Jan 15, 2025

Tiểu luận - Tạp bút

Môn đăng hộ đối.
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 03:41:46 AM, Aug 11, 2009 * Số lần xem: 2491
Hình ảnh
#1

Trời Nhà Vàng đang trên cơn nắng nực gió cát mùa hè. Ông mặt trời tỏa ánh nắng chói lọi lấp lánh từ ngoài khơi đưa về, vỗ sóng soài trên bãi cát. Một trời mây nước mênh mông như muốn đưa cả tâm hồn du khách vào trong cõi vô cùng vô tận.
Võ Thể Lan một mình nằm vùi trên bãi cát ướt. Cát phủ lấp kín người chỉ chừa đôi chân, cái đầu ló khỏi bãi cát, đội chiếc mũ kết đỏ trừ cặp kính đen im lìm bất động. Những con dã tràng, mấy con còng gió nhởn nhơ hối hã chạy trên bãi cát đề rồi hấp tấp chạy theo đợt sóng mất hút rút khỏi làn nước. Đất trời êm ả, chỉ nghe tiếng gió vi vu rì rào, đuổi chạy trên các ngọn phi lao, mất hút trên các khóm dừa nhiệt đới.
Võ Thể Lan để mặc tâm hồn nổi trôi bềnh bồng về quá khứ, một thời xa lắc xa lơ. Hiện giờ Lan đã hăm ba hăm bốn cái xuân xanh. Thời ấy Lan là một con bé con mười tuổi, cái tuổi ngây thơ trong trắng non dại chỉ biết vui chơi, ăn quà vặt và thích nghe kể chuyện đời xưa hoặc truyện cổ tích. Chuyện đời xưa là chuyện Phù Đổng Thiên Vương hay chuyện Thánh Gióng. Chuyện đời xưa là chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy và đền Cổ Loa. Truyện cổ tích là truyện Sơn Tinh Thủy Tinh và nàng con gái vua Hùng thứ mười tám. Chuyện cổ tích là chuyện An Tiêm và quả Dưa Đỏ, nhưng chuyện cổ tích khá đặc sắc là chuyện cổ tích nàng Tiên Dong và Chử Đồng Tử.
Chuyện nàng Tiên Dong- Chử Đồng Tử là cốt chuyện nhằm đả kích hôn nhân phân biệt giàu nghèo, kỳ thị giai cấp, Chuyện kể lại Tiên Dong là một nàng công chúa xinh đẹp, ái nữ của Hùng vương, nhưng không thích cuộc sống xa hoa lầu vàng điện ngọc mà chỉ yêu thích thiên nhiên phong cảnh kỳ tú hữu tình. Tiên Dong thường xuyên cùng các hầu cận cung tần mỹ nữ hầu hạ cùng nhau vui chơi đây đó, lắng nghe giọng chim ca, tiếng suối đổ. Tuy đã đến tuổi cập kê nhưng Tiên Dong không màng nghĩ tới chuyện hôn nhân vuông tròn xe tơ kết tóc. Các công hầu, các khanh tướng, các bậc vương tôn công tử tại các lân quốc chư hầu nhiều phen săm soi trầm trồ dòm ngó, đối với Tiên Dong, tất cả đều lạnh nhạt hững hờ. Hùng Vương chiều con, mặc ý công chúa tha hồ vui chơi du sơn du thủy không muốn làm phiền lòng phật ý.
Gia đình cha mẹ Chử Đồng Tử mất sớm từ khi người con trai còn nhỏ. Chử phải sống trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn khốn đốn, không nhà không cửa, không một tấc đất cắm dùi, vô sản chính hiệu. Không quần không áo, không một mảnh vải che thân, Chử Đồng Tử dùng một tấm vải cũ làm khố tạm che bộ phận hạ thể, phần trên cơ thể đầu tóc mặt mũi mặc cho sương gió dãi dầu.
Chử làm gì, bằng phương cách nào sinh kế? Một cách duy nhất:tìm cách xúc tôm bắt cá độ nhật. Chử ngây thơ vụng dại non nớt không biết tìm cách mua đi bán lại tôm cá kiếm lời. Vả, thời đó làm gì có sự bán buôn? Bạc tiền chưa có, chỉ toàn sự đổi chác. Đánh bắt được một mớ tôm mớ cá, Chử đem ra nhóm người tụ họp chợ đổi chác lấy gạo mang về nấu, ăn. Ăn một mình và ngủ cũng một mình, cuộc sống chẳng khác chi chuyện cổ tích của anh chàng Trương Chi lụy vì tình và chết cũng vì tình. Chử Đồng Tử không biết kết bạn trò chuyện lân la, không biết buồn vui sung sướng hay đau khổ. Đừng đề cập chuyện yêu đương ái tình nhăng nhít; thảng hoặc, gặp một đàn bà con gái đương độ xuân thì, Chử vội vàng tìm cách lánh xa “ kính nhi viễn chi.” Ngày, Chử nghe tiếng chim cu gù, tiếng chim hót trong ánh chiêu dương, tiếng gà eo óc gáy xế trưa, tiếng mục đồng thổi tù và đuổi trâu về chuồng; đêm, Chử hững hờ nghe sự thinh lặng của đêm trăng, tiếng hòa tấu nỉ non của lũ côn trùng để rồi Chử thiếp ngủ không cơn mộng mị. Khổ một nỗi, Chử không biết hát như giọng hát của Trương Chi, nhưng đó lại là một định mệnh...tiền định, bà Nguyệt ông Tơ khéo xe hai linh hồn phối hợp ăn đời ở kiếp.
Như mọi ngày, Chử Đồng Tử trở dậy, loay hoay sắp xếp đồ nghề tiếp tục mò tôm bắt cá hằng ngày độ nhật. Chử nghĩ bụng sẽ đánh bắt tôm cá ở miệt giòng sông cũ, nơi Chử thường xuyên bắt tôm bắt cá hàng ngày, chỉ mỗi một chiếc khố cũn cỡn làm vốn che thân.
Cơ trời dun dủi, công chúa diễm lệ Tiên Dong cùng bầy nữ tỳ tán lọng rợp che bóng nắng chợt tới bến sông nói cười vang động phá tan bầu không khí yên tĩnh ban mai. Giòng sông êm đềm vẫn lượn lờ uốn khúc, giữa giòng sông một cồn cát trắng nằm phơi trên mặt nước, tiếng làng xa vẳng chợ đầu làng, non nước mênh mông, trời mây bát ngát, nắng xuống trời lên sâu chót vót, sông dài trời rộng bến cô liêu. Chử Đồng Tử đang hì hục chăm chú mò tôm bắt cá.
Tiên Dong ngước mắt nhìn quanh thiên nhiên, phiêu bồng chất ngất lai láng cảm hoài, muốn được tắm mát một mình một thân cho thỏa chí. Chỉ một mình, nhất thiết không một người nào vãng lai cho phép, Chỗ này là nơi nghiêm cấm, vùng này là chỗ không được tới lui lai vãng, chẳng khác chi huyền thoại trên hoang đảo của những nữ thần Hy Lạp Lesbos trần truồng tắm gội vui chơi thỏa thích với cùng một giới tính đàn bà phụ nữ.
Tiên Dong ra lệnh nhóm nữ tỳ tổ chức vây màn kín đáo cho công chúa tắm gội. Tiên Dong cởi bỏ xiêm y, trần truồng, một tòa thiên nhiên nguyên hình lồ lộ, một mình tự do ngắm nghía, tự biết mình chim sa cá lặn từ lâu.
Tiên Dong tắm một mình, không một ai, không một kẻ nào dám cả gan tò mò dòm ngó. Tiên Dong múc nước từ chiếc chum dội vào người nàng. Nước mát lạnh. Tiên Dong một mình mỉm cười, vuốt ve nước chảy trên đùi trên lòng bàn chân. Chợt có tiếng động bên dưới lòng cát trên Tiên Dong vội vàng tựa một phản ứng tự nhiên co hai đùi hai chân hai tay lại, công chúa hoảng hốt lo sợ thất thần: một hình người từ từ xuất đầu lộ diện trên bãi cát, trần truồng, tênh hênh, không khác gì thân thể của Adam cùng Evà từ thuở khai thiên lập địa, chỉ khác là Adam cũng mê mải khi trộm ngắm thân hình “rõ mầu trong ngọc trắng ngà” của nàng ngọc nữ trinh nguyên. Chử cố gắng giữ cho thân hình bất động không dám cựa quậy nhưng thân thể bừng bừng rạo rực sức sống chẳng khác gì con sư tử mùa đông ngủ yên nay mùa xuân trỗi dậy.
- Người...người...là ai? Tại sao người cả gan đột nhập vào đây? Tiên Dong cả thẹn quơ vội chiếc khăn lau vào người, nói năng lắp bắp ấp úng.
Người con gái không một mảnh vải che thân sượng sùng xấu hổ nom càng đẹp. Ngực đó. Bụng đó. Mông đó. Đùi và bắp chân trông suôn đuột ngon lành tựa búp măng đang vươn mọc thẳng tràn trề sức sống.
Chử Đồng Tử vội vàng lắp bắp ấp úng:
- Tôi...tôi không biết. Tôi chỉ nghe lao xao có tiếng người từ xa vang vọng cười nói, chợt trông thấy...tiên nương sai bảo vây màn chực tắm mát, tôi hoảng quá, vội vàng lấy cát giấu tạm lên người, nào ngờ không giấu được, xin tiên nương tha tội sỗ sàng đường đột.
Tiên Dong liếc thật nhanh con ngườI bắt cá mò tôm, thấy bóng dáng ngoại hình tuy vất vả dãi dầu sương gió trông cũng sáng sủa khôi ngô, bèn cất tiếng hỏi:
- Hiện giờ người đang làm gì để kiếm cái sống?
- Thưa tiên nương, hằng ngày tôi mò tôm bắt cá, đổi tôm cá lấy gạo về nấu cơm ăn để sống
Tiên Dong nén tiếng thở dài, cất lên một lời phán quyết:
- Trước, ta vẫn nghĩ ta không có chồng lập thành gia thất duyên nợ phu thê. Nay bỗng dưng ta gặp một người, hoàn cảnh thân phận số mệnh là như thế, âu cũng là số kiếp người đời định sẵn, ta cùng người dựng xây hợp thành gia thất vợ chồng, mong người đừng từ chối.
Chử Đồng Tử thừ người, đắn đo do dự:
- Tôi, một thân một mình , tứ cố vô thân, không gia đình, không sản nghiệp. Vẫn biết tiên nương có lòng chiếu cố đoái thương thân phận người cùng khổ, thiết nghĩ tiên nương cành vàng lá ngọc không xứng đáng kẻ hèn này.
Tiên Dong ngắt lời:
- Người đừng nói nữa, lòng ta đã quyết định rồi. Kể từ nay, ta sẽ đổi cung cách xưng hô cho phải phép, thiếp là thiếp, chàng là chàng, vợ chồng xưng hô đối xử cho phải đạo, phu phụ tương kính như tân. Chàng nên thay đổi sắc phục áo quần cho tươm tất chỉnh tề, đâu đó xong xuôi, vợ chồng ta sẽ sum vầy giao bôi hợp cẩn.
Đám nữ tỳ đi theo hầu hạ phục dịch công chúa Tiên Dong hối hả kéo nhau chạy về “ báo cáo”sự tình hiện tượng lạ lùng cùng vua Hùng vương thứ mười tám. Người viết bài này xin được thắc mắc: sự tích Tiên Dong- Chử Đồng Tử thuộc về đời vua Hùng vương thứ mười tám? Sự tích Sơn Tinh Thủy Tinh đánh nhau để chiếm được giai nhân cũng thuộc về đời vua Hùng vương thứ mười tám? Sự tích Thánh Gióng tức Phù Đổng Thiên vương phá tan được giặc Ân cũng thuộc vào đời Hùng vương thứ sáu? Có gì xác quyết, có gì khẳng định lịch sử biên niên ngày tháng năm? Sự tích Tiên Dong-Chử Đồng Tử, sự tích Sơn Tinh Thủy Tinh chỉ là khuyết sử hay là tiền sử. Nói đâu xa, lịch sử cũng chỉ là những chứng tích mập mờ đánh lận con đen. Nguyễn văn A chết chính xác khách quan ngày nào tháng nào , ngày 2 hay ngày 3 tháng 9? Khi phê bình giá trị lịch sử, Fenelon đã để lại một câu mỉa mai nhưng thật sự vô cùng chí lý:” Sử gia phải là người không thuộc thời đại nào, không thuộc một xã hội nào, không thuộc một tôn giáo nào và không thuộc một giai cấp nào”.
Vua Hùng nghe quần thần “báo cáo” sự tình như thế cả giận, bèn phán:
“ Con ta là một đứa con bất hiếu chẳng biết kính trên nhường dưới, lười biếng lêu lổng bê tha, chẳng biết thêu thùa vá may công ngôn dung hạnh, con ta vốn nòi giòng giống Tiên Rồng, kim chi ngọc diệp thế phiệt trâm anh. Tưởng nó kết duyên lựa nơi xứng đáng con nhà quyền quý lễ nghi gia giáo, lại đi ăn nằm chung chạ với kẻ vô loài thật là điếm nhục gia phong. Kể từ hôm nay, ta đã quyết , không nhận nó là con gái nữa và cấm biệt hẻo lánh tới lui lai vãng vùng kinh đô này, nó hãy đi cho khuất đừng vướng bận mắt.”
Duyên tiên chẳng tựa, tựa thuyền chài.
Gắn bó duyên trời định một hai.
Tiết nghĩa tấm khăn mùa ấm lạnh,
Cương thường phu phụ một đời người.

Võ Thể Lan ngồi một mình trong biệt thự nghỉ mát thành phố Nhà Vàng sau khi nằm vùi trên bãi cát. Đây là ngôi nhà nghỉ mát của riêng Lan được ông bố tặng cho cô ái nữ. Ngôi nhà nghỉ mát được xây cất và trang trí theo kiểu...bán hiện đại, vừa cổ điển vừa tân thời, người thiết kế từ ngoại thất đến nội thất cũng khá độc đáo. Nhà nghỉ mát có tất cả năm phòng ngủ, một phòng đọc sách, một phòng giải trí coi TV cùng phim truyện, một phòng khách rộng mênh mông dành riêng tiếp tân tiệc tùng khiêu vũ. Trên phòng khách treo một số họa phẩm cổ điển: La Joconde, Bầy Quạ Đen và Lúa Mỳ, Người đàn ông bị cắt một tai, Người Dụ Rắn. Sát cửa ra vào đặt một chiếc dương cầm còn mới tinh, ý hẳn không có người học đàn và dương cầm thủ.
Võ Thể Lan dường như có tâm trạng không vui. Đã mấy hôm nay Lãng, bạn trai của Lan không thấy đến. Lãng chỉ gặp Lan một hai lần rồi thôi. Hiện giờ Lan đang có tâm trạng chờ đợi người bạn của Lan, “ thuở đợi chờ, ôi thời gian rét lắm” trong khi bên ngoài biệt thự nghỉ mát, mùa hè gió xôn xao thổi và sóng vỗ ì ầm trên bãi cát phẳng.
Công việc thường nhật của Lan làm nàng chán nản mỏi mệt. Việc làm đối với Lan chẳng lấy gì say mê hứng thú. Hiện tại Lan làm giáo sư dạy múa cho các trẻ em từ nhà trẻ đến lớp mẫu giáo. Ban đầu trẻ con đua nhau học múa bởi “ múa “ vốn là sở thích và năng khiếu hồn nhiên của tuổi ấu thơ, nhưng hiện giờ là mùa nghỉ hè của học sinh nên thường đi chơi xa nghỉ mát, tắm nắng hoặc vui chơi ở biển, một phần do hiện trạng kinh tế suy trầm nên số học viên múa cũng vì thế có suy giảm.
Nguyên gốc gác lý lịch của Lãng bị “bôi đen”. Trước năm 75, bố của Lãng là sĩ quan hiện dịch trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Sau ngày gãy súng, bố Lãng dược liệt vào hạng “ ngụy quân” bị đưa đi học tập cải tạo mút mùa tận miền Bắc. Mười năm, bố Lãng được tha cho về vì đã được học tập tốt trong bệnh tật thân tàn ma dại. Đứa con trai tên Lãng mới lên mười, theo mẹ buôn tần bán tảo trong hoàn cảnh kinh tế chật vật khó khăn ngăn sông cấm chợ buôn hàng chuyến bất kể mặt hàng gì: gạo, cà phê, họa hoằn cà phê cứt chồn, đường cát, thuốc Tây, mỹ phẩm, may thì êm xuôi trót lọt, không may thì công an giao thông dọc đường khám xét lục soát phát hiện ngã về không. Lãng cũng cố theo đuổi sách đèn không ngại người mẹ đầu tắt mặt tối, từ phổ thong cấp Hai lần mò tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học. Lúc này đứa con trai đã đến tuổi mười tám, ngấp nghé dự định thi tuyển sinh vô đại học, nhưng cô giáo chủ nhiệm lớp Mười Hai báo cho Lãng biết trước đừng hi vọng gì ở bậc đại học. Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã từ lâu có chính sách không đào tạo những thành phần có vấn đề lý lịch bản thân không được sạch sẽ, hoặc con của địa chủ phú nông cường hào ác bá trong vụ Cải Cách Ruộng Đất 1952-53, hoặc thành phần con cháu quan lại phong kiến, thành phần phản động Việt gian bán nước “có nợ máu”với nhân dân, thuộc thành phần “Ngụy quân, Ngụy đảng”. Dù cố gắng học tập dùi mài kinh sử đi thi cũng xôi bỏng hỏng không, trong khi con cán bộ nếu đi thi vẫn được “ chiếu cố “, vừa học vừa chơi vẫn “bảng hổ đề danh”. Đây là một cảnh tượng bi hài dở cười dở khóc giữa chốn phòng thi tuyển sinh đại học:
“ Giám thị nhìn em, giám thị cười,
Em nhìn giám thị lệ tuôn rơi,
Cổng trường đại học xa vời vợi
Cuốc xẻng em đây đã sẵn rồi.”
Mấy ngàn năm từ cổ tớ kim, tục ngữ người xưa đã ăn sâu trong đầu óc kỳ thị giai cấp giàu nghèo sang hèn. Một khi được lên ngai làm vua, bậc làm vua sẽ cứ thế mà tiếp tục cha truyền con nối hết đời này đến đời. khác. “ Con vua thì lại làm vua.” Vua Lê Đại Hành truyền ngôi cho hoàng thái tử là Lê Long Đỉnh, tức Lê Ngọa Triều. Nếu nhà vua không xứng đáng lên ngôi cửu ngũ, nhà vua sẽ bị phế, như Lý Huệ Tôn hằng ngày nhổ cỏ quét dọn nhà chùa:”Con sãi ở chùa lại quét lá đa.” Nạn kỳ thị giai cấp nghề nghiệp đầu óc nhân dân người Việt đã bị ăn sâu thâm căn cố đế, tiêu biểu điển hình là ông Đào Duy Từ. Xin kể lại vài nét sơ lược về Đào Duy Từ.
Đào Duy Từ thuở còn nhỏ đi học gặp một ông thầy rất nghiêm khắc hay quở phạt, học trò ai cũng sợ hãi . Ông chăm chỉ học hành, hết lòng giữ lễ phép. Một hôm ông bị người thầy quở trách dữ dội vậy mà nét mặt vẫn không có ý hờn giận. Một người bạn hỏi:
- Hôm nay anh bị thầy giáo quở phạt dữ dội nhưng trên nét mặt anh không tỏ ý hờn giận là tại làm sao?
Ông nói:
- Phận sự của chúng ta đi học là lúc nào thầy cũng muốn học trở trở thành người giỏi người hay thì có lẽ nào mà ta lại oán giận thầy?
Lúc còn nhỏ ông nết na như thế cho nên về sau ông trở thành một người tài giỏi trong nước, ai cũng kính phục.
Vào thời chúa Nguyễn,người viết không nhớ thời chúa Nguyễn nào, chỉ biết Đào Duy Từ lớn lên triều đình không được đi thi, bởi cha mẹ Đào Duy Từ làm nghề con hát, thuộc loại “ xướng ca vô loài”, thiên hạ bình phẩm dị nghị mặc dù ai ai cũng biết Từ thiên tư thông tuệ khác thường. Sau, Đào Duy Từ ra đầu quân, hợp tác cùng chúa Nguyễn và là người sáng lập ra lũy Đồng Hới. Lũy đắp bằng đất, rộng sáu mét, dài mười hai kí lô mét, trong có đường cho voi ngựa đi lại. Mỗi khi giao tranh, thường Bắc quân tiến tới lũy đó thì dừng lại, không thể tiến lên được nữa. Ngoài cái tên lịch sử lũy Đồng Hới còn có tên là Lủy Thầy vì Đào Duy Từ là ngưới có công sáng lập ra lũy ấy
Không phải một sớm một chiều người Việt chúng ta có thể dễ dàng xóa bỏ đầu óc phân biệt chủng tộc, phân biệt màu da. Bạn có thể làm quen kết bạn và kết hôn một thiếu nữ gốc Angola thuộc châu Phi? Người viết còn nhớ vào năm 1945 khi Việt Minh khởi nghĩa cướp chính quyền, nhiều người từ miền Tây nguyên xuống cũng hăng hái tham gia chiến đấu chống lũ thực dân xâm lược. Lúc đó những nhóm ngườI ấy ở trần chỉ mang chiếc khố làm y phục che thân, trên vai mang cung trên nỏ ná, đi chân đất. Nghe các người lớn gọi những người ấy là “Mọi”, người viết cũng bắt chước kêu là “ Mọi”. Sau này khi lớn lên, người viết bắt chước người lớn những kẻ có học đổi “Mọi” thành đồng bào Thượng, một danh từ người viết mỗi khi đọc lên là đầy đủ tính chất rẻ rúng miệt thị. Về sau, khi đã trưởng thành, mỗi lần đề cập tới những đồng bào Thượng, người viết không khỏi sinh tâm ái ngại: giòng máu kỳ thị chủng tộc không sao gột rửa tẩy xóa được, bởi họ cũng cùng một giống nòi, sinh ra lớn lên trên những dãy trùng trùng điệp điệp Trường Sơn. Ấy vậy mà mỗi khi có ai đề cập tới chuyện hôn nhân người Kinh- người Thượng, lập tức chúng tôi lắc đầu coi như việc cấm kỵ, chẳng những “ kính nhi viễn chi” đã hẳn, thậm chí còn “kinh nhi viễn chi” hoặc “ khinh nhi viễn chi “ nữa. Sau năm 1954 sau ngày đình chiến kết thúc cuộc chiến Điện Biên Phủ, những người anh lớn tuổi hơn người đã viết sung vô ngành quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Lúc bấy giờ họ thuộc giới trẻ, tuổi thanh niên đang sung sức tràn đầy sinh lực, “đi bất cứ nơi đâu khi đất nước đang cần “, miền xuôi hay miền ngược, đồng bằng hoặc cao nguyên thâm u rừng núi. Một người anh được đồn trú tại tỉnh Pleiku thuộc miền sơn cước, có con đường đất đỏ, có Biển Hồ. Độ nọ, một mình anh bước xuống một giòng suối ra tắm mát, ở đó đã có một nàng sơn nữ cũng đang tắm rửa kỳ cọ, một mình, chỉ tiếng chim ca vượn hót, suối reo róc rách. Lội xuống suối, anh đem lời tán tỉnh, sơn nữ chỉ cười cười, vì ngôn ngữ bất đồng. Như vịt nghe sấm. Như mây bay gió thổi. Như suổi chảy theo giòng. Anh chiến binh lân la gạ gẫm, từ khoảng cách không gian lúc đầu còn xa dần dần được thu ngắn lại. Sơn nữ không phản đối, rốt cục, chuyện gì xẩy đến, tất xẩy đến. Về mặt tình dục, người sơn nữ hành xử như một ngườI sơ khai, tự nhiên như một súc vật, không hình thức, không cầu kỳ, không...văn minh thời thượng, cho tớI một ngày kia, người lính chiến bỏ giòng suối, từ biệt tình yêu, giã từ sơn nữ. “ Tìm đâu những nàng sơn nữ đùa bên nắng đẹp, bên suối đẹp, tôi cứ tưởng chừng như tiếng ai cười. “( Lê Bình. Đường Lên Sơn Cước). Người lính chiến ấy sống độc thân, không hề nghĩ đến sự hôn nhân vừa tình yêu lẫn xác thịt ấy của người sơn nữ. Gặp gỡ tình yêu, được, nhưng trở ngại về ngôn ngữ, phong tục tập quán, xin đừng, trước sau gì cũng tan vỡ. Người viết vẫn còn nhớ tác phẩm của nhà văn Lan Khai từ thuở còn mài đũng quần lớp đệ thất “ Tiếng Gọi của Rừng Thẳm “. Pen Lang là một cô sơn nữ người Mán, kết duyên cùng một người đàn ông giàu có sang trọng, về sống ở thị thành xa hoa ánh sáng. Nhưng được ít lâu, Pen Lang cảm thấy ray rứt nhớ nhà, rừng cây, giòng suối, tiếng chim ca vượn hú, tiếng thú rừng gọi kêu vang vọng lúc chiều tà. Không thể chịu đựng nổi cuộc đời mới, Pen Lang đành bỏ thị thành về rừng núi cũ, nghe theo “ Tiếng Gọi Của Rừng Thẳm.. “
Một cách tổng quát, Tâm lý học thường thể hiện qua hai thái độ tâm lý bất thường gần như tương phản nhau: tự ti mặc cảm và tự tôn mặc cảm. Tự ti mặc cảm là một thái độ, một cảm nghĩ thấy mình bị thua thiệt bị hèn kém trong đời sống bản thân hoặc trong sinh hoạt cộng đồng xã hội: rụt rè, nhút nhát, mắc cở, học hành thua kém bạn bè, bị tật bẩm sinh, khiếm thị, nói ngọng, cà lăm, gia cảnh khốn cùng, vô giai cấp hoặc giai cấp vô sản. Truyện Trương Chi lâm vào hoàn cảnh tương tự: nhà nghèo khố rách áo ôm, không một thước đất cắm dùi che mưa đụt nắng nhưng thiên phú trời cho có giọng hát rất hay khiến bạn thuyền chài phải say mê tấm tắc. Khổ nỗi, Trương Chi mang tự ti mặc cảm bởi biết mình nghèo lại thêm ngoại hình quá xấu nên thầm yêu trộm nhớ tiểu thư Mỵ Nương, ái nữ của một thượng quan, “ tôi là trai trời bắt xấu”.
Mặc cảm tự tôn là một phản ứng tâm lý đi ngược lại mặc cảm tự ti. Người có mặc cảm tự tôn có thái độ tự tin, vỗ ngực xưng mình có khả năng giải quyết tình huống khó khăn, thường trả thù mình đã tưởng mình là nạn nhân trong quá khứ, muốn xóa bỏ triệt tiêu những việc làm dĩ vãng bất như ý. Một khi đã lật ngược được thế cờ, cục diện xoay vần, người vốn sẵn có mặc cảm tự ti thường có thái độ độc ác, quyết tâm trả thù một cách hằn học. Gletkin là nhân vật tiêu biểu điển hình trong thời Cộng sản. Nói cho đúng, Gletkin là một nhân vật không tên không tuổi, một nhân vật “ sans cordon ombilical” không gia đình lai lịch gốc gác từ dưới đất ngoi lên, nhưng tâm trạng cực kỳ thâm độc sắt máu. Y tiếp tục thẩm tra hỏi cung nạn nhân mà y cho là đầu dây mối nhợ trong tổ chức y coi là chống Đảng, chống Nhà Nước, chống ...Tổ Chức. Ban đầu, nạn nhân từ chối, nhưng sau cùng phải thú nhận cho xong vì Gletkin rất mực kiên trì, rất mực gan lì, một châm ngôn là Gletkin từng học thuộc lòng một khi hỏi cung thẩm vấn: nước chảy thì đá phải mòn. Phải khai, phải phun ra sự thật, thâm cung bí sử! Về sau, Gletkin tỏ ra bớt vẻ lạnh lùng, bởi cuộc thẩm tra đã kết thúc hoàn tất. Y hỏi một vài câu xã giao và lần đầu tiên y thân hành mời nạn nhân một điếu thuốc thơm được coi như ân huệ cuối cùng trức khi hành hình. Xưa, mỗi khi sắp bị đem ra hành hình, tử tội cho ăn một bữa ăn tương đối ngon lành: rượu và thịt như một đặc ân.
Người viết lại liên tưởng đến tác phẩm có giá trị của kịch tác gia người Pháp Jean Baptiste Molière thuộc thế kỷ XVÌI: “ Trưởng Giả Học Làm Sang”, Le Bourgeois Gentilhomme. Nhân vật chủ chốt là vợ chồng ông bà Jourdain. Hai người trước đó rất nghèo thiên hạ xem rẻ coi thường nên mang nặng tự ti mặc cảm. Không hiểu vì nguyên nhân nào, hai ông bà Jourdain trở nên giàu to, giàu nứt đố đổ vách, khiến hai vợ chồng bỗng đột nhiên thích thuộc hàng giai cấp thượng lưu trong xã hội. Thật ra, bà vợ của ông chồng không mang mặc cảm tự ti trong khi ông chồng chỉ muốn ngay lập tức xóa bỏ sự nghèo hèn, trừ khử lối sống lầm than. Giờ này con gái ông bà phải được kết duyên, lấy một người đàn ông bảnh trai, sang trọng, giàu có nhất là phải có địa vị cao sang quyền quý. Ông Jourdain phán một câu quyết định xanh dờn:
- Tôi phải nói cho mọi người biết: tôi muốn con gái tôi phải là một hầu tước phu nhân.
Bà Jourdain:
- Hầu tước phu nhân?
- Phải, hầu tước phu nhân.
- Chết nỗi, tôi can ông.
- Việc đó tôi đã nhất định rồi.
Nhắc lại vụ án kinh thiên động địa Cải Cách Ruộng Đất năm 1952-1953. Lúc ấy đa số nông dân sống trong hoàn cảnh cực kỳ khốn khổ. Họ thuộc thành phần bần cố nông, bị bóc lột tận xương tủy. Người viết còn nhớ học lớp Nhì nhỏ bậc tiểu học; một giáo viên phụ trách cũng tại lớp Nhì không biết vì vô tình hay cố ý đã chọn một bài chánh tả “điển hình” trích trong sách Việt Ngữ. Bài chánh tả ấy là “ Trạng thái nông nghiệp ở xứ ta.” Cho tới bây giờ, những soạn giả sách Việt Ngữ là những ai, không biết, hoàn toàn không biết. Ấy vậy mà theo quan điểm chủ quan, ngây thơ, thiển cận hẹp hòi, nông nỗi của người viết lại...hay, tạo nhiều ấn tượng! Người viết còn nhớ một đoạn, xin ghi lại:
“ Xã hội Việt Nam đã bày ra cái cảnh tượng trái ngược giàu nghèo, sang hèn khác nhau rất rõ rệt. Một đàng là hạng địa chủ phú thương thì sống ở thành thị cực kỳ sang trọng: nhà lầu, ô tô, rượu ngon, thịt béo, quanh năm chỉ ngồi không hưởng lợi. Đàng khác là hạng cần lao nông dân thì sống thua con vật: ở nhà tranh vách lá, ăn cá thúi, uống nước mương, làm việc vất vả quanh năm mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đau yếu không thuốc men, đến thác cuốn vào manh chiếu rách đem chôn vùi trong cõi quên. Chín chục phần trăm trẻ con chết non trong đồng ruộng, còn sống sót thì thân hình như cái que, trần truồng như con nhộng. Sống trong hoàn cảnh khốn khổ ấy, họ không thể kêu ca vào đâu được.”
“ Không thể kêu ca vào đâu được “ thì chỉ còn có nước là làm loạn, là nổi loạn thôi. Nỗi căm hờn, nỗi uất ức đã không còn chịu đựng được nữa. Đã đến lúc phải vùng lên, phải lật đổ chế độ bất công, bóc lột. “ Tôi nổi loạn, vậy tôi (chúng ta) hiện hữu.” Kể từ hôm nay, chúng ta không còn mang trên vai, trên lồng ngực, trên khối óc mặc cảm tự ti nữa. Mỗi chúng ta phải giành cho được quyền làm chủ và quyền tự quyết. Phải biết căm thù và phải biết vùng lên, phải biết đứng lên, phải biết trả thù phục hận, phải lợi dụng thời cơ rửa nhục.
Cải Cách Ruộng Đất là lịch sử của thảm kịch, nhưng ngày nay không ai dám một tiếng đả dộng, dám một lời nhắc nhở như một cấm kỵ, một con ma Thần Trùng mỏ đỏ, một “ Ông Kẹ”, một con ngoáo ộp, nhưng cơn ác mộng hãi hùng vẫn còn đó.
Người viết xin “mượn hơi”của nhà thơ Phan Khôi mà chép lại bốn câu thơ lục bát cho đủ bộ sậu:
“ Khen chê lịch sử làm chi,
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao.
Làm sao quá khứ làm sao,
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi.”
Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha báo hiếu, không may lạc vào động mãi dâm buôn người lạc vào chốn thanh lâu, “ đem thân cho thiên hạ mua cười “, gặp phải Thúc Kỳ Tâm và tướng giặc Từ Hải không phân biệt giai tầng xã hội, một khi “ ăn bánh tất phải trả tiền”. Nhưng tổng đốc Từ Tôn Hiến thì có khác: vì lỡ chuốc rượu nên “ lỡ say quá chén”, không còn biết lễ nghi phép tắc là gì; đến lúc tỉnh rượu thì ôi thôi việc đã lỡ mới biết thế nào là phu nhân thua trận, phân biệt rành rành người trên kẻ dưới kỳ thị giai cấp sờ sờ, còn mặt mũi nào mà mưa Sở mây Tần:
“ Nghĩ mình phương diện quốc gia,
Quan trên trông xuống người ta trông vào.”
Người viết lại một lần nữa nghĩ tới kịch bản La P. respectueuse “ Ả Giang Hồ” của Jean-Paul Sartre. Gã da đen bị mặc cảm kỳ thị chủng tộc da màu, gõ cửa Lizzie một gái giang hồ xin được ẩn thân vì y có cảm tưởng đang bị cảnh sát truy lung. Lizzie bằng lòng cho tá túc, sau đó gã da đen thấy tạm lắng yên nên ra đi. Một lát sau, có một gã ăn chơi Fred muốn ngủ với Lizzie nên tán tỉnh gạ gẫm. Lizzie dọ hỏi gia đình của Fred có giàu có, dư ăn dư dể không. Fred đáp rất giàu. Cuộc mặc cả coi như xong xuôi. Fred đưa trên bàn mười mỹ kim, sau đó Fred đưa thêm mười mỹ kim nữa, vui vẻ cả làng, cả hai cùng nhập cuộc.
Trong lúc hai người la cà chuyện vãn, chợt có khách đến. Khách chính là nghị Clarke, cha của Fred. Thấy Fred đang giao du với một gái làng chơi một cách thân mật suồng sã, nghị Clarke cất lên những lời đạo đức giả, gián tiếp cho con biết gái làng chơi không phải nơi để Fred giao du. Nghe vậy, Lezzie bèn “đáp lễ “ cẩn thận, rằng tuy là gái mua vui nhưng bản thân Lezzie biết tự trọng và biết giữ gìn nhân cách bán trôn nuôi miệng. Nghị Clarke tẽn tò ngượng nghịu cùng Fred dẫn nhau ra về.
Lizzie était vraiment “ La Putain respectueuse, Ả Giang Hồ đáng kính”.

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.