Jan 15, 2025

Biên khảo

Những Bài Viết Về Hàn Mặc Tử II
Hàn Mặc Tử (1912 -1940) * đăng lúc 07:02:46 AM, Jun 27, 2008 * Số lần xem: 4017
Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (Full Version)


Mùa xuân chín - bài thơ tài hoa của Hàn Mặc Tử


Vương Thừa Việt


Hàn Mặc Tử là nhà thơ tài hoa. Ông để lại cho đời không nhiều thi phẩm nhưng tác phẩm nào của ông cũng đáng trân trọng, nâng niu như MÙA XUÂN CHÍN.

Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang

Sóng cỏ xanh tuơi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi:
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây…
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây…

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuângsực nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

Ngay tên bài thơ đã cho thấy tác giả là nguời dụng công với câu, chữ. Câu chữ của ông luôn được chắt lọc tìm tòi.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.
Câu thơ thật gợi mở. Trên những mái nhà tranh vách đất của làng quê ngày xưa lấm tấm những nụ hoa thiên lý ùn nở vàng, xen giữa màu xanh tươi của lá. Lá và hoa thiên lý là niềm đặc sắc của hương vị quê hương (Thương chồng nấu cháo le le/ nấu canh hoa lý nấu chè hạt sen- ca dao). Của quý như vậy, xanh tươi mơn mởn như vậy nên mới được gió trêu, gió đùa, gió mơn man. Làm bất chợt mùa xuân ào tới.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,
Bao cô thôn nữ hát trên đồi:
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…
Mùa xuân từ trong nha øđã lan ra xa đồi núi, từ cây cảnh sang tới người. Con người của mùa xuân thật trẻ trung, hồn nhiên, đầy sức sống. Bao cô thôn nữ hát trên đồi. Hát rằng: Ngày mai trong đám xuân xanh ấy-Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi… Ở lại làng chơi với các cô thật vui, song ai đó được đi lấy chồng cũng vui không kém, thậm chí đây còn là sự phát triển của mùa xuân.
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây…
Những từ vắt vẻo, hổn hển được tác giả dùng thật tài tình. Vắt vẻo ở câu trên chỉ sự thơ ngây, hổn hển ở câu dưới nói lên sự hồi hộp, đợi chờ trong lồng ngực của những cô gái đang căng tròn sức sống. Làm cho ai đó đang ngồi dưới trúc (trong bối cảnh này mà chịu ngồi yên dưới trúc thì chắc không còn ở tuổi thanh xuân nữa) cũng phải rộn ràng:
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín?
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Thấy mùa xuân ở quê người lại nhớ tới cảnh làng mình, một cảnh làng mùa hạ có nắng chói chang và bao nhiêu người thân đang oằn lưng lao động giữa nắng. Đây là nét rất nhân bản của con nguời luôn nặng tình với quê hương xứ sở. Nhớ làng trước hết là nhớ những gì cần phải suy nghĩ, sẻ chia.
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Chị ấy là ai vậy? Rất có thể đây là người bạn gái ngày xưa của khách- đang là lao động chính ở quê nhà. Dọc bờ sông trắng nắng chang chang nên được xem là câu thơ thần tình nhất của Hàn Mặc Tử. Ta hay nói sông xanh, sông đỏ, đây nhà thơ nói sông trắng. Nắng đến trắng cả sông thì phải biết nắng gay gắt như thế nào. Các cặp vần trắng – nắng, chang – chang kết hợp với năm phụ âm ng đứng cuối mỗi từ làm cho câu thơ được kéo dài và ngân nga mãi.
Đúng là “Mùa xuân chín”, một mùa xuân đầy đặn, nên thơ.

Nguồn trích: Hạnh phúc gia đình.- 1999 Ngày 13 tháng 1 (2031);
KHPL: BĐ.04(91)
===============================================






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 21:47:33)


Một nét Huế trong thơ Hàn Mặc Tử



Phương Thuận


Nói đến Huế, ta lại nhớ về thôn Vĩ Dạ, địa danh đã khơi nguồn cho thơ Hàn Mặc Tử. “Đây thôn Vĩ Dạ” là bài thơ “thuần túy Huế, tinh khiết Huế” đã bộc lộ rất rõ cuộc sống con người, cảnh vật của một xứ Huế đẹp và thơ mộng
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Một thôn Vĩ Dạ với những cảnh sắc rất xinh đẹp, hấp dẫn, nên thơ, cái ảo và cái thực xen kẽ nhau trong từng hình tượng. Ở đây hiện ra những gì bình dị quen thuộc của quê hương, ánh nắng hồng sớm mai và sắc xanh của cây lá tạo một sự hài hòa rất độc đáo cho bức tranh cảnh. Hình ảnh so sánh “xanh như ngọc” mang tác dụng biểu cảm sâu sắc, gợi nên những hình ảnh khác nhau về thôn Vĩ Dạ. Những ngôi nhà ở Vĩ Dạ thường được xây cất, bài trí hài hòa với vườn cây, trong một cấu trúc thẩm mỹ khéo léo giữa nhà và vườn. Có lẻ cảnh đẹp ấy đã tạo thành chất liệu cho ấn tượng về thôn Vĩ đẹp và nên thơ.
Nhưng Vĩ Dạ hiện lên không chỉ đẹp ở cảnh, mà còn ở con người: khuôn mặt chữ điền ấy đã là sự biểu thị cho những gì chân chất, phúc hậu của con người xừ Huế. Hàn Mặc Tử chắc đã phải hiểu xứ Huế đến mức nào và nặng tình với nơi ấy đến làm sao mới thể hiện được sự gắn bó hài hòa giữa cảnh và người đến như vậy, nhưng đồng thời cũng làm hiện lên được tính cách kín đáo, e ấp của người dân nơi đây. Thật thú vị khi trong thơ Hàn, hai ranh giới giữa thế giới ảo và thực đã bị xóa nhòa đi.
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bấp lay
Câu thơ duy nhất gợi nhớ đến nhịp địêu cuộc sống Huế. Cái buồn nhè nhẹ, mêng mang mênh mang cứ thấm dần vào tận đáy lòng ai và cái nét “trầm tư chẳng nơi nào có được ấy” chính là cái cũng rất đặc trưng cho Huế. Thế rồi ta không còn nhận ra được đâu là thực và đâu là ảo nữa. Vừa mới nắng đấy, bây giờ ánh trăng đã tràn đầy:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Một dòng sông thực, một con đò thực, một bến đò thực đã chuyển hóa thành dòng sông thơ, con thuyền thơ và bến đò thơ.
Những câu thơ như vậy thật không thể phân tích, bình luận một cách thực thà vì e rằng làm tan mất con thuyền chở trăng trên sông trăng về với bến trăng. Hàn Mặc Tử đã gửi gắm tình yêu, nổi ngóng đợi trông chờ tình yêu vào con thuyền trăng trên bên sông trăng-một ý thơ độc đáo và tài hoa. Tình yêu ở đây nhẹ nhàng, kín đáo làm sao.
Cảnh chiều xứ Huế hiện lên trong những câu thơ cuối cùng với hình ảnh con người xứ Huế đã bị sương khói đẩy ra xa hơn, như mơ như thực, như mờ như hiện. Thiếu nữ với tà áo trắng trong phất phảng sương khói ấy trở thành cái gì đó xa vời, khó với tới, cái tình người có ở đây không mãnh liệt, nồng cháy bao nhiêu thì lại càng thi vị bấy nhiêu.
Đây thôn Vĩ Dạ là một trong số ít những bài thơ của Hàn Mặc Tử viết về Huế với tình cảm trong sáng và sâu nặng đến như vậy. Bài thơ thể hiện được những nét đẹp của người và cảnh xứ Huế vào những thời khắc khác nhau. Tình người và tình đời hòa quyện với thiên nhiên tạo nên một nét độc đáo đầy cảm xúc về con người thôn Vĩ Dạ của Huế mộng mơ và nên thơ

Đây thôn Vĩ Dạ
Hàn Mặc Tử
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bấp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Aùo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?


Nguồn trích: Quê Hương.- 1999.- Số 4 (2029);
KHPL: BĐ.04(91)






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 21:48:50)


Một chìa khóa để vào bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của Hàn Mặc Tử


Đây thôn Vĩ Dạ

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Lịch sử văn học rất kỳ lạ. Có những nhà thơ khi nhớ tới là người ta nhớ ngay tới một bài thơ, một bài thơ đã làm nên gương mặt nhà thơ. Mà gương mặt ấy lại “sáng” vào bậc nhất trong số các gương mặt của các nhà thơ cùng thời. Đó là trường hợp Thôi Hiệu của Trung Quốc đã dịch sang ta và Hàn Mặc Tử của Việt Nam. Bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, cái chất thơ cái đẹp, cái tình ta đã hiểu, vì thế nên chúng ta yêu, chúng ta say đã đành. Còn Đây Thôn Vĩ Dạ hình như chúng ta chưa hiểu hết vẻ đẹp còn như phong kín chưa ai tìm thấy chìa khóa để “mở được lối vào” ấy thế mà chúng ta vẫn yêu, vẫn say, phải chăng Hàn Mặc Tử đã hai lần thi sĩ, hai lần tài hoa? Phải chăng đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã linh cảm khi Hàn Mặc Tử vừa mất.
“Mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ tan biến đi, và còn lại ở thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”.
Sau một thời gian dài không đưa vào giảng cho các em học sinh, gần đây, chắc vì “cái chất say người” của bài thơ đã khiến cho nhà làm sách giáo khoa không cưỡng nổi, đã phải đem nó vào chương trình của các trường phổ thông mặc dù các nhà làm sách giáo khoa, hình như cũng chưa hiểu về bài thơ lắm: nội cái “khuôn mặt chữ điền” văn lớp 11 cho là “… một loại diện mạo đẹp của những người bản chất tốt phúc hậu… hiền lành thấp thoáng đi về trong các vườn cây, sau rặng trúc ở thôn Vĩ Dạ”. Còn tập làm văn lớp 12 in năm 1995, ông Lê Trí Viễn cho rằng: đó là khuôn mặt của chủ nhân “vườn ai”…
Lại còn câu đầu của bài thơ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” nhiều người trong đó có cả tôi vẫn hiểu như lời của ai trách ai “sao không về?” và có người còn lý giải đó là lời trách của chủ nhân “vườn ai” trách thi sĩ “sao không về chơi?”. Nếu đúng vậy! Thì liền sau đấy ai nhìn thấy “…nắng hàng cau nắng mới lên” và còn:
“vườn ai mướt quá xanh như ngọc”.
Chả nhẽ “nàng”, chủ nhân của “vườn ai” lại tự “quảng cáo” là vườn mình “xanh như ngọc’ ư? Không có lý chút nào. Rồi đoạn tiếp với cặp câu thơ:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Quyến rũ đến thế! Nhưng thuyền ở đâu? Sông trăng ở đâu? Bí mật vẫn hoàn toàn bí mật. “Thôn Vĩ Dạ” đẹp nhưng không có lối vào…
Rồi tình cờ một buổi chiều buồn ngồi nhớ tới cái “Thuở xưa ấy” của đời mình, tự nhiên tôi lẩm bẩm: lâu rồi lâu lắm rồi anh không được gặp em. Mà cũng lâu lắm rồi sao anh không về thăm “nơi ấy” quê em! Thế là những kỷ niệm xưa cũ từ bến đò ngang sông Hồng, rồi bóng cây phượng đầu đình tán trùm mát rợp, rồi khuôn mặt thân thương của người con gái tôi quen thuở nào bỗng… vụt hiện trướcc mặt tôi như có thể đụng tới, chạm tới được…
Một sự liên tưởng đã khiến tôi reo lên “chìa khóa” để vào thế giới thơ, để vào “Thôn Vĩ Dạ” đây rồi. Hàn Mặc Tử có thể tự vấn, tự trách mình:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ (quê em) và “Thôn Vĩ Dạ” vụt hiện lên trong “mơ”, cảnh cũng hiện ra như có thể “đụng tới”, chạm tay tới như tôi vừa rồi lắm chứ! Trước mặt thi sĩ “… nắng hàng cau nắng mới lên”. Trong cái nắng mới ấy “vườn ai” đã thu hút hết tâm trí. Trong con mắt của thi sĩ lúc này “vườn ấy” đẹp nhất.
“Vườn ai?”. Vườn của nhà người ấy, vườn của… nhà nàng: “mướt quá xanh như ngọc” màu xanh trinh nguyên tới mức thiêng liêng, để người con trai chỉ dám thập thò ở ngoài mà nhìn, mà ngắm, mà chiêm ngưỡng thôi! Phút giây hồn thơ thăng hoa tới tột đỉnh thi sĩ như nhìn thấy chính “mình” đang thâp thò nhìn, ngắm “vườn ai” ngày ấy, qua bờ dậu. Thấy cả mấy cái “lá trúc” đang che ngang “khuôn mặt chữ điền” của mình. Ở ngoài ngắm, chiêm ngưỡng qua bờ dậu “vườn” nhà người ta, ắt sẽ bị mấy cái “lá trúc” cản đi tầm nhìn là đáng lắm chứ. Ôâi câu thơ: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” tài hoa đến vậy chính cái “lá trúc” làm nên cái duyên của câu thơ. Đến bây giờ tôi mới dám chắc rằng: “khuôn mặt chữ điền kia” là khuôn mặt của thi sĩ họ Hàn. Người thi sĩ có “khuôn mặt chữ điền” ấy mới có cái tài nhận ra: “vườn ai mướt quá, xanh như ngọc” xong lại thật thà quá, dát quá không dám vào. Đứng mãi… rồi cũng phải quay ra chứ chả nhẽ…! Khi xoay lưng bước qua một bước “vườn ai” đã ở phía sau, cái cảm giác chia ly tràn ngay đến:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Say đắm… ra về tay không… thất vọng… càng buồn:
Dòng nước buồn thiu hoa bấp lay
Về tay không, cảnh vật trước mặt như không hồn chỉ có cái “hoa bắp” vô tri kia vẫn cứ “lay” như nhịp đập “vô vọng” của trái tim thi sĩ lúc này vẫn đập, vẫn không quên.
Ai cũng biết lẽ đời, cái thủa yêu đương… say cảch chẳng qua vì say người. Nó tới “vườn nhà nàng” chẳng qua là nhằm nói tới “nàng”. Từ cái buổi chiêm ngưỡng “vườn” nói đúng hơn là chiêm ngưỡng “nàng” qua bờ dậu ra về. Trái tim thi sĩ như đã để lại nơi “vườn ai”, ra về với nỗi lòng “vô vọng”. Nhưng tình yêu đau có dễ gì chấp nhận ngay sự “vô vọng” sự thất bại, vì thế, khi kỷ niệm rực cháy, cảnh hiện ra “đủ cả” thậm chí còn đẹp hơn xưa, nhưng thiếu em. Phải chăng vì em chưa phải, em không phải là của anh? Một sự khát khao cháy bổng, khát khao cuốn cuồn tới mức muốn “chiếm đoạt”. Em chỉ là của anh, em phải là của anh! Trong tâm tưởng của thi sĩ vụt hiện lên ở cái khoảng không kia một “dòng sông trăng” một “con thuyền”, như một sự cứu cánh cho thi sĩ.
Chỉ có ánh trăng-dòng sông trăng mới có khả năng chảy đi bất cứ nơi nào tìm “nàng” (em) ở bất cứ nơi đâu và mang “nàng” về cho thi sĩ
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
“Sông trăng”-dòng sông mộng tưởng trong phút giây cháy bổng thi sĩ như sống với nó. Dòng sông, như có “thực”, và câu thơ đầy mộng ấy hay tới mức quyến rũ cả khi người ta chưa hiểu nó.
“Mơ” đến cao độ rồi cũng phải quay về cõi thực dù câu thơ tiêùp sau tuy “còn mơ”:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Nhưng thi sĩ đã phần nào tỉnh ra để nhận thấy:
Áo em trắng quá nhìn không ra
Thông qua “vườn” nói em “… như ngọc” nay thông qua “áo trắng” (áo em trắng quá) để nói em cao sang thì biết anh có với tới được không? Nhất là nơi anh ở xa cách với em đến thế! Với em (vì xa cách) đến hình bóng của anh cũng mờ đi trong sương khói.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Thi sĩ nghĩ thế! Đoán thế rồi buông tiếng thở dài
Ai biết tình ai có đậm đà?
Yêu ngừơi ta. Nhưng không biết người ta có yêu mình không? Tình yêu đơn phương bao giờ chả dẫn tới buồn khổ, đó là lẻ thường ở đời. Nhưng với Hàn Mặc Tử: “Nổi buồn khổ” ấy đã được thổi qua hồn mà thành bài thơ tuyệt tác, và “Thôn Vĩ Dạ” nơi có “vườn ai” bổng thành một địa danh bất tử. Như là một thôn làng đẹp nhất trong các thôn làng Việt Nam.

Nguồn trích: Tác phẩm mới.- 1998.- Số 12 (2027);
KHPL: BĐ.04(91)






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 21:51:01)


Thơ, nhà thơ, nghề thơ trong quan niệm của Hàn Mặc Tử


Hàn Mặc Tử (1912-1940) là nhà thơ độc đáo đến kỳ lạ và kinh dị. Một nhà thơ như vậy hẳn phải có một quan niệm đặc biệt về thơ và những gì liên quan đến thơ.

1. Về thơ

- Hàn Mặc Tử đã có một quan niệm rất khác thường (1)Trước hết, sự khác thường thể hiện ở chỗ “không giống Baudelaire lắm”, có nghĩa là có giống nhưng không giống hoàn toàn, vẫn có chỗ khác Baudelaire. Vậy, khác và giống về điểm gì?
Nếu Baudelaire lấy passion (2) làm cảm hứng cho thơ thì Thơ duyên đã thấm thía những tình cảm rất nồng rất say sưa “ngất đi vì khoái lạc”, bởi nó là “tinh lực của hồn, của máu” được “phát tiết” ra. Trong lúc đó, như ông đã nói tình cảm (enthousiaasme) là sự tinh lọc hồn nhiên không một chút gì bợn nhớ, tội lỗi”, còn “dục tình là cả một ham muốn ngoài điều răng của Đức Chúa Trời”. Ta hiểu điều ông nói, dục thì nghiêng về những ham mê bản năng, tinh cảm nghiêng về những rung động tinh thần rất thanh sạch. Có điều, với Budelaire, dục tình ấy và với Hàn Mặc Tử tình cảm ấy có chung một cấp độ rất cao: tột cùng, đỉnh điểm.
Nếu Budelaire cho “thơ chỉ là thơ” “không thể dung hòa khoa học hay luân lý”, “không thể lấy chân lý làm chủ đích được”, thì với Hàn Mặc Tử, “sở dĩ thơ văn được phong phú dồi dào phát triển hết cả anh hoa huyền bí và vượt lên những tầng biên giới tân kỳ mới lạ cũng nhờ khoa họa điểm xuyết. Còn luân lý tiêu chuẩn cho văn thơ, không có nó thì thơ văn chẳng ra cái mùi mẫn gì cả. Nếu để thơ văn tồn tại một mình, thơ sẽ lạc lẽo vô duyên, không có phong vị gì”-“văn thơ không phải bởi không mà có”
Phải chăng Hàn Mặc Tử muốn nhấn mạnh văn thơ bởi có mà có. Nhờ cái có thứ nhất mà cái có thứ hai thơ mới tồn tại, cái có thứ nhất ấy theo ông là Đức Chúa Trời.
- Đức Chuá Trời làm chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ “Đức Chúa Trời là “cái thơ trên cái thơ khác”.
Rõ ràng, như ông nói ý kiến của Budelaire là “trái ngược với lẽ tự nhiên”, trái ngược với trật tự vật chất-tinh thần, khách thể-chủ thể. Với Hàn Mặc Tử, chúng ta thấy, quan niệm thơ của ông thuận tự nhiên hơn: Đức Chúa Trời vừa là điểm xuất phát-cội nguồn, vừa là đích đi tới-tiêu chuẩn của thơ.
Điều quan trọng là “Đức Chúa Trời” với Hàn Mặc Tử, suy cho cùng, không còn nguyên vẹn là một khái niệm, một hình ảnh tôn giáo nữa, mà nó phải chăng là tạo hóa, cõi thế gian đầy trăng, hoa, hương… đã gắn bó gần gũi, chở che và an ủi đời ông?
Từ cái giống và cái khác Budelaire được ông phát biểu như trên và từ thơ của ông nữa, chúng ta thấy cụ thể hơn về quan niệm thơ của Hàn Mặc Tử.
Hàn Mặc Tử cho thơ từ “cõi tâm linh” thoát ra ngoài, mãnh liệt cuồn say, thơ “từ nội tâm vọt ra mà bay lên”, là “tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ ao ước trở lại Trời, nơi đã sống ngàn kiếp vô thủy vô chung với những hạnh phúc bất tuyệt”. Với ông thế giới tâm linh ấy “vô cùng, vô tận, vô ảnh, vô hình”, cho nên, vườn thơ ông “rộng rinh vô bờ bến”.
Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời
Mùi thơm ngây dại sóng con ngươi
Hay hoan hô lời cao như sấm:
-Vạn tuế, bay ơi! Nắng rợm trời!
(Xuân đầu tiên)
Hàn Mặc Tử cho thơ cần có nhạc và họa:
Ta sống mãi cùng trăng sao gấm vóc,
Trong nắng thơm, trong tiếng nhạc thần bay
(Trường thọ)
Thật “sáng láng, phương phi như một mùa xuân như ý”.
Hàn Mặc Tử cho thơ cần lãng mạng và siêu thoát:
Thơ bay rồi thơ bay…
Mau gò giai âm lại
Sớt bớt nghĩa đang say
(Điềm lạ)
Hàn Mặc Tử từng khẳng định: “Trí người đã dâng cao, thơ người dâng cao hơn nữa, thì ra người đang say sưa, đi trong mơ ước, trong huyền diệu, trong sáng láng và vượt khỏi ra ngoài hư linh”. Chính bởi vậy, có nhà phê bình nhận xét: “hơn hết cả thi hào trên thế giới, Hàn Mặc Tử phóng thoát cái bản năng loài người để mà ăn nhập vào với vũ trụ, để biến thành một hiện tượng của vũ trụ” (Trần Thanh Mai).
Hàn Mặc Tử cho thơ là “thánh ca” chiêm ngưỡng Đấng chí tôn-cõi thế gian-cuộc sống:
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đấy ứ
Nguồn thiên liêng yêu chuộng mẹ Sầu Bi
Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì!
(Thánh nữ đồng trinh Maria)

2. Về nhà thơ

Hàn Mặc Tử từng có quan niệm thơ “rất khác thường”, nên tất yếu có quan niệm thi sĩ “không phải là người thường mà là “người thơ phong vận như thơ ấy” ngoài “thiên thần và loài người ta, Đức Chúa Trời cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài thi sĩ-loài này là những bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mệnh thiên liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người và trút vào linh hồn Người là những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, rất ngoan sạch”, “phải đi khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời”.
Như vậy, nghệ sĩ đã được đặt tên được xưng danh thật sang trọng, thật khác thường: “loài thi sĩ”, “người thơ”, vị “khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo” để hưởng cái niềm vui hơn người đó là đã “ngất ngư trong khi nuốt hết khí vị thanh tao của mùa xuân ấm, của tất cả những lương thực thật ngon ngọt mỹ vị làm bằng hương báu, làm bằng nhạc thiên, làm bằng rượu say, làm bằng châu lệ của thế gian, nếm mãi chưa bưa - chưa ớn. Chưa hả hê chút nào”. Thế nhưng, ông đã nói rất đúng, có được cái niềm vui ấy, người thơ “phải trả bằng giá máu”, phải “rơi xuống cõi đời bơ vơ, bỡ ngỡ lạ lùng, không có lấy một người hiểu mình”. Thi sĩ đi tìm tri kỹ mãi mà vẫn kêu rên thảm thiết, bởi lẽ “không bao giờ tìm đặng”
Với Hàn Mặc Tử, “người” thơ là người sung sướng nhất bởi có năng lực, sự tinh nhạy, niềm si mê hơn người khác trong cản nhận những châu báu của thế gian do Đức Chúa Trời đem lại, cũng là ngừơi đau khổ nhất, bởi ham muốn tột bậc, ham muốn suốât đời tìm gặp người tri kỷ mà không bao giờ gặp hoàn toàn, không bao giờ được ôm trọn vẹn. Với Hàn Mặc Tử nếu thơ được làm bằng “hai mặt: lạc quan và bi quan thì “người thơ cũng vậy”, sung sướng tột cùng, đau khổ tột cùng, vượt lên trên thiên hạ, vượt ra ngoài hư linh. Cho nên, sung sướng và đau khổ là hai mặt của hạnh phúc được sáng tạo của nhà thơ.
Cũng chính vì vậy, với Hàn Mặc Tử, “người thơ” đã là xứ giả của trời và đất, là chất kết dính, là đường dây nối liền mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời với thiên hạ.
Suy cho cùng, qua quan niệm về “người thơ đã nêu ở trên Hàn Mặc Tử cho ta rõ một mô hình thơ: Đức Chúa Trời-người thơ-người ta (cả và thiên hạ). Đức Chúa Trời , như đã nói ở trên, phải chăng là cuộc sống, và “người ta” chính là bạn đọc?
3. Về nghề thơ
“Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên” (Chế Lan Viên- Tựa Điêu tàn). Chúng ta hiểu với Hàn Mặc Tử điên đồng nghĩa với khác thường, phi thường mà trước tiên thuộc số mệnh, danh dự và thiên chức của người thơ, sau nữa, thuộc cơn đau sáng tạo.
Thơ là nghệ thuật thuộc phương thức trữ tình, chủ yếu bộc lộ thế giới nôi tâm của nhà thơ trước cuộc sống. Vì thế “thơ khởi phát tự lòng người” (Lê Quý Đôn) muốn làm thơ “hãy xúc động cho ngòi bút có thần” (Ngô Thì Nhậm). Như vậy, thơ là tiếng nói của tình cảm nhưng tình cảm phải đến độ cháy bỏng mới thành thơ. Hàn Mặc Tử tiếp tục khẳng định một cách “phi thường”, tiếp tục làm rõ độ cháy bỏng ấy của tình cảm khi nhà thơ cảm nhận và thể hiện của cuộc sống – khi làm thơ: ‘Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui buồn giận hờn đến gần đứt sự sống”, “Khi ngòi bút tôi đã thấm nhuần những ý nghĩ cao cường, truyền sang bởi điện tinh truyền của của trí tuệ, tôi phơi lên mảnh giấy thanh sạch này những tình cảm nóng ran, tràn trề và thơm lựng”, “Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng… nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ, tôi phản bội lại tất cả những gì lòng mà tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật…Nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên… Tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú”. Nghĩa là:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút,
Mỗi vần thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da.
( Rướm máu)
Quả thật, Hàn Mặc Tử đã dựng lại được quá trình đã làm thơ, một quá trình khó khăn phức tạp, căng thẳng, tràn đầy những cảm xúc và suy tư trái ngược, xô đẩy níu kéo, dằn co nhau-một sự thống nhất đầy mâu thuẫn giữa tình cảm và lý trí, giữa “chiêm bao và cõi thực” của nhà thơ. Đó là một quá trình, như có người nói “lên đồng”, “nhập thần” và như Hàn Mặc Tử nói: “phát điên”, “khóc”, ‘gào”, “rú”… của nhà thơ. Quá trình này càng mãnh liệt sâu sắc thì trang viết càng giàu chầt thơ. Như vậy, Hàn Mặc Tử hiểu rõ cơn đau-làm thơ, cơn đẻ ra những trạng thái kỳ lạ, tạo nên những xung đột chưa từng có, sự phi thường từ cái bình thường nhất.
Đã có biết bao nghệ sĩ viết về cơn đau sáng tạo của mình. Nhưng có thể nói, chưa một ai đau nổi đau này một cách cực điểm, quằn quại tâm hồn, vật vã thân xác-cái đau mang “tầm vũ trụ” như Hàn Mặc Tử. Nhà thơ đã từng bọc bạch: “như có ma lực vô song xô tôi đến bờ huyền diệu… không cầu nguyện nữa mà lòng tôi rực lên cảm hứng… ngoại cảnh đã xâm lấn xác thịt và linh hồn tôi. Bao nhiêu là tinh anh của non sông đều xông vào tôi rút hết tình tiết của tôi. Tôi có thể bảo đấy là một lối thần giao cách cảm-mà ngoại cảm hay thâm tâm đồng xáo động, bởi dây khoái lạc vô ngần. Và, có thể say mê đến điên dại bắt chước Lý Bạch… vồ trăng trên mặt nước”.
Với Hàn Mặc Tử, làm thơ, ấy là lúc thần trí thi sĩ thăng hoa, bay tản đi chỉ còn lại linh hồn trong “cõi mộng”, nơi “cực lạc giới”, nơi “suất thế gian”, để từ nơi ấy “toàn thân thi sĩ rung động như một sợiï đường tơ”. “Sợi đường thơ” ấy xuất hiện trong chiêm bao-cõi ảo mà rất thực. Bởi lúc ấy, như Hàn Mặc Tử đã nói “có ai nhìn thấy hai hàng nước mắt rưng rưng của tôi không?”.
Thế là ta đã rõ “chiêm bao rã rời trong khi ánh sáng sự thực rọi tới. Bây giờ, ngoại cảnh và nội tâm điều hòa rung lên những nhịp tiêu thiều thanh bai…” “nhịp tiêu thiều thanh bai” là thơ đó. Thơ đi ra từ “chiêm bao và sự thực”, vai trò của chiêm bao-vô thức, nơi lý trí của con người không kiểm soát được, trong khi làm thơ, với Hàn Mặc Tử quan trọng biết nhường nào. Không có vô thức, thơ ông không ra đời được, và, nếu có xuất hiện thì không còn là thơ như thơ ông mà ta đang có. Chính vì có cõi chiêm bao, thơ ông mới trở nên kỳ ảo: đi ra từ tâm linh, có nhạc và hoa, có lãng mạng và siêu thoát, có âm vọng thánh kinh.
Tóm lại thơ, người thơ, nghề thơ trong quan niệm của Hàn Mặc Tử, ở phương diện nào cũng đều là sự tiếp tục quan niệm mỹ học của Đông-Tây, xưa-nay. Thế nhưng “sự khác thường” trong quan niệm về thơ “không giống người thường” trong quan niệm về thơ, “tức là điên” trong quan niệm về làm thơ của Hàn Mặc Tử đã ở một cấp độ riêng, rất Hàn Mặc Tử; cấp độ tột cùng, đỉnh điểm, cấp độ vô biên, tuyệt đích. Cấp độ này đi ra từ ba biển lớn đầy giông bão của đời ông: bệnh tật, tình duyên và “cách mạng mà ông không tự biết là cách mạng” (Chế Lan Viên)

Chú thích:

(1) Từ đây nếu không có chú thích rõ thì những đoạn trích là của Hàn Mặc Tử, được lấy từ các bài văn xuôi như Thơ, Quan niệm thơ, Chiêm bao và sự thực… và một số bài thơ.
(2) Dục tình
Tác giả: Phan Quỳnh Nga;
Nguồn trích: Văn nghệ quân đội.- 1999.- Tháng 3 (2026);
KHPL: BĐ.04(91)






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 21:53:15)


Những năm tháng đau đớn của Hàn Mặc Tử



Phan Cao Toại



Mãi đến năm 1941, y học mới phát hiện DDS, thuốc đặc hiệu điều trị bệnh phong. Tuy nhiên trong bệnh phong, dù không được điều trị hay điều trị muộn, người bệnh vẫn không chết vì bệnh này mà chỉ bị tàn phế tay chân hoặc ở mặt. Tiếc rằng Hàn Mặc Tử đã phạm sai lầm khi sử dụng các loại thuốc có nhiều độc chất. Ngày nay, không còn là tứ chứng nan y và hy vọng sẽ bị tiêu diệt vào năm 2000. Người viết bài này là một thầy thuốc đã nhiều năm làm việc với bệnh nhân phong, mang chút hiểu biết ít ỏi của mình trình bày cùng bạn đọc và cũng xin xem đây là nén nhang tưởng nhớ thi sĩ tài ba Hàn Mặc Tử.

Cho đến nay, sau năm mươi tám năm ngày mất của thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh Hàn Mặc Tử, nhiều người vẫn chưa hiểu tường tận về căn bệnh cũng như cái chết thương tâm của nhà thơ. Các tài liệu để lại nói về quãng đời của ông thật ít ỏi và cũng không nhất quán. Song, có một điều có thể khẳng định được, thời gian phải sống trong bệnh tật ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sáng tác của ông. Vậy Hàn Mặc Tử đã mắc bệnh gì, quá trình chữa trị ra sao và cuối cùng chết vì nguyên nhân gì. Căn cứ vào những tài liệu có được ở Bệnh viện phong Quy Hòa (Quy Nhơn), nơi nhà thơ trút hơi thở cuối cùng, qua tiếp xúc với ông Nguyễn Bá Trí em ruột nhà thơ, ông Nguyễn Văn Xê bạn bệnh và nữ sĩ Mai Đình, bạn thơ một thời của Hàn có thể đi đến kết luận: Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong nhưng lại chết vì suy kiệt.
Dựa trên cơ sở khoa học về bệnh phong, thời gian ủ bệnh của bệnh này vào khoảng sáu năm (có thể dài hơn). Hàn Mặc Tử bị nhiễm bệnh này vào khoảng 1929-1930. Trong gia đình Hàn từ trước cho đến thời gian Hàn bị bệnh không có ai mắc bệnh này, như vậy là Hàn đã bị lây từ một nguồn lây nào đó. Bệnh phong không di truyền, khó lây nhưng vẫn là bệnh truyền nhiễm . Vì thời gian ủ bệnh khá lâu nên khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của bệnh, phải hiểu rằng người bệnh đã bị nhiễm bệnh khá lâu trước đó. Trong thời gian ủ bệnh, dĩ nhiên có sự biến đổi đáng kể về tâm sinh lý. Sự biến đổi này ở Hàn Mặc Tử được ông Nguyễn Bá Tín mô tả: “Anh thay đổi cả tâm tính lẫn hình thể, sống nội tâm xa vắng…”, và vì có những chuyện buồn trong gia đình (anh ruột Hàn bị chết vì tai nạn, gia đình đang trong tình trạng túng quẫn), Hàn rơi vào tình trạng buồn bã, u sầu, luôn luôn bị ám ảnh bởi những nỗi đau nhân thế. “ Càng bị ám ảnh nặng nề hơn khi nghe tin thiếu nữ từng hòa đàm với tôi vì chuyện buồn của gia đình mà quyên sinh…” (Nguyễn Bá Tín, Hàn Mặc Tử, anh tôi) Ông sống trong những ảo ảnh kỳ lạ, tràn đầy yêu thương và đau xót. Cảm giác bay bổng đó có thể hiểu như là một thể nhẹ của bệnh tâm thần và nhờ sống trong hoàn cảnh đó, Hàn Mặc Tử đã xuất thần cống hiến cho đời những áng thơ hay. Tình trạng tâm lý này còn diễn biến suốt quá trình bệnh lý của Hàn Mặc Tử.
Có người nói, sở dĩ Hàn mắc bệnh phong vì có lần ông đi chơi với Mộng Cầm ở Phan Thiết bị mắc mưa, phải trú vào một chòi tranh trong nghĩa địa gần một ngôi mả mới. Quan niệm này không đúng bởi lẽsự thối rửa của xác chết không phải là nguyên nhân gây bệnh phong.
Sau khi có những biểu hiện của bệnh phong, khoảng đầu năm 1935, gia đình Hàn rất lo lắng, liền mời một ông thầy đông y đến bốc thuốc. Ông này chẩn đoán Hàn bị bệnh phong và nói rằng trong máu có chất độc. Lúc bấy giờ, bệnh phong bị xếp vào tứ chứng nan y: phong, lao, cổ, lại. Bệnh phong ở đây gồm một khái niệm rất rộng và mơ hồ từ những biểu hiện nhẹ trên da như nổi mề đay, ngứa ngáy cho đến bệnh phong (Lèpre) do vi khuẩn Hanxen gây nên. Cho nên, ông thầy đó chỉ cho một liều mười thang bổ huyết khu phong, một liều thuốc không hề có tác dụng diệt khuẩn mà có tác dụng giải mẫn cảm nên bệnh tình của Hàn không thuyên giảm.
Mặc dù biểu hiện cuả bệnh phong khá rõ như hai tai, thùy châu bắt đầu song đỏ, nhưng Hàn vẫn cảm thấy bình thường. Thêm một điều nữa khiến nhà thơ không lo lắng gì về bệnh tật của mình, đó là việc ông Bửu Đông lấy máu ở tai xét nghiệm nhưng không có vi khuẩn Hanxen. Điều này cũng khá phù hợp với diễn biến của bệnh phong trong giai đoạn đầu. Có thể vào thời điểm đó, Hàn bị bệnh phong thể BT, thể có ít vi khuẩn. Muốn xác định thể này, ngoài xét nghiệm tìm vi khuẩn còn phải xét nghiệm tế bào học.
Giữa lúc bệnh tình bộc phát, Hàn cho xuất bản tập Gái quê và nhận lời làm chủ biên cho tờ Phụ nữ Tân văn ở Sài Gòn. Vì các triệu chứng quá rõ, Hàn phải lo điều trị cho khỏi trước khi vào nhận việc. Người thứ hai xem mạch kê đơn cho Hàn là một ông thầy thuốc người Hoa ở Gò bồi (Tuy Phước). Ông này cho Hàn uống thuốc tể, dặn kỹ càng về liều lượng và cách sử dụng.
Uống được chừng hai tuần, các triệu chứng bay đi gần hết, chỉ còn hai thùy châu phơn phớt hồng.Vì nôn nóng muốn vào Sài Gòn sớm, Hàn đã rút ngắn thời gian điều trị, uống gấp đôi liều. Hàn đâu biết, đó là thứ thuốc làm từ các loại nọc rắn nên có lần uống xong, Hàn lão đão, cong người, ngã vật xuống đất. Quan niệm lấy độc trị độc của các ông lang thời bấy giờ đã làm hư hỏng các phủ tạng của người dùng thuốc, đặc biệt là gan và thận, gây nên hiện tượng ngộ độc thuốc trường diễn, hậu quả cơ thể không có khả năng hấp thu, dẫn đến suy kiệt. Có thể nói, việc Hàn dùng quá liều thuốc có nọc độc của ông lang ở Gò bồi đã dẫn đến cái chết oan uổng của ông không lâu sau đó.
Trải qua hàng loạt những điều trị sai lầm của ông lang, khi Hàn được đưa vào Bệnh viện phong Quy Hòa, ông đã ở trong tình trạng suy kiệt. Hồ sơ của ông mang ký hiệu 1134, ngày vào viện 20/9/1940 với chẩn đoán: “Bệnh phong thể nhiều vi khuẩn”.
Ông Nguyễn Văn Xê kể lại: Hàn không thể đi lại một mình, mỗi lúc ra ăn cơm phải có người dìu đi và ở thời kỳ này, Hàn chỉ sáng tác duy nhất bài thơ Sự trong sạch của tâm hồn (La pureté de l’âme) dành tặng các xơ. Ông mất lặng lẽ vì suy kiệt lúc 11h ngày 11 tháng 11 năm 1940, hưởng dương 28 tuổi. Hồ sơ ghi là bệnh kiết lỵ, nhưng theo sự suy đoán của chúng tôi, đó là tình trạng suy kiệt quá nặng do cơ thể không còn khả năng hấp thu.
Điểm qua quá trình diễn biến bệnh tật của nhà thơ để tìm ra nguyên nhân làm ảnh hưởng đến quá trình sáng tác của ông, nhiều người nói thơ ông siêu thoát, thơ ông nghiêng về mô tả nỗi đau, mô tả trăng. Những điều Hàn thể hiện trong thơ phần nhiều đều do bệnh tật ảønh hưởng.
Bệnh phong là căn bệnh mà vi trùng có thể xâm nhập hệ thần kinh, đặc biệt là thần kinh ngoại biên như thần kinh của chân tay, thần kinh cổ. Mỗi khi có sự hiện diện của vi khuẩn trong dây thần kinh, các tế bào có thẩm quyền miễn dịch (tức là tế bào bảo vệ, chống vi khuẩn) sẽ đến bao vây. Hậu quả là đường dẫn truyền của dây thần kinh bị tắc nghẽn, dây thần kinh sưng to và nếu không được điều trị , phía dưới khúc nghẽn sẽ bị hư hại và đó là nguồn gốc của sự tàn phế. Ngày nay, để giải quyết những cơn phản ứng làm dây thần kinh sưng to, người ta dùng loại thuốc làm giảm khả năng hoạt động của các tế bào miễn dịch, chủ yếu dùng Corticoide. Nhưng thời đó, cả thuốc chống phong lẫn Corticoide đều chưa được phát minh, những người mắc bệnh phong phải chịu cả hai hậu quả do cơn phản ứng gây nên: đó là nỗi đau đớn đến cùng cực và sự tê liệt các dây thần kinh mà hậu quả sau cùng là mất cảm giác.
Cơn đau do viêm dây thần kinh là cơn đau rất sâu, nhức buốt ngày này qua tháng khác. Trong quá trình điều trị cho người bệnh trong những năm gần đây tại Bệnh viện phong Quy Hoà, mặc dầu đã cho bệnh nhân thuốc giảm miễn dịch, thuốc giảm đau nhưng phần lớn người bệnh trong cơn phản ứng đều không chịu đựng nổi. Họ phải vật lộn, cắn xé và có người đã tự tử. Với Hàn Mặc Tử, năm 1938, 1939 là những năm ông đau dữõ dội nhất. Chúng ta có thể thấy nhà thơ phản ánh nỗi đau ấy khá rõ trong thơ mình. Theo ông Nguyễn Bá Tín, trong thời kỳ này, ông sống nửa mơ nửa thật, có lúc mơ mơ không biết gì. Tuy nhiên, Hàn âm tầm chịu đựng nỗi đau để rồi có lúc ông quằn quại trong thơ qua các bài Cô Liêu, Những giọt lệ, Hồn là ai với những đoạn:
Hồn đã cắn, đã cào nhai ngáu nghiến
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Ông sống trong hoản loạn, đau đớn như có một bóng ma luôn ám ảnh và cảm thấy cô đơn đến tột cùng. Nhiều bài thơ ông viết trong thời điểm ấy, khi đọc lên giúp ta hiểu rõ tâm trạng ông:
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu
Ngày nay, trước những đau đớn, người ta phải tìm đến thuốc giảm đau, thuốc an thần. Vào thời điểm đó, người ta phải tìm cho mình con đường riêng để thoát ra khỏi thực tại. Những lúc quá đau đớn, Hàn Mặc Tử đã thoát vào thơ, biến đổi cõi thực sang cõi mộng. Ông mơ mình đang sống trong cõi tiên và đã giúp ông sáng tác Quần-tiên-hội cùng mối tình huyền hoặc với Thương Thương. Và những khi từ mộng quay về thực, khoản nghĩ hiếm hoi giữa các cơn đau, ông sống thong dong bình tĩnh với những vần thơ nhẹ nhàng, tình tứ không mang dấu ấn bệnh hoạn.
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che nghiêng mặt chữ điền
Có một điều rất dễ nhận thấy trong thơ Hàn, đó là ông viết rất nhiều vế trăng.
Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá
Nàng cũng trăng mà ta cũng trăng
Hoặc:
Trăng nằm sóng sõai trên cành liễu
Đợi gió thu về để gió rơi
Hoặc:
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuông vàng dưới đáy khe
Nhiều người thấy tần số những câu thơ, bài thơ về trăng xuất hiện khá nhiều trong thơ Hàn, nên đã đặt câu hỏi, trăng có ảnh hưởng gì đến bệnh tình của Hàn. Quá trình sáng tác của Hàn gắn liền với quá trình chịu đựng đau đớn nên có thể hiểu ông viết những bài thơ, vần thơ có trăng vào những đêm trăng sáng. Đặc điểm của bệnh phong là chỉ thương tổn những dây thần kinh ngoại vi (tay, chân, cổ), những nơi không có quần áo che phủ, hay nói cách khác những nơi có nhiệt độ thấp hơn nơi khác trong cơ thể. Những đêm trăng sáng, không khí lạnh hơn, những đêm không trăng hay trăng bị mây chia khuất. Đó chỉ là hiện tượng bức xạ nhiệt bình thường vì những trảng cát ở Quy Nhơn ban ngày hấp thụ nhiệt rất nhanh, ban đêm mất nhiệt cũng rất nhanh, tạo nên sự chênh lệch về nhiệt độ. Bên cạnh đó, Quy Nhơn nằm trong một thung lũng, ngày đón gíó biển, đêm gió núi thường rất lạnh. Vì vậy, những đêm trăng sáng, Hàn Mặc Tử phải chịu nổi đau nhiều hơn và do đó, tần số những ý thơ về trăng xuất hiện cũng nhiều hơn.


Nguồn trích: Văn hóa - Văn nghệ công an.- 1999.- Số 3 (2025)
KHPL: BĐ.04(91)
============================






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 21:55:58)


Hàn Mặc Tử anh là ai



Chế Lan Viên


Bây giờ Hàn Mặc Tử nằm trên một điểm cao Gành Ráng, đối diện với bể Đông, bể chói lòa như thơ Anh và giông bão tựa đời anh. Nằm với trăng sao như Anh từng mơ ước .
Với sao sương anh nằm chết như trăng.
Dưới kia là thành phố Quy Nhơn (những thành phố miền Trung thường có các nhà thơ ở trong và biển mé ngoài. Thành phố của mẹ già nuôi anh “cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế” của chi Lễ “Chi cũng trăng mà em cũng trăng” của em Hành đem cơm đem cơm cho anh suốt bốn năm trời Anh phong hủi và trước khi vào Quy Hòa, để qua đời trong đó, nghe đâu, Tử đã sụp lạy cảm ơn em, Quy Nhơn thành phố của bạn bè, của bóng dáng tên tuổi những người yêu, cũng là nơi Tử phải trốn chui trốn nhủi để khỏi bị bắt đưa vào trại cùi trong núi. Nhưng Quy Nhơn đối với Nghĩa Bình, đối với cả nước là nơi anh viết những trang thơ ngời chói, máu và nước mắt đời Anh đã khúc xạ đã biến hóa, đã hóa kiếp, thăng hoa. Kết tụ thành trăng sao:
Chỉ có trăng sao là bất diệt
Cái gì khác nữa thảy đi qua
Thôi cả cuộc đời bi thảm của Tử, dù bi thảm đến đâu cũng đã qua rồi. Cái còn lại là những bài thơ đã từ thời Anh đi thẳng vào “thời đại lớn”
(chữ của Bác - tin) rồi hôm nay từ “thời đại lớn” về với chúng ta.
Một mai kia ở bên kia nước ngọc
Với sao sương anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm
Bậy nào, sao lại không? Hôm nay có hàng vạn rồi hàng vạn chục tấm lòng đến cùng Tử đấy.
Tôi không trở lại đời riêng của Tử, ai đã yêu Anh ngắn ngày ai đã yêu Anh dài hạn, và ai Anh chỉ yêu cái bóng, ai Anh yêu cái tên vì chưa thấy mặt bao giờ. Tôi nghĩ bây giờ sống dậy, gặp tất cả những người đẹp ấy, chắc có lẽ Anh đều biết ơn, người này cho Anh ơn nghĩa, người kia cho Anh vết thương, và chính vì vết thương mà con trai đáy bể làm ra viên ngọc.
Tôi cũng không vào cuộc đời (gọi là cách mạng đi) của Tử. Cách mạnh chứ sao! Chính Tử đã dùng hai chữ ấy ở Gái quê in năm 1936 tả “Một nhà cách mạng bị tống giam” viết thư cho vợ:
Thương em không dám nghĩ
Đương lúc nước nhà nguy

Sống chung cùng kẻ nghịch
Hổ thẹn đến ngàn cây
Cuộc đời cách mạng, mà Anh không tự biết là Cách mạng ấy còn dài hơn cả thời gian Rim-bô, Véclen, Bô-đơ-le (Rimbaud, Ver-laine, Baudelaire) và cả Huygô tham gia Ba-lê Công xã Pháp. Tử, dưới biệt hiệu Phong Trần, từ những năm 30-31 đã được cụ Phan Bội Châu ca ngợi, họa thơ cùng. Cụ viết đại ý: “Từ về nước đến nay, được xem nhiều thơ văn quốc âm song chưa được bài nào hay đến thế. Hồng nam nhạn bắc, ước ao có ngày gặp gỡ bắt tay cười to một tiếng cho thỏa hồn thơ đó.” Tử đã ra Huế thăm cụ, bị mật thám Pháp theo dõi, và do thế bị gạch chân trong danh sách những người được đi Pháp học. Vào Sài Gòn làm báo Tử dịch thơ tình của Mác, bênh vực Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan. Về Quy Nhơn, khi chớm có bệnh hiểm nghèo, cuối 1936 Tử đã cộng tác cùng anh Nguyễn Minh Vỹ, đảng viên cộng sản vừa ở tù ra, in giai phẩm Nắng xuân, trong đó có bài Ông Nghi gật, Tử đánh vào Viện Dân biểu thời Pháp thuộc (vừa đăng lại ở sông Hương).
Cho dù Hàn Mặc Tử có cuộc đời bệnh tật, cuộc đời tình duyên, cuộc đời cách mạng ly kỳ, giữ dội gấp trăm lần, nhưng ba hòn núi cao ấy cụm lại không đẻ ra được một cái cây, một bóng mát thơ nào, ba trái núi ấy không đẻ ra được con chuột nhắt thơ nào, thì việc gì ở đây ta phải dông dài. May thay Tử là một đỉnh cao, lòa chói trong văn học trong văn học của thế kỷ. Cho nên cũng không mất công đâu khi vì văn Anh mà tìm hiểu thân thế, đời Anh:
Hàn Mặc Tư có tài rất sớm. Tản Đà đã định khen thơ Anh trên báo nhưng rồi tiên sinh qua đời. Làm một bài như bài Cửa sổ đêm khuya, đọc lui, đọc ngược sáu cách, Tử rất giỏi:
Hoa cười nguyệt rọi cửa lòng gương
Lạ cảnh buồn tham nợ vấn vương
Tha thướt liễu in hồ gợn bóng
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương
Xa người nhớ cảnh tình lai láng
Vắng bạn ngàn thơ rượu bẽ bàng
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá
Hoa dàn sẵn có dế bên tường
Đọc xuôi, đọc ngược, bỏ hai chữ đầu đọc xuôi, bỏ hai chữ cuối dọc xuôi, bỏ hai chữ đầu đọc ngược, bỏ hai chữ cuối đọc ngược. Tử làm bài ấy lúc 17,18 tuổi, cũng là một cách xem thường tài vua Tự Đức “chả mấy giỏi” hơn mình. Sau này, có lúc Tử tự xem mình là “vua nhà Nguyễn” (Nguyễn Trọng Trí là tên anh) “bay trên mây”, cái mầm mống phạm thượng biết đâu không bắt đầu từ lúc làm thơ thuận-nghịch độc ấy.
Tử có rất sớm, trong khuôn khổ gò bó trói voi bỏ rọ của thơ Đường luật mà có, cái khả năng Thượng thanh khí hoá, (tên một tập thơ của anh về sau) tâm tưởng tâm hồn hoá:
Tương tư, mộng thấy năm canh mộng
Luyến ái trời vương bốn phía trời
Cái khả năng thế tục hoá, da- thịt- hoá:
Bóng nguyệt leo song, sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn
Khả năng kỳ ảo, ma-quái-hoá cũng xuất hiện rồi:
Mở cửa nhìn trăng trăng tái mặt
Khép phòng đốt nến nến rơi châu
Đấy không phải là thủ thuật, kỹ thuật, những cách bên ngoài. Hoặc, nếu là thế thì cũng nhờ có một cái cốt thế nào đó, một cấu trúc tâm hồn thế nào đó ở bên trong. Hàn Mặc Tử, lúc đó còn lấy tên Phong Trần, tên Lệ Thanh đi về, qua lại giữa trời và đất, cảnh và người, thực và hư… rất thoải mái. Hơi văn lúc thì thu cả cảnh vật vào trong dúm chữ: “Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt” lúc thì văn chương chữ nghĩa tuột ra khỏi lòng như một tiếng kêu, một ngọn gió, nhát dao: “Vội vàng cánh nhạn bay đi tuốt”. Năng lực đàn hồi ấy cũng khá rõ ràng. Nhưng phải có cơn bão máu, trận hồng thủy tai ương, những động đất tâm – hồn, những phun lửa tình yêu kinh khủng về sau thì các khả năng kia mới lên cái thế bình phương, rồi lập phương như ta thấy. Từ năm 1936 đến năm 1940, nghĩa là sau khi rời Sài Gòn ra Gái Quê, về Quy Nhơn thọ bệnh, cho đến lúc vào Quy Hòa và mất, Anh đã làm quá trình một thế kỷ về thơ (1935- 1939 cũng là thời kỳ tôi học ở Quy Nhơn, giới thiệu, dìu dắt tôi vào thơ là công anh lúc đó). Từ một nhà thơ biến ngẫu theo lối cổ phương Đông, anh đã hiện đại như những nhà thơ hiện đại nhất Châu Âu, (chỉ so với Ang-đrê Brơtông, ông tổ siêu thực không thôi cũng đủ thấy rõ). Hơn nữa, thiên hạ hiện đại bằng óc, bằng lời, còn anh thì bằng máu :
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mưa máu ra
Văn học cần những vấn đề chung, phổ biến cho nhân loại. Nhưng oái oăm chưa, nó lại đòi cái người nói nó đó là một cá nhân, một bản lĩnh, một sắc thái riêng, không giống ai chỉ có một bản duy nhất, không lặp lại hai lần (nói thế chứ trong văn học người ta vẫn na ná nhau khối ra đấy!). Hàn Mặc Tử thì không. Anh chỉ có một, thật. Như một Rimbô của Pháp, một Holderlin của Đức, một Et-ga-pô của Mỹ, một Bồ Tùng Linh của Trung Quốc, một Mai-a-kốp-xki (trước cũng như sau cách mạng tháng Mười) của Liên Xô.
Chúng ta cần có người đã trăng là trăng. Nhưng cũng cần có người vượt lề thói tập toàn mà còn xẻ trăng ra làm hai nửa. Vầng trăng ai xẻ làm đôi (Kiều). Cần truyền thống lại cần biến dị, cần nói điều chưa ai nói (nguời ấy không nói thì ta mất đi, ta nghèo đi cái điều đặc biệt duy nhất người ấy nói ra).
Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
Ta nhớ mìnhxa thương đứt ruột
Không phải ma thuật kỹ thuật gì của óc đang lạm phát ngôn từ. Lòng có bị cắn đôi, đời có bị tan vỡ, tình có bị đứt đoạn, nghĩa là một thâm sử gì làm trử kim, làm đảm bảo, thì mới có thể phát ra các từ kia.
Người Trung Quốc xưa đánh giá thơ nào thâm, nào chân, nào viên, nào cao, nào tân…nhiều thứ lắm. Tân là (mới).
Nhưng sau tân lại còn tân của tân nữa, đó là kỳ (lạ).
Tóc dài ba nghìn tượng
Vì sầu nên hoá dài
(Lý Bạch)
Bốn dây ứa máu tỳ bà
Và đêm nay hồn anh về ngủ thắt lưng em
(Dân ca H’ mông)
Mái nhà dài như một tiếng chiêng. Tóc nàng dài đến nỗi thả ra thì xuốâng tận đất như một thác nước và che bóng râm như một cây K’ nia (Dân ca Tây Nguyên) hay khi Nguyễn Du tả ma: dấu giầy từng bước in rêu rành rành thì đều là “kỳ” đấy, đều là siêu đấy! Mà nào ta có mất thực đi đâu. Ta được có một cách khác ở một cường độ khác.
Người Châu Âu đẩy cái kỳ đến cái cùng, và kỳ cùng chữ thì yếu tố nó thành chủ nghĩa thành ra “isme”. Chủ nghĩa siêu thực còn có tên là romatisme jus quáu bout (chủ nghĩa lãng mạn đến cùng) rượu trên 100 độ. Thế thì chết! Chúng ta chống chủ nghĩa siêu thực. Chống siêu thực ở dạng chủ nghĩa, ở độ 100 ấy, trương lên thành ngọn cờ tướng chỉ huy. A-ra gông. E-luy-a, các vị tổ sư , vị tướng từng phất ngọn cờ ấy đã vứt nó, để trở thành đều là người lính, rồi sau là chủ soái trên thi đàn hiện thực xã hội chủ nghĩa, khi đã thành nguyên soái của thi đàn sau này, các ông vẫn sử dụng các yếu tố siêu thực, sử dụng siêu thực như yếu tố, cho cái hư ảo nó phục vụ hiện thực mình. Và sung mãn hơn lên vì vậy. Chân chân chân, thật thật thật nhưng lại còn đi với ảo ảo ảo nữa. Diệu ơi. Hàn Mặc Tử không phải là một nhà thơ siêu thực. Trước sau Anh vẫn là lãng mạn, dùng nhiều yếu tố hiện thực, dùng nhiều yếu tố siêu thực. Đó cũng là điều trước đây cha ông đã dùng. Nhưng chưa có ai dùng đậm đặc như Anh. Dù đó là Lê Thánh Tông ở Di Thảo, Nguyễn Dữ ở Truyền Kỳ Mạn Lục, Nguyễn Du ở Chiêu hồn hay lúc tả Đạm Tiên, nên nhìn trước nhìn sau Anh là của hiếm ở đất nước nên luôn luôn cần tỉnh thức nên hóa ra quá tỉnh táo là đất nước mình. Trên thế giới thì lại khác? Cần chống lại với cái không khí duy lý đến cùng, duy lý đến cùn, duy lý quá quắt của thời đại máy móc, kỹ thuật, biểu đồ, thống kê, công thức này các nhà văn Châu Aâu rất mê chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo (réalism fantas-ma gori-que) của Châu Mỹ La Tinh, trong đó các yếu tố kỳ, hư, ảo, ma quái, huyền thoại, siêu thực đã được phát huy để nuôi hiện thực. Au-tu-ri-as. Các-pên-chi-ê, Mác-két (Astui-as, Car-pentier, Marquiez) đã được đánh giá cao và hâm mộ ở Liên Xô. Tử trong thời gian chúng tôi chỉ thấy anh nói vềBaudel-lare, chớ Lô-trê-a-mông, G-ra dơ Néc-van (Lautréamont. Gé-rard de Nerval). Anh cũng ít nói đến, chỉ nói là Brơtông (Brơton). Anh có biết hay không chủ nghĩa siêu thực? Chắc là không. Giờ bảo anh có xa gần với cái họ hàng đầy biến động, thích biến động, luôn biến hóa đó, có khi anh giận cũng nên! Anh chỉ nói “Một mai tôi chết lên khe Ngọc Truyền! Bây giờ tôi dại tôi điên. Chắp tay tôi lạy cả miền không gian”
Hay Tôi điên tôi nói như người dại
Van lạy không gian xóa những ngày
Và anh giải thích vì đâu mà điên, bởi đâu mà dại:
“Nghĩa là tôi yếu đuối quá. Tôi bị cám dỗ. Tôi phản lại những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. Và nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên. Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú”.
Càng chứng tỏ là siêu thực của anh không phải từ sách vở ra, từ Châu Aâu đến mà từ thảm kịch của anh mà ra. “Nàng” ở đây không phải cô con gái nào đâu! Nàng đau thương đấy. Tử thường đọc Bô-đơ-le:
Sois sage ô ma douleur et tiens-toi plus traquille
(Hãy ngoan hỡi em đau thương và em đứng yên nào)
Tử bảo anh khóc, anh gào, anh rú, Tử quên mất (và chúng ta cũng quên heo) là anh cười nữa chứ:
Ha ha! Ta đuổi theo trăng
Ta đuổi theo trăng
Trăng rơi lả tả ngã ngã trên cành vàng
Hoặc:
Hôm nay vui quá, anh Phùng ơi
Cười nói làm sao cho hả hơi
Mà cười được thế là không điên đâu, chả dại chút nào! Anh chả thèm làm thơ của sự chết, của hư vô, như những người viện Heiddeger, viện Jas-pers, rồi dán cho anh nhãn hiệu có dấu âm, có hơi âm ấy.
Đầu câu bên này là tiếng cười ha hả, đầu câu bên kia lại là cuộc đời bi thảm vào bậc nhất. Giá tiếng cười ấy đắt lắm, chứ đâu phải thứ nhởn nhơ cười, hể hả cười của chúng ta đâu.
Xin dâng này máu đang tươi
Này đây tiếng khóc giọng cười chen nhau
Ta có chịu nghe tiếng cười đắt giá đó không? Và có khôn lõi ném tiếng khóc kia đi hắt cái máu kia đi, chỉ loc lấy tiếng cười đưa vào tuyển tập, đã vô trùng hóa? Nhưng nghe tiếng khóc kia thì ta có bị nhiễm độc gì không? Ngược lại giữ gìn bịt tai không nghe nó, thì ta có bị thiệt thòi gì…
Ồ mấy chục năm trời đánh nhau với những tên giặc quỷ sứ khổng lồ, ta lắm lúc phải trị lấy ta, rồi mới đánh được giặc. Luyện chúng ta từ bùn, từ bùn thành ra sắt thép là vô cùng cần thiết. Nhưng xong giặc rồi, cậu bé Phù Đổng phải nhanh chóng trở lại làm hồn nhiên con trẻ chứ. Thế thì mới đủ sức hóa thành sắt thép lần sau. Đó là quy luật ức chế và hưng phấn của Páp lốp thôi, chả có gì lạ.
Những năm tháng trọng đại đó, ta cần tỉnh thức nên sợ cả mộng mơ thiếp ngủ. Chỉ chợp mắt một tí thôi, có khi đê vỡ, giặc tràn. Huống nữa là cái đê tư tưởng!-Đồng chí Lê Duẩn bảo: “Nhiều người, hai người, một người, cá nhân, lứa đôi, tập thể”. Nhưng những năm ấy, không có tập thể, nhiều người thì mất mạng, nên có khi ta cảnh giác lúc chỉ có hai người, lúc trơ trọi một người. Tố Hữu viết “Đêm cuối năm riêng một ngọn đèn” thì đã có nhiều người không muốn có riêng và một ấy. “Con người”, ta hích nó giữa đội hình đồng đội, tập đoàn, hơn thế, lại là đội hình đang chiến đấu và tập đoàn đang sản xuất. Ta ưa nó ở thế động, hành động, lao động với tất cả ý chí, reo hò, vỗ tay đôm đốp và ta ngại nó khi tĩnh lặng, khi xúc cảm. Có xúc cảm thì cũng là xúc cảm phấn khởi, chứ hay chi cái xúc cảm buồn? Ôi! Tử ơi, thế mà Tử lại cùng cực đau buồn
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn thổi trong cây
Còn em sao chẳng hay gì cả
Ta không hay, hoặc là không muốn hay, không dám hay. Ta không hay rằng các con người ngoài vấn đề xã hội lịch sử mà ta quan tâm, trước tiên là rất đúng, lại còn mỗi người có một thân phận, một cuộc đời riêng. Mác hơn Karl Gia-xpe chỉ biết con người trong đau khổ, trong chiến đấu, trong tội lỗi và đối diện với cái chết. Theo ông đó là cái điểm “cực” của kiếp người. Con người theo ông chỉ giao động thăng trầm giữa yêu đương và thù hận. Mác cũng cao hơn Phật, chỉ thấy sinh, lão, bệnh, tử và giao động, thăng trầm bởi vô-thể tham sân si. Ôi, chết mà có tiền thì cũng sướng đấy. Bệnh mà thuộc một giai cấp quý tộc giàu sang thì cũng khỏi bệnh ngay. Trăm năm trong cõi người ta, “hữu” tại thế, tại cõi thế này thì không phải chỉ sinh khổ, bệnh khổ, lão khổ, tử khổ mà còn không tiền nên khổ, khổ vì Tư bản và tột cùng của chủ nghĩa tư bản là đế quốc là nơ-tơ-rôn. Nhưng chỉ biết “tổng hòa các quan hệ xã hội” thì không hiểu Mác. Mác bảo “cái gì thuộc về người, với tôi đều không xa lạ”. Thế mà Tử yêu, Tử đau, Tử bệnh tật, Tử ở trong cô đơn, Tử đối diện cùng cái chết lại xa lạ với ta ư? Thảo nào A-ra-gông hỏi “Trăm năm sau người ta có thể biết Bô-đơ-le không nhỉ? Và ông nổi cáu “nếu người ta không biết Bô-đơ-le thì tôi cần cóc gì biết đến người ta”.
Đo từ ngọn cỏ tới cung trăng
Những sợi hào quang vạn thước vàng
Bắt bắt thơ bay trong gió loạn
Để xem tình tứ nặng bao cân
Ồ, tại sao tôi lại hình dung ra những nhà phi hành vũ trụ của ta như Phạm Tuân có thể đọc các câu ấy. Ở cái thời điểm này của nhân loại mà cái chết khinh khí nhiệt hạch có thể đến mọi nhà, mà chuyện các thiên hà trăng sao cùng chuyện của các cháu bé cấp một, thế thì Hàn Mặc Tử đau có lạc lõng gì.
Trở lại vấn đề con người một tí. Vì nói gì thì nói, ở đâu, thơ văn nào cũng là chuyện về nó đấy thôi. Một quyển sách nổi tiếng trên thế giới là “Người, kẻ chưa ai biết ấy”. Cố nhiên là biết, nhưng mới ở vòng ngoài. Nhìn ngoài nó liền một cục. Nhưng mà nó có một đâu. Khoa học bảo nó là hai ghép lại An na de Noailles thì bảo nó là vô số. Coeur Innombrable nữa kia. Cố nhiên là ở nội tâm. Nơi Cao Bá Nhạ tìm thấy “trong một mình bảy tám biệt ly”. Nghĩa là vẫn không phải là một. Ở người, dưới nó, còn nó, bên cạnh nó, lại nó, đằng sau nó, còn có nó (mà nó ngỡ yêu tinh).
Bóng ai theo rõi bóng mình
Bóng nàng yêu tinh
Nụ cười như tiếng vỡ pha lê
Hãy đi sau vào thơ Tử, vào một tế bào của thơ Anh một chút. Gần 50 năm nay ta đã động gì đến anh đâu. Không khéo, thì đây là lần đầu tiên mất… về vấn đề mình và ai, một mình, hay hai mình đó, có lúc Tử viết:
Ai đi lẳng lặng trên làn nước
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi
Mà sao ngậm cứng thơ đầy miệng
Không nói không rằng nín cả hơi
L’homme-cetinconnu, người, cái kẻ bí mật ta chưa biết hết ấy rồi đây. Hàn Mặc Tử đã kể cho Quách Tấn, và họ Quách đã viết lên trên báo đây là một hiện tượng rất thật. Một đêm khuya vắng một mình Tử còn ngồi ngắm trăng bên bể. Bổng anh thấy có một ai đó ngồi khít rịt bên anh. Rồi từ người đó lại hiện ra người nữa. Rồi biến đi. Rồi thấy mặt bể đông lại như tuyết. Trên bể có một người vạm vỡ mặc áo lông gánh hai thùng thiết chạy băng băng. Từ hai thùng tung tóe ra những máu là máu. Tử hoảng sợ chạy về nhà.
Rainer Maria Rilke, thi hào Tiệp của cả thế giới thế kỷ này, khi viết Bi-ca ở Đuy-nô (Elégie de Dui-no) đã chú thích “đọc bởi một kẻ vô hình”. Hoàng Trung Thông năm ngoái bảo tôi “mình uống rượu nhiều nên bị bệnh huyện tưởng, mình nghe ai nói trong quạt máy” (xin nói anh vẫn viết hay như thường) Bệnh tâm thần, ta vội kết luận và đưa nó cho các nhà y học, phân tâm học. Hãy dừng lại đa.õ Tôi nhớ đến một ví dụ mà các nhà hiện tượng luận đồ Huýt-xéc hay nhắc. Có một bệnh nhân nghe tiếng nói kiểu ấy. Bác sĩ không tin. Người bệnh cáu ‘tin hay không mặc ông nhưng rõ ràng tôi nghe thấy”. Các vở kịch viết về Gian đa của Pháp đâu có loại việc nữ anh hùng “nghe” như trên. Mặt kệ y học, về thơ ta hãy thử đếm xỉa đến hiện tượng ấy. Nó là gì. Vì Tử đau yếu chăng! Không, theo tôi chính là Anh rất khỏe cái hồn thơ anh rất khỏe. Chả là cô đơn, chả là hư vô, chả là cái chết chập chờn ở trong phòng bệnh, và ở giữa đêm trăng này muốn thủ tiêu Anh mà không được. Anh là một. Nó muốn Ze-rô-hóa Anh, hư-vô hóa Anh cho không còn dấu vết. Nhưng Anh đau chịu thua. Anh hóa hai hoá ba mình ngồi cạnh mình, hơn theá mình mình lại vạm vỡ ra, nở nang lên gánh chạy, gánh cái máu đời mình, chạy trên cái bể thảm kịch của đời mình. Cũng là một cách đối chọi! Hơn gấp trăm lần cái phương pháp ngắm bóng mình dưới giếng của Nác-xít đến héo mòn, hủy diệt đi không còn tồn tại ở kiếp người.
Nếu ta hiểu cho sự đối phó ấy của Tử thì Hồn của anh chả có gì hồn ma, hồn ma bóng quỷ hay là cái linh hồn của Chúa thổi vào trong đất sét là ta… “ta khạc hồn ta ngoài cửa miệng”… Hồn đó là sản phẩm anh tạo ra. Tạo ra, lại dắt nó đi chơi nữa: “dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay”. Anh có bạn. Hàn Mặc Tử không còn thụ động là sản phẩm trong bàn tay thượng đế, hơi phạm thượng đấy, nhưng vui chứ, đỡ cô đơn chứ. “Khạc hồn ra cho hồn cao vang đến muôn trượng”.
Và bỗng dưng từ thơ tôi nhớ đến khoa học, đến nhà khoa học vĩ đại của nhân loại Anh-xtanh. Ông nói: “Cái điều đẹp nhất mà ta có thể cảm giác được chính là cái khía huyền bí của một đời. Đó là tình cảm sâu xa ở trong nôi của nghệ thuật và khoa học thật sự”. Nhà khoa học thật sự thì tương đối yêu sự diệu huyền và nuôi đứa trẻ ấy trong nôi, thế sao ta, nhà văn nghệ còn bấp bênh lại muốn tuyệt đối chỉ yêu cái một là một, hai là hai rõ ràng, chớ không thể một vẫn hai được?.
Đi công tác ở các nước phương Tây, tôi thường gặp anh chị em Việt kiều xa nước lâu ngày, gặp anh chị em di tản nữa, các anh chị hỏi “cách mạng đối với Hàn Mặc Tử ra sao?” ra sao ư? Cách mạng đã đón di hài của vua Duy Tân về nước vừa rồi; cách mạng cũng đón thơ của Tử như vậy! Cách đây từ những ba muơi năm, tại đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai năm 1957 lúc đất nước mới chỉ có tự do một nửa thù trong giặc ngoài làm cho Tổ quốc ta ở trong thế ngặt nghèo, thế mà nói về vấn đề tiếp thu di sản, đồng chí Trường Chinh đã nói:
“Cần nhận ra rằng văn nghệ cách mạng của chúng ta là kẻ kế thừa tất cả những giá trị văn nghệ do các thời đại trước tạo ra. Chúng ta có nhiệm vụ giữ gìn và phát triển tất cả di sản của dân tộc và cũng có chúng ta mới làm nổi công việc đó”.
Hai lần đồng chí dùng đến chữ tất cả, 57-87. Ba mươi năm chiến tranh cũng chiến tranh rồi, hòa bình cũng hòa bình rồi, nếu không tiếp thu Tử bây giờ còn đợi đến lúc nào! Giao cho con cháu tiếp thu thì cháu con sẽ lên án chúng ta thôi, sao cái gì cũng dồn cho chúng nó. Chúng nó còn bao nhiêu việc. Huống nữa tiếp thu Tử là lợi cho ta chứ lợi gì cho Tử đã chết đầy nửa thế kỷ.
Anh Trường Chinh dặn tiếp : “Việc uốn nắn lại những thái độ hẹp hòi máy móc đối với những giá trị văn nghệ cũ không những có tác dụng sửa chữa những thái độ bất công đối với nhiều tác phẩm mà còn có tác dụng mở rộng con đường cho sáng tác văn nghệ hiện thời”. Thực là chí tình đạt lý. Và tôi tin là việc tiếp thu Tử, như anh Trường Chinh nói đó, với văn nghệ hiện thời sẽ có tác dụng mở rộng con đường. Hỡi những người mỗi bước đi cứ sợ nhầm đường.
Sự thừa kế tác phẩm của Tử sẽ làm cho tim ta nhân tính hơn, óc ta co dãn đàn hồi hơn, và cái nhìn ta không đơn giản mà trở nên đa dạng và phong phú.
Ô kìa, bây giờ đối diện với bể Đông trên điểm cao Gành Ráng, mộ Tử bỗng dưng ngời chói, vua nhà Nguyễn gần đó đang lụi tàn. Nguyễn Trọng Trí là Tử đâu có thừa nhận thứ vua ấy. Dù cơ cực đến mấy, Tử vẫn tin ở cái ngôi sáng tạo của mình. Anh mới là vua chứ và anh bay tìm gặp:
Ta đi tìm mộng tầm xuân
Gặp vua nhà Nguyễn bay trên mây
Rượu nắng uống vào thì say
Rực rỡ như một vị vua
Đầy mình lốm đốm những hào quang
Nghĩa là anh không chấp nhận sự huỷ diệt, sự cát bụi hoá anh như lời nguyền rủa: “Từ cát bụi mi trở về cát bụi”. Nghĩa là anh tin ở sức sáng tạo bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng của anh. Đồng thời tin chúng ta sẽ đánh giá đúng tài năng “siêu” ấy.

Nguồn trích: Văn Nghệ Bình Định.- 1998.- Số 18 (Xuân Mậu Thìn);
KHPL: BĐ.04(91)






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 21:58:01)


"Nhớ Trường Xuyên"
một bài thơ đặc sắc về tình bạn của Hàn Mặc Tử



Mai Văn Hoan


Nhà thơ Quách Tấn kể lại rằng ông có một người tình tên là Liên Tâm “phong thái xinh tươi, văn chương thanh nhã”. Quách Tấn không dám để lộ cho Hàn Mặc Tử biết phần vì ông có cảm giác “sờ sợ như một anh chồng ngoại tình đi chơi về khuya”, phần vì ông không muốn khoe cái hạnh phúc của mình trong lúc bạn đang lâm vào căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng có ai đó đã báo cho Hàn Mặc Tử biết mối quan hệ “khăng khít” giữa Quách Tấn và Liên Tâm. Tử bèn gửi cho Quách Tấn một bức thơ có ý trách móc, kèm theo bài thơ “Nhớ Trường Xuyên”
Trường Xuyên ơi! Trường Xuyên ơi!
Viết chẳng nên câu nói nghẹn lời
Mây nước bao la tình lẳng lặng,
Gió sương mờø mịt nhớ chơi vơi.
Tương tư mộng thấy năm canh mộng,
Luyến ái trời vương bốn phía trời.
Đây nhớ đây thương mình tệ quá.
Có ai khăng khít lại quên ai!
Nếu không biết Trường Xuyên là một bút hiệu của Quách Tấn thì nhiều người sẽ lầm tưởng đây là một bài thơ viết về tình yêu trai gái. “Nhớ Trường Xuyên” cho ta biết nỗi khao khát tình cảm của Hàn Mặc Tử. Tử trách bạn, hờn ghen bạn như trách móc hờn ghen một người tình. Bài thơ vừa thiết tha vừa nghẹn ngào vừa chân thật vừa say đắm. Tôi đã đọc hàng chục bài thơ viết theo thể Đường luật của Hàn Mặc Tử trong đó có những bài khá hay như “Buồn thu”, “Thức khuya”, “Chuyến đò ngang”… nhưng không hiểu sao vẫn thích nhất “Nhớ Trường Xuyên”. Có thể nói đây là một thơ viết về tình bạn văn chương đặc sắc của Hàn Mặc Tử.
Khi bình “Tây Tiến” của Quang Dũng tôi rất tâm đắc câu: “Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi…”, không ngờ Tử còn “nhớ chơi vơi” trước cả Quang Dũng. Tất nhiên cũng là “nhớ chơi vơi” nhưng ở mỗi bài thơ có một sắc thái riêng. “Nhớ chơi vơi” của Quang Dũng gợi lên cảnh núi rừng gắn với tình đồng chí, đồng đội trong đoàn quân Tây Tiến. Còn “nhớ chơi vơi” của Hàn Mặc Tử là nỗi nhớ về người bạn thơ tri âm, tri kỷ mà “gió sương mờ mịt” đã che khuất bóng hình. Nỗi nhớ “chơi vơi” của Tử thật là tội nghiệp. Tử như đang rơi vào chân không… khoảng cách bây giờ trở nên vời vợi “mây nước bao la, tình lẳng lặng”. Nếu ở “Buồn thu”, thi sĩ:
Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi”
Thì ở “Nhớ Trường Xuyên”, ngược lại :
Tương tư mộng thấy năm canh mộng,
Luyến ái trời vương bốn phía trời”.
Riêng về luật bằng, trắc thì đây là hai câu đối thanh vào loại chuẩn mực nhất:
BB TT BB T
TT BB TT B
Điều ấy chứng tỏ Hàn Mặc Tử sành điệu thơ Đường luật đến mức nào. Nhưng điều đáng nói hơn ở đây là cách sử dụng từ ngữ. Các từ “tương tư”, “luyến ái” thường chỉ dùng để diễn tả nỗi nhớ và tình yêu đôi lứa. Hàn Mặc Tử viết về tình bạn văn chương mà như đang viết về tình yêu đôi lứa. Phải chăng Tử vẫn coi Quách Tấn như “tình nhân” của mình? Mà đã coi Quách Tấn như tình nhân thì Tử có quyền “ghen”, có quyền trách móc, hờn dỗi Quách Tấn như trách móc, hờn dỗi với một tình nhân khi biết người mình yêu đang “ngoại tình” với người khác.
Đây nhớ, đây thương mình tệ quá
Có ai khăng khít lại quên ai
“Mình tệ quá” lời trách có phần nặng nề. Người ta nói có yêu mới ghen, càng yêu lại càng ghen. Hàn Mặc Tử vì quá yêu Quách Tấn nên mới giận dỗi đến như thế. Tử trách bạn “có mới nới cũ” có Liên Tâm nên hờ hững với mình. Phải là người khát khao tình cảm đến mức độ nào mới giận hờn như thế.
Trong lịch sử văn học từ xưa đến nay, thơ viết về tình bạn không hiếm. Đỗ Phủ có hai bài thơ viết về chuyện nằm mơ thấy Lý Bạch rất nổi tiếng (“Mộng Lý Bạch”). Lý Bạch cũng viết khá nhiều về tình bạn trong đó phải kể đến bài “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng lăng”. Ở ta, cùng thời với Hàn Mặc Tử - Quách Tấn có cặp: Xuân Diệu- Huy Cận. Họ là bạn “nối khố” của nhau, thuỷ chung với nhau cho đến trọn đời. Hồi ký của hai người đã phần nào nói lên điều đó. Trong tập “Lửa thiêng”, Huy Cận có bài “Vạn lý sầu” rất hay:
Người ở bên trời ta ở đây
Chờ mong phương nọ ngóng phương này
Tương tư đôi chốn tình ngàn dặm
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây.
Nắng đã xế về bên xứ bạn
Chiều mưa trên bãi nước sông đầy
Trông vời bốn phía không nguôi nhớ
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay
Cơn gió hiu hiu, buồn tiễn biệt
Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày
Chiếu chăn không ấm người nằm một
Thương bạn chiều hôm sầu gối tay
Ở đây, Huy Cận cũng dùng từ “tương tư” để diễn tả nỗi nhớ. Nhưng cả bài thơ vẫn chủ yếu nói về tình bạn. Quách Tấn trong “Mộng thấy Hàn Mặc Tử” cũng như vậy:
Ôi Lệ Thanh ! Ôi Lệ Thanh!
Một giấc trưa nay lại gặp mình
Nhan sắc châu pha màu phú quý
Tài hoa trổ bút nét tinh anh
Rượu tràn thú cũ say sưa chuyện,
Hương tạ trời cao bát ngát tình
Tôi khóc tôi cười vang cả mộng…
Nhớ thương đưa lạc gió qua mành
(“Mùa cổ điển”)
Bài thơ “bát ngát tình” nhưng là cái “bát ngát” của tình bạn. Còn “Nhớ Trường Xuyên” của Hàn Mặc Tử không chỉ đơn thuần là tình bạn văn chương. Bất cứ trai, gái nào đang hờn ghen với người mình yêu cũng có thể mượn “Nhớ Trường Xuyên” của Tử để bày tỏ tình cảm của mình, chỉ cần thay Trường Xuyên bằng tên người yêu là đủ. Với Hàn Mặc Tử “Nhớ Trường Xuyên” còn là cách trêu đùa. Tử vốn lành nhưng nghịch ngầm. Biết Quách Tấn đang mê Liên Tâm, Tử hờn ghen bạn cho vui. Hơn ai hết Tử biết không bao giờ Quách Tấn vì tình mà bỏ bạn.


Nguồn trích: Nha Trang.- 1998. Số 49 (tháng 7-8) (2023);
KHPL: BĐ.04(91)
======================






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 21:59:08)


Tình yêu của Hàn Mặc Tử



Nguyễn Viết Lãm


Nhà thơ Hàn Mặc Tử qua đời đã 50 năm, nhưng ánh sáng của ngôi sao ấy ngày càng rực rỡ trên bầu trời văn học của chúng ta. Thường những bậc thiên tài dễ bị người đời sau phủ quanh bằng huyền thoại. Ở trường hợp Hàn Mặc Tử, ông đã biến thành một nhân vật lúc thì ly kỳ, lúc lại dung tục quá xa với sự thật. Vở cải lương Hàn Mặc Tử vừa được chiếu hai lần trên màn ảnh truyền hình (do Đài truyền hình Cần Thơ xây dựng) là thí dụ điển hình của sự xuyên tạc một lịch sử chưa xa đối với chúng ta, hạ thấp nhân cách của nhà thơ lớn, xúc phạm đến danh dự của những người thân yêu của Hàn Mặc Tử hiện đang còn sống.
Nhà thơ Chế Lan Viên và tôi đến với Hàn Mặc Tử từ năm 1936, khi chúng tôi đang học trường Quốc học Quy Nhơn và bắt đầu làm thơ và viết báo. Trong bốn năm liền sống gần anh tôi hiểu về anh khá rõ, nhất là về những mối tình của anh.
Độ ấy, Hàn Mặc Tử thôi làm báo ở Sài Gòn về Quy Nhơn ở với mẹ, cũng chính là lúc anh vừa trãi qua một bi kịch lớn trong tình yêu. Đó là tình yêu đối với Mộng Cầm. Trong năm 1935, anh thường đi từ Sài Gòn ra Phan Thiết để gặp Mộng Cầm, cùng đi chơi với nhau thăm các danh lam thắng cảnh. Lầu ông Hoàng nơi hai người hay đến đã được Hàn Mặc Tử đưa vào thơ (Phan Thiết-tập xuân như ý). Chị Mộng Cầm lớn hơn tôi 5 tuổi, bạn học với tôi hồi ở lớp nhất tiểu học tại Quảng Ngãi, là cháu họ của chị Ngọc Sương và của nhà thơ Bích Khê, quê ở Thu Xà, cùng tỉnh. Mộng Cầm vào Phan Thiết, nơi có trường tư thục của cậu và dì. Đây là mối tình sâu sắc nhất của Hàn Mặc Tử, cho nên khi Mộng Cầm phụ bạc vì thấy anh mắc bệnh hiểm nghèo, anh rơi vào một nổi tuyệt vọng thê thảm:
Họ đã đi rồi không níu lại
Lòng thương chưa đã, mến chưa bao,
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
Toàn bộ ba chương trong tập thơ Đau thương của anh đều ghi lại nổi đau vô tận ấy. Có khi anh cố lẫn tránh hình ảnh thương yêu từng làm cho lòng anh tan nát, như câu thơ trong bài Trường tương tư, nguyên được viết: Mộng Cầm ơi… - đến lúc cho in, anh đổi lại là Lệ Kiều ơi, em còn giữ ý thơ.-Nhưng cũng có khi đau quá anh gọi thẳng tên người yêu như trong bài Muôn năm sầu thảm.
Nghệ ơi Nghệ muôn năm sấu thảm,
Nhớ thương còn một nắm xương thôi
(Nghệ là tên thật của Mộng Cầm)
Từ năm 1936, Mộng Cầm đi lấy chồng, không còn gặp Hàn Mặc Tử bao giờ nữa. Trong vở cải lương nói trên, có cảnh Mộng Cầm đến nhà Hàn Mặc Tử, cũng như cảnh Mộng Cầm đến bệnh viện gặp lại Hàn Mặc Tử, đều là những cảnh bịa đặt cả. Điều xúc phạm nhất ở đây là dựng lên cảnh hai dì cháu giành nhau để chiếm đoạt người yêu, với những lời nói dung tục. Thật là quá đáng!
Mai Đình cũng không bao giờ gặp Mộng Cầm tại nhà Hàn Mặc Tử. Chị quê ở Thanh Hóa, theo cha vào làm việc ở Phan Thiết. Năm 1937, chị ra Quy Nhơn tìm gặp Hàn Mặc Tử chỉ vì yêu thơ anh và thương anh sống trong nổi đau vừa về tinh thần vừa về cơ thể. Lúc ấy, nhà thơ của chúng ta đã bị bệnh phong rõ rệt, hai má có nhiều vết đỏ, lông mi rụng gần hết. Thời kỳ ấy ai cũng ghê sợ căn bệnh nan y này, chỉ những bạn thân của anh, mới đến với anh mà thôi. Mai Đình bất chấp cả hiểm nguy, vượt lên trên mọi dư luận, đã đến với Hàn Mặc Tử với một tình cảm đằm thắm đầy hy sinh. Lúc đầu, Hàn Mặc Tử không tiếp chị. Chị đã khóc, chưa biết bằng cách nào được gặp anh. Sau, Quách Tấn chuyển cho Hàn Mặc Tử bài thơ của Mai Đình, có đoạn:
- Còn anh em đã biết anh đâu,
Chỉ cảm vần thơ có những câu
Âu yếm say sưa đầy cả mộng,
Xui lòng tơ tưởng lúc đêm thâu…
Nhà thơ cảm động với tấm chân tình của chị. Mai Đình ở lại chăm sóc anh rất tận tụy, đem tất cả vốn liếng ít ỏi của mình để giúp đỡ anh. Thật là một mối tình thơ hoàn toàn vị tha và vô tư, một tâm hồn đẹp. Thời gian Mai Đình ở với Hàn Mặc Tử chỉ có mấy tháng chứ không phải tám năm như trong vở cải lương đã nói. Sau đó, vì những khó khăn riêng trong gia đình nhà thơ, chị phải từ biệt anh và không còn gặp nữa.
Mãi đến năm 1941, Mai Đình mới lên đèo Quy Hòa thăm mộ anh. Từ sau khi giã từ Hàn Mặc Tử, đời chị gian nan lắm. Năm 1941 trong buổi tôi nói chuyện về Hàn Mặc Tử tại thành phố Sông Cầu, chợt thấy chị bên ngoài cửa sổ, tôi hẹn chị ngày hôm sau xin gặp, nhưng chị không trở lại. Lòng tôi bâng khuâng không biết cuộc đời dành cho con người có tâm hồn đẹp đẽ ấy chút may mắn nào không. Năm 1955, tôi bất ngờ thấy Mai Đình trong sân sau cơ quan Hội văn nghệ Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, trước nhà Chế Lan Viên. Tôi vui mừng được biết chị đã có gia đình hạnh phúc, bản thân chị là chiến sĩ thi đua ngành ngân hàng Nhà nước.
Năm 1938, nhà thơ Bích Khê ra thăm Hàn Mặc Tử tại Quy Nhơn. Lúc ấy, bệnh phong đã cách ly nhà thơ lớn với xã hội, anh càng thấm nổi cô đơn. Bích Khê thương bạn, tặng anh một tấm ảnh Bích Khê chụp chung với Ngọc Sương, chị ruột mình, nói thêm rằng Ngọc Sương quý Hàn Mặc Tử lắm và rất khen thơ anh. Bích Khê thầm có ý muốn tạo cho Hàn Mặc Tử một nguồn an ủi mới, dù hoàn toàn trừu tượng. Ngày ấy, Ngọc Sương đã yêu anh Lạc Nhân, một nhà phiếm luận nổi tiếng trên báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Chị không hề hay biết việc làm này của em trai mình. Nhưng Hàn Mặc Tử lại có tình yêu xa vời mường tượng đối với chị. Anh viết.
Ta đề chữ Ngọc trên tàu lá
Sương ở cung thiềm gió chẳng thôi
Tình ta khuấy mãi không thành khối
Như giận đòi phen cắn phải môi…
Bài thơ này chị Ngọc Sương chỉ biết khi được Mai Đình chuyển cho chị một năm sau. Hình ảnh chị bị xuyên tạc hoàn toàn trong vở cải lương nói trên.
Ngọc Sương chưa trực tiếp gặp Hàn Mặc Tử bao giờ, lại càng không có chuyện tranh giành người yêu với cháu mình để sau tuyệt vọng bèn đi tu thành bà phước! Tháng 8 năm 1990, tôi có dịp đến thăm chị tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, với tuổi 78 và sau nhiều lần bị giam cầm trong nhà tù của Mỹ-Ngụy cùng với chồng vì hoạt động cách mạng nội thành, Ngọc Sương vẫn tinh lợi, yêu đời và tin tưởng. Con gái chị, Thu An, là trong mười một cô gái bị đày ra Côn Đảo được đưa về Hà Nội sau ngày giải phóng. Đầu năm 1940, nhà văn Trần Thanh Địch, bạn thân của Hàn Mặc Tử gửi từ Huế vào cho anh bức ảnh của Thương Thương cháu gái mình giới thiệu là người rất yêu thơ của Tử. Cô gái ngay thẳng dịu hiền ấy mới 12 tuổi em của Trần Tái Phùng, một trí thức gia đình nho phong ở Huế. Việc làm của Trần Thanh Địch mang ý nghĩa như việc làm của Bích Khê, thương bạn nên muốn tạo một tình cảm mờ ảo nào đó giúp cho bạn bớt nổi đau cô đơn. Nhưng đối với Hàn Mặc Tử, Thương Thương đã trở thành biểu tượng của một tình yêu thánh thiện. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 1940, anh đã viết liền 3 tác phẩm xuất sắc: tập thơ Cẩm Châu duyên (trước gọi là tập Thương Thương), hai kịch Thơ duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội, anh dành cho cô thiếu nữ chưa hề gặp ấy một tình yêu đằm thắm. Cho đến lúc nghe tin gia đình Thương Thương trách cứ về chuyện này, Hàn Mặc Tử bỏ dở tác phẩm cuối cùng không viết nữa, dù anh Trần Tái Phùng viết thư khuyên anh tiếp tục hoàn thành bản thảo.
Về tình yêu của Hàn Mặc Tử, cũng cần nói thêm về mối tình đầu của anh, trước cả khi gặp Mộng Cầm. Đó là tình yêu tuổi hai mươi đối với Hoàng Cúc, con một vị Thương tá ở Quy Nhơn, một tình yêu trong sáng với một chút bâng khuâng thơ mộng chưa có gì sâu sắc. Hình ảnh Hoàng Cúc anh ghi lại trong tập thơ đầu của anh: Gái quê. Năm 1935, ở Sài Gòn về, biết Hoàng Cúc đã về Huế theo gia đình, Hàn Mặc Tử cảm thấy như một sự phụ tình, anh viết:
Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi kết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ
Mối tình đầu này như gió thoảng, chưa thiết tha sâu đậm đến mức khổ đau như trong vở cải lương đã nói. Năm 1939, Hoàng Cúc gửi cho anh một chiếc bưu ảnh phong cảnh thôn Vĩ Dạ (Huế), khiến cho anh xúc động như là một hoài niệm. Anh viết bài thơ: Đây thôn Vĩ Dạ rất nổi tiếng. Có tài liệu cho rằng bài thơ này Hàn Mặc Tử viết trên tấm ảnh Thương Thương, thật ra bài thơ được viết năm 1939 sau khi nhận bưu ảnh kỷ niệm của Hoàng Cúc, còn Thương Thương bước vào đời thơ của Hàn Mặc Tử mãi tận đầu năm 1940.
Những mối tình của Hàn Mặc Tử trong cuộc đời khổ đau của anh vừa thực vừa hư, thực đến não nùng tuyệt vọng như đối với Mộng Cầm, hư như sương khói, mơ hồ như đối với Ngọc Sương và Thương Thương, nhưng tất cả đã để lại cho đời thơ của Hàn Mặc Tử những tác phẩm tuyệt vời trong nền văn học. Hiện nay, Mộng Cầm, Mai Đình, Ngọc Sương đều còn đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh, Hoàng Cúc, Thương Thương đều ở Huế. Riêng chị Hoàng Cúc người phụ nữ đức hạnh ấy đã gửi thân vào cửa thiền từ rất trẻ. Đối với nhà thơ lớn ấy chúng ta cần hiểu đúng với sự thật của đời anh.

Nguồn: Nguyễn Viết Lãm, Tuyển tập H; 1997
NV/Đ 37.520
========================================






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 22:01:13)


Thế giới kinh động của Hàn Mặc Tử




Trần Tuấn Kiệt


Nhà thơ với cuộc đời đau thương có một không hai này, tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Sinh ngày 22-9-1912 ở Lệ Mỹ (Đồng Hới). Ông làm thơ từ thuở nhỏ. Lấy hiệu là Phong Trần và Lệ Thanh, trong những năm mười sáu tuổi. Vốn ở Qui Nhơn từ nhỏ. Cha mất sớm, nhà nghèo. Học đến năm thứ ba ở trường Qui Nhơn, kế đó mắc bệnh hủi, đưa vào nhà trường Qui Hoà rồi mất ở đây, ngày 11-10-1940.
Ông từng chủ trương tờ phụ trương văn chương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mặc Tử.
Đã đăng thơ: Phụ nữ Tân văn, Saigon, Trong khuê phòng, Đông Dương tuần báo, Người Mới.
Đã xuất bản : Gái quê (1936)
Thơ Hàn Mặc Tử (1959) gồm có: Thơ Đường Luật, Gái Quê, Đau Thương, Xuân Như Ý.
Tất cả các thi phẩm này được nhà xuất- bản Tân Việt in lại (1959). Càng ngày thơ Hàn Mặc Tử càng được phổ biến rộng và có nhiều người say sưa. Phần nhiều những người mê thơ Hàn Mặc Tử, lớp thanh niên ngày nọ... thường lê thê lếch thếch, ở các hè quán, dơ bẩn và điên loạn ... họ điên loạn để tỏ ra giống Hàn Mặc Tử, họ bày đặt đau thương khốn đốn, thơ thì dùng chữ cho sáo, cho kêu, tiếc rằng không tìm được một Hàn Mặc Tử thứ hai để cho mình chiêm ngưỡng.
Ngày nào còn bình tĩnh tôi chỉ thích đọc thơ Xuân Diệu, thơ Lưu Trọng Lư với những linh hồn sầu mộng muôn đời đó, cũng như những người làm thơ hôm nay... cái nhẹ và cao sâu của Trần Dạ Từ, Đỗ Quí Toàn và những bài thơ lục bát của Trần Đức Uyển vậy... nhưng, lúc tỉnh cũng như lúc điên... giòng thơ Việt với đôi hình sắc lạ thường rẽ thành hai nẻo... cùng hướng vọng về ân sủng của Thượng Đế, chỉ có Huy Cận ngày xưa, không cầu mong Thượng Đế điều gì, vì thi nhân mang cả cái linh hồn trần gian này mà trả lại cho Người. Nhưng đến lúc sầu hận điên đảo khôn nguôi, tôi tìm trở về với Ôn Như Hầu... với Chế Lan Viên... và nhất là với Hàn Mặc Tử. Thơ không vốn để vỗ về lấy đau thương của ai cũng không phải để nói lên cái đau khổ, mà để tạo lập một vũ trụ, một cõi mới lạ... điều đó có người bạn thơ tôi đã nói. Tôi đồng ý vì thật tình đã nghĩ như thế, nhưng còn thêm... cõi nào cũng vậy... tiếng nói của Loài Người cả đấy thôi... thì dù ở đâu, ở hoang đảo nào, ở một thế giới nào đi nữa, chúng ta vẫn cắm lều cô độc, chúng ta vẫn đến cái đỉnh chót vót của tâm hồn tẻ quạnh của ta và chừng đó hoặc là trở về cô độc, bằng thái độ sống, nếu không, thì chúng ta sẽ điên, điên như Chế Lan Viên, kinh dị như Hàn Mặc Tử và sau này trên một nguồn đó còn có nhà thơ Viên Linh với Hóa Thân xuất bản vừa rồi.
Nhà thơ đi lọc ánh sáng để gieo vần, đơn độc đắm mình trong suối ngọc cỏ thơm, trong niềm đau thương xô đẩy đến một thế giới trăng sao lộng lẫy. Thi ca là nguồn suối ở trên cõi siêu hình đảo lộn cả mọi suy tưởng đậm đà của tình nhân gian sầu mộng. Ở đó chỉ có linh hồn thi nhân và trân châu ngọc bích của Thượng Đế. Ở đó sự kỳ lạ được nhà thơ điểm vào óng ánh tinh khí, thực thể trở thành huyền hoặc lý lẽ cõi đời không có đất nẩy mầm, cõi điên loạn dị thường được soi trong cặp kính của một vì Sáng Thế, được gảy bởi cung đàn thiên tiên bất tuyệt.
Từ lắng nghe niềm đau thương vọt máu của sự tình đến khao khát ân ái của nhục thể từ lang thang cô đơn ở trong xã hội gọi là chỗ hợp quần nầy tương trợ và thông cảm nầy...rốt lại chỉ còn vò- võ từng đêm, hoảng hốt và đau buốt xương da từ đêm trong bệnh viện Qui Hoà. Từ cõi bị đày nầy, thi nhân xưa vẫn là người tiên ở thượng giới cho đến cõi đời tạm bợ đày đoạ nầy, rồi lại bị đày thêm lần nữa ở một vũng cô liêu cũ vạn đời...
Với niềm đau thương của Hàn Mặc Tử người đời còn có thể nhắc tới. Nhưng tiếc rằng nhắc tới để cảm thấy một cuộc đời rất là say đắm...rất là khốn cùng... rất là thơ mộng!!! Chứ nào ai đã cảm nhận một con người đó vượt khỏi cái âm – u, hoang lạnh của hư vô bủa vây trùng điệp... đen tối mịt mù như một thứ mê hồn trận. Những giờ phút tê điên hồn phách, sượng sùng xương da, ở giữa một căn nhà với ngọn nến, trông ra bốn bề đêm tối bủa vây, bãi tha ma hoang lạnh. Linh hồn kinh dị đến tột cùng, choáng ngộp cơ hồ nghẹt thở... đau đớn bốc dậy cùng từng sớ thịt, từng đường gân từng mạch máu, từng phút lo âu và khẩn nguyện.
Như một kẻ lâm vào ác mộng, vũ trụ quay cuồng, vang vọng đến tiếng gọi rợn người của tử thần rình rập. Cựa quậy khôn thoát, cuối cũng thể xác đành ngã gục... đành tê điên, đành tan rã, nhưng linh hồn Người đã đến một nơi cư ngụ bình yên..
Trong đời ta ít nhất là ta đã va chạm một lần với cái chết khủng khiếp, ta mê cuồng và thét gọi; ta điên đảo và bấu víu vào đời sống nầy một cách vừa bi thảm vừa run sợ. Ít nhất là như thế... ta mới cảm thông với một người trải nhiều ác mộng, luôn luôn thấy bàn tay lông lá của tử thần vươn đến chụp xuống đầu cổ, vò bóp xương da. Cuộc chiến đấu bất lực của con người với định mệnh ác nghiệt, cuộc chiến đấu giữa thể xác tanh hôi ghì kéo linh hồn chìm ngập trong đó, và ý chí thì bay vượt lên, điểm linh hồn với cõi trú ngụ mông lung mù mịt của thế giới trăng sao huyền hoặc của thơ Người.
Thơ Hàn Mặc Tử không nên đọc trong lúc bình tĩnh, vì nó sẽ dẫn ta vào chơi vơi hoang đảo trong đêm biển mù tăm. Nhưng lúc quá đau thương, ta vào cõi thơ của người để mà lảo đảo hít làn tinh khí của trăng sao, của hoa trái thanh tân, nhìn thấy ngất trời tinh đẩu, với nỗi đau đớn lạ thường , cảm giác lạnh tê. Ở đó , ta chịu nhập hồn ta vào cõi vô cùng nọ, ta cùng lùa ánh sáng như lùa một thứ tình mộng, như lùa những làn sóng trong ngần của bầu trời tinh mơ, của biển vàng rực rỡ. Ta sẽ vơi bớt nỗi đau đớn mà cảm thấy một hồng ân, bánh mật của thượng Đế. Và kẻ nào từ chối thứ bánh mật đó, từ chối mọi ân sủng thiêng liêng đó..., cũng đừng nên than vãn cõi đời ô trọc làm chi nữa, đừng tìm làm chi nữa hạnh phúc ở trong cõi trần này. Nếu có gan liền phó mặc với triều sóng thời gian đẩy ra khơi mãi thì đừng đọc thơ Hàn Mặc Tử nữa, sẽ tự dựng lấy một thế giớ riêng , ở đó mặc tình vùng vẫy.
Nói về thơ Hàn Mặc Tử, ngẫm nghĩ lại, mình không nói được gì cả...bao nhiêu lời từ trước đến giờ như là lá cây mục, như là cỏ khô... bởi vì thơ người, quá ư tràn trề ánh sáng, nhưng lúc tắm trong vùng ánh sáng nọ, thoát nó lại biến mất... lúc ta ngỡ thơ chàng là ánh sáng thái dương thì thơ chàng lại là vầng trăng thiên cổ... lúc ta ngỡ nắm được linh hồn, nắm được bản chất thơ của Người ở cõi đời này... thì thơ chàng đâu có ... mà ta cầm nắm đâu; vì:
Người thơ chưa thấy ra đi nhỉ?
Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ.
Và chân lý mà ta thấy được ở tận cõi xa mù nào... không thể hiểu nổi nữa!


***


Nguồn trích: Phổ thông.- 1966.- Ngày 15 tháng 3 (Số 168) (2.273);
KHPL: BĐ.04(91)
==============================================






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 22:02:52)


Đọc lại “Chơi giữa mùa trăng” của Hàn Mặc Tử




Lê Huy Oanh


Những tác phẩm quan yếu của Hàn Mặc Tử gồm có : Gái Quê, Đau Thương, Xuân Như Ý, Thượng Thanh Khí, Chơi Giữa Mùa Trăng, Duyên Kỳ Ngộ, Cẩm Châu Duyên. Tất cả đều là thơ: phần lớn có vần và một ít thơ xuôi. Những tác phẩm này vẫn còn một số lớn chưa được xuất bản. Những sách đã in rồi của Hàn Mặc Tử hình như cho tới nay mới chỉ có 3 tập: a/ Gái Quê, thơ, 1936. b/ Thơ Hàn Mặc Tử, thơ, do nhà Đông Phương ấn hành lần đầu 1942, nhà Tân Việt tái bản 1959. Đây có thể coi như một tuyển tập thơ của Hàn, rút từ các sách đã in và chưa in như Thơ đường Luật. Gái Quê, Đau Thương, Xuân Như Ý. c/ Chơi Giữa Mùa Trăng, do nhà Ngày Mới in lần 1 vào năm 1941. Nhà An Tiêm tái bản 1969. Đây là một tuyển tập các bài thơ xuôi và tạp văn của Hàn .
Cuốn Chơi Giữa Mùa Trăng gồm có 10 bài:
- Các bài Chơi Giữa Mùa Trăng ( trang 10) ( *) Mùa Thu Đã Tới (trang 21), Kêu Gọi (trang 27), Khao Khát (trang 43), Tình (trang 47). La Pureté de I’ame có kèm bản dịch Việt ngữ của chính Hàn ( trang 65 và 71) đều có thể được coi mhư mhững bài tuỳ bút được viết theo thể văn xuôi thi vị hoá (tương tự như thơ xuôi).
- Hai bài “Thơ” (trang 54) và “Ra Đời” (trang 59) thuộc thể thơ xuôi thuần tuý.
- Hai bài “Quan Niệm Thơ” (trang 33) và “Chiêm Bao Với Sự Thực” có tính chất nghị luận.
- Chúng ta hãy lần lượt xét từng bài trong tập sách.
BÀI 1 : CHƠI GIỮA MÙA TRĂNG
Trong các bài thơ của ông, Hàn Mặc Tử rất hay nói với trăng. Vì sao ông đã bị trăng ám ảnh mãnh liệt như thế? Có người viện lý lý cho rằng trong trường hợp người mắc bịnh cùi, trăng càng sáng tỏ thể xác và tâm hồn họ càng bị náo động, bởi thế mà họ bị trăng ám ảnh. Riêng tôi, tôi không tin cái lý do y học đó là xác thực. Theo ý tôi, sở dĩ Hàn Mặc Tử hay nói đến trăng là vì ông rất ưa thích trăng. Sự ưa thích đó vốn có lý do của nó : ánh trăng thường tạo ra cảnh vật một vẻ mơ hồ huyền ảo rất hợp với tâm hồn ông. Hàn Mặc Tử là người ưa sống trong cảnh mộng, và ánh trăng thường hiến cho ông những cảnh mộng tuyệt vời. Trong rất nhiều bài thơ của ông ỉư tập Thơ Hàn Mặc Tử, ông đã nói tới trăng hoặc nhiều hoặc ít. Nhìn sang tập tập Chơi Gữa Mùa Trăng, bài đầu tiên, với cái nhan đề được dùng làm nhan đề chung cho cuốn sách, là một bài tràn ngập ánh trăng. Thiết tưởng chưa cần đọc nội dung bài đó, mới chỉ đọc cái nhan đề người ta đã thấy ánh trăng bao la, chứa chan ở đó rồi.
Trăng trong bài này là trăng mùa thu, nói rõ hơn nữa, trăng rằm mùa thu. Trăng lan toả trên mặt sông biến dòng sông thành một “đường trăng trải chiếu vàng”. Hai bên bờ sông cực kì êm ả với những động các và rừng xanh. Nhà thơ của chúng ta bơi thuỳen trên sông trăng. Không phải chỉ có một mình chàng, trên thuyền còn có một người nữa: chị chàng. Hai chị em bơi thuyền đi “Chơi Giữa Mùa Trăng”. Các bạn còn đợi gì, không kiếm lấy một chiếc thuyền con bơi theo họ. Đêm trăng trên sông có những gì? Trước hết là ánh trăng, dĩ nhiên, một thứ ánh sáng toả ra thật rộng. Rồi đến hương thơm mà gió thu mang tới; “một thứ mùi gì ngào ngạt như mùi băng phiến; trong ấy biết đâu lại không phảng phất những tiếng kêu rên của thương nhớ xa xưa...”.Sau nữa là cái vẻ huyền ảo tựa như trong chiêm bao:
“Thuyền đi êm ái quá, chúng tôi cứ ngờ là đi trong vũng chiêm bao, và say sưa, và ngây ngất vì ánh sáng, hai chị em như đê mê không còn biết có mình và nhận mình là ai nữa. Huyền ảo khởi sự. Mỗi phút trăng lên mỗi cao, khí hậu cũng tăng sức ôn hoà lên mấy độ, và trí tuệ, và mộng, và thơ, và nước, và thuyền dâng lên, đồng dâng lên như khói... Ở thượng tần không khí, sông Ngân Hà trinh bạch đương đắm chìm các ngôi sao đi lạc đường. Chị tôi bỗng reo to lên: “Đã gần tới sông Ngân rồi! Chèo mau lên em! Ta cho thuyền đậu ở bến Hàn Giang!”
Đi trong thuyền chúng tôi có cái cảm tưởng lý thú là đương chở một thuyền hào quang, một thuyền châu ngọc, vì luôn luôn có những vì tinh tú hình như rơi rụng xuống thuyền...”
( trang 11,12)
Chúng ta không biết rõ quả thật hai chị em Nguyễn Trọng Trí có từng chèo thuyền đi chơi sông trăng bao giờ hay không. Dầu có thật hay không thì chúng ta cũng vẫn thấy rõ ràng Hàn Mặc Tử đã vận dụng trí tưởng tượng để tạo dựng (hoặc tô diểm) cuộc “Chơi Giữa Mùa Trăng” đó thành một biểu tượng. sự huyền ảo tinh khiết của cảnh đó tượng trưng cho cõi Mộng của tác giả, bởi đối với Hàn Mặc Tử chỉ trong cõi mộng, chàng mới thấy mình lâng lâng vui sướng.
“ Sao đêm nay kiều diễm như bức tranh linh động thế này? Tôi muốn hỏi chị tôi có thấy ngọt ngào trong cổ họng như vừa uống xong một ngụm nước lạnh, mát đến tê hết cả lưỡi và cả răng? Chị tôi làm thinh - mà từng lá trăng rơi trên xiêm áo như những mảnh nhạc vàng...”
( trang 13,14)
Trong tâm trí Hàn Mặc Tử, thường có hai điều tượng trưng cho sự thanh khiết : đó là ánh trăng và thánh nữ đồng trinh Maria. Trong Chơi Giữa Mùa Trăng , Hàn Mặc Tử đã kết hợp hai sự tinh khiết đó lại với nhau:
“ Bây giờ chúng tôi đang ở mùa trăng, mở mắt cũng không thấy rõ đâu là chín phương trời, mười phương phật nữa. Cả không gian đều chập chờn những màu sắc phiếu diểu đến nỗi đôi đồng tử của chị tôi và tôi lờ đi vì chói lói... Ở chỗ nào cũng có trăng, có ánh sáng cả, tưởng chừng như bầu thế giới chở chúng tôi cũng đang ngập lụt trong trăng và đang trôi nổi bình bồng đến một địa cầu nào khác.
Ánh trăng tràn trề, ánh trăng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngả vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy đồ châu báu...
Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức bà Maria là bậc tinh truyền chí thánh. Tôi muốn sốt sắng quỳ lạy mong ơn bào chữa. Nhưng trời ơi, sao đêm nay chị tôi đẹo đẽ đến thế này. Nước da của chị tôi đã trắng, mà vận áo quần bằng hàng trắng nữa, trông thanh sạch quá đi.
Tôi nắm tay chị tôi gật lia lịa và hỏi một câu tức cười làm sao: “ Có phải chị không hở chị ?” Tôi run run khi tôi có cái ý nghĩ: Chị tôi là một nàng Ngọc Nữ, một hồn ma, hay một yêu tinh. Nhưng tôi lại phì cười và vội reo lên “A ha, chị Lễ ơi, chị là trăng mà em đây cũng là trăng nữa”.
( trang 15,16)
Bài Chơi Giữa Mùa trăng chứa đựng một trong những nguồn tư tưởng thiết yếu của hàn Mặc Tử, thứ tư tưởng trong sạch thánh thiện được biểu dương bằng ánh trăng vàng. Nó còn bày tỏ cái tư tưởng siêu thoát của Hàn Mặc tử, kẻ vốn muốn xa lánh những cảnh ô trọc, trầm luân của cuộc sống thực tế, nên thường hay tạo cho mình những cõi Mộng riêng để mà ẩn náu trong đó.
Chơi Giữa Mùa trăng là một bài văn loại thơ xuôi rất đặc sắc, cả về nội dung lẫn hình thức.
Bài 2 và bài 3 : “ MÙA THU ĐÃ TỚI” và “ KÊU GỌI”
Hai bài này cũng là thứ tuỳ bút viết bằng thứ văn xuôi thi vị hoá. Các ý tưởng được phát biểu trong bài rất rời rạc mơ hồ, đôi khi nghe như những lời mê sảng. Có ba ý tưởng đáng kể liên hệ tới hạnh phúc, tài hoa, và những phút vui vô giá.
Nói tới hạnh phúc, Hàn Mặc Tử viết:
“ Tận hưởng cái thú vị của hạnh phúc trong một phút đê mê, nghĩa là đã sống đầy đủ vậy. – Hãy cầu nguyện với vì Ác tình xuống hoạ cho người để nghe rõ tiến kêu thương, vì hạnh phúc nằm trong đau khổ”
( trang 21)
Bàn về tài hoa, Hàn Mặc Tử hạ bút:
“ Nhà nghệ sĩ bao giờ cũng điên. Tài năng thì có giới hạn. Dám đem tài mọn làm rộn nước mây. Sẽ bị mạng trời đánh ngã.- Than ôi !tài hoa là một điều tai hại”
(trang 22 – 23)
Sang bài Kêu Gọi, tác giả tuyên bố : “Lòng ta hừng hực mỗi khi nắng hanh lên. Ấy là dấu hiệu mùa thơ đã chín.” Nhân đó, ông kêu gọi : “Gặt hái cho mau, kéo ngọn thơ càng cao, người thợ càng điên dại. Nàng ơi, hãy mượn lưỡi liềm của trăng non mà hái, xin đừng dẫm lên bờ lòng ta.”
( trang 28)
Theo ý của riêng tôi, bài Mùa Thu Đã Tới cũng như bài Kêu Gọi không có gì đặc sắc. Chúng ta nhận ra những điều này: Ngưới ta vừa mới có được một bài tuyệt hay như Chơi Giữa Mùa Trăng, liền ngay đó lại có những bài rất thường. Nhưng có hề chi, cái tầm thường của hai bài sau càng làm tăng thêm vẻ đặc sắc của bài trước.
BÀI 4 : QUAN NIỆM THƠ .
Đây là một bài nghị luận mà Hàn Mặc Tử đã viết gửi cho Trọng Miên để giãi bày vài điều quan trọng trong đường lối sáng tạo của ông, bằng cách so sánh, về vài điểm, thơ ông với thơ Baudelaire.
Trước hết chúng ta nên biết qua về Baudelaire. Ông này là thi sĩ lớn của Pháp thế kỉ 19, được coi như cây cầu nối giữa hai thế giới thi ca Cũ và Mới. Ông là tác giả thi phẩm Les Fleusr du mal. một thi phẩm đã phát biểu một cách can đảm, táo bạo tất cả mọi khía cạnh tốt xấu của tâm trạng con người .
Hàn Mặc Tử cho rằng thơ ông và thơ Baudelaire có điểm đồng và điểm dị: theo nhận định của Hàn, Hàn giồng Baudelaireowr chỗ ông “đã phát tiết hết tinh lực của hồn, của máu, bằng những câu thơ ngất đi vì khoái lạc”.Nhưng chính trong cái đồng đó lại có vài điểm khác biệt. Bởi vì, theo ý Hàn Mặc tử , Baudelaire đã hiểu lộn tình cảm – hay cảm hứng (enthousiasme)-vớI dục tình (passion). Dĩ nhiên, khi Hàn Mặc Tử bảo Baudelaire là hiểu lầm, tức thị Hàn có ý tự coi mình mới là “hiểu đúng”. Đúng ở chỗ phân biệt rõ trắng đen “tình cảm” với “dục tình’. Hàn viết: “Tình cảm là sự thanh bạch hồn nhiên, không có một thú gì bợn nhơ, tội lỗi, còn dục tình là cả một sự ham muốn phi thường ngoài điều răn của Đức “ Chúa Trời”. ( trang 34)
Có một lúc, khi bàn về trách vụ của nhà thơ, Hàn Mặc Tử đã lập luận một cách rất duy tâm và khá giàu tưởng tượng nhe thế này:
“Đức Chúa Trời tạo ra trăng, hoa, nhạc hương là để cho người đời hưởng thụ, nhưng người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy, chiêm nghiệm lẽ màu nhiệm, phép tắc của đấng Chí Tôn. Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là “ thiên thần và loài ngườI ta”, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài thi sĩ. Loài này là những bông hoa rất quí và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng : phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của người, và trút vào linh hồn người ta, những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho tinh sạch”.
( trang 34,35)
Lập luận của Hàn có đúng hay không, cái đó còn tuỳ theo hạng người đọc. Nếu bạn là người cũng có đầu óc duy thần hạng nặng như Hàn thì có thể bạn sẽ coi lập luận đó là hữu lý.
Có điều, lập luận đó giúp chúng ta phân biệt được hai quan niệm sáng tác (và cũng là quan niệm sống) của Baudelaire và Hàn Mặc Tử. Baudelaire chỉ lưu ý tìm kiếm cái đẹp mà bất cần quan tâm cái Đẹp đó phát nguyên từ Thượng đế hay từ quỷ Sa- tăng. Còn hàn Mặc Tử là một người sùng đạo Thiên Chúa nên cho rằng trong vũ trụ này chỉ có Thượng Đế là nguồn phát sinh cái Đẹp mà thôi, điều gì trái với quy luật của Thượng Đế đều không còn phải là cái Đẹp.
Lý luận đó của Hàn Mặc Tử có đặc vẻ chủ quan của một tín đồ đạo giáo; Tuy nhiên, khi ông bàn tới cái “định mệnh tàn khốc” của một thi sĩ, giọng ông có vẻ phổ quát hơn:
“Bởi muốn cho loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ của thế gian này, - nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời- Người (1) bắt chúng ta phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình”.
( trang 35)
Ở đoạn cuối bài Quan Niệm Thơ, Hàn Mặc Tử có viện dẫn câu sau đây của Baudelaire:La poésie ne peut pas pêin de mort ou de décheance, s’assimiles à la sciênc ou à la morale. Elle n’a pas la vếit pour objet, elle n’a qu’elle même (2) rồi ông đả khích Baudelaire bằng những lời như sau:
“ Baudelaire nói trái nghịch vớI lẽ tự nhiên. Sở dĩ thơ văn được phong phú dồI dào, phát triển hết cả anh hoa huyền bí, và vượt lên trên những tầng biên giới tân kỳ mới cũng nhờ khoa học điểm chuyết cả. Còn luân lý là, tiêu chuẩn cho văn thơ, không có nó thì thơ văn chẳng có ra cái mùi mẫn gì nữa. Nếu để thơ trơ trọi một mình, thơ sẽ lạt lẽo vô duyên, không có phong vị gì nữa. Baudelairethuoocj về phái vô thần, nên không tin có chân lý, không nhận chân lý là tiêu chuẩn cho văn thơ. Còn Trí phải lấy Đức Chúa Trời làm Chân Lý, làm tiêu chuẩn chi văn thơ. Văn thơ không phải bởi không mà có”.
( trang 39,40)
Lại thêm một lần nữa, người ta lại được nghe cái luận điệu say sưa hăng hái đầy chủ quan của tín đồ Hàn Mặc Tử trong việc hiển dương Đức Chúa Trời.
Bài 5 và bài 6 : “KHAO KHÁT” và “ TÌNH”.
Đây lại là hai bài tuỳ bút bằng văn xuôi thi vị hoá. Bài trên bày tỏ nỗi thèm khát của tác giả đối với “ Mỹ vị của nguồn đạo ngày xưa”. Có lẽ đây là một nỗi thèm khát hoài hoài không bao giờ thỏa mãn được.
Bài dưới nói tới tình, về ảnh hưởng của những tình cảm, tình hoài đối với tác giả. Tình toát ra từ khắp nơi, ở nội giới cũng như ngoại giới con người tác giả. Nhưng cuối cùng tác giả kết luận:
“Tôi làm mất tình rồi, chừ tôi đang kiếm đây. Không biết những tiếng hát đầu mùa có gặp cùng chăng?
Thôi thôi! Đã có cô vãi non nào chận bắt tình tôi, đem về chùa đốt ra khói hương thơm”.
(trang 48,49)
Theo ý tôi, hai bài thơ này tầm thường, không có gì đặc sắc.
Bài 7 và bài 8 : “THƠ” và “RA ĐỜI”.
Bài “Thơ” là bài mà hàn Mặc Tử đã viết làm bài “Tựa” cho tập thơ Đau thương của ông. Trọng Miên đã tuyển chọn nó vào tập Chơi Giữa Muà Trăng (1941) rồi lại dùnmg nó như một bài mở đầu cho tập tuyển thơ Hàn Mặc Tử (1942). Trong thơ Hàn mặc Tử, cái nhan đề “Thơ” của bài ấy đã bị loại bỏ.
Còn bài “Ra Đời” đã được Hàn mặc Tử viết sau lễ Giáng Sinh 1939, tại Quy Nhơn, vào một ngày mà chính thi nhân cho là “rất say, rất dại và rất nhớ, rất thương”. Bài này, ngoài sự được in trong Chơi Giữa Muà Trăng còn được tuyển lựa in vào tập Thơ Hàn Mặc Tử thành bài đề tựa cho Mục Xuân Như Ý. Bài một nói về thơ bằng một ngôn ngữ rất thơ. Khi nói tới cơn đau sáng tạo của mình, nhà thơ viết :
“Tôi làm thơ?
- Nghĩa là tôi yếu đưối quá ! Tôi bị cám dỗ, tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức bí mật.
Và cũng nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên.
Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú. Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi !
Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôpi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống...”
(trang 55,56)
Chính nhà thơ hiểu rằng những cơn đau sáng tạo như thế vốn là một cái gì quý giá, bởi nó có công dụng thúc đẩy nhà thơ tạo ra trong thơ những sắc thái mới lạ có khả năng gây những rung động chưa từng thấy. Vì thế, ông viết :
“Thôi mời cô cứ vào ...
Ánh sáng lạ trong thơ tôi sẽ làm cho gò má cô đỏ gấc. Và một khi cô đã vào là cô sẽ lạc, vì vườn thơ tôi rộng rinh không bờ bến. Càng đi xa là càng ớn lạnh”.
( trang 56 )
Bài Ra Đời nói tới cái vẻ giàu sang phong phú của thơ khi thơ có Đức Chúa trời ngự bên trong, khi thơ được dùng để xưng tụng Đức Tin Thiên Chúa Giáo. Trong bài “Ra đời”, Hàn Mặc Tử có viết :
“Cho mau lên! Dồn ánh nguyệt vào đây... Lời thơ ta sẽ sáng trưng như thất bảo. Tình cảm ta sẽ nóng ran như mặt trời. Ý tứ ta sẽ cao cường hơn ngọn núi.
Lạy Chúa Trời tôi! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành ơn cả... Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chan vô vàn phước lộc...”
(trang 59)
Đối với Hàn Mặc Tử, trăng có thể biểu dương cho đủ thứ : là tuyệt vọng, là vui sướng, là đau khổ, là bình yên, là điên loạn... Ở mấu câu thơ trên, chắc hẳn ánh nguyệt biểu dương cho tinh thần và đức tin Thiên Chúa Giáo. Cho mau lên dồn ánh nguyệt vào đây... Cho mau lên dồn đức tín vào đây... Lời thơ ta sẽ sáng trưng như thất bảo...
Hai bài “Thơ” và “Ra đời” là hai bài “Tựa” mà cũng là hai bài thơ xuôi thật hay và đặc sắc.
Bài 9 : “LA PURETÉ DE L’ÂME”.
` Bài thơ văn xuôi này là một thứ kinh cầu nguyện đã được Hàn Mặc Tử sáng tác bằng Pháp ngữ vào thời gian ông nằm trên giượng bệnh và sắp chết tại nhà thương Quy Hoà. Như mọi người đều biết, thi sĩ Hàn Mặc Tử vốn là một tín đồ Thiên Chúa Giáo (tên thánh của ông là Phan-xi-cô) rất ngoan đạo. Những khi quá đau khổ, ông thương tìm sự an ủi của Chúa Jésus và Đức Mẹ Đồng trinh Maria. Những bài thơ có nhiều sắc tôn giáo của ông như Đêm Xuân Cầu Nguyện hoặc Thánh Nữ Đồng Trinh Maria (bài này còn có tên là Ave Maria- Kính mừng Maria) đều là những bài thơ đạo tuyệt hay của nhân loại.
Khi biết mình sắp chết, lòng sốt mến của ông đối với Chúa càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Sự sốt mến đó đã khiến ông, trên giường bệnh, viết bài La Pureté de I’âme (Linh hồn thanh khiết). Trong bài thơ này tác giả có 3 điều chính yếu để ca ngợi : Trước hết là ca ngợi công trình thần bí tuyệt diệu của đấng tối cao, thứ đến ca ngợi các bà xơ dòng thánh Phan-xi-cô, là nnhững người đã hy sinh thân mình để chăm sóc cho các bệnh nhân cùi ở bệnh viện Quy Hòa, và cuối cùng ca ngợi sự thanh khiết trong linh hồn.
Điểm thứ ba có một phần liên quan mật thiết đến điểm thứ nhì, bởi ngoài nỗi ước ao (một cách mặc nhiên) cho chính mình có được một tâm hồn thanh khiết, ông còn đã ca ngợi sự thanh khiết tuyệt vời của tâm hồn các bà xơ. Ông viết :
“Tôi muốn trọn đời ngưỡng mộ vẻ trắng trong nguyên vẹn, nguồn tươi, ánh sáng, thơ vì tất cả đấy là hình tượng của LINH HỒN THANH KHIẾT”.
(trang 72,73)
Bài Linh Hồn Thanh Khiết là một bài thơ xuôi tuyệt đẹp, rất nồng thắm, rất thiết tha, và chính cái giộng say mê nồng nàn đó đã chứng tỏ Hàn Mặc Tử đã viết bài ấy trong một lúc xuất thần, cái lúc mà ông chiêm nghiệm thấy rõ rằng sự đẹp đẽ nhất của trần thế này chính là sự thanh khiết của linh hồn con người, sự thanh khiết được hun đúc bằng tinh thần Thiên Chúa Giáo.
Bài 10 : “CHIÊM BAO VỚI SỰ THỰC”.
Đây là một bài nghị luận vừa có vẻ rất thơ, lại có tính cách triết lý. Từ trước đến nay, người ta thường hay phân biệt chiêm bao và sự thực. Là một thi sĩ có nhiều siêu cảm tính, Hàn Mặc Tử thường hay sa vào trạng thái tương tư như chiêm bao, và khi tỉnh lại ông đã phân vân tự hỏi chẳng biết cái trạng thái mà ông vừa sa vào đó là sự thực hay là chiêm bao ? Ông viết :
“Ngoại cảnh đả xâm lấn xác thịt và linh hồn tôi. Bao nhiêu là tinh anh của non sông đều xông vào tôi, rút hết tình tiết của tôi. Tôi có thể bảo đây là một lốI thần giao cách cảm, mà ngoại cảnh hay thâm tâm đều xáo động, bởi dây khoái lạc vô ngần. Và có thể say mê đến điên dại, bắt chước Lý Bạch đại la tiên vồ trăng trên mặt nước.
Từ thực sự đi tới bào ảnh, từ bào ảnh đi tới huyền diệu, từ huyền diệu đi tớI chiêm bao. Mông lung đã trùm lên sự vật và cõi thực bị ánh sáng của chiêm bao vây riết...
Bây giờ tôi đố tôi thử có nhận được tính cách của giây phút này không, và tôi ở trong cảnh thực hay là đương bị hãm giữa trùng vây của chiêm bao?”
(trang 79,80)
Ông hồ nghi như vậy, nhưng rồi ông không tin rằng đó là chiêm bao. Đối với ông, chiêm bao và sự thực quá gần gũi với nhau đến độ không thể phân biệt chúng được, và vì không phân biệt chúng được, nên chúng chỉ là một.Chúng ta cũng có quyền tin rằng, riêng đối với Hàn Mặc Tử, sự thực cũng là chiêm bao, ngược lại, chiêm bao cũng chỉ là sự thực.Nếu không thế thì tại sao ngay cả những lúc ông có vẻ mê sảng nhất, những lúc ông thoát tục nhất, lời thơ của ông lại tinh khôi, rõ ràng, cả quyết đến như vật được chứ ? Hãy mở những bài thơ cực kỳ huyền ảo của ông, huyền ảo còn hơn cả chiêm bao, như Chơi Giữa Mùa Trăng hay Ra Đời trong sách này, hoặc những bài thơ có vần như Những Giọt Lệ, Đàn Ngọc, Cô Liêu, Đêm Xuân Cầu Nguyện, sáng láng, Thánh Nữ Đồng Trinh Maria... trong tập thơ Hàn Mặc Tử chúng ta sẽ thấy rằng càng huyền ảo chừng nào, những ý tưởng của ông càng có vẻ xác thực và minh triết.
Cho nên, trong thơ Hàn Mặc Tử, cũng như trong thơ của một số thi sĩ khác cùng loại với ông như Bích Khê, Gérard de Nerval, Holderlin... người ta không thể nào phân biệt được sự thực với chiêm bao. Cũng như chính xác tác giả đó cũng đã không thể nào phân biệt được sự thực với chiêm bao.

Tóm lại, đọc xong tập thơ Chơi Giữa Mùa Trăng của Hàn Mặc Tử, người ta nhận thấy vài hiện tượng nổi bật như sau:
- Trong các tác phẩm của Hàn Mặc Tử - cũng như của Xuân Diệu, Huy Cận, Bích Khê, Chế Lan Viên- người ta nhiều khi đã không còn có thể phân biệt được thơ và văn xuôi. Hầu hết những áng văn xuôi của họ, ngay cả những bài có tính chất nghị luận, cũng đều chứa chan hương vị thơ. Hàn Mặc Tử là một trong những thi sĩ đã có công lớn trong việc truyền bá và hiển dương lối thơ xuôi tại xứ ta.
Trong tập thơ Chơi Giữa Mùa Trăng có một số bài thật hay, thật đặc sắc, nhưng cũng có không ít những bài tầm thường không có gì đáng kể. Những bài như Chơi Giữa Mùa Trăng, Quan Niệm Thơ, thơ, Ra Đời, La Pureté de l’âme, Chiêm Bao Và Sự Thực lá những áng văn rất đặc sắc về phương diện nghệ thuật, hoặc về phương diện tư tưởng, hoặc gồm cả hai phương diện; Còn những bài như Mùa Thu Đã Tới, Kêu Gọi, Khao Khát, Tình, nghe thường trống rỗng, nhạt nhẽo không có gì hấp dẫn.
Điều này không có gì lạ cả.
Những bài cực hay nằm lẫn với những bài tầm thường, đó là hiện tượng thông thường trong bất cứ thi tập nào của bất cứ thiên tài nào, tự cổ chí kim, tự đông sang Tây.
Dầu sao, Chơi Giữa Mùa Trăng cũng là một tập sách quan trọng mà bất cứ ai yêu thơ, yêu tư tưởng của Hàn Mặc Tử, hoặc muốn để tâm nghiên cứu về cuộc sống và thi nghiệp của thi sĩ đó, đều không nên bỏ qua.

(1) Người: Thượng Đế (LHO). Câu này có nghĩa là : “Dù có bị sự tử hình hoặc sự truất quyền đe dọa chăng nữa, thơ cũng không thể nào hòa đồng được với khoa học hoặc với luân lý. Thơ không có chân lý để làm đối tượng. Trong bài Quan Niệm Thơ, Hàn Mặc Tử đã phỏng dịch câu đó như thế này: “Thơ văn không thể dung hòa với khoa học hay luân lý (hoặc tôn giáo cũng thế) và thơ văn không thể lấy chân lý làm chủ đích được, thơ chỉ là thơ”.
-------------
(*) Các số trang viện dẫn được căn cứ vào tập tái bản 1969 của nhà An Tiêm, SaiGon 1969.

Nguồn trích: Văn học.- 1974.- Số 181.- Tr. 51 - 61 (2.272);
KHPL: BĐ.04(91)
===============================================






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 22:04:15)


André Breton và Hàn Mặc Tử



Hoàng Nhân

Năm nay giới văn học Pháp đang chuẩn bị nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của nhà thơ nổi tiếng André Breton (1896 – 1966), nhà thơ tiền phong và là người đứng đầu trường phái siêu thực về lý luận và thực hành sáng tác như thế nào? Thử tìm hiểu đôi điều liên hệ giữa André Breton và nhà thơ Hàn Mặc Tử của chúng ta.

Chủ nghĩa siêu thực là một trào lưu năng động nhất về văn nghệ của thời kỳ sau Thế chiến lần thứ I. Hình thành ở Pháp khoảng từ năm 1920, chủ nghĩa siêu thực tự khẳng định với bản Tuyên ngôn siêu thực lần thứ nhất (1924) và tạp chí Cách mạng siêu thực. Từ năm 1926 đến năm 1928, trường phái này hoạt động sôi nổi với nhiều tác phẩm của các tác giả như: Nadja của Breton, người nông dân Paris của Aragon, Tự do hay tình yêu của Desnos, Trí tuệ chống lại lý trí của Crével, Đô thị đau thương của Eluard,. Đây là thời kỳ chủ nghĩa siêu thực trong thơ và hội họa đầy sinh khí và có sức hấp dẫn mạnh mẽ một bộ phận khá đông công chúng ở Tây Âu. Từ năm 1929, trường phái siêu thực bắt đầu chia rẽ và phân tán với Tuyên ngôn thứ hai (1930) của Breton. Từ năm 1927, Aragon và Eluard đã ra nhập đảng Cộng sản Pháp và đến năm 1932 thì cắt đứt với phái siêu thực. Năm 1938 là năm mở đầu các cuộc triễn lãm hội họa siêu thực ở Paris trong nhiều năm.

Trường phái siêu thực ra đời có nguyên nhân sâu xa về xã hội, văn hoá từ giữa hai cuộc thế chiến (1919 –1939). “Một thế hệ mất mát” (une g1enératon perdue) sau thế chiến lần I, lo âu trước sự đe dọa của một cuộc chiến tranh mới, đã tỏ ra “bất phục tùng” trước thực tại. Họ đi tìm một cách nhìn mới về một thế giới trước nghịch lý của nền văn minh liên tục xây dựng và liên tục bị tàn phá. Họ day dứt trước bao điều trái ngược về các mối quan hệ giữa thực tại và tưởng tượng, tinh thần - vật chất, Lý trí – Phi lý tính… Họ muốn cởi mở tiếp nhận và dung hòa nhiều yếu tố tư duy khác nhau: ý nghĩ “đổi đời” của Rinbaud, tư duy “cải tạo thế giới” của Mác, cái “đà sống” của con người qua phân tâm học của Freud.

Andeton là nhà lý luận, một nhân cách độc lập và say mê đã kiên trì thể hiện và bảo vệ những giá trị của trào lưu này. Có mặt ở trung tâm các cuộc luận chiến, ông thường sử dụng hai vũ khí: khen ngợi và chê trách mạnh mẽ. Ông cho rằng tiếng nói nguyên sơ của con người đã mất đi vì bị phó mặc cho chủ nghĩa duy lý và ông khẳng định rằng con người luôn giữ trong suy tư của mình một thực tại còn chưa khám phá ra. Ông quan niệm “một lực chủ đạo là dục vọng không gò bó” sẽ làm nẩy nở: thơ, tình yêu, tư do - vốn là hạnh phúc trọn vẹn của nhân loại. Ông muốn con người cần loại bỏ những ràng buộc của cuộc sống hàng ngày, những thói quen làm cho con người trở nên “ù lì”. Do đó ông nổi loạn thường trực chống lại cuộc đời như đã định sẵn và trong bản thân ông diễn ra nghịch lý: ý thức cách mạng nẩy nở khi đấu tranh cho tự do chống lại mọi chế độ ràng buộc, nhưng ông lại không tán đồng mệnh lệnh của các đảng phái chính trị làm cho hoạt động trí tuệ thuộc vào sự thống nhất của tổ chức. Và quan niệm về chủ nghĩa xã hội của ông có tính chất một chủ nghĩa tự do không tưởng. Breton ý thức rằng cuộc sống phải có những cắt đứt và điều chỉnh, và chủ nghĩa siêu thực mang lại sự thuần khiết trọn vẹn của cá nhân.

Trong Tuyên ngôn của ông đã nêu lên “lối viết tự động” (écriture automtique) là lối viết thể hiện mọi ý tưởng, cảm xúc ngẫu nhiên từ cõi tiềm thức, những giấc mơ, ảo giác… vượt ra sự kiểm soát của lý tính: “Từ niềm tin về những khám phá của Freud, một trào lưu sẽ ra đời. Nhờ trào lưu đó, nhà thám hiểm nhân văn có thể đẩy ra những cuộc tìm kiếm của mình mà không chỉ cần đến thực tại sơ sài… Chủ nghĩa siêu thực là chủ nghĩa tự động tâm lý thuần túy, nhờ nó mà người ta đặt vấn đề biểu hiện hoặc bằng lời nói, hoặc bằng bài viết, hoặc bằng bất cứ cách thức nào, hoạt động thực tế của tư tưởng thoát khỏi mọi sự kiểm soát của lý tính…”

Nadja (1928) là tác phẩm văn xuôi có tính chất thơ tiêu biểu của Breton. Tác giả kể về sự kỳ diệu của hai Paris của những chốn và con người có thật, và một Paris khác có tính chất biểu tượng với những cuộc gặp gỡ. Vấn đề không phải là ở người gặp mà ở sự gặp gỡ khi nhân vật Nadja hoà lẫn với những người gặp trên đường. Qua những lần gặp gỡ thì sự trợ giúp của người phụ nữ là yêu việt, vì người phụ nữ gắn với thiên nhiên hơn người đàn ông, và giúp ta hiểu được bí mật của thời gian. Những lần gặp gỡ phát hiện ra vẽ đẹp thật ngẫu nhiên và “sự lên men của các dục vọng bí ẩn” nằm sâu trong cõi tiềm thức và vô thức. Từ năm 1942 đến năm 1947, nhiều tác phẩm của ông có tính chất sử thi và triết lý. Ví dụ bài thơ Chuyến thư cuối cùng (Dernìere levée) là cuộc vi hành của một lá thư “đóng dấu đường hoàng đạo”, bóc ra bởi những mái chèo, mở ra bao điều bí mật của tâm hồn, sống và chết, quá khứ và tương lai, cái cao và cái thấp… không còn được nhìn trong thế mâu thuẫn.

Văn học hiện đại Việt Nam không có chủ nghĩa siêu thực mà chỉ có những yếu tố siêu thực nhất định, khởi đầu với tác phẩm của một số nhà thơ Mới như Chế Lan Viên (Điêu tàn), Nguyễn Xuân Sanh (Xuân Thu nhã tập) và nhất là Hàn Mặc Tử (Thơ điên: đau thương, thượng thanh khí…). Trong Lời giới thiệu Thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên viết: “Anh bị xô vào giữa trận bão, cơn giông, đám cháy, giữa chết chóc, cô đơn, máu lệ nên có cách nào hơn? (…). Cuối cùng anh dùng đến cả bút pháp siêu thực châu Âu. Anh tả sao:

Đứng ngửa tay mà hứng máu trời sa

Và chính anh đang cảm thấy máu sa trong hồn anh thực. Anh viết:

Ta đi tìm nụ tầm xuân
Gặp vua nhà Nguyễn bay trên mây
Rượu nắng hồng vào thì say
Áo ta rách rưới trời không vá
Suốt bốn mùa trăng mặc vải trăng

Điên đầu phải không? Nhưng anh say say chứ? Ngấm rượu siêu thực của anh rồi!”

Hàn Mặc Tử đã viết những vần thơ đau thương trong hoàn cảnh anh bị bệnh phong vào thời ấy phải sống cách biệt với mọi người. Có thể nói bao nhiêu ham muốn và khát vọng cháy bỏng từ thân xác, trái tim, trí tuệ, tài hoa của một chàng trai bị dập vùi, dồn nén vào trong tầm thức, vô thức để rồi thoát thành những vần thơ theo “lối viết tự động” như của Breton, vượt ra ngoài sự kiểm soát của lý tính.

Từ đó ta mới có thể hiểu chất thơ thế tục của ông:

Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn
…Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe
… Dám ôm hồn Cúc trong sương
Ôi Hoàng hoa, hồn phách nơi đây

Hàn Mặc Tử là một tín đồ Thiên Chúa giáo, thế mà tín điều ép phần xác cho siêu thoát phần hồn của Kinh thánh lại không kiểm soát được cảm hứng thế tục của nhà thơ thoát ra từ bản năng vô thức bị dồn nén. Có thể Hàn Mặc Tử chưa hề biết đến trường phái siêu thực trong thơ của họ lại gặp nhau.

Điếu khác biệt là Breton đứng đầu cả một trào lưu siêu thực, tiêu biểu cho sự phản ứng của cả một Thế chiến I nhằm chống lại thực tại tư sản, còn Hàn Mặc Tử của chúng ta là sự giằng xé đau thương của một cá nhân đơn độc, của một người dân Việt Nam trong xã hội thuộc địa, mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo. Do đó chất thơ siêu thực của Hàn Mặc Tử lại toả ra “thanh khí” riêng của một hồn thơ dân tộc say mê mãnh liệt cuộc sống. Do đó ông đã sáng tạo ra một cõi sống riêng, một hồn riêng mà không phải là hư vô như có người ngộ nhận, không phải là hồn như của bao con chiên khác hướng đến thiên đàng.

Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng
Há mình cho hồn văng lên muôn trượng
… Hồn là ai, là ai tôi không hay
Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay

Và nhà thơ yêu sức sống của ánh trăng bàng bạc, của gió mây trời quê hương:

Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm
Người trăng ăn vận toàn trăng cả
Gò má riêng thôi lại đỏ hườm
… Nghe hơi gió ôm ngang lấy gió
Tưởng chừng như trong gió có hương
Của người mình nhớ mình thương
Nào hay gió tạt chẳng vương vấn gì
… Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng qúa nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà

Trong quá trình sáng tác, Chế Lan Viên, Xuân Diệu đã cảm nhận sự cần thiết “một thoáng siêu thực” trong thơ làm cho chất trữ tình, chất hiện thực càng dễ say lòng người. Nếu chất thơ siêu thực của Preton và trường phái siêu thực Pháp vẫn đậm màu duy lý khi kết hợp thực và mộng, thực và siêu thì chất thơ siêu thực của Hàn Mặc Tử lại thấm màu trực giác tổng hợp của phương Đông về thời gian - không gian, con người – vũ trụ, thể chất – tâm hồn… Vì lẽ đó mà chất thơ siêu thực của ông đã vượt ra ngoài mọi khuôn khổ của tín điều, giáo lý.

Nhà phê bình Albérès viết: “Trong đời người có những lúc một vật nhàn chán nhất cũng làm cho chúng ta tràn đầy vui sướng, chúng ta sống những phút ấy vì gặp tình cờ, có khi vì mỏi mệt, chúng ta nhìn sự vật khác hẳn lúc bình thường. Chủ nghĩa siêu thực tạo những cơ hội ấy… cho tấm màn thói quen nhàm chán rách tung và làm hiện ra một thế giới ở bên ngoài biên giới của hệ của thông lệ tạo nên bởi giáo dục” (Văn chương đương đại thế giới)

Nhà thơ Chế Lan Viên nhận xét: “Siêu thực của châu âu là chủ nghĩa siêu thực, ta không chấp nhận chủ nghĩa. Nhưng ta mừng trước thơ Hàn Mặc Tử vì thơ ông có mang những yếu tố siêu thực, với một tỷ lệ chấp nhận được. Hơn nữa, siêu thực châu Âu là siêu thực vì bộ óc. Hàn Mặc Tử thì Nàng đánh tôi quá đau. (Tựa thơ Hàn Mặc Tử)

Giới văn học Pháp kỷ niệm lớn André Breton với những lý do riêng của xã hội nước pháp vẫn đang trãi qua muôn vàn sóng gió ở cuối thế kỷ này. Tìm hiểu tính chất siêu thực trong thơ Hàn Mặc Tử là để thấy sự gặp gỡ Đông – Tây về văn hoá, nhưng ở Hàn Mặc Tử vẫn đậm đà bản sắc của một hồn thơ Việt Nam

Nguồn trích: Tạp chí Văn hóa.- 1996.- Số 7 (1.348);
KHPL: BĐ.04(91
=====================================






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 22:05:52)


Hàn Mặc Tử, một tư duy thơ độc đáo



Đỗ Lai Thúy


Con người là một con vật biết chế tạo
Công cụ và biết chôn cất nhau khi chết
(R.Garaudy)

Tuyệt vời là khúc thương tâm
Biết bao tiếng nấc thành ngâm muôn đời.
(A.Musset)

“… Mai sau, những cái tầm thường, mực thước sẽ biến đi và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử” (Lan Viên - Tạp chí Ngày mới, ngày (23-11-1940) và Hàn Mặc Tử là “người đầu tiên làm cuộc cách mạng văn chương ở thế kỷ XX” (Trần Thanh Mại, Hàn Mặc Tử, Tân Việt, 1940). Những dòng chữ như khắc trên bia mộ kia ngày càng được thời gian mài sáng. Bài - viết – hành – hương - đến - với Hàn Mặc Tử này chỉ là một chìa khóa để đi vào tòa lâu đài nghệ thuật của thơ ông, khẳng định lại những điều mà bạn bè ông bằng trực giác đã khẳng định.

TÍNH TRỮ TÌNH

Thơ mới là sự tiếp nối một cách đứt đoạn dòng thơ trữ tình truyền thống – con sông cái trong hệ thống thủy văn văn học Việt Nam. Nếu Tản Đà, nhà thơ – nhà nho tài tử - kiện tướng cuối cùng, chạy đến hụt hơi mà vẫn không vượt qua ngưỡng Thơ mới, thì Hàn Mặc Tử là hiện thân sinh động cho sự tiếp tục cuộc chạy đua tiếp sức đó. Và điều cần thiết để bứt lên phía trước là lúc chạy khởi động ở cuối chặng đường thơ cổ điển, Hàn Mặc Tử dường như đạt tới tốc độ của Tản Đà.
Hàn Mặc Tử làm thơ khi còn nhỏ (1926, 14 tuổi). Sau đó một vài năm, Tử đã xướng họa với Phan Bội Châu và được ông Già Bến Ngự hết lòng khâm phục. Tập thơ Đường luật Lệ Thanh thi tập đã đạt đến trình độ mỹ học cổ điển với những câu: “khóc dùm thân thế, hoa rơi lệ, Buồn giúp công danh, dế dạo đàn”. (Thức khuya), với thuật làm xiếc ngôn từ ở bài Cửa sổ đêm khuya có 6 cách đọc. Tuy nhiên, ngay từ giai đoạn này, thơ Hàn Mặc Tử đã trổ ra những ánh khác lạ: “Hé cửa, nhìn trăng, trăng tái mặt/ Cài then, thắp nến, nến rơi châu” (Lều tranh đêm đông) hay “Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối/ Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”…
Chuyển sang làm Thơ mới, với tập Gái quê (1936), Đau thương, Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cầm châu duyên, Hàn Mặc Tử cùng các nhà thơ khác như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương… tiếp tục đưa thơ trữ tình Việt Nam lên những đỉnh cao mới. Điều này trước hết nhờ có sự giải phóng cá nhân. Bởi lẽ, thơ trữ tình là sự chiếm lĩnh kinh nghiệm thực tại thông qua một cá nhân cụ thể. Dòng thơ trữ tình truyền thống, từ Đoàn Thị Điểm đến Tản Đà, là sự vật vả quyết liệt và đau khổ để giải phóng cá tính: chống lại những quy phạm đã thành thiên la địa võng. Cuộc vật lộn trường kỳ đó được các nhà Thơ mới kết thúc có khải hoàng ca, tuy còn đầy mặc cảm. Chưa bao giờ và chưa ở đâu như các nhà Thơ mới thâm cung bí hiểm của nội tâm được thăm dò ở nhiều tầng bậc như vậy. Sức mạnh của tiếng nói nội tâm đã phá vỡ những rào cản ngôn ngữ để đưa ra những nhịp điệu mới làm biến đổi cả ngôn từ, thể thơ và các phương tiện biểu hiện khác.
Tuy nhiên, những thành tựu trên là chung của cả “một thời đại thơ ca”. Riêng Hàn Mặc Tử, đóng góp của ông, chỉ xét ở khía cạnh trữ tình so với những người cùng thời đã có nhiều khác lạ.
Nếu Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Phạm Huy Thông, Nguyễn Bính là dòng lãng mạng thuần khiết, nếu Xuân Diệu và nhất là Huy Cận là dòng lãng mạn được cườm vào những yếu tố tượng trưng, Đinh Hùng, Bích Khê chủ yếu là tượng trưng, thì Hàn Mặc Tử là sự hoà sắc của cả lãng mạn lẫn tượng trưng, thậm chí siêu thực nữa. Dĩ nhiên, một căn cốt Đông phương thâm hậu đã làm cho tượng trưng của ông có bóng dáng tượng trưng Đường thi, và xa hơn nữa là tượng trưng Thiền, còn siêu thực thì đậm nhạt một màu sắc Liêu Trai. Điều này tạo nên sự riêng biệt, vừa phong phú vừa sâu sắc, trong phong cách trữ tình của thơ Hàn Mặc Tử.
Trữ tình Hàn Mặc Tử, trước hết, là gợi cảm chứ không phải là truyền cảm. Nhà thơ không truyền thẳng cảm xúc của mình tới độc giả nhờ phương tiện ngôn ngữ, thức dậy thứ năng lượng đó vốn tiềm ẩn trong mỗi độc giả, vì vậy mà cảm giác thẩm mỹ của người đọc no đủ hơn, sâu sắc hơnbởi như tránh được một sự áp đặt từ bên ngoài:

“ Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị hằng ơi’
(Bẽn lẽn)

Nhà thơ ở đây đã phóng chiếu những rạo rực bản năng ra ngoài vũ trụ. Cái nhìn của ông ve vuốt, mơn trớn cả tạo vật. Cảm giác này được thi nhân thể hiện theo lối ứng xử phương Đông vừa lộ liễu, vừa kín đáo theo lối gợi khác với cách nói trực tiếp theo lối truyền của Xuân Diệu (“Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực! Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài ! Những cánh tay! Hãy quốn riết đôi vai! Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!”). Hàn Mặc Tử đã giăng mắc một mạng lưới các danh từ chỉ động thái nằm sõng soãi, ngây tình, hồi hộp, lả lơi… Những từ này, nếu đứng riêng rẽ thì không làm sao, nhưng một khi đứng cạnh nhau thì lập tức làm người ta nhớ đến những cụm từ khác được chuyên dùng để chỉ chuyện tình ái như gió trăng, trăng hoa, phong tình, trêu hoa ghẹo nguyệt… nghĩa là, chúng đã thu phát xạ của nhau để tạo ra một trường ngữ nghĩa khiến mỗi yếu tố ngôn ngữ trong đó đều lấp lánh cái hàm nghĩa ái ân. Cảm xúc được gợi lên từ những tín hiệu ngôn ngữ, nhờ liên tưởng, cứ lan truyền đi xa mãi như những làn sóng.
Nhà thơ cổ điển nhìn thiên nhiên như nhìn vào một tấm gương phản chiếu để tự nhận thức mình với tư cách là một bộ phận của nó, một tiểu vũ trụ. Nhà thơ lãng mạn thì sử dụng thiên nhiên như một đối tượng hưởng thụ, hoặc một công cụ để giải bầy nội tâm. Thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu thường đóng vai trò yếu tố vật liệu hay chứng nghiệm cho những ý tưởng sáng tác của ông. Nhà thơ thường lồng trăng vào những dòng tư tưởng có tính cách triết lý ( “Trăng sáng, trăng xa, trăng lạnh quá, Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ”), hay nói đúng hơn, vào một thế giới trữ tình, mà trong đó những diễn biến, nếu muốn có thể giải thích thuần nhất theo một tâm hướng của cảm giác (vầng trăng trong Lời Kỹ nữ). Hàn Mặc tử, ngược lại, thường trình bầy trạng thái tỉnh của thiên nhiên nhưng không phải một tấm gương, mà như một hoạ điệu của hồn ông, đồng thời chi phối nó trong một nét tương quan thủy chung thanh thoát:
“Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
Những lời năn nỉ của hư vô”
(Huyền ảo)

Cũng như Nguyễn Khuyến trong Thu vịnh, Hàn Mặc Tử ở đây đã khéo léo gài vào trạng thái tỉnh này những chuyển động hửng hờ. Nhưng khác ông già Yên Đổ, thi nhân biết đặt các yếu tố động ấy vào môi trường ngoại ý thức để chúng chỉ đứng vai trò làm nổi bật trạng thái tĩnh. Vầng trăng, thiên nhiên… thậm chí cả con người nữa, chỉ là những tượng trưng của một thế giới vô hình, huyền ảo. Nhờ vậy, Hàn Mặc Tử đã tạo ra được một cách thuần khiết thế giới thơ của riêng ông: khi ông vẽ lên bối cảnh thiên nhiên thì đồng thời chính ông cũng tan biến vào thiên nhiên. Đặc điểm này về sau trong “giai đoạn đau thương” còn được đầy lên một bước nữa: nhà thơ đã làm mất luôn cả bối cảnh thiên nhiên ấy để thế giới thơ ông trở thành vô thường.
Tính chất vô thường của thế giới Hàn Mặc Tử còn gắn với nghệ thuật siêu thực trong thơ ông. Trong các nhà thơ Việt Nam bây giờ có lẽ không ai đậm chất siêu thực như ông. Hãy xem, cặp mắt “đau thương” của nhà thơ nhìn một bông hoa :

“ Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?”.

Còn đây là một tâm trạng khác của nhà thơ:

“Tôi ngồi dưới bến đợi nường Mơ,
Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ,
Tiếng hú hồn tôi xô vỡ sóng,
Rung tầng không khí bạt vi lô,
Ai đi lững thững trên làn nước,
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi…”

Theo Quách Tấn kể lại thì một khuya mùa đông, Tử ngồi ngắm trăng một mình trên biển. Vắng chi là vắng. Bỗng có một bóng người ngồi khít bên Tử. Từ bóng ấy ra bóng nữa… Điều này có thực hay không không quan trọng bằng những hình tượng thơ của Hàn Mặc Tử đã tạo ra một thế giới siêu thực, ảo hoá giúp ta thâm nhập vào trạng thái tâm hồn chân thực của thi nhân.
Tại sao thơ Hàn Mặc Tử lại giàu yếu tố siêu thực như vậy? Có thể tiến trình Thơ mới gần mười lăm năm là sự tương ứng với hơn một thề kỷ thơ Pháp. Sau Lãng mạn sẽ đến Tượng trưng và Siêu thực. Hàn Mặc Tử, tuy tự mình đi một mạch từ cổ điển đến siêu thực, nhưng thơ ông chín rộ vào quãng gối đầu giữa Tượng trưng và Siêu thực. Hơn nữa điều quan trọng hơn, là tạng thơ của Hàn Mặc Tử. Kiểu tư duy, khí chất và bệnh tật làm cho ông luôn luôn phân thân, mộng mị và hoang tưởng. Do vậy, siêu thực với ông không phải là thủ pháp kỹ thuật, mà là bản chất sáng tạo của thơ ông.
Sau cùng, sự khác lạ của trữ tình Hàn Mặc Tử còn ở tính se xe của nó. Với một nền văn học không có truyền thống nói đến tính dục như của chúng ta thì điều đó lại càng lạ hơn nữa. Có lẽ tính chất nhục cảm trong thơ Hồ Xuân Hương xuất phát từ tín ngưỡng phồn thục (culte de fécondité), nên đọc thơ Bà chúa đâu đâu cũng thấy những biểu tượng Âm, Dương này, tưởng như lạc vào một ngôi chùa Tây Tạng. Còn nhục cảm của thơ Hàn thì rõ rang đi từ một “ẩn ức” nào đócủa những gái quê, gái đồng trinh, ni cô, cung nữ ở Lãnh Cung… Bởi vậy, nó len thấm vào thực thể của những câu thơ, khi thì biểu lộ ra bằng từ ngữ (sờ sẫm, cọ mài, trần truồng…), bằng những hình ảnh (khuôn vàng dưới đáy khe…), bằng những ám chỉ đến hành động giao hoan (các bài ra đời, Đêm xuân cầu nguyện, Đàn ngọc…) tạo thành một thứ vi khí hậu của tác phẩm. Sự kết hợp của chất nhục cảm dân dả, trần tục với chất thánh thiện, siêu thoát trong thơ hàn Mặc Tử tạo ra sự nghịch dị, chướng, dẫu hiện đại (modernité). Nhưng đấy chỉ là sự đối lập bề ngoài, ở tầng cao hơn, tức là ở bình diện triết học tâm linh, se xe và tôn giáo lại có sự gặp gỡ nhau, bởi chúng đều mang lại sự giải thoát và đưa con người về với nguồn cội của mình.

TƯ DUY TÔN GIÁO

Đọc Hàn Mặc Tử, người ta vấp ngay phải vấn đề: Hàn Mặc Tử, anh là ai? hoặc hẹp và ít trừu tượng hơn: Hàn Mặc Tử có phải là nhà - thơ – tôn – giáo không? Câu hỏi này có nhiều câu trả lời. Để khỏi vướng vào những tranh luận không lối thoát, tôi giải đáp vấn đề theo cách riêng của mình. Nếu Nguyễn Trọng Trí là một tín đồ Thiên Chúa giáo thì Hàn Mặc Tử lại là một nhà thơ. Với nhà thơ thì một nghệ thuật là tối thượng, là đạo. Nhưng nhà thơ ấy lại không thể không liên quan đến vị tín đồ kia, nhất là trên phương diện hình thành một nhân cách và kiểu tư duy. Hơn nữa, Hàn Mặc Tử với tư cách là một nhà thơ coi tôn giáo với tất cả tinh thần của chữ ấy là một cái gì đó đời đời vĩnh hằng và tuyệt đỉnh của nghệ thuật (Tựa tập thơ Tinh huyết của Bích Khê). Với một quan điểm tôn giáo như vậy, những Chúa, những Phập, những Tây Vương Mẫu… chỉ là những biểu tượng cụ thể của những cái Duy nhất, cái Vĩnh hằng. Đến với Hàn Mặc Tử, từ cạnh khía tư duy, tư duy tôn giáo, là hợp lý hơn cả. Điều đó chẳng những khắc phục sự tranh chấp bất phân thắng phụ về vấn đề Hàn Mặc Tử có phải là nhà thơ tôn giáo không?”, mà còn cho phép thâm nhậpvào bản chất nghệ thuật của thi nhân. Dĩ nhiên tôn giáo là một hiện tượng đa tạp, có khoảng sáng và vùng tối, có thoát tục và có trần tục, nhất là với tư cách là một thiết chế xã hội. Ở đây chúng tôi chỉ xét tôn giáo trên phương diện thuần túy là một kiểu tư duy.
Tư duy ma thuật, mà chừng nào đó là tư duy huyền thoại, do tính chất đa thần, đã xé vụn thế giới ra thành những mảnh riêng rẽ (tục ngữ: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”). Còn với tư duy tôn giáo, do tính chất độc thần, thế giới vỡ vụn đã được thống nhất trở lại. Nhờ đó con người mới có điều kiện để nhận thức bản chất thế giới, trả lời những câu hỏi bản thể luận như nguồn gốc của vũ trụ và con người, ý nghĩa của cuộc sống và cái chết…Tôn giáo, do đó, đóng vai trò cơ chế tư tưởng chuyển thành những giá trị riêng tư, cá nhân, dân tộc, khu vực thành những giá` trị chung, thế giới, nhân loại. Phật giáo coi mọi người đều có chung một thân phận là ai nấy đều phải gánh chịu là tứ khổ: sinh, lão, bệnh, tử. Do đó, ước mong đươc vớt khỏi bể khổ không là của riêng ai. Coi mọi người bất kể sang hèn, giàu nghèo đều có phật tính, nghĩa là có khả năng trở thành Phật, là một tư tưởng bình đẳng, nhân đạo. Thiên Chúa giáo cũng thừa nhận mọi người đều bình đẳng trước Chúa, vì giá trị của mỗi người là ở bản thân hành động của anh ta, chứ không phải ở tài sản, địa vị.
Như vậy, xét trên khía cạnh tư duy tôn giáo, các nhà thơ - thiền sư Lý - Trần (phật giáo) và Hàn Mặc Tử (Thiên Chúa giáo) đều có trong tay một công cụ như nhau (cơ chế tư tưởng) để nhân loại hoá thơ mình. Đó là sự giống nhau ở họ. Còn sự khác nhau, trước hết và chủ yếu, là ở sự khác nhau giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo coi trọng cá nhân nhìn con người như một cá nhân là do việc xưng tội buộc nó phải đánh giá, phán xét tâm hồn, hành vi con người một cách riêng tư. Tín đồ Thiên Chúa giáo tự chịu trách nhiệm trước Chúa về bản thân mình, với tư cách cá thể. Hai là, các nhà thơ Lý - Trần coi Hữu, Vô như nhau, sự sống, cái chết như nhau (Vạn Hạnh: ‘Thân như điện ảnh hữu hoàn vô”). Bởi vậy họ rất coi thường thân, thân là không, cái thân hiện ra, tức sắc thân, chỉ là ảo. Hàn Mặc Tử, ngược lại, rất coi trọng cuộc sống và cái chết, coi trọng thân xác. Tóm lại, nguyên cớ căn bản khiến Hàn Mặc Tử khác và cũng mới hơn các nhà thơ Lý - Trần là ở tính chất cá nhân đến với ông bằng hai nẻo: Thiên Chúa giáo và nền văn minh phương Tây được xây dựng trên cơ sở Thiên Chúa giáo.
Chính tư duy Thiên Chúa giáo đã làm cho sáng tác của Hàn Mặc Tử có cấu trúc nội tại, không những ở cấp vi mô (từng bài thơ) mà cả ở cấp vĩ mô (toàn bộ các tác phẩm), tạo nên một vũ trụ thống nhất, hoàn chỉnh. Theo nhà nghiên cứu Đặng Tiến thì Gái quê là thế giới đợi chờ Điềm lạ, đợi chờ Chúa ra đời, Đau thương là tâm hồn mong mõi của Chúa trở lại. Trong Đau thương, Hàn Mặc Tử chấp nhận bệnh tật như là nguyên tội, là “phương tiện thân xác” mà Chúa đã dùng để cứu thế. Bệnh tật là tham gia vào công đức cứu rỗi, làm nối liền người bệnh với bản thân Chúa - hiện – làm - người. Còn Xuân như ý là thế giới khải huyền; con người rủ sạch được tội lỗi Đau thương (tạp chí Văn, số 179, năm 1971). Như vậy, trên bình diện cấu trúc tác phẩm, sáng tác của Hàn Mặc Tử, một cách vô thức, đã “minh họa” cho con đường cứu rỗi của Thiên Chúa giáo - nghệ thuật là chia toàn bộ sáng tạo của nhà thơ thành ba thời kỳ. Một là giai đoạn cổ điển với Lệ Thanh thi tập. Đây là sự hài hòa của Hàn Mặc Tử với chính mình và với xung quanh, tương ứng với thời thơ ấu của con người hay “thuở thiên đường” của nhân loại. Hai là giai đoạn lãng mạn, tượng trưng và siêu thực với Gái quê, Đau thương và một phần của Xuân như ý… Hài hòa bị phá vỡ. Con người bất ổn với chính mình và hoàn cảnh: đau khổ, mơ ước, điên dại… Nó tương ứng với thời kỳ trưởng thành, vấp váp, bệnh tật của con người và của nhân loại “mất thiên đường”. Ba là, giai đoạn tân - cổ điển với một phần của Thượng thanh khí và toàn bộ Cẩm châu duyên. Sự hài hòa lại được tái lập, dĩ nhiên là trong mơ ước tôn giáo. Đau thương rũ bỏ. Con người được trở lại “thiên đường” của mình. Các tôn giáo Đông phương cũng đi tìm giải pháp cho đau thương. Phật giáo coi cuộc đời là bể khổ, mà nguồn gốc của đau thương la dục vọng. Cho nên diệt dục là con đường cứu khổ cứu nạn. Lão Tử thì đưa ra thuyết vô vi, sống theo tự nhiên thì sẽ chữa được những lầm lạc của người đời. Chỗ gặp nhau của những tôn giáo lớn - những tư tưởng lớn là ở đây. Hạt nhân triết học của những tôn giáolớn cũng là ở đây.
Tư duy tôn giáo còn là công cụ hữu hiệu để nâng cánh cho trực giác nghệ thuật tuyệt vời của thi nhân bay cao, bay xa vào cõi siêu hình. Nhà thơ có một cái nhìn vũ trụ trong tính toàn thể, tính siêu việtcủa nó với một cảm xúc tràn đầy.

“Mới hay cõi siêu hình cao tột bực
Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao
Xa lắm rồi, xa lắm, hãi nhường bao!…
Ai tới đó chẳng mê man thần trí
Toà châu báu kết bằng hương kỳ dị
Của tình yêu rung động bởi hào quang
Những cù lao trôi nổi xứ mênh mang
Sẽ quy tụ thâu về trong một mối
Và tư tưởng chẳng bao giờ chắp nối…”

Bức tranh vũ trụ được thi sĩ dùng trực giác để vẽ ra tưởng như đã gặp đâu đó trong một cuốn thiên văn hiện đại nào. Con người bay vào vũ trụ (cõi siêu hình cao tột bực), thoạt tiên còn có cảm giác cô đơn, nhỏ bé trước sự bao la (hãi nhường nào!), nhưng rồi thần bí mê man trước vẻ châu báu của vũ trụ, vũ trụ là thống nhất (“Những cù lao trôi nổi xứ mênh mang, Sẽ quy tụ thâu về trong một mối”), nên tư duy của con người, cái phản ánh của vũ trụ cũng mang tính thống nhất (“ và tư tưởng chẳng bao giờ chắp nối”). Bài thơ cho thấy Hàn Mặc Tử đã đạt đến một tinh thần tôn giáo – vũ trụ (khái niệm của A.Einstein): đó là tính toàn thể của thế giới và tính nhất thể giữa con người và thế giới.
Hàn Mặc Tử thường hay quay trở về cội nguồn, với mùa xuân đầu tiên của trời đất và con người. Dường như ông tìm thấy ở đấy sự nhất thể tính nguyên sơ giữa con người và vũ trụ - căn nguyên của mọi nghệ thuật, châu báu mà con người đời sau đã đanh mất trong biển thời gian, và chỉ còn giống thi sĩ là cố công ngụp lặn, mò tìm:

“Thuở ấy càn khôn mới dựng lên
Mùa thơ chưa gặp tốt tươi lên
Người thơ phong vận như thơ ấy
Nào sẽ ra đời ngọc biết tên”
(Xuân đầu tiên)

Nhờ tinh thần tôn giáo – vũ trụ đó, các bài thơ Xuân của Hàn Mặc Tử (Mùa xuân chín, Xuân đầu tiên, Đêm xuân cầu nguyện) chẳng những giữ được vẻ trinh nguyên của đất trời, mà còn đợm một cảm giác huyền bí thiêng liêng của cuộc đời. Đó là ánh thiều quang khác lạ của thơ Hàn Mặc Tử so với thơ xuân của các thi sĩ cùng thời.

MÔ HÌNH VÀ SÁNG TẠO

So với thơ của các thi sĩ cùng thời như Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương…, thơ Hàn Mặc Tử có một sự khác về chất. Dó là tư duy tôn giáo kết hợp nhuần nhuyễn với chất trữ tình trên cơ sở cái tôi cá nhân hiện đại. Tính ưu việt của “hợp chất” mới này thể hiện ở những khía cạnh sau: Một là, tư duy tôn giáo với tính hệ thống chặt chẽ của nó làm cho các yếu tố tượng trưng, cổ điển của thơ Đường , tượng trưng tôn giáo, lãng mạn, siêu thực… vốn rời rạc, lẻ tẻ trước đây kết thành một cấu trúc nghệ thuật hoàn chỉnh. Hai là con người cá nhân cá thể hiện đại kết hợp với con người siêu cá thể trung đại làm cho cái nhìn con người trong thơ Hàn Mặc Tử vừa có chiều sâu, thậm chí tầng sâu vô thức, vừa có chiều rộng, chiều phổ quát toàn nhân loại, đồng thời có chiều cao tâm linh. Hàn Mặc Tử đã phá vỡ con người nguyên phiến để tạo ra con người đa chiều kích. Con người với thi nhân, không chỉ là một, mà là hai, thậm chí vô số. Nếu Cao Bá Nhạ trong Tự tình khúc thấy “trong một mình bảy tám biệt ly”, thì Hàn Mặc Tử còn thấy sự phân thân, hoá thân sinh động hơn:

“Bóng ai theo dõi bóng mình
Bóng nàng yêu tinh,
Nụ cười như tiếng vỡ pha lê”

Với cách nhìn con người từ bên trong như vậy, Hàn Mặc Tử báo hiệu sự ra đời của chủ nghĩa nhân văn mới, phi cổ điển. Ba là, yếu tố siêu thực và tôn giáo đã làm cho thơ Hàn Mặc Tử mang tính chất huyền bí của cuộc đời. “Điều đẹp nhất mà ta có thể cảm giácđược chính là cái khía cạnh huyền bí của cuộc đời. Đó là tình cảm sâu xa ở trong nôi của khoa học và nghệ thuật đích thực” (A.Einstein). Bốn là, tính trữ tình kết hợp với tư duy tôn giáo đã đẻ ra những hình tượng tân kỳ, như:

“Lụa trời ai dệt với ai giăng
Ai thả chim bay đến Quảng Hàn,
Và ai gánh máu đi trên tuyết ,
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang…”

Từ mô hình trên, ở bình diện sáng tạo cụ thể, bước đổi mới đó của Hàn Mặc Tử được thể hiện bằng những biểu tượng nghệ thuật vừa độc đáo, vừa nhất quán. Đó là các ký hiệu - biểu đạt: trăng, hồn và máu.
Trăng là một mô típ, một biểu tượng của nhiều thề hệ thi sĩ Việt Nam. Trăng xuật hiện trong thơ thiền như một cái gì lạnh và tĩnh lặng tuyệt đối. Hơn nữa trăng lại thường sóng đôi với hình ảnh dòng nước chảy để biểu hiện quan niệm thiền hữu, không:

“Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không

(Vầng trăng vằng vặc in sông,
Chắc chỉ có một không không mơ màng)

Tính chất tĩnh lạnh của vầng trăng thiền biểu lộ sự không chú ý đến hiện hữu của ngoại vật, mà chỉ chú ý đến cái hư không của nội tâm. Điều này ngược với vầng trăng của thơ lãng mạn, vốn rạo rực nồng ấm.
Trăng với Hàn Mặc Tử có một quan hệ đặc biệt. Có người cho bệnh phong có một tương tác đặc hiệu nào đó với trăng, kiểu thủy triều. Điều đó có thể có hạt nhân hợp lý. Tuy nhiên, nếu có, đấy cũng chỉ là “cái hích ban đầu” thúc đẩy cỗ xe sáng tạo lăn bánh, chứ không phải là động cơ trực tiếp. Điều đáng nói là một nhà thơ lớn bao giờ cũng biết “khai thác” đến tận cùng cái tiểu sử cụ thể của mình. Nếu không bị cùi thì hẳn Hàn Mặc Tử đã không chú ý đến cái sắc độ dị thường trên gò má:

“ Người trăng ăn vận toàn trăng cả,
Gò má riêng thôi lại đỏ hườm”.

Nếu bản thân không nghèo đói, không yêu trăng thì thi sĩ cũng không có những câu thơ như:
“Áo ta rách rưới trời không vá”,
Hoặc: “Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói
Gió trăng có sẵn làm sao ăn”…

Chỉ có Hàn Mặc Tử mới có thể nói về cái thiếu thốn, thiếu vắng của mình cao sang như vậy.
Có thể nói, trăng, ánh trăng đã để lại những cảm giác vật chấtlên thân xác Hàn Mặc Tử. Bởi thế, trong khi các nhà thơ Lãng mạn khác thi vị hoá trăng, Hàn Mặc Tử lại trần tục hoá nó. Từ chỗ: “Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối” của thơ luật đến “Trăng nằm song soài trên cành liễu… Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe” thì đã là một bước tiến dài. Tuy nhiên, bên cạnh sự người hoá trăng đó, Hàn Mặc Tử còn trăng hoá người. Điều này khiến ngòi bút ông nẩy ra những câu thơ khác lạ:

“Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô”.

Đây là một sự kết hợp đầy kỳ cục giữa các từ rất xa nghĩa nhau như ni cô và tình ái và thơm… Nhưng đằng sau cái vẻ nghịch lý đó là sự thuận lý: trăng đối với Hàn Mặc Tử như một con vật lưỡng thê, vừa vật chất, vừa tinh thần, vừa trần tục vừa thiêng liêng… Cạnh khía thứ hai của trăng được bộc lộ rõ hơn về giai đoạn sau của thơ Hàn Mặc Tử.
Ở giai đoạn Đau thương này, trăng trong thơ Hàn Mặc Tử đã trở thành một ám ảnh ghê gớm. Nó vừa là ánh sáng, vừa là bóng tối, hay đúng hơn, là sự tương tranh của ánh sáng cùng bóng tối, một thế giới thích hợp với Hàn Mặc Tử. Nhà thơ cũng là ánh trăng:
“Không gian dày đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”


Trăng cũng còn là hồn là máu. Đó là ba cạnh khía khác nhau của thế giới Hàn Mặc Tử, một thứ “tam vị nhất thể”:
“Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ trăng thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra”
(Say trăng)

Và:
“Thịt da tôi sượng sần tê điếng
Tôi đau vì rung rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
Cho trăng ngập dần lên tới ngực”
(Hồn là ai)

Ba hình tượng trăng, hồn, máu, theo Đặng Tiến, dồn đọng lại trong tương quan chặt chẽ: nhà thơ khạc hồn ra khỏi miệng, điên cuồng mửa máu ra hay ngậm cả một miệng trăng. Như vậy, cả ba, trăng, hồn, máu, đều từ thân xác Đau thương.
Ngoài ra, thơ Hàn Mặc Tử đầy những máu lệ/ thét gào (bút danh Lệ Thanh), gió bụi (bút danh Phong Trần)… Chúng tồn tại như những biệt thể của thân xác, khi tụ khi tán. Đau thương trong thơ ông có tính lưỡng trị: một mặt, nó làm ông suy nhược, hao mòn, tan loãng, mặt khác, nó lkhơi dậy trong ông nguồn sáng tạo vô biên. Ma1u, hồn, trăng là đau thương trở thành sáng tạo. Điều này giải thích được sở thích kỳ lạ của Hàn Mặc Tử, thoạt đầu có vẻ bệnh hoạn: nhà thơ muốn được nhìn thấy máu mình chảy:

“Lời thơ ngậm cứng không rên rỉ
Và máu tim anh vọt láng lai
Thơ ở trong lòng reo chẳng ngớt
Tiếng vang tha thiết dội muôn nơi”

Hàn mặc Tử có vẻ say mêcái “thú đau thương” này:

“ Cứ để ta ngất ngư trên vũng huyết,
Trãi niềm đau trên mảnh giấy mong manh.
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết
Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh”

Với Nguyễn Trọng Trí, tín đồ Thiên Chúa giáo, đau thương là một phương tiện cứu chuộc tội lỗi. Còn với Hàn Mặc Tử, nhà thơ, giải phẩu đau thương là hành vi sáng tạo. Thơ Hàn Mặc Tử là kinh nghiệm đau thương, kinh nghiệm của con trai kết ngọc. “Không phải ngẫu nhiên mà tập thơ hay nhất của ông là Đau thương: Hương thơm là đau thương của thân thể rỉ ra để biến thành những dòng chữ:

“ Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao dòng chữ quay cuồng như máu vọt
Cho mê man tê điếng cả làn da”

Một kinh nghiệm, hay một giải pháp đau thương khác của Hàn Mặc Tử là hòa tan vào vũ trụ, bay sang một thế giới khác. Đọc thơ ông, thường bắt gặp những từ chỉ sự biến đổi này với một tần số cao như: tan, hóa, tiêu tán…

- “Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si”
- “Cả niềm yêu, ý nhớ cả một vùng
Hoá thành vũng máu đào trong ác lặn”

Hàn Mặc Tử diễn tả cảm giác hay ý thức tiêu tán qua những biến đổi ngược chiều: những gì thường ngày liên tục tuôn chảy như dòng đời, nguồn sống thì cứng đông lại, còn cái gì chắc chắn, có hình thù, khối lượng thì tan loãng ra. Hàn Mặc Tử có thái độ thiết tha với cuộc sống – càng vơi cạn thì càng tha thiết. Thoạt đầu có chút hốt hoảng, gào thét, nhưng dần dần đã đi đến chấp nhận, an nhiên. Lúc này, ý thức tiêu tan chuyển đến ước mơ một thể thống mới, một dạng vật chất mịn hơn, nhẹ nhàng, thanh thoát không giới hạn:

“ Đây là tất cả người anh tiêu tán
Cùng trăng sao bang bạc xứ mơ say”

Tiêu tán thân phận hữu hình, hữu hạn để được sống trường tồn với trăng sao, vũ trụ vô hạn, trở về với sự nhất thể tính vĩnh hằng giữa con người và tự nhiên . (Đặng Tiến, Văn, số 179, năm 1971)

* *
*

Thiên tài bao giờ cũng là hiện tượng đơn nhất không lập lại trong lịch sử. Nhưng thiên tài nào cũng đứng trên vai người khổng lồ để chiếm lĩnh tầm cao mới, để cắm cây mốc mới trên hành trình đi tới. Thực chất của mỗi cuộc bước tiến là đưa ra một mô hình mới. Các thế hệ sau học tập một thiên tài, thực chất, là chiếm lĩnh cải biến mô hình đó mà thôi. Hàn Mặc Tử là người xây dựng được cho mình một mô hình đó là tính trữ tình + tư duy tôn giáo + cá nhân hiện đại.
Nhìn vào diễn trình lịch sử của thơ Việt nam, có thể ghi nhận một điều: khi tính trữ tình phát triển đơn độc hoặc kết hợp với tư duy đạo đức để làm nhiệm vụ “văn dĩ tải đạo” thì thơ phát triển không cao, lại thường rơi vào tình trạng rời rạc, lẻ tẻ, không kết thành hệ thống. Còn khi tính trữ tình kết hợp được với tư duy tôn giáo hoặc triết học thì thơ được nâng lên một tầm cao mới. Những đỉnh nhọn của thi san vượt qua tầm địa quyển nhô vào khoảng không vũ trụ, hòa vào nhịp điệu miên viễn của nó.
Thời đại Lý - Trần, tư duy tôn giáo và triết học phát triển, nên thơ thời đại này phóng khoáng cao viễn. Nghĩa là ở đây, cả hai yếu tố: tính trữ tình hay tư duy tôn giáo (hay triết học) đều đã có nhưng do thiếu tính chất cá nhân hiện đại làm chất xúc tác nên hkông xảy ra một “phản ứng hóa học” nào để tạo ra một hợp chất mới cao hơn như ở Hàn Mặc Tử. Trên thế giới, nhiều thiên tài thơ ca cũng đã được sinh ra từ mô hình này, như Holderlin (1770-1843), Tagore (1861-1941), Paul Claudel (1868-1955)…
Đến đây, tôi xin tạm khép lại dòng suy nghĩ của mình về Hàn Mặc Tử bằng một câu viết của Chế Lan Viên “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình” (Tuyển tập Hàn Mặc Tử, NXB văn học, 1987)

Nguồn trích: Con mắt thơ.- H., 1997 (1.344);
KHPL: BĐ.04(91)
=====================






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 22:06:47)


Bài thơ cuối cùng của Hàn Mặc Tử



Phan Cao Toại


"Mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi,
và còn lại ở cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử ".
(Chế Lan Viên)
Trong các nhà thơ tiền chiến, Hàn Mặc Tử ở vào một hoàn cảnh rất đặc biệt: Ông mắc bệnh phong vào khoảng 1930, phát bệnh năm 1936 và mất ở nhà thương phong Quy Hòa (Quy Nhơn) ngày 11/11/1940.

Trước năm 1941, năm các nhà khoa học tìm ra DDS, một loại thuốc đặc trị bệnh phong, bệnh này được xếp vào một trong tứ chứng nan y. Do những tổn thương bệnh làm lở loét tứ chi, mặt mũi sần sùi trông rất gớm ghiếc, người đời mặc cảm với những người mắc bệnh phong, tìm cách xa lánh họ. Hàn Mặc Tử cũng rơi vào tình trạng như vậy. Năm 1936, khi kỳ lưng cho Tử, mẹ ông chợt phát hiện trên lưng con mình có những đám màu hồng nhạt. Hỏi, Tử cho biết một đêm đi chơi với Mộng Cầm, khi về bị trời mưa, và trên đường lại qua một khu mả mới. Tưởng rằng Tử bị mề đay, cả nhà không ai để ý. Những mảng đỏ trên da cứ ngày một lan rộng và sau đó hai dái tai cũng bị sưng đỏ. Căn cứ vào những mô tả của ông Nguyễn Bá Tín, em ruột của nhà thơ hiện đang sống ở Nha Trang thì những thương tổn như vậy là những dát phong, tương đương giai đoạn BL của bệnh phong. Đi khám thầy thuốc bắc, thầy bảo bị phong (một chứng ngứa thông thường) và cho uống thuốc tễ. Bệnh của Tử vẫn không thuyên giảm. Thương con, mong cho con mau khỏi bệnh, bà mẹ của Tử đưa con đến khắp lượt các danh y trong vùng. Các thầy thuốc bắc thời bấy giờ có quan điểm rất lạ: lấy độc trị độc nên đã cho Tử uống các loại thuốc có nọc rắn mai gầm, nọc rắn hổ mang. Trước đó, khi từ Sài Gòn về, tử đã nhận lời làm biên tập cho tờ "Phụ nữ Tân văn" nên rất nóng lòng trở vào nhận việc. Chính vì vậy, Tử đã uống gấp đôi, gấp ba liều quy định. Có khi uống xong mặt mày xây xẩm, ngã lăn xuống đất. Các loại nọc rắn có độc lực rất mạnh đã làm hỏng gan và thận và cuối cùng, Hàn Mặc Tử được đưa vào điều trị ở Quy Hòa (21/9/1940). Hồ sơ nhập viện mang ký hiệu 1134 còn ghi rõ: bệnh nhân Nguyễn Trọng Trí (tên thật của nhà thơ), chẩn đoán lúc vào: Lèpre bacteriloriquement confirmé (phong thể nhiều vi khuẩn) và lúc ra: Tử vong vì kiết lị.

Tử đến Quy Hòa vào một sáng mùa thu chớm lạnh. Hành trang chẳng có gì, trong túi không một đồng xu. Tử mặc bộ quần áo bà ba trắng đã cũ, đi đôi giày ba ta sờn, đội chiếc khăn bông trắng dài quá lưng, chừng như sợ lạnh. Các nữ tu người Pháp đón Tử với một tình cảm thương mến. Soeur Juetta, người làm việc lâu năm ở đây đã tự tay trải giường cho Tử nằm, pha sữa cho Tử uống. Mẹ Marie de la Resuression, giám đốc nhà thương nhận hồ sơ từ bệnh viện Quy Nhơn chuyển đến, bố trí cho Tử nằm ở giường số 3 khu nhà lá tập thể đối diện với nhà thờ. Ở đây Tử đã sớm làm quen với những người bạn cùng cảnh: anh Nguyễn Văn Xê (mới mất năm 1993), anh Nguyễn Văn Trung có quán tạp hóa nhỏ dành cho người bệnh và hai người Pháp cũng bị bệnh phong ở nhà bên cạnh. Anh Xê kể lại rằng, lúc đó không ai biết Tử là nhà thơ, là người có học nhưng do Tử rất hiền lành nên ai cũng mến thương Tử. Anh Xê còn cho biết thêm, Tử giỏi tiếng Pháp nhưng không khi nào dùng tiếng Pháp để nói chuyện với các soeur. Cho đến một hôm, người giúp việc cho Tử - em Hành - đưa đồ ăn từ Quy Nhơn vào mang theo cuốn sách cũ, cuốn Deux centmorceaux de poemes 'd auteurs Francais (hai trăm bài thơ của các tác giả Pháp), Xê hồ nghi và cằn nhằn: "Anh biết tiếng Pháp sao cứ bắt tôi làm thông ngôn hoài !". Tử cười: "Anh em mình cả mà, ai nói mà không được !". Trong thời gian Tử nằm điều trị ở Quy Hòa, anh Xê cho biết, ngoài em Hành, không có ai vào thăm. Có lẽ bây giờ người đời ghê sợ và xa lánh bệnh nhân phong.

Tình trạng của Tử lúc ấy rất bi đát: "Hai mắt nằm lọt vào hai lỗ hõm sâu hoắm đến không còn mở ra được. Thân hình chỉ còn da bọc xương, chân tay co rút mà đầu tóc bù xù rối trết lại, trong đó nhô nhúc những chấy là chấy (Thư của anh Nguyễn Văn Xê đề tại Quy Hòa ngày 25/3/1941)".

Với thực trạng như vậy, việc sáng tác của Hàn Mặc Tử rất khó khăn. Ông có viết thư cho gia đình và bạn bè. Qua nét chữ xiêu vẹo, người ta thấy được thảm cảnh của Tử lúc ấy.

Sau một thời gian điều trị khoảng ba tuần lễ, nhờ sự chăm sóc của các nữ tu dòng Franciscain đặc biệt đặc biệt nhờ sự tận tình chăm sóc của soeur Juetta, sức khoẻ của Tử khá lên rất nhiều. Tử đề nghị các soeur cho tiêm thuốc Huille de moogra ethereé, loại dầu chế từ hạt đại phong tử, do bác sĩ Gourvit, giám đốc bệnh viện Quy Nhơn chế.

Tiêm được một mũi chừng một phần ba phân khối, Tử cảm thấy rất mệt, kèm theo sự rối loạn hấp thu do tì vị bị hư hỏng, Tử bị kiết lỵ, cơ thể suy sụp rất nhanh chóng buộc các soeur phải đưa vào buồng biệt lập. Tử lường được sức, chuẩn bị cho mình một cái chết thanh thản. Một hôm, soeur Julien đến thăm Tử. Biết Tử không qua nổi, nhiều người bệnh quanh đó lo lắng theo dõi từng cử chỉ của soeur. Souer Julien có tài chẩn bệnh bằng cách bắt mạch. Khi thấy souer chau mày, lắc đầu, mọi người đều thất vọng. Linh mục Nicola Cận được mời đến xức dầu và làm phép giải tội cho Tử. Tử không chịu nằm mà quỳ xuống dưới chân cha. Cha khẽ đỡ Tử dậy và bảo: "Con ngồi". Tử khẽ gật đầu: "Dạ" và đây là lần xưng tội sau cùng.

Những giờ phút cuối đời của Tử, anh Xê thường có mặt bên cạnh. Đêm 8/11/1940 đến ca trực đêm của anh Xê, Tử đột ngột ngồi dậy lấy trong chiếc áo gối mang theo từ nhà hai tập giấy đánh máy mỏng rất đẹp và hỏi anh Xê: "Anh Xê có tình yêu chưa ?". Xê trả lời: "Tôi từ nhỏ tới giờ chỉ có tình yêu với Thiên chúa". Tử nói tiếp: "Đây là gia tài của tôi, xin tặng anh tập thơ Cầu Nguyện" và lấy bút chì trong túi áo ra ghi dòng chữ: thơ Cầu Nguyện đề tặng anh Xê - Francois Trí. Đó là tập thơ đánh máy trên giấy poluya mỏng, chữ không có dấu. Anh Xê phân vân: "Không có dấu làm sao tôi đọc được ?". Tử: "Để khi nào mạnh tớ thêm dấu cho". Tử vẫn lạc quan, tin yêu cuộc sống ngay cả khi thần chết đã đến gần kề.

Đặc biệt, trong 51 ngày ở Quy Hòa, do sức khỏe bị suy kiệt, Tử chỉ viết một bài thơ văn xuôi, viết bằng tiếng Pháp có nhan đề: " La purté de âme" (sự trong sạch của tâm hồn). Bài thơ được viết trên giấy ca rô kẻ nhỏ với cây bút chì cùn dài non đốt ngón tay và tuyệt nhiên không một dấu tẩy xóa, không một lỗi chính tả nào. Ngờ đâu, đó là tác phẩm cuối cùng kết thúc cuộc đời tài ba sau hơn mười hai năm cầm bút. Bài thơ được viết vào những đêm khuya, khi những người bệnh đã ngủ. Cuối bài thơ có ghi rõ ngày tháng trong đó có một đoạn như sau:

Pureté de I âme
...Anges du Ciel, Anges du Dieu
Anges de Paix et de Gaieté
Lancez-vous des roses et des nénupherds
des chant mélodieux et des notes enbaumeés
et versez avec effusion les vertus, le courage
et labonheur parmi les servantes de Dieu
Nuit de Mercredi 24 Octobre 1940

Tạm dịch:
Sự trong sạch của tâm hồn
Hỡi Thiên thần của Trời, Thiên thần của Chúa,
Thiên thần của Hòa bình và Hoan lạc,
Xin hãy ném cho nhau những đóa hoa hồng, hoa súng
Những điệu hát reo rắt và những nốt nhạc thơm tho
Và hãy xin tưới trút cho tràn trề nào là đức hạnh,
Can đảm và hạnh phúc cho những vị nữ tu của Thiên chúa.

Đêm thứ tư, 24/10/1940
Francois Trí.

Đây là bài thơ Tử viết tặng các souer, những ân nhân, những người mẹ, người chị của mình ở Quy Hòa. Sau khi Tử mất, người ta tìm được trong túi áo ngực của Tử và trao lại cho các souer.

Suốt thời gian ở Quy Hòa, Tử vận động rất khó khăn, phải có người dìu hai bên nách mới ra được chỗ ăn cơm. Mặt khác, da tay bị cứng lại, cầm bút rất khó. Đây là thời kỳ khủng hoảng trong sáng tác vì Tử hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với thần chết. Có được một bài thơ như vậy là một nỗ lực phi thường của Tử. Tiếc thay bài thơ đó lại không được những người làm tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử chọn vào.

Trải qua bốn năm vật lộn với bệnh tật, tử phải chịu nỗi đau đớn cùng cực cả thể xác lẫn tinh thần. Dù được các souer tận tình cứu chữa nhưng do cơ thể suy kiệt, Tử đã lặng lẽ qua đời lúc 11 giờ sáng ngày 11 tháng 11 năm 1940.

Gia đình ở xa, bạn bè ở xa, không một ai đến đưa đám, không ai thắp một nén nhang hay một vòng hoa tưởng niệm trên mộ Tử. Chỉ có các souer, những người bạn bệnh cùng thời theo sau chiếc xe tang phủ vải đen và những lời cầu kinh vĩnh biệt.

Than ôi, Hàn Mặc Tử thiên tài đã vĩnh biệt chúng ta khi tuổi đời 28. Sự bất lực của y học thời bấy giờ đã cướp đi sự sống của nhà thơ. Hàn Mặc Tử không phải chết vì bệnh phong mà vì sự sai lầm của những ông lang băm dốt nát. Ngày nay, bệnh phong không còn là chứng nan y và với quyết tâm của ngành y tế, bệnh phong sẽ được thanh toán vào năm 2000. Ở Quy Hòa, nơi Hàn Mặc Tử nằm điều trị và viết bài thơ cuối cùng hiện có một phòng lưu niệm về nhà thơ tài ba nhưng bất hạnh này.

Nguồn trích: Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.- 1998.- Số 10 (Ngày 9 tháng 4) (1.594);
KHPL: BĐ.04(91)
======================================






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 22:09:05)


Nhớ Hàn Mặc Tử



Nguyễn Viết Lãm



Giữa những năm ba mươi, nhóm thơ Quy Nhơn từ Thái Dương văn đoàn ở Bình Định mở rộng, bao gồm cả các nhà thơ đang sống hoặc đang học ở trường Quốc học Quy Nhơn, tụ tập họp lại để giúp đỡ nhau sáng tác, gần gũi yêu thương nhau, vì hầu hết những người trong nhóm đều thuộc tầng lớp nghèo cả. Ngày ấy, cũng từ Quy Nhơn ra, nhưng các anh Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh đều đã rời trường ra Huế và Hà Nội, anh Phạm Văn Ký thì sang Pháp trước đó. Nhà thơ và nhà bác học Bùi Văn Lãng chỉ chuyên dịch thơ cổ điển Việt Nam sang Pháp văn nên ít có quan hệ với anh em "thơ mới'. Chế Lan Viên và tôi đang học năm thứ hai trường Quốc học. Yến Lan vẫn thường ở trên thành Bình Định, thỉnh thoảng mới xuống thành phố. Lớn tuổi hơn chúng tôi lúc ấy có Hàn Mặc Tử và Hoàng Diệp. Cả hai anh đều là nhân viên ngành Đạc điền trong một thời gian ngắn và đều đã làm thơ trước chúng tôi khá lâu. Hoàng Diệp là bạn của anh Thanh Tịnh, cùng quê Thừa Thiên. Nổi bật trong nhóm thơ chung là Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên.
Tôi được gặp Hàn Mặc Tử vào giữa năm 1936, nhưng tên tuổi của anh đã được thành phố, đặc biệt đối với anh em học sinh, biết rộng rãi từ lâu. Thầy dạy văn của chúng tôi là giáo sư Trần Cảnh Hảo (ông đồng thời là người dạy văn của nhiều thế hệ học sinh sau này trở thành nhà văn, nhà thơ có tiếng trong nước). Thầy nguyên là một nhà nho, từng đi thi hương, sau mới học Cao đẳng sư phạm Hà Nội, có ảnh hưởng lớn đối với chúng tôi. Chính thầy Hảo là người đầu tiên nói với tôi về anh Hàn Mặc tử, vì năm 1933 Hàn Mặc Tử tuy tuổi còn rất trẻ đã cùng với thầy Hảo và nhiều trí thức tiêu biểu khác tham gia giám khảo cuộc thi thơ ở Quy Nhơn. Thời bấy giờ, việc cụ Phan Bội Châu xướng họa thơ và khen phục tài thơ của Hàn Mặc Tử đã tạo cho anh một tiếng vang lớn trong xã hội.
Hàng ngày đi học, tôi qua trước hiên nhà Hàn Mặc Tử, một dãy nhà nhiều gian, thấp nhỏ của nhiều gia đình cùng thuê ở gần Ngân hàng Pháp Hoa. Một ngày chủ nhật, Chế Lan Viên dẫn tôi đến thăm anh. Anh tiếp chúng tôi, ân cần và chan hòa, như đối với những người em ít tuổi. Hàn Mặc Tử vóc người nhỏ gầy, giọng nói Quảng Bình pha lẫn giọng miền trong nhỏ nhẹ như thầm thì tâm sự. Hôm đầu tiên ấy, anh ít nhắc đến thơ Đường luật của anh tuy anh đã có nhiều bài bát cú tuyệt hay. Tuy viết theo luật Đường, thơ anh tài hoa, khoáng đạt khác hẳn lối thơ cử tử, những câu thơ đối nhau khá chặt chẽ mà vẫn tự nhiên trôi chảy với những từ dân dã:
..."Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi
Nằm gắng đã không thành mộng được,
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt
Chỉ có thông kia chịu với trời".
Từ sau buổi gặp ấy, Hàn Mặc Tử thường bảo tôi năng đến với anh. Cuối năm 1936, anh tặng tôi tập thơ Gái quê, tập thơ đầu của anh. Hàng chữ anh viết tặng đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ từng nét, lối viết phóng khoáng, chữ ký rõ ràng, chân phương. Tiếc rằng tập thơ quý giá ấy bị thất lạc trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp ở Liên khu 5.
Anh biết tôi là người Quảng Ngãi nên thường nhắc tới với tôi những kỷ niệm riêng của anh có liên quan tới địa phương này. Anh nói với tôi về Bích Khê, bảo rằng anh đang viết bài tựa cho tập thơ Tinh huyết của Bích Khê, anh bảo: "Mình thích Bích Khê và thơ cậu ấy không chịu khép mình vào khuôn cũ của ai cả". Hàn Mặc Tử khuyến khích tôi viết, mạnh dạn viết, vì anh thấy tôi có phần rụt rè trước mặt anh. Anh động viên: "Gắng viết, làm tựa cho Bích Khê xong, mình sẽ giúp Lãm tập hợp thơ lại và sẽ viết tựa cho Lãm". Tôi xúc động trước sự chăm sóc của anh, nhưng tiếc thay, việc ấy chưa kịp làm thì anh lâm bệnh nặng.
Sau này, tôi hiểu vì sao Hàn Mặc Tử lại chú ý đến Quảng Ngãi, quê tôi. Trong cuộc đời riêng của anh, một nỗi đau lớn gây cho anh một vết thương rỉ máu không bao giờ hàn gắn được. Nhưng mối tình đau khổ ấy lại là chất men cho tài năng sáng tạo của anh, y như vết thương trong lòng con trai, tạo nên hạt ngọc. Mộng Cầm, người anh yêu tha thiết, đã rời bỏ anh sau khi biết anh bị bệnh hiểm nghèo. Mộng Cầm tên thật là Nghệ, gọi nữ sĩ Ngọc Sương là dì, gọi Bích Khê là cậu quê ở Quảng Ngãi. Chị Mộng Cầm là bạn học với tôi ở lớp nhất trường tiểu học Quảng Ngãi, lớn hơn tôi năm tuổi. Dung nhan không lộng lẫy nhưng có đôi mắt đẹp và một tâm hồn nhiều xúc cảm. Đối với Mộng Cầm, tôi là bạn học, đối với gia đình Ngọc Sương, tôi là người thân, tôi rất buồn khi người bạn gái lớn tuổi ấy đã làm cho Hàn Mặc Tử tan nát cả lòng mình. Một hôm, đến chơi Hàn Mặc Tử, nhân nhắc đến quãng đời tuổi nhỏ của anh ở Sa Kỳ, một cửa biển ở Quảng Ngãi, tôi vô tình nói: "Từ Sa Kỳ, anh chỉ qua một cửa sông là đến quê chị Mộng Cầm, quê của Bích Khê rồi !". Chợt thấy anh lặng người chốc lát, tôi ân hận, sực nhớ mình đã gợi lại cho Hàn Mặc Tử nỗi đau xưa. Sau này, tôi có được thư của Chế Lan Viên viết cho tôi sau ngày giải phóng đất nước, cho biết ở Quy Nhơn người ta gọi con đường lên Gành Ráng, Quy Hoà, nơi có mộ Hàn Mặc Tử, là dốc Mộng Cầm. Chế Lan Viên tỏ sự bất bình về việc đó. Chế nói: "Đáng lẽ phải gọi là dốc Mai Đình mới phải".
Vậy Mai Đình là ai ? Người thiếu phụ ấy, vóc nhỏ mình gầy, không thuộc vào lớp người nhan sắc, nhưng tâm hồn chị đẹp xiết bao. Có sách viết rằng Mai Đình yêu thơ Hàn Mặc Tử, bèn trốn nhà đi từ quê Thanh Hóa tìm vào xin gặp. Mai Đình đúng là quê tỉnh Thanh, nhưng đã theo cha vào Phan Thiết. Từ đây, chị ra Quy Nhơn, nhờ người quen là Trần Kiên Mỹ, một bạn văn của Hàn Mặc Tử, đưa tới giới thiệu. Mai Đình yêu thơ Tử đắm say một cách kỳ lạ. Tôi chưa nghe chị nhắc tới Mộng Cầm bao giờ, nhưng chúng tôi đoán biết rằng chị đã rõ mối tình đau khổ của Hàn Mặc Tử, đã biết tài thơ lớn của anh ngay lúc còn ở Phan Thiết, vì cũng chính nơi đây, nơi Lầu Ông Hoàng này (một thắng cảnh của Phan Thiết), Hàn Mặc Tử gặp và yêu Mộng Cầm. Trong hoàn cảnh cô đơn buồn đau, Hàn Mặc Tử hết sức cảm kích trước mối tình của chị, nhưng lúc đầu anh nghĩ rằng chỉ là một mối tình vô vọng. Nhưng sau, trước tấm lòng tha thiết gần như hy sinh của Mai Đình, anh đã đáp lại mối tình ấy. Nên biết rằng lúc đó, bệnh phong hủi đã được khẳng định trên cơ thể, trên khuôn mặt của Hàn Mặc Tử. Những mảng ửng đỏ trên gò má, lông mi rụng hết trên đôi mắt không làm cho Mai Đình xa lánh. Lúc bấy giờ, chỉ có người thân trong gia đình và chúng tôi, những bạn thơ của anh đến với anh mà thôi. Tôi không tán thành việc thần thánh hóa tình yêu của Mai Đình, nhưng phải nhận rằng chị có một tấm lòng cao quý. Thời gian gần gũi chưa bao lâu thì Mai Đình phải từ giã người mình yêu, do quan hệ gia đình không thuận lợi. Từ đó về sau, tôi được biết Mai Đình đã trải qua những tháng năm vô cùng gian nan trong cuộc sống. Năm 1942, trong lần tôi nói chuyện về Hàn Mặc Tử tại câu lạc bộ Quảng Ích tại thành phố Sông Cầu, tình cờ tôi gặp Mai Đình, trông chị tiều tuỵ quá. Tôi biết rằng buổi nói chuyện của tôi đã đem lại cho chị một niềm an ủi nào đó. Sau hôm ấy, tôi không còn gặp lại Mai Đình nữa tuy tôi có ý định đi tìm chị. Trong lòng tôi, thương nhớ Hàn Mặc Tử càng khiến tôi thầm nghĩ không biết trên đường đời, Mai Đình có gặp ai là kẻ hiểu mình và trân trọng phẩm giá chân thực của mình không. Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc được một năm, tôi không ngờ được gặp lại Mai Đình tại nhà Chế Lan Viên ở phố Trần Hưng Đạo, trụ sở Hội văn nghệ Việt Nam. Thật là vui mừng được biết chị đã có gia đình hạnh phúc và riêng chị là "chiến sĩ thi đua toàn quốc" của ngành ngân hàng năm ấy. Trước khi mất một năm, Chế Lan Viên có gửi cho tôi một trang thơ của Mai Đình, trong đó có bài Ghen trăng chị nói đến tình yêu với Hàn Mặc Tử thiết tha đến chừng nào:
" Chị Hằng hẳn chị có bằng em chưa ?
Vì em là một nàng thơ,
Của chàng thi sĩ ước mơ mộng vàng,
Em có điệu nhạc du dương
Có đôi mắt ngọc để chàng say mê..."
Nếu anh quên mất lời thề,
Em đòi tất cả những gì của em !
Vì lòng em đã quá ghen,
Chị Hằng sao chị lại thèm duyên ta ?
Những đêm u ám trăng mờ,
Em buồn em sợ như là mất anh,
Cớ sao trăng lại ẩn hình,
Hay là trăng ở bên anh lúc này ?
Có chăng, anh hãy tỏ bày,
Để em bớt sợ những ngày còn xa..."
Sao Mai Đình không ghen với bao cô gái khác yêu thơ Hàn Mặc Tử mà lại chỉ ghen với trăng ? Quả là trong thơ Hàn Mặc Tử, vai trò của trăng đặc biệt quan trọng. Trong thơ anh, chúng ta luôn gặp trăng, càng về sau nỗi thất vọng càng tăng theo bệnh tình của anh thì trăng càng xuất hiện, càng như hiện diện thường trực trong thơ. Trăng trở nên một vật thể có linh hồn, có cuộc sống đối với nhà thơ. Trăng trở thành một ám ảnh từ trạng thái bình thường đến những biểu hiện ma quái. Trong Gái quê, bóng trăng sờ sẫm gối đã trở thành trăng vàng trăng ngọc về sau; đến lúc nhà thơ cười như điên, sặc sụa cả mùi trăng, là lúc hồn anh bắt đầu chìm sâu vào vô thức. Hình như giữa nỗi sầu điên dại và ánh sáng trăng có gì như là một tương quan bệnh lý. Gần đây, đọc hồi ký của Papilon, người tù vượt ngục, tôi thấy có đoạn viết về những người điên trong bệnh viện tâm thần càng lên cơn nặng hơn mỗi lúc có tuần trăng sáng. Không rõ ở trường hợp Hàn Mặc Tử có trạng thái ấy không ?
Đối với Hàn Mặc Tử, có nhiều sự đánh giá tuỳ tiện. Một số bài viết trong miền Nam thời Mỹ - Nguỵ đã thêu dệt và ly kỳ hóa cuộc đời của Hàn Mặc Tử, hoặc đề cao một cách không chính xác tính chất tôn giáo trong thơ anh. Một số bài viết ở miền Bắc trong thời kỳ chống Mỹ nghiên cứu về Hàn Mặc Tử một cách thô thiển và sai lầm. Thơ của Hàn Mặc Tử bản chất trong ngần như ngọc mà ta từng gặp trong Đây thôn Vĩ Dạ hoặc Mùa xuân chín, chân chất như trong Gái quê. Đến khi anh không còn hy vọng gì về sự phục hồi sức khỏe bằng phương pháp trần gian nữa, anh đã dành những lời thơ cuối đời của anh hướng về cõi vô cùng. Khác với thơ Thiên chúa của Claudel, Hàn Mặc Tử đã nâng hồn thơ mình đến cõi thượng thanh khí, đến một vùng trời tinh khiết nào đó trong ước mơ, đến một cõi sống mùa xuân vĩnh hằng anh mong chờ, không chỉ cho riêng anh mà cả - và thiên hạ: tứ thời xuân tứ thời xuân non nước. Tâm hồn Hàn Mặc Tử vừa dịu dàng đôn hậu, vừa say đắm nhiệt thành. Tôi không bao giờ quên hình ảnh của anh, giọng điệu của anh khi anh ngâm thơ, một lối ngâm riêng anh có.
Nhà thơ lớn Mỹ La tinh Nicôla Ghiden thường khai thác những lời nói, những giai điệu dân gian để đưa vào thơ, tôi được biết Hàn Mặc Tử cũng quan tâm đến phương pháp ấy. Ví dụ, bài Trăng vàng trăng ngọc mở đầu bằng câu: Trăng, trăng, trăng là Trăng, Trăng, Trăng ! Câu thơ ấy được lặp lại hai lần nữa trong bài. Nhạc điệu lạ lùng ấy từ đâu mà có ? Trong những năm 30, trên đường phố Quy Nhơn có một người điên nhưng rất hiền, lại hay có những cử chỉ thương người một cách kỳ lạ. Anh ta người cao lớn, ăn mặc rách rưới, ngực áo đeo đầy những nắp bia, những nhãn hiệu hàng hóa màu sắc loè loẹt, tay cầm chiếc gậy ngắn, vừa đi vừa hát. Thỉnh thoảng, anh ta đứng lại, miệng nói không ngừng: "pat xi ma ! pat xi măng ! từng tằng ! tằng ! tằng, tằng, tằng, tằng !", nói xong, anh lại hát. Hình ảnh rất quen thuộc với mọi người ở Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử thường chú ý đến con người hiền lành ấy. Chính câu thơ nói trên được viết trên cơ sở câu nói vô nghĩa của người điên kia.
Năm 1942, tôi đang ở Sông Cầu, được tin có vụ kiện do anh Quách Tấn, nguyên đơn khiếu nại anh Trần Thanh Mai, với lý do anh Trần Thanh Mại đã sử dụng những bài thơ của Hàn Mặc Tử vào cuốn nghiên cứu của mình: Hàn Mặc Tử, thân thế và sự nghiệp, nhưng không xin phép Quách Tấn là người được Hàn Mặc Tử di chúc giao quyền quản lý. Vụ kiện trở thành vụ án văn học đầu tiên ở nước ta, báo chí từ Nam chí Bắc đều đăng tin và mọi người, ai cũng chờ đợi kết quả, tin ấy đã làm phiền lòng những người bạn thân của Hàn Mặc Tử. Từ Sông Cầu, tôi viết thư vào Nha Trang cho Quách Tấn và viết ra Huế cho Trần Thanh Mại, đề nghị hai anh đừng kiện nhau nữa, vì tôi không muốn tên Hàn Mặc Tử được nhắc đến trong một phiên tòa của chế độ thời ấy. Mấy hôm sau, anh Quách Tấn viết trả lời tôi: "...Nguyễn Hạnh Đàn hãy yên tâm, tôi tin rằng dưới suối vàng, Tử sẽ vui lòng về việc này..." (Trước cách mạng, tôi đăng thơ trên báo chí với tên ký Nguyễn Hạnh Đàn). Anh Trần Thanh Mại cũng viết gửi tôi, đại ý nói rằng việc kiện này là do Quách Tấn đưa ra chứ không phải anh, đồng thời anh Mại gửi tặng tôi tập sách. Tòa án Nam triều đã mở phiên tòa tại Thừa phủ ở Huế xét xử. Báo chí khắp nước đổ xô săn tin. Nguyên và bị cáo là hai nhà văn, kiện nhau về tác phẩm của một nhà thơ quá cố, chánh án giữ quyền xét xử cũng là một nhà văn, đó là Nguyễn Tiến Lãng, nhà văn viết bằng tiếng Pháp khá nổi tiếng và là em vợ của thi sĩ Tản Đà. Kết quả, Quách Tấn thua kiện (chứ không phải xử hòa như tạp chí Văn của Sài Gòn cũ đã viết).
Từ ngày Hàn Mặc Tử mất đến nay, tròn nửa thế kỷ. Phải chờ đến năm mươi năm sau, thiên tài trác tuyệt ấy mới được công nhận trong cả nước. Chúng ta vui mừng với sự đổi mới trong quan điểm đánh giá văn học của chúng ta, đồng thời cũng tiếc cho bao thế hệ phải chậm tiếp cận với một tài thơ hiếm có. Hôm nay, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, những ngọn cờ của Nhóm Quy Nhơn ngày cũ đã vắng bóng, nhưng tác phẩm của các anh đã trở thành di sản quý giá của dân tộc. Năm kia, khi Chế Lan Viên báo cho tôi biết Tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử sắp ra đời có bài tựa của Chế, tôi vui mừng, nhân dịp ấy, tôi gửi cho Chế Lan Viên bài thơ tôi viết về người bạn lớn của chúng tôi, đoạn kết như sau:
"...Phải một nửa đường thế kỷ
Ánh sáng thơ anh mới về được với đời sau,
Tử thân yêu, hồn thơ anh chỉ một,
Hành tinh chật rồi, không chứa nổi hai đâu !".
11-1990
(Viêt vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất Hàn Mặc Tử )

Nguồn trích: Tuyển tập Nguyễn Viết Lãm. - H. , 1997 (1.593);
KHPL: BĐ.04(91)
=======================================






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 22:10:06)


Đọc "Đi tìm chân dung Hàn Mặc Tử" của Phạm Xuân Tuyển



Lê Hoài Lương


Sách in khổ lớn trên giấy trắng, đẹp, dày 450 trang, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành đầu năm 1998 này.

Tác giả Phạm Xuân Tuyển từng được bạn đọc biết đến từ những bài viết trên các báo, từ vai trò diễn giả trong những sinh hoạt ăn học về Hàn Mặc Tử - một tâm huyết hiếm có đối với nhà thơ tài hoa mệnh bạc mà vì nhiều lý do, cuộc đời và thi phẩm của ông còn nhiều khuất lấp hoặc được thêu dệt thành huyền thoại. Khởi đầu từ năm 1966, bị gián đoạn rồi thực sự làm lại từ năm 1986 đến khi quyển sách ra đời, tác giả có sự say mê và cuồng nhiệt của một "tín đồ" đi tìm chân dung Hàn Mặc Tử. Tự thân quyển sách đã nói lên những điều rất đáng ghi nhận:

1. Về tác giả Phạm Xuân Tuyển: Ông đã đi hầu khắp các tỉnh thành Nam, Trung, Bắc để gặp các nhà nghiên cứu. nhà văn, nhà thơ, những chứng nhân có ít nhiều liên quan hoặc hiểu biết về cuộc đời và thơ văn Hàn Mặc Tử để sưu tầm tư liệu, dù là chi tiết nhỏ nhặt nhất. Tác giả đã đọc hàng trăm quyển sách, bài báo viết về Hàn Mặc Tử, đã viết, thuyết trình, nói chuyện hàng chục lần trên nhiều diễn đàn, câu lạc bộ...Công sức ấy, tấm lòng ấy, trách nhiệm với văn học, với Hàn Mặc Tử, rất đáng trân trọng.

2. Về nội dung quyển sách: Trước hết, đó là tập hợp hơn hai chục bài viết của tác giả; những bài viết, nhạc, thơ của nhiều người được tác giả trích chọn nhằm bổ sung cho chân dung nhà thơ; hơn 200 bút tích, hình ảnh liên quan...Nội dung chủ yếu của cuốn sách là những tư liệu nhằm làm sáng tỏ cuộc đời và thi tài Hàn Mặc Tử. Đóng góp lớn nhất của tác giả là phát hiện người bạn cuối đời của Hàn - ông Nguyễn Văn Xê, người đồng bệnh và trực tiếp gần gũi chăm sóc nhà thơ 52 ngày ở trại phong Qui Hoà. Thiên hồi ký hết sức quý giá (Nhớ Hàn Mặc Tử) rọi sáng rất nhiều về tâm hồn, nhân cách nhà thơ ở những ngày đau khổ cực cùng rồi thanh thản dọn mình đi vào nước Chúa. Quyển sách cũng làm sáng tỏ nhiều về di hài nhà thơ từ mộ chôn ở Quy Hoà đến mộ cải táng ở Ghềnh Ráng. Những chú giải công phu về các địa danh ghi dấu ấn nhà thơ: Quảng Bình, Huế, Quảng Ngãi, Sài Gòn...đặc biệt là Bình Định với Quy Hòa, Ghềnh Ráng, Gò Bồi và Bình Thuận với Mũi Né, lầu ông Hoàng, bia đài...Rồi thân thế, tình cảm của những nữ lưu trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến cuộc đời và thi phẩm Hàn. Tác giả đã dày công tìm cách tiếp xúc, cố gắng rọi ánh chiếu những hình bóng giai nhân này lên trang viết của nhà thơ. Mọi chi tiết nhỏ nhặt đều được trân trọng ghi nhận. Đến như tờ giấy rửa tội lúc mới sinh (phép bí tích thanh tẩy của Luật dạo Thiên Chúa giáo) cũng được tác giả cất công đi tìm khi nhà thờ Tam Toà ở Đồng Hới, Quảng Bình qua bao bom đạn còn trơ cái gác chuông, cái giáo xứ ấy đã chuyển vào Hòa Khánh - Đà Nẵng và cái trang ghi ấy từ năm 1912 ! Vậy mà tìm được ! Ý nghĩa của cuộc tìm kiếm này thật bất ngờ: Lâu nay trên mọi sách vở, cả của người thân nhà thơ đều viết sai tên thánh. Đó là Phanxico chứ không phải Phêrô hay Pi-e. Tác giả cũng thẳng thắn tranh biện với những tác giả khác, cả những người rất danh tiếng trên văn đàn về các khía cạnh khá tế nhị, dĩ nhiên không phải lời phán quyết sau cùng (người duy nhất đầy đủ thẩm quyền để nói lời cuối cùng là...thời gian, và như vậy tức là không có lời nói thật cuối cùng trong văn chương - GS Hoàng Như Mai viết ở Lời đầu sách), những hữu ích nhất định. Hành trình của tác giả cũng làm thoáng hiện chân dung các bạn hữu nhà thơ: Trần Thanh Mại, Trần Thanh Địch, Quách Tấn, Bích Khê, Nguyễn Minh Vũ, Hoàng Diệp...Đó cũng là đóng góp của quyển sách.

Tuy nhiên, bên cạnh trái tim nóng bỏng nhiệt tình, khi làm sách Phạm Xuân Tuyển đã bộc lộ những điều hạn chế sau:

1. Thiếu khoa học: Quyển sách gộp những bài viết của tác giả in rải rác, các báo, tạp chí hoặc đọc ở đài phát thanh, ở các câu lạc bộ từ 1987 đến 1997. Nhiều chi tiết, vì là bài viết để đăng báo có thể lặp lại phần nào cho sáng tỏ thêm bài viết đó. Nhưng cứ bê tất cả vào một quyển sách sẽ dẫn tới tình trạng trùng lặp không cần thiết. Đó là những bài khá lan man về các mối quan hệu giữa Hàn Mặc Tử và 6 "xuân nữ", chuyên vở kịch "Quần tiên hội" được Đơn Dương viết tiếp, những chi tiết liên quan đến cuộc đời nhà thơ được lặp lại trong phần tranh biện với các tác giả khác...Cách làm này vừa tốn giấy mực vừa giảm mỹ cảm từ cuốn sách.

2. Thiếu chọn lọc: Dụng ý của tác giả là qui tập tư liệu nhưng không nhất thiết phải đưa vào sách toàn bộ những gì có trong tay. Hạn chế này bộc lộ khá rõ ở phần "phụ lục" dày đến 264 trang ! Hơn 100 bài thơ của ngần ấy tác giả viết về Hàn Mặc Tử mà hơn 3/4 số đó không đáng bắt bạn đọc tốn thời gian ! Phần nhạc chiếm đến 82 trang, từ bài Ave Maria, Hải Linh phổ thơ Hàn, bài "Hàn Mặc Tử" của Trần Thiện Thanh và vài bài khác, số còn lại không mấy người nghe (vì có ai hát đâu). Phần ảnh, tác giả công bố trên 75 trang đến 183 bức ảnh! Một rừng ảnh ! Số ảnh từ quyển sách biên khảo này đáng ghi vào Ghinét! Nhưng ta hãy binhg tĩnh xem thử giá trị những ảnh tư liệu này đến đâu ? Ngoài những tấm ảnh giâ đình, bạn bè, người yêu, ảnh mộ Hàn Mặc Tử và những nơi ghi dấu ấn khá sâu đậm trong cuộc đời và thơ Hàn: nhà thờ Tam Hòa, Ghềnh Ráng, Qui Hòa, Mũi Né, lầu Ông Hoàng...số còn lại, lại ghi dấu... Phạm Xuân Tuyển ! Ví như, tác giả đứng trước cổng ga Quy Nhơn mới toanh, hiện đại và chua rằng: "Nơi đây Hàn Mặc Tử thường được đưa đón mỗi khi ra về..."Vô thiên lủng những bức ảnh như thế mà người giàu tưởng tượng lắm cũng không thể có hình dung gì về Hàn !

Thật khó giải thích sự hiện diện những bài viết như: "Họp mặt bên bờ biển xanh", "Họp mặt CLB/ST/TV Quy Nhơn - Bình Định"...Những bài thơ làng nhàng, những bản nhạc không ai hát, những tin bài vớ vẩn, những tấm ảnh vô bổ chiếm đến hàng trăm trang, sao không thay bằng những bài thơ chọn lọc của Hàn, cái phần rất đáng nên có trong quyển sách và chính nó, chứ không phải ai khác, quyết định chân dung nhà thơ ?

3. Sự lên gân thái quá: Gặp cụ Từ Khương, bạn đồng nghiệp của Hàn thời làm việc ở Sở Địa chính, tác giả có thêm một số tư liệu nhưng khi nghe vợ chồng cụ bảo không thích thơ Hàn, tác giả đã "cố nén tiếng thở dài vì quá đau lòng cho Hàn Mặc Tử, 56 năm nằm dưới mộ lạnh mà thơ ông ở trần gian vẫn chưa được thương hiểu hết !" (trang 130). Xin miễn bình! Nếu chịu khó đọc hết, người đọc sẽ còn gặp nhiều vấn đề này.

4. Sự nhập vai: Vì quá yêu thương Hàn, tác giả đã lẫn lộn phần việc của nhà biên khảo sang sáng tác và ông đã nhập vai vào các nhân vật, Xin đơn cử một trường hợp: Thương Thương. Đây là người nữ cuối cùng (dù chưa một lần gặp mặt), gợi cảm hứng cho Hàn viết Cẩm Châu Duyên, Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội. Giờ bà cụ đang ở Pháp. Tác giả viết: "Tôi chắc chắn Thương Thương không sao tránh khỏi bùi ngùi xúc động khi một mình lặng lẽ đọc các câu thơ xuân tình trong kịch thơ Duyên kỳ ngộ (Tr.113), "Tôi chắc chắn nhà báo họ Trần không đè nén được xúc động..." (114), "Còn những nơi ở đây mà tôi chắc bà Thương Thương ghi đậm nét trong ký ức (vì có dân chần HMT đã đến) (115); "Thử hỏi một cô gái được chàng thi sĩ tài hoa viết cho mình những lá thư, tập thơ yêu đương nồng nàn làm sao không sung sướng (không chừng tự hào, kiêu hãnh nữa đó) (tr.121)v.v... và v.v....Thật liều lĩnh cho sự "nhập vai" trên ! Những sáng tác kiểu này chẳng làm Hàn lớn dẹp thêm chút nào cả. Cũng như kiểu "trữ tình ngoại đề", sau khi giới thiệu di tích lầu Ông Hoàng, tác giả "xin đề nghị chúng ta cùng hát vang bài "Hàn Mặc Tử"...rồi "chúng ta hãy vui lòng ngâm bốn câu thơ của bà Mai Đình..."(75). Sau đó tác giả tiếp tục đề nghị ngâm tám câu của Bích Khê rồi kết thúc bằng bài thơ 36 câu của Huyền Diệp Tử (Tr.76), cũng là chính tác giả với bút danh. Trời ơi, đừng làm vậy !

Kết luận: Quyển sách có nhiều tư liệu quý mà tác giả khổ công sưu tầm trong nhiều năm. Riêng chữ MẠC mà tác giả trích dẫn rất nhiều sách báo để chứng minh thì người khác cũng sẽ không thiếu cứ liệu kiểu ấy để gọi là MẶC. Theo chúng tôi, chỉ có một TỬ, dù là MẠC hay MẶC.

Dẫu sao, với số tư liệu phong phú đã có, nếu tác giả sắp xếp lại cho khoa học, mạnh dạn gạt bỏ những phần vô bổ thì đây sẽ là một quyển sách thực sự có giá trị./.

Nguồn trích: Bình Định nguyệt san.- 1998.- Số 5 (1.513);

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.