Dec 26, 2024

Tùy bút - Bút ký

Vĩnh Biệt Anh Chị Trần Hoài Thư – Nguyễn Ngọc Yến
Vương Trùng Dương * đăng lúc 06:16:32 PM, Jun 07, 2024 * Số lần xem: 190
Hình ảnh
#1
#2

Vương Trùng Dương:

Vĩnh Biệt Anh Chị Trần Hoài Thư – Nguyễn Ngọc Yến


“Thế hệ chúng tôi đã mang đầy vết sẹo.

Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn”.

(Trần Hoài Thư)

Ngày 27/4/2024, chị Nguyễn Ngọc Yến, hiền thê nhà thơ, nhà văn Trần Hoài Thư sau 12 năm lâm trọng bệnh (2 năm an dưỡng tại tư gia và 10 năm tại viện dưỡng lão) qua đời tại Plainfield, New Jersey, hưởng thọ 83 tuổi. Lễ Hỏa Táng trưa ngày 10/5/2024 tại Memorial Funeral Home Fanwood, New Jersey.

Trải qua 53 năm (1971-2024, không kể thời gian THT lao tù và vượt biên) vợ chồng Trần Hoài Thư – Nguyễn Ngọc Yến khắng khít với nhau, chị là “linh hồn” của nhà xuất bản Thư Ấn Quán và tạp chí Thư Quán Bản Thảo đã “bỏ” anh, người thân trong gia đình về cõi vĩnh hằng.

Với nỗi đau khi vợ qua đời, anh Trần Hoài Thư đang lâm trọng bệnh nên tinh thần và sức khỏe càng thêm suy sụp. Anh chị có đứa con trai duy nhất, BS Trần Quý Thoại ở thành phố Limerick, Pennsylvania nên anh đành sống trong hoàn cảnh cô đơn!

Sáng ngày 16/5/2024, Trần Hoài Thư vĩnh biệt cõi trần, Lễ Hỏa Táng vào trưa Thứ Bảy 8/6 tại Somerset Hills Memorial Park, Basking Ridge, New Jersey.

Trong sáu thập niên cầm bút, Trần Hoài Thư quen thân rất nhiều bạn văn, nhất là thời gian thực hiện Thư Ấn Quán và Thư Quán Bản Thảo cùng với vài thân hữu ở Mỹ với các công trình biên soạn Di Sản Văn Chương Miền Nam với nhiều tác giả, tác phẩm…

Vì vậy khi được tin Trần Hoài Thư qua đời, có rất nhiều người viết để tưởng nhớ người quá cố. Trong đó, có những người đã từng sống với nhau trước và sau năm 1975, những người chưa quen biết… với sự cảm mến và ngưỡng mộ.

Trước đây tôi viết Trần Hoài Thư, Cây Sậy Giữa Đời. Trần Hoài Thư & Thủ Đức Gọi Ta Về. Trần Hoài Thư, Viết Dưới Trời Khói Lửa.

Để tỏ lòng tưởng nhớ đến sự ra đi nơi cõi trần của vợ chồng anh Trần Hoài Thư, tôi trích đăng các bài viết trong quá khứ như nén hương lòng. Vì các bài viết khá dài nên trích đoạn.

*

Buổi sáng đầu năm 1967 tôi gặp Trần Hoài Thư tại Vũ Đình Trường của Trường Bộ Binh Thủ Đức, chúng tôi quen nhau trong Ban Biên Tập liên khóa 23 & 24 SVSQ nguyệt san BBTĐ. Tôi theo học Khóa Nguyễn Trãi I của Trường Đại Học CTCT Đà Lạt, giai đoạn đầu gởi học 4 tháng quân sự cùng với khóa 24 của Trường BBTĐ. Tháng 5/1967 tôi trở về quân trường ở Đà Lạt tiếp tục 2 năm cuộc sống quân trường. Tôi vẫn nghĩ một số anh em văn nghệ sĩ trong ban biên tập thời SVSQ sẽ về ngành CTCT như Trần Hoài Thư, Luân Hoán… thế nào cũng gặp nhau các khóa Căn Bản, Trung Cấp CTCT tại quân trường nầy. Năm 1968 gặp Phan Nhự Thức về học Khóa 4 Căn Bản CTCT, hỏi thăm Trần Hoài Thư, được biết anh lại về Đại Đội Trinh Sát của Sư Đoàn 22 BB!… Đời chiến binh đưa đẩy nhà giáo dạy toán xông pha nơi trận mạc, trở thành nhà văn, nhà thơ.

Trong bài viết Trần Hoài Thư, Cây Sậy Giữa Đời, đề cập đến tiểu sử của anh cùng với những tác phẩm thơ, văn…  và, trích vài dòng thơ và hồi ký Bằng Hữu & Trần Hoài Thư:

“Đêm giọt xuống nền Quân Y Viện

Trăng cao nguyên sáng lạnh bồi hồi

Ông nhà văn đứng bên cây sứ

Phất phơ như ngọn cỏ ngậm ngùi”

(Phan Ni Tấn)

“Ông thầy mỏng mảnh như lau sậy

Khói lửa oằn thêm sức bật thôi

Đôi vết sẹo cuồng thêm thắm mặn

Gánh văn đi dạo dọc theo đời

Sau Lưng thấp thoáng nàng Thị Lộ

Thương chàng Quý Sách ghé vai thơm”

(Luân Hoán)

Trong đó trích bài viết của Vĩnh Liêm: Trần Hoài Thư: “Diều Hâu 405” Cùng Những Chúc Thư  Của Người Lính Trận của Vĩnh Liêm

“… Khi Trần Hoài Thư đổi về Vùng IV Chiến Thuật vào năm 1971, “Diều Hâu 405” (biệt danh của Trần Hoài Thư) vẫn còn lừng lững ngang tàng qua bộ quân phục rằn ri cùng chiếc mũ rê Biệt Kích. Lúc đó, Trần Hoài Thư là phóng viên chiến trường của Vùng IV Chiến Thuật. Tuy anh không còn là Trung Đội Trưởng Biệt-Kích nữa, nhưng nét phong trần của anh do Đại Đội Thám Kích 405 Sư Đoàn 22 Bộ Binh đã tôi luyện anh qua 4 bốn năm (từ 1967 tới 1971) không dễ gì một sớm một chiều tẩy xóa nhanh được.

Trần Hoài Thư đi đi về về giữa chiến trường sình lầy Miền Tây và Tây Đô. Người yêu và cũng là hiền thê của anh là dân Tây Đô thứ thiệt. Chị Nguyễn Ngọc Yến sinh trưởng và lớn lên ở Tây Đô, nơi có bến Ninh Kiều thơ mộng.

Tây Đô cũng là nơi tập họp đông đảo văn nghệ sĩ ở Miền Tây, chẳng hạn như thi sĩ Duy Năng, thi sĩ Diên Nghị, họa sĩ Ngy Cao Nguyên, nhà văn Chu Tấn, họa sĩ Lê Triều Điển, thi sĩ Nguyễn Bá Thế, thi sĩ Lý Thị Kim Xương, ký giả Chu Sinh, thi sĩ Lộc Vũ, thi sĩ Bùi Đức Long, ký giả Hải Bằng, thi sĩ Ngũ Yên, thi sĩ Trần Kiên Thảo, thi sĩ Trần Kiêu Bạt, thi sĩ Phạm Kim, v.v…

Tôi đã gặp “Diều Hâu 405” tại Tây Đô vào thời điểm đó. Thời điểm đó cũng là thời điểm đáng để ý nhất: Sinh hoạt văn nghệ đều khắp và nổi bật nhất. Quán cà phê Góp Gió thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ và ra mắt sách. Khi Góp Gió chết đi thì Thằng Cuội xuất hiện và thay thế vai trò của Góp Gió. Thằng Cuội được nhiều lợi điểm và lợi thế hơn Góp Gió vì nó nằm ngay tại trung tâm Tây Đô, trang trí mỹ thuật hơn, và tốn kém nhiều hơn. Thi sĩ Viên Linh và thi sĩ Cung Trầm Tưởng cũng chịu khó từ Sài Gòn bay xuống sinh hoạt với anh em văn nghệ sĩ Tây Đô…

Tháng Tư năm 1975 tan hàng. Các đường dây điện thoại trong Vùng IV Chiến Thuật đều bị cắt đứt. Thế là Chu Tấn và Trần Kiên Thảo bị kẹt lại, sau đó đi tù ở ngoài Bắc. Khi tôi xuống tới bến Ninh Kiều thì phố xá đã tiêu điều, nhà nhà kín cửa. Không làm sao liên lạc được với Trần Hoài Thư! Thế là Trần Hoài Thư ở lại và bị tù tội mất 4 năm. Con tàu tôi rời bến Ninh Kiều để ra khơi lúc 8 giờ tối ngày 30 tháng 4 năm 1975, chở theo 127 người, đa số là những khuôn mặt lạ hoắc…

Sau 5 năm cách biệt. Tôi đang ở tại Hoa Thịnh Đốn thì hay tin Trần Hoài Thư đang có mặt tại Chùa Giác Hoàng ở Hoa Thịnh Đốn. “Diều Hâu 405” đã tới Mỹ! Mừng quá đi thôi! Thế là Trần Hoài Thư, Yến và cháu Thoại đành phải dừng chân tại Suối Bạc (Silver Spring, Maryland). Chúng tôi sống một cuộc sống chật vật, nhưng không thiếu tình thương. Không khí lúc bấy giờ thật là vui vì chúng tôi đang làm báo Hành Động, tòa soạn lúc nào cũng có người lui tới. Chúng tôi tổ chức đêm văn nghệ 30 tháng 4. Trần Hoài Thư và Nguyễn Công Minh thủ vai “người tù cải tạo” trong một vở kịch rất là thành công. Đây là những tù nhân thứ thiệt nên diễn xuất rất có thần và rất thực.

Rồi thời gian trôi qua rất nhanh. Trần Hoài Thư cùng gia đình cuốn gói đi xứ khác, không phải vì công ăn việc làm mà vì sự học vấn. Trần Hoài Thư cắp sách trở lại đại học đường. Thế là anh em chúng tôi xa nhau. Tôi vẫn ở lại nơi đây, trải qua nhiều cuộc thăng trầm của cuộc đời, lên voi xuống chó nhiều lần, đôi khi cười ra nước mắt. Chuyện văn nghệ thì vẫn tiếp tục đều đều. Mái tóc thì mỗi ngày càng ngả màu muối tiêu. Trần Hoài Thư mài miệt ở đại học đường, lấy đủ hai mảnh bằng Đại học mới chịu cầm bút trở lại…

… Trong bốn năm tại 405, Trần Hoài Thư đã 3 lần bị thương ngoài mặt trận tưởng đã đi đứt. Thế mà anh còn sống sót. Còn được cơ hội cầm bút. Người lính vừa đánh giặc vừa cầm bút, đó là Trần Hoài Thư. Đại Đội 405 Thám Kích đã làm cho Trần Hoài Thư “cảm thấy mình thật hãnh diện, bởi vì tôi nguyên một giáo sư đệ nhị cấp, với đôi mắt cận 7 độ, gầy như que củi, từng được hoãn dịch vì lý do sức khỏe, lại có mặt tại một đơn vị đã từng tạo nên một thành tích kỷ lục có một không hai trong QLVNCH. Khó có một ai trong bất cứ đơn vị nào được Tướng Đỗ Cao Trí thăng cấp hai lần trong vòng hai tháng ngay tại mặt trận.” (Về Một Đại Đội Cũ). Và “Từ 405, tôi cũng đã mang 9 tác phẩm văn học đến cùng độc giả”. Thật là “Đại Đội 405 là một dấu ấn đậm sâu vào tâm trí của một người lính cũ” (sđd).

Cũng từ Đại Đội 405 Thám Kích, Trần Hoài Thư đã cưu mang 9 tác phẩm văn học đến cùng độc giả. Trần Hoài Thư tâm sự: “Chiếc bè đã đưa tôi vào dòng văn chương không phải đẹp và dịu dàng như một giấc mơ. Mà trái lại, văn chương bấy giờ là văn chương của lửa, lệ, và những gào thét, tra vấn, tử sinh. Văn chương bấy giờ là những ngày đêm trong lòng hỏa ngục, là những vết thương tóe máu đớn đau, là tiếng kêu trầm thống của một thế hệ mà, nói theo Tolstoi, chỉ những ông già bụng phệ ký giấy tuyên chiến, còn phần chết thì dành cho bọn thanh niên. Nó là văn chương mà yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, chứ không phải từ cửa miệng đầu môi của những lãnh tụ, đồ tể chiến tranh, hay từ những môi miệng tuyên truyền tâm lý chiến. Đó là văn chương đích thật, bởi vì từng hơi thở, từng giọt lệ, từng cay đắng, thù hận, từng nỗi buồn rầu già trước tuổi đã cấy đã hằn theo từng chữ. Chúng tôi tự hào đã nói tất cả những gì chúng tôi muốn nói, muốn nghĩ, muốn tra vấn. Chúng tôi đã tạo nên những trận sấm sét phá sập nền văn chương tháp ngà. Chất liệu văn chương của chúng tôi không phải là từ đơn đặt hàng của chế độ, hay những món hàng làm dáng du nhập từ ngoại quốc mà là sự thật bằng trái phá, bằng mồ mả oan khiên, bằng những người như chúng tôi bị nướng thiêu trong lò lửa chiến tranh.” (Về Những Trang Sách Cũ, sđd)… (Vĩnh Liêm)

Thời gian Trần Hoài Thư ở đơn vị tác chiến, cận kề với cái chết, sát cánh cùng các chiến hữu khi vào sinh ra tử cũng là chất liệu để sáng tác với thân phận người lính trong chiến tranh. Tháng ngày ở Quy Nhơn và Tuy Hòa, THT sống giang hồ lãng tử cùng với anh em văn nghệ nơi đó và bạn văn từ quân trường đang phục vụ tại Quảng Ngãi.

Trong bài Trần Hoài Thư & Thủ Đức Gọi Ta Về của tôi, với 9 tháng quân trường, anh viết về hình ảnh thời SVSQ. Trích những đoạn trong TĐGTV của Trần Hoài Thư khi ấn hành năm 2001:

“… Ta đang nhớ về Thủ Đức như bạn ta đang nhớ. Có phải đêm qua gió quá dữ để bãi bắn rụng đầy lá cao su. Và quân trường những cơn mưa lá ngâu đã rụng xuống doanh trại. Gió lộng như từ tứ phương tụ hội về đồi. Gió mang suốt ngày khắp nơi vang vang lời ca Đường trường xa và nhịp đếm Một Hai Ba Bốn. Ô hay, ta gầy còm, trên dưới 40 ký, thế mà cũng chịu đựng được sao. Quân trường đổ mồ hôi. Chiến trường bớt đổ máu. Kinh nhật tụng cho giai đoạn một. Tay ta trói gà không chặt mà đòi đánh một hai. Hai chân ta đôi khi luống cuống, bước không đúng nhịp mà đòi đi diễn hành cuối khoá. Ta tập quay trái, quay phải, quay đằng sau. Chân trái phải xê dịch như thế nào, chân phải phải quay ra làm sao. 90 độ. Phải rán tập trung trí óc. Chụm chân lại. Rồi quay 90 độ. Phải rán nghĩ trong đầu. Khi đi phải bắt đầu bằng chân trái. Rán mà nhớ. Ta chẳng khác một tên học trò lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cái roi mây của thầy. Ngày nhỏ, ta tập lính bước một hai, khẩu súng là cuống chuối hay khúc gỗ mang lên vai. Bây giờ, ta cũng vậy. Vẫn là một trò chơi bất tận. Nhưng thời nhỏ dại ấy lại quá dễ dàng, cớ sao bây giờ lại quá khó. Bằng chứng là ta bị phạt liên miên.

Bây giờ, quá xa, quá lâu để mà nhớ về những ngày tháng cũ, nhưng hình như bên tai ta vẫn còn văng vẳng tiếng hát vang lừng từ một góc trời Tăng Nhơn Phú. Cám ơn nó, bởi vì nó khiến lòng ta ấm lại giữa lúc tiếng gọi đò chiều đã dục. Không biết tới chuyến nào sẽ chở đời ta qua bên sông cô tịch. May mà tiếng hát nào như gió bão đánh bạt cái ý nghĩ đen tối bi quan. Ta đã dứng dậy đến bên khung cửa. Dưới ánh điện đường trong một đêm về sáng, ta thấy lại một vũ đình trường, với những ống đạn pháo binh sơn trắng bao quanh, ta thấy lại những đại đội đang xuôi ngược diễn hành. Có khi hai đại đội cùng di chuyển đối đầu nhau, và một bên dậm chân tại chỗ, chờ bên kia vượt qua. Không ai bận tâm lấy ai. Phải nhìn thẳng. Phải ca phải hát. Lính phải hùng. Gió làm lời ca bay bổng trên chín cổng, vang khắp bãi đồi. Khi hai chân ta bước nhịp, hai tay ta đánh theo, miệng ta cất lời, thì bạn ta cũng vậy.

Tất cả sẽ tạo nên một tập thể đồng nhất, tiến về phía trước. Trời ơi, cả một rừng cờ sắc áo như thế, khoá này tiếp đến khoá khác, biết bao nhiêu bước chân tập tành để chuẩn bị cho một cuộc lên đường, để rồi, vũ đình trường giờ đây chỉ còn lại một bãi mồ hoang phế. Tiếng ca hùng tráng ngày ấy đâu rồi. Tiếng hát đã một lần lồng lộng cùng lá cờ giữa sân ngôi trường lính ngày ấy đâu rồi. Cổ họng ta đã một thời gào to cùng tiếng ca lời hát, thế mà bây giờ nó nuốt vào đến nghẹn những bài hát kỳ lạ, lạ kỳ…

… Nhớ về một ngôi trường lính, dù chỉ là chín tháng, nhưng nỗi nhớ mang theo nỗi ngậm ngùi. Bây giờ trường đã mất. Những con ngựa hôm nào bây giờ đã lạc bầy tan tác hay đã rời bỏ đồng cỏ để về một cõi nào. Cả một thời tuổi trẻ đã hy sinh và chấp nhận vào cổng trường với niềm mong mỏi duy nhất là dâng hiến đời mình cho đất nước, quê hương bây giờ trở thành mây khói. Tự nhìn lại là mình có làm trái với bổn phận không, cái bổn phận khiêm nhường của một người lính, mình thấy lòng an ổn lạ lùng…

“Đêm di hành đầu tiên của giai đoạn Một. Khi chiếc nón sắt đội nặng trên đầu. Khi ba lô trên vai, và khẩu súng trường với những viên đạn mã tử. Khi mắt mở, tai căng, và đêm như lòng mực xạ. Ta đã trở thành một người lính rồi ư. Ta có cảm giác ngây ngất của một kẻ vừa trải qua một chuyện lạ lùng hoang tưởng. Quân đi, cả trăm, cả ngàn người, mà sao như đoàn quân ma. Không có cả tiếng ho. Tiếng cười. Không có cả một đốm lửa của điếu thuốc. Khi ra cổng trường, bỗng dưng thấy như thể ra bãi chiến. Nhà nhà vẫn còn để đèn. Xa xa, xa lộ đèn xe sáng rực. Và trên cao là tháp nước quân trường với ánh đèn chớp chớp. Ta bỗng thấy bước chân ta vững mạnh hơn. Bởi xung quanh ta là bao bước chân khác. Ta là họ và họ là ta. Họ giữ gìn ta và ta giữ gìn họ. Chúng tôi đã nương tựa nhau và bảo vệ cho nhau. Lần đầu tiên ta mới cảm nhận cái căng thẳng của thần kinh, cái lo âu vô hình giữa một lòng đêm âm u sâu thẩm. Nhưng cũng đôi khi, chợt thấy ánh đèn của nhà ai còn thắp sáng, lòng lại tự nhiên một nỗi hãnh kiêu thầm kín. Rồi đây, một ngày nào đó, ta sẽ thật sự có mặt, và ta mong được giữ gìn không những một ánh đèn mà còn cả triệu triệu ánh đèn…

Giữa các bạn ta, chắc cũng có những kẻ mơ ngày ra chiến trường, đánh đâu thắng đó, uy dũng trong màu áo hoa dù hay chết thì cũng da ngựa bọc thây…

Trong đêm di hành đầu tiên, hết đại đội này đến đại đội khác rời khỏi tuyến xuất phát là vũ đình trường để di chuyển quanh vòng đai của quân trường. Ta bây giờ là một phần tử trong một tập thể. Chúng tôi nương nhờ, bảo vệ cho nhau. Từ đó, ta mới hiểu thế nào là tình đồng đội, là sự san sẽ cùng nhau cái định mệnh chung, cái nghiệp căn chung, những tai ương chung. Từ đó người ta càng yêu thương nhau hơn, càng thông cảm cho nhau hơn.

Như vậy, ta phải cám ơn Tăng Nhơn Phú đã làm thay đổi cái nhìn của ta trước đây về cuộc chiến, về quân đội. Cám ơn bạn bè ta, những người có người vợ mới cưới, những đứa con mới sanh, hay những người kỹ sư, giáo sư, tiến sĩ, những trí thức, những nhà văn nhà thơ tên tuổi lẫy lừng, những người mà lẽ ra, Thủ đức không phải là nơi dụng võ. Họ vẫn có mặt bên ta, quanh ta, vẫn cầm súng bước đi trong đêm di hành…

Ôi những cái bóng nào của đêm xưa ấy còn để lại dấu tích hay chỉ là hạt sỏi nào trên sân. Còn đâu những âm vang của Thủ đức. Còn đâu những vì sao kỷ niệm trên đồi gió Tăng Nhơn Phú. Vâng. Dù quá mệt, quá căng thẳng, nhưng thế nào ta cũng phải ghi lại những cảm xúc kỳ diệu mà ta đã gặp trong đêm này…

Những trang giấy nào hôm qua còn mờ nhạt bởi mồ hôi, bụi, và mưa Tăng Nhơn Phú. Có ai kể là sau khi khóa chúng tôi mãn, khoá đàn em nhận trách nhiệm săn sóc nguyệt san Bộ Binh, đã xem mục Nhật Ký Quân Trường là mục thường xuyên phải có. Cảm động lắm khi họ theo ta, tiếp tục viết lại những suy nghĩ, tâm tư trên từng chặng đường gian khổ. Họ theo ta, cũng như ta đã theo khóa đàn anh tiếp tục một truyền thống có sẵn. Chính truyền thống đã mang lại niềm vinh dự. Bởi vậy mới có những người từ muôn phương trở lại để gặp lại bạn bè cùng khoá mà kể lại bao nhiêu điều, bao nhiêu chuyện dưới mái trường. Cái truyền thống của Thủ đức cũng giống như các trường đào tạo quân đội khác, cũng đàn anh gắn alpha cho đàn em. Cũng cuối năm là hành quân cuối khoá, cũng trốn trại về phố và cũng bị nhốt vào trại kỷ luật… Nhưng có lẽ ở trên đồi Tăng Nhơn Phú này, có một truyền thống mà chắc là không có trường nào có. Cái truyền thống miễn đi bãi vào ngày thứ tư kể từ sau khoá 24 của chúng tôi, dành đặc biệt cho những người sinh viên sĩ quan biên tập viên của tờ nguyệt san Bộ Binh Thủ Đức…

Ta đang viết lại đây, tim nhé. Ta đang viết lại đây, hỡi Thủ Đức, hỡi các bạn bè ta, và hỡi những người đã yêu mến văn ta nhé. Viết mà rưng rưng. Ta đã đánh mất cây viết Canon, cái phần thưởng sinh viên sĩ quan báo chí xuất sắc của khoá dành cho ta rồi. Và bây giờ những ngón tay tê buốt của tuổi già đã báo cái cơ nguy sắp bỏ bút rồi. Hở, ta sẽ sống ra sao, hở?…

Đêm Alpha. Nó là một truyền thống. Nó là sự liên hệ giữa đàn anh và đàn em, giữa người sắp sửa giã từ và những người ở lại. Nó cũng là điểm mốc cho người được đi chuyên môn và người ở lại làm lính lội bộ. Nó vang động cả trời đêm Tăng Nhơn Phú với lời hô đứng dậy quì xuống như chuyển rung cả một vũ đình trường. Người đàn anh sẽ gắn Alpha cho ta. Và anh sẽ đập vào vai ta để bày tỏ lời chúc mừng trong khi ta chào tay anh không dám động đậy…

Cái truyền thống của Thủ Đức cũng giống như các trường đào tạo quân đội khác, cũng đàn anh gắn Alpha cho đàn em. Cũng cuối năm là hành quân cuối khoá, cũng trốn trại về phố và cũng bị nhốt vào trại kỷ luật… Nhưng có lẽ ở trên đồi Tăng Nhơn Phú này, có một truyền thống mà chắc là không có trường nào có. Cái truyền thống miễn đi bãi vào ngày Thứ Tư kể từ sau Khoá 24 của chúng tôi, dành đặc biệt cho những người Sinh Viên Sĩ Quan biên tập viên của tờ nguyệt san Bộ Binh Thủ Đức”

Ban Biên Tập liên khóa 23 & 24 của tờ BB Thủ Đức gồm có: Nguyên Sa, Lưu Trung Khảo, Lâm Chương, Trần Hoài Thư, Luân Hoán, Hồ Minh Dũng, Chu Tấn, Mê Kung (Phan Nhự Thức), Phạm Văn Bình, Cao Thoại Châu, Vu Đoài… và tôi. Lúc đó Đại Úy Vũ Trọng Mục làm Quyền Trưởng Khối CTCT (nay ở tuổi 90, hiện ở Little Saigon 6/2024). Mỗi sáng Thứ Tư, giờ học quân sự ngoài bãi, các SVSQ trong BBT được gặp nhau để sinh hoạt).

Bài viết Luân Hoán “Trần Hoài Thư, Một Đời Quý Sách”, viết về giai đoạn nầy: “Thừa hưởng một cái tên đẹp do cha mẹ đặt cho, Trần Quý Sách chọn cho mình một bút danh thật thi vị: Trần Hoài Thư. Tên gọi như một sợi dây, trói buộc anh dính liền một đời với chữ nghĩa, sách báo…

… Tôi gặp Trần Hoài Thư tại quân trường Bộ Binh Thủ Đức, vào năm 1967. Lúc bấy giờ, quân trường đào tạo sĩ quan trừ bị, cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa này, đang khai giảng khóa 24. Một công việc đã từ lâu được thực hiện bên cạnh chức năng huấn luyện của quân trường là sự hiện diện một nguyệt san, tiếp nối từ khóa này đến khóa khác. Nguyệt san Bộ Binh là nơi hội tụ những Sinh Viên Sĩ Quan có máu yêu thích thơ văn, ca nhạc, hội họa, điêu khắc… Khóa tôi theo học, qui tụ khá nhiều khuôn mặt đã được biết đến trong một số bộ môn nghệ thuật. Trần Hoài Thư là một trong những người này. Trước khi vào quân trường, anh đã có khá nhiều truyện ngắn được đăng trên các tạp chí Văn, Bách Khoa khởi từ năm 1964.

… Đúng ra, thời ở “KBC Bốn Ngàn Một Trăm” (quân trường Thủ Đức), tôi không có nhiều cơ hội chuyện trò với Trần Hoài Thư. Hai chúng tôi ở hai đại đội khác nhau. Doanh trại quân trường nằm trên đồi Tăng Nhơn Phú, cách Chợ Nhỏ chừng 2000 mét. Đây là một khu vực rộng lớn. Phòng ốc khang trang, dọc ngang những con đường rợp bóng cây xanh, không khác gì một thị trấn thu hẹp. Những đại đội đồn trú riêng biệt, cách nhau khá xa. Việc đi lại trong giai đoạn chưa được gắn Alpha rất đáng ngại, lớ ngớ rất dễ bị hít đất, nhảy xổm, dù với khóa 24, sự đãi ngộ kỷ luật của khóa đàn anh dành cho đàn em đã giảm thiểu tối đa. Thêm vào những trở ngại này, mỗi chúng tôi có một ít bạn thân riêng.

Trần Hoài Thư thường cặp kè với những Lâm Chương, Vương Trùng Dương… Tôi hay la cà cùng Cao Thoại Châu, Phạm Hoàng, Đỗ Toàn… Chúng tôi chỉ có cơ hội gặp nhau trong những buổi sinh hoạt tại văn phòng Khối Báo Chí. Những buổi hội tụ này khá nhiều, nhất là trong giai đoạn hai. Bên cạnh mục đích thực hiện, cải tiến tờ báo, các sĩ quan chủ trương còn muốn tạo cơ hội cho anh em đóng góp bài vở có thêm thì giờ nghỉ ngơi, trốn bớt tạp dịch ngay trong những “giờ tùy quyền”.

Trần Hoài Thư tiếp nối Mê Kung (Phan Nhự Thức sau này) khóa 23, viết đều đặn những trang Nhật Ký Quân Trường. Rất có thể còn một vài người góp tay trong mục này, nhưng Trần Hoài Thư là “nỗ lực” chính. Chuyện đi bãi, chuyện “bia lên, bia xuống”, chuyện “cơm nhà bàn” , chuyện cõng ghế trên vai đến đại giảng đường, chuyện ở 301 vân vân và vân vân được Trần Hoài Thư ghi lại, dựng lại dưới văn phong nhẹ nhàng, lôi cuốn…

Nếu lòng dạ của tôi dành cho tờ báo của quân trường thiếu tha thiết, thì ở Trần Hoài Thư khác hẳn. Anh nhiệt tình và say mê, trân quí tờ nguyệt san Bộ Binh một cách khó ai sánh được. Sự chân thành, tích cực của anh, ai cũng nhìn ra. Ban chủ biên tờ báo, cuối khóa đã tặng anh một danh hiệu xứng đáng: “Sinh Viên Sĩ Quan báo chí xuất sắc”. Kèm theo phần thưởng tinh thần này là một quà tặng rất thích hợp cho một nhà văn: một cặp bút Pilot mới cáu trong hộp cứng. “Vật nhẹ nhưng tình nghĩa nặng” có lẽ đã giúp Trần Hoài Thư nhớ đời về một thời “chín tháng quân trường”… (LH)

Là giáo sư, nhà văn, nhà thơ, gầy gò, cận thị… nhưng khi ra trường BB Thủ Đức không được phục vụ trong ngành CTCT mà về đơn vị tác chiến đã 3 lần bị thương ngoài mặt trận… Thế nhưng anh không oán hận. Người lính vừa đánh giặc vừa cầm bút, “Cảm thấy mình thật hãnh diện, bởi vì tôi nguyên một giáo sư đệ nhị cấp, với đôi mắt cận 7 độ, gầy như que củi, từng được hoãn dịch vì lý do sức khỏe, lại có mặt tại một đơn vị đã từng tạo nên một thành tích kỷ lục có một không hai trong QLVNCH”.

Với quân trường Thủ Đức, có nhiều bài viết nhưng Trần Hoài Thư đã viết thành vài tác phẩm.

Về sáng tác, như đã đề cập ở trên, quân trường và chiến trường là chất liệu đến với văn chương, là chứng nhân đối diện với thực tại, sống thật, viết thật:

“Chiếc bè đã đưa tôi vào dòng văn chương không phải đẹp và dịu dàng như một giấc mơ. Mà trái lại, văn chương bấy giờ là văn chương của lửa, lệ, và những gào thét, tra vấn, tử sinh. Văn chương bấy giờ là những ngày đêm trong lòng hỏa ngục, là những vết thương tóe máu đớn đau, là tiếng kêu trầm thống của một thế hệ mà, nói theo Tolstoi, chỉ những ông già bụng phệ ký giấy tuyên chiến, còn phần chết thì dành cho bọn thanh niên… Chất liệu văn chương của chúng tôi không phải là từ đơn đặt hàng của chế độ, hay những món hàng làm dáng du nhập từ ngoại quốc mà là sự thật bằng trái phá, bằng mồ mả oan khiên, bằng những người như chúng tôi bị nướng thiêu trong lò lửa chiến tranh.” (Về Những Trang Sách Cũ)…

*

Bài viết Trần Hoài Thư, Viết Dưới Trời Khói Lửa của tôi vào năm 2018. Bài viết khá dài vì khi phục vụ trong quân ngũ và cả khi sống ở hải ngoại, có thể nói trong thơ, văn của anh viết rất nhiều về đề tài nầy. Xin trích:

“Nhà văn, nhà báo Trần Hoài Thư được nhiều người viết và phỏng vấn vì anh chân tình trải lòng cùng bạn bè, người duy nhất ở hải ngoại làm sống lại văn học miền Nam và ấn hành những tác phẩm ở quê nhà bị bỏ quên theo năm tháng và không được xuất bản. Trong thời chiến, anh là cây bút duy nhất tham chiến tại mặt trận qua thơ, văn, ghi lại nhiều nhất những điều của người trong cuộc “Tôi là một tác giả viết văn làm thơ theo đôi giày trận. Nổi trôi từ Trường Sơn xuống tận đầm lầy Đồng Tháp Mười. Tôi nhìn bản thân mình, lấy kinh nghiệm của chính mình để mà thông cảm cùng những người cùng mang giòng máu như tôi…

Tôi là nhà văn sống và viết. Tôi tìm chất liệu ở con người thật của tôi. Tôi sống và viết bằng con người thật của tôi… Khi tôi ở trong quân đội, tôi viết về người lính, khi tôi đào ngũ, tôi viết về kẻ đào ngũ, khi tôi trở lại đơn vị bị giáng lon, thì viết về tâm trạng của người lao công chiến trường… Khi tôi bị thương nằm trong Quân Y Viện tôi viết về tâm trạng người thương binh, khi tôi ở trong trại khổ sai, tôi viết về sự thật cảnh tôi vồ chụp lấy thau cơm nhão nhẹt chua lè dành cho chó ăn ở bên hiên một doanh trại bộ đội Bắc Việt vì quá đói…”

Những bài thơ của anh trong thời khói lửa vẽ lên bức tranh thân phận người lính trong thời chiến.

Cả một đời, THT sống chân tình và trải lòng với đồng đội, bằng hữu và đồng nghiệp, vì vậy anh được nhiều người đề cập đến qua các bài viết, phỏng vấn từ trước năm 1975 đến nay (trong cuộc phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh, anh cho biết gọi là nhà thơ vì nó là nguồn cảm hứng đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác).

Thư Quán Bản Thảo số 79, tháng 4 năm 2018. Trong mười bảy năm qua (TQBT 2001-2018) đây là số duy nhất do Phạm Văn Nhàn và bằng hữu thực hiện, anh “không được phép” viết và xem nội dung, chỉ lo việc ấn hành. TQBT số 79 dày 288 trang, gồm hai phần: Những truyện của THT trước năm 1975 (trang 7-156) và những người viết về THT (157-266)…

Trong bài viết của Tình Bạn của Phạm Văn Nhàn: “… Tôi đưa Thư ra Nha Trang trình diện nơi Quân Vụ Thị Trấn (đồn Quân Cảnh). Ra tòa án binh. Giáng cấp. Rồi đến Đơn Vị 2 Quản Trị, đóng ở Diên Khánh, Nha Trang. Và từ đây, Trần Hoài Thư nhận sự vụ lệnh lên Sư Đoàn 23 BB trên Ban Mê Thuột. Tôi nói với Thư: tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Ngày tiễn Thư lên Ban Mê Thuột tại bến xe Nguyễn Hoàng, Nha Trang, tôi cởi chiếc jacket cho Thư mặc. Và có thêm hai người bạn tiễn Thư lên đường là nhà văn Nguyễn Âu Hồng và nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc. Và cũng từ ngày hôm đó, tôi xa Trần Hoài Thư!”…

Tuổi thơ của THT không được may mắn “Ra đời tại Đà Lạt vào ngày 16 tháng 12 năm 1942, thất lạc cha ngay khi còn quá nhỏ, theo mẹ đến thành phố biển Nha Trang sống suốt thời thơ ấu rất đỗi cơ cực và hẩm hiu. Thời thơ ấu, từng bán hàng rong ở các bến xe ở Nha Trang, và từng đi bộ mỗi ngày khoảng 20 cây số để đi đến trường. Học trường Sinh Trung, Nam Tiểu Học Nha Trang và cuối cùng là trường Cô Nhi Viện Bết Lê Hem, Hòn Chồng, trước khi ra Huế gặp lại thân phụ từ Bắc di cư vào”.

Chỉ có thời gian yên lành trong thời trai trẻ “Ở Huế, theo học tại trường Quốc Học, Đại Học Huế, rồi trở vào Nam với Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Không tốt nghiệp sư phạm, nhưng có duyên với bảng đen, phấn trắng, Trần Hoài Thư trở thành ông thầy dạy trung học và hành nghề tại trường Trần Cao Vân ở thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, trong các niên khóa từ 1964 đến 1966”.

Bởi cái tội đam mê báo chí đó nên khi ở quân trường bỏ bê mấy môn học quân sự, bốc thăm chót bảng nhưng:

“Khóa của ta

Trên mấy trăm thằng tình nguyện

Đi Nhảy Dù, Thủy Bộ, Thám Báo ‘ác ôn’

Đứng đợi cả ngày để bốc lá thăm

Toàn thứ dữ mà vui như chợ Tết”

(Ta Lính Miền Nam)

Sau 4 năm lận đận với “nghiệp lính” từ Thám Kích, lao công đào binh… Năm 1971, được thuyên chuyển về miền Tây, phục vụ trong Khối Chiến Tranh Chính Trị của Quân Đoàn IV, làm phóng viên chiến trường cho đến ngày tan hàng. Đây cũng là cơ hội với “Những chuyến đi vào trận mạc, với máy ảnh và cây viết. Tôi đã viết nhiều truyện lấy từ chất liệu sống này” (THT). Và, nơi nầy anh gặp chị Nguyễn Ngọc Yến, người bạn đời đã sát cánh bên anh để khi định cư ở Mỹ, thực hiện các tác phẩm của Thư Ấn Quán và tạp chí Thư Quán Bản Thảo cho đến khi lâm trọng bệnh, ngồi xe lăn, qua bao năm anh, con người lãng tử chấm dứt để tận tình chăm sóc hiền thê.

Vì thấy sao viết vậy, trước năm 1975, ngay cả những truyện ngắn của anh khi đăng báo Bách Khoa cũng bị kiểm duyệt, cắt bỏ vì vậy khi ra hải ngoại, anh thực hiện Thư Ấn Quán để làm sống lại những gì đã mất. “Đối với tôi, những tác giả trong thời chiến là thiệt thòi nhất. Họ phải ra trận, vừa đánh giặc vừa viết, không có cơ hội để xuất bản. Sau năm 75 không ai đếm xỉa đến văn chương của họ. Tôi muốn lấy lại danh dự cho họ”. Và, Trần Hoài Thư đã dấn thân trong công việc nầy trở thành cầu nối cho những độc giả và những người làm văn nghệ nổi tiếng một thời trước năm 1975 ở miền Nam VN và sau 1975 không có điều kiện được tái bản, xuất bản… Những tác phẩm của Thư Ấn Quán và tạp chí Thư Quán Bản Thảo không bán mà do thân hữu, bạn văn “order”.

Hơn hai mươi tác phẩm thơ, văn của Trần Hoài Thư trước và sau năm 1975 đã đề cập qua nhiều bài viết nên không ghi ra ở đây.

Trong cơn binh lửa khốc liệt, người lính Thám Kích THT bày tỏ: “Những ngày cuối tháng 12, mưa tầm tã cả núi rừng, lẫn cùng những cơn gió miền núi hú loạn cuồng trên những thân cổ thụ trong rừng già. Sương mù che khuất cả tầm mắt, mãi đến trưa chúng tôi mới nhận ra chút cảnh tượng xung quanh. Những hàng dây leo thả xuống đất, hay quấn chằng chịt trên bãi hoang, mà theo mùa mưa, tranh, cỏ thi nhau mọc cao đến quá đầu người. Ban đêm, chúng tôi phải dựa vào gốc cây để ngủ hay ngả lưng một tí. Thường thường tôi không bao giờ chợp một giấc mà không bị thức dậy bởi những tiếng động khả nghi. Cuối cùng tôi cũng khám phá ra rằng, sinh vật vẫn còn hiện diện trong khu rừng này. Có thể là một con nai, hay một con gấu cũng nên…

Có nghĩa là tôi sẽ không còn phải mang con tim đập thình thịch trong bóng tối đen đặc và lạnh buốt của rừng. Đám lính ngủ ngon lành xung quanh. Họ coi chiến tranh như một trò chơi cũng nên. Họ chẳng cần bận tâm gì đến hiện tại. Hay họ nghĩ là tôi, tay toán trưởng toán thám báo đã thay họ và có trách nhiệm bảo vệ họ. Thường những đêm mưa như thế, trong poncho, dựa lưng vào gốc cổ thụ, tôi vẫn thường bị hành hạ bởi lũ sinh vật còn sót lại của rừng…

Trong những lần nhảy xâm nhập, thường thường mỗi chiều tôi đã chọn điểm đứng sẵn, yêu cầu bộ chỉ huy đại đội sửa lại tần số, và giả vờ rút sâu hơn vào rừng hơn, để trời vào tối chúng tôi lại kéo nhau ra. Chỉ có cách đó mới tránh những cặp mắt của địch. Chúng tôi còn giả cả tiếng kêu của loài thú như mật hiệu. Hạ sĩ nhất Nay Lat có biệt tài giả giọng chim cú mèo. Một tiếng kêu báo hiệu toán tiền sát hãy đi chậm. Hai tiếng kêu báo cho cả toán hãy dừng lại. Ba tiếng kêu giục toán phải đi nhanh hơn. Với những thằng nhảy toán như bọn tôi, sự sinh tử kề cận như lưỡi dao kê trên cổ. Chúng tôi phải tùy thuộc vào quyết định của trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng. Nói là lấy tin, báo cáo, dọ thám, thì không đúng. Họ dùng chúng tôi như những con vật thiêu thân cũng nên. Họ ném chúng tôi vào rừng để bảo đảm an ninh cho vòng đai của đơn vị họ. Họ để chúng tôi tự đối phó lấy. Trên nguyên tắc chiến thuật, nếu đụng trận thì lập tức sẽ có quân tiếp cứu, trực thăng yểm trợ bốc chúng tôi, hay phản lực dội bom. Nhưng cái chiến thuật ấy chỉ áp dụng ở đâu đó trên sách vở, hay lý thuyết…

 Tim ngực tôi đánh thình thịch. Gai đã làm quần tôi bị rách toẹt và cào đau tôi đến tê điếng (loại gai màu đen tuyền, nhỏ như lưỡi câu). Chúng tôi phải tìm đến những bụi gai chó đẻ này mà vạch lối, thay vì đường mòn để tránh những con mắt của địch. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy những tờ giấy truyền đơn chiêu hồi của Tâm Lý Chiến nằm vương vãi… Tôi có thể đem cả toán ra khỏi rừng, tìm một chỗ an toàn, rồi báo cáo láo. Hay tôi có thể dừng lại ở đây, không tiến xa hơn nữa. Tôi không muốn tôi chết giữa lúc mọi người được sống. Dù trong cõi này, chúng tôi đã trở thành những kẻ đi tìm cái chết rồi. Có thể, ngày mai, nơi này sẽ trở thành bình địa, vì người ta tin tưởng không có mặt chúng tôi ở đây. Tôi thương những người lính của tôi. Họ cũng thương tôi. Họ không bao giờ bỏ tôi. Tôi biết. Họ cũng không bao giờ cãi lệnh tôi…

Thế mà hôm nay, họ cãi. Họ dừng lại, khựng lại, bất chấp. Hình như họ nghe. Họ linh cảm được một điều bất trắc trong rừng. Mắt họ hoảng sợ. Họ thì thào: “Thiếu úy, thiếu úy có nghe gì không?” Tôi nói tao không nghe gì. Họ nói: “Có tiếng hát.” Tôi cố gắng hết sức. Rõ ràng họ nói đúng. Tiếng hát. Theo gió. Khi dìu dặt. Khi mất. Khi còn. Tiếng hát của người con gái. Vẳng lên ở bên kia bờ suối. Càng lúc, tiếng hát càng cuốn lốc, âm thanh càng bay bổng, để người nghe càng phải lặng cả hồn, để tâm não như tê thiếp. Chúng tôi cùng hướng về tiếng hát, chui rúc lách mình trong những buị cây hay gai rậm lá. Tiếng hát càng lúc càng rõ. Và nhờ ống nhòm tôi có thể nhận ra một cặp trai gái đang ngồi bên nhau trên bờ suối. Người thanh niên trong bộ đồng phục ka ki Nam Định. Và người con gái cũng trong bộ đồ đồng phục lính nữ.

Thằng Nga, tên lực lưỡng nhất, nhìn tôi. Đôi mắt hắn như lờ đục. Hắn muốn thanh toán. Dễ quá mà. Nếu muốn, hai đứa sẽ bò qua bờ suối, ngậm theo dao găm. Rồi hai đứa bất ngờ nhào ra, bịt miệng… Không. Tôi không thể chơi cái trò dã man như vậy. Tôi muốn người thanh niên kia, ít ra, có một giờ phút vĩnh cửu. Hãy cho anh ta được giữ gìn một tiếng hát. Tiếng hát cất lên từ chốn u minh, hoà nhập cùng núi rừng, cùng cây cỏ, cùng gió Hạ Lào, cùng chiến tranh, cùng tuổi trẻ. Tiếng hát như nói lên những điều câm nín từ những con tim của tuổi trẻ Việt Nam… Tiếng hát như bạt cả gió, khiến rừng như thể im phăng phắc, lá như thể thôi lay động trên cành. Và ít ra, tôi vẫn còn hiểu rằng, mỗi người đều có trái tim. Và trái tim thì lúc nào cũng sống vĩnh cửu”.

Trong bài viết Đêm Của Thám Kích, tác giả cho thấy cuộc sống của người lính chiến như sợi chỉ treo mành, bên bờ tử sinh:

“Đêm còn lại chúng tôi đã tìm một nghĩa địa làng để trú quân. Vẫn là những mả mới mả cũ. Vẫn là những bia mộ người chết bên cạnh quan tài của những con người còn thở. Người chết muốn yên, muốn an giấc ngàn thu, muốn tiêu diêu miền cực lạc, nhưng vẫn không xong, vẫn bị đám thanh niên từ đâu mò đến gài mìn, chong súng quấy rầy… Còn bọn này, vui lắm. Chơi đùa với sinh tử. Bầu bạn với âm hồn…

Dù bộ quần áo be bết, giày lấm bùn non chưa khô, có thằng, quần bị rách chưa vá, nhưng mà, bọn này hiểu rõ hơn ai sức nặng của sông của núi. Núi sông đã làm rách quần rách áo, đã làm bạc trắng xác xơ màu vải trận, đã làm cổ áo đen bẩn vì mồ hôi lẫn đất bụi. Nỗi cực khổ này phải bỏ lên khay mà thờ mà lạy, mới phải…

Vẫn là những chữ nghĩa từ những tay trói gà không chặt, đêm ngày nặn óc moi tim để sáng tạo ra những bài văn, bài thơ, khẩu hiệu dính máu đỏ lòm. Nó không cho tuổi trẻ chúng tôi được yên. Nó lôi chúng tôi ra đấu tố giữa đêm hôm khuya khoắc…

Bài viết nầy đã đăng trên tạp chí Bách Khoa, điều khôi hài THT gọi danh từ riêng ông Tướng (nhân vật trong truyện). Tác giả chia sẻ “Truyện ngắn của tôi trên Bách Khoa, khi viết về một buổi chiều phục kích tại một bìa làng, tôi có cho nhân vật ông Tướng – người trung đội phó gốc Nùng (tên thật là Lương Văn Tướng) vào trong truyện. Chẳng hạn “này ông Tướng, hôm nay tổ nào trực”. Tôi viết chữ Tướng với T hoa. Vậy mà ngài sát thủ lại kết tội tôi chơi xỏ một ông tướng nào đó, bôi tất cả những chữ Tướng trong bài văn!…

Trong bài Mắt Đêm cho thấy lòng nhân đạo của người lính VNCH trong cơn lửa đạn: “Khi tổ tiền sát viên chạy đến gần chiếc cầu gỗ, ẩn dưới bờ mương, tôi bắt đầu cho tổ của trung sĩ Y Bok tiếp tục tiến chiếm gò mả để yểm trợ cho tổ đi sau. Bên kia chiếc cầu gỗ, xóm nhà xác xơ. Vài ngôi nhà ngói bị đổ nát, còn lại những đống gạch vụn, dưới ánh nắng chói chang. Đại Bàng ra lệnh trong máy C.25,  hãy dặn các con anh coi chừng, có mãng cầu nhiều lắm đó. Tôi ngoắc tay, ra hiệu người trung đội phó, làm một thủ lệnh sẵn sàng qua cầu. Đằng sau, trung đội 1 cũng bắt đầu tiến lên trên đám ruộng phía trái. Một chiếc L.19 đang bay đảo vòng trong bầu trời xanh lơ. Một trái khói trắng bốc lên cách gần tôi một trăm thước. Đó là quả đạn hiệu chỉnh của pháo binh. Tiếp đến là những quả đạn nổ long trời. Bụi cát bốc lên mù mịt. Đó là những quả đạn bắn hiệu quả.

Tôi áp người vào bờ mương, nghe thân thể rung động. Toán lính nằm dọc theo bờ, súng chĩa về ngôi làng. Tôi bặm môi, ra hiệu thằng mang máy đến gần, và báo cáo: Phú Sơn, đây Phú Sơn ba nghe không trả lời. Tôi báo cáo cho anh trình lại thẩm quyền, các con tôi sắp vượt qua cầu. Trình Đại Bàng cho yểm trợ. Nghe rõ trả lời.

Bàn tay buông lỏng. Tiếng rè rè từ ống liên hợp cất lên: Tôi nghe năm trên năm. Bây giờ những quả đạn pháo binh nổ dồn dập. Những cột khói đen cuồn cuộn, quyện với hơi nóng rát mặt tỏa lên. Tôi được Đại Bàng bảo hãy chờ. Cho pháo binh cầy nát mục tiêu đã. Rồi mình qua. Tôi đáp, nghe năm trên năm, rồi nằm ngửa, súng đặt trên đùi. Tay lấy chiếc khăn, chiếc khăn màu lam mà Quỳnh đã gởi cho tôi trong lần chia ly cuối cùng, đẫm nước mắt, lau vội mặt kính nhem nhuốc nước bùn, tôi nghe nỗi kích thích lạ kỳ, tràn ngập trong từng tế bào, trong huyết quản. Thân thể bị lay động dưới sức nổ của đạn trái phá. Tôi xoay người lại, đặt đầu ống liên hợp vào tai lắng nghe những mẩu âm thoại dồn dập trong máy. Nắng đã bắt đầu lên, và cánh đồng trải dài nhảy múa trước mắt…

Tôi nằm trên miệng hầm, sát tai vào lớp đất. Có tiếng rục rịch khe khẽ. Tôi bảo Trung và cả tổ nằm chĩa súng xung quanh miệng. Tôi hét. Đồng bào ở dưới thì lên, bọn tôi tới giải phóng đồng bào. Đồng bào không lên, chết chịu. Tôi đếm từ một đến mười…

Tôi đếm một, hai, ba, bốn, năm. Đồng bào lên không. Trái lựu đạn cay của Trung được đưa ra, và miệng nó sắp rút chốt, thì người đàn bà hiện lên trong khoảng tranh mờ tối của cửa hầm. Mụ ta có bầu, trạc độ 39, 40 tuổi. Mụ vừa trồi đầu lên vừa chắp tay lạy: Lạy các ông, chúng con vô tội. Binh Hai hét: Còn bao nhiêu người ở dưới đó? Mụ rên rỉ: Dạ còn chừng bảy, tám người. Gia đình con cả. Tiếp đến một lũ người trồi đầu lên. Đi đầu là hai ông già, mấy người đàn bà, một đứa con gái còn nhỏ và mấy đứa con nít. Họ mang theo những chiếc va-li thiếc, những thúng đồ hoặc những túi vải bố. Tôi bảo lính dồn đám người về một góc.

Nắng chói lòa trên nền nhà đổ vụn và những mảnh chai phản chiếu một màu nhức nhối. Tôi cảm thấy khó chịu, khi những giọt mồ hôi bắt đầu ri rỉ xuống cổ. Mụ đàn bà cứ réo: Lạy các ông, các ông tha con. Binh nhất Hai lên đạn rắc rắc. Mụ nói các quan ơi tôi vô tội. Binh Hai vội đá cái va-li thiếc bay đi một khoảng và nói: Sao mụ có bầu. Chồng mụ ở đâu rồi. Mụ đàn bà vội nói: Chồng tôi, ảnh làm lính Quân Cụ ở Quy Nhơn. Tôi cười. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần hành quân qua mỗi ngôi làng mất an ninh, chỉ thấy đàn bà, trẻ con và ông già bà lão. Đàn bà phần nhiều có chửa. Và một điều lạ, hỏi chồng bà ở đâu, chúng tôi chỉ nghe ảnh đi lính Quân Cụ, Quân Nhu, hay nằm bệnh viện. Lần này mụ đàn bà cũng nói như vậy. Tôi bảo lính lấy dao găm cạy va-li thiếc, lục soát. Nắp va-li được mở tung. Có một bộ ka-ki vàng. Binh Hai hét: Chồng mụ đi lính Quân Cụ hay đi giải phóng. Nói mau. Hắn sắp bạt tai, thì tôi vội ngăn lại. Tôi không thể chịu nổi những gương mặt thảm thê, những đôi mắt ngơ ngác sợ sệt đó. Mụ đàn bà nhìn tôi van lơn. Hai ông già tiếp tục nhìn ra cánh đồng chói nắng…

Tôi muốn nhắm mắt lại, ngủ một giấc, một giấc thôi. Mẹ tôi ở đó, những đêm ôm chặt tôi trốn dưới gầm giường. Đạn réo ngoài sân, ngoài ngõ, ngoài hiên. Đạn réo trên đầu, trên mùng, Mẹ tôi ở đó, trên sân nắng, hai tay để lên đầu, khóc lóc nhìn bọn lính Tây tra hỏi. Vẫn những giọt nước mắt, vẫn những tiếng khóc lóc, như một âm vang từ xa xôi vọng lại, từ một quê hương, một xóm làng đìu hiu. Tôi chống hai tay vào đầu gối, mệt nhọc đứng dậy.

Tôi nói: Thôi, để yên đó. Mùi thối từ ngôi nhà gạch bên cạnh bốc lên, đến buồn nôn. Có lẽ là một xác sinh vật nào đó. Những quả cà-nông vẫn tiếp tục dội về, như một cung  đàn buồn thảm. Chiếc L.19 vẫn rà rà trên đầu. Tôi đi về phía nhà sau. Toán lính đang lục soát trong nhà bếp…

Đến bốn giờ chiều, chúng tôi được lệnh mang số dân cư ngụ tại đây về vùng có an ninh. Trung đội tôi bọc chót. Tôi phải khổ tâm mới bảo họ lên đường. Những thúng gạo, nồi niêu, những bát chén, kèm theo những tiếng khóc nức nở. Tôi nghĩ đến một quê hương đã mất. Tôi phải bảo lính thúc từng người. Hình như không có người nào muốn đi. Cuối cùng đoàn người lục tục lên đường. Viên cố vấn Mỹ đi theo đại đội, đếm từng đầu người, rồi ghi trên sổ tay. Đồng ruộng trải dài, thỉnh thoảng vài hố bom cày, loang loáng nước. Đoàn người chậm chạp đi qua những con ruộng đất bùn…

Sáng hôm sau, tôi dắt trung đội đi lục soát khu vực toán kích nổ súng hồi đêm. Hy vọng sẽ tìm thêm một kẻ bị thương nằm lại đâu đó. Thằng Ngọc dắt tôi đến chỗ người bị bắn hồi đêm…

Một tháng sau, tôi cùng một thằng bạn lái xe jeep trở về thành phố. Chúng tôi ngồi trước hàng hiên của một tiệm giải khát. Tôi bỗng thấy đứa con gái nhỏ đứng trên lan can của một nhà tắm hơi. Tôi nhớ mang máng con bé bị tát tai trong chuyến hành quân trước. Con bé có mái tóc dài, dáng gầy, và đôi mắt ngơ ngác. Con bé gánh đôi thúng gạo nặng, hai chân lún sâu dưới bùn, lảo đảo bước đi. Con bé đứng dưới gốc đa. Bây giờ con bé đang đứng trên lan can một tiệm Tắm Hơi. Tôi đứng dậy, đá cái lon sữa, đá một cái thật mạnh”.

Bài viết về Ban Mê Thuột Ngày Đầu Ngày Cuối, Diều Hâu Bỏ Núi và Về Một Đại Đội Cũ vào thời điểm THT ở Quân Đoàn IV tháng Ba năm 1975 những sự kiện xảy ra gợi cho tác giả liên tưởng lại hình ảnh trong quá khứ để kết nối với hiện tại. Và với lối viết linh động như bản thân mình là người trong cuộc. Theo lời tác giả về Ban Mê Thuột… “Đây là một câu truyện được xây dựng từ những dữ kiện có thật theo lời kể của cựu thiếu úy trinh sát trung đoàn 45/SĐ23B và cũng là người bạn cùng một sư đoàn, Nguyễn Lương Sơn. Tác giả mong được nói lên phần nào về một biến cố lịch sử mà những người lính vô danh VNCH đã là những chứng nhân, và hơn nữa đã tham dự thật sự vào, bằng máu, nước mắt, kiêu hãnh và tủi nhục trong những ngày oan nghiệt nhất của lịch sử đất nước từ ngày đầu tiên 10/3 đến ngày cuối cùng 17/3/75 tại Ban Mê Thuột…

Đơn cử những trích đoạn trong những bài viết của Trần Hoài Thư về thân phận của người lính chiến mới cảm nhận những dòng thơ của anh. Trong thời chinh chiến trong thơ và văn của THT trước thực trạng bi thương trong cơn binh lửa.

Với chân dung về một người lính trong Trần Hoài Thư từ lúc còn trong quân trường, ra đơn vị tác chiến đến lúc buông súng. Thân phận người trai trong thời chiến qua bài thơ Thế Hệ Chiến Tranh:

“Thế hệ chúng tôi mang đầy vết sẹo

Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn

Không phạm tội mà ra tòa chung thẩm

Treo án tử hình ở tuổi thanh xuân

Thế hệ chúng tôi loài ngựa thồ bị xích

Hai mắt buồn che bởi tấm da trâu

Quá khứ tương lai, tháng ngày mất tích

Đàn ngựa rũ bờm không biết về đâu

… Thế hệ chúng tôi già như quả đất

Râu tóc mỗi ngày mọc những hoang mang…”

Cuộc sống của người lính tác chiến quá cơ cực, bóng tử thần rình rập nên:

“Chúng tôi sống, ngày là đêm, bóng tối

Trong hấm sâu, dưới địa đạo u minh

Hơi hụt hẫng, theo từng cơn địa chấn

Tai ù ù như bật vỡ âm thanh”

(Bóng Tối)

Từ một nhà giáo ốm yếu, cận thị, làm lính chiến vẫn bạt mạng, sống bất cần, vì vậy khi Nhảy Trực Thăng ở Phước Lý:

“Thì ta ra trận, ta ra trận

Trăm lần thì cũng chuyện rong chơi

Vẫn chuyến bốc quân vào buổi sớm

Vẫn chuyến trở về không buồn vui”

Hết nơi nầy đến nơi khác từ núi rừng đến sình lầy như Đêm Đột Kích Ở Nho Lâm:

“Đồng nước mênh mông, quân ngoi ngóp

Đêm đặc lòng như thuỷ mộ quan

Òa lên trái sáng run hơi thở

Nghiến chặt hàm răng về Nho Lâm

Ai dẫn đường đi sao khựng lại

Trời đen không thấy một vì sao

Bốn bề thăm thẳm lau cùng sậy

Những rặng tre mờ in bóng cao”

Người lính Thám Kích luôn luôn ứng trực, không có giờ giấc, đôi khi hành quân cả tháng, vừa về đơn vị lại lên đường Trước Giờ Tiếp Viện:

“Nửa đêm kẻng giục, quân ra trận

Kinh động cả lòng đêm tối bưng

Nhận lấy ba ngày cơm gạo sấy

Không buồn chỉ một chút bâng khuâng

Đời ta là con số không vô tận

May trên đầu còn chiếc mũ rừng

Mũ nhẹ nên coi đời cũng nhẹ

Chiến tranh. Thì cũng tựa phù vân”.

Hình ảnh sống thực của người lính Thám Kích nay đây, mai đó mới phác họa được thảm cảnh:

“Diều Hâu đã về như một lũ âm binh

Kẻ trước kẻ sau lao vào địa ngục

Đêm không thấy đường giữ dây khỏi lạc

Chúng tôi băng đồng nước ngập

Giải cứu quê em”

(Đêm Tiếp Cứu Chợ Huyện)

Sống sót lúc hành quân, được trở về hậu cứ như Đàn Ngựa Về Thành:

“Khi trở lại ngồi trong lòng quán tối

Thuốc vàng tay và vầng trán đăm chiêu

Thế hệ chúng tôi những đứa đôi mươi

Hồn đã mọc những nụ buồn rất sớm

Khi trở lại, dựa lưng vào vách quán

Để giọt buồn pha đậm tuổi suy tư

Chiếc mũ rừng che nửa mặt âm u…”

Cũng như những bài trong văn xuôi, thế hệ của anh sinh nhầm trong cuộc chiến nên phải cam chịu đao binh, bất hạnh… thay vì nguyền rủa nhưng vẫn tự hào:

“Tôi đứng giữa những nỗi buồn lịch sử

Lẫn tự hào của tuổi trẻ hôm qua”.

Với ngọn đồi mà người lính Thám Kích đã bao lần hành quân rồi trong lần trở lại với Đồi Xưa:

“Tôi qua đồi xám mây mờ núi

Thương về đâu một lũ sáo rừng

Hôm qua đồi ngập hàng trăm xác

Đạn pháo đào sâu bãi chiến trường

Có ai dưới lớp mồ hoang dã

Nằm xuôi chân mắt mở trợn trừng

Chiều nay sao mọc về phương Bắc

Sao ruột lòng vắt đỏ phương Nam

Cỏ tranh lớp lớp che đường dốc

Phòng tuyến buồn hiu nhuốm nắng chiều

Trận đánh cũng đi vào quên lãng

Sao còn rờn rợn những hồn xiêu”

Chiến tranh thật tàn khốc, trên đồi dưới sông đều là mồ chôn xác người. Những nơi người lính trận nhập cuộc đều là chứng nhân cho những nấm mồ.

Những địa danh trong vùng trách nhiệm đó, ngoại các địa danh có tên trên bản đồ, và một nơi nguy hiểm, gọi là Eo Chết:

“Địch cho Trung Đội qua eo chết

Hai bên sườn đại liên đan nhau

Cao điểm chiếm rồi

Vui mừng quá độ

Mà sao người lính Truyền Tin rơi lệ

Báo cáo trong tiếng mất tiếng còn

Về những thằng bị kiến cắn * ngủ yên”

(* Bị kiến cắn: Tử trận)

Địa danh Kỳ Sơn có nhiều nơi ở miền Bắc, và hình như chỉ ngọn đồi Bình Định mang tên nầy, cũng là nơi xảy ra hoạt động đơn vị của đối phương (Nông Trường 3 Sao Vàng) nên luôn luôn xảy ra nhiều cuộc đụng trận với nhau.

“Kỳ Sơn đồi trọc chim không đậu

Đại đội đi, một nửa không về

Lớp lớp người nhào lên, ngã gục

Đạn sủi bờ sủi đá, u mê

Kỳ Sơn ơi,  Kỳ Sơn Kỳ Sơn

Người chưa về tóc mẹ bạc như sương

Ngày sau ai nhớ cho dòng lệ

Kỳ Sơn ơi, Kỳ Sơn Kỳ Sơn…”

Đọc bài thơ Kỳ Sơn nầy nhớ bài Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên:

“Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!

Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.

Lính thú mươi người lạ sóng nước,

Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi…”.

Bài thơ Đêm Phục Kích Ở Luật Chánh cho thấy sự đối mặt với địch quân:

“Ráng thức, mắt ơi đừng nhắm nhé

Nơi nào cũng vậy, cũng hồn ma

Nơi nào cũng vậy, ngàn tinh tú

Nhoà nhạt trên cao, tựa mái nhà

… Trời hởi, thèm chao ơi giấc ngủ

Sao mà, ngực thình thịch nổ tung

Đêm nay dài quá, sao dài quá

Mà đám Sao Vàng chưa đến thăm?

… Ai biết đêm rồi ta trắng mắt

Để chuông chùa rộn rả bình minh?”

Lúc lâm trận, phải đối mặt nhau, súng đạn vô tình, ta không giết địch thì địch giết ta nhưng sau trận chiến, nhà thơ thể hiện tấm lòng nhân bản, hình ảnh cao đẹp của người lính chiến:

“Bắt tù binh mời điếu thuốc thơm

Để thấy miền Nam lính hiền ghê gớm”

Có một nơi nào hơn ở Việt Nam

Có người lính nào bi tráng hơn lính miền Nam”

(Ta Lính Miền Nam)

Một Ngày Không Hành Quân tìm niềm vui bên ly rượu để nhớ đồng đội đã ra đi và với đối phương cũng rót rượu thương xót:

“Cô hàng ơi cho một ly không

Tôi rót mời một người lính Bắc

Hắn nằm banh thây dưới hầm bí mật

Trên người vẫn còn sót lại bài thơ

Trên đồi cao, mây vẫn xanh lơ

Có con bướm vàng dịu dàng dưới nắng

Tôi với hắn, đâu có gì thống hận

Bài thơ nào cũng viết để yêu em”

Sau những năm làm lính Thám Kích với xác người, thây ma… với thương tích, tử sinh… thế mà Từ Biệt Núi Rừng vẫn còn mang theo hình ảnh:

“Từ biệt núi rừng, vùng đất khổ

Những ngày bùn đỏ bám giày saut…

… Mà sao cứ nhớ chùm lan dại

Giữa bãi hoang tàn vẫn nở hoa

Thôi nhé, Trường Sơn xin bỏ lại

Ta về châu thổ lội qua Miên

Bỏ lại trên vai hòn núi nặng

Cho những bạn bè đồng đội anh em”.

*

Thư Quán Bản Thảo số 1 ra đời tháng 10/2001 (ban đầu cùng với vài người bạn như Phạm Văn Nhàn, Trần Bang Thạch…) cũng là thời điểm không may khi xảy ra biến cố tang thương trong vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, thường gọi là 911 nên ít được quan tâm nhưng với sự quyết tâm của THT đã được thực hiện đều đặn và quảng bá rộng rãi. Tạp chí Thư Quán Bản Thảo trung bình mỗi năm 4 số, số 107 vào tháng 12/2023.

Chị Nguyễn Ngọc Yến, người bạn đời đồng hành với anh THT cho TQBT và Thư Ấn Quán trong suốt cuộc hành trình nầy. Tháng 12 năm 2012, chị Nguyễn Ngọc Yến bị tai biến (stroke) nằm một chỗ, phải vào nursing home, mỗi ngày anh vào thăm vợ… Tuy lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh nhưng anh cố gắng chịu đựng. Chị còn khuyên anh tiếp tục thực hiện tạp chí Thư Quán Bản Thảo và tủ sách Di Sản Văn Chương Miền Nam.

Cho đến tháng 4 năm 2018, trải qua 5 năm, kể từ ngày ngã bệnh chị phải ngồi xe lăn, anh luôn luôn túc trực chăm sóc vợ. Nhiều lần đưa vợ vào nursing home nhưng anh lại không đành lòng sống thui thủi một mình ở nhà, quá trống vắng nên đem về, khi bệnh tình trở nặng, lại mang vô. Con trai duy nhất, bác sĩ, làm việc ở tiểu bang lân cận nên không có cơ hội gần gũi với cha mẹ. Theo lời anh: “Tôi phải lo nấu ăn để mang vào nursing home cho Y., mỗi ngày 2 lần, mỗi lần ở lại với Y. khoảng 90 phút. Khi ra về tôi vịn lan can mà lên. Cả chân tôi bị gout hành rồi thấp khớp hành, tối ngủ không được…”.

Với sự đồng tình của vợ, trong suốt những năm qua Thư Quán Bản Thảo vẫn ấn hành và Thư Ấn Quán vẫn tiếp tục thực hiện những tác phẩm của thân hữu. Có lẽ, vợ chồng THT là ‘cặp đôi” duy nhất ở hải ngoại có tấm lòng trong sáng, thiết tha đến việc bảo tồn văn học miền Nam trước năm 1975 ở hải ngoại.

Với THT, từ ngày làm lính trận, cận kề với cái chết nên bạt mạng, sống bất cần đời nhưng hết lòng với đồng đội, bắng hữu. Giang hồ lãng tử với bao mối tình si vẩn vơ cho qua ngày đoạn tháng. Con ngựa bất kham (anh tuổi Nhâm Ngọ) dừng chân trong vòng tay của người bạn đời. Và trong tình nghĩa vợ chồng trong những năm dài cuối đời, anh là hình ảnh tiêu biểu cho mẫu người đàn ông trọn tình trọn nghĩa với vợ.

Trên tạp chí Sóng Văn (1997), phỏng vấn chị Nguyễn Ngọc Yến, chia sẻ đôi điều: “Cũng vì yêu mến văn chương, nên duyên văn nghệ đã đưa chúng tôi gặp nhau. Chúng tôi có những kỷ niệm đầy vui buồn theo vận mệnh thăng trầm của đất nước. Nhưng kỷ niệm tôi mang theo đến lúc tàn sinh là những ngày bồng con đi xin ăn ở một làng hẻo lánh bên bờ Thái Lan, sau những ngày đói khát, lênh đênh trên biển cả…

Đối với anh Thư, đi làm việc về hầu như ‘đóng đinh’ trước computer, gõ ‘lóc cóc’, ít khi để ý đến công việc gia đình. Nhưng tôi thấy việc nhà là trách nhiệm của một người vợ, nên không có gì phiền hà trong lòng cả…

Lúc nào viết cũng có ly cà phê và điếu thuốc để trước mặt, anh nói: có hút thuốc thì nguồn cảm hứng mới dồi dào. Tôi rất sợ mùi thuốc lá, nhưng đành chịu chớ biết sao giờ…”.

Những ngày cuối đời của vợ chồng Trần Hoài Thư tuy “bất hạnh về bệnh tình” nhưng là hình ảnh đẹp nhất, trân quý nhất. Và, vài dòng thơ trong thi phẩm Vịn Vào Lục Bát, THT trải lòng với vợ:

“Hôm nay lạnh, buồn tàn thu

Em nằm tôi hạ tôi hầu à ơi

À ơi bồ kết rụng rồi

Sao không rụng trái khổ đời nghiệt oan”

(Bồ Kết Rụng Rồi)

“Còn đây tấc dạ thước mền

Giường dưng, gối lạ, ngọn đèn vàng hiu

Còn đây, còn đêm tịch liêu

Trong tôi con sóng thủy triều trở trăn…

(Về Lại Phòng Ngủ)

Trước hình ảnh người vợ lâm trọng bệnh, THT tự trách mình gây “nghiệp oan” nên người bạn đời mới cam chịu:

“Em đi để nhận đoạn trường

Xe lăn định mệnh, chiếc giường nghiệp oan

Hay là em chuộc dùm chồng

Như xưa Chúa đã chuộc dùm thế gian?”

Sau khi chị Yến bị stroke lần thứ ba, những dòng thơ của THT với Em Cứ Nói Đi cho thấy tình trạng ngặt nghèo của chị và nỗi đau tuyệt vọng của anh, vô cùng cảm kích:

“Anh còn tai này em cứ nói đi

Anh không nghe thì tai anh sát kề cho rõ

Em cứ nói đi, dù chỉ là hơi thở

Dù tiếng mất tiếng còn dù chữ ngã chữ nghiêng…

… Em nằm đấy, trời ơi, sao mấy năm trời cứ nằm mãi vậy

Cửa đóng rồi, làm sao đón ánh nắng vào đây

Tay trái liệt rồi, sao tay phải vạ lây

Sao chân phải không cho chúng ta một niềm hy vọng?

… Anh không biết anh có còn  sức mạnh

Anh sắp ngã rồi, anh đang gắng sức dồn hơi

Chơi một trận cuối cùng trước khi bỏ cuộc chơi…”

(Đây là bài thơ vừa sáng tác xong, gởi cho tôi, trước kia khi anh bị thương vẫn tiếp tục cuộc chơi, nay vợ lâm trọng bệnh, anh xót xa hơn bản thân mình!). Có nhiều tác phẩm viết về tình nghĩa vợ chồng… với THT chỉ những câu thơ cũng nói hết đạo vợ chồng thật cao quý.

Ngày trước lúc còn trai trẻ THT Viết Dưới Trời Khói Lửa và đến lúc xế chiều của cuộc đời lại viết trong nỗi cô đơn và quặn đau! Niềm an ủi duy nhất của anh bây giờ còn viết được.

Léopoldine mới 19 tuổi chết đuối trên dòng sông Seine ngày 4 tháng 9 năm 1843, năm 1847 văn hào Victor Hugo làm bài thơ Demain, dès l’aube, chỉ 12 dòng thơ được xem như một tuyệt tác, tặng con gái đầu lòng đúng vào ngày giỗ thứ tư bên mộ Léopoldine tại Villequier sát bờ sông Seine và sự mất mát lớn lao này đã làm ông đau khổ suốt một thời gian dài và ông đã không in thêm tập thơ nào nữa trong mười năm sau cái chết của Léopoldine.

Với tôi, nếu ngày nào đó chẳng may chị Yến ra đi và anh không còn viết được, có lẽ anh trở thành cái thây ma, phải không bạn ta? Rồi ngày nào đó, anh bỏ lại người thân, bằng hữu… thảnh thơi nơi phương trời xa lạ, Di Sản Văn Chương Miền Nam đã bao năm xây dựng, có lẽ cũng theo anh “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?” (Vũ Đình Liên)”.

(VTrD, Little Saigon, April 2018)

Và, hôm nay, sau 6 năm của bài viết, ngày đó đã đến, khi chị Yến qua đời, đọc trên Facbook của anh với những dòng chia sẻ, vô cùng cảm động.

Nhân đây, nhắc qua về cuộc tình Trần Hoài Thư – Nguyễn Ngọc Yến, bài viết của Nguyễn Lệ Uyên với cuộc tình:

“Hồi học Sư Phạm đại học Cần Thơ (1968), lúc làm hồ sơ nhập học bị trễ mấy ngày, bị làm khó. May sao gặp chị Yến làm ở phòng Hành Chánh của Viện nói giúp với ông Khoa trưởng. Sau đó thì thân nhau, bởi chị cũng biết tôi có võ vẽ mấy truyện ngắn trên Văn, Khởi Hành… mà chị thì mê văn chương, đọc nhiều, các tạp chí văn học chị hầu như ít bỏ sót, nên chúng tôi coi như chị em, chị lớn hơn tôi 7,8 tuổi. Những dịp nhận nhuận bút, tôi thường chở chị đi ăn món gì đó. Rồi trên số Văn chủ đề Những Cây Bút Trẻ, lại có truyện của tôi và anh Trần Hoài Thư. Khi nhận nhuận bút, tôi mời chị đi ăn bún bò Huế ở quán ông Ba Mập ngoài Bình Thủy, trên đường đi Long Xuyên. Ăn, chị hít hà, chảy nước mắt và khen ngon. Trong lúc ăn, chị hỏi tôi có biết, quen anh THT không, có nhận xét gì về truyện anh Thư. Tất nhiên là quen nhiều, vì ảnh, từ Quy Nhơn hay vào chơi với anh em văn nghệ Tuy Hòa năm ba hôm, thường thì ăn uống rồi ở lại nhà tôi.

Thâm tâm, tôi chỉ nghĩ chị hỏi để hiểu rõ thêm về một tác giả, nhưng không ngờ, chị mê truyện anh Thư, mê các nhân vật khốn khổ của ảnh, như hiện thân của một THT được bê nguyên xi vào truyện rồi yêu cả truyện và người viết! Tới cuối năm 69 đầu 70, nhóm sinh viên chúng tôi thực hiện chương trình ca nhạc, đọc, ngâm thơ hàng tuần ở giảng đường lớn, chị mới biểu lộ tình cảm thật của chị đối với anh Thư. Chị hỏi tôi gia cảnh, sinh hoạt cá nhân, tính tình… Vậy là đã rõ. Tôi ra sức vẽ vời anh THT còn hay hơn truyện tôi viết. Tôi sơn phết anh Thư cho tròn trịa hơn một chút, bặm trợn, lãng mạn như cụ Hemingway một mình giữa biển khơi. Tối đó, tôi viết cho anh Thư đến 4, 5 tờ pelures về chị Yến. Kể thật về điều tai nghe mắt thấy, về nhan sắc, tính tình của chị trong gia đình gia giáo (ông cụ thân sinh chị là GS Tổng Giám Thị trường trung học Phan Thanh Giản). Với anh THT, tôi viết thư nói đây là một mẫu người lý tưởng để làm vợ, anh đừng để mất cơ hội. Chị Yến thì gần, gặp nhau hai chị em nói chuyện thơ văn, tán dương ông anh Quí Sách, khuyến khích chị viết thư làm quen với các nhân vật của ảnh. Sau vài ba lần như vậy, tôi nói thẳng với chị: Anh Thư là một người tuy không hoàn hảo, nhưng sẽ là người chồng tốt…

Cuối cùng, như duyên tiền định với tô bún bò Huế cay xè tôi đãi chị, hai người hẹn hò nhau ở tòa soạn Bách Khoa, đến tháng 6/1971 hai người làm đám cưới;  khi ấy  tôi đang ở quân trường Thủ Đức, nhận được thư chị viết mấy dòng ngắn: Chị và anh Thư cưới nhau, ngày 18 tháng 6. Em gắng lấy giấy phép về dự, không anh chị buồn”.

Đúng là một “đám cưới nhà binh” tại Sài Gòn không thể nào đơn giản hơn, chỉ với mươi người bạn nơi một căn nhà trong xóm Bàn Cờ, không có rước dâu cũng không có cả nhẫn cưới. Một tuần lễ sau, ngày 23/6/1971 cơ sở xuất bản Ý Thức tổ chức một buổi ra mắt sách cho Trần Hoài Thư với tác phẩm đầu tay Những Vì Sao Vĩnh Biệt.

Sau ngày cưới, Trần Hoài Thư vội vã lên đường trở về đơn vị ở Quân Khu II. Lính chiến chỉ có một tuần nghỉ phép. Chạy ngược chạy xuôi, không có tuần trăng mật. Năm 1971, đứa con trai đầu lòng Trần Quí Thoại cũng là đứa con duy nhất chào đời. Đó cũng là cơ hội cho THT thuyên chuyển về Khối CTCT ở Quân Khu 4.

Sau 4 năm tù, anh vượt biên năm 1979 vì không có đủ tiền nên chị chấp nhận để anh đi một mình. Ba tháng sau, vợ và con anh được một chủ tàu tốt bụng cho đi mà không phải trả tiền trước. Gia đình đoàn tụ vào năm 1980, định cư tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania. Anh theo học Spring Garden College. Sau khi tốt nghiệp Cử Nhân (BS) về Điện Toán và Cao Học (MS) Toán Ứng Dụng, hãng AT&T nhận làm việc tại chi nhánh của họ ở New Jersey. Sau đó anh chuyển sang công ty điện toán IBM và chức vụ cuối cùng là Projet Leader. Khi chi nhánh của công ty IBM outsourcing chuyển qua Ấn Độ, anh quyết định nghỉ hưu. Đúng ra với cương vị nầy, anh vẫn còn tiếp tục công việc nhưng “cái máu văn chương, chữ nghĩa” hình như thôi thúc anh dành trọn thời gian cho nghiệp dĩ.

Từ New Jersey muốn sưu tầm sách báo miền Nam ở các thư viện trong đại học Mỹ như Yale, Cornell… khá xa, với mắt kém nên chỉ lái xe ban ngày nên với công việc nầy, anh chia sẻ: “Yến giúp tôi lái xe khi đi xa, đóng bằng chỉ những cuốn sách dày cả ngàn trang, hay phụ với tôi khiêng những thùng giấy tôi mua với giá rẻ. Yến giúp tôi viết địa chỉ, bỏ sách báo vào phong bì, dán tem, hay nhắc tôi về những sơ xuất. Khi một người hỏi order một cuốn sách, Yến luôn luôn nói là tặng, đừng lấy tiền…”

Ngày đêm, vợ chồng làm việc dưới basement của căn nhà nhỏ xinh xinh 719 Coolidge St. Plainfield, New Jersey. Anh chị tự tìm tòi mua máy móc cũ, tự sửa thành máy in, cắt, dán… cho các tác phẩm của Thư Ấn Quán và Thư Quán Bản Thảo để phát hành. Với công sức nầy vợ chồng Trần Hoài Thư đã đóng góp “kho tàng văn chương hải ngoại”.

Kể từ tháng 12 năm 2012, chị Yến bị Stroke, trải qua thời gian dài bị tái diễn, ở nursing hom và ở nhà, anh rất tận tình chăm sóc người bệnh. Trong mùa đại dịch Covid-19, chị bị

nhiễm bệnh, trước đó anh bị stroke, đi lại khó khăn nên vịn walker đến nhìn vợ chỉ trong giây phút ngắn ngủi bên ngoài cửa nursing home Ashbrook, hỉnh ảnh ấy vô cùng cảm động. Trong 12 năm đó, có nhiều năm người chồng bệnh hoạn lại chăm sóc người vợ lâm trọng bệnh, hình ảnh cao đẹp biết bao. Tập thơ cuối cùng của THT là Phao vừa ấn hành đầu năm 2024, chấm dứt sự nghiệp cầm bút.

Sau khi chị Nguyễn Ngọc Yến qua đời, với sức khỏe yếu kém và tinh thần suy sụp… nếu anh còn sống với chuỗi ngày còn lại chỉ là xác khô không hồn! Anh không thể sống nỗi với tháng ngày lẻ loi nên “diều hâu” năm xưa trải qua một kiếp tu, hóa thành chim hạc, biểu sự thủy chung và trong sáng, tượng chắp cánh cùng chim yến cho có đôi mãi mãi bên nhau bay về cõi Vĩnh Hằng. Cầu nguyện anh chị “rũ bỏ bụi trần” nên nhau nơi lạc cảnh.

Little Saigon, Ngày Hỏa Táng THT

Vương Trùng Dương

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.