dầu, cây sao… Mưa của những ngày mới lớn ở
Saigon!
Saigon rất đỗi nắng mưa
mà Saigon lại bền lòng chung thủy
có khi Saigon tưởng xa diệu vợi
lại cận kề trong những chiêm bao – TTSH
Saigon mưa tháng mấy?
Saigon nằm vùng châu thổ sông Cửu Long, một năm chỉ có hai mùa mưa và
nắng là rõ nét nhất. Mùa nắng, hay còn gọi là mùa khô từ tháng 11 đến
tháng 4 dương lịch. Còn mùa mưa bắt đầu từ tháng 5, thường chấm dứt
vào tháng 10 mỗi năm.
Trong khoảng sáu tháng của mùa mưa, người ta phân biệt là mưa đầu mùa
vào tháng 5; Mưa giữa mùa hay mưa trong mùa vào các tháng 6, 7, 8, 9
và mưa cuối mùa vào tháng 10. Có năm tháng 11, hay ngay cả hết tháng
12 vẫn còn các trận mưa trái mùa.
Rủ hoa phượng cho tháng Năm thắp lửa
Tháng Sáu trời mưa giăng màn trước cửa
Ray rứt giọt ngâu cho tháng Bảy chợt buồn
Tháng Tám cầu trời đừng đổ mưa tuôn
Để tháng Chín em tôi đến lớp
Sợ gió đông sẽ về bất chợt
Trời chuyển sang thu cho kịp tháng Mười – iPooh
Tháng năm – Hoa phượng còn rực rỡ màu đỏ thắm trong nắng. Nắng tháng
năm! Cái nắng quay quắt như muốn thiêu đốt mọi vật đang bao trùm thành
phố. Saigon trong cơn nóng hầm hập, cái nóng như nung như nấu làm
không gian như ngột ngạt, con người thì thở không nổi, thú vật thì
không buồn nhúc nhích, đến mặt đường nhựa đen sì cũng như hôi hổi cháy
phỏng. Tất cả đều mong chờ mưa. Ai ai cũng cần một trận mưa. Mọi người
lúc này đang khao khát một cơn mưa biết là bao!
Trời còn đổ lửa
cháy từng vuông da
mưa còn ở xa
cứ như chưa rảnh
mà về thăm nhau
mau! mau ! mau ! mau – BC
Thình lình ở đâu mây đen vần vũ, vài ba tiếng sấm, và mưa đầu mùa trút
xuống. Rồi mưa dứt áo ra đi. Mưa chưa kịp rửa sạch hết những bụi bặm,
bực bội của Saigon đông đúc người là người đã ngưng bặt. Mưa chưa đủ
để làm không khí mát dịu, mà còn làm oi nồng thêm. Mưa trong không khí
nóng và ẩm chỉ làm mặt đất bốc lên hơi trắng mù như bốc khói mà thôi!
Nắng và nóng lại tiếp tục hoành hành. Người Saigon lại tiếp tục trông
đợi trận mưa khác, không biết lúc nào sẽ tới. Saigon tháng năm của
nắng mưa lẫn lộn.
Có những lần em đến bất ngờ như mưa Saigon
ào ạt, đẫm ướt, oi nồng, bức bối
cũng vào cái hạn tháng năm
Rồi tạnh queo như chưa từng vần vũ
Ôi những hạt mưa em rơi trong tháng năm tôi – ThoTre T1569
Lác đác một vài cơn mưa vội vã thì mùa mưa bắt đầu – Và cứ như vậy,
mưa liên tục trong suốt mùa. Nắng thì vẫn cứ gay gắt, rồi đến mây đen
kéo về giăng bủa tứ bề làm bầu trời chừng như thấp xuống. Saigon thật
sự bước vào mùa mưa!
Rời khỏi nhà lúc nào cũng phải thủ sẵn cái áo mưa (Dù che bây giờ đã
trở thành lỗi thời rồi, không cách nào có chỗ giăng ra trong một không
gian chật ních, người đi bộ còn không có chỗ chen chân nữa là). Dân
Saigon cỡi xe ngoài đường, thỉnh thoảng phải ngước mắt trông lên canh
chừng những tảng mây mưa nặng chình chịch, không biết chừng nào thì ụp
xuống, để mà phóng xe chạy ào ào cho kịp khi mưa bắt đầu rơi hột.
Hun hút gió
Cuồn cuộn mây
Bầu trời xám xịt
Mưa lốp bốp
Khúc dạo đầu
Điệu tango lúng liếng
Bỗng chốc chuyển “ ton”
Kèn trombone lên tiếng
Sét long trời
Rock and roll từng cơn
Gió giật cấp năm
Cây vặn mình răng rắc
Nước xâm xấp
Nước tung hoành lênh láng
Nước dạo chơi…- tlcđ
Rồi đến tháng sáu! Ta càng phải ngưỡng mộ thi sỹ Nguyên Sa nhiều thêm
nữa! Người đã vinh danh tà áo lụa Hà Đông bằng một ánh nắng Saigon.
Hay nói cách khác, nắng Saigon đã sống mãi trong thi ca với bài “ Áo
lụa Hà Đông “ của ông, giờ thì qua mưa Saigon, ông đã để lại cho giới
thưởng ngoạn những lời thơ đẹp tuyệt vời, chở đầy yêu thương của mưa
tháng sáu, để trở thành hai tình khúc nhẹ nhàng nhưng da diết, thấm
sâu vào hồn bao người. Đó là ” Tình khúc tháng sáu ” của nhạc sỹ Ngô
Thụy Miên: ” Tháng sáu nhạt mưa, anh muốn cùng mưa bay. Cùng mây trôi
tan biến vào môi em. Khép kín lòng môi anh ước tình yêu tới. Và mưa
bay tháng sáu đẹp không em? ” Và ” Tháng sáu trời mưa ” của nhạc sỹ
Hoàng Thanh Tâm:” Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt. Trời không
mưa em có lạy trời mưa. Anh vẫn xin mưa phong kín đường về. Anh nhớ
suốt đời mưa tháng sáu.”
tháng sáu trời mưa vòng tay lóng cóng
em chân trời, em góc bể, em xa
chốn nắng vàng, chốn ngờm ngợp hương, hoa
Sài gòn buồn thiu nghiêng về mấy bóng?- TTSH
Trong mùa mưa, Saigon vẫn luôn ồn ào, náo nhiệt với mưa nắng xoay vần,
cứ lần lượt đến rồi đi. Hết tháng năm, tháng sáu, qua tháng bảy là
tháng của vợ chồng Ngâu.
Tháng bảy và mưa chiều rét buốt
Mưa Sài Gòn, mờ khói thuốc như sương
Mưa ngoài trời sao ướt đẫm yêu thương
Tháng bảy và mưa và kỷ niệm
Mãi mãi chỉ còn là kỷ niệm
Mãi mãi chỉ còn là chia ly – Phan Tấn Thi / Vũ Ngọc Giao
Và mưa tháng tám trôi qua! Những cơn mưa xiên xiên, hết bên này lại
qua bên kia, kéo dài tầm tã đã đủ lạnh, đủ mạnh, đủ sức gột sạch, làm
xanh tươi cỏ cây, hoa lá, để Saigon mát mẻ hơn.
mưa khóc. hay cười. trên mái ngói
tù mù vũ khúc khói sương. trôi
sài gòn tháng tám câu thơ vội
đêm của riêng thôi. chén mộng đầy – TTSH
Đến tháng chín mưa vẫn còn rơi nặng hạt!
một ngày trong tháng chín
ngồi chờ cơn mưa qua
em cuối đường gió lớn
chốn nào cho ta về
thiên đàng kia đã đổ
cõi trú giờ tan hoang
ta già rồi, cũng đủ
nằm yên theo phận đời
em lần đầu bước tới
nhắm mắt làm sao nguôi – Du Tử Lê
Cuối cùng cũng đến tháng mười! Cuối mùa mưa Saigon mưa liên tục, đều
đặn mỗi ngày. ” Hình như Tứ Hải Long Vương đang vét mấy cú chót trước
khi đi nghĩ phép thường niên. Mưa cứ như là mưa trận cuối rồi không
bao giờ được mưa nữa. Mưa gì mà khủng khoảng tâm thần luôn. Rầm rập
rầm rập như thiên binh vạn mã. Không khí thấm đẫm nước là nước. Mặt
đất cũng tràn nước là nước. “- BC
gọi tháng mười về cho nhau
những cơn mưa cứ làu bàu mỗi đêm
mái tôn gõ vó ngựa dồn
thân phiêu bạt, ngã bên cồn cát hoang – TTSH
Có năm, có những trận mưa tưởng đã là những trận mưa cuối mùa, dè đâu
đến cuối năm cũng còn mưa. Giáng sinh, Tết tây là cơ hội hẹn hò của
nam thanh, nữ tú Saigon. (Đó là nói thời trước, chứ thời nay, thì
thiệt sự không biết). Mưa trái mùa cũng gây lắm điều phiền toái. Bao
cuộc hẹn bị dời, thậm chí thành “ xù “ luôn, mất các cơ hội đó, biết
đâu sẽ đưa tới lỡ dở cho các cuộc tình! Nhưng cứ gì mưa trái mùa, con
người cuối mùa mà làm trái tuổi mùa của cuộc đời cũng tai hại quá
xá!!!
gần hết năm. mưa còn đáo lại
một trận tơi bời. chắc thị uy ?
ẩm ướt một hồn tôi. lạnh quá
tứ phía bơ vơ. chịu sụp quỳ… – BC
Saigon mấy tháng mưa!
Trời đang nắng chang chang, mây đen bỗng đâu kéo đến che kín bầu trời.
Những giọt mưa bất thần rơi, lúc đầu nhỏ hạt rồi từ từ lớn dần, lớn
dần thành những giọt mưa nặng hạt trắng xóa các con đường, quất vào
mặt đau điếng. Nước trên trời sầm sập đổ, ào ào giáng xuống Saigon,
rồi tạnh liền ngay sau đó. Nắng lại lên, lên cao nữa là khác. Trời lại
trong vắt như chưa hề có mưa, chỉ có mặt đường còn đọng nước làm
chứng.
Trời đang xanh thẳm một màu
bỗng dưng lộp độp ngang đầu – ồ mưa!
mưa rào giữa nắng hay chưa
giọt mưa ném thẳng có chừa ai đâu – Nguyễn Duy
Chợt mưa chợt nắng – Những cơn mưa bất chợt làm cho nắng gắt của
Saigon dịu bớt một chút. Mưa Saigon nó là như vậy! Có người cho là “
ông trời trở chứng “ nên mưa kiểu kỳ quặc; Người khác thì nói mưa
Saigon ngộ nghĩnh, hồn nhiên dù có hơi bốc đồng chút xíu; Có vị nhận
xét mưa Saigon cũng như người dân Saigon như sau:
” Mưa xưa ồ ạt, vội vàng. Mưa như tính khí của con người Nam bộ. Thẳng
thắn, rõ ràng, dứt khoát… Tôi đã biết gì về mưa trong thành phố này?
Tôi biết những cơn mưa thịnh nộ không kịp trốn không kịp chạy. Những
cơn mưa đàn ông mạnh khỏe. Nó thiếu cái chất trữ tình, da diết, rất
đàn bà phụ nữ của miền Bắc, miền Trung.”- TCS
Nhiều người lại so sánh mưa Saigon giống như tính tình của các cô gái
Saigon ở tuổi mới lớn, đang mơ mộng yêu đương, nên mang nhiều tâm
trạng như là “ thương ra rít đó rồi đùng đùng hờn giận, vui cười đó
rồi khóc mếu đó, để rồi mau quên, dễ dàng tha thứ “???
Người ta bảo mưa Saigon là “ mưa con gái “
Nắng ấm chóng về, mưa lại qua mau
Em giận anh, mưa lòng tê tái
Anh đợi hoài chẳng thấy nắng đâu!- Phan Hoàng
Tuy là bất chợt, đôi khi rộn ràng ghé lại, hối hả đến để rồi vội vàng
đi. Tuy là òa xuống thật nhanh, ngớt mưa nhanh và tạnh ráo cũng rất
nhanh, nhưng người dân Saigon đã quá quen thuộc với sự hiện diện cùng
đặc điểm của mưa nơi mình ở, nên đâu chỉ cần bằng mắt thấy không thôi,
mà họ còn bằng mũi ngửi được hơi ẩm trong không khí, bằng tai nghe
tiếng rơi lộp độp để nhận biết mưa sẽ, sắp hay đang tới.
Mưa cũng rụt rè không dám vội
Vài ba lắc rắc, chạy bâng quơ
Nắng xiên xiên ghé vào mây lạnh
Và gió, ngang vai thổi rất hờ
Saigon nũng nịu mưa rồi nắng- TTSH
Saigon vào mùa mưa với những ngày mưa có thể bất cứ lúc nào: sáng,
trưa, chiều, tối…Nhưng đối với những rung động tinh tế, những nhận xét
nhạy cảm của riêng từng cá nhân, các thi sỹ, các văn sỹ và các nhạc sỹ
đã đặt cho các thời điểm trong ngày của mưa Saigon những tên gọi rất ư
là chi tiết và chính xác – Mưa đầu ngày có mưa sớm, mưa sáng, mưa ban
mai, mưa bình minh. Giữa ngày có mưa trưa. Rồi mưa chiều, mưa xế
chiều, mưa hoàng hôn. Cuối ngày có mưa tối, mưa đêm, mưa khuya, mưa
nửa khuya… Như danh từ “ mưa bình minh “ của nhạc sỹ TCS:
” Đầu mùa thường mưa nhiều. Giữa mùa chuyển dần về trưa, về sáng. Đến
gần cuối mùa, thời tiết đâm ra đãng trí, mưa cả sáng, cả chiều, cả
đêm. Rồi như một cơ thể kiệt sức, mưa vương vãi lúc này một ít, lúc
kia một ít.
Trong những cơn mưa khuya cuối mùa, mưa thường cố ý nấn ná lại đôi
chút như người tình dứt đi không đành, để kéo dài thành những cơn mưa
lúc bình minh.
Tôi đang muốn nói về mưa trong bình minh. Mưa vào lúc bốn năm giờ
sáng. Mưa vào lúc các bạn có giấc ngủ đẫy nhất, mắt vẫn nhắm, tay kéo
vội tấm chăn mỏng cuốn vào người.
Mưa bình minh đánh thức cây cỏ trở mình tắm gội. Đứng nhìn mưa lúc
bình minh trong thời khắc của một ngày mới bắt đầu, cơn ngái ngủ cũng
vội vàng ra đi. Có một chút rét trong gió ban mai cùng những âm thanh
tươi tỉnh của những bầy mưa sớm khiến da thịt ta như trẻ trong hẳn
lại.
Âm thanh mưa của buổi bình minh bao giờ cũng cho ta cái cảm giác về
một niềm hưng phấn. Mưa vốn không có tuổi nhưng ở cái buổi thơ ấu của
một ngày, ta vẫn nghĩ rằng những hạt mưa kia còn trẻ lắm. Nhưng mưa
bình minh lại là những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa.”
tối hôm qua, một trận cuối mùa – mưa
xuống vai tóc cặp tình nhân đến với nhau lần cuối
cái cuối nào hoàn tất trước bình minh?- TTSH
Đọc tiếp chùm thơ của TTSH, một thảo dân Gia Định yêu hết lòng, sống
hết lòng với Saigon, nói về mưa Saigon trong thời gian mưa khác nhau
của mỗi ngày.
mưa sáng:
sáng nay mưa nửa Saigon
ta- vai chở nắng đi lòn dưới mây
trời thơm hơi nước đẫm đầy
dường như thoáng chút hương gầy tóc ai
mưa trưa:
giọt nắng trưa giữa mưa
một Saigon óng ả
cây gì không biết nữa
lá xanh um vỗ về
mưa chiều:
nhè nhẹ mưa qua chiều thắc thỏm
hàng cây đứng đợi bóng mây về
nôn nao không biết vài tia nắng
len lén trời xa sắp tắt chưa?
mưa đêm:
ta hiểu Saigon đang sũng nước
mỗi đêm trăn trở với hồn mưa
chăn gối ẩm ương mùi quạnh quẽ
em chắc bồn chồn mấy nẻo mơ!
Hay những đoạn tùy bút của nhà văn Minh Hương, khi ông mô tả về những
cơn mưa Saigon, mà tên gọi của chúng không còn nhiều người biết đến
ngày nay:
” Tôi yêu thời tiết trái chứng với trời đang ui ui buồn bã, bỗng nhiên
trong vắt lại như thủy tinh, dưới những cây mưa nhiệt đới bất ngờ.
Những cây mưa Saigon ngộ nghĩnh và kỳ quặc thiệt mà có người gọi là
mưa luồng.
Có loại mưa chạy nữa. Thấy trời âm u, phía trước lác đác những giọt to
mà thưa. Mưa như khiêu khích ta, cứ chạy tới trước rơi lộp độp. Thấy
rõ những hột mưa đương chạy. Đường vẫn ướt, ta đạp xe và phải đuổi
theo mưa.
Ngẫm về cụm từ ” có mưa rào vài nơi ” của dự báo thời tiết tuy mập mờ,
bao quát và có khi bí hiểm như một câu sấm, nhưng cũng có phần nào
đúng của nó. Mưa rất to. Sấm nổ ầm ầm. Trời như nổi trận lôi đình và
sắp…sụp. Nhưng chỉ mưa ở Cholon mà Saigon không ướt. Hay mưa ở Saigon
mà đường sá ở Tân Định khô queo… “
Cùng một địa phương mà có khu vực tràn ngập nước mưa, có khu vực không
có một giọt. Hoặc trên một con đường, đầu này mưa trút xuống như đổ
nước mà đầu kia vẫn khô ráo thì gọi là mưa bóng mây.
Mưa bóng mây chỉ mưa giây lát
Mưa nhẹ nhàng như xoa dịu vết thương
Bất chợt đến rồi đi anh vẫn biết
Vội vã tình cờ rồi nỗi buồn thương – Cát Biển
Còn mưa rào thường xảy ra vào mùa hè khi nhiệt độ mặt đất cao, và
không khí cũng có độ ẩm cao. Mặt đất nóng làm lớp không khí sát mặt
đất cũng ấm lên, trở nên nhẹ hơn và bay lên không trung. Nhưng nếu
nóng mà không khí lại khô ráo thì cũng không có mưa rào. Chỉ khi độ ẩm
cao, hơi nước bốc lên trên trời hình thành mây vũ tích thì mới có khả
năng cho mưa được. Vì thế, khi thấy oi bức tức là không khí xung quanh
vừa có độ ẩm lớn, vừa có nhiệt độ cao, đủ điều kiện để một cơn mưa rào
xảy ra.
Ngoài mưa bóng mây, mưa rào, Saigon còn có mưa bong bóng, mưa giông,
mưa lá me đặc biệt và bão rớt.
Mưa bong bóng: Lúc trời không có gió hay gió không đáng kể thì mây lâu
tan, nên trời mưa lâu hơn mặc dù chỉ là mưa nhỏ, và khi rơi, hạt mưa
rơi thẳng đứng xuống mặt nước tạo thành những bong bóng.
chiều Sài gòn, những trời mưa tháng sáu
những trời mây gần, những trời mây xa
những chiều mưa bong bóng vỡ hiên nhà
ta ngồi xuống, hồn mềm riêng một bóng – TTSH
Mưa giông: Là những cơn mưa lớn như mưa rào đi chung với giông, gồm
sấm, sét, chớp dữ dội và gió giật mạnh, thường xảy ra lúc quá trưa hay
chiều, được dự báo bằng thời tiết ngột ngạt, khó chịu. Giông ở đây là
giông nhiệt, được tạo thành do sự chuyển động thẳng đứng của không khí
nóng và ẩm.
Đám mây mù kéo lại
Trời chợt đổ mưa giông
Nhìn mưa lòng e ngại
Đời ta gió bão không – Nguyên Đỗ
Mưa lá me: Những hàng me lá ướt rũ trong cơn mưa. Một cơn gió mạnh tạt
ngang, vô số lá me nhỏ cùng mảnh nước đọng trên lá đã sẵn chờ gió lay,
bay bay xuống phủ lấy mặt đường, rồi lềnh bềnh trôi trên dòng nước.
Saigon một buổi chiều xanh,
lá me mưa rụng như tình yêu bay
Có hai người đứng chia tay,
lá me mưa rụng rớt đầy đôi môi – Trần Vấn Lệ
Bão rớt: Còn gọi là đuôi bão – Hình như Saigon từ xưa đến giờ chưa
chịu một trận bão nào thật sự. Khi gió động hay chớp giật mạnh lắm
cũng chỉ là bão rớt, do các trận bão nhiệt đới xảy ở một nơi khác trên
vùng biển Đông thòng cái đuôi về, thường đem theo cơn lạnh đột ngột.
chiều thêm bão rớt về thăm phố
gió cuộn mưa nhòa dấu chân xưa
hàng cây vần vũ thương phận lá
đời dẫn đời qua những ngõ thừa – Songvinh
Thời trước, trong nửa năm của mùa mưa, với đủ cỡ, đủ kiểu mưa, người
Saigon đi đâu cũng phải kè kè theo mình cái áo mưa, nếu lỡ mà quên
đem, mưa rào xuống, hoặc là “ anh hùng “ thì đội mưa mà đi, bất quá
cảm lạnh, về nhà uống thuốc “ búa bổ đầu người “ hay Optalidon, hoặc
là phải kiếm chỗ để núp mưa, trú mưa, tránh mưa, trốn mưa hay “ đụt
mưa “ (chữ đặc biệt của miền Nam).
Người đi đường tấp đại vào lề, đụt mưa dưới hàng ba, mái hiên nhà,
dưới trạm xe buýt, dưới dù hay bạt che mưa của hàng ăn bên lề đường
hay tiệm quán… thậm chí còn có người dám núp dưới những tàn cây to
(rất nguy hiểm!). Có khi họ chấp nhận ngồi xuống một quán cóc, chờ
tạnh mưa bằng một ly cà phê hay một ly sữa đậu nành nóng gì đó. Hồi
xưa, nhiều chủ nhà còn mở thêm lớp cửa sắt ngoài cùng để có thêm chỗ
đứng cho những kẻ lỡ đường; Hay nhiều chủ tiệm cũng không nề hà, khó
chịu gì khi những người lạ đứng án chỗ mặt tiền cửa tiệm của mình đụt
mưa.
Mưa bay ào ào thoảng qua
Chen chân nhau đứng trú mưa vỉa hè
Con đường bỗng chốc vắng hoe
Chỉ nghe mưa với tiếng xe trên đường – Vũ Khắc Tĩnh
Nhiều khi gặp phải các cơn mưa kéo dài cả tiếng đồng hồ, nhiều người
cũng không thể đứng hoài ở hè phố để đợi ngớt mưa, cộng thêm nỗi lo về
miếng cơm manh áo, nên họ cũng phải trùm áo mưa, đội nón, xắn cao quần
mà lội nước, mà đi trong mưa. Trong lúc có những người lớn ” đau khổ
“, bất đắc dĩ phải dầm mưa thì cũng có đám con nít, trong các ngõ, hẻm
lao động, đợi những cơn mưa lớn như vậy để túa ra tắm mưa một trận cho
đã đời. Những đứa trẻ hoặc ở truồng hoặc quần áo ướt mem, dính sát
người, đứa lớn lấn đứa nhỏ, hứng lấy luồng nước từ máng xối các nhà
chảy xuống, chúng tát nước tung tóe vào người nhau, một hồi thì đứa
nào đứa nấy cũng run lập cập, môi tím ngắt vì lạnh.
Ngày xưa thơ dại trời mưa
Bạn bè lối xóm tuổi vừa lớp năm
Rủ nhau lội nước mưa dầm
Chen chân máng xối tồng ngồng tắm mưa – Nguyễn Nam An
Bên cạnh trò tắm mưa, con nít thành phố còn có trò chơi thả thuyền
giấy. Nước mưa cuồn cuộn chảy thành dòng ven lề đường, trước khi ồ ạt
đổ xuống cống, thật là lý tưởng cho những chiếc thuyền giấy được xếp
bằng giấy tập đã viết rồi, xé ra vội vàng hay giấy báo. Chiếc ghe được
hạ thủy, lúc đầu còn trôi theo dòng, một lát sau thì xoay vòng,
nghiêng ngả theo đà nước, có khi phải “ cứu bồ “ vì ghe đụng phải vật
gì bị mắc cạn, khựng lại; Có khi phải đành lòng để ghe chìm luôn vì nó
bị thấm nước từ từ, ướt chèm nhẹp.
Con thuyền xưa bằng giấy
Anh thả vào ước mơ
Thuyền trôi giữa dòng mưa
Bập bềnh trên sóng nước – Thanh Trắc Nguyễn Văn
Ngay sau những cơn mưa rào, trên nền trời thường xuất hiện một giải
cầu vồng gồm bảy sắc màu rực rỡ, lung linh huyền ảo, đó là các màu:
đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm và tím. Cầu vồng được tạo thành khi ánh
sáng mặt trời bị khúc xạ và phản chiếu bởi các hạt nước mưa, được chia
làm nhiều bậc 1, 2, 3 à tùy theo số lần phản xạ. Cầu vồng ta nhìn thấy
là bậc 1 vì rõ nhất, chỉ có một lần phản xạ nên ánh sáng còn mạnh
nhất, có hình dáng của một cung tròn.
Sài Gòn cười đôi môi rất tròn
Vòng cung mầu đỏ, nét thu cong
Cầu vồng bắc giữa mưa và nắng
Hay đã đưa dần sang nhớ mong – Nguyên Sa
Nỗi niềm trong mưa:
Mưa vẫn luôn là đề tài muôn thuở và bất tận trong thi ca. Mưa là nguồn
cảm hứng miên man trong những đôi mắt, trong những tâm hồn đa cảm, đa
tình. Nữ văn sỹ Túy Hồng khi giới thiệu cuốn băng nhạc chủ đề “ Giọt
mưa trên lá “ của nhạc sỹ Phạm Mạnh Cương, phát hành trước năm 1975,
đã có viết:
” Mưa là mùa của trời gởi tình cho đất, là mùa của người gởi tình cho
người. Dẫu cho rằng tình yêu của trời với đất hay của người với người,
giọt mưa đã rơi trên lá, trên hoa, trên cỏ, trên cây à Giọt mưa trên
lá hay giọt tình đọng trên mỗi trái tim, giọt lệ đọng trên mỗi khóe
mắt… “
Xa như là đất xa trời
Còn chưa có lúc nào rời được nhau
Trùng trùng mưa bắc nhịp cầu
Ngàn mây lớp lớp rì rào ru mưa – Đoàn Văn Khánh
Mưa ở đây không còn bình thường là những cơn mưa ngoài trời nữa, mà đã
trở thành mưa trong lòng người. Mưa bấy giờ là những xao xuyến, những
nỗi niềm, những xúc cảm sâu thẳm. Mưa đánh thức những ngủ yên, mưa
khơi dậy những kỷ niệm, mưa dấy động những đều đặn và mưa tạo nên
những biến chuyển trong đời sống. Phải chăng đó chính là lúc một tình
yêu mới chợt đến hay cũng có thể vừa chợt đi!
giọt mưa rơi từ trời
giọt lệ lăn qua mặt
một thơm tho mùi mây
gởi nồng nàn cho đất
một mặn mà của mắt
tìm ngọt ngào của môi – TTSH
Và mưa cứ mỗi năm mưa! Saigon lại bắt đầu mùa mưa bằng một cơn mưa bất
ngờ. Đó là những giây phút bất chợt của trời đất giao hòa, cũng như
những giây phút bất chợt của một cuộc tình, mà con người ai cũng có
một lần bất chợt gặp trong đời mình. Người Tây phương đã dùng các động
từ để diễn tả tình huống bất chợt này rất chính xác:” Fall in love “
hay “ Tomber en amour “. Có ai biết được hay tính toán ra lúc nào sẽ
rơi xuống hố tình để chuẩn bị, để sẵn sàng hay là để trốn tránh đâu!
Mưa rào lớn kèm theo sấm sét thình lình tạo thành mưa giông, cũng như
“ coup de foudre “ là tiếng sét ái tình cũng thình lình giáng xuống!
mưa Sài gòn giọt rơi dường hối hả
ta, từng nhịp tim cũng vội vã hòa theo
em, đã gần hơn hơi hướm của đèn khêu
bấc đã cháy, dầu đã châm, tình đã…- TTSH
Mưa đầu mùa là những cơn mưa cuối mùa hè ở Saigon. Mưa trong màu đỏ
rưng rưng của bao nhiêu chùm phượng vỹ đầu cành. Mưa lất phất làm
duyên cho ánh mắt, nụ cười của những tà áo dài trắng bay bay trong
gió. Mưa tình nhẹ nhàng của những bước chân bồn chồn, lẽo đẽo theo
bóng hình ai khép nép ôm nghiêng tập vở, đẹp mãi mãi trong bài thơ
Ngày xưa Hoàng Thị của thi sỹ Phạm thiên Thư:
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuối vở
Thương ơi vạn thuở
Biết nói chi nguôi
…Hè sang phượng nở
Mà chẳng gặp nhau
Ôi mối tình đầu
Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu
Mà cũng nhòa mau
” Thứ mưa rơi thuở học trò hồn nhiên như sự trở mình của đất ” (Phạm
Quang Ngọc). Mưa đầu mùa Saigon như mối tình của tuổi cắp sách đến
trường, chưa kịp nồng nàn đã vội vụt bay, vừa chớm thiết tha đã rồi
tan vỡ, để suốt đời luyến tiếc nhớ nhung. Đã bao nhiêu mùa mưa trôi
qua mà ta cứ ngỡ mới như ngày hôm qua! Đã xa thật xa cái thời hoa
mộng, mà vẫn như còn chợt ẩn chợt hiện những ký ức vui buồn của một
thoáng tình đầu đã thất lạc theo dòng mưa xuống.
Có thể lớn rồi chúng mình hay quên
Không nhớ hết cơn mưa hồi đi học
Mưa âm thầm vẫn rơi trong tiềm thức
Không biết tên chi gọi đại ” Mưa Học Trò “
… Tay đưa ra ngại ngần tay năm ngón
Không năm ngón ai, tay lạnh thêm hoài
Mong một ngày mưa ướt lại tuổi thơ ngây
Mưa cầm tay, mưa quàng vai chung nón – Trần Kiêu Bạc
Mưa buộc chân người. Mưa làm trễ nải các cuộc hẹn. Mưa gây cản trở lưu
thông trên đường sá. Mưa tạo khó khăn cho những người yêu nhau muốn
gặp nhau…
Mùa mưa đang về giữa Sài Gòn
con đường Tự Do vỡ òa bong bóng
em đi dưới trời mưa
em nhớ anh
em khóc – Trần Mộng Tú
Nhưng cũng nhờ có mưa mà tình yêu có thêm những hương vị ngọt ngào:
Trời mưa lâm râm đủ ướt đôi đầu, đủ để che chung một cái dù, khoác
chung một cái áo mưa; Trời mưa ào ạt cho những lúc bốc đồng đạp xe
song song ngoài phố để cùng ướt đẫm; Trời mưa lất phất để những hàng
me lá ướt rũ, trông như hàng mi đang long lanh ngấn lệ của người yêu;
Trời mưa mênh mang cho tay ấm trong tay, bước nhẹ và rót vào tai nhau
những lời đắm đuối như trong ca khúc ” Tình khúc tháng sáu ” của nhạc
sỹ Ngô Thụy Miên:
Anh muốn cùng mây giăng kín đường về
Gọi tên em, gọi tên em cho mát bờ môi ấy
Hãy nói bằng đôi môi, bằng tiếng rượu nồng
Mình yêu nhau, mình yêu nhau
Dù trời mưa bay, mưa bay…
Trời còn mưa ầm ầm để người ta chạy lật đật tìm chỗ đụt. Mấy ai ở
Saigon mà đã chưa từng một lần nào chạy trốn cơn mưa rào đột ngột!- ”
Vì có ai biết đâu, dưới những mái hiên thành phố đã là nơi tao ngộ của
những tình cảm bất chợt, của những hạnh phúc bất ngờ. Nhờ mưa. “ – TCS
Saigon mà cũng mưa dai
Cho ai được nép vào ai hằng giờ
Cơn mưa ập xuống bất ngờ
Cho anh hạnh phúc tình cờ bên em – Võ Quê
Trong mùa mưa, những cơn mưa thường xảy ra vào những thời khắc khác
nhau của ngày, nhưng thường xuyên và kéo dài nhất là mưa buổi chiều. ”
Chiều là cái không biên giới của ngày và đêm “- (Túy Hồng). Mưa đã xóa
nhòa không gian của trời và đất. Mưa chiều đã xóa nhòa phân cách của
đêm với ngày. Cũng như ở trong trái tim người, mưa chiều cũng đã xóa
nhòa những nỗi buồn sẵn có của buổi chiều để trộn lần với niềm vui.
Saigon chiều thứ bảy, chủ nhật cho dù có mưa, vẫn cứ nhộn nhịp, đông
đúc như thường.
Thời trước, chiều cuối tuần của Saigon là chiều của hẹn hò, của bát
phố. Những rạp xi nê (Rex, Eden), những nhà hàng, những khách sạn,
những vũ trường… nằm trên những con đường chính như Tự Do, Nguyễn Huệ
à được nối dài tới phía chợ Bến Thành bằng con đường Lê Lợi rất rộng.
Hay Trung tâm Saigon được nối dài tới phía hồ Con Rùa bằng con đường
Duy Tân cây dài bóng mát. Khúc đường này có rất nhiều quán cà phê đủ
loại bên đường cho giới sinh viên.
Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
Thứ bẩy Sài Gòn đi Bonard
Guốc cao áo nhỏ mây vào gót
Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ- Nguyên Sa
Mùa mưa cũng là thời điểm thích hợp để nhâm nhi từng ngụm cà phê, tán
dóc với bạn bè trong quán, để ngồi ngắm nhìn màn mưa trắng xóa ngoài
trời, xuyên qua cái ly thủy tinh trong suốt đang đón những giọt cà phê
đang chầm chậm rơi xuống, cũng giống như từng giọt như mưa!
Ngồi trong quán cà phê không đông không vắng chiều mưa, cũng là thời
gian dành riêng cho những cặp tình nhân có những giây phút ấm áp bên
nhau. Họ có thể dùng bất cứ loại nước giải khát nào, chanh đường chẳng
hạn, nhưng mùi cà phê thơm hay mùi tóc ai kia?
Trời mưa – trời mưa – hàng cây xiêu xiêu
co ro đứng co ro tán lá
một nhánh nhỏ nghiêng nghiêng như nhìn vào quán nhỏ
khẽ giật mình…ngắm người ta hôn nhau
Sài gòn cà phê thứ Bảy hẹn hò
cơn bão rớt làm giờ về…triển hạn
tạm quên nhân gian..cặp tình nhân ngồi lì trong quán
(như bàn tay chàng trai đổ lì trên vai ai)
mưa ơi mưa ơi !
sài gòn có lắm khi cũng chả cần nắng nữa
khi người ta đã cố tình lần lữa
một chỗ ngồi cho hai người trong quán cà phê! – BC
“ Tôi không nhớ rõ một tác giả nào đó đã viết rằng, quê hương có nhiều
dòng sông, nhưng chỉ có một dòng sông để thương nhớ, và mỗi người có
thể có nhiều mối tình, nhưng chỉ có một mối tình để mang theo. Có lẽ
vì thế mà có những cơn mưa khó tạnh trong lòng “- Trần Kiêm Đoàn
Em như những giọt mưa rào, bất chợt
Quất xuống đời nhau giây phút chẳng ngờ
Vết tình tôi! Thêm một lần rỉ máu
Em xa rồi! Lòng đâu tạnh cơn mưa – Nguyễn Hải Thảo
Trong cuộc sống, trong mùa vào đời của con người, có thể có những cuộc
tình xuất hiện như các trận mưa với những mức độ khác nhau, rưới mát
lòng ai rồi ra đi, như mưa ngoài trời lâu đến đâu rồi cũng phải tạnh!
Những rung động, những xúc cảm có khi ra đi nhẹ nhàng, chớp nhoáng như
mưa không còn để lại dấu tích gì trên những vùng đất đã khô ráo; Có
khi là những ray rứt, những câm nín, những điều muốn nói nhưng lại
ngại ngần, lặng thinh, để rồi “ mưa lâu thấm đất “, từ ngày này qua
ngày khác, từ mùa này qua mùa khác, trở thành những” nỗi niềm riêng
một đời giấu kín “, làm ướt mãi, ướt hoài, hong cũng chẳng thể nào khô
được trong tâm hồn! Lúc đó, tâm hồn không chỉ gió mưa, mà còn là cả
cơn bão rớt tạt ngang. Bão rớt thường chỉ tình cờ từ đâu ghé lại,
nhưng đã khiến trái tim chùng xuống trong hốc sâu thẳm tận cùng!
Cơn bão một lần qua mau
Mặt đất điêu tàn, tang tóc
Tình yêu một lần qua mau
Con tim nghẹn ngào, đứng khóc
àCơn bão đã qua từ lâu
Trái tim vẫn còn thổn thức
Đêm nay cựa mình thức giấc
Xốn xang chờ bão quay về – VoTrungH
Cuối mùa mưa được nhận biết bằng những cơn mưa bất cứ lúc nào trong
ngày: mưa sáng, mưa trưa, mưa chiều và mưa khuya. Mưa khuya thường kéo
dài mãi đến hôm sau, để trở thành mưa sáng sớm, mưa ban mai của ngày
mới- Mùa của đất trời đi theo vòng tròn, như hết xuân hạ thu đông rồi
lại xuân, như hết mưa rồi nắng, hết nắng rồi mưa tuần hoàn, mưa của
ngàn sau tiếp nối mưa của ngàn xưa!
từ đó là thôi. đã bể dâu
trăng tàn. mưa tạnh. gió thôi xao
chờ hoài tao ngộ mà…chưa thỏa nhớ.
nhẩm tên nhau. mộng đã nhàu…- TTSH
Mùa của con người đi theo đường thẳng – Cuộc sống trôi đi, tuổi thời
gian trôi đi. Sau bao dâu bể, thăng trầm; Sau bao điều đã làm, đã
sống, đã chứng kiến, đã thử thách, đã trải qua…Cuối cùng cũng đến lúc
như lá mùa thu rơi xuống mục ruỗng dưới chân, tình yêu rồi cũng đi
theo phận người trở về với đất!
Chiều nay trời mưa trên tóc nhuộm
Không biết người có sợ tàn phai ?- Nguyễn Tất Nhiên
Mưa … trong nỗi niềm:
Saigon đã bước vào thế kỷ 21 gần tám năm rồi. Đầu thập niên 80, năm
1983, nhạc sỹ TCS có một bài viết tựa đề Mưa bình minh, trong đó có
đoạn như sau :
” Không phải đã từ xưa lắm, chỉ hai mươi năm trước đây, mưa đã không
phải như bây giờ. Mưa xưa ồ ạt, vội vàng. Mưa như tính khí của con
người Nam bộ. Thẳng thắn, rõ ràng, dứt khoát. Trái đất có thể đã già
nua, đâm ra trở chứng. Mưa bây giờ hóa ra rỉ rả, day dứt, để lỡ bao
nhiêu là buổi hẹn. Mưa dài trong đêm, mưa đầy trong ngày. Có thể thế
mà hay. Đêm nghe mưa gõ đều như mõ trên tàu lá chuối, trên tàu lá dừa.
Từ khi đất nước thống nhất, thời tiết hình như cũng bắt chước theo.
Cái lẽ thuận hòa của trời đất và con người biết đâu không phải là cái
lý đương nhiên phải vậy.”
Và khoảng cuối thập niên 70, ông cũng đã có “ tiên đoán “ tình trạng
Saigon sau khi mưa trong ca khúc “ Em còn nhớ hay em đã quên “:
Dưới hiên nhà nước dâng tràn
Phố bỗng là dòng sông uốn quanh
Saigon bây giờ vào mùa mưa, ngập lụt dài dài!!! ” Cả thành phố như
trôi nổi trên những dòng sông “. Chỉ với một trận mưa nhỏ là nhiều nơi
trong thành phố cũng có thể ngập bất cứ lúc nào! Cứ sau một cơn mưa,
Saigon chỉ toàn nước là nước! Nước trên trời, nước dưới đất, chung
quanh nước, dưới chân nước,…Nước lênh láng, nước tràn trề, nước ròng
ròng, nước chảy thành dòng cứ như cả gia đình, bà con, bạn bè của thủy
cung kéo nhau đi dạo trong thành phố!
Saigon đổ nước
tràn cơn mưa cuồng
phố hóa thành sông
chở con thuyền lạ
ta và nỗi nhớ
bềnh bồng trôi theo…- BC
Sài Gòn mùa mưa hình thành những dòng sông mênh mông, sóng nước mênh
mông từ trong hẻm ra tới đường phố! Đâu phải ” Chỉ có thuyền mới hiểu.
Biển mênh mông dường nào ” (Xuân Quỳnh) – Xe bây giờ cũng hiểu: Ngập
mênh mông cỡ nào! Xe lớn lẫn xe nhỏ, không mấy ai còn muốn tà tà đợi
hết mưa, mà trái lại, dù mưa trắng trời trắng đất, xe nào cũng ráng lo
chạy trối chết, như bầy ong vỡ tổ khi nước đang bắt đầu dâng lên từ
các cống bên đường, để trốn nạn kẹt xe, tránh cơ hội biến xe của mình
thành xe lội nước bất đắc dĩ.
Đi giữa trời mưa, mới cảm thấy tủi thân là không có xe hơi để ngồi. Cứ
mỗi lần taxi hay xe bốn bánh chạy qua thì y như rằng kẻ có ít bánh hơn
lãnh đủ chiêu “ mãn thiên hoa vũ “ ấy! Nước tung tóe bắn ra hai bên!
Có người thôi cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, trước sau gì về cũng
phải nhanh chóng giặt bộ đồ đang mặc. Lắm kẻ không dằn được, nghiến
răng chửi vói theo. Đúng là vô vọng, mình chửi mình nghe. Bình thường,
xe hơi đã kín mít máy lạnh khó nghe, trời mưa thì vô phương.
Nhưng cho đến bây giờ, cả xe bốn bánh cũng bắt đầu chịu chung số phận
ngập nửa mình trong nước, cũng khó lòng di chuyển như phần đông xe hai
bánh.(Không chừng ở thế kỷ 21 này, thành phố Saigon phải ra kế hoạch
khắc phục ngập lụt nước mưa bằng cách kêu gọi nhà nhà, người người mua
sẵn ghe, thuyền để di chuyển trong mùa mưa như miệt sông nước miền Tây
hay “ phát động “ phong trào toàn bộ dân chúng Saigon phải học bơi,
biết lội để tự bảo toàn tính mạng của mình !?)
Nạn kẹt xe cuối cùng rồi cũng không thể nào thoát khỏi!!! Đường phố
vẫn không đủ chỗ cho mọi người chen lấn nhau. Cả xe đã phải dắt bộ hay
vẫn còn nổ máy. Ai cũng giành đi giữa đường để tránh ngập nước. Người
người đi theo một hàng dài, đầu đội trời “ xối xả mưa tuôn “ lẫn khói
xăng xe mịt mùng, ngộp thở; Chân lội bì bõm trong dòng nước bẩn đầy
váng xăng dầu, lềnh bềnh rác rến. Lưu thông tắc nghẽn, xe cộ dồn đống,
dồn cục lại, nước bít kín mọi nẻo đường, không lối thoát, nói theo TCS
là tình trạng “ tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận “… Chỉ tội đám
giày dép sau đó trở thành tàu há mõm…
Sài gòn chạy mưa đến cuống cuồng
còn ta ngửa mặt đớp mưa tuôn
nước lẩn xăng dầu cay xé mắt
lan man thần trí,gẫm thêm buồn – BC
Chỉ hơn ba thập niên mà mưa Saigon chỉ còn đẹp đẽ, chỉ còn là nguồn
cảm hứng trong thi ca; Chỉ còn được mong mỏi, chờ đợi trong hoài niệm,
trong ý tưởng mà thôi- Mùa mưa bây giờ là nỗi niềm, là lo lắng, là vất
vả…của hơn sáu triệu dân Saigon hiện nay, họ ngán mưa lắm lắm !!!
” Ôi, tất cả đã khác xưa rồi em ạ! Trời mưa. Mưa nhỏ ngập mắt cá, mưa
vừa ngập đầu gối, mưa lớn ngập quá rốn…Và đi đôi với nó là tình trạng
kẹt xe. Những ngả đường ngập… lúc nhúc xe như “ bầy kiến “ tháo chạy
khỏi cơn hồng thủy. Anh thực sự lo lắng cho những người như chúng ta –
vừa chạy ngập vừa sợ trễ máy bay, trễ giờ đón con, trễ buổi cơm cho
gia đình… phải phó mặc số phận cho ông trời với một niềm mong muốn duy
nhất: nước rút…
Em ạ, anh nhớ rất rõ và anh tin rằng mình đã khám phá ra được “ thủ
phạm “, Chúng có những cái tên dài ngoẵng và hết sức khéo léo như “
Tôi sẽ trả lời khi có báo cáo đầy đủ “, “ Chúng tôi đang xem xét
phương án khác “, “ Đây là vấn đề của tất cả các bên “.… Hoặc những
lời tự bào chữa hết sức thuyết phục “ đầy tính khoa học “ như “ Nguyên
nhân khách quan “, “ Tiến độ chậm “, “ Thiếu sót trong hoạch định “
v.và Nói theo ngôn ngữ tuổi teen bây giờ, là… bó tay cơm!
Tháng sáu này anh sẽ chẳng cất giọng “ Trời không mưa anh cố lạy trời
mưa” như trước nữa, dù vẫn rất yêu em! Anh sợ…” – Tám Điều
Lấp lửng mùa mưa, mây nặng xuống
dong xe ra phố ngó nhân gian
Sài gòn táo tác lăng quăng chạy
có một ta, lững thững tàng tàng – BC
” Mưa làm gián đoạn lưới điện thành phố nhiều nơi. Ở Việt Nam, ngộ một
cái. Hạn quá cũng cúp điện, mà lũ quá cũng cúp điện, mưa quá cũng cúp
điện. Vậy mới đúng nghĩa là thủy điện chớ!
Mưa ào một cái, rác rến bụi bặm trốn mất tiêu. Cả trăm thứ chui tọt
xuống cống, khuất mắt, còn sau đó có làm nghẹt làm tắt chỗ nọ chỗ kia
không thành vấn đề…Ông Cấp Thoát Nước của Sài gòn có công gì thì công,
chắc chắn chẳng thể nào có công trị thủy. Cấp nước thì thiếu, Thoát
nước thì thừa, chỉ chung một cái, là cả hai đều bẩn. Dân tình Sài gòn
riết rồi cũng quen, không còn hơi sức đâu la làng nữa! “- BC
Sài gòn ngập lụt nhanh như gió
tràn trề cống rãnh sóng lô nhô
lềnh bềnh rác chảy mà ta ngỡ
đám lục bình xưa ở chốn quê – BC
” Thế mới biết, việc thoát nước ở thành phố được xem là lớn nhất nước
này vẫn là chuyện muôn thủa. Nói muôn thủa bởi nó cũng có cái lý của
nó. Là dân thành phố, nhiều người vẫn nhớ như in rằng, đã hai chục năm
có lẽ, cứ ” đến hẹn lại lên “, tức trước mùa mưa vài tháng, hầu như
tất cả các đơn vị có liên quan đến chuyện ngập úng đều ” chụm đầu ”
lại để bàn chuyện tiêu nước. Tuy nhiên, bàn thì vẫn bàn, còn chuyện
nước ngập vẫn là chuyện… của nước ” – Cửu Long
Những phần thông tin làm tức, đại loại như sau:
“ TP HCM kẹt xe kéo dài vì triều cường tấn công- Đợt triều dâng cao
vào sáng sớm nay đã làm vỡ bờ bao một số nơi, nước tràn ra đường vào
giờ cao điểm khiến hàng loạt xe chết máy, nhiều tuyến đường ùn tắc
nghiêm trọng. Một bên ngập nước, một bên kẹt xe, giao thông trở nên
hỗn loạn. Hàng chục xe máy liều mình lội nước đã bị chết giữa đường.
Nhiều người dân phải đứng chờ cho đến khi nước rút. Mực nước triều này
sẽ nguy hiểm hơn khi kết hợp với mưa lớn, trong khi Sài Gòn đang vào
cao điểm mùa mưa “
(Triều: mặt nước sông dâng lên từng chu kỳ. Ngôn ngữ bình dân Việt Nam
gọi là con nước lớn (dâng), hoặc nước ròng (xuống thấp, rút đi). Trong
văn chương trước năm 1975 gọi là thủy triều. Cường: mạnh mẽ- Triều
cường: nước dâng đặc biệt mạnh)
“Cơ quan chức năng tại Sài Gòn đang tính đến chuyện trang bị cho người
dân kỹ năng bơi lội vì ngập lụt đô thị đến mức không thể kiểm soát
được, sẽ trầm trọng hơn, có thể đe dọa đến mạng sống con người.”
(VietNamNet 30/06/ 2009).
Nắng mon men chen vàng giữa cơn mưa
tô vàng son hàng me đang tắm gội
trời Sài Gòn có bao điều han hỏi
anh bứt rứt gì sao chưa thốt cùng em?- BC
“ Khi xưa, Sài Gòn cư dân ít, các công trình kiến trúc lưa thưa. Khi
mặt nước sông Sài gòn dâng lên, hoặc gặp mùa mưa với lượng nước đổ
xuống nhiều, kênh rạch và mặt đất với độ thẩm thấu cao sẽ là nơi điều
tiết và rút nước tự nhiên rất tốt, nên sự ảnh hưởng của triều cường
không rõ nét. Ngày nay, đất đai bị chèn kín bởi kiến trúc nhà ở, kể cả
ở những vùng ven khi xưa như Thủ Thiêm dọc bên kia sông Sài gòn, trong
khu nội ô, ngay cả những con đường hẻm cũng được lát bê-tông xi-măng,
nên thoát nước tự nhiên bị tê liệt, gây ngập lụt nhiều nơi là điều dễ
hiểu. Hệ thống thoát nước nhân tạo gần như không trang bị thêm (cống
rãnh) lại bị hư hỏng theo thời gian. Bàn tay con người cũng góp phần
làm hư hỏng trầm trọng thêm, do thói quen xả rác xuống cống công cộng,
nhiều gia đình do thói quen cẩu thả, thuê thầu xây dựng trực tiếp
đường cống thoát của toàn bộ mọi chất thải vào cống công cộng mà không
có hầm tự hoại ba ngăn nên…dần dần, công nhân ngành Vệ sinh có tăng
biên chế lên gấp đôi gấp ba vẫn không thể chu toàn nhiệm vụ ở mức tối
thiểu.
Đó là hậu quả tất yếu do không có một kế sách rõ ràng trong việc xây
dựng và chỉnh trang đô thị của Nhà Nước thời gian qua. Một chính sách
bưng tai bịt mắt (bất kể những cảnh báo của các chuyên gia đô thị, một
số là những chuyên gia quốc tế) trong quy hoạch đô thị đã làm tê liệt
mọi hướng tháo gỡ những trở ngại trước mắt và lâu dài.
Người Pháp, cách đây hằng trăm năm, đã biết hệ thống kênh rạch tự
nhiên của Sài gòn nói riêng (và cả miền Nam nói chung) là một hệ thống
tuyệt vời nhất, họ còn có những kế hoạch bổ sung vào hệ thống đó bằng
những con kênh đào, tiếp nối sự nghiệp của những Thoại Ngọc Hầu, Trịnh
Hoài Đức xưa..
Ngày nay, Nhà Nước lại có những kế hoạch, một số đã được hoàn tất,
triệt bỏ những kênh rạch trong thành phố. Chắc cũng giống như quan
niệm, cái gì không quản lý được là cấm (như Internet, Karaoke, Vũ
trường, Khách sạn…), không kiểm soát được người dân xả rác xuống kênh
rạch, đơn giản là lấp nó đi…
Thời gian gần đây, lác đác đã có những phản biện được cho phép xuất
hiện trên báo chí đối với những quy hoạch đô thị do Nhà nước tiến
hành. Tiếng nói của những chuyên gia được thêm một chút trọng lượng
(dù có khi chỉ được quyền nói như một kiểu xả-xú-páp), người bộ hành
(là người dân) như được thỉnh thoảng uống một ly trà đá trên cái hành
trình băng qua sa mạc của mình…” – BC
Saigon vào mưa nên buổi chiều lầy lội
Cũng như tôi lầy lội tuổi thanh xuân- Nguyễn Liên Châu
Dẫu là những giọt mưa mang đầy những dư vị cay đắng hay ngọt ngào. Dẫu
là những cơn mưa chan chứa buồn vui. Dẫu là những mùa mưa chuyên chở
những kỷ niệm, những ký ức, những giấc mơ … chảy cùng năm tháng, chảy
theo một đời người, chảy dài trong hưng phế thời gian. Dẫu là những
trận mưa đã làm ngập lụt đường sá, úng thủy đất đai. Dẫu là những đời
mưa đã bị giam hãm trong những vùng nước ao tù, những kênh rạch dơ
bẩn… Tất cả những giọt mưa, những cơn mưa, những trận mưa, những đời
mưa, những mùa mưa đó đã từ trời cao lần lượt rơi xuống, để rồi chạm
đất, thấm sâu vào lòng đất, tạo thành những mạch ngầm, những thác
nước… hòa vào những suối sông, để đổ về biển cả mênh mông.
Giọt của mưa
đi từ trời vào đất
Giọt của sông
chăm chăm ra biển khơi
Giọt của đại dương
lại hóa thân về trời
Ta ở đâu
Giữa trăm ngàn giọt ấy? – TTSH
Theo chu trình vận chuyển trong thiên nhiên, nước từ những nơi chứa
như hồ, ao, khe, suối, sông, biển…dưới sức nóng của mặt trời, cùng ảnh
hưởng của gió và độ ẩm, sẽ biến thành hơi nước hòa trong không khí,
rồi ngưng tụ lại thành những giọt nước nhỏ li ti, hay những tinh thể
đá, tập trung ở một chỗ tạo thành mây. Mây gặp lạnh thì các giọt nước
nhỏ trong mây sẽ kết hợp với nhau thành các giọt nước lớn hơn, khi đủ
nặng sẽ thoát ra khỏi đám mây, quay trở lại trái đất dưới các hình
thức như mưa, tuyết, mưa tuyết, mưa đá… Nếu mây không gặp lạnh, các
giọt nước trong mây sẽ chuyển hóa lại thành hơi nước, và các đám mây
sẽ biến mất.
Em từ
hoang dại về chơi
Ta từ
thiên cổ
luân hồi ghé qua
Tình cờ
như hạt mưa sa
Phiêu du nghìn cõi
ta bà gặp nhau- Lưu Nguyễn
Những giọt nước mưa lại từ đó ra đi – Nước mưa tái sinh qua một kiếp
khác, một đời khác, để lại bắt đầu từ những giọt nước khởi thủy trong
sạch, thanh khiết. Biết đâu trong vòng luân lưu của tạo hóa, những
giọt nước mưa tưởng như không có hình dáng cụ thể rơi xuống, đọng lại
ở những lòng vũng, lòng kênh, lòng sông…của Saigon, để đến một lúc nào
đó trở thành những cơn mưa nhẹ nhàng rơi ngoài hiên nhà ở miền Nam
Cali, hiển hiện trước mắt nơi tôi đang sống bây giờ!? Để cho trong mưa
tôi gặp lại những ngày mới lớn ở Saigon. Những ngày Saigon mưa đã dệt
thành ký ức của một thời xưa tưởng chừng xa xôi lắm, để rồi nhớ nhung,
lưu luyến, để rồi trở thành những nỗi niềm ngổn ngang, hư hư thực thực
trong tâm hồn của người xa xứ – “ Thôi thì Saigon cứ mưa! Tôi đang
dưới lũng sương mờ nhớ nhung… Bao nhiêu vụng biển lòng sông, mưa ơi
khuấy đục chi lòng người xa “- (Trần Vấn Lệ). Đến một lúc nào đó, ta
chợt hiểu ngày hôm qua không trở lại bao giờ, cho dù ta có về lại
Saigon tìm lại một thời.


Xuân Phương

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.