Jan 15, 2025

Tiểu luận - Tạp bút

Thủy Chung (Tạp luận)
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 05:49:29 PM, Oct 07, 2010 * Số lần xem: 2429
Hình ảnh
#1
#2

 

 

Đốt đuốc ban ngày, khó vậy thay!
Lầm đường lạc lối tỉnh như ngây.
Đường hầm hũ nút, đèn đom đóm,
Ánh sáng vinh quang rác rưởi đầy.
Ngoại quốc nhà băng trương mục mở,
Nhà dân điện nước thắp đèn cầy.
Đèn ai nấy sáng dân thây kệ.
Đốt đuốc về đêm, dễ lắm thay!

Chung thủy! Bàn hươu tán vượn khó.
Tưởng tượng đề huề khi còn nhỏ.
Đồng sàng dị mộng quá ồn ào,
Xẻ áo nhường quần thường gấu ó.
Mèo mả gà đồng chuyện cũng thường,
Trêu hoa ghẹo nguyệt điều không có.
Chàng Ngưu ả Chức đợi sông Ngân.
Sống chết thủy chung nghe khốn khổ.

                                

Thủy chung. Thủy chung.

Theo nghĩa gốc, thủy là sự bắt đầu, sự bắt ngưồn. Theo Darwin, thủy tổ loài người là một giống vượn. Theo Thánh kinh thuộc Ki tô giáo, con người đầu tiên tức thủy tổ là A đam và E và. Khi nói về Đạo Đức kinh, Lão tử đã giải thích về Đạo:” Vô danh thiên địa chi thủy”. Cái không tên là cái bắt đầu của Trời và Đất. Bài Tựa của tác phẩm Thái Huyền tác giả là thầy Cung Giũ Nguyên có đề cập ít nhiều đến triết luận của Dương Hùng. Dương Hùng xem Huyền là căn bản của vũ trụ mà người cùng vũ trụ chung một thể với nhau. Huyền là nguồn gốc, là nguyên nhân của vạn vật, ở khắp nơi và có quan hệ đối đảo với nhau một cách siêu nhiên.

Với một tín đồ đạo Công giáo, một con chiên không biết phải quyết định một niềm tin như thế nào cho phù hợp giáo lý. Tôi nên tin theo nhà nghiên cứu Darwin thủy tổ loài người là một loài vượn? Hay là tôi phải tin theo kinh Cựu Ước, con người đầu tiên chính là ông A Đam, bà E và? Vị chủ chăn tức vị linh mục đứng trên tòa giảng phải lý giải như thế nào trước các bầy chiên?

Chung có nghĩa là hết, là chấm dứt. Trong một truyện cổ, một sách xưa, lúc chấm dứt một cốt truyện, một quyển sách xưa, chẳng hạn Phong Kiếm Xuân Thu, những dòng chữ trên những trang cuối có in có ghi chữ “ chung “. Một chế độ là chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị “cáo chung” kể từ sau ngày ba mươi tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm. “ Lâm chung” là giờ phút gần chết giây phút hấp hối cận tử. Vào giờ phút lâm chung, cụ Tú Lãm đã thì thào trăn trối với hai con là Mai và Huy( Nửa Chừng Xuân). “Mệnh chung” là tắt thở, là nhắm mắt, là trút hơi thở cuối cùng, một cách nói làm nhẹ bớt tính cách bi thảm chua xót của người chết. Ông ấy( cha tôi) đã “ mệnh chung” vào ngày 2 tháng 4 năm Bính Tuất 1958. Còn từ ngữ “ chung kết “ là trận thi đấu cuối cùng( như bóng bàn, bóng đá) giữa những trận đấu quyết định sau cùng sẽ về đội nào:trận chung kết sẽ được tổ chức vào ngày “Quốc Khánh” 2/9.

Thủy là bắt đầu, chung là chấm dứt. Bất cứ sự hình thành nào cũng có sự bắt đầu, bất cứ sự chung cuộc nào cũng có sự chấm dứt. Quan niệm luân hồi trong Phật giáo có sự khác biệt trong sự bắt đầu, trong sự chấm dứt. Quan niệm luân hồi là vô thủy, không có sự bắt đầu. Có thể ví luân hồi là một vòng tròn, ta không biết khởi điểm của đường tròn bắt đầu ở điểm nào, nói cho đúng, bắt đầu vào thời điểm nào, thời gian nào, chỗ nào, vị trí nào, không gian nào. Có thể nói, bánh xe luân hồi, ta không biết khởi sự bắt đầu từ bao giờ và vào lúc nào. Bánh xe luân hồi, khởi kỳ thủy, phát sinh bởi sự vô minh. Vô minh là hậu quả tất nhiên của muôn ngàn kiếp trước bị quả báo, không thể nào xác định bản chất của thời gian. Nhờ tu luyện, con người có thể đạt đạo trở thành chánh quả nhờ sự giải thoát, thấy được kiếp trước đi vào vĩnh cửu. Tín đồ Thiên chúa giáo cũng có quan điểm tương tự. Trước thời kỳ khai thiên lập địa, trước khi tạo dựng cõi trời và đất, trước lúc tạo dựng địa ngục thiên đàng là một mớ hỗn mang là một chốn hồng hoang, không phân biệt đất trời, không phân biệt ngày đêm, không phân biệt bóng tối ánh sáng, không có bắt đầu, không có thời gian.

Những lúc gần đây, tôi nghe nhưng không trực tiếp chứng kiến sự ra đi dường như hơi nhiều các vị cao niên. Ông Sức đã âm thầm lặng lẽ ra đi, không báo tử, không cáo phó, không phân ưu. Ông Sức mất đã ngoài tám mươi, thế là thọ. Ông Nguyễn văn Trung, anh ruột hai ông Nguyễn văn Bắc và Nguyễn văn Nam ngày trước với tôi cùng học chung một trường tư thục Kim Yến, đã mất tuần trước; ông Trung là phu quân của bà Lê thị Ngọc Sương, nguyên giáo sư Anh văn trường trung học Duy Tân. Ông Lê đức Thuận, nguyên học sinh ngày trước của trường tư thục Kim Yến, trước 1954 sang Pháp du học nay về Việt Nam không may bị bệnh hướu cổ phải nằm bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, được ít lâu bệnh không thuyên giảm, Thuận mất. Chiều hôm qua, anh Nguyễn văn Tâm hiện ở bang Texas báo tin anh Tôn thất Hà vừa mất. Lúc đầu anh Hà mất vì bị bệnh tim, nhưng sau đó anh Ngô quốc Sỹ cho biết anh Hà mất vì bệnh đột quỵ tức bệnh tai biến mạch máu não. Người già, tuổi càng cao, mất vì chứng đột quỵ ngày càng phổ biến.

Ngồi một mình uống ly cà phê buổi sáng trước điểm tâm, tôi buồn bã nghĩ tới cái chết sắp tới của tôi nên không nén nỗi tiếng thở dài. Mọi người, tất cả, không chừa một ai, phải chết. Khi còn nhỏ, thảng hoặc, tôi cũng có nghĩ về nghĩ tới cái chết, nhưng đối với một đứa oắt con là tôi ngày ấy, cái chết đã dửng dưng xa lạ hoàn toàn. Cái chết, dĩ nhiên tôi biết, nhưng không phải tôi. Danh từ mang đầy tính chất triết lý avoir và être “ có và là” của nhà triết học hiện sinh Gabriel Marcel, giờ đây tôi đã hiểu ý nghĩa thâm thúy. Có, động từ chỉ một vật sở hữu, một đồ vật chiếm hữu, hoàn toàn tùy thuộc sử dụng của người của vật chiếm hữu. Tôi có một cái áo sơ mi, tôi có một chiếc xe, hắn ta có một thửa vườn, có một sào ruộng. Nhưng vật sở hữu, vật chiếm hữu có tính cách bất tất, vô thường, có đó rồi mất. Sau năm 1975, tôi đã phải bán chiếc áo sơ mi, phải bán chiếc xe hiệu Honda. Riêng thửa vườn, sào ruộng tôi đã bán ngầm thửa vườn sào ruộng cho lũ cán bộ giàu nứt đố đổ vách nay nghiễm nhiên trở thành tư bản đỏ. Dù cho quyền thế mạnh đến đâu, dù cho bạo chúa Tần thỉ Hoàng, Thành Cát Tư Hãn quyền lực giàu có nhất nhì thế gian, một khi chết nhắm mắt xuôi tay trắng tay vẫn hoàn tay trắng. Riêng động từ là có một ý nghĩa khác biệt. Là mang một ý nghĩa then chốt cốt lõi của một vật, cốt lõi đến nỗi nếu một khi sự vật vì một lý do nào đó biến mất hoặc thay đổi, sự vật sẽ vì thế không còn nữa. Sáu mươi năm trước, tôi đã là một học sinh sơ cấp lớp Ba trường làng. Bốn mươi năm trước, tôi đã là một giáo sư trung học đệ nhị cấp.

Triết gia hiện sinh Công giáo Gabriel Marcel nói rằng “ j’ai un corps “. Tôi có một thân xác. Tôi có quyền sở hữu, có quyền chiếm hữu thân xác của tôi. Tôi có thể vận động, đi lại, co duỗi chân tay nếu tôi muốn. Tôi cũng có thể chặt đứt ngón tay của tôi nếu tôi phản đối cuộc chiến phi nghĩa và ý thức hệ, chống đối phong trào bắt đi quân dịch.
Tôi tạm thời cắt đứt dòng tư tưởng để trở lại tiết thu vừa mới chớm. Trời về thu thường thì đẹp, tiết trời bổng trở nên êm ả, ý thơ trở nên mênh mang bao la lãng mạn ước mong sáng tác một bài thất thất ngôn bát cú.
Buổi sáng thời này đã chớm thu. Không gian bát ngát khối mây mù. Thời gian lặng lẽ hương ngưng đọng, Chuyển tiết thu sang thoáng thực hư. Lác đác cành ngô heo hút rụng, Bâng khuâng cánh én mỏi trầm tư. Hồ thu mặt nước gương trong vắt. Những tưởng thong dong mặt nước tù.
Trở lại hai yếu tố “ có “ và “là” . “ Là “ là thuộc từ chủ yếu của danh từ mang tên của động từ. Tôi là một học sinh. Học sinh là thuộc từ của đại danh từ tôi.

Nhưng giờ đây “ Tôi là thân xác của tôi. Je suis mon corps. Tôi có một quan hệ vô cùng mật thiết, vô cùng gắn bó với thân xác tôi, mật thiết gắn bó đến nỗi một khi thân xác của tôi hay một bộ phận của thân xác tôi bị cắt mất, chắc chắn tôi sẽ bị mất toàn bộ hay một phân cách; tôi bị “phóng thể” hay nói theo từ ngữ chuyên môn triết lý hoặc tâm lý tôi bị...vong thân. Tôi không có một tình yêu nữa. Tôi là tình yêu của tôi; je suis mon amour. Em là tình yêu của anh và anh là tình yêu của em. Chúng mình là tình yêu của nhau, riêng tư, thân mật. Mình với ta tuy hai mà một. Tình yêu của đôi ta, của chúng mình không phân biệt nữa nhưng hòa làm một. Thân xác của anh là thân xác của em, bộ phận sinh dục của anh cũng là bộ phận sinh dục của chính em.
Sau khi đạt tới giai đoạn cực khoái, thân xác của anh trở về trạng thái cũ, tình yêu xác thịt trả lại hình thái của chính anh, tôi đã có một thân xác, cần được sự yên tĩnh để nghỉ ngơi, yên lặng đi vào giấc ngủ. Sau cơn giao hợp, mọi vật đều buồn. Post coitum, alle animal triste. Ta với mình tuy một mà hai.

Trở lại vấn đề thủy chung với niềm băn khoăn khắc khoải của Nguyễn Du. Ai cũng biết Tố Như đã phò triều Nguyễn mặc dù trước đó Tố Như đã tôn thờ nhà Lê. Đó là một nỗi bận tâm thao thức dằn vặt không nhỏ đã vì một nguyên nhân một cớ sự thầm kín u ẩn mà “trung thần bất sự nhị quân “, tôi trung chẳng thờ hai vua. Ông Hồ nghe bài giáo huấn của đám thanh niên :” trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. “ Xin nhắc lại: “ trung với nước “ không có nghĩa là “trung với đảng “, hiếu với dân “ không có nghĩa là “ hiếu với cha với mẹ “. “ Nhục vì hàng ai người hiểu Nguyễn Du, kẻ sĩ về hàng để mang hoài nỗi nhục” Về làm quan dưới chế độ triều Nguyễn, Nguyễn Du nghĩ đó một mối nhục tuy âm thầm nhưng dai dẳng ray rứt, “ bó thân về với triều đình, hàng thần lơ láo phận mình ra đâu.” Mối nhục về hàng dưới trướng của triều nhà Minh của Từ Hải chẳng khác thân phận Nguyễn Du về hàng dưới trướng triều nhà Nguyễn. Chẳng thế mà Nguyễn Du chỉ ậm ậm ừ ừ vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện, chỉ biết “nín thở qua sông;” sống thời buổi này thiết nghĩ không nhất thiết phải sống “ thủy chung như nhứt,” nói đến chuyện “ thủy chung, trước sau như một” mặc dù trước sau không phải là một, phải biết khôn ngoan thức thời tùy nghi thích ứng, phải biết ứng dụng cái lưỡi của Oesope. Xé bỏ hiệp ước ngưng chiến đình chiến của hai bên của hai quốc gia thù địch chỉ là tạm thời. Người không chung thủy là kẻ không trung hậu không thức thời như trong bài Quốc văn Giáo khoa thư lớp Sơ đẳng, “ Đạo bằng hữu phải cho có thủy chung”: ngươi Nghiêm Tung chuyên quyền làm bậy, bị Nghiêm Tung bắt bỏ ngục, các quan đều sợ hãi không ai dám vào thăm, chỉ có ông Từ Tử Dữ ngày ngày thường đem cho cơm rượu. Ông Từ Tử Dữ là người biết sống theo lý tưởng của người xưa: chung thủy.
Nguyễn Du chỉ biết gởi gấm hai câu thơ Độc Tiểu Thanh ký bằng hai câu tâm sự:
“ Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như.”

Trở lại những chuyện thủy chung. Nàng Mỵ Ê người nước Chiêm Thành, vợ vua nước Chiêm là vua Xạ Đẩu, bị giết chết. Năm 1044, vua Lý Thái Tông của Đại Cồ Việt tiến đánh Chiêm Thành. Trong khi đó triều chính Chiêm có sự nội phản, tướng Chiêm là Quách Gia Dĩ giết Xạ Đẩu rồi đầu hàng. Quân Đại Cồ Việt chiếm được thành Phật Thệ, bắt hàng trăm cung nữ, ca kỹ và nhạc công mang về trong đó có vương phi Mỵ Ê. Vua Thái Tông sai quan trong sứ triệu bà vào hầu. Mỵ Ê lấy tấm áo chiên trắng quấn quanh mình rồi nhảy xuống sông Châu Giang(?) tự tử. Về sau Hoàng Cao Khải đã cảm khái sáng tác một bài thơ Đường luật ca ngợi tấm gương tiết nghĩa của bậc nhi nữ quần thoa:
Nàng Mỵ Ê.
Thuyền rồng chẳng dựa, dựa thuyền chài
Gắn bó vì chưng trót một hai.
Tiết nghĩa mảnh chiên trời ấm lạnh,
Cương thường giọt lệ nước đầy vơi.
Chứng minh đã có mười phương Phật,
Sống thác cùng nhau một giống Hời.
Sử sách nghìn năm ghi chép đó.
Thương ai mà lại thẹn cho ai.

Thêm một chuyện lịch sử mang tính thủy chung giữa thời Tam quốc.
“ Đào viên kết nghĩa.

Thời Tam quốc có ba người là Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi kết nghĩa anh em tại Vườn đào, làm lễ tế trời đất thề với nhau rằng: “ Sống chết bao giờ cũng phải có nhau.”

Sau Lưu Bị làm vua, Quan Vũ và Trương Phi làm tướng. Tuy vậy ba người vẫn đối đãi với nhau thân thiết như lúc hàn vi vậy.

Về sau Quan Vũ bị nước Ngô giết. Lưu Bị và Trương phi cố sức lo nghĩ chuyện báo thù, lúc nào cũng thương nhớ khóc lóc, đến chết cũng không quên.

Chuyện Đào viên kết nghĩa ngày nay ai cũng biết. Anh em kết nghĩa mà được thủy chung như thế, thật đáng làm gương cho người đời sau vậy.”

Lại thêm một chuyện lịch sử chuyện chung thủy của hoàng phi Nguyễn thị Kim và vua vong quốc Lê Chiêu Thống.

Vào thế kỷ thứ mười tám, vua Càn Long nhà Thanh sai tổng đốc Lưỡng Quảng Quảng Đông Quảng Tây Tôn Sĩ Nghị đem năm mươi vạn quân sang xâm chiếm nước ta, lời yêu cầu này được sự kêu cứu của hoàng tử Lê Duy Kỳ tức Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu, vua Quang Trung hoàng đế Nguyễn Huệ đánh cho một trận tơi bời hoa lá không còn manh giáp. Lê Chiêu Thống phải chạy sang Tàu lánh nạn, lúc ấy mới hai mươi bốn tuổi, bỏ lại vợ là hoàng phi Nguyễn thị Kim không kịp thì giờ đành ở lại cố quốc. Niềm đau nỗi buồn mối nhục mất nước lại them bị những người Tàu khinh khi rẻ rúng, ông vua vong quốc mang bệnh. được ít lâu thì mất, năm ấy hoàng tự quân mới hai mươi bốn tuổi, tuy đã có vợ nhưng chưa có con, thi hài được an táng trên đất khách quê người. Độ hai mươi năm sau, các quan chạy theo phò tá hoàng tự quân xin được cải táng người đã mất, hài cốt được giao cho hoàng phi Nguyễn thị Kim, lúc ấy đang chờ đợi hài cốt tại biên giới Trung Hoa. Nguyễn thị Kim mặc đại tang,lạy lục khóc ngất lúc thấy hài cốt của người đã chết, sau đó đem hài cốt an táng tại chính quê hương là lãnh địa gốc gác của người An Nam nước ta. Khi mồ đã yên, mả dã đẹp, Nguyễn thị Kim đã thắt cổ tự sát ngay tại hiện trường, chết chung với tự quân, chồng chết trước vợ thác sau. Về sau có nhà thơ cảm khái ý nghĩa cái chết vẹn tình chung thủy, sáng tác bài thơ hát nói của hoàng phi Nguyễn thị Kim, rất tiếc tôi không biết tác giả.
“ Liệt nữ Nguyễn thị Kim. Triều Lê Quý có nàng tiết liệt Hai mươi năm khắng khít thù Tây, Đem tàn thân nương chốn am mây, Đạo thần tử tình trong phu phụ. Vạn cổ di luân chiêu vũ trụ, Nhất xoang trung nghĩa đáp quân vương, Hai vai một gánh cương thường, Chén tân khổ nhấp ngon mùi chính khí. Đã nên đấng trung thần bất nhị, Lại nên tài liệt nữ bất canh. Rõ ràng hai chữ trung trinh.”

Hai chữ thủy chung cũng có liên hệ khá sâu xa giữa một nữ lưu nổi tiếng vào thế kỷ mười bảy: Nguyễn thị Niên. Nguyễn thị Niên là một phụ nữ đẹp nổi tiếng, kết duyên cùng đại tướng Bùi văn Khuê, phò tá vào thời chúa Nguyễn. Vào thời điểm ấy Phan Ngạn cũng là một viên tướng từng phuc vụ dưới thời chúa Nguyễn xứ Đàng Trong. Phan Ngạn là một viên tướng nổi tiếng háo sắc, đem lòng ham muốn chiếm đoạt Thị Niên cho kỳ được. Sống với giai nhân thì lúc nào ngay ngáy lo toan, tâm trạng lúc nào cũng không yên ổn, vợ chồng Bùi văn Khuê Nguyễn thị Niên bàn mưu tính kế cùng nhau về hàng xứ Đàng Ngoài thuở ấy xứ Đàng Ngoài do Bình An Vương Trịnh Tùng cai trị. Trịnh Tùng cả mầng liền phong chức tước cũ cho Khuê. Nào ngờ tưởng tránh được vỏ dưa gặp phải vỏ dừa, Phan Ngạn là lãnh địa do chính Ngạn trông nom cai quản thuộc xứ Đàng Ngoài. Một hôm, Bùi văn Khuê vì vô tình uống rượu độc mà chết.
Khuê vì đột tử mà chết. Nguyễn thị Niên nung nấu mối thù không đội trờI chung, lâm râm khấn vái đêm ngày quyết báo thù chồng, tương tự truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng “ Giết chồng, báo thù chồng “ mà nạn nhân bị bức tử chính là người chồng bất hạnh xấu số của Liệt. Một năm trôi qua là ngày lễ kỵ đầu tiên cho người đã khuất mà người vợ cũng chưa tìm ra được thủ phạm giết chồng; người cha đẻ của Thị Niên khuyến cáo người con gái nên “tự xử” để giữ tiết được sạch, giá được trong, để lâu rồi mà con vẫn không tìm ra được thủ phạm giết chồng thì con nên chết đi là vừa. Thị Niên khóc, hứa sẽ quyết khám phá ra tình địch giết chồng.

Thị Niên ra đi, tới bến một dòng sông, Phan Ngạn đã đợi người ngọc từ lâu. Góa phụ nói gần nói xa, muốn biết thủ phạm hạ độc thủ nạn nhân là ai, người nào, quê quán ở đâu, trước để biết, sau dể biết ơn người đã hạ thủ. Phan Ngạn trước còn giấu quanh chưa dám phanh phui sự thật, sau, rượu đã ngà ngà quá chén, Ngạn vỗ ngực tự nhận mình là tác giả giết người hòng giành giựt giai nhân. Giờ đây bí ẩn về cái chết chưa siêu thoát đã vén màn bí mật. Nhanh như điện chớp, góa phụ rút một lưỡi dao bén ngót từ trong thân mình xông lại sát người Phan Ngạn, đâm một nhát dao lút cán. Ngạn không kịp chống đỡ vì quá bất ngờ, máu tuôn ào ào xối xả. Ngạn bị ngất lịm, buông xuôi, tắt thở. Chưa hết, góa phụ nắm lấy tóc người đàn ông nghiến răng cắt đứt đầu lâu người đã chết. Xách chiếc đầu lâu hối hả rời thuyền ban đêm đìu hiu quạnh quẽ tối mịt không trăng không sao, Nguyễn thị Niên về nhà, tới trước bàn thờ người đã thác oan, đặt chiếc thủ cấp còn đang máu chảy trên chiếc ngũ quả,cất tiếng nghẹn ngào nức nở:
- Hôm nay là ngày húy kỵ đầu của chàng, em đã hao hơi tổn sức tìm cho được kẻ giết người. Giờ đây em đã biết dược đứa đã giết chàng là ai, em xin cắt đầu người đó để dâng lễ. Chàng hãy đợi em cùng đi. Đợi em đi với , chàng ơi!

Rút trong người một giải lụa trắng, Nguyễn thị Niên quấn quanh chiếc cổ siết chặt rồi ngã quỵ trước bàn thờ trầm hương nghi ngút.

Trời đã bắt đầu chớm thu, khí trời trở nên mát mẻ, gió thỉnh thoảng hiu hiu phớt nhẹ. Tôi nhớ bài thơ Đường Vào Hè của nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.
Vào hè.

Ai xui con cuốc gọi vào hè?
Cái nóng nung người nóng nóng ghê!
Ngõ trước vườn sau um những cỏ,
Vàng phai thắm nhạt ngán cho huê.
Đầu cành kiếm bạn oanh xao xác,
Ngõ tối đua bay đóm lập lòe.
May được nồm nam cơn gió thổi.
Đàn ta ta gảy khúc Nam nghe.

Vắng bóng từ lâu những vụ hè.
Mùa thu câu cá nước trong ghê.
Sơn hà ngấp nghé từ phương Bắc,
Đất nước xun xoe cậy Mỹ Huê .
Lá rụng mùa thu run lẩy bẩy,
Lạng Sơn Bản Giốc mất khoe lòe.
Trông trời với cổ cao không tới.
Thế hệ nghìn sau khuất phục nghe.

Chính phủ ra nghị định số 75/2010 cấm và phạt tiền đốt tiền mã giấy, lên đồng, xem bói, gọi hồn, xóc thẻ và nhiều sinh hoạt khác...được cho là mê tín dị đoan.

Vào thời buổi này sinh hoạt cái gọi là mê tín dị đoan không thể phê bình chê trách được. Dân chúng đã từ lâu mất hết niềm tin. Họ phải bám víu một niềm tin nhiều lúc thậm chí vô lý. Đừng nói tới các quan chức cán bộ, đừng nói tới các lãnh tụ chóp bu lãnh đạo. Thiên hạ đổ xô nhau lâm râm khấn vái cầu nguyện xin xỏ tại Lăng Ông Bà Chiểu, tại chùa Quan Thánh, tại đền thờ Đức Khổng Phu Tử, nơi đền thờ đức Trần Hưng Đạo, nơi đền thờ hai Bà Trưng, tại núi Am Chúa, nơi miếu thờ bà Liễu Hạnh, tại đền vua Hùng. Thời Lê Mạt phong hóa văn học suy đồi thoái hóa nên dân chúng bám víu vào niềm tin để song mà Lĩnh Nam Chích Quái và Việt Điện U Linh là những áng văn chương văn học điển hình. Dân chúng đâm ra ưa thích những tác phẩm những truyện kể đầy tính cách mơ hồ huyền bí liêu trai ma quỷ nhằm mục đích gây thích thú xả “xú báp” cho người đọc. Chế độ phản kháng hiện thời như một đáp ứng thái độ bù trừ( compensation). Nhân vật Tam Hợp đạo cô theo Lão giáo là một nhân vật gián tiếp phản kháng chế độ phong kiến đang hồi rữa nát hấp hối vào cuối Lê Mạt Nguyễn Sơ. Luyện thuật tu tiên ra ngoài trần tục thoát vòng luân hồi sinh tử. Như Bích Câu Kỳ ngộ. Như Mai Đình Mộng Ký. Như Bạch Viên Tôn Cát. Chống lên đồng, xem bói, gọi hồn, xóc thẻ, xin xăm chỉ là một thái độ tiêu cực tự ti mặc cảm.

Viết tới đây, tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi và chán nản. Nhóm cầm quyền vẫn cứ trơ trơ, không có lương tri nhất quyết ù lì muối mặt. Ngậm miệng ăn tiền là phương châm cũ rich xem ra vẫn còn ăn khách. Vẫn ngày đêm rùm beng tổ chức “ Nghìn Năm Thăng Long”mặc sức tiêu xài ăn chơi hoang phí. Tiền Nhà nước tiền chính phủ của ta giàu lắm, tội gì mà không sắm sửa bày đặt ngàn chuyện trăm công dể phỉ chí vô tội vạ, lâu lâu mới có một lần. Lại còn phim Lý Công Uẩn, Đường vào Long Thành bị phê phán bị đánh giá dữ dội nên buộc phải ngưng cấm cho trình chiếu mặc dù tốn kém bạc tỉ đô la.

Lại một viên tướng được phong tước Phục Ba tướng quân vốn là kẻ thù dân tộc An Nam tận xương tủy: Mã Viện. Năm 40, nhà Đông Hán sai Mã Viện xua quân xuống Cửu Chân và Nhật Nam điếu phạt quân của hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị. Giở lại “ Cổ Học Tinh Hoa” của Nguyễn văn Ngọc, chúng ta chịu khó đọc lại một trang ngắn nói về tài ba khí phách của Phục Ba tướng quân Mã Viện. Thiết tưởng xin nói thêm về sự phán đoán đánh giá của nhân cách con người Mã Viện khi thầy dạy môn Quốc văn Hà xuân Tế lúc thầy còn sinh tiền. Thầy Hà xuân Tế dạy ở lớp đệ thất, cách nay dễ đã ngót sáu mươi năm. Thầy Tế nói:

- Mặc dù Mã Viện là kẻ xâm lược đem quân chiếm đánh Hai Bà nhưng thực sự Mã viện là người có một nhân cách cao thượng, có giá trị, đáng để cho hậu sinh chúng ta học tập bắt chước.
Mã Viện.

“ Mã Viện mồ côi từ thuở nhỏ, tình cảnh thật nghèo khổ mà thật là con người có đại chí. Thường khi nói chuyện với người ta rằng:

- Làm tài trai lúc cùng khổ chí càng phải bền, khi tuổi tác khí càng phải hăng.

Mã Viện ra công ra sức cày cấy chăn nuôi, không bao lâu giàu có hàng ức triệu. Mà hình như chưa được phỉ chí, Mã Viện thường nói với người ta:

- Phàm làm nên giàu mà có biết đem của thí chẩn người khốn cùng thì mới là quý, bằng không thì chỉ làm tôi tớ đồng tiền, suốt đời canh giữ đồng tiền chớ có ích gì.

Sau Mã Viện đem hết tiền của chẩn cấp cho người nghèo rồi ra làm quan, giúp vua Quang Vũ nhà Hán. Tuổi bấy giờ đã già nhưng vẫn thường đi đánh Nam dẹp Bắc. Mỗi khi thắng trận trở về, họ hàng bà con ra chào mừng đón rước thì Mã Viện lại nói rằng:

- Làm trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thây mà chôn mới là đáng trọng, chớ ốm nằm xó giường chết ở trong tay lũ trẻ nâng đỡ thì có hay gì.”

“ Lấy da ngựa bọc thây mà chôn mới là đáng trọng”, thầy Hà xuân Tế giải thích bài cổ văn “ đây là lần đầu tiên được ghi trong sử sách câu nói của Mã Viện. Nhạc sĩ quá cố Văn Cao cũng có ghi một đoạn văn ngắn sau khi đã sáng tác bản nhạc nổi tiếng một thời ngày trước: Chiến sĩ Việt Nam.

“ Mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai.”

Trong một tập thơ của tác giả Ái Lan, tôi nhớ có một câu thơ tám chữ “ Em tôi “:

“ Sa trường da ngựa là đời chinh phu “.

Văn học dân gian đã ví von hai câu ca dao trong thị trấn Đồng Đăng giáp biên giới nước Tàu:

“ Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh.”

Kinh tế gia nguyễn xuân Nghĩa cũng ví von theo câu ca dao của Mã Viện:
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị có chùa Phục Ba.”

Những lúc gần đây thiên hạ rủ nhau tổ chức sùng bái chiêm ngưỡng khói hương mộ của Mã Viện, không biết người chết ngủ yên ở chỗ nào, chỉ biết chắc mộ của Mã Viện ở tại Trung Hoa nước Tàu, cũng như mộ của Sĩ vương tức Sĩ Nhiếp, mộ của Cao vương tức Cao Biền, đền thờ của tri phủ Sầm Nghi Đống. Mộ của Si Nhiếp, của Cao Biền, của Sầm Nghi Đống thì còn hiểu được, bởi “ đồng bào” trong tỉnh Quảng Đông Quảng Tây Vân Nam đều là những người Tàu cả, riêng Mã Viện là kẻ thù của dân tộc Lạc Việt, khiến hai bà Trưng phải nhảy xuống giòng Hát giang tự trầm, thiết nghĩ chẳng có gì để Mã Viện phải được sùng bái chiêm ngưỡng cả, tướng đánh giặc chỉ là viên tướng chinh Nam phạt Bắc. Nếu danh tướng Lý Thường Kiệt đã không xông pha trận mạc tại tỉnh Vân Nam, đã không có quân Tống tả xung hữu đột về đời nhà Lý. Việc tôn thờ nhớ ơn công đức Hai Bà là một việc phải làm, một bổn phận( xin lỗi, không phải là một trách nhiệm. Trách nhiệm là...trật sổ bộ đời!). Việc tôn thờ nhớ ơn công đức khai sáng vua Hùng cũng là một bổn phận. Đền thờ vua Lê Đại Hành, miếu thờ bà Triệu thị Trinh, đền thờ thánh Gióng, miếu thờ “Nàng Vũ “ vẫn được quanh năm hương khói.
Nhưng xin được hỏi: thế nào là sự tích” đề miếu chàng Trương?”
Vua Lê Thánh Tông nhân chuyến du hành ghé qua huyện Nam Xương, thấy một miếu thờ linh thiêng hương khói quanh năm, nhà vua hỏi ra mới biết câu chuyện của nàng Vũ. Nàng Vũ đã có chồng, sinh được một con trai, người chồng phải đi lính, người vợ ở nhà cố gắng thủ phận đợi chồng chờ ngày tái hợp, mặc cho thiên hạ dòm ngó chòng ghẹo quyết tâm chung thủy chờ chồng. Thằng bé sinh tâm tò mò thắc mắc, mỗi khi đứa trẻ bên hàng xóm đùa nghịch với nó là đứa không cha, nó trở về nhà hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, cha của con đâu, sao cha đi hoài lâu quá mà con không thấy cha về?

Buồn rầu, người mẹ chợt thấy vắng nhớ người cha người chồng, vắng bóng người thân ngót đã ba năm vẫn không được dò la tin tức, không biết sống chết thế nào, bèn nói trấn an cốt đứa con khỏi thắc mắc:

- Cha con đi làm xa lắm, Tết cha con mới về được. Tết cha về, cha sẽ mua nhiều quà cho con.

Đêm về,trong lúc người mẹ bón cơm cho con ăn cơm, ánh đèn dầu hắt lên vách tường nhà, tạo nên những chiếc bóng lung linh chập chờn, đứa con đột nhiên hỏi mẹ:

- Cha con ở đâu hở mẹ? Sao lâu quá con không thấy cha con trở về?

Lại một lần nữa, người mẹ phải khó khăn xử lý khi phải trả lời đứa con.

- Con ăn đi, đừng hỏi nữa, mẹ mỏi mệt lắm rồi.

Thằng bé tiu nghỉu im lặng, không dám cất tiếng thêm nữa. Thấy đứa con bé bỏng thiếu vắng người cha đi trẩy phương xa, thiếu phụ bỗng chạnh niềm thương. Chợt thấy một chiếc bóng đang lung linh chập chờn trên vách, nàng Vũ vội vàng cất tiếng trỏ vào chiếc bóng:

- Kìa kìa, cha con đây này, cha con đã về rồi đó.

Thằng bé trố mắt ngạc nhiên:

- Cha con đó hả? Cha con đi làm nơi xa đã về rồi đó hả? Nhưng sao cha con lại lặng im không nói gì hết?

Như một thói quen mỗi khi chiều về tối đến nàng Vũ bón cơm cho thằng bé ăn cơm, mong ngóng chờ đợi bóng gọi là người cha linh động nhưng lặng câm dù sao đó cũng là một cách an ủi, cho tới một đêm... Một bóng người ý chừng là một người đàn ông đẩy cửa liếp bước lách vô nhà. Thằng bé con ngưng nhai miếng cơm, trố mắt nhìn ngạc nhiên không nói. Thiếu phụ cũng ngước mắt nhìn người đàn ông, dáng dấp phong sương, chiếc quần tấm áo đã sờn cũ. Thiếu phụ lúc ấy đã nhận diện được người đàn ông quen thuộc buột miệng thốt lên nửa như mừng rỡ, nửa như cảm xúc:

- Trời ơi, mình! Mình về từ lúc nào mà tôi chẳng biết gì hết.

Gã đàn ông đặt chiếc tay nải lên chiếc giường nan cũ kỹ ọp ẹp, thong thả cất tiếng:

- Tôi về từ hai hôm trước, đi bộ, chẳng có xe cộ gì hết. Tôi được giải ngũ, được “ phục viên “ về nhà, lo làm lụng tát nước trồng khoai cày cấy.

Nàng Vũ không ngăn được một câu nói ngụ ý mừng rỡ:

- Thế à? Nhất rồi. Trước mắt mình nên nghỉ ngơi để lấy lại sức. Nói gì thì nói, cuộc chiến lúc nào cũng đầy dẫy hiểm nguy gian khổ, sống chết thương tích lúc nào không biết... Mình được về nhà an toàn là phúc đức lắm rồi.

Người đàn ông họ Trương đưa mắt nhìn dứa bé đang im lặng nhai thức ăn, dè dặt hỏi:

- Có phải con của chúng mình ?

Nàng Vũ trả lời một cách dịu dàng, pha thêm một chút trách móc:

- Không phải con của chúng mình thì là con của ai nữa! Mình đi chinh chiến xông pha trận mạc dễ đã bốn năm rồi biết bao thay đổi.

Trương sinh đi lại gần chiếc giường, đặt đít ngồi trên mặt chiếu, nói một câu thân mật âu yếm:

- Cha con đã về đây rồi. Con giống cha lắm, con ăn cơm đi.

Lập tức thằng bé quay mặt chỗ khác, trả lời chỉ một câu hết sức ngay tình nhưng cũng hết sức lạnh lùng:

- Ông có phải là cha tôi đâu. Cha tôi chỉ về với tôi vào lúc ban đêm buổi tối thôi.

Chợt một bóng người xuất hiện in trên nền vách lung linh chập chờn trên ánh đèn, thằng bé vừa chỉ tay vừa reo lên một cách thích thú:

- Kìa kìa, cha tôi vừa về đây rồi kia kìa. Cha tôi vừa về đó, ông không thấy sao?

Trương sinh chợt hiểu ra. Một cái bóng lung linh xuất hiện mờ mờ ảo ảo trên nền vách là người cha của đứa bé, là cha đẻ của chính con mình, người lính đã từng xông pha trên chiến trận, người cha đã sinh ra nó, im lặng, nhưng không nói năng một tiếng một câu nói một lời nào, chỉ xuất hiện ban đêm không phải ban ngày.

- Thì ra là vậy! Trong tư tưởng thầm lặng dấy lên một nỗi nghi ngờ. Người đàn bà xa chồng vắng chồng nào, lâu ngày tất phải có một ước muốn khát khao dục vọng tuy vụng trộm nhưng bồng bột sôi nổi. Tuy cố gắng đè nén dục vọng bao lâu nay nhưng nào ai biết rõ được “ khôn ba năm, dại một giờ.” Người đàn ông lướt nhanh trên hình dáng thân thể người đàn bà: tuy lam lũ mộc mạc nhưng đường nét gợi cảm lộ rõ qua “gái một con;” một thoáng ham muốn nhục dục của gã đàn ông lâu ngày không tiếp xúc đụng chạm đến xác thịt. Để chuẩn bị màn tái ngộ trong cảnh ân ái, cho bõ những ngày những tháng những năm nhớ nhung khao khát đòi hỏi dằn vặt, người đàn bà đề nghị người đàn ông đi xa mới về:

- Mình ra bờ giếng tắm rửa cho mát, tôi phải cho con uống nước đi ngủ, ngày mai cha con sẽ cùng nhau ra vườn ra ruộng chơi.

Trương sinh lách tấm cửa liếp bước ra ngoài bờ giếng. Trăng lên đã cao, trời trong vắt. Sinh cúi khom người nhìn xuống giếng, sinh chỉ thấy một màu đen tối thăm thẳm hun hút không thấy đáy giếng. Sinh nhớ lại ngày trước lúc sinh còn ở nhà, sau bữa cơm chiều, đôi vợ chồng trẻ chưa có mặt con nào thường ra bờ giếng tắm chung, gàu nan cau chồng múc nước từ đáy giếng âu yếm thân mật xối vợ từ đầu đến chân. Người chồng biết rõ vợ mình trẻ mình đẹp, mỗI khi đi đâu hoặc đi chợ một mình, bọn trai tráng trong làng luôn luôn thả lời xa xôi ong bướm chòng ghẹo:

“ Bây giờ mận mới hỏi đào,

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa? “

Thiếu phụ giả tảng làm lơ không nghe không thèm trả lời. Dọc đường, thiếu phụ sáng tác một câu thơ trả lời “con cóc”:
“ Mận hỏi thì đào xin thưa:
Vườn đà có lối sớm trưa đừng vào.”

Đương lúc đứng kỳ cọ hai tay hai vai đùi bắp vế, Trương sinh hỏi người vợ kèm theo một chút hồ nghi chua chát hằn học:
- Mấy tên mất dạy du côn thường đón đường đợi ngõ sàm sỡ chọc ghẹo tán tỉnh mình, có phải không?

- Cũng có, thường xuyên. Nhưng mà mình đừng bận tâm chi thêm mệt óc, lũ chúng nó đều như thế cả. Thời buổi chiến tranh loạn lạc, cá mè một lứa tất.

- Tôi nghe con nó nói “ cha nó đi làm ban ngày và chỉ về ban đêm với nó,” phải vậy không?

- Phải, đúng như thế. Phải chỉ cái bóng trên tường là cha nó. Có thế thằng bé mới chịu ăn cơm. Tội nghiệp! Cái bóng chỉ là cái bóng, im lặng, nín câm, vô tri vô giác.

Trương sinh liếc nhìn thân hình ướt sũng nước lồ lộ gợi hình đầy vẻ khêu gợi, sinh bất giác nuốt ực nước miếng.

- Tôi thấy trước dó thằng bé con xem ra chẳng có cảm tình gì với người sinh ra nó cả.

- Thì... thì trước lạ sau quen mà mình. Ngày mai, mình sẽ dẫn con mình ra vườn cũ xem cây trái, ra đồng xem lúa chín, vui lắm. Thôi, khuya rồi, mình vô giường nằm nghỉ, đi bộ suốt cả ngày mỏi cả chân, tôi sẽ vào nằm sau.

Người đàn ông được phục viên trong lòng vẫn canh cánh khôn nguôi, cảnh lang chạ mèo mả gà đồng liễu ngõ hoa tường khiến Trương sinh lúc này bắt đầu nóng mũi. Gã đàn ông hậm hực:

- Ai biết được bọn đàn ông cánh đực rựa chỉ về trong lúc ban đêm, chỉ có trời biết, chỉ có đất hay mà thôi. Đàn ông không có, vắng mặt lâu ngày tha hồ mặc sức giở trò dâm ô lén lút tồi bại. Đã trót ăn vụng phải biết chùi miệng, cái đó dễ thôi.

Cái này thì quá lắm rồi, nàng Vũ lúc đầu cố nhịn hoà hoãn giả giận làm vui nhưng thói thường “ ghen hóa mất khôn”, nói năng phát ngôn không còn kềm chế giữ gìn nữa, lời lẽ trở nên thô tục dâm ô tục tĩu.

- Bộ mình muốn tôi vụng trộm ngoại tình rồi có chửa, có phải như thế không?

Người đàn ông trút ngay lên đầu cơn giận dữ:

- Thì cũng có ngày chuyện phải đi tới đổ bể thôi.
Người vợ giờ này mới giải thích phân trần:

- Suốt bao nhiêu năm trường, tôi một mình một thân lo thủ phận ở nhà, không làm điều gì xằng bậy tai tiếng thị phi. Tôi thì mới sinh được một đứa trai, tuy nhiên còn nhỏ dại khờ khạo, lời ăn tiếng nói còn quá ngây thơ không biết gì. Nhờ có cái bóng ban đêm xuất hiện trên trường, tôi nói với nó rằng cái bóng là “cha của nó,” nó mới yên tâm, mới tin và nó mới chịu ăn cơm. Mình muốn tôi phải phân trần phải quấy như thế nào đây?

- Mình phải nói cho tôi biết vào ban đêm mình đã ăn nằm lang chạ với những thằng nào, những đứa nào?

- Chẳng có những thằng nào những đứa nào sấc! “ Cha nó”chẳng qua chỉ là một cái bóng cốt để dụ nó ăn cơm dễ dàng mà thôi, mình đừng có mà trông gà hóa cuốc, nước lã mà khuấy thành hồ.

Gã đàn ông quắc mắt nhìn người đàn bà lúc này đứng gần người chông xô mạnh một cái, người đàn bà ngã sóng soài nền nền đất nện. Người vợ trố mắt nhìn người chồng, ngạc nhiên, tuy bị xô ngã nhưng thật sự chẳng có gì đau đớn chỉ. ngạc nhiên. Từ trước bấy nay, từ khi vợ chồng ăn ở với nhau, có đôi lúc vợ giận chồng, người chồng cãi cọ người vợ gấu ó nhau, tối nay người chồng tức tối xô ngã người đã từng đầu gối tay ấp là một! Nhưng tại sao, vì lý cớ gì, nàng Vũ tỏ vẻ ngạc nhiên trước sức mạnh xô ngã xuống nền nhà đất nện của Trương sinh?

Kể từ khi lên đường rời bỏ gia đình lên đường xông pha trận mạc

trực hiện từng phút từng giờ từng ngày trước cái chết hiểm nguy bất chợt, bản năng tảo toàn sự sống khiến Trương sinh luôn luôn đề cao cảnh giác. Khôn thì sống, mống thì chết, Trương sinh đã thuộc làm lòng.

Thấy mình bị xúc phạm dữ dội, người đàn lặng thinh không nói nửa lờI, có nói, có chống trả, có thanh minh thanh nga phân trần cũng chỉ vô ích hoài công. Thị đứng thẳng người lên, phủi mông, nhìn gã đàn ông lần cuối. Thị nhớ thật nhanh đứa con, hiện giờ có lẽ đang đượm giấc nồng. Thị bước ra sau vườn, đến tận bờ sông; trăng vẫn thanh bình lặng yên nhễ nhại sáng. Thân cây si cổ thụ nghiêng mình ngả nghiêng soi bóng nước. Ngày còn nhỏ, cô láng giềng vẫn một mình ra tắm sông sau khi trèo ngang thân cây si, vỏ thân cây sù sì như da cóc. Từ khi lập gia đình ra ở riêng, cô thiếu nữ láng giềng vẫn thường xuyên ra ngắm cảnh dòng sông rộng rãi ban trưa sống lại thời hoa niên thơ ấu. Trên nhánh chảng ba, cô gái thôn quê nằm dựa trong bóng mát gió thổi vi vu xào xạc trong các cành lá, lắng nghe lơ đãng tiếng chim cúc cù cu kêu đâu đó, tiếng gà gáy xế. Trước khoảnh khắc phút giây sát na chấm hết cuộc đời, nhưng kỷ niệm xuất hiện trở về dồn dập, một cách tự động, một cách tự phát, không lựa chọn, đó ý nghĩa của sự tái hiện quá khứ ký ức quá mẫn của nhà triết học Henri Bergson. Đó là kinh nghiệm bản thân của người cận tử trước giây phút lâm chung trước giờ hấp hối. Quá khứ là một tổng số những hoài niệm được tích trữ chôn dấu trong vô thức. Có thể nói, tổng số những hoài niệm ấy dược ví như là một khối hình nón được lưu trữ chôn dấu trong khối hình nón ấy. Ngủ chỉ là một dạng thức của sự tưởng tượng phục hồi( imagination reproductrice), bằng cách tái tạo sự tưởng tượng đưới dạng thức chiêm bao. Ngủ, tức là vô tư. Dormir, c’est se désintéresser. Trong tình trạng tỉnh thức, ý thức của ta chủ yếu là hành động, là lựa chọn những sự kiện có lợi ích thiết thực, là gạt bỏ đào thải những sự kiện vô ích vô bổ và quên đi những hoài niệm xét ra không cần thiết .Ý thức là lựa chọn, “conscience signifie choix.” Vào giờ thi, người thí sinh chỉ nhớ đến bài thi môn Triết và quên đi những môn thi phụ như môn Toán, môn Sinh vật, môn Lý Hóa, ý thức là lựa chọn vì lẽ đó. Khối tháp càng ở trên cao càng gần mũi tháp, chứa rất ít những tập quán nhất là những hoài niệm. Nhà tâm lý học thế kỷ mười tám Royer-Collard đã nói một câu có vẻ nghịch lý: “Người ta chỉ nhớ điều về mình”. On ne se souvient que de soi-même. Một khi cái chết sắp tới, con người không còn nghĩ đến bất cứ một cái gì khác ngoài những hoài niệm bấy lâu được cất giữ được lưu trữ trong vô thức, nay bỗng dồn dập xuất hiện trở về, chẳng khác chi một cái đáy của một khối hình nón. Trong một tác phẩm văn xuôi của nhà văn quá vãng VITA là Mây Ngàn, nhân vật trong tập truyện là Nguyên, đã bỏ nước trốn sang nước Pháp nuôi mộng du học xứ người. Bất hạnh thay! Anh chàng Nguyên vô sản tới “ánh sáng Kinh Thành Paris hoa lệ” từ bán hàng lẻ như kem đánh răng, khăn mặt, bàn chải, lược, gương đến giặt ủi quần áo, Nguyên vẫn nghèo rớt mồng tơi, mùa hè nóng như lửa đốt, mùa đông rét cóng lạnh thấu xương, thậm chí không có tiền để trả tiền thuê nhà, bị bà chủ nhà đuổi đi. Mùa thi sắp tới, hội đồng khảo thí gởi giấy báo phải nộp lệ phí thi cử và ngày thi, Nguyên làm gì có đủ tiền trang trải thí vụ, rốt cuộc phải xé bỏ giấy thông báo ngày thi. Có thực mới vực được đạo.

Rồi Nguyên ngã bệnh, không thuốc không thang không thầy thuốc bác sĩ chữa trị, rốt cuộc Nguyên phải chết. Trước khi từ giã cõi đời trở về cát bụi, Nguyên hồi tưởng những kỷ niệm lúc còn tuổi hoa niên trở về dồn dập.

Người viết có một thắc mắc, mong các chuyên gia bệnh lý giải thích giùm: những bệnh nhân mắc chứng bệnh nan y bất trị Alzheimer, bệnh mất trí nhớ, bệnh lú lẫn. Bệnh nhân không có một khái niệm về khả năng ký ức, về hoài niệm. Việc nhớ lại một sự kiện quá khứ, một biến cố lịch sử đối với bệnh nhân hoàn toàn xa lạ. Khi mắc bệnh Alzheimer, trước khi sắp kết thúc cuộc sống, ngưới mắc bệnh phải chăng có khả năng sống lại những hoài niệm cũ bệnh nhân trước kia? Nói cách khác, bệnh nhân có khả năng một phần hay toàn phần ký ức trước lúc lâm chung, trước giờ cận tử? Như trường hợp bà Thân thị Ng.Ph., chủ nhân trước kia của nhà bảo sanh Ng. Ph. đường phố Hồng Bàng thành phố Nha Trang. Như nữ bệnh nhân mắc bệnh lú lẫn bà Phạm thị Trên mắc bệnh đột quỵ trên mười năm không nhớ gì ngày sinh của bà, thậm chí họ và tên của một nam bệnh nhân cao niên ngoài bảy chục tuổi, bà cũng không nhớ.

Thiếu phụ bám chặt chân trèo lên cây si. Thiếu phụ đã có một quyết định dứt khoát, nói theo những nhà tâm lý học cổ điển một hành vi ý chí gồm bốn giai đoạn phải thực hiện: giai đoạn thứ nhất: quan niệm (conception); giai đoạn thứ hai: bàn tính(délibération); giai đoạn thứ ba: quyết định(décision) và giai đoạn thứ tư: thi hành(exécution). Thiếu phụ đi đến quyết định thứ ba. Thoáng nghĩ thật nhanh, thiếu phụ nghĩ đến người chồng. Một niềm thất vọng, một nỗi oán hận. Không thể thanh minh một tấm tình yêu, thương nhớ chồng bấy lâu xa cách, giờ đây chỉ còn bày tỏ một một niềm chung thủy, một nỗi niềm thủy chung tiêu cực. Thiếu phụ hít thở một hơi dài, nhắm mắt xuôi tay, nhảy ùm xuống mặt sông lênh láng triều cường, đi đến quyết định thứ tư, giai đoạn thi hành. Thế là xong một kiếp người , một kiếp hồng nhan đời còn son trẻ.

Người viết không dám cũng không muốn đánh giá hành vi thiết tưởng nông nỗi của người chinh phụ đương xuân. Ví dầu người chinh phu Trương sinh có kết thúc binh lửa trở về mái ấm gia đình bao năm xa cách sum vầy đoàn tụ dưới mái tranh nghèo, ví dầu người đàn ông có nổi máu ghen, thiết nghĩ vợ chàng Trương cũng nên bình tĩnh tươi cười. “Chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười hớn hở rằng anh giận gì. Thưa anh, anh giận em chi, muốn lấy vợ nhỏ em thì lấy cho.” Ví dầu người chinh phu nổi cơn tam bành thịnh nộ, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, người vợ tốt nhất hãy lánh xa kẻ “viễn du “ vừa mới về nhà. Không phải “ kính nhi viễn chi” mà là “kinh nhi viễn chi” thấy sợ mà lánh xa. Đừng nói tới chuyện chăn gối ái ân. Đừng đề nghị mon men chuyện đầu gối tay ấp, chỉ khi nào bao giờ người nói chuyện đã biết ăn năn hối lỗi biết mình sai quấy mà thôi. Hành xử như vậy thiết nghĩ là nông nỗi bốc đồng! Thiệt vàng, sợ gì lửa?

Vua Lê Thánh Tông, nguyên súy của thi đàn Nhị Thập Bát Tú vào thế kỷ mười lăm đã tuần du qua huyện Nam Xương, đi ngang qua miếu thờ nàng Vũ, lấy làm lạ nèn hỏi sự cố. Nghe xong, nhà vua đã cảm khái sáng tác hai bài thơ “điếu nàng Vũ”:

1.-Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương

Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.

Ngọn đèn dù tắt đừng nghe trẻ,

Cung nước chi cho lụy đến nàng.

Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt,

Giải oan chăng lọ mấy đàn tràng.

Qua đây mới biết nguồn cơn ấy.

Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.

2.- Ngàn lau san sát, cỏ thanh thanh,

Xảy nhớ ngày xưa kẻ tiết trinh.

Cách trở bấy lâu hằng giữ phận,

Hiềm nghi một phút bỗng vô tình.

Hai lòng phó mặc vừng cao thẳm,

Lẻ bóng tìm nơi chốn vắng thanh.

Dù nhẫn ai ai qua đến đãy.

Thương nàng hòa lại trách Trương sinh.

Tục ngữ Việt Nam có tự mấy ngàn năm “ra ngõ hỏi già, về nhà hỏi trẻ.” Khi bước chân ra đường, không biết phải đi đúng ngõ khỏi phải lạc, chỉ có cách hỏi thăm người già, chí ít hỏi người đã luống tuổi đã trưởng thành, bởi người già người luống tuổi trưởng thành đã quen ngõ đường đi nước bước( Đường xưa lối cũ, nhạc bản của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ). Lúc về nhà, sự việc xảy ra xào xáo lộn xộn ngổn ngang mất trật tự, chỉ có nước giải thích bằng lời nói, bằng ngôn ngữ của con trẻ. Tâm hồn trẻ con ngây thơ non dại có sao nói vậy, không bẻ cong sự thật, không xuyên tạc sự thật của người lớn. Với thời gian, trẻ con bắt đầu khôn lớn, khôn vặt , trưởng thành, láu cá, tinh ma. Sự vật không còn là sự vật theo thời nguyên thủytrong trắng nguyên sơ. “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào”, năm điều lãnh tụ dạy. Giờ này, xin lỗI quý độc giả, “yêu tổ quốc “ sáu mươi bảy mươi năm trước là một danh từ thiêng liêng cao quý nhưng thật sự mơ hồ trừu tượng xa xôi khó hiểu của nhà văn Hà Mai Anh. “ Bây giờ còn bé con chưa thể hiểu thấu được thế nào là lòng yêu tổ quốc. Rồi ra con sẽ biết.” Yêu tổ quốc, giờ đây đã lạc hậu lỗi thời. “Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt “, giờ này phải biết liên kết bè đảng cùng xã hội đen, âm mưu một tổ chức vô chính phủ (anarchie) đâm thuê giết mướn phi tang vô tội vạ;” Học tập tốt, lao động tốt “, thời buổi này mà còn học tập tốt nữa sao? Đi thi, mang tài liệu vào phòng thi nửa công khai, nửa lén lút vụng trộm ra mà chép, nếu cần, sai người mang điện thoại cầm tay đọc đáp án ra mà chép thoải mái tự nhiên ung dung như người Hà Nội. Nếu đã có hoặc mặc nhiên hoặc công khai làm bằng giả, hoặc thạc sĩ hoặc tiến sĩ, đã có tổ chức lo toan rất mực chu đáo. Bằng cấp giả từ cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ nhiều như lá mùa thu; tốt nghiệp đại học từ nước ngoài nhưng không nói được ngôn ngữ ngoại quốc chỉ lộng kiếng văn bằng không cần phải xin việc làm đã có chính phủ lo; “ giữ gìn vệ sinh thật tốt”, đức tính này thì đói cho sạch, rách cho thơm người thiên hạ nghe được sẽ cười vào mũi: ăn dơ ở bẩn còn thối hơn con chó, tham nhũng trở thành một gương tốt, một đức hạnh được nhà đạo đức học Jankélévitch đề cao trong Traité des Vertues. Cuối cùng là “Khiêm tốn, Thật thà, Dũng cảm “. Khoe khoang, khoác lác là ngón nghề của thiếu nhi, của nhi đồng, của tuổi hoa niên thời còn cắp sách. Phải biết vỗ ngực tự hào về truyền thống của cha ông như Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Lê Chiêu Thống; phải biết đề cao cảnh giác nói dối, kể sai sự thực, lừa thầy phản bạn. Thực thà là cha ăn cướp mà lại. Dũng cảm như Mạc Đăng Dung biết tự trói mình ra tận biên giới xin nhượng đất nhượng lãnh hải, xan lạy cúc cung hai chữ bình an và được phong chức đô thống sứ, tương đương nhị phẩm triều Minh. Chắc quý độc giả không quên chuyện lịch sử không bao giờ quên là Lê văn Tám đã dũng cảm liều mình cả gan tẩm xăng xông vô đốt cháy như đốt đuốc hàng chục thùng xăng của giặc Pháp và nhiều nhiều nữa, kể khôn xiết.

Đứa con trai của vợ chồng chinh phu chinh phụ Trương sinh đã hoàn toàn nói thực, có sao nói vậy. “ Cha tôi không có nhà, đi làm xa, chỉ về nhà lúc đêm về. “ Thêm vào đó, đứa bé chỉ cái bóng đang lung linh chập chờn trên vách. Hãy tin những gì trẻ con nói. Tin thì tin, nhưng sau đó hãy kiểm chứng lại điều nó nói. Hãy hượm những gì trẻ con phát biểu, hãy kiểm chứng những gì trẻ con vừa phát biểu.

Nàng Vũ có xứng đáng người đời sau là một thiếu phụ chung thủy với chồng không? Người viết nói có. Người thiếu phụ chỉ còn một cách thanh minh trước nỗi niềm oan khuất không thể biện bạch: cái chết và nàng Vũ biết rất rõ người chồng sẽ rất ăn năn rất hối hận về cái chết của mình, chỉ có điều nàng Vũ đã không biết khôn ngoan sáng suốt trước lúc quyết định hành vi nông nỗi của nàng ta, bởi vì “cái sự đã rồi.”

 

San Diego, mùa Thu 2010.
VDN

 

 

 

 

                               

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.