Jan 14, 2025

Viết về tác giả & tác phẩm

Rồi Có Ngày Ta Sẽ Yêu Ocean Vuong- Someday I’ll love Ocean Vuong
Nguyễn Thị Tịnh Thy * đăng lúc 10:40:18 PM, May 23, 2024 * Số lần xem: 164
Hình ảnh
#1

 

*


RỒI CÓ NGÀY TA SẼ YÊU                                                           OCEAN VUONG

                    

Nguyễn Thị Tịnh Thy

       “Rồi có ngày ta sẽ yêu Ocean Vuong” (Someday I’ll love Ocean Vuong). Đó là nhan đề một bài thơ của Ocean Vuong, trong tập Trời đêm những vết thương xuyên thấu[1].

Từ những sóng gió của tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian[2] trong những ngày qua, có thể thấy nhan đề này như vận vào số mệnh của nhà thơ.

Người nghệ sĩ, nếu có một sáng tác nào đó có tính tiên tri về số mệnh của mình và của tác phẩm, nếu không phải thiên tài thì ít ra, họ đã là nghệ sĩ đích thực. Ocean Vuong là nghệ sĩ đích thực, và Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của ông là tác phẩm văn học đích thực. Việc một tác phẩm văn học chịu sóng gió, bi kịch, thị phi,… âu cũng là điều bình thường. Bởi vì, tiếp nhận văn học chịu sự chi phối của nhiều yếu tố: “tầm đón đợi” của độc giả, trường tiếp nhận của xã hội… Điều éo le đối với Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là, trong khi cả thế giới chấp nhận, tôn vinh và ngợi ca nó, thì ở ngay nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn, đứa con tinh thần, đứa con huyết lệ của ông, lại bị một số người bỉ bôi, lên án, mạt sát và bài xích. Và thật oái oăm thay, mọi chấp nhặt đó chỉ bắt đầu bằng một từ mô tả hoạt động tính giao một cách thô tục nhất, thuần Việt nhất mà dịch giả sử dụng trong bản dịch dành cho người Việt.

Cái hay và cái dở, điều cần ủng hộ và nên phản đối của Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian đã được nhiều người nói đến. Riêng bài viết này, tôi quan tâm đến việc khi nào thì chúng ta có thể “yêu Ocean Vuong” – như là một cách đón nhận sáng tác gây tranh cãi của ông.

1. Thế hệ những người làm cha mẹ thuộc lứa tuổi 7x, 8x chỉ có thể yêu Ocean Vuong khi họ được hưởng một nền giáo dục khai phóng, nghĩa là được học văn học trong nhà trường với những tác phẩm văn học đích thực chứ không phải là tác phẩm tuyên truyền “yêu – căm – chiến – lạc” (yêu mến – căm thù – chiến đấu – lạc quan); khi họ được đào tạo với một chương trình giáo dục cân đối, toàn diện, chú trọng phát triển năng lực thẩm mỹ bên cạnh các năng lực khoa học, toán học, thể chất, ngôn ngữ… Nếu được hưởng một nền giáo dục như thế, họ sẽ trở thành những công chúng của nghệ thuật, có khả năng cảm thụ nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng dưới bất cứ hình thức nào: cổ điển, hiện đại, hậu hiện đại; bình thường hoặc gây sốc. Khi gặp một “cú sốc” tiếp nhận trong nghệ thuật, họ có đủ tri thức, tâm thế, bản lĩnh để tìm cách “giải sốc” và giải mã nghệ thuật thay vì la toáng lên cho cả thế giới biết về sự phản đối của mình.
Một thời kỳ rất dài, nền giáo dục chúng ta không chú trọng đào tạo công chúng cho nghệ thuật, vì vậy, không thể đòi hỏi công chúng theo kịp sự thay đổi của nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng. Nghệ thuật rất cô đơn, vì thiếu công chúng. Cứ nhìn một cuộc triển lãm tranh, biểu diễn hoà nhạc hay toạ đàm văn học mà xem. Ngoài các nhà chuyên môn, khán thính giả phổ thông thuộc thế hệ 7x, 8x rất hiếm hoi. Vì vậy, sự “bức xúc”, “giận run cả người” của người mẹ khi nhìn thấy những trang sách mà bà cho là có “ngôn từ đồi truỵ, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm” của Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian cũng là điều dễ hiểu.

Một trong những hệ quả của chương trình giáo dục nêu trên là không khuyến khích đọc sách. Vì vậy, khó có thể đòi hỏi sự bình tĩnh ở bà mẹ thuộc một dân tộc có tỉ lệ đọc sách khoảng 1 cuốn/năm/người, khi thấy con mình được cô giáo phát cho cuốn sách như Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian. Trong khi, tờ The Seattle Times khẳng định Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là cuốn tiểu thuyết tuyệt vời dành cho lứa tuổi mới lớn. Hoặc là, giải Goncourt dành cho giới trẻ/tuổi mới lớn năm 2001 được trao cho Thiếu nữ đánh cờ vây của Sơn Táp – một tiểu thuyết có nhiều trang miêu tả bạo lực và tình dục một cách khốc liệt. Xem ra, việc đọc văn học của nước mình tụt hậu so với thế giới cũng phải đến mấy mươi năm.

Và, với nền giáo dục trọng thi cử, trọng thành tích mà xem nhẹ việc đọc sách như hiện nay, học sinh Việt Nam có thể thi cử giỏi, IELTS điểm cao, có hồ sơ đẹp để đi du học, nhưng so với học sinh nước ngoài, khoảng cách mấy nghìn cuốn sách là không bao giờ san lấp nổi. Đó là khoảng cách về trí tuệ, tinh thần và văn minh.

2. Việc người mẹ vội vã phản đối cuốn sách còn cho thấy người dân rất mất niềm tin vào ngành giáo dục, bắt đầu từ giáo viên. Đây là phản ứng bất chấp chuyên môn người khác. Thông thường, nếu thấy tác phẩm có vấn đề, phụ huynh sẽ trao đổi/chất vấn/đối thoại với cô giáo để hiểu lý do, mục đích giáo dục thông qua việc trao cuốn sách cho học sinh. Hoặc chí ít, chỉ bằng một cái nhấp chuột, phụ huynh sẽ hiểu hơn về giá trị của tác phẩm ngoài và qua những trang miêu tả tính dục. Nhưng không, tâm lý hoài nghi đã chế ngự tất cả khiến sự bất bình, giận dữ lấn lướt.

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM “yêu cầu nhà trường nghiêm túc khắc phục và kiểm điểm phê bình giáo viên” và trường ISHCMC xử lý theo kiểu nhất nhất thừa hành, thu hồi tác phẩm ngay lập tức, mà không hề bảo vệ giáo viên, cũng cho thấy sự mất niềm tin theo hiệu ứng dây chuyền. Chỉ cần bỏ ra một ngày đọc tác phẩm, đọc các bình luận của giới chuyên môn trong và ngoài nước, thì có lẽ các nhà quản lý sẽ không dễ dàng “xuống tay” một cách vô tình như thế được. Những quyết định của trường và sở nghe có vẻ rất có trách nhiệm, nhưng thực chất là vô trách nhiệm, là trấn an dư luận bằng biện pháp “trăm dâu đổ đầu tằm”, mà hai con tằm cuối cùng, nhỏ bé, đơn độc, mất khả năng kháng cự và chiêu tuyết là giáo viên và tác phẩm. Nếu như, không phải phụ huynh phát hiện để đánh động đến các cấp quản lý, mà học sinh đọc sách và cảm thấy khó hiểu về ẩn dụ của tác giả qua những đoạn miêu tả tính dục; đem những thắc mắc ấy hỏi cha mẹ, ban giám hiệu hoặc các vị ở Sở Giáo dục, thì các vị sẽ trả lời ra sao? Còn nữa, sau việc thu hồi sách, quý vị có ý định mở một diễn đàn trong trường học, mời chuyên gia nghiên cứu văn học đến để cùng giải mã tác phẩm với học sinh; mời chuyên gia tâm sinh lý đến để trò chuyện, tư vấn cho các em về tình yêu, tình dục đồng giới và cách bảo vệ bản thân (phòng tránh các bệnh tình dục, bệnh HIV,…)?.
Các vị chỉ cần thu hồi, là xem như đã tẩy ra khỏi não học sinh những trang viết về tính dục? Hoặc ghim vào trong nhận thức của các em mãi mãi đó là những trang viết khiêu dâm, rồi mặc kệ? Các vị đồng ý với ý kiến cho rằng học sinh đọc Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là “bị đầu độc về mặt tinh thần”, thì các vị đã giải độc/thải độc cho các em chưa? Trách nhiệm hậu thu hồi của quý vị là gì, chúng tôi quả thật rất muốn biết.

3. Trong sự việc này, dịch giả và nhà xuất bản đã thiếu chu đáo với sản phẩm mà mình đưa đến tay người sử dụng. Dẫu rằng, với những văn bản mà tác giả cố tình dùng từ ngữ tục tĩu như một phương tiện nghệ thuật để chuyển tải ý tưởng/tư tưởng/thông điệp, thì cần phải dịch trung thành, sát nghĩa nhất để đảm bảo được nguyên nghĩa của nguyên tác. Tuy vậy, nếu chu đáo và quan tâm hơn đến văn hoá bản địa và tâm lý tiếp nhận của người đọc, dịch giả cần có chú thích ngay sau từ ngữ đó, trích dẫn nguyên văn để người đọc hiểu hơn và đỡ “bàng hoàng” hơn.
Cần lưu ý rằng, những đoạn miêu tả tính dục trong Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian với những từ ngữ đụ, đụ thật, đụ vờ[3] tuy thô tục nhưng không khiêu dâm. Và những từ ngữ này thực chất đã hàm chứa rất nhiều mã nghệ thuật: khát khao được thật sự là chính mình, được hưởng thụ dục lạc; sự thiệt thòi, đau đớn của những người đồng tính; di chứng truyền thừa của nạn bạo hành và chịu đựng bạo hành… Những từ ngữ và chi tiết “nhạy cảm” trong nghệ thuật có khi rất “đắt giá”, bởi chúng là kết quả của sự chọn lựa, cân nhắc, “thôi xao” chứ không phải là tắc trách, tuỳ tiện, bất chấp.

Đến cảnh làm tình lần thứ hai, fuck và fuck. me. up được lặp lại, người đọc sẽ hiểu vì sao nhà văn lại tả cảnh làm tình bạo liệt và trần trụi đến thế: Chó Con là di sản của bạo lực từ lịch sử chiến tranh của gia đình và dân tộc, nên chỉ biết đến bạo lực – và chịu đựng bạo lực – trong cả mối quan hệ tình dục. Đó là thứ di sản buồn, “di sản của mất mát”[4] thuộc về dân tộc tính, mà tác giả ẩn dụ qua những đoạn kể về cảnh làm tình. Fuck cũng là từ chỉ hành động mạnh và bạo lực nhất trong các từ miêu tả tính dục. Có lúc, chính tác giả cũng đã hiển ngôn điều này qua đoạn văn sau: “Fuck me up, fuck me up.” By then, violence was already mundane to me, was what I knew, ultimately, of love. Fuck. Me. Up.” (… Đến lúc đó, bạo lực với con đã trở thành tầm thường quen thuộc, trở thành cái cốt lõi con biết về tình yêu …)[5].

Ngoài ra, tác phẩm còn có nhiều chỗ dịch không đạt, chẳng hạn:

– Cùng tả cảnh làm tình, cùng viết thư cho một đối tượng người đọc (mẹ), nhưng cách dùng từ thì khi thế này khi thế khác:

+ cock khi thì dịch là dương vật, khi thì chim – dù tác giả không đổi khác về giọng điệu;
+ tương tự, fuck khi thì dịch là đụ, khi thì là làm, khi lại là dập.
– Fuck.Me.Up dịch thành Dập.Nát.Đi cũng không đạt, vì không còn đối tượng Me (Tôi) nữa[6].

4. Về phía người đọc, khi muốn kết luận về một văn bản, đặc biệt là văn bản văn chương, trước tiên là phải đọc đủ, đọc hết (chưa nói đến đọc kỹ). Không thể đọc sách theo kiểu “phúc thống phục nhân sâm tắc tử” (đau bụng uống nhân sâm thì chết) hoặc “thầy bói xem voi”, nhìn một vài đoạn tả tính dục, một vài chữ thô tục, tục tĩu nhất thì có thể kết luận cuốn sách là dâm thư, là đồi truỵ, độc hại. Mỗi chữ trong tác phẩm, dù thanh hay thô, nhã hay tục đều là kết quả của quá trình phí công dụng tâm của tác giả và đều có mối quan hệ chặt chẽ, logic với chỉnh thể nghệ thuật của toàn tác phẩm. Ngắt chữ nghĩa ra khỏi văn cảnh để phê phán tác phẩm thì chẳng khác nào đấu tố văn chương, kiểm dịch văn học một cách bất công và tàn nhẫn.

Trong âm nhạc, để thưởng thức nhạc giao hưởng, thính giả cần được trang bị kiến thức chuyên môn, cho nên công chúng, tri âm của ngành nghệ thuật này ít hơn loại tân nhạc kiểu như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy. Như thế, có một số mã phổ biến hơn và dễ tiếp cận hơn các mã khác. Nói theo ký hiệu học, đó là loại “mã truyền rộng” (broadcast codes), phân biệt với loại “mã truyền hẹp” (narrowcast codes). Đọc văn cũng cần phải học, mà mấy mươi năm nay, hầu như giáo dục nước nhà chỉ chú trọng giảng văn/dạy học văn mà ít/không chú trọng dạy đọc văn. Trong khi, văn học thì phát triển, thay đổi rất nhanh và rất mạnh mẽ về cả tư tưởng lẫn thi pháp. “Mã truyền rộng” của văn học chỉ phù hợp với loại văn chương truyền thống, đơn giản; với văn chương phức tạp như hậu hiện đại thì rất cần những hiểu biết thuộc về “mã truyền hẹp”. Đó là cách giúp chúng ta tránh được sự lạc hậu/tụt hậu của việc đọc văn. Từ đó, có những ứng xử phù hợp và công bằng với những yếu tố có tính “nhạy cảm” hoặc không dễ dàng tiếp nhận. Việc này không quá khó, thế giới làm được thì chúng ta làm được. Chỉ cần chúng ta có một nền giáo dục không đồng phục trong tư duy, coi trọng giá trị của nghệ thuật và khuyến khích, thậm chí bắt buộc đọc sách. Chương trình Ngữ văn 2018 đã chú trọng năng lực đọc, hoạt động đọc mở rộng/đọc tham khảo ngoài các văn bản trong sách giáo khoa. Cô giáo của trường ISHCMC và một số tác giả biên soạn sách đang thực hiện sự thay đổi này, xin hãy để cho họ làm tốt công việc của mình.

Một vấn đề nữa đặt ra từ sự kiện Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian không phải là chuyện tính dục, mà là ứng xử với tính dục trong nghệ thuật. Khi chưa có kết luận nào từ phía chuyên gia, một số tờ báo và dư luận đã tuỳ ý gắn nhãn “sách khiêu dâm” cho tác phẩm, đó là sự quy chụp hết sức hồ đồ và tuỳ tiện[7]. Thế nào là dâm, không dâm; thế nào là dâm có khiêu dâm và không khiêu dâm? Trả lời câu hỏi này, rất cần có tri thức đọc, kinh nghiệm đọc và trách nhiệm khi phát ngôn.

Toàn bộ tiểu thuyết Tử cấm nữ của Lư Tân Hoa từ đầu đến cuối đều chỉ tập trung miêu tả cái âm vật của nhân vật nữ chính cùng chức năng hoạt động tính dục của nó. Từ khi bị bít kín, đến lúc được mở; ân ái với người Trung Quốc, thử nghiệm cảm giác lạ với người Mỹ; háo hức lúc này, chán chường và thất vọng lúc khác; âm và dương, đực và cái; thông thoáng và ách tắc; biện chứng và phủ định… cái âm vật đó trở thành biểu tượng cho sự vật vã chuyển mình của các chính sách kinh tế, chính trị, ngoại giao của Trung Quốc nửa cuối thế kỷ XX; thể hiện hành trình đầy cam go và khổ ải của cá nhân và quốc gia trong việc phá vỡ giới hạn của bản thân, hướng đến sự tự do và khai phóng. Tử cấm nữ trở thành điểm nóng của báo chí và học thuật, “chia đàn sẻ nghé” giới phê bình, và điều quan trọng là được bạn đọc trong nước nồng nhiệt đón nhận với 60.000 bản ngay trong tháng đầu tiên ra mắt, bởi nó là kỳ thư “đạt đến trình độ rất cao về suy xét lại lịch sử Trung Quốc”[8].

5. Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là tiểu thuyết tự truyện, là hồi ức của một người mang “di sản của mất mát” và mặc cảm lưu vong để vượt lên số phận. Nó vừa rất riêng, rất Việt Nam nhưng cũng rất chung và mang tính toàn cầu khi chạm đến vấn đề chiến tranh, con lai, di dân, lưu vong, bạo hành, đồng tính, chấn thương, phân biệt sắc tộc, bi kịch giấc mơ Mỹ… Toàn vấn đề lớn lao và nhức nhối cả. “Khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót. Nhưng thương lắm”[9].

“Đẹp và Buồn”[10]! Và rất nhân văn. Bởi vì, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian tụng ca bóng tối, tụng ca con người – những con người dưới đáy đã cố vươn lên, từ đời này sang đời khác, mấy thế hệ cứ thế nhích dần lên, ngoi lên từ vũng lầy của lạc lõng và mất mát, để rồi cuối cùng thay đổi thân phận mình, thay đổi cách nghĩ mang tính định mệnh, rằng “Cái gì tốt đẹp cũng đều ở nơi khác” (tr. 70).

Lý thuyết tự sự học cho rằng, không thể đồng nhất tác giả thực tế (ngoài đời) với tác giả ẩn tàng (của tác phẩm); không thể đồng nhất tác giả với nhân vật người kể chuyện xưng “tôi”, cho dù đó là cái tôi tự truyện. Dĩ nhiên, Chó Con trong tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là “sinh thể trên giấy”. Tuy vậy, từ Ocean Vuong ở ngoài đời đến Ocean Vuong trong tập thơ Trời đêm những vết thương xuyên thấu sang Chó Con của Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là một liên chủ thể khó phủ nhận. Vì thế, với mong muốn “Rồi có ngày ta sẽ yêu Ocean Vuong”, mở lòng đón nhận tâm tình chân thật, đớn đau, thô tục, trần trụi mà đẹp đẽ và đáng cảm thông của nhà văn trong từng trang sách, chúng tôi tạm lấy sự gặp gỡ, tương thông của Ocean Vuong và Chó Con để diễn đạt điều này.

“Rồi có ngày ta sẽ yêu Ocean Vuong”, như yêu Chó Con – đứa cháu của một bà ngoại từng làm điếm cho lính Mỹ, luôn sống trong sợ hãi vì tiếng đạn bom gào xé trong tâm trí và căn bệnh tâm thần phân liệt suốt phần đời còn lại ở xứ người. Trước khi chết, tên của món ăn ao ước nhất thốt ra qua khoé miệng thều thào của bà là “Cơm”, “Cơm Gò Công”… “Ngọt quá. Gạo xứ mình – ngọt quá” (tr. 257).

“Rồi có ngày ta sẽ yêu Ocean Vuong”, như yêu Chó Con – con trai của một người mẹ lai Mỹ luôn bị ức hiếp, chồng bị tống vào tù, phải đơn thân nhục nhằn mưu sinh trên quê cha đất tổ khi chỉ nói được tiếng mẹ đẻ. Từ tiếng Anh được sử dụng nhiều nhất nơi bà làm việc – tiệm làm móng – là sorry (xin lỗi). “Xin lỗi. Xin lỗi. Vô cùng xin lỗi”, trong khi không làm gì sai. Xin lỗi để tạo thiện cảm, xin lỗi để xin tiền boa, xin lỗi ngay cả khi không nhận được gì. Xin lỗi trở thành một thứ tiền tệ và công cụ kiếm thêm tiền của kẻ hạ mình, kẻ không có ngôn ngữ và mất thẩm quyền được nói."

“Rồi có ngày ta sẽ yêu Ocean Vuong” – nguyên bản của thằng Chó Con từng bị bạo hành, bị bắt nạt; mang mặc cảm thân phận, chấn thương tinh thần với những ám ảnh truyền kiếp về chiến tranh, tù tội, máu và nước mắt để bước vào trường học lẫn trường đời; “tự hứa với lòng sẽ không bao giờ để mình thiếu chữ khi mẹ cần con nói thay mẹ”. Thằng Chó Con ấy, lần đầu tiên khi có thể trao đổi bằng tiếng Anh, đã dùng những từ ngữ lịch sự nhất dù rất ít ỏi, gọi cho sếp của mẹ để xin giảm giờ làm cho mẹ. “Vì sao? Vì mẹ của con kiệt sức, vì mẹ ngủ quên trong bồn tắm sau khi đi làm về, và con sợ rằng mẹ sẽ chết đuối”. Một tuần sau, mẹ được giảm giờ làm (tr. 46). Thằng Chó Con lầm lụi trong “cuộc đời-dùng-một-lần” ấy, lại có ngày viết nên những dòng chữ đan quyện cái đẹp với nỗi đau quằn quại, mãnh liệt và nghiệt ngã bằng tiếng Anh, trong đó nhiều lần nhắc đến câu nói đầy cam chịu của mẹ: “Con đã sẵn là người Việt Nam rồi” (tr. 274). Thằng Chó Con “được dạy là phải vô hình nếu muốn được yên thân” (tr. 23) đã không chấp nhận vô hình, nó khẳng định bản thể, tên tuổi mình bằng học vấn và sáng tạo văn chương. Và, nó khiến ta ấm lòng khi đúc kết rằng: “Suốt thời gian qua con tự nhủ mẹ con mình sinh ra từ chiến tranh – nhưng con đã nhầm rồi mẹ ạ. Mình sinh ra từ cái đẹp. Đừng để ai nhầm chúng ta là trái quả sinh ra từ bạo lực – mà hãy để họ biết rằng thứ bạo lực đó, dù đã càn qua quả, vẫn không làm hỏng được nó” (tr. 283).

“Rồi có ngày ta sẽ yêu Ocean Vuong”, yêu Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian. Chắc chắn vậy!

Đó là ngày mà những người lớn bảo vệ trẻ em bằng cách rất người lớn, như ai kia từng nói: đừng kéo trẻ em thấp xuống bằng người lớn, mà người lớn hãy lớn lên cho bằng trẻ em. Đó là ngày mà xã hội đặt trọn niềm tin vào thầy cô và ngành giáo dục, tin tưởng và tôn trọng phương pháp giáo dục của thầy cô; và thầy cô cũng như ngành giáo dục xứng đáng với niềm tin đó. Đó là ngày mà các cấp quản lý không dễ dàng giáng xuống các quyết định trừng phạt khi chưa đọc, hoặc đọc cho vỡ chữ một tác phẩm văn học. Đó là ngày mà báo chí chính thống và dư luận không còn tự do rủa xả một tác phẩm văn học và quy kết những nguy hại từ nó đối với học sinh khi chưa hiểu và không chịu hiểu thấu đáo về nó. Đó là ngày mà việc đọc sách trở thành một nhu cầu tự thân và người ta không lấy đôi mắt đạo đức để soi xét văn học. Đó là ngày mà người lớn biết nhắc nhở người nhỏ rằng “văn giả kiến văn, trí giả kiến trí”[11], chỉ cần có nền tảng tri thức, đạo đức và năng lực thẩm mỹ tốt thì không sợ bị bất cứ cái xấu xa nào tác động được. Đó là ngày mà người lớn có thể trao đổi thẳng thắn nếu như lớp trẻ hỏi về câu ca dao lưu truyền từ bao đời nay của ông cha: “Trăng lên đỉnh núi mu rùa/ Cho anh đụ chịu đến mùa anh trả khoai”. Đó là ngày mà tất cả những yếu tố 1, 2, 3, 4 nêu trên, chúng ta đều đạt được, chỉ cần ở mức độ bình thường.

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là một tác phẩm văn học đích thực. Mà, mỗi tác phẩm văn học đích thực đều làm rất tốt các chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ, chức năng giải trí, chức năng đền bù,… việc còn lại là của người thầy (với năng lực sư phạm) và của người đọc (với tầm đón đợi tương thích). Bởi vì, sinh mệnh và giá trị của văn chương, dẫu có khi “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn…”, nhưng suy cho cùng, chân giá trị thì không hề thay đổi. Và, “văn giả kiến văn, trí giả kiến trí”. Thế thôi!

(nguồn: Văn Việt)

[1] Ocean Vuong, Trời đêm những vết thương xuyên thấu (Hoàng Hưng dịch), Nxb. Hội Nhà văn, 2018, tr. 141.
[2] Ocean Vuong, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (Khánh Nguyên dịch), Nxb. Hội Nhà văn, 2022; những dẫn chứng trong bài là được trích từ bản in này.
[3] Ocean Vuong, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (Khánh Nguyên dịch), Nxb. Hội Nhà văn, 2022, tr. 145, 147, 148, 154.
[4] Nhan đề tiểu thuyết của Kiran Desai, Nxb. Hội Nhà văn, 2008.
[5] Ocean Vuong, On Earth We’re Briefly Gorgeous, Penguin Press, New York, 2019, https://www.are.na/block/11490373; Ocean Vuong, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (Khánh Nguyên dịch), Nxb. Hội Nhà văn, 2022, tr. 153.


 🧡🌼🍑
 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.