Jan 15, 2025

Tiểu luận - Tạp bút

Ngày Lễ Của Cha (tạp bút)
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 06:42:17 PM, Jun 28, 2010 * Số lần xem: 2124
Hình ảnh
#1

   Chúa nhật là ngày lễ của cha.
Nam Kha(1) dụi mắt, bóng dâu tà.
Kèm nhèm mắt mũi, răng gần rụng ,
Trệu trạo dưa hành nuốt khó qua .
Tỉnh giấc đêm trường sao lấp lánh
Trầm tư ngày rạng mắt chan hòa.
Năm mươi năm trước hai tư tuổi.
Phút chốc chiều vui, bóng ngựa qua.

(1) Nam Kha, hay còn gọi là giấc mộng kê vàng. Lư Sinh là học trò cố gắng lều chõng đi thi nhưng không may thi hỏng. Trở về nhà, tới hạt Nam Kha, mệt mỏi chán chường nên Lư Sinh vô quán ngồi nghỉ. Lúc ấy có một đạo sĩ đang ngồi bên bếp lửa khuấy một nồi cháo kê. Trông thấy Lư Sinh, đạo sĩ cất tiếng mời:
- Nhà thầy ngồi trên giường mà nghỉ chân, lát nữa nồi cháo kê chín tới, tôi sẽ mời nhà thầy dùng tạm bát cháo kê rồi sẽ tiếp tục lên đường.
Lư Sinh đặt lưng trên giường ngồi nghỉ, phút chốc anh học trò lỡ vận nhắm mắt ngủ quên, chiêm bao thấy Lư Sinh thi đỗ trạng nguyên áo mão xênh xang ngựa xe võng lọng rợp trời. Quan Trạng được nhà vua cho vời vô cung điện, được dự yến tiệc linh đình, được diễm phúc gả công chúa, được ban cho cung vàng điện ngọc phú quý xa hoa, được nhà vua ban sắc phong tể tướng nhất phẩm triều đình.
Trong nước có loạn, giặc lăm le muốn xâm chiếm nước nhà, nhà vua truyền lệnh nguyên nhung sai quan tể tướng thân chinh dẹp giặc. Nhưng hỡi ôi, quan tể tướng vốn một thư sinh trói gà không chặt, tài sức đâu mà giữ gìn bờ cõi nên phút chốc trận đầu đã đại bại. Nhà vua tức giận, bèn lột hết quan chức làm tội đồ làm lính. Người lính đau khổ, phút chốc công danh phú quý tan thành mây khói. Lư Sinh giật mình tỉnh giấc chiêm bao dụi mắt, nhìn lên trên bếp lửa, đạo sĩ vẫn tiếp tục khuấy đều nồi kê. Thấy Lư Sinh tỉnh giấc, đạo sĩ tiếp lời:
- Nhà thầy vừa chợp mắt được một lát mà nồi cháo kê của tôi vẫn chưa chín tới.
(2) Năm mươi năm trước, hai tư tuổi: năm mươi năm trước, thêm hai mươi tuổi nữa, vị chi là bảy mươi tư, tương tự nhà thơ Nguyễn công Trứ khi cô đào hỏi nhà thơ “năm nay anh được bao nhiêu tuổi?” Uy Viễn tướng công thong thả trả lời: ngũ thập niên tiền, nhị thập tam. Năm mươi năm trước, tui mới hai mươi ba!

Trời đã cuối tháng sáu đương lúc mùa hè. Một làn gió mát thổi qua. Gần đúng ngọ, mười hai giờ trưa. Tôi đang chống gậy bốn chấu tập bước đi ra ngoài sân tráng xi măng, ánh nắng bắt đầu chói chang gay gắt. Thời tiết ở tiểu bang California này thật khá bất thường, nhất là ở vùng thị trấn Santee, một vùng địa phương có đồi có núi có cả thung lũng vây quanh, mùa hè nóng thì rất nóng, mùa đông lạnh cũng rất lạnh, lại không có gió khiến tôi liên tưởng đất nước Việt Nam có gió Lào(dường như trước 75, quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã mở một chiến dịch qui mô là chiến dịch Lam Sơn tiến đánh Cộng sản Bắc Việt ở vùng Hạ Lào nhưng thua liểng xiểng), từ Hạ Lào thổi quét ngang qua, khô thì khô cằn, nóng thì nóng tựa lửa, vùng Bình Định Qui Nhơn Thừa Thiên Quảng Trị vào mùa gió chướng này coi như lãnh đủ.
Ngồi bên trên mái hiên nhà ngói đỏ nghỉ mệt tránh nắng, tôi ngước mắt nhìn sang bên phải. Một dãy lan can đá xám ngăn đôi phân biệt khu vườn nhỏ xíu trồng cỏ lưa thưa còi cọt vì thiếu nước tưới( bà chủ nhà tiết kiệm nước không dám tưới cỏ vì sợ tốn tiền thời kỳ suy thoái kinh tế), đám cỏ giờ này trở thành vàng úa trông mà thảm thương, với lối đi nhỏ chừng hơn một thước, có tráng lớp xi măng. Một cây tôi e chừng là một loại cây soan tây đang đâm lá cành xanh um tươi tốt. Cũng có thể là một loại cây muồng trâu hay muồng Tàu. Khi đâm hoa, hoa màu vàng tươi rực rỡ khiến tôi nghĩ đến gốc cây mưồng trong sân trường sáu mươi năm về trước, hoa nở vàng tươi, ong bướm bu đậu hàng đàn hút mật nhộn nhịp khác thường.
Chỉ có cây phong gốc lớn đứng cạnh dường đi tàn lá đã xanh um kín mít dày đặc, chim chóc loại điểu tước nôm na chim se sẻ chui vào cành lá không trông thấy gì. Bầy quạ giờ này cũng đã bắt đầu vắng bóng không còn nghe tiếng gọi kêu ơi ới gọi nhau, thi thoảng hai con vỗ cánh bay lướt vào khoảng không để rồi mất hút. Mùa xuân đã hết. Chỉ có tiếng chim cu gù cúc cù cu, cu lửa hay cu cườm đậu lẻ loi trên hàng dây điện, nhìn đất nhìn trời.
Nhìn trên mạng internet, tôi nhẩm đọc có một tin vui nhỏ nho nhỏ: quốc hội biểu quyết bác bỏ không chấp thuận một dự án xây cất một cao tốc đường sắt từ Hà NộI tới Sài Gòn bây giờ là thành phố Hồ chí Minh. Từ trước đến giờ, quốc hội đều thông qua dự án luật một cách thông suốt dễ dàng, không cần phải bàn cãi cho phí phạm thì giờ. Quốc Hội có bao giờ không nhất trí phản biện những dự luật? Có thể nói không chút e dè ngượng ngập, tất cả các đại biểu dân cử đều là nghị gật.
Tôi không thể không liên tưởng đến những thành quả và giá trị của nhà vua Lê Thánh Tông. Ông là nguyên soái của thi đàn Nhị Thập Bát Tú vào thời cực thịnh của Lê Triều. Ông cũng là một nhà thơ đã sáng tác nhiều thi phẩm, đa phần là thơ Đường luật trong đó nhiều bài thơ thuộc loại thơ khẩu khí, miêu tả một đồ vật nhưng dụng ý có một ám chỉ khác, thường là một vị quan văn một vị võ quan hay một vị hoàng đế. Thơ cái chổi, thơ cái nón, thơ thằng mõ, thơ thằng bù nhìn là những bài thơ thuộc loại thơ khẩu khí. Tôi mạn phép đơn cử một thí dụ, thơ thằng bù nhìn.
Quyền hạn ra oai trấn cõi bờ.
Một lòng vì nước, há vì dưa?
Lung linh trước mặt đôi vầng nguyệt,
Vùng vẫy trên tay một lá cờ.
Dẹp giống chim muông xa phải lánh,
Giận quân cày cuốc gọi không thưa.
Mặc ai chen chúc đương danh lợi.
Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa.

Người viết được phép họa lại như sau:

“ Tức nước người dân phải vỡ bờ.
Ngày ngày một bữa độn rau dưa.
Bù nhìn nghị quyết thiên niên nguyệt,
Nghị gật thông qua vạn tuế kỳ.
Xã hội đỏ đen mau trốn lánh,
Cường hào ác bá ngại trình thưa.
Ngàn năm một thuở ôi hi hữu.
Chẳng dám than trời sắp đổ mưa."

Lãnh đạo Đảng, bộ Chính Trị bị thua một keo, khá đau. Bộ sậu nhất thời phải lùi một bước, nhủ thầm trong bụng sẽ tiến hai bước, thất bại chỉ tạm bợ nhất thời. Chủ tịch quốc hội, bộ trưởng Giao Thông Vận Tải không che dấu nổi cơn buồn, miếng mồi béo bở do một nước tư bản Mặt Trời hứa hẹn sẽ chịu đầu tư vô chính sách đường sắt cao tốc nhiều tham vọng, tập đoàn tham ô tha hồ ăn chặn cắt xén; dự án như thế bị đình chỉ tạm hoãn lui binh. Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng đã đưa một câu tuyên bố rất ư vô thửởng vô phạt: “ Kết quả của kỳ họp còn có sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí. “ Tác giả Đông A phân tích: “ Đây là một thất bại về chính trị của Đảng và Chính phủ.” Nhưng đừng có quá lo mà sinh ra ốm người đi. Thua keo này, bày keo khác, mánh lới hơn, láu cá hơn, tinh ranh hơn và quỷ quyệt hơn.. Thế từ nay Quốc Hội sẽ không còn là tập đoàn nghị gật nữa, sẽ không còn là Quốc Hội bù nhìn nữa, từ nay tập đoàn dân cử sẽ có quyền ăn nói, có quyền mạnh miệng phát biểu ý kiến lập trường quan điểm miễn sao dừng chống chế độ, chống đối nhà nước hoặc phản động, phản quốc mà thôi. Quốc Hội lập hiến thành hình từ chế độ đệ nhất cộng Hòa thực chất chỉ là ông hoặc bà nghị gật tuốt tuột, chẳng dám ho he phản đối gì sấc, điển hình nhất là dự luật cấm li dị do bà cố vấn N.Đ. N. soạn thảo cũng đồng thanh nhất trí thông qua, trở thành sắc luật. Nói mà chơi thôi, luật pháp của nhà cầm quyền quân nhân Miến Điện, của chế độ độc tài cộng sản Bắc Triều Tiên thật ra cũng có quốc hội nhân dân đại biểu đấy, thực chất chẳng có một quyền lực nào cả, suốt nhiệm kỳ ba năm, bốn năm, hay năm năm của tập đoàn đại biểu “đảng cử dân bầu”, có tiếng chẳng có miếng. Sự công bình chính trực ngay thẳng như khôi nguyên hoà bình Nobel Aung San Suu Kyi đã bị thua bầu cử một cách trắng trợn lại còn bị tập đoàn quân nhân nước Miến bỏ tù và bị quản chế suốt mười mấy năm dài. Cách nay một tuần, những cư dân tị nạn Miến Điện đã tổ chức ngày sinh nhật thọ sáu mươi lăm tuổi của ba Suu Kyi. Cho tới ngày nay, giới quân nhân cầm quyềnMiến Điện thật sự không muốn trả tự do cho bà Suu Kyi vì lo sợ một khi bà được trả tự do, được tự do ứng cử, chắc chắn giới lãnh đạo cầm quyền sẽ bị thất bại.
Ấy thế mà vào thời kỳ kháng chiến chống Nhật Bản, có một chính phủ do thủ tướng Trần Trọng Kim thành lập, nổi danh trong lịch sử hiện đại là chính phủ bù nhìn. Là một chính phủ làm vì, hoàn toàn không có thực, chỉ do chính quyền quân phiệt Nhật Bản quyết định.
Thế nhưng tại sao một chính phủ, một tập đoàn lãnh đạo lại được “ mệnh danh “ có tính cách dè bỉu mỉa mai chua chát là bù nhìn?
Lúc còn nhỏ tôi thường trông thấy một ruộng lúa lúc này đương độ lúa chín vàng, có lúc đứng thẳng, có khi nghiêng ngã rạp dưới ruộng.Một cây cọc hình thù một tấm vải cũ, rách tả tơi, hoặc thỉnh thoảng một bẹ lá chuối khô cũng tả tơi rách, bên trên có một cái nón mê rách, gắn liền cây cọc, nom từ xa có một hình người đang rung rinh run rẩy phe phẩy trước làn gió từ đồng xa thổi lại. Lúa chín, hương gió bay về thơm ngát. Một trận gió lay động, rung chuyển khiến hình người túm giẻ tàu lá chuối tả tơi vô tri vô giác run rẩy, liền sau đó, một đàn chim vụt bay vù tan tác kêu thất thanh nào chim sẻ nào chim mía, bông súng gà nước bay mất, sau đó sự im lặng trả lại cho đồng lúa. Nhà nông đã phát minh ra thằng bù nhìn, không biết có tự bao giờ. Để yên, thằng bù nhìn sẽ đứng yên, sẽ bất động ù lì tựa một thây ma. Nếu có gió lay động, thằng bù nhìn cũng vì thế mà lay động, phất phơ tàu lá chuối khô hay rung rinh mớ giẻ rách. Nếu thằng bù nhìn bị sợi dây chuối sau gốc tre già giật mạnh thì thằng bù nhìn sẽ phải giật giật rung rung ngõ hầu chim muông xa lánh, chẳng khác gì một con lật đật diễn trò bung xung múa rối. Nguyên súy của nhóm Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú tức vua Lê Thánh Tông rất thành thạo tâm lý khi mô tả một thằng bù nhìn, tthực như thực mà kỳ thực hóa hư.

“ Hai mươi tháng sáu lễ cha tôi.
Kỷ niệm bảy lăm sắp hết chơi.
Chống gậy bốn chân nhìn xuống đất,
Mang gương một gọng ngó lên trời.
Năm mươi năm trước thừa tay lội,
Một khúc sông sau kiệt sức bơi.
Ác xế trăng tròn là định luật.
Mong cho sức khỏe sống dài dài .”
Hà, con dâu tôi và vợ của Đức, nhìn lên tấm lịch hằng năm, khi trang lịch nhằm vào ngày hai mươi tháng sáu dương lịch, người con dâu Hà chỉ tay lên tấm lịch, nói:
- Vào ngày hai mươi tháng này, anh Đức sẽ nói làm mì Quảng mời ba với mẹ lên nhà con ăn. Ba có nói tháng trước anh Đức đã làm mì Quảng, ba ăn khen ngon, ba nhớ không, ba?
- Ừa, nhớ.
Bất giác, tôi nhìn lên lịch hằng năm, trầm ngâm chốc lát. Tôi thấy không thể chối cãi được là thời gian thấm thoắt trôi qua rất nhanh. Năm 2010 bắt đầu, tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng tư, tháng năm, tháng sáu, mới đó mà đã hơn nửa năm, ta đã làm được những gì vĩ đại to lớn? Chẳng có gì sấc! Trung tâm chăm sóc sức khỏe người già và bệnh nhân Quantum cho phép tôi mỗi tuần theo tài xế tới trung tâm ba ngày, thứ ba, thứ tư và thứ năm gọi là để sinh hoạt tập thể, ăn điểm tâm và điều này mới quan trọng: tập thể dục. Rồi cứ thế một tuần lễ tiếp tục tuần tự trôi qua, tôi thấy ba ngày “ làm việc “ thứ ba, thứ tư và thứ năm đi qua rất nhanh, hết một weekend cuối tuần, cứ thế tuần tự tiếp diễn tháng lụn ngày qua, tuổi trẻ vút vèo, tuổi già cái chết gần kề. Tôi không thể nào không nghĩ tới cái chết, tôi không phải người sống bằng thái độ ngụy tín mình tự dối mình. Mở máy ra điô, tôi thoáng nghe tin đài phát thanh TNT cho biết nhạc sĩ Từ công Phụng bất ngờ bị ung thư. Nhạc sĩ của những nhạc phẩm “Bây Giờ Tháng Mấy”, “Trên Ngọn Tình Sầu” bị bệnh ung thư gì? Nhạc sĩ bị bệnh ung thư...túi mật! Bệnh ung thư túi mật, chuyện hi hữu nhưng có thật. Một người em gái không cật ruột vợ tôi cho biết người phối ngẫu của bà ta mất cách nay trên mười năm vì bị ung thư tụy tang tức bệnh ung thư lá lách, một chuyện hiếm thấy. Bệnh ung thư phổi thì ...thường xuyên, bệnh ung thư gan không phải là ít, bệnh ung thư vú, ung thư tử cung đa số dành riêng cho phụ nữ hơi phổ biến(!), bệnh ung thư nhiếp hộ tuyến còn gọi bệnh ung thư tuyến tiền liệt chỉ dành riêng cho nam giới không phải là hiếm thấy, riêng bệnh ung thư tuyến tụy tạng và bệnh ung thư túi mật thì hơi hi hữu. Nhạc sĩ Từ công Phụng bị bệnh ung thư túi mật ở vào thời kỳ thứ ba mà không biết! Tôi e bệnh trạng của nhạc sĩ Từ công Phụng đã trễ, nhập viện( không biết tên của bệnh viện) vừa xạ trị vừa hoá trị, giờ đây bệnh trạng của Từ công Phụng ít nhiều thuyên giảm, một điều đáng lưu tâm là Từ công Phụng không lấy gì quan tâm tới cái chết. Tôi kể lại một chuyện lạc đề khá vô duyên về cái chuyện bài hát trữ tình “Bây Giờ Tháng Mấy” cách nay gần sáu mươi năm, tại lớp đệ nhất ban C, tôi là giáo sư chủ nhiệm. Nguyên học sinh Bùi văn Ngọ, năm trước hỏng thi tú tài hai, xin ban giám hiệu trường Võ Tánh cho học lại. Ngọ là học sinh thường quậy phá nghịch ngợm, thường coi thường các giáo sư, nhất là giáo sư còn trẻ chưa lập gia đình như tôi. Một hôm trong lúc giờ nghỉ giải lao, Ngọ cất tiếng hát “Bây Giờ Tháng Mấy” của Từ công Phụng. Ngọ cất tiếng nguyên nhạc và lời như sau:
“ Bây giờ mấy tháng rồi hỡi em...”
Rồi thôi, Ngọ cắt đứt bản nhạc, không hát nữa, đưa mắt nhìn vị giáo sư, nửa như thách thức, nửa như đùa cợt trêu nghịch. Tôi không nhếch miệng, trong khi đó có tiếng khúc khích trong đó cả nữ học sinh. Đưa mắt lướt trên khuôn mặt, tôi thấy có cả nữ học sinh, Lã thị Phương Loan, Lã Đoan trang, Nguyễn thị Cẩm Nhung, Lê thị Kim Phước, Tôn Nữ Thị Lâm, tất cả đều cất tiếng “cười khẩy”. Nhưng câu hát lời ca “ Bây Giờ tháng mấy?” và “ Bây Giờ mấy tháng rồi hỡi em?” có thể được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất, nghĩa trước tiên là một gã con trai, một người con trai mới lớn ướm hỏi người thiếu nữ một người con gái, hai người đang hờn dỗi nhau. Nỗi bất bình, cơn giận dỗi bắt đầu khởi sự có lẽ đã từ lâu nhưng không nhớ giận nhau vào lúc nào, vào ngày nào, vào tháng nào nữa, chỉ biết họ giận nhau đã...lâu nhưng chưa làm hòa xí xóa, chín bỏ làm mười. “ Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?” Tháng giêng, tháng hai, tháng ba?- Không biết. Không nhớ. Mùa xuân, mùa hạ, rồi mùa thu, mùa đông? Giận nhau từ bao lâu rồi? Lãy cớ gì làm dấu mốc của tháng ngày, thời gian, ai biết! Câu hát lời ca “ Bây giờ mấy tháng rồi hỡi em? “ còn có một nghĩa thứ hai không kém lời suồng sã sống sượng trâng tráo mà người viết xin được miễn bàn. Nhưng thuyên giảm bệnh trạng ngặt nghèo nguy hiểm tới tính mạng lại là một chuyện khác: bệnh trạng tạm thời rút lui, nằm một chỗ, nhưng có biết đâu bệnh tình đã tới giai đoạn di căn, xâm nhập khắp nơi!
Ngày lễ Father’s Day quả nhiên như dự đoán như báo trước, tôi chống gậy tới nhà vợ chồng Đức, được Hà vợ Đức đãi mì Quảng, món ăn được nhiều sở thích được nhiều người khoái khẩu. Tôi chén một tô lớn, ăn hết, nhưng thú thực, tôi ăn mà không cảm thấy giống tô mì Quảng dạo trước, kém ngon hơn, nhưng tôi không nói mọi thành viên trong gia đình biết. Điều này có lẽ có một nguyên nhân sâu xa, Đức ra chợ mua hàng khí trễ, Hà đã tới nhà đón vợ chồng tôi về tận nhà của Đức, ngồi nghỉ ở nhà giây lát nhưng người chồng vẫn chưa thấy về, ngườI vợ rất lấy làm khó chịu bực mình.
Vừa về tới nhà, đứa con trai báo cho cả nhà biết là xe hơi của Đức bị xẹp bánh khiến Đức phải hì hục tự tháo bánh xe xẹp và cũng hì hục lắp chiếc bánh xe khác được nằm yên trong xe, khiến cho dầu mỡ dính đầy tay. Gia đình Đức Hà(không rõ vợ Đức, Hà có bị năm tháng xui xẻo hung kiết gì hay không) , theo sự lành điềm dữ tốt xấu theo Phật lịch, suốt năm người chồng bị tam tai. Nhưng thế nào là tam tai? Tin theo tam tai gặp ba điều xấu, thứ nhất gặp phải tai nạn, thứ nhì gặp phải tiền bạc, thứ ba gặp phải tật bệnh, nói một cách tổng quát đương sự gặp phải sao hạn như sao Thủy Diệu, sao La Hầu và điều rất xấu là sao Thái Bạch, Thái Bạch tinh quân. Các nhà thiên văn học gọi sao Thái Bạch là sao Mai, mọc vào buổi sáng, di chuyển nhanh, có thể nhìn thấy và theo dõi. Theo các nhà chiết tự âm dương sao hạn, điều tối kỵ là đồ trắng, vì thế đương sự gặp sao Thái Bạch vào thời điểm này không nên đi làm hoặc đi đâu ăn mặc y phục trắng, áo trắng, quần trắng, mũ trắng, giày trắng. Những nhà chiết tự khuyên nên cúng sao để trừ giải hạn cho đương sự. Cúng sao thường vào đúng ngọ ban trưa hoặc giờ Tý mười hai giờ khuya.
Để kết thúc bài tạp bút, một bài viết gần như không đầu không đũa “ Ngày lễ của cha” Father’s Day, người viết xin đề cập một trạng thái tâm lý ít nhiều bất thường bệnh hoạn, đó là trường hợp “ tự kỷ ám thị.”(auto suggestion) Đương sự thường xuyên bị ám ảnh bị chi phối bởi một cảm giác, một ý tưởng một thành kiến không thể nào dứt bỏ được, trong thực tế cảm giác ấy, ý tưởng ấy không hiện hữu, không tồn tại. Đương sự đinh ninh ngay tại trong phòng khách, trong phòng ngủ, trong buồng tắm, trong buồng cầu tiêu nhà xí cómùi nồng nặc dầu khuynh diệp tức dầu gió do bác sĩ Tín đặc chế ngày trước, mùi nước hoa, mùi nước mắm, mùi mắm nêm, mùi trung tiện tức mùi đánh rắm, mùi chuột chết, mùi cóc chết, vân vân. Đương sự hoài công thậm chí đốt đèn đi tìm trong góc tủ, dưới kẹt tủ. Nói đâu xa, tôi có một người bạn đồng môn, họ và tên Trà văn Bôn, gốc Chàm, bị tự kỷ ám thị nặng. Anh bị thuộc con ma nữ giới ám ảnh, anh lúc nào cũng bị phái đẹp phải lòng anh, mà nào anh có một chút gì gọi là đẹp trai, dáng người hào hoa phong nhã cho cam. Thậm chí sau ngày ngày nước mất nhà tan, một mình Trà văn Bôn đơn thương độc mã từ Phan Rang đến tận Nha Trang lặn lội tới nhà người quen cho biết Bôn đã mê mệt, đã phải lòng thầm yêu trộm nhớ giới nữ lưu nhiều không kể xiết. Thậm chí đương sự mắc bệnh thành kiến: đương sự có cảm tưởng người chung quanh hoặc người đang chung sống thường xuyên không phải nói tốt tâng bốc “ bốc thơm “ đâu, nhưng bôi nhọ nói xấu đương sự, không chỉ một cá nhân nhưng là một tập thể, một đa số quần chúng. Ở đây, phong trào trở nên một căn “bệnh thời đại”,( mal du siècle) rất giống Cộng sản Trung Quốc trong lúc phong trào Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản bột phát dấy lên với lực lượng Vệ Binh Đỏ. Tập thể giờ này lúc ấy là một cơn mê của tự kỷ ám thị, chỗ nào cũng là kẻ thù bài phong phản đế, kẻ thù tập thể cần phải mau mau triệt hạ thủ tiêu. Tự kỷ ám thị là tâm bệnh học, spycho-pathologie. Phong trào thanh niên nước Đức trước đệ nhị thế chiến đã tôn xưng Adolph Hitler làm lãnh tụ anh minh sáng suốt Herr Fuhrer là một tự kỷ ám thị ,và chắc rằng chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Chánh Nhật Kim Yong Il cũng là tinh hoa của mặc cảm tự kỷ ám thị sau chiến tranh Nam Bắc từ 1950 đến 1953. Tự kỷ ám thị là một cơn say, một bệnh tâm thần của thời đại. Phải chăng sự đàn áp tôn giáo là thời kỳ Mạt Pháp trong Phật Giáo? Phải chăng việc cấm đạo Thiên Chúa dưới triều Nguyễn cũng chỉ là một hình thức của mặc cảm tự kỷ ám thị? Triều đình sống mãi, tham quyền cố vị, vạn thọ vô cương( lời chúc tụng nhân sinh nhật của một hoàng đế ngày trước). Che Cheneva vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta! Từ ngàn xưa, tôi không rõ vào thời buổi nào, đất nước Pakistan có một tục lệ rất ư “ truyền thống”: chế độ phụ quyền. Uy quyền thuộc về nam giới, phe đàn ông. Phe cánh phụ nữ giới đàn bà hoàn toàn không có một quyền hạn nào hết, chỉ biết bổn phận và bổn phận, phục vụ và phục vụ. Phe cánh đàn ông từ truyền kiếp đã có một tự kỷ ám thị. Mọi đặc quyền đặc lợi đều dành cho nam giới. Mỗi khi ra đường, những phụ nữ Pakistan đều bắt buộc phải mặc áo dài trùm kín toàn màu đen từ đầu đến gót chân, thậm chí chỉ chừa hai lỗ nhỏ ti hí để mắt có thể trông thấy, có thể nhìn thấy đường đi. Họ cúi đầu lầm lũi bước đi, không nhìn ngang ngó dọc những bộ hành, không trò chuyện cười đùa lẳng lơ. Phụ nữ Pakistan không được đi học, không được lao động như cánh đàn ông, chỉ biết nội trợ gia đình, chăm sóc gìn giữ con cái. Nam giới được quyền kết hôn nhiều vợ, nữ giới không được ngoại tình chung chạ, nếu không may chửa hoang sẽ bị trừng phạt lăng nhục hành hạ ném đá tới chết như những phụ nữ Do Thái chửa hoang ngày trước. Đàn bà chính thức có chồng, nếu có chửa sinh con, nếu con trai thì tốt, nếu con gái coi như bỏ đi, giống xã hội Trung Hoa thời trước, nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô, sinh một con trai là có, sinh mười con gái coi là không có. Tự kỷ ám thị là một bản năng gần như bẩm sinh, không dễ đầu hôm sớm mai giải thoát tẩy xóa. Chút nữa thì quên: Pakistan là một quốc gia theo Hồi Giáo.
Trên cụm muồng tàu một đóa hoa mùa hè rộ nở, năm cánh hoa vàng rực rỡ tựa năm cánh mai vàng mùa xuân, cũng rực rỡ khoe sắc chẳng kém chi mùa xuân năm ấy, chẳng kém chi cánh hoa mai màu vàng đồng lấp lánh năm cánh nhỏ gắn trên bâu áo ngày xưa của viên sĩ quan cấp úy./.

Võ Doãn Nhẫn

 

                                  

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.