Jan 14, 2025

Bài giới thiệu

Nẻo Nhỏ Vào Thơ Luân Tâm
Luân Tâm * đăng lúc 06:50:38 PM, Jul 22, 2010 * Số lần xem: 2628
Hình ảnh
#1
#2



Trong vườn thơ văn hải ngoại vừa xuất hiện một thi tâp mang tên Hương Áo (tháng 10/2007). Tác giả là Luân Tâm, người chỉ mới cầm bút cách nay hơn 5 năm. Đây là đứa con đầu lòng, một trong 3 đứa sẵn sàng chào đời trong nay mai. Riêng tập Hương Áo này, khá đồ sộ, gồm 151 bài thơ dài, với 360 trang chữ chật ních.
Tôi hân hạnh có Hương Áo trong tay và cả gan đọc qua cho biết. Dù chưa cảm-hiểu hết, tôi cũng cảm thấy mắc nợ tác giả. Niềm tâm sự, nỗi suy tư của mình phần nào đã được tác giả ghi lại giùm rải rác suốt tập thơ. Những viên ngọc đẹp, những cánh hoa tươi góp phần tô điểm thêm cho đời. Rồi tôi cũng cảm thấy cần giải bày chút gì để tỏ lòng trân quí những cánh hoa, những hạt ngọc và để tạ ơn tác giả Luân Tâm.
Muốn đọc cho xong Hương Áo phải mất cả tuần. Muốn thưởng thức kỹ hơn thì cả tháng. Sạu cùng, xếp sách lại, chưa chắc hiểu hết. Với nét đặc trưng như vậy, với vóc dáng lẫn tâm hồn như vậy,” Hương Áo” quả là một hiện tượng lạ. Tôi thầm nghĩ chỉ riêng tập thơ này thôi cũng đủ tiêu chuẩn định vị tác giả là một thi-sĩ có tầm cỡ.
Với tư cách là một độc giả bình thường, không rành về thơ lắm, tôi xin được ghi lại vài cảm tưởng chung chung về tập thơ nói trên. Đọc Lời Tựa của nhà thơ Dương Quân, Lời bạt của nhà văn Nguyễn Bữu Thoại và cả bài Lời Nói Đầu của chính tác giả in trong Hương Áo, ai cũng cảm thấy đó là con đường rộng lớn đưa khách vào cõi huyền hoặc thơ Luân Tâm rồi. Do vậy, bài viết này xin được xem là một nẻo rất nhỏ, một cái nhìn xa xa, hướng vào vài góc cạnh của khối kim cương hết sức đa diện. Nếu có gì sai sót, kính xin quí vị và tác giả thông cảm cho.

1. Hương Áo hay Áo Hương?
“Hương Áo” là tựa một bài thơ, được chọn đặt tên cho toàn thi tập.
Hai từ đó phát ra âm điệu ngọt ngào, vời vợi, mông mênh. Làm sao không gây liên tưởng tới 2 câu thơ xưa bất hủ:
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi!”
Nhiều vị đã nhắc tới nàng tiên thơ của Luân Tâm, cùng lúc cũng là người yêu mộng tưởng, người bạn tri âm, người vợ dịu hiền, nàng tiên mắc đọa. Quả thực tình học trò rồi nghĩa phu thê ở đây là một chuyện tình quá đẹp đẽ, cao vời, chỉ có một trong muôn ngàn, hay thậm chí chỉ có một không hai. Ai cũng khen Luân Tâm là người chồng tốt, là kẻ chung tình! Sở dĩ được như vậy là vì Luân Tâm rất may mắn có được một “nàng tiên” mắc đọa, người vợ vẹn toàn đức hạnh, hiền thục đảm đang, rất gương mẫu, rất đáng được chung tình với. Cả hai đều hiếm trên đời.
“Hương áo!” Trước hết là hương của chiếc áo người thương, áo vợ hiền. Nhưng, có phải do một sự tình cờ hay chủ ý, Hương áo không chỉ có gói ghém riêng cái tình phu thê thiêng liêng đó, mà còn phủ kín cả cuộc đời. Áo mẹ, áo cha, những chiếc áo đẫm mồi hôi nước mắt, áo mùi bùn mùi cỏ, áo che ấm tuổi thơ. Rộng hơn, áo còn là áo của thời gian, áo của không gian, của dòng đời, của lịch sử, của văn hóa, của đạo lý nghĩa nhân. Người đọc còn bắt gặp hàng trăm lần chữ “Áo” rải rác suốt tập thơ: áo ngày, áo đêm, áo rừng, áo mây, áo mưa, áo lá, áo hoa, áo nắng, áo gió, áo sương, áo bụi, v. v... Luân Tâm có vẻ rất sính với từ “áo”. Hương áo lung linh sống động, xa xôi héo hắt hay kề cận thân yêu, như nỗi nhớ niềm thương không rõ tên về một miền quê hương xa cách. Hương Áo chính là hương đời, là hương trần-gian, đượm thắm tính nhân bản và làm thổn thức con tim.
Như vậy “Xếp tàn y lại để dành hơi” có thấm gì khi so với hai tiếng “Hương Áo” này? Đọc “Hương Áo”, hồn người đọc sẽ bồng bềnh trôi theo sóng gợn chập chùng hay đắm chìm theo tâm tư sâu thẳm của tác giả. Nguyên tập thơ chính là chiếc áo tình cảm muôn màu mà Luân Tâm đã “áo” lên tất cả mọi thứ “hương trần gian” đó.
Hương áo hay là anh Áo hương?
Làm sao áo được hết yêu thương!

2. Suối nguồn bất tận.
Hương trần gian trùng trùng bất tận lần hồi được tác giả phổ vào thơ, chuyển hóa thành hương thơ. Thơ thăng hoa, bay cao, hay cuộn chảy, trào tuôn không biết mệt, trong khi người đọc phải bắt mệt trước lưu lượng hãi hùng của nó. Liên tưởng tới hình ảnh cánh tay vung từng nắm hạt mọng lên trời, hay hơi thở toát ra từng ngụm khói sương của lữ khách trên cao nguyên lạnh giá. Cả hai, có phải đó là hình ảnh của Luân Tâm làm thơ? Nhất cử nhất động đều toát ra thơ!
Nguồn thơ Luân Tâm như những dòng nước ngầm, nước mội, từ đâu đó đã âm thầm tích tụ thành biển hồ mênh mông sâu thẳm, thỉnh thoảng đã có vài bài được phổ biến trong phạm vi thân hữu hạn hẹp, như những con rạch khiêm nhường thoát ra, róc rách uốn mình bên suối rừng u huyền, ít ai biết hoặc lưu tâm theo dõi. Nay thì” Hương Áo” bung ra, như đê vở, như đập tràn: như dòng sông hoành tráng 9 cửa mang mầu mỡ phù sa tràn ngập ruộng đồng bát ngát, như dòng suối hùng vĩ với nước nguồn ngọt mát tỏa vào vườn hoa đang khô hạn chốn tha hương.
Xin hãy liếc mắt qua dáng vóc thì sẽ thấy.
Có bao giờ độc giả từng được thấy tập thơ đầu tay của một người mới cầm bút chỉ hơn 5 năm mà dày nặng tới hơn 360 trang? Chẳng vậy mà còn có thêm 2 tập khác với số lượng thơ tương đương sắp được chào đời! (*). Thói thường người ta in thơ chỉ chú trọng về nét thanh thoát, nhẹ nhàng như tranh thủy mạc. Một bài thơ gồm năm, mươi câu đã chiếm trọn một trang, chiều cao bài thơ chiếm 2 phần 3, thậm chí có khi chỉ in từ giữa trang đổ xuống. Những bài thơ của Luân Tâm hầu hết rất dài, từ 1 trang trở lên. Có rất nhiều bài chiếm 3, 4 trang giấy. Như bài “Hương Áo” và bài “Lòng Chị” có 88 câu, bài “Một Chút Son Môi” và “Giấc Ngủ Chưa Yên” cùng có 108 câu. Trong suốt tập thơ, ngoại trừ ít trang phụ bản hình ảnh, thư pháp do họa sĩ Vũ Hối và tranh của Họa sĩ A.C.La Nguyễn thế Vĩnh, trang nào thơ cũng đầy ấp từ đầu tới cuối trang, câu chữ chen chút khít rịt, như hoa nhiệt đới, như lúa mạ phì nhiêu của miền Cửu Long. Nếu tính trung bình mỗi trang chuyên chở 20 câu thôi thì trong 300 trang ròng dành cho thơ, tập Hương Áo đã chứa gần 6.000 câu. Nó đã làm cho liên tưởng đến trên 3.000 câu thơ Kiều. Không biết cụ Nguyễn Du đã dành bao nhiêu thì giờ để hoàn tất. Tôi chưa dám nói tới giá trị nghệ thuật hay nội dung thi tứ, chỉ riêng về hình thức và số lượng thôi, thơ Luân Tâm trong 3 tập gộp lại đã có gần 2 vạn câu. Nếu nói khiêm nhường hơn thì cũng có khoảng 15 ngàn câu! Một trường giang! Một đại hải! Tất cả được sáng tác chỉ trong vòng 5, 6 năm. Làm sao mà không đánh giá là đồ sộ? Sao không gọi là hiện tượng hiếm hoi? Viết không biết mệt như vậy mà Luân Tâm vẫn cứ than “Thi, thư bất tận ngôn”?
Sức mạnh nào đã đánh động và nuôi dưỡng cảm hứng mãnh liệt bền bỉ đến như vậy?
Đã có hàng muôn ngàn thi tập được in ra ở hải ngoại. Đó là một trong những phương tiện tâm tình của những người xa xứ nhớ quê hương. In ra để biếu làm kỷ niệm! Động lực đầu tiên thúc đẩy Luân Tâm chắc cũng vậy. Viết cho mình, rồi viết cho người thân và thân hữu tri âm. Trong lời trần tình, Luân Tâm có ghi rõ. Làm thơ để tìm chút nguồn vui cho người vợ hiền đang lâm bệnh. Làm thơ để đọc cho vợ nghe!! Thơ đã giúp cho hai người đào xới tuổi thơ, moi lên kỷ niệm, tìm lại vùng trời đã mất làm thức ăn tươi mát cho tâm hồn. Thế mà kết quả không ngờ. Hai người đã tìm lại hương áo ngày xưa. Bệnh tình của người vợ hiền từ từ thuyên giảm,sức khoẻ dần dần được hồi phục. Thơ len lỏi vào mọi ngõ ngách tâm hồn, bàng bạc trong cuộc sống thường nhật. Tác giả bị cuốn hút, mê say chìm đắm trong cõi mộng thực, cũ mới, có không, mịt mùng bất tận. Tiên thơ đến tận nhà, ở trong nhà, rất thực, hiện hữu, không cần lên núi tìm kiếm. Chất liệu thơ Luân Tâm hầu hết là những kinh nghiệm sống thực hoặc là những dữ kiện sờ sờ trớc mắt.
Những bậc tiên thơ ngày xưa, hay chính vài thi sĩ được xếp vào hạng “lớn” cận đại, thường coi say là nguồn cảm hứng, thậm chí không say mà cũng giả bộ say. Thơ túi rượu bầu. Tản Đà, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, v.v... cần có rượu. Có vị còn mượn thêm nàng tiên nâu, tiên trắng ấp ủ mới chịu nhả ngọc phun châu. Toàn là ảo tưởng, ảo giác, vị kỷ, riêng tư. Chất thơ rổng bệu mà thường vay mượn từ đâu đâu. Rượu dễ tạo cảm giác dị thường, cũng dễ giúp nhà thơ thành lập dị, khác chúng. Thơ có rượu mới hay, thơ điên điên lại càng hấp dẫn?
Nhà thơ “non trẻ” Luân Tâm (với tuổi già trên 60) cũng có lối lập dị riêng. Cũng say. Nhưng chẳng hề say rượu mà chỉ say tình. Tình yêu vợ chồng, mẹ cha, thầy trò, anh em bạn bè và tình quê hương. Hiếm khi Luân Tâm bị hay được “điên” hoặc “mê sảng”, chỉ có lúc ngỡ rằng nàng tiên bỏ cuộc về trời:
Muốn khóc mà không khóc được đâu
Bây giờ mình đã thực xa nhau
Em như sương khói như mây trắng
Không thể yêu anh đến bạc đầu..
(Không Màu. Tr. 114)
Lệ đã khô rồi máu cũng khô
Nằm ôm sương gió ôm mả mồ
Nhớ lời nũng nịu...hương chăn gối
Em nỡ lặng im nỡ hững hờ?
(Màu Đất, tr. 248)
Chính tâm hồn mẫn cảm trù phú là cái nền phù sa bất tận cho thơ Luân Tâm nảy mầm. Chính cái kho chứa ký ức quê hương vĩ đại là nguồn thơ êm dịu châm thêm cho suối thơ trôi chảy miên man. Thật ra mầm thơ của Luân Tâm đã được cấy rất sớm vào tâm hồn và tiềm thức. Như chính tác giả thổ lộ, lúc còn thơ ngoài việc được “tắm trong ca dao”, câu hò và điệu hát ru em, cậu bé Luân Tâm được gia đình khuyến khích đọc rất nhiều truyện bằng thơ và các loại sách tốt. Ngôn từ đã tích tụ cả bồ. Ý thơ đầy ứ tim non. Nàng thơ lấp ló vào hồn. Nhưng cảnh đời bất ổn, vận nước không may, bể dâu tiếp nối đã ức chế bao nhiêu tâm tình tuổi trẻ. Cũng phải trải qua thời gian tù tội, qua một thời quản chế gian khổ bất an, rồi Luân Tâm mới được định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1994. Khi cuộc sống tạm yên ở xứ người, bỗng “nàng tiên bị mắc đọa” thì bao nhiêu ẩn ức lúc đó mới tuôn trào, hỏa diệm sơn phát nổ, hồn thơ chấp cánh bay lên cao vút. Bởi vậy thơ Luân Tâm, trong lúc ban sơ mới “xuống núi”, thấy tuy nó mới mà đã cũ, tuy non trẻ mà già dặn. Chững chạc, hiên ngang, phóng khoáng. Đây là cung cách của một hành giả thuần thành, hơn là của anh học trò bỡ ngỡ tập làm “thơ cóc nhái” như tác giả thường tự giễu mình. Không có thơ loạn, thơ say, thơ điên, thơ tếu. Một mực thơ tình cảm, hiền hòa trung hậu.

3. Em tắm ngọt ngào trong ca dao.
Đây là câu dẫn nhập cho bài “Ca Dao” (tr.55). Lại có thêm điểm khác thường trong dáng dấp nàng thơ của Luân Tâm. “Em tắm ngọt ngào trong ca dao”. Nàng có vẻ rất bình dị, thật thà nhưng rất lành mạnh như cô gái vườn quê. Nàng chỉ có hai loại áo là Áo Bà Ba đơn sơ, dịu hiền và Áo Dài truyền thống thướt tha. Tôi muốn nói tới thể loại thơ mà tác giả thường dùng. Chỉ có hai thể thơ quen thuộc: Lục bát và Thất ngôn. Hỏi tại sao, được tác giả giải thích lý do là “con người chỉ có 2 chân”. Đúng vậy, chỉ có hai chân mà đi từ sơ cổ đến ngàn sau, từ đồi núi xuống đồng bằng, từ rừng sâu ra biển cả, từ quê nhà tỏa khắp năm châu.
Lục bát mộc mạc như nghề nông của dân tộc, là tiếng ru của mẹ, là hơi thở ông bà, là tiếng gió quê hương, thoang thoảng sau hàng tre, loan tỏa khắp ruộng đồng. Luân Tâm sanh ra và lớn lên nơi quê hương của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, là kẻ hậu sinh, dường như cũng muốn tận dụng thể thơ của Lục Vân Tiên, bình dị như ca dao?
Lá tre rụng xuống ao nào?
Mấy con cá nhỏ che đầu mộng mơ
Thương con tôm tích gà mờ
Búng càng ra khỏi hang chờ cá non.
(Hương Quê, tr. 68)
Thất ngôn là bảy chữ kiểu thơ Đường, nhưng ở đây niêm luật bị mài mòn góc cạnh, cho nó bình lặng hơn, êm dịu hơn:
Tha thướt em đi như mây hồng
Xin cho anh được cùng sang sông..
(Như Mây Hồng, tr. 117)
Hai thể thơ là đủ. Chẳng cần biết thêm thơ cũ thơ mới, 2 chữ, 4 chữ, ngũ ngôn, 8 chữ hay thơ tự do gì cả.

Có người bảo Luân Tâm là người rất mực chung tình với vợ?
Chung tình tế nhị tình tứ lãng mạn ngọt ngào thơ mộng tuyệt vời cho đến nổi tác giả đã cố ý hoàn tất xong ngay bài Tưạ “ĐƯỜNG VÀO THƠ” cho TT ” HƯƠNG ÁO” đúng ngay vào ngày 19 tháng 11 năm 2006 tức là ngày kỷ niệm Sinh Nhựt cuả “Nàng Tiên Thơ vợ hiền BÙI THỊ LUÂN” cuả anh !
Không chỉ có vậy. Ở đây cũng thấy sự chung tình với lục bát ca dao.
Rồi với cả cách dùng từ dụng ngữ nữa. Cũng là người chung thỉ hết mực với văn hóa dân tộc. Với bằng Cử Nhân Văn Khoa chắc là không thiếu chữ. Vậy mà chẳng thấy những điển tích, sáo ngữ, địa danh bên Tàu như Đường Minh Hoàng, Tô Châu, Hoàng Hạc Lâu trong thơ Luân Tâm. Không có sông Danube, thành Vienne hay Venise ở bên Tây. Mà toàn là cua cá, cóc nhái, dưa bí, cỏ rau, cây trái, bùn sình, v.v… của quê hương. Toàn là ảnh tượng quê mùa, ngôn từ bình dân. Ít có ai can đảm như Luân Tâm. Đất mới do ông bà bỏ xương máu khai phá để có cây lành trái ngọt, ngôn ngữ mới ông bà phát kiến và sử-dụng theo hoàn cảnh đổi thay. Có phải yêu thương và bảo tồn 2 thứ đó là điều hãnh diện đối với tác giả? Xin nhắc lại mấy câu ca dao:
Gió đưa cây cải vìa trời
Rau râm ở lại chịu lời đắng cay.
Hoặc
Bìm bịp kêu nước lớn ai ơi
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê.
(Ca Dao)
Còn Luân Tâm thì:
Tủi thân ăn ớt không cay,
Khổ qua không đắng, chanh xoài không chua
Buồn rung tàu chuối lá dừa
Hoa tàn cây héo thềm xưa thẩn thờ!
Trời mưa: cá nhảy lên bờ,
Hết ham bắt cá, đặt lờ, giăng câu..
(Cỏ Khô tr. 59)
Có phải chính những thứ rau đắng, rau má, trái cau, trái dừa…, hoa bưởi, hoa lục bình, điên điển, v.v.. đã thành xương, thành máu, đã núp kỹ trong tiềm thức của Luân Tâm, thành những hạt mầm bất diệt, giờ gặp cơ duyên tốt nảy nở thành vườn hoa.
Ngôn ngữ thơ thì vậy, nhưng về khía cạnh nghệ thuật thì Luân Tâm đã vượt ra khỏi thói thường, đã thành thầy bùa thầy pháp, với những sáng kiến bất ngờ, với cách thế phối từ, đão ngữ, dàn ý rất lạ. Thí dụ như:
Xanh trời xanh biển xanh môi...
Cội nguồn nghi hoặc ngại lời mai sau
Hết thấp đất hết trời cao
Gió xoay lòng huyệt gió bào xương da...

Lòng đau rụng sạch tay chân
Lăn hoài trong cõi phù vân ỡm ờ
Ảnh ai mà nhặt lên thờ
Nhìn đi nhìn lại còn ngờ là...ta?
(Xanh Môi, tr.209)
Tuy có hao hao Bùi Giáng nhưng dễ cảm nhận hơn. Hoặc như:
Người che mặt ta giấu thân
Giữa trời lận đận nợ nần đục trong
Tay khô ủ gót chân hồng
Nghiêng so kỷ niệm cuối bồng tương lai
Chợt đau thấu nắp quan tài
Ta ru người ngủ áo bay thẩn thờ...
(Cuối Bờ Viễn Du, tr 319)
Có người đã xếp thơ Luân Tâm ở một khía cạnh nào đó vào loại “siêu thực”. Thực ra chắc tác giả không muốn tự nhốt mình vào bất cứ “trường phái” nào. Tôi nghĩ đó chỉ là sự trùng hợp về chút tiêu chuẩn của cái được gọi là “siêu thực”. Nó nằm trong tứ thơ nhiều hơn là hình thức. Chú tâm gò mình vô khuôn mẫu hay trường phái nào đó, cái hồn nhiên chân chất của thơ có còn không? Mầm thơ có sanh ra quái thai mệnh yểu hay không? Có nhiều thi sĩ đã chết oan khi “dấn thân” theo đuôi “thời thượng” được khơi dậy từ Âu Mỹ. Xin quí vị nhớ lại thời đầu thập niên 60 thế kỷ trước, và hiện nay, nhìn quanh quất đâu đây thì cũng thấy. Một số người hãnh diện, tự hào vì đu được cái đọt héo Hiện-sinh thuở ấy hay, bây giờ, nắm cái đuôi Hậu hiện đại gì đó, rồi phát loa inh ỏi về việc cách tân khó thuyết phục của mình. Luân Tâm, dù lắm khi có ý tưởng lạ, tứ thơ bí hiểm, dường như vẫn men theo lối mòn, theo gót đám đông. Rất khó xếp thơ Luân Tâm vô một khuynh hướng hay khuôn mẫu nào. Hơi của Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử ... cũng có. Hương của Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên hay của Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư... cũng có. Có đủ hết. Trên suối thơ mấp mô chập chùng, lấp láy quanh co của Hương Áo, ánh lên đủ hết các màu sắc: xưa- nay, cổ điển- tân thời, bình dân- bác học, hiên thực- trừu tượng, cụ thể-siêu hình, v.v... và đôi khi có chút thiền và chút triết. Cho nên, nếu vị tình, không chê lối đó là bảo thủ thì tặng cho nhãn hiệu “gìn vàng giữ ngọc” cũng hợp tình phải lý. Xin xem vài thí dụ:
Lang thang tìm lại dấu bụi đường
Em mới dẫm lên còn dễ thương
Nhặt lên âu yếm cho vào túi
Mà ngỡ ngọc ngà ngỡ sắc hương..
(Như Mây Hồng, tr. 117)
Đọc nghe từa tựa Nguyên Sa?
Hoặc là:
Dấu ngã dấu huyền dấu sắc không
Trôi theo đường thẳng bám đường vòng
Đếm từng dấu nặng từng dấu phẩy
Không đủ đền bù năm tháng không..
(Trong Lòng Gió, tr. 206)
Đọc thấy hơi thơ là lạ và nhuốm chút triết kiểu Bùi Giáng?
Cũng có cái gì nghe rờn rợn kiểu Hàn Mặc Tử, như:
Bao đêm thức trắng nhớ trăng tàn
Nghe tiếng côn trùng lạnh thở than
Nghe mình mục rã như tro bụi
Hoa dại xây mồ cạnh cỏ hoang!
(Không Nhớ Tên, tr. 245)
Còn nhiều, rất nhiều trong hơn 300 trang thơ Hương Áo sự trùng hợp hay tương tợ như trên, mà chắc chắn không phải là sự bắt chước mù quáng vì mỗi người diễn đạt những ý tứ riêng tư, độc đáo của mình. Và trên đời, chí lớn gặp nhau là thường.

4. Cái nết đánh chết cái đẹp
Đã rõ dáng vóc nàng thơ của Luân Tâm là cô gái quê. Nhưng xét về tâm hồn thì người ta không khỏi ngạc nhiên. Tôi định nói về ý tứ mà thơ Luân Tâm bao hàm, cái hương trời nét ngọc mà Luân Tâm đã “áo” bên trong những vần thơ bình dị đó. Cái hồn của thơ có bay bổng hay không là do sự sáng tạo. Nhìn từ khía cạnh này người đọc mới thấy những thi tứ bất ngờ, những sáng tạo vô biên của tác giả.
Luân Tâm có nhiều lợi thế hơn nhiều người làm thơ khác. Từ mùi bùn non áo vá đến hương áo dài phấn son, từ nhà lá đơn sơ đến nhà tầng cao nghệu, từ đi bắt ốc hái rau ngoài đồng cho đến ngồi trong đại sảnh soạn thảo văn thư, v.v... Đã trải qua hết. Thượng vàng hạ cám có hết. Do đó cái tình quê, tình người ở đây tỏ ra tự nhiên như nước với sông, gắn bó, bàng bạc, mênh mông, bất tận. Khác với tình thương hời hợt góc phố hẹp hòi với con đường Gia Long, Lê Lợi, quán La Pagode, Thanh Thế hay “Con đường Duy- Tân cây dài bóng mát”, sớm bỏ đi và sớm bỏ quên. Chính cảnh sống và lớn lên với cỏ cây mây nước miệt vườn Cửu Long hiền hòa đã giúp cho tình yêu đó càng tha thiết thâm sâu. Nhớ là nhớ hoài. Xa thì cứ mộng thấy quê hương. Toàn TậpThơ của Luân Tâm đã thể hiện rất cụ thể những điều đó. Nàng thơ trong Luân Tâm đã làm cho người đọc quên mất cái dáng vóc bình dị kém cao sang của mình, mà bị lạc vào chốn tâm linh u huyền mà rất diễm lệ.
Cũng vẫn là điệu nói thơ quen thuộc nhưng chứa chan tình mẹ tình quê như:
Mẹ nuôi được một con heo
Bao nhiêu nồi cám, nồi bèo sớm trưa
Mà tiền chẳng đủ để mua
Cho con áo mới lên chùa dâng hương
Quản bao dãi nắng dầm sương
Quanh nhà bầu bí mướp hương mấy giàn
Bạc hà hành hẹ dưa gang
Khế chua bưởi ngọt bên hàng xoài tơ...
(Giấc Ngủ Chưa Yên, tr.311)
Cũng còn là sự thể hiện chân chất, như trong bài khóc Thầy Nguyễn văn Bông:
Khóc Thầy: hận hải mang mang!
Trời cao xuống thấp để tang thương Thầy!
Chính danh đại nghĩa còn đây
Đêm đêm thức giấc bóng ai giữa trời?
(Cánh Hồng Việt Nam, tr. 189)
hoặc như:
Mai sau ta có đi rồi
Làm ơn gọi nắng mây trôi khóc giùm
. . . . . . . .
Tiễn đưa cuối đất cùng trời
Cũng chưa nói hết được lời biệt ly
(Một Lần Đi, tr. 264)
Rồi bước qua khúc ngoặc ngữ, ngôn:
Sững sờ cây trả áo xanh
Trời thương biển nhớ cũng đành...bú tay!
Tình câm còn bóng hôn gầy
Em hoa chùm gửi ta dây bìm bìm
Áo quan nào cũng được khiêng
Bàng hoàng nắng rụng chó điên cản đường...
(Trả Áo Xanh, tr. 121)
Và sau cùng, đọc giả thường bị lạc vào cõi huyền hoặc bí hiểm của rừng thơ Luân Tâm:
Giọt mưa gợn sóng mặt hồ
Mặt hồ gợn sóng đợi chờ chiêm bao
Chiêm bao gợn sóng trăng sao
Trăng sao gợn sóng lối vào hư không.
. . . . . . . . . . .
Chân người ai vác đi đâu
Tay ta ai bắc nhịp cầu lãng quên
Quá quen sao vẫn hỏi tên
Hay là thay xác mà quên đổi hồn?
(Sóng Gợn, tr. 178)
Bởi vậy có người bảo thơ của Luân Tâm là siêu thực, trừu tượng hay bí hiểm, cũng không phải là sai. Quá đúng, vì rõ ràng muốn tìm bắt cho hết ý tứ bao hàm trong thơ Luân Tâm thì quả thực, đối với tôi, là công việc của người mù xem voi.
Cảm tưởng chung là dường như tác giả làm những sự tổng gộp, thay vì tổng hợp, những liên tưởng. Những liên tưởng này đi ngược lại quá trình xem voi. Thấy cây quạt, liên tưởng tới con voi, rồi vẽ cây quạt mà biểu người đọc phải hiểu đây là con voi. Hoặc giả từ câu ca dao “Em tôi khát sữa bú tay” rồi tác giả dùng từ “bú tay” để tả những cái hụt hẫng về tình cảm, cái cô đơn của thân phận. Hầu hết những hình ảnh khác cũng vậy. Có vẻ như là lối ẩn dụ mà không hẳn là ẩn dụ. Tượng trưng mà chẳng phải tượng trưng. Cho nên thơ Luâm Tâm thật là bí hiểm đối người đọc mà lại hả hê mãn nguyện cho chính mình. Trừu tượng hay Siêu thực ư? Chắc không hẳn. Trong cõi ký ức Luân Tâm có chứa quá nhiều chất liệu thơ, văn, quá nhiều châu ngọc và nhiều kỳ hoa dị thảo, cho nên khi vườn thơ Luân Tâm hình thành, người ta thấy trong đó có một sự tổng gộp tự nhiên những chất liệu đó, như dòng máu có chứa ngàn chất dinh dưỡng tổng gộp một cách tự nhiên từ thức ăn thường ngày. Nhìn một cánh hoa thơ của Luân Tâm, nếu bảo là hoa hồng cũng đặng, bảo hoa cúc, hoa lài, vạn thọ... cũng chẳng sai, bởi vì tác giả đã nhặt từng tay từng cánh của đủ loại hoa mà ghép lại thành một bông hoa bí hiểm theo ý mình. Nhặt muôn ngàn hạt giống quí mà sáng tạo cho riêng mình một vườn thơ, rừng thơ. Phải có sự tưởng tượng và liên tưởng mãnh liệt mới mong tìm ra ít nhiều ý nghĩa của thơ Luân Tâm. Cần đọc đi đọc lại nhiều lần thì cái ý mới lấp ló xuất hiện mời gọi như nàng tiên mơ hồ trên cõi non xa. Đến một lúc “chứng” được một ứng nghiệm nào đó thì mới hít hà khen “tuyệt”.
Nhưng thói thường thì khi thưởng thức thơ, đọc lên nghe âm điệu hay hay, thấy ảnh tượng rực rỡ thì cũng đủ vui rồi. Nghe nhạc Trịnh công Sơn mịt mù mây khói mà ai cũng thích. Cái đẹp không tên, cái ảnh không rõ thì càng hấp dẫn lâu dài. Không biết chính tác giả Luân Tâm đã có chủ ý đánh vào cái yếu huyệt tâm lý này hay không, nhưng chắc chắn thơ Luân Tâm sẽ thâm nhập, thẩm thấu từ từ vào tâm tư người đọc và sẽ để lại ấn tượng khó mờ không thua suối thơ Bùi Giáng trước đây.
Riêng tôi, những ấn tượng sâu đậm nhất hằn mãi trong tâm hồn sau khi đọc Hương Áo, ngoài cái tình nghĩa phu thê của tác giả, lại còn có hình ảnh cỏ cây, sông nước, vườn tược ruộng đồng, rau đắng, ốc bươu vì quê tôi cũng là vùng phù sa nằm giữa hai cánh tay ngọt ngào khoan dung Sông Cửu. Những thứ đó đôi khi đã làm cho tôi cảm thấy ngộp thở đứng tim bay bổng. Vì nhớ nhà. Xin cảm ơn thi sĩ Luân Tâm./.

TX Lâm Thanh,
OZ Nov. 2007

Chú thích:
(*) Tác giả có ghi 2 thi tập sắp ấn hành là
- Ngơ Ngẩn Dấu Buồn
- Trong Vết Bụi Mờ.

(**) Nhà Văn, Nhà Thơ quá đa tài hoa nhưng vô cùng bạc mệnh Lâm Thanh (1943-2008), còn có bút hiệu khác là Hai Quẹo, tức Lâm Thành Hổ, Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh, Khóa Đốc Sự 15,Tác giả Tuyển Tập Thơ Văn tuyệt tác bất hủ”CÕI QUÊ CÕI NHỚ”,Tác giả xb, Australia,2008.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.