Jan 14, 2025

Viết về tác giả & tác phẩm

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang Tạ Thế
Trần Trung Thuần * đăng lúc 10:41:15 AM, Mar 29, 2011 * Số lần xem: 16974
Hình ảnh
#1

 
Trần Trung Thuần
 
 
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang không còn nữa!  Ông đã thở hơi cuối cùng lúc hơn 4 giờ sáng ngày Chúa Nhật 27 tháng 3 năm 2011, tại California, Mỹ, sau sáu mươi tám năm sống trên cõi đời này ông thật sự ra đi vĩnh viễn!
 
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang nguyên quán tỉnh Sơn Tây, sinh năm 1944.  Mười năm sau đó, ông mới mười tuổi, Hiệp Định Genève ký kết giữa Pháp và Việt Minh, trước sự chứng kiến của Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Cộng, ngày 20 tháng 7 năm 1954, một cõi đời mới phải chọn lựa, ở với Cộng Sản Việt Minh miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) hay vào Nam với Quốc Gia (Quốc Gia Việt Nam/Việt Nam Cộng Hòa).  Gần triệu người miền Bắc đã bỏ miền Bắc, trong đó có gia đình Nguyễn Đức Quang, vào Nam, bằng đủ thứ phương tiện, máy bay của hãng Cosara, xe lửa Bắc Nam…và tàu thủy của Mỹ, của Pháp.  Với tuổi lên mười, Nguyễn Đức Quang theo cha mẹ lên đường…Qua các trại tạm cư cho đồng bào di cư ở duyên hải Trung Phần, gần bốn năm, gia đình Nguyễn Đức Quang dời lên Đà Lạt sinh cơ lập nghiệp, xây dựng “bền vững” một cuộc sống mới.
 
Năm đó là năm 1958.  Cậu học trò bé bỏng nhưng thông minh đỉnh ngộ được nhận vào trường Nam Trung Học Trần Hưng Đạo.  Nguyễn Đức Quang học giỏi, chăm chỉ và lấy dễ dàng các bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài I, Tú Tài II và đi thẳng vào trường Chánh Trị Kinh Doanh của Giáo Sư Phó Bá Long thành lập, mượn cơ sở Viện Đại Học Đà Lạt làm giảng đường.  Nguyễn Đức Quang là sinh viên ngay từ khóa I và sau bốn năm học tập Nguyễn Đức Quang cầm trong tay mảnh bằng tốt nghiệp…để đi làm!  Văn bằng tốt nghiệp Chánh Trị Kinh Doanh được Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa công nhận tương đương với Văn Bằng Cử Nhân Đại Học Quốc Gia.  Ở đây, tôi cũng xin bạn đọc để ý:  tên trường là Trường Chánh Trị Kinh Doanh.  Chữ Chánh có nghĩa là Công Việc, Việc Làm, chữ Pháp là Travail, chữ Chánh này giống như chữ Chánh của Trường Quốc Gia Hành Chánh, Bộ Tài Chánh, Bộ Giao Thông Công Chánh.  Sau năm 1975, trong nước coi chữ Chánh và chữ Chính giống nhau nên chúng ta cứ hay nói lộn trường Chánh Trị Kinh Doanh ra trường Chính Trị Kinh Doanh.  Để xác định từ ngữ này, tôi xin nhắc lại đây câu tuyên bố của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn văn Thiệu, năm 1972, nói với Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ, Kissinger khi ông này muốn Việt Nam Cộng Hòa chịu “lép vế” Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Miền Nam Việt Nam, bằng lòng ký vào bản Hiệp Định Ngưng Bắn tại Paris, Pháp, để quân đội Mỹ rút về trong-danh-dự và miền Nam có hòa bình.  Hiệp Định Paris kéo dài dây dưa từ năm 1968 đến năm 1972.  Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không vui vẻ gì khi nghe Kissinger phán, ông nói thẳng thừng: “Chúng tôi muốn có Hòa Bình nhưng phải là Một Nền Hòa Bình Công Chính”, đấy, hai chữ Công Chính và Công Chánh rõ ràng là không đồng nghĩa.  Nếu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói:  “Chúng tôi muốn có Hòa Bình nhưng phải là Một Nền Hòa Bình Công Chánh”, nghe thật buồn cười, thời đó Công Chánh đồng nghĩa với Lục Lộ/Làm Đường Sá Trên Đất Liền.  Giáo Sư Phó Bá Long rất tinh tế trong việc dùng chữ…và chính chữ ông dùng cũng nhằm mục đích “đánh lừa” sinh viên :  “Ai đời học bốn năm mà không viết đúng tên trường mình học!”.   Hiệp Định Paris được bốn bên, Việt Nam Cộng Hòa, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, Bắc Việt và Mỹ ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973, tạo ra một bước ngoặt mới cho đất nước và dân tộc ta, đi đến chỗ miền Nam lọt trụm lũm vào tay quân miền Bắc ngày 30 tháng 4 năm 1975!  Ngày đó, ai ở miền Nam cũng đổi đời…
 
Bây giờ trở lại với bản tin về sự từ trần của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang.  Ông nằm bệnh viện khá lâu, cũng hơn một tháng, phòng cấp cứu.  Ông bị té và bại liệt não.  Ông ở suốt trong phòng coma/hồi sức và các bác sĩ chuyên khoa tài giỏi đều không chữa trị được!  Tại đây, hơn một tuần lễ sau, người ta cũng đưa vào một người để cấp cứu, người đó quen biết Nguyễn Đức Quang, cũng ở Đà Lạt, cô giáo Đỗ Thị Tiến, dạy tại trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân có chồng là Giáo Sư Nguyễn Đình Cường dạy tại trường Nam Trung Học Trần Hưng Đạo, trường của Nguyễn Đức Quang từng theo học.  Cô Giáo Đỗ Thị Tiến được định bệnh nhanh chóng và nằm tại phòng coma chỉ hai ngày rồi phải đưa về nhà…chờ năm ngày sau thì mất!  Tất cả sững sờ trong đau đớn, ngày nào tôi từng gặp Nguyễn Đức Quang tại nhà anh chị Nguyễn Đình Cường, ngày nào chúng tôi họp mặt nhau chào mừng Giáo Sư Tạ Tất Thắng đến Mỹ dạy tại Đại Học Alabama trong chương trình trao đổi về giáo dục giữa hai nước Việt Nam và Mỹ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và anh chị Nguyễn Đình Cường luôn luôn chuyện trò thân thiết…thế mà ngỡ ngàng chưa, người đến sau đi trước, người đến trước ngoắc ngoải đớn đau rồi đi sau gần nửa tháng!  Họ sẽ gặp nhau hay không gặp nhau?  Người thì được chồng con chôn cất (chị Đỗ Thị Tiến), người thì sẽ hỏa thiêu ( nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang) vào ngày 4 tháng Tư này.  Tôi cùng dạy chung một trường với chị Đỗ Thị Tiến, tôi đã không cầm nước mắt đươc.  Nay, tiếp nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, thêm một lần nữa lệ tuôn.  Buồn ơi!  Mới hôm nào, hai tháng trước đây thôi, Nguyễn Đức Quang vào quán Lan Hương của anh Hào Đà Lạt ăn dĩa phở xào, anh ngồi chung bàn với tôi và anh Nguyễn Đăng Sửu.  Anh vạm vỡ, hồng hào, đẹp trai, nói cười vui lắm…Anh mới về Việt Nam qua lại, anh có về thăm Đà Lạt, anh lạc quan một ngày hồi hương khi nước nhà tươi sáng thật sự.  Anh tin tưởng.  Và anh rất yêu đời.  Bà xã anh mất gần hai năm rồi, nỗi buồn trơ trọi của anh hình như có phần nguôi ngoai.  Tôi nhìn anh ăn uống ngon lành.  Anh sung sức lắm.  Anh nói chuyện gì cũng có tiếng cười.  Ăn phở xong anh còn uống với chúng tôi một ly cà phê đá đen.  Màu cà phê sóng sánh.  Màu tóc anh cũng sóng sánh.  Anh như người hồi xuân và tràn trề nhựa sống!
 
Vậy mà…anh đi rồi!  Anh đi lúc 4 giờ hơn sáng sớm ngày 27 tháng 3 năm 2011.  Tôi hét to cách nào, anh cũng không nghe nữa dù lúc anh ra đi thành phố chưa thức dậy để có xe cộ ồn ào…
 
*
 
Nguyễn Đức Quang ra đi để lại rất nhiều tiếc nhớ.  Tiếc anh còn nhiều công trình dang dở, nhớ anh một người tài hoa, một tấm gương sáng trong sự học hành, nhớ anh nhất là dòng nhạc oai hùng mà êm ả, sáng trưng trong từng lời từng nhịp sáng tác cho Hướng Đạo Việt Nam, sáng tác cho Phong Trào Du Ca làm nức lòng người yêu thêm Tổ Quốc.
 
Có thể nói sơ lược “hành trình văn hóa” của Nguyễn Đức Quang như sau:
 
1, Tác phẩm đầu tay làm ra từ năm 1961 tại Đà Lạt (nơi anh gia nhập Hướng Đạo Việt Nam), bản nhạc này anh làm để làm “nền” cho Hướng Đạo:  Gươm Thiêng Hào Kiệt.
2, Nguyễn Đức Quang chính thức “nổi đình đám” kể từ sau cuộc chính biến 1963 (Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết chết, sụp đổ chế độ Công Hòa Việt Nam đệ nhất).  Nguyễn Đức Quang “dấn thân” hẳn vào cuộc đổi thay của thời cuộc, anh sáng tác những tác phẩm mang chủ đề thanh niên và những vấn đề nóng bỏng của đất nước.  Nội dung những nhạc phẩm của Nguyễn Đức Quang có điểm ngộ là không kếu gọi Thù-Báo-Thù mà chỉ thôi thúc Tình Yêu Nước, Tình Nghĩa Người Với Người, Ca Ngợi Lịch Sử Hào Hùng của Dân Tộc.  Có thể vì anh nặng lòng với Đà Lạt – một thành phố hiền hòa, mát mẻ, người đối xử nhau dịu dàng, thân ái…
 
 Bản nhạc “để đời” của Nguyễn Đức Quang là Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.  Sau 30 tháng 4 năm 1975, các trại Cải Tạo thiết lập bởi chế độ mới, nhạc Nguyễn Đức Quang không bị xếp vào loại “nhạc vàng” mà được cho hát vang bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.  Nhiều bài hát của Phạm Thế Mỹ, của Phạm Đình Chương cũng vậy.  Đặc biệt nhạc Trịnh Công Sơn thì không được nói đến!
 
3, Các bản nhạc nổi tiếng khác của Nguyễn Đức Quang thường được nhắc đến (chính tác giả cũng thường tự trình bày trong các cuộc hội ngộ anh em):  Bên Kia Sông, Chiều Qua Tuy Hòa, Vì Tôi Là Linh Mục, Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương.  Nguyễn Đức Quang sáng tác không “mạnh” lắm, chỉ trên dưới một trăm bài…
 
4,  Sau 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Đức Quang sống âm thầm và cũng âm thầm trốn khỏi đất nước.  Anh và gia đình vượt biển, tới Mỹ năm 1979.  Nguyễn Đức Quang chúi mũi vào việc kiếm sống.  Việc anh quan tâm là làm báo.  Anh đóng góp tài lực, trí lực cùng với bạn bè dựng ra báo Người Việt, ban đầu là tuần báo, sau đó ra năm tờ mỗi tuần và cuối cùng là nhật báo cho đến ngày nay.  Nguyễn Đức Quang từng làm Giám Đốc Trị Sự và Chủ Bút báo Người Việt và giữ chức Tổng Giám Đốc của Công Ty báo Người Việt từ năm 1984 đến năm 1988.  Hình như ở Mỹ, Nguyễn Đức Quang coi âm nhạc như kỷ niệm, anh tha thiết với ngành Thông Tin Đại Chúng hơn (bây giờ thì gọi chung là Truyền Thông).  Nguyễn Đức Quang sáng lập báo Viễn Đông và “làm chủ” báo này một thời gian cho đến khi nó vững vàng đi vào thương trường chữ nghĩa. Nguyễn Đức Quang hợp tác với Phạm Phú Minh, Phan Mỹ Sương dựng ra Công Ty Báo Chí Quang Minh Sương viết tắt là QMS Media, xuất bản báo Phụ Nữ Diễn Đàn, Chí Linh và đài Phát Thanh/Truyền Hình VOC..  Chừng ba năm gần đây, Nguyễn Đức Quang trở về lại với âm nhạc.  Anh đi đây đi đó hát Du Ca.  Anh đang vui vẻ thì bà xã anh bị bệnh và mất, đã gần hai năm nay.  Nguyễn Đức Quang gần như đứng chựng trong chặng sau của đời người, nhưng nhờ tình anh em bằng hữu, tình quyến luyến của Hướng Đạo, Nguyễn Đức Quang lại…hồi sức và đang có nhiều dự định cho tương lai, tập trung cho âm nhạc.  Trời không thương anh nữa, anh ra đi vào một ngày Chúa Nhật không ai hẹn hò…Ngày đó, 27 tháng 3, 2011.  Giờ đó 4 giờ hơn giờ Thái Bình Dương!
 
Trong buổi chiều 27 tháng 3, 2011, tại nhà hàng Emral Bay, thành phố Santa Ana, Nam California, lúc 3 giờ 30, một nhóm thân hữu của Nguyễn Đức Quang có tổ chức “Chiều Nhạc Du Ca Nguyễn Đức Quang”, một chương trình dự trù thực hiện để “cầu an” cho anh nhưng không dè đó là chương trình dành để nói lên những lời vĩnh biệt.  Tại đây Hội Hướng Đạo Việt Nam trao cho anh Huân Chương Bắc Đẩu Bội Tinh – một Huân Chương Cao Quý Nhất của Hội Hướng Đạo Việt Nam trao tặng cho người Trưởng có công lớn trong việc gìn giữ và xây dựng một Phương Pháp Giáo Dục Thanh Thiếu Niên.  Huân chương đó được trao cho…người nhận là con trai của Nguyễn Đức Quang.  Được biết Nguyễn Đức Quang từng gia nhập Hướng Đạo Việt Nam từ năm 1966, anh sinh hoạt rất đều đặn và đắc lực khi lên định cư tại Đà Lạt.  Nguyễn Đức Quang đã là Trưởng và là Linh Hồn của Liên Đoàn Lê Lợi.  Chắc anh mãn nguyện…Ít ra sống ở đời, mình cũng đã làm-được-chuyện-gì-ích-lợi cho đời.
 
*
 
Nguyễn Đức Quang ra đi khi thành phố chưa thức dậy.  Anh ra đi nhẹ nhàng và tan theo sương khói.  Kính chào anh!  Tôi vẫn ngậm ngùi nhớ lại lần gặp anh cuối cùng tại một quán ăn có uống…Cái bắt tay nồng ấm, bây giờ lạnh ngắt!
 
Vĩnh biệt chào Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang!
 
Trần Trung Thuần

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.