Dec 26, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Cẩm Sắt – Thi Phẩm Bí Ẩn và Khó Hiểu Bậc Nhất của Trung Hoa
Vương Thanh * đăng lúc 02:46:53 AM, Nov 12, 2024 * Số lần xem: 120
Hình ảnh
#1


Cẩm Sắt


Thi Phẩm Bí Ẩn và Khó Hiểu Bậc Nhất của Trung Hoa



Hơn ngàn năm nay, tác phẩm Cẩm Sắt của Lý Thương Ẩn, một áng thơ tình bí ẩn và khó hiểu bậc nhất của Trung Hoa vẫn là một đề tài thách đố cho nhiều thi nhân và học giả muốn tìm hiểu ý nghĩa của bài thơ. Cẩm Sắt (Đàn Gấm) dùng những ẩn dụ, hình ảnh đẹp lung linh, huyền ảo, với ngôn từ diễm lệ, mềm mại, tinh tế nhưng lại ẩn chứa sự mơ hồ khiến cho người đọc có thể hiểu theo nhiều ý nghĩa khác nhau.

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có vài câu thơ mượn ý và hình ảnh từ bài thơ Cẩm Sắt để diễn tả tiếng đàn của nàng Kiều:

Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh?
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên?
Trong sao châu rỏ duyềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông



Cẩm Sắt là bài thơ tiếng Hán đầu tiên tôi dịch qua tiếng Việt. Hai mươi năm sau, tôi lại sửa đổi một chút ở hai câu cuối thành hai phiên bản nữa, mong là sát ý nghĩa và tinh thần của nguyên tác hơn. Trong phần dịch nghĩa, tôi ghi chú thêm những điển tích, viết vài hàng bàn luận ý nghĩa những câu thơ. Cũng xin chia sẻ với bạn đọc quá trình dịch thuật thú vị của tôi cùng những bản dịch tiếng Anh của vài thi sĩ, dịch giả khác.

Nguyên Tác – Lý Thương Ẩn (李商隱)

錦瑟
錦瑟無端五十弦,
一弦一柱思華年。
莊生曉夢迷蝴蝶,
望帝春心託杜鵑。
滄海月明珠有淚,
藍田日暖玉生煙。
此情可待成追憶,
只是當時已惘然

Phiên âm Hán Việt:
Cẩm sắt

Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên
Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Vọng Đế xuân tâm thác đỗ quyên
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên
Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên.

Bản dịch nghĩa:

Tựa: Cẩm Sắt, nghĩa là Đàn Gấm. Sắt là một loại đàn cổ, có hình dạng giống đàn tranh nhưng lớn hơn và thường có 25 dây vào thời Hán và thời Đường. Đàn sắt chủ yếu được sử dụng trong các buổi lễ long trọng thời cổ, khác với đàn tranh được phổ biến rộng rãi từ chốn cung đình đến dân gian. Từ gấm ở đây không chỉ nói đến trang trí trên đàn mà còn biểu hiện sự yêu thích, quý trọng dành cho cây đàn như trong cụm từ “giang sơn gấm vóc.”

Câu 1: Đàn gấm vì nguyên do gì có 50 dây.

Câu 2: Mỗi dây, mỗi trục gợi nhớ thời trẻ tuổi

Câu 3: Trang Chu sáng sớm nằm mộng, mơ hóa thành bướm. (Điển tích: Và khi tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Trang Chu, rồi tự hỏi không biết mình là Trang Chu nằm mộng hóa thành bướm, hay là bướm nằm mộng hóa thành Trang Chu.) Cuộc đời như một giấc mộng phù du, biết đâu là mộng, đâu là thực, mộng thực khó phân; và cái tôi cũng không cố địnhh, mà luôn thay đổi. Đó là ý nghĩa của truyện này
trong pho sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử.

Câu 4: Lòng xuân của vua Thục đế gửi vào chim đỗ quyên. (Điển tích: Khi vua Thục Đế thời Xuân Thu Chiến Quốc vì sự hổ thẹn cuộc tình lén lút với vợ vị tể tướng, nên nhường giang san cho vị tể tướng rồi luân lạc tha hương cho đến khi chết đi, thì linh hồn nhập vào chim quốc, một loài chim có tiếng kêu thảm thiết, bi ai, khiến người luân lạc nơi đất khách quê người chạnh niềm sầu nhớ cố hương. Loài chim này, tiếng Trung gọi là “đỗ vũ” (cũng là tên của ông vua này) hay là “đỗ quyên”. Bà Huyện Thanh Quan có câu thơ “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc / Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”.

Câu 5: Trăng sáng chiếu trên biển cả buồn, ngọc châu lóng lánh lệ. (Huyền thoại viết rằng ở biển Nam Hải, có người cá, khi khóc thì những giọt lệ rơi xuống hóa thành ngọc châu, lóng lánh những giọt lệ.)

Câu 6: Áng nắng ấm áp chiếu trên bãi ruộng xanh, ngọc tỏa khói. (Lam Điền vừa có nghĩa ruộng xanh, nhưng cũng là tên một địa danh gần vùng rừng núi chuyên sản xuất ngọc.)

Câu 7: Mối tình này có thể (chỉ) đợi thành truy ức. Truy ức khác ký ức, hoài niệm ở chỗ cần phải tìm kiếm, theo đuổi (tìm hiểu và ghép nối những mảnh ký ức). Vì sao phải tìm kiếm trong ký ức. Vì thuở ấy lòng chàng có thể mơ hồ, hoang mang vì không hiểu rõ tình cảm của mình và tâm ý của nàng) hay là chàng có thể buồn rầu và chán nản, hay là bối rối, lạc lối, mất hy vọng, tùy theo dịch giả hiểu và chọn nghĩa của cụm từ “võng nhiên” trong câu cuối như thế nào.

Câu 8: Chỉ là thuở ấy lòng ta đã “võng nhiên.”
Từ “nhiên” (然 (rán) có nghĩa là "trạng thái", thường được dùng để chỉ một tình trạng hoặc cảm giác nào đó.
Từ võng (罔 (wǎng) có nhiều nghĩa, vài nghĩa chính như sau:
a. chán nản, buồn rầu
b. mơ hồ, không rõ ràng
c. cảm giác bối rối, hoang mang, lạc lối, mất phương hướng

Bản dịch của Vương Thanh, 2004:

Ðàn gấm, năm mươi sợi ảo huyền
Từng dây, từng trục gọi hoa niên
Trang Sinh, mộng sớm mơ hồn bướm
Thục Đế, lòng xuân gửi tiếng quyên
Trăng sáng, lệ châu nhòa bích hải
Nắng hanh, khói ngọc tỏa Lam Ðiền
Tình này ôn lại còn thương cảm
Một thuở đau lòng chữ nợ duyên

Phiên bản 2, Thu 2024:
...
Một thuở mơ hồ chữ nợ duyên

Phiên bản 3, Thu 2024:
...
Tình này chỉ đợi thành truy ức
Một thuở mơ hồ chữ nợ duyên

Bản dịch tiếng Anh của Vương Thanh, Thu 2024:

The Precious Zither

The precious zither has fifty strings, I wonder why?
Each string, each fret evokes a youthful spring of life.
The sage Chuangzi becomes a butterfly when daydreaming.
Emperor Wang’s spring-heart expressed in a cuckoo’s cries.
The moonlit blue sea’s calmness, the mermaid’s pearly tears agitate.
In the blue fields on a sunny day, lies the vapor-emitting jade.
This love will remain a cherished quest of the heart and mind,
to seek, understand, and connect pieces of memory.
For at that time, my mind was like in a fog,
I failed to see her love for me.

Bản dịch Anh ngữ chuyển qua tiếng Việt như sau:

Cây Đàn Quý Báu

Cây đàn có 50 dây, tôi thắc mắc vì sao?
Mỗi dây, mỗi trục gợi nhớ những mùa xuân tuổi trẻ
Hiền triết Trang Chu hóa bướm khi đang mơ giữa ban ngày
Lòng xuân của Vọng Đế được diễn tả qua tiếng kêu (bi ai) của chim cu.

Trăng soi biển xanh êm ả, những giọt nước mắt nàng người cá làm nhạt nhòa.
Ngày trời ấm, trên những cánh đồng xanh, ngọc châu tỏa hơi sương
Tình yêu này sẽ mãi là một hành trình quý giá của trái tim và tâm trí,
để tìm kiếm, hiểu biết và kết nối những mảnh ký ức.
Bởi vì vào thời điểm đó, tâm trí tôi như đang trong sương mù,
tôi đã không nhận ra tình yêu của cô ấy dành cho tôi.

Quá trình dịch thuật:

Hai mươi năm trước, những câu thơ Hán Việt trong bài Cẩm Sắt cứ mãi lung linh trong tâm trí tôi. Thế nên tôi quyết định tìm hiểu những ẩn dụ, điển tích trong bài thơ và dịch qua tiếng Việt để đóng khung lại những suy nghĩ lan man về những câu thơ. Khi đọc nguyên tác, tôi chọn thể thất ngôn bát cú vì những vần niên (hoa niên), quyên (đỗ quyên), Điền (Lam Điền) có thể tương đối dễ dàng cho vào cuối câu 2,4,6.

Câu đầu tiên: “cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền”, tôi dùng từ kép “ảo huyền” cho cùng vần với chữ “niên” ở câu 2. Cụm từ ‘ảo huyền’ cũng bao hàm cảm giác khó hiểu, “vì sao” (vô đoan) cây đàn lại 50 dây.

Câu thứ 2: “nhất huyền, nhất trụ tứ hoa niên”, tôi dùng trực tiếp từ kép Hán Việt “hoa niên” trong bản dịch, vì cụm từ này cũng phổ thông. Dùng chữ “gọi” thay vì “gợi nhớ” nghe sống động hơn và chỉ cần một chữ.

Câu thứ 5: “thương hải nguyệt minh châu hữu lệ”. Hình ảnh trăng sáng cô đơn chiếu biển cả thăm thẳm u buồn, với những ngọc châu lóng lánh lệ. Tôi nghĩ đến điển tích người cá vùng biển Nam Hải, và để làm thành vế đối với “Lam Điền tôi đổi ‘thương hải’ qua ‘bích hải” . Tác giả đã nhắc đến những giọt lệ trong những hạt châu ở biển cả thì cũng là chuyện huyền ảo, nên tôi dùng chữ “nhòa” trong cụm từ “lệ châu nhòa bích hải”.

Câu thứ 7 và câu thứ 8, tôi làm vài phiên bản dịch khác nhau. Bản đầu tiên, dịch năm 2004, “tình này ôn lại còn thương cảm / một thuở đau lòng chữ nợ duyên’, nghe rất tự nhiên trong ngữ cảnh của tiếng Việt hơn là dịch sát nghĩa “... có thể đợi trở thành...” của nguyên tác. Và câu dịch này cũng đi chung với ý nghĩa “chán nản, buồn rầu” của từ kép ‘võng nhiên’.
Sau này, tôi nghĩ ý nghĩa của từ kép “võng nhiên” là “mơ hồ, không rõ ràng” hay là “hoang mang, lạc lối, mất phương hướng” thì có lẽ sát với tinh thần của nguyên tác hơn. Nên tôi làm thêm phiên bản 2 và 3.

Từ kép “truy ức” rất đặc biệt, ý nghĩa là “tìm kiếm, theo đuổi trong ký ức”. Không nên dùng từ ‘hoài niệm”, “kỷ niệm”, “hồi tưởng” hay “ký ức” để thay thế, vì tác giả không dùng những từ phổ thông này mà sáng chế ra từ ghép “truy ức” để diễn tả một tâm trạng đặc biệt. Hai chữ “truy ức” không phổ thông với độc giả, cho dù là người Việt hay người Trung, vì ý tưởng “tìm kiếm, theo đuổi trong ký ức” là một khái niệm mới lạ. Độc giả muốn hiểu sâu sắc bài thơ này thì cần học thêm một từ kép “truy ức” nữa.

Sau đây là vài bản dịch của những thi sĩ, dịch giả khác để bạn đọc tham khảo thêm.
Bản dịch của Lệ Thần Trần Trọng Kim (1883 – 1953):

Đàn cẩm sắt mấy chục dây
Một dây một trục nhớ ngày thanh niên
Trang Sinh hồ điệp mộng quên
Lòng xuân Thục Đế đỗ quyên gửi mình
Trăng soi châu đỏ duềnh xanh
Lam Điền trời ấm ngọc lành khói bay
Tình kia còn nhớ có ngày
Hiện nay chỉ thấy gắt gay nỗi lòng

Bản dịch của giáo sư Trần Trọng San (1930 – 1998):

Cây đàn năm chục đường dây
Mỗi dây mỗi trụ nhớ ngày còn xanh
Mơ màng giấc bướm Trang Sinh
Lòng xuân Vọng Đế đỗ quyên gửi vào
Biển xanh trăng chiếu lệ châu
Ngọc phơi nắng ấm khói cao Lam Điền
Tình này đợi nhớ nên niềm
Thế nhưng đã ngậm ngùi duyên bây giờ

Bản dịch của thi sĩ học giả Bùi Khánh Đản, 1959:

Năm chục đường tơ: Cẩm Sắt đàn
Mỗi dây, một trục, nhớ thời gian
Lòng Xuân, Thục Đế hồn quyên gửi
Mộng sớm, Trang Sinh giấc bướm tàn
Nắng chiếu Lam Điền hơi ngọc bốc
Trăng soi thương hải giọt châu chan
Tình kia đã để thành thương nhớ
Chuyện trước mơ hồ luống thở than.

Bản dịch của thi sĩ học giả Witter Bynner & co-translator Kiang Kang-hu, 1929:

The Inlaid Harp

I wonder why my inlaid harp has fifty strings,
Each with its flower-like fret an interval of youth.
...The sage Chuangzi is day-dreaming, bewitched by butterflies,
The spring-heart of Emperor Wang is crying in a cuckoo,
Mermen weep their pearly tears down a moon-green sea,
Blue fields are breathing their jade to the sun....
And a moment that ought to have lasted for ever
Has come and gone before I knew.

Bản dịch Anh ngữ chuyển qua tiếng Việt như sau:

Cây Đàn Khảm

Tôi thắc mắc cây đàn khảm của tôi cớ chi lại có 50 dây
Mỗi dây với phím như hoa là một khoảng thời gian thanh xuân
Hiền triết Trang Tử đang mơ giữa ban ngày, bị mê hoặc bởi những bươm bướm
Trái tim xuân của vua Vương đang khóc trong tiếng chim cu.
Những chàng người cá khóc rơi những giọt lệ xuống biển xanh ánh trăng
Những cánh đồng xanh thở ra ngọc bích dưới ánh mặt trời
Khoảnh khắc nọ đáng lẽ phải kéo dài mãi mãi
Nhưng đã đến và đi trước khi tôi nhận ra.

Câu cuối thoát dịch ý nghĩa của “võng nhiên” theo ý “lòng tôi thuở ấy mơ hồ tình ý của nàng”.

Bản dịch của Lien W.S. and Foo. C. W.

The Exquisite Zither

I wonder why this splendid zither has fifty strings
Every string, every peg evokes those glorious springs
Perplexed as the sage, waking from his butterfly dream
Like the king, entrust to the cuckoo my heart evergreen
The moon bathes the teardrop pearl in the blue sea
The sun lights the radiant jade in indigo mountain
These feelings remain a cherished memory
But I was already lost at that moment

Bản dịch Anh ngữ chuyển qua tiếng Việt như sau:

Đàn Cầm Tuyệt Mỹ
Tôi thắc mắc tại sao đàn cầm tuyệt đẹp này lại có năm mươi dây
Mỗi dây, mỗi chốt gợi nhớ những mùa xuân huy hoàng
Bối rối như nhà hiền triết, tỉnh dậy từ giấc mơ bướm
Như nhà vua, gửi gắm trái tim xuân cho chim cu
Vầng trăng tắm ngọc trai long lanh giọt lệ trong biển xanh
Mặt trời chiếu sáng viên ngọc rực rỡ giữa núi chàm
Những cảm xúc này vẫn còn là ký ức quý giá
Nhưng tôi đã lạc lối ngay khoảnh khắc ấy.

Sự bí ẩn, khó hiểu trong bài thơ:

Bài thơ này LTA viết cho người đẹp nào? Có phải là cho người vợ quá cố, hay là cho cô hầu gái tên Cẩm Sắt đã qua đời ở lứa tuổi thanh xuân, hay là làm cho một nàng thiếp của một vị quan nào đó, vì họ Lý là một người đa tình, lãng mạn với những cuộc tình cần giữ bí mật. Hay là cho một giai nhân nào khác? Những suy đoán trên đều đã được nhiều học giả đưa ra nhưng không có kết luận nào khẳng định đối tượng của thi nhân là ai.

Có thể tưởng tượng thi nhân ngồi gảy đàn tranh hay đàn sắt, tự nghe những nốt nhạc réo rắt, du dương và hoài niệm về cuộc tình xưa, về tuổi thanh xuân, và ngẫm nghĩ về cuộc đời. Con số 50 có lẽ vì đời người thưở đó, thời Đường, sống tới 50 tuổi cũng là thọ rồi. Nhắc đến truyện Trang Chu hóa hồ điệp có phải muốn nói chàng cảm thấy cuộc đời như giấc mộng phù du, mộng thực khó phân, hay là nói về cái tôi cũng là vô thường. Có phải vì người đẹp qua đời sớm hay là mộng ước sớm tan biến, để chàng cảm thấy
cuộc đời như một giấc mộng phù du, như khói như sương.

Có phải tác giả muốn mượn điển tích vua Thục và chim đỗ quyên để tự ví lòng mình nhớ người yêu cũng bi ai, thê thiết như Thục Đế gửi nỗi lòng u uất trong tiếng kêu của chim đỗ quyên? Vì sao lại đau buồn như thế ? Đối tượng của chàng lại là ai? Ý nghĩa của câu thơ đó có phải nói lên nỗi lòng của tác giả không?

Ánh trăng cô quạnh chiếu trên biển cả thăm thẳm gợi nỗi sầu của con người trước sự mênh mông của biển cả, của trời đất, và những hạt châu long lanh nước mắt của những nàng người cá hồn nhiên làm nhạt nhòa thương hải. Hình ảnh tuyệt đẹp, nhưng có phải là ẩn dụ cho một cuộc tình đẹp đẽ, nhưng vô vọng và đong đầy nước mắt không?

Dưới trời nắng ấm trên bãi ruộng xanh (lam điền) khói ngọc bốc lên. Lam Điền cũng là tên một địa danh chuyên sản xuất ngọc, nên không ai khẳng định được ý nào là đúng ý của tác giả. Ngọc bốc khói cũng là một hiện tượng lạ, nhưng đây cũng không phải chỉ là tả cảnh, hẳn là có thêm ý nghĩa gì khác. Ngọc bốc khói, mà khói sương thì mong manh rồi tan biến vào hư vô. Có phải tác giả muốn ví với cuộc tình của nàng và chàng chăng?

Mối tình này chỉ đợi thành truy ức – những mảnh ký ức để chàng tìm hiểu và ghép lại thành một cuộc tình vì thuở ấy có lẽ lòng chàng mơ hồ, không rõ ràng tình ý của nàng hay cũng có thể là vì lòng chàng hoang mang, bối rối, như kẻ lạc lối giữa sương mù, hay là buốn rầu, chán nản vì cuộc tình vô vọng, nên không nhận ra tình ý của nàng, v.v. Bạn đọc muốn hiểu theo lối nào cũng được vì bài thơ Cẩm Sắt này là một bài thơ bí ẩn và khó hiểu bậc nhất trong văn học xưa nay. Có lẽ không có ai từ thời Đường đến giờ
có thể khẳng định ý nào trúng với tâm ý tác giả. Cũng có thể tác giả thuở đó vừa hoang mang, chán nản, buồn rầu và mơ hồ, nên không nhận ra tình ý của nàng. Nhưng nếu tâm trí chỉ trong trạng thái mơ hồ, mà không có sầu thương thì sao lại viết những câu thơ buồn thê thiết như “Thục Đế xuân tâm ký đỗ quyên” và “Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ.”

Câu thơ thứ bảy cũng không nên dịch chữ “khả” là “có thể” trong ngữ cảnh tiếng Việt. Thi nhân cũng đang truy ức đó thôi, đang hoài niệm cuộc tình xưa với niềm thương cảm xót xa cho một cuộc tình có lẽ mong manh, phù du như khói ngọc lam điền, nhưng lại đẹp lung linh, huyền ảo như những giọt lệ châu của nàng người cá trong đại dương sâu thẳm, mênh mông....

Mời thưởng thức video ca khúc Cẩm Sắt với tiếng hát của danh ca nhạc sĩ Trần Gia và bản dịch thơ tiếng Việt của người viết.

https://www.youtube.com/watch?v=_0TsEQdD774

vương thanh
Hồng Thành, Thu 2024


Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.