Truyện cổ tích - Dân gian
Của Thiên trả Địa
Webmaster * đăng lúc 02:52:49 PM, Jul 02, 2008 * Số lần xem: 2990
Ngày xưa, có hai anh chàng Thiên và Địa, cày thuê cuốc mướn cùng một làng. Họ giống nhau ở chỗ, anh nào anh ấy đều nghèo rớt mùng tơi và đều mồ côi cha mẹ, nhưng Thiên sáng dạ, bảo gì hiểu nấy.
Một hôm Địa bảo hắn:
- Nếu chúng ta ccùng như thế này cả thì không bao giờ mới cất đầu lên được. Sẵn anh là người có khiếu thông minh, nếu được học hành chắc ngày sau sẽ thi đậu được làm quan to. Vậy từ nay anh đừng đi làm nữa, tôi sẽ cố sức làm thêm để lấy tiền nuôi anh ăn học. Lúc nào anh làm nên, đôi ta sẽ chung hưởng phú quý.
Thiên nhận lời nhưng Địa còn dặn:
- Lúc nào hiển đạt anh đừng có quên tôi nhé!
Rồi từ đó Địa trần lực đêm ngày làm thuê để nuôi bạn. Thấy Thiên học mỗi ngày mỗi tiến, anh chàng lại càng hăng làm việc không quản gì cả.
Cứ như thế sau mười năm đèn sách, Thiên đậu khoa thi Hương rồi vào thi đậu luôn trạng nguyên.
Hắn được nhà vua bổ làm quan to, có kẻ hạ người hầu đông đúc, có dinh thự nguy nga được mọi người trọng vọng.
Được tin Địa rất sung sướng, lập tức anh chàng đem trâu và cày về trả cho chủ, rồi anh bán phăng cái nhà, lấy một số tiền mua đồ lễ tìm vào dinh bạn.
Địa có ngờ đâu, khi đến nơi thì Thiên đã thay lòng đổi dạ không muốn nhận lại bạn cũ nữa. Hắn dặn quân canh cấm cửa không cho Địa vào. Địa bị đuổi, tủi thân lủi thủi ra về.
Vừa đến bờ sông anh chàng ngồi lại nước mắt rơi lã chã, nghĩ đến lòng người đen bạc, số phận hẫm hiu, vả bây giờ về làng cũng không biết ở vào đâu nữa vì nhà đã bán rồi...
Cảm động, Bụt hiện lên giả làm một người khách qua đường, đứng lại hỏi anh:
- Con làm sao mà khóc?
Địa kể lể đầu đuôi cho Bụt nghe. Bụt bèn hóa phép cho anh một chiếc đò và dặn:
- Con cứ ở đấy chở khách qua lại trên sông này cũng đủ ăn, không phải đi làm thuê nữa.
Địa nghe lời, ở lại đó làm nghề chống đò ngang, nhưng anh chàng chỉ kiếm vừa đủ nuôi miệng, không để dành được đồng tiền nào, cho đến ngày giỗ cha chẳng biết lấy gì mà cúng.
Chiều hôm ấy, sau khi chở cho mấy người khách sang bờ bên kia, Địa vừa chèo về đến nửa sông lại nghe có tiếng gọi đò, anh quay đò trở lại, khách là người đàn bà còn trẻ tuổi và xinh đẹp.
Thấy đã nhá nhem, người đàn bà nói với Địa:
- Trời đã tối mà đường còn xa, anh làm ơn cho tôi nghỉ nhờ một đêm.
Nhà Địa là một túp lều bên sông, trong nhà chỉ có một cái chõng, nhưng anh cũng nhường cho người đàn bà ấy nằm.
Thấy Địa toan đi kiếm một nơi khác ngủ, người đàn bà bỗng hỏi anh:
- Anh đã có vợ chưa?
Địa trả lời:
- Chưa!
- Tôi xin làm vợ anh.
Địa rất ngạc nhiên và bỡ ngỡ, không biết trả lời lại thế nào cả. Nàng lại nói:
- Tôi là người trên cung tiên. Trời thấy anh là người tử tế mà chịu khổ, chịu sở đã nhiều nên cho tôi xuống giúp anh sung sướng.
Nói rồi nàng hóa phép biến túp lều bên bờ sông thành một dinh cơ rất đẹp: Nhà ngói, hành lang, sân gạch trong nhà đồ dùng thức đựng đầy đủ, kẻ hạ người hầu từng đoàn.
Địa vừa kinh lạ vừa sung sướng. Nàng tiên lại hóa phép làm ra cỗ bàn linh đình để cho chàng làm giỗ cúng cha.
Sáng hôm sau, nàng tiên bảo Địa hãy mặc đồ gấm vóc, ngồi kiệu đến mời Thiên sang nhà mình ăn giỗ.
Lần này Địa được Thiên tiếp đãi có phần tư tế�. Nhưng khi nghe nói đến mời ăn giỗ, hắn bĩu môi bảo Địa:
Muốn ta tới chơi thì hãy trải chiếu hoa từ đây tới nhà, ta sẽ đến.
Địa về kể lại cho vợ nghe, nàng tiên lại hóa phép thành chiếu hao trải một đoạn đường dài từ nhà mình đến dinh Thiên ở.
Thiên không ngờ trong thời gian vừa qua, Địa cũng trở nên giàu có lớn, mới đến xem cho biết sự tình. Đến nơi hắn rất lấy làm lạ khi thấy nhà cửa và mọi thứ đồ đạc của Địa ít có một nhà nào bì kịp. Khi ăn giỗ, vợ Địa thân hành ra mời rượu.
Thấy nàng đẹp quá, Thiên đâm ra ganh tị với hạnh phúc của Địa, rượu say hắn nói:
- Chú đổi vợ chú cùng cơ nghiệp này cho tôi thì tôi nhường chức quan cùng dinh cơ của tôi cho chú.
Không bao giờ Địa lại muốn thế, nhưng nàng tiên bảo nhỏ xui Địa bằng lòng. Hai bên cùng làm tờ giao ước, thế rồi sau đó Địa lên võng về dinh.
Còn Thiên sau rượu nằm ngủ một giấc li bì, nhưng đến sáng hôm sau, khi bừng mắt tỉnh dậy, hắn ngơ ngác thấy mình nằm ở giữa một túp lều bên sông. Người vợ đẹp cùng dinh cơ của hắn ngày hôm qua đã biến đâu mất cả.
Từ đó, hắn làm nghề chống đò thay Địa, còn Địa hóa ra thông minh, khôn ngoan làm quan sung sướng mãi.
Ngày nay, câu nói "Của Thiên trả Địa" là do sự tích ở trên mà có.
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng
login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin
ghi danh.