Dec 21, 2024

Biên khảo

Một số điều các bạn mới tập làm thơ nên biết
NGUỒN INTERNET * đăng lúc 05:39:11 PM, Jan 06, 2024 * Số lần xem: 2638
Hình ảnh
#1


MỘT SỐ ĐIỀU CÁC BẠN MỚI TẬP LÀM THƠ NÊN BIẾT

Để giúp các bạn có được những cái nhìn khái quát về thơ, nắm được những điều cốt lõi trong cách vận dụng gieo vần và tránh bị nhầm lẫn giữa thơ tự do với văn xuôi, mình lập ra topic này, hi vọng các bạn bỏ ra chút thời gian để tham khảo.
Chúc cho các bạn luôn có những giờ phút vui vẻ! Thân!


I. Cách gieo vần và các loại thể thơ (1)

Cách gieo vần và các loại thể thơ (2)

II. Một số điều về thơ tự do

III. Nét khu biệt giữa thơ và văn xuôi



I. CÁCH GIEO VẦN VÀ CÁC THỂ LOẠI THƠ (1)

(Nguồn.
http://www.daovien.net/t7171-topic}

Thơ Lục Bát
Lục bát là thể thơ đặc biệt của Việt Nam, mà truyện Kiều là tác phẩm tiêu biểu nhất. Vần thơ lục bát có thể phân tách như sau:

2 4 6
bằng trắc bằng
2 4 6 8
bằng trắc bằng bằng

Tiếng thứ 6 của câu lục vần với tiếng thứ 6 của câu bát. Tiếng thứ 8 của câu bát vần với tiếng thứ 6 của câu lục tiếp theo. Trong câu bát, tiếng 6 và 8 tuy cùng vần bình nhưng một tiếng có dấu huyền và một tiếng không có dấu.

Thôn đoài ngồi nhớ thôn Ðông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
(Nguyễn Bính)

Bỗng dưng buồn bã không gian
Mây bay lũng thấp giăng màn âm u
Nai cao gót lẫn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.
(Huy Cận)

Có hai ngoại lệ trong thơ lục bát:
1. Tiếng thứ 2 câu lục có thể là trắc, khi ấy nhịp thơ ngắt ở giữa câu.
Người nách thước, kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa, ào ào như sôi.
(Nguyễn Du)

2. Tiếng cuối câu lục có thể vần với tiếng 4 câu bát, khi đó tiếng 2 và 6 của câu bát sẽ đổi ra trắc. Câu thơ sẽ ngắt nhịp ở giữa câu bát, như trong câu ca dao sau:
Đêm nằm gối gấm không êm
Gối lụa không mềm bằng gối tay em.

Thơ Song Thất Lục Bát
Đây cũng là một thể thơ đặc thù của Việt Nam, gồm hai câu bảy chữ và hai câu lục bát. Tác phẩm Chinh Phụ Ngâm đã được viết trong thể thơ này. Trong câu thất trên, tiếng thứ 3 là trắc, 5 bình, 7 trắc; trong câu thất dưới, tiếng thứ 3 là bình, 5 trắc, 7 bình. Hai câu lục bát thì theo luật thường lệ.

Tiếng cuối câu thất trên vần với tiếng 5 câu thất dưới, tiếng cuối câu thất dưới vần với tiếng cuối câu lục, tiếng cuối câu lục vần với tiếng 6 câu bát. Và tiếng cuối câu bát vần với tiếng 5 của câu thất tiếp theo. Tuy nhiên, tiếng cuối câu bát cũng có thể vần với tiếng 3 câu thất, biến tiếng này đổi sang vần bình. Do đó, tiếng 3 trong câu thất trên có thể là trắc hay bằng.

3 5 7
trắc/bằng bằng trắc
3 5 7
bằng trắc bằng

Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
Thành liền mong tiến bệ rồng,
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời.
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
Giã nhà đeo bức chiến bào,
Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu.
(Đặng Trần Côn)


Thơ Bốn Chữ

Nếu tiếng thứ 2 bằng thì tiếng thứ 4 trắc; ngược lại, tiếng thứ 2 trắc thì tiếng thứ 4 bằng.
2 4
trắc bằng
2 4
bằng trắc
Nhưng nhiều khi câu thơ cũng không theo luật đó.

Cách gieo vần

1. Vần tiếp (ít dùng)

Lính đóng ven rừng
Giữa mùa nóng nực
Uống cạn hố nước
Thấy toàn đầu lâu
Thịt rữa đi đâu
Còn xương trắng nhỡn
(Trần Đức Uyển)

2. Vần tréo

Tôi làm con gái
Buồn như lá cây
Chút hồn thơ dại
Xanh xao tháng ngày
(Nhã Ca)
Người từ trăm năm
Về ngang sông rộng
Ta ngoắc mòn tay
Trùng trùng gió lộng
(Nguyễn Tất Nhiên)


3. Vần ôm

Em tan trường về
Ðường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
(Phạm Thiên Thư)

4. Vần ba tiếng (ít dùng)

Sao biếc đầy trời
Sầu trông viễn khơi
Ðêm mờ im lặng
Nhìn hạt sương rơi
(Khổng Dương)

Em là ánh trăng
Vừa biếc vừa xanh
Em là giấc mộng
Ðêm xuân của anh
(Huyền Kiêu)

Thơ Năm Chữ

Cũng giống như thơ bốn chữ: nếu tiếng thứ 2 trắc thì tiếng thứ 4 bằng, hay ngược lại. Nhưng cũng có nhiều trường hợp không phải vậy.
Hôm nay đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương
(Nguyễn Nhược Pháp)

Cách gieo vần

1. Vần tréo
Hôm nọ em biếng học
Khiến cho anh bất bình,
Khẽ đánh em cái thước
Vào bàn tay xinh xinh
(Nguyễn Xuân Huy)

Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
(Hàn Mặc Tử)

2. Vần ôm
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
(Lưu Trọng Lư)

3. Vần ba tiếng bằng
Tuyết rơi mong manh buồn
Ga Lyon đèn vàng
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng.
(Cung Trầm Tưởng)

Đưa em về dưới mưa
Nói năng chi cũng thừa
Phất phơ đời sương gió
Hồn mình gần nhau chưa?
(Nguyễn Tất Nhiên)

Thơ Sáu Chữ

Cách gieo vần

1. Vần tréo
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều
(Đỗ Trung Quân)

2. Vần ôm
Xuân hồng có chàng tới hỏi:
-- Em thơ, chị đẹp em đâu?
-- Chị tôi tóc xõa ngang đầu
Đi bắt bướm vàng ngoài nội
(Huyền Kiêu)

Nếu bước chân ngà có mỏi
Xin em tựa sát lòng anh
Ta đi vào tận rừng xanh
Vớt cánh vông vàng bên suối
(Đinh Hùng)

Thơ Bảy Chữ

Trong thơ bảy chữ, vần những tiếng 1, 3 và 5 không kể. Tiếng 2, 4 và 6 có thể phân tích như sau:
2 4 6
bằng trắc bằng
2 4 6
trắc bằng trắc

Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người
(Xuân Diệu)

Nhiều khi không lại như thế:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
(Hàn Mặc Tử)

Cách gieo vần

1. Vần tréo (thường dùng)
Nhiều khi trong thi đoạn bốn câu, chỉ cần hai tiếng bình ở cuối câu hai và bốn vần với nhau, hai tiếng trắc cuối câu một và ba không cần:

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn,
Tuổi hai mươi đến, có ai ngờ!
Một hôm trận gió tình yêu lại:
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ.
(Huy Cận)

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
(Tô Thùy Yên)

2. Vần ba tiếng bằng (thường dùng)

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng,
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.
(Huy Cận)

Dĩ vãng nào xanh như mắt em?
Chao ôi! Màu tóc rợn từng đêm!
Hàng mi khuê các chìm sương phủ
Vời vợi ngàn sao nhạt dáng xiêm.
(Đinh Hùng)

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
(Quang Dũng)

Thơ Tám Chữ

Thể thơ này không có quy luật nhất định, có nghĩa là vần điệu tự do hơn. Thường thì trong câu ở cuối có tiếng trắc thì tiếng 3 trắc, tiếng 5 và 6 bằng; ở cuối có tiếng bằng thì tiếng 3 bằng, tiếng 5 và 6 trắc. Nhưng nhiều lúc cũng không như thế.

Cách gieo vần

1. Vần tiếp

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,
Tôi sẽ trách -- cố nhiên -- nhưng rất nhẹ;
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...
(Hồ Dzếnh)

2. Vần tréo

Hai đứa kéo nhau chạy vào mộng mị
Giờ tắt thở nằm trên bãi hư vô
Bầy ngựa chứng hàng thùy dương vó bão
Gió đưa trăng lăn vào đá tiếng ru
(Tô Thùy Yên)

Em sẽ chết với mảnh hồn trống đó
Chúa đứng đón em ở cửa thiên đường
Con trả chúa trái tim hồng lãng mạn
Dưới thế gian con dại dột cho chàng
(Trần Mộng Tú)

3. Vần ôm

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường.
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím.
(Nguyên Sa)

Không có em, chắc ngày mai anh chết
Anh sẽ buồn, sẽ kết tội trần gian
Nắng sẽ phôi pha, hoa sẽ úa tàn
Cây thành phố hai hàng giăng nước mắt
(Vũ Thành)

Muốn cho thơ tám tiếng thêm âm điệu, một số nhà thơ thường vần tiếng 8 câu trên với tiếng 5 hay 6 câu dưới:
Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng, uất hận gối lên nhau
(Cao Tần)

I. Vần trong thơ

Vần bằng : là những chữ không có dấu hoặc mang dấu bằng
Vần trắc: là những chữ mang dấu sắc, hỏi, ngã, nặng
Đã làm thơ là phải gieo vần, không có vần thì dù hay đến mấy cũng không thể gọi là thơ được . Những chữ có cách viết và cách phát âm tương tự nhau thì gọi là vần . Ví dụ như : hoa - hòa , mây - bầy , hương - thường , đời - người v.v.v.

II. Cách gieo vần trong thơ bẩy chữ

1. Cách thứ nhất :
Trong khổ thơ gồm 4 câu, gieo vần ở cuối câu 1, 2, 4

Ví dụ :

Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước, lạnh trời ơi
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người

Chú ý :
theo cách gieo vần này, chữ cuối câu 1, 2, 4 là vần bằng và chữ cuối câu 3 là vần trắc .

2. Cách thứ hai :
Gieo vần ôm - Chữ cuối câu 1 vần với câu 4, chữ cuối câu 2 vần với cuối câu 3

Ví dụ
Tiếng đàn thầm dịu dẫn tôi đi
Qua những sân cung rộng hải hồ
Có phải A Phòng hay Cô Tô ?
Lá liễu dài như một nét mi

3. Cách thứ ba :
Gieo vần chéo

Chữ cuối câu 1 vần với cuối câu 3, hoặc chữ cuối câu 2 vần với cuối câu 4

Ví dụ :
Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân

Chú ý :
để câu thơ được nhịp nhàng, ở chữ 2, 4, 6 của câu thơ, nên gieo vần bằng, trắc, bằng hoặc trắc, bằng, trắc

Ví dụ
bốn bề ánh nhạc biển pha lê B-T-B
sương bạc làm thinh khuya nín thở T-B-T

Cách gieo vần trong một khổ thơ

Sau khi đã gieo vần bằng trắc nhịp nhàng ở mỗi câu thơ, bạn cần chú ý đến kết hợp vần của 4 câu thơ trong cả khổ thơ .

1.Cách thứ nhất :
Gieo vần bằng, trắc ở các chữ 2, 4, 6 của mỗi câu

Câu 1 :B-T-B
Câu 2 :T-B-T
Câu 3: T-B-T
Câu 4 : B-T-B

Ví dụ :
Bốn bề ánh nhạc biển pha lê B-T-B
Chiếc đảo hồn tôi rộn bốn bề T-B-T
Sương bạc làm thinh, khuya nín thở T-B-T
Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê B-T-B

2. Cách thứ hai :
Gieo vần bằng, trắc ở các chữ 2, 4, 6 của mỗi câu

Câu 1 :T-B-T
Câu 2 :B-T-B
Câu 3: B-T-B
Câu 4 : T-B-T

Ví dụ :
phơ phất ngoài hiên, dáng liễu hoa T-B-T
sương sa man mác gió xuân tà B-T-B
cảnh khuya gợi nỗi niềm xa xứ B-T-B
ánh nguyệt soi lầu chỉ bóng ta T-B-T

III. Cách gieo vần trong thơ lục bát

Khác với thơ bẩy chữ, thơ lục bát gieo vần ở cuối câu lục và ở chữ thứ 6 của câu bát theo luật như sau :

- Chữ cuối câu lục vần với chữ thứ sáu của câu bát , chữ cuối câu bát vần với chữ cuối câu lục tiếp theo, cứ như thế tiếp tục .

ví dụ :
Khúc đâu Tư mã Phượng cầu,
Nghe ra như oán như sầu phải chăng !
Kê Khang này khúc Quảng lăng,
Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân

- Các chữ thứ 2, 4, 6 của câu lục phải là bằng, trắc, bằng.
Ví dụ : Trong như tiếng hạc bay qua B-T-B

- Các chữ thứ 2,4,6,8 của câu bát phải là bằng, trắc, bằng, bằng.
Ví dụ : đục như tiếng suối mới sa nửa vời B-T-B-B

Cách Làm Thơ Tám Chữ

Trong một câu, nên có sự cân bằng giữa số lượng các vần bằng và vần trắc ví dụ Bằng /Trắc = 3/5 hay ngược lại . Vần bằng trắc cũng nên xen kẽ đều đặn để câu thơ uyển chuyển nhịp nhàng . Gieo vần thì có nhiều cách, đệ có thể theo các cách tương tự như gieo vần thơ 7 chữ như sau :

1. Gieo vần ôm :
- Chữ cuối câu 1 vần với chữ cuối câu 4, cuối câu 2 vần với cuối câu 3 .

Ví dụ :
Ngươi ám ảnh hương thơm bằng ánh sáng
Ru màu êm, mà gọi thức lòng ngây
Trăng, nguồn sương làm ướt cả gió hây
Trăng, võng rượu khiến đêm mờ chếnh choáng

2. Gieo vần chéo :

Chữ cuối câu 1 vần với cuối câu 3, và/hoặc chữ cuối câu 2 vần với cuối câu 4

Ví dụ
Tạo hóa hỡi ! Hãy trả tôi về Chiêm Quốc !
Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian !
Muôn cảnh đời chỉ làm tôi chướng mắt !
Muôn vui tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn

Tôi không muốn đất trời xoay chuyển nữa
Với tháng ngày biền biệt đuổi nhau trôi
Xuân đừng về ! Hè đừng gieo ánh lửa
Thu thôi sang ! Đông thôi lại não lòng tôi

3. Chữ cuối câu 1 vần với chữ 5 hay 6 câu 2 , chữ cuối câu 2 vần với chữ cuối câu 3 và vần với chữ 5 hay 6 câu 4

Ví dụ :
cõi thiên tiên kiều diễm ngàn ảo ảnh
điện nguy nga tỏa muôn ánh pha lê
thuyền Từ Thức bồng bềnh tới bến mê
rồi ngơ ngẩn khi trở về hiện thực

Chú ý : bằng vần với bằng, trắc vần với trắc . Bằng không bao giờ vần với trắc . Ví dụ :lồng không vần với lộng

Nếu làm thơ nhiều đoạn, chữ cuối câu 4 của đoạn trước luôn vần với chữ cuối câu 1 của đoạn sau

Ví dụ :
Làm thi sĩ , nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây,
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây,
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến

Đây là quán tha hồ muôn khách đến
Đây là bình thu hợp trí muôn hương;
Đây là vườn chim nhả hạt mười phương,
Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc



I. CÁCH GIEO VẦN VÀ CÁC THỂ LOẠI THƠ (2)
(Nguồn. http://www.daovien.net/t7171-topic)

THẤT NGÔN BÁT CÚ

Thất ngôn bát cú (7 tiếng 8 câu) là thể cơ bản của thơ Đường luật.

Về Vần: Trong 7 tiếng 8 câu thì tiếng cuối câu một và các câu chẳn vần với nhau (vần chân và độc vận). Vần chủ yếu là vần bằng; cũng có vần trắc nhưng ít gặp hơn.

Về Luật: Có sự luân phiên bằng-trắc tạo nên nhịp cơ bản: 2-2-3 trong mỗi câu thơ. Phổ biến là luật bằng - vần bằng: tiếng thứ hai và tiếng thứ bảy ở câu một là bằng.
Sơ đồ như sau:

1 bB tT tBB (vần)
2 tT bB tTB (vần)
3 tT bB bTT
4 bB tT tBB (vần)
5 bB tT bBT
6 tT bB tTB (vần)
7 tT bB bTT
8 bB tT tBB (vần)

Chú ý: nhất, tam, ngũ bất luận
nhị, tứ, lục phân minh

Ví dụ:

Hà Nam Tức Sự
Hà Nam danh giá nhất ông cò,
Trông thấy ai ai chẳng dám ho.
Hai mái trống tung đành chịu dột,
Tám giờ chuông đánh phải nằm co.
Người quên mất thẻ âu trời cãi,
Chó chạy ra đường có chủ lo.
Ngớ ngẩn đi xia may vớ được,
Phen này ắt hẳn kiếm ăn to.
(Trần Tế Xương)

Tức Sự: cảm hứng trước những sự trông thấy. Thơ tức sự là một lối thơ nhân thấy một việc gì mà làm ra.

Cũng có thể có luật trắc - vần bằng: tiếng thứ hai của câu một là trắc và tiếng thứ bảy ở câu một là bằng.

Ví dụ:

Hội Tây
Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo,
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo.
Bà quan tênh nghếch xem bơi trãi,
Thằng bé lom khom nghé hát chèo.
Cậy sức, cây đu nhiều chị nhún,
Tham tiền, cột mỡ lắm anh leo.
Khen ai khéo vẽ trò vui thế,
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu.
(Nguyễn Khuyến)

Về Niêm: Tức là sự liên hệ về âm luật giữa hai câu thơ chẳn và lẻ đi liền nhau: tiếng thứ hai của hai câu đó phải cùng bằng hoặc cùng trắc. Phải đúng niêm ở hai câu 2-3, 4-5, 6-7, và 8-1.

Về Bố Cục: Bài thơ thất ngôn bát cú phải được cấu tạo thành bốn phần như sau:
1- Đề:
Hai câu đầu gồm có:
- Phá đề (câu 1): mở vào bài
- Thừa đề (câu 2): nối với phá đề chuẩn bị chuyển tiếp sang phần sau.
2- Thực:
Hai câu tiếp:
- Giải thích đầu đề, bắt đầu vào thân bài.
3- Luận:
Hai câu tiếp:
- Bàn luận vào đầu đề, đi sâu vào thân bài.
- Bốn câu thực và luận yêu cầu phải đối nhau theo từng cặp.
4- Kết:
Hai câu cuối:
- Gói chủ đề lại và phát biểu tư tưởng, tình cảm của nhà thơ.

Nhìn chung, xét cả về vần, niêm, luật và bố cục, bài thơ thất ngôn bát cú là một kết cấu hoàn chỉnh, cô đúc, nhưng quá chặt chẽ và gò bó.


II. MỘT SỐ ĐIỀU VỀ THƠ TỰ DO

(Nguồn: http://www.dactrung.com/Bai-bv-2105Luoc_khao_Tho_Moi_Va_Tho_Tu_Do.aspx)


"Thơ Tự Do" bao gồm tất cả các "thể" thơ không nhất định và không mang hình thức của các thể thơ cũ, nghĩa là dưới khía cạnh luật lệ, thơ Tự Do rất là … tự do. Cái sự tự do trong hình thức và niêm luật ấy tất nhiên dễ dãi hoá việc sáng tác một bài thơ. Song nếu ta xét sâu hơn, chính sự tự do ấy, chính cái sự dễ dãi ấy biến thành cái khó khăn trong việc sáng tạo để một bài thơ Tự Do được khác biệt với một bài văn xuôi. Làn ranh giữa thơ Tự Do và văn xuôi tựa như kẽ tóc.

Tự do trong hình thể để phần nội dung được bộc khởi một cách sâu đậm hơn, để cái ý cảnh được kết tạo với đầy đủ ý nghĩa và phát biểu được nội tâm của tác giả, có nghĩa là vứt bỏ đi những gò bó khắt khe của các thể thơ xưa.

Song, dù có chấp nhận các mức tự do trong việc sáng tác đến độ bỏ các vần đi nữa, ta có thể nghĩ rằng một bài thơ Tự Do ít ra phải còn âm điệu. Chính cái âm điệu ấy là làn ranh cỏn con giữa văn xuôi và thơ Tự Do, vì một câu hay cả một đoạn văn xuôi có thể mang âm điệu rất "nên thơ".

Âm điệu là vết son cuối cùng mà ta không thể xoá đi, để một bài thơ còn có thể được gọi là Thơ.

Cái khó trong việc sáng tạo một bài thơ Tự Do, dưới cái nhìn của nhà thơ, phải chăng là việc phải tự mình đúc kết niêm luật đặc biệt cho từng bài thơ được sáng tác, để cho hình thể và âm điệu của bài thơ hoà hợp với nội dung hầu gợi được cái ý cảnh một cách linh động hơn.

Một tuyệt tác thi văn là một bài thơ mang sự hoà hợp giữa linh hồn của bài thơ cùng lớp võ bên ngoài.

Ta nhận thấy thể Thất Ngôn Bát Cú hoà hợp với ý thơ châm biếm chua cay, diễu cợt và các thể Lục Bát, Ca Dao lại rất đặc sắc để tả cảnh, tả tình. Ý thơ hùng hồn thường được biểu lộ qua thể thơ Tám Chữ.

Sáng tạo một bài thơ không thể là một cuộc ghép chữ, ghép vần theo niêm luật hay không.

Sáng tạo một bài thơ là tìm cách phát biểu cái chiều sâu của tâm hồn qua lời thơ được kết dựng theo hình thức và âm điệu hoà hợp với ý tưởng.

Ta có thể nghĩ rằng, ngày xưa hình thức, niêm luật, âm điệu do một người hay một nhóm người đặt chế ra cho từng thể thơ. Ngày nay, nhà thơ hưởng trọn quyền đúc kết, vừa phần hồn, vừa phần xác của bài thơ vậy.

Thơ Tự Do, chẳng qua là bước tiến tự nhiên của mỗi nền thi văn để vượt khỏi những sự gò bó, áp bức hủ thời.


III. NÉT KHU BIỆT GIỮA THƠ VÀ VĂN XUÔI

(Nguồn: http://trucbinhquynhon.vnweblogs.com/post/24610/382238)

Thưa các bạn! Chỉ vũ trụ là vô hạn, không ranh giới, còn tất thảy mọi vật thể, mọi sự vật, mọi sự việc… đều có ranh giới để phân biệt với những cái chính nó và cái khác nó. Vậy nên thơ phải khác văn xuôi, khác với mọi thể loại văn hóa là điều tất nhiên.

Từ ngàn xưa ông cha ta đã nói: Thơ, ca, hò, vè là văn vần, câu nói này đã khẳng định: THƠ PHẢI CÓ VẦN đó là nét nhận “dạng” riêng của thơ.

Bước vào kỷ nguyên mới, tư duy con người phát triển tinh tế hơn, một bộ phận người cảm thụ thơ không theo lối xưa nữa. Đồng thời do ảnh hưởng văn hóa giao lưu nên thơ bớt câu nệ vần, nhưng vẫn giữ nhạc điệu. Dòng thơ mới xuất hiện!

Gần đây, một số người, đặc biệt là các bạn trẻ, ý thức rằng phải cách tân thơ. Có lẽ họ cũng muốn làm cuộc cách mạng thơ giống như thơ truyền thống chuyển sang thơ mới vậy.

Về lâu dài thì cuộc cách tân ấy kết quả đến đâu ta chưa biết. Nhưng hiện tại những người ấy đã lẫn lộn thơ và văn xuôi, thậm chỉ còn lẫn lộn thơ với sản phẩm văn hóa khác.

Ví dụ: Ông DT in một tập tranh và gọi đó là thơ. Có người viết thông báo, viết nhật ký, viết phóng sự, viết bảng tin… rồi gọi đó là thơ, thậm chí còn viết dấm dớ nữa. Vậy mà cũng được một số người ủng hộ, coi đó là thơ hiện đại.

Theo tôi là họ đã lầm, chứ không phải là sáng tạo theo dòng hậu hiện đại gì cả. Tại sao nói họ lầm??? Để thấy chỗ lầm của họ, tôi xin đưa ra khái niệm mới, đó là khái niệm TỐ THƠ. Tố thơ là khái niệm mới hơi khó tưởng tượng, xin bạn đọc thật bình tĩnh, đừng vội cho TB ngông cuồng dám múa rìu qua mắt thợ. Vậy TỐ THƠ là gì?

TỐ THƠ là cái cốt lõi nhất, tinh túy nhất để tạo nên CHẤT THƠ cho tác phẩm.

Ta có thể nôm na so sánh cho dễ hiểu là: Tố thơ tạo ra chất thơ cho mọi tác phẩm, giống như nguyên tố hóa học đã tạo ra mọi chất trong vũ trụ. Vũ trụ thiên hình vạn trạng, muôn màu muôn sắc, nhưng cũng chỉ do một số nguyên tố cơ bản tạo nên.

Tương tự như vậy, tố thơ đã tạo ra chất thơ cho mọi sản phẩm văn học và cả không phải văn học. Nghĩa là trong bất kỳ tác phẩm nào do con người sáng tạo, và không do con người sáng tạo đều có tố thơ, chính nó đã làm toát lên chất thơ của tác phẩm ấy.

Bởi vậy những đầu óc nhạy cảm, họ đã cảm thấy tác phẩm nào cũng có chất thơ và họ gọi đó là thơ. Đây chính là sự lầm lẫn của họ! Họ lầm tố thơ và thơ. Tố thơ có trong mọi tác phẩm: kể cả tác phẩm thơ và tác phẩm không thơ.

Tác phẩm thơ và tác phẩm không thơ giống nhau là đều có tố thơ (chất thơ). Thế thì chúng khác nhau ở điểm nào? Theo tôi chúng khác nhau ở tập quán của mỗi chủng tộc. Chủng tộc người kinh VN thì thơ là phải có vần, điệu (xin đừng hiểu ngược lại, vì có vần, điệu cũng chưa phải là thơ).

Khái niệm TỐ THƠ đã giúp chúng ta khu biệt được tác phẩm thơ và tác phẩm văn xuôi nói riêng cũng như tác phẩm không thơ nói chung.

Nếu quán triệt điều này thì không ai viết thông báo, viết nhật ký, viết bảng tin, vẽ tranh…gọi là thơ nữa.

Trước kia Tô Đông Pha (Đời Tống – TQ) khi xem tranh và thơ Vương Duy (Đường), có nói: “Thi trung hữu họa; họa trung hữu thi”. Đúng, nhưng “họa trung hữu thi” chứ đâu phải họa là thi. Vậy là ông DT đã lầm. Tô Đông Pha muốn nói rằng: tranh Vương Duy có tố thơ (có yếu tố thơ, có chất thơ) chứ đâu phải là bài thơ.

Hiện nay nhiều tác giả thơ, kể cả chuyên và không chuyên, kể cả người chơi thơ đều nói rằng: “Tôi tìm kiếm cho tôi một phong cách thơ riêng.” Hay quá, đáng trân trọng quá. Nhưng xin thưa với bạn rằng: Hiện nay có bao nhiêu người làm thơ bạn biết không? Có lẽ cũng đến mấy vạn người; mỗi người một phong cách riêng cho mình, thì cũng đến mấy vạn phong cách. Chà! Thật như vậy thì độc giả cũng phải có mấy vạn bộ óc nhỉ?

Thực ra, tôi cứ nói cho hả dạ, xả hơi dồn ứ trong người, đồng thời thể nghiệm tư duy của mình để thổ lộ cùng bạn bè chia sẻ cho vui, chứ mình nói ai nghe!!!

Muốn người ta nghe mình, thì mình phải có “Chiếc ghế xịn”.Khi ấy thơ bạn bỗng trở nên thượng đẳng, độc nhất vô nhị. Cái gì tốt nhất, hay nhất, tinh túy nhất, đột phá nhât, hiện đại nhất…đều hội đủ trong thơ bạn dễ vô cùng. Trình độ thẩm định thơ là vậy đó. (Đến 30/09/2012 tôi sẽ rước về một bài có nội dung tương tự, để trình làng)

Tuy nhiên theo quy luật cung cầu; CẦU cái gì thì CUNG cái ấy. Nhà thơ Vũ QUần Phương lấy một ví dụ thế này: Người đóng giày sáng tạo ra loại giày tròn, giày tam giác; người tiêu dùng không mua vì không vừa chân, bất tiện khi sử dụng. Người đóng giày nói rằng: Chân của anh không hiện đại, anh phải gọt chân cho hợp với giày!?

Như trên tôi đã nói: thơ hay không thơ là tập quán, là thói quen mỗi chủng tộc. Tôi nghĩ thơ HAI CU Nhật Bản, đối với họ là thơ, cái đó là tùy dân tộc họ. Nhưng khi đọc tôi có cảm giác đó chỉ là những lời hay ý đẹp mà thôi, rất thơ nhưng không phải là thơ.

Để kết luận bài này, tôi xin đưa ra khái niệm tác phẩm thơ như sau:

1- Thoạt nhìn về hình thức, mọi người đều cảm nhận đó là bài thơ.

2- Khi đọc lên không trúc trắc, có vần điệu thuận tai, tạo cho người đọc những cảm xúc mãnh liệt, những hình ảnh tuyệt vời, những kết cấu đột phá.

N
guồn: sưu tập từ Internet




Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.