Băng Ðình * đăng lúc 11:39:44 AM, Jul 01, 2008 * Số lần xem: 3860
54 Ngẫu Hứng
I Sơ canh cổ giác ngũ canh kê Chung dạ bồi hồi tứ chuyển mê Minh nguyệt mãn thiên hà cố cố Tây phong xuy ngã chính thê thê Thương tàn vật tính bi phù hĩnh Khắc lạc thiên chân thất mã đề (1) Nhược ngộ sơn trung mi lộc hữu Yên hà cựu thoại bất kham đê
II Nhất lệ thiên nhai sái đoạn bồng La Phù giang thượng khởi thu phong Hoàng vân bạch thủy lưỡng tương chiếu Cấp quản bi ti vạn bất đồng Lục xích câu mi trường dịch dịch Tứ thời phao trịch thái thông thông Chinh hồng ảnh lý gia hà tại Ẩn ẩn quỳnh vân tam lưỡng phong
Ngẫu Hứng
I Canh một nghe tiếng trống tiếng tù và, canh năm nghe tiếng gà gáy Suốt đêm bồi hồi, nghĩ ngợi mê man, Trăng sáng đầy trời sao mãi thế? Gió tây thổi vào ta lạnh ngăn ngắt Làm hại tính tự nhiên của vật, ái ngại chân con le bị nối dài ra, Xuyên tạc chân tính thiên nhiên làm mất cả ý nghĩa thiên “mã đề”. Nếu gặp bạn hươu nai trong núi Những câu chuyện cũ khói mây không đành lòng nhắc lại.
II Bên trời, lệ rơi rưới lên ngọn cỏ bồng đứt gốc, Gió thu nổi trên sông La Phù. Mây vàng nước bạc cùng soi lẫn nhau, Tiếng sáo gấp tiếng đàn bi ai không hợp điệu. Tấm thân sáu thước bị câu thúc cứ phải phục dịch mãi mãi, Bốn mùa như thoi đưa rất là nhanh. Trong bóng con chim hồng đang bay xa, nhà ta ở đâu? Chỉ thấy thấp thoáng vài ba ngọn núi trong mây ngọc.
Chú thích: (1) Mã đề: Tên một thiên trong sách Trang Tử (ngoại thiên). Nội dung tiêu biểu cho tư tưởng Trang Tử, thuyết vô vi, đề xướng tư tưởng biện chứng chất phác. Trang Tử dùng việc Bá Nhạc trị ngựa bằng cách đốt lông, cắt bờm, gọt móng rồi buộc nó vào yên cương… Trong bài này Nguyễn Du băn khoăn về việc ra làm quan của mình, hoài niệm những ngày ẩn dật, săn bắn…Làm trái tính tự nhiên của mình.
Ngẫu Hứng
I Trống rung ốc thổi canh đầu Canh năm gà gáy đêm thâu bồi hồi Sao trăng tỏ mãi trên trời Gió tây lộng thổi cho người tái tê Ngược đời nối cẳng chim le Lại xuyên tạc ý mã đề ngoại thiên Hươu nai bằng hữu sơn xuyên Khói mây chuyện cũ chẳng nên bận lòng
II Cỏ bồng lệ tưới chốn xa Gió thu sóng nổi trên La Phù rồi Mây vàng nước bạc cùng soi Sáo mau đàn chậm ngược xuôi hai chiều Thân trai khổ dịch đã nhiều Bốn mùa thoi đẩy ánh thiều quang đi Cánh hồng vun vút thiên di Nhà đâu chỉ thấy xanh rì núi mây
55 Mộ Xuân Mạn Hứng
Nhất niên xuân sắc cửu thập nhật Phao trịch xuân quang thù khả liên Phù thế công danh khan điểu quá Nhàn đình tiết tự đái oanh thiên Trắc thân bất xuất hữu hình ngoại Thiên tuế trường ưu vị tử tiền Phù lợi vinh danh chung nhất tán Hà như cập tảo học thần tiên
Cảm Hứng Lan Man Cuối Xuân
Mỗi năm xuân sắc có chín mươi ngày, Phao phí nắng xuân quả là đáng tiếc. Công danh trên phù thế xem như chim bay qua, Trên sân vắng, thời tiết cũng theo chim oanh dời tổ mà đổi dời. Tấm thân không thể ra ngoài vòng hữu hình, Trước khi chết còn lo mãi chuyện ngàn năm. Cái lợi bọt bèo, cái danh tươi tốt cuối cùng đều tiêu tan, Sao bằng kịp thời sớm theo học đạo thần tiên,
Cảm Hứng Lan Man Cuối Xuân
Một năm chín chục thiều quang Nỡ phao phí tuổi xuân càng tiếc xuân Công danh én lượn xa gần Nắng mưa ấm lạnh chim oanh đổi dời Hữu hình khôn thoát cõi người Xuôi tay luống những đau đời ngàn sau Lợi bèo danh nổi qua mau Sao bằng sớm liệu đi cầu Lão Trang
56 Thanh Minh Ngẫu Hứng
Đông phong trú dạ động giang thành Nhân tự bi thê thảo tự thanh Xuân nhật hữu thân phi thiếu tráng Thiên nhai vô tửu đối thanh minh Thôn ca sơ học tang ma ngữ Dã khốc thời văn chiến phạt thanh Khách xá hàm sầu dĩ vô hạn Mạc giao mao thảo cận giai sinh
Ngẫu Hứng Trong Dịp Tết Thanh Minh
Ngày đêm gió đông lay động thành bên sông Người cứ buồn thương, cỏ cứ xanh Ngày xuân nhưng thân mình không còn trai trẻ nữa. Ở chân trời, tiết thanh minh không có phẩm vật gì vui tết, Trong tiếng hát nơi thôn xóm ta học được tiếng nói của người trồng dâu trồng gai Thỉnh thoảng nghe tiếng khóc nơi đồng nội như còn nghe thấy tiếng chiến tranh. Ở nơi khách xá đã mang nỗi buồn vô hạn, Chớ để cho cỏ tranh mọc ở gần thềm.
Ngẫu Hứng Dịp Thanh Minh
Đêm ngày gió thổi đồn sông Người buồn ngọn cỏ xanh đồng cứ xanh Xuân sang tuổi đã lão thành Thanh minh đất khách riêng mình bi ai Ca thôn học cách trồng gai Thoảng nghe tiếng khóc tưởng ngày loạn ly Thân nằm quán khách thảm thê Cỏ tranh chớ để mọc kề bên hiên
57 Thanh Quyết Giang (1) Vãn Diếu
Phù kiều tận xứ xuất bình điền Lịch lịch thanh sơn tại nhãn tiền Cổ kính tiều quy minh nguyệt đảm Triều môn ngư tống tịch dương thuyền Mang mang viễn thủy tam xuân thụ Lạc lạc nhân gia lưỡng ngạn yên Cục mục hương quan tại hà xứ Chinh hồng sổ điểm bạch vân biên
Chiều Ngắm Cảnh Trên Sông Thanh Quyết
Chỗ cuối chiếc cầu nổi đồng ruộng hiện ra, Trước mắt thấy rõ ràng đợt núi xanh. Trên lối cũ tiều phu gánh củi trở về dưới trăng, Nhà chài đẩy thuyền ra lúc thủy triều dâng buổi xế chiều. Mờ mịt dòng sông xa lẫn trong cây cối mùa xuân, Nhà lác đác giữa khói sóng hai bờ. Nhướn mắt nhìn xem quê nhà ở chốn nào, Chỉ thấy vài con chim hồng như vài nét chấm bên đám mây trắng.
Chú thích: (1) Thanh Quyết Giang, một con sông ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Cảnh Chiều Sông Thanh Quyết
Cuối phù kiều ruộng bao la Xanh xanh trước mắt hiện ra núi đồi Đường xưa lối cũ trăng ngời Tiều phu quẩy gánh củi tươi về làng Ngư ông đợi thủy triều lan Thuyền câu đẩy nhẹ trời đang xế chiều Dòng xuân luồn gốc ngàn xiêu Đôi bờ lác đác ít nhiều mái tranh Ngó lung chẳng thấy quê mình Chim hồng mây trắng trời xanh một vài
58 Đồng Lung Giang
Đồng Lung giang thủy khứ du du Kim cổ nhàn sầu bất khứ lưu Sa chủy tàn lô phi bạch lộ Lũng đầu lạc nguyệt ngọa hàn ngưu Loạn sơn thúy tiếp cô thành mộ Thủy trúc hàn sinh tiểu điếm thu Tiễn nhĩ dã âu tùy thủy khứ Phù sinh lao lục kỷ thời hưu
Sông Đồng Lung
Nước sông Đồng Lung dằng dặc chảy, Mối sầu man mác về xưa và nay chẩy trôi mãi không ngừng. Trên đám lau tàn ở mỏm cát đàn cò trắng bay, Dưới bóng trăng xế đầu ghềnh con trâu mệt nằm nghỉ. Buổi chiều những ngọn núi xanh chơm chởm tiếp liền thành trơ trọi Mùa thu, những khóm tre nước lạnh lẽo tỏa hơi lạnh quanh chiếc điếm nhỏ Thèm được như làn âu kia theo dòng nước lội đi Còn cảnh phù sinh vất vả (của ta) đến bao giờ mới thôi.
Sông Đồng Lung
Đồng Lung dằng dặc trôi hoài Sau xưa man mác sầu ai chẳng ngừng Cò bay trắng đám lau rừng Đầu ghềnh trâu buộc dưới vừng trăng thu Chiều tàn núi dựng trơ vơ Mùa sang tre nước lạnh bờ điếm canh Thèm như âu lội dòng xanh Nổi chìm chạnh xót thương mình khôn nguôi
59 Đồng Lư Lộ Thượng Dao Kiến Sài Sơn
Sài Sơn sơn thượng đa phù vân Sài Sơn sơn hạ thạch lân lân Đồng Lư lộ thượng tây kiều thủ Tú sắc thương nhiên lai chiếu nhân Lịch lịch lâu đài thiên ngoại kiến Vi vi chung cổ nguyệt trung văn Thanh sam tẩu biến hồng trần lộ Viên hạc hà tòng nhận cựu lân
Trên Đường Đồng Lư Xa Nhìn Núi Sài
Trên núi Sài nhiều mây nổi Dưới núi Sài đá chơm chởm Trên đường Đồng Lư ngoảnh nhìn về phía tây Màu xanh tươi đẹp chiếu vào người. Lâu đài rõ mồn một ngoài trời xa Tiếng chuông tiếng trống văng vẳng trong ánh trăng Chiếc áo xanh đi khắp đường bụi hồng Con vượn con hạc làm sao mà nhận ra người láng giềng cũ.
Trên Đường Đồng Lư Xa Nhìn Núi Sài
Sài Sơn mây nổi khá nhiều Dưới Sài Sơn đá tai mèo thiếu chi Đồng Lư đường ấy ngó về Phía tây vẻ biếc chiếu mê hồn người Lâu đài rõ nét bên trời Lời chuông tiếng trống từng hồi trong trăng Áo xanh bụi đỏ dặm băng Láng giềng vượn hạc khó khăn nhận người
60 Lạng Sơn Đạo Trung (1)
Vạn mộc sơn tiền khả bốc cư Bạch vân tại tụ thủy thông cừ Sơn tăng đối trúc lưỡng vô dạng Mục thụ kỵ ngưu nhất bất như Ảnh lý tu mi khan lão hỷ Mộng trung tùng cúc ức quy dư Tọa gia thôn tẩu đa nhàn sự Chỉ vị bình sinh bất độc thư
Trên Đường Lạng Sơn
Trước núi có rừng cây có thể chọn làm chỗ ở, Mây trắng ở hang núi, nước chẩy ra khe Nhà sư trên núi ngồi trước trúc, cả hai đều bình thường. Trẻ mục đồng cưỡi trâu ung dung là một điều ta chẳng bằng. Soi gương, mày râu xem ra đã già rồi, Trong mộng, rừng tùng khóm cúc làm ta nhớ chuyện trở về. Ông già trong xóm ngồi nhà, rỗi việc quá, Chỉ vì thủa nay không đọc sách.
Chú thích: (1) Theo gia phả, mùa đông năm 1803 Nguyễn Du lên Ải Nam Quan nghênh tiếp sứ thần.
Đường Lên Xứ Lạng
Sơn lâm xin lựa cõi này Mây mờ hốc núi nước đầy lòng khe Thiền sư đối diện trúc tre Lòng tre trúc dạ từ bi bình thường Lưng trâu mục tử trên đường Ta bì sao được vấn vương bụi trần Soi gương râu cỗi mi cằn Chiêm bao tùng cúc nỉ năn ta về Ngồi nhàn ông lão xóm quê Bình sinh chẳng bận tâm chi sách đèn
61 Vọng Phu Thạch
Thạch gia nhân gia bỉ hà nhân Độc lập sơn đầu thiên bách xuân Vạn kiếp yểu vô vân vũ mộng Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ Đài triện trường minh nhất đoạn văn Tứ vọng liên sơn diểu vô tế Độc giao nhi nữ thiện vô luân
Đá Vọng Phu
Đá chăng người chăng, đấy là người nào? Đứng một mình nơi đầu núi nghìn trăm năm. Muôn kiếp không hề có giấc mộng mây mưa, Một chữ trinh lưu lại tấm thân cho kim cổ. Ngấn lệ không ngừng rơi như mưa ba tháng thu Dấu rêu nét chữ triện như một đoạn văn được khắc lại mãi mãi, Nhìn bốn phía núi liền nhau mênh mông, Riêng để người nhi nữ giũ đạo luân thường.
Đá Vọng Phu
Người hay đá biết là ai Lẻ loi đầu núi đứng hoài ngàn năm Màng chi mộng ái mơ ân Tuyết băng vẹn một trắng ngần cổ kim Mưa thu ba tháng lệ hoen Rêu phong chữ triện bia khen đời đời Bốn phương rừng suối núi đồi Luân thường nhi nữ riêng người kiên trinh
62 Đề Nhị Thanh Động (1)
Bàn Cổ sơ phân bất ký niên Sơn trung sinh quật quật sinh tuyền Vạn ban thủy thạch thiện đại xảo Nhất lạp càn khôn (2) khai tiểu thiên Mãn cảnh giai không hà hữu tướng Thử tâm thường định bất ly thiền Đại sư vô ý diệc vô tận Phủ thán thành trung đa biến thiên
Đề Động Nhị Thanh
Từ đời Bàn Cổ trời đất mới phân chia không ghi năm tháng, Trong núi sinh ra hang, trong hang sinh suối. Một hạt càn khôn mở ra một bầu trời nhỏ. Mọi cảnh đều là không, thì làm gì có tướng, Tâm này thường định, không xa rời đạo thiền. Bậc đại sư (Phật) vô ý mà cũng vô lượng, Cúi xuống trông thành than thở cho bao nhiêu biến thiên
Chú thích: (1) Động Nhị Thanh ở phía bắc thị xã Lạng Sơn. (2) Nhất lạp càn khôn: Xem trời đất nhỏ như một hạt gạo.
Động Nhị Thanh
Thái sơ chưa định chưa phân Núi sinh hang thánh động thần khéo thay Hang sâu tạo suối nước đầy Nước xuôi đá dựng bàn tay tuyệt vời Càn khôn hạt nhỏ đựng trời Cảnh không tướng cũng không đời toàn không Tâm thường định thiền mỏi mong Đại sư vô ý vô cùng như nhiên Cúi nhìn bao nỗi biến thiên Chúng sinh tội nghiệp trần duyên buộc giàng
63 Quỷ Môn Quan Đạo Trung (1)
Quỷ Môn thạch kính xuất vân côn (căn) Chinh khách nam quy dục đoạn hồn Thụ thụ đông phong xuy tống mã Sơn sơn lạc nguyệt dạ đề vôn (viên) Trung tuần lão thái phùng nhân lãn Nhất lộ hàn uy trượng tửu ôn Sơn ổ hà gia đại tham thụy Nhật cao do tự yểm sài môn
Trên Đường Quỷ Môn
Đường khe đá ở Quỷ Môn từ chân mây chạy ra, Khách đi đường xa về nam như muốn đứt hồn. Gió đông qua những hàng cây thổi vào ngựa đi tiễn Trăng lặn xuống sau dãy núi, đêm nghe tiếng vượn kêu. Tuổi trung tuần (40) mà đã có thói người già, lười gặp người. Giá lạnh suốt dọc đường, nhờ rượu để có hơi ấm, Nhà nào trong xóm núi tham ngủ thế. Mặt trời lên cao rồi mà còn đóng cửa sài.
Chú thích: (1) Quỷ Môn Quan: Tức ải Chi Lăng, phía nam có núi như đầu quỷ nên gọi là Quỷ Môn Quan.
Trên Đường Quỷ Môn
Nguồn mây khe đá Quỷ Môn Về nam chinh khách lạnh hồn mấy phen Gió đông ngựa tiễn cây nghiêng Trăng chìm sau núi vượn rền rĩ kêu Bốn mươi đã ngại quen nhiều Men say ấm dạ đường chiều căm căm Nhà ai xóm núi xa xăm Nắng cao cửa đóng còn nằm pho pho
64 Xuân Tiêu Lữ Thứ
Tiêu tiêu bồng mấn lão phong trần Ám lý thiên kinh vật hậu tân Trì thảo vị lan thiên lý mộng (1) Đình mai dĩ hoán nhất niên xuân Anh hùng tâm sự hoang trì sính Danh lợi doanh trường lụy tiếu tần Nhân tự tiêu điều xuân tự hảo Đoàn Thành (2) thành hạ nhất triêm cân
Đêm Xuân Quán Khách
Bơ phờ mái tóc rối như cỏ bồng, già cùng gió bụi, Âm thầm lo sợ thấy cảnh vật và thời tiết thay đổi. Ngoài xa nghìn dặm, chưa tàn giấc mộng “cỏ bờ ao”, Mai ở trên sân đã đổi sang một mùa xuân năm khác. Tâm sự người anh hùng không còn nghĩ đến dong ruổi nữa, Trong trường danh lợi nhiều phen cười và nhăn mày, Người cứ tiêu điều xuân vẫn cứ đẹp, Dưới Đoàn Thành, nước mắt thấm khăn.
Chú Thích: (1) Trì thảo: Tạ Linh Vận (385-433) nhà thơ nổi tiếng về thơ sơn thủy đời Nam Triều, có em là Tạ Huệ Liên. Một hôm, ngồi bờ ao, về ngủ chiêm bao được thấy Huệ Liên, nghĩ được câu thơ: “Trì đường sinh xuân thảo” (Bờ ao sinh cỏ xuân). Ở đây, dùng điển này, ý nói: Ngoài nghìn dặm vẫn nhớ anh em. (2) Đoàn Thành: Góc tây bắc thành Lạng Sơn hình vòng tròn, nên gọi là đoàn thành.
Đêm xuân Quán Khách
Cỏ bồng tóc rối già nua Những lo cảnh vật bốn mùa đổi thay Xa thương bờ cỏ ao đầy Mai trên sân chuyển năm này sang xuân Hùng tâm dong duổi chồn chân Trường danh lợi mỉm miệng nhăn nhó cười Mình cằn cỗi xuân thắm tươi Dưới thành Lạng nước mắt người thấm khăn
65 Khổng Tước Vũ
Khổng tước phủ hoài độc Ngộ phục bất khả y Ngoại lộ văn chương thể Trung tàng sát phạt ky Nhân khoa dung chỉ thiện Ngã tích vũ mao kỳ Hải hạc diệc hội vũ Bát dữ thế nhân tri
Chim Công Múa
Mật công chứa chất độc, Uống lầm không thuốc chữa. Mã ngoài lộ ra vẻ đẹp, Bên trong dấu chất độc giết người. Người ta khen dáng điệu nó đẹp, Ta chỉ tiếc bộ lông lạ của nó. Hạc biển cũng biết múa, Nhưng không cho người đời biết.
Chim Công Múa
Mật công chất độc chứa đầy Uống lầm hết thuốc hết thày cứu cho Mẽ ngoài óng ả ngây thơ Mà trong hung hiểm tối ư giết người Khen lao rằng đẹp rằng tươi Riêng ta chỉ tiếc vàng mười bộ lông Người đời nào biết ngoài công Hạc trời giỏi múa nhưng không trổ tài
66 Điệp Tử Thư Trung
Vân song (1) tằng kỷ nhiễm thư hương Tạ khước phong lưu vị thị cuồng Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch Tàn hồn vô lệ khốc văn chương Đố ngư dị tỉnh phồn hoa mộng Huỳnh hỏa nan hôi cẩm tú trường (2) Văn đạo (3) dã ưng cam nhất tử Dâm thư (4) do thắng vị hoa mang
Con Bướm Chết Trong Sách
Cửa sổ thư phòng đã từng bao lần đượm hương thơm của sách, Từ bỏ phong lưu chưa hẳn là dại, Mệnh bạc nhưng có duyên nên được lưu lại trong sách, Hồn tàn không nước mắt để khóc văn chương. Con mọt sách dễ tỉnh giấc mộng phồn hoa, Lửa đom đóm khó đốt cháy tấm lòng gấm vóc. Nghe được đạo lý cũng đành cam một chết, Mê sách còn hơn bận lòng vì hoa.
Chú thích: (1) Vân: Một thứ cỏ dùng để chống mọt trong phòng chứa sách. Vân song nghĩa như thư song. (2) Cẩm tú trường: Ruột gấm vóc (tú khẩu cẩm tâm). Ý nói tài văn chương. (3) Khổng Tử: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ”: Sớm nghe được đạo lý, chiều chết được rồi. (4) Dâm thư: Ham mê đọc sách.
Con Bướm Chết Trong Sách
Song văn thơm ngát hương trầm Chán phong lưu chắc chi lầm dại khôn Xác tàn chôn cõi văn chương Hồn tan không lệ xót thương mỗi tờ Mọt già tỉnh giấc mơ xưa Lửa đom đóm dễ thiêu tơ gấm lòng Đạt đời dù chết cũng xong Mê man sách vở lạnh lùng trăng hoa
67 Độc Tiểu Thanh (1) Ký
Tây Hồ hoa uyển tận thành khư Độ điếu song tiền nhất chỉ thư Chi phấn hữu thần liên tử hậu Văn chương vô mệnh lụy phần dư (2) Cổ kim hận sự thiên nan vấn Phong vận kỳ oan ngã tự cư Bất tri tam bách dư niên hậu (3) Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Đọc Bài Ký Truyện Nàng Tiểu Thanh
Vườn cảnh ở Tây Hồ đã thành gò hoang. Trước song cửa một mình đọc một trang sách viết để viếng nàng. Bức vẽ có thần, sau khi chết, còn để lại niềm thương tiếc. Văn chương không có số mệnh lại mang lụy đến tập thơ bị đốt còn sót lại. Mối hận xưa nay khó hỏi trời, Ta tự coi mình như người cùng chịu nỗi oan lạ lùng của người phong nhã. Chẳng biết hơn ba trăm năm sau này nữa, Thiên hạ có ai người khóc Tố Như chăng?
Chú thích: (1) Tiểu Thanh (1594-1612) họ Phùng tên Văn Cơ, người Quảng Lăng, tỉnh Giang Tô. Mồ côi mẹ từ nhỏ, được một ni cô nuôi cho đi học. Năm 16 tuổi, lấy lẽ một người họ Phùng, và để tránh đồng họ, nên gọi là Tiểu Thanh. Vì vợ cả ghen, nàng phải lánh ra ở nhà riêng của Phùng sinh trên núi Cô Sơn, cạnh Tây Hồ rồi buồn bực mà chết lúc mới 18 tuổi, đời Vạn Lịch nhà Minh, nay còn mộ ở Cô Sơn. Truyện kể về nàng Tiểu Thanh gọi là Tiểu Thanh Ký (2) Hữu Thần: Trước khi chết Tiểu Thanh cho vẽ một bức chân dung truyền thần nàng. Bức đầu tiên nàng nói: “Hình tôi thì giống nhưng chưa lột hết thần của tôi”. Với bức thứ hai: “Thần thì được rồi nhưng bóng dáng chưa linh động”. Đến bức vẽ thứ ba, đủ vẻ lộng lẫy, nàng nói: “Được rồi đấy”. Rồi nàng để bức tranh trước giường, đốt hương thơm, khấn: “Tiểu Thanh! Tiểu Thanh! Chốn này có phải là duyên phận của mày đâu”. Nói xong nước mắt chan hòa, nấc lên một tiếng rồi chết. (3) Phần dư: Đốt còn lại. Tiểu Thanh tự đốt thơ mình, chỉ để lại 12 bài gọi là Tập Phần Dư. Vợ cả biết chuyện giận lắm, tìm tâp thơ đốt hết. May sao khi sắp mất nàng có chép 12 bài ấy vào 2 tờ giấy dùng để gói mấy chiếc xuyến hoa tặng con gái nhỏ của nàng…
Đọc Truyện Nàng Tiểu Thanh
Tây Hồ vườn cũ gò hoang Trước song lần giở từng trang nhớ người Chết đi hình để lại đời Văn chương lửa táp còn rơi rớt tờ Hận nay khó trách trời xưa Oan mình mình tự chuốc như oan nàng Ba trăm năm dám hỏi rằng Ai dư nước mắt khóc chàng Tố Như
NGUYỄN DU
NAM TRUNG TẠP NGÂM (1804 -1813) Băng Đình lược dịch
68 Phượng Hoàng Lộ (1) Thượng Tảo Hành
Chinh phu hoài vãng lộ Dạ sắc thượng mông mông Nguyệt lạc viên thanh ngoại Nhân hành hổ tích trung Lực suy thường úy lộ (2) Phát đoản bất câm phong Dã túc phùng tiều giả Tương liên bất tại đồng
Buổi Sớm Trên Đường Núi Phượng Hoàng
Người đi xa nghĩ đến đường trước mặt, Sắc đêm còn mờ mịt. Trăng lặn ở ngoài phía tiếng vượn kêu, Người đi trong dấu chân hổ. Sức yếu thường sợ sương móc. Tóc ngắn tha hồ cho gió thổi. Trọ nơi đồng quê gặp người hái củi, Thương nhau không cứ ở chỗ giống nhau.
Chú thích: (1) Phượng Hoàng lộ: Đường Phượng Hoàng, từ tỉnh lỵ Hà Tĩnh đi vào có núi Phượng Hoàng và quán Phượng Hoàng. (2) Năm Giáp Tý (1804) Nguyễn Du bị bệnh, từ chức tri phủ Thường Tín, về quê; hơn một tháng sau lại có chỉ triệu vào kinh. Có thể bài thơ này làm trong lần lai kinh ấy (theo chú thích bản Lê Thước – Trương Chính)
Bản Quách Tấn cho chữ LỘ ở đây là SƯƠNG MÓC. Nếu LỘ là ĐƯỜNG, ý câu 1 và câu 5 sẽ trùng nhau, một điều ít có ở Nguyễn Du. Ở đây ra đi vào sáng sớm, chữ LỘ là SƯƠNG MÓC rất thích hợp.
Buổi Sớm Trên Đường Núi Phượng Hoàng
Người đi ngán dặm đường xa Bóng đêm mù mịt tối qua vẫn còn Trăng chìm phía vượn nỉ non Tìm theo dấu cọp lối mòn đưa chân Sức vơi sương giá ngại ngần Tha hồ gió thổi tóc cằn phất phơ Vào thôn gặp bác tiều phu Thương nhau không hẳn phải như phận mình
69 Mộng Đắc Thái Liên
I Khẩn thúc giáp điệp quần (1) Thái liên trạo tiểu đĩnh Hồ thủy hà xung dung Thủy trung hữu nhân ảnh
II Thái thái Tây Hồ liên Hoa thực câu thướng thuyền Hoa dĩ tặng sở úy Thực dĩ tặng sở liên
III Kim thần khứ thái liên Nãi ước đông lân nữ Bất tri lai bất tri Cách hoa văn tiếu ngữ
IV Cộng tri liên liên hoa Thùy giả liên liên cán Kỳ trung hữu chân ti Khiên liên bất khả đoạn
V Liên diệp hà thanh thanh Liên hoa kiều doanh doanh Thái chi vật thương ngẫu Minh niên bất phục sinh
Nằm Mơ Thấy Hái Sen
I Buộc chặt quần cánh bướm Hái sen, chèo thuyền con Nước hồ sao lai láng Trong nước có bóng người
II Hái, hái sen Hồ Tây, Hoa và gương sen đều để trên thuyền, Hoa để tặng người mình sợ, Gương để tặng người mình thương.
III Sáng nay đi hái sen, Nên mới hẹn với cô láng giềng. Chẳng biết đến lúc nào không biết, Cách khóm hoa nghe tiếng cười nói.
IV Mọi người đều biết yêu thích hoa sen, Nhưng ai là kẻ yêu thân cây sen? Trong thân cây sen có những sợi tơ. Vấn vương không thể dứt được.
V Lá sen sao xanh xanh Hoa sen đẹp đầy đặn Hái sen chớ làm hỏng ngó Sang năm sen không sinh lại đươc. Chú thích: Giáp điệp quần: Quần bay phất phơ như cánh bướm.
Mơ Hái Sen
I Gon quần bướm lại cho xăn Hái sen thuyền quế chèo lan tách bờ Mênh mông bát ngát gương hồ Bóng in thấp thoáng tỏ mờ đôi ta
II Hồ Tây sen hái dăm ba Hoa gương chất đống món quà đầy khoang Hoa sen gửi chốn cao sang Gương sen riêng tặng cô nàng mình thương
III Sáng nay đi hái sen thơm Láng giềng hẹn quý cô nương chung thuyền Biết “người ta” nhớ hay quên Cách hoa chỉ rộn tiếng em nói cười
IV Ai ai cũng chuộng sen tươi Mấy ai thương xót cho đời cuống hoa Trăm muôn tơ sợi mượt mà Vấn vương vương vấn dứt ra chẳng đành
V Lá sen xanh thật là xanh Hoa sen cánh trắng hữu tình biết bao Hái hoa nhè nhẹ tay nao Kẻo không năm tới sen nào còn hoa
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.