Jan 15, 2025

Tiểu luận - Tạp bút

Một Mối Hoài Nghi.
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 01:33:04 PM, Sep 06, 2010 * Số lần xem: 2246
Hình ảnh
#1

“Tin vào gửi trước trung quân,
Từ công riêng những mười phân hồ đồ.”

“Trung quân" là trung tâm quân sự, là đại bản doanh, nơi đóng quân của Từ Hải, nơi xuất phát những cuộc động binh, những cuộc hành quân tấn công tại một nơi nào đó, nơi xuất quân chiến đấu, tiêu diệt đối phương, nói tóm “ trung quân” là trung tâm đầu não quân sự. Từ công ở đây chính là Từ Hải, một tướng giặc khét tiếng người Việt Đông, đánh nhau với Minh triều ngang ngửa. Tổng đốc Hồ Tôn Hiến sai gởi đi một quan chức nhỏ tên là Hoa Nhâm theo nguyên lục trước là để dụ hàng, sau nữa để dò la tin tức. Nghe tin, Từ Hải nổi cơn lôi đình quát mắng: “ Quân của ta hiện đang có thanh thế, uy lực sung mãn tràn đầy. Ngươi muốn ta về hàng, phải chăng chỉ để làm thân trâu ngựa cho kẻ khác?” Từ Hải bèn đem Hoa Nhâm ra chém đầu thị uy( tương tự sứ thần là Nguyễn Biểu sang du thuyết tướng nhà Minh là Tây Thành Hầu Trương Phụ, không may vì khí phách khẳng khái ngang tang hiên ngang không khiếp sợ của giặc Minh khiến Trương Phụ tức giận sai quân bắt trói dưới chân cầu chùa Lam, đợi thủy triều lên ngập nước mà chết). Nhưng Thúy Kiều xin Từ Hải tha chết cho Hoa Nhâm.

Từ Hải không khi nào, chẳng bao giờ chịu để tai nghe những lời đường mật dụ dỗ chiêu hàng bằng những ngôn từ hoa mỹ. Ai đi nghe theo những lời chiêu dụ ngọt mật chết ruồi! Tướng giặc Việt Đông đặt nhiều nỗi nghi ngờ Tào Tháo qua những lời những ngón thủ thuật chiêu hàng bùi tai, nào quan tổng đốc trọng thần mua chuộc trân châu ngọc quý, vàng bạc, lụa là gấm vóc, lại thêm hai tên thể nữ xinh tươi đẹp đẽ:” lại riêng một lễ với nàng, hai tên thể nữ ngọc vàng nghìn cân”. Thực chất hai tên thể nữ là hai nữ gián điệp trá hình đóng vai mỹ nhân, sẵn sàng đóng vai nhiệm vụ người nữ phục dịch những nhu cầu cần thiết, sửa soạn giường chiếu nơi ăn chốn ở, đồng thời nghe ngóng dò la động tĩnh tình hình tin tức. Lịch sử tuy chưa xây dựng thành một kế sách, một phương pháp có tính khoa học, đã từ xưa đến nay thành hình một mỹ nhân kế mê hoặc mua chuộc dụ dỗ nam giới phe cánh đàn ông. Tiêu biểu điển hình là trong truyện Tam quốc diễn nghĩa với một viên quan rất ư hiếu sắc, rất ư hảo ngọt là Đổng Trác cùng với một viên tướng rất có tài võ biền nhưng bất trí dễ dàng manh động đi tới nơi ngu xuẩn là Lã Bố. Đổng Trác có nuôi một người con nuôi là Lã Bố, khiến Lã Bố Đổng Trác ghen ghét nhau căm thù nhau vì một thiếu nữ nhan sắc xinh đẹp tuyệt trần: Điêu Thuyền, ái nữ của quan tư đồ Vương Doãn. Điêu Thuyền chỉ mới mười. tám xuân xanh, hát hay, múa giỏi. Rốt cuộc, Đổng Trác vì muốm được hoàn toàn người ngọc Điêu Thuyền nên sau cùng người cha nuôi giết Lã Bố.
Trong lúc Thúy Kiều trót xiêu lòng ngả theo những lời đường mật, Từ Hải tâm sự to to nhỏ nhỏ của ả giang hồ, rằng thì là một thân một mình thế cô lưu lạc, về hàng cùng quan Tổng đốc trọng thần được hưởng nhiều điều lợi lộc: hết nguy hiểm giữa trận mạc trận tiền, đường tái hợp gia đình cha già mẹ yếu, và điều này rất ư quan trọng, được chức trọng quyền cao phu nhân mệnh phụ.
Nhưng không nói gì đến nữ điệp viên lừng danh thế giới Matahari Xuyên Đảo Phương Tử là một thiếu sót lớn. Xuyên Đảo Phương Tử còn gọi là Mata-Hari sinh ngày 14/5/1905 là một điệp viên của Nhật Bản trong thế chiến thứ hai, nổi tiếng sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành nên còn được gọi là “ Hòn Ngọc Phương Đông “( Đông Trân). Bà tên thật là Ái Tân Giác La Hiển Dư sinh ngày hai mươi bốn tháng 5, năm 1905 tại Bắc Kinh, là con gái thứ 14 của Túc thân Vương Thiện Kỳ, thuộc hoàng gia triều Mãn Thanh, dòng Tượng Bạch Kỳ. Bà còn có tên Hán là Kim Bích Huy. Ngay từ nhỏ bà được một người Nhật Bản là Xuyên Đảo Lăng Tốc, vốn là một điệp viên đang làm cố vấn trong triều đình Mãn Thanh nhận làm con nuôi, vì vậy mới đổi tên Nhật làKawashima Yoshiko.
Năm 1912, bà theo người cha nuôi về Nhật Bản và học tại Matsumoto, Nagano, Nhật Bản, từ đó bà đã Nhật hóa hoàn toàn. Cha nuôi đã cho bà bắt đầu huấn luyện về chính trị, kỹ năng quân sự, tình báo.
Có tài liệu cho rằng bà toan tự sát bất thành vào năm mười bảy tuổi và sự việc có liên quan đến người cha nuôi, tuy nhiên sự việc rất khó xác minh. Chỉ chắc chắn là sau sự cố ấy, bà thường xuyên mặc quần áo y phục nam giới, một nguyên nhân tâm lý thầm kín, ẩn khuất.
Năm 1927, bà kết hôn với một người Mông Cổ, con trai của tướng quân đội Nội Mông Tengjuurjab, người lãnh đạo phong trào ly khai độc lập cho Mông Cổ. Cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài được hai năm, sau đó bà trở về Thượng Hải. Năm 1934, bà bị người Nhật bắt giam. Hai năm sau bà được tha và trở về Thiên Tân, tiếp tục hoạt động gián điệp cho người Nhật.
Sau khi Nhật bại trận, bà bị chính quyền Quốc Dân đảng bắt giam và bị tuyên án tử hình. Bản án được thực hiện ngày 25 tháng 3 năm 1948.

“ Vũ vô kiềm tỏa, năng lưu khách,
Sắc bất ba đào, dị nịch nhân.”
Mưa khôngbuộc xích thường lưu khách,
Sắc chẳng phong ba, dễ đắm người.
Nhận xét một cách khá chủ quan, sắc đẹp thường dễ nhấn chìm người nói theo bóng bẩy đầy vẻ ngụ ý. Nhưng cũng một cách khách quan, sắc đẹp tự nó không dễ quyến rủ mê hoặc lòng người, nhất là đối với những ai ý chí sắt đá gan lì. Những người giàu ý chí giàu nghị lực trước sắc đẹp thì vững như bàn thạch không suy chuyển. Thế nhưng lịch sử nhân loại sắc đẹp vẫn cứ “ đắm “ lòng người, một thứ vũ khí vô cùng sắc bén vô cùng lợi hại. Võ Tắc Thiên đã thực sự mua chuộc thành công được vua Đường. Dương Quý Phi tức Dương Ngọc Hoàn đã thuyết phục được ông vua cuối cùng già nua nhà Đường là Đường Minh Hoàng. Trịnh Sâm tức Tĩnh Đô Vương đã thật sự mê đắm bà Chúa Chè ( bà Chúa tức cô gái hái chè) tức vương phi Đặng thị Huệ. Sau khi Trịnh Sâm mất, Đặng Thị Huệ vẫn tiếp tục lang chạ gần gũi với ông võ tướng đẹp trai khỏe mạnh: Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo. Về sau, Bảo phải thân hành cỡi voi ra đánh dẹp bọn quân binh, không ngờ Bảo bị bọn Kiêu binh giết chết.
“ Trăm quan có mắt như mờ,
Để cho Huy Quận vào sờ chánh cung.”
Lịch sử trong Đông Châu Liệt quốc thường xuyên kể chuyện về Việt Câu Tiễn, Ngô Phù Sai và một nữ nhân vật không kém phần quan trọng là gái nước Việt Tây Thi. Thủa ấy, Việt Câu Tiễn bị Ngô Phù Sai đánh bại, nước Việt bị thôn tính, Ngô Phù Sai lên làm Ngô vương. Câu Tiễn bị bắt cầm tù, làm phu giữ ngựa cho Ngô vương. Ngày ngày Câu Tiễn có bổn phận chăm sóc ngựa, cho ngựa ăn cỏ, cho ngựa tắm rửa, cho ngựa chải lông, dắt ngựa đi bộ, chăm chút con ngựa chiến từng li từng tí. Ngựa biếng ăn, không muốn tắm rửa chải chuốt, Câu Tiễn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, con cưng của Ngô vương. Trong thâm tâm, Câu Tiễn ghét cay ghét đắng căm hận thấu xương con ngựa chiến, trót đóng vai thân phận tôi đòi không công cho kẻ chiến thắng; nhưng Câu Tiễn lòng tự nhủ lòng tương lai ngày mai tất sẽ ngày phục hận.
Tự cổ chí kim, từ ngày xưa tới hôm nay, có bao giờ một người đã cả gan nếm phân cho một người chưa? Có đấy! Nhân vật độc đáo là nhân vật Việt Câu Tiễn và nhân vật khác cũng không kém độc đáo là Ngô vương Phù Sai. Nói cho đúng, từ thuở còn rất nhỏ, bản thân tôi trông thấy tận mắt hai đứa bé lẽ tự nhiên cũng còn rất nhỏ,...đã ăn cứt, hai đứa, một trai một gái. Thằng bé con trai ấy là thằng Quế, con của vợ chồng đánh xe ngựa tôi quên mất tên người chồng, vợ là chị ba Bò. Cả người chồng lẫn người vợ thường xuyên bỏ bê đứa nhỏ ít thăm nom chăm sóc: người chồng suốt ngày lo đánh xe ngựa sinh kế,người vợ mê mải đánh bài sát phạt tứ sắc. Con gà bươi móc xục xạo đống rác hi vọng tìm cái ăn, bởi con gà con ngựa con bò con trâu lhuộc loài ăn cỏ bởi ngôn ngữ nước ngoài là herbivores. Trâu, bò, dê ngựa, thỏ thuộc loại ăn cỏ. Riêng chó mèo, cọp, sư tử, beo, rắn, trăn, kể cả người thuộc loại ăn thịt, carnivores. Riêng con người thì thuộc loại ăn cỏ herbivore hay thuộc loại ăn thịt carnivore? Theo thiển ý, con người có thể thuộc cả hai, vừa ăn thịt vừa ăn cỏ. Nói phải “ có sách”, mách phải “có chứng”, không dám vơ vào, quàng xiêng. Chứng cớ hiển nhiên rõ ràng rành mach là đức Phật Thích Ca. Ngày trước, khi còn là thái tử Tất Đạt Đa, thái tử thuộc loài ăn thịt, từ thịt lợn, thịt bò, thịt cừu, thịt dê, sơn hào hải vị, mỹ vị cao lương, thái tử vẫn ăn hằng ngày. Đến một đêm khuya nọ, thái tử lẻn vợ đẹp con ngoan đang say giấc ngủ lẳng lặng ra đi tìm đường tu học. Ban ngày, thái tử giã từ cuộc sống ăn thịt, bắt đầu cuộc sống ăn cỏ trong tình trạng gọi là khổ hạnh. Sau bốn mươi chín ngày, thái tử mới tìm ra ánh sáng chân lý, thấy được con đường giải thoát. Lúc bấy giờ ngài thấy hào quang tỏa rực sáng chung quanh. Lúc ấy, ngài chẳng còn là thái tử Tất Đạt Đa nữa. Ngài đã trở nên bậc Giác Ngộ.
Lúc bấy giờ, bậc Giác Ngộ mới cảm thấy đói. Sự tích thuật lại rằng có một nữ đạo hữu, một nữ tín đồ là cô Sương Ả Nương( người Ấn Độ?) đã đem một bình đầy sữa dâng lên Như Lai.
Sau khi thọ trai bình sữa, đấng Giác Ngộ bèn nói, như thể chứng tỏ sự thực ngài đã thành tựu trong việc giải thoát:
-- Nếu thực sự việc tu tập đã trở thành chánh quả, chấm dứt luân hồi nghiệp báo của ta thì bình bát này sẽ đi ngược lại giòng suối.
Nói xong, đức Như Lai ném bình bát xuống giòng suối. Lập tức và kỳ diệu thay, bình bát đi ngược lại giòng suối. Lại một hiện tương bí nhiệm, một phép mầu, một sự huyền nhiệm. Đã là một sự huyền nhiệm thì không thể lấy đầu óc bình thường để suy luận, để thấu hiểu. Đạo khả đạo, phi thường đạo. “ Đạo” đây không phải là nguyên ủy của vũ trụ, là cái lý, nguyên nhân đầu tiên của vạn vật, của hình nhi thượng học của Lão Tử mà là đường lối cách giải quyết rốt ráo tận cùng của sự giải thoát. Một khi được giải thoát, chúng sinh sẽ được đi vào cõi Niết Bàn, triết học Ấn Độ gọi là Nirvana. Khi một đệ tử muốn giải quyết một thắc mắc một vấn nạn bản chất của Niết Bàn, đức Như Lai đã trả lời rằng khó mà trực giác được Niết Bàn là gì, bởi Niết Bàn là một đại dương sâu thẳm không đáy vô lường. Niết Bàn là trạng huống “ bất khả tư nghì”.
Theo truyền thống Thiên chúa giáo, sự tôn thờ đức Jésus Christ vẫn mang lại nhiều phép lạ nhằm cứu độ thoát khỏi sự đau khổ và diều này vô cùng quan trọng: thoát khỏi bệnh tật nan y ngặt nghèo, như thân hình lở lói, bệnh phung cùi, bệnh ung thư. Thiên Chúa ban ân sủng hết đau khổ về mặt tâm linh, hết đau đớn tật nguyền đui mù bằng một phép lạ, bằng một nhiệm mầu. Bằng một nhiệm mầu, triết gia hữu thần Gabriel Marcel nói là “ bất khả tư nghì “. Hai vợ chồng sống với nhau đã lâu không có con nên sinh bất hòa cãi nhau, suýt li dị nhau anh đường anh, tôi đường tôi. Nhưng nhờ một phép lạ gần như khó hiểu, gần như...huyền thoại hai kẻ bạn đường bắt đầu hiểu nhau, cảm thông nhau, gương vỡ lại lành.
Xin trở lại câu chuyện lịch sử Ngô Phù Sai- Việt Câu Tiễn.
Một hôm, Phù Sai Ngô vương cảm thấy “ long thể bất an”, bèn ra lệnh cho “ mã phu” tên giữ ngựa được đặc ân chăm sóc trông nom hầu hạ thuốc thang cho Ngô vương. Dịp may không đến hai lần, tên giữ ngựa bèn nảy sinh một kế sách thần sầu: nếm phân người bệnh trước sự chứng kiến tận mắt của Ngô vương.
Câu Tiễn than hành cầm một cục phân của Ngô vương há miệng nếm! Ngô vương sững sờ, miệng há hốc, trố mắt, không nói được một tiếng, một câu nào, trong khi tên tù binh giữ ngựa tiếp tục nhâm nhi vị giác, đoạn nuốt xuống cổ họng, điềm nhiên chẩn bệnh bệnh nhân:
- Tâu Đại vương, phẩn của Đại vương có vị đắng. Lâu nay Đại vương không được nhuận trường nên bị táo bón. Nếu Đại vương đồng ý, kẻ tội đồ này xin được sắc một thang “bát vị”, Đại vương sẽ nhuận trường, ắt sẽ đại tiện tiểu tiện dễ dàng.
Nghe lời Câu Tiễn, Ngô vương chỉ biết chấp hành lệnh lạc mà không ý kiến, bởi đây là lần đầu tiên, Ngô Phù Sai nghe Việt Câu Tiễn nói Ngô vương “long thể bất an”, lòng những nghi nghi hoặc hoặc.
Câu Tiễn lúc ấy đóng vai lương y chẩn mach kê đơn bốc thuốc cho bệnh nhân Ngô vương mắc bệnh táo bón. Cho hay hoàng thiên cũng khéo chiều người, Ngô vương tự nhiên hết bệnh, sức khỏe hồi phục bình thường. Hòi tưởng lại tên tù giữ ngựa đủ can đảm nếm phân chẩn bệnh, kê đơn bốc thuốc, cho Ngô vương uống thuốc, sự cố ấy khiến Ngô vương không thể nào quên, bèn vào một ngày đẹp trời mùa xuân nắng ấm chan hòa, Ngô vương ban lệnh đặc xá Câu Tiễn trở về nước Việt Câu Tiễn lạy tạ Ngô vương, nguyện mai sau xin làm kết cỏ ngậm vành.
Câu Tiễn chờ phái đoàn nước Việt từ bản quốc sang đón Câu Tiễn về nước. Theo phái đoàn này có một nhóm người từ nước Việt sang, gọi là đền ơn mưa móc Ngô vương. Nhóm ngườI gồm có một gái đẹp khuynh quốc khuynh thành: Tây Thi. Tây Thi còn rất trẻ, xinh đẹp não nùng, khiến một thanh niên văn võ song toàn yêu mến là Phạm Lãi. Trai tài gái sắc.
“ Cỏ sầu héo vì binh nước Việt,
Bỏ nhà đi thề diệt quân thù.
Bỏ người kỹ nữ Hàng Châu,
Bỏ con thuyền rượu phai mầu phấn son;
Bỏ tất cả lúa non đồng héo,
Bỏ vườn hoa trước méo sau dài,
Bỏ người xưa tận thôn Đoài,
Bỏ dây trầu thắm mọc ngoài xóm Đông;
Bỏ mẹ già chiều trông sáng đợi,
Bỏ người tình mòn mỏi ngóng tin,
Bỏ chiều thổi sáo đồi sim,
Bỏ đèn bỏ sách bỏ duyên bỏ bèo.”
“ Nhục nước nghiến răng thề phải trả,
Căm hờn ra lãnh ấn nguyên nhung.”
Qua nước Ngô, Tây Thi có một sứ mệnh cao cả nhưng cũng muôn vàn nguy hiểm: dùng ba tấc lưỡi cộng thêm sắc nước trờI để mua chuộc Ngô vương. Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản.
Lịch sử đã để lại không ít những chuyện triều cống các thiên tử, các chúa các vua do những chư hầu phục vụ. Ngoài những phẩm vật quý giá phải triều cống như bạc vàng chấu báu gấm vóc lụa là, ngà voi sừng tê, còn phải giao nộp những mỹ nhân nguyên xi còn trinh tiết.Từ thời thượng cổ chế độ phong kiến Trung Hoa suy yếu không thể bảo toàn lãnh thổ chia năm xẻ bảy chư hầu hung cứ một phương thực chất chỉ là lãnh thổ bé tí tẹo, phải gái đẹp Chiêu Quân còn gọi là Vương Tường cho rợ Hung Nô. Nước Nam ngày trước đã bán gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai tỉnh miền Trung châu Ô và châu Lý, một cuộc mua bán đổi chác không hơn không kém. Đời nhà Trần đã có một cuộc đổi chác mua bán thương tâm. Số là quan quân nhà Nguyên lúc đầu đất nước bị thất thế, bị giặc lấy mất Thăng Long, nhân dân âu lo sợ hãi. Vua nhà Trần đành phải tương kế tựu kế mua chuộc quan quân Mông Cổ, bèn sai công chúa An Tư ra nộp mình cho thái tử Thoát Hoan. Cống nộp mỹ nhân cho Nam triều, thái tử Thoát Hoan lấy làm đẹp dạ, mặc sức giở trò mây mưa. vui thú nhục dục. Chạy về thiên quốc, công chúa An Tư định cư tại đó, đẻ được hai con, không biết trai gái thế nào, nhưng kể từ đó, công chúa biệt tăm tin tức.
Qua nước Ngô để tiến cử dâng hiến Ngô Phù Sai, Tây Thi còn có một mật lệnh khác là đem dâng một mỹ nhân khác là Trịnh Đán, cũng sắc đẹp rực rỡ, biết chiều chuộng tế nhị khôn ngoan sao cho đẹp dạ quân vương. Tây Thi đã dặn trước khuyên sau là đừng vì sắc dục xác thịt trước mắt mà quên sau nợ nước thù nhà. Nhục vong quốc luôn luôn còn đó, thề phải trả.
Tây Thi trình diện, Ngô Phù Sai đã ngẩn ngơ trước sắc đẹp não nùng từ phút gặp gỡ ban đầu. Cho hay người xưa lúc nào cũng không sai khi nhận định” sắc bất ba đào dị nịch nhân”, sắc chẳng phong ba dễ đắm người. Ngô vương chết mê chết mệt vì cái giá khuynh quốc, nghiêng nước nghiêng thành của giai nhân nước Việt.
Gái đẹp Trịnh Đán bị lạnh nhạt bỏ rơi, không kẻ đoái hoài.
Thói thường, người con gái nhan sắc đổ quán xiêu đình chụi số phận hẩm hiu lẽ đương nhiên nổi lòng tự ái, thấy mình bị xúc phạm bèn tìm cách mua chuộc trả thù cho bõ. Riêng Tây Thi, Trịnh Đán không trực tiếp công khai ra mặt thách đố. Dù gì Tây Thi cũng là kẻ chủ mưu, thành công thất bại đều tùy thuộc hoàn toàn gái nước Việt, Trịnh Đán chỉ ghen tức ngấm ngầm, không ngờ xôi hỏng bỏng không, hoài công phí sức trở thành công cóc. Vừa buồn rầu, đau khổ, vừa chán nản đâm ra tuyệt vọng, Trịnh Đán sinh bệnh rồi chết, bỏ xác xứ người.
Trong lúc đại vương Ngô Phù Sai miệt mài lặn ngụp trong chón ái tình cùng nàng Tây Thi, gái nước Việt dần dà quên mất ý trung nhân Phạm Lãi, hóa ra xa mặt cách lòng. Tiếc thay chút nghĩa cũ càng.
Việt Câu Tiễn trở về nước Việt không dám bỏ chút thì giờ nghỉ ngơi lấy lại sức lực, ngày đêm huy động binh lực chiêu binh mãi mã tích trữ lương thực, ngày không ăn no, đêm không ngủ yên quyết chí phục thù thua trận ngày trước. Ngô vương ngụp lặn trong tình yêu và tình yêu lúc này cá đã cắn câu, chẳng khác chi vua Đinh Tiên Hoàng đế từ lúc dẹp yên mườI hai sứ quân bắt đầu hưởng thụ, đến nỗi chuốc lấy sinh mạng bị ngươi Đỗ Thích giết. Ngũ Tử Tư là bậc trung thần, nước Ngô ngày một suy vong, nhiều lần lên tiếng can gián nhưng vô ích, Ngũ Tử Tư phẫn chí bèn móc mắt một con, Ngô vương vẫn mặc kệ,bình chân như vại.
Vận nước Ngô coi như đã cáo chung. Việt Câu Tiễn binh hùng tướng dũng người ngựa tiến vào Ngô quốc. Ngô Phù Sai bấy giờ mới chịu thức tỉnh, vội vàng áo giáp cưỡi ngựa xung trận nhưng đà quá trễ, tứ chi mệt mỏi, gân cốt sức lực rã rời tiêu tan nhuệ khí. Hiệp đầu tiên, tướng quân Phạm Lãi đâm một đại đao nhằm kết thúc tính mạng hôn quân bạo chúa. Ngũ Tử Tư tuổi già sức yếu, biết không thể đổi xoay vận nước, cầm gươm tự sát, hoàn cảnhchẳng khác chi ngày trước Huy quận công Hoàng đình Bảo trước khi từ giã ái phi Đặng thị Huệ mặc áo bào cưỡi voi ra trận dẹp loạn kiêu binh, bất ngờ bị nhóm kiêu binh giết chết.


Tôi có nên cả tin về những chuyện đầy tính chất lạ lùng mầu nhiệm như vậy? Xin trả lời: có đấy, nhưng niềm tin của tôi phát sinh ngay từ lúc tôi còn rất nhỏ. Tôi nghe kể truyện thần tiên, những tiên giới, tôi tin. Tôi thường xuyên nghe những truyện yêu ma quỷ quái, những ông kẹ bà chằn, tôi cũng tin. Giờ thì tôi hiểu thấm thía theo đài Á Châu Tự Do, tại sao trẻ con từ ba lên bốn lên năm lại có thể “ phịa “ ra chuyện tưởng tượng sáng tạo một cách rất đỗi dồi dào phong phú như chuyện thật. Trẻ con kể truyện như truyện thật, ngon lành, truyện có đầu có kết, có thứ tự lớp lang đàng hoàng, nghiêm túc.
Nhưng từ lúc đang độ tuổi ba mươi, đọc sách triết Tây, triết Đông, triết Ấn Độ, tôi đã bắt đầu phát sinh thái độ hoài nghi. Càng về già, cao niên của nhà văn Anatole France càng hoài nghi, đặc biệt đối với khoa học và nghệ thuật. Khoa học không là gì hết. Nghệ thuật là tất cả. Hoài nghi chủ nghĩa cuả Pyrrhon tiên sinh. Hoài nghi chủ nghĩa của Công Tôn Long và khái niệm luận(conceptualisme): “ bạch mã phi mã “( ngựa trắng không phải là ngựa). Hoài nghi chủ nghĩa của thuyết duy nghiệm(empirisme) của triết gia David Hume khi ông tuyên bố “ nguyên tắc nhân quả” ( principe de causalité) chỉ là sản phẩm của tập quán, của thói quen và như thế không có giá trị khách quan.
Emmanuel Kant, triết gia siêu hình học nổi tiếng thuộc thế kỷ mười tám, chịu ảnh hưởng khá nhiều về chủ nghĩa hoài nghi. Theo Kant, thời gian và không gian là những hình thức tiên nghiệm ( les formes a priori), có trước, bẩm sinh, không tùy thuộc vào cảm giác, vào kinh nghiệm. Bước sang lĩnh vực siêu hình, Kant đi đến kết luận trong Phê Bình Lý trí Thuần Túy Critique De la Raison Pure rằng không thể chứng minh hiện hữu Thượng đế; Kant nói Thượng đế hiện hữu bằng một đức tin. Đức tin này bà mẹ của Kant chịu ảnh hưởng sâu đậm của giáo phái Thệ Phản tức đạo Tin Lành, kết quả của tác phẩm Phê Bình Lý trí Thực Hành, Critique De La Raison Pratique.
Trong Luận Ngữ, Khổng Tử có viết ý nghĩa, cách sống, cách suy tư trong một đời người. Khổng Tử viết:” Tam thập nhi lập. Tứ thập nhi bất hoặc. Ngũ thập tri thiên mệnh. Thất thập cổ lai hi.” Ba mươi tuổi, lập nên. Mười tuổi, còn nhỏ, chưa đủ để trưởng thành, chỉ biết cắp sách đến trường xin thầy học chữ, dạy lễ nghĩa học đạo thánh hiền. Ba mươi tuổi mới đủ nhận thức để lập nên: lập gia đình, lập công danh, lập sự nghiệp. Lúc năm ba mươi tuổi tròn chính lúc tôi lập gia đình và tôi nghĩ rằng “ tam thập nhi lập” không đua theo chúng bạn đàn đúm ăn nhậu cờ bạc chơi bời, như thế đã là “ lập “. Nguyễn công Trứ trong bài Kẻ sĩ có viết “ Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường”.
Sách Luận Ngữ viết tiếp: “ Tứ thập nhi bất hoặc”. Bốn mươi mà chẳng hồ nghi. Tới lúc này, sau mười năm, đứa con tôi đã lên mười trong lúc tôi được bốn mươi,Việt Nam mất vào tay miền Bắc. Từ lúc Từ Hải rước đưa Thúy Kiều về dưới trướng, lúc ấy Từ Hải ước chừng bốn mươi. Bốn mươi. Tứ thập nhi bất hoặc. Nghe Thúy Kiều thuyết phục Từ Hải liệu mà mau mau cởi giáp về hàng triều đình, Từ Hải mềm lòng bùi tai nghe theo.
Thực ra, tướng giặc Việt Đông không ngây thơ nhẹ dạ dại dột đến thế, mặc dù Từ Hải thừa biết cởi giáp qui hàng thì chỉ có nước chết hai năm rõ mười. “ Thì có ra chi cái chuyện hàng!” Anh hùng Lam Sơn Lê Lợi đã mấy lần trá hàng quân Minh trong lúc thế cùng lực tận ở chiến khu Chí Linh? Ít nhất là ba bận. Tướng Hoàng Phúc ý hẳn yên chí an tâm khi Tây Thành Hầu Trương Phụ về Tàu, để một mình sớm tối trông nom việc binh. Hư hư thực thực, lộng giả thành chân, mấy ai học được chữ ngờ. Từ Hải đâu ngu dại ngốc nghếch gì mà dễ dàng nghe theo lời đường mật? Và chết cũng đáng đời vì đã u mê ám chướng nghe lời một gái đĩ thập thành. Nguyễn Du thật đã không ai hiểu nổi khi Từ Hải làm tướng giặc qui hàng, khi Nguyễn Du cố đấm ăn xôi lãnh phẩm phục ra làm quan triều nhà Nguyễn:
“ Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như”
Ngũ thập tri thiên mệnh. Tới tuổi năm mươi, biết mệnh trời. Mệnh trời? Mệnh trời là cái lý lẽ của trời, nguyên nhân uyên áo của vũ trụ, cái nguyên lý sâu xa của hình nhi thượng, của siêu hình, của Đạo. Hiểu được Đạo tức biết được mệnh của Trời. TuổI năm mươi, tức hiểu biết thông suốt được mệnh Trời, không còn lý do gì để tự vấn, để hoài nghi nữa. Nguyễn Du chết đi, có lẽ đã ngoài năm mươi tuổi, tất nhiên thông suốt được mệnh Trời. Trong thi phẩm Cung Oán Ngâm Khúc, Nguyễn Gia Thiều đã than thở chưa biết rõ “ máy huyền vi mở đóng khôn lường “ của Tạo Hóa. Biết được, hiểu thấu được thiên mệnh không phải dễ: phải nhiều kinh nghiệm, phải sống, phải từng trải, phải đôi lúc thành công nhưng lắm lúc chịu thất bại ê chề khốn đốn. Sau năm 75, đất nước Việt Nam tan hoang, nhiều người tới tuổi năm mươi cho rằng “ đó là mệnh của trời “, “ ngũ thập tri thiên mệnh”; hãy bình tĩnh và hãy sáng suốt nhận thức chấp nhận mệnh trời. Tạo Hóa không mù quáng đâu, hoàng thiên hữu nhãn.
“ Nửa đời ngũ thập tri thiên mệnh
Ngơ ngác trời xanh kẻ lạc đường.
Tác oai tác phúc ngày ban lệnh,
Đủ tuổi năm mươi ngủ dọc đường.

Lầm đường lạc lối hỏi ông xanh,
Múa gậy vườn hoang quỷ lộng hành.
Thời kỳ Mạt Pháp bao lâu nữa?
Ngứa cổ gà khuya gáy đổi canh.”
Lục thập nhi thuận nhĩ. Sáu mươi nghe mà thuận tai. Thời buổi này không thiếu gì cảnh tượng tiếng động âm thanh nghe chói tai, lục thập nhi nghịch nhĩ. Ban đầu, thiên hạ bàn tán xôn xao, kẻ nói ra, người nói vào, riết rồi không còn phân biệt thị phi phải trái nữa, vàng thau lẫn lộn. Ăn mặn nói ngay, ăn chay nói láo. Sáu mươi tuổi, tha hồ nghe chụp mũ. Sáu mươi tuổi, tha hồ nghe , đàn áp, tố cáo. Nói láo từ nay coi như một mốt của thời đại. Nói láo lừa bịp là một mục đích. Cứu cánh biện minh phương tiện, la fin justifie les moyens. Đừng nghe những tụi bịp bợm nói, hãy nhìn những gì lũ bịp bợm làm; nghe và nhìn, coi vậy mà lại đắt khách.
“ Nghe như chọc ruột tai làm điếc,
Giận dẫu căm gan miệng mỉm cười.”


“ Ngay từ lúc còn nhỏ, chàng đã có ý muốn rời khỏi nhà để đi tìm cảnh Đào Nguyên đẹp đẽ. Có khi đêm khuya sực thức dậy, chàng chạy ra nhìn con đường ấy xem có sự gì lạ xẩy ra không. Dưới ánh trăng, hai ông tiên ngồi đánh ván cờ thiên cổ, chàng tưởng họ ngừng đánh và ngạc nhiên nhìn chàng. Mấy con cá vàng lên đớp ánh trăng trên mặt nước dưới những cụm xương bồ ướt sương, chàng cho là những con vật kỳ quái biết cử động giữa một thế giới yên lặng nhưng có linh hồn.
Nhớ lại, Dũng mỉm cười. Sau bao nhiêu năm, chàng vẫn ở nguyên chỗ cũ. Núi non bộ với những kẻ chăn trâu, nhưng ngôi chùa, những tiều phu bằng đất nung, chàng thấy không có gì là thần tiên nữa, có vẻ ngờ nghệch, vụn vặt, trẻ con.”
Ngô nghê, Dũng mỉm miệng cười,
Tưởng tượng sáng tạo thành người đảo điên.
Đào Nguyên vỡ mộng oan khiên,
Trở về trần thế kết nguyền tử sinh.
Xin mạn phép đề nghị: trong mệnh đề của tác phẩm “ Đôi Bạn”, phải làm một đảo ngữ để hiểu rõ hơn về tính cách ngô nghê lạc hậu của đường trần dương gian thế tục: “ Chàng thấy núi non bộ với những kẻ chăn trâu, những ngôi chùa, những tiều phu bằng đất nung không có gì là thần tiên nữa, có vẻ ngờ nghệch, vụn vặt, trẻ con.” Thiên đàng Đào nguyên sụp đổ, tiên cảnh Thiên Thai tan tành, Phật giáo nhường chỗ cho thời đại suy tàn Mạt pháp, yêu ma quái quỷ lộng hành, ma sự nhiễu nhương. Thật ra, ông Lê đình Thám, dịch giả của hai bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm khẳng định không hề có ma sự khách quan. Chỉ có những ma sự chủ quan, và ma sự chính là những dục vọng tội lỗi, những đam mê mù quáng ngày đêm ám ảnh.
Thời đại hoàng kim đã mất, xin viết lại chép lại một bài từ của nhà thơ Tản Đà Nguyễn khắc Hiếu: Tống Biệt.
Bởi trần thế nhiều phần phúc đức,
Nên ngày nay kết bạn tiên cung.
Nhưng nợ trần vướng vít gỡ chưa xong,
Xui cõi tục mơ mòng còn tưởng nhớ.
Nay đến lúc kẻ đi người ở,
Thôi từ nay vĩnh cách tràng ly.
Ngãi trăm năm còn một khúc ca thi
Dâng quân tải để làm nghi Tống Biệt.

Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi.
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai.
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
Đá mòn,
Rêu nhạt,
Nước chảy,
Huê trôi.
Cái hạc bay lên vút tận trời.
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
Mấy chục năm đã qua đi, hàng hàng lớp lớp dâu cồn bể vực, mấy mươi năm trôi đi biến đổi thăng trầm, những tưởng lòng dân hi vọng, một chút hi vọng khiêm tốn nhỏ nhoi, thiên đường hạ giới rồi ra sẽ có một ngày không lâu trở thành hiện thực.
“ Hạ giới thiên đường đâu chẳng thấy,
Tha hồ đục khoét chẳng nhường ai.
Đảo điên xã hội càng vùng vẫy,
Mặc cạnh tranh người cứ miệt mài.”
Cái gọi là thiên đường hạ giới ngày một xa vời. Tôi đã đi trongmột đường hầm tối om tựa hũ nút không biết sẽ phải đi thoát bằng đường lối nào Ba mươi, bốn mươi năm rồi chớ ít sao. Đời người, thế hệ cũng có sức chịu đựng đợi chờ của nó, tới một lúc, con người thế hệ sẽ mai một chẳng khác chi một kẻ lạc đường trông chờ mỏi cả mắt mỏi cả cổ, xã hội chung quanh ngày một suy đồi hũ bại, loạn lạc.
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai. Cảnh trời đất mùa thu sao mà đẹp. Đẹp mà buồn. Bằng hình tượng cảnh sắc, tôi vĩnh biệt thiên đường trần gian thiên đường hạ giới bằng một cuộc chạy trốn, nói ngay tình, chạy trốn bằng một thái độ ngụy tín.
Đây thực sự không phải là một thái độ ngụy tín, cho dù chỉ là một ngụy tín giả hiệu. Đứng trước một hoàn cảnh khó xử, một tình huống nguy hiểm phải giải quyết tức khắc, chủ thể là tôi chỉ có một cách giải quyết bằng một thái độ ngụy tín...giả hiệu. Đứng trước một con hổ cực kỳ nguy hiểm đang tấn công hùng hổ xông vào, tôi chỉ còn một cách duy nhất là hư vô hóa vấn đề, như thể không còn chủ thể ở đó nữa, bằng cách ngất xỉu theo triết gia quá cố Jean-Paul Sartre, một lối giải thích cực kỳ duy tâm tới mức phi lý. Tôi xin mượn lời của bậc danh sĩ Nguyễn Dữ mà phóng tác một tác phẩm cực kỳ có giá trị: Truyền Kỳ Mạn Lục.
Truyền Kỳ Mạn Lục( sao chép tản mạn những chuyện lạ) là sáng tác duy nhất của danh sĩ Nguyễn Dữ sống vào khoảng thế kỷ mười sáu tại Việt Nam. Đây là tác phẩm được Hà Thiên Hán người cùng thời viết lời Tựa. Theo lời Tựa của Hà Thiên Hán viết năm 1547 thì ông viết ra tập lục này thì ngụ ý trong thờI gian ẩn cư ở rừng núi xứ Thanh.
Nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân cho biết trong thế kỷ mườI sáu, tình hình xã hội không còn ổn định như ở thế kỷ trước, mâu thuẫn giai cấp trở nên gay gắt, quan hệ xã hội bắt đầu phức tạp, các tầng lớp xã hội phân hóa mạnh mẽ, trật tự phong kiến lung lay, chiến tranh phong kiến ác liệt kéo dài, đất nước bị các tập đoàn phong kiến chia cắt, cuộc sống không còn yên ổn, nhân dân điêu đứng cơ cực.
Muốn phản ánh thực tế phong phú đa dạng ấy, không thể dừng lại ở chỗ ghi chép sự tích đời trước. Cho nên Nguyễn Dữ đã dựa những sự tích có sẵn, tổ chức lại cấu kết, xây dựng lại nhân vật, thêm bớt tình tiết, tu sức ngôn từ, tái tạo thành những thuyên truyện mới. Vì vậy Truyền Kỳ Mạn Lục tuy có vẻ là truyện cũ nhưng phản ánh lại sâu sắc hiện thực thế kỷ mười sáu.
Thông qua các nhân vật thần tiên, ma quái, tình loài vật, cây cỏ, vân vân, tác phẩm muốn gởi gắm ý tưởng phê phán nền chính sự rối loạn không còn kỷ cương trật tự, vua chúa hôn ám, bề tôi thoán đoạt, bọn gian hiểm nịnh hót triều đình, kẻ quan cao chức trọng thả sức vơ vét của cải sách nhiễu dân lành, thậm chí đến chiếm đoạt vợ người, bức hại chồng người. Trong một xã hội rối ren như thế, nhiều tệ nạn thế tất sẽ nẩy sinh. Cờ bạc trộm cắp, tật dịch ma quỷ hoành hành, đến Hộ Pháp Long Thần cũng trở thành yêu quái, sư sãi, học trò, thương nhân, nhiều kẻ đắm chìm trong sắc dục.
Tác phẩm Truyền Kỳ Mạn Lục gồm hai mươi (20) truyện, viết bằng chữ Hán theo thể loại tản văn xen lẫn biền văn và thơ ca, cuối mỗi truyện có lời bình của tác giả hoặc của một người có cùng quan điểm của tác giả. Hầu hết các truyện xảy ra ở đời Lý, đời Trần, đời Hồ hoặc đời Lê sơ từ Nghệ An trở ra Bắc. Lấy tên sách là Truyền Kỳ Mạn Lục; hình như Nguyễn Dữ muốn thể hiện thái độ khiêm tốn của một người chỉ ghi chép truyện cũ. Tuy nhiên Truyền Kỳ Mạn Lục không phải là một công trình sưu tập như Lĩnh Nam Chích quái, Thiên Nam Vân lục. Đây là một tập truyện phóng tác đánh dấu bước phát triển quan trọng của thể loại tự sự hìmh tượng trong văn học chữ Hán.
Người viết mạn phép chép lại hai đoạn thơ “ Thích ngủ “ và “ Thích cờ” của danh sĩ Nguyễn Dữ để thấy tâm hồn thoát tục ẩn dật của một người thoát đường danh lợi:
“ Trong khi vui nước cờ hay,
Thêm đàn, thêm rượu thêm đầy sách thơ.
Thích gì? Ta thích ngủ thôi,
Vì chưng ngủ được trong người sởn sang.
Nhân duyên xe chặt giường nằm,
Trúc mai rừng mới muôn vàn cảnh thanh”
( Thích ngủ)

“ Thích gì? Ta thích cờ thôi
Gió mây biến hóa ai ôi lạ lùng.
Ngày vui thời khắc êm đưa,
Trăng tà hương lạnh trúc ngơ ngẩn cành.”
( Thích cờ)
Chúng tôi đánh giá cao thiên “ Chuyện đối đáp của người tiều phu trên núi Na” bởi Nguyễn Dữ đã thành công khi xây dựng hình tượng người tiều phu, khá giống chương mục “ Ngư tiều vấn đáp” của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Nguyễn Dữ đã tự do khi phát biểu quan điểm chính trị , lên án tố cáo mạnh mẽ hiện thực đương thời và tạo thế đứng quan điểm nghệ thuật, chi phối việc xây dựng hình tượng trong Truyền Kỳ Mạn Lục.
Tôi xin kể một chuyện mang ít nhiều tính chất khác thường của Truyền Kỳ Mạn Lục: chuyện “ ngoại cảm”. Chuyện “ ngoại cảm”? Nghe như chuyện hoang đường huyền bí!
Theo nguyên ngữ, “ ngoại “ là ngoài, “ cảm “ là cảm giác, là nhận thức, nhận biết; ngoại cảm là ngoài cảm giác, ngoài sự nhận thức ngoài sự nhận biết. Đừng nói đến, đừng bàn đến một cảm giác, bởi trong tình huống này, cảm giác đã vuột khỏi sự kiểm soát chi phối của thần kinh vận động. Cảm giác lúc này đã đi tới chỗ phi lý, tới chỗ “siêu nghiệm” (transcendental) không thể giải thích bằng khoa học khách quan được.
Trong quan hệ ruột thịt anh em chị em, có một tương quan “ngoại cảm” khác thường giữa người đã chết với người hiện đang còn sống. Hàng trăm bộ đội Bắc Việt bị quân đội Việt Nam Cộng Hòa giết chết sau biến cố Mậu Thân, thi thể được chôn tập thể trên cánh đồng ngoài thành phố Huế. Sau gần năm mươi năm,ngôi mộ tập thể của tử sĩ bị chìm vào quên lãng. Thì tình cờ, gần như một sự ngẫu nhiên, một nhân vật nữ Phan thị Bích Hằng một hôm cho biết linh hồn người chết đã từ lâu hiện đang nằm nơi một ngôi mộ tập thể cách xa thành phố Huế non mười cấy số và yêu cầu hãy mau mau bốc mộ các thi thể đã mạng vong trong biến cố Mậu Thân. Điều lạ lùng khác thường là sau khi nhân vật “ngoại cảm” Phan thị Bích Hằng cho biết địa điểm của ngôi mộ tập thể, Bích Hằng vẫn sinh hoạt bình thường, vẫn làm việc, vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn đi chơi cùng các bạn bè như chẳng có sự cố gì xẩy ra, chẳng khác chi một kẻ mộng du, chẳng khác chi một kẻ lên đồng nhập xác cô xác cậu. Ủó là sự cố “ ngoại cảm” của bà Phan thị Bích Hằng.
Sau năm 1975... gia đình tôi tụ họp đông đủ kể cả anh cả tôi và ba chị em tôi sau gần bảy mươi năm xa cách kẻ Bắc người Nam. Riêng mẹ tôi là người được sung sướng nhất bởi gặp lại tất cả sáu người con. Trong lúc các anh các chị em rôm rả hàn huyên chuyện vãn, mẹ tôi lầm lũi đi ngang qua nhà khá rộng rãi của anh cả tôi. Mẹ tôi cất tiếng rõ ràng khiến mọi người đều nghe rõ mồn một:
- Ngày mai, có chị Tiềm từ Sài Gòn về Nha Trang chơi với tụi bay đó.
Chị Tiềm là chị thứ Bảy, tên móc nôi của chị.
Buột miệng, tôi hỏi mẹ tôi, kèm theo một nỗi hoài nghi:
- Ai nói cho bác biết chuyện đó vậy?
Mẹ tôi khoác tay trái, chỉ về phía bàn thờ, tiếp tục bước:
- Đứa con bị hư thai của má thằng Cả cho biết ngày mai con Tiềm từ Sài Gòn về Nha Trang chơi.
Tôi vẫn hoài nghi lời khẳng định đó, nhưng chỉ để bụng, không nói ra.
Quả nhiên ngày hôm sau, vào lúc tám giờ sang, chị Tiềm tức chị Bảy lặng lẽ xách một túi xách hơi nặng tay chậm rãi vô nhà, đúng như lời “ tiên tri” lời báo trước của mẹ ngày hôm trước. Chỉ có điều mẹ hoàn toàn không biết gì về lời “ tiên tri “ nói trước. Mẹ tỏ vẻ ngạc nhiên lúc đứa con gái của mẹ lặng lẽ xách hành lý bước vô thềm nhà. Trên chiếc áo cũ dài tay, chị Tiềm có gắn một mẩu vải đen trên ngực áo, giống một mẩu khăn tang. Anh tôi, tức anh Sáu, tức anh Ngộ nhìn vô mẩu vải đen buột miệng hỏi:
- Cô để tang cho ai đó?
- Em để tang anh Ba.
- Anh Ba mất hồi nào vậy?
- Em không nhớ rõ anh ấy mất ngày nào, em chỉ biết anh ấy mất tại Úc, bị tai biến mạch máu não.
Tôi tưởng cũng nên nói thêm một ít về lai lịch gốc gác của anh Ba Võ Doãn Thuyên. Anh Ba Thuyên là anh cùng cha khác mẹ với anh Sáu và với tôi. Sau năm 75, anh và chị Ba người phối ngẫu của anh đã đi qua châu Đại dương tức nước Úc theo diện đoàn tụ gia đình ODP. Ngày nay anh chị Ba đã hóa ra người thiên cổ, trở về cùng với cát bụi. Chuyện trong gia đình, tôi thấy mối quan hệ ruột thịt bà con thân thuộc anh em có mòi dửng dưng lạnh nhạt. Anh chết, tuy là anh cùng cha khác mẹ, anh Sáu và bản thân tôi đã không chịu để trở chịu tang. Mẹ tôi không nói lên, không đề xướng để tang người đã khuất. Bản thân anh Ngộ anh Sáu cũng không có ý kiến gì. Nghĩa tử là nghĩa tận. Phải chăng im lặng hàm ý là thông qua, là cho qua, là chấp nhận một cách mặc nhiên, không cần, không phải để tang?
Tôi xin đề cập thêm một sự cố có tính cách “ ngoại cảm”.
Tôi định cư ở Mỹ từ năm 1990. Thỉnh thoảng tôi về Việt Nam, cốt để nhìn lại quê hương đất nước, nhìn lại cảnh trí quê nhà nơi tôi đã sống đã trải qua bao nhiêu là kỷ niệm buồn vui chất chứa, nhìn lại vườn xưa cảnh cũ giòng sông lách tách tiếng gió khua dừa nước.
Tôi nhớ tôi đã trở lại cố hương tôi vào lúc năm 1997.
Khi đặt chân lại cố hương, việc trước tiên là tôi vào phòng thăm mẹ tôi ngay, không dám trễ nãi. Sở dĩ có sự cố như vậy vì ngay tại Mỹ, tôi đã nghe mẹ tôi trong khi quét dọn vườn tược, mẹ bị gẫy chân, khiến mẹ tôi không cách nào thể di chuyển đi lại được. Mẹ bị gẫy xương từ đầu gối lên tận bẹn, có lẽ bởi tuổi già nên bị loãng xương, thiếu chất calcium, sau lúc sinh nở( những sáu người con) thiếu bồi đưỡng. Gặp thời buổi đó, chuyện bồi dưỡng cho những người tới mức tuổi cao niên xem ra hơi...khó!
Tôi ghé mông ngồi bên cạnh mẹ. Mẹ vẫn ngồi chỗ ngồi cố hữu kể từ lúc mẹ bị phế tật. Trông thấy tôi, mẹ nhận biết ngay đứa con trai đã trở về khá bất ngờ.
- Ủa, về hồi nào vậy?( xin lưu ý, động từ về không có chủ từ). Đoạn mẹ ôm quàng lấy thân tôi, hun tôi chùn chụt. Ròi mẹ ngửng mặt, hướng ánh mắt về phía cửa phòng, cất tiếng hỏi:
- Làm gì mà tụi nó xúm xít đông đảo ồn ào như vậy?
Tôi lại ngước mắt về phía cửa phòng, tuyệt nhiên không có một ai,mẹ thấy những bong dáng vô hình nhưng đang quấn quit cử động, không âm thanh, không tiếng động.” Văn kỳ hình bất kiến kỳ thanh”: thấy hình nhưng chẳng nhận âm thanh, tiếng động.
Tôi có một con gái đã lập gia đình, có bầu, không may bị sẩy thai mới được mấy tháng, đem chôn nơi một nghĩa trang ở Mira Misa. Thai nhi ấy là thai nhi gái, vì thương con nên Quỳnh Uyển con tôi đặt tên thai nhi ấy là Mộc Lan. Trong giấc ngủ về đêm, Uyển thường chiêm bao thấy Mộc Lan, cũng chuyện vãn hàn huyên như thể Mộc Lan coi Quỳnh Uyển là mẹ. Trong lúc chuyện trò Quỳnh Uyển kể cho Mộc Lan nghe:
- Mộc Lan đã mất rồi, con có hay biết gì không?
Hồn thai nhi trả lời, ngạc nhiên chẳng kém:
- Mộc Lan làm sao có chuyện sống chuyện chết? Mộc Lan không hiểu, không biết chuyện chết đâu à nghen. Sống, chết, là cái gì vậy?

Năm này suýt soát bảy mươi lăm.
Ngại viếng chùa chiền: Phật tại tâm.
Chấp chới tàn đêm sao xẹt rớt,
Lung linh động gió bóng trăng rằm.
Trẻ người non dạ đầy tin tưởng,
Quá bẩy mươi lăm bé cái lầm.
Vốn liếng hoài nghi chưa thức tỉnh.
Một mình một bóng sống âm thầm.

Nhân sinh thất thập cổ lai hi.
Quá bảy mươi khen khỏe nỗi gì!
Sống gởi dương gian đừng hỉ nộ,
Chết về cát bụi khỏi sầu bi.
Gia đình ấm cúng vui đoàn tụ,
Nghĩa địa đìu hiu khóc biệt ly.
Tự cổ ngàn xưa ai khỏi chết?
Dòng đời khắc một chữ hoài nghi./.

Võ Doãn Nhẫn 


                                               

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.