Dec 26, 2024

Trường thiên lục bát

Thanh Hiên Thi Tập # 120 - # 139
Băng Ðình * đăng lúc 11:13:04 AM, Jul 01, 2008 * Số lần xem: 3464
120
Ngũ Nguyệt Quan Cạnh Độ


Hoài Vương (1) quy táng Trương Nghi (2) tử
Sở quốc từ nhân (3) ký bội lan (4)
Thiên cổ chiêu hô chung bất phản (5)
Mãn giang tranh cạnh thái vô đoan
Yên ba diểu diểu không bi oán
La cổ niên niên tự tiếu hoan
Hồn nhược quy lai dã vô thác
Long xà quỷ vực biến nhân gian

Tháng Năm Xem Đua Thuyền

Hài cốt của Hoài Vương được đưa về chôn ở nước Sở, Trương Nghi đã chết
Nhớ người thơ nước Sở đeo hoa lan.
Nghìn thủa gọi hồn nhưng cuối cùng hồn chẳng về.
Đầy sông đua tranh, thật chẳng có nghĩa lý gì.
Trông khói sóng mênh mông, lòng ta luống những đau thương oán giận,
Hàng năm chiêng trống chỉ để vui chơi nô đùa.
Hồn ví có về thì cũng không chốn nương tựa,
Rắn rồng quỷ quái khắp nhân gian.


Chú thích:
(1) Hoài Vương: Vua nước Sở không nghe lời can của Khuất Nguyên cứ đi hội với vua Tần, bị Tần bắt giữ lại, sau khi chết mới được đưa xác về Sở để chôn.
(2) Trương Nghi: Thuyết khách, chủ trương thuyết “liên hoành”, liên kết sáu nước Tề, Sở, Yên, Triệu, Hàn, Ngụy để phò Tần, chống thuyết “hợp tung” của Tô Tần. Nghi từng làm tướng quốc nhiều nước, đã từng sang Sở mua chuộc các đại thần và Trịnh Tụ vợ yêu của Sở Hoài Vương, dèm Khuất Nguyên để Khuất Nguyên bị đi đầy và hắn ta được làm tướng quốc. Sau bị lộ mưu, chạy về Tần, rồi sang Ngụy, cuối cùng chết ở Ngụy.
(3) Sở quốc từ nhân: Người thơ nước Sở tức Khuất Bình (340? – 278? trước CN) tên chữ là Nguyên, quen gọi là Khuất Nguyên. Làm chức Tả Đồ (dưới Lệnh Doãn - Tể Tướng) dưới thời Sở Hoài Vương. Ông là người “học rộng nhớ nhiều, sáng suốt về lẽ trị loạn, thông thạo về hiến lệnh” (Tư Mã Thiên). Chủ trương cải cách xã hội (hạn chế đặc quyền quý tộc, cất nhắc trọng dụng hiền tài) để cứu vãn tình trạng diệt vong của Sở - Bị bọn đại thần đả kích, bị mắc kế ly gián của Trương Nghi, Trịnh Tụ… Khuất Nguyên bị cách chức đi đầy năm 298 trước CN. Khoảnh Tương Vương lên ngôi lại nghe lời bọn gian thần Tử Lan, Cận Thượng đầy ông về Giang Nam. Khuất Nguyên qua Động Đình, Nguyên Tương và khi tướng Tần là Bạch Khởi đánh vào kinh đô Sở là thành Sính, theo một truyền thuyết, ông nhẩy xuống sông tự trầm. Tác phẩm của ông (Ly Tao, Cửu Ca, Thiên Vấn, Cửu Chương… ) là những đỉnh cao “treo cao cùng mặt trời mặt trăng” (Lý Bạch) trong thơ ca và văn hóa Trung Quốc. Đồng thời Khuất Nguyên là tượng trưng cho chí bất khuất, lòng yêu nước ngàn đời của nhân dân Trung Hoa và nhân loại.
(4) Trong thiên Ly Tao của Khuất Nguyên có câu “Nhận thu lan dĩ vi bội” (xâu kết hoa lan để đeo vào người). Khuất Nguyên yêu hoa lan, loài hoa tượng trưng cho sự cao khiết
(5) Tống Ngọc là học trò của Khuất Nguyên viết bài Chiêu Hồn để gọi hồn ông.
(6) Khuất Nguyên mất ngày 5 tháng 5 âm lịch. Theo tục truyền hàng năm cứ đến ngày này, người Trung Quốc tổ chức kỷ niệm nhà thơ, thường đua thuyền tượng trưng cho việc tìm thi thể của nhà thơ.


Xem Đua Thuyền Tháng Năm


Hoài Vương di cốt đưa về
Sở chôn
Là lúc Trương Nghi chết rồi
Người thơ lan buộc bên người
Về làm chi nữa muôn đời nhớ nhau
Thuyền đua ơn ích gì đâu
Khói sông ta những đớn đau giận hờn
Năm năm chiêng trống ca đờn
Lỡ về hồn biết náu nương chốn nào
Rắn rồng quỷ quái thét gào
Khắp nhân gian hại biết bao nhiêu người



121
Dương Phi Cố Lý (1)


Sơn vân tước lược ngạn hoa minh
Kiến thuyết Dương Phi thử địa sinh
Tự thị cử triều không lập trượng (2)
Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành (3)
Tiêu tiêu Nam Nội (4) bồng cao biến
Mịch mịch Tây Giao (5) khâu lũng bình
Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ
Đông phong thành hạ bất thăng tình

Quê Cũ Dương Phi

Mây núi thưa thớt, hoa bên bờ sông sáng rõ
Nghe nói Dương Phi sinh ở đất này.
Từ đấy cả triều đình đều là người đứng như phỗng,
Mà nghìn năm còn đổ tội oan cho người đẹp khuynh thành.
Cung Nam Nội hiu hắt, cỏ bồng mọc cao khắp,
Đông Tây Giao yên lặng, gò đống san bằng.
Cánh hồng tàn rơi tơi tả biết tìm thấy ở đâu,
Dưới thành gió đông thổi, khiến lòng ngậm ngùi khôn kể xiết.

Chú thích:
(1) Dương Quý Phi: Dương Ngọc Hoàn, quý phi của Đường Minh Hoàng, quê ở Hoàng Nông, huyện Hòa Âm, tỉnh Thiểm Tây ngày nay.
(2) Không lập trượng: Đứng im trong hàng gậy. Phép thiết triều của nhà Đường có tám con ngựa đứng im chầu trong hàng gậy. Con nào động cựa sai phép tắc đã luyện trước hoặc kêu lên sẽ bị đuổi, thay con khác. Đời sau dùng điều này để chỉ bọn làm quan ăn lương, ngồi cho đủ thứ vị mà chẳng làm gì thiết thực cả.
(3) Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành: Đường Minh Hoàng bị An Lộc Sơn phản loạn, phải chạy vào đất Thục. Đến đèo Mã Ngôi, quân lính không chịu đi đòi giết Dương Quốc Trung là anh họ Dương Quý Phi và Dương Quý Phi là những người làm cho nhà Đường suy yếu và Đường Minh Hoàng bị mê muội làm nhiều điều sai trái. Dương Quý Phi bị thắt cổ chết ở đèo Mã Ngôi.
(4) Nam Nội: Tức cung Hưng Khánh ở phía nam khu Đông Nội. Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi thường vui chơi ở đấy.
(5) Tây Giao: Cánh đồng ở phía tây Tràng An, chỉ cánh đồng Mã Ngôi nơi Dương Quý Phi chết.
Tức thành Mã Ngôi. Thành có từ đời Tấn sau gọi là trấn Mã Ngôi.



Quê Cũ Dương Phi

Núi sông hoa thắm mây thưa
Đất này Phi Tử ngàn xưa chào đời
Đình thần phỗng đứng mà thôi
Muôn ngàn tội đổ cho người thành nghiêng
Nam Cung bồng cỏ mọc lên
Tây Giao gò đống một phen lấp bằng
Hồng rơi thắm rụng bẽ bàng
Dưới thành gió lướt đoạn tràng riêng ai


122
Triệu Vũ Đế (1) Cố Cảnh


Bạo Sở cường Tần tương kế tru
Ung dung ấp tốn bá nam tu
Tự ngu tận khả xưng hoàng đế
Lạc thiện hoàn năng khuất thụ nhu (2)
Bách xích cao đài khuynh Lĩnh Biểu (3)
Thiên niên cổ mộ một Phiên Ngu (4)
Khả liên thế đại tương canh điệt
Bất cập man di nhất lão phu (5)

Đất Cũ Của Triệụ Vũ Đế

Nước Sở nước Tần là hai nước cường bạo đã nối nhau diệt vong.
Ông cứ ung dung, nhún nhường nhận nhường ngôi làm bá chủ phương nam.
Tùy thích có thể xưng hoàng đế,
Vui điều thiện còn có thể chịu khuất với anh nhà nho ngu dốt.
Đài cao trăm thước ở ngoài Lĩnh Biểu đã đổ,
Ngôi mộ cổ nghìn năm ở Phiên Ngung cũng đã mất.
Khá thương đời này đời khác thay đổi nhau,
Không bằng được ông già Man Di.


Chú thích:
(1) Triệu Vũ Đế: Tức Triệu Đà sinh năm 258 trước CN, làm quan huyện lệnh Đông Xuyên, dưới quyền Nhâm Ngao, quan úy huyện Nam Hải cuối thời Tần. Nhà Tần tàn bạo đang ở thời kỳ suy sụp đại loạn. Nhâm Ngao muốn nhân cơ hội đó đánh lấy nước Âu Lạc, lập nên một nước tự chủ ở phương nam. Chưa thực hiện được kế hoạch đó thì Nhâm Ngao bệnh, lúc sắp chết giao binh quyền cho Triệu Đà. Năm Quý Tỵ (208 trước CN) tức là năm thứ 50 đời An Dương Vương. Triệu Đà đem quân sang đánh lấy nước Âu Lạc, lập ra nước Nam Việt lên làm vua tức là Vũ Vương đóng đô ở Phiên Ngung, gần thành Quảng Châu hiện nay. Triệu Đà mất năm 137 trước CN, thọ 121 tuổi.
(2) Hán Văn Đế cho Lục Giả là một mưu sĩ sang dụ Triệu Đà thần phục nhà Hán, hứa tôn trọng hoàn toàn quyền tự chủ của Nam Việt, gác bỏ binh đao, ông đã nghe theo.
(3) Linh Biểu: Đất ở ngoài Ngũ Lĩnh, tức miền nam Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây và Nam Việt.
(4) Phiên Ngu: Tức Phiên Ngung kinh đô của Triệu Vũ Đế nay là Quảng Châu. Triệu Đà chôn ở Phiên Ngung, ngôi mộ không còn dấu vết.
(5) Man di nhất lão phu: Một ông già man di. Triệu Đà đáp thư Hán Văn Đế tự xưng là Man di đại trưởng lão phu.


Đất Cũ Của Triệu Vũ Đế


Cường Tần bạo Sở tiêu vong
Riêng ngài ngài cứ thong dong nhún nhường
Nếu cần Hoàng Đế Nam Phương
Hủ nho chịu khuất vì thương dân lành
Đài cao Lĩnh Biểu tan tành
Ngàn năm cổ mộ Phiên Thành cũng tiêu
Khá thương dâu biển mấy triều
Không bằng một lão ông nghèo Nam Di


123
Bất Tiến Hành


Vũ sư (1) thế khấp Bằng Di (2) nộ
Ngũ Chỉ Sơn (3) tiền thủy bạo chú
Bạch ba chung nhật tẩu xà long
Thanh sơn lưỡng ngạn giai sài hổ

Chu tiếp phân phân đồng nhất lưu
Há than nhân hỉ thướng than sầu
Bách trượng trường thằng vãn bất tiến
Chu trung niên thiếu giai bạch đầu


Bài Hành Về Việc Thuyền Không Tiến Được

Thần mưa khóc sướt mướt, thần nước giận giữ,
Trước núi Ngũ Chỉ, nước như trút xuống
Sóng bạc suốt ngày như rắn rồng đua chạy,
Hai bên bờ núi xanh như sói, cọp.

Thuyền chèo tới tấp đều cùng trong một dòng nuớc,
Người xuống khỏi thác thì vui mừng, người lên thác thì lo.
Dây thừng dài trăm trượng kéo mãi không lên được,
Trai trẻ trong thuyền đều bạc cả mái đầu.
Chú thích:
(1) Vũ Sư: Thần mưa.
(2) Bằng Di: Thần nước, tức Hà Bá.
(3) Ngũ Chỉ Sơn: Núi ở huyện Châu Bình, phủ Bình Lại, tỉnh Quảng Tây có năm ngọn trông như năm ngón tay người.



Bài Hành Về Việc Thuyền Không Tiến Được


Nước hờn mưa giận ngày đêm
Mưa như chĩnh đổ nước lên ngập bờ
Sóng cồn rồng rắn lô xô
Hai bên núi biếc chơi đùa hùm beo

Thuyền chung dòng nước một lèo
Ghềnh xuôi mừng rỡ thác leo hãi hùng
Chão dài kéo vẫn đứng không
Trẻ trên thuyền cũng thành ông bạc đầu


124
Tam Liệt Miếu (1)


Thái nữ (2) sinh sồ Trác nữ (3) bôn
Lạc hoa phi nhứ bất thăng ngôn
Thiên thu bi kiệt hiển tam liệt
Vạn cổ cương thường thuộc nhất môn
Địa hạ tương khan (4) vô quý sắc
Giang biên hà xứ điếu trinh hồn
Thanh thời đa thiểu tu như kích
Thuyết hiếu đàm trung các tự tôn

Miếu Tam Liệt

Nàng Thái sinh con, nàng Trác bỏ nhà theo trai,
Hoa rụng tơ bay nói sao cho xiết!
Bia kệ ngàn năm làm rạng danh ba người đàn bà tiết liệt,
Cương thường một thủa thuộc về một nhà.
Dưới đất nhìn nhau, không chút hổ thẹn trên nét mặt
Trên bến sông này đâu là nơi viếng hồn trinh?
Thời bình biết bao kẻ râu vểnh lên như ngọn kích,
Nói hiếu, bàn trung ai cũng tự suy tôn mình.

Chú thích:
(1) Tam Liệt Miếu: Tác giả chú thích như sau: “Khoảng niên hiệu Chính Đức nhà Minh (1506-1521), Lưu Thời Cử đi nhậm chức. Thuyền tới đây (nơi lập miếu) bị bọn cướp giết. Vợ là Trương Thị, thiếp là Quách Thị, con gái là Lưu Thị, không chịu nhục, nhẩy xuống sông chết. Khoảng năm Gia Tĩnh (1522-1526) được biểu dương và lập miếu thờ.
(2) Thái Nữ: Tức nàng Thái Diễm, tự Văn Cơ, con gái của Thái Ung cuối thời Đông Hán, kết duyên với Vệ Trọng Đạo, chưa có con thì chồng chết, trở về nhà. Sau đó quân Hung Nô xâm lược đất Hán, bắt được nàng đem về nước gả cho người Hung Nô. Sau 12 năm sinh được hai con. Tào Tháo là bạn thân của Thái Ung sai sứ đem vàng bạc sang chuộc về gả cho Đổng Tự.
(3) Trác Nữ: Tức Trác Văn Quân là con gái của Trác Vương Tôn thời Tây Hán, góa chồng về ở nhà. Tư Mã Tương Như đến dự tiệc, trông thấy nàng bèn gẩy khúc Phượng Cầu Hoàng để tỏ tình. Nàng liền bỏ nhà trốn đi theo Tương Như. Đạo đức phong kiến không đề cao hai người phụ nữ này.
(4) Khan: Có bản ghi là phùng.


Tam Liệt Miếu


Văn Cơ cùng với Văn Quân
Tơ bay hoa rụng có ngần ấy thôi
Ngàn năm bia miệng để đời
Một nhà tiết liệt ba người đoan trang
Gặp nhau chẳng thẹn suối vàng
Bến này biết viếng mấy nàng nơi đâu
Thanh bình bao kẻ vểnh râu
Tán trung bàn hiếu bốc nhau tận trời



125
Quế Lâm Cù Các Bộ (1)

Trung Nguyên đại thế dĩ đồi đường
Kiệt lực cô thành khống nhất phương
Chung nhật tử trung tâm bất động
Thiên thu địa hạ phát do trường (2)
Tàn Minh miếu xã đa thu thảo
Toàn Việt (3) sơn hà tận tịch dương
Cộng đạo Trung Hoa thượng tiết nghĩa
Như hà hương hỏa thái thê lương

Ông Các Bộ Họ Cù Ở Quế Lâm

Đại thế ở Trung Nguyên đã sụp đổ rồi,
Ông vẫn dốc sức giữ tòa thành trơ trọi để khống chế một phương.
Suốt ngày trước cái chết lòng ông không nao núng,
Nghìn thu nằm dưới đất tóc vẫn dài.
Tông miếu xã tắc nhà Minh suy tàn, đầy cỏ thu,
Non sông toàn đất Việt đều nhuốm bóng chiều.
Ai cũng bảo nước Trung Hoa trọng tiết nghĩa,
Sao ở đây hương khói lại lạnh lẽo thế này?

Chú thích:
(1) Cù Các Bộ: Các Bộ họ Cù, tức Cù Thức Trĩ, Các Bộ là danh hiệu gọi tắt chức Đông Các Đại Học Sĩ của ông. Cù Thức Trĩ đậu Tiến Sĩ đời Minh Vạn Lịch. Đời Sùng Trinh giữ chức Tuần Phủ Quảng Tây. Sau khi nhà Thanh chiếm hết vùng Trung Nguyên, Quế Vương (Cháu Minh Thần Tông) xưng đế ở Triệu Khánh (thuộc Quảng Đông), phong Thức Trĩ là Đại Học sĩ. Sau Quế Vương thất bại chạy lên Vân Nam, Thức Trĩ cố giữ thành Quế Lâm. Thành bị hãm, ông tuẫn tiết.
(2) Nhà Thanh sau khi chiếm được Trung Quốc, bắt dân phải cắt tóc tết đuôi sam theo kiểu Mãn Thanh. Câu này ý nói Thức Trĩ chết vẫn giữ trọn lòng trung, để tóc dài, chứ không chịu hàng phục người Mãn Thanh mà cắt tóc tết đuôi sam.
(3) Toàn Việt: Toàn đất Việt. Chỉ Mân Việt (Chiết Giang, Phúc Kiến) và Lưỡng Việt (Quảng Đông, Quảng Tây).


Ông Các Bộ Họ Cù Ở Quế Lâm


Trung Nguyên thế trận vỡ rồi
Thành đơn ngài vẫn chống trời một phương
Tử sinh đối diện coi thường
Ngàn thu lòng đất tóc sương thả dài
Miếu đường Minh Đế cỏ gai
Non sông Toàn Việt bi ai dáng chiều
Trung Hoa lễ trọng nghĩa nhiều
Mà đây hương khói đìu hiu lạnh lùng


126
Quế Lâm Công Quán


Hoang thảo nhạ lưu huỳnh
Nhàn giai dạ khí thanh
Hàn đăng lưu quỷ ảnh
Hư trướng tụ văn thanh
Lao lạc xuân vô phận
Sa đà lão tự kinh
Thành đầu văn họa giác
Tự ngữ đáo thiên minh

Trong Công Quán Ở Quế Lâm

Trong đám cỏ hoang đom đóm bay,
Ngoài thềm vắng, hơi đêm trong mát.
Ngọn đèn lạnh như lưu lại bóng ma,
Màn thưa tiếng muỗi vo ve.
Lo buồn mãi, xuân không đến với mình,
Lần lữa năm tháng trôi qua thêm sợ tuổi già.
Nghe tiếng tù và vọng lên ở đầu thành,
Mình nói chuyện với mình cho mãi đến sáng.


Tại Công Quán Quế Lâm


Bãi hoang đom đóm lượn bầy
Thềm khuya hơi mát dâng đầy cõi không
Đèn soi ánh quỷ chập chùng
Vo ve tiếng muỗi bên mùng sợi thưa
Lo buồn xuân chẳng về ư
Lần lừa năm tháng ưu tư tuổi già
Vọng canh rúc điệu tù và
Đêm dài ta nói cùng ta sáng rồi



127
Đề Vi (1) Lư (2) Tập Hậu


Thi nhân bất đắc kiến
Kiến thi như kiến nhân
Đại sơn hưng bảo tạng
Độc hạc xuất phong trần
Châm giới (3) dị tương cảm
Việt Hồ (4) nan tự thân
Tam Đường (5) thiên tải hậu
Tịch mịch cửu vô văn

Đề Sau Tập Thơ Vi, Lư

Người thơ không được thấy,
Thấy thơ như thấy người
Như kho báu núi lớn,
Như hạc lẻ bay khỏi vùng gió bụi.
Kim và hạt cải dễ cảm ứng với nhau,
Việt và Hồ khó thân thiết.
Nghìn năm sau thời Tam Đường,
Vắng lặng mãi chẳng nghe có ai nổi tiếng.

Chú thích:
(1) Vi: Nhà thơ họ Vi đời Đường, tức Vi Ứng Vật (735-830), nhà thơ chịu nhiều ảnh hưởng của Đào Tiềm, Mạnh Hạo Nhiên. Thơ ông nồng thắm mà đạm bạc, vừa hào phóng vừa mang tâm tình nhàn hạ của ẩn sĩ
(2) Lư: Nhà thơ họ Lư đời Đường, có lẽ là Lư Chiếu Lân (637-690), là một trong Sơ Đường tứ kiệt.
(3) Châm, giới: Cây kim , hạt cải. Do câu “Từ thạch dẫn châm, hổ phách thập giới”( Đá nam châm hút kim, hổ phách hút hạt cải).
(4) Việt, Hồ: Người Việt, người Hồ. Câu này ý nói tác giả là người Việt, hai nhà thơ kia như người Hồ, xa cách, khó gặp gỡ và thân với nhau.
(5) Tam Đường: Ba thời kỳ Thịnh Đường, Trung Đường và Vãn Đường.


Đề Sau Tập Thơ Vi, Lư


Người thơ đành chẳng gặp rồi
Đọc thơ như được gặp người khác chi
Như kho tàng núi lớn kia
Như con hạc lẻ vội lìa phong yên
Dễ dàng kim cải mối duyên
Dẫu Hồ Việt khó đỗ bền tình thâm
Tam Đường một thủa hoàng kim
Ngàn sau ai nổi danh trên thi đàn


128
Quá Thiên Bình


Phân Thủy (1) sơn tiền nhị thủy phân
Thiên Bình (2) thủy diện tự lân tuân
Nhất bôi không điện lâm giang miếu
Thiên cổ thùy vi xế thạch nhân
Bán lĩnh khê tuyền giai nhập Sở
Mãn châu bi kệ dĩ phi Tần
Chu nhân tranh chỉ gia hương cận
Não sát thù phương lão sứ thần

Qua Thiên Bình

Trước núi Phân Thủy chia hai dòng nước,
Mặt sông Thiên Bình sóng gợn như đá lởm chởm.
Một chén rượu làm lễ suông tại ngôi đền bên sông,
Ngàn năm xưa ai là người xếp đá (xây đền).
Khe suối của nửa núi đều chẩy vào đất Sở,
Đầy bãi, bia đá không còn là vật của Tần.
Nhà thuyền tranh nhau trỏ quê nhà họ ở gần,
Não lòng ông sứ thần ở phương khác đến, buồn muốn chết đi được.

Chú thích:
(1) Phân Thủy: Có nhiều núi gọi là Phân Thủy. Đào Duy Anh cho là Phân Thủy này ở giữa lưu vực sông Quế tỉnh Quảng Tây và lưu vực sông Tương tỉnh Hồ Nam. Lê Thước, Trương Chính cho là núi ở huyện Nam Chiếu tỉnh Hồ Nam và viết: “Câu dưới lại còn nói đến Tần, Sở vậy chắc thuộc tỉnh Hồ Nam”.
(2) Thiên Bình: Là tên sông trước núi Phân Thủy, vậy cũng thuộc Hồ Nam.


Qua Thiên Bình


Núi Phân Thủy nước chia hai
Sông Thiên Bình đá nhọn tai mèo già
Rượu suông dâng lễ đền xa
Ngàn năm ai dựng một tòa tôn nghiêm
Tuôn vào Sở nửa suối bên
Đá bia đầy bãi chẳng tên nước Tần
Thuyền phu chỉ trỏ quê gần
Nát lòng ông lão sứ thần tha phương



129
Vọng Tương Sơn Tự (1)


Cổ Phật Vô Lường (2) Đường thế nhân
Tương Sơn tự lý hữu chân thân (3)
Chân thân nhất dạ tẫn viêm hỏa
Cổ tự thiên niên không mộ vân
Ngũ Lĩnh (4) phong loan đa khí sắc
Toàn Châu (5) thành quách tại phong trần
Cô chu giang thượng bằng lan xứ
Nhất đái tùng sam (6) bán tịch huân

Trông Chùa Tương Sơn

Phật Vô Lượng xưa là người đời Đường,
Trong chùa Tương Sơn còn có chân thân để lại,
Một đêm chân thân bị lửa đốt cháy hết.
Ngôi chùa cổ ngàn năm luống phủ mây chiều.
Núi đèo Ngũ Lĩnh nhiều khí sắc,
Thành quách Toàn Châu ngập trong gió bụi,
Đứng dựa lan can chiếc thuyền cô đơn trên sông,
Một dãy cây tùng cây sam bóng chiều tà nhuốm nửa.

Chú thích:
(1) Tương Sơn: Núi thuộc tỉnh Quảng Tây.
(2) Vô Lường: Hiệu Phật là Vô Lượng vì có tấm lòng từ bi rộng rãi bao dung cho tất cả chúng sinh. Ở đây, tác giả chỉ Huyền Trang, người đời Đường sang Ấn Độ thỉnh kinh Phật, sau thành Phật.
(3) Chân thân: Thân thể của người tu hành đắc đạo.
(4) Ngũ Lĩnh: Chỉ năm đèo lớn trên năm ngả đường vượt qua dải núi dài ở phía nam Trường Giang mà xuống miền nam Trung Quốc.
(5) Toàn Châu: Nay là Toàn Huyện ở phía bắc tỉnh Quảng Tây về phía thượng lưu sông Tương.
(6) Tùng sam: Cây tùng và cây sam. Cây sam cũng là một giống tùng, trái nhỏ.


Trông Chùa Tương Sơn


Phật Vô Lượng vốn người Đường
Chân thân đem gửi chùa Tương Sơn này
Đêm nào hỏa hoạn đốt thây
Ngàn năm cổ tự khói mây dật dờ
Núi đèo Ngũ Lĩnh dương cơ
Toàn Châu thành quách mịt mờ bụi tung
Tựa thuyền đơn chiếc trên sông
Bóng chiều nhuốm nửa bách tùng xa xa


130
Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu Cố Trạch (1)


Hành Lĩnh (2) phù vân Tiêu Thủy (3) ba
Liễu Châu cố trạch thử phi da
Nhất thân xích trục lục thiên lý
Thiên cổ văn chương bát đại gia (4)
Huyết chỉ hãn nhan thành khổ hỹ (5)
Thanh khê gia mộc nại ngu hà (6)
Tráng niên ngã diệc vi tài giả
Bạch phát thu phong không tự ta

Nhà Cũ Của Liễu Tử Hậu Ở Vĩnh Châu

Mây nổi trên núi Hành, sóng gợn trên sông Tiêu,
Nhà cũ của Liễu Châu có phải là nơi này không?
Một tấm thân bị ruồng đuổi ra sáu nghìn dặm xa,
Văn chương để lại nghìn đời thuộc vào hàng tám văn hào lớn.
Như người thợ ngón tay bầm máu, mặt đẫm mồ hôi, khổ đã tột bực vậy.
Khe nước trong, hàng cây đẹp cũng mang tiếng ngu lây, biết làm sao được!
Thủa trẻ, ta cũng có tài ví như cây gỗ tốt,
Nay đầu bạc, chỉ luống tự mình than vãn trước gió thu.

Chú thích:
(1) Liễu Tử Hậu: Tức Liễu Tông Nguyên (773-819) người Hà Đông (nay thuộc huyện Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây) nên còn gọi là Liễu Hà Đông (tác phẩm: Liễu Hà Đông tập, 45 quyển). Lại đã từng làm Thứ Sử Liễu Châu (nay là Quảng Tây) nên còn gọi là Liễu Liễu Châu, tự Tử Hậu, đậu Tiến Sĩ năm 21 tuổi, nổi tiếng tài hoa. Làm quan, chủ trương cải cách triều chính, cải thiện đời sống dân chúng, hạn chế đặc quyền của hoạn quan và đại quý tộc, chống tham quan ô lại đang cầm quyền, nên bị đầy đi làm quan ở các nơi xa như Tư Mã Vĩnh Châu (nay thuộc Hồ Nam – nơi Nguyễn Du đi qua và làm bài thơ này), Thứ Sử Liễu Châu và chết u uất tại đây. Ông cũng là một đại gia trong phong trào vận động cổ văn đời Đường, nổi tiếng về tản văn cũng như về thơ với một tinh thần phê phán xã hội sâu sắc và một nghệ thuật tinh tế, điêu luyện. Ông có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của văn xuôi Trung Quốc.
(2) Hành Lĩnh: Núi Hành Sơn thuộc tỉnh Hồ Nam.
(3) Tiêu Thủy: Nước Tiêu Tương, sông Tương chẩy qua tỉnh Hồ Nam, hợp với sông Tiêu, gọi là Tiêu Tương.
(4) Bát Đại Gia: Tám nhà văn lớn đời Đường Tống: Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Tăng Củng và Vương An Thạch.
(5) Trong bài Tế Liễu Tử Hậu văn Hàn Dũ có nói: Ví như người thợ vụng, tay bầm máu, mặt đổ mồ hôi, còn ông thợ khéo thì đứng khoanh tay. Văn chương ông Liễu mà không được dùng, còn bọn nịnh thì lại được thảo chiếu, chế của nhà vua.
(6) Trong Ngu Khê Thi Tự của Liễu Tông Nguyên có đoạn: “… gia mộc, dị thạch, thế trí giai sơn thủy chi kỳ dã. Dĩ dư cố hàm dĩ ngu nhục yên. Phù thủy, trí chi nhạo dã. Kim thị khê độc kiến nhục ư ngu hà tai?”. (Cây đẹp đá lạ được xếp đặt đều là cảnh sơn thủy kỳ dị, vì tôi ngu mà phải ngu theo. Nước là cái mà kẻ trí yêu thích. Nay cái khe ấy lại bị nhục vì ngu là tại sao?). Lúc này Liễu Tông Nguyên “Tôi vì ngu mà bị tội, biếm trích ra Tiêu Thủy Thượng” (như trên) nên làm bài này để tỏ lòng bi phẫn. Nguyễn Du nhắc lại ý đó, thật là tri kỷ của Liễu Tông Nguyên.

Nhà Cũ Của Liễu Tử Hậu Ở Vĩnh Châu


Sóng mây Hành Lĩnh Tiêu Giang
Phải đây xưa Liễu Gia Trang đã từng
Sáu ngàn dặm đuổi cách chừng
Văn chương tám vị lẫy lừng sáng soi
Bầm tay mặt đẫm mồ hôi
Khe xinh cây đẹp vì đời chịu ngu
Vốn ta gỗ quý rừng thơ
Bạc đầu than với gió thu một mình


131
Tương Giang Dạ Bạc

Nhất khứ lục thập lý
Du du giang thủy trường
Phù văn liên Ngũ Lĩnh
Minh nguyệt hội Tam Tương (1)
Biệt phố phân tân sắc
Dao không thất cố hương
Hạc lai nhân bất kiến (2)
Vãn thu uất thương thương

Đêm Đậu Thuyền Trên Sông Tương

Đi một mạch sáu mươi dặm đường.
Sông nước dài dằng dặc.
Mây nổi che liền Ngũ Lĩnh,
Trăng sông hội tụ trên cả ba dòng sông Tương.
Bến biệt nhau đã chia màu sắc mới,
Vời trông phía trời xa chẳng thấy quê hương.
Hạc đến, người không thấy đến,
Cây trong chiều hôm cứ xanh ngăn ngắt.

Chú thích:
(1) Tam Tương: Ba dòng sông Tương: Tiêu Tương, Chung Tương, Nguyên Tương. Sông Tương nguồn ở huyện Hưng An, tỉnh Quảng Tây, chảy về bắc đến huyện Linh Lăng, tỉnh Hồ Nam, có sông Tiêu chảy vào nên gọi là sông Tiêu Tương, chảy về đông bắc hợp với sông Chung ở huyện Hành Dương thành sông Chung Tương, lại chảy về bắc, khúc hạ lưu hợp với sông Nguyên mà thành sông Nguyên Tương, cả ba gọi là Tam Tương.
(2) Lầu Hoàng Hạc ở phía tây huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc (gần vùng Tương Giang). Châu Quận Chí trong Nam Tề thư nói có người ở trên núi (sơn nhân) là Tử An cỡi hạc vàng qua đây, nhân đó đặt tên lầu Hoàng Hạc. Sách Hòan Vũ Ký lại nói có Phí Văn Vĩ lên tiên, từng cưỡi hạc vàng nghỉ lại đấy, nên đặt tên lầu như vậy. Hai thuyết có khác nhau chút ít. Điển cỡi hạc nhắc đến bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, nói lòng nhớ quê, liền mạch câu”Dao không thất cố hương” ở trên.
Đêm Đậu Thuyền Trên Sông Tương


Sáu mươi dặm một cung đường
Đường sông dằng dặc nước gương thủy trình
Mây che Ngũ Lĩnh bập bềnh
Trăng lên soi tỏ thác ghềnh Tương Giang
Biệt nhau bến cũ hoa vàng
Chân mây chẳng thấy xóm làng quê xưa
Hạc về người đã về chưa
Cây chiều ngăn ngắt xanh như da trời

132
Tương Đàm (1) Điếu Tam Lư Đại Phu (2)

I
Hiếu tu nhân khứ nhị thiên tải
Thử địa do văn lan chỉ (3) hương
Tông quốc tam niên bi phóng trục
Sở từ vạn cổ thiện văn chương
Ngư long giang thượng vô tàn cốt
Đỗ nhược (4) châu biên hữu chúng phương
Cực mục thương tâm hà xứ thị
Thu phong lạc mộc quá Nguyên Tương

II
Sở quốc oan hồn táng thử trung
Yên ba nhất vọng diểu hà cùng
Trực giao hiến lệnh (5) hành thiên hạ
Hà hữu Ly Tao (6) kế Quốc Phong (7)
Thiên cổ thùy nhân liên độc tỉnh (8)
Tứ phương hà xứ thác cô trung
Cận thời mỗi hiếu vi kỳ phục (9)
Sở bội tiêu lan (10) cánh bất đồng

Đến Tương Đàm Viếng Tam Lư Đại Phu

I
Người ham muốn tu dưỡng đức tốt ra đi đã hai nghìn năm,
Đất này còn nghe thoảng mùi hương của hoa lan, hoa chỉ.
Bị đuổi xa tổ quốc ba năm khôn xiết đau buồn.
Muôn đời Sở Từ vẫn là áng văn chương tuyệt tác.
Trên sông đầy cá, rồng, nắm xương tàn không còn nữa,
Bên bãi sông chòm đỗ nhược có thêm những giống hoa thơm.
Nhìn hết tầm mắt, đau lòng vì chẳng biết dấu vết cũ ở nơi nào,
Chỉ thấy gió thu thổi lá rụng qua sông Nguyên Tương.

II
Hồn oan của người Nước Sở chôn vùi tại chốn này đây,
Vời trông khói sóng mênh mông chẳng biết đến đâu là hết.
Ví như hiến lệnh được ban hành trong thiên hạ,
Thì làm gì có được Ly Tao nối tiếp Quốc Phong?
Nghìn xưa, có ai thương người một mình tỉnh táo,
Bốn phương có chốn nào gửi được tấm lòng cô trung?
Gần đây, mỗi khi người ta thích trang phục lạ,
Thì thứ hoa tiêu, hoa lan họ đeo chẳng giống ông chút nào.

Chú thích:
(1) Tương Đàm: Tên một huyện thuộc tỉnh Hồ Nam.
(2) Tam Lư Đại Phu: Chức quan của Khuất Nguyên, chưởng quản các quan thuộc vương tộc nước Sở (họ Cảnh, họ Chiêu, họ Khuất) cũng như chức đứng đầu Tôn Nhân Phủ của nhà Nguyễn nước ta. Khuất Nguyên cũng là người của Vương tộc nước Sở.
(3) Lan, chỉ: Tên hai loại hoa. Thơ Khuất Nguyên có câu: “ Bờ sông Nguyên có hoa chỉ, bờ sông Lễ có hoa lan”. Ý muốn nói đến sự cao khiết.
(4) Đỗ nhược: Một loài cỏ thơm, Khuất Nguyên hay nhắc đến trong Sở Từ.
(5) Hiến Lệnh: Tức pháp lệnh. Khuất Nguyên làm hiến lệnh giúp Sở Hoài Vương.
(6) Ly Tao: Tác phẩm tiêu biểu của Khuất Nguyên. Ban Cố đời Hán giải thích: Ly là gặp phải, Tao là lo âu. Tư Mã Thiên cũng nói: Ly tao là ly ưu. Thơ Ly Tao mở đầu cho loại Sở Từ, cho các tác giả nối theo Khuất Nguyên như Tống Ngọc, Cảnh Sai, Đường Lặc… Nếu Khuất Nguyên không bị đi đầy thì ông sẽ không sáng tác Ly Tao nối theo Quốc Phong thời Xuân Thu.
(7) Quốc phong: Chỉ Kinh Thi.
(8) Độc tỉnh: Tỉnh một mình. Thiên Ngư Phủ trong Sở Từ có câu:”Chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh” (Mọi người đều say chỉ riêng mình ta tỉnh).
(9) Trong Ly Tao, Khuất Nguyên nói mình ưa ăn mặc lạ như đeo gươm dài, đội mũ cao, khoác vòng hoa cỏ thơm… Ý nói mình trung thực khác người.
(10) Tiêu, lan: Các thứ hoa Khuất Nguyên thường đeo để tỏ lòng cao khiết của mình.


Đến Tương Đàm Viếng Tam Lư Đại Phu


I
Hai ngàn năm khuất dáng thơ
Hoa lan hoa huệ hương thừa còn bay
Ba thu biệt xứ buồn thay
Muôn đời áng Sở Từ này lộng chương
Cá rồng đáy nước tàn xương
Bãi cồn hoa vẫn mở hương cho đời
Lòng đau tìm dấu vết người
Gió thu lá rụng tơi bời sông Tương



II
Hồn oan người Sở vùi đây
Vời trông khói sóng chốn này là đâu
Ví như hiến lệnh đứng đầu
Hận Ly Tao dễ nối sầu Quốc Phong
Biết đâu gửi tấm cô trung
Một mình tỉnh thức ai lòng xót thương
Đời nay trang phục dị thường
Hoa đeo quả thực đáng buồn khác xưa


133
Phản Chiêu Hồn (1)


Hồn hề hồn hề hồ bất quy
Đông tây nam bắc vô sở y
Thướng niên há địa giai bất khả
Yên Dĩnh (2) thành trung lai hà vi
Thành quách do thị nhân dân phi
Trần ai cổn cổn ô nhân y
Xuất giả khu xa nhập cứ tọa
Tọa đàm lập nghị giai Cao Quỳ (3)
Bất lộ trảo nha dữ giác độc
Giảo tước nhân nhục cam như di
Quân bất kiến Hồ Nam sổ bách châu
Chỉ hữu sấu tích vô sung phì
Hồn hề hồn hề suất thử đạo
Tam Hoàng (4) chi hậu phi kỳ thì
Tảo liễm tinh thần phản thái cực (5)
Thận vật tái phản linh nhân xi
Hậu thế nhân nhân giai Thượng Quan (6)
Đại địa xứ xứ giai Mịch La (7)
Ngư long bất thực sài hổ thực
Hồn hề hồn hề nại hồn hà


Chống Lại Bài Chiêu Hồn

Hồn ơi hồn ơi! Sao không về?
Đông, tây, nam, bắc không có nơi nào nương tựa.
Lên trời xuống đất đều không được,
Còn trở về thành Yên thành Sính làm gì?
Thành quách vẫn như cũ, song nhân dân đã khác rồi,
Bụi cuốn mù mịt bẩn cả quần áo.
Khi đi ra đường thì giong ruổi xe, khi ở nhà thì ngồi vênh váo,
Họ đứng ngồi bàn tán như ông Cao, ông Quỳ.
Họ che dấu nanh vuốt và nọc độc,
Nhưng cắn xé thịt người ngọt xớt như đường.
Hồn không thấy mấy trăm châu ở Hồ Nam đó sao?
Chỉ có những người gầy gò, không ai béo tốt.
Hồn ơi! Hồn ơi! Nếu cứ theo đường đó,
Thì sau Tam Hoàng không còn hợp thời nữa.
Hãy sớm thu tinh thần trở lại cõi thái cực,
Đừng trở về đây nữa, mà người ta mai mỉa.
Đời sau người đều là Thượng Quan,
Mặt đất này đâu đâu cũng là sông Mịch La.
Cá rồng chẳng nuốt, hùm sói cũng ăn,
Hồn ơi! Hồn ơi! Hồn làm thế nào?
.


Chú thích:
(1) Chiêu hồn: Một bài từ của Tống Ngọc, làm để viếng Khuất Nguyên. Trong bài tựa có nói: Tống Ngọc thương Khuất Nghuyên hồn phách sắp tiêu tan, làm bài chiêu hồn để gọi hồn về. Nguyễn Du làm bài này để phản bác lại bài của Tống Ngọc, khuyên hồn Khuất Nguyên không nên trở về cõi trần đầy dẫy bọn gian ác.
(2) Yên, Dĩnh (cũng đọc là Sính): Tên hai thành ở nước Sở, thời Chiến Quốc (nay thuộc địa phận tỉnh Hồ Bắc).
(3) Cao, Quỳ: Cao Dao và Quỳ, hai vị hiền thần đời Ngu Thuấn.
(4) Tam Hoàng: Ba vị vua cổ nhất của Trung Quốc (Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế).
(5) Thái cực: Cũng là vô cực, tức là vũ trụ bao la.
(6) Thượng Quan: Tức Thượng Quan Ngân Thượng, là kẻ đã dèm pha Khuất Nguyên khiến Sở Hoài Vương ruồng bỏ.
(7) Mịch La: Tên con sông thuộc huyện Tương Âm (Hồ Nam), nơi Khuất Nguyên trầm mình.



Phản Chiêu Hồn


Hỏi sao hồn chẳng về chơi
Đông tây nam bắc thiếu nơi cậy nhờ
Lên trời xuống biển bằng thừa
Thành Yên thành Dĩnh bây giờ còn chi
Cảnh xưa người đã khác đi
Bụi mù nhuốm bẩn áo the khăn chầu
Ngựa xe vác mặt vểnh râu
Quỳ Cao nhả ngọc phun châu thánh hiền
Dấu nanh dấu nọc tự nhiên
Thịt người lem lẻm miếng quen mật đường
Thấy chăng châu quận Nam phương
Nào ai béo tốt trơ xương dân gầy
Hồn ơi nẻo đó theo hoài
Sau Tam Hoàng biết còn ai hợp thời
Sớm về thái cực hồn ơi
Đừng về đây nữa kẻo đời dèm pha
Thượng Quan hậu thế toàn là…
Đất bằng đâu cũng Mịch La thác ghềnh
Rồng chê hùm sói vồ nhanh
Hồn ơi thôi nhé thôi đành hồn ơi


134
Biện Giả (1)


Bất thiệp Hồ Nam đạo
An tri Tương Thủy thâm
Bất độc Hoài Sa Phú (2)
An thức Khuất Nguyên tâm
Khuất Nguyên tâm Tương Giang thủy
Thiên thu vạn thu thanh kiến để
Cổ kim an đắc đồng tâm nhân
Giả sinh nhất phú đồ vi nhĩ
Liệt nữ tòng lai bất nhị phu
Hà đắc thê thê tướng cửu châu
Vị tất hữu nhân tri hữu ngã
Nhãn trung Tương Thủy không du du


Bác Giả Nghị

Không đi qua Hồ Nam,
Sao biết nước sông Tương sâu?
Không đọc bài phú Hoài Sa,
Sao biết được lòng Khuất Nguyên?
Lòng Khuất Nguyên và nước sông Tương
Nghìn năm vạn năm vẫn trong suốt thấy đáy.
Xưa nay mấy ai có được bạn đồng tâm,
Bài phú của thư sinh họ Giả chẳng có nghĩa lý gì.
Xưa nay liệt nữ không lấy hai chồng,
Lẽ nào tất tả đi khắp chín châu tìm vua khác,
Chưa chắc người xưa biết có ta,
Trước mắt dòng sông Tương lững lờ trôi mãi

Chú thích:
(1) Giả Nghị: (200-168 trước CN), người Lạc Dương (nay thuộc Hà Nam). Là một nhà từ phú và chính luận nổi tiếng thời kỳ đầu Tây Hán. Ngoài 20 tuổi làm Bác Sĩ (thông kim bác cổ, cố vấn cho vua chúa), không đầy một năm, thăng lên làm Thái Trung Đại Phu (chức quan nghị luận). Nhân đó nhiều lần dâng thư nghị luận thời chính, đề xuất chủ trương cải cách, bị bọn quý tộc đại thần bài xích, bị biếm làm Thái Phó cho Trường Sa Vương, sau chuyển làm Thái Phó cho Lương Hoài Vương. Bất đắc chí, chết năm 33 tuổi. Giỏi từ phú, sành tản văn, nổi tiếng nhất có “Quá Tần Luận”. Khi qua sông Tương ông có làm bài phú Viếng Khuất Nguyên để gửi tâm sự mình.
(2) Hoài Sa Phú là tên một thiên trong Cửu Chương của Khuất Nguyên nói lên nỗi lòng bi phẫn của mình sinh không gặp thời, ví mình như ngọc tốt mà không có kẻ dùng, chỉ còn có chết mới mong kết thúc được mối đau buồn vô hạn…
Tư Mã Thiên trong Sử Ký cho rằng sau khi làm xong bài Hoài Sa thì “ôm đá” mà gieo mình xuống sông Mịch La chết (vu thị hoài thạch, toại tự đầu Mịch La dĩ tử) và như vậy Hoài Sa là tuyệt mệnh từ. Đời sau nhiều người không đồng ý như vậy. Đời Thanh, trong sách Sơn Đái Các Chú Sở Từ, Tưởng Ký cho rằng Hoài Sa là hoài niệm Trường Sa, gọi tắt Trường Sa là Sa. Trường Sa là đất phong đầu tiên của tổ tiên Sở Vương. Bài thơ này làm vào tiết mạnh hạ (tháng tư), cách ngày 5 tháng 5 là ngày Khuất Nguyên tự trầm hơn một tháng, không thể xem là “tuyệt bút”.
(3) Trong bài phú Viếng Khuất Nguyên của Giả Nghị có câu: “Lịch cửu châu nhi tướng kỳ quân hề, hà tất hoài thử đô dã” (trải chín châu mà tìm vua, hà tất ôm lấy cố đô ấy) – có ý chê Khuất Nguyên. Nguyễn Du bác ý ấy, cho rằng: Trung thần không thờ hai vua, liệt nữ không lấy hai chồng, lẽ đâu đi tìm vua ở chín châu.

Nguyễn Du tự cho mình là người ngàn năm sau hiểu rõ lòng Khuất Nguyên hơn Giả Nghị.



Bác Giả Nghị

Hồ Nam chưa một lần thăm
Tương Giang sao biết được tầm nông sâu
Hoài Sa chưa đọc một câu
Sao lường được hết nỗi đau Khuất Bình
Lòng người lòng nước khiết tinh
Ngàn năm trong suốt thấu hình đáy sông
Mấy ai có bạn tâm đồng
Giả Sinh phú lục quả không nghĩa gì
Hai chồng liệt nữ chẳng nghe
Chín châu vua mới vội đi kiếm tìm
Người xưa hồ dễ biết mình
Ngắm sông Tương vượt thác ghềnh trôi xuôi


135
Trường Sa Giả Thái Phó (1)

Giáng Quán (2) vũ nhân hà sở tri
Hiếu Văn (2) đạm bạc đạn canh vi
Lập đàm (4) bất triển bình sinh học
Sự chức (5) hà phương chí tử bi
Thiên giáng kỳ tài vô dụng xứ
Nhật tà dị vật (6) hữu lai thì
Tương Đàm chỉ xích tương lân cận
Thiên cổ tương phùng lưỡng bất vi

Giả Thái Phó Ở Trường Sa

Giáng, Quán là bọn võ biền có biết gì,
Vua Hiếu Văn tính chẳng thiết tha gì cả nên ngại thay đổi.
Đứng mà bàn luận không thể bầy tỏ hết cái học một đời mình,
Lo tròn chức phận có hại gì mà đến nỗi phải nhận lấy cái chết đáng thương tâm.
Trời ban cho tài lạ mà không có chỗ dùng,
Trong bóng chiều tà có lúc chim lạ đến.
Tương Đàm với đây gần nhau chỉ trong gang tấc,
Sống cách nhau nghìn năm, gặp nhau, hai bên không có gì trái nhau.



Chú thích:
(1) Giả Thái Phó: Tức Giả Nghị
(2) Giáng, Quán: Giáng tức Giáng Hầu tước của Chu Bột, Quán là Quán Anh, cả hai đều là võ tướng, khai quốc công thần được Hán Văn Đế trọng dụng.
(3) Hiếu Văn: Tức Hán Văn Đế (Lưu Hằng, 179-159 trước CN).
(4) Lập đàm: Đứng mà bàn việc.
(5) Sự chức: Làm hết chức phận, do câu thơ khen Giả Nghị: “Cổ nhân sự nhất chức, khởi cám cẩu như vi” nghĩa là “Người xưa giữ chức vụ gì không dám làm cẩu thả”.
(6) Dị vật: Giả Nghị ở Trường Sa ba năm, một hôm có con chim lạ đến đậu ở chỗ ngồi, ông rất lo cho là điềm gở.


Giả Thái Phó Trường Sa


Võ biền nào biết chi đâu
Hiếu Văn vua cũng chẳng cầu đổi thay
Đứng bàn chẳng vẹn tài hay
Thương ôi chuốc lấy chết này thương tâm
Bất phùng thời uổng kinh luân
Chiều rơi chim lạ đậu gần một bên
Tương Đàm gang tấc sơn xuyên
Ngàn sau ngàn trước tỵ hiềm nỗi chi


136
Sơ Thu Cảm Hứng


I
Tiêu tiêu mộc lạc Sở Giang (1) không
Vô hạn thương tâm nhất dạ trung
Bạch phát sinh tăng Ban Định Viễn (2)
Ngọc Môn Quan (3) ngoại lão thu phong

II
Giang thượng tây phong mộc diệp hy
Hàn thiền chung nhật táo cao chi
Kỳ trung tự hữu thanh thương điệu (4)
Bất thị sầu nhân bất hứa tri


Cảm Hứng Đầu Thu

I
Sông Sở hoang vắng cây rụng lá bời bời,
Trong một đêm xiết bao nỗi đau lòng.
Mái tóc cứ bạc thêm, Ban Định Viễn rất ghét
Ở mãi ngoài cửa Ngọc Môn, già với gió thu.

II
Gió tây thổi trên sông, lá cây thưa thớt,
Ve sầu bị lạnh suốt ngày kêu trên cành cao.
Trong tiếng ve kêu có điệu thanh thương,
Không phải người có nỗi buồn thì không biết được.

Chú thích:
(1) Sở Giang: Chỉ Sông Tương.
(2) Ban Định Viễn: Tức Ban Siêu, em sử gia Ban Cố là tướng nhà Hán.
(3) Ngọc Môn Quan: Cửa ải thuộc tỉnh Cam Túc trên đường thủy sang Tây Vực.
(4) Thanh thương điệu: Âm điệu buồn nhất trong ngũ âm của nhạc cổ.




Cảm Hứng Đầu Thu


I
Lá rơi sông Sở đìu hiu
Một đêm xiết kể bao nhiêu nỗi lòng
Bạc đầu Định Viễn nào mong
Ngọc Môn thành ngoại già cùng gió thu

II
Gió sông thổi lá thu mưa
Ve sầu nhuốm rét cành thưa gọi sầu
Lời ve man mác niềm đau
Không tâm sự dễ chia nhau điệu buồn



137
Sở (1) Vọng


Kinh Tương (2) thiên lý cổ danh đô
Nhất bán khâm giang nhất đái hồ (2)
Thiên giả phú cường cung bách chiến
Địa lưu khuyết hãm hạn Tam Ngô (3)
Thu phong lạc nhật giai hương vọng
Lưu thủy phù vân thất bá đồ
Tôn sách Lưu phân hà xứ tại (5)
Thương nhiên nhất vọng tẫn bình vu

Trông Vời Đất Sở

Kinh, Tương nghìn dặm là đất kinh đô có tiếng thời xưa,
Một nửa có sông bao quanh, một nửa là hồ.
Trời cho cái tiếng giàu mạnh để cung ứng cho hàng trăm trận đánh,
Đất chừa lại khoảng khuyết lõm để ngăn cách Tam Ngô.
Gió thu bóng xế đều là lúc ngóng trông về quê nhà,
Nước chảy mây trôi cuốn sạch mọi mưu đồ bá chủ.
Đâu là đất họ Tôn đòi, họ Lưu chiếm giữ?
Buồn trông chỉ thấy xanh um một vùng cỏ hoang.

Chú thích:
(1) Sở: Chỉ đất Hồ Bắc và Hồ Nam. Sở là tên một nước lớn thời Chiến Quốc, phía bắc Trường Giang đều nằm trong bản đồ của Sở, phía tây có đất Kiếm Trung (Hồ Nam), Vu Sơn (Tứ Xuyên), phía đông có Ngô, Việt (Giang Tô, Chiết Giang), phía nam có Động Đình, Thương Ngô (Hồ Nam).
(2) Kinh, Tương: Kinh là một trong chín châu xưa tương đương một phần của nước Sở. Nước Sở vốn gọi là nước Kinh nên người ta thường nói miền Kinh Sở. Tương là đất Tương Dương nay là huyện Tương Dương tỉnh Hồ Bắc.
Ngày xưa người ta vẫn ví sông như vạt áo, hồ như dải áo. “Khâm tam giang, đái ngũ hồ” (Vương Bột).
(3) Tam Ngô: Ba miền Ngô Hưng, Ngô Quận, Cối Kê của nước Ngô (Tôn Quyền) thời Tam Quốc.


Trông Vời Đất Sở


Kinh Tương ngàn dặm cố đô
Nửa sông bảo vệ nửa hồ chở che
Mạnh giầu trăm trận gớm ghê
Đất chừa ngăn cách một bề Tam Ngô
Gió chiều dõi bóng quê xưa
Nước mây cuốn sạch mưu đồ bá vương
Đất nào tranh chấp Lưu Tôn
Trông ra chỉ thấy xanh rờn cỏ hoang


138
Lỗi Dương (1) Đỗ Thiếu Lăng (2) Mộ

I
Thiên cổ văn chương thiên cổ si (sư)
Bình sinh bội phục vị thường ly
Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ
Thu Phố ngư long hữu sở ti (tư) (3)
Dị đại tuơng liên không sái lệ
Nhất cùng chí thử khởi công thi
Trạo đầu cựu chứng y thuyên vị
Địa hạ vô linh quỷ bối xi (5)

II
Mỗi độc nho quan đa ngộ thân (6)
Thiên niên nhất khốc Đỗ Lăng Nhân
Văn chương quang diệm thành hà dụng
Nam nữ thân ngâm (7) bất khả văn
Cộng tiễn thi danh sư bách thế
Độc bi dị vực ký cô phần
Biên chu giang thượng đa thu tứ
Trướng vọng Lỗi Dương nhật mộ vân

Mộ Đỗ Thiếu Lăng Ở Lỗi Dương

I
Văn chương để lại muôn đời, bậc thày của muôn đời,
Suốt đời ta khâm phục chưa chút đơn sai.
Cây tùng, cây bách ở Lỗi Dương biết nơi đâu?
Mùa thu đầy rẫy cá rồng, cỏ nội nhớ ấy.
Sống khác thời đại thương nhau chỉ biết rơi nước mắt
Cùng quẫn đến thế, có phải vì giỏi làm thơ?
Chứng lắc đầu cũ đã chữa khỏi được chưa?
Dưới đất đừng để cho lũ ma quỷ cười mình

II
Mỗi lần đọc câu “Mũ áo nhà nho thường làm lụy thân mình”,
Lại một lần khóc thương người đất Đỗ Lăng sống nghìn năm trước.
Văn chương ngời sáng dùng được việc gì?
Trai gái rên khóc chẳng đành lòng nghe.
Ai cũng khen tài thơ đáng bậc thày muôn thủa,
Riêng ta buồn thương cho ông phải gửi nấm mồ cô đơn nơi đất khách.
Ta thả chiếc thuyền con trên sông, tứ thu dào dạt,
Buồn trông đám mây chiều trên đất Lỗi Dương.

Chú thích:
(1) Lỗi Dương: Vùng đất ở phía đông nam huyện Hành Dương, tỉnh Hồ Nam. Theo tiểu sử của Đỗ Phủ thì nhà thơ mất trên một con thuyền ở phía thượng lưu sông Tương. Lúc ấy, gia đình nghèo không thể đem về quê an táng được bèn quàn ở Nhạc Châu. Hơn 40 năm sau (813) cháu là Đỗ Tự Nghiệp mới dời thi hài từ Nhạc Châu về Yển Sư, táng dưới núi Thú Dương, tỉnh Hà Nam, gần mộ Đỗ Dự (tổ 13 đời) và Đỗ Thẩm Ngôn (ông). Tuy vậy ở Lỗi Dương cũng có một ngôi mộ giả để kỷ niệm nhà thơ. Ngôi mộ này do huyện lệnh Lỗi Dương họ Nhiếp xây. Nguyên lúc còn sống, Đỗ Phủ đến Hành Châu định xuống Bàn Châu ở phía Nam để tìm ông cậu là Thôi Vỹ làm Lục Sự Tham Quân ở đó. Huyện Lệnh Lỗi Dương được tin, gửi thư thăm và biếu nhà thơ rượu thịt. Đỗ Phủ có làm một bài thơ cảm ơn. Nhưng gặp lụt nước sông lên to, không đem bài thơ đó đến họ Nhiếp được, mà lại trở về Hành Châu. Đến khi nước xuống, họ Nhiếp cho người tìm nhà thơ, nhưng không thấy, tưởng nhà thơ bị nước cuốn chết, nên mới xây ngôi mộ làm kỷ niệm.
(2) Đỗ Thiếu Lăng: Tức Đỗ Phủ (712-770) tên tự là Tử Mỹ, nhà thơ vĩ đại đời Đường. Vì có nhà ở đất Thiếu Lăng, ở phía nam Trường An, nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, nên mới có biệt hiệu là Thiếu Lâng. Nhà thơ thường tự xưng là Đỗ Lăng bố y hoặc Thiếu Lăng dã lão.
(3) Thơ Đỗ Phủ, bài Thu Hứng có câu; “Ngư long tịch mịch thu giang lãnh. Cố quốc bình cư hữu sở tư” (Cá rồng vắng vẻ sông thu lạnh. Nước cũ ngày nào cứ tưởng mơ).
(4) Trạo Đầu: Bệnh lắc đầu. Tiểu sử nói Đỗ Phủ mắc nhiều bệnh như điếc, tê liệt… Còn bệnh lắc đầu không thấy nói đến. Có thể là ý nói bóng gió.
(5) Hàn Dũ nói về Lý Bạch và Đỗ Phủ: “Lý Đỗ văn chương tạ. Quang diệm vạn trượng trường. Bất trí quần nhi ngu. Ná dụng cố báng thương” nghĩa là: “Văn chương Lý Đỗ ngàn năm còn đó, ánh sáng chiếu ngời muôn trượng dài, sao cái bọn trẻ ranh ngu ngốc ấy, dám buông lời báng bổ chê bai.” Nguyễn Du đã thay hai chữ quần nhi (đám trẻ) bằng hai chữ quỷ bối (lũ quỷ) ý nói lo cho Đỗ Phủ chết chôn xuống đất rồi vẫn còn có những kẻ phản đối tư tưởng tiến bộ của ông.
(6) Nho quan đa ngộ thân: Đây là câu thơ trong “Phụng tặng Vi tả thừa trượng thập nhị vận” của Đỗ Phủ.
(7) Nam nữ thân ngâm: Trai gái rên rỉ. Lấy ý trong bài thơ của Đỗ Phủ “Càn Nguyên trung ngụ Đồng Cốc huyện tác ca thất thủ” (năm Càn Nguyên ở huyện Đồng Cốc, làm bẩy bài ca). Bài thơ có đoạn tả cảnh trời rét, chiều tà, Đỗ Phủ đầu bạc tóc rối phải đi đào khoai rừng ăn cho đỡ đói. Nhưng tuyết xuống nhiều quá, khoai rừng cũng không đào được, phải về không. Lúc bấy giờ: “Nam thân nữ ngâm tứ bích tịnh” (con trai con gái kêu rên, bốn vách lặng ngắt).


Mộ Đỗ Thiếu Lăng Ở Lỗi Dương


I
Văn chương thiên cổ bậc thầy
Niềm tâm phục chẳng mẩy may đổi rời
Lỗi Dương tùng bách đâu rồi
Sông thu rồng cá bồi hồi nhớ ai
Thời hai lòng một đau dài
Khốn cùng đến độ phải tài văn thơ
Lắc đầu bệnh cũ hết chưa
Đất đen chớ để quỷ đùa cợt nhau



II
Đọc câu “Mũ Áo” lụy thân
Ngàn năm lại khóc một lần Đỗ Lăng
Văn chương ơn ích gì chăng
Con thơ khóc đói cắn răng lệ trào
Tài thơ muôn thủa khen lao
Thương ai lữ thấn nghẹn ngào lẻ loi
Thuyền sông thu tứ bồi hồi
Lỗi Dương phóng mắt trông vời chiều thu


139
Tương Âm Dạ (1)


Mãn mục giai thu sắc
Mãn giang giai nguyệt minh
Tịch liêu kim dạ vọng
Thiên trích cổ nhân tình (2)
Thu thủy tòng tây lai
Mang nhiên thông Động Đình
Tĩnh dạ tức ngâm khiếu
Vô sử giao long kinh (3)

Đêm Ở Tương Âm

Đầy mắt toàn là sắc thu,
Khắp sông nơi nào cũng sáng trăng.
Đêm nay vời trông phong cảnh hiu quạnh,
Chạnh nhớ người xưa bị giáng chức đi đầy.
Nước thu từ phía tây đổ lại,
Mênh mang thông với hồ Động Đình.
Đêm yên tĩnh thôi đừng ngâm nga nữa,
Chớ làm cho loài giao long khiếp sợ.

Chú thích:
(1) Tương Âm: Một huyện thuộc tỉnh Hồ Nam.
(2) Tác giả nhớ đến Khuất Nguyên vì quãng sông Tương này gần với sông Mịch La nơi Khuất Nguyên tự trầm.
(3) Câu này ý nói: Đừng làm cho giao long sợ hãi, nhốn nháo khiến hồn Khuất Nguyên ở dưới đó không yên được.




Đêm Ở Tương Âm


Mắt chan chứa sắc mầu thu
Đầy sông huyền hoặc ngập bờ ánh trăng
Đêm nay quạnh quẽ âm thầm
Thương người xưa biếm trích nhằm nẻo xa
Dòng thu tây vực tuôn ra
Động Đình họp mặt bao la nước trời
Đừng ngâm nga nữa lòng ơi
Giao long kinh động rộn người đáy sông

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.