Dec 26, 2024

Tùy bút - Bút ký

Thư gửi người bạn thơ
Nguyễn Bá Trạc * đăng lúc 02:43:07 AM, Feb 23, 2017 * Số lần xem: 2051
Hình ảnh
#1

» Tác giả: nguyễn bá trạc
» Dịch giả:
» Thể lọai:
biên khảo
» Số lần xem: 15041

 

 
 

1. Thư gửi người bạn thơ

San Jose, 15 tháng 5, 1987 

    Anh Nguyên,
    Anh có biết từ khi nào một người trở thành thi sĩ? Câu trả lời lãng mạn và dễ dãi: Từ khi người ấy đưa mắt lên nhìn trời sao, tay gãi cằm và .....trong trái tim phát ra một điệu nhạc dịu dàng. Hoặc giận dữ. Hoặc nhỏ nước mắt buồn bã, đau thương. Cô quạnh, bùi ngùi. Bất cứ lúc nào nào điệu nhạc ấy, những cảm xúc ấy làm rung động bên trong, vùng vẫy truyền ra bên ngoài, trong khoảnh khắc, anh ta trở thành thi sĩ.
    Còn một câu trả lời khác - khó khăn hơn, nghiêm khắc hơn - cho một thi sĩ trọn vẹn, đích thực hơn. Ðó là: Từ khi người ấy dám kết hôn với thơ. Chỉ với thơ thôi, không với ai khác. Dẫu thế giới chung quanh tràn ngập những người đàn bà đẹp (cái cẳng dài, đôi mắt chớp chớp đầy mộng mơ), hắn cũng chỉ yêu thơ hơn hết thẩy. Mà thôi.
    Thế thơ là gì? Cũng là một người đàn bà đẹp chăng? Vâng, đúng vậy. Cũng có thể là một người đàn ông đẹp. Cái đẹp ấy, dĩ nhiên nó chủ quan. Có nhiều người đắm đuối yêu một người như tôi hay như anh. Ðiều ấy đã chết ai?
    Hình thức của thơ có thể xếp theo hình quả trám, hình vuông, bực thang hay vòng tròn. Có thể ầm ầm như nhạc Rock hay cò ke như cái đàn gáo. Có thể hững hờ suối chảy mây bay. Quan trọng là cái gì trong trái tim mà điệu nhạc đã phát ra kìa?
    Nó đau đớn trước quê hương đất nước? Ưu phiền trước thảm kịch? Êm ả hoà bình? Lồng lộn như chiến tranh? Rộng rãi, cao cả như bầu trời? Thế nào cũng được, nếu nó đến thành thật như sự giản dị của tâm hồn.
    Hãy chỉ cho tôi biết người yêu của anh thế nào, tôi sẽ nói thơ của anh ra sao!
    Nó có cái cổ dài như tranh Modi? Ðội cái nón rơm xinh đẹp như nàng Anabel của Buffet? Nó nhăn mũi? (Tây Thi). Ỡm ờ như cô đầu? Rền rĩ như nhạc Jazz, nhạc Blue? Sáng như sao sáng? Tối như bóng đêm?


    Thơ, trước tiên nó làm người ta mất ngủ. Vì sao? Vì những anh, những chị thi sĩ, hễ đã bị thơ nhập vào thì hai, ba giờ sáng cũng thao thức viết, đang ngủ cũng nhỏm dậy. Thơ, là một liều thuốc thức.
    Nó bắt người ta ý thức toàn bộ thế giới với trí tuệ tràn đầy, rồi cất tiếng ru người ta ngủ trong những cảm xúc và ngôn ngữ dù thuận lý hay bất thuận lý (bất cần). Thi sĩ đã ý thức triệt để, toàn bộ và cao độ trước khi lăn mình vào kết hôn với nàng thơ. Lý hay không lý? Ðiều này không quan trọng với trái tim thi sĩ vốn là:

-Thứ nhất - mềm mại như trẻ con.
    -Thứ nhì - sắt thép như chiến sĩ xung phong bắn ra, tung ra các nốt nhạc có phép biến hoá như những sợi lông khỉ Tôn Ngộ Không. Phóng ra những chữ có uy lực để khóc cười, thương giận, buồn hay vui.
    Xin để ý: Những nốt nhạc, những chữ, những câu thần chú kia có thể dễ hiểu như bài tập đọc, lại có thể thầm kín sâu xa nhưng vẫn đôn hậu như anh nông dân cơm nước no nê với cà pháo, rau muống, tép rang, anh chàng vươn vai nhỏm dậy xỉa răng, xỏ đôi guốc mộc ra ngồi thẫn thờ ê a nhìn trăng sáng trên một cái chõng tre. Anh ta làm gì? Anh ta gặm nhấm nhiều cái riêng tư của mình mà người ta không biết, không hay (Muối xát lòng ai nấy mặn mòi tức là chuyện riêng của ai thì chỉ có người ấy biết mà thôi).
    Ðúng. Thơ, có thể bắt thi sĩ ra đứng trước công chúng như một người ở truồng. Ai cũng có thể thấy hết như nhìn qua tấm kính trong suốt. Mà ngược lại, có khi chỉ lấp ló cái ánh đèn dầu leo lét, mấy giọt nước mắt từ từ chẩy xuống canh khuya.
    Ôi, cũng đúng vậy.

    Một thi sĩ, trước hết chỉ là một người như mọi người: Phải ăn, phải ngủ, phải bài tiết các thứ, phải đóng thuế nếu có đi làm, phải lái xe ô tô (nếu sống ở Mỹ, ngoại trừ một số rất ít các thi sĩ già, hễ lái ô tô lên xa lộ thì sợ không dám lái, muốn đi nhậu cũng phải nhờ người ta lái).

    Tất nhiên, một thi sĩ lâu lâu cũng đi bầu, hay không đi bầu, nhưng ít ra cũng phải yêu nước, yêu nhân dân, yêu đồng bào. Phải biết yêu nhân loại. Phải biết yêu cái hành tinh mình đang sống với các giống người, các dân tộc khác nhau. Phải biết yêu cả cái vũ trụ nhiệm mầu sâu thẳm trong đó có một quả đất con con đang xoay vòng vòng cho tới khi tắt lửa.
    Ở bên Tầu có một chàng thi sĩ tên là Lý Bạch. Chàng từ con thuyền đã nhẩy ùm xuống nước để ôm cái bóng trăng lấp lánh trên dòng sông. Tất nhiên, nhẩy như thế thì chết. Chết thì chết, đời vẫn cho là đẹp. Mà đẹp thì đẹp, đời vẫn ít ai dám nhẩy xuống sông ôm trăng mà chết.
    Nhưng chữ "Phải" cũng chỉ có ý nghĩa tương đối. Ví dụ: Phải đi bầu. Phải yêu tổ quốc. Phải yêu nhân loại. Phải đóng thuế. Phải lái xe ô tô. Không phải cũng chưa sao. Thi sĩ Tú Xương (người Việt Nam) không bao giờ lái xe ô tô: Lúc ông ấy sống, chỉ có xe ngựa mà thôi. Thi sĩ Rimbaud, đi buôn nô lệ, điều ấy thực bỉ ổi, nhưng ông ấy vẫn là thi sĩ.
    Appolinaire hình như có lúc để râu quai nón? (Người Âu Châu thích để râu quai nón. Người Việt Nam thích để râu ba chòm). Nguyễn Khuyến, đỗ đạt cao thế, làm quan to thế, mà lại bỏ thì giờ làm thơ tả cái chân đàn bà: cái gì trăng trắng như con cúi (Ðầu làng Ngang có một chỗ lội. Có đền ông Cuội cao vòi vọi. Ðàn bà đến đó xắn quần lên. Chỗ thì đến háng chỗ đến gối…).

    Chân dung của thơ, những cái "Phải" của thơ, cũng vậy. Có khi trọc đầu (thi sĩ T 1984). Có khi để tóc dài (thi sĩ Ðoàn thị Ðiểm, Hồ Xuân Hương, thi sĩ Bà huyện Thanh Quan). Có người trán hơi hói: Theodore Roethke, Hiệp chủng quốc. Có người để râu mép: Keneth Rexroth, sinh năm 1905 ở Indiana. Có người chột mất một mắt: Robert Creeley, tốt nghiệp đại học Harvard. Có người bụ bẫm, mắt đeo kính trắng, hình dáng như một nhà điạ ốc thành công: thi sĩ James Wright, người xứ Ohio, tác giả bài Ba Ðoạn Thơ Cho Một Con Thiên Nga Chết Tiệt (Three sentences for a dead swan). Ðó là nói về các thi sĩ hiện đại của Tư Bản Mỹ. Còn các thi sĩ Cộng Sản Nga cũng kỳ cục chẳng kém. Có anh trịnh trọng ra tiệm thợ giặt lấy áo sơ mi mới về mặc vào rồi lấy súng bắn vào thái dương, chết!

    Tự do! Ðúng vậy, thơ và tấm lòng lồng lộng của thi sĩ như nhựa xuân tràn trong trí tuệ, đi quanh co dưới cõi đời, sống với thực tại ngắn ngủi, mà cùng một lúc với cái vô cùng tận của thời gian. Nó đến lúc tóc còn xanh. Nó về làm cho người ta xanh tóc.
    Nó có thể ích kỷ như con bé gái khó tính ôm mãi không rời một con búp bê đã cũ. Nó có thể cởi mở vị tha giữa anh em, giữa các người.
    Thuật của thơ không phải ở số chữ, số câu. Thuật của thơ không ở cái bực thang, hình tròn hay quả trám. Nó là cú bắt như một cầu thủ bóng tròn với đôi bàn tay nhựa, bắt dính cái khoảnh khắc mong manh của cảm xúc trong một cái chớp ngắn ngủi giữa dòng thời gian và vũ trụ trôi qua.
    Nó bắt ngay hồn thơ một cách hùng tráng, dịu dàng hay dấm dẳn. Như Nguyễn Công Trứ:


    Tau ở nhà tau tau nhớ mi!
    Nhớ mi tau phải bước chân đi!
    Không đi mi biểu răng không đến!
    Ðến thì mi biểu đến mần chi?
    Mần chi tau đã mần chi được?
    Mần được tau mần đã mấy khi!



    Vậy còn ai thi sĩ hơn nữa, hỡi dân tộc Việt Nam? Cái dân tộc chèo đò: ngâm thơ. Ði cầy: ngâm thơ. Tát nước: ngâm thơ. Ru con: ngâm thơ. Nhớ chồng: ngâm thơ.
Than ôi, bố mê gái mà con cũng ngâm thơ, thiệt phũ phàng!


    Nước nóng đổ lọ bình vôi
    Tôi ngồi tôi nghĩ bố tôi, tôi buồn
    Bố tôi dở dại, dở khôn
    Say mê cái l... bỏ mẹ con tôi

    (Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ phong dao, trang 156)



    Một dân tộc thi sĩ như thế hẳn là một dân tộc thở ra hút vào bằng thơ. Thơ là khí trời. Thơ bay trong khí trời. Thơ tự do như khí trời. Muốn vần thì có vần. (Thơ hay lọ phải có vần - Thăng Long Văn Sĩ). Không vần, cũng không ai bắt buộc như Cộng Sản bỏ tù Quốc Gia, Quốc Gia bỏ tù Cộng Sản, Mỹ bỏ tù gián điệp Nga, Nga trục xuất gián điệp Mỹ.

    Không! Thơ của dân tộc Việt Nam đã xuất hiện từ mấy nghìn năm trước ông Adam Smith, trước Karl Marx, trước Lenin, trước các cuộc cách mạng mùa thu mùa đông, trước khi nước Mỹ thành trì của chế độ Tư Bản trở thành một nước. Thơ của dân tộc Việt Nam: Thơ ấy không bắt bớ ai làm cái gì. Nó có thể trên sáu dưới tám. Ngũ ngôn tứ tuyệt. Hay hát nói, nói gì thì nói. Thơ của dân tộc Việt Nam: Nó đứng trên xa những chuyện Cộng Sản độc tài, Tư Bản bóc lột, nhưng nó vẫn gần ơi là gần với cái ăn, cái mặc, cái chổi, con mèo, cây cau, thằng mõ, con chuột, ông tiến sĩ giấy, ông sư bà vãi, cái tóc đuôi gà (Một thương tóc để đuôi gà. Hai thương lời nói mặn mà có duyên).
    Một dòng thơ như thế trong nhân loại đã xuất hiện, đã có mặt, trôi chảy luân lưu, trường tồn từ mấy nghìn năm thì dẫu cho Cộng Sản Quốc Gia gì cũng mặc, những cái áo mỏng manh sẽ cũ, sẽ rách, cái lồng ngực và bắp tay mạnh khoẻ chắc nịch sẽ còn, sẽ trường tồn vĩnh cửu, mãi mãi, mãi mãi (Trừ phi bọn khùng cho nổ bom nguyên tử chết sạch sành sanh).


    Ai ơi giữ chí cho bền!
    Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai.



    Vì những chuyện như thế nên dòng thơ Việt Nam dẫu có mặc áo Tầu (Ðường luật) áo Tây (Xuân Diệu: Núi đứng im như một miếng bìa. Huy Cận: Có chàng ngơ ngác tựa gà trống) áo Mỹ (Thi sĩ Y) áo Liên Xô (Tố Hữu). Có vần hay không có vần (các ông Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền làm thơ ít khi có vần nhưng thơ tuyệt hay, họ sẽ được ngàn đời ghi nhớ. Ghi chú: Hiện nay Cộng Sản đang dại dột bỏ tù rục xương các văn thi sĩ, việc ấy người yêu văn thơ ngàn đời sau còn xét còn chê).
    Không ai nên bỏ tù các văn thi sĩ dẫu cho họ có thiếu thuế, lái xe ô tô không đúng luật đi đường, hay vì họ yêu tự do công chính theo cách của họ, họ chống lại mọi hình thức áp bức con người theo cách của họ. Thi sĩ và thơ, họ làm bằng hương hoa huệ, hoa hồng hay hoa nhài, đôi khi bằng mắt và nước mắt, bằng tất cả những niềm vui nỗi khổ trong nhân loại, chúng sinh ba ngàn thế giới. Khi một con người đã chịu khổ trong nhân loại thì dẫu họ thiếu thuế cũng còn phải tha, huống gì...

    Lý Bạch bên Tầu được ông vua (phong kiến) ban cho một cái tín bài (nay ở Mỹ gọi là credit card). Lý Bạch đi đâu, cứ việc ăn nhậu. No say rồi, đã có vua quan tính tiền. Việc ấy được đời ca tụng. Việc ấy làm cho người ta mới được thưởng thức những câu thơ mênh mông khoan khoái, cả những tâm hồn bụi bặm nhất khi nghe đến, đọc đến cũng được tắm gội sạch sẽ, gột rửa kỹ lưỡng trước khi bay lên cõi trời gặp mặt tổ tiên. (Ghi chú: Lý Bạch là một chàng rất thông minh. Mười tuổi đã đọc sách bách gia chư tử. Mười lăm tuổi vừa học đánh kiếm vừa luyện văn chương. Từ hai mươi đã dạo chơi khắp vùng, nuôi chí làm chính trị để giúp nước cứu đời).
    Và tình yêu! Chao ôi tình yêu của loài người, cái lưỡi cuộn tròn êm ả, cái hình dáng dịu dàng cao quý mà nó đã nhập vào người ta làm cho người ta chỉ có thể yêu nàng mà thôi (phỏng dịch vài chữ của Applolinaire).
    Cái tình yêu ấy đã hoang vu như sa mạc trong buổi chiều quạnh quẽ, trăng non buông xuống một vùng xám trắng trên đám xương rồng gai góc, những cây thánh giá trên mồ kẻ chết in lên nền trời những cánh tay khô, không thịt, không tuỷ, chỉ có xương, vẫn nắm chặt vũ khí (AK47, M16, 17, gươm Nhật bổn, lưỡi lê phát xít Ðức). Ôi những cánh tay khô mỗi ngày tuyệt vọng bám lên chấn song nhà tù. Phải chăng đấy là tình yêu Bà mẹ Suốt? Phải chăng đấy là chàng Huy Cận khi xưa hay buồn lắm?


    Thương cha thương mẹ thương chồng
    Thương mình thương một thương ông thương mười.



    Ông đây là ông nào? Là ông thi sĩ, có thể là bà thi sĩ. Không có thi sĩ lấy đâu ra thơ mà hút thở ở cõi đời? Lấy đâu thơ mà uống? Lấy đâu thơ mà ăn? Lấy đâu những tiếng chim: Ta là con chim đến từ núi lạ ngửa cổ hát chơi?
    Bạn tôi, anh Phan Nhật Nam không làm thơ, nhưng là một nhà văn nhân bản. Theo cách của anh. Một người Việt Nam yêu nước. Hễ đã nhân bản và yêu nước thì viết thế nào cũng là thi sĩ. Một thi sĩ viết bằng văn xuôi. Bạn tôi rất sợ ở tù. Cái gì cũng chịu được chứ ở tù thì không chịu được (đọc Tù binh và hoà bình). Thi sĩ đó - Phan Nhật Nam - đang ở tù cải tạo từ 12 năm nay không xét xử, không thời hạn. Than ôi, người ta không hiểu thơ là cái gì. Lúc nào cũng "phải đạo" 100%, lý tính 100%, nghệ thuật 100%. Thế là ba trăm phần trăm? Con người ta chứ đâu phải châu chấu? Hay con dế? Con chuồn chuồn (Bắt con chuồn chuồn, cắm cái tăm vào đít cho nó đi tu?)

    Thú thiệt ra: Bàn về thơ mà nói chuyện Quốc Gia Cộng Sản là xoàng. Quốc Gia Cộng Sản Tư Bản chỉ là chuyện dưới đất. Thơ ở trên trời. Thơ Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu mặc dù Cộng Sản nhưng cứ đếm thì biết. Thơ của họ có cả vạn chữ "Trời". Vậy có trời hay không có trời? Giết trời đi thì ta ở với ai? (Thi sĩ Nhất Hạnh: Kẻ thù ta nào phải người. Giết người đi thì ta ở với ai?!")

    Thi sĩ, họ ở dưới đất. Ðúng vậy. Nhưng hồn họ gặp nhau ở trên trời, nếu đích thực họ là thi sĩ. Nói thế này cho dễ hiểu: Họ gặp nhau ở trên mây. Trên trăng trên sao. Họ xuống đất đi cầy, đi cấy, đi lính, đi thu thuế, đi cắt cỏ, đi bán bảo hiểm bán nhà, đi tu, đi làm cách mạng, đi xe đạp, ô tô.
    Ði đâu thì đi. Ðâu đâu mà chẳng phải về? Vậy nên có mấy đoạn thơ rằng:

 

1. Thơ giữa mây trời

Thơ là chiến sĩ tiền phong
Cơm nước nguôi ngoai muối xát lòng
Thơ đứng thơ cười trong nắng gió
Trong cõi đời có cũng là không
(Trong cõi đời có vẫn hơn không)

Thơ lối quanh co dưới cõi đời
Giữa rừng giữa suối giữa xinh tươi
Giữa cuộc thời gian vô cùng tận
Giữa các anh em giữa các người

Thơ rước mùa xuân đến viếng nhà
Vườn sầu thơ tới cũng đơm hoa
Thơ nhựa xuân tràn trong trí tuệ
Trên đám mây trời xa quá xa.

Trên đám trời mây thực nhiệm kỳ
Khi mùa đông đến tiễn thu đi
Khi xuân về lại thơ xanh tóc
Thơ vẫn như xưa đẹp lạ kỳ.


2. Thời gian đi ngược về

Khi thơ dại tôi vẫn thường tự hỏi
Nếu mỗi ngày mỗi đập trái tim yêu
Nếu muôn thủa xa xăm trôi giạt
Nếu một lần trời đất cũng xanh rêu.

Tôi tự hỏi với lời êm ái cũ
Hàng hiên xưa mưa ướt ven đường
Những ngọn đèn vỉa hè Ðà Nẵng
Những đêm về dạ hợp toả hương thơm.

Tôi năm nay vẫn chừng bây lớn


Vẫn hỏi lòng nhiều chuyện yêu thương
Những chuyện cũ trong hòm dĩ vãng
Những câu thơ có điệu nhạc hơi buồn

Tôi thấy thời gian đi ngược
Bước chân đi thỉnh thoảng bước về
Trên vùng đất cầy lên thống khổ
Trên vui buồn lẫn lộn đam mê

Tôi tự hỏi suốt thời niên thiếu
Khi con sông chở những chuyến đò
Buổi trưa nắng mây bay đầu núi
Bóng chị hiền bồng đứa em thơ

Tôi thấy lửa cháy đời khắc nghiệt
Mối đau thương khơi mối hận thù
Giữa cái chết căng trong lao khổ
Chính phút giây này là cả một thiên thu.

Tôi nghe tiếng hò hô tắt lịm
Tiếng đau thương chất mãi bên trời
Tôi muốn nghĩ như thời thơ dại
Theo nhịp đời bước bước chân xuôi.

Tôi đã nói, như là âm nhạc
Những điệu buồn rồi những điệu vui
Tự hỏi: Sao lòng không là biển?
Tiếng hát nào đẩy sóng trôi xuôi?
Tiếng hát nào mãi chưa nguôi?


3. Thơ cuối mùa xuân

Mầm mơ sẽ nở hoa mơ thắm
Sẽ nở hoa mơ chứ nắng hè
Xưa đổ muôn vàn muôn giọt lệ
Nay sầu em hãy lắng im nghe.

Mơ sớm mai cười bên bãi cỏ
Mơ cười trong tiếng gọi bình minh
Khi cơn gió đến như hơi thở
Khi nắng soi mình xuống lá xanh.

Xưa, đổ muôn vàn muôn giọt lệ
Nay, sầu bước chậm cuối xuân xanh
Mỗi bước chân trần trên đá nhọn
- "Là đem mơ về lại giữa hồn anh".


4. Mùa hè 87

- "Là đem mơ về lại giữa hồn anh"
......................................................
Sau tất cả những niềm vui thủa trước
Niềm vui này dành lại hôm nay
Niềm vui nhỏ trong bầu trời vô tận
Giúp anh đi qua những tháng ngày.

Em, mặt đất mùa xuân xanh biếc
Quả điạ cầu bé tựa lòng tay
Tấm bản đồ chữ in chi chít
Anh thấy mùa xuân vẫn rộng vẫn dài.

Mùa hạ đến không một lời báo trước
Trên một vùng cây cỏ mọc xanh um
Chim bốn phía bay về làm tổ
Ngọn hoa nhài đêm tối nhả hương thơm

Ðêm đi chậm đêm rằm đầy nguyệt
Dăm mối tình ngơ ngẩn trăng sao
Ðêm đi chậm cho đến khi nguyệt tận
Ðợi bình minh đến rọi nắng đào.

Em, dĩ vãng, mối tình thủa trước
Mối tình này dành lại có bấy nhiêu.





Thơ tháng 6, 1987

MỘT NGÀY TRONG THÁNG 6


I. Trên cánh đồng mùa hè

ÐÀN CHIM

Trên cánh đồng mùa hè
Cỏ khô vàng dưới nắng
Một đàn chim bồ câu
Bước im lìm kiếm ăn

Bầu trời xanh thế kia
Hàng cây xanh thế kia
Sao trái tim náo động

Một cánh chim bay xuống
Một con bồ câu đen
Một bầy bồ câu đen

Cây gai dại trên cánh đồng nắng cháy
Cỏ phơi khô suốt một mùa hè
Ôi đất bụi trong lòng vội vã
Tiếng động cơ của những chiếc xe

Châm điếu thuốc nhìn đàn chim
Anh hỡi hôm nay trời lắm gió
Nhưng mùa hè vẫn đẹp như tranh

NGƯỜI BẠN

Trên cánh đồng
những con bồ câu đen
Những con người mang theo lối xóm trong lòng
Mang trên lưng phố phường đất nước
Những ngôi nhà và nỗi nhớ mong

Cơn gió thổi lũ chim bay
ngọn cỏ khô trên những cánh đồng
Ôi trái tim người bạn tù nghiệt ngã
Biết giờ này còn đập hay không?

Quờ quạng trong bóng tối đêm dài khắc khoải
Bưng bát cơm trộn sỏi nhục nhằn
Cho nước mắt thấm vào biển khổ
Tiếng khóc câm

Anh, ngục tù ốm đau đói lạnh
Ðá nhọn ơi đâm nát gót chân trần
Anh có nghĩ đến tôi trong một đêm khắc khoải
nhốt thời gian giữa bức vách câm.

TÌNH YÊU

Em, ái tình đề tài muôn thuở
Như con sông và những chuyến đò
Như trăng ốm chở thuyền lỡ bến
Nhưng lần này anh sẽ ghé thăm em

Như bịt mắt đi giữa vườn hoa lá
Cả không gian thơm ngát mùi hương
Ôi gió biếc làm khăn quấn cổ
Trên vai thon cần cổ trắng ngần

Em mắt biếc đề tài muôn thuở
Như giác quan bắt được hương thơm
Còn dạ lý một đêm nở muộn
Cũng tươi cười bên gốc hoàng lan

Vì hạnh phúc vẫn cần chân thật
Như chim bay hoa nở hoa tàn
Dù có lúc hồn anh lủi thủi
Trên thế gian toàn chuyện đau thương

Em hiểu chứ hồn anh vạn dặm
Ðường anh đi sao chẳng thênh thang
Ôi mắt biếc đêm trường vắng lặng
Sẽ bay đi cùng bụi thời gian

TÌNH BẠN

Ngày xưa tôi với anh mặc chung một áo
cùng học chung ở một ngôi trường
cùng lớn lên trong một lớp
cùng yêu đời, cùng biết yêu thương

Sáng thứ hai, chúng tôi mặc quần áo trắng
đứng nghiêm trang chào ngọn cờ vàng
Giấy rất trắng, linh hồn cũng trắng
khi mối tình nở lúc hè sang

Chúng tôi cùng biết yêu một người con gái
mặc áo xanh đi ở sân trường
Tôi ca hát như con chim sớm
Anh cũng vui đùa như chú chim con

Có một mùa xuân đời đẹp lắm
Hoa nở bừng lên suốt tháng hè
Ta lăn xe đạp trên đường đất
Trong xóm làng, bên những lũy tre

Nam ơi tất cả tình yêu cũ
Chẳng vắng xa như những tháng hè
Nhớ chứ con đường trong thành nội
Ðã một hôm nào vắng tiếng ve

BỤI THỜI GIAN

Em, bụi thời gian như tóc xoã
Bãi chiều dương liễu hát vu vơ
Ngày xưa ta cũng là mây trắng
Bay ở trên trời suốt tuổi thơ

Hẹn cuối bờ sông hay bãi biển
Ðêm nào anh thổi khúc tương tư
Ði sao cho hết con tầu cũ
Của những ngày em mới mộng mơ

Em ơi yêu quá chàng mây trắng
Ðã thuộc đau thương tự chuyện Kiều
Ðã biết thơ từ nàng chinh phụ
Ðã bao lần em nói em yêu?


II. Vọng cổ

Chiếc bóng bên trời

Nhân vật: Thi sĩ, văn sĩ, đều là người Việt ở Mỹ
Thời gian: Tháng 6, 1987


Văn sĩ: (Ðang đi đi lại lại trên sân khấu, sau lưng là phông cảnh nước Mỹ. Chợt dừng lại)
Tôi biết hồn anh là giếng thẳm
Là mây hồ hải ốm tương tư
Là Trăng! Trăng! Trăng! của Hàn Mặc Tử
Là anh Xuân Diệu của Thơ Thơ

Thi sĩ: (Ðứng chính giữa sân khấu trả lời) Dạ phải.

Văn sĩ: (giơ lên một ngón tay trỏ)
Anh chính là trai của gió sương
Của đồng lúa chín ngát thơm hương
Của sao muôn kiếp mây muôn thuở
Của những niềm đau nỗi đoạn trường

Thi sĩ: Vâng, chính phải.

Văn sĩ: (ca)
Thi sĩ ơi, lòng tôi luống ngậm ngùi
thương cho chàng trai lẻ bóng
Con chim hót trong lồng là con chim trống...
Thi sĩ ơi đường chiều lẻ loi chiếc bóng
Ai chờ ai ngóng
(Mà) ai vẫn đợi ai trông

Thi sĩ:
Con đò vẫn đợi vẫn trông
Con kinh cũng đợi con sông cũng chờ

Văn sĩ: (ngâm)
Anh vẫn là anh của hải hồ
Của trăng đồng vọng bãi hư vô
Khi sầu mây úa phai tà áo
Khi vui câu hát nối câu hò

Thi sĩ: Dạ, chính phải.

Văn sĩ:
Anh vẫn là anh chính là anh
Sầu như trăng héo rũ trên cành
Khờ như bé dại mười hai tuổi
Hơn nửa cuộc đời tóc vẫn xanh

Thi sĩ: Dạ, phải

Văn sĩ: (nghiêm giọng)
Anh làm mây bão nổi muôn phương
Làm trăng pha máu chiếu bên giường
Làm sương khuya đọng lưng chừng mắt
Làm lệ pha đầy một đại dương?

Thi sĩ: Tôi rất tiếc...(Ngậm ngùi)
Có nhiều chuyện xẩy ra ngoài ý muốn của người ta.

Văn sĩ: (chậm rãi ngâm nga) Thế...
Anh thiết tha chi với cuộc đời?
Không làm mây trắng nhởn nhơ chơi
Sao không về hẳn Bồng lai đảo
Cùng các tiên đồng mở cuộc vui?

Thi sĩ: Dạ, chưa dám! Chưa dám!

Văn sĩ:
Sao anh không ở luôn xứ Phật?
Thả tâm hồn vào cõi thinh không
Sao không phẳng lặng như trang giấy
Chép ở bên lòng chữ sắc không?

Thi sĩ: Dạ, chưa tới.

Văn sĩ:
Vậy hãy đội mão gai lên đỉnh trán
Cong lưng khiêng tội lỗi con người
Ðổ máu lệ mình xin cứu chuộc
Ngửa mặt lên trời mà gọi cha ơi

Thi sĩ: (im lặng)

Văn sĩ: (hỏi gặng) Thế nào?

Thi sĩ: Dạ, chưa dám.
(Tạm thời hạ màn)


III. Làm ngơ

Biết chứ hồn anh dài vạn dặm
Lòng anh nặng trĩu một trùng dương
Dăm khi anh lẻn về quê cũ
Ði một mình ở một bờ sông

Ði một mình theo một dòng sông
Anh lén đi trên những cánh đồng
Trong một mùa đông trơ gốc rạ
Em ngồi may áo ở bên song

Anh khuấy thời gian, khuấy cà phê đặc
Nhìn cái phin nhỏ giọt tương lai
Anh nhâm nhi từng hớp ngậm ngùi
Ðôi khi đắng như cà phê đắng

Anh là thi sĩ ở bên đây
Anh uống từng cơn nỗi ngậm ngùi
Anh nghe nghẹt thở như hải tặc
Bao nhiêu nước đã chôn vùi thân em

Anh đối diện dửng dưng nỗi khổ
Lấy đau thương dệt mấy vần thơ
Giả như đọc thơ anh nghe trúc trắc
Xin ngậm cười, em hãy làm ngơ


IV. Quê mẹ

Chao ơi, cơn gió mùa đông cũ
Còn thổi mưa lên mấy cửa thành
Vườn nhà ông ngoại thơm hoa bưởi
Khi tóc em vừa mới chớm xanh

Năm mười tám tuổi ta ngây ngất
Yêu một dòng sông những chuyến đò
Trưa trên Văn Thánh thơm mùi gỗ
Anh chẳng cho lòng phút đắn đo

Em, xóm Bao Vinh đường lót gạch
Hương chiều thoang thoảng mấy hàng cau
Anh theo gió thẳng lên An cựu
Em đuổi hồn mình xuống Bãi Dâu

Ngày xưa trong những bài hát cũ
Nay mới hay ra toàn chuyện buồn
Câu hát của người xa đất mẹ
Hát từ những thủa có quê hương

Anh nhớ Thanh Long cầu nước chảy
Bao nhiêu nước chảy những cơn mê
Anh vô quê mẹ năm mười một
Huế hay Hà Nội cũng là quê

Chao ơi, cơn gió mùa đông cũ
Còn thổi mưa lên mấy cửa thành?


THÁNG 6 Ở PALO ALTO VÀ BERKELEY


Anh, có phải

Anh, có phải là người lãng tử
Ðang lê chân ở bốn phương trời
Anh đã ra đi theo sóng nước
thả con tầu qua chốn xa khơi?

Anh cánh chim âu buồn héo hắt
Ðậu trên cây ở một phương trời
Nghe sóng vỗ giữa đời vắng lặng
Những buổi trưa xa lộ nối đuôi

Anh thấy phương xa trời nắng nhạt
Hai hàng khuynh diệp mọc song song
Tiếng xe lùa gió qua khung máy
lùa bụi thời gian vượt cánh đồng

Anh vẫn khơi cho dòng lệ chẩy
Nhả u buồn dệt mấy câu thơ
Tiếng hát cũ như tiếng đàn vọng cổ
Khi vừa đi vừa sống vừa mơ

Anh vẫn là trai thời khói lửa
Nghe lòng vùng dậy súng gươm dao
Hãy che mái thẳm lên con suối
Và lặng nghe tiếng khóc tự hôm nào


Hột máu rơi

Con ơi từ buổi cha đi ấy
Ðã lớn lên thêm mấy khúc đời
Con hột máu rơi trên đất cũ
Cha ở đây cũng hột máu rơi


Ðêm mơ tới các cháu

Gió từ bên biển qua bên núi
Gió thổi lang thang mấy tháng hè
Ðêm, ngồi với những niềm vui nhỏ
Cho linh hồn lắng đọng cơn mê

Ðêm sáng vô ngần trăng dĩ vãng
Mộng sầu vỡ vụn dưới muôn sao
Hãy nhắm mắt cho dịu dàng ký ức
Cho không gian đỏ má hoa đào

Hỡi mối sầu xa không với tới
Cứ ngủ yên đi mấy tháng hè
Cho thơ chín ngọt như mơ mận
Cho lời kinh vẳng đến bên kia

Cho không gian về với thời gian
Cho giấc mơ xanh trổ chín vàng
Cho đôi môi mọng như đôi má
Của bé thơ đẹp nhất Việt Nam

Hỡi bé thơ đẹp tựa mặt trời
Bé thơ mạnh khỏe bé vui tươi
Những em bé bỏng trong xuân mới
Sẽ hái hoa xuân tặng cuộc đời

Bác gieo cho cháu tương lai nhé
Những nụ hoa thơm nở nụ cười
Và thêm tất cả niềm mơ ước
Tất cả lòng yêu của mọi người.


Chàng hippy của thời dĩ vãng

Em hỡi muôn sao chờ đợi đại hội
Khi em còn mắc mấy cơn mơ
Ðêm xưa giữa bẩy vùng sao sáng
Em ngồi đan dở mấy vần thơ

Em hỡi mùa thu về trước ngõ
trên thềm trăng rọi lối thơ sang
anh biến như mây vào ảo ảnh
em đứng bên thềm gọi gió sang

Em hỡi muôn sao về trước ngõ
Mùa xuân lại mặc áo xanh tươi
Áo ơi hãy nở lên hoa thắm
Mà giữ cho nhau mấy nụ cười

Em nhé anh đi ngoài vạn dậm
Trưa hè nắng đổ xuống non cao
Nhưng thơ vẫn nở như bươm bướm
Anh thấy đời vẫn cứ đáng yêu


Berkeley tháng 6

Khi anh còn mắc mấy cơn mơ
Em đến bên hiên mặt thẫn thờ
Lúc đi giữa bẩy vùng sao sáng
Em còn dang dở mấy vần thơ

Em hỡi mùa thu vàng lối ngõ
Nhà em trăng rọi lối thơ sang
Anh biến như mây vào ảo ảnh
Em bước lên thềm dắt nắng sang

Khiếp quá muôn sao về trước ngõ
kêu xuân hãy mặc áo xanh tươi
Em tôi lại nở như hoa thắm
Mà giữ cho nhau mấy nụ cười

Em nhé anh đi trời viễn xứ
Trưa hè nắng rọi đỉnh non cao
Mà khi thơ đến bên sân vắng
Hương của thời gian bỗng ngọt ngào


 


(Viết năm 1987.  Trích trong “Chuyện Của Một Người Di Cư Nhức Đầu Vừa Phải” – Văn Nghệ xuất bản – USA 1993)

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.