Jan 15, 2025

Tùy bút - Bút ký

Nhạt Nắng (Tùy bút).
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 11:01:36 AM, Jun 20, 2010 * Số lần xem: 2697
Hình ảnh
#1


Nhạt nắng chiều nay chợt tắt nắng. Hoàng hôn bóng tối chợt trăng lên. Thông già núi trọc sương xa vắng, Ngát tỏa sen vàng xua bóng đêm.

Nhạt nắng tre già xơ xác lá, Đồng khô cỏ cháy thật tiêu điều.
Thanh bình phút chốc đời nghiêng ngã,
Bèo tấm ao sâu gió hắt hiu.

Nhạt nắng quê nghèo thiếu liếp che. Mau phai giọt nắng cuối mùa hè. Cày sâu cuốc bẫm say lao động, Lệnh chúa ban truyền phải biết nghe.

Nhạt nắng giờ đây phai khóm tre Vùng trời đất nước tỉnh như mê. Thương ai thiếu nữ làn môi nhạt,
U uất tình sầu nét ủ ê.

Chiến quốc Xuân Thu thời đại loạn!
Buồn nôn ói mửa dân ngao ngán.
Chơi hoang chửa đẻ chúc nâng bi,
Lạc chợ trôi sông than tả oán.

Cửa sổ vung tiền cậu Bạc Liêu(1),
Con đàn cháu lũ vô thừa nhận.
Ngày vui ngắn chẳng sánh tày gang.
Nhắm mắt xuôi tay ăn cháo loãng.

(1) Công tử Bạc Liêu, con doanh gia địa chủ nổi tiếng ăn chơi chọc trời khuấy nước.
Trường Tiểu học bắt đầu nghỉ hè, tất cả đều im ỉm đóng cửa. Tôi nghĩ đến, nhớ tới những kỷ niệm xa vời của hơn sáu mươi năm trước. Những gian nhà ngói đỏ cũ kỹ đơn sơ khiêm tốn vỏn vẹn gồm bốn phòng lớp xây gạch tráng xi măng loang lỗ những mảnh vỡ, khác hẳn những dãy nhà xây dựng kiên cố gồm sáu phòng lớp lợp mái ngói xám, nước vôi sơn hồng phớt, cửa kính cũng thuộc thời điểm nghỉ hè đóng im ỉm.
- Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương.
Đó là những lời thơ tám chữ “Hỡi chàng trai mười lăm tuổi vào trường” của nhà thơ Cù Huy Cận mến tặng em Triệu, con ruột của nhà văn Nhất Linh và là con đỡ đầu của nhà văn Khái Hưng, họ và tên Nguyễn tường Triệu.
Hãy tưởng tượng em Triệu là một học sinh xa nhà trọ học, một học sinh tuổi còn rất trẻ, hồn nhiên, trong sáng, hành trang mang theo trọ học chỉ là một chiếc rương nho nhỏ nhưng tâm hồn trong sáng hồn nhiên ấy thì khỏi phải nói: linh hồn bằng ngọc. Đố ai biết được hiểu được linh hồn bằng ngọc ấy?. Chỉ có thể nói được, linh hồn bằng ngọc là linh hồn học sinh, là ngọc thanh xuân, là “ đời học sinh lấp loáng ngọc thanh xuân.”Tôi không nhớ bài hát của tuổi học trò là bài hát gì, chỉ biết một câu trong bài hát ấy đẹp lắm hay lắm; bạn láng giềng của tôi là Tiến bảo rằng bài hát ấy là bài hát của phong trào hướng đạo:”Đời học sinh tươi vui như hoa hồng thắm, sao ta không đón xuân tươi xuân vui trong khóm cây?”
Mùa nghỉ hè. Tất cả các trường nhất nhất đều đóng cửa. Hè về. Nhạc phẩm điệu fox rất nổi tiếng của nhạc sĩ khuất bóng của Hùng Lân. Một số nhạc phẩm của nhạc sĩ quá cố tôi đã được biết là Rạng Đông, Tiếng Gọi Lên Đường, Khỏe Vì Nước, Sầu Lữ Thứ và còn một số nhạc phẩm khác mà tôi không biết. Tôi đã nhiều bận đặt câu hỏi: nguyên nhân nào đã khiến Hùng Lân phải chết sớm? Chết vì bạo bệnh? Vì đột tử? Vì bị thanh toán như nhà văn Vũ Anh Khanh? Vì bị phản bội? Nếu ai biết rõ về cái chết của Hùng Lân, xin cho biết. Đa tạ.
“ Trong khoảnh khắc, sách bài là giấy cũ.” Nghỉ hè, tất cả sách vở đều trở thành giấy lộn, giấy cũ, chẳng ai quan tâm , ngó ngàng ,để ý. Nghỉ hè, tất cả trở nên ngày nghỉ, ngày hội, ngày lễ, tha hồ đi chơi, thả cá, bắn chim, tắm mát. Trời đất không gian trở thành gió nhung thuyền mơ, suối trăng rừng thơ, phím ngọc đường tơ, nhạc từ nhạc ngàn xưa, hồn say ý chơi vơi, ngày xuân thắm nét cười, lòng tha thiết yêu đời. Sau bữa cơm trưa, nhà nhà yên tĩnh nghỉ ngơi, tôi lặng lẽ rút ra vườn lục lạo tìm cây xanh trái chín: ổi, khế ngọt, chùm ruột, mắm, chim chim, dủ dẻ. Một mình tôi nằm ngửa dưới khóm tre lá rụng, ánh nắng lấp lánh len lõi xuyên qua khóm lá, tôi nhắm mắt lắng tai nghe tiếng chim chích chòe chào mào chóp quạch rủ rỉ rù rì khóm bụi tre, tiếng chim cu gù rả rich tìm đôi bạn, không gian sao mà êm ả, trời đất sao mà thanh bình. Gió mát miên man. Nắng hè chói lọi.
Nghỉ hè. Tôi nhớ đến bài học thuộc lòng cuối cùng trong 100 Bài Tập Đọc “ Nghỉ Hè “ do nhà văn người Ý Đại Lợi De Amici sáng tác. Người dịch là Hà Mai Anh, cũng một nhà giáo Việt Nam. Tôi nhớ như in bài học thuộc lòng “ Nghỉ Hè”, xin cống hiến quý độc giả: Nghỉ Hè.
“ An Di ơi, thế là năm học hết rồi. Mẹ sắp sửa từ giã thầy con bạn con.
An Di đây làAndré, dịch sang tiếng Việt.
Mẹ chắc con quyến luyến trường cũ con. Ở đây, con đã vui vẻ làm việc mỗI ngày hai buổi.
An Di ơi, trường học ví như cha mẹ; người mẹ đã dứt tay ra khi con nói chưa sõi để đổi lại một đứa bé khỏe mạnh, giỏi giắng và siêng năng. Con đừng quên vị ân nhân ấy. Mai sau con nên người, con sẽ du lịch trên thế giới, con sẽ trông thấy những thị thành hoa lệ, những đài các nguy nga, nhưng con phải luôn luôn nhớ nếp nhà trắng tầm thường kia với cửa chớp khép, với vườn cây xanh, vì đó là nơi bông hoa trí tuệ lần đầu tiên của con đã nẩy nở.
Mẹ tin rằng hình ảnh trường cũ con sẽ in sâu vào ký ức cho đến lúc tàn sinh, cũng như mẹ không bao giờ quên được ngôi nhà cũ kỹ kia mà ở đó, mẹ đã nghe tiếng nói ban đầu của con.”
Trường học có một ý nghĩa sâu xa: là nơi trẻ con xây dựng nhân cách từ lúc ấu thời, là nơi trẻ con xây dựng luyện rèn trí dục đức dục vun xới tình cảm cảm xúc buồn vui, để rồi ngày mai chia tay, đứa học trò trưởng thành sẽ sống với bao kỷ niệm.
Ngày hè mau qua, cuộc vui chóng tàn, đó là qui luật tất yếu:

“ Còn đâu nữa những phút giây vui sống?
Thú gia đình nay cũng chỉ chiêm bao.
Não nề thay cảnh tiễn biệt đưa chào,
Chỉ còn vẳng giọng mẹ hiền êm ái.
Và hình ảnh bạn ngày hè vướng mãi.
Trí thơ ngây đã bắt gặp nhớ nhung;
Ve đi đâu không cất giọng não nùng
Để đơn chiếc xui nhớ ngày tươi sáng.
Thu đã đến giữa vầng dương xán lạn.
Biết bao giờ hè trở lại cùng ta?
Để tha hồ chân nhảy miệng reo ca”
(Ký ức ngày hè)

Vào năm 1947-48, chiến cuộc còn tràn lan, Cộng sản còn lén lút âm thầm bắt bớ thủ tiêu những người dân hiền hòa chất phác như họ nghĩ và gán cho tập đoàn Việt gian phản động sách vở văn hóa hầu như chẳng còn gì, lần lượt bị ném vô đống rác. Sách đọc chỉ còn một quyển sách độc nhất “ Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ Đẳng”. Ông anh Ngộ làm một chân thư ký đánh máy ở Tòa Án Hòa Giải Rộng Quyền Nha Trang, có một bộ tập sách Tìm Học. Riêng tôi, tôi rất thích tập sách Tìm Học này, nhiều bận mở ra xem, rồi đọc, riết rồi học thuộc lòng lúc nào không biết.Mà nói nào ngay, tôi cũng cóc cần biết chủ nhiệm kiêm chủ bút của Tìm Học là những ai, lập trường chủ trương là gì, chỉ đọc say mê, đọc ngấu nghiến đến nỗi thuộc long; chẳng hạn những đề mục: một giống thủy quái: Ma Da, bài thơ câu sáu chữ, câu tám chữ: Ông Tôi, và nhất là chuyện tâm tình của Mặc Long Giang: Mấy Tháng Hè Đã Qua. Lời lẽ văn phong giản dị chân thành dễ gây xúc cảm chừng mực. Quý độc giả có muốn tôi viết lại bài văn “ Mấy tháng hè đã qua” ấy không?
Mấy hôm nay, Ngọc thấy buồn buồn. Cảnh vật không còn được Ngọc ngây ngất lắng nghe. Cái ao sen đầu làng không còn hân hạnh được Ngọc đến câu cá và một khúc sông cũng từ đây vắng bóng một tay bơi lội.
Ngọc chán, chán tất cả.
Ngọc nhớ rõ như in, trưa hôm qua, trong lúc Ngọc đương rón rén bắt con chuồn chuồn ở ngoài vườn thì mẹ Ngọc đã dịu dàng bảo:
- Ngọc, con sửa soạn quần áo sách vở để ngày mai ra tỉnh thành học chứ. Hết hè rồi đấy, đùa nghịch mãi.
Ấy, chỉ một câu nói ấy cũng đủ cho Ngọc nhìn trời đất mất vui tươi xán lạn.
Phải, sắp hết hè rồi. Trên cây phượng, hoa đã tàn và ve sầu cũng đã im hơi lặng tiếng; cảnh vật thê lương quá và Ngọc sẽ rời gia đình để bước vào niên học mới.
Buồn ơi là buồn.
Tối hôm đó, sau buổi cơm chiều, mẹ Ngọc dịu dàng bảo:
- Ngọc, con sửa soạn đi ngủ sớm, ngày mai con phải thức dậy sớm để chuẩn bị ra bến xe lên đường.
Ngọc im lặng buồn rầu lên giường nằm, vắt tay ngang trán, không thể nào ngủ được, bao nhiêu kỷ niệm ngày hè cứ lảng vảng chất chứa dồn dập. Ngọc nhớ lại những buổi trưa hè các bạn đùa nghịch đánh nhau bươu đầu sứt trán cực hăng, đoạn cùng nhau nhảy ùm xuống nước tắm mát trong lúc thủy triều dâng lênh láng; những đêm trăng sáng, Ngọc cùng chúng bạn ngồi hát trên bờ sông trong vắt.
Bỗng Ngọc chăm chú nhìn trên cột tròn : một cây ná bắn chim, một cây ná bắn chim đã tạo cho Ngọc không biết bao nhiêu kỷ niệm. Thế mà Ngọc sắp phải xa lìa những vật thân yêu đó.
Ngọc cố cắn chặt môi, xúc động, thổn thức.
Hai mắt nặng trĩu, Ngọc ngáp dài, thiu ngủ.
Tiếng gà gáy vang trong xóm khiến Ngọc choàng tỉnh dậy. Ngọc ngáp dài, vươn vai, bước xuống giường, vô phòng súc miệng, rửa mặt, thay quần áo như một cái máy, chẳng thiết ăn uống, lòng buồn rười rượi.
Nuốt xong bát cháo đậu xanh, Ngọc đẩy ghế đứng lên. Lúc này thầy Ngọc cầm năm chục bạc mới tinh đưa cho Ngọc.
Ngọc thưa từ giã thầy Ngọc, đoạn lảo đảo theo mẹ ra bến xe. Ngọc im lặng không nói một câu, bởi nếu thốt lên một lời là Ngọc bật khóc. Trên đường ra bến xe, mẹ Ngọc ân cần nhắn nhủ:
- Con ra thành học, đừng theo chúng bạn ăn chơi, mẹ trông cậy vào con sau này. Khi nào nơi ăn chốn ở đã ổn định, một ngày nào mẹ sẽ ra thành thăm con.
TớI bến, ngồi trên chiếc ghế, Ngọc cố gắng nói được một câu:
- Thưa mợ, mợ ở lại, con đi.
Xe rầm rộ bon xa, Ngọc ngoảnh lại lòng quyến luyến rạt rào, Ngọc thấy lòng lạnh ngắt mặc dù lúc đó trời nắng nực. Con sông làng giờ đây đã thành một vệt đen dài xa tắp. Hai bên đường những hàng cây lùi dần phía sau và tiễn đưa theo tiếng vi vu.
Nhạt Nắng, tác giả nhạc phẩm ấy là nhạc sĩ Xuân Lôi, tôi chỉ đoán già đoán non Xuân Lôi là em của nhạc sĩ Xuân Tiên, từ miền Bắc di cư vào Nam, khá nổi tiếng, sáng tác khá dồi dào nhạc phẩm như “ Về Dưới Mái Nhà, “ “ Hận Đồ Bàn”. Giờ này, năm 2010, chắc nhạc sĩ Xuân Tiên và nhạc sĩ Xuân Lôi đã đi vào chốn nghìn năm yên lặng.
Tuổi hoa niên, tôi chỉ thích những trò chơi yên lặng, cũng như vào những năm lên năm lên sáu, tôi cũng chỉ thích những môn chơi yên lặng: lấy vỏ hộp quẹt làm bánh xe được kéo bằng dây nhợ chỉ, bắt chuồn chuồn cột dây đằng sau đuôi rồi cho chạy, nuôi chim chích chòe, chim chào mào quành quạch để rồi vài ngày sau chim chết. Tuổi trẻ sống cô độc không anh em bè bạn, chỉ được tuổi trẻ cô độc rất giàu óc tưởng tượng. Cách nay dễ đã vài năm, bạn cũ ngày trước Hùng, nguyên bác sĩ quân y thuộc tổng Y viện Cộng Hòa di tản trước năm 75, định cư gần Los Angeles có đến thăm tôi. Hùng có gởi tặng tôi một số ảnh chụp ngày trước cách nay hơn năm mươi lăm năm( quá nửa thế kỷ). Ảnh kỷ niệm một số quang cảnh chụp nhà trường Trung Học Tư Thục Kim Yến của đoàn học sinh cắm trại tại xã Lư Cấm. Có tất cả 15 học sinh trại viên, toàn nam trại viên, không có nữ sinh, nữ trại viên. Nữ trại viên sẽ cắm trại vào ngày mai, nếu trí nhớ của tôi chưa đến nỗi tồi tệ thì ngày mai tức ngày hôm sau sẽ là ngày lễ Hai Bà Trưng, toàn thể nữ trại viên sẽ đồng thanh hát bài hát “Ngày Xưa “ tức “ Giòng sông Hát “ của nhạc sĩ Hoàng Quý. Ảnh của 15 trại viên đều là ảnh trắng đen, thời buổi xa xưa ấy làm gì có ảnh màu. Người viết xin được nêu kể họ và tên nhân vật học sinh lớp Đệ Tứ...trường tư:
Hàng đầu, ngồi xổm, từ trái sang phải: Trần văn Tư( tức Tư Rừng, Vương Thành( đã mất tại Mỹ), Võ Doãn Nhẫn, Đinh Tiến Hùng.
Hàng đứng, từ trái sang phải: Nguyễn Ngọc Trân(đội mũ thổi harmonica), Nguyễn văn Phan(mặc bà ba trắng), Nguyễn văn Nghĩa, Nguyễn Ngọc Điệp, Lê Duy Phước( tức Phước Méo), Thưởng Cận Xá Xị, Nguyễn Công Trợ, nhân vật thứ tám không nhớ họ và tên, thầy Nguyễn Ngân, giáo sư Vạn Vật, Lê hữu Sùng và Nguyễn văn Lập. Quang cảnh là quang cảnh một khu vườn dừa, quang cảnh ngập đầy ánh nắng nhưng thực chất quang cảnh trong ảnh không có một vệt nắng. Giờ này phim ảnh đủ thứ màu sắc, như tôi đang đứng đây, bên dưới gian nhà patio, ánh nắng lấp lánh xiên qua cành lá.
Những hình ảnh đen trắng ấy giờ đây tất cả đều “ nhạt nắng”. Và cũng giờ đâytất cả nam trại viên nếu còn song đều than thờ nhìn trời nghe “ nhạt nắng”, ai ai cũng ý thức “ mình đã già “, chắc như bắp ngoài bảy mươi, ra đi tàu suốt lúc nào không biết. Vương Thành đã ra đi từ mấy năm về trước. Lê Duy Phước và Nguyễn ngọc Điệp giờ đây còn sống hay đã chết, cả hai đều biệt tăm tin tức. Cả hai đều biết trước khi chết, mỗi người đều rất cô đơn, chết chỉ một mình.
Nhạc thức “ Nhạt Nắng” dường như lúc nào cũng chứa đựng âm điệu buồn da diết buồn não nề buồn dã dượi. Nhạc thức “ Nhạt Nắng “ thuộc giai điệu Slow chậm, Rê thứ, diễn tả một thời quá khứ nuối tiếc, sống một thủa vàng son, dấu tích một hoàng hôn trên quê hương có khóm tre xanh vang vọng chiều vàng thoi thóp. Tác giả nhạc phẩm Nhạt Nắng ấy đã đem lòng yêu một người con gái quê, thương cả tấm áo màu nâu nhuộm cây rừng mộc mạc đơn sơ giản dị nghèo nàn nhưng chất chứa sắc màu duyên dáng ngây thơ lúc trời đất thiên nhiên xã hội chưa thay màu đổi sắc.
“ Tôi thương làng tôi, nhớ hoàng hôn trên đất xưa, nghe tiếng tiêu mơ màng chiều hè. Tôi thương người xưa, áo nâu hương duyên thật thà, đời mặn nồng hồng lên đôi má.”

Một bầy thằng ngọng đứng xem chuông.
Chúng bảo nhau rằng ấy ái uông.
Người viết cũng tập tễnh làm thơ con cóc để khỏi phụ lòng độc giả:
Một bầy thằng đỏ cố nâng bi.
Chúng bảo nhau rằng nợ cứ lì.
Thế hệ thứ tư con cháu trả;
Ngày xưa nợ Chúa Chổm can gì.

Cọng rác ngày nay hóa cọng rơm:
Khoa trương dự án nợ ôm đồm.
Ngập đầu quịt nợ, mai sau trả,
Hứa cuội ngày sau sốt bát cơm.

Tôi biết rõ: Nhạt Nắng chóng chầy sớm muộn trước sau gì rồi cũng tắt nắng. Hoàng hôn rồi sẽ lan tràn bóng tối âm u dầy đặc. Trời đêm không trăng sao hun hút.
Phản đế, bài phong, chống thực dân.
Đêm đêm học tập rất chuyên cần.
Dũng cảm, vệ sinh, lao động tốt,
Cuốc bẫm cày sâu hóa lột trần.

Bài hát tiếp theo, đoạn 2, đổi thay hoàn cảnh cuộc sống:
“ Nhưng thôi giờ đây nắng tàn phai trên khóm tre, bao áng mây bên trời mịt mờ. Thương ai nhạt môi, mắt sâu lắng như đêm dài, đời cần lao khoác lên mình trai.”
Nhạt nắng đã tắt, khóm tre tiêu điều xơ xác, vầng mây xám xịt bầu trời báo trước một mùa giông bão mưa sa gió táp. Trong thi phẩm Lửa Thiêng nhà thơ Huy Cận trước đây là bộ trưởng bộ Văn Hóa có viết một vài câu thơ rất đỗi trữ tình:
“ Có lẽ hồn ta không đẹp nữa,
Nét trần thôi họa bức thiên duyên.”

Người viết cảm khái cô thôn nữ yêu kiều cũng “sáng tác” một vài câu thơ trước thời cuộc ngã nghiêng chao đảo:

“ Tóc biếc môi hồng không thắm nữa,
Thôi đành thất hứa đẹp lương duyên.
Nhạt nắng đành thôi không chọn lựa,
Ra đi xóa khúc nhạc Nghê thường.”

Miền Bắc Việt Nam năm 1953-54, cuộc chiến tới hồi quyết liệt, tập đoàn Việt Minh cộng sản tạo sớm sủa chính sách Cải Cách Ruộng Đất, trước là tạo chiến thắng Điện Biên Phủ, sau là tạo quần chúng nhân dân Việt Nam trở thành giai cấp vô sản khố rách áo ôm. Ngày trước thành phần gọi là địa chủ sống phè phởn phây phây trên mồ hôi nước mắt của giai cấp bần cố nông vô sản không một thước đất cắm dùi, ngày nay chính sách Cải Cách Ruộng Đất biến địa chủ thành thành phần vô sản, ngày ngày thanh niên trai tráng nai lưng cày ruộng bừa ruộng thay trâu thay bò( Người viết vẫn nhớ như in tập truyện Những Ngày Vui của nhà văn Khái Hưng, khi người thanh niên Duy chứng kiến đám người bừa ruộng thay trâu không phân biệt nam nữ: Đời cần lao khoác lên mình trai).
Năm 1957, sau khi giật được bằng Tú tài một, tôi vào Sài Gòn tiếp tục học để đoạt được mảnh bằng Tú Tài Hai. Tôi ở đậu và ăn nhờ tại nhà chị ruột tôi, số 178/1 đại lộ Chi Lăng, quận Phú Nhuận. Suốt ngày coi như suốt năm, tôi chỉ biết cặm cụi chúi đầu vào sách vở ngoại trừ viết thư cho người bạn gái không hơn không kém. Họa hoằn, tôi đi xem phim, hoặc ở hí viện ciné Dakao, hoặc ở rạp ciné Vĩnh Lợi và độc nhất một lần vào chiều thứ bảy cuối tuần rảnh rang tôi đi ngủ lang tại nhà người bạn ở đường Yên Đổ không biết ăn chơi cờ bạc rượu chè hút xách. Buổi sáng sau khi thức giấc, sau khi điểm tâm, tôi ngồi vào học và tụng và tập làm bài luận Pháp văn Anh văn. Điểm tâm, tôi chỉ ăn một khúc bánh mì nhận thịt rồi uống nước coi như xong bữa buổi sáng, cứ thế suốt năm.
Học trò hàn vi bạch diện thư sinh cặm cụi sách đèn, ấy thế mà đã lọt mắt xanh người đẹp. Người đẹp ấy có lẽ tuổi độ mười tám, ý chừng là tôi chỉ phỏng đoán. Người đẹp tên là Gái, dáng người khỏe mạnh giỏi giang, gia đình người Bắc, di cư từ 1954, sống tại một gian nhà tôn, chuyên làm thùng gánh nước làm gàu múc nước giếng khơi hoặc gánh nước bằng nước máy. Gái có ý phải lỏng thư sinh bạch diện cho tới một hôm...
Người viết còn nhớ rõ buổi sáng hôm ấy là một buổi sáng chủ nhật. Thư sinh bạch diện dậy sớm như thường lệ; điểm tâm xong, người học trò lặng lẽ mở sách ra học. Tâm lý học, Đạo đức học, Luận lý học, Siêu hình học, Khổng giáo, Lão giáo, Ấn độ giáo. Pháp văn,Montaigne, Malherbe, Ronsard, Joachim Du Bellay, Corneille, Racine, La Bruyère, La Fontaine. Anh văn, William Wordworth, Coleridge, Lord Byron, John Keats. Vừa mệt, vừa mỏi tay, tôi tựa người lên lưới sắt nghỉ. Ngay lúc ấy Gái từ chợ Phú Nhuận về, đem chổi ra hiên nhà ngoài quét sạch, bàn tay đưa qua đưa lại dịu dàng mềm mại, đầu hơi nghiêng về đằng trước chăm chú làm việc. Gái cất tiếng, lần đầu tiên hỏi tôi, đầu vẫn giữ nguyên vị trí cũ, tiếp tục quét dường như cố gắng giữ vẻ tự nhiên:
Bữa nay không đi học sao?
“ Không đi học sao,” một câu hỏi rõ ràng là thiếu chủ từ, người viết đã tưởng Gái đã hỏi ai đó, không phải đối tượng, không phải mình ên nên người viết lặng thinh không trả lời, mãi một lát sau người viết đã ngỏ lời hỏi thăm về mình, người viết phải đáp lại một cách hờ hững, không thể đã trao gởi một câu hỏi nhưng lại chìm rơi trong yên lặng:
- Hôm nay chủ nhật, không đi học.
Xong, người viết quay lại tiếp tục đọc và học, không quan tâm để ý đến chuyện vớ vẩn thì thằng em trai của Gái, thằng Nam, vỗ tay chế diễu chọc quê người chị:
- Ê, Ê Xấu! Xấu! Chị Gái lộn rồi. Hôm nay là chủ nhật mà đi học!
Nói làm ràm phân bua câu nói gì đó, người viết không nghe, Gái quày quả dường như xấu hổ bỏ đi cầm chiếc chổi đót vô nhà, không quay lại. Từ đó về sau, người viết không thấy Gái rào đón lân la hỏi chuyện cùng người thư sinh mặt trắng nữa.
Trời đang thời tiết hạ trên vùng đất Sài Gòn miền Nam hai mùa mưa nắng. Hơi nóng hầm hập từ mái tôn giội xuống, không khí ngột ngạt, mồ hôi của tôi giờ này bắt đầu nhớp nháp rịn ướt. Vừa khó chịu vừa nóng bức, tôi cầm cây đàn ghi ta rẻ tiền nhưng khá tốt tiếng lên gảy giải khuây. Nhạc bản là Nhạt Nắng.
Trong lúc tôi đang thả hồn vào âm điệu não nề buồn bã u sầu của bản nhạc thì có tiếng động từ gian hiên nhỏ vọng vào. Tôi vốn khá dốt về hợp âm, không rành cách bấm hợp âm nhưng bây giờ tôi đã khá thông thạo phương pháp bấm hợp âm. Ngày trước, tôi chỉ biết chơi một hợp âm độc nhất Rê thứ Dm từ đầu cho đến cuối cùng bản nhạc, không biết chẳng dám chuyển đổi từ Gm sol thứ đến Am7 rồi A7, sau cùng trở về hợp âm chính Dm.
Tôi cũng xin thưa luôn: tôi vốn biết một người đàn bà nửa tỉnh nửa quê, bà mẹ của Gái. Bà trạc độ trên dưới bốn mươi, gốc Bắc, bán hàng thiếc hàng nhôm soong chảo ngoài chợ Phú Nhuận. Bà thường mặc áo quần cộc vải đen. Ông chồng cũng người Bắc tuổi có lẽ ngoài bốn chục, tính tình ít nói, suốt ngày ngồi trên thanh gỗ tạp, gõ gõ đập đập sao cho miếng tôn miếng thiếc thành hình một chiếc thùng có thể gánh được nước, ông làm nghề thợ thiếc. Hàm răng cải mả của ông lúc nào cũng nhai trầu đỏ quạch và lúc nào cũng phì phà điếu thuốc lá vấn tay: ông nghiện thuốc nặng. Từ sáng, tôi thấy ông lặng lẽ làm việc tới trưa, đục gõ inh ỏi đinh tai nhức óc.
Người đàn bà yên lặng bước qua bục cửa gỗ qua mái hiên lợp tôn, nhìn quanh quất vô nhà, như thể kiếm tìm ai. Người ấy lặng lẽ nhìn tôi, tôi cũng lặng lẽ nhìn người đàn bà, chỉ khẽ gật đầu chào, tiếp tục nắn nót phím đàn, thái độ hơi bất lịch sự. Bà nhìn vô công tơ điện quan sát giây lâu, đoạn cất tiếng hỏi:
- Trong nhà có bị chạm điện hay không, có mùi khét.
Thấy không có ai trả lời, không có ai phản ứng, người đàn bà quày quả lui gót.
Khi người đàn bà đi rồi, tôi ngưng đàn, ngước lên nhìn công tơ điện, máy công tơ vẫn chạy đều đều xoay quanh chầm chậm. Trong một thoáng, tôi đã hiểu vì sao lúc ấy người đàn bà ngang nhiên dòm ngó vô nhà của anh chị tôi mà không rào đón.
Bà muốn biết, muốn điều tra con gái của bà có phải sang nhà hẹn hò gặp gỡ tình tự với trai hay không. Từ trước, con gái của bà nghi ngờ có tình ý thư sinh mặt trắng, nói gần nói xa với bà chăng, chỉ có Trời có Phật chứng giám. Tôi cũng biết giờ này người đàn bà từ chợ Phú Nhuận trở về nhà chuẩn bị phụ giúp cơm nước bữa trưa.
Tôi đã có không ít số đào hoa, không phải từ lúc nhỏ nhưng mãi tới lúc đứng tuổi. Còn nhỏ, tôi chỉ biết cắm đầu học, chỉ lo học chẳng nên thân, không nên cơm cháo gì. Xếp loại hàng tháng nếu không may phải “ đội sổ “ thì chỉ có nước độn thổ! Vừa hổ ngươi, vừa nhục! Ấy vậy mà tôi đã có ngườI thầm yêu trộm nhớ từ lúc tôi đang mài đũng quần ở lớp đệ lục, vừa khổ, vừa bực mình khó chịu ra mặt. Lúc ấy tôi lọt vào mười tám tuổi, học đệ ngũ, cái tuổi bắt đầu biết thế nào là tình yêu, một mối tình vô vọng, tuyệt vọng, một mối tình đau khổ nhớ nhung vào những chiều nhạt nắng, gió đong đưa hấp hối dưa tiễn ngày tàn. Tên người tôi yêu, chắc ai cũng biết, xin được miễn nhắc, chỉ đau một nỗi, người tôi yêu sang ngang hơi sớm, tôi không biết rõ tuổi của nàng, tôi chỉ ước đoán nàng không quá hai mươi.

“ Trời mưa ướt áo làm gì?
Ngoài hai mươi tuổi chị đi lấy chồng.
Người ta pháo đỏ rượu nồng,
Mà trong lòng chị một vòng xe tang”.

Cách nay khoảng đã ngót sáu mươi năm, vào độ nghỉ hè, hai người bạn của chúng tôi, tôi và Ngô rủ nhau cắm trại tại làng Hòa Tân thuộc địa phận Suối Dầu. Chúng tôi không đi bằng phương tiện xe lửa nhưng bằng xe đạp. Chúng tôi đồng ý chấp thuận. Riêng giáo sư Lê văn Đào và một học trò là Nguyễn Thành Định cùng đi xe lửa, tàu chợ khởi hành từ Nha Trang đủng đỉnh cà rịch cà tang tới Phan Rang, vận tốc nghe đâu 25km/giờ.
TớI trạm Hòa Tân, thầy trò chúng tôi xúm nhau dựng trại, lúc ấy đã mười hai giờ trưa và ăn uống nghỉ ngơi tại trại. Buổi chiều, chúng tôi gom góp củi khô, tối sẽ đốt lửa trại. Thời ấy còn hòa bình, chưa có khói lửa, chửa có chiến tranh nên thầy trò chúng tôi tha hồ trò chuyện. Thầy Lê văn Đào nhắc đến bài thơ bất hủ Tình tuyệt vọng , nguyên tác của d’ Arvers, bản dịch của Khái Hưng. Thầy Đào đọc lại bài thơ ấy, tất cả đều tấm tắc. Tôi chỉ viết lại hai câu thơ sonnet:

“ Mon âme a son secret, ma vie a son mystère,
Un amour éternel en un moment conu”
Thầy Đào thong thả chậm rãi đọc lại câu thơ ấy:
“ Lòng ta chôn một khối tình,
Tình trong phút chốc mà thành thiên thâu”.

( Người viết mạn phép sửa lại hai chữ giây phút thành hai chữ phút chốc: tình trong phút chốc mà thành thiên thâu).
Tôi phải kể tiếp “ người yêu trong mộng “ vào lúc tôi đang học lớp đệ tam: Hồng. Rất tiếc, Hồng không đẹp, phải nói là xí gái. Riêng tôi, tôi chẳng có tình ý gì, chỉ xem Hồng như người quen biết, nhưng Hồng thường xuyên lui tới vãng lai khiến tôi bắt đầu khó chịu, tìm cách lánh mặt. Thói thường, hễ ta yêu tìm cách được gần gũi người ta yêu mà không được là khổ; hễ ta ghét tìm cách này cách nọ để xa lánh người ta ghét mà cứ đeo đuổi ta hoài dứt đi không được như cục nợ là khổ. Phải chi tôi được gần gũi người tôi yêu thì cũng đỡ và được an ủi phần nào bằng trí tuởng tượng: ân ái người tôi yêu bằng chiêm bao, bằng giấc mộng:
“ Sớm còn hồn mộng được gần,
Nửa đêm tìm đến Giang Tân tìm người.
Tìm chàng thuở Chương đài lối cũ,
Gặp chàng nơi Tương phố bến xưa.
Xum vầy mấy lúc tình cờ,
Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân.”
( Chinh phụ ngâm

“ Một giờ mộng xuân!” Hạnh phúc quá rồi còn gì! Hạnh phúc lạc thú phù du ngắn ngủi không tới không quá một giờ!
Trở lại Gái. Lúc tôi giật được mảnh bằng Tú Tài, cả nhà mừng lắm, kể cả chị Tám, nhưng chị Tám là ai vậy? Chị Tám là người giúp việc nhà, chị ước độ ngoài ba mươi nhưng không quá bốn mươi. Chị Tám dáng người khỏe mạnh, cao lớn, tôi không chị đã có gia đình, có con cái chưa, tôi chỉ biết chị sống và làm việc một mình, chị lo chu toàn tất cả công việc, từ việc chuẩn bị thức ăn cho cả nhà buổi sáng kể cả tôi, giặt quần áo cho tất cả mọi người trẻ già lớn nhỏ, đi chợ ở chợ Phú Nhuận, về nhà chuẩn bị thức ăn cho bữa cơm trưa, chị làm việc tất bật không nghỉ tay. Cơm trưa xong, chỉ nghỉ trưa chốc lát, đoạn chị giặt, phơi quần áo, ủi quần áo, xong đâu đó chị chuẩn bị buổi cơm chiều. Trong lúc vợ chồng anh chị Bảy tiếp tục đi làm buổi chiều tại Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam tại trụ sở Lê văn Duyệt, chị Tám đã kín đáo cho Gái biết, tôi thi đậu và ngày mai, chiều ngày mai tôi sẽ đáp tàu hỏa về nhà tại Nha Trang, đem tin vui cho cả gia đình, cho mẹ tôi và anh chị tôi đã bõ công nuôi tôi ăn học.
Được tin vui, Gái phải đi tới quyết định, phải lựa chọn, không thể chần chờ, không thể bỏ lỡ cơ hội. Nhưng người con gái sẽ quyết định bằng cách nào?
Buổi sáng hôm ấy, lúc chị Tám vừa đi chợ về, chị trao cho tôi một phong thư khá dày, chị Tám nói với tôi:
- Cậu có cái thơ Gái gởi cho cậu đó.
Cầm phong thư trên tay nhưng chưa vội đọc, tôi hỏi chị giúp việc nhà:
- Thư của Gái muốn nói gì về tôi, hở chị Tám?
- Ai mà biết . Cậu muốn coi, cứ tự nhiên mở ra coi ắt biết.
Cầm phong thư mân mê khá dày trên tay, tôi phỏng đoán:
- Chắc có ảnh của Gái trong thơ, có phải không, chị Tám?
- Thì cậu cứ mở ra coi sẽ biết.
Chị Tám nhất định không nói, tôi phải mở phong thư ra xem: thì ra bốn tấm ảnh không ai khác hơn là ảnh của Gái, cỡ cartes postales với những kiểu chụp khác nhau, khi thì người được chụp ngồi trên ghế mây, kiểu thì người được chụp ngồi cạnh một bình hoa...giả, điểm trang hơi kỹ và hơi diêm dúa. Sau tấm ảnh không có một dòng chữ nào, cũng chẳng có bức thư nào dù ít dù nhiều dù ngắn dù dài nói lên tâm trạng cảm tình người gởi, chắc Gái không biết phải xưng hô anh anh em em như thế nào cho phải phép. Im lặng là vàng. Nhưng im lặng cũng là một cách gián tiếp bày tỏ thái độ một sự thú nhận đã lâu, một sự khuất phục, một cách nào đó sự can đảm, một chút táo bạo và liều lĩnh, nhưng không có khả năng viết một bức tình thư, tôi nghĩ người con gái tuổi mười bảy mười tám học lực trung bình làm sao có thể viết thư tình bày tỏ khúc nhôi lâm ly tha thiết? Như tôi đây, tôi đã viết một bức tình thư lâm ly tha thiết với người trong mộng, nhưng bức thư không có hồi âm, hoàn toàn im lặng, bởi người trong mộng đã sắp sang sông mất rồi còn đâu.
Tôi nghĩ bụng,Gái đã can đảm, chịu khó thổ lộ can tràng nỗi niềm tâm sự. Khe khẽ thở dài, một chút xót xa, nhưng tôi không thể yêu một người con gái đã rất thật lòng đối xử với tôi như thế. Một quà tặng(một xấp ảnh) tượng trưng một sự dâng hiến, không biết người được tặng có vui lòng mà nhận món quà tặng ấy chăng. Như bài thơ rất đỗi trữ tình rất lãng mạn trong ca dao mời người yêu xơi một miếng trầu. Chỉ dám mời người yêu thôi, không hi vọng mời người tình:

“ Vào vườn hái quả cau xanh,
Bổ ra làm tám chiềng anh xơi trầu.
Trầu này têm những vôi Tàu,
Giữa đệm cát cánh, hai đầu quế cay.
Trầu này ăn thật là say,
Dù mặn dù lạt dù cay dù nồng.
Dù chẳng nên đạo vợ chồng,
Xơi năm ba miếng cho lòng em cam.”

Người con gái mời người đàn ông, gã con trai mời ăn miếng trầu là một cách ngỏ ý một cách tỏ tình, kể ra cũng khá bản lĩnh táo bạo. Kết quả thế nào, thành công thất bại ra sao, chưa biết. Người con gái ngày xưa mà đã dám qua mặt hai đấng sinh thành, cả gan dám mặc áo khỏi đầu khỏi cổ. Gái cũng lâm vào trường hợp tương tự, trao ảnh là một cách tỏ tình, kết quả ra sao chưa biết. Nhận ảnh, người được cho sẽ nhận ảnh. Không nhận ảnh tức là chối từ, ảnh sẽ giao lại người trao tặng, gã con trai sẽ hoàn ảnh lại cho người con gái, được ăn cả, ngã về không. Thất bại qua cung cách tỏ tình, ai ai cũng biết tuy không nói, người yêu đều đau khổ, mời ăn một miếng trầu cay, khổ, và trả lại những tấm ảnh mới chụp, khổ.
Quý độc giả thừa biết bài thơ rất trữ tình “ Tiết phụ ngâm” của Trương Tịch, nhà thơ Trung Hoa. Người đàn bà Trung Hoa là một thiếu phụ đã có chồng, trước đã có một ngườI đàn ông đem long yêu mến, nhưng cuộc tình dang dở vì người phụ nữ đã sang ngang. Tuy vậy người đàn ông vẫn quyến luyến, đem tặng người thiếu phụ hai viên ngọc quý, người đàn bà đem xâu ngọc ấy đeo vào trong áo lót màu sen. Sau nghĩ lại tự thấy mình là người vợ có lỗi với cố nhân, bèn giao trả lại hai viên ngọc ấy

“ Hoàn quân minh châu song lệ thùy.
Hận bất tương phùng vị giá thì.”
Trả lại chàng giọt lệ như mưa,
Hận không gặp gỡ khi chưa có chồng.

Bản thân tôi cũng lâm vào hoàn cảnh ít nhiều tương tự na ná: người thiếu phụ có chồng tặng người tình ngày trước hai viên ngọc minh châu như tôi được “người yêu “ tặng bốn tấm ảnh làm...”của tin “.
Cầm bốn tấm ảnh bỏ vô lại phong bì, tôi trao lại chị Tám, nói một cách điềm đạm:
- Cám ơn chị Tám, nhờ chị vui lòng cho tui gởi lại những tấm ảnh đẹp lắm của Gái, tui không dám nhận đâu.
- Như vậy là cậu không nhận mấy tấm ảnh?
Tôi chỉ lắc đầu, khẽ mỉm cười, không trả lời.
Tôi nhớ ngày trước tôi có đọc qua tác phẩm của triết gia Spinoza, trong đó triết gia đã nói: “ Toute affirmation est négation”. Mọi sự khẳng định là phủ định.
Tôi ý chừng lúc chị Tám giao trả lại bốn tấm ảnh, chắc hẳn Gái sẽ buồn trong ít lâu. Nhưng nỗi buồn không thể dây dưa kéo dài. Mùa thu trong mưa, nỗi buồn sẽ chết. Về Nha Trang nghỉ hè độ một tháng, tôi trở lại đất Sài Gòn, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển đại học sư phạm đầu tiên. Việc đầu tiên chị Tám cho tôi biết: Gái sắp lên xe hoa.. Chị Tám nói người chồng tương lai của Gái trước đó là một học sinh trường trung học tư thục Taberd( tôi không rõ gia đình của Gái theo đạo Công giáo hay theo Phật giáo). Tôi chỉ có một ý nghĩ thoáng qua rất nhanh: hình như gia đình người Bắc nào cũng có tục lệ tảo hôn, lúc đó Gái lấy chồng không quá hai mươi.

Ham giàu, em lấy thằng bé tí tì ti,
Làng trên xóm dưới thiếu gì trai tơ.
Em đem thân cho thằng bé nó dày vò
Mùa đông tháng giá nó nằm co trong lòng.

Tệ nạn tảo hôn ngày xưa vợ lớn chồng nhỏ cũng không kém tính chất bi hài kịch: vợ đương tuổi xuân riêng chồng thì hỉ mũi chưa sạch chỉ mới được lên năm lên sáu, suốt ngày chỉ biết chơi nghịch ngoài ruộng trong vườn, giết trùn bắt dế chuồn chuồn châu chấu, chiều tối sau bữa cơm thì vật mình lăn quay ra ngủ, phó mặc vợ lớn tha hồ muốn làm gì mặc xác. Giả dụ ví dầu có một gã thanh niên đàn ông muốn lang chạ ngoại tình lén lút cũng không dễ bởi phong tục tập quán lễ giáo không cho phép một cuộc phiêu lưu chung chạ, như tác giả của nhà văn Nhất Linh trong tiểu thuyết Lạnh Lùng, ông giáo Nghĩa với người thiếu phụ góa chồng Nhung mặc dù có tình ý muốn phiêu lưu một chuyến nhưng thúc thủ vì lễ nghi tập tục “tiết hạnh khả phong”. Tôi thèm, tôi muốn, tôi ước ao chung chạ nhưng tôi thật tình không dám. Je veux, mais je ne peux pas. Vouloir, ce n’est pas pouvoir.
Tôi nhớ một tối trước ngày hôm sau tôi lại lều chõng dự thi tuyển, chị tôi đã đăm đăm tròn xoe mắt như thể trừng mắt nhìn vào tôi, cất tiếng cật vấn:
- Em,(bởi ngày trước khi tôi còn rất nhỏ, tôi đã từng được gọi móc nôi là Em), có phải mày đã mê con Gái, phải không?
Tôi đã rất từ tốn trả lời chị Bảy:
- Làm gì có chị Bảy? Em đâu có mê con gái nhà ai đâu.
Chị Bảy xì một tiếng:
- Lại còn không mê con Gái nhà người ta. Chính con Gái nó đã “ mến tặng “ những bốn tấm ảnh cho mày, còn chối cái nỗi gì?
Lần này thì bắt buộc tôi phải minh oan “ oan ôi ông Địa “:
- Chị làm như em xin Gái mấy tấm ảnh không bằng! Chính Gái đã cho em. Em không xin. Nhưng mà em không nhận không lấy những tấm ảnh đó. Coi xong, em giao trả cho Gái ngay.
- Đẹp! Sao không lưu giữ làm kỷ niệm? Nè tui nói cho mà biết, đó là gia đình Bắc kỳ di cư theo tàu vô Nam, đạo Công Giáo, đạo nòi, nói cho ông biết sớm mà liệu thần hồn.
Tôi lặng im không nói gì nữa, bởi tôi biết nhân sinh quan cùng lập trường thái độ thiên Cộng thiên tả của chị Bảy. Chị rất không ưa khuynh hướng chống Cộng sản từ trước 1945, chị đã theo phong trào yêu nước chống chế độ thực dân, đã “thoát ly”đi theo chế độ Cộng sản hoạt động tại Nam Nghĩa Bình Phú ngày trước dưới tầm kiểm soát thuộc chế độ “ cách mạng “. Sau 1954, chị và đứa con gái theo chồng về Nha Trang, mục đích là dân vận cài đặt những cán bộ nằm vùng. Cả gia đình anh chị vô Sài Gòn mua nhà lập nghiệp rồi cả hai cùng nhau làm việc sinh kế tại trụ sở Tổng Liên đoàn Lao Công Việt Nam như tôi đã nói.
Giờ này chắc chắn Gái đã có chồng con. Người cha bà mẹ giờ này chắc cũng đã khuất bóng từ lâu, riêng vợ chồng Gái sau ngày đất nước thay màu, tôi không biết lưu lạc phương nào, Việt Nam hay ở nước ngoài, nhưng bà vợ ông chồng đều đã luống tuổi, bóng dâu đã tà tà nhạt nắng, những tấm ảnh chỉ còn là những hình bóng xa xưa phai mờ kỷ niệm.
Ròi tôi lại liên tưởng đến một trường phái trong thi đàn Pháp thuộc thế kỷ mườI tám: trường phái Trượng Trưng le symbolisme, tiêu biểu là nhà thơ Sully Prudhomme với thi phẩm nổi tiếng Le Vase brisé, Cái lọ nứt: Il est brisé, n’y touchez pas( Lọ nứt, xin đừng chạm hỡi người). Tôi nghĩ rằng trong nền hội họa Trung Hoa, lập trường chủ trương “ nhiễm vân xuất nguyệt” nhuộm mây vẽ trăng là một cách diễn tả xa xôi bóng gió trường phái tượng trưng. Tôi xin mượn phép ý nghĩa của trường phái tượng trưng mà diễn tả bốn câu thơ:

“ Mỏi mắt chờ tri âm chẳng thấy.
Đường chiều lữ khách chẳng còn ai.
Tai ù mắt kém tay run rẩy.
Mặc xác thân người viết miệt mài.
Tri kỷ khuyên ta đừng viết nữa
Thằng gian mấy kẻ quyết không tha.
Tham ô nhũng lạm đâm vài đứa,
Nhổ nấm trời mưa khó bỏ qua./.

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.