Dec 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Trần Vấn Lệ – Sáng Như Xuân Muộn, Chiều Thu Nhạt Nhòa!
Phạm Hiền Mây * đăng lúc 11:37:33 AM, Jun 20, 2024 * Số lần xem: 169
Hình ảnh
#1

Phạm Hiền Mây:

TRẦN VẤN LỆ – SÁNG NHƯ XUÂN MUỘN,
CHIỀU THU NHẠT NHÒA!


                                                         Ảnh (Nguồn: http://phamtuongnhu.org/)


I/ TÁC GIẢ

1.
Trần Vấn Lệ sinh năm một ngàn chín trăm bốn mươi hai. Năm nay, hai ngàn không trăm hai mươi tư, nghĩa là, ông đã tròn tám mươi hai tuổi.

Quê hương ông ở Phan Thiết nhưng dạy học thì ở Đà Lạt. Năm một ngàn chín trăm tám mươi chín, ông định cư tại Hoa Kỳ.

Ngày nào, ông cũng làm thơ. Theo như thư ông viết cho tôi, số lượng thơ của ông, kể cả trước và sau một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, tạm tính cho đến nay, khoảng, mười ba ngàn bài.

Tôi xin ngưng ở đây một chút, vì tôi e rằng, bạn đọc đến chỗ này, sẽ ngạc nhiên và hoài nghi, có thiệt là nhiều như vậy không, và nhiều như vậy thì thơ có hay không.

Nếu một ngày, làm một bài thơ, thì mười năm, sẽ có khoảng ba ngàn sáu trăm năm mươi bài, bốn mươi năm làm thơ, thì con số mà ông cho tôi biết ở trên, mười ba ngàn bài, con số ấy hoàn toàn hợp lý.

Và, bài nào cũng hay. Ấy là đối với tôi. Chớ chuyện thơ thẩn, mỗi người mỗi cảm nhận, mỗi người mỗi thẩm định, mỗi người mỗi nhận xét và đánh giá. Những món ăn tinh thần, những khẩu vị tâm hồn, thì khó mà áp đặt lắm.

Còn về con số tác phẩm đã xuất bản, tôi chưa hỏi lại ông, nhưng đồ chừng, không thể dưới ba mươi đầu sách.

******

2.
Tôi biết Trần Vấn Lệ, chắc cũng đã hơn hai mươi năm có. Ngày chưa có facebook, tôi sinh hoạt ở nhóm Hùng Vương – Đà Lạt, anh Đỗ Nguyên Thắng (đã mất mấy năm nay), chính là người đưa thơ ông vào giới thiệu cho nhóm.

Đọc thơ ông, ngày ấy, tôi kinh ngạc vô cùng. Kinh ngạc vì lần đầu tiên, có một thứ thơ, được viết như một bài văn xuôi.

Đọc kỹ lại, tôi mới à lên một tiếng. Thì ra, nó là thể thơ vần, với những loại thơ bốn chữ, thơ năm chữ, thơ sáu chữ, thơ bảy chữ, thơ tám chữ, thơ lục bát, và được trình bày như một bài văn xuôi.

Tôi vô trang của anh, và chọn ra ở dưới đây, một ít bài, những bài được viết rất gần đây. Giới thiệu tác giả, không gì bằng lấy chính tác phẩm của họ, để mời bạn đọc cùng cảm. Tác phẩm, sẽ là lời khẳng định đáng tin cậy nhứt về tài năng của tác giả.


******

II/

1.
Bài này được đưa lên trang, mới hôm 01.06.24 vừa rồi. Tôi sẽ giữ y nguyên lối trình bày của tác giả. Các bạn hãy đọc nó theo thể thơ bốn chữ.

NGÀY ĐẦU THÁNG SÁU

Sinh nhật qua rồi, hôm nay tháng sáu. Đầu mùa nắng ráo, chưa ráo lòng thôi.

Vẫn là xa xôi. Nước Non ngàn dặm. Vẫn là buồn lắm, giống như buồn hơn.

Không có Quê Hương, thì tha hương mãi. Không nói trái, phải. Vì không ai nghe.

Mỗi ngày ngó xe, trên đường qua lại. Bạn bè trai gái, không còn hỏi han.

Bạn mất, mình thăm. Mình còn, không bạn.  Đến chim buổi sáng. Không nán công viên.

Nhiều chuyện mình quên, mà không quên tội. Biết đường là lối, lối nào cỏ hoa?

Bụi khói chan hòa, xót xa từng chặng. Bụi khói. Bụi phấn. Bụi bờ. Bụi tro.

Các em tuổi thơ, mắt tròn viên đạn, chớp mắt nhìn nắng, chớp mắt nhìn mưa.

Nửa thế kỷ qua, hôm nay tháng Sáu. Con đường rào rạo, tiếng sỏi cũng xưa.

Tôi làm bài thơ, này sao khô khốc? Có ai vuốt tóc, chải được thời gian?

Không ai vuốt tóc, chải được thời gian!

******

Thơ Trần Vấn Lệ là thơ tình. Khoan khoan đã bạn ơi, không phải thơ tình yêu đâu, mà là tình quê nhà, tình thương về cố xứ.

Ở xứ người, có chi vui. Nên, đến ngày sinh của mình, ông cũng chỉ cảm thán chuyện xa xôi, cảm thán chuyện nước non ngàn dặm. Nên, tháng sáu, mùa thì nắng ráo đấy, chỉ mỗi lòng ông, là còn ướt mà thôi. Nên, vẫn là buồn, như chẳng gì có thể buồn hơn.   

Rồi ông than, không có Quê Hương, thì tha hương mãi. Chữ Quê Hương ông nắn nót viết hoa, như tên riêng Cha Mẹ. Ông chỉ có thể nói trong thơ, nói với lòng ông thôi, chớ nói ra với người, thì giờ đây, có ai mà thèm nghe.

Mỗi ngày như vậy, ông chỉ có thể ngó xe, trên đường qua lại. Chớ bạn bè xưa, còn ai để hỏi để han. Bạn qua đời thì ông đi thăm, chớ ông sống đây, mà nào có bạn.  Đến con chim buổi sáng, hót xong, nó cũng chẳng nán lại công viên.

Bây giờ, cũng có nhiều chuyện nhớ nhớ quên. Biết đường còn gọi là lối, nhưng nếu hỏi, lối nào mới có cỏ hoa, thì ông chịu. Ông chỉ biết đời ông, từng chặng đời, xa xót; từng chặng đời, cát bụi, bụi khói, bụi phấn, bụi bờ, bụi tro.

Ông chỉ nhớ trẻ thơ Việt Nam, mắt tròn xoe viên đạn, chúng chớp mắt nhìn nắng, chúng chớp mắt nhìn mưa. Ông xa quê hương, cũng đã nửa thế kỷ rồi, tháng sáu đến, ông chợt nhớ con đường xưa, và tiếng sỏi.

Rồi ông buồn, ông tự vấn, bài thơ hôm nay, sao mà khô khốc? Có ai vuốt tóc, chải được thời gian không? Rồi tự ông trả lời, không thể.

******

2.
Đây là một bài thơ năm chữ, Trần Vấn Lệ vừa viết trong những ngày đầu tháng sáu vừa rồi.

THÁNG SÁU CHÂM ĐIẾU THUỐC TREO BUỒN LÊN NHÁNH CÂY

Tháng sáu ngày mồng bốn, mà buồn giống ba mươi. Còn hăm sáu ngày thôi, nửa năm đầu chấm dứt.

Marathon cán mức, sẽ cán mức bình thường. Hay là rất dễ thương, ai cũng mặt nhễ nhại.

Tưởng tượng người con gái, chạm sợi dây cuối cùng. Hai má của nàng hồng, ai để lòng thương quá.

Không có ai đâu cả. Một cuộc đua trong mơ. Tháng sáu ngày thứ tư. Mai thứ năm, thứ sáu.

Đường nào cũng là đạo. Khoảnh khắc đều thời gian. Số mệnh người giàu sang. Giống như người nghèo khổ.

Vẫn sinh lão bệnh tử. Vẫn nam mô a di đà. Vẫn những gì nói ra. Bắt đầu từ im lặng.

Ông Khổng Tử đi vắng, nhiều nhà dựng cho ông.  Đặt tên hay vô cùng: viện nghiên cứu Khổng Học.

“Về đâu hạt bụi vàng, thao thức theo bánh xe, lăn vòng khát khao”. Huy Cận, lòng nao nao. Tham sân si tiếp diễn.

Thích Minh Tuệ mất biến, trăng đầu tháng vừa tà. Xé mù sương tiếng gà, vang vang nghe rờn rợn.

Ai nhỏ rồi cũng lớn, đường sá rộng thênh thang. Đời là cánh đồng vàng, lúa trĩu hạt cúi xuống.

Con người thì tùy chọn, khiêm tốn hay kiêu căng. Thành hay bại đều mang, cái ý nghĩa kết cuộc.

Tháng sáu, châm điếu thuốc, treo buồn lên nhánh cây!

******

Tháng sáu ngày mồng bốn là ngày sinh nhật của ông, mà ông thấy, sao mà nó buồn giống ngày ba mươi tết. Ngày ba mươi tết ở xứ người, thì buồn là phải rồi, ông Lệ ơi. Rồi ông lẩm nhẩm tình, còn hăm sáu ngày nữa thôi, là nửa năm đầu chấm dứt.

Cuộc chạy đua trong đời sống này của mỗi người, sẽ cán mức bình thường, hay là sẽ nhễ nhại mồ hôi. Rồi ông tưởng tượng ra hình ảnh người con gái, chạm sợi dây cuối cùng là lên xe hoa, nhìn hai má của nàng hồng, mà ông chợt nghe lòng thương quá.

Tất cả những cuộc đua ấy, đều trong mơ thôi. Thời gian thì cứ dần trôi như thế, hết thứ tư, là thứ năm, thứ sáu. Đường nào cũng là đạo thôi, mà khoảnh khắc chính là thời gian, mà số mệnh, hoặc giàu sang, hoặc nghèo khổ.

Thì cũng đều sinh lão bệnh tử. Thì cũng vẫn nam mô a di đà. Thì cũng là những gì nói ra, bắt đầu như ông bây giờ, im lặng. Ông Khổng Tử ổng còn đâu, mà dựng nhiều nhà cho ổng vậy. Lại đặt những cái tên hào nhoáng, rỗng tuếch: viện nghiên cứu Khổng Học.

“Về đâu hạt bụi vàng, thao thức theo bánh xe, lăn vòng khát khao”, là Huy Cận, lòng nao nao; là tham sân si, vẫn còn đang tiếp diễn. Thích Minh Tuệ mất biến, trăng khi ấy cũng vừa tà, xé mù sương tiếng gà, vang vang nghe rờn rợn.

Ai nhỏ rồi cũng lớn, đường sá rộng thênh thang, đời là cánh đồng vàng, con người thì tùy chọn, khiêm tốn hay kiêu căng, thành hay bại đều như nhau, cuối cùng là chấm hết. Tháng Sáu, châm điếu thuốc, treo buồn lên nhánh cây!

Ông Lệ ơi, câu cuối cùng này hay quá!

******

3.
Bài thơ sáu chữ này, Trần Vấn Lệ viết vào ngày 12.05.24

HÔM NAY NGÀY CỦA MẸ

Phi trường một ngày rộn rịp
Mà không chỉ một phi trường
Con cái tứ xứ tứ phương
Trở về kịp ngày của Mẹ

Không phải là một ngày lễ
Chỉ là tục lệ mà thôi
Ngoài những ngày lễ biết rồi
Người ta bày thêm sự kiện

Người đi, chỗ đi quyến luyến
Người về, chỗ về luyến lưu
Cảnh mẹ và con hôn nhau
Cha đứng cạnh nhìn lau mắt

Cha còn một tháng lâu thật
Bây giờ thì cứ vui thôi
Một bó hoa hồng thật tươi
Nằm ngoan trong lòng của Mẹ

Trưa nay, rồi trưa, rồi xế
Nhà hàng chật ních cho coi
Người ta hát toàn bài vui
Mẹ con kể toàn chuyện nhớ

Tất cả các con đều nhỏ
Mẹ Cha là núi là sông
Cháu nội, cháu ngoại má hồng
Vui, mừng không toan không tính

Thương nhất những con đang lính
Chân mây, cuối biển không về
Có đây, thương người không có
Bao nhiêu cũng đã gia đình

Một ngày Chúa Nhật, một năm
Có thể kéo dài hai bữa
Lâu hơn thì cũng có thể
Đừng lâu quá mất việc làm.

******

Thơ Trần Vấn Lệ đơn giản thế thôi, là ghi chép lại những chuyện hàng ngày, không điều chi to tát. Ngày của Mẹ, phi trường nào cũng đông, phi trường nào cũng rộn rịp. Bởi vì con cái ở tứ xứ, tứ phương, ai cũng mau mau để trở về cho kịp.

Trong cách nhìn của tác giả, thì ngày của Mẹ là tục lệ hàng năm, hay nói đúng hơn, đó là sự kiện, mà cả lúc về thăm, lẫn lúc ra đi, đều gây niềm lưu luyến. Nhất là lúc chia tay, cảnh mẹ và con hôn nhau làm cha đứng cạnh bên, chỉ nhìn thôi, mà cũng rơi nước mắt.

Ngày của Cha thì còn một tháng nữa lận. Lâu gì mà lâu ghê. Nhưng thôi, bây giờ thì cứ vui thôi, kìa bó hoa hồng thật tươi đương nằm ngoan trong lòng của Mẹ. Cả ngày hôm nay, sáng trưa chiều gì, cũng nhà hàng chật ních. Người ta hát toàn bài vui và mẹ con thì kể toàn chuyện nhớ.

Tất cả các con, dù có lớn đến đâu, thì trong mắt mẹ cha, cũng đều là nhỏ nhít. Thấy cháu nội, cháu ngoại là bồng, lòng không bao giờ toan tính. Thương nhất trong nhà, là những đứa con đang còn quân ngũ. Hoặc chân mây, hoặc cuối biển, sao về? Thôi thì, có bao nhiêu đây, cũng đã đủ lắm, một gia đình.

Ngày của Mẹ, rơi vào ngày Chúa Nhật, mỗi năm một lần. Có kéo dài thêm mấy, thì các con cũng phải về thôi. Lâu quá, mất việc, các con à.

Thơ Trần Vấn Lệ, kiểu gì, thì cũng phải có chút ngậm ngùi, chút bùi ngùi của gặp gỡ rồi chia xa, của tụ rồi tan, của đông vui rồi ngay đó liền – trống vắng!

******

4.
Đây là một bài thơ bảy chữ, được trình bày theo dạng văn xuôi. Khi đọc, cứ sau bảy chữ thì các bạn ngắt thành một câu.

MẤY DÒNG KỂ CHUYỆN HÔM NAY

Hôm nay khác hẳn sáng hôm qua. Mới sáu giờ hơn, nắng chói lòa. Tin báo, Cali trời nóng lắm. Kim hàn thử biểu chắc bung ra.

Khi lạnh, than van, trời quá lạnh. Rồi bây giờ nóng, hết kêu chăng? Nghe ngoài Hà Nội mưa và sét. Sáng rực bầu trời, cõi tối tăm.

Vua mới nước ta vừa dính ghế. Thì non thì nước thế hay sao? Mỗi ngày tin tức xem mà nhức. Nửa thế kỷ rồi, như chiêm bao.

Vẫn biết có mơ là có mộng. Chiêm bao không phải ước mơ đâu. Nhà tan, cửa nát, người câm họng. Mấy triệu người đi đã tới đâu?

Cáo phó mỗi ngày trên báo đó. Nghẹn ngào người sống lúc thăm quê. Mồ cha mộ mẹ người bang hết. Đi, bởi vì đi, để trở về?

Nóng quá, nắng lên, trời đã nóng. Vài ngày suốt tháng, cứ đinh ninh. Ai giàu sang ở nhà cao, rộng. Mình chẳng ra chi, có phận mình.

Tôi muốn thơ tôi ngày mới đẹp. Tôi nhìn mấy đoạn, vẫn tâm tư. Mình là lính chiến, từ tan cuộc. Bốn chín năm, chưa thoát kiếp tù.

Tổ Quốc, hỡi ơi là Tổ Quốc. Quê người, lạc chợ với trôi sông. Em nghèo, thư viết xin vài chục. Ráng nhịn cho em, lệ mấy dòng.

Tha thứ cho tôi, người lính bại. Tha thứ cho tôi, thầy tháo giày. Hãy đứng cho tôi còn chỗ tựa. Hãy ngồi, tôi kể chuyện hôm nay.

******

Thế hệ của nhà thơ Trần Vấn Lệ, sống một quãng thời gian dài hai mươi năm tại miền Nam trước đây, vui rồi buồn, đoàn tụ rồi chia ly, hạnh phúc rồi khổ đau; dù họ có muốn buông bỏ tới đâu, dù họ có muốn ngừng nhớ, ráng quên tới đâu, thì kiểu gì, lâu lâu cũng cứ vòng về nhức nhối chuyện xưa.

Trời thì nóng. Người thì nực. Cả nước ngoài lẫn nước trong, nước nào cũng khổ. Chuyện chính trị thì rối ren. Chuyện kinh tế thì tuột dốc. Chuyện xã hội thì nhức nhối, đau lòng.

Cuộc đời thì như thể chiêm bao. Đi, có phải bởi vì đi là để trở về? Thơ muốn viết cho đẹp mà không sao đẹp được. Bài thơ đoạn nào đoạn nấy, vẫn tâm tư. Chợt ông nhớ đời ông từng lính chiến. Từ tan cuộc đến nay, vẫn ám ảnh kiếp tù.

Rồi tác giả buột kêu lên, Tổ Quốc, hỡi ơi là Tổ Quốc. Trôi nổi ở quê người, lạc chợ với trôi sông. Đứa em nghèo, thư viết xin vài chục. Ráng nhịn dành cho em, mà lệ mãi mấy dòng. Làm người lính thì là lính bại. Làm thầy giáo thì tháo giầy. Với lòng buồn, chỉ mong có người, nghe ông kể chuyện hôm nay!

******

5.
Đây là một bài thơ lục bát, mà tác giả Trần Vấn Lệ trình bày như một bài văn xuôi và có một nhan đề khá dài, được viết vào ngày 15.05.24

BỨC TRANH KHÔNG CÓ KHUÔN TRANH TỰA

ANH TỰA VÀO THƠ THƯƠNG NHỚ EM

Trời không nắng, trời không mưa. Trời âm u,
sáng tới trưa còn buồn. Cái buồn như nhện vương vương, mành tơ gió động giọt sương vướng vào. Cái buồn như nhánh lá chao, êm ru không tiếng động nào buông ra.

Buồn gần mà cũng buồn xa, vô duyên hay có duyên là thế thôi. Nhiều khi chữ chẳng có lời, câu thơ chép đó ngó trời thinh không.

Hôm nay viết được mấy dòng, ngó trang giấy thấy phượng rồng múa may. Tôi về lại tuổi thơ ngây, hay tôi chẳng có chi tay để cầm. Một ngày một tháng một năm, một thời gian cũng xa xăm tuyệt vời. Nước non tôi biết đổi dời. Kệ đi mình chẳng còn người Việt Nam. Bốn phương trời một không gian. Một Thiên Thu tựa như làn mây bay.

Em à
Anh nói với ai? Với em, không có, chỉ ngày âm u. Tháng Năm, năm bữa trời mù. Sáng như xuân muộn, chiều thu nhạt nhòa.

Sáng như xuân muộn
Chiều Thu nhạt nhòa

Tóc thề em suối nở hoa, ánh trăng Đà Lạt đêm ngà ngọc ơi.

******

Lục bát, làm khéo tay một chút, là như nước chảy mây trôi. Vì vậy, người ta hay nghĩ, lục bát dễ làm.

Lục bát, dễ thì có dễ đó, nhưng khó, thì cũng khó trần ai. Viết sao cho như nước chảy mây trôi, là một chuyện. Mà viết sao cho bài thơ có ý, có nội dung hoàn chỉnh; viết sao cho bài thơ có tứ, tứ độc đáo, tứ lạ, tứ nên thơ, lại là một chuyện hoàn toàn khác nữa.

Nội dung của bài thơ sáu tám này là viết về nỗi buồn man mác của người làm thơ, những nỗi buồn không rõ, những nỗi buồn khó thể gọi tên.

Nỗi buồn được mô tả như nhện vương vương, như tơ gió động giọt sương vướng vào. Nỗi buồn được tả như nhánh lá chao, êm ru không tiếng động nào buông ra.

Nỗi buồn ấy vừa gần vừa cả xa xôi. Như chữ mà chẳng có lời. Như câu thơ chép ngó trời thinh không.

Tác giả lại cũng hồ nghi, hay đây là nỗi buồn khi nhớ tuổi thơ ngây, vì chẳng có chi để cầm trên tay, nên buồn? Hay buồn vì bốn phương trời, làn mây bay đó chính là thiên thu? Hay buồn vì đến tháng Năm, sáng như xuân muộn, chiều thu nhạt nhòa?

Và tứ thơ nằm ở chính câu thơ tả tháng Năm ở Cali: sáng như xuân muộn, chiều thu nhạt nhòa. Không gian như thơ ấy đã khiến tác giả, nhớ quá, ngày xưa, tóc thề em suối nở hoa, dưới trăng Đà Lạt, đêm ngà ngọc ơi!

******

III/ KẾT

1.
Cái gốc người Việt Nam mình ấy mà, từ tổ tiên, từ ông bà, ông vải, hở chút, là nói thơ; hở chút, là làm thơ; hở chút, là họa thơ; hở chút, là ngâm thơ. Từ người sang đến kẻ hèn, mở miệng ra, là đọc thơ. Ngâm ngợi thơ mình sáng tác, cũng có; mà nghêu ngao thơ của những thi sĩ mình yêu thích, cũng có luôn.

Thế nên, bây giờ, người ta hay đùa, buổi sáng, mở cửa ra, là đã gặp nhà thơ.

Vào facebook cũng vậy, trang nào cũng đầy thơ. Ai cũng có thể nhận mình là nhà thơ. Riết rồi đâm ra sợ hãi thơ, rẻ rúng thơ. Thơ trở thành một đề tài bỡn cợt, kiểu như, tặng gì thì nhận, tặng thơ thì xin miễn, xin thôi, xin kiếu.

Nằm ngoài sự khinh thị, xem thường ấy, những nhà thơ như Bùi Giáng, như Luân Hoán, như Trần Vấn Lệ, họ thực sự là những người, nói gì cũng thành thơ. Ăn cũng ra thơ, ngủ cũng ra thơ, đứng cũng ra thơ, ngồi cũng ra thơ, đi cũng ra thơ. Thơ bốn mùa. Thơ mỗi ngày.

Và, thơ họ, rất thơ!

******

2.
Trần Vấn Lệ có nhiều bút danh lắm, Trần Tú Uyên, Lê Phụng An, Lê Nhiên Hạo, Lê Nguyên Khai, Lê Thành Khuyên, Trương Nghĩa Kỳ, Nguyễn Tân Trãi, nhưng sử dụng nhiều nhứt vẫn là Trần Trung Tá, Trần Trung Thuần và Trần Vấn Lệ.

Nếu đời người được tính bằng con số một trăm năm, thì cho đến nay, tính ra, số năm tháng anh làm thơ, đã hơn nửa đời người có.

Thơ Trần Vấn Lệ là nhật ký cuộc đời của ông. Thơ là những ghi chép, từ mắt ông nhìn được, từ tai ông nghe rõ. Và nếu có ai hỏi tôi, nhận ra được điều gì đặc biệt từ Trần Vấn Lệ và thơ của ông, thì tôi sẽ chẳng phải mất thời gian suy nghĩ gì, mà vẫn có thể nói ngay, đặc biệt ấy chính là sự bất tận, sự không ngừng, kiểu như, nếu tác giả còn thở, thì chắc chắn, thơ còn.

Như con chim Cuốc, kêu Quốc Quốc đến tàn hơi, Trần Vấn Lệ cũng vậy, thơ ông là thơ của nỗi niềm ly hương, hoài trông về cố xứ. Một ngụm khói cũng làm đau đáu. Một cụm mây cũng làm bâng khuâng. Một bóng chim qua cũng làm thương nhớ.

Nhất là những lúc trời Cali vào tháng Năm, cái tháng rất là:

SÁNG NHƯ XUÂN MUỘN, CHIỀU THU NHẠT NHÒA!

Sài Gòn 07.06.2024
Phạm Hiền Mây

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.