Dec 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

TÌM TRONG TUYỆT VỌNG - BÀI THƠ CÓ BƯỚC CHÂN KHAI PHÁ
Phạm Đức Nhì * đăng lúc 10:09:45 PM, Oct 06, 2024 * Số lần xem: 112
Hình ảnh
#1

 

*              

 


   “TÌM TRONG TUYỆT VỌNG”

BÀI THƠ CÓ BƯỚC CHÂN KHAI PHÁ


TÌM TRONG TUYỆT VỌNG

 

Tôi tìm em

em mang tên Sự Thật

Trên chuyến bay đêm

tôi hỏi những vì sao

Nơi đông đúc

nhiều người qua lại

Tôi hỏi mây chiều

em ở nơi đâu!

 

Tôi đi giữa muôn trùng nắng gió

Qua đồng xanh

đến sa mạc khô cằn

Đường cao tốc

mắt nhìn theo tôc độ

Đêm ba mươi

tìm đâu được vầng trăng

 

Tôi tìm em

theo chiều dài thế kỷ

Tóc bạc rồi

mà cứ ngỡ còn xanh

Dòng sông lạc

giữa vùng trời dĩ vãng

Tôi đi tìm

trong hy vọng mong manh

 

(Vũ Khắc Tế)

 

Tứ Thơ

 

Tác giả, “theo chiều dài thế kỷ”, bằng nhiều cách, tìm “Cô Em Sự Thật” nhưng Nàng vẫn “biệt vô âm tín”.

 

Thể Thơ

 

Thơ Mới Trường Thiên, phân mảnh đứt đoạn.

                                      

Ngôn Ngữ, Hình Tượng, Câu Cú

 

Ngôn ngữ: Tương đối chuẩn mực, rõ nghĩa

 

Hình tưọng: Đẹp, “dễ bắt”.

 

Câu cú: Chắc gọn, hoàn chỉnh trong cấu trúc ngữ pháp.

 

Câu Thơ hay:

 

Đường cao tốc

mắt nhìn theo tốc độ

đêm ba mươi

tìm đâu được vầng trăng

 

Vần

 

Sau đây là bức tranh toàn cảnh kỹ thuật gieo vần của bài thơ

 

TÌM TRONG TUYỆT VỌNG

 

Tôi tìm em

em mang tên Sự Thật

Trên chuyến bay đêm

tôi hỏi những vì sao

Nơi đông đúc

nhiều người qua lại

Tôi hỏi mây chiều

em ở nơi đâu!

Tôi đi giữa muôn trùng nắng gió

Qua đồng xanh

đến sa mạc khô cằn

Đường cao tốc

mắt nhìn theo tôc độ

Đêm ba mươi

tìm đâu được vầng trăng

Tôi tìm em

theo chiều dài thế kỷ

Tóc bạc rồi

mà cứ ngỡ còn xanh

Dòng sông lạc

giữa vùng trời dĩ vãng

Tôi đi tìm

trong hy vọng mong manh

 

Bài thơ 12 câu, có 4 cặp vần gián cách, 1 cặp chính vận (xanh manh), 3 cặp thông vận (sao đâu, gió độ, cằn trăng). Có 3 cặp vần 2/4 (câu 2 và câu 4) là sao đâu, cằn trăng, xanh manh, 1 cặp vần 1/3 là gió độ.

 

Tác giả có lối gieo vần phóng khoáng, tự nhiên, vừa độ ngọt, không nhàm chán.

 

Số Chữ Trong Câu

 

Thay đổi với biên độ hẹp. Bài thơ 12 câu, có 3 câu “phá cách”.

 

Một câu 9 chữ:

 

Trên chuyến bay đêm

tôi hỏi những vì sao

 

Hai câu 7 chữ:

 

Nơi đông đúc

nhiều người qua lại

 

 

Tôi đi giữa muôn trùng nắng gió

 

Còn lại 9 câu 8 chữ làm nền tảng chính cho nhịp điệu.

 

“Phá cách” ở đây tự nhiên chứ không phải vì “kẹt” hoặc muốn làm dáng.

 

Nhịp Điệu:

 

Hơi đều đều nhưng chưa đến mức tẻ nhạt. Lý do: Bài thơ ngắn và có thay đổi chút ít về số chữ trong câu

 

Bố Cục

 

Bài thơ được chia làm 3 đoạn, mỗi đoạn 4 câu.

 

Đoạn đầu: Đi hỏi - hỏi sao, hỏi mây chiều: Không có câu trả lời.

 

Đoạn giữa: Tìm bằng mắt – đi giữa muôn trùng nắng gió, đồng xanh, sa mạc mà bóng em vẫn như vầng trăng giữa đêm ba mươi.

 

Đoạn cuối: Mò mẫm “theo chiều dài thế kỷ” để tìm, giờ tóc đã bạc mà gặp em hy vọng chỉ mong manh.

 

Nói chung, bài thơ có mục đích là đi tìm “Cô Em Sự Thật” nhưng mỗi đoạn diễn tả một cách khác nhau.

 

Dòng Tứ Thơ

 

Tuy gần gũi về ý nhưng mỗi đoạn có lối chơi riêng, có thể nói là “độc lập” trong phạm vi 4 câu của mình - giống như anh em ruột, cùng mẹ cha nhưng khi trưởng thành thì “kiến giả nhất phận”, có gia đình riêng, có cách sống riêng.

 

Vì thế không có dòng tứ thơ.

 

Dòng Âm Điệu

 

Cứ hết 4 câu lại chuyển đoạn, thay vần nên về mặt Thanh bài thơ bị ngắt quãng, không có dòng âm điệu.

 

Dòng Cảm Xúc

 

Do không có dòng tứ thơ, không có dòng âm điệu nên cũng không có dòng cảm xúc.

 

Tưa Đề Và Đoạn Kết Không Thuận

 

Tựa đề: “Chữ hoặc nhóm chữ nói lên cốt tủy của bài thơ”

 

Kết luận: Tóm gọn những điểm cốt yếu của tứ thơ hoặc lập lại thông điệp của tứ thơ một cách mạnh mẽ, hùng hồn hơn để tạo ấn tượng sâu sắc nơi tâm hồn người đọc.

 

Khởi đi từ Tựa Đề, tứ thơ chỉ là cái mầm, mới tượng hình. Sau tiến trình thai nghén, sinh nở (trong tâm hồn của tác giả) tứ thơ ở cuối bài – dù vẫn từ cái Gien của Tựa Đề - đã có khuôn mặt mới, vóc dáng mới, bề thế hơn, thực hơn, sinh động hơn.

 

Ở đây bài thơ có tựa đề là Tìm Trong Tuyệt Vọng nhưng đoạn kết lại có câu: “Tôi đi tìm trong hy vọng mong manh”, nghĩa là không còn tuyệt vọng nữa.

 

Đoạn kết “đi ngược đường” đã làm bẽ mặt tựa đề, khiến tác giả mang tiếng là tiền hậu bất nhất.

 

Tâm Thế Của Thi Sĩ

 

Tìm “Cô Em Sự Thật” là một công việc cần nhiều lý trí. Tâm thế của thi sĩ có chút xốn xang nhưng vẫn tương đối tỉnh táo. Hơn nữa, thể thơ phân mảnh, đứt đoạn nên dù thi sĩ ở trạng thái tâm thế nào đi nữa cũng cực khó để tạo được hồn thơ – nghĩa là gặp “Cô Em Sự Thật”

 

Cảm Xúc

 

Cảm xúc tầng 1: Khoái cảm đến từ ngôn ngữ, hình tượng, câu cú (kỹ thuật cá nhân của cầu thủ trong bóng đá): Mạnh

 

Cảm xúc tầng 2: Đến từ bố cục, thế trận chữ nghĩa (đấu pháp toàn đội): Trung bình. Lý do: Tựa đề và đoạn kết không thuận

 

Cảm xúc tầng 3: Thể thơ phân mảnh đứt đoạn, không có dòng chảy tứ thơ, không có dòng âm điệu nên không có dòng cảm xúc (không có “sóng sau dồn sóng trước”).

 

Kết quả là cảm xúc tầng 3, tức hồn thơ, hoàn toàn vắng bóng..

 

Ưu Điểm:

 

Tứ thơ: Thi sĩ đã can đảm đi vào con đường có rất ít dấu chân người qua lại và đã tạo được nét riêng cho tứ thơ, tuy nhiên anh đã lúng túng ở câu cuối nên làm hỏng thế trận chữ nghĩa của bài thơ. Dẫu sao cũng ghi nhận bước chân khai phá để đi tìm “Cô Em Sự Thật” (tức là đường đến Bến Bờ Thi Ca) bằng thơ, dù anh tìm không thấy.

 

Ngôn ngữ, hình tượng, câu cú: Rất chắc tay nghề. Đây là thành phần quan trọng để tạo nên nền tảng kỹ thuật của thơ ca nói chung.

 

Vần: Gieo vần vừa độ ngọt, không nhàm chán với phong thái thoải mái tự nhiên, không gượng ép.

 

Khuyết Điểm

 

Bố cục: Tiền hậu bất nhất

 

Chọn thể thơ: Thể Thơ Mới Trường Thiên, phân mảnh đứt đoạn khìến cả tứ thơ, âm điệu, cảm xúc đều không có dòng chảy nên vắng bóng hồn thơ. Nỗ lực tìm “Cô Em Sự Thật” thất bại.

 

Tìm “Cô Em Sự Thật” – Tìm Trong Tuyệt Vọng

 

Trong một vài bài trước tôi có viết về nỗ lực đi tìm “Cô Em Sự Thật” tức loại bỏ chữ Xạo để tạo hồn thơ. Xin trích:

 

Để có thể thích ứng và hội nhập với cuộc sống hàng ngày của cộng đồng, mỗi con người đương đại phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc giao tiếp, ứng xử trong xã hội. Xã hội càng văn minh số lượng nguyên tắc càng nhiều. Sau khi vào đời một thời gian (dài ngắn tùy hoàn cảnh riêng) trong mỗi thân xác con người có hai cái tôi cùng chung sống nhưng luôn đấu đá lẫn nhau để đòi quyền làm chủ thân xác đó: Cái tôi đích thực và cái tôi hội nhập với cuộc đời – tôi tạm gọi là cái tôi văn hóa (cái tôi không thực).

 

Tuổi đời càng cao, xã hội càng văn minh, cái tôi văn hóa càng mạnh, càng rõ nét và cái tôi đích thực càng yếu kém, mờ nhạt. Đến một lúc nào đó cái tôi văn hóa sẽ đè bẹp cái tôi đích thực để độc quyền chiếm hữu cái thân xác kia.

 

Lúc ấy, nói như Jean Paul Sartre (1) thì con người là một “kẻ vong thân” (đánh mất chính mình). Còn nói như Albert Camus (2) thì con người đích thực đã bất lực – để một “kẻ xa lạ” đến chiếm hữu thân xác mình.  

 

Kẻ xa lạ” đó chính là cái tôi văn hóa, dù muốn dù không, đã dần dà hội nhập với xã hội mới, quên béng cái tôi đích thực của mình, ôm một chữ XẠO to tổ bố trước ngực mà không biết.

 

Như vậy, anh Vũ Khắc Tế thấy đấy, tôi đã mày mò tìm hiểu và cũng có phần nào thông cảm với hai chữ “tuyệt vọng” của anh trên đường đi tìm “Cô Em Sự Thật”.

 

Nhưng cũng nhờ nhiều năm mò mẫm tìm hiểu, trải nghiệm, tôi đã nhận ra một điều: “Cô Em Sự Thật” vẫn lúc này lúc khác nhởn nhơ giữa cuộc đời mà nhiều người, trong đó có anh, không để ý nên không thấy.

 

“Cô Em Sự Thật” Vẫn Xuất Hiện

 

1/ Trong cuộc sống hàng ngày

 

     a/ Tiếng nói trẻ thơ

 

Việt Nam ta có câu “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Tại sao vậy? Vì trẻ thơ không biết nói dối. Trong kinh thánh Chúa Giê-Su cũng từng nói: “Này ta bảo thật cùng các ngươi, nếu không trở lại như con trẻ thì sẽ không vào được nước trời đâu.” (3) Ngài cũng muốn nhấn mạnh đến sự ngây thơ, chân thật của con trẻ.

 

Tôi đã vài lần tình cờ nghe được câu nói của em bé khoảng 3 hoặc 4 tuổi bật ra trước khung cảnh đối thoại gần gũi, gia đình - những câu nói ngây thơ, không có sự gạn đục khơi trong của lý trí. Tôi nghĩ rằng mình đã may mắn nghe được những câu nói từ “cái tôi đích thực” của con người mà, vì còn thơ trẻ, “cái tôi văn hóa” chưa kịp hình thành. Với tôi, đó là “Tiếng Người Chân Thật”. Khoảnh khắc ấy chỉ thoáng qua nhưng để lại cảm giác lâng lâng, sung sướng, làm tươi mát tâm hồn.

 

     b/ Cơn giận, cơn say, nổi điên, lỡ lời

 

Không ít người trong cơn giận, cơn say, lúc nổi điên đã buột miệng nói lỡ lời - những lời mà nếu tỉnh táo, lý trí còn hiện diện, sẽ kềm giữ, không nói ra. Hậu quả là biết bao “Cô Em Sự Thật” trần truồng lộ mặt, nhiều cuộc tình đổ vỡ, nhiều gia đình tan nát, nhiều bị cáo ở trước tòa bị kết tội, nhiều khuôn mặt đáng kính thành trơ trẽn, bẽ bàng … 

 

2/ Trong thơ

 

Trước hết tôi xin nói cách thi sĩ đưa “Cô Em Sự Thật” vào thơ.

 

Đưa “Cô Em Sự Thật” vào thơ có nghĩa là loại bỏ chữ Xạo, và cũng có nghĩa là loại bỏ lý trí, trong bài thơ mình viết. Công việc loại bỏ chữ Xạo trong thơ, theo tôi, có trình tự như sau:

 

     a/ Thi sĩ chọn thể thơ nhất khí liền mạch để các mảnh tâm trạng của tứ thơ nối tiếp chảy thành dòng. Dòng chảy của tứ thơ đã hình thành.

 

     b/ Dòng âm điệu sẽ xuất hiện nếu gieo vần liên tiếp.

 

     c/ Cảm xúc từ cơn cao hứng của thi sĩ sẽ bám theo dòng tứ thơ và dòng âm điệu để thành dòng cảm xúc.

 

     d/ Nếu bài thơ đủ dài dòng cảm xúc sẽ có “sóng sau dồn sóng trước”; lúc đó cảm xúc sẽ lớn mạnh để “phủ mờ lý trí”.

 

     e/ Lý trí vắng mặt, chữ Xạo không có chỗ dựa sẽ bỏ đi.

 

     f/ Những đoạn thơ không có chữ Xạo sẽ là tiếng lòng chân thật của thi sĩ; “cái tôi văn hóa” tạm thời đi chỗ khác để “cái tôi đích thực” lèo lái cuộc chơi.

 

     g/ Thi sĩ đã ban cho người đọc ân huệ được giao tiếp với Ngài bằng Tiếng Người Chân Thật

 

Đó là công việc của thi sĩ.

 

Còn về phía người đọc, tìm “Cô Em Sự Thật” cũng cần biết những điểm kỹ thuật căn bản về cách thi sĩ đưa Nàng vào thơ (có thể tìm hiểu bằng lý trí - ở phần trên). Thêm vào đó là một chút nhạy bén để nhận biết Nàng khi “gần gũi”. Nàng chính là luồng hơi nóng từ cơn cao hứng của thi sĩ được phát sinh và lớn mạnh nhờ “sóng sau dồn sóng trước” của dòng cảm xúc. Luồng hơi nóng đó không nằm trong câu chữ mà tỏa ra và chen vào nhởn nhơ nhảy múa ở đâu đó giữa hai hàng kẻ.

 

Nghĩa là không thể “nhận biết Nàng” bằng lý trí mà chỉ có thể cảm bằng tâm hồn.

 

Những Bài Thơ Có Mặt “Cô Em Sự Thật”  

 

Trong vườn thơ Việt Nam có một thi phẩm đặc biệt: Say Đi Em của Vũ Hoàng Chương. Trong lúc “Say không còn biết chi đời” thi sĩ, bằng kỹ thuật thơ điêu luyện của mình, đã phóng bút viết ra những lời Tự Thú CHÂN THẬT về nỗi nhục to lớn, sừng sững như một bức tường thành trong tâm hồn ông mà dù có say đến “đất trời nghiêng ngửa” bức tường thành đó vẫn không sụp đổ.

 

Trong một bài bình thơ tôi đã kết luận:

 

“Tôi cho rằng cùng với thi phẩm Say Đi Em của mình, Vũ Hoàng Chương không những đã có thể bước vào Bến Bờ Thi Ca mà còn xứng đáng ngồi vào hàng ghế trang trọng nhất”.

 

Độc giả có thể đọc thông tin này theo link sau đây:

https://lythuyetthoabc.blogspot.com/2023/05/tham-lai-bai-tho-say-i-em.html

 

Ngoài ra, cũng có không ít những bài thơ khác, hồn thơ không lên tới đỉnh điểm như Say Đi Em nhưng nhờ thể thơ nhất khí liền mạch, vần đủ ngọt, cảm xúc bám vào tứ thơ và âm điệu chảy thành dòng, có “sóng sau dồn sóng trước” nên thi sĩ chỉ cần có chút hứng khởi bài thơ cũng sẽ có hồn thơ ở một vài đoạn nào đó với cung bậc thấp hơn. Và người đọc sành điệu sẽ nhận ra “Cô Em Sự Thật” đang đứng ở đâu đó giữa 2 hàng kẻ tươi cười vẫy tay chào đón mình.

 

Vị Trí Của “Tìm Trong Tuyệt Vọng” Trong Vườn Thơ

 

Tổng hợp tất cả những phân tích ở trên tôi đã đi đến kết luận: Giá trị nghệ thuật của bài thơ Tìm Trong Tuyệt Vọng chỉ ở mức trung bình.

 

Tại Sao Tôi Chọn Bài Thơ “Tìm Trong Tuyệt Vọng” Để Bình?

 

1/

 

Thông thường, lý do chính để tôi xem xét chọn bài thơ để bình là:

 

“Bài bình thơ của mình – phân tích, giải thích cái hay, cái dở của bài thơ dựa vào những Tiêu Chí thẩm định giá trị nghệ thuật thơ ca - có đem lại điều gì mới, bổ ích cho độc giả (và tác giả) hay không? Lập luận của mình có đủ sức thuyết phục những độc giả hiểu biết, khó tính và cả giới phê bình không?”

 

Tôi thấy bài thơ Tìm Trong Tuyệt Vọng là một bức tranh đời thật sẽ giúp tôi dàn trải chút kiến thức và trải nghiệm của mình một cách sinh động hơn là một bài viét thuần tính lý thuyết khô khan.

 

2/

 

Đọc tâm sự của anh Vũ Khắc Tế trong bài thơ Tìm Trong Tuyệt Vọng tôi nhận ra ngay rằng anh và tôi cùng chung chí hướng. Tôi lỡ mang cái “nghiệp thơ” nặng trên vai, lại mê “Cô Em Sự Thật” nên đã bị đời “vùi dập te tua”. Qua Mỹ, nhờ được học hành bài bản nên ngoài mấy bài thơ vớ vẩn để lại cho đời tôi còn chơi trò bình thơ và những năm sau này còn dại dột bước vào lãnh vực Lý Thuyết Thơ.

 

Loại bỏ chữ Xạo trong thơ để thi sĩ và độc giả được trò chuyện với nhau bằng Tiếng Người Chân Thật là sứ mạng cao cả của thơ và cũng là điểm cốt yếu trong Lý Thuyết Thơ của tôi.

 

Tôi đang lặng lẽ cô đơn bước đi thì gặp anh Vũ Khắc Tế đứng bên đường, mắt dáo dác, miệng cất tiếng hỏi người qua lại, hai tay ôm tấm bảng lớn trước ngực với dòng chữ: “Sự Thật ơi! Em ở nơi đâu?”

 

Tôi mỉm cười nói thầm: Có lẽ mình sẽ có một bạn đường.

 

Chính vì hai lý do đó nên dù giá trị nghệ thuật của bài thơ chỉ ở mức “thường thường bậc trung” tôi cũng đã xắn tay áo viết lời bình.

 

Kết Luận

 

Thật tình mà nói, tôi chưa hề gặp mặt và cũng không biết anh Vũ Khắc Tế là ai. Hơn 2 tuần trước, nhận được lời mời kết bạn tôi đã vào trang Facebook của anh đọc thơ, tìm hiểu. Và đã may mắn gặp được bài thơ Tìm Trong Tuyệt Vọng rất thích hợp để gởi vào đó chút kiến thức, trải nghiệm tâm huyết của mình.

 

Người đời, kể cả thi sĩ, ai cũng có những nỗi niềm sâu kín. Nhưng muốn đưa một nỗi niềm sâu kín nào đó - có bóng dáng “Cô Em Sự Thật” – vào thơ, phải vượt qua cửa ải “cái tôi văn hóa”. Tôi ước mong một vài thi sĩ tìm thấy chút gì đó trong bài bình thơ nhỏ bé này có thể áp dụng để “vượt ải” một cách dễ dàng hơn. Riêng người đọc thơ, qua bài viết này, hy vọng có thể nhận diện được “Cô Em Sự Thật” mỉm cười, vẫy tay chào đón mình, khi gặp một bài thơ có hồn.

 

League City Tháng 10/ 2024

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmai.com

 

 

CHÚ THÍCH

 

1/ Jean Paul Sartre: Triết Gia Hiện Sinh Pháp (1905-1980), tác phẩm tiêu biểu: Buồn Nôn, Tồn Tại Và Hư Vô

https://vi.wikipedia.org/wiki/Jean-Paul_Sartre

 

2/ Albert Camus: Triết Gia Hiện Sinh Pháp (1913-1960), tác phẩm tiêu biểu: Kẻ Xa Lạ

https://en.wikipedia.org/wiki/Albert_Camus

 

3/ Matthew 18, 1-4

https://www.bible.com/bible/111/MAT.18.1-4.NIV

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.