Jan 20, 2025

Bài giới thiệu

Ngư Huyền Cơ Lưu Hồng Sơn
Lưu Hồng Sơn * đăng lúc 01:37:40 AM, Feb 08, 2011 * Số lần xem: 2475
Hình ảnh
#1

Ngư Huyền Cơ – Tài tình chi lắm cho trời đất ghen

 
 

Có thể nói Tiết Đào, Lý Qúy Lan và Ngư Huyền Cơ là ba kì nữ nổi tiếng nhất đời Đường. Nhưng ở Việt Nam, dường như, người ta chỉ mới biết đến Tiết Đào, còn Lý Quý Lan và Ngư Huyền Cơ thì ít được nhắc đến. Trong khi đó, có thể nói Ngư Huyền Cơ là một trong những nữ sĩ tài hoa bậc nhất không chỉ ở thời Đường, mà cả trong toàn bộ lịch sử thơ ca nữ lưu Trung Quốc thời cổ điển.

 

Ngư Huyền Cơ (844?-871?), tự là Ấu Vi, Huệ Lan; người Trường An (nay là Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Cuộc đời cô là một thi thoại ly kỳ và bi thương.

 

Cha Huyền Cơ từng ôm mộng công danh, nhưng không thành, ông bèn dốc hết tâm huyết dạy dỗ cho Ấu Vi - đứa con gái độc nhất của mình. Dưới sự tài bồi của cha và tài năng thiên phú, Ấu Vi mới năm tuổi đã thuộc làu hàng trăm bài thơ nổi tiếng. Lên bảy tuổi bắt đầu tập làm thơ. Năm mười một, mười hai tuổi thì thi danh của Ấu Vi đã làm chấn động văn giới Trường An. Và người ta phải gọi cô bé là thần đồng thi ca.

 

Sự tài hoa xuất chúng của Ấu Vi đã khiến cho một đại thi nhân nổi tiếng thời bấy giờ là Ôn Đình Quân (tự Phi Khanh) phải chú ý, mộ danh và tìm đến nhà họ Ngư để xem Ấu Vi là ai mà khiến cho các văn sĩ phải thán phục ngợi khen đến như vậy. Nhà Ấu Vi bấy giờ ở xóm Bình Khang, nơi đa số những người sống ở đây làm nghề xướng kỹ, thanh lâu. Bởi cha Ấu Vi mất sớm, nên hai mẹ con cô phải tá túc nơi này, dựa vào nghề may vá và giặt giũ sống qua ngày. Ôn thấy Ấu Vi là một cô bé chưa đầy 13 tuổi ở trong căn nhà lụp xụp tăm tối, nhưng rất hoạt bát và thanh tú, đã ra dáng một tiểu mỹ nhân phong vận. Ôn muốn thử tài thơ của nữ thi đồng này xem sao, bèn hỏi ý kiến Ấu Vi. Ấu Vi vui vẻ đồng ý và không hề tỏ ra bối rối, mời Ôn xuất đề. Khi tìm tới đây, Ôn đi ngang một rặng liễu, bèn nhân tiện lấy “Giang biên liễu” (Liễu bên sông) làm đề. Ấu Vi trầm tư một lát, rồi múa bút đề một bài ngũ ngôn dâng lên. Thơ rằng:

 

Thúy liễu liên hoang ngạn,

 

Yên tư nhập viễn lâu.

 

Ảnh phô xuân thủy diện,

 

Hoa lạc điếu nhân đầu.

 

Căn lão tàng ngư quật,

 

Chi đê hệ khách châu.

 

Tiêu tiêu phong vũ dạ,

 

Kinh mộng phục thiêm sầu.

 

Sắc xanh suốt bờ vắng,

 

Khói hương vào viễn lâu.

 

Bóng xuân phô mặt nước,

 

Hoa rơi tóc người câu.

 

Cội già thành hang cá,

 

Cành tơ hóa sợi neo.

 

Gió mưa đêm rả rích,

 

Tỉnh mộng lại thêm sầu.

 

Giai thoại kể, khi Lý Qúy Lan mới chừng 5, 6 tuổi đã làm thơ vịnh hoa tường vi trong sân, có câu: “Kinh thời vị giá khước, Tâm tự loạn tung hoành” (Nụ hoa còn phong kín, Phấn hương đã rối thơm), cha cô nghe thấy lấy làm sửng sốt, song lại than rằng “Con bé này ngày sau chắc sẽ thất hạnh mất thôi!”. Khi khoảng 8 - 9 tuổi, Tiết Đào nghe cha vịnh cây ngô đồng bên giếng: “Đình trừ nhất cổ đồng, Tung cán nhập vân trung” (Giữa sân một cội ngô đồng, Ngọn tung thẳng chọc tầng không mây trời), cô bèn tiếp: “Chi nghênh nam bắc điểu, Diệp tống vãng lai phong” (Cành mời nam bắc chim chơi, Lá đưa làn gió tới lui mặc tình), khiến cha cô ngạc nhiên về thi tài của con gái, nhưng cũng trầm ngâm rất lâu trước khí thơ đượm mùi son phấn như vậy.

 

Ôn cũng rất ngạc nhiên trước một giai tác trước mắt mình, do một cô bé ứng đề trong chốc lát làm ra. Ông hết sức mến phục tài năng của Ấu Vi, nhưng đọc đến hai câu “Căn lão tàng ngư quật, Chi đê hệ khách châu” thì trong lòng cũng có chút e ngại cho tiền trình của Ấu Vi.

 

Từ đó, Ôn Đình Quân thường lui tới Ngư gia để chỉ bảo thêm cho Ấu Vi về văn chương. Tình cảm của hai người vừa như thầy trò, cha con, lại vừa như bè bạn. Ôn chỉ dừng lại ở quan hệ thuần túy ấy, không biết vì sao ông không dám tiến lên; nhưng trái tim 16 của Ấu Vi thì đã xao xuyến trước vị thi nhân rất mực tài hoa song lại nổi tiếng là “Sửu Chung Qùy” (ông thần xấu xí) này. Khi Ôn rời Trường An đến Tương Dương, Ấu Vi nhớ cố nhân nơi viễn xứ, mấy lần thư tin mà tin không thấy lại, Ấu Vi lại gởi tiếp bài “Đông dạ ký Ôn Phi Khanh” (Đêm đông viết gởi Ôn Phi Khanh):

 

Khổ tư dữu thi đăng hạ ngâm,

 

Bất miên trường dạ cụ hàn khâm.

 

Mãn đình mộc diệp sầu phong khởi,

 

Thấu hoảng sa song tích nguyệt trầm.

 

Sơ tán vị nhàn đông trục nguyện,

 

Thịnh suy không kiến bản lai tâm.

 

U tây mạc định ngô đồng xứ,

 

Mộ tước thu thu không nhiễu lâm.

 

Trang thơ buồn bã dưới đèn,

 

Đêm dài thao thức bao phen lạnh lùng.

 

Gió sầu sân lá khô đong,

 

Thấu qua rèm cửa, bên song trăng tà.

 

Long đong mãi ước mơ xa,

 

Thịnh suy thường lẽ tâm ta thường hằng.

 

Phượng tìm mãi nhánh ngô đồng,

 

Sẻ chiều chiu chít bay vòng rừng xa.

 

Lời thơ u oán, như kể lể khóc than vì sự vô tình của chàng Ôn. Ôn Đình Quân không dám tiến đến với Ấu Vi phải chăng vì tuổi tác quá chênh lệch? Phải chăng vì ông sợ tổn hại đến thanh danh của ông? Hay là vì ông sợ cái “khí thơ” phong tình của Ấu Vi sẽ dẫn đến kết cuộc không hay về sau? Không ai biết.

 

Đến năm đầu tiên niên hiệu Hàm Thông đời Đường Ý tông, Ôn Đình Quân quay lại Trường An. Hơn hai năm không gặp, giờ gặp lại Ấu Vi đã trở thành một thiếu nữ kiều diễm, nhưng quan hệ giữa hai người vẫn chỉ như xưa.

 

Một hôm, hai người cùng đến Sùng Trinh Quán du lãm, chợt thấy đám tiến sĩ tân khoa đang tranh nhau đề thơ lên vách Quán lưu danh. Đợi khi mọi người đi hết, Ấu Vi cũng đề lên vách một bài thất tuyệt cảm khái:

 

Vân phong mãn nguyệt phóng xuân tình,

 

Lịch lịch ngân câu chỉ hạ sinh.

 

Tự hận la y yểm thi cú,

 

Cử đầu không thứ bảng trung danh.

 

Mây núi tràn trăng ánh xuân tình,

 

Bảng vàng rực rỡ tính cùng danh.

 

Tự hận thi thư đầy một túi,

 

Ngẩng đầu nào thấy họ tên mình.

 

Bài thơ này tâm sự và khẩu khí xem ra rất gần với bài “Đề đền Sầm Nghi Đống” của Hồ Xuân Hương, chỉ có điều “khẩu khí” họ Hồ cường hơn, cay hơn họ Ngư vài phần.

 

Cách mấy bữa sau, có chàng công tử họ Lý tên Ức đến chơi Sùng Trinh Quán, vô tình đọc thấy bài thơ của Ấu Vi lưu trên vách, rất lấy làm ngưỡng mộ. Bèn dò la “hành tung” của tác giả. Một bữa, Lý Ức đến nhà người quen cũ là Ôn Đình Quân, thấy trên bàn Ôn gia có bài thơ:

 

Hồng đào xứ xứ xuân sắc,

 

Bích liễu gia gia minh nguyệt.

 

Lân lâu tân trang thị dạ,

 

Khuê trung hàm tình mạch mạch.

 

Phù dung hoa hạ ngư hí,

 

Đới lai thiên biên tước thanh.

 

Nhân thế bi hoan nhất mộng,

 

Như hà đắc tác song thành?

 

Đào hồng xứ xứ xuân tươi,

 

Liễu xanh khắp chốn trăng cười mênh mang.

 

Lầu bên có kẻ điểm trang,

 

Khuê phòng một mối mơ màng nhớ nhung.

 

Dưới sen cá lội tăng tung,

 

Lao xao tiếng sẻ kêu rung chân trời.

 

Buồn vui giấc mộng trần ai,

 

Làm sao trút bỏ hình hài thành tiên?

 

Đọc xong bài thơ này, Lý Ức cũng thán phục động tâm. Đến khi hỏi ra, mới biết thì ra tác giả của bài lục ngôn này cũng chính là tác giả bài “Đề Sùng Trinh Quán bích”. Lý Ức vì vậy càng thêm thích thú và khích động. Ôn Đình Quân thấy vậy nghĩ, Lý Ức hiện mới 22 tuổi mà đang ở chức Tả bổ khuyết, xem ra tương lai rất xán lạn, nếu lấy Ấu Vi chắc cô sẽ sung sướng và hạnh phúc một đời; bèn tình nguyện làm Nguyệt Lão se duyên cho Lý Ức và Ấu Vi.

 

Quả thật hai người rất hạnh phúc, nhưng niềm vui ấy chỉ kéo dài được ba tháng thì vợ cả của Lý Ức phát giác. Ấu Vi khuyên Lý Ức về  Giang Lăng “thú thật” cùng Bùi thị, hy vọng cô ta “lượng cả bao dung” mà chấp nhận Ấu Vi, cô viết một bài thơ “Giang Lăng sầu vọng ký Tử An”, rằng:

 

Phong diệp thiên chi phục vạn chi,

 

Giang kiều yểm ánh mộ phàm trì.

 

Ức quân tâm tự Tây Giang thủy,

 

Nhật dạ đông lưu vô yết thì.

 

Phong kia vạn nhánh nghìn cành,

 

Cầu sông lấp loáng một khoanh buồm chiều.

 

Nhớ chàng như nước sông sâu,

 

Đêm ngày mải miết tuôn trào về đông.

 

Nhưng khi biết chuyện, Bùi thị liền “vội vàng xuống lệnh ra uy”, cho bắt Ấu Vi về và “ba cây chập lại một cành mẫu đơn” khiến cô phải một phen thập tử nhất sinh. Bùi thị nhất quyết đuổi Ấu Vi ra khỏi nhà, Lý Ức sợ vợ, chỉ đành còn cách sắp xếp cho Ấu Vi ra Hàm Nghi Quán tạm thời làm đạo cô chờ chàng ta tìm cách đưa về đoàn tụ. Cảnh chia ly khiến Ấu Vi đau khổ vô vàn, trong bài thơ “Xuân tình ký Tử An” cô trao cho Lý Ức có những câu hết sức xúc động và chân tình:

 

Sơn lộ y thạch đặng nguy,

 

Bất sầu hành khổ khổ tương tư.

 

Đường non lởm chởm đá nhô,

 

Không bằng nỗi khổ tương tư trong lòng.

 

Và:

 

Biệt quân hà vật kham trì tặng?

 

Lệ lạc tình quang nhất thủ thi.

 

Xa chàng biết tặng vật chi?

 

Lệ khô xin gởi bài thi gọi là.

 

Nhưng dưới sự kiềm tỏa của Bùi thị, Lý Ức đành thúc thủ vì “Thấp cơ thua trí đàn bà”, không cả dám đến thăm Ấu Vi một lần, tệ hơn cả Thúc Sinh trong Kiều nữa. Ấu Vi từ giờ mang đạo hiệu Huyền Cơ, nhớ nhung sầu muộn, viết bài “Cách Hán giang ký Tử An”:

 

Giang nam giang bắc sầu vọng,

 

Tương tư tương ức không ngâm.

 

Uyên ương noãn ngọa sa phố,

 

Khê sắc nhàn phi cát lâm.

 

Yên lý ca thanh ẩn ẩn,

 

Lãng đầu nguyệt sắc trầm trầm.

 

Hàm tình chỉ xích thiên lý,

 

Huống thính gia gia viễn châm.

 

Bờ nam bờ bắc sầu trông,

 

Nhớ nhung nhung nhớ không cùng.

 

Uyên ương ủ mình cát ấm,

 

Chim chiều tung cánh rừng thông.

 

Tiếng ca thấp thoáng khói lồng,

 

Ánh trăng đầu sóng mênh mông lặng lờ.

 

Khối tình ngàn dặm ngẩn ngơ,

 

Tiếng chày nện vải bơ xờ lòng ai.

 

Ấu Vi sớm ngóng chiều trông, ôm mối tình si trong đạo quán lạnh lùng. Cô lại viết tiếp bài “Ký Lý Tử An”:

 

Ẩm băng thực dược lão vô công,

 

Tấn thủy hồ quan tại mộng trung.

 

Tần kính dục phân sầu trụy thước,

 

Nghiêu cầm đắc lộn oán phi minh.

 

Tỉnh biên đồng diệp minh thu vũ,

 

Song hạ ngân đăng ám hiểu phong.

 

Thư tín mang mang hà xứ hướng,

 

Trì can tận nhật bích giang không.

 

Ăn băng uống thuốc uổng công,

 

Cửa Hồ sông Tấn mơ mòng quẩn quanh.

 

Gương Tần thước não nuột tình,

 

Oán ai đàn Thuấn cung thanh thảm sầu.

 

Giọt thu bên giếng rơi mau,

 

Ngọn đèn leo lét gió chào bình minh.

 

Nhạn tin nào thấy bóng hình,

 

Chống sào trông nước xanh xanh bóng chiều.

 

Nhưng thơ viết mà không có cách nào gởi cho Lý Ức, chỉ biết cưỡi thuyền chống sào ngày ngày ngóng trông, rồi đành thả những cánh tình thư cho trôi theo dòng Khúc Giang, gửi mối tình si vào dòng nước mênh mang.

 

Thấm thoắt đã qua ba năm, sư phụ của Ấu Vi chết, trong đạo quán chỉ còn lại Huyền Cơ và một nữ đồng đạo khác. Chẳng bao lâu, đạo cô kia cũng bỏ trốn theo chàng họa sĩ đến tu bổ bích họa cho Hàm Nghi Quán. Thế là chỉ còn lại một Huyền Cơ cô độc, một thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp đang tràn trề sức sống bỗng nhiên bị đẩy vào đạo quán làm đạo cô bất đắc dĩ, cũng tưởng chịu ẩn nhẫn một thời gian sẽ được Lý Ức rước về, ngờ đâu ba năm bặt tin, giờ lại nghe nói chàng ta đã cùng vợ con rời kinh đến nhiệm sở mới ở Dương Châu, tin này khiến Huyền Cơ choáng váng, rõ ràng mình đã bị vứt bỏ, mình đã bị phụ bạc. Đối diện với những nỗi đau, giận, hận con người và cuộc đời cực cùng như vậy; người ta làm sao? Bao nhiêu chịu đựng, kìm nén bấy lâu nay hóa ra vô công, tuyệt vọng khiến bỗng chốc nổ tung trong lòng Ngư Huyền Cơ. Bài “Tặng lân nữ” đánh dấu nỗi đau và sự chuyển biến khủng khiếp ấy trong đời Huyền Cơ; trong đó câu thứ ba và thứ tư: “Dị cầu vô giá bảo, Nan đắc hữu tình lang” được xem là thiên cổ danh cú:

 

Tu nhật già la tụ,

 

Sầu xuân lãn khởi trang.

 

Dị cầu vô giá bảo,

 

Nan đắc hữu tình lang.

 

Chẩm thượng tiềm thùy lệ,

 

Hoa gian ám đoạn trường.

 

Tự năng khuất Tống Ngọc,

 

Hà tất hận Vương Xương.

 

Phất tay che nắng chói,

 

Xuân buồn lười điểm trang.

 

Dễ cầu vật vô giá,

 

Khó được một tình lang.

 

Gối chăn đầm lệ nhỏ,

 

Giữa hoa lại đoạn trường.

 

Tống Ngọc, mình đâu kém!

 

Hà tất hận Vương Xương.

 

Huyền Cơ thâu dưỡng mấy bé gái nhà nghèo làm đệ tử phục dịch cho mình, bắt đầu cuộc sống phóng túng nhàn hưởng. Ngoài Hàm Nghi Quán cho dán bức tự “Ngư Huyền Cơ thi văn hầu giáo”, chẳng mấy chốc tin này đã loan truyền khắp Trường An. Thế là vô số những bậc văn nhân nhã sĩ tìm đến Hàm Nghi Quán đàm thơ luận văn cùng Huyền Cơ thâu đêm suốt sáng, tiếng tăm của Huyền Cơ cũng vì vậy mà ngày càng vang xa.

 

Những người đến Hàm Nghi Quán, ai khôi ngô anh tuấn lọt mắt xanh của Huyền Cơ sẽ được cô giữ lại qua đêm trong đạo quán. Cuộc sống mới phóng đãng ấy của cô phần nào được tái hiện trong tác phẩm “Đạo hoài thi” của Huyền Cơ:

 

Nhàn tản thân vô sự,

 

Phong quang thả lạc du.

 

Đoạn vân giang thượng nguyệt,

 

Giải lam hải trung chu.

 

Cầm lộng tiêu lương chuyển,

 

Thi ngâm khánh lượng lâu.

 

Tòng hoàng kham tác bạn,

 

Phiến thạch hảo vi trù.

 

Yến tước đồ vi quý,

 

Kim ngân chí bất cầu.

 

Mãn hoài xuân lục tửu,

 

Đối nguyệt dạ cầm u.

 

Hiểu thế giai tình thú,

 

Bán túy khởi sơ đầu.

 

Nhàn tản thân vô sự,

 

Cảnh đẹp mặc sức chơi.

 

Rẽ mây trăng sông sáng,

 

Cởi neo thuyền ra khơi.

 

Đàn buông tiếng réo rắt,

 

Thơ ngâm giọng tiêu tao.

 

Khóm trúc vui kết bạn,

 

Bàn đá thích cờ cao.

 

Én sẻ đều đáng quý,

 

Bạc tiền chẳng ưa cầu.

 

Giải sầu xuân tràn rượu,

 

Trước trăng tiếng đàn sâu.

 

Dạo quanh thềm tìm thú,

 

Rút trâm ngắm hồi lâu,

 

Bên giường trang sách mở,

 

Dở say dậy chải đầu.

 

Vẻ phong tình, kiều mị xinh tươi cùng tài hoa trác tuyệt của Huyền Cơ đã khiến vô số bậc tu mi nam tử đã quỳ dưới gối cô. Khi ấy, có một chàng thư sinh thi hỏng nhưng dung mạo anh tuấn tên là Tả Danh Dương rất được Huyền Cơ để mắt, bởi chàng ta từa tựa với chàng Lý Ức ngày xưa. Tuy hận chàng Lý bạc tình, nhưng lòng Huyền Cơ vẫn chưa quên được chàng ta, cho nên khi thấy Tả Danh Dương đến, cô ngỡ như Lý Ức đã trở về với mình, thường giữ Tả qua đêm tại đạo quán của mình.

 

Ngoài Tả Danh Dương, đi lại khắng khít với Huyền Cơ còn có Lý Cận Nhân. Ban đầu Huyền Cơ không thích gã thương nhân này, nhưng sau thấy y si tình kiên nhẫn đeo đuổi, hơn nữa lại hết lòng cung phụng vật chất cho cô, nên cuối cùng Huyền Cơ cũng chấp nhận y thành tình nhân của mình. Và cứ như bài “Nghênh Lý Cận Nhân viên ngoại” thì tình cảm giữa hai người cũng rất thắm thiết:

 

Kim nhật thần thời văn hỉ thước,

 

Tạc tiêu đăng hạ bái đăng hoa.

 

Phần hương xuất hộ nghênh Phan Nhạc,

 

Bất sái Khiên Ngưu Chức Nữ gia.

 

Sớm nay nghe thước mừng vui hót,

 

Đêm qua trang điểm đón chờ người.

 

Đốt trầm ra cửa nghênh Phan Nhạc,

 

Khiên Ngưu đến nhà Chức Nữ chơi.

 

Tuy gắn bó như vậy, nhưng Lý Cận Nhân cũng không ngăn cấm quan hệ giữa Huyền Cơ và những người khác, có lẽ ông ta biết mình thường đi buôn bán xa nhà, cộng thêm tính cách tự do của Huyền Cơ thế ấy, có ngăn cấm cũng khó lòng, cho nên cứ để cô tự do. Đương thời có một viên quan tên là Bùi Đắng rất ái mộ Huyền Cơ và tìm mọi cách lấy lòng cô. Nhưng Huyền Cơ thấy y họ Bùi, lại nhớ đến nỗi hận năm xưa từng bị Bùi thị hành hạ, nên cự tuyệt Bùi Đắng.

 

Ngày nọ, có mấy chàng công tử đến Hàm Nghi Quán chơi, theo sau còn có bọn nhạc công ca sĩ. Hạng công tử thì Huyền Cơ trông đã chán mắt, nhưng trong số nhạc công ấy, có một chàng rất khôi ngô tuấn tú khiến Huyền Cơ bị hấp dẫn. Anh chàng tên là Trần Vĩ kia thấy Huyền Cơ cũng như ngây như si. Thế là “hai mắt cùng liếc hai lòng cùng ưa”. Sau khi bọn họ về hết, Huyền Cơ như bị trúng tiếng sét ái tính, khiến cho cô lửa lòng rừng rực, mất ăn mất ngủ vì tương tư gã họ Trần, đến nỗi phải viết một bài thơ để “hạ nhiệt”:

 

Hận ký chu huyền thượng,

 

Hàm tình ý bất nhâm.

 

Tảo tri vân vũ hội,

 

Vị khởi huệ lan tâm.

 

Chước chước đào kiêm lý,

 

Vô phương quốc sĩ tầm.

 

Thương thương tùng dữ quế,

 

Nhưng sái sĩ nhân khâm.

 

Nguyệt sắc đình giai tĩnh,

 

Ca thanh trúc viện thâm.

 

Môn tiền hồng diệp địa,

 

Bất tảo đãi tri âm.

 

Hận gởi chàng nhạc sĩ,

 

Chẳng thấu tấm tình si.

 

Đã biết hội vân vũ,

 

Lòng huệ lan vẫn y.

 

Rực rỡ sắc đào mận,

 

Quốc sĩ tìm kiếm chi.

 

Quế tùng xanh ngăn ngắt,

 

Sao người lại khinh khi.

 

Ánh trăng tràn thềm vắng,

 

Tiếng ca trúc não nề.

 

Trước sân đầy lá rụng,

 

Không quét, đợi tương tri.

 

Chính lúc Huyền Cơ đang không biết làm cách nào để gặp Trần Vĩ, thì sáng sớm ngày thứ ba anh ta đã đến Hàm Nghi Quán cũng vì quá nhớ nhung giai nhân. Thời hai người si tình gặp nhau vui sướng khôn tả, vội vàng “trướng rủ màn che” để thỏa nỗi tương tư. Từ đó, Trần Vĩ trở thành một vị khách đặc biệt và thường xuyên của Hàm Nghi Quán.

 

Trong số những bé gái mà Huyền Cơ thâu dưỡng làm đệ tử năm xưa, có một cô tên là Lục Kiều bây giờ cũng đã trổ mã thành ra một thiếu nữ yêu kiều. Một bữa, Huyền Cơ có việc đi vắng dặn Lục Kiều ở lại trông đạo quán. Khi cô trở về hỏi có ai đến tìm mình không, Lục Kiều trả lời rằng có Trần Vĩ đến, nhưng thấy Huyền Cơ  không có nhà nên trở về rồi. Huyền Cơ nghĩ, mỗi lần đến đây, Trần Vĩ thường chờ gặp mình rồi mới về, sao hôm nay lại bỗng nhiên bỏ về sớm vậy? Linh tính của người phụ nữ khiến cô sinh nghi, bèn ngầm quan sát kỹ đệ tử Lục Kiều, thấy cô ta quần áo tóc tai không được chỉn chu như mọi bữa, mà lời nói cử chỉ cũng có vẻ khác thường. Thế là Huyền Cơ mười phần đã rõ chín, cô bèn gọi Lục Kiều vào phòng riêng, bắt cô ta bỏ hết xiêm y để kiểm tra. Mặc dù Lục Kiều ra sức chối, nhưng những vết móng tay trên ngực của cô ta lại khẳng định nghi ngờ của Huyền Cơ là đúng. Cơn ghen bùng lên khiến Huyền Cơ cả giận giật roi đánh Lục Kiều một trận tả tơi, Lục Kiều thấy hết đường chối cãi, lại bị đánh đau quá bèn lớn tiếng mạt sát lại tội “phong tình” của sư phụ. Huyền Cơ tam bành lục tặc nổi lên, xông đến bóp cổ Lục Kiều, chừng thấy Lục Kiều thân mềm, tay xuôi mới buông ra thì vô cùng hốt hoảng khi biết cô ta đã hồn lìa khỏi xác. Huyền Cơ kinh sợ vội vàng lôi Lục Kiều đến khóm hoa tử đằng ở vườn sau “vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa”.

 

Ngày nọ, có hai vị khách đến Hàm Nghi Quán chơi, quá bước ra sau vườn, chợt thấy dưới khóm hoa tử đằng đầy những ruồi nhặng và bay mùi hôi thối. Hai người sinh nghi, trở về mật báo với quan nha. Thế là Huyền Cơ bị điệu đến công đường, oan gia thay, người xử án lại là Bùi Đắng. Rốt cùng Huyền Cơ lĩnh án tử, kết thúc một kiếp đào hoa, tài tình, phong lưu, bạc mệnh. Khi ấy cô mới 26 tuổi.

 

Trong số những nhận xét của người Trung Quốc ngày nay về đời sống tình dục của Ngư Huyền Cơ, có thể nói suy luận  của Phàn Hùng trong quyển “Bí mật văn hóa phòng trung của Trung Quốc cổ” là đặc biệt nhất, ông cho rằng Ngư Huyền Cơ theo một phái của Đạo gia lấy tình dục làm phép luyện thuật trường sinh và bị “tẩu hỏa nhập ma”, không kềm chế được dục tính của bản thân. Lại có người cho Ngư Huyền Cơ là “nữ hoàng tình dục”, có người gọi cô là “đãng phụ”… Thậm chí có người còn cho thơ Huyền Cơ là “quá tục tĩu”… Có lẽ vì những đánh giá ấy mà cho đến nay, thi tài của Ngư Huyền Cơ vẫn còn bị bao phủ trong lớp sương mù thành kiến. Dù vậy, bụi ngàn năm cũng không làm lu mờ hay xoá nhoà những vần thơ chan chứa tài – tình của Huyền Cơ.

 

(Đã đăng trên Kiến Thức Ngày Nay, 2009)

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.