Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 04:11:53 PM, Jul 06, 2008 * Số lần xem: 2091
Hình ảnh
#1
Tiểu luận Ði Tìm Tinh Thần
Tạp chí Time số ra ngày 17 tháng 7 năm 1995 có đăng một bài khảo luận, bìa tạp chí lấy tiêu đề ( Ði Tìm Tinh Thần ) (In Search of the Mind ).Bên trong, bài viết lại mang tựa đề ( Khái Quát về Tinh Thần ) (Glimpses of the Mind ).Qua những nghiên cứu và thành tựu của khoa Thần kinh học, tác giả bài viết cố gắng trả lời câu hỏi: Ýthức là gì? Ký ức là gì? Cảm xúc là gì? - những câu hỏi mang nhiều đặc trưng triết học, ít ra là tâm-lý học.
Nhận thấy bài khảo luận cống hiến một số kiến thức khoa học thực nghiệm hữu ích, nhất là đối với những người thích tìm hiểu và đặt những vấn đề triết học về tinh-thần (hay ý-thức ), tôi xin cố gắng trình bày tóm lược những thành tựu mới của khoa thần-kinh học, từ đó các nhà khoa học trả lời câu hỏi cảm-xúc, ký-ức, ngôn-ngữ và sau cùng tinh-thần là gì. Tôi cũng sẽ đưa ra một số nhận định về giá trị bài báo đối với một vấn đề triết học rất cơ bản: vấn đề bản chất của tinh-thần.
I. Tóm lược những ý chính của bài báo: Ký ức không gì khác hơn một số hàng nghìn tế bào não hoạt động theo một cách riêng. Platon tin rằng tinh thần phải được định chỗ trong đàu - bởi đầu có hình dạng ít nhiều giống một hình cầu, một ý niệm (idée ) kỷ hà học cao nhất. Aristote bảo tinh thần ở trong tim, vì hơi ấm, hơi nóng bao hàm sinh lực, và máu thì nóng và tim bơm đẩy máu. Thời Trung cổ có rất nhiều người tin rằng tinh thần phát sinh từ óc não nhưng lại không có ý niệm rõ tinh thần đã phát sinh từ não như thế nào. Ðến thế kỷ 17, Descartes cho rằng tinh thần có thể tồn tại trong não, nhưng tinh thần là một thực thể vô chất, hoàn toàn biệt lập với những mô vật chất được tìm thấy trong đầu. Cho đến vài năm gần đây, việc làm sáng tỏ tương quan giữa tinh thần với óc não đã ở thực tế của quan sát và thí nghiệm. Tác giả bài báo cho rằng cuối cùng khoa học cũng đã bắt kịp triết học. Dùng điện cực ấn sâu vào chất xám của những con vật thử nghiệm, các nhà khoa học đã quan sát thị quan (vision ) di chuyển từ võng mô nơi mắt đến bên trong não bộ, và những kỹ thuật hữu hiệu như MRI (Magnetic Resonnance Imaging), hoặc PET (Position Emission Tomography) đã cho phép nhà khoa học quan sát một tư tưởng, một cảm xúc, một hoài niệm... Patricia Churchland, giáo sư tại đại học UCSD nói: (Ðiều thật đáng chú ý là những câu hỏi có tính cách triết lý được những người Hy lạp nêu lên)trước đây,(đã vào lãnh vực Khoa học).
Descartes được tác giả bài báo đánh giá là có lý trong chừng mực nào đó khi nhà triết học thế kỷ 17 nói tinh thần không phải là một sự vật vật chất và không có một định vị riêng biệt nào trong não. Khoa thần kinh học chứng minh việc hủy hoại bất cứ bộ phận nào của não cũng có thể ảnh hưởng trầm trọng đến tinh thần, nhưng không hủy diệt tinh thần. Tuy nhiên, cũng theo tác giả bài báo, Descartes đã sai lầm nghiêm trọng khi khẳng định tinh thần và thân xác hoàn toàn độc lập.
Trong quyển (Sai Lầm của Descartes), Antonio Damasio, nhà thần kinh học tại đại học IOWA nói rằng tinh thần được thân xác - đặc biệt là não - tạo nên. Ông bảo ý thức không gì khác hơn là một phó sản phù du của những qui trình hoàn toàn có tính chất vật lý, giống như cái cầu vồng là kết quả cuả một tác động hỗ tương của ánh sáng và những giọt nước mưa; những cảm tình và những cảm xúc ta từng trải qua là những đợt rút xuống và dâng cao những hóa chất trong cơ thể. Cũng vậy, ký ức liên hệ với ngôn ngữ - một hình thức ta thông dịch những ý niệm (trừu tượng) thành hình thức ký hiệu (cụ thể).
Tãt cả những lập luận này đặt cơ sở trên những nghiên cứu sau đây:
1.- Thiết lập dữ kiện._ Theo tác giả bài báo, ta thường phân biệt nhận thức (learning) và ký ức (memory) như hai chức năng riêng biệt. Trong thực tế thì không phải, vì cả hai chức năng đều là những qui trình, theo đó ta tiếp nhận (nhận thức, tri giác) và lưu giữ (ký ức) những dữ kiện theo một cách sao cho chúng có thể được lấy ra, gợi ra sau đó. Trong thực tế hầu hết mọi hoài niệm đều được hình thành bởi những hình ảnh khác nhau của những tiếp nối thần kinh, như ảnh tượng âm thanh, ảnh tượng màu sắc, ảnh tượng mùi vị. Sự kết hợp các loại ảnh tượng này cho ta một nhận thức trọn vẹn về một đối tượng. Sự kéo dài những ảnh tượng đó qua thời gian cho ta chuyển từ tri giác qua ký ức. Sự kiện nhiều ảnh tượng được lưu giữ chồng chất lên nhau giải thích tại sao một kích thích nhỏ cũng có thể lôi kéo một đợt hồi ức dồn dập. Như Proust khi ăn tấm bánh madeleine nhỏ đã sống lại một quãng đời thơ ấu (Cũng có thể nói như Thanh Tịnh đã nao nức bao nhiêu kỷ niệm về buổi tựu trường đầu tiên khi thấy lá rụng mây bay?)* Và sau đây là những định vị não có liên quan mật thiết với ký ức:
- Những sự kiện, biến cố cụ thể trực thuộc một bộ phận của não là tuyến cá ngựa (hippocampus).
- Những hoài niệm về sự sợ hãi trực thuộc tuyến hạnh ( amygdala )
- Những hoài niệm về tập quán thân xác trực thuộc hạch trung tâm ( basal ganglia ).
- Những hoài niệm có điều kiện (chó của Pavlov chảy nước miếng) và một số phản xạ trực thuộc tiểu não (cerebellum)
Khi một bộ phận hay một miền nào của não bị hư hỏng sẽ có hậu quả lên một loại hoài niệm nhất định. Ví dụ bệnh nhân (được đặt tên là) HM bị mất một phần tuyến cá ngựa sau một lần giải phẫu, có thể nhớ mọi điều đã xảy ra trước khi giải phẫu, nhưng hoàn toàn không thể tạo ra hoài niệm mới.
2.- Sức mạnh của những xúc động. Những chấn thương có tính cách vật lý có thể làm biến dạng ký ức, hủy hoại toàn bộ hay một phần những cơ cấu hình thành ký ức. Tuy nhiên, những cú ‘sốc’ khác - ví dụ những cảm xúc mạnh - cũng có thể đem lại cùng hậu quả như những chấn thương vật lý. Trong khi hoài niệm có tính cách trí tuệ về những cảm xúc phải đi qua tuyến cá ngựa, thì một loại hoài niệm khác có thể sống lại, một cách tự phát với một sự rõ rệt khác thường, bởi một hoạt động bất bình thường của tuyến hạnh. Damasio còn nói cảm xúc là yếu tố cơ bản để nhận thức và quyết định. (Ta không thể quyết định kết hôn với ai, để dành tiền cách nào, sống ở đâu trên cơ bản thuần lý)
3.- Những (cửa sổ) hướng ra ngoại giới. Một trẻ sơ sinh mắc bệnh đục thủy tinh thể ở mắt, nếu cứ để mãi không chữa trị trong vòng sáu tháng, sẽ thành mù vĩnh viễn. Còn một người sáu mươi tuổi mắc bệnh ấy có thể được chữa trị bằng một cuộc giải phẫu. Qui luật của thị quan - cũng như của hầu hết các giác quan khác - là: hãy sử dụng nó ngay, nếu không thì mất. Một ví dụ khác là hiện tượng cánh tay ma. Khi một cánh tay - hoặc chân - bị cắt mất, nạn nhân hầu như (cảm thấy) những cảm giác như đau đớn, ngứa ngáy, thường rất mạnh ở phần tay (chân) đã mất. Ðiều này được giải thích là óc não đã có sẵn những (bản đồ) về thân xác, một cảm giác toàn vẹn về vị trí của từng bộ phận đối với các bộ phận khác. Vì vậy ta có thể nhắm mắt lại đưa tay lên sờ đúng vào chóp mũi của ta. Rượu làm ta mất tri giác về (bản đồ) đó.Khi cánh tay (chân) đã mất, chỗ của nó trong (bản đồ) vẫn còn và những tế bào thần kinh trước đây chịu trách nhiệm về việc tạo thành cảm giác, có thể hoạt động một cách ngẫu nhiên, tình cờ.
4.- Ngôn từ. Nhiều bệnh nhân bị chấn thương não gặp nhiều vấn đề trong ngôn từ. Có người gặp khó khăn trong việc sử dụng và hiểu những danh từ. Có người thì với động từ. Một số bệnh nhân khác lại có thể nói bình thường nhưng lại không thể hiểu những tiếng, những từ họ nghe. Một nhà giải phẫu thần kinh ở đại học Washington nói: “ Có những tế bào thần kinh hoạt động khi bạn nghe một từ, lại không hoạt động để bạn muốn phát biểu từ đó “.
5.- Tạo dựng bản ngã. Ý thức có thể là một ảo giác phù du. Antonio Damasio nói: “ Ý thức là một ý niệm về bản ngã, là cái cứ từng lúc ta tái dựng trên nền tảng của hình ảnh về thân xác ta, của tiểu sử tự thuật của ta và một ý nghĩa về tương lai ta” .Nhưng, Damasio nói tiếp, “không có một chỗ nào trong não dành cho cái gọi là bản ngã ấy, chỉ vì ... bản ngã ấy không có. Một vài nhà khoa học cho rằng ý thức là một (phó sản) ( (by-product) của những hoạt động cùng lúc và ở tần số cao của những tế bào não ở những bộ phận khác nhau ở não bộ, cũng như những âm điệu phát xuất từ những nhạc cụ riêng biệt tạo nên bản đại hòa tấu phong phú và phức tạp”. Llínas viết: “ Ánh sáng không gì khác hơn là những bức xạ điện từ. Màu sắc không có ngoài óc não, âm thanh cũng thế. Có một tiếng động không, nếu có một cây đổ xuống trong rừng và không có một động vật nào nghe nó? Âm thanh chỉ là những tương quan giữa những rung động ngoại giới và não. Không có não, không có âm thanh” Llínas viết tiếp: “Chúng tôi có thể nói rằng vật có ý thức hay là vật thức tỉnh không gì khác hơn là một tình trạng như mơ(.Nó là một tình trạng, tương ứng mật thiết với ngoại giới. Nhưng nó không có thực tại khách quan, như cái cầu vồng ta có thể nhìn thấy nhưng không bao giờ có thể sờ mó hoặc đo lường nó được”.
Tất cả những khám phá và nhận định trên đây được nêu lên nhằm biện minh cho một chủ điểm: những hoạt động của (tinh thần) nói chung và (tâm lý) nói riêng đều do óc não tạo nên.
II. Suy nghĩ
Những khám phá mới của thần kinh học càng cho ta thấy rõ hơn sự quan trọng của thân xác, đặc biệt là của não đối với những hoạt động của (tinh thần( như tri giác, ký ức, ngôn ngữ, từ đó tránh được lối giải thích (tinh thần( theo đường lối duy tâm như triết học Descartes, coi tinh thần như một thực thể hoàn toàn độc lập đối với thân xác. Ðiều thú vị là quan niệm về ý thức hay bản ngã của các nhà thần kinh học ngày nay không khác quan điểm về ý thức hay bản ngã cách nay... mấy nghìn năm! Ngày nay, các nhà khoa học bảo ý thức có thể chỉ là một ảo giác phù du, ý thức chỉ là một phó sản của những hoạt động cùng lúc và ở tần số cao của những tế bào não... Ý thức không gì khác hơn một tình trạng như mơ. Nó là một tình trạng tương ứng mật thiết với ngoại giới. Cách nay mấy nghìn năm, đã có một nền triết học đề cập đến một sinh hoạt tâm linh được gọi là (tâm(.Theo quan điểm triết lý này, tâm có nhiều phương diện. Trước hết là cái tâm thông tục, người Tây Tạng gọi là sem. Ðó là cái tâm có khả năng phân biệt, có ý thức về nhị nguyên. Sem là cái tâm suy nghĩ, phân biệt, chỉ có thể vận hành tương quan với một điểm qui chiếu ở bên ngoài, bị nhận lầm và chỉ là một cái bóng được phản chiếu. Sem là cái tâm đặt kế hoạch, ham muốn, vận động, lồng lên trong cơn giận dữ, say mê trong tư duy và cảm xúc. Tâm này chuyển động không ngừng theo ảnh hưởng bên ngoài, theo những tập quán. Theo thiển ý, sinh hoạt tâm linh được gọi là tâm được mô tả như thế không gì khác hơn là ý thức, là bản ngã được các nhà thần kinh học đề cập trên kia. Ðúng như tác giả bài báo nhận định: (Cuối cùng khoa học cũng bắt kịp triết học) - một nền triết học đã có mấy nghìn năm trước. Ðiểm khác biệt giữa hai hệ tư tưởng là trong khi các nhà khoa học coi ý thức là một phó sản tùy thuộc não, triết lý Phật giáo - chính hệ tư tưởng cách nay mấy nghìn năm ấy là triết lý Phật giáo - coi cái tâm thông thường tức cái sem hoàn toàn bị quyết định bởi đối tượng bên ngoài. (Xin nói thêm: triết lý Phật giáo bảo ngoài cái sem, còn có tâm tự tính, tuyệt đối, không đổi thay, không bị hủy diệt, nhưng bị bao phủ che lấp bởi cái tâm thông tục như mây che lấp bầu trời trong xanh).
Thực ra thì khoa học không (bắt kịp( triết học vì nhiều lẽ: khoa học chỉ cung cấp dữ kiện giúp triết gia cố gắng giải thích khách quan chính xác sự vật, con người; hơn nữa khoa học không theo đuổi cùng một mục tiêu của triết học. Triết gia suy tư trên thành quả của khoa học và nếu một lúc nào đó khoa học (bắt kịp) triết học thì nhà khoa học đã mặc nhiên trở thành triết gia. Dù thế nào mặc lòng, nhận định (cuối cùng khoa học cũng đã bắt kịp triết học) cũng nói lên một sự thực: những giải thích của bài báo không chứa đựng điều gì mới so với những giải thích gần đây của triết học:
1) Nhiều nhà tâm lý học chủ trương thuyết sinh lý như W. James (Mỹ), T. Ribot (Pháp) cũng đã giải thích tinh thần, ý thức theo quan điểm chủ sinh lý rồi. Với Ribot việc ghi giữ các hoài niệm vào não chẳng khác gì việc ghi giữ các âm thanh của bản nhạc vào những dĩa, những cuộn băng từ. Ta cũng biết rằng với Ribot, ý thức (hay tinh thần) chỉ là phụ tượng, tức là hiện tượng phụ đi kèm theo sinh hoạt chính là sinh hoạt của thân xác, của não. Quan niệm ấy của Ribot trước đây và của Antonio Damasio nhà thần kinh học ngày nay của đại học Iowa có gì khác nhau?
Trong tác phẩm Vật chất và Ký ức (Matière et Mémoire) cách nay hàng nửa thế kỷ, Bergson đã gián tiếp bác bỏ quan điểm chủ sinh lý của Ribot - và như vậy phủ nhận luôn cả quan điểm của Damasio sau đó nửa thế kỷ! Bergson đã cho ta thấy một tương quan mới giữa não(vật chất) và hoạt động tinh thần (ký ức). Bergson không cực đoan phủ nhận vai trò và tầm quan trọng của não đối với ý thức như Descartes đã làm. Ông bảo giữa cái đinh - ở đây là óc não- và cái áo - ở đây là tinh thần - có một tương quan tất yếu đến nỗi nhổ đinh thì áo rớt, nhưng không thể vì vậy mà nói cái áo chỉ là... cái đinh. Cũng thế, não bình thường là điều kiện thiết yếu để có được một sinh hoạt tâm lý bình thường, nhưng não không phải là nơi chốn ghi nhận cảm giác, sau đó thành hoài niệm. Não chỉ giúp ta tri giác (nhận thức) hoặc nhớ lại một cách tự ý mà không phải là nơi cất giữ tri giác, hoài niệm. Như vậy ta hiểu tại sao những chấn thương ở não do giải phẫu hoặc do tai nạn đã không làm mất một tri giác, một hoài niệm. Bằng chứng là các bệnh nhân ấy vẫn thỉnh thoảng nhớ lại, sống lại các hoài niệm cũ một cách tự phát. Những khám phá mới của các nhà thần kinh học chỉ giúp cho lập luận của Bergson thêm vững.
2) Hiện tượng cánh tay ma được nêu lên trong bài báo cũng không phải sự kiện mới lạ. Trước, người ta cũng đã đề cập tới hiện tượng này. Descartes kể lại trường hợp một thiếu nữ than phiền đau nhức ở bàn tay cô khi mà cả cánh tay cô đã bị cắt mất từ trước. Gần đây hơn, Merleau-Ponty cũng đã đề cập đến cánh tay ma (bras phantôme) trong tác phẩm nổi tiếng Hiện tượng học về tri giác (Phénoménologie de la Perception). Có lẽ ông còn đi sâu hơn các nhà thần kinh học ngày nay trong việc mô tả, giải thích cánh tay ma này. Theo Merleau-Ponty, cánh tay ma là một ám ảnh đối với nạn nhân, tuy rằng cánh tay đã mất nhưng nạn nhân không chấp nhận, hay nói cho đúng, không muốn chấp nhận tình trạng mất mát đó. Với nạn nhân, cánh tay vẫn như còn đó, hiện hữu với toàn thân xác, hiện hữu như một thành viên trong một tổ chức toàn thể là thân xác. Sự vật chung quanh luôn luôn mời gọi, nhắc nhở cánh tay(đã mất) cầm lấy hoặc di chuyển chúng như ngày nào trước đó, và điều này không phải chỉ được giải thích thuần sinh lý như các nhà thần kinh học đã làm. Phải đẩy sự giải thích đi xa hơn: con người sống là sống trong cuộc đời như các nhà hiện tượng học thường nói. Sống không chỉ suy tư suông. Biết không phải chỉ biết lý thuyết suông mà phải hành động cụ thể. Biết lái xe là biết điều khiển xe chạy trong thành phố, ngoài xa lộ chớ không phải chỉ có giấy chứng nhận đậu... lý thuyết, tức là chỉ thuộc và hiểu ý nghĩa các dấu hiệu trên đường. Nói cách khác, ta phải tham dự vào cuộc đời bằng thân xác ta. Vì vậy một khi cánh tay mất đi, cuộc đời vẫn không ngừng mời mọc, kêu gọi ta hành động đến nỗi ta có ảo giác cánh tay vẫn còn.
3) Các nhà thần kinh học ngày nay giải thích tại sao một kích thích nhỏ cũng có thể lôi kéo một đợt hồi ức dồn dập: họ bảo nhiều ấn tượng được lưu giữ chồng chất lên nhau trong não. Giải thích như vậy có lẽ không sai nhưng vị tất đã đầy đủ. Các nhà Tâm-hình thuyết (Gestalttheorie) như Wertheimer, Koffka dựa vào thuyết tâm-hình để giải thích - khá hợp lý - sự kiện trên. Khi ta tri giác, nhận thức sự vật, ta không nhận thức, tri giác riêng lẻ từng phần, từng bộ phận rời rạc của sự vật nhưng là tri giác, nhận thức sự vật đó trong một toàn thể, một tổng thể là cái mô hình của sự vật đó. Tri giác con voi không phải là tổng số những cảm giác riêng lẻ từng bộ phận cái vòi, mình, chân, đuôi, tai voi mà là nhận thức cái mô hình con voi với những bộ phận riêng lẻ ở từng vị trí riêng biệt của chúng. Ta không thể kết hợp cảm giác của bốn người mù xem voi thành một tri giác về con voi nếu không có một mô hình toàn diện con voi ấy. Cảm giác toàn thân các nhà thần kinh học đề cập trên đây cũng không ra ngoài lối giải thích của các nhà tâm-hình: ta nhận thức từng bộ phận của thân xác ta là đầu, mặt, chân tay... như những thành phần trong một toàn thể là thân xác với từng vị trí riêng biệt của chúng. Cảm giác toàn thân là một nhận thức về cái toàn thể. Do vậy ta hiểu tại sao ta có thể xác định vị trí của chóp mũi ta mặc dù ta đã nhắm mắt lại. Nếu Proust đã sống lại một chuỗi hoài niệm thời thơ ấu khi ăn một miếng bánh madeleine chính vì cảm giác miếng bánh ấy đã gợi nhớ cảm giác miếng bánh ngày xưa được ghi giữ như một thành phần trong một tổng thể là toàn bộ những hoài niệm ấu thời. Cũng vậy ta hiểu tại sao một bệnh nhân mất trí nhớ về một số cử động đã không thể hát bài quốc ca hoặc làm dấu thánh giá một cách tự ý, nhưng lại có thể làm được những việc ấy một cách tự phát khi đứng nghiêm chỉnh chào quốc kỳ, khi bước chân vào một thánh đường.
Triết gia có tự hào ông ta đi trước nhà khoa học? Không nhất thiết. Vì nếu ông ta muốn những suy nghĩ của mình bám rễ vào thực tại mà không suy luận viễn vông, triết gia phải nhờ vào những thành tựu của khoa học. Hơn nữa, chính những thành tựu này của khoa học đã khiến triết gia nêu lên những vấn đề mới hoặc đặt lại những vấn đề có liên quan đến vũ trụ, con người.
Vào thế kỷ 18, triết gia duy thực nghiệm Pháp là Auguste Comte đã phủ nhận nội quan, một phương pháp (cổ điển) của tâm lý học. Ông viết: ( Nếu mắt không thể tự nhìn vào mắt thì ý thức không thể tự nhìn vào ý thức để quan sát).Tác giả bài viết trong Time có đưa ra một nhận định tương tự của nhà vật lý học Penrose: ý niệm cho rằng tinh thần con người có thể biết trọn vẹn tinh thần con người là một ý niệm ngốc nghếch. Nhận định đó hơi quá bi quan khi mà triết lý Phật giáo tuy cho rằng biết được Tâm (tự tính) không phải là công việc dễ dàng ai cũng làm được, như Padmasambhava nói:
Ngay cả khi cái thường gọi là tâm được nhiều người bàn tới, Nó vẫn không được hiểu thấu, hoặc hiểu sai lạc một chiều.
Vì tâm không được hiểu đúng như nó là, trong bản chất nó Cho nên có nhiều tư tưởng triết lý và lý thuyết ra đời... nhưng không phải là không thể làm được, bằng cách thay vì bấy lâu nay cứ mãi nhìn ra ngoài, mỗi chúng ta giờ đây hãy nhìn vào bên trong (nội quán)thay vì (nội quan() chính chúng ta? Ðến đây tôi xin nhường chỗ cho các nhà thiền học, các bậc thiền giả bởi chúng ta đã đi quá phạm vi khoa học và triết học thông thường, trong đó sự phân biệt chủ thể - đối tượng, bên trong - bên ngoài, tức chủ trương nhị nguyên rõ ràng dứt khoát.
Chúng ta đã đi vào lãnh vực của cái bất nhị, của Thiền./.
Võ Doãn Nhẫn
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.