Dec 26, 2024

Tin tức

Chuyển Tin Việt Nam Hôm Nay Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2024 - Lê Văn Hải
NGUỒN INTERNET * đăng lúc 07:15:36 PM, Aug 18, 2024 * Số lần xem: 118

Giới Thiệu Sinh Hoạt Hội Đoàn Quân Đội, Hôm Nay, Rằm Vu Lan 2024 Và Kính Chuyển Tin Việt Nam Hôm Nay - Lê Văn Hải


Nhắc Nhở: Chủ Nhật Hôm Nay, 18 Tháng 8 Năm 2024: Kính Mừng Đại Lễ Vu Lan!

 
- Đã từ lâu ngày lễ Vu Lan đã trở thành một ngày lễ quan trọng với hàng triệu người con đất Việt trong dịp Rằm tháng 7. Cho dù ở bất cứ nơi đâu những cứ đến ngày lễ Vu Lan, mọi cảm xúc lại đưa ta trở lại với vòng tay của cha mẹ. Nói sao cho hết được những công ơn vất vả cha mẹ đã hy sinh một đời dành cho con. Ngày Vu Lan báo hiếu cũng chính là ngày mà mỗi con người Việt Nam thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc. Nhân dịp lễ Vu Lan 2024, mời các bạn hãy cùng thưởng thức những bài viết hay về tình cha mẹ nhé.


 
BÔNG HỒNG CÀI ÁO -Nguyễn Văn Đông -Thanh Lan


 

 


 
   Cảm nghĩ về mẹ nhân ngày Vu Lan

-Tháng bảy lại về, mùa Vu lan báo hiếu lại đến không khí trầm mặc giữa những ngày đầu thu. Trong mỗi chúng ta ai ai cũng cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ về cuộc đời, nghĩ về cha, nghỉ về mẹ. Những mẹ cha quá cố; những mẹ cha thượng tại. Vu lan - hai tiếng nghe thật thân thương. Khi ai đó nhắc đến vu lan lòng ta lại bồi hồi nhớ mẹ. Mẹ ơi!... Phải chăng trong trái tim chúng ta, mẹ luôn là hình ảnh cao đẹp nhất; Mẹ là quê hương, mẹ là tất cả, tình thương của mẹ như mạch nguồn không bao giờ cạn. Suốt cuộc đời mẹ chỉ biết sống, chỉ biết hy sinh cho tương lai chúng con. Một Nhạc sỹ đã phải thốt lên: “Lòng mẹ bao la như biển thái bình"… bởi biển thái bình mênh mông bao nhiêu nước thì lòng mẹ thương con cũng sẽ là bấy nhiêu. Kể sao hết được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha, của mẹ.

Cổ nhân nói:
“Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha mất gót con đen sì”.
Chín tháng mười ngày mang nặng, đẻ đau mẹ phải chịu bao nhọc nhằn vất vã. Khi con chào đời và trưởng thành là cả một quảng thời gian dài dằng dặc. Những lúc trái gió trở giời ốm đau, bệnh tật mẹ chính là vị bác sĩ tuyệt vời bên con, ru con giấc ngủ ngon lành. Phải chăng, cả cuộc đời của mẹ chỉ dành trọn cho con tất cả!.

“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”…
Đến cả: Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Tất cả như nhắc nhở mỗi chúng ta phải ghi lòng tạc dạ. Ai có mặt trên đời này mà không do mẹ, cha sinh dưỡng? Ai sinh ra mà không nhờ ơn cha, nghĩa mẹ?.
Thưa cha, thưa mẹ! chúng con ra đời trong sự che chở của cha, trong nổi đau đớn âu lo đùm bọc của mẹ. Thế nhưng lòng mẹ cha vẫn luôn ngập tràn niềm vui hạnh phúc khi con thơ cất tiếng khóc chào đời. Con là niềm hạnh phúc của mẹ, là niềm tự hào của cha.
Từ thủa nhỏ chưa biết gì, khi khôn lớn thành người, trong mỗi chúng ta có ai thật lòng nhớ ơn cha mẹ để đền đáp nghĩa sanh thành. Chúng con đã quen hơi ấm của cha, sự chăm sóc âu yếm của mẹ nên cứ nghĩ rằng đó là bổn phận, là trach nhiệm của mẹ cha mà quên đi ơn nghĩa sâu dày. Chúng con ích kỷ quá, mãi cứ lo vun vén cho bản thân mình, mà quên đi cha già, mẹ yếu.

Đêm trường lại về mẹ, cha cứ tựa cửa nhìn ra, mong con mà chẳng thấy con về. Đến cả những khi thất chí, thua bè, kém bạn con lại oán giận mẹ cha. Dù biết thế nhưng sự bao dung của cha mẹ nên Người chỉ biết nhìn con rồi mỉm cười, nụ cười nhân hậu ấy nào ai có hiểu gì khi cha mẹ đã cố giấu đi những giọt nước mắt xót xa vì thương con lòng dạ quặn thắt…
Than ôi! tội bất hiếu thật tày đình kể sao cho xiết. Khi cha mẹ mình đã già yếu chỉ biết tựa dựa vào con cái, nhưng con cái lại cho đây là gánh nặng dẫn đến khinh khi bạc đãi. Sao người chẳng nhớ thủa ấu thơ ai là người dưỡng dục chở che? để rồi…khi cha mẹ mất đi lại khóc than kể lể, lúc ấy còn có nghĩa gì nữa đâu. Trên bàn thờ khói nhang nghi ngút, với tấm ảnh vô hồn của mẹ, của cha còn lại mà thôi!
Mẹ ơi !...khi mẹ mất đi con mới hiểu ra là mình đã mang tội và con đã khóc, mặc dầu con biết nước mắt con không thể đáp đền được ơn cha, nghĩa mẹ nữa rồi… mẹ ơi!
Và thế là có người cài lên khuy áo con một nụ bạch hồng, con mới thảng thốt nhận ra mình đã mất mẹ ...Mẹ ơi….!
Hoa đẹp đấy! cớ sao lòng mình lại hoảng sợ và giọt nước mắt kia sẽ chảy suốt cuộc đời….
Giờ đây con mới cảm nhận được sự cô đơn trống vắng khi thiếu tình thương vô bờ của cha mẹ. Ai? sẽ là người dỗ dành an ủi, ai sẽ nâng đỡ khi dòng đời xô đẩy?. Chỉ có cha mẹ là hi sinh tất cả vì con mà không hề đòi hỏi đáp đền. Đến bây giờ con mới nhận ra, cha mẹ là bến đỗ bình yên, là cội nguồn yêu thương hạnh phúc. Không cha, không mẹ là nỗi đau khôn cùng không gì có gì bù đắp được.
Hạnh phúc khi ai còn cha, còn mẹ và hạnh phúc cho những ai còn được cài lên khuy áo mình bằng bông hồng đỏ thắm.
Hôm nay cũng như bao lần dừng chân trên phố nhỏ ngã nón, nghiêng mình vĩnh biệt chiếc xe tang, chợt trong lòng mình tự hỏi..?

Ai mất mẹ?
Sao lòng mình hoảng sợ? giọt nước mắt kia bao lâu nữa sẽ là mình?
Vu Lan – Mây vương, nắng nhạt, chiều tà mang theo những chiếc lá vàng rụng rơi lả tả, với những hàng mi ướt nhạt nhòa rơi lệ. Mẹ đã vĩnh biệt đi và đi mãi, nỗi đau quặn thắt. Mẹ ơi khi con nhìn thấy màu hoa trắng, nỗi đau bơ vơ mất mẹ lại ùa về như gió mùa đông lạnh lẽo.
Tiếng chuông chùa vang vọng ngân dài sâu thẳm. Theo tiếng chuông chùa con đi tìm mẹ, mẹ của con bây giờ ở đâu, mẹ ơi!.
Thế là một mùa Vu lan lại đến, con lại tìm mẹ trong ký ức. Con lại tìm mẹ trong nỗi nhớ thương vô hạn. Và con lại tìm mẹ trong cõi hư vô.
Ngày tháng thoi đưa tuổi xuân rồi sẽ qua mau, tuổi già sẽ tìm về gõ cửa. Tiền tài, của cải vật chất, địa vị rồi cũng sẽ phai tàn, nhưng tình yêu thương công đức sinh thành của cha mẹ không bao giờ phai nhạt. Mỗi chúng ta hãy làm tròn bổn phận chữ hiếu, làm tròn đạo con. Đừng để phút cuối của cuộc đời mới quay đầu hối tiếc thì đã quá muộn màng !

Viết cho mùa Vu Lan
Đối với mỗi người con của Phật, tháng Bảy Âm lịch là mùa Vu Lan báo hiếu. Đạo Phật du nhập vào Việt Nam, đã gặp mảnh đất màu mỡ, đó là những giá trị văn hóa ngàn đời của người Việt Nam. Những giá trị của bề dày và chiều sâu văn hóa Việt Nam lại gần gũi với tư tưởng của đạo Phật, vậy nên Phật giáo ăn sâu bén rễ trong lòng dân tộc. Một trong lễ lớn trong năm của Phật giáo là tháng Bảy, mùa Vu Lan báo hiếu.
Cùng với tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên là một trong 2 đệ tử hàng đầu của Phật Thích ca. Tôn giả Mục Kiền Liên được Đức Phật giao trọng trách Thống Lĩnh Tăng Đoàn sau khi Ngài chứng A La Hán, quả vị cuối cùng trong Tứ Thánh Quả. Đến Mục Kiền Liên, ngài cũng đắc quả A La Hán và trở thành nổi tiếng là bậc "Thần thông đệ nhất" trong hành Thanh văn đệ tử của Đức Phật. Theo kinh Vu Lan thì Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Khi ấy mẹ ngài là bà Thanh Đề đã qua đời nên ngài tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ của mình như thế nào. Mục Kiền Liên dùng phép thần thông nhìn thấu suốt đất trời và ngài thấy mẹ của mình bị đọa làm ngạ quỷ vô cùng đói khát khổ sở. Nguyên mẹ ngài, vốn gây nhiều ác nghiệp nên khi chết đi đã bị quả báo. Thấy mẹ đói khát khổ sở, ngài đã dùng thần thông đem cơm xuống tận địa ngục dâng cho mẹ mình. Vì lửa tham nổi lên thiêu đốt, bà Thanh Đề, mỗi khi đưa thức ăn gần tới miệng thì thức ăn ấy liền biến thành lửa đỏ. Cũng theo kinh Vu Lan Bồn, Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ của mình, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

Câu chuyện cảm động về người con hiếu hạnh Mục Kiền Liên đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận suốt mấy nghìn năm qua. Phật giáo truyền đến đâu, thì cùng với tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha, những người con của Đức Phật noi theo tấm gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên để luôn luôn sống đúng với hiếu hạnh của những người con hiếu hạnh. Rằm tháng Bảy, những ngôi chùa theo Phật giáo Bắc tông tổ chức lễ Vu Lan có nghi thức bông hồng cài áo. Những ai may mắn còn cả cha cả mẹ sẽ sung sướng được cài lên ngực áo bông hồng màu đỏ. Những ai mất cha còn mẹ thì cài hoa hồng đỏ có một lá xanh. Những ai không may mất mẹ còn cha thì cài hoa hồng trắng có một lá xanh. Còn, những ai mất cả cha và mẹ thì cài hoa hồng trắng không có lá. Bởi vậy cho nên những ai may mắn còn cả cha mẹ sẽ tự hào nhìn vào bông hồng màu đỏ ở ngực để rồi yêu cha mẹ mình nhiều hơn. Những ai không may mắn khi không còn có mẹ, có cha sẽ nhìn vào màu của bông hồng cài trên ngực áo để thổn thức, để nhớ thương. Những giọt nước mắt nhớ thương cha mẹ đã qua đời ướt đẫm khuôn mặt sẽ có tác dụng như những giọt nước rửa sạch tâm hồn để cho tâm hồn con người trong trẻo hơn, nhân hậu hơn. Vậy nên, nhưng ai có may mắn biết đến một ngôi chùa nào đó xin đừng bỏ lỡ ngày lễ Vu Lan. Đến đó, hòa mình trong mùi hương trầm phảng phất linh thiêng, ta sẽ được sống trong nhiều cung bậc cảm xúc, trong đó có cung bậc cảm xúc dạt dào của yêu thương, của lòng biết ơn công sinh thành dưỡng dục.

“Mẹ già như chuối ba hương, Như xôi nếp một như đường mía lau” (Khuyết danh). Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng cảm xúc trong “Bông hồng cài áo”: “Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên... Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ... Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ”.

“Ðóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.!" (Thích Nhất Hạnh). Còn những ai mất mẹ, mất cha, mùa Vu Lan nhớ mẹ cha sẽ sống tốt hơn, sống có ích hơn để những người đã ra đi mãi được yên lòng. Và, “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không...”. Một mùa Vu Lan nữa lại về, xin cầu chúc cho tất cả mỗi người có một mùa Vu Lan an lành và hạnh phúc

 

 


 
Tin Việt Nam Hôm Nay
CPJ Lên Án CSVN Tuyên Nhà Hoạt Động- Youtuber Nguyễn Chí Tuyến 5 Năm Tù

 
(Hình AFP: Ông Nguyễn Chí Tuyến trả lời phỏng vấn hãng tin AFP hôm 19/7/2017.)
-Ngay sau khi tòa Hà Nội trong ngày 15/8/2024 tuyên 5 năm tù cho nhà hoạt động xã hội dân sự và YouTuber nổi tiếng, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ra thông cáo lên án biện pháp đó của Cộng sản Việt Nam.
CPJ đồng thời kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay và vô điều kiện cho ông Nguyễn Chí Tuyến. Trước phiên xử một ngày, tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) cũng có kêu gọi tương tự.
CPJ nhắc lại việc tòa Hà Nội tuyên ông Nguyễn Chí Tuyến, người bị bắt hôm tháng 2 vừa qua, vi phạm Điều 117 Bộ luật Hình sự CSVN.

Ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ tại khu vực Đông Nam Á, nêu rõ trong thông cáo rằng "Việc kết án ông Nguyễn Chí Tuyến là vi phạm trắng trợn mới nhất (của Hà Nội) đối với quyền tự do báo chí tại Việt Nam. Chiến dịch liên lỉ bịt miệng các nhà báo phải chấm dứt".
CPJ gửi điện thư đến Bộ Công an CSVN yêu cầu bỉnh luận về biện pháp kết án ông Nguyễn Chí Tuyến như vừa nêu; nhưng chưa nhận được trả lời.
Thống kê thường niên mới nhất của CPJ cho thấy Cộng sản Việt Nam là quốc gia tồi tệ thứ năm trên thế giới về việc bỏ tù các nhà báo. Tính đến ngày 1 tháng 12 năm 2023, có ít nhất 19 nhà báo bị giam cầm ở Việt Nam.


Đại Học Fulbright Việt Nam Phản Hồi Cáo Buộc Là "Ổ Dạy Làm Cách Mạng Màu"

 
(Hình REUTERS, minh họa: Bà Hilary Clinton, lúc bấy giờ là Ngoại trưởng Mỹ, phát biểu trong buổi chào mừng kỷ niệm 10 năm chương trình Fulbright tại Việt Nam ở trường Đại học Ngoại thương Hà Nội vào ngày 10/7/2012.)
-Fulbright, trường Đại học quốc tế ở Việt Nam do Mỹ tài trợ, có phản hồi sau khi bị các trang mạng thân chính phủ nhắm mục tiêu chỉ trích là "nơi đào tạo ra những người làm cách mạng đường phố".
Ngày 14/8, trường Đại học Fulbright Việt Nam ra tuyên bố chính thức trên trang Facebook "Fulbright University Vietnam" về thông tin sai lệch gần đây trên mạng xã hội về trường.

Trang FB có hơn 100 ngàn lượt thích và 112 ngàn người theo dõi (có dấu tích xanh) cho hay, đã có một số tuyên bố sai lệch và gây kích động về Trường Đại học Fulbright Việt Nam và cộng đồng Fulbright đã được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội với ngôn ngữ xúc phạm những ngày qua.
Dù không cho biết những tuyên bố này là gì tuy nhiên, trường Đại học này nói "các kênh truyền thông chính thức của Fulbright cũng đã bị nhắm đến".
Đại học Fulbright Việt Nam gọi các tuyên bố này là "thông tin sai lệch với mục đích thao túng" nhằm lan truyền các thông tin sai sự thật về trường.
"Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc cố tình lan truyền thông tin sai lệch này và những tổn thương do hành động này gây ra cho các cá nhân hữu quan", thông cáo khẳng định.

Đại học Fulbright Việt Nam nhắc lại việc thành lập trường hồi năm 2016 là "kết quả của thiện chí hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Hoa Kỳ với sự ủng hộ mạnh mẽ liên tục từ các lãnh đạo cao nhất của hai nước", đồng thời khẳng định, "tôn chỉ giáo dục của Fulbright được xây dựng dựa trên cam kết phụng sự Việt Nam và tôn trọng tuyệt đối luật pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".
Nhà trường cho hay họ đã gửi công văn tường trình đến các cơ quan chức năng để yêu cầu điều tra và hỗ trợ và sẽ tiếp tục giải quyết tình huống này "một cách chủ động, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam".
Sự việc bắt nguồn từ việc bà Sheikh Hasina, Thủ tướng Bangladesh hôm 5/8 từ chức và rời bỏ đất nước sau vài tuần biểu tình của sinh viên và người dân phản đối quyết định của chính phủ về hạn ngạch tuyển công chức, trong đó có ít nhất 300 người thiệt mạng.
Các trang mạng xã hội thân chính phủ Việt Nam khi đưa tin về sự kiện diễn ra tại Bangladesh mô tả những cuộc biểu tình đòi quyền lợi của người dân thành những cuộc bạo loạn đầy bạo lực, tàn phá nền kinh tế và gây rối an ninh, trật tự tại quốc gia láng giềng của Ấn Độ.


Bộ Nội Vụ Kiểm Tra Đột Xuất Một Số Nhà Tu Hành Tôn Giáo Tại Ba Tỉnh, Thành

 
(Hình vov.vn: Ông Thích Chân Quang bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại chùa Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm.)
-Một số chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Sài Gòn bị kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật.
Bộ Nội vụ cho biết nội dung trên tại văn bản trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Truyền thông nhà nước loan trong ngày 15/8/2024.
Theo Bộ Nội vụ, động thái trên là do nhiều cử tri tại Bà Rịa-Vũng Tàu phản ánh, gần đây trên không gian mạng xuất hiện nhiều vị tu sĩ thuyết pháp mang tính mê tín dị đoan, chê bai nghề nghiệp của người dân và đi ngược giáo lý nhà Phật, gây phản cảm và bức xúc trong cộng đồng. Việc này diễn ra thường xuyên, kéo dài nhưng chưa có cơ quan nào làm việc, nhắc nhở hay xử lý. Do đó, cử tri đề nghị Bộ Nội vụ có giải pháp quản lý và xử nghiêm các trường hợp trên.

Qua đề nghị trên, Bộ Nội vụ đã phối hợp với một số Bộ, ngành có liên quan thành lập ba đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đối với một số chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Sài Gòn. Kết quả kiểm tra, Bộ Nội vụ nói sẽ báo cáo và đề xuất Thủ tướng.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ đã giao Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (quốc doanh) đề nghị thẩm tra, xác minh, làm rõ các trường hợp phát ngôn, thuyết giảng của chức sắc Phật giáo lan truyền trên các trang mạng xã hội không đúng với giáo lý, giáo luật, truyền thống văn hóa của Phật giáo và lịch sử của dân tộc Việt Nam. Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đề nghị xử lý nghiêm đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành Phật giáo vi phạm một trong các nội dung nêu trên.

Thời gian qua, Bộ Nội vụ cho biết đã bị xử lý hai trường hợp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là ông Thích Chân Quang (trụ trì chùa Phật Quang, ở thị xã Phú Mỹ) và ông Thích Nhuận Đức (thuộc tổ đình Hộ Pháp).
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với lãnh đạo một số tổ chức tôn giáo, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam để tăng cường quản lý chức sắc, chức việc, nhà tu hành; kịp thời có biện pháp chấn chỉnh các hoạt động lệch chuẩn nhằm đảm bảo đúng quy định Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo và pháp luật của Nhà nước.


Gói Tín Dụng Mới 30 Ngàn Tỉ đồng Được Nghiên Cứu

 
(Hình Tiền Phong: Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tính đến hết tháng 7/2024 được cho biết đạt 373.010 tỉ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với khi bắt đầu thực hiện.)
-Bộ Xây dựng Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khác nghiên cứu, xây dựng gói 30.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội rồi giao cho Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện. Mục tiêu cụ thể là cho vay để mua, thuê, xây dựng, sửa chữa nhà ở xã hội.
Yêu cầu vừa nêu của ông Phạm Minh Chính được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với tín dụng chính sách xã hội diễn ra hôm 14/8 ở Hà Nội.

Số tiền cho gói tín dụng 30.000 tỉ đồng được cho biết sẽ gồm 15.000 tỉ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tính đến hết tháng 7 năm 2024 được cho biết đạt 373.010 tỉ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với khi bắt đầu thực hiện.
Thống kê đưa ra nói trong thập niên qua, gần 13 triệu lượt khách hàng được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để kinh doanh, tạo công ăn việc làm; 167 ngàn lượt khách hàng vay xây dựng nhà ở; gần 7 triệu lượt vay để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.


Tỉnh Bắc Ninh Trong 7 Tháng Đầu Năm Nay Đã Cấp Giấy Chứng Nhận Đầu Tư Mới Cho Hơn 100 Dự Án

-Tỉnh Bắc Ninh trong bảy tháng đầu năm nay đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 102 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1,6 tỉ Mỹ kim. Trong số này có 78 dự án có vốn đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,35 tỉ Mỹ kim; 23 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 5.723 tỉ đồng.
Thông tin vừa nêu do Ban Quản lý Các Khu Công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đưa ra và truyền thông loan đi.
Ngoài số giấy chứng nhận đầu tư mới, tỉnh Bắc Ninh còn điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 329 lượt dự án đầu tư; trong số này có 86 lượt điều chỉnh về vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm 1,5 tỉ Mỹ kim.

Bên cạnh đó Ban Quản lý Các Khu Công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cũng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho hơn 2.000 dự án thứ cấp đến từ 37 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong số này có hơn 1.400 dự án có vốn FDI và 622 dự án trong nước.
Trong quý III, Ban Quản lý Các Khu Công nghiệp tỉnh Bắc Ninh dự kiến làm việc với khoảng 100 lượt nhà đầu tư và thu hút khoảng 100 dự án thứ cấp đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh đạt khoảng 1,2 tỉ Mỹ kim.

Bình Thuận: Sở Tài Nguyên và Môi Trường Đề Nghị Công An Vào Cuộc Điều Tra Sai Phạm Đất Đai Tại Hàm Tân

 
(Hình báo Bình Thuận: Một khu đất chuyển mục đích sai quy định tại Hàm Tân mà Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh đang xác minh làm rõ.)
-Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Thuận kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh khởi tố để điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc chuyển mục đích sai quy định hơn 45.000 mét vuông đất tại huyện Hàm Tân.
Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Thuận được tờ Pháp luật dẫn lời xác nhận trong ngày 15/8/2024, đã có văn bản tiếp nhận kiến nghị khởi tố của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận.

Trước đó, trong ngày 23/7, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận đã chuyển kết luận thanh tra và tài liệu liên quan về việc chấp hành các quy định pháp luật về chuyển mục đích sử dụng đất đối với Ủy ban Nhân dân huyện Hàm Tân.
Kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường nêu kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Thuận điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 229 và Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) xảy ra tại Ủy ban Nhân dân huyện Hàm Tân; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hàm Tân, Chi cục thuế khu vực Lagi - Hàm Tân.
Cụ thể, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hàm Tân chuyển thiếu thông tin địa chính hoặc sai thông tin địa chính, dẫn đến Chi cục Thuế ban hành Thông báo nộp tiền sử dụng đất không dùng quy định chín trường hợp, trong đó sáu trường hợp người sử dụng đất nộp thiếu tiền vào ngân sách nhà nước với số tiền hơn 118 triệu đồng và ba trường hợp người sử dụng đất nộp dư tiền vào ngân sách nhà nước hơn 100 triệu đồng.

Chi cục thuế khu vực Lagi - Hàm Tân ban hành Thông báo nộp tiền sử dụng đất bốn trường hợp không đúng quy định, dẫn đến người sử dụng đất nộp thiếu tiền vào ngân sách nhà nước hơn 120 triệu đồng.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân huyện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 38 trường hợp với tổng diện tích hơn 45 nghìn m2 từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp không đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
Liên quan đến sai phạm này, vào tháng 3/2023, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận đã quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Văn Quý Ngọc, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy; nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hàm Tân (ông Ngọc xin thôi giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy Hàm Tân từ tháng 7/2022).
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng ra quyết định cảnh cáo đối với ông Trác Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hàm Tân.


Thanh Tra Chính Phủ Kiến Nghị Xử Lý Trách Nhiệm Lãnh Đạo Tỉnh Gia Lai Sai Phạm Trong Quản Lý Đất Đai

 
(Hình TPO, minh họa: Huyện Chư Sê đã bị thanh tra phát hiện sai phạm về quản lý đất đai.)
-Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn có liên quan về những vi phạm liên quan đến trách nhiệm quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.
Đó là nội dung trong thông báo kết luận thanh tra về việc thanh tra trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân tỉnh trong quản lý, sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Truyền thông loan trong ngày 15/8.
Nội dung Kết luận của Thanh tra Chính phủ không nêu cụ thể những cá nhân nào vi phạm đề nghị kiểm điểm, tuy nhiên nhấn mạnh những sai phạm trên thuộc trách nhiệm tập thể lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, tập thể lãnh đạo các sở, ngành, tập thể lãnh đạo thành phố Pleiku, các huyện, thị xã, đơn vị đã được thanh tra gồm An Khê, Ayun Pa, Đắc Đoa, Chư Sê, Chư Prông, Đức Cơ, Kbang và Ia Grai.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn có liên quan về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra. Đồng thời Thanh tra Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện, khắc phục, xử lý đối với các tồn tại, vi phạm đã được nêu tại Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ.
Cũng theo nội dung thông báo, Thanh tra Chính phủ còn đề nghị lãnh đạo tỉnh Gia Lai kiểm tra, rà soát 172 hồ sơ dự án đã được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhất là các dự án sử dụng đất vào mục đích thương mại, dịch vụ, nhà ở, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; việc miễn tiền thuê đất đối với các tổ chức trên địa bàn tỉnh để tránh làm thất thu ngân sách nhà nước.


Tàu Hải Quân Gia Nã Ðại Cập Cảng Sài Gòn Bắt Đầu Chuyến Thăm Hữu Nghị Việt Nam

 
(Hình Người Lao Động: Tàu Hải quân Hoàng gia Gia Nã Ðại - HMCS Montréal cập Cảng Nhà Rồng tại Sài Gòn vào sáng ngày 15/8/2024.)
-Tàu Hải quân Hoàng gia Gia Nã Ðại - HMCS Montréal vào sáng ngày 15/8/2024 cập Cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Việt Nam cho đến ngày 19/8.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin cho biết tàu Montréal mang số hiệu 336 do Trung tá Travis Bain làm thuyền trưởng và trên tàu có 247 sĩ quan, thủy thủ.
Trong thời gian ở Cảng Nhà Rồng, đoàn sẽ thăm xã giao lãnh đạo Tp. HCM và Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Vùng 2 Hải quân Việt Nam.

Ngoài ra các thủy thủ tàu Montréal tham gia các hoạt động giao lưu hợp tác quân sự và ngoại giao; tham gia hỗ trợ cộng đồng, xây dựng quan hệ nhân dân.
Hồi năm 2019, tàu khu trục Regina và tàu tiếp vận hậu cần Asterix của Hải quân Hoàng gia Gia Nã Ðại cùng 240 thủy thủ đoàn thăm Việt Nam trong 3 ngày, từ ngày 10 đến ngày 13/6.
Đó là lần đầu tiên 2 chiếc tàu Regina và Asterix cập Cảng Cam Ranh, Việt Nam.


Tổng Bí Thư Kiêm Chủ Tịch Nước Tô Lâm Gặp Mặt Cựu Lãnh Đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam, Vắng Cựu Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc

-Sáng 15/8/2024, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt các cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, có mặt cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhưng không có sự hiện diện của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Theo tường thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam VOV, buổi gặp mặt của ông Tô Lâm còn có sự tham dự của cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Các lãnh đạo từ chức thời gian vừa qua trước khi ông Tô Lâm nắm giữ vị trí cao nhất như ông Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ... đều không có mặt mà không rõ nguyên nhân.
Trong buổi gặp, ông Tô Lâm nói về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, nhấn mạnh rằng Thường trực Tiểu ban Văn kiện cũng đã họp và thống nhất một số nguyên tắc, quan điểm, cách làm văn kiện Đại hội đảm bảo hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước trong những năm tới.


Việt Nam và Trung Quốc Chính Thức Thông Báo Chuyến Công Du Hoa Lục của Tổng Bí Thư Đảng CSVN-Chủ Tịch Nước Tô Lâm

-Vào ngày 15/8/2024, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức công bố chuyến công du Hoa Lục của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm.
Chuyến thăm kéo dài từ ngày 18 đến 20/8 của ông Tô Lâm và Phu nhân được cho biết theo lời mời của Tổng Bí thư đảng Cộng sản-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân.
Hôm 12/8 vừa qua, hãng tin Reuters loan tin Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm sẽ công du Trung Quốc vào tuần tới. Đây là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên trong cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam của ông này.

Hãng tin Reuters dẫn 3 nguồn tin thông thạo về chuyến công du của ông Tô Lâm gồm 2 viên chức Việt Nam và một nhà ngoại giao tại Hà Nội. Cả 3 nguồn đều không muốn nêu danh vì lúc đó chuyến đi chưa được chính thức công bố. Tuy nhiên cả ba cho biết cụ thể ông Tô Lâm có kế hoạch đến Trung Quốc vào ngày 18/8. Trong hai ngày sau đó ông Tô Lâm sẽ hội kiến Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, rồi có những cuộc gặp với những viên chức Trung Quốc khác.
Cả Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc đều không trả lời yêu cầu bình luận về tin vừa nêu mà hãng tin Reuters gửi đến.
Theo hãng tin Reuters, động thái công du Trung Quốc đầu tiên trong cương vị Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam của ông Tô Lâm khẳng định mối quan hệ gần gũi giữa hai lân bang theo chủ nghĩa Cộng sản Trung Hoa, Việt Nam.
Hai nước có mối quan hệ kinh tế, thương mại phát triển tốt; mặc dù đôi lúc có xung đột về lãnh hải tại Biển Đông.


Liên Hiệp Quốc Đề Nghị Việt Nam, Thái Lan Giải Trình Về Việc Hai Nước Hợp Tác Dẫn Độ Người Thượng Tị Nạn

 
(Hình Lê Văn Thương: Người Việt tị nạn tại Thái Lan tuần hành trước văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, ngày 19/4/2023.)
-Hai nhóm công tác và hơn 10 báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc vừa yêu cầu chính phủ Cộng sản Việt Nam và Thái Lan giải trình về những "nỗ lực gây quan ngại" của Hà Nội trong việc cưỡng ép hồi hương người Thượng tị nạn ở Thái Lan và khả năng hợp tác của Vọng Các trong những nỗ lực đó.
Trong hai bức thư riêng rẽ cùng đề ngày 14/6/2024 gửi đến chính phủ hai nước, các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhắc lại các sự kiện gần đây khiến họ quan ngại.
Một đoàn công tác của Bộ Công an CSVN, trong đó có Giám đốc công an tỉnh Gia Lai, vào ngày 14/3/2024, đã đến những khu dân cư tập trung đông người Thượng tị nạn ở phía Bắc thủ đô Vọng Các và được cảnh sát Thái Lan cũng như nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tháp tùng, bức thư mô tả. Thư dẫn lời những người tị nạn cho biết thêm rằng phái đoàn này đã "thẩm vấn và gây áp lực buộc họ trở về Việt Nam".

Phái đoàn Việt Nam tố cáo nhóm người tị nạn đã rời khỏi Việt Nam bất hợp pháp, nhưng hứa sẽ khoan hồng và hỗ trợ cho việc hồi hương, đồng thời đe dọa sẽ bắt giữ và sẽ áp dụng các hành vi xử lý khác nếu họ từ chối hồi hương.
Một ngày trước đó, hôm 13/3/2024, Bộ trưởng Bộ Công an CSVN đã gặp gỡ đại diện chính phủ Thái Lan, bàn về đề xuất thỏa thuận dẫn độ song phương, vẫn theo thư yêu cầu giải trình của Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện, Nhóm công tác về việc mất tích cưỡng bách hoặc không tự nguyện và hơn 10 Báo cáo viên Đặc biệt Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, sau các vụ việc trước đây liên quan đến các nhà hoạt động chỉ trích chính phủ như blogger Đường Văn Thái và nhà báo Trương Duy Nhất được cho là bị an ninh Việt Nam bắt cóc ở Thái Lan và đưa về Việt Nam cầm tù cũng khiến cho những người Thượng tị nạn lo sợ vì việc này có thể xảy với họ, bức thư ghi nhận.

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ sự "quan ngại đặc biệt" về trường hợp của ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công lý (MSFJ), bị chính phủ Thái Lan bắt giam ngày 11/6/2024 sau khi ông bị chính quyền Việt Nam xử vắng mặt 10 năm tù với cáo buộc "khủng bố".
"Có nhiều lý do để tin rằng vụ bắt giữ này được thực hiện liên quan đến yêu cầu dẫn độ từ Việt Nam về bản án 10 năm tù vì tội 'khủng bố' và nếu ông bị buộc phải trở về Việt Nam, tính mạng của ông có thể bị đe dọa", bức thư viết.
Riêng trong bức thư gửi chính phủ Việt Nam, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc còn yêu cầu giải trình lý do mà Bộ Công an CSVN đã liệt nhóm Người Thượng vì Công lý (MSFJ) vào danh sách tổ chức khủng bố ngày 6/3/2024; điều tra về cái chết bất thường của thầy truyền đạo Y Būm Byă ngày 8/3/2024 ở Đắc Lắc; cũng như tình trạng đối xử người Thượng ở Tây Nguyên và liệu việc đối xử như thế có phù hợp với các quyền căn bản như quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, quyền của người bản địa, tự do biểu đạt, tự do nhóm họp...
Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) đã liên lạc với Bộ Ngoại giao CSVN và Bộ Ngoại giao Thái Lan, đề nghị họ đưa ra bình luận về văn thư yêu cầu giải trình của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, nhưng chưa được trả lời.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khu vực Đông Nam Á nói trong một thông cáo hôm 13/8 rằng đã quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày văn thư của các chuyên gia nhân quyền được gửi đi, nhưng cả hai chính phủ Việt Nam và Thái Lan đều chưa phản hồi.
Ý Kiến của Giới Hoạt Động
Giới tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo Việt Nam bày tỏ rằng những người Việt tị nạn tại Thái Lan cảm thấy bất an trước sự cộng tác ngày càng thắt chặt giữa Hà Nội và Vọng Các trong lĩnh vực an ninh.
"Tôi nhận thấy chính quyền Việt Nam và Thái Lan hợp tác ngày càng chặt chẽ và tôi cũng không hiểu vì sao chính quyền Thái Lan lại nghe theo lời yêu cầu của chính quyền Việt Nam như vậy", mục sư A Ga ở tiểu bang North Carolina, Mỹ, chia sẻ quan điểm cá nhân với VOA. "Chúng tôi thấy cảnh sát Thái Lan thường truy lùng anh em tị nạn tại Thái Lan, đặc biệt là những nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền".
Nhà hoạt động Lê Văn Thương đang tị nạn chính trị tại Thái Lan đưa ra quan sát của ông với VOA rằng chính phủ Việt Nam đang ngày càng hợp tác chặt chẽ với chính phủ Thái Lan để bắt người tị nạn hồi hương.
"Mối hợp tác giữa an ninh Việt Nam và Thái Lan càng ngày càng lớn hơn và như vậy càng gây thêm sự nguy hiểm cho người tị nạn", ông Lê Thương nói. "Nhiều người sống trong nước thì không được nên sang bên Thái Lan tị nạn, mà sang đây thì cảm thấy bất an và lo lắng".

Vào cuối tháng 4/2024, đài truyền hình Gia Lai đưa tin rằng Thiếu tướng Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cùng đoàn công tác của Bộ Công an CSVN có chuyến công tác sang Thái Lan để "gặp gỡ" những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.
Đài này đưa tin rằng ông Lâm "đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con" và khẳng định rằng những ai có nhu cầu trở về Việt Nam, Đảng, Nhà nước và đồng bào quê hương "sẵn sàng đón nhận".
Ngoài ra, đài này còn cáo buộc rằng một số đối tượng trong các "tổ chức phản động" đã xuyên tạc rằng đoàn công tác này sang yêu cầu bà con về nước, "tới đây chuẩn bị cho một cuộc bắt bớ, xử lý những người hồi hương".

Hồi tháng 12/2023, báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin rằng trong thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an CSVN và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan "không ngừng phát triển". Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục thực hiện cam kết không để cho bất kỳ cá nhân tổ chức nào lợi dụng lãnh thổ nước này để chống phá nước kia và ngược lại.
Ngoài ra, trang báo đảng còn cho hay rằng hai bên sẽ tiếp tục duy trì trao đổi đoàn các cấp về phòng, chống tội phạm; trao đổi thông tin về tình hình tội phạm, phương thức thủ đoạn phạm tội, các nguy cơ đe dọa an ninh trật tự của mỗi nước.


Nghiên Cứu: Cháy Rừng Đang Gia Tăng Do Biến Đổi Khí Hậu, và Khói Đe Dọa Sức Khỏe Công Nhân Nông Trại

 
(Hình AP: Cháy rừng tại California, Hoa Kỳ.)
-Khi cháy rừng thiêu rụi những vùng đất ở vùng sản xuất rượu vang Sonoma County vào năm 2020, khiến tro bụi bay mù mịt và làm không khí ngột ngạt vì khói, thì bà Maria Salinas hoàn tất việc thu hoạch nho.
Nước bọt của bà chuyển sang màu đen do hít phải chất độc, cho đến một ngày bà gặp vấn đề về hô hấp đến mức phải đưa đi cấp cứu. Khi cảm thấy khỏe hơn, bà quay lại làm việc ngay khi đám cháy vẫn tiếp diễn.
"Điều thúc đẩy chúng tôi làm việc là sự cần thiết", bà Salinas nói. "Chúng tôi luôn tự đặt mình vào nguy hiểm vì sự cần thiết, dù là hỏa hoạn hay thảm họa, khi thời tiết thay đổi, khi trời nóng hay lạnh".

Khi biến đổi khí hậu làm tăng tần suất và cường độ của các vụ cháy rừng trên toàn thế giới, một nghiên cứu mới cho thấy những công nhân nông trại đang phải trả giá đắt khi phải tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao. Và tại Quận Sonoma, trọng tâm của nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một chương trình nhằm xác định thời điểm an toàn để làm việc trong thời gian xảy ra cháy rừng đã không bảo vệ đầy đủ cho những công nhân nông trại.
Họ khuyến nghị một loạt các bước để bảo vệ sức khỏe của người lao động, bao gồm theo dõi chất lượng không khí tại nơi làm việc, các yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với người sử dụng lao động, các kế hoạch khẩn cấp và đào tạo bằng nhiều ngôn ngữ, kiểm tra sức khỏe sau khi tiếp xúc và trả tiền rủi ro.

Những công nhân nông trại đang "trải qua những gì mà phần còn lại của chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu", ông Max Bell Alper, Giám đốc điều hành của liên minh lao động North Bay Jobs with Justice, cho biết hôm 14/8 trong một hội thảo trực tuyến dành riêng cho nghiên cứu, được công bố vào tháng 7 trên tạp chí GeoHealth. "Và tôi nghĩ theo nhiều cách, điều đó tương tự như những gì đang xảy ra trên khắp cả nước. Những gì chúng ta đang trải qua ở California hiện đang xảy ra ở khắp mọi nơi".
Những công nhân nông trại phải đối mặt với áp lực rất lớn khi phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Nhiều người nghèo và không được trả lương nếu không làm việc. Những người khác nhập cư bất hợp pháp vào đất nước dễ bị tổn thương hơn vì trình độ tiếng Anh hạn chế, thiếu phúc lợi, bị phân biệt đối xử và bóc lột. Những thực tế này khiến họ khó có thể đấu tranh cho điều kiện làm việc tốt hơn và các quyền cơ bản.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ các vụ cháy Glass and LNU Lightning Complex năm 2020 ở Quận Sonoma, miền bắc California, một khu vực nổi tiếng với rượu vang. Trong những vụ cháy đó, nhiều công nhân nông trại vẫn tiếp tục làm việc, thường là ở những khu vực di tản được coi là không an toàn cho người dân nói chung. Vì khói và tro có thể làm ô nhiễm nho, nên những người trồng nho phải chịu áp lực ngày càng tăng để đưa công nhân vào các cánh đồng.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu chất lượng không khí từ một màn hình AirNow duy nhất, do Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) vận hành và được sử dụng để cảnh báo công chúng về mức độ không an toàn, và 359 màn hình từ PurpleAir, nơi cung cấp các cảm biến mà mọi người có thể lắp đặt trong nhà hoặc doanh nghiệp của họ.

Từ ngày 31 tháng 7 đến ngày 6 tháng 11 năm 2020, cảm biến AirNow đã ghi lại 21 ngày ô nhiễm không khí mà EPA coi là không lành mạnh đối với các nhóm nhạy cảm và 13 ngày chất lượng không khí kém không lành mạnh đối với tất cả mọi người. Các màn hình PurpleAir đã phát hiện ra 27 ngày không khí mà EPA coi là không lành mạnh đối với các nhóm nhạy cảm và 16 ngày không khí độc hại đối với tất cả mọi người.
Và trong một số trường hợp, khói còn tệ hơn vào ban đêm. Đó là một chi tiết quan trọng vì một số chủ lao động yêu cầu công nhân nông trại làm việc vào ban đêm một phần là do nhiệt độ mát hơn và khói ít tập trung hơn, ông Michael Méndez, một trong những nhà nghiên cứu và là phụ tá Giáo sư tại Đại học California-Irvine cho biết.
"Hàng trăm công nhân nông trại đã tiếp xúc với chất lượng không khí độc hại của khói cháy rừng và điều đó có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của họ", ông nói. "Không có bất kỳ hoạt động giám sát nào sau khi tiếp xúc với những công nhân nông trại này".

Các nhà nghiên cứu cũng đã xem xét chương trình Thẻ nông nghiệp của quận, cho phép công nhân nông trại và những người khác trong ngành nông nghiệp vào các khu vực di tản bắt buộc để thực hiện các hoạt động thiết yếu như tưới nước hoặc thu hoạch mùa màng. Họ phát hiện ra rằng quy trình chấp thuận thiếu các tiêu chuẩn rõ ràng hoặc các giao thức đã thiết lập và các yêu cầu của đơn đăng ký ít được thực thi. Ví dụ, trong một số trường hợp, đơn đăng ký không bao gồm số lượng công nhân tại các công trường và không có địa điểm làm việc chi tiết.
Bà Irva Hertz-Picciotto, Giáo sư Khoa học Sức khỏe Cộng đồng tại Đại học California-Davis, người không tham gia nghiên cứu, cho biết các triệu chứng hít phải khói cháy rừng – khó chịu trong mắt, ho, hắt hơi và khó thở – có thể bắt đầu chỉ sau vài phút tiếp xúc với khói có chứa các hạt mịn.
Việc tiếp xúc với những hạt nhỏ này, có thể đi sâu vào phổi và máu, đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc nhiều tình trạng sức khỏe như bệnh tim và phổi, hen suyễn và trẻ sanh nhẹ cân. Tác động của nó sẽ trầm trọng hơn khi nhiệt độ quá cao cũng xuất hiện. Một nghiên cứu khác gần đây phát hiện ra rằng việc hít phải các hạt nhỏ từ khói cháy rừng có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.

Bà Anayeli Guzmán, người cũng giống như bà Salinas đã làm việc để thu hoạch nho trong các vụ cháy ở Quận Sonoma, nhớ lại cảm giác mệt mỏi và nóng rát ở mắt và cổ họng vì khói và tro. Nhưng bà chưa bao giờ đến bác sĩ để kiểm tra sức khỏe sau khi tiếp xúc.
"Chúng tôi không có lựa chọn đó", bà Guzmán, người không có bảo hiểm y tế, nói trong một cuộc phỏng vấn. "Nếu tôi đi kiểm tra sức khỏe, tôi sẽ mất một ngày làm việc hoặc sẽ phải trả hóa đơn y tế".
Trong hội thảo trên web, bà Guzman cho biết thật "buồn khi chủ vườn nho chỉ lo lắng về nho" có thể bị ô nhiễm bởi khói, chứ không phải về việc khói ảnh hưởng đến người lao động như thế nào.
Một báo cáo khảo sát sức khỏe của công nhân nông trại do Đại học California-Merced và Khảo sát người lao động nông nghiệp quốc gia công bố vào năm 2021 cho thấy rằng ít hơn 1 trong 5 công nhân nông trại có bảo hiểm y tế do người sử dụng lao động cung cấp.
Bà Hertz-Picciotto cho biết những người làm nông là những người lao động thiết yếu vì nguồn cung cấp thực phẩm của quốc gia phụ thuộc vào họ.
"Về mặt đạo đức và sức khỏe, thật đáng chê trách khi tình hình trở nên tồi tệ và không có biện pháp nào được đưa ra để bảo vệ những người làm nông, và bài báo này thực sự quan trọng trong việc cố gắng đưa vấn đề đó ra ánh sáng bằng những khuyến nghị thực tế", bà nói.

 

*********

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.