Jan 14, 2025

Tiểu luận - Tạp bút

Đừng cậy có bố giỏi... văn Tàu (Trích)
Hạ Từ Văn * đăng lúc 09:04:45 PM, Jan 11, 2011 * Số lần xem: 2185
Hình ảnh
Thuy Kieu & Thuy Van
#1

 

... thử hỏi các vị nếu Nguyễn Du phóng tác "Kim Vân Kiều truyện" của Trung Quốc thành truyện thơ Kiều ở thế kỷ 20 rồi gửi đi dự giải Nobel văn học liệu người ta có chấm, có trao giải cho Du không? Điều đó thì ai cũng thừa hiểu rằng... nó sẽ thế nào. Việc Nguyễn Du được Unesco công nhận là danh nhân văn hoá thế giới chẳng qua tổ chức này mù mờ về nền văn hoá Việt Nam đi tin theo vài ba cái tham luận, báo cáo bốc thơm, công nhận sau những bữa tiệc hậu đãi của chủ nhà hiếu khách ra đều biết tôn vinh văn hoá! Nhìn vào nhân cách, con người Du tác động vào giai đoạn lịch sử thời Du sống nào có gì đáng kể, ở góc nhìn của người có lòng yêu nước chân chính thì Du chẳng qua chỉ là kẻ phản động trong mắt triều đại Tây Sơn, một thời đại lẫy lừng những chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa, Rạch Gầm - Xoài Mít. Tuổi trẻ, tài trai "thoả chí tang bồng" Du đem chôn vùi vào những năm tháng ở ẩn "dưới chân núi Hồng Lĩnh" đến năm 37 tuổi (1802). Có lần Du đã tự xấu hổ khi nhìn vào thanh gươm: "Trai thời loạn, nhìn thanh gươm mà thẹn" (thơ Du). Thời Tây Sơn hào hùng rạng rỡ lịch sử đất nước là thế mà Du không dám gạt bỏ định kiến cổ lỗ để ra giúp anh em nhà Tây Sơn dựng nghiệp lớn, còn định chạy sang Tàu theo Lê Chiêu Thống không kịp đành quay về mưu dựng phong trào "phục quốc" chống nhà Tây Sơn vào năm 1787 không thành đành trốn về quê vợ ở Thái Bình ở ẩn! Ngày đó Du có chạy được theo bầu đàn thê tử nhà Lê thì cũng chết mục xương ở xứ người. Chứng tỏ Du là con người không thức thời, không chụi ủng hộ cái mới, không muốn dân tộc mình thoát khỏi những trói buộc phong kiến trì trệ triều Lê - Trịnh. Người có tư tưởng lớn, tâm hồn lớn phải là người có tầm nhìn toàn cục, dự đoán được điều vĩ đại sắp xảy ra trên đất nước mình. Đi sống ẩn dật như con chồn con cáo để giữ khí tiết với nhà Lê - Trịnh mục nát, buồn chẳng biết làm gì rồi múa bút ngợi ca cái tài sắc một con điếm "quý tộc" chốn lầu xanh cho bọn Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Ưng, Khuyển, người hùng Tứ Hải, mặt sắt Hồ Tôn Hiến đến tên Thổ Ty nó tiêu khiển, hưởng thụ, mua vui. Xét cho cùng Du chỉ là hạng trí thức nông cạn, nhu nhược, yếu hèn đầu hàng thực tế chẳng có gì đáng để tôn phong thi hào thi bá. Đã có lần học giả Tôn Quang Phiệt viết trên một tờ báo chuyên ngành đại ý như sau: Đánh giá về Nguyễn Du cần hết sức bình tĩnh, thận trọng. Truyện Kiều chỉ nên coi là tác phẩm dịch từ nền văn học nước bạn, đây không phải tác phẩm sáng tạo. Nhà nghiến cứu văn học Trương Tửu viết một chuyên luận đặt ra nhiều điều sâu sắc tương tự vấn đề mà học giả Tôn Quang Phiệt đặt ra. Tiếc là những ý kiên đầy nhân cách ấy bị dìm đi. Họ nghĩ rằng một chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu đủ quyền tấn phong vài nhà văn hoá, dù là thứ văn hoá Steal! Đừng để sau này con cháu phải xấu hổ vì sự ngộ nhận của một thời hoáng mắt hoáng trí.

Hãy thử soi vào tấm gương trời lồng lộng Nguyễn Trãi mà so. Vì sự tồn vong của đất nước, Nguyễn Trãi dám gạt bỏ lòng kiêu hãnh về "danh gia vọng tộc" của mình để làm bề "tôi" cho Lê Lợi một bá hào chốn hương thôn bé con vùng đất thắt ngẵng cổ chai nên lòng dạ hẹp hòi, toan tính, đố kỵ chỉ "chung hoạn nạn không chung hưởng phú quý" khi còn chưa đoán định được tương lai đi về đâu. Mới thấy được tầm tư tưởng của Nguyễn Trãi lớn mức nào. Khi nhà Lê có được ngai vàng trong tay cha thì giết công hầu, con giết công thần. Vụ án vườn vải (Lệ chí viên) dẫn đến sự tàn sát cả một dòng họ người có công xây lên chiếc ngai vàng cho triều đại ấy là một tội ác khó biện minh, khó tha thứ. Dĩ vãng cần bỏ qua, nhưng khó bỏ qua thứ dĩ vãng tàn bạo, mất lương tri. Chỉ mong rằng đừng ai hoang tưởng tin vào những kẻ bụng dạ hẹt hòi, cơ hội, đạo đức giả sẽ là người biết yêu thương con người, yêu thương những số phận khổ đau. Nền giáo dục Việt Nam đã đến lúc cần "xét tướng mạo" (điều này cụ Hồ đã đặt ra: "đó là đạo đức người cách mạng" từ những năm đầu thành lập nước) khi đào tạo nhân tài để có được những "đầy tớ" nhân dân thực thụ là những người hiền tài đức độ gánh trách nhiệm cầm cân nẩy mực đất nước.

Không hiểu sao một dạo người ta rất khắt khe trong việc nam nữ chuyện trò với nhau nơi vắng, tối coi chuyện tình dục một nhu cầu tự nhiên muôn thuở của con người là tội lỗi là vi hạm đạo đức? Tư duy văn hoá lại đề cao thứ văn chương "Xăm xăm đè nẻo Lam kiều lần sang", đề cao hình tượng văn học thối tha chốn lầu xanh vay mượn của nước Tàu để giãi bày tâm trạng kẻ sĩ lạc đường thất thế như Du! Song lại đánh té tát "Số đỏ, Vỡ đê" của Vũ Trọng Phụng, một tác phẩm văn học có tính dư báo về một xã hội “Còn để lại bao thằng Xuân tó đỏ/ Chúng nghênh ngang đến tận bây giờ” (Thơ Xuân Sách). Mới hiểu rằng: định nghĩa cho đúng chữ "học thức" mới mênh mông làm sao.

Kẻ học tắt, làm quan tắt thấy thiếu năng lực làm việc đành phải “tân trang” lỗ hổng kiến thức bằng cái bằng bổ túc văn hoá, bằng hàm thụ, chuyên tu tại chức. Khi đọc "Số đỏ", thấy nhân vật trong " Số đỏ" Vũ Trọng Phụng khắc họa giống bộ mặt "kẻ chợ" của mình quá, thì sợ, thì tức, hò nhau đánh để lấp liếm đi khỏi thiên hạ nhận ra bộ mặt “kẻ chợ” của mình.

-Đã đi qua cả thời Giông tố
Qua một thời cơm thày cơm cô
Còn để lại bao thằng Xuân tóc đỏ
Chúng nghêng ngang cho đến tận bay giờ"?
(Thơ Xuân Sách).

Theo cụ phó bảng Kiều Oánh Mậu (1853 - 1912), có thời người ta khuyên con cháu mình: "Trai không nên đọc truyện Tam quốc, Truyền kỳ, gái không nên đọc truyện Kim Vân Kiều, là sợ có khi hại đến đạo học mà nảy lòng dâm".
Truyện Kiều thì như thế, còn "Văn chiêu hồn" thì sao. Thưa, đó chỉ là bài văn cúng cô hồn nơi đền miếu, bãi chợ, bến sông, một bài văn vần yếm thế dị đoan thể thơ "Song thất lục bát" khấn vái những hồn ma bóng quỷ nhăng nhít viết theo đơn đặt hàng của bạo chúa cầm quân giết quá nhiều người, về già vừa ân hận vừa sợ những linh hồn chết oan chết uổng do lưỡi gươm của họ kéo về đòi mạng, sai Du viết ra để cúng tế vong hồn binh lính chết trận được siêu thoát lên trời hay nhờ Diêm vương giam họ vào hỏa ngục cho những âm hồn đó khỏi kéo đến quấy rày những năm tuổi già của họ. Đám thày cúng, đồng cốt, sư sãi, ngửi hơi thấy món lợi ở "văn chiêu hồn", bọn chúng lấy làm bài văn cúng cháo lá đa, cháo thí lừa bịp người lương thiện cả tin để kiếm phần xôi thịt, “Văn chiêu hồng” chả có giá trị gì về văn chương, về nghệ thuật gì ráo. Bình tĩnh đọc toàn thấy những điều nhảm nhí, vậy mà cứ ra rả tâng bốc này nọ khia khác lấy được. Chạy chọt để Unesco phong thần danh nhân văn hoá mà giả trị văn hoá, nhân cách thực thụ chưa đựng đầy cái bị cói con thì... có gì phục. Thấy sắp hết đời đến nơi, Du đành hạ mình đi "phò" Gia Long. Gia Long tài trí gì cho cam, một kẻ cầm gươm hèn nhát núp sau vạt áo thụng đen các giáo sĩ phương Tây vẫn phải chạy dài trước lưỡi gơm chinh phạt của Nguyễn Huệ. Hai lần rước voi dày mả tổ gây cho nước Nam bị họa Tây xâm 80 năm. Phải đợi đến lúc Quang Trung mất (1792), Gia Long còn phải đánh nhau với con Quang Trung, Nguyễn Quang Toản mới 10 tuổi lên làm vua (1792 -1802) hơn 11 năm mới lấy được đất, thành trì?
Rồi sẽ có lúc lịch sử nhìn nhận, đánh giá đúng công, tội của Du trước nền văn hoá dân tộc, khi một thế hệ con cháu có ngưỡng văn hoá cao, hiểu biết sâu sắc việc đời chúng sẽ không mê lú nhận định như kiểu nhận định của ông cha sùng bài của giả. Không còn lâu lắm đâu.
Ngày xưa dân ta bị phong kiến, đế quốc kìm hãm không cho học hành, mù chữ để chúng dễ bề cai trị thành thử ít người có được chút văn hoá "còm" để làm thơ nên các bà, các mẹ xưa bí lời hát ru em, ru con, khi vớ được thơ Kiều "lời Tàu góp nhặt" dễ nhớ, dễ thuộc, truyền miệng thuộc để hát ru em, khi có con thì ru con. Thơ Kiều là thứ thơ "máy móc" gò ép mớ điển tích tàu rắc rối những lễ nghĩa, giáo lý cổ hủ đem quàng lên cổ nền văn hoá vốn tươi tắn cởi mở, no cùng cười mà đói cũng nhe răng cười khì. Áp đặt khiên cưỡng vậy mà chẳng ai nhận ra; hay nhận ra, nhưng vì quá mê tín "đồ ngoại" mà lú lẫn! Còn thơ Hồ Xuân Hương đọc đi, đọc lại lúc nào cũng thấy lạ, thấy mới thì chê ỏng chê eo nào dâm, nào tục... là thơ dân gian truyền miệng để dễ bề o bế tâng bốc truyện Kiều, đứa con hoang của nền văn hoá! May sao, năm 2003 nữ PGS - TS Hoàng Bích Ngọc, nhà khoa học tự nhiên trẻ tuổi đã lấn sân sang khoa học xã hội bằng một chuyên luận gây được sự đồng tình lớn của dư luận. Chuyên luận đó là công trình giầu tính khoa học: "Hồ Xuân Hương - con người - tư tưởng - tác phẩm" định vị chắc chắn cho những người ngưỡng mộ, yêu mến tài thơ Hồ Xuân Hương, yên tâm bà là nhà thơ, là con người có thực, có quê hương, có cha sinh mẹ đẻ, có chồng, cuộc đời bà từng nếm trải những đa đoan của người nghệ sĩ tài hoa.
Truyện Kiều, ai đời với 3.254 câu thơ mà phải mất đến 3.252 từ cần chú thích? Phần chú thích dày bằng truyện (Truyện Kiều, nhà xuất bản Đại học & trung học chuyên nghiệp Hà Nội 1976). Quân bình cứ đọc một câu thơ Kiều lại phải mất thời giờ dừng lại mở cuối sách xem giải thích ý nghĩa cổ lỗ sĩ mãi tận thời Nghiêu - Thuấn đến Tông - Minh bên nước Tàu! Ngày xưa các cụ thuộc Kiều để ru em, ru con, 90% dân số mù chữ (trước 1945) xem gì được chú thích, ngẫm nghĩ gì nổi cái thứ “sâu sắc” trói buộc quyền tự do con người kiểu Tàu! Cứ thử làm cuộc thăm dò xã hội trong sinh viên ngày nay xem có bao nhiêu người thuộc nổi 100 câu Kiều?
Nguyễn Du chơi ác "hoa hậu" Vương Thuý Kiều thì đúng hơn, bêu riếu, vùi dập Kiều chứ nhân đạo nhân đếc gì mà cứ mãi ra rả tán hươu tán vượn năm này qua năm khác đề cao Du đem đăng báo ăn nhuận bút. Cô Kiều bạc mệnh, cô Kiều đa đoan là cô Kiều bên Trung Quốc, ngày xưa nó mới lắm lầu xanh nhà chứa, lắm chốn ăn chơi... dân Việt, chân đất mắt toét có được Chị Dậu, Tám Bính, Thị Nở, Thị Mịch là sang lắm rồi các học... giả ơi!

Không biết khi đọc hai câu thơ sau đây của Nguyễn Du mọi người nghĩ ra răng:
 
"Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời" (kiều) ?

Còn tôi, tôi cứ thấy nó họ hàng với hai câu thơ này của Đoàn Thị Điểm:
 
"áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in" (Chinh phụ ngâm).
 
Vậy ai steal (ăn cấp) thơ ai không biết. Đoàn Thị Điểm sinh 1705, mất năm 1748; Nguyễn Du sinh năm 1765, mất năm 1820, cả hai đều là dịch giả văn chương? Thiên tài mà steal thơ thì cái tầm... lớn cũng chỉ vừa phải thôi, đừng lúc nào cũng cậy có bố "giỏi văn tàu" nhất thế giới mà ngượng với những nền văn học với sức sáng tạo vĩ đại, ra khuôn ra mẫu, ra tấm ra món của thiên hạ!

Hạ Từ Văn

                                                                                      

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.