Dec 26, 2024

Biên khảo

Lý Bạch: Cuộc đời là rượu-thơ- trăng
Lý Bạch (701 - 762) * đăng lúc 12:48:33 AM, Apr 14, 2015 * Số lần xem: 3198
Hình ảnh
#1

img4656y

Lý Bạch (701-762) là con người có tư chất thông minh, với tay kiếm địch nổi ngàn người, ông luôn mong sau này sẽ trở thành một hiệp khách chân chính, vung kiếm trừ gian cứu vớt thiên hạ khỏi áp bức, lầm than. Ông say mê nghệ thuật, sáng tác thơ nổi tiếng khắp nơi. Một tấm lòng bao dung, rộng lượng. Ông là người thanh tao, liêm khiết, yêu đời, yêu thơ, yêu rượu…

Tửu trung Tiên, Lý Trích Tiên
Lý Thái Bạch hiệu là Thanh Liên Cư sĩ, cháu chín đời vua Lương Vũ Đế. Lý Bạch sinh năm 701, thời đại được xem là thịnh vượng nhất của chế độ phong kiến Trung Hoa. Theo trong cuốn Văn bia đề trên mộ Lý Hàn Lâm (Lý Bạch) của Phạm Truyền Chính thì cuối đời Tùy, gia đình Lý Bạch đã chuyển sang vùng Trung Á, nay thuộc Liên Xô cũ. Đây mới chính là nơi chôn nhau cắt rốn của Lý Bạch, nơi ngôi sao Thái Bạch đã giáng trần.
Tương truyền lúc ông sắp sinh, bà thân mẫu nằm mộng thấy sao Tràng Canh (hay Trường Canh), vì sao này có tên là Thái Bạch nên đặt tên con là Bạch. Sau này ông tự đặt hiệu là Thái Bạch, rồi Tràng Canh; ngoài ra do sinh ở làng Thanh Liên nên cũng lấy hiệu là Thanh Liên cư sĩ. Giới thi nhân bấy giờ thì rất kính nể tài uống rượu làm thơ bẩm sinh, nên gọi Lý Bạch là: Tửu trung Tiên, Lý Trích Tiên…
Khi ông được 5 tuổi, gia đình mới dời đến Tứ Xuyên, một tỉnh miền núi, phường Kỷ Tứ Xuyên có nhiều danh lam thắng cảnh. Mẹ mất sớm nên chỉ còn cha. 14 tuổi Lý Bạch đã tinh thông sử sách, miệng thốt thành thơ. Mười lăm tuổi ông đã thuộc Bách gia chư tử và các loại kỳ thư nhưng nhất định không ứng thí mà chỉ lo học kiếm rồi lên núi cầu Tiên học Đạo.
Tính ông ưa ngâm vịnh, thích tiêu dao nơi non xanh nước biếc và mong ước uống mọi thứ rượu ngon trong đời. Chuyện kể, có một lần khi nghe rượu Ô, Trình ở Hồ Nam rất thơm ngon, ông quyết vượt đường xa đến quán rượu. Ông vừa uống vừa ngâm thơ. Bỗng có quan Tư Mã Cao Diệp đi ngang nghe tiếng cho lính vào quán hỏi. Ông ứng khẩu đọc một bài thơ. Nghe xong, Tư Mã mừng rỡ vô cùng vì biết Lý Trích Tiên ở Tây Thục, người mà ông hằng mến mộ. Ông bèn mời về nhà giữ lại mười ngày uống rượu ngâm thơ. Tư Mã nhắc nhở ông có văn tài nên về Trường An ứng thí lập công danh. Lý Bạch thuận lời, đi ngay Trường An.

Bị trượt thi vì không có tiền lo lót
Khởi đầu, ông làm quen với Học sĩ Hạ Tri Chương. Nhờ văn chương mà hai người thành tri kỷ. Họ Hạ mời ông về nhà và kết nghĩa anh em rồi cùng ngao du sơn thủy, ngâm thơ uống rượu.
Đến kỳ thi, họ Hạ biết ông không tiền lo lót quan trường nên họ Hạ chỉ biên thơ gởi gắm tới chủ khảo Thái sư Dương Quốc Trung, tức anh Dương Quý Phi và giám thị là Thái úy Cao Lực Sĩ. Thư đến hai quan giám khảo là Cao Lực Sĩ và Dương Quốc Trung, hai người này vốn không thích Hạ Tri Chương, nên càng ghét Lý Bạch. Hai ông này cho rằng, họ Hạ đã lấy vàng bạc của Lý Bạch rồi viết thơ nhờ cậy, nên thấy quyển của Lý Bạch là đánh rớt. Lúc chấm thi, thấy hai chữ Lý Bạch, Dương Quốc Trung liền phê: “Người này dốt quá chỉ đáng mài mực cho bọn sĩ tử thôi”. Cao Lực Sĩ phê hùa theo: “Có lẽ chưa đáng mài mực, chỉ đáng cởi giày cho họ thôi”. Rồi đánh hỏng vào bài thi của ông.
Lý Bạch bị hỏng thi nên thề rằng : “Sau này làm nên, quyết bắt Dương Quốc Trung mài mực và Cao Lực Sĩ tháo giày cho hả giận” vì hai ông này chê học Lý không đáng mài mực và tháo giày cho họ.

TTTDT-A (1)

Thần tiên giáng thế
Trong thời thịnh nhất của triều đại nhà Đường, Minh Hoàng tiếp sứ thần Triều Tiên, họ dâng vua một quốc thư rất quan trọng nhưng không một vị đại thần nào đọc được một chữ, vì bức thư này viết ngôn ngữ riêng. Vua nổi giận, các đại thần bàn bạc với nhau, lo sợ cho cái địa vị và cái đầu của mình. Về nhà, Hạ Tri Chương kể lại sự việc.
Lý Bạch tủm tỉm cười rồi ngao ngán nói: Nếu khoa thi trước kia mà không có những bọn gian thần tham nhũng thì ngày nay triều đình đâu có cái nhục đó!
Hạ Tri Chương nghe Thái Bạch nói, giật mình hỏi: Thế ra hiền đệ có thể đọc được chữ của nước Phiên sao ?
Sau đó, Hạ Tri Chương tâu lên vua, xin bệ hạ ra lịnh mời Lý Bạch đến đọc thư chắc được. Minh Hoàng ra lệnh mời ông vào ngay triều. Mới đầu ông từ chối không đọc thư đó được vì mới bị đánh hỏng kỳ thi Hội vừa rồi. Nhà vua an ủi, ban ngay cho ông chức Trạng Nguyên. Vua biết Lý Bạch thích rượu nên truyền ban yến tiệc tại điện Kim Loan. Đến sáng hôm sau, ông còn say. Vua phải tự tay cầm chén yến nóng cho ông quì mà ăn, một lúc sau mới tỉnh. Khi sứ Triều Tiên vào chầu, Lý Bạch cầm phiên thư đọc to không sai một chữ. Ông nói với sứ: “Nhà ngươi là sứ một tiểu quốc lại dám vô lễ với thiên triều, lẽ ra phải xử tội; tuy nhiên, thánh thượng đại lượng bao dung, vậy nhà ngươi hãy phục sẵn dưới thềm để chờ lời phê chiếu”.
Vua đã kê sẵn giường thất bảo, trải nệm gấm, có bày nghiên ngọc bút ngàn, mực long yên, giấy kim hoa để Lý Bạch ngồi thảo chiếu. Nhưng ông trù trừ nên vua hỏi ông còn muốn gì. Lý Bạch tâu:
– Khoa thi vừa qua, hạ thần bị quan chủ khảo Dương Quốc Trung và  quan giám thị Cao Lực Sĩ cố tình đánh hỏng. Nay thấy hai người ấy, hạ thần nhớ đến cái nhục nên khó viết thành văn. Vậy, xin bệ hạ gia ân, truyền cho Dương Quốc Trung mài mực, Cao Lực Sĩ tháo giày cho hạ thần thì hạ thần thảo chiếu mới hay.
Vua Huyền Tôn nghe qua sửng sốt, nhưng không biết phải làm sao, đành truyền chỉ bắt Dương Quốc Trung mài mực, Cao Lực Sĩ tháo giày cho Lý Bạch. Hai người này tự biết không thể cãi lịnh đành phải cúi đầu trơ mặt tuân hành trước văn ban võ bá.
Lý Bạch đắc í, ngạo nghễ ngồi trên cẩm đôn, một tay vuốt râu, một tay múa bút. Thảo xong tờ chiếu, Lý Bạch đứng lên long án. Vua Huyền Tôn thấy tự tích không khác gì bức thư của Phiên bang, tuy không nói ra nhưng rất hài lòng, nghĩ thầm: “Con người tài cao học rộng như vầy, dẫu ta có bắt Thái sư mài mực, Thái úy tháo giày cũng là việc phải”.
Khi ra khỏi cửa Ngọ môn, sứ thần hỏi Hạ Tri Chương về Lý Bạch. Họ Hạ đáp “Đó là một vị Thần Tiên giáng trần để giúp vua Đường nên các đại thần phải hầu hạ”. Nhờ câu nói đó, mà vua Phiên thần phục triều cống như trước.

Mối tình tài tử giai nhân và oanh nghiệt

Từ đây, vua càng quí trọng Lý Bạch, muốn ban cho quyền cao chức trọng, vàng bạc gấm vóc nhưng ông đều từ chối. Một hôm, ông đang cưỡi ngựa ngao du, bỗng gặp một toán lính giải tên tử tù. Ông hỏi ra mới biết là Võ quan ở biên giới là Quách Tử Nghi. Ông thấy Nghi diện mạo khác thường, nghĩ Nghi sẽ giúp cho nước về sau, nên xin vua tha tội chết cho Nghi.
Trong cung nhà Đường có trồng được bốn màu hoa mộc thược dược sắc đẹp hương thơm. Vua và Dương Quí Phi ra đình Trầm Hương thưởng ngoạn. Vua sai nhạc trưởng Lý Qui Niên tìm Lý Bạch để đặt bài hát mới. Khi đến quán rượu, Niên thấy ông say mềm nhưng còn hát nghêu ngao.
Lý Qui Niên không sao mời được, phải đỡ ông nằm trên lưng ngựa và đưa vào lầu Ngũ Phượng. Chính vua phải cầm khăn chùi dãi cho Lý Bạch, rồi sai cung nữ vẩy nước lạnh vào mặt cho ông tỉnh lại. Vâng lệnh vua, ông viết một mạch ba bài theo khúc hát Thanh bình điệu. Lý Bạch viết xong dâng lên, Huyền Tôn xem thấy tình ý tuyệt trần, trong lòng phơi phới, truyền cho Lý Quy Niên theo điệu mà hát. Quý Phi lạy tạ Ơn vua đã chiếu cố đến mình.
Huyền Tôn nói :
– Không phải tạ ơn trẫm, khanh nên tạ ơn Học sĩ mới phải.
Quý Phi lấy ve vàng chén ngọc rót đầy ly rượu, sai cung nữ đưa mời Lý Bạch.
Từ đó trong cung lúc nào có yến tiệc cũng mời Lý Bạch đến. Quý Phi yêu mến Lý Bạch khác thường, mối tình tài tử giai nhân chớm nở cũng như sợi dây oan nghiệt nghìn đời ràng buộc mãi với kiếp người tài hoa.
Lẽ ra có thể làm đổ nước nghiêng thành đi được, song Lý Bạch lại là người chỉ thích có rượu thơ, đâu có tham vọng những mùi vinh hoa phú quý. Nhà thi sĩ tài hoa kia lạnh nhạt trước mối tình thầm kín của Quý Phi. Còn Quý Phi yêu mà không được người ta yêu lại, bực tức đến nỗi sanh ra thù oán. Sự đời là thế, chữ yêu đổi ra chữ oán không mấy hồi.

Lúc bấy giờ trong triều có Cao Lực Sĩ là hạng rắn độc, trong lòng ấp ủ mối thù với Lý Bạch bắt y tháo giày thuở nọ, nên thăm dò biết được mối tình tuyệt vọng của Đào Quý Phi có thể dùng làm lợi khí cho hắn phun độc dược, liền thừa cơ hội ấy dèm pha rằng: “Khả lân Phi Yến ỷ tân trang” là ám chỉ Triệu Phi Yến là Hoàng hậu vua Hán mà còn tư thông với Yên Xích Phượng (giống như Dương Quý Phi tư thông với An Lộc Sơn). Vậy đem Nương Nương mà ví với Phi Yến là chê bai chớ không ca ngợi”. (Thuở ấy Quý Phi có nuôi An Lộc Sơn làm con nuôi trong tư cung. An Lộc Sơn với Quý Phi ngang tuổi nhau, thế mà Quý Phi ngày hai ba lần thân hành tắm rửa cho đứa “con cưng” ấy trước mặt vua Huyền Tôn, mà vua Huyền Tôn cũng không nói gì cả. Như thế, Quý Phi còn tệ hơn nàng Phi Yến thuở trước).
Dương Quý Phi chột ý sinh giận Lý Bạch nên tâu với vua không dùng họ Lý nữa. Biết vậy, Lý Bạch cáo về, vua không cho. Thời gian ở lại trong triều ông chỉ làm bạn với 7 người trong đó Hạ Tri Chương, Lý Thích Chi… người đời thường gọi là tám ông tiên rượu. Vua biết ý nên cho ông về và ban một thẻ bài bằng vàng ghi câu: “Lý Bạch đến đâu, cần tiền rượu thì được phép vào kho ở đó mà lãnh”. Và nhiều vàng bạc, phẩm vật quí giá khác. Ông lạy tạ vua ra đi.
Lý Bạch đi rồi, Hạ Tri Chương cảm thấy lòng mình hiu quạnh như mất một cái gì không bao giờ còn tìm thấy nữa. Có lẽ trong đời nghệ sĩ của Lý Bạch, chỉ có Hạ Tri Chương là người yêu Bạch nhất. Trên đường về, tuy Bạch cảm thấy vui với cỏ nội, mây ngàn, tìm lại những cái gì xa xưa đã mờ khuất, song cũng không khỏi bồi hồi, nhớ đến Hạ Tri Chương, một người bạn tâm giao, cảm nghĩa cùng nhau nhưng yêu nhau không trọn. Hạ Tri Chương và cả bợm rượu đều đưa Lý Bạch ngoài trăm dặm, vừa đi vừa uống rượu vừa viết đến hơn trăm bài thơ tống biệt mà vẫn chưa cạn tâm tình.

Bắt trăng về cõi thiên thu…
Khi An Lộc Sơn nổi loạn, vua chạy vào ba Thục, Hoàng thân Vĩnh Vương Lân lấy Trường An, tự xưng Hoàng đế và triệu Lý Bạch ra giúp sức. Sau con trưởng Đường Minh Hoàng nối ngôi cha, sai Quách Tử Nghi đánh Vĩnh Vương Lân, Lân tự tử. Lý Bạch chạy đến bến Tầm Dương thì bị bắt nộp cho Quách Tử Nghi. Nghi trông thấy vội vàng cởi trói, mời ngồi rồi sụp lạy tạ ơn cứu mạng trước kia. Đồng thời, Nghi thảo tờ sớ dâng về triều xin tha tội cho Lý Bạch. Vua Túc Tôn cho Lý Bạch làm tả thập dai nhưng ông từ chối.

27868273

Sau đó, Lý Bạch từ biệt Quách Tử Nghi lênh đênh trên sông nước với bầu rượu túi thơ. Một đêm, thuyền đậu trên bến Thái Thạch, thuộc Kim Lăng, trăng sáng vằng vặc, Lý Bạch ngồi trước mũi thuyền uống rượu thật say. Trên trời có tiếng đàn vang dội, dưới sông lấp lánh ánh trăng. Thấy trăng in đáy nước đẹp quá, liền nhảy xuống với bắt trăng mà chết đuối.
Nơi đó có một cái đài, người sau đặt tên là Tróc nguyệt đài (Đài bắt trăng). Chuyện này được Đỗ Phủ, Vương Định Bảo, Hồng Dung Trai ghi lại.
Lý Bạch làm hơn 20.000 bài thơ cả thảy, nhưng làm bài nào vứt bài đó, nên được biết tới là nhờ dân gian ghi chép hơn cả. Sau loạn An Lộc Sơn thì mất rất nhiều. Đến khi ông mất năm 762 thì người anh họ Lý Dương Lân thu thập lại, thấy chỉ còn không tới 1/10 so với người ta truyền tụng. Sang năm 1080, Sung Minh Chiu người Hàn Quốc mới gom góp lại tập thơ Lý Bạch, gồm 1800 bài.
Đến nay thì thơ Lý Bạch còn trên dưới 1000 bài, bài nào cũng được đánh giá rất cao, nhưng nổi tiếng trong dân gian thì có: Tương tiến tửu (Sắp mời rượu), Hiệp khách hành (Bài ca người hiệp khách), Thanh bình điệu, Hành lộ nan (Đường đi khó)…

                                                                                                                  Phùng Bình


 


 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.