Oct 21, 2024

Tùy bút - Bút ký

Vòng Quanh Nước Pháp
Nguyễn Dương * đăng lúc 03:13:38 AM, Sep 26, 2024 * Số lần xem: 50
Hình ảnh
#1

 


Vòng quanh nước Pháp (Un tour de France) 

Nguyễn Dương
 

Nói tới tháng 7 bên Pháp là nghĩ ngay tới Tour de France. cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp để kết thúc chung quanh ngày Lễ Độc Lập 14 Juillet của Pháp. Nói là vòng quanh nước Pháp nhưng chính ra chỉ có từng chặng chung quanh Pháp chứ không liền tù tì, các đoạn đó thay đổi hàng năm nhưng kết thúc tại Paris. 
 
Năm nay 2022, dân Pháp lại tiếp tục ân hận là trong 10 tay đua xếp đầu thì chỉ có 2 tên là công dân Pháp quốc còn lại toàn là người ngoại quốc (chiếm giải áo vàng là người Đan Mạch tên là Jonas Vinegaard)! Kể ra thì chẳng có gì là lạ cả vì không lâu trước có Lance Armstrong đã đạt được 7 giải Maillot Jaune (mặc dù về sau bị tước mất vì bị kết án là doping). Đâu còn thời Louison Bobet (3 lần 1953,54,55), Jacques Anquetil (4 lần 1961,62,63,64) và Bernard Hinault (5 lần 1978,79,81,82,85) làm vẻ vang nước Pháp.
 
Viết tới đây Tour de France của N. chỉ là những chỗ viếng thăm của N. cũng chỉ vì từ hồi mặc quần short cho tới khi được mặc pantalon ở các trường Tây Lycée Rollande, Albert Sarraut, Chasseloup Laubat- sau đổi thành Jean Jacques Rousseau), N. đã bị nhồi sọ học thuộc lòng “Nos Ancêtres Sont des Gaulois” chứ không thì bị ăn gifles (tát) thường xuyên bởi bà giáo sadique tên là Bégat (thời thực dân Pháp đó cho là thường) chứ hiện nay sẽ bị kiện “child abuse” dễ như chơi! 
 
Vì bị nhồi sọ nó nhiễm vào tiềm thức thành ra tuy bị ấm ức nhưng vẫn bị lôi cuốn vào nước Pháp, văn hoá, lịch sử và nhất là géographie (địa dư) của nước Pháp. Vì vậy N. thuộc lòng các địa danh nước Pháp. Khi còn ở Saigon của xứ Việt Nam Cộng Hòa yêu quý của N., N. hy vọng được thăm viếng những chỗ đó.
 
Đổi đời năm 1975 N. được sang nước Mỹ Cờ Hoa rồi lưu lạc làm việc ở Tây Đức (Frankfurt) chỉ cách Paris độ 4 tiếng lái xe. Thành ra N. có dịp sang Pháp rất thường xuyên gần như là khi có 3 ngày nghỉ cuối tuần là N. chất vợ và 3 con phóng xe đến Paris ngay để ăn baguettes và jambonneau bơ ngay (lúc đó chỉ có biết beurre Bretel mặn mà thôi, bây giờ ăn bơ nhạt hơn cho tốt sức khỏe hơn)! Lúc đó vì sang Paris rất nhều lần N. có thể lái xe hơi ở Paris mà không cần bản đồ, có thể là lúc đó N. còn ‘jeune’, dân Paris vẫn còn thưa thớt và ít khách du lịch như hiện nay (bây giờ thì N. chịu thua). Lần chót N. viếng thăm nước Pháp là hồi tháng 7 vừa qua.
 
Nói tới nước Pháp là phải nói tới Paris ngay, thủ đô ánh sáng, “J’ai deux amours, mon pays et Paris” (hát bởi Josephine Baker, Jacqueline Francois, Line Reynaud và Tino Rossi). Ai cũng bị hấp dẫn với dòng sông Seine thơ mộng như trong phim “Midnight in Paris” với cậu Owen Wilson lang thang bên bờ sông nhớ tới cô đào Marion Cotillard đến nỗi có một chú cá voi beluga đang sống ở biển nước mặn La Manche cũng bị lôi cuốn vào dòng sông nước ngọt Seine (hay bị một cô mỹ nhân ngư (sirène) Pháp nào dụ tới?) để rồi bỏ mạng tại đó (Aôut 2022).
 
Paris với những chỗ du lịch nổi tiếng như Montmartre Sacré-Coeur, Notre Dame, Tour Eiffel , Arc de Triomphe, Musées du Louvre và Quai D’Orsay, lâu đài Versailles và Vaux le Vicomte, Les Invalides với quan tài Napoléon lộng  lẫy trang nghiêm đầy lịch sử  nhưng lạnh lẽo, Pont Neuf với những ổ khoá tình yêu, chỗ công chúa Diana tử nạn xe hơi (nay có một tượng nhỏ đuốc vàng làm kỷ niệm)… Viết tới đây N. lại nhớ tới lúc lần đầu tiên lái xe tới Paris khi nhập vào vòng quanh Arc de Triomphe thì dễ dàng nhưng muốn đi ra thì lúng túng vì có nhiều xe khác bọc chung quanh xe N. làm N. sợ đụng xe nên phải đi vòng quanh mấy lần (quê ơi là quê!).  N. cũng chạnh nghĩ tới một bài của một người du khách ngoại quốc viết  là khi tới Saigon họ rất sợ qua bên đường bên kia vì đường phố nghẽn nghẹt đầy xe gắn máy mà không dám đánh liều đi bộ ngang qua.
 
Nước Pháp nổi tiếng trên khắp thế giới với cuộc diễn binh vĩ đại hàng năm ở Champs-Élysées nhân ngày Lể Độc lập  14 Juillet mà N. không thể bỏ qua được. N. chú ý tới đoàn kỵ mã (cuirassier) với mũ đồng sáng nhọn có tua tóc dài cưỡi ngựa to lớn lộp cộp diễn hành và đặc biệt nhất là có toán lê dương Légionnaires với các bộ râu lởm chởm, mặc tablier de buffle (tạp dề -tablier- bằng da bò) như là người charcutier mổ xẻ thịt và vác búa rìu thay vì khẩu súng trông rất lạ mắt.
 
N. cũng cám ơn BS Trần Quang Lộc đã dẫn N. đi ăn ở Restaurant Le Procope là tiệm ăn cổ nhất ở Paris (1686) với những lưu niệm như mũ của Hoàng Đế Napoléon (tục truyền rằng là Napoléon có lần đi ăn ở đó nhưng không có tiền để trả bèn để lại cái mũ ông ta để thay thế) và bàn làm việc của  văn sĩ Voltaire. La Fontaine, Benjamin Franklin, Robespierre, Tổng Thống Thomas Jefferson, Victor Hugo cùng nhiều vị nổi danh khắp thế giới đã nếm các món ăn ở đó.
 

N. cũng không quên đi Giverny ở ngoại ô Paris để xem vườn của danh họa Claude Monet với bức tranh nổi tiếng chiếc cầu ở hồ hoa lily.
 
Trên đường từ Tây Đức qua Paris, N. thỉnh thoảng ghé thăm BS Trương Ngọc  Châu (Y Sỉ Thiếu tá Nhẩy Dù Quân Lực Việt Nam Công Hòa cùng lớp với N.) ở tỉnh Reims (nơi đăng quang các vua chúa Pháp ngày xưa). BS Châu rất phóng khoáng mời ăn tại nhà vài ba lần (bà xã TN Châu nấu ăn hết xẩy). Có lúc tới thăm đúng lúc ngày 1er Mai, bà xã N. được bà Châu hái hoa muguet tặng làm kỷ niệm. BS Châu cũng dẫn đi thăm Cuvée Taittinger và hãng Veuve Clicquot nổi tiếng về champagne và được tặng hai chai sâm banh đem về. Ở đó N. cũng được làm quen với anh Đinh Nhật Thắng là chủ một tiệm ăn Tây và được đãi ăn một bữa ăn trưa rất ngon miệng. 2 bạn TN Châu và ĐN Thắng nay đã đi rồi RIP bạn Châu và Thắng.
 
Trở về phía Bắc N. đã đi thăm tỉnh kỹ nghệ Lille, thăm gia đình của một người bạn học ở JJR ( Nguyễn Tường Lộc) rồi ghé tới bãi Dunkerque nơi mà Hitler hố to khi dể cả trăm ngàn binh lính Anh quốc và  đồng minh thoát chạy đươc sang Anh. N. cũng đã ghé vào Calais khi lái xe đáp tàu sang Luân đôn.
 
Tiếp tục về phía Tây N. ghé Le Havre và gần đó xem falaises d’Étretat rồi đi tới tỉnh Deauville biển gió lạnh. N. cũng vào lướt qua vào casino nhưng vì không phải là một đại gia nên không dám thử thời vận. N. cũng ghé tỉnh Honfleur với những salon tranh ảnh của các họa sĩ Claude Monet và Eugène Boudin.
 
Bọc sang phía Tây N. lựa lúc thủy triều thấp để leo lên núi Mont Saint Michel. Khi đi ngang qua bãi cát biển La Manche N. nhớ tới đoạn phim mà cô đào Bo Derek mặc bộ đồ Eve cưỡi ngựa trên bãi cát trong phim 10.
 
Lần lần N. tới Cherbourg và nhớ lại cô đào khả ái Catherine Deneuve trong phim “Les Parapluies de Cherbourg” và cố tìm ra được chỗ quay phim đó (một bà bàn épicerie ở đó nói với N. là họ dùng arrosoir để làm cảnh mưa khi quay phim). 
 
Lẽ dĩ nhiên N. không thể nào bỏ qua viếng thăm bãi biển Normandy nơi mà quân đội Đồng minh đổ bộ trong Thế Chiến thứ 2 (bãi đổ bộ Utah, Omaha và Pointe du Hoc nơi mà lính Mỹ phải leo lên mảnh tường falaise cao mà chiến đấu). Trông thấy họ treo một búp bê chú lính Mỹ bị kẹt dù lơ lửng ở trên nóc nhà thờ Ste. Mère-Église làm N. nhớ tới khuôn mặt sợ sệt của một tài tử đóng vai một lính nhảy dù Mỷ bị mắc kẹt lưới dù ở trên nóc mái ngói nhà thờ khi trông thấy ở dưới sân nhà thờ lính Đức quốc xã đang xả súng bắn vào các bạn đồng đội đang nhảy dù xuống đất trong phim “The Longest Day” với John Wayne đóng vai một Trung tá Nhảy dù. N. cũng đi xem nghĩa địa các chiến sĩ Hoa kỳ đã tử trận tại đó ở St. Laurent-sur-Mer hay Coleville-sur-Mer và nghĩa địa của lính Đức ở La Cambria (rất macabre u ám ảm đạm vì là nhiều mộ chôn tập thể chứ không như riêng từng mộ lính một của quân đội Đồng minh).
 
 
 
Tiếp tục sang phía Tây, N. ghé thăm nhà Giáo sư Nguyễn Hữu và được GS Hữu và vợ dẫn đi xem hải cảng chỗ tàu ngầm U-2 kiên cố.

N. cũng được dẫn đi xem đường Siam (Rue De Siam) mà thi sĩ Jacques Prévert làm thơ sau đây:
 
“Rappelle-toi, Barbara. Il pleuvait sans cesse sur Brest.
 
Et je t’ai croisée Rue de Siam. Tu souriais,
 
Et moi je souriais de même.
 
Rappelle-toi, Barbara. Toi que je ne connaissais pas.
 
Toi qui ne me connaissais pas. Rappelle-toi”.
 
Sở dĩ có tên là Rue de Siam vì vào thời Vua Louis XIV, năm 1686, vua Thái Lan sai Đại sứ của Triều đình Thái đổ bộ xuống tỉnh Brest dẫn theo một đoàn tùy tùng (theo lời truyền thuyết GS Hữu kể) có đem theo một con voi đi tới Versailles để triều kiến vua Louis XIV.
 
GS Hữu cũng dẫn N. đi tới đầu lưỡi con rồng Bretagne là tỉnh Camaret-Sur-Mer (vùng Bretagne được ví như là đầu con rồng). Trên đường tới Camaret-Sur-Mer, GS Hữu dí dỏm nói nay hết còn các “Filles de Camaret”. N. hỏi “Filles de Camaret” có khác gì với “Girl of Ipanema” (Brazil) thì GS nói lúc trước tỉnh Camaret-Sur-Mer là một bến tàu có nhiều lính Hải quân nên có nhiều nhà hồng lâu với các “Filles”. Nay tỉnh Camaret-Sur-Mer không còn là chỗ đồn trú lính thủy nên các “Filles de Camaret” cũng biến mất luôn!
 
Vì vùng Bretagne thuộc dân Breton nên có gốc tích giống một bộ lạc bên Anh nên trên đường đi cũng có vài chỗ đất có nhiều tảng đá cắm xuống đất như các tảng đá vùng Stonehenge ở Anh qưốc. N. cũng ghé tới mỏm Point de Pen-Hir, nơi này hồi Đại Chiến thứ 2, dân kháng chiến Pháp chống Đức Quốc Xã gia nhập theo đoàn người France Libre của Tướng De Gaulle lên thuyền để trốn đi sang Anh Quốc. Chỗ tàu ra đi đó nay được xây một tượng đá lớn Croix de Lorraine (tiêu biểu cho France Libre của Tướng De Gaulle). Gần đó cũng có vài lô cốt do quân đội Đức Quốc xã xây để chống đổ bộ của quân lính đồng minh.
 
 
Lò mò tới phía Nam thì N. đi dọc theo sông Loire xem các lâu đài của vua chúa Pháp ngày xưa như Château de Chambord, Château de Chenonceau (được Vua Henri II xây cho tình nhân Diane de Poitiers), lâu đài Blois với cầu thang xéo… Lâu đài nào cũng tràn ngập với những portraits lịch sử của vua chúa nước Pháp.
 
Dần dần N. đi ngang qua tỉnh Nantes nơi sản xuất bánh biscuits LU -Lefève Utile- (hãng LU nay bị hãng Kraft Foods mua mất rồi) mà N. nhớ mãi lúc bé gậm nhấm từ từ 52 các “răng cưa” chung quanh bánh biscuits (tượng trưng cho 52 tuần) và 4 “tai” bánh (tượng trưng cho 4 mùa),.
 
Xuống tới Bordeaux, N. không thễ quên được là lúc học ở lycée có bài viết về mùa hái nho các chủ hãng rưọu mướn các cô cậu sinh viên tới sắn ống quần lên để dẫm lên thùng nho để làm rưọu (sách lúc đó viết vậy thế mà dám tin là thật!)
 
Dọc theo bờ biển phía Nam nữa, N. leo lên đồi cát Dune du Pilat, là đồi cát lớn nhất ở Âu Châu (thua xa sa mạc ở Saudi Arabia mà N. bị miễn cưỡng “được đi” du lịch) nhưng Dune du Pilat có gíó thổi mát lại có cái thú vị là được ngắm các cô cậu trẻ đẹp không chùm mặt kỹ như ở Trung Đông! N. rồi ghé Baie d’Arcachon nơi sản xuất nổi tiếng sò “huitres” mà dân Pháp ngấu nghiến đêm Saint Sylvestre. Ở đó có các rặng cây phi lao thơ mộng như ở Phan Rang, Đại Lãnh nước ta.
 
Ở dưới xáp với biên giới Tây ban Nha N. đi dạo biển Atlantic trên bờ biển tỉnh Biarritz có nhiều hàng rào cây hoa Hortensia (Hydrangea). Truyền thuyết cho rằng tên Hortensia là dân chúng ở vùng đó nâng “bi” bà Hoàng Hậu (tên là Hortense de Beauharnais) của Hoàng Đế Napoléon III khi ông ta đổ tiền vào vùng đó để xây dựng các cao ốc nguy nga cho các đại gia tới tránh rét ở phía Bắc. Cũng có truyền thuyết cho rằng tên hoa Hortensia là do Hoàng Hậu Joséphine Napoléon vinh danh cho con gái tên là Hortense de Beauharnais, sau đó làm hoàng hậu Hòa Lan, (tin dó không đúng). Cạnh đó là tỉnh Bayonne là vùng dân Basque nổi tiếng về “jambon de Bayonne” (chả đặc biệt gì lắm) và chocolat.
 
Đi về phía Đông một tí dọc theo rặng núi Pyrénées N. lục tìm kiếm ra được chỗ tướng Roland cầm đầu toán quân đoạn hậu của Hoàng Đế Charlemagne khi rút quân về lại Pháp sau khi trị tội tụi Saracens (quân Hồi Giáo). Nhưng Roland không được may mắn bị tụi Hồi giáo trả thù phục kích ở Bataille de Ronceveau (778) và tử trận ngay đó. N. nằm trên bãi cỏ trận đó ngó lên trời mà tưởng tượng tới sự giết chóc kinh hoàng của quân Hồi giáo đang thanh toán đoàn quân của tướng Roland. N. cũng không quên bài ca “Chanson de Roland” được coi là bài hát quân hành cũ nhất của văn hóa Âu Châu. Cũng muốn nhắc là N. khi đi tìm kiếm chỗ trận địa nhất là chỗ “Pas de Roland”, cái buồn cười là N. là một dân mít đặc khi N. hỏi dân địa phương về chỗ trận đánh đó thì không ai biết cả “Je ne sais pas”!. Phải tới hỏi một nhà thờ gần đó mới tìm ra đươc “Pas de Roland” là chỗ mà truyền thuyết cho rằng tướng Roland khi kéo toán quân đi thì bị một tảng đá lớn chặn đường núi mà quân của Roland phải đi qua. Roland bèn lấy một thanh kiếm tên là Durandal đục thủng tảng đá đó thì quân lính mới đi qua được.
 
 
Vòng qua phía Đông Nam N. đi qua tỉnh Marseille là thành phố lớn thứ nhì bên Pháp, nơi mà bản quốc ca Marseillaise được nổi lên. Marseille có La Major Cathédrale. Palace Longchamp (Water Palace) đáng để xem. Khi đứng trên cao nhà thờ thì thấy hòn đảo Château d’If nơi mà văn hào Alexandre Dumas viết truyện Comte de Monte Cristo được đóng thành phim hấp dẫn. Marseille cũng được nhắc tới qua món bouillabaisse marseillaise là súp đủ loại cá tươi.
 
Cạnh đó là vùng lầy Camargue là nơi dân Pháp duy nhất cấy được lúa gạo. Nơi đó cũng có ngựa rừng. 
 
Xa về phía Đông một tí là tỉnh Avignon mà ngày xưa có lúc vài Giáo Hoàng La mã đóng đô ở đó. N. đứng xem Le Pont d’Avingon (bể mất một khúc cầu) và nhớ tới bản hát “Sur le Pont D’Avignon, L’on y danse. L’on y danse…” mà lúc bé tí N. được nghe hát thường xuyên.
 
Sang qua phía Đông nữa là Côte d’Azur với các tỉnh St. Tropez nơi có cô đào BBardot nổi tiếng khoe khỏa thân ở bãi biển. N. cũng được nghỉ mát tại tỉnh Vence (nổi tiếng có những ruộng xanh tươi thơm ngát cây lavender) ở một nhà kiếng (glass house) biệt thự nguy nga tân thời có piscine ngó ra vịnh biển có trồng cả chục cây chanh và cây olive san kẽ với vườn hồng và lavender thơm tho. Chỉ tội là biệt thự đó đẹp quá nhưng ngó mãi cả tuần cũng nhàm muốn ra ngoài làng nhưng nó cách xa cả trên 10 cây số nên không đi bộ ra được (lái xe thì không dám vì là đường trên đồi núi rất hẹp và quanh co) thành ra N. đành phải nằm nhà thui thủi tắm piscine cho qua ngày!
 
Dọc theo Côte d’Azur N. có ghé thăm tỉnh Grasse nơi sản xuất các hãng nước hoa nổi tiếng khắp thế giới. N. có được nghe đồn tếu là các hãng đó thỉnh thoảng đăng báo muốn kiếm người để ngửi mùi hôi nách của các bà đầm nhưng không hiểu có thật hay không (N. chắc chắn là không nộp đơn xin việc đó mặc dù là đầm Tây!).
 
Lẽ dĩ nhiên N. đi thăm Nice xem qua khách sạn quý phái Negresco, đi dọc theo Promenade des Anglais với bãi biển toàn là sỏi đá không hấp dẫn. N. cũng ghé thăm Cannes nơi có hàng năm Festival de Cannes và mướn ghế nằm ngay bãi biển để ngắm các cô starlettes khoe ngực khỏa thân để được các paparazzi chụp hình mà hy vọng lôi cuốn đươc các đạo diễn quèn cho đóng phim để đưọc nổi tiếng.
 
Gần đó là Vương Quốc Monaco N. đươc xem tiểu đội lính hoàng quân Monaco mặc bộ đồ trắng toát đi diễn hành mỗi buổi trưa đúng 12 giờ trưa. N. cũng lái xe quanh co trên đồi Monaco nơi mà tài từ sau đó là Hoàng Hậu Monaco Grace Kelly tử nạn trên xa lộ.
 
Từ đó lên phía Bắc N. ghé qua đường hầm(tunnel) núi Mont Blanc ngọn núi cao nhất Âu Châu mà có hình dán trên hộp sữa đặc Nestlé mà dân mít ngày xưa được nếm sữa.
 
Ở trên thế giới này theo N. thì có 2 “cuisines” nổi tiếng ngon nhất đó là cơm Tây và cơm Tàu,  và ở Pháp thì nổi tiếng nhất là nhà hàng Paul Bocus. Hồi còn ở bên Đức, cả mấy chục năm trước (quãng 1978), N. đánh liều làm réservation cho gia đình N. cả 3- 4 tuần trước của tiệm ông ta ở Lyon dọc theo sông Rhône. Ăn ở đó quá mắc thời đó mà đã phải trả 100 đô cho một người. Trước khi vào phòng ăn họ dẫn gia đình N. qua bếp của họ với các xoong chảo sạch sẽ bóng lộn. .N. được thưởng thức món Poulet de Bresse nổi tiếng nhưng than ôi, lúc họ đem ra con gà họ chỉ cắt lườn gà cho ăn mà thôi (N. tưởng là sau khi họ căt lườn gà cho vào đĩa ăn rồi họ sẽ cắt thịt đùi cho ăn, nhưng quê một cục, họ chỉ cho ăn lườn gà mà thôi. Đại gia mà!). Rồi món Soufflé de Pompidou (để “nâng bi’? Tonton nước Pháp thời đó). Món soufflé đó không hợp với khẩu vị N. Bữa ăn ở Paul Bocus đó chỉ nhớ đặc biệt là mỗi 2 thực khách có 1 người hầu bàn đứng đằng sau lo cho: hễ ăn xong một món gì là họ tới thay đĩa dao muỗng và fourchette ngay. Lại vì phải mặc complet nên N. không thấy được thoải mái cho lắm, nhất là nghĩ có vị hầu bàn đang đứng sau lưng nhòm ngó! Đang ăn thì ông Paul Bocus ghé thăm hỏi “ca vas”?
 
Lên phiá Bắc trên tỉnh Lyon, N. ghé qua Chamonix xem các cô cậu đại gia ăn mặc xôm tụ xách ski lẽo đẽo ra trượt tuyết. N. không thích đi ski cho lắm (vì đó là thể thao dễ gẫy xương như chơi). Lượn qua phía Đông N. ghé xem phòng tuyến Maginot nơi mà quân Pháp bố trí hầm hố để chống quân Đức xâm lăng nhưng Hitler làm Pháp hố vì quân Đức tràn qua ở phía Bắc qua nước Belgique. Thành ra tuyến Maginot bị ế hàng nhưng được trở thành một chỗ du lịch cho các aficionado chiến tranh tới xem chiêm ngưỡng hầm hố và các địa đạo dưới đất.
 
Gần đó là tỉnh Strasbourg và miền Alsace mà ngày xưa đổi chủ Đức và Pháp liên tục. Alsace nổi tiếng về bière và nhà cửa có kiểu kiến trúc đặc biệt. Đi ngang qua đó N. ghé ăn ở tỉnh Nancy và Verdun rồi đi xem Ossuaire de Verdun (Douaumont Ossuary) là nơi chôn giữ các bộ xương lính tử trận Đại Chiến Thứ Nhất. 
 
Giữa nước Pháp là Massif Central, một rặng núi như là trái tim của nước Pháp, N. đâu có thể nào bỏ qua được nhất là có một thời tỉnh Vichy là thủ đô của nước Pháp còn lại sau khi Đức Quốc Xã xâm chiếm lấy cả nửa trên phía Bắc nước Pháp. N. lái xe xuống tỉnh Clermont-Ferrand là nơi chôn nhau cắt rốn của anh em Michelin không những nổi tiếng về bánh xe hơi mà là cả đánh giá các tiệm ăn từ 1 cho tới 4 sao (tuyệt đẳng) gọi là Michelin star. Sau đó N. ghé qua tỉnh Limoges nơi sản xuất các sản phẩm đồ gốm porcelain rồi viếng và ở lại qua đêm ở tỉnh Vichy, uống nước suối Vichy và ngủ tại Vichy Célestins Spa Hôtel (4 sao) ở đó.
 
 
Tiếp theo N. ngủ vài đêm ở Château de Nieuill (quảng cáo là 5 sao nhưng N. không tin), nơi mà vua Francois 1er dừng chân ngủ sau khi đi săn ở vùng đó. Lâu đài đó chả có gì là lạ cả, cũng có rãnh nước gần như bao chung quanh lâu đài, có một “tour” để lính ở canh gác, sau đó trở thành phòng ngủ đặc biệt cho du khách. Các phòng không có số nhưng được đă tên các con chim như La Mésange, La Tourterelle (một loại chim bồ câu), Le Rossignol, …. N. vốn thích ăn chim bồ câu quay nhất khi xưa ở Saigon nếu có tiền thỉ tự đãi một bữa chim bồ câu quay ở tiệm Diamond trên đường Trần Hưng Đạo trong Chợ lớn, nên khi trông thấy restaurant menu của lâu đài Nieuill (La Grange aux Oies) có món Pigeon nên N. làm réservation vào ăn. N. phải công nhận là món pigeon ở đó khá ngon (tuy không bằng tiệm Diamond) nên N. gọi ăn 2 lần món entrée đó.
 
Về lịch sử thì nước Pháp rất tự hào có Hoàng đế Napoléon có thời ngự trị gần như hết  Châu thành ra N. không thể nào bỏ qua thăm viếng đảo Corse, tới chỗ sinh thời của Napoléon với mối tình đầu nàng Désirée (Ajaccio) cùng ghé thăm vài bãi biển đảo Corse (Bastia, Calvi..,,) và nếm món sanglier đặc biệt vùng đó (các con heo rừng này ăn toàn hạt dẻ -châtaigne hay chestnuts- có đầy trong rừng
 
 
Nếu đã viết về đảo Corse tuy rằng không cùng trong thềm lục địa của nước Pháp thì là thiếu sót nên N. cũng đã đặt chân tới quần đảo Tahiti (Papeete, Bora Bora) nơi mà có các cô nàng vahiné hở ngực quấn tấm paréo lưu luyến quyến rũ các anh chàng Paul Gauguin và Marlon Brando phải ở lại và mất ở đó. (nhà cách mạng Kỳ Đồng cũng mất tại Tahiti nhưng là bị thực dân Pháp lưu đầy tới đó).
 
 
Thế là sau khi viếng thăm rặng núi Massif Central (có ghé qua Puy de Dôme là một núi lửa đã tắt từ lâu rồi) N. có thể tự hào là đã hoàn thành Tour de France theo ý của N., nhưng tóm tắt lại nước Pháp quả thật có bánh baguettes/ficelles với jambon beurre thơm ngon nhưng N. vẫn chưa kiếm được bánh mì tây đó ở Hoa kỳ.
 
Để chấm dứt bài này, khi N. đi thăm vùng Verdun-Nancy, N. đi qua một làng có tên là Regret với bảng dấu chỉ đường vào làng. N. chạnh nghĩ là oái ăm (và đau đớn) khi N. đã có dịp đi vòng quanh nước Pháp, đi vòng quanh thế giới trong 19 ngày và đã ghé chân vào 49 tiểu bang trong số 50 tiểu bang của nước Hợp Chủng Quốc mà N. lại không thực hiện được ý muốn ở nơi chôn nhau cắt rốn yêu quý là nước Việt Nam ta.
 
 
Tháng Tám 2022
Nguyen Duong

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.