Oct 30, 2024

Tùy bút - Bút ký

Hồn của mái nhà trong ký ức nhà thơ
Đỗ Thị Hồng Cúc * đăng lúc 01:47:30 PM, Jan 05, 2024 * Số lần xem: 3722
Hình ảnh
#1


 

Mỗi người đi qua cuộc đời dẫu ngho khó hay sang giàu đều có một nơi chốn đi về để an trú nương thân.
Một túp lều tranh hay dinh cơ ngàn phòng, mỗi người đều an hưởng hạnh phúc như nhau nếu nơi ấy vẫn âm vang tiếng hát của những trái tim yêu thương, nhân ái, chan hòa. Ngược lại, nếu thiếu vắng suối nguồn yêu thương phát nguyên từ nơi Mái ấm ấy thì dẫu tòa lâu đài nguy nga tráng lệ thì mỗi bước đi - về cũng chỉ thấy mình lầm lũi trên con đường cát bụi trần ai. Ta hãy nghe nỗi thầm thì nghẹn đắng của nhà thơ Xuân Diệu:

“Anh có cửa có nhà
Nhưng không vợ không con
Sợ cái bếp không lửa
Sợ cái cửa không đèn
Những đêm đi xa về
Tận xa nhìn cửa đóng
Chẳng có ai trông ngóng”

Nhà thơ tự giới thiệu “Nhà tôi 24, Cột Cờ / Ai yêu thì đến hững hờ thì qua”. Xuân Diệu ở ngôi nhà số 24, phố Cột Cờ này từ ngày tập kết ra Bắc cho đến ngày mất. Đó là ngôi biệt thự xinh xinh được xây từ thời Pháp thuộc năm 1897. Xuân Diệu sống một mình ở tầng dưới; bên khung cửa sổ một màu xanh dịu dàng, ngan ngát hương của cây hoàng lan cổ thụ luôn tỏa bóng mát quanh năm. Tầng trên là của gia đình nhà thơ Huy Cận.
Ngược dòng thời gian về với tuổi thơ, không ai quên được “chiếc nôi êm” của mình. Riêng với Xuân Diệu, cái làm ông lưu luyến lại là “mùi bồ hóng” của ngôi nhà – nặng tình ân nghĩa:

“Má ơi, con yêu cái mùi bồ hóng của nhà ta
Ba mất lâu rồi, hai em con hy sinh tất cả
Nhưng thằng út hãy còn bên gối má
Con ăn bát cơm này thì nghĩa trả biết bao lâu”

Cái “nghĩa” của nhà thơ cũng chính là cái ân tình cao quý của những đứa con hiếu hạnh xa nhà đi chiến đấu, được sống gần những bà mẹ Nam bộ và chạnh lòng nghĩ về mái nhá thân yêu có người mẹ già tần tảo sớm hôm. Trong dịp đi thăm miền Nam ruột thịt, nhà thơ ví von tinh nghịch về ngôi nhà – rất đỗi chân tình, bình dị, đáng yêu:

“Cái nhà hiền như nấm rơm
Cái nhà thơm như quả chuối”
Hoặc:
“Mái nhà thấp, tôi bước vào phải cúi
Và má muôn đời, Nam bộ vẫn chờ tôi”

Một “mái nhà thấp” nhưng cũng được gọi là Nhà. Đối với nhà thơ Xuân Quỳnh thì Người bạn đời – Nhà soạn kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ chính là “ngôi nhà xanh bình yên” của chị, bởi rất chân thành:

“Tôi không có một căn phòng
Lang thang suốt mấy năm ròng tuổi thơ
Gia tài là mấy vần thơ
… Em không có đến bức mành
Để che nắng gió cho anh tháng ngày
Gia tài chỉ có bàn tay”.

Đôi vợ chồng nghệ sĩ tài hoa Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ sinh thời chỉ sống trong căn phòng chật hẹp chưa đầy 10m2 , có khi lấy giường làm bàn, lúc thì kê mảnh gỗ để viết, chung quanh phòng tứ bề là sách. Tuy vậy, sức sáng tạo của họ thật mãnh liệt, phi thường. Trong vuông phòng nhỏ ấy, gia đình nghệ sĩ đã sống rất hạnh phúc, tràn đầy tình yêu thương, chan hòa ánh sáng của trí tuệ. Từ nơi Mái ấm ấy, tiếng thơ chị lại bồi hồi, lo lắng, nhớ thương mỗi khi cất bước đi xa:

“Đã xa rồi căn phòng nhỏ của em
Nơi che chở những người thương mến nhất
Con đường nắng dòng sông trước mặt
Chuyến phà đông. Nỗi nhớ cứ quay về
… Ngọn đèn khuya một mình anh thức
Nghe tin đài báo nóng lại thương con”.
Hoặc :
Em xao xuyến trong lòng
Nhớ về nơi ta ở
Mùa thu vàng đường phố
Lá bay đầy lối qua”.

Cũng từ nơi này đôi tài nhân ấy đã dâng tặng cho đời những tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng cao. Song, ngôi nhà cũng chỉ là ngôi nhà trong mơ – Và ngôi nhà trong mơ cũng đã ngủ yên cùng giấc ngủ muôn đời của họ.
Giữa đời sống tất bật, âu lo, thật cảm động khi ta dừng lại giây lát để nghe Nguyễn Ngọc Hưng bùi ngùi hồi tưởng:

“Ngôi nhà thơm tuổi ấu thơ
Ngày xưa xnh nắng bây giờ xanh rêu.”
“Mẹ ơi con đã về rồi
Mà sao không thấy mẹ ngồi bên hiên
Như ngày xưa…
Mỗi chiều nghiêng
 Trông vời lối ngõ dịu hiền đón con”.
“Mẹ mây trắng rồi cha trắng mây
Còn con mưa nắng vẫn xanh cây
Một mai con cũng thành mây trắng
Vườn xưa côi cút lá rơi đầy”.

Cách đây vài thập niên, khi đất nước còn nghèo, ngôi nhà chưa thể đẹp, khuôn viên nhà chưa thể xinh, hầu hết những mái nhà truyền thống ở làng quê Việt Nam đều là “hai chái ba gian”, nhà tranh vách đất. Song, trong tổ ấm ấy không thể thiếu hương vị ngọt ngào, sâu đậm của tình cảm gia đình, những tấm lòng nặng tình non bể, những tâm hồn đầy khát vọng. Không ít nhân tài xuất thân từ mái tranh nghèo ra đi vì đất nước, quê hương.

“Mái tranh ơi hỡi mái tranh
Bao nhiêu mưa nắng mà thành quê hương”.
Và đây là bức tranh thơ mộng, mang cái hồn chân chất của gian nhà làng quê trong thơ Nguyễn Bính:

“Sáng trăng sáng cả vườn chè
Một gian nhà nhỏ đi về có nhau”
Nhưng rồi chính nhà thơ lại khắc khoải, u hoài về một mái nhà bình yên bởi tâm hồn lãng tử, phiêu bạt luôn thúc bách ông phải nay đây mai đó:
“Quán trọ nhà thơ như chiêm bao
Khi thì Chợ Quán, khi Đa Kao
Hiện nay sống tạm bên Cầu Muối
Rồi biết mai kia ở chỗ nào?”
Dù có quay gót ra đi, thành phố kia đang nhớ nhung chờ đón, dù năm tháng có trôi theo dòng thời gian bất tận, thì hình ảnh của quê hương và vòng tay êm ấm của gia đình chẳng thể phai mờ trong ký ức của nhà thơ lang bạt kỳ hồ:
“Nhà tôi riêng một mình tôi vắng nhà
Tôi còn lận đâïn phương xa
Để ăn cái Tết thật là vô duyên”
Đó là cái Tết năm 1944, ở Sài Gòn ông viết “Xuân về nhớ cố hương”.
Mái nhà trong thơ Trụ Vũ dẫu tứ thơ có u trầm, khắc khoải nhưng cái hồn vẫn luôn bình lặng. Mái nhà là nơi chốn bình yên nhất để nhà thơ trở về với chính mình trong tĩnh lặng, an nhiên:
“Mái nhà ta ấm tuyệt vời
Bước phong trần vẫn tơi bời gió sương
Nhưng trong luân lạc vô thường
Mái nhà kia vẫn sáng gương trăng hoài”.
Hoặc
“Thương thương ngôi nhà cũ
Mái lợp ngói âm dương
Ba đời rêu biếc phủ
Thêm tình tự quê hương”.
Đôi khi giữa kinh thành gió bụi, con người rất dễ rung động với vẻ đẹp hiền hòa, chân chất, giản đơn, mộc mạc của đời sống ở nông thôn. Ngày nay, với cuộc sống hiện đại sung túc, ngôi nhà đẹp ngày càng đẹp hơn lên bởi ánh sáng của trí tuệ cùng chân tâm tình người.


Hồng Cúc

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.