Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 08:29:18 AM, Jun 24, 2008 * Số lần xem: 2886
Hình ảnh
#1
Ngựa Hồ chim Việt.( Liêu trai)
Gẫm chuyện ngựa Hồ chim Việt cũ Lòng đây tưởng đó mất như còn. ( Trung thần nghĩa sĩ. Nguyễn Ðình Chiểu)
“ Ngựa Hồ, chim Việt “ do chữ Hồ mã, Việt điểu. Trong Ðường thi có câu “ Hồ mã tế bắc phong, Việt điểu sào nam chi ”, nghĩa là “ ngựa Hồ hí gió bấc, chim Việt đậu cành nam”, do điển rợ Hồ ở phía bắc Trung Hoa đem dâng Hán Vũ Ðế một con ngựa hay; nhưng từ khi sang Trung Hoa được nuôi ở vườn Thượng lâm thì bỏ ăn trông rất buồn và mỗi khi có gió bấc thổi thì hí lên. Lại tích chim Việt thì đời Hùng Vương có đem dâng cho vua Châu Thành Vương một chim bạch trĩ, chim này chỉ chọn cành nào hướng về phương Nam thì đậu. Xin quý độc giả hãy nghe một đoạn thơ của nhà thơ Thanh Tịnh, bài thơ “ Mòn mỏi “ trong thi phẩm “ Hận chiến trường”: “ Ô kìa bên cõi trời Ðông Ngựa ai còn ruổi dặm hồng xa xa.
Này lặng em ơi, lặng lặng nhìn, Phải chăng mình ngựa sắc hồng in. Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống, Chị sợ trong sương bóng ngựa chìm.
Ngựa hồng đã đến bên hiên, Chị ơi trên ngựa chiếc yên vắng người. Ngựa hồng không phải ngựa Hồ. Nếu ngày xưa rợ Hồ đem dâng Hán Vũ Ðế một con ngựa hay được xem như một chiến mã chuyên cưỡi ngựa đánh giặc được đặt tên là Hồ mã. Riêng Hồ mã được nuôi ở Thượng lâm thì lại bỏ ăn trông rất buồn, mang tự ti mặc cảm, không muốn tiếp tục đặt tên Hồ mã, ngựa Hồ nữa. Sau khi chết vì quá già, hồn ma ngựa Hồ được đổi tên thành “ ngựa hồng”. Hồn ma “ ngựa Hồ “ được cải danh từ đó. Từ lúc còn mồ ma, ngựa Hồ cùng rợ Hồ đã giẫm nát không biết bao nhiêu lần vùng đất Bắc Trung Hoa, đã cùng rợ Hồ xâm lược sinh tồn giao hợp không biết mấy lần với “ kiều nữ” ngựa cái rồi sinh con đẻ cái không biết được bao nhiêu ngựa con. Nói nào ngay, ngựa Hồ cũng đôi lần “ nhảy đực “ với.. kiều nữ lừa cái, sinh ra những chú la con. La là cha ngựa, mẹ lừa. Xông xáo trên khắp các chiến trường, ngựa Hồ lắm lúc quên nhớ về cố quốc, vùng thảo nguyên hoang sơ cằn cỗi. Rợ Hồ vốn là dân du mục chuyên chăn nuôi nhưng cũng rất thành thạo lão luyện nghề săn bắn, hằng ngày chúng kiếm sống bằng cách bắn cung giăng bẫy. Tuy biết chăn nuôi nhưng rợ Hồ không am tường nghề chài lưới. Hiển nhiên tọa thực sơn băng, nghề chăn nuôi săn bắn từ thế hệ này qua thế hệ khác khan hiếm dần dần. Cạnh tranh sinh tồn không cho phép rợ Hồ sống còn mãi được. Giành dân chiếm đất theo gót rợ Hồ vốn là nối nghiệp tổ tiên cha ông của Hồ mã. Rong ruổi từ chiến trường này qua chiến địa khác, từ địa danh hoang vu đến thị trấn phố phường sầm uất, Hồ mã thật tình không biết tác giả của những ngựa con rơi rớt không cha. Nhiều quá, làm sao nhớ hết! Nhưng một khi ngựa, la đã không cha, tất ngựa mẹ, lừa mẹ phải nuôi. Cứ thả bừa, thả rong trên cánh đồng cỏ tất phải sống thôi. Trời sinh ngựa, sinh lừa, sinh cỏ. Mải xông pha trận mạc bên cạnh hòn tên mũi đạn, hồn ma Hồ mã thật sự không biết không nhớ bộ lông màu sắc gì nữa ngoài chiếc bờm thường xuyên xủi bọt phì phà thở khói. Bạch mã, ngựa trắng? Không chắc. Không nhớ. Thời xưa học thuyết duy danh Công Tôn Long bỗng đột nhiên nổi tiếng: bạch mã phi mã. Ngựa trắng không phải ngựa. Hồ mã phi mã? Ngựa Hồ không phải ngựa. Vậy thì cái gọi là hồn ma “ Hồ mã” gọi là gì? Vong bản, mất gốc còn đâu. Thực sự hồn ma Hồ mã vốn dốt nát về kiến thức khoa học nói chung, khoa sinh vật học nói riêng. Sinh ra, lớn lên, bú sữa, gặm cỏ, rồi trưởng thành, rồi ăn, rồi... ngủ( ngựa có bao giờ ngủ đứng?), rồi chiến đấu, rồi giao cấu, rồi bỏ thây trên chiến địa “ lấy da ngựa bọc thây mà chôn”, tuyệt nhiên không tự vấn, không thắc mắc: nếu một mai Hồ mã “ kết duyên” cùng với lừa cái rồi hạ sinh được một la con và nếu là la cái, mai hậu la cái ấy tiếp tục xe duyên cùng một... giống đực thì la cái vẫn tiếp tục sinh đẻ? Và hài nhi sẽ được gọi tên là gì? Ngựa, lừa, la? Ôi chao, quả là rắc rối. Theo điển ngày trước rợ Hồ đem dâng Hán Vũ Ðế một con ngựa hay, gọi tên là Hồ mã. Mã phu người giữ ngựa muốn biết con ngựa có sắc lông màu gì, tuyệt nhiên không một người nào cho biết sắc lông của ngựa. Quả là một khái niệm thuyết lưu danh muôn thuở: khái niệm luận, conceptualisme của Công Tôn Long bạch mã phi mã. Theo Công Tôn Long, danh từ thật ra chỉ là một khái niệm như Bát Nhã Tâm kinh có nói. “ Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc vô thọ, tưởng, hành, thức... vân vân.” Gọi là ngựa trắng cũng được. Gọi ngựa đen cũng tốt. Gọi ngựa hồng càng hay. Ngựa hồng đã đến bên hiên, chị ơi trên ngựa chiếc yên vắng người. “ Rồi nhìn qua song, em thấy trước sân, ngựa hồng âu yếm bước sang trên lưng có chàng trai tráng mang theo biết bao nhiêu ngày vàng( Phạm Duy. Chinh phụ ngâm khúc)” Trời giữa tiết đông vàng úa nhuộm màu buồn vô hạn. Ngọn gió bấc vì vèo thổi trong khóm cây, cuốn nốt mấy chiếc lá cuối mùa, lả tả bay khắp nẻo đường. Ðất trời không gian xám xịt. Vài cánh chim trời hấp tấp bay về một phương vô định. Hồn ma Hồ mã ngước mắt nhìn trời xa vắng, cúi đầu thè lưỡi liếm chân trước. Ðã từ rất lâu không biết năm nào, thời gian bao lâu hồn ma ngựa vẫn chưa trở về chốn cũ, đất nước tang thương, vật đổi sao dời. Khói lửa binh đao nào cũng làm mọi người mỏi mệt chán nản cần phải nghỉ ngơi. Lãnh địa nào là quê hương của rợ Hồ? Lâu lắm rồi, chiến tranh chinh Nam phạt Bắc đã trở thành không có biên giới, tất cả là nhà nhưng thực tế tất cả đều là người xa kẻ lạ. Bất giác, hồn ma ngựa cất một tiếng hí não nề, chẳng khác một tiếng than dài não nuột: Hồ mã tế bắc phong. Thất thểu bước đi xuống cái ao bên cạnh một cái hồ nước, hồn ma ngựa lội xuống hồ ý định uống nước. Tới khuỷu chân, hồn ma đứng lại, mặt hồ xao động, tỏa ra từng làn sóng dập dờn. Mặt hồ vẫn soi gương, làn nước vẫn lung linh sóng nước. Nhác thấy bóng trong mặt hồ, hồn ma soi gương ngắm nghía. Hồn ma ngựa không thấy không biết mình đã già. Trong truyện chí Phèo của Nam Cao, nhân vật không biết mình già: con ngựa thật sự không thể đoán biết ngựa bao nhiêu tuổi. Mái tóc trên đầu hồn ma chưa bạc chỉ lấm tấm điểm sương. Chiến tranh đã tới hồi kết thúc từ lâu, kẻ thua người thắng tỏ tường: “ Dấu binh lửa nước non như cũ, Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương. Phận trai già ruổi chiến trường, Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về.” Hồn ma ngựa ngắm nghía bóng mình trên gương mặt nước sau khi no nước. Hồi tưởng thời còn mồ ma, hồn ma Hồ mã là một chiến mã hăng hái xông pha trận mạc, vượt qua lằn tên mũi đạn, không biết hiểm nguy sợ chết là gì, xem thường mấy thớt voi trận tuy sức mạnh phi thường vô địch nhưng nặng nề chậm chạp; mấy tay nài đủng đỉnh ngồi trên bành voi thôi thúc xung trận trong lúc chiến mã hùng hổ vượt qua trận tuyến để lại đằng sau đám bụi mịt mù để lại mấy thớt voi trận đàng sau hít bụi. Chiến trường trận mạc tới hồi kết thúc vì không còn chiến sĩ, Hồ mã ăn mừng chiến thắng được phép nghỉ ngơi, lục lạo doanh trại tìm kiếm “ của lạ”. “ Của lạ” chẳng tìm đâu xa, đồn trú trong mấy tàu ngựa, được phục vụ với tư cách nữ hộ lý những chiến mã lúc xa nhà khi...” bức xúc”, tương tự hoàn cảnh thương tâm éo le lúc Thúy Kiều dâng rượu cùng gảy đờn Hồ Tôn Hiến. Cũng phải thôi, kẻ thắng cuộc được hưởng, người thua trận chịu nhục., chẳng khác gì chiến tranh Trung Nhật. Quân đội Thiên Hoàng cho quân nhân mặc sức tha hồ hãm hiếp các thiếu nữ thuộc Mãn Châu bị quân Nhật Bản chiếm đóng, thực hiện tham vọng chính sách Ðại Ðông Á. Ví dầu tập thể đàn bà bất hạnh Cao Ly Mãn Châu bị cưỡng hiếp mang thai thì cũng tốt bởi họ đã cống hiến những đứa con không cha( nhưng có mẹ), không lý lịch, không gốc gác, sans cordon ombilical, sẽ phụng sự nước Phù Tang rất ư sốt sắng như nước Phổ ngày trước đã sản sinh những đứa con không cha nhưng cực kỳ thông minh dòng dõi của ưu sinh thuyết eugénisme, tham vọng của nhà độc tài Adolph Hitler. Thuyết này chủ trương có một dân tộc có nguồn gốc thuộc dòng dõi cực kỳ ưu tú, không hề bị lai chủng bởi bất cứ một gốc gác giòng máu nào( Hiệp chủng Quốc Huê Kỳ không hề có được đặc ân ấy bởi Huê Kỳ là một liên bang tạp chủng: từ khi di dân lập quốc đến giờ, Hiệp chủng quốc tiếp nhận không biết bao nhiêu dân ô hợp, từ nước Pháp, nước Hồng Mao, Tây Ban Nha, Bồ, Tiệp đến nước Nga La Tư, Phần Lan, Ả Rập, Ba Tư, Nhật Bản). Nước Phổ tự hào là đã có tự nghìn xưa một dân tộc thông minh gốc Aryan, xứng đáng được làm chúa tễ toàn thế giới, thống trị toàn thể loài người. Sau khi ... cưỡng hiếp giao cấu một cách miễn cưỡng, những ngựa cái bị bại trận sẽ sản sinh một số lượng không nhỏ những ngựa, những lừa và những la không hề được nhìn nhận những chiến mã nào là bố của chúng, tương tự những chú gà con mới nở ai biết được những con gà trống là tác giả những vụ làm tình, những lần ... đạp mái. Vô thừa nhận và vô trách nhiệm. Thế nhưng những nàng ngựa cái, những nàng gà mái lại ý thức về trách nhiệm của những người mẹ: vẫn yêu thương và nuôi dưỡng những đàn con bé bỏng ấy, hữu sinh hữu dưỡng trong lúc những chiến mã và các chú gà trống thì... hữu sinh vô dưỡng.( Ngày nay nhiều bộ lạc sơ khai không ý thức rằng việc sinh con đẻ cái là hậu quả tất yếu của việc thực hiện bản năng dục tính). Nhưng rồi “ nhân sinh tự cổ thùy vô tử”, từ xưa người sống ai không chết? Hồ mã tất nhiên cũng phải chết, nhưng chết bất ngờ, chết... đột tử, chết một cách thậm chí vô duyên, chết lãng nhách! Nhiều danh tướng cũng đã chết lãng nhách. Như tướng nhà Nguyên Toa Ðô bị chém chết ở trận Tây Kết. Như tướng nhà Minh An viễn Hầu Liễu Thăng bị chém bay đầu ở Mã Yên thuộc địa phận Chi Lăng. Như vua anh hùng Chiêm Thành Chế Bồng Nga bị mũi tên vô tình trúng đạn đột tử. Như danh tướng nhà Hán Quan vân Trường bị chết chém đem dâng nộp thủ cấp cho thừa tướng Tào Mạnh Ðức. Nếu Toa Ðô cẩn trọng đặt nặng tham sống sợ chết hơn trong trận Tây Kết, nếu Liễu Thăng không đơn thương độc mã một người một ngựa xông vào độc đạo tử địa Mã Yên, nếu vua Chiêm không cả tin một chiến thắng gần kề trước mắt, nếu Quan Vũ không chủ quan lơ đễnh coi thường địch quân, có lẽ Toa Ðô, Liễu Thăng, Chế Bồng Nga và Quan Vũ tuy trước sau gì cũng phải chết nhưng chết cách khác. Cái chết của Hồ mã cũng rơi vào trường hợp tương tự. Trong lúc toán kỵ binh cùng đội chiến mã sắp hàng ngang trước đoàn bộ binh đợi hồi kèn thúc quân sẵn sàng xung trận, một loạt súng thần công từ phía địch đột nhiên khai hỏa hướng về phe ta. Một quả đạn nổ tung trời long đất lở ngay trước mặt Hồ mã sỏi đất đá tung bay mù mịt khiến tên kỵ binh ngã nhào xuống đất chết liền tại chỗ; Hồ mã cũng bị trúng thương, máu tuôn lai láng ướt sũng một vũng đất, ruột gan đổ ra ngoài trông thật hãi hùng. Con vật bị thương ngã soài trên mặt đất, chổng bón vó lên trời, hí lên một hồi tiếng kêu trối chết. Hồ mã tai mơ hồ nghe tiếng ngựa hí rầm rập hối hả xông lên phía trước, kèn xung trận thúc quân vang động, đạn thần công nổ tung hất cày lên bụi đất mịt mù lửa cháy, quang cảnh khác chi hồng hoang địa ngục. Hồ mã nhắm mắt ngất đi, không biết đất trời gì nữa. Một mình Hồ mã thơ thẩn bên cạnh khán đài, thấy mình lạnh lùng, cách xa, cô độc. Một mảnh tình riêng, ta với ta. Trên khán đài vắng vẻ không một bóng người có lẽ vì quá sớm, mọi người trông nom việc tổ chức trang hoàng còn đang yên giấc. Họ làm việc cật lực sau mười hai giờ khuya mới được phép nghỉ vì ngày mai là ngày trọng đại. Trên cột gỗ khán đài được sơn những màu sắc rực rỡ diêm dúa chưa thực sự khô, mấy con ruồi bọ đánh hơi mùi sơn, mon men đáp sà xuống, đôi chân dính chặt không cách gì nhúc nhích đành chịu chết cạn, chẳng khác “ngọt mật chết ruồi”. Trên chóp khán đài hàng chục chiếc cờ một màu được cắm trong những cọc gỗ tròn lung linh khua động trong làn sương buổi sớm chỉ mới bước sang giờ Sửu. Hồn ma ngựa Hồ không phân biệt màu cờ gì chỉ thấy la liệt bày khắp. Mấy ông viên chức huân chương đầy ngực quyền cao chức trọng thực sự chẳng biết màu sắc tượng trưng màu gì, ông thì nói màu sắc tượng trưng quyền uy đất nước; ông thì nói bảy màu tượng trưng( đỏ, da cam, vàng, xanh, lam, chàm, tím) chiếc cầu vồng sau khi mưa. Lại có người bảo màu cờ nền đỏ tượng trưng sự đấu tranh xóa bỏ bất công, ngôi sao trắng tượng trưng sức mạnh quyền lực; mấy ông ấy thôi thì phát biểu lung tung ngậu xị sư nói sư phải, vải nói vải hay kiến thức uyên bác đầy bụng. Ðùa vậy thôi chứ nếu một ông được mời lên phát biểu ý kiến gẫy gọn đầy đủ vắn tắt ý nghĩa của lá quốc kỳ thì y như rằng mọi người đều tránh né tìm cách thoái thác. Ai cũng vỗ ngực tự xưng là một người yêu nòi thương nước chân chính, nhưng một khi tổ quốc có liên quan tới vận mệnh an nguy, lập tức “ tổ quốc thân yêu ơi có đoàn tôi sẵn sàng, ta lên đường vừa lứa tuổi đôi mươi.” Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách. Từ khi rợ Hồ được Hán Vũ Ðế dâng làm ngựa quý được nuôi dưỡng chăm sóc cẩn thận tại Thượng Lâm, hồn ma ngựa được “ vinh danh” là Hồ mã. Hồ mã, đố ai biết lai lịch gốc gác lai lịch lý lịch của ngựa? Câu trả lời dành riêng cho mã phu, tên giữ ngựa. Ðặt tên là Hồ mã, đâu có sao, quý hồ đừng lầm lẫn với các ngựa khác, với các lừa khác, là được,nhưng xin đừng nhầm lẫn Hồ mã với thiên lý mã, với chiến mã, với bạch mã( bạch mã phi mã), với Ô Mã Nhi và nhất là với... khuyển mã! Mã phu được đặt tên ngựa là Hồ mã từ đó. Trời bắt đầu chuyển sang một ngày mới, xe ngựa rục rich lọc cọc gõ khua trên lòng đường, hàng quán lục đục trở dậy nhóm lửa quạt lò ngoài cổng khán đài sát cạnh sân vận động. Mấy người phụ trách trông coi việc tổ chức tiến hành buổi lễ ngày mai cực kỳ trọng đại. “ Buổi lễ ngày mai cực kỳ trọng đại”, viên Ðại Xếp Sòng trưởng ban tổ chức & Lễ Nghi nói với mọi người như thế, Hồ mã nghe loáng thoáng tiếng được tiếng chăng, tiếng Pháp là Manitou. Ðại Xếp Sòng là một nhân vật lớn, một VIP a “very important person”, được xếp hàng thứ ba thứ tư trong nội bộ triều đình. Thuở sinh tiền, hồn ma ngựa dong ruổi trên khắp chiến trường, lội khắp hang cùng ngõ hẻm, hồn ma ngựa lõm bõm biết được một ít ngôn ngữ bản xứ hòng thích nghi trong việc huấn luyện dạy dỗ, chủ yếu là biết cách cầm cương, ra hiệu bằng mồm, ra hiệu bước đi chậm rải, nước kiệu và nước phi bằng cách dùng mũi giày thúc ngựa vào hông. Huấn luyện làm ngựa thuần thục chẳng qua là một cách luyện tập thói quen tập quán. Mặc dù không có khả năng nói, Hồ mã dần dần hiểu được ý nghĩa ngôn ngữ của một số dân tộc như Tày, Nùng, Mán, Thái, Cao Miên, Lào Nhật, Trung Hoa, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha, chính vì vậy mà hồi còn mồ ma, Hồ mã là một thiên tài bẩm sinh biết được mấy mươi thứ tiếng, học một biết hai mươi. “ Ngày mai là ngày cực kỳ trọng đại.” Ngày mai là ngày nào, ngày thứ mấy trong tháng, hôm qua, ngày mai? Mải xông pha “ phận trai già ruổi chiến trường” Hồ mã không có khái niệm thời gian nữa. Hiện tại, quá khứ, tương lai là một mớ “ tam phủ bùi nhùi” hẩu lốn, hôm qua là ngày hôm nay, hôm nay là ngày mai, ngày mai là ngày hôm kia. Ðố ai biết hôm nay là sinh nhật của hương linh vong hồn Hồ mã, của... Ðại Xếp Sòng? Làm sao biết được ngày mai chính là Ðại Hội Phòng Trào Yêu Nước lần thứ Mười được tổ chức tại Hồ Cá Sấu, một đại kỳ quan trên vịnh Thượng Long, một đại khách sạn bề thế xa hoa tốn kém lên tới Ngàn Sao( Thousand Stars)? Chính hồn ma Hồ mã được vinh danh làm Ðại Xếp Sòng Manitou ngang hàng sánh vai “ Hỏi ả Bán Bánh”. Buôn thúng bán bưng cô bán bánh. Vầng trăng sáng tỏ mây hoang lạnh. Quần nâu thoăn thoắt đếm nhịp nhàng, Biển bạc ì ầm soi lóng lánh. Chú Cuội cây đa cười lẳng lơ, Nàng Trăng đĩa bạc tròn vành vạnh. Lệ Chi cội nhãn trúng mùa thơm. Chín họ tru di chim gẫy cánh. Hằng năm nội bộ triều đình từ nhiều tháng trước lo một ủy ban trù bị tổ chức ngày sinh của Che Ðại Xếp Sòng muôn vàn kính yêu, tuy Người đã khuất nhưng “ người đây tưởng đó mất như còn”, gương chiến đấu hi sinh suốt đời phục vụ không biết thụ hưởng là gì. Nếp sống đơn giản thanh đạm của Ðại Xếp Sòng là một gương sáng tập đoàn thủ hạ lâu la lục lạc lấy đó noi theo. “ Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Che Ðại Xếp Sòng”. Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, Ðại Xếp Sòng luôn luôn nhắc nhở:“ thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ. Cố quân tử tất thận kỳ độc giả.” Ðồng bào nông dân thực thà chơn chất thường nói:“ Ðói cho sạch, rách cho thơm”. Riêng Ðại Xếp Sòng sửa chữa chút ít thêm mắm thêm muối mà kỳ thực ý nghĩa dạy đời giáo lý không khác:“ Ðói cho sạch, thanh bạch cho thơm.” “ Quân tử tất thận kỳ độc”. Người quân tử phải thận trọng cẩn thận khi ở một mình, phải mười con mắt trông vào, phải mười ngón tay chỉ vô. Thật cũng khó khi một người học làm quân tử phải “ chính tâm, thành ý, trí tri, cách vật.” Biết dễ, làm không dễ, triết gia Vương Dương Minh đã hơn một lần nhắc đi nhắc lại. Descartes càng rắc rối hơn khi nói “ để làm đúng cần phải phán đoán đúng.” Biết phán đoán, nhận định đúng, đôi khi thỉnh thoảng họa hoằn năm thì mười họa cần phải xé rào phá giới, bí mật không ai biết ngoại trừ lãnh tụ Ðại Xếp Sòng. Ăn vụng, đi đêm, chắc không ai biết, chùi sạch miệng sẽ được đảm bảo an toàn, cẩn tắc vô ưu. Hôm nay là ngày giỗ cực kỳ trọng đại của anh hùng Ðại Xếp Sòng, phải tổ chức lễ bái thật đình đám, phải giết tam sinh để tưởng nhớ linh hồn người đã khuất, hồn ma ngựa Hồ thở dài chép miệng ngán ngẫm cú kêu ma ăn. Trần Nghệ Tông, Trần Thuận Tông, Trần Phế Ðế cuối đời nhà Trần lên ngôi cốt chĩ làm bù nhìn hư vị, quỷ lộng vườn hoang, vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm, vắng chủ nhà, gà... bới bếp.
Làn sương tan dần. Vầng đông đỏ ối. Cảnh vật trở nên trong sáng như sau một trận mưa, tưng bừng những màu tươi thắm, vang động những tiếng chim ca cùng với tiếng hò reo cười đùa của dám học sinh tới trường tấp nập. Một đàn chim không biết từ hướng nào vỗ cánh mải miết bay về phương Nam. Hồn ma Hồ mã ngước mắt theo dõi đàn chim tới khi mất hút, thở dài lòng những bâng khuâng nặng trĩu. Ðã trải bao nhiêu thời gian chồng chất, hồn ma chưa được một lần về thăm chốn cũ làng xưa. Hồn ma không có khái niệm thời gian, Một tháng, một năm, mười năm, mười thế kỷ, thương hải biến vi tang điền, vật đổi sao dời . Hồn ma ngựa Hồ chưa quên ba nhạc khúc xưa giờ này vẫn nhớ: một nhạc khúc Sầu Lữ Thứ của Hùng Lân, một nhạc khúc Bến Xuân của Văn Cao và một nhạc khúc Hướng về Nam của Trọng Khương. Nhạc khúc Sầu Lữ Thứ, nhạc sĩ Hùng Lân. “ Bao phen sương nhuốm bạc mái đầu. Nhìn lên, chim én bay về Nam, cỏ cây, hoa lá ngả về Nam, mây trắng tỏa về Nam, mây xám ngả về Nam”( nhạc thức một si giáng, nhịp 3/4, âm giai Rê thứ). Theo tích, không biết ai, người nào đã dâng vua Hùng vào đời thứ mấy một con chim bạch trĩ chỉ thích đậu cành nam, hồn khắc khoải nhớ nước, làng xưa thôn cũ. Nhạc khúc thứ hai, Bến Xuân, nhạc sĩ Văn Cao.” Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Em đến tôi một lần. Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân.”( nhạc thức 2 giáng si mi, thuộc sol thứ, điệu Slow, nhịp 4/4) Lời của nhạc khúc được nhiều thanh niên thời đó ca ngợi. Tiếc thay triều đình bị lên án, kêu nhạc sĩ Văn Cao lên kiểm điểm tận tình, nào đầu óc còn nặng phongkiến lãng mạn tiểu tư sản không tha thiết nhiệt thành chống ngoại xâm bài phong phản đế không thể tiếp tục mộng mơ thương vay khóc mướn như thế được. Gọt rũa te tua không còn manh giáp rồi, triều đình ra lệnh khôn hồn thì mau mau đổi thay lại mạnh dạn làm lại nhạc khúc mới, mới hoàn toàn như cua thay vỏ, như rắn thay da. Nhạc khúc không được tự ý hát bài Bến Xuân nũa, nhạc khúc từ đây đổI mới 100%: Ðàn Chim Việt. “ Về đây khi gió mùa thơm ngát. Ôi lũ chim giang hồ. Bao cánh đang cùng vật vờ trên khắp cố đô. Từng đôi trên đất Bắc ríu rít ca u ú ù u ú. Mờ mờ rung nắng ven trời.” Việt điểu sào nam chi. Chim Việt đậu cành Nam. Chim Việt cương quyết không đậu cành Bắc. Cành Nam là một ám ảnh, một giấc mộng vàng nửa khuya thức giấc về sáng. Mỗi lúc gió bấc thổi về phương Bắc tránh lạnh, đàn chim Việt bay về tránh rét phương Nam như một bản năng, như một tình tự quê hương đã mất, như một “ nostalgie “ không phải de lõêtre của Ferdinand Alquié nhưng là một “ nostalgie du sol natal”. Nhạc khúc thứ ba là nhạc khúc cuối cùng Về miền Nam, nhạc sĩ Trọng Khương. Hồ mã không biết nhiều về nhạc sĩ ấy, chỉ biết nhạc sĩ là người miền Bắc, di cư vô miền Nam năm 1954. Trọng Khương sáng tác không nhiều mà nhạc khúc Về miền Nam là độc đáo nhất. Thiết tưởng không cần dài dòng cũng đủ nói lên đầy đủ ý nghĩa gắn bó đất nước quê hương miền Nam. Về miền Nam có dấu biến cốt si giáng nhạc thức Fa trưởng, nhịp 2/4, điệu Tempo di Marcia. “ Hướng về đây nào bao thanh niên yêu nước. Hướng về đây miền Nam thân yêu nắng sáng. Theo vết chân người xưa ta tiến lên đường đi, bao nắng mưa sương gió nào ngại chi.
Ði... về miền Nam, miền hương thơm bông lúa trần ngập đầy đồng. Ði... về miền Nam, miền xanh tươi đất rộng cùng chung đời sống mới. Xa rời đất nước thân yêu, Tây Hồ nước vẫn trong veo, lên đường dứt áo ra đi... Về miền Nam. Ðâu còn những phút trăng lên, sông Hồng sóng réo như điên, ta cười dứt áo lên yên về miền Nam.”./.
Võ Doãn Nhẫn Viết xong ngày 20/6/08 San Diego, Linda Vista.
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.