Jan 15, 2025

Tiểu luận - Tạp bút

Giai Phẩm Mùa Xuân 1957 của tạp chí Sáng Tạo
Liễu Trương * đăng lúc 01:14:49 PM, Jun 20, 2023 * Số lần xem: 1006
                       * đăng lúc 12:46:21 PM, 28 Tháng Giêng 2020 * Số lần xem: 700
             
 
LIỄU TRƯƠNG - “Giai Phẩm Mùa Xuân 1957”
của tạp chí Sáng Tạo

  Đọc một tạp chí xưa là trở về thăm quá khứ. Đọc tạp chí Sáng Tạo lại càng có ý nghĩa sâu xa hơn. Vì Sáng Tạo ra đời vào thời đất nước bắt đầu một trang sử mới, sau Hiệp định Genève 1954. Với cái nhìn lùi lại 60 năm về trước, chúng ta thử đọc một số đặc biệt của Sáng Tạo : số «Giai Phẩm Mùa Xuân 1957». Ở miền Nam, theo thông lệ, vào dịp Tết báo chí thường cho phát hành một số đặc biệt để mở đầu năm mới, gọi là Báo Xuân, Giai Phẩm Xuân… Tạp chí Sáng Tạo vừa thành hình vào tháng 10 – 1956, qua mùa xuân 1957 đã cho ra mắt số báo xuân đầu tiên mang tên ngoài bìa: «Số Mùa Xuân», bên trong tạp chí, tòa soạn gọi là: «Giai Phẩm Mùa Xuân».


Vào đầu thời miền Nam, trong khi mọi tầng lớp xã hội ra tay xây dựng đất nước, thì trong lĩnh vực văn học, nhóm Sáng Tạo gồm những văn nghệ sĩ từ miền Bắc di cư vào: Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Mai Thảo, Mặc Đỗ, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Vũ Khắc Khoan, có một tham vọng, một hoài bão lớn là lên đường để xây dựng một nền văn học mới. Giai Phẩm Mùa Xuân 1957 là số 5 trong 31 số của Sáng Tạo bộ cũ. Phải chờ đến số 12 mới có bản tuyên ngôn với chữ ký của những người có tên trên đây. Một trong những mục tiêu được ghi trong bản tuyên ngôn là: «Tranh thủ những điều kiện căn bản tự do, độc lập thiết yếu cho sự tồn tại và phát triển của tư tưởng văn chương, nghệ thuật.»

Nhưng trước khi bản tuyên ngôn ra mắt độc giả, ở giai đoạn Giai Phẩm Mùa Xuân 1957, cũng đã có những kỳ vọng cho sự phát triển nền văn học mới. Trong lời tòa soạn có đoạn nói lên sự hồ hởi và lòng tin tưởng của các cây bút Sáng Tạo: «Chúng tôi chúc các bạn một năm mới tin yêu mà trời đất trong xanh và ngày tháng tưng bừng ở miền đất nước tự do dân chủ sẽ có vinh dự được nhìn thấy những dự định lớn lao nhất của chúng ta thực hiện rực rỡ (…) Văn nghệ hôm nay và ngày mai trong cái không khí mùa xuân do đời sống của các bạn tạo ra, sẽ phát triển và lớn lên.»

Giai Phẩm Mùa Xuân của Sáng Tạo năm đó, vì là một giai phẩm cho nên nội dung được chọn lọc kỹ lưỡng, thể hiện tình trạng sáng tạo của một nền văn học đang khởi đầu. Giai phẩm chỉ gồm thơ và truyện, mọi khảo luận về vấn đề văn học tạm gác lại những kỳ sau. Phần thơ được sự góp mặt của 7 nhà thơ, trong số đó có hai nhà thơ đã nổi danh từ thời tiền chiến: Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng, và hai nhà thơ trẻ sắp đưa thi ca miền Nam lên đỉnh cao: Thanh Tâm Tuyền và Nguyên Sa.

Phần truyện được 10 cây bút tham gia: Doãn Quốc Sỹ (Cánh đồng xanh), Thanh Nam (Người trong tranh), Nguyên Sa (Lớp học mùa xuân), Duy Thanh (Đống rác), Tô Kiều Ngân (Hội mùa xuân), Tạ Tỵ (Người trước cửa), Người Sông Thương (Sự bí mật của đời nàng), Mặc Đỗ (Khung cửa mở), Huy Quang (Đất quê hương), và Mai Thảo (Chuyến đi cuối năm). Riêng tác giả Nguyên Sa có mặt trong cả hai thể loại: thơ và truyện.


Để có một ý niệm về sáng tạo văn xuôi vào thời văn học miền Nam chớm nở, chúng ta thử đọc một số truyện trên đây. Dù biết sự chọn lựa nào cũng có tính chủ quan, nhưng đó là điều không tránh được, vậy tôi xin chọn 5 truyện để tra vấn, để xem những truyện đó có tiết lộ điều gì về cái thời xây dựng một nền văn học mới không? Năm truyện được chọn là: «Khung cửa mở» của Mặc Đỗ, «Lớp học mùa xuân» của Nguyên Sa, «Đống rác» của Duy Thanh, «Người trong tranh» của Thanh Nam và «Người trước cửa» của Tạ Tỵ.



1 «Khung cửa mở» của Mặc Đỗ

Trong «Khung cửa mở», nhân vật Hoàng vui mừng vừa mướn được một căn phòng yên tĩnh, ở phía trên một biệt thự. Anh hăng hái sắp đặt cuộc sống mới, anh quyết định viết văn vì anh vốn thích suy nghĩ về cuộc đời và muốn viết ra những tư duy của mình. Cho tới nay Hoàng đã sống ích kỷ, thích hưởng thụ, anh ý thức rằng điều này không phù hợp với cái xã hội lý tưởng mà anh nghĩ đến. Anh cũng đã từng suy nghĩ, tranh đấu, nhưng vì không biết rõ cái hướng của cuộc tranh đấu nên thất bại. Hoàng muốn biệt lập với cuộc sống đầy khó khăn quanh mình, muốn giữ khoảng cách với hiện tại và tạo cho mình một hoàn cảnh thuận tiện để suy nghĩ và viết.
 

MacDo
Nhà văn Mặc Đỗ


Trong căn phòng mới thuê này, Hoàng sẽ ngồi vào cái bàn đặt trước khung cửa sổ, và anh sẽ tha hồ viết… Những trang giấy trắng, những cây bút chì đang chờ đợi anh. Cửa sổ mở rộng, một làn gió mát tràn vào, dễ chịu khiến Hoàng cảm thấy có nhiều điều sắp viết ra. Nhưng Hoàng vừa mới bắt tay vào công việc thì có tiếng vợ chồng anh xích lô phía dưới cãi nhau dữ dội. Hoàng nhìn xuống và phát hiện một cái chòi lá trên một miếng đất trống, gần đấy một chiếc xích lô không nệm càng nói lên sự nghèo khổ của họ. Dần dần Hoàng mới hay lý do vụ to tiếng cãi cọ, đánh nhau, là tiền. Bao nhiêu tiền người chồng đem về, người vợ đều làm tiêu tan trong những ván cờ tứ sắc, giờ đây người chồng không có cơm ăn để đi làm.


Hoàng đóng cửa sổ để được yên tĩnh mà viết, nhưng khi cửa sổ đóng lại thì căn phòng trở nên nóng nực và thiếu ánh sáng. Hoàng đành mở cửa sổ và để ý đến những căn nhà trước mặt. Trên một căn gác, một người phụ nữ trẻ tuổi vừa ngủ dậy, ăn mặc hở hang. Xa hơn, có một bà mẹ gọi người con gái tên Hoa. Hoàng cảm thấy bị cuộc sống bên ngoài xâm lấn, níu kéo, khó cho anh tập trung tư tưởng để viết. Anh nảy ra cái ý đi mua một tấm màn về treo ở cửa. Màn treo xong thì có tiếng hát của một người phụ nữ, Hoàng liền kéo tấm màn sang một bên, ánh sáng lùa vào, người phụ nữ trước cửa ngả mình trên ghế, vừa hát vừa may. Cô ta có vẻ chờ đợi một người…

Ở nhà dưới một người phụ nữ khác đang trông coi một đứa trẻ. Rồi một người đàn ông đi xe gắn máy đổ trước nhà. Người đàn ông lên gác, người phụ nữ trẻ đóng hai cánh cửa lại. Hoàng nghe rõ tiếng cười khúc khích của họ. Bên cái chòi lá, chị vợ anh xích lô than thở với cô gái tên Hoa rằng đứa con chị bị sốt, chị ta lo lắng. Bà cụ, mẹ cô Hoa, cũng bước vào chòi lá hỏi han. Cô Hoa đề nghị đưa đứa bé vào bệnh viện. Anh xích lô vừa về đến nơi, anh nói không có tiền để đưa đứa bé vào bệnh viện chữa, chỉ có cách là đi mua một gói thuốc thối-nhiệt-tán cho đứa bé.

Trên bàn viết của Hoàng, những trang giấy trắng vẫn còn nguyên, anh bị thế giới bên ngoài xâm nhập. Vô tình Hoàng đã theo dõi cuộc sống của những người chung quanh, có lúc anh muốn đi ra ngoài để nói chuyện với cô Hoa về bệnh tình của đứa bé. Hoàng bị chia xẻ giữa những vấn đề thực tế, những khó khăn thật sự của con người và tham vọng của anh viết lên những tư tưởng lớn lao, những lý tưởng cao xa.



2 «Lớp học mùa xuân» của Nguyên Sa

Trong «Lớp học mùa xuân», người kể truyện cùng vợ và hai đứa con từ giã Biển hồ ở Cao Miên để về sống ở Sài gòn; nơi đây người kể truyện phải đương đầu với nạn thất nghiệp, cuộc sống trở nên khó khăn. Người vợ không khỏi cằn nhằn chồng sao lại bỏ Biển hồ là nơi có công ăn việc làm để về nơi đây cho khổ. Nhưng xảy ra một chuyện mà cuối cùng đã đem lại cho hai vợ chồng một niềm vui thích.

NguyenSa_TranhNguyenKhai-content
Nhà thơ Nguyên Sa



Trong khi phải lo đi tìm việc làm hằng ngày, thì một buổi sáng người kể truyện gặp một người đàn ông cao lêu nghêu, có tật nói ngọng, khó hiểu. Anh ta có cái tên rất Tàu Lầy, mặc dù không phải là người Tàu. Anh ta gọi ngay người kể truyện là «ông giáo», nói ngọng thành «ông sáo". Lầy làm cho «ông giáo» có cảm tình ngay với «nụ cười hềnh hệch» làm cái môi dưới xệ xuống để lộ một mảng lợi đỏ sẫm, một nụ cười hồn nhiên và có cái ma lực. Rồi Lầy xin học với «ông giáo» mà không nói đến chuyện thù lao. Người kể truyện không ngớt đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Người học trò lạ lùng này không nói vì sao xin học, lại không học tại nhà mình mà lại đưa ông giáo đến một nơi khác có một căn nhà lá bụi bặm, cánh cửa xiêu vẹo. Người kể truyện hỏi Lầy đã từng học lớp Bình dân học vụ chưa, tại sao phải học lén lút như thế này. Người kể truyện hoàn toàn không biết gì về những dự tính của Lầy.


Mặt khác, người kể truyện áy náy khi nghĩ đến hoàn cảnh của mình: phải ăn nói sao đây với vợ? Đã thất nghiệp lại còn nhận dạy học không tiền. Thế rồi lớp học diễn ra vào mùa xuân, trong cái nhà lá bụi bặm. Lầy có vẻ ngây thơ, hồn nhiên và ham học. Dần dần người kể truyện biết rõ Lầy bị mặc cảm, vì bị những người trong lớp học bình dân chế riễu cái giọng ngọng nghịu của anh ta. Anh ta cũng có mặc cảm với con cái, chúng biết đọc trước anh ta. Vì thế mới có sự giấu giếm việc học. Ba tháng sau, Lầy đã đọc thông thạo cuốn Vần quốc ngữ. Lầy bèn mời «ông giáo» về nhà xơi chén nước mà thật ra là một bữa ăn thịnh soạn có rượu làm «ông giáo» say túy lúy. Cuối cùng vợ người kể truyện biết được sự thật, vui vẻ quyết định không trở về Biển hồ nữa.


3 «Đống rác» của Duy Thanh

Duy Thanh chọn cho truyện của mình cái tên «Đống rác». Người đọc nào đang đi tìm cái thanh nhã trong văn chương chắc không khỏi cau mày. Nhưng «Đống rác» ở đây là cách biểu lộ sự căm giận của tác giả, người kể truyện và tác giả là một, trong truyện tác giả được gọi là Thanh, tức họa sĩ Duy Thanh.

DT-Studio_01-400
Họa sĩ Duy Thanh


 

«Đống rác» kể những tình cảm nảy sinh dồn dập qua những cuộc gặp gỡ trong một ngày. Một buổi sáng, người họa sĩ bước vào một tiệm phở, cảm thấy yêu ngay người phụ nữ đang ngồi với chồng. Người phụ nữ không đẹp theo tiêu chuẩn thông thường, nhưng có cái gì lôi cuốn. Người họa sĩ sực nhớ đến một phóng họa của mình, người phụ nữ này giống người phụ nữ trong bức phóng họa. Vậy là anh yêu cô ta, một tình yêu bâng quơ giữa lúc tâm hồn thanh thản, trong một buổi sáng đẹp trời. Bầu trời làm anh cảm thấy nhớ mùa thu miền Bắc. Anh cảm thấy yêu hết những người phụ nữ gặp sáng hôm đó. «Tình yêu hào phóng của một vương giả» dù cạn túi.


Ra khỏi tiệm phở, người họa sĩ gặp Thái, một người bạn lâu năm. Hai người trò chuyện với nhau về cuộc sống. Người họa sĩ cảm thấy thương bạn, muốn vẽ chân dung của bạn nếu có thì giờ.


Bước vào tiệm sách, lại gặp ngay một người bạn khác tên Minh, đã mười năm bặt tin. Minh thay đổi nhiều, to cao hơn xưa. Minh mời bạn đi uống nước. Người họa sĩ nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu với Minh ở Ninh Giang, và nhớ khi xưa yêu Minh như yêu một cô gái, Minh cũng đồng lõa đáp lại, một cuộc tình đẹp đẽ và buồn cười. Nhưng rồi Minh dần dần xa lánh người họa sĩ. Ngày nay Minh là một phi công trong quân đội, đã từng học lái phi cơ ở Marrakech, đã từng đặt chân đến Ba Lê. Điều này khiến người họa sĩ đau buồn, chua xót vì không được đi xa như đã ao ước. Người họa sĩ bị dằn vặt vì đã gặp lại Minh. Minh đã thay đổi hẳn và đã xóa đi những kỷ niệm thời thơ ấu. Người họa sĩ soạn giá để vẽ. «Khung vải đặt lên giá, tôi ném bừa bãi những hình thể, những màu sắc lên tàn nhẫn. Vẽ để cho vợi một cái gì đương hun bốc trong người. (…) Ngón tay xương xẩu của tôi quắp lấy thanh bút, nguêu ngao, lơ láo như một con nhện rừng. Không phải tôi vẽ như mọi lần nữa, mà chính là tôi đã chửi rủa tàn tệ bằng sắc màu. Vứt vào không gian cái khoái cảm, cái khinh khi tuyệt vời của mình là một điều hể hả biết mấy. Những thỏi sơn ộc ra từng đống quằn quại trên mặt vải.» (tr. 49-50). Bị Minh ám ảnh, người họa sĩ đâm phẫn nộ và ném bức tranh ra ngoài cửa sổ, bức tranh rơi xuống cạnh đống rác.

Vậy chỉ trong vòng một buổi sáng, tâm trạng người họa sĩ đi từ niềm vui yêu đời, yêu người đến một cơn tức giận, và những phản ứng từ đầu đến cuối là những phản ứng của một người họa sĩ.


4 «Người trong tranh» của Thanh Nam

Bức tranh lụa vẽ một người con gái đang chải đầu, là một bức tranh được mua từ Hà Nội và được người kể truyện mang theo vào Nam, như một kỷ niệm của Hà Nội. Bức tranh đã cũ, người con gái trong tranh có một vẽ đẹp đặc biệt. Một hôm, bức tranh treo trên tường đứt giây, rơi xuống đất, khung kính bị vỡ. Người kể truyện đem bức tranh đi lồng kính trở lại. Khi người kể truyện trở lại tiệm để lấy bức tranh thì đã có một người lạ mặt đang chờ với vẻ băn khoăn, lo lắng. Người lạ mặt tự giới thiệu : tên ông là Ngọc Vũ, tác giả bức tranh, ông đã bỏ công tìm kiếm bức tranh tám năm nay. Nhân vật Vũ mời người kể truyện về nhà mình. Có điều lạ là trong nhà không có một bức tranh nào cả, trong khi chủ nhà là họa sĩ. Trước sự xúc động của Vũ, người kể truyện xin biếu ông ta bức tranh.

 

ThanhNam-content
Nhà văn Thanh Nam



Khi người kể truyện trở lại nhà Vũ, dưới ánh nến, người kể truyện như bị mê hoặc bởi vẻ đẹp ma quái của bức tranh. Người kể truyện im lặng, ngả người xuống đệm ghế và bắt đầu một giấc ngủ chập chờn, tai nghe tiếng Vũ nói đều đều. Vũ giải thích tên Ngọc Vũ ký duới bức tranh là tên của Vũ ghép với tên Ngọc của người con gái trong tranh. Dạo đó Vũ mong ước được trở thành một danh họa nên anh đã mài miệt vẽ. Nhưng sau khi cuộc triển lãm bị thất bại, Vũ đã phá hủy tất cả các bức tranh của mình. Và từ đó Vũ ngưng vẽ. Một hôm Vũ ngạc nhiên thấy một thiếu nữ đến thăm mình và tỏ ý muốn mua một bức tranh để tặng một người bạn. Cô ta cho biết có đi xem triển lãm của Vũ và không ngớt khen ngợi tài năng của Vũ. Cô ta còn nhớ tên các bức tranh. Vũ kinh ngạc, lúc đó Vũ mới thấy việc đốt cháy các bức tranh của mình là chuyện điên rồ, và Vũ cảm thấy sung sướng được sự thông cảm của một người. Rồi Vũ nảy ra cái ý đưa người con gái vào một bức tranh. Sau một lúc đắn đo, do dự nguời con gái nhận lời. Bức tranh đã được vẽ xong và hai người yêu nhau thắm thiết. Khi quân Pháp chiếm Hà Nội, gia đình của đôi bên tản cư lên miền rừng núi. Ngọc và Vũ vẫn yêu nhau, nhưng chẳng may Ngọc bị bệnh lao nặng, không chống nổi tử thần. Trước khi từ giã cõi đời, Ngọc muốn xem lại bức tranh Vũ đã vẽ cô. Ngọc nói: «Nếu con người quả thật có linh hồn thì linh hồn em từ phút này đã ở trong bức tranh này. Anh hãy giữ lấy nó. Sau này, khi nào anh lấy vợ thì xin anh hãy đốt bức tranh này đi.» Từ đó Vũ không vẽ nữa, vì trên đời chỉ có một người gọi Vũ là họa sĩ, đã ca ngợi, khích lệ Vũ, nay người đó đã chết. Chiến tranh đã làm thất lạc bức tranh. Và Vũ đã đi tìm nó trong tám năm nay.

Người kể truyện bỗng choàng dậy, ánh nến vẫn lung linh soi rõ bức tranh. Vũ đang gục đầu xuống bàn. Người kể truyện rón rén ra khỏi căn phòng. Khi có dịp trở lại nhà Vũ, người kể truyện được biết Vũ đã dọn đi nơi khác. Người kể truyện tự hỏi có phải chính Vũ đã kể chuyện người trong tranh hay do trí tưởng tượng của mình hoặc do người trong tranh kể.

Đọc truyện «Người trong tranh» của Thanh Nam, người đọc từ thế giới hiện thực dần dần trôi vào tình trạng lơ lửng của một giấc mơ.



5 «Người trước cửa» của Tạ Tỵ


Tạ Tỵ cũng là họa sĩ như Duy Thanh, nhưng truyện «Người trước cửa» của ông không liên quan gì đến hội họa. Truyện gồm hai phần. Phần đầu là tâm trạng một người đàn ông, phần sau là tâm trạng một người đàn bà.

TaTy

Họa Sĩ Tạ Tỵ



Trong phần đầu, người đàn ông hài lòng vì vừa tìm được căn nhà một buồng trong một ngõ hẹp yên tĩnh. Cũng như trong truyện của Mặc Đỗ, nhân vật có một cái bàn viết đặt trước cửa sổ, nhìn ra ngoài, đối diện là một căn nhà ngói có giàn hoa leo màu tím. Những cơn gió làm bay những cánh hoa tím vào phòng người đàn ông. Có điều lạ là căn nhà trước mặt tuy có người ở trong nhà, có tiếng cười của trẻ con, nhưng cửa sổ đóng kín, cửa ra vào vừa mở ra khép lại ngay. Sự câm nín của căn nhà làm người đàn ông bực mình, cảm thấy mình bị hất ra, bị khinh bỉ, người đàn ông đâm ghét người chủ căn nhà đó. Người đàn ông là một nhà văn: «Năm đầu ngón tay nắm chặt lấy cán viết, hắn cúi gập người xuống mặt bàn, kéo cán bút chạy loang loáng trên mặt giấy (…) Hắn viết một hơi tới khi bóng chiều đã đổ ở bên ngoài…» Người đàn ông bỏ bút đứng dậy, mở cánh cửa sổ để hít thở. Bỗng nhiên cánh cửa sổ đối diện mở ra cho thấy hai cánh tay trắng muốt, rồi cánh cửa khép nhanh lại. Người đàn ông tự hỏi có phải do mình mở cửa sổ chăng ? Người đàn ông đâm tức giận, nhưng rồi nhớ lại đoạn văn vừa viết được gán cho một nhân vật: «Ờ, phải rồi, chúng ta nên xa nhau, mỗi người một cuộc đời (…) vì đời anh không phải chỉ để dành riêng cho em mà anh còn phải hy sinh nhiều cho lý tưởng, cho nghệ thuật», người đàn ông cảm thấy hài lòng.


Phần sau của truyện là tâm trạng một người đàn bà dưới hình thức những lá thư viết về đêm cho người tình, giữa lúc người chồng đi vắng. Trong khi người đàn ông nhà văn không hay biết gì về căn nhà trước cửa sổ mình, thì người đàn bà trong căn nhà đó lắng nghe những bước chân của người đàn ông đi về trong ngõ và dừng lại để hái những cánh hoa tím trước nhà mình; điều này gợi lên những kỷ niệm xưa, người đàn bà nhận ra người đàn ông là Vũ, người yêu của bà khi xưa. Tình yêu của bà rất lãng mạn. Qua những trang thư, bà nói vẫn còn yêu Vũ, mặc dù đã có chồng con, có một gia đình ấm cúng, tình yêu đối với Vũ vẫn mãnh liệt. Bà thú thật không dám đọc truyện của Vũ, sợ thấy mình ở trong đó. Bà nhìn nhận đã phụ bạc Vũ và giờ đây có mặc cảm tội lỗi. Bà không ngờ Vũ đã dọn nhà đến đây và lo sợ khi người chồng trở về, sẽ phải mở tung các cánh cửa để trở lại với đời sống bình thường. Bà sợ rồi đây sẽ đối mặt với Vũ. Bà còn nhớ lời của Vũ khi hai người chia tay nhau: «Ờ, phải rồi, chúng ta nên xa nhau, mỗi người một cuộc đời (…) vì đời anh không phải chỉ để dành riêng cho em mà anh phải hy sinh nhiều cho Lý tưởng, cho Nghệ Thuật.»

Tác giả Tạ Tỵ đã khéo léo dùng đoạn văn này để nối liền hai tâm trạng, nối liền một quá khứ lãng mạn với một hiện tại xây dựng cho nghệ thuật.



Năm truyện trên đây làm rõ nét sự sáng tạo của mỗi tác giả.

Nhân vật Hoàng của Mặc Đỗ không làm ngơ được trước cuộc sống nghèo khổ của những người chung quanh, cuộc sống cụ thể, cấp bách hơn những tư duy, lý thuyết mà anh muốn viết ra trên giấy. Người kể truyện của Nguyên Sa, dù thất nghiệp, dù gặp bao khó khăn, cũng mềm lòng trước sự ham học của một người đàn ông có tật nói ngọng. Và lòng nhân ái của người kể truyện đã đem lại cho người đàn ông đầy mặc cảm này một hạnh phúc vô cùng quý giá: hạnh phúc của chữ nghĩa. Chữ nghĩa giải phóng con người khỏi sự u mê để được khám phá những chân trời mới lạ. Với Duy Thanh và Thanh Nam hội họa đã tràn vào văn chương. Còn Tạ Tỵ thì thăm dò một lối kể truyện mới.

Có thể nói Giai Phẩm Mùa Xuân 1957, tuy chỉ mới là số 5 trong 31 số đầu của tạp chí Sáng Tạo, nhưng trong giai phẩm này đã thấp thoáng đó đây những dấu hiệu đầu tiên của thời xây dựng trong tinh thần lạc quan. Xây dựng không ở trong lý thuyết trừu tượng mà trong thực trạng của xã hội (Mặc Đỗ), xây dựng với lòng tin vào giá trị chữ nghĩa, giá trị văn hóa (Nguyên Sa), xây dựng bằng cách phong phú hóa nguồn sáng tạo văn chương với chủ đề hội họa (Duy Thanh, Thanh Nam), và sau cùng xây dựng bằng thử nghiệm về một hình thức truyện (Tạ Tỵ). Nói chung, sự sáng tạo của các tác giả trong bầu không khí hứng khởi của mùa xuân 1957 chan chứa nhiều hứa hẹn cho tương lai.

Giai Phẩm Mùa Xuân 1957 góp phần vào việc đẩy mạnh ý chí của nhóm Sáng Tạo, để đi đến bản tuyên ngôn của nhóm trong số 12. Tạp chí Sáng Tạo đã nhanh chóng trở nên tiếng gọi lên đường hướng về một chân trời mới.

 Liễu Trương

 


Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.