Jan 14, 2025

Tiểu luận - Tạp bút

Một Góc Nhìn Về Vụ Án Nhân Văn Giai Phẩm (2)
Nguyễn Văn Lục * đăng lúc 03:59:18 PM, Dec 06, 2023 * Số lần xem: 317
Hình ảnh
#1

 

               
                
 
Một Góc Nhìn Về Vụ Án Nhân Văn Giai Phẩm (2)

 Tiếp theo Một góc nhìn về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (1) -

TBT Trường Chinh- Người trách nhiệm chính trong vụ NVGP

Nhưng nhắc đến NVGP là phải nhắc đến những người chủ trương đánh phá NVGP như TBT. Trường Chinh và người thứ hai là Tố Hữu trong giai đoạn đó. Cái tiếc của tôi là cho đến lúc họ lìa đời, họ hình như vẫn chưa nhận ra những việc làm của họ.

Theo cách nhìn của tôi, Trường Chinh, Tố Hữu có thể được coi là những nhà cách mạng tiêu biểu của cộng sản. Nhưng là những nhà cách mạng không có cuộc cách mạng trong tay. (Les révolutionnaires sans révolution).

Ông Trường Chinh Đặng Xuân khu(1907- 1988) vốn là một nhà báo còn có bút hiệu Sông Hồng. Ông từng điều khiển tờ Giải Phóng sau đó chính thức làm chủ bút tờ Sự Thật, cơ quan ngôn luận của Đảng

Ông được Hồ Chí Minh tin dùng và được đề cử làm Tổng Bí Thư Đảng từ 1941 đến 1956.

Cuộc đời tư của ông có thể giống như cuộc đời của thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nghĩa là có nề nếp, có đạo lý của một con nhà dòng dõi văn học thuộc làng Hành Thiện. Có thể nói nó không có gì để chê trách ông ở tư cách một người chồng, một người cha trong gia đình gương mẫu và con cái được giáo dục nên người.

Nhưng cuộc đời làm chính trị của ông lại là một chuyện khác- cứng rắn, cố chấp đến mù quáng đến độ coi nhẹ mạng người như cỏ rác.

Giữa một con người xem ra có chừng mực, đức độ cá nhân, làm thế nào tôi có thể hiểu được chính con người ấy đã làm chết hàng ngàn, hàng vạn sinh linh- phần đông là nông dân vô tội mà vẫn tự nghĩ mình là người có đức độ?

Tôi cũng có dịp nhìn lại những bức hình của một người bạn gửi cho về quang cảnh đấu tố tại Trung Hoa, năm 1953 và sau đó tại Viêt Nam năm 1955-56.

Một người tử tế bình thường thôi cũng thấy đó là cảnh hạ nhục con người khó có thể tha thứ được!!

Có điều gì khác nhau giữa hai quang cảnh đó? Có điều gì khác nhau giữa một Trương Chinh chụp hình bên vợ và hai cậu con trai và hình ảnh hung thần Trường Chinh trong Cải cách ruộng đất?

Cuộc đời làm chính trị của ông có thể chỉ đánh dấu bằng ba thảm kịch do chính ông chủ trương:

– Thảm kịch tiêu thổ kháng chiến mà nhiều vùng Thanh, Nghệ Tĩnh chỉ còn là những hoang địa, đồng không nhà trống.

– Thảm kịch xảy ra ở nông thôn trong vụ Cải cách ruộng đất- Trời long đất lở. Nó chẳng những làm cho nhiều người chết oan, nó còn tạo ra thảm kịch Con Người chống lại Con Người ..Con dâu, con gái, đầy tớ, kẻ thân, kẻ chịu hàm ân buộc lòng đứng ra tố cáo kẻ bề trên, ân nhân của mình. Nó dẫm đạp lên nền tảng đạo lý con người Việt Nam.

–   Thảm kịch xảy ra ở ngay ở thủ đô Hà Nội mà nạn nhân là các nhà trí thức, nhà văn có phẩm chất và có tinh thần, có lý tưởng.

 

 Đó là ba vết nhơ trong cuộc đời làm chính trị của ông từ đó nảy sinh ra biết bao hệ lụy nhân sinh cho con người.

nhanvangiaipham-300x149

 

Như nhiều người làm chính trị khác-đã có thời danh ông nổi như cồn- quyền uy và thế lực ít ai có được- có lẽ là giai đoạn cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất- giai đoạn sáng chói nhất của ông. Ông chỉ đứng sau ông Hồ, dưới một người mà trên mọi người – lý thuyết gia của Đảng và ban phát lệnh lạc, duy trì đường lối của Đảng.

Hiện nay, ở đại học California còn lưu trữ một tập tài liệu, tuyển chọn các bài viết của ông Trường Chinh và đã được dịch ra tiếng Anh có nhan đề: Trường Chinh, Selected writings.

Trường Chinh, selected writings, Univ. California, North Viet nam publications series, 1968

Ông là người chủ trương, người hoạch định và người quyết định chính trong việc đánh NVGP. Ông chính là người ra lệnh và Hoàng Văn Hoan, Tố Hữu chỉ là người thừa hành

Nhưng còn vai trò của Hồ Chí Minh thì ra sao?

Nói chung thì việc gì cũng có sự thỏa thuận của họ với nhau và chắc chắn có sự gật đầu của HCM. Nhưng mức độ thế nào thì cũng không rõ rệt lắm như nhận xét của W. J.Duiker:

“It is not easy to discern to what degree Ho Chi Minh should bear responsibility for the persecution associated with the suppression of intellectual dissident and the land reform campaign. Apologists point out that Ho was not directly implicated in carrying out either program, and that he persistently urged senior colleagues and cadres alike to make a careful distinction between misguided elements who could be redirected onto the proper path and truly counterrevolutionary elements who had to be surgically removed like a cancer from the body politic of Vietnamese society.

Ho Chi Minh, W.J Duiker, trang 491

Tuy nhiên người ta vẫn có thể chỉ trích ông Hồ là qua hai đợt Cải Cách ruộng đất và vụ NVGP, ông vẫn không có một cử chỉ nào cho thấy ông có biện phát trừng trị xứng đáng những kẻ làm sai trái trong vai trò chủ tịch nước của Ông.

Dưới mắt đám đông, người ta chỉ thấy một Tố Hữu lộ diện với bài viết: Ý nghĩa một cuộc đấu tranh trong văn nghệ trong đó ông kết án bọn đầu cơ cách mạng, bọn phản bội tổ quốc như Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang.

Và nhất là bài diễn văn Tổng kết cuộc cuộc chống Nhân Văn Giai Phẩm, dài 82 trang và Tố Hữu đã đọc suốt 4 tiếng đồng hồ không ngưng nghỉ .

Sau này những năm 1960-1962, đánh những người như Hoàng Ngọc Hiến (tiến sĩ triết học ở Liên Xô về) và Nguyễn Minh Châu (đại tá trong quân đội) cũng nhờ một tay Tố Hữu.

Tố Hữu : Người dì ghẻ của các nhà văn trong NVGP

Ông là nhà thơ và đồng thời là nhà chính trị. Về thơ, ông được “thừa nhận là nhà thơ lớn nhất của thời đại”. Hai tập thơ được nhiều người biết tới là Từ ấy 1946 và Việt Bắc 1954. Riêng tập thơ Việt Bắc đã nhận được giải Nhất văn học của hội Văn Học và Nghệ thuật Việt Nam, năm 1954-1955.

Sau này vào năm 2007, nhà văn Lê Lưu có tuyển chọn 100 bài thơ hay Thế kỳ XX, nxb Giáo dục. Một lần nữa bài thơ được chọn trong số những bài thơ hay nhất thế kỷ là bài Khi con tu hú của Tố Hữu. Xin được trích lại toàn bài thơ:

Khi con tu hú

Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần

Vườn ươm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào,

Trời xnh càng rộng càng cao

Đoiô con tu hú lộn nhào từng không

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi

Ngột làm sao, chết uất thôi

Con tu hú ngoài trời cứ kêu

Trong việc tuyển chọn 100 bài thơ hay nhất thế kỷ, ông Lê Lựu còn có “can đám” đã chọn một bài thơ dịch của Hồ Chí Minh nhan đề Rằm tháng Giêng .

Việc tuyển chọn này cho thấy ông Lê Lựu mất tư cách, tắc trách và thiếu nghiêm chỉnh.

Các thi sĩ miền Nam trước 1975 được chọn có Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Á Nam Trần Tuấn Khải, Trang Thế Hy, Lâm Thị Mỹ Dạ .(24)

(24) 100 Bài thơ hay Thế kỷ XX, nxb Giáo dục, trang 97

Có những việc trao tặng giải thưởng, việc vinh danh vv của cộng sản thì càng được vinh danh thì càng thấy nó bất xứng và trơ trẽn giả dối.

Mới đây nhất, lại một lần nữa ngày 2/10, nhân kỷ niệm 90 năm sinh nhật Tố Hữu, có buổi thảo luận về thơ văn Tố Hữu. Nhân dịp này nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân nghi ngờ có sự đề cao quá đáng tài danh của Tố Hữu. Và ông đã trích dẫn một nhận xét đầy mỉa mai và châm biếm của Xuân Sanh: “Nhà càng lộng gió, thơ càng nhạt”.

Đối với số đông người thì cho rằng Tố Hữu trước sau chỉ là nhà chính trị hơn là một nhà thơ. Bởi vì dù chỉ là một thi sĩ, ông đã đạt được những chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam như Uỷ viên Trung ương đảng, Phó thủ tướng đặc trách kinh tế,Trưởng ban Tuyên huấn Trung Ươngvvv.

Cùng lắm gọi ông là nhà chính trị mà sính văn nghệ chẳng?

Ngay khi mới tiếp thu miền Bắc, Tố Hữu đã cảm thấy mình bị xúc phạm ghê gớm như thế nào khi Trần Dần và Lê Đạt đầu năm 1955 đã phê bình gay gắt tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Trần Dần trong bài: Cách nhìn sự vật của nhà thơ Tố Hữu cho rằng:

– Thơ Tố Hữu không đặc sắc, không có cá tính .. Có thơ Hoàng Cầm, thơ Xuân Diệu, nhưng người ta khó nhận ra câu thơ nào là thơ Tố Hữu .

– Còn nói chung, thơ Tố Hữu rất nhiều cái lười biếng. Ý, lời tầm thường. Tầm thường chứ không phải giản dị, phong phú.

– Thơ Tố Hữu nhìn sự vật nó chính trị quá, lười tìm tòi quá. Chỗ nào hay thì lại là lắp lại Nguyễn Du, Tản Đà, ca dao cho vào…

– Cách nhìn của Tố Hữu nhỏ bé quá. Nhìn vấn đề gì, vấn đề ấy thu hẹp lại. Yêu ai người ấy nhỏ đi .

Phải chăng việc phê bình nhà lãnh đạo tư tưởng làm tăng sức mạnh đàn áp Trần Dần, Lê Đạt của Tố Hữu sau này?

Tố Hữu trong bài: Ý nghĩa một cuộc đấu tranh trong văn nghệ đã bóng gió dọa dẫm :

“Chúng là những tên phản trắc như Phan Khôi, một đời đã năm lần phản bội tổ quốc .. Chúng còn là những con buôn Mác Xít, “cách mạng” đầu lưỡi như Trương Tửu, Trần Đức Thảo mà thực chất là những tên Tơ-rot-skit vô tổ quốc .. Chúng còn là những kẻ đầu cơ Cách mạng như Nguyễn Hữu Đang, mượn mầu cách mệnh tô điểm cho dã tâm .. … Kẻ gieo gió phải gặt bão. Chúng phải chịu sự trừng phạt của búa rìu dư luận, và nếu cần thiết, của nhà nước cách mạng .(25)

(25) Ý nghĩa một cuộc đấu tranh trong văn nghệ, Tố Hữu, talawas.org , loạt bài số 34

Nói chung, tôi nhận thấy ông Tố Hữu không làm chủ được ngòi bút của mình nữa. Vì thế, hầu hết giới văn nghệ sĩ miền Bắc đều không ưa Tố Hữu . Nhà báo Bùi Tín viết cho tôi như sau:

” Tôi gặp ông TH có khi hằng tuần, khi ông TH làm trưởng ban Tuyên Huấn TW đảng, rồi sau này là phó thủ tướng thường trực phụ trách kinh tế tài chính. TH rất tự tin, tự kiêu, khinh người, quan liêu và “ác ” . Chuyện ông ta lên án, bạc đãi bác Phan Khôi, anh Đang là hoàn toàn có thật, còn chỉ đạo cho ông NG Công Hoan và NG Đình Thi chửi 2 vị này thậm tệ, thù nhóm Nhân Văn vì dám hạ bệ giá trị thơ Việt Bắc, đánh tới số Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Bui Ngọc Tấn. Bà Thanh vợ ông TH rất kênh kiệu, trình độ cực thấp, nhưng được đưa lên làm chuyên viên của ban tuyên huấn TW, cầm đầu nhóm Báo cáo viên của Ban, ăn lương Vụ trưởng, đưa lên hàm thứ trưởng, cả ban biết rõ nhưng buộc phải chấp nhận, câm họng. Chính sách Giá – Lương – Tiền chính là của TH làm điêu đứng lao động, viên chức, cả xã hội. Phong cách sống của TH cực kỳ quan cách, không có bạn bình đẳng, thân mật đâu. Ông Lành nhưng nổi tiếng ác, độc, kiêu, cá nhân, thế mà thơ lại hay !

Cuối đời chính TH thú nhận là đã bịa đặt, phịa ra nhiều trong thơ, như bài Điện Biên Phủ, có lên đó đâu, nhưng vẫn tưởng tượng, hoa mơ Hồng Cúm, tiếng loa các bản,

ngọn lửa dân công … đều tưởng tượng ra hết. Vần điệu, hình ảnh rất hay, nhưng truyền cảm không sâu, giá trị thẩm mỹ không bền.”

Vài ý kiến trao đổi. Chúc anh và gia đình vui mạnh.

  1. Tin(26)

(26) Thư của ông Bùi Tín

Nhà văn Vũ Thư Hiên nhận xét về Tố Hữu gửi qua điện thư:

” Văn Cao sinh thời có kể cho tôi nghe chuyện lần đầu gặp Tố Hữu vào tháng 8 năm 1945: “Bọn mình hay tụ hội ở ngôi nhà phố Cầu Gỗ. Đang vui chuyện thì thấy một cậu bước vào, ghé đít ngồi xuống phản, mới hỏi là ai đấy thì xưng là Tố Hữu. Mình ờ ờ rồi tiếp tục câu chuyện đang rôm rả. Có thế mà nó hận mãi. Thơ của nó sau mình mới đọc, ít chất thơ, nhiều tuyên truyền”. Cái chữ “ghé đít ngồi” là nguyên văn, tôi không quên, rất ấn tượng. Trần Dần sau có trả lời khi được hỏi nhận định về thơ Tố Hữu: “Chúng tôi ở hai lĩnh vực khác nhau, tôi làm thơ, anh ấy làm vè”,hình như trong tạp chí Sông Hương. Tôi không tin Tố Hữu sau này lại nói khác với những gì đã nói khi đánh “Nhân Văn – Giai Phẩm”. Ông ta là người rất tự tin ở sự vĩ đại của mình, đó là ấn tượng của tôi về TH. Tôi nhớ có lần tiễn một đoàn nhà văn đi Liên Xô ở ga Hàng Cỏ, tôi cũng có mặt (thời ấy người ta thường đi tàu hoả qua Bắc Kinh, rồi đi tiếp cũng bằng tàu hoả đến Moskva, chứ không đi tàu bay như bây giờ),TH chờ mọi người đến bắt tay mình, chứ không đưa tay ra cho ai trước. Tôi khó chịu, không bắt tay, bức ảnh chụp chung sau có ai gửi cho cũng không giữ.

– Vì thế bà vợ TH, là bà Thanh, nói không tin những bài phỏng vấn nọ, tôi nghĩ là đúng. Bà này rất tự hào về ông chồng, lại không biết uốn éo khi nói.

– Văn Cao nói với tôi: “Khởi xướng đánh “Nhân Văn -Giai Phẩm” không phải Tố Hữu đâu, mà là “Longue Marche” (Trường Chinh). Trường Chinh cần có cái thùng rác để đổ vào cho người ta quên đi cái tội cải cách ruộngđất. TH dù sao cũng là thằng làm thơ, nó không tệ đến thế”..(27)

(27) Thư của Vũ Thư Hiên .

Ngoài Văn Cao, Nguyễn Tuân cũng là người rất kỵ Tố Hữu. Sự đố kỵ ấy hiểu được đối với một người như Nguyễn Tuân! Ông coi thường những anh nhà thơ nhà văn cậy thế khi làm chính trị.

Một vấn nạn về bài phỏng vấn của Nhật Hoa Khanh với Tố Hữu

Sau khi Tố Hữu qua đời thì trên mạng Talawas có cho đăng bài phỏng vấn này của Nhật Hòa Khanh .Bạn đọc có thể tìm đọc bài phỏng vấn của Nhật Hòa Khanh đầy đủ trên trang điện tử Talawas 5 kỳ liền .. Cuộc phỏng vấn này sau đã in thành sách và được một số báo chí trong nước đăng lại.Tuy nhiên có nhiều chi tiết mà chính tác giả khi nói chuyện với phu nhân của ông Tố Hữu thừa nhận có sai sót .

Ông Nhật Hoa Khanh tên thật là Nguyễn Huy Đức, sinh năm 1941 tại Hà Nội, hiện đăng ký nhân khẩu thường trú tại phường 3, quận 10, TP HCM.

Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1961, sau đó dạy học ở Tây Bắc một thời gian rồi chuyển về miền xuôi làm việc tại Sở Giáo dục tỉnh Hải Hưng (cũ) rồi Sở Giáo dục Hà Nội. Từ năm 1979, Nhật Hoa Khanh chuyển sang làm phóng viên Báo Sài Gòn Giải phóng cho đến năm 1981 thì bị buộc thôi việc. Sau đó, ông làm việc cho một số tờ báo khác cho đến năm 2002 thì nghỉ, chuyển từ TP. HCM ra Hà Nội.

Ông Nhật Hoa Khanh đã từng phỏng vấn Trần Văn Khê cũng như nhiều người khác. Nhưng không bị phản đối như cuộc phỏng vấn ông Tố Hữu. Sau đây xin lược tóm một vài ý kiến:

Bài phỏng vấn Tố Hữu với tựa đề: “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng” của Nhật Hoa Khanh được công bố sau khi ông mất đã gặp phải sự phản kháng từ gia đình ông. Vào tháng 4 năm 2004, tài liệu này bắt đầu được phổ biến trong giới văn nghệ, báo chí tại Việt Nam. Vào tháng 5 năm 2004, báo Quân Đội Nhân Dân trích đăng 3 kì từ tài liệu này với nhan đề “Tố Hữu” và “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, (kì số 3 vào ngày 7 tháng 5 năm 2004). Ngoài ra bài này cũng được đăng thành nhiều phần nhỏ trong các báo khác như Nhân Dân, Tiền Phong Chủ Nhật, Người Hà Nội,… Nội dung bài phỏng vấn có nhắc tới các sự kiện văn hóa trước đây như Nhân văn-Giai phẩm và các nhà văn nạn nhân…, ông Tố Hữu có những lời ca ngợi các người này.

Bài phỏng vấn được thực hiện năm 1997, nhưng đến khi phổ biến thì bị bà Vũ Thị Thanh, vợ của Tố Hữu, phủ nhận và cho đó là những tài liệu giả mạo “pha chế nhiều ý kiến riêng, mượn danh Tố Hữu, biến Tố Hữu thành người phát ngôn cho ý mình”. Bà yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra làm rõ sự giả mạo của tài liệu này, nhưng ông Nhật Hoa Khanh nói có đầy đủ băng ghi âm ghi lại cuộc nói chuyện của ông với Tố Hữu(14).

(14) Theo tờ Công An Nhân Dân:

Nội dung tập tài liệu đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng trong đời sống tư tưởng văn hóa liên quan trực tiếp đến quan điểm, suy nghĩ của nhà thơ Tố Hữu, tựu trung lại bao gồm 5 ý chính. Một là chuyện liên quan đến nhà thơ Tố Hữu trong hồi ký Phạm Duy. Hai là về hai bài thơ của nhà thơ Tố Hữu: Mười năm và Tiểu đội Anh hùng. Ba là hoàn cảnh sáng tác bài thơ Nước non ngàn dặm. Bốn là cảm nghĩ của nhà thơ Tố Hữu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm là đánh giá của Tố Hữu về một số văn nghệ sĩ.

Nhật Hoa Khanh viết trong tập tài liệu rằng, ông đã có cuộc gặp với nhà thơ Tố Hữu vào chiều tối 26/4/1997, tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Cuộc gặp này, theo Nhật Hoa Khanh, kéo dài chừng 7 giờ (từ khoảng 14h đến 21h) và những lời kể của nhà thơ Tố Hữu đã được ông ghi lại. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Thanh, phu nhân của nhà thơ Tố Hữu, người gần gũi nhất với nhà thơ đã bác bỏ điều này.

Bà nói: “Trong tài liệu Nhật Hoa Khanh có nói đến khi làm việc, anh Tố Hữu có ho nhiều mà thời gian kéo dài từ 14h đến 21h là không đúng, vì nếu có thì tôi sẽ tìm cách ngăn không để anh ấy làm việc quá lâu, trừ khi anh Tố Hữu tiếp chuyện những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Điều mà Nhật Hoa Khanh viết như thế là vô lý”.

Một thời gian ngắn sau khi phát tán tài liệu này, chính Nhật Hoa Khanh đã gọi điện cho bà Vũ Thị Thanh nói rằng: “Trong bài viết của em có chi tiết sai, anh Tố Hữu tiếp em đến 7h tối chứ không phải là 9h đêm”.

Mặt khác, còn nhiều bất hợp lý quanh sự ra đời của tập tài liệu trên. Theo Nhật Hoa Khanh thì đây là lần đầu tiên ông được gặp nhà thơ Tố Hữu. Với một người mới tiếp xúc lần đầu tiên, nhà thơ Tố Hữu không thể chuyện trò lâu được đến như vậy. Chỉ riêng chuyện về thời lượng cuộc gặp, lời kể của Nhật Hoa Khanh trong tập tài liệu đã không có đủ độ tin cậy.

Cũng theo báo Công An Nhân Dân, hiện Nhật Hoa Khanh chỉ có một cuộn băng ghi âm thời lượng 45 phút ghi lại cuộc trò chuyện của ông với nhà thơ Tố Hữu. Nội dung cuộn băng ghi âm này là câu hỏi của Nhật Hoa Khanh và lời kể của nhà thơ Tố Hữu xung quanh bài thơ Nước non ngàn dặm. Theo Nhật Hoa Khanh thì cuộc trò chuyện với nhà thơ kéo dài 7 tiếng (sau này đính chính là 5 tiếng), đề cập đến 5 vấn đề, nhưng băng ghi âm lại chỉ có 45 phút và chỉ có một vấn đề.

Nhật Hoa Khanh còn giải trình rằng, song song với việc ghi âm, ông còn ghi tốc ký cuộc gặp này vào một cuốn sổ tay. Nhưng ngày 20/8/2004, khi ông đưa ra cuốn sổ này thì đó là một cuốn sổ tay khổ 10×7 cm, nhỏ như một quyển lịch tay, dày 123 trang ghi chi chít chữ kín tất cả các trang. Toàn bộ phần ghi chép trong 123 trang khổ nhỏ này sao ra khổ giấy A4 (đã dịch tất cả những chữ viết tắt) thì chỉ được có 32 trang. Trong khi đó tài liệu ông Nhật Hoa Khanh cho phát tán lại có những 67 trang khổ A4.

Theo Nhật Hoa Khanh thì tài liệu đã được ông ghi lại theo lời kể của nhà thơ Tố Hữu từ tháng 4/1997, nhưng mãi 7 năm sau (tháng 4/2004) khi nhà thơ Tố Hữu không còn nữa, Nhật Hoa Khanh mới cho lưu hành, phát tán. Trước khi tài liệu lưu hành không được nhà thơ Tố Hữu và bất cứ ai trong gia đình nhà thơ đọc lại.

Cũng theo Công An Nhân Dân, các cơ quan chức năng thời gian qua đã tiến hành kiểm chứng, đối chứng tài liệu đang phát tán và các tài liệu, sổ tay của tác giả Nhật Hoa Khanh; đã phân tích khách quan, khoa học một số nội dung, sự kiện được ghi trong các tài liệu đó; đã tham khảo ý kiến của những người gần gũi với nhà thơ Tố Hữu và đã có đủ cơ sở để khẳng định: Phần lớn nội dung trong tài liệu Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng của Nhật Hoa Khanh là giả mạo, xuyên tạc, bịa đặt.

Người viết đã mượn danh nhà thơ Tố Hữu để truyền bá những quan điểm, ý kiến riêng không lành mạnh, có dụng ý xấu của mình về một số vấn đề quan trọng trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam. Những nội dung giả mạo, xuyên tạc, bịa đặt trong tập tài liệu này đã làm tổn hại đến uy tín, nhân cách của nhà thơ Tố Hữu.(13)

(13) Theo Công An Nhân Dân

Được hỏi ý kiến về vấn đề này, nhà văn Vũ Thư |Hiên cho hay :

“Tôi không tin Tố Hữu sau này lại nói khác với những gì đã nói khi đánh “Nhân Văn – Giai Phẩm”. Ông ta là người rất tự tin ở sự vĩ đại của mình, đó là ấn tượng của tôi về TH. Tôi nhớ có lần tiễn một đoàn nhà văn đi Liên Xô ở ga Hàng Cỏ, tôi cũng có mặt (thời ấy người ta thường đi tàu hoả qua Bắc Kinh, rồi đi tiếp cũng bằng tàu hoả đến Moskva, chứ không đi tàu bay như bây giờ),TH chờ mọi người đến bắt tay mình, chứ không đưa tay ra cho ai trước. Tôi khó chịu, không bắt tay, bức ảnh chụp chung sau có ai gửi cho cũng không giữ.

– Vì thế bà vợ TH, là bà Thanh, nói không tin những bài phỏng vấn nọ, tôi nghĩ là đúng. Bà này rất tự hào về ông chồng, lại không biết uốn éo khi nói.

Số phận những nhà văn và trí thức trong vụ NVGP

Theo hồ sơ của Đại sứ quán CHDC Đức, Tố Hữu, ” Ủy viên Bộ chính trị kiêm Trưởng ban Văn hóa Bộ chính trị đã thông báo cho cho các đại diện ngoại giao của các nước XHCN ở Hà Nội về sự phân loại ” các lực lượng chống đối trong Văn nghệ” làm ba loại :

– Nhóm I: gồm những tên phản bội, từng làm việc cho Pháp. Có tên từng là nhân viên phòng nhì của Pháp. Những tên này lợi dụng Hiệp định Genève để ở lại hoặc trở lại miền Bắc. Bọn này là những cái cho các chương trình phát thanh của Mỹ và ngụy quyền miền Nam ..( Đối với mỗi tên này đều có một hồ sơ đầy đủ về các quan hệ phản bội và các hoạt động nhân dân của chúng (…) . Và ngày 10 tháng tư năm 1958, ” ba tên bỉ ổi nhất” là Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thị Yến (tức Thụy An) và Trần Thiếu Bảo (tức Minh Đức đã bị bắt giam tại Hỏa Lò và khởi tố về tội phản động (chứ không phải tội tham gia NVGP) (….)

(…) Heinz Schutte, Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954-1960

Nhận được tin này, ông Nguyễn Hữu Đang đã tìm cách ra Hải Phòng để tìm cách bỏ trốn ra nước ngoài như Nam Tư hay Ấn Độ. Tuy nhiên ông đã bị bắt, có thể là do bị gài bẫy ..Trước khi bị ra tòa án và để chuẩn bị dư luận thì Mạnh Phú Tứ đã viết trên báo Nhân Dân vào ngày 15.4.1958 là Nguyễn Hữu Đang có “mưu đồ làm phản” đã cấu kết những phần tử tư sản phản động và bọn gián điệp của Đế quốc “, NHĐ trở thành một tên “phản cách mạng”, tên “phá hoại đầu sỏ ” rất nguy hiểm.

Hằng Nga thức dậy

Sau ngày hòa bình lập lại, truyện ngắn Con ngựa già của Chúa Trịnh, với bức minh họa tuyệt đẹp của họa sĩ Bùi Xuân Phái, đã làm xôn xao làng văn ngày đó. Chính bắt đầu từ cái truyện ngắn này anh đã mang thân vào cái nghiệp văn, ở anh cũng đáng coi là nghiệp chướng.

Anh còn một tập truyện ngắn, đâu như tám truyện thì phải, cũng một dòng “ngựa, voi”, chưa kịp ra mắt bạn đọc thì đã bị cái khách quan khắc nghiệt “bảo lưu” cùng với tài năng của tác giả. Truyện nào viết xong anh cũng đưa tôi đọc. Truyện nào cũng làm tôi say mê vì vẻ đẹp của ngôn từ. Cái kho ngôn từ dân dã của anh dường như vô tận. So với tất cả văn xuôi của tôi đã in ra, tôi có cảm giác mình là người nước ngoài viết tiếng Việt.

Sau mười hai năm cách ly đời thường, Phùng Cung như xa lạ với môi trường văn nghệ. Được trả lại tự do, việc đầu tiên là anh cùng với vợ sửa lễ “Tạ ơn cao rộng cho được sống để trở về quê quán”. Rồi yên phận hẩm hiu, anh tránh thật xa mùi bút mực. Anh xoay trần làm nghề đập đinh, phụ với vợ thêm nghề bánh rán, nuôi ba đứa con trai đang sức ăn, sức lớn. Song hình như mùi dầu nhờn, gỉ sắt, mỡ rán vẫn không át được mùi bút mực. Những lúc rảnh tay, anh ngồi buồn thiu, thỉnh thoảng chấm ngón tay vào đáy chén trà cặn, viết một từ gì đó lên mặt bàn…

 

Tôi thường đạp xe từ Nghi Tàm lên phố Mai Hắc Đế thăm anh, khi mang cho con diếc, con trôi vừa câu trộm được, khi mang mớ rau muống cấy ở vệ hồ, trong khi đó, thật bất ngờ, anh sáng tác thơ.

Đọc thơ anh, có bài chỉ vài câu, tôi bỗng thấy thiên nhiên quanh tôi vụt giàu có lên bất ngờ và trở nên đẹp đẽ đến xao xuyến tận đáy lòng – những vẻ đẹp từ trước đến nay tôi vẫn nhìn nhưng không thấy.

Mới đây, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định trích quỹ sáng tác của Hội làm món quà tặng sáu hội viên (trong đó có tôi) đã phải chịu nhiều thiệt thòi trong 30 năm qua: Hội in cho mỗi người một tập thơ bao cấp, tác giả tự chọn những bài thơ vừa ý trong thơ mình, dày từ hai trăm trang trở lại. Năm anh bạn đang dựng bản thảo. Tôi cả đời chưa bao giờ được in riêng một tập thơ càng hăm hở chuẩn bị.

Và bản thảo đã chuẩn bị xong, chỉ còn mang đến nộp. Trước khi nộp tôi đem đến anh Cung để tranh thủ một vài nhận xét. Nhân dịp này tôi đã dại dột đọc lại lại tập thơ tích lũy của anh. Đọc xong, lòng hăm hở của tôi chùng lại. Tôi không còn muốn in thơ nữa! Tôi tự nhủ: in làm gì khi chưa có cặp mắt biết nhìn như Phùng Cung? Chúng ta hãy cần đọc không cần chọn:

Mùa gieo mạ

Thoảng mùi ruộng ải

Thóc giống cựa mình

Nắng vắt ngọn tre đuôi én

Đủng đỉnh điệu cu cườm

Lay nhịp gió may

 

Nắng dứ

Đầu mùa nắng dứ

Hạt mồng tơi rơi kệnh đất

nghe trời

Chuối con gái vội hong

búp lụa

Cánh chuồn chuồn lia từng

bóng râm con.

Dưới mắt anh, cảnh vật hiện ra sinh động đến thế! Ngòi bút tôi đâu còn dám đua chen.

Thấy tôi chán nản, anh Cung động viên khéo: “Thời cơ chế thị trường, dư luận khách hàng mới là khuôn vàng thước ngọc. Hãy cứ cho ra, rồi lắng nghe dư luận”.

Trái với tình thế của tôi có điều kiện in rồi mà còn đắn đo, tình thế của anh Cung lại là muốn in mà không có điều kiện. Anh dí dỏm gọi mỉa mai tập bản thảo thơ anh là “Hằng Nga ngủ trong rừng”.

Như mọi người đã thấy, ngày nay ở nước ta xuất bản thơ là việc khó khăn lắm. Bạn muốn in thơ? Xin mời! Cứ việc bỏ tiền ra mà in. Nhà xuất bản chỉ có thể tham gia bằng cách chịu một phần trách nhiệm về nội dung và đứng ra xin giấy phép xuất bản, với điều kiện bạn trả tiền lệ phí. Một nhà thơ nghèo như Phùng Cung, năm nay đã sáu mươi nhăm tuổi, có lẽ đến lúc “chọn đất sạch dọn mình vào vĩnh viễn” cũng không hy vọng thơ mình được người đọc thưởng thức qua những dòng chữ in. Hằng tháng, chỉ với mâm cơm gia đình “bốn mùa rong ruổi chốn rau dưa” cộng thêm vài chục nghìn tiền điện, dăm nghìn tiền nước, chị Thoa vợ anh cũng đã phải tất tả chạy giật nóng quanh bà con lối xóm. Thơ anh đành nằm chờ…

Nhưng tôi quyết tâm in bằng được thơ anh. Tôi sẽ đi khắp Trung, Nam, Bắc đọc rong thơ của anh và quyên góp tiền. Tôi ước tính muốn đủ tiền để in hai trăm bài thơ ngắn, tôi sẽ phải đi đọc thơ và quyên tiền đến một năm, trong khi đó bao nhiêu chuyện có thể xảy ra làm cho công việc thêm phức tạp. Quá trình phấn đấu hẳn phải chia thành nhiều đợt đi đi, về về…

Nhưng tôi đã gặp một chuyện bất ngờ. Một hôm, trong bữa cơm gia đình có anh Nguyễn Hữu Đang dự, tôi nói:

– Em sắp đi xa, vắng nhà chừng khoảng một năm. Anh nhớ luôn luôn đến nhà em ăn cơm với vợ con em cho vui.

– Chú có công chuyện gì mà phải xa nhà lâu thế?

– Em đi đọc thơ rong, quyên góp tiền để in cho anh Phùng Cung tập thơ. Cả một đời gian khổ vì cái nghiệp bút mực, anh ấy chỉ có một ước vọng được in một tập thơ để tặng bạn hữu và góp mặt với đời trước khi vĩnh biệt chúng ta.

– Tôi gặp chú Cung luôn, sao không thấy chú ấy nói chuyện này với tôi?

– Anh Cung không nói, em cho là anh ấy nghĩ có nói anh cũng không giúp được gì, chỉ làm anh thêm bận tâm.

– Tập thơ chú Cung đâu, chú đưa tôi xem.

Anh Đang đọc chăm chú hết tập thơ. Anh khẽ gật đầu có mái tóc ngắn quen thuộc, nói:
 

– Tôi không ngờ thơ chú Cung khá thế. Theo tôi còn khá hơn văn xuôi chú ấy. Bây giờ thế này chú Quán nhé: chú không phải đi đâu hết. Tôi sẽ cho chú Cung tiền để in tập thơ.

Tôi trợn tròn mắt:

– Thơ không rẻ như bèo đâu anh ơi! In một tập thơ vài trăm trang với hình thức chỉ xoàng xoàng thôi, anh có biết phải mất bao nhiêu tiền không? Từ hai triệu đến hai triệu rưỡi đấy!

Tôi tưởng anh phải tái mặt tưng hửng trước số tiền mà tôi vừa thông báo. Anh vẫn bình tĩnh lật lật những trang thơ, đọc lại một vài bài vừa rồi chưa đọc kỹ, rồi chậm rãi nói:

– Tôi sẽ cho chú Cung đủ tiền để in, dù có tốn như chú vừa nói.

Không để tôi hỏi anh lấy đâu ra tiền, anh giải thích luôn:

– Tôi cho chú ấy dùng tất cả số tiền tôi dè sẻn từng đồng dành dụm được trong hai mươi năm qua, nhất là từ bốn năm trở lại đây tôi có lương hưu, lại được những anh chị em cùng hoạt động hồi Mặt trận dân chủ, Hội truyền bá quốc ngữ, Hội văn hóa cứu quốc, các Đội tuyên truyền xung phong chống Pháp, ngành Bình dân học vụ cùng những bạn bè xa gần, biết tôi còn sống và nghèo khổ, kẻ ít người nhiều họ gửi tiền đến giúp đỡ. Ngoài những khoản chi tiêu cần thiết hằng tháng, còn lại bao nhiêu tôi gửi tất cả vào quỹ tiết kiệm ngân hàng phòng xa phải dựng túp lều khi không còn ai cho ở nhờ, phòng xa lúc ốm nặng kéo dài, phòng xa cả lúc chết nữa. Nhờ vậy mà số tiền tiết kiệm của tôi cho đến hôm nay đã lên tới hơn bốn triệu đồng. Sổ tiết kiệm đây…

Anh móc túi áo bộ đội cũ mặc bên trong, lấy ra cuốn sổ bọc trong ba lần giấy nhựa bóng, chằng ngang dọc bốn dây cao su. Anh đặt sổ trước mặt tôi và bảo:

– Chú giữ lấy. Tôi sẽ làm giấy ủy quyền cho chú rút tiền ra sử dụng. Nếu số tiền này chưa đủ, tôi sẽ về quê đòi vài tạ thóc cho vay, bán đi rồi gửi thêm tiền cho chú. Tôi yêu cầu tập thơ phải in thật đẹp, mà đẹp giản dị, thanh nhã, chứ không rườm rà, lòe loẹt như nhiều tập thơ đang bày bán.

Không hiểu sao nghe anh nói tim tôi hồi hộp và cổ tôi như nghẹn ngào. Tôi được quen biết anh đã gần bốn mươi năm nhưng cho mãi tới hôm ấy tôi mới thật hiểu anh là người như thế nào. Nguyễn Hữu Đang là người nếu chi dùng cho bản thân thì một trăm đồng ba quả khế chua để gội đầu (thay chanh mà anh sợ đắt) cũng tiếc tiền, bất đắc dĩ mới phải mua, nhưng đã là việc nghĩa hiệp thì sẵn sàng san sẻ đến đồng tiền cuối cùng.

Thế đấy. Nếu bản thảo thơ Phùng Cung là “Hằng Nga ngủ trong rừng” thì tấm lòng trợ giúp vô tư của Nguyễn Hữu Đang chính là “Hoàng tử đẹp trai” đến đánh thức.

Và nhất định tập Xem đêm sẽ ra đời. [1]

Hà Nội ngày 20 tháng 11 năm 1994

[1]Sau khi nhà thơ Phùng Quán từ trần (tháng 1/1995) tập thơ của Phùng Cung đã được xuất bản. Bài này ông Quán viết để in vào tập Xem đêm làm lời cuối sách song nhà xuất bản đã không thực hiện được. Sau đó ông Quán đã cho đăng trên một tờ báo bên Pháp.

bản để in Gửi bài này cho bạn bè Tiến tới xét lại một vụ án văn học: Con người Trần Dần

Lời toà soạn báo Nhân văn số 1, ra ngày 20.9.1956

Ít lâu nay, nhất là trong giới văn nghệ, vấn đề Trần Dần được nhiều người nhắc tới. Đó không phải là chuyện ngẫu nhiên, mà chính là vì vấn đề Trần Dần không còn là một vấn đề riêng của anh hay của một số người nào, mà là vấn đề của chung, có liên quan tới quyền chính đáng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tác của tất cả mọi người.

Theo tinh thần đó, chúng tôi đăng bài này.

Lần đầu tiên tôi biết Trần Dần là trong một trại hè của các đoàn văn công quân đội năm (19…) Dáng người thấp, hơi thô, tay chân chắc nịnh, lúc nói chuyện thường ồn ào, giọng cười thẳng thắn, ròn rã. Đôi mắt xếch với cặp mày rậm làm cho khuôn mặt anh dữ tợn, nhưng đến khi anh há mồm ra cười thì trông lại như một đứa trẻ con.

Tôi biết tiếng anh từ lâu – Ở bộ đội Sơn La, từ đầu năm 1947, nổi tiếng có một anh Trần Dần nào đó thường vẽ và làm thơ có nhiều cái rất lạ, anh em văn nghệ xung quanh thì rất thích nhưng đồn rằng bộ đội thì không hiểu và một số cán bộ chính trị ở đơn vị thì lấy làm bực mình.

Tới trại hè năm 1951, các đoàn văn công nỗ lực tập luyện để phục vụ một chiến dịch lớn. Trần Dần phụ trách huấn luyện cho mấy trăm anh chị em: sáng tác đạo diễn và diễn viên. Trong bóng rợp của một rừng nứa, giọng anh rủ rỉ như lời tâm sự, giảng về văn nghệ nhân dân. Văn nghệ do dân, vì dân, có Đảng lãnh đạo. Giọng anh thấm thía từng ngày lên lớp. Mấy trăm anh chị em lần đầu tiên được học một tài liệu dài đến gần hai tháng, đều vui trong lòng như một người đi trong đêm rét, chợt nhìn thấy lửa ấm của một túp nhà. Học xong tài liệu Văn nghệ nhân dân, anh chị em say sưa công tác hơn vì người giảng viên Trần Dần đã thổi vào tâm sự mọi người một cái tự hào. Đến bây giờ tôi (…) [1] Lỗ Tấn mà Trần Dần đọc ra để dẫn chứng cho tài liệu:

Hoành mi lễnh dối thiên phu chỉ

Phủ thủ cam nhi nhụ tử ngưu

Học xong phần lý luận có thể nói hầu hết anh chị em văn công đều yêu mến Trần Dần như một người bạn từ lâu lắm. Những người có chuyện riêng gỡ mãi không ra, đều tìm đến hỏi Trần Dần. Một anh sắp lấy vợ, một chị bị ép chồng, một diễn viên già có vợ ở vùng tạm chiến, đều đến tìm Trần Dần – không phải là một câu trả lời thoả đáng – nhưng chính là một sự an ủi, một câu nói chí tình, và để nghe ở anh cái giọng cười quen thuộc, giọng cười vô tư, rất yêu đời.

Dần dần anh chị em gọi Trần Dần là “thày tướng” và lắm khi tin anh như một người đau khổ ngày trước tin số mệnh, đã đặt cho anh một cái tên “Trần Dần cốc tử”.

Hồi ấy Trần Dần yêu một nữ diễn viên văn công. Vốn tính cương trực, lỗ mãng, anh không biết cách nào khéo léo để lấy lòng yêu của người đàn bà. Anh không biết nói đẹp, nói hay, chỉ non thề bể, xem lá rụng, hoa tàn để vừa ý một cô gái rất đỏng đảnh. Gặp cô, anh “tấn công” luôn, rất thô kệch. Cô ấy sợ, và chạy trốn. Anh đuổi không kịp.

Rồi anh thất vọng to, và cũng biết khóc. Một lần bắt chợt anh ôm đầu khóc, tôi kéo mấy anh bạn vào xem: “Vào đây xem voi chảy nước mắt các cậu ơi!” Mãi về sau hình ảnh cô gái đó đột hiện lên, tươi roi rói, đẹp và anh dũng trong những trang đầy nhiệt huyết của cuốn truyện Người người lớp lớp [2] .

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trần Dần thức thâu đêm suốt sáng để viết bản thảo lần thứ ba cuốn truyện về những người đã tạo ra chiến thắng lịch sử lớn lao đó. Dạo ấy tôi thấy anh gầy rộc đi, mắt trũng trong một quầng thâm rộng. Nhưng mắt anh có những tia sáng mới. Anh biết anh đang luyện ngòi bút cho thật sắc sảo, “có sác sảo mới diễn tả hết con người và cuộc đời”. Anh rất ghét lối viết dễ dãi, tạm bợ, tả bộ đội chỉ thấy súng nổ, lửa bốc, chỉ thấy uỳnh oàng mà chẳng thấy người. Anh gọi những loại văn đó là: văn chương khói lửa mịt mù. Nhìn vào những trang sách, độc giả tìm kiếm mãi mà chưa thấy một người, chưa thấy việc đời, chỉ thấy lổn nhổn những bộ máy lắp đi lắp lại và một lô danh từ, hình ảnh trống rỗng, thùng rỗng kêu to.

“Nhưng cái hướng chính của tôi không phải là tiểu thuyết. Hướng đi của tôi là thơ. Tôi sẽ tìm tòi trong thơ và cố gắng tạo ra một lỗi diễn tả riêng biệt – không phải lập dị- nhưng độc đáo.”

Trần Dần đã nói với tôi như vậy sau khi anh viết xong Người người lớp lớp. Hồi đó, anh có đưa tôi xem tập thơ làm đã lâu: Tiếng trống tương lai [3] .

Đọc lần đầu tiên, tôi không thích. Tôi cho Trần Dần là lập dị. Đọc lần thứ hai, thứ ba, tôi vẫn không thấy thích, nhưng dần dần tìm ra được nhiều cái mới lạ, khác với nếp cũ thông thường. Tuy nhiên, tôi vẫn không thấy thích cái lối thơ ấy. Dần dà đọc nhều bài thơ anh làm về sau, tôi càng thấy “cái anh chàng này khác thường”. Khác thường theo ý tôi chưa chắc là đã hay. Dù sao do thơ Trần Dần, tôi suy nghĩ nhiều về trách nhiệm người làm thơ trước cuộc đời: đi sâu vào đời sống có suy nghĩ của con người, tìm cách diễn tả riêng, tạo ra một thế giới riêng cho mình. Tôi thấy thơ Trần Dần có phần đau xót, u ám, nhiều khi rất buồn, vừa cộc cằn lại vừa có cái tự hào sôi nổi, nhiệt tình thẳng thắn, táo bạo.

Nhưng giọng thơ của anh, vẫn không lọt được vào tâm hồn tôi – một người làm thơ theo một dòng khác. Dù sao tôi vẫn trân trọng và quý mến những cái tìm tòi của Trần Dần trong thơ. Tôi cũng nghĩ như anh thường nói: Mỗi người làm một kiểu. Có thơ như tiếng sáo, có thơ như tiếng kèn, có thơ như tiếng trống. Đừng bắt thơ ai phải giống ai. Có thế mới thành một cuộc “hoà âm” lớn của thi ca. Độc giả thơ cũng ví như người xem xiếc. Có người thích kiểu tung cầu, kiểu đứng trên lưng ngựa. Lại có người thích xem dạy hổ, leo dây. Nhiều khi sợ đến rùng mình, nhắm mắt. Mỗi dòng thơ thích hợp cho một loại độc giả. Có thế mới trăm hoa đua nở được. Gò bó theo ý thích chủ quan của một vài người, thơ sẽ thành hoa giấy đóng hộp bày trong tủ kính.

Hồi đó, tôi chưa biết Mai-a-cốp-sky. Khi hoà bình lập lại, về Hà Nội, đọc Mai-a, tôi thấy hơi thơ và cách diễn tả của Trần Dần có nhiều chỗ giống Mai-a. Tôi trách anh:

“Sao cậu lại bắt chước Mai-a? Bắt chước thì không thể nào độc đáo được.”

Trần Dần nói:

“Tâm hồn có giống nhau thì mới ảnh hưởng sâu sắc được chứ! Mình bị ảnh hưởng Mai-a thực, nhưng cái chính là mình chịu ảnh hưởng thực tế cách mạng Việt Nam. Do đó mình sẽ dần trở thành mình.”

Viết xong Người người lớp lớp, Trần Dần được phân công viết thuyết minh cho cuốn phim Chiến thắng Điện Biên Phủ và anh được cử sang Trung Quốc làm nhiệm vụ đó. Nhưng đi kèm bên cạnh anh là một cán bộ chính trị có quyền tối hậu quyết định [4] . Anh cán bộ này, đáng lẽ phạm vi công tác là góp ý kiến vào nội dung bản thuyết minh và bảo đảm cho nó không phạm những sai lầm về đường lối chính sách của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thì đã lợi dụng uy quyền của mình đi quá xa vào phạm vi văn học, bắt Trần Dần phải viết như ý mình, từng câu từng chữ, lạm dụng danh từ chính trị khô khan rỗng tuếch để nhét cho kỳ được vào bản thuyết minh.

Đầu tiên, Trần Dần rất phục tùng người cán bộ chính trị khi dự thảo thuyết minh, và hoàn toàn theo sát những vấn đề chính trị sẽ đặt ra khi thuyết minh. Đến khi thấy anh cán ấy “lên gân” và thọc bàn tay cứng lạnh vào phạm vi viết văn thì Trần Dần bắt đầu có phản ứng. Nhưng anh vẫn bình tĩnh, đề nghị cấp trên xét lại vấn đề. Đến khi “anh cán bộ vẫn là tối hậu quyết định cả từng câu chữ” thì Trần Dần thôi không làm công việc đó nữa, nhường cả phần “văn chương” cho đồng chí cán bộ.

Sau việc này sự mâu thuẫn giữa văn nghệ sĩ và cán bộ chính trị bắt đầu phát triển khá mạnh trong con người Trần Dần. Anh vẫn cố dẹp đi, nhiều lúc anh thẫn thờ ít cười ít nói nhưng vốn là con người chân thực – cái chân thực nhiều khi đến thô lỗ – lắm khi anh đã cục cằn, thốt ra những lời gay gắt thiếu lịch sự. Anh thường bàn với anh em, khi thấy nhiều thắc mắc quanh việc này: “Ôi già! Cái con số cán bộ chính trị bóp chết nghệ thuật thì không ít đâu. Làm thế nào để Trung ương Đảng biết rõ tình hình và đề ra những chính sách cụ thể cho văn nghệ sĩ, đó là nhiệm vụ của mỗi đứa chúng mình. Tin Đảng, yêu Đảng, đi theo Đảng đến cùng thì phải có phần góp ý kiến cho Đảng. Đảng cần nhiều khối óc, cần nhiều bàn tay, cần nhiều trái tim, chứ Đảng không cần đến những con người máy, giật thế nào làm thế ấy”.

Đó là động lực thúc đẩy Trần Dần, rồi đến Tử Phác, Đỗ Nhuận, Hoàng Cầm, Trúc Lâm, Hoàng Tích Linh, và rất đông anh em công tác văn nghệ trong bộ đội dự thảo ra bản “Đề nghị Chính sách Văn nghệ” trình bày với cấp trên hồi đầu năm 1955, tại Hà Nội.

Bản dự thảo sắp được thông qua. Một vài cán bộ cao cấp trong quân đội tỏ ý tán thành những điểm chính trong bản đề nghị đó, và nhất là hoan nghênh tinh thần xây dựng của bản đề nghị.

Trong thời gian bản dự thảo còn bàn đi bàn lại, thì bỗng có một người đàn bà đến rất nhanh chóng trong đời sống của Trần Dần. Một chị ngoài 20 tuổi, đi đạo, ở Hà Nội mới giải phóng. Trần Dần gặp người đó và hai người yêu nhau. Lúc mới yêu người ta dễ say. Trần Dần lại là người chưa từng được yêu bao giờ, dù anh đã gần 30 tuổi. Anh mê man với mối tình đó buổi đầu và đã đôi ba lần làm trái với nội quy sinh hoạt của bộ đội. Cái tật xấu nhất của Trần Dần là bừa bãi trong sinh hoạt: quần áo, sách vở, vứt lung tung, bạ đâu ngủ đấy. Trong sự giao thiệp với người đàn bà này, anh cũng rất bừa bãi. Mới quen lần đầu đã nghiễm nhiên vác ba lô đến ở chơi nhà người ta vài ngày, rồi cười đùa ầm ỹ. Anh đã sấn sổ đòi tình yêu. Người thiếu nữ có lẽ vì sợ đôi mắt xếch đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, và đến lúc nhượng bộ cuối cùng: chị đã trao cả cuộc đời mình cho anh. Nhân lúc đang ốm yếu, được phép nghỉ, anh đã đến nhà người yêu ở hàng nửa tháng liền. Và anh đề nghị cấp trên cho anh được cưới.

Một người con gái mới lớn, đã sống trong không khí tôn giáo, sống trong vùng tạm chiếm lâu năm, lại có được uỷ quyền cho thuê mấy cái nhà, bây giờ bỗng dưng yêu một anh cán bộ quân đội. Vấn đề gì đặt ra đây?

Trần Dần vẫn yêu đắm đuối và ngang ngạnh. Anh đề nghị đơn vị đi sát giúp đỡ anh. Lý lịch người thiếu nữ, theo anh, không có gì là mờ ám. Một công dân còn trẻ, chưa hiểu việc đời nhiều lắm, trình độ chính trị rất thấp, nhưng biết yêu lá cờ vinh quang của Tổ quốc, ngày giải phóng thủ đô, cũng chạy ra đường vẫy quân đội, miệng hoan hô không biết mỏi.

Trần Dần ngày càng không thể dứt ra được tình yêu dù anh biết mối tình đó sẽ gặp nhiều trắc trở. Quả nhiên, không ai “tán thành” tình yêu của anh, trừ một vài người bạn thân. Có người lên giọng đạo đức: Thằng Dần sa ngã rồi. Mới về Hà Nội đã hư hỏng, hoà bình chủ nghĩa thật.

Có người nghiêm nét mặt, đề cao cảnh giác: Cẩn thận! Kẻo sa lưới địch! Nó đang âm mưu tấn công vào hàng ngũ ta.

Tình yêu của Dần với cô gái Hà Nội đã làm cho anh em chung quanh bàn tán sôi nổi. Nhưng không ai chịu khó đi tìm chân lý. Những câu chuyện nói cho vui mồm, những lời dèm pha, chế giễu, những “nhận định” cao siêu, những “lập trường” “quan điểm” giai cấp tính, tư tưởng tính, “tư sản” và “vô sản” v.v… Người ta rút những câu to lớn nhất trong hàng chục pho sách chính trị để quy kết cho một mối tình.

Trần Dần đã gục mặt vào tay đau đớn. Tôi đã gặp anh ngồi lặng hàng giờ trong một căn phòng quần áo bàn ghế bừa bãi ở nhà người thiếu nữ đó. Giữa anh và chị, có một niềm tủi cực, cay đắng, xót xa. Chị đã thôi không trang điểm, xếp áo màu vào tủ, có cái thì đem cắt ngắn, nhuộm nâu. Đã tan đi từ lâu lắm tiếng cười ròn rã. Trong giọng nói đã thấy ngấn nước mắt. Có vài căn nhà được uỷ quyền cho thuê, chị đã nghe lời anh đem giao lại cho Ủy ban nhà cửa. Đầu tiên, khi nghe người yêu bàn việc đó, chị K. ngạc nhiên mắt đen tròn mở to:

“Thế rồi sống bằng gì hả anh? Sao lại giả nhà cho Chính phủ hở anh? Chính phủ có kết tội những người có nhà cho thuê không hở anh?”

Rất nhiều câu hỏi. Anh đã bàn:

“Không! Chính phủ vẫn bảo đảm cho người có nhà cho thuê. Nhưng chúng mình phải làm lấy mà sống. Không nhờ vào đâu cả, ngoài bốn cánh tay mình, đủ sống thì thôi.”

Trần Dần hết sức giải thích cho người yêu và hướng người yêu vào cong đường “làm lấy mà sống” “đừng nhờ vả ai”. Hình ảnh người con gái đi tìm việc làm trong mưa, về sau tôi lại gặp rất đau xót, trong bài thơ “Nhất định thắng” in trong tập Giai phẩm mùa Xuân 1956.

Mối tình đó kéo lê những ngày lo sợ, buồn phiền. Trần Dần không ngờ yêu lại khổ đến thế này. Cùng một thời gian đó, bản “Đề nghị Chính sách Văn nghệ” thảo luận chưa xong. Giời sang hè, mùa mưa tầm tã. Trần Dần và người yêu vẫn sống trong một góc nhà tối thiếu ánh sáng. Bữa cơm không vui. Bụi phố Sinh Từ rắc vào nhà như sương, bụi phủ trắng mặt bàn ghế. Ăn vội vàng, Trần Dần lại về đơn vị để rồi lại được nghe những lời phê phán, những tiếng xì xào. Và người thiếu nữ lại chân đất, áo ngắn, đi tìm việc làm, có hôm từ sáng đến tôi mới về:

Em đi trong mưa… cúi đầu… nghiêng vai

Đến ngày họp bàn về dự thảo chính sách, Trần Dần được anh em cử ra trình bày. Nguyện vọng của bao nhiêu văn nghệ sĩ trong quân đội. Làm thế nào để sáng tác hay, phục vụ được sâu sắc. Anh nói say mê, nhiệt tình. Trong cách nói nhiều khi bốc. Mặt anh khi đỏ gay, khi tái lại:

“Giả văn nghệ cho anh em văn nghệ sĩ! Phân rõ ranh giới giữa cán bộ chính trị và văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ phải có sự lãnh đạo của Đảng, nhưng không thể biến thành cái máy v.v…”

Đột nhiên trong không khí hào hứng của gần ba mươi anh em văn nghệ sĩ đang sẵn sàng cởi mở hết để xây dựng một trong những chính sách lớn của Đảng, bỗng có một câu quật lại:

“Tinh thần bản đề nghị này chính là một thứ tư tưởng tự do của tư sản. Nó chứng tỏ tư tưởng tư sản đã bắt đầu tấn công vào các đồng chí!”

Giá câu nói ấy ở mồm một người thường thì cũng sẽ thường thôi. Nhưng lại ở một cán bộ có đủ thẩm quyền xét lại hay bác bỏ những đề nghị của văn nghệ sĩ, thì bắt đầu có một sự động cựa lớn. Những người trước kia tán thành bản dự án thì bắt đầu trở nên hoang mang.

Thêm vào đó, câu chuyện tình chưa được công nhận. Bóng người con gái hiền lành, hay khóc, người yêu của Trần Dần bỗng trở thành một thứ gì ám ảnh: Một bóng ma đáng sợ. Người nào muốn tỏ ra “lập trường tư tưởng vững chắc” không bị “tư tưởng tư sản tấn công” đều phải ghét người con gái ấy đi. Tình cảm day dứt đến cực độ, như một cành cây non bị quật lên quật xuống trong trận bão khổng lồ, Trần Dần không còn biết bộc bạch cùng ai. Nói gì bây giờ cũng khó lọt qua tai những người “vững lập trường lòng lim dạ sắt”. Trần Dần gần như phát điên. Hết đứng lại ngồi, lại chạy ra phố, lại về đơn vị, ở đâu anh cũng thấy như có những dây trói vô hình mỗi ngày một thít chặt vào trái tim anh.

Cùng một thời gian ấy, những sự kiện lớn trong phong trào văn nghệ dồn dập tới: Phê bình tập thơ HYPERLINK
“http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4855&rb=08″Việt Bắc, Trần Dần nhận định tập thơ Tố Hữu nhỏ bé nhạt nhẽo trước cuộc sống vĩ đại và mắc một sai lầm nghiêm trọng là sùng bái cá nhân, thần thánh hoá lãnh tụ.

Và truyện Người người lớp lớp phát hành hàng vạn cuốn, được hoan nghênh. Và cuộc phê bình Vượt Côn Đảo [5] cũng sôi nổi không kém cuộc phê bình Việt Bắc. Trần Dần viết một bài phê bình Vượt Côn Đảo giọng châm biếm cục cằn, khiến nhiều người phản đối. Trong một không khí hết sức căng thẳng của văn nghệ bấy giờ, lại bị quy kết là thoát ly chính trị, tư sản tấn công, hoà bình chủ nghĩa v.v… rất nhiều anh em bị cuốn vào một chỗ mịt mù, chân lý gần như bị ngập bởi các thứ thành kiến, chụp mũ hung hăng.

Con giun bị xéo mãi cũng quằn lên. Trần Dần có lúc oang oang ăn to nói lớn, có lúc tranh luận sôi nổi, có lúc nóng nảy văng tục, có lúc lầm lì ngồi một xó, khi thì ngâm thơ giọng buồn thấm thía, khi thì cao đàm hùng biện, khi thì lại vò đầu bứt tóc, nhiều lúc ứa nước mắt, ôm mặt nằm cò queo một mình, có lúc nấc lên, đầu bù tóc rối.

Tấn thảm kịch đã đi đến một chỗ thắt nút quằn quại. Người yêu của anh bắt đầu có mang. Và đột nhiên anh bị giữ ở đơn vị để kiểm thảo cùng với Tử Phác, quanh quẩn trong một gian phòng. Một tháng, rồi hai tháng, ba tháng. Những ngày đầu tiên, như cơn sốt rét đột ngột, anh kêu lên:

“Tôi có tội gì? Tôi có tội gì mà giữ tôi ở lại?” Người yêu anh bỗng thấy anh không về nhà nữa. Nhưng trận ốm nghén đầu tiên đã quật chị xuống như một con bệnh nặng. Mặt choắt lại, người chỉ còn da với xương. Một mình ở một căn nhà bừa bộn với một con chó gầy còm, không cha mẹ, không anh em [6] , không bạn bè, chỉ có bà hàng xóm bán guốc thỉnh thoảng chạy đi chạy lại nấu cho bát cháo. Tôi đến gặp chị mếu máo, trông già đi hàng chục tuổi. Chị hỏi:

“Sao anh Dần không về với tôi nữa hở anh?”

Tôi giải thích: “Anh ấy bận công tác ít lâu thôi. Chị đang ốm, có cần gì, chúng tôi sẽ giúp chị.”

Chị oà lên khóc:

“Bộ đội có cho tôi lấy anh ấy không?”

Tôi lại khuyên nhủ:

“Có chứ! Ai cấm đâu!”

Chị bỗng khóc to hơn:

“Phải rồi, không ai cấm tôi và anh ấy lấy nhau. Bộ đội người ta không cấm nhưng anh Dần bỏ tôi rồi! Tôi bụng mang dạ chửa thế này, anh ấy bỏ tôi trốn rồi!”

Rồi chị gào lên:

“Bạc như vôi ấy giời ơi! Anh ấy không muốn ăn ở với tôi nữa thì cứ bảo tôi biết, việc gì phải lấy cớ công tác này công tác nọ.”

Tôi thấy chua chát lạ lùng, nhưng chỉ nói tránh đi:

“Anh ấy bận công tác thật đấy mà!”

Chị vẫn một mực:

“Anh ấy nói dối! Cả anh nữa cũng nói dối. Thôi tôi chết đi! Tôi chết đi cho anh ấy đỡ bận! Mà đỡ phiền cả các anh…”

Một số bạn thân của Trần Dần phải cắt nhau đến canh ở đấy, giải thích an ủi, giúp đỡ một người con gái mới yêu lần đầu mà đã bị dao cắt ruột gan.

Trong những ngày u uất đó, anh không được biết tin người yêu, ngồi vò võ trong phòng kiểm thảo. Qua lúc đầu tiên đột ngột, tâm trí anh dần dần bình tĩnh lại. [7]

Ba tháng hết nằm lại ngồi, anh đã trải qua một đoạn đời đau khổ. Nhưng ở Trần Dần luôn luôn có tình yêu sự sống rất mãnh liệt nó đã ngăn không cho anh đến chỗ huỷ hoại cuộc đời còn rất trẻ của mình. Anh viết bài thơ “Nhất định thắng” (vào khoảng tháng Tư 1955).

Lần đầu tiên tôi vào thăm anh, với một món quà nhỏ: Một túm nhãn tôi mua ngoài phố. Anh vồ lấy ăn ngấu nghiến rồi cười oang oang: “Thi đua với các cậu làm thơ nhé!”.

Thấy tôi rơm rớm nước mắt, anh bỗng hạ thấp giọng:

“Đừng buồn cho mình. Mình cũng nhiều khuyết điểm lắm: có tự kiêu, có nóng nảy, có tự do vô kỷ luật thật. Nhưng không bao giờ không trung thành với Đảng, dù bị mắc tiếng oan, dù bị kỷ luật. Và mình tin những cái độc đoán của một vài cá nhân rồi đây sẽ không còn nữa. Đảng là một khối sáng suốt. Tương lai chúng mình, Đảng sẽ đảm bảo, dù bây giờ Đảng có thể chưa hiểu mình.”

Anh lại đọc Mai-a, đọc Sê-cốp, Goóc-ki. Anh lại nằm nghiền ngẫm Đất vỡ hoang và Trên sông Đông êm đềm của Sô-lô-cốp.

Cánh cửa có chấn song sắt khép lại, tôi lùi ra và cảm thấy gian phòng kia không còn chật hẹp, tù hãm nữa đối với một con người đầy lòng tin như Trần Dần.

Hết 3 tháng kiểm thảo, anh lại được về với người yêu. Chị ấy lúc đầu còn giận dỗi:

“Thôi anh đi đâu thì đi, mặc xác tôi.” Nhưng chẳng bao lâu, mắt lại sáng, tiếng cười lại trở về trong căn nhà bề bộn những bàn ghế quần áo và ống chỉ, dao kéo. Chị đã bắt đầu may sẵn áo cho đứa con đang cựa trong bụng. Chị đã xin được việc làm:

Trời đã thôi mưa… thôi gió

Đã thấy nắng lên trên màu cờ đỏ

Rồi Trần Dần đi tham quan Cải cách Ruộng đất [8] . Bài thơ “Nhất định thắng” gửi Lê Đạt giữ từ lâu, anh cũng gần như quên đi, óc còn mải nghĩ về những mặt khác của cuộc sống để chuẩn bị cho những bài thơ khác sẽ ra đời.

Đã gần đến Tết ta. Một số anh em đã thấy say sưa sáng tác. Tôi chạy đi chạy lại gom góp sáng tác của dăm ba người bạn và nghĩ rằng phải xuất bản một tập văn thơ mùa Xuân để đóng góp với mùa xuân mới của văn nghệ đang sắp nở.

Và nhận thấy cái kỷ luật “cấm sáng tác” do một vài người công bố đối với Trần Dần là một điều vô lý, sai chính sách của Đảng, và đang lúc Trần Dần đi công tác xa xôi không biết anh có sáng tác gì mới không, tôi bèn tìm lại bài thơ “Nhất định thắng” và cho đăng vào cái Giai phẩm mùa Xuân mà tôi là người soạn bài.

Cứ để bông hoa đó nở thì đã hại gì ai mà có thể có lợi. Nhưng hoa chưa kịp nở, thì đã bị dập vùi. Giai phẩm mùa Xuân bị kết tội, bài thơ “Nhất định thắng” bị kết tội. Người ta cho rằng cái bè phái độc quyền trong giới văn nghệ bị công kích (bắt đầu từ cuộc phê bình thơ Việt Bắc) đã tìm cách trả thù:

Trần Dần, Tử Phác đều bị tống giam [9] .

Cái nút thứ hai khốc liệt hơn, của tấn thảm kịch Trần Dần.

Những ngày mùa xuân 1956, tôi đau đớn như có búa nện vào óc, có đinh đóng vào tim, và có dây trói chặt vào chân tay.

Mùng hai Tết, tôi ăn bữa cơm cuối cùng với Trần Dần. Giữa hai tợp rượu, đã thấy những cơn bão đe doạ, mà lần này chắc ghê hơn lần trước. Chị K. không biết gì vẫn vui vẻ ngồi bóc bánh, rồi xếp dọn ba lô cho chồng để anh ăn xong thì lại đi công tác.

Không khí văn nghệ như sắp sửa có trận bão. Không biết từ đâu cái tin “Trần Dần phản động” “Trong Giai phẩm có mấy tên phản động” bỗng truyền ra rất nhanh. Những tin không hay dồn đến, bổ vây tôi và anh Trần Dần còn đang ăn dở miếng bánh chưng Tết. Chị K. tái mặt, để rơi đôi đũa, nước mắt đã vòng quanh:

“Thế là thế nào hả các anh? Phen này lại bị bắt nữa thì tôi sống thế nào được? Các anh rủ nhau làm những chuyện gì mà khổ sở thế không biết!”

Trần Dần cũng tái mặt, anh cắn chặt môi, xốc ba lô lên vai, an ủi vợ:

“Em đừng lo. Tin đồn bậy bạ đấy thôi. Anh đi công tác đây, gần đến tháng đẻ, em đừng lo nghĩ gì cả.”

Nhưng chị K. không thể bình tĩnh được. Chị tiễn chồng ra cửa khóc oà lên:

“Anh ơi… Anh có về nữa không, anh ơi!”

Cổ tôi bỗng nghẹn nước mắt. Tôi cố cười:

“Ồ cái chị này lẩn thẩn. Thôi để anh ấy đi nào…”

Trần Dần ngửng mặt bước đi, ruột tôi bỗng thắt lại: Chuyến này mà nó có làm sao thì chỉ tại mình. Đang tự dưng bày ra cái Giai phẩm. Tuy chưa phải là những sáng tác xuất sắc, nhưng ít ra nó cũng nêu được vấn đề gì. Có vấn đề xã hội trong thơ Văn Cao, có vấn đề chống công thức trong thơ Lê Đạt. Và tuy tôi không hoàn toàn thích bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần, tôi cũng đưa in, vì tôi thấy ít ra nó cũng khác với lối làm thơ một chiều. Dù sao thì cũng có ít ra vài ba con cá quẫy mạnh trên mặt ao tù bấy lâu phẳng lặng.

Từ những ngày Tết mưa lã chã, cái bè phái độc quyền trong văn nghệ bắt đầu họp đứng họp ngồi để tìm cách đối phó với cái Giai phẩm. Một không khí ngạt thở đè nặng lên những anh em có bài trong tập sách đó. Rồi đến một đêm, bài thơ “Nhất định thắng” bị đem ra luận tội.

Y như một xóm đang đêm tối bỗng có tiếng kêu “Cướp! Cướp! Cướp đã đến”. Lập tức mọi người mắt nhắm mắt mở, vớ lấy giáo mác, gậy gộc, chạy xô ra ngõ, gặp một cái bóng đen. Cả làng hầm hè đánh. Roi gậy, giáo mác, gạch củ đậu thi nhau nện xuống cái bóng người. Một trận đòn nhử tử. Cái tâm lý đánh cướp này là tâm lý chung của nhưng người muốn bảo vệ nhà cửa, xóm làng của mình. Cái bóng đen gục xuống. Mọi người lại về nhà đi ngủ. Sáng hôm sau, mặt trời mọc, đi ra ngõ, thì ra cái “bọn cướp” đó chỉ là một anh đang đêm nực nội mò đi hóng mây gió.

Những người đã cầm gậy đánh, đều rất có lý:

“Hô lên là cướp thì ông đừng giã bỏ mẹ đi à?”

Họ là những người yêu làng yêu nước, họ không có lỗi gì. Nhưng lỗi ở những ai hô cướp?

Kẻ nào hô ra hai tiếng “phản động” đầu tiên để gọi cả làng ra đánh chết Trần Dần?

Tôi cố suy mãi, lòng như dao chém. Thôi thế là đêm luận tội đã đóng án tử hình xuống một bài thơ; xuống một con người, đồng thời là một sự đe doạ nặng nề chung cho anh em văn nghệ sĩ đang muốn tìm những lối sáng tác khác với bè phái bên kia.

Sau cuộc lên án đó, tôi không được biết tin gì về anh. Tôi đoán biết được lần này thì anh sẽ thực sự ngồi tù. Vợ anh gần đến tháng ở cữ, vật vã khó suốt ngày suốt đêm vì quả nhiên, sau cái ngày mùng 2 Tết ấy, anh đi không về nữa.

Tôi cũng ân hận hết ngày ấy qua ngày khác, luôn thấy mình là thằng làm hại bạn: “Dần ơi, bây giờ mày nằm trong nhà tù nào, mày có trách tao không?”

Lần này tôi lo sợ hơn lần trước anh bị giam lỏng hơn 3 tháng. Lần này cái bè phái độc quyền văn nghệ kia nó quyết liệt hơn trước, trong không khí văn nghệ đã nghe thấy máu lửa. Tôi lo ngày lo đêm đến con người anh. Lần trước, anh còn chịu được và còn có thể bình tĩnh. Đến lần này, liệu anh còn có đủ can đảm chịu đựng hay không? Tôi đã nghĩ đến cái phút đau đớn cực độ, anh không thiết sống nữa thì một lưỡi dao, một cái đập đầu vào tường… tôi sẽ mất một người bạn, và chúng ta mất tác giả Người người lớp lớp, tương lai mất một nhà thơ.

Khi chị K. ốm nghén, bơ vơ trong một căn nhà, chống gậy sang hàng xóm xin từng ngụm nước, là lúc người yêu của chị đi ba tháng không về.

Khi chị K. đau quằn quại, cho ra đời đứa đầu tiên của một mối tình cay đắng, là lúc người yêu của chị lại đi… không biết bao giờ về.

Đứa bé ra đời, còm rom như một con mèo ốm. Nó quặt quẹo, sài đẹn mấy lần tưởng chết. Chị K. nuôi con bằng nước mắt nhiều hơn bằng sữa.

Tin anh vẫn mịt mù. Lần này chị không còn hiểu lầm anh là “phụ bạc” mà chị đã biết thực sự. Chị không oán thán nữa, chỉ ôm con mà khóc. Có lần tôi đến thăm, chị kể lể:

“Giá đừng biết nhau, đừng yêu nhau thì anh ấy đỡ khổ, tôi cũng đỡ khổ và không đến nỗi phải cho ra đời một đứa bé khổ sở thế này. Liệu nó có mất bố không hở anh? Liệu tôi có goá chồng sớm không hở anh?”

Tôi như bị chích vào vào gan. Bế đứa bé thấy nhẹ bỗng, mặt mũi nó nhăn nhúm, méo mó, tôi đã khóc và suy nghĩ rất lâu về giá trị con người. Đặt tên cháu bé là gì để kỷ niệm những ngày bố cháu và nhân phẩm văn nghệ sĩ bị trà đạp xuống bùn đen? [10]

Hôm nay

Trời đã thôi mưa thôi gió

Nắng lên đỏ phố đỏ nhà

Đỏ mọi buồng tim lá phổi

Em ơi! Đếm thử bao nhiêu ngày mưa…

Sau khi học tập nghị quyết của Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, cái tin vui từ lòng tôi tự dưng toả ra: Trần Dần chắc sẽ được về!

Quả nhiên, một buổi chiều sang hè anh đã về. Tin đó đến với tôi không đột ngột lắm, vì tôi tin chắc ở ánh sáng Đảng Cộng sản Liên Xô, tin ở chân lý mà Đảng ta nắm rất vững.

Anh đã về. Gặp anh, tôi không nói gì được. Vẻ mặt anh vẫn vui, nhưng có hằn thêm những nét khắc khổ. Da mặt xanh, người gầy gộc. Nói chưa được một câu, anh đã cười, vẫn giọng cười hồn nhiên, khoe với tôi bốn bài thơ anh làm trong lúc bị giam, và khoe rằng sở dĩ anh được về là nhờ có sự sáng suốt của Trung ương Đảng.

Tôi đọc kỹ bốn bài thơ đó, và nhìn anh, kinh ngạc. Tôi không thể nghĩ được rằng trong hoàn cảnh bị giam đau đớn thế, anh lại có đủ bình tĩnh làm những bài thơ sáng sủa chan chứa lòng yêu đời, yêu Đảng như thế này. Tôi thấy quí và kính phục người bạn mà tôi cho là rất anh dũng. Tôi khoan khoái đọc to mấy đoạn thơ của anh, anh ngửa mặt lên, tôi chợt nhìn thấy ở cổ anh có một vết sẹo dài nằm ngang cuống họng, thịt mới liền, còn đỏ tươi.

Tôi hiểu cả, không hỏi thêm anh điều gì… Trước mắt tôi, là một người có sức mạnh chống chọi với tủi nhục, với thành kiến, cả đến những lời vu cáo đanh thép nhất cũng rụng dưới chân anh như cỏ héo.

Trước mắt tôi là một người chí tình, tha thiết, đã có những giây phút bốc lên quá nóng nảy cục cằn, đã tự do bừa bãi nhưng không lúc nào ngừng hoạt động vì tiền đồ rực rỡ của văn nghệ.

Trước mắt tôi là một con người dũng cảm của Đảng, có thủy có chung, biết tin yêu Đảng vô bờ bến, biết căm ghét những cái thối nát đang làm hại đến uy tín của Đảng, của quân đội…

Trước mắt tôi là Trần Dần.

Trước mắt tôi lúc viết bài này là một chuyện kéo bè để vu cáo trắng trợn, một vụ án văn chương vô cùng oan ức, một tài năng và một tâm hồn trong sạch bị giày xéo.

Trước mắt tôi là lòng tin vào ánh sáng của Đảng. Ánh sáng đó sẽ soi rọi vào bất cứ chỗ nào đang cần bảo vệ giá trị con người.

Nguyễn Văn Lục
Nguồn : Đàn Chim Việt

 

———————-

[1]Thiếu vài chữ, do bản gốc bị thủng không khôi phục được (các chú thích trong bài của Phạm Thị Hoài)

[2]Trần Dần viết xong tiểu thuyết Người người lớp lớp cuối tháng 9.1954, trước khi lên đường đi Trung Quốc.

[3]Bài thơ dài “Tiếng trống tương lai” hoàn thành tại Bắc Kinh tháng 10.1954

[4]Chuyến đi Trung Quốc kéo dài 2 tháng, từ 10.10 đến khoảng 10.12.1954. Trong đoàn công tác của Trần Dần còn có nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

[5]Tác phẩm của Phùng Quán

[6]Gia đình bà Bùi Thị Ngọc Khuê, vợ Trần Dần, đã di cư vào Nam năm 1954.

[7]Trần Dần bị giam kiểm thảo theo kỉ luật quân đội từ 13.6 đến 14.9.1955

[8]Đó là chuyến đi tham quan Cải cách Ruộng đất đợt 5 tại Bắc Ninh, từ 02.11.1955 đến tháng 2.1956.

[9]Trần Dần bị giam 3 tháng tại nhà tù Hoả Lò, Hà Nội năm 1956. Trong tù, ông đã dùng dao cứa cổ toan tự tử.

[10]Con gái đầu của Trần Dần là Trần Thị Băng Kha.


 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.