Dec 26, 2024

Thơ mới hiện đại VN

Trang Thơ Minh Sơn Lê - Tháng 04 2024 💚
Minh Sơn Lê * đăng lúc 01:33:57 PM, May 01, 2024 * Số lần xem: 493
Hình ảnh
#1

 



 
Trang Thơ Minh Sơn Lê  - Tháng  04 2024

                             💚 🌹 💚

     

 

                      ☆

Thượng Đế Chết Bên Bờ Biển Đông

 

 

Có ai còn thuộc thơ Kiều

Để thương, để khóc bao nhiêu đoạn trường?

Một trời biển bạc quê hương

Giờ đây một cảnh tai ương rụng rời!

 

Tháng Tư… chưa đổ mưa trời

Mà mưa nước mắt ngập đời nhân gian

Thuyền nằm trên cát để tang

Một vùng biển chết bàng hoàng trăm năm!

 

Tháng Tư một chín bảy lăm

Người đành bỏ nước bao năm chưa về

Tháng Tư này quá não nề

Thuyền đành bỏ biển… trăng về khóc than!

 

Tháng Tư đầy tiếng oán than

Non sông gấm vóc tan hoang giật mình!

Trời xanh sao nỡ vô tình?

Lòng người ai nỡ bạc tình quê hương?!

 

MINH SƠN LÊ

 

        ☆

 

Và Em Vẫn Cứ Sài Gòn

Và em vẫn cứ Sài Gòn
Nên chi tiếng nhạc mãi còn âm vang
Vượt thời gian với không gian
Ngày qua nối lại với ngàn ngày sau

Mặc tình cho cuộc bể dâu
Dập vùi mấy nữa cao sang vẫn đầy
Núi sông còn ở lại đây
Chân dung ngày cũ chưa phai trong hồn

Và em vẫn cứ Sài Gòn
Hiên nhà ngói đỏ hãy còn rêu xanh
Ở đâu cũng có nhạc tình
Lời ca tiếng hát thuở bình yên xưa

Sài Gòn chợt nắng chợt mưa
Phượng hồng chen lá đong đưa gió hè
Tháng năm ai có đi về
Ghé Sài Gòn kể… cho nghe chuyện đời!


MINH SƠN LÊ


             

Họ đã sống, chiến đấu và đi vào lòng đất mẹ vào những ngày cuối tháng Tư năm ấy!

Ra đi, họ không có gì để lại cho người đời nhìn vào mà ao ước như: đất vàng, biệt phủ, sân vườn với những thú vui xa xỉ cùng những tiện nghi vật chất đắt đỏ không ngờ…

Họ chỉ có Nhân Cách biết sống làm người trước tình cảnh của tha nhân và cuộc đời hiện thực của một quê hương đầy tang thương và máu lệ.


MINH SƠN LÊ
*************

Dáng Đứng Một Quê Hương

         

Lệnh truyền
ngưng
cuộc hành quân
Tay
buông thép súng
Mắt
dâng lệ nhoà

Nghe tim
từng mảnh vỡ ra
Rơi
trên đất Mẹ
chan hoà nỗi đau!

Tay
nâng súng lệnh
ngang đầu
Quốc kỳ trước mặt cúi chào lặng thinh!

Còn
viên đạn cuối
cho mình
Chết
theo hồn nước
trọn
tình chinh nhân

 

MINH SƠN LÊ

          ☆

Vì Cha Là Lính 

Thương cha gãy súng trưa hè
Áo vương thuốc súng đi về thê lương
Ngoảnh đầu nhìn lại quê hương
Hai dòng lệ chảy xót thương... ngỡ ngàng!

Thương cha áo trận lỡ làng
Chinh nhân chưa trọn bàng hoàng tương lai!
Bốn mươi năm lẻ chưa phai
Đời còn nhắc nhớ lòng trai kiêu hùng

Cha đi làm kiếp người hùng
Súng gươm nợ nước đẹp lòng tiền nhân
Cha không làm kẻ vong ân
Hồn thiêng sông núi chứng nhân rạng ngời!


MINH SƠN LÊ
(Thương tặng những quân nhân cùng thế hệ với Cha/Anh của tôi)

                        


Tuổi Sầu Quê Hương

 Sao không uống rượu mà say?
Hồn thì khóc ngất những ngày tháng tư
Lên chùa xem áo đạo hư
Vắt ngang tam bảo để Như Lai sầu!

Người ta uống rượu tiêu sầu
Còn em thì uống chén sầu với anh
Để ngày khoé mắt long lanh
Rồi đêm chảy xuống mặn vành môi em

Anh không uống rượu say mèm
Chỉ mong uống hết lệ mềm trên môi
Đưa em qua cuộc nổi trôi
Tóc mây se kết duyên đời bên nhau

Tháng tư bụi hắt ngang đầu
Làm cay thêm mắt tuổi sầu quê hương
Chờ ngày vá lại yêu thương
Quê hương thức dậy lên đường hồi sinh


MINH SƠN LÊ

       ☆  


Sài Gòn Nhớ Nhớ Quên Quên 

Sài Gòn… nhớ nhớ quên quên
Chỉ còn hoa nắng thân quen như nào
Không ai rỗi mắt chào nhau
Ngày còn tất tả vì bao chuyện đời

Sài Gòn mưa nắng thay lời
“Dỗi hờn con gái” chút rồi lại thôi
Chỉ còn vị đắng bờ môi
Cho ai trót lỡ làm người quê hương!

Ngập ngừng qua phố Hiền Vương
Mắt hoe hoe đỏ tên đường lạ xa
Hoa me rụng trắng hiên nhà
Như đầu xanh ấy cũng hoa râm rồi

Sài Gòn kỷ niệm xưa ơi!
Cho ta sách vở giữ đời thơm tho
Còn nâng niu với hẹn hò
Mai ra bến đón chuyến đò quê hương


MINH SƠN LÊ

 

        ☆  


Tháng Tư Viết Vội…
 

 

Sao không nhớ nỗi tên đường...

Giọt sương trên lá kia dường thân quen

Vài con chim sẻ bên hiên

Cớ sao giấu mỏ đứng yên lặng buồn?

 

Lang thang giữa phố Sài Gòn

Nghe chừng quạnh quẽ thêm hồn cô đơn

Về đây nghe nắng Sài Gòn

Tương tư bên phố hao mòn tuổi tên

 

Thấy buồn trong khói bay lên

Cà phê giọt đắng… đắng thêm cõi lòng!

Sài Gòn còn nắng mênh mông

Về hôn cây lá giữ hồn kiêu sa

 

Sài Gòn muôn bản tình ca

Còn bay trên cánh môi tha thiết tình

Sài Gòn chưa chết trong tình

Sài Gòn rồi sẽ hồi sinh với người

 

Sài Gòn hai tiếng trên môi

Chân qua phố cũ đánh rơi nghẹn ngào

Kỷ niệm ơi, chưa vẫy chào!

Áo xưa “Hoàng Thị” cất vào tương tư...

 

 

MINH SƠN LÊ

 

        ☆

 

Sài Gòn Tháng Tư Nào Cũng Nhớ



Sớm mai nắng rọi phố nhà nghiêng

Sài Gòn tất tả phố đường chen

Từng nỗi đời riêng cùng xuôi ngược

Tàn cây chim sẻ thả hồn nhiên

 

Sài Gòn trở nóng mùa sang hạ

Lòng nào ray rức nỗi xót xa!

Tháng Tư… điệp khúc sầu cay mắt

Cho người thương nhớ một thời qua 

 

Sài Gòn tên vẫn gọi trên môi

Dù cho bôi xóa đã lâu rồi

Những con đường cũ thay tên mới

Ngày qua tháng lại… lạnh lùng rơi!

 

Có những chuyện tình đã bỏ quên

Trên những con đường đổi thay tên

Phạm Duy… buồn bã trong lòng phố

Hồn nhạc phai tàn… nỗi nhớ quên…

 

Sài Gòn buồn ghế đá công viên

Ngồi nặng bao năm nỗi ưu phiền

Sài Gòn đau mỏi bàn chân phố

Sài Gòn nhức nhối nỗi đời riêng

 

Sài Gòn quán xá gợi bình yên

Cà phê với nhạc Ngô Thụy Miên

Lặng nghe yêu dấu về đâu đó

Khói thuốc mơ màng thả tình riêng

 

Sài Gòn trường cũ cũng thay tên

Cho chết lòng ai mang nỗi niềm

Ấp yêu một khung trời kỷ niệm

Dĩ vãng trong đời mấy ai quên…

 

Sài Gòn tháng Tư trời oi ả

Người còn nhắc nhớ chuyện ngày qua

Ai ngồi đong đếm sầu lên tuổi?

Ai có ăn năn… để thật thà?

 

MINH SƠN LÊ



Dấu Buồn Cỏ May

 

Buồn về đầu hạ… tháng Tư
Một ngày cuối tháng hồn như chết rồi!
Bạn bè gặp chẳng nên lời
Nhìn nhau muốn khóc biết đời sẽ xa

Bốn mươi năm lẻ trôi qua
Tháng Tư nào cũng mưa qua chốn này
Rừng vàng biển bạc tan bay
Núi sông từng mảnh về tay giặc thù!


Buồn từ đầu hạ… tháng Tư
Cỏ may chắc cũng ưu tư bên đường
Em còn phiêu bạt tha hương
Anh còn nhức nhối quê hương nát nhừ!


Buồn từ đầu hạ… tháng Tư
Ba mươi cuối tháng tạ từ chi đây
Thương cha súng gãy trên tay
Thương anh nằm với cỏ may bên đường

MINH SƠN LÊ

        

Một Nửa Trăm Năm

 

 

Người đi một nửa trăm năm

Thời gian đã chín tóc ngâm mây rồi

Quê hương đau đớn rã rời

Đại dương có đủ chứa lời thương tâm!?

 

Thời gian một nửa trăm năm

Thuyền neo bến nước trăng xanh mái đình

Đã vào cổ tích an bình

Ôm theo dĩ vãng kể tình nhân gian

 

Người ngồi một nửa trăm năm

Nhìn trời non nước đã tan bay rồi

Nhìn người nối tiếp theo người

Bỏ quê hương để nghẹn lời máu xương!

 

Ai đi tìm nghĩa yêu thương

Bỏ trời thêu mộng thiên đường dối gian

Ai ngồi một nửa trăm năm

Nghe quê hương khóc mỗi lần tháng Tư!

 

 MINH SƠN LÊ




Nắng Tình

 

 

Em đi vai nắng bên trời

Nắng ươm vai áo anh đời buồn tênh

Xa nhau lòng chẳng hề quên

Mượn vay tia nắng gọi tên nhau về

 

Áo anh mặn đắng hồn quê

Tháng Tư nắng đổ tái tê thêm đầy

Áo em gom hết trang đài

Ấp yêu dĩ vãng hình hài quê hương

 

Tháng Tư...

Nhắc chuyện đau thương!

Anh đây, em đó hai phương trời sầu

Ở đâu nắng cũng một màu

Ở đâu lòng cũng có nhau trong đời

 

Tháng Tư nắng rát da đời

Quê hương từ ấy ngàn lời kêu ca

Mai rồi đời cũng sẽ qua

Quê hương còn lại lời ca dao buồn!

 

MINH SƠN LÊ

          ☆

Biển Gọi

 

 

Biết đâu là thực là hư

Ngàn năm mây trắng vẫn như thuở nào

Dung nhan rồi cũng hư hao

Xuân nào tiếc nuối hoa đào gió đông?

 

Nhiều khi có cũng như không…

Trần gian hồ dễ mà mong Niết Bàn

Chúng sinh nếu chẳng lầm than

Thì đâu ai viết muôn ngàn kinh thư

 

Chuồn chuồn nhớ rặng mù u

Phượng hồng nhớ tiếng ve ru ngày hè

Người xa biền biệt sơn khê

Quê hương vật vã bên lề thương đau!

 

Tình này biết gửi về đâu?

Biển Đông nổi sóng một màu trắng tang!

 

MINH SƠN LÊ



Tháng Tư Và Nỗi Nhớ

 

 

Giờ đâu còn “động hoa vàng”

Sông xưa đã cạn cỏ vàng mọc ngang

Đâu còn ai kẻ từ quan

Phạm Thiên Thư khép lại trang thơ tình

 

Chiều nay anh hát một mình

“Ngày Xưa Hoàng Thị” cho tình nhớ thêm

Chép thơ gói mộng chờ em

Áo xưa ấp ủ tình thêm nồng nàn

 

Yêu nhau tình lỡ muộn màng

Yêu em bằng khúc ca, bằng tiếng thơ

Cho em mắt biết dại khờ

Cho em môi biết tìm bờ bến yêu

 

Tháng Tư thương nhớ bao điều…

“Ngày Xưa Hoàng Thị” buồn nhiều hơn xưa!

 

MINH SƠN LÊ


        ☆

Mặt Trời Tháng Tư


Tháng Tư chim sẻ về đông
Mang chi thêm cái mênh mông hững hờ!
Dối gian đã vỡ tan bờ
Nằm phơi khắp nẻo vật vờ ngả nghiêng

Tháng Tư thương nỗi đời riêng
Người rưng rưng bước xuống thuyền phiêu linh
Người ôm rách nát cuộc tình
Người buồn sau cảnh hòa bình ngẩn ngơ!

Tháng Tư bao chuyện nghi ngờ
Người sau kẻ trước thẫn thờ nhìn nhau
Một lần cho đến ngàn sau
Tháng Tư còn mãi nguyên màu thời gian

Tháng Tư nghe lại nhạc vàng
Từng dư âm cũ cao sang đổ về
Trên cây phượng báo tin hè
Tiếng ve nức nở lòng nghe ngậm ngùi!


MINH SƠN LÊ

     Thổn Thức Tháng Tư

Tháng Tư
hò hẹn mùa phượng nở
Nhắc nhớ đàn ve hát nhạc sầu
Tháng Tư
về cho lòng nức nở
Bên bờ non nước đã chìm sâu!

Tháng Tư
cho hồn ai đau đáu
Tháng Tư
cho mình còn nhớ nhau
Tháng Tư
nắng sầu vương màu áo
Chiều về...
nghe quốc gọi mà đau!

MINH SƠN LÊ

         ☆

Lặng Lẽ Bên Đời

 

Tháng Tư nào cũng buồn hiu
Nghe từng nỗi nhớ gọi kêu nhau về
Lần mò đi kiếm hồn quê
Trong gầy guộc bóng nắng hè lơ thơ

Tháng Tư ôm trái tim khô
Nhớ ngày nước mắt chan bờ nước non!
Phấn hương rồi cũng phai mòn
Mắt môi hạn hán dỗi hờn chân chim

Quê hương lòng vẫn chưa quên
Nói sao cho hết nỗi niềm sầu riêng
Mùi hương hoa bưởi còn nguyên
Tầm xuân còn nở còn duyên ta về

Ngày dài cát bụi lê thê
Đường đi ai biết đâu lề tử-sinh!
Xin cho nhau một chữ Tình
Ngày sau ai biết đời mình về đâu?


MINH SƠN LÊ



Đau Đáu Hồn Quê

 

Ngày buồn sao vẫn chưa thôi

Quê hương chưa hết tơi bời bão giông

Sông dài xuôi xuống biển Đông

Mà sao nhiễm mặn cho lòng nơi đây!?

 

Người từ bỏ nước tới nay

Bao nhiêu rồi tóc chen mây mấy luồng

Quê hương tan tác sầu thương

Người đi, kẻ ở… ai buồn hơn ai?

 

Thời gian không dễ phôi phai

Tháng Tư cứ nhắc chuyện dài khổ đau

Mùa mưa vừa mới bắt đầu

Mà hồn thấm đẫm một màu nhớ xưa!

 

Bao nhiêu năm ấy đủ chưa?

”Tân Thanh” chép lại đã thừa hư hao

”Đoạn Trường” càng biết thương nhau

Mong ai đừng để ca dao thêm buồn

 

Lá rơi mấy nẻo hoàng hôn

Mưa giăng mấy lớp nguồn cơn rã rời

Hỏi thầm Mẹ Việt Nam ơi!

Còn bao lâu nữa cho người ăn năn...

 

Đời còn đó khoảng thời gian

Để chôn đi những lầm than điêu tàn

Hoa còn nở dưới sương tan

Quê hương còn những trang vàng sử xanh

 

Tháng Tư mưa nắng tròng trành

Rưng rưng tiết hạ buồn quanh lối về

Tháng Tư đau đáu hồn quê

Tháng Tư khóc ngất bên lề bể dâu

 

Người từ sông núi tìm nhau

Quê hương nhớ lại một màu tương tư

Quê hương chưa nói tạ từ

Nên chi mỗi độ tháng Tư... thật buồn!



MINH SƠN LÊ

 

         

Những Ngày Xưa Chưa Xa



Thương nhớ những ngày xưa chưa xa

Quê hương là tiếng nói thật thà

Yêu thương là vốn đời như thế

Lòng người như những đóa hồng hoa

 

Có những sớm mai trời thanh thanh

Nắm xôi gói lá chuối còn xanh

No lòng chân bước đường đi học

Trong tiếng chim non hót trên cành

 

Thương nhớ những ngày xưa chưa xa

Khi bóng nắng trưa vắt qua nhà

Có tiếng ai rao ngoài đầu ngõ

Chân đi guốc mộc, áo bà ba...

 

Thương nhớ những ngày xưa chưa xa

Có anh lính trẻ ghé qua nhà

Uống nước trong lu bằng chiếc gáo

Áo trận còn vương bụi đường xa

 

Thương nhớ những ngày xưa chưa xa

Hoa me rụng trắng trường Văn Khoa

Vướng tóc ai kia bên trường Luật

Đưa gã si tình vào thi ca... *

 

Thương nhớ những ngày xưa chưa xa

Xin trả lại đây những thật thà

Bốn chín năm Sài Gòn khóc ngất

Bẽ bàng không... bao nỗi xót xa!?

 

MINH SƠN LÊ

************

* Nhớ về thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải (1952 – 1992).


Ký Ức Tháng Tư

 

 

Tôi có người đã hẹn ngày sau

Người tôi yêu dáng nhỏ, tóc huyền

Lạc mất nhau sau mùa chinh chiến

Non nước trôi vào buổi thương đau!

 

Tháng Tư phố phường xanh cây lá

Chiều tôi hay đứng ngóng người xa

Đợi ngọn gió nam về qua lối

Gửi mảnh tình tôi để thay quà

 

Tháng Tư mưa đầu mùa năm mới

Đường chiều ướt lạnh gót đơn côi

Bao tháng năm qua còn đứng đợi

Người tình lưu lạc chốn xa xôi

 

Tháng Tư nắng vàng ươm cánh phượng

Ve sầu nức nở khúc ca thương

Tháng Tư chắc làm nhoà đôi mắt

Hò hẹn bên tôi giấc mộng thường

 

Tháng Tư con dế nào hấp hối

Khóc thét đêm dài chẳng nghỉ ngơi

Tháng Tư ai khóc cùng tôi nhỉ?

Tình sầu non nước chẳng phai phôi!

 

MINH SƠN LÊ

 

         

 

Tháng Tư Biết Nói Gì Đây…

 

Tháng Tư mây thoảng rạc rời
Ngày mưa chưa tới thả rơi giọt sầu
Mà đời thì đã hư hao
Kể từ thế kỷ nhuộm màu tha ma


Tháng Tư đi nhặt xót xa
Nghe kinh Phật tự ngợi ca niết bàn
Đời anh… y bát chưa màng
Chỉ xin còn mãi nồng nàn yêu em


Tháng Tư nắng khóc bên thềm
Con chim giấu mỏ lặng im ngó trời
Anh ra đứng dưới hiên đời
Bóng nghiêng theo nắng dưới trời đảo điên!

 

 

Tháng Tư thương nỗi đời riêng

Người tay gạt lệ xuống thuyền phiêu linh

Người ôm rách nát cuộc tình

Người buồn sau cảnh hòa bình… tan thương!

 

 

Tháng Tư nắng giận hờn buông
Cho đời quạnh quẽ như đường nghĩa trang
Bao lời ca tụng dối gian
Sao che hết nỗi điêu tàn đắng cay!


Hương trầm ai thắp chiều nay

Câu kinh bát nhã có lay lòng người?

Nhìn quê hương mắt lệ rơi

Tháng Tư… nắng đỏ rát trời hoàng hôn!

 

MINH SƠN LÊ




Tháng Tư Đứt Ruột!

 

Bao năm chồng chất ưu phiền

Sao chưa tan biến trong miền hư vô?

Người đi xa bến xa bờ

Chỉ còn khói sóng che mờ xứ xưa

 

Thế gian trời đất bốn mùa

Sao đây chỉ có một mùa thương đau?

Mơ đời một buổi thanh tao

Cho người thôi khóc nghẹn ngào cố nhân!

 

Đường trần mấy nẻo phù vân?

Núi cao, biển rộng, rừng ngàn, suối sâu…

Ở đâu giờ cũng hư hao

Phận người như lá xạc xào bên hiên

 

Chiều nay có tiếng đỗ quyên

Kêu lên tiếng “quốc” nghe thêm bàng hoàng!

Thương thay non nước điêu tàn

Gia đình tan tác họ hàng phân ly

 

Buồn lên khoé mắt bờ mi

Tháng Tư

đứt ruột… người đi chưa về!

 

MINH SƠN LÊ

          

Ngày Tàn Theo Nắng

 

 

Hạc vàng

bay mất từ lâu

Còn

ai đứng

ngóng

bên lầu trăng không?

 

Tháng Tư...

Hạ

đứng khóc ròng

Bên

thềm xưa

nắng vàng trông ngậm ngùi

 

Tháng Tư

mấy triệu người vui

Quay lưng dĩ vãng bước lùi nhân gian?

 

Nhìn quanh

đầy

dấu phai tàn

Trong ta nghe lại

tiếng

vàng son

ngân...

 

 

MINH SƠN LÊ




Tháng Tư Từ Thuở Buồn Về

 

I.

Quê hương là bản nhạc buồn
Tháng năm nức nở một trường cung thương
Nốt trầm dìu dặt vấn vương
Nốt cao chực vỡ vết thương não nề

Quê hương mỗi tháng Tư về
Áo xa bay khóc bên lề lưu vong
Hỏi quê hương có còn không?
Rừng thiêng tan tác núi sông tan tành!

Quê hương ai nỡ sao đành
Để hồn xương máu hận ngàn năm sau
Tháng Tư ai hỏi lòng nhau
Lẽ nào non nước chiêm bao còn dài!?

Sắc màu chinh chiến đã phai
Bể dâu từ ấy có dài thiên thu?
Tháng Tư ngày nắng như ru
Ngó qua tờ lịch âm u cả hồn

Người đi sao cứ mãi còn
Người về ai có thấy hồn vui thay!?
Mong người về gội tóc phai
Trôi đi dĩ vãng ngàn ngày xanh xao


Tiếng thơ là tiếng lòng đau
Là tia máu nhỏ thấm vào đời cay
Bao năm mới đủ là dài
Mà quên sao được cái ngày... tháng Tư! (*)



(*) Câu thơ mượn ý thơ của nữ sĩ Huệ Thu.



 

II.

Tháng Tư trời ướt lên mi
Rưng rưng như phút chia ly cuộc tình
Sau đêm nhỏ lệ hòa bình
Là mai khấn liệm chuyện tình đôi ta

Tháng Tư trời có Hạ qua
Lòng buồn như nắng trưa qua hiên nhà
Bao nhiêu kỷ niệm chưa nhòa
Nhớ quay quắt nhớ lệ sa hai hàng

Tháng Tư ngày có mưa sang
Ai trong chinh chiến nghe bàng hoàng thêm
Mưa bay hiu hắt bên thềm
Mưa bay bay ướt trong niềm nhớ xưa

Tháng Tư phượng đỏ cho vừa
Xanh xao phố thị tình xưa mất rồi
Đêm sâu ai khẽ buông lời
Buồn như chiếc lá tàn rơi cuối trời…


Buồn về từ thuở Ba Mươi
Tháng Tư nghiệt ngã khóc đời đảo điên!
Tưởng rằng ngày sẽ bình yên
Sau đêm thức dậy là nghiêng ngã đời

Buồn về từ thuở Ba Mươi
Tháng Tư buông súng ngậm ngùi tuổi tên
Núi rừng Việt Bắc chênh vênh
Đêm sầu run rét. Ngày lên đọa đày! 

 

Buồn về từ thuở Ba Mươi
Tháng Tư gạt lệ nghẹn lời đau thương!

Hãi hùng sóng bạc trùng dương

Liều thân đánh đổi con đường tự do 

 

Buồn về từ thuở Ba Mươi
Tháng Tư thành phố rụng rơi bàng hoàng!

Bàn chân xa phố ngỡ ngàng

Áo dài chôn kín trời hoang, đất bùn… 

 

Buồn về từ thuở Ba Mươi
Tháng Tư “chủ nghĩa” thay lời ca dao

Bỏ quên xương trắng, máu đào

Bán sông buôn núi gây bao điêu tàn

 

Buồn về từ thuở Ba Mươi
Tháng Tư phản bội lòng người thiết tha

Thở dài thay tiếng hoan ca

Trẻ thơ không hát bình ca ngoài đường

 

Buồn về từ thuở Ba Mươi
Tháng Tư vá áo che đời cho nhau

Người đem tay trắng ôm nhau

Cho nhau kỷ niệm đớn đau một thời

 

Xé thôi tờ lịch Ba Mươi
Tháng Tư tôi khóc giữa trời hư hao

Quê hương còn đó niềm đau
Tháng Tư con quốc nghẹn ngào hoàng hôn


 

III.

 

Tháng Tư thăm lại tuổi buồn
Nằm phơi trên phố Sài Gòn ngổn ngang
Kể từ đêm chít khăn tang
Tiễn đưa sông núi vào trang sử buồn!

Hôm nay tiếng gọi Sài Gòn
Âm vang tàng tích đầy hồn kiêu sa
Mặt trời chiếu vạn ngày qua
Đã thiêu thành quách điêu ngoa tan tành!

Từ em… anh biết để dành
Máu tim làm mực viết thành thơ yêu
Khép hồn trên bước cô liêu
Mắt môi hờ hững bên chiều phố qua

Đắp chăn hồn đẫm thiết tha
Để em đôi mắt không nhoà lệ mi
Mai ngày xếp áo từ ly
Cho đêm gõ cửa xuân thì gọi tên

 

Tháng Tư từ buổi đảo điên
Qua tầng thế kỷ muộn phiền chưa tan
Tháng Tư hồn chít khăn tang
Trên nền thương tiếc một trang sử hùng!

 

Nguyên Sa yêu áo sân trường
Còn anh yêu áo bên đường lưu vong
Lục bình trôi tím dòng sông
Như vành tang phủ nỗi lòng... tháng Tư!

 

 

MINH SƠN LÊ

 


Yêu Xa Yêu Xưa

 

 Nguyễn Du từng nói mù sương

Cũng mang một vẻ vô thường như ai

Nguyễn Du nói sẽ có ngày

Sương tan đầu ngõ thì mây cuối trời (*)


 

Quê hương đã quá rã rời

Đôi bờ thế kỷ chìm trôi ngỡ ngàng!

Ngày bên tai chỉ dối gian

Đêm lần trang sử lệ chan mắt sầu!

 

 

Thời xưa người mộng công hầu

Mang gươm khanh tướng chém đầu thị phi

Ngàn năm sử sách còn ghi

Đá rêu xanh chốn biên thuỳ nhớ tên

 

 

Hỏi em: làm sao anh quên?

Giữa ngày non nước vang rền tiếng than!

Hỏi ai xây mộng tham tàn

Có mua được mảnh trăng vàng (của) Cuội không?

 

 

                    * * *

 

 

Nguyễn Du một Chúa tôn thờ

Lòng không hai ngã… vạc chờ kêu sương

Một đường theo dấu quân vương

Ngẩng cười kết lại “Đoạn Trường Tân Thanh”

 

 

Em nào có khác chi anh

Anh buồn, em cũng long lanh mắt hoài

Sao người xưa khác người nay

Núi sông tan tác mặt mày dửng dưng!?

 

 

Em như chim nhỏ lạc rừng

Anh như sương vỡ dưới vầng nắng cay

Chim chờ hót tiếng ban mai

Sương chờ thu gió heo may vỗ về

 

 

Trăng kia đời gọi trăng thề

Tóc kia em bảo tóc thề cho anh

Để anh vuốt tóc trong tình

Đan câu ước nguyện tình mình trăm năm

 

 

MINH SƠN LÊ

--------------

(*) Thơ Nguyễn Du:

Trời còn có buổi hôm nay

Vén sương đầu ngõ, tan mây cuối trời.

 



Lục Bát “Trên Bốn Vùng Chiến Thuật”


Vùng I & II Chiến Thuật

Trăm năm lá đổ muôn chiều
Với anh chỉ có một điều cho em
Yêu em bằng trái tim mềm
Lăn qua trên những nỗi niềm quê hương


Bể dâu không đánh lạc đường
Tóc tơ ngày đó vấn vương tìm về
Một người nhỏ lệ sơn khê
Một người khóc ngất bên lề nắng mưa


Tìm về thương tích ngày xưa
Mảnh trăng Bến Hải khóm dừa Hiền Lương
Anh quỳ tha thiết cố hương
Em miền đất khách giọt buồn mắt tuôn


Bao năm Thạch Hãn còn buồn
Hải Vân mây trắng chập chờn gió mưa
Bao giờ trả lại ngày xưa
Chiều sương Mai Lĩnh. Đêm mưa Cổ Thành


Sông Hàn nước vẫn trôi nhanh
Chưa phai kỷ niệm áo xanh hoa rừng
Ngũ Hành Sơn chết từng phần
Từ chia ly đó âm thầm xót xa!

Huế, từ ngày nổi phong ba
Tím hồn áo tím chiều qua Tràng Tiền
Kinh thành chung cảnh đảo điên
Sông Hương, núi Ngự vào phiên điêu tàn!


Buồn từ đêm Phá Tam Giang
Xác anh ngã xuống còn mang hận sầu
Nhớ hoài xuân ấy dù lâu…
Những con đường trắng một màu khăn tang!


Đồ Bàn thêm trận phai tàn
Trăng Hàn Mặc Tử thêm lần đớn đau!
Nước cầu Thị Nại thay màu
Tháp Đôi lặng lẽ bóng sầu thời gian



Buồn cho nhan sắc Nha Trang
Phú Yên xa xót… bẽ bàng lòng ai?
Hoàng hôn núi ẩn vào mây
Chôn cùng sơn thủy từ đây tơi bời!

Sương chiều Đà Lạt còn rơi
Chim trên núi, ngựa dưới đồi ngẩn ngơ
Hồ Xuân Hương nước đen mờ
Và hồ Than Thở bây giờ thở than!

Cát vàng gió lộng mênh mang
Lầu Ông Hoàng dấu tan hoang thật buồn!
Poshanư… nắng hờn buông (*)
Tháp xưa quạnh quẽ ôm hồn trăm năm


Ngang qua Biên Trấn buồn ngâm
Nghe quê hương tiếng thăng trầm đẩy đưa
Cầu Gành đã đổ hôm trưa
Biên Hòa chưa thấy người xưa trở về

-----------------------
(*) Poshanư: tên ngôi tháp Chàm bên cạnh Lầu Ông Hoàng, cũng là tên của một nàng công chúa Chiêm quốc.

 

                              

Vùng III Chiến Thuật 

Tây Ninh nắng vẫn nung người
Không xa xôi mấy với lời Trúc Phương (1)
Vẫn còn rượu đế say hương
Nhưng không quên nổi vết thương lòng đời!

Nguyễn Văn Đông đã về trời (2)
”Chiều Mưa Biên Giới” có người nhớ xưa
”Mưa Cẩm Giang”… mưa còn mưa… (3)
Hồn chinh nhân cũ đã thừa nhớ nhung

Tống Lê Chân gió bụi đùn
Đồi xanh đã chết, thú rừng tịch liêu
Lai Khê bụi đỏ loang chiều
Vụng về che lấp bao nhiêu đời buồn!

Lái Thiêu, giờ có gì hơn
Cây vàng nỗi nhớ, lá giòn nỗi thương
Nước sông nào có còn hương
Đồng Dù có nắng bụi đường ghé thăm

Núi xanh giữ mấy ngàn năm
Vũng Tàu thay áo âm thầm mà đau
Biển xanh nay cũng thay màu
”Lầu hoàng” bên núi Bãi Dâu… nghẹn ngào!

Đường chiều lá đổ “Phao Lô”
Biên Hòa… anh nhớ đêm hò hẹn nhau
Dấu môi, ánh mắt đêm trao
Hồn ta trang điểm sắc màu thi ca

Sài Gòn còn đọng thiết tha
Nên em còn đó kiêu sa ngày nào
Duy Tân lá vẫn xôn xao
Sài Gòn còn nhớ, tình nào dễ quên!

Sài Gòn giờ đã buồn tênh
Người đi, kẻ ở… ai quên, ai hờn?
Dẫu ngày tháng có xa hơn
Anh xin làm nắng về hôn môi tình

----------------------------------------
(1) Nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác ca khúc “Trên 4 Vùng Chiến Thuật”
(2) Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tác giả của bản ”Chiều Mưa Biên Giới”
(3) Bài thơ nổi tiếng “Mưa Cẩm Giang” của thi sĩ/ nhà giáo Lê Trường Anh.

                             

Vùng IV Chiến Thuật

Anh hứa anh về Cần Thơ
Nghe sông nước chảy đôi bờ quạnh hiu
Lang thang xuống bến Ninh Kiều
Nhìn chân dung cũ tịch liêu dấu người

Tháng năm trôi dạt mái đời
Trên vai chất mộng với người xa xăm
Nhớ về Bình Thủy bâng khuâng
Phù sa cũng bỏ xa dần sông quê

Đã lâu Long Mỹ chưa về
Mà thương tháng lũ tái tê lòng sầu!
Chiếu xưa Phụng Hiệp còn đâu
Con sông Ngã Bảy dạt dào nhớ nhung

Bến phà Vàm Cống rưng rưng!
Nước ròng, nước lớn reo mừng ai không?
Mùa Thu không đến bên sông
Chỉ trời mưa tắp vào trong mắt buồn!

Cần Thơ từ buổi pháo dồn
Sân Bay đắp chiếu chiêu hồn Tướng quân *
Mắt ai thương nhớ… lệ thầm
Mỹ Tho chiều thoáng mưa lâm râm về

Lấp Vò, Hồng Ngự quạ kêu
Dưới sông bìm bịp báo chiều nước lên
Đường qua Sa Đéc gập ghềnh
Nhìn trăng xuyên lá nhớ tên bạn bè

Nhớ thời môi lạc đê mê
Kiến Hòa nay gọi Bến Tre… cũng ừ!
Đường ra Cửa Tiểu nát nhừ
Dấu chân bối rối giã từ… long đong!

Thương quê hương “Chín Con Rồng”
Giờ bao cay đắng lớn, ròng đẩy đưa
Bạc Liêu dấu cũ dần thưa
Buồn như vọng cổ đu đưa đờn cò

Thôi về làm kẻ đưa đò
Chở bao kỷ niệm tàn tro bên đời
Trên ngày mưa nắng rã rời
Mặc cho nước mắt ướt lời thơ đau!

---------------------------
* Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam (1927 – 30/4/1975). Vị Tư lệnh cuối cùng của Quân khu IV - Vùng IV Chiến thuật.

MINH SƠN LÊ


  💚





 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.