Jan 15, 2025

Tiểu luận - Tạp bút

Duyên (Tạp luận).
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 07:29:58 PM, Jul 27, 2010 * Số lần xem: 2177
Hình ảnh
#1

1.-
“ Lỡ làng chút phận thuyền quyên,
Tim đi hết máu cái duyên không về.
Nhưng em ơi một đêm hè,
Hoa soan nở, xác con ve hoàn hồn.
Dừng chân trên bến sông buồn,
Người nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang.
Đoái thương thân chị lỡ làng,
Đoái thương thân chị dở dang những ngày.
Rồi rồi chị nói sao đây?
Em ơi nói nhỏ câu này với em.
Thế rồi máu trở về tim,
Mùa xuân ấm lại duyên tìm về môi.
Chị nay lòng ấm lại rồi,
Mối tình chết đã có người hồi sinh.
Chị từ dan díu cuộc tình,
Lòng ta như buổi bình minh nạm vàng.”
(Lỡ bước sang ngang. Nguyễn Bính)
2.-
“ Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa,
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên.
Thoát trần một gót thiên nhiên,
Cái thân ngoại vật là tiên trên đời.”
( Cung Oán ngâm khúc. Nguyễn gia Thiều)
3.-
“ Có lẽ hồn ta không đẹp nữa,
Nét trần thôi họa bức thiên duyên”.
( Lửa Thiêng. Huy Cận)
4.-
“ Cô Mít.
Cụ Bá sinh một người con gái, không biết tên là gì, người ta thường gọi nôm là cô Mít.
Mặt tròn, má phính, chân tay mũm mĩm, da nhỏ, tóc dài, đứng lên còn chấm đất. Cô không đẹp lắm nhưng có duyên, cười rất tươi, má lúm đồng tiền tròn xoáy.”
( Đâu Là Chân Lý. Song An Hoàng ngọc Phách)
5.-
“ Trang phong lưu đương chừng niên thiếu,
Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên.
Lỡ nào đôi lứa thiếu niên,
Quan san cách trở hàn huyên bao đành?
( Chinh phụ ngâm khúc. Đoàn thị Điểm).
6.-
“ Sắp hạnh phúc như chương trình lớp học.
Buổi chiều đầu họ tìm bạn kết duyên.”
( Hỡi chàng trai mười lăm tuổi vào trường. Huy Cận)
7.-
“ Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng.”
8.-
“ Quanh năm buôn bán ở ven sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công...”
( Đưa cho vợ. Trần Tế Xương).
9.-..
- Thập nhị nhân duyên: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục, nhập, xúc, thụ, ái, thủ hữu, sinh, lão tử.
10.-
“ Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không”.
( Kiều du Thanh Minh)

11.-
“ Hồng hồng má phấn duyên vì cậy,
Chúa dấu vua yêu một cái này. “
( Vịnh cái quạt. Hồ xuân Hương).
12.-
“ Vắt tay nằm nghĩ cơ trần,
Nước dương muốn rảy nguội dần lửa duyên.”

Thiếu nữ đang chuẩn bị sửa soạn trang sức y phục giày dép làm phù dâu trong lễ rước dâu họ hàng trai. Trông thấy cô gái chuẩn bị làm đẹp khá kỹ, một bà mẹ nhìn cô con gái cất tiếng:
- Lắm mối, tối nằm không. Năm nay mày đã hăm mấy rồi đấy con ạ. Mày cứ làm phù dâu cho lắm vào, hết cả duyên, rốt cục chẳng có ma nào rước, hết cả mai xưa.
Thiếu nữ vẫn tiếp tục chải lại mái tóc đen huyền óng mượt, chăm chút vẽ lại nét lông mày, tô lại nét môi, lơ đãng hỏi người mẹ:
- Duyên là cái gì vậy mẹ? Mẹ giải thích giùm con ý nghĩa của “ mai xưa” đi.
Người mẹ bước đi không quay lại:
- Mày không biết duyên là cái gì hả? Con gái ngần này tuổi mà không biết “ duyên" là gì! Đừng có giả mù sa mưa, khéo hỏi!
Cô phù dâu không biết trả lời như thế nào, ra làm sao, im lặng không nói nửa lời. Nói nào ngay, nhưng cũng phải thú thật mà nghiệm rằng cô thiếu nữ phù dâu không thể hiểu thấu đáo ý nghĩa của chữ
“duyên"
Tôi còn nhớ cố linh mục giáo sư đại học Cras ngày trước có nói Henri Bergson và Alain trong những bài textes philosophiques những bài giảng triết học rằng thật khó mà định nghĩa từ ngữ “duyên” hay còn gọi là “ grâce”. “Duyên” hay “ grâce” là một từ gần như không thể định nghĩa được; “ duyên “ được hiểu một cách mông lung, mơ hồ, bàng bạc. Về sau, khi thu thập ít nhiều kiến thức lẫn kinh nghiệm, “duyên”được hiểu theo hai hạng biệt lập: theo tâm lý học và theo Phật học.
Theo tâm lý học, “ duyên “ được hiểu là một vẻ đẹp tuy không hẳn không nhất thiết là một vẻ đẹp rực rỡ, mặn mà, tha thiết, say đắm, não nùng, một sắc đẹp hương trời sắc nước cá lặn chim sa như vẻ đẹp của người cung phi trong Cung Oán ngâm khúc,

“ Hương trời đắm nguyệt say hoa,
Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình.”

Thêm một bước, vẻ đẹp ngoại hình còn có những đường nét gợi cảm lẳng lơ khêu gợi dục tình:

“ Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn,
Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng.”

Người đẹp hoa hậu và người đẹp hoa khôi có khác gì nhau? Người đẹp hoa hậu dự thi được chấm giải nhất, giải nhì hoặc giải ba. Người đẹp hoa khôi không đi dự thi dự giải nhưng được mặc nhiên công nhận vì sắc đẹp tự nhiên được nhiều người công nhận. Hoa hậu năm 2005. Hoa khôi Đồng Khánh, hoa khôi nữ Trung Học Trưng Vương, Nữ Trung Học Gia Long, hoa khôi Nữ Trung học Lê văn Duyệt, vân vân. Chưa có ai, chưa có phái đẹp người đẹp nào ghi tên dự thi hoa hậu, nhưng Thúy Vân và Thúy Kiều ai ai cũng nhìn nhận rằng hai người đều được nức tiếng là hoa khôi cả; Thúy Vân thì:

“ Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua mái tóc, tuyết nhường màu da.”

Ai cũng biết Thúy Kiều có dung nhan sắc đẹp độc đáo hơn người:

“ Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So về tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.”

Một trong những tác phẩm của nhà văn Khái Hưng là Trống Mái. Nhân vật nữ là Hiền, một thiếu nữ thích thể thao, yêu thiên nhiên, thích biển. Nhân vật nam là Vọi, một thanh niên làm nghề đánh cá, đan lưới, có một thân hình vạm vỡ lực lưỡng tuyệt đẹp khiến Hiền không thể không say mê chiêm ngưỡng, tôn thờ thân hình như một pho tượng cổ Hi Lạp. Điều oái oăm là Hiền chỉ yêu vẻ đẹp thân hình lực lưỡng của Vọi mà không yêu Vọi trong khi người thanh niên chài lưới yêu mê mệt yêu đắm đuối ngô nghê gần như đần độn si mê thiếu nữ Hiền. Mối tình éo le ngang trái một chiều.
Thân hình vóc dáng người con trai là Vọi tuy đẹp nhưng thật sự không có duyên nếu không muốn nói vô duyên. Vọi ăn nói thô lỗ thực thà chất phác ngây ngô, như cô Mít, con gái cụ Bá “ cô không đẹp lắm nhưng có duyên, cười rất tươi, má lúm đồng tiền tròn xoáy.” Nhưng thế nào là có duyên?
Người có duyên có đường nét kín đáo, có nét đẹp riêng, độc đáo mà rất kín đáo,mới nhìn không thể khám phá phác hiện được, phải chờ một thời gian dù ngắn dù dài. Cái duyên tuy âm thầm nhưng kín đáo đó ẩn hiện trong ánh mắt, qua cái nhìn ngay thẳng mà thành thực, trong giọng nói qua ngôn từ cử chỉ, trong tiếng cười điềm đạm mà hiền hòa dễ thông cảm, trong dáng bước khoan thai mà dịu dàng yểu điệu quý phái, ăn nói ôn tồn hoa cười ngọc thốt, người nghe tấm tắc khen “con cái nhà ai ăn nói sao mà có duyên tệ!”

“ Tim đi hết máu cái duyên không về”. Hỡi ôi! Cuộc tình đã lỡ, mối tình đã chết, tình duyên không trở lại, tình cảm đã khô cằn, trái tim không còn rung động thổn thức, tình yêu lên tiếng gọi cất tiếng tỏ tình nhưng câu đáp lại lời khẩn cầu thống thiết là sự lãnh đạm dửng dưng, bốn mùa xuân hạ thu đông không có nữa. “ Tôi ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, em nhớ cho mùa thu đã chết rồi”. J’ai cueilli ce brin de bruyère, l’automne est morte, souviens-t-en.”Có lẽ hồn ta không đẹp nữa. Nét trần thôi họa bức thiên duyên”. Bức thiên duyên là bức họa là bức tranh của tiên ông trao tặng cho Tú Uyên làm duyên kết nghĩa giai ngẫu với Giáng Kiều, nhưng bức họa thần tiên giờ đây đã biến mất, người trần mắt thịt trác táng rượu chè, tiên nữ đau khổ bỏ đi.
Nhưng bão tố nào cũng có lúc bão tan, mưa gió lụt lội mùa nào thời tiết phải tới lúc trời quang mây tạnh. Tú Uyên toan tự vận đúng lúc tiên nữ Giáng Kiều trở lại. Gương vỡ lại lành, duyên tình hóa đục lại trong. “ Chị nay lòng ấm lại rồi. Mối tình chết đã có người hồi sinh. Chị từ dan díu cuộc tình, lòng ta như buổi bình minh nạm vàng.”
Người con gái đương độ xuân xanh chỉ mới mười bảy mười tám. Mười bảy bẻ gãy sừng trâu, sức sống sung sức nồng nàn, được nhà Chúa trong vương phủ yêu vì rất mực, tự hào duyên dáng bẩm sinh có được vưu vật trời cho ấy:” chúa dấu vua yêu một cái này.”
Nhà thơ quá cố Huy Cận “ mến tặng em Triệu” bài thơ rất hay, người đọc rất lấy làm tâm đắc “ Hỡi chàng trai mười lăm tuổi vào trường.” Triệu là con đỡ đầu của Khái Hưng, con ruột của nhà văn Nhất Linh. Hết kỳ nghỉ hè, Triệu phải từ giã gia đình đến trọ học nơi một nhà gần trường, lúc ấy Triệu được tròn mười lăm tuổi, lứa tuổi đang độ thiếu niên đương tuổi thanh xuân tràn đầy sức song, yêu đời lạc quan tin tưởng rực ánh màu hồng. “ Giờ náo nức của một thời trẻ dại.” “ Thời trẻ dại “ là thời bao nhiêu tuổi ? Thiển nghĩ: còn rất trẻ, rất khờ dại còn ngây thơ non nớt khờ khạo, mới ba tuổi, năm tuổi. “ Hỡi chàng trai mười lăm tuổi vào trường.” Tâm hồn thiếu niên bắt đầu tới tuổi dậy thì, vỡ giọng, ồm ồm, tuổi đương độ bình minh chiêu dương chan hòa trong sáng, biết mơ mộng, biết thế nào là nỗi niềm hạnh phúc, sắp xếp thứ tự lớp lang chương trình buổi học giờ học, giờ học bài học, giờ làm bài tập, giờ giải lao giờ giải trí, ai dám bảo sắp xếp thời khóa biểu giờ giấc học tập nghỉ ngơi là không bận rộn? Buổi chiều ngày đầu tiên ngụ học tại nhà trọ, công việc đầu tiên là tìm người quen làm bạn, kết duyên làm bạn, trao đổi tâm tình cảm nghĩ ý tưởng sinh hoạt học đường, chao ôi có khối chuyện hàn huyên ngọt bùi ấm lạnh, nguôi ngoai nỗi nhớ nhà anh chị em cha mẹ. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng.

Tuy thời tiết đang đi vào mùa hè nở rộ mà thay thay đổi đổi thật bất thường. Buổi sáng sương mù dày đặc bao phủ kín mít cả không gian. Trời se sắt lạnh, mùa đông lạnh giá gió lồng lộng từ miền đại dương nam Thái Bình dường như vẫn còn lưu luyến. Xế chiều mới thấy nắng hoàng hôn le lói ủ dột tà dương để rồi tắt hẳn. Nghe nói đài khí tượng cho biết cơn bão xứ Mễ Tây Cơ đang hoành hành tàn phá và tiểu bang Cali phải gánh chịu ảnh hưởng của những cơn bão rớt. Khi mặt trời bắt đầu chìm xuống chân trời, thời tiết trở lạnh, tôi cũng như bao nhiêu người luống tuổi khác, lum khum khoác lại chiếc áo ngự hàn. Đêm đến, trong gian phòng ngủ, máy hơi nóng lại được suởi ấm trong khi những màn cửa lại được kéo kín cốt để chắn gió lạnh: cẩn, tắc vô ưu. Một tuần cứ thế mà tuần tự trôi qua, cơn bão ở Mễ Tây Cơ chấm dứt, mùa hè muộn màng hấp tấp trở lại hối hả, buổi sáng mới hơn sáu giờ, ánh nắng ban mai đã bắt đầu giọi sáng lấp lánh trên sân tráng xi măng, báo trước một ngày mùa hè muộn màng nắng gắt nóng nực. Thế là hết chiếc áo ngự hàn, cởi phăng ra, xếp vào góc tủ quần áo. Nói là “xếp” áo ngự hàn cho có vẻ chứ thật ra phải nói “ quăng vào xó “ tủ chiếc áo ngự hàn mới đúng. Máy sưởi cũng đặt vô một góc phòng, chuẩn bị mùa đông giá rét lạnh lẽo sắp đến. Mỗi buổi sáng trước bảy giờ, tôi đã ra trước mái hiên nhà ngồi đợi tài xế hoặc Rafael hoặc Andrea đón đi.

Tuần trước, tôi đã nghe chuyện không lấy gì làm vui chung quanh vợ chồng già, ông Sức người chồng và bà Châm người vợ, tất cả đều già trên dưới tám mươi. Riêng ông Sức có vẻ khỏe mạnh hơn bà Châm mặc dù khi đi bộ hai người vẫn phải chống gậy một chấu.
Trước đó độ hai tuần hoặc độ nửa tháng, bà Châm tự nhiên sinh ra biếng ăn. Khi người đàn bà da màu (tôi đoán người Mỹ) phục vụ bữa điểm tâm cho cả hai vợ chồng, bà Châm không ăn, nói bà đã điểm tâm ở nhà rồi, bà chỉ lấy một ít đường hóa học, một ít bột kem, một ít trái cây như chuối chín bỏ vô cặp xách tay đem về nhà không biết để làm gì. Tới bữa ăn trưa, mỗi cá nhân được phục vụ hai chén cơm, một miếng cá luộc hấp, một miếng thịt khá dồi dào cộng thêm giá luộc hay rau luộc, một chén xúp nấu bằng nấm, thỉnh thoảng có hoành thánh, một chén trái cây hoặc chuối chín, hoặc nho tươi hoặc cocktail hoặc một trái cam tươi. Lại một lần nữa, người vợ chỉ xúc vài nĩa cơm, bỏ vô miệng nhai qua quit rồi bỏ nĩa vô khay, trong lúc ông chồng già xúc nĩa xúc thức ăn nhai vội vã cho xong bữa cơm, ăn tráng miệng uống nước, vội vã bước vô phòng vệ sinh súc miệng đánh răng. Trở ra bàn ngồi, người chồng trông thấy thức ăn gần như không đả động tới, bèn cất tiếng vừa đủ nghe:

- Sao chẳng uống gì cả vậy?
Người vợ già trả lời:
- Cơm gì khô và cứng như cơm ngưội, cơm còn sống, chưa chín.
- Bà chịu khó ăn nhiều vào. Ăn ít thế này làm sao đủ sức để sống?
Bà Châm yên lặng không nói, tiếp tục dùng tăm xỉa răng nom rất đỗi thiếu cung cách xã giao.
Tôi nhìn sang khay nhựa thức ăn ban trưa của ông Sức, chiếc khay ấy người chồng đã đem vứt vào thùng chứa rác.
Chiều hôm ấy vào độ năm giờ, trong lúc tôi đang bận cuốc bộ ngoài sân, tôi nghe loáng thoáng điện thoại reo. Khi vô nhà, vợ tôi cho tôi biết có ông Sức gọi điện thoại cho tôi. Tôi gọi điện thoại cho ông. Ông ta nói vừa rồi có một trận động đất, độ chấn ước chừng 5.6 độ Richter ở Mexico, lúc ấy ông Sức đang ở tại phòng vệ sinh. Độ rung của trận động đất không nặng lắm. Sau đó, tôi tiếp tục nói chuyện với ông Sức, rằng thì là tôi có ý khuyên “chị nhà" tức bà Châm nên ăn uống đầy đủ, không khéo sức khỏe của người già ngày càng suy sụp thì khổ. Ở xứ người, chỉ có cơm canh thuốc men bác sĩ y tá thương mình thôi.
Qua ngày hôm sau, vợ chồng ông bà Sức vẫn tiếp tục đi sinh hoạt hằng tuần. Người vợ xuống xe trước tiên, chống gậy một chấu chầm chậm bước vô phòng sinh hoạt. Ông chồng sau đó cũng chầm chậm bước xuống xe, người làm công bắt buộc phải buộc thắt lưng an toàn: cẩn tắc...vô áy náy! Vào giờ ăn trưa, người vợ chỉ xúc một ít nĩa cơm lạt nhai qua quít rồi...bỏ bữa. Người chồng thấy thế tiếp tục phàn nàn chế độ ăn uống ngày càng sa sút xuống dốc. Hết rồi những bữa cơm trưa có đùi gà cánh gà quay ăn với bánh mì vàng lượm uống nước ngọt orange juice, Pepsi Cola. Hết rồi những bữa cơm trưa với bánh Pizza nóng dòn bay mùi thơm điếc mũi ở trung tâm Quantum chăm sóc sức khỏe Người Cao Niên và các bệnh nhân ở đường University và đường Convoy street.
Chiều thứ sáu, tôi ở nhà, không phải đi sinh hoạt như thường lệ.Tôi gọi điện thoại nói chuyện với ông Sức. Những lúc gần đây vợ chồng ông Sức bà Châm kẻ trước người sau đều được châp nhận vô quốc tịch Mỹ khỏi phải thi. Cả hai ông bà đều được chính thức hưởng tiền trợ cấp SSI, được hưởng Medical và Medicare, cả tiểu bang lẫn liên bang. Đôi lúc, ông vẫn tiếp tục học và trau dồi thêm tiếng Mỹ, có từ nào ông không hiểu rõ ý nghĩa và cách đọc, tôi vui lòng chỉ giúp. Ông cũng tự nhận trí nhớ của ông những lúc gần đây trở nên suy giảm, lúc được lúc chăng, lúc nhớ lúc quên

Không có ai trả lời qua điện thoại. Tôi phải gọi lại một lần nữa, lần này thì cẩn thận hơn. Số điện thoại của ông Sức là(858) 583-2511. Vẫn không có người trả lời. Tôi trong bụng hơi ngạc nhiên và cố gắng gọi thêm lần nữa. Hoàn toàn im lặng. Tôi nghĩ trong bụng chắc có sự cố gì đây.
Sáng thứ ba, nữ tài xế Andrea nói cho tôi bà ấy sẽ gọi tại địa chỉ 5453 Monroe Avenue. Andrea gọi, nhưng chẳng ai nghe. Andrea cho biết tình trạng vợ chồng ông bà Sức tại trung tâm Quantum bằng điện thoại. Trung tâm cho biết đã gọi điện thoại gia đình ông bà Sức rồi. Thời gian lâu độ năm phút, Andrea trở ra, ngồi lại trên xe, cho biết người chồng hiện đang ở tại bệnh viện. Tôi nghe và một nỗi lo âu trong tâm trí cho tới khi Andrea lái xe tới parking lot của trung tâm.
Vừa ngồi ở bàn trên ghế nghỉ mệt, một nữ công nhân viên người Hoa, cô Sylvia đến. Sylvia kề tai nói nhỏ tôi biết bà vợ tức bà Châm không còn nữa. Sylvia cho tôi biết thêm nguồn tin trên nên giữ bí mật, đừng nói với bất cứ ai. Tôi hơi sửng sốt, khá bất ngờ, nhưng tôi không mấy ngạc nhiên. Bà Châm năm nay tuổi ngoài bảy mươi, nhìn chung, sức khỏe những lúc gần đây sức khỏe của bà có phần sa sút. Trí nhớ của bà đã sa sút khá nhiều. Bà không nhớ gì quá khứ, đôi lúc bà có hỏi tôi một cách bâng quơ, hỏi tôi cốt để gợi chuyện cho qua thì giờ:

- Ông Nhẫn năm nay được mấy người con?
- Ông Nhẫn đã bao giờ đến chơi Đầm Sen chưa?
- Vợ chồng tôi có những bảy người con gái, nhưng chẳng có đứa cháu nội nối dõi tông đường nào cả.
Bất giác tôi nghĩ đến một đề thi văn bằng Trung học đệ nhất cấp sáu mươi năm trước:
“ Trai mà chi, gái mà chi,
Con nào có nghĩa có nghì là hơn.”

Ấy vậy mà những kẻ ra đi, có người đi trước, có kẻ lần lượt đi sau. Tất cả mọi người đều chết. Socrate là người. Văy Socrate phải chết. Suy luận theo sự diễn dịch bao giờ cũng đúng, chân lý đời đời, xưa như trái đất. Vậy là ông Sức đã vĩnh viễn ra đi, mới được hưởng trợ cấp tiền già, mới được hưởng chế độ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe. Người cha trong gia đình phút chốc nằm yên nhắm mắt, cả nhà kể cả những người con không ai biết, người mẹ tức bà Châm cũng chẳng hay biết gì sấc, mãi đến khi người đàn bà lay người đang ngủ say thức dậy đi sinh hoạt vẫn nằm yên bất động. bà Châm thở dài, miệng nói lảm nhảm:
- Ngủ gì mà ngủ mãi lay dậy vẫn chưa chịu thức.
Giờ này người chết đã vào nằm tại nhà quàn, nằm yên, một mình, lặng lẽ và cô độc. Người chết bao giờ cũng cô độc, chỉ “hiện hữu” một mình, không một ai chia sớt, không ai san sẻ. Người chết nằm yên bất động, muốn làm gì thì làm, tưởng chừng như không nghe không biết không cảm giác nhưng thật sự đang nghe đang biết đang cảm giác?
Tôi có nói chuyện về cái chết của một người già với một người bạn cũng lại cao niên, cũng hiện đang mắc bệnh Parkinson; người bạn nói:
- Vậy là khỏe. Chết vậy là sướng, khỏi phải bệnh hoạn, khỏi phải đau đớn gì hết. Tôi có một người cháu họ, kêu tôi là chú, không gia đình không vợ con, vào đêm hôm trước ngủ trong phòng không thức giấc nữa đi luôn, con cái bảo mất vì bệnh tim.
Tôi im lặng mà không trả lời không phản biện, không phản đối nhiêu khê dài dòng vô ích. Có thật người chết đã thật sự sung sướng thật sự yên tâm vì cái chết ấy không? Biết mình đã thật sự chết, biết được chân lý ấy, có thực sự mình sung sướng? Tôi vốn hoài nghi về cái chết của bản thân tôi, bởi chết là hết, là không biết gì nữa, là không biết...tôi đã chết, không đặt vấn đề hạnh phúc sau cái chết. Nói như thế, e có sự báng bổ sau khi chết, nhưng cho tới bây giờ và lúc này, hic et nunc, ici et maintenant, hoài nghi vẫn hoài nghi, tôi hoài nghi, vậy thì tôi hiện hữu, dubito, ergo sum. Tôi biết tôi chết, vậy thì tôi hiện hữu? Không chắc! Alain có nói một chân lý rành rành xác thực hiển nhiên khỏi cần bàn cãi: “ biết, tức là biết mình biết” (savoir, c’est savoir qu’on sait). Triết gia Socrate đã nói một câu bất hủ là “ Tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả. “
Từ thuở còn học trường tư thục Kim Yến lớp đệ thất, tôi vẫn không quên vị giáo sư họ Hà, lót chữ xuân, tên Tế, giáo sư Hà xuân Tế, thấm thoát đã ngót sáu bảy chục năm. Lúc ấy giáo sư Hà xuân Tế còn là một vị giáo sư trung niên, hiện đang làm việc tại tòa án tôi không nhớ tên, chỉ biết ông là biện lý, chuyên kết án và luận tội những can phạm. Thầy Tế phụ trách dạy môn Việt văn, cổ văn lẫn kim văn.

Hôm nay là mười bảy tháng bảy, năm 2010, nhằm ngày sinh nhật của tôi. Thật sự tôi không biết chính xác ngày sinh của tôi có phải là ngày hai mươi bảy tháng 5 năm Bính Tý hay không nữa. Tôi chỉ nhớ mẹ tôi nói thế nhân lúc nhờ người em chú bác họ Võ Doãn Hoa giải và đoán số tử vi giùm tôi. Giấy khai sinh của tôi thật sự cũng không chính xác. Cha tôi lúc còn sinh tiền và đang làm việc tại tỉnh Bình Thuận, sau đó về tỉnh Khánh Hòa sinh sống cùng gia đình vợ con bầu đoàn thê tử. Ông sai hương bộ Bùi Kiều Phúng tại làng Vĩnh Điềm làm giấy khai sinh,” acte de naissance” cho tôi. Trong giấy khai sinh, ngày sinh năm sinh là mười bảy tháng bảy năm 1938. Cha tôi đã cố ý khai gian, thật sự ngày tháng năm sinh là mươi bảy tháng bảy năm 1936. Cha tôi nói: giảm giấy khai sinh để dễ đi học. Giải đoán số tử vi của chú Hoa được đánh máy cẩn thận nhưng chỉ vỏn vẹn vài hàng, tôi xin viết lại nguyên văn không thêm không bớt:
“ Tuổi Bính Tý, sinh giờ Mão, cốt rồng, ba mươi bảy tuổi làm nên công danh sự nghiệp. Số này làm quan sang trọng.”
“ Số này làm quan sang trọng”? Làm cái nghề ngỗng sự nghiệp công lên chuyện xuống gì mà tôi được làm quan theo số tử vi?
Tôi không tin.

Năm nay tôi được đúng bảy mươi lăm tuổi, quá cái tuổi thất thập cổ lai hi những năm năm, tóc đà bạc trắng từ lâu, da mồi, răng rụng hàm trên lẫn hàm dưới gần chục cái, khuôn mặt dài hơn ốm hơn mấy mươi năm về trước.Uyển, con gái tôi gọi điện thoại mời vợ chồng tôi trưa nay đi ăn tiệm ở nhà hàng Phương Trang. Con gái út của tôi hiện giờ đang ở tận San Jose khá xa vẫn biết hôm nay mười bảy tháng bảy là ngày sinh nhật cha của chúng nó.
Nhân có một bản tin trong hệ thống đài phát thanh Pháp quốc RFI. Mở bản tin, tôi thấy có một đoạn như sau nhân ngày sinh nhựt của tôi:
“ Nhân loại sẽ lụi tàn trong khoảng một trăm năm tới?”
Nhà khoa học Úc Frank Fenner bi quan cho rằng loài động vật thượng đẳng sẽ biến mất trên trái đất này trong một thế kỷ tới, bão tố sẽ xảy ra thường xuyên, lũ lụt sẽ dữ dội hơn, hiện tượng tan băng, đồng bằng bị xâm mặn, thời tiết oi bức, tình trạng môi sinh bị ô nhiễm, nạn nhân mãn, nạn đói, dân số sẽ tăng lên 7,8 tỉ hay 9 tỉ người. Đọc bản tin bi quan yếm thế này, tôi liên tưởng đến một bài triết học năm thứ hai liên quan đến đạo đức học gia đình của vị giáo sĩ kiêm nhà kinh tế học người Anh: học thuyết Malthus và Malthusianisme, học thuyết Malthus, tức thuyết hạn chế sinh đẻ.

Ông bạn cao niên của tôi ngoài tám mươi tự nhiên khỏe mạnh ăn uống ẩm thực bình thường, đột nhiên từ giã bè bạn ra đi, để lại bà vợ lú lẫn ngoài bảy mươi suýt soát tám mươi.Mấy ngày hôm nay, trên bàn ngồi chung tôi bỗng nhiên cảm thấy thiếu vắng người đã mất một cách lạ lùng, người ngồi đội mũ kết xanh.

“ Phút chốc người ra đi đã mất.
Còn đâu tiếp nối lời thân mật?
Thả điều bắt bướm buổi đồng khô,
Chặn lưới mò tôm mùa gió bấc.
Ngoại ngữ trau dồi vốn ít nhiều,
Bạn bè khách sáo câu thành thật.
Thác về sống gửi thật vô thường.
Tiễn biệt chiều mưa rơi lất phất.”

Duyên theo từ ngữ của Phật học.
Duyên là một ý nghĩa, một lý thuyết quan trọng trong triết lý Phật học. Một sự kiện được hình thành cụ thể hay trừu tượng, hữu hình hay vô hình đều do nhân. Nhân giải thích tất cả, các sự kiện, các hiện tượng. Nhân do hai yếu tố nhân và duyên hợp thành. Nhân là một yếu tố trực tiếp, tạo ra gây ra một hậu quả. Nguyên nhân nào, hậu quả nấy theo nguyên lý tất định principe du déterminisme.Một khi hội đủ diều kiện ắt phải có hậu quả. Một khi ấm nước đặt trên bếp lửa được đun nóng, hậu quả tất yếu nước sẽ sôi.
Có một mối tương quan lien hệ giữa hai người, hai nhân vật, giữa nam và nữ, hai giớI tính phân biệt, điển hình là quan hệ giữa hai ngườI tình Kim Trọng Thúy Kiều, quan hệ gắn bó mật thiết vợ chồng Trần Tế Xương và vợ.


“ Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không “.

“Gìả sử ngay khi trước, Liêu Dương cách trở, duyên chàng Kim đừng dở việc ma chay, quan lại công bình, án Viên Ngoại tỏ ngay tình oan uổng thì đâu đến nỗi...” Xin giải thích cho rõ hơn: ví dầu Liêu Dương ở xa xa tít, Kim Trọng không phải trở về chịu trở tang người chú không may từ trần, ví dầu đám tham quan ô lại xử sự tình ngay đen trắng thanh thiên bạch nhật, hai đấng sinh thành dưỡng dục Vương ông Vương bà rành rành vô tội thì đâu đến nỗi...”
Ni sư Giác Duyên là một bậc chân tu pháp danh có chủ đích, sư Giác Duyên. Duyên là mối tương quan liên hệ giữa nguyên nhân và hiệu quả. Theo ý nghĩa của pháp danh, Giác Duyên thấy rõ mối tương quan liên hệ gắn bó hữu cơ giữa nhân và quả. Một khi đã qui y thọ giáo, phật tử phải được vị sư trụ trì ban cho một pháp danh và pháp danh này phải xứng đáng ý nghĩa của việc tu tập.
“ Hoa đàm, đuốc tuệ” là những biểu tượng của Phật giáo. Những Phật tử mượn hoa đàm duốc tuệ những hệ quả lâu dài của sự tu tập trở thành duyên trong việc tu tâm dưỡng tánh.” Gió mát, trăng thanh” cũng là những biểu tượng của Lão giáo, hạnh phúc của sự bất tử trường sanh thoát tục, “ lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa, mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên”. Gió mát, trăng thanh là suối nguồn vô tận, là cảnh địa đàng thần tiên thoát mùi tục lụy, nhưng trước sau sớm muộn gì cũng phải kết thúc. Duyên đã may, cớ sao lại rủi? Dịp may cơ hội đã bị bẻ gãy không thành. There is no another chance. Dịp may cơ hội chỉ đến một lần. Phước bất trùng lai. Nàng cung phi trong cung cấm nhà Tần thôi từ nay vĩnh biệt.

Cũng xin đề cập về duyên của ông Anan với nàng dâm nữ Ma đăng Già. Duyên này là duyên tạm bợ, nhất thời, chỉ gắn bó một thời gian ngắn rồi duyên tan vỡ, hết duyên, chẳng khác gì duyên tạm thời, phút chốc của Thúy Kiều cùng Thúc Kỳ Tâm, của Thúy Kiều cùng Từ Hải. Vua Ba Tư nặc nhân ngày giỗ của phụ vương tổ chức làm lễ cúng chay, xong đâu đó liền kính mời đức Như Lai cùng các bậc A La Hán dự tiệc. Lúc ấy ông Anan vì bận công việc không thể đến dự được. Xong công việc, ông Anan đem bình bát đi khất thực buổi trưa. Lúc ông đi ngang qua nhà dâm nữ Ma đăng Già, nàng ta liền vẫy ngoắc vô nhà, sử dụng dâm thuật dụ dỗ vào phòng riêng, mời mọc ân cần ve vuốt, suýt chút nữa ông Anan bị phá giới.

Lúc ấy đức Như Lai vừa thọ trai xong, liền phóng hào quang bách bảo vô úy, trong hào quang hiện ra toà sen báu nghìn cánh, có hóa thân của Phật kiết già ngồi ở trên, tuyên đọc thần chú, ngài Văn Thù đem chú này đến giúp đỡ tiêu diệt tà chú, đưa ông Anan và nàng Ma đăng Già đều về chỗ Phật ở. Nhờ sự thống hối của ông Anan và sự ăn năn hối hận khôn xiết của nàng Ma đăng Già, cả hai đều xin quyết tâm cải thiện con đường tu học nên cả hai đều được tu thành chánh quả đắc đạo: A La Hán.
Cũng lại xin nói thêm về cái duyên được gọi là cái duyên bất tất, cái duyên bất thành hình, nói theo từ ngữ chuyên môn triết học cái duyên không hiện hữu chỉ ở vào tình trạng khả thể. Tương tự như tình trạng của Thúy Kiều sau đêm vùi hoa giập liễu của Hồ Tôn Hiến. Thấy mình trót lỡ quá say quá chén, Hồ Tôn Hiến bèn gả quách Thúy Kiều cho viên thổ quan, một quan chức địa phương cho rảnh nợ, khỏi phải “ quan trên ngóng xuống, người ta trông vào.” Thế nhưng:

“ Những tưởng rằng duyên, chẳng phải duyên.
Quan Hồ Tổng đốc ngại quan trên.
Thổ quan ép uổng duyên chồng vợ.
Nhảy xuống Tiền Đường thấy Đạm Tiên.”

Hồn ma Đạm Tiên cho Thúy Kiều biết khi nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử, nghiệp của Kiều đã dứt, duyên của Kiều giờ đây đã sạch, không còn nợ nần để trả, để vướng mắc.

“ Nhảy xuống Tiền Đường thấy Đạm Tiên,
Tiền oan nghiệp chướng hết ưu phiền.
Tú bà, Mã, Sở, phường hung ác.
Nhảy xuống sông Hằng đoạn nghiệp duyên."

Nàng cung phi bị thất sủng trong cung cấm, bị bỏ rơi một cách phũ phàng không thương tiếc. Thời kỳ hoàng kim đã chấm dứt. Thất vọng, tuyệt vọng bởi con đường tình yêu ham muốn đam mê dục vọng không còn tiếp tục thỏa mãn ái ân sinh ra chán nản chỉ muốn con đường thoát tục, mượn đường “nước dương” muốn rảy. “ Nước dương “ ám chỉ nước cam lồ, có thể rửa sạch những ưu tư phiền não, có thể tẩy xóa những lo toan tính toán những âm mưu đa đoan kế hoạch; một khi đã có thể tu tập diệt trừ những thói hư đam mê tật xấu ấy, lửa duyên sẽ tắt nguội dần, con đường diệt dục sẽ vì thế mà hiển hiện.

“ Vắt tay nằm nghĩ cơ trần,
Nước dương muốn rảy nguội dần lửa duyên.”

Còn riêng cái màn cụp lạc quảng cáo dân vận rùm beng “Duyên dáng Việt Nam “ do những người trong nước vận động công tác văn hóa văn công lấy điểm với cộng đồng người Việt hải ngoại thì xin miễn bàn.
Quý độc giả biết họ và tên của tên ca sĩ cộng sản là gì không? - Xin thưa: Đàm vĩnh Hưng, chỉ xin nói lái: Đừng ...Ham!/.

Võ Doãn Nhẫn 

 

                     

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.