Jan 14, 2025

Tiểu luận - Tạp bút

Một góc nhìn về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (1)
Nguyễn Văn Lục * đăng lúc 10:01:23 PM, Dec 04, 2023 * Số lần xem: 860
Hình ảnh
#1

 

 
 
Tòa án Nhân dân Hà Nội xét xử vụ "Nhân văn - Giai phẩm" ngày 19-1-1960 (ảnh từ Talawas)

 Kinh nghiệm hiểu biết của tôi về NVGP lúc còn trẻ khá là nghèo .. Thuở ấy, tôi chỉ đọc độc nhất cuốn Trăm Hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí và thấy rằng hay. Cái nhìn của tôi về miền Bắc là cái nhìn của ông Hoàng Văn Chí thu gọn lại.

Trong dòng cảm nhận cái hay của NVGP-có rất nhiều cái hay hòa vào nhau-: Có cái hay do sự cảm phục lòng can đảm của các nhà văn- Có cái hay về sự thách thức quyền lực- Có cái hay của văn chương sắc sảo, của thâm sâu đạt lý. Có cái hay như cõi riêng của mỗi tác giả như dòng thơ dũng mãnh chất ngất trong thơ Trần Dần, trong truyện của Phùng Cung đến có thể nói đến một dòng văn học mang tính đối kháng.

Nhưng tôi thích nhất chuyện Ông Năm chuột của Phan Khôi (1887-1959). Nó hay ở chỗ nào thì khó nói quá. Khi viết bài này, tôi thử đọc lại  cũng vẫn thấy hay vì ông cụ dẫn đưa câu chuyện một cách tài tình và thâm thúy. “xỏ lá” muốn ám chỉ cái gì. Cách dẫn chuyện của Phan Khôi là một tổng hợp kinh nghiệm làm báo, vốn kiến thức đọc nhiều, vốn nhà nho cuối cùng và hiểu chế độ ấy hơn ai hết. Hiểu chế độ ấy nên tác giả đã dùng một bút pháp của thứ văn chương ẩn dụ thường được thấy trong các chính thể độc tài.

Cấm không cho nói thì phải tìm cách nói. Đó là cái biện chứng giữa ông chủ-thằng ở- biện chứng của Hegel nói về chế độ tư bản trong giai cấp đấu tranh mà tôi đem áp dụng thẳng vào chế độ cộng sản. Biện chứng ấy cho thấy một bên muốn đè bẹp và một bên do ý thức sinh tồn muốn chỗi dậy, giữa trên và dưới, giữa kềm kẹp và nổi loạn. Cái biện chứng ấy giúp thằng ở thoát khỏi bằng ý thức ra khỏi thân phận vong thân trong khung cảnh chính trị, trong khung xã hội. Đó là cuộc đấu tranh miên tục giữa hai phía, giữa ông chủ- thằng ở, giữa lãnh đạo và nhà văn.

Xem thêm Trần Văn Toàn, Xã hội và con người, Nam Sơn xuất bản,  1965 và Hành Tình đi vào triết học.

Cái  ám chỉ ấy, đảng cộng sản chúa là ghét và lập tức đóng cửa tờ Văn. Và có lẽ cái message mà Phan Khôi muốn gửi nằm vỏn vẹn trong mấy câu này:” Người ta cái gì biết ít thì chỉ nên nghe chứ không nên nói, tôi không nói chuyên văn chương chữ nghĩa với ông cũng như ông không dạy nghề thợ bạc cho tôi”.

Vu Gia, Phan Khôi Tiếng Việt, Báo chí và Thơ Mới, trang 632

Bây giờ thì tôi hiểu tại sao họ thù ghét Phan Khôi đến như thế. Nhưng bây giờ cũng là lúc tôi hiểu cộng sản nhiều hơn- sâu hơn và cũng thấm thía hơn.

Rồi tôi đọc Xuân Vũ và bắt gặp một sự đồng cảm với tác giả. Xuân Vũ viết:

“Bây giờ đọc lại truyện Ông Năm Chuột, tôi thấy cộng sản đóng cửa báo Văn Nghệ là phù hợp với tư tưởng lãnh đạo, bởi Ông Năm Chuột là cái truyện ác thiệt. Đó là quả búa tạ ngàn cân nện vào thái dương Hồ Chủ Tiệm. Thì bọn Tố Hữu làm sao không “trừng trị” cái tờ báo đăng nó.

Kẻ hậu sinh này không dám khen bậc tiền bối, chỉ xin bái phục tác giả Ông Năm Chuột. Thời đó, Ông Năm Chuột đã trở thành nhân vật trên cửa miệng các nhà văn. Tôi xin trân trọng mời độc giả xem lại truyện ngắn của nhà văn Phan Khôi”.

Xuân Vũ, Văn Nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết, tập 2, trang 12

Vì vậy, NVGP  đã gây một ấn tượng không nhỏ thời tuổi trẻ của chúng tôi ở miền Nam. Ấn tượng ấy cứ ăn sâu vào tiềm thức và tồn tại cho đến tận bây giờ.

Tuổi trẻ miền Nam kịp lớn lên có nhiều cơ hội tiếp cận văn chương trong nước cũng như thế giới. Thuở bắt đầu trung học thì Tự Lực Văn Đoàn với các văn hào như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam chiếm trọn thế giới tuổi học trò. Ở bậc cuối trung học thì làm quen với thứ Văn chương của nhóm Sáng Tạo với Mai Thảo và những người ở ngoài nhóm như Nguyên Sa rồi Võ Phiến vv  Bước lên bậc Đại học, nhất là khi bước vào ngưỡng cửa trường học của Platon-Aristote thì cũng đã có một thời ngây dại với triết học Hiện sinh.

Đây là thời kỳ bị nhiễm trùng nặng nhất. Bởi vì triết học Hiện sinh nó không còn là thứ văn chương thưởng ngoạn mà là những suy tưởng đặt lại toàn bộ giá trị con người-cuộc đời, ngay cả mục đích ở đời, sự hiện hữu ở đời trong thân phận làm người, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh! Ăn, ngủ, thở với triết học Hiện sinh trong lối sống, lối suy nghĩ, lối hành động của Hiện Sinh và nhất là lối viết Hiện sinh sinh với những phạm trù như hư vô, phi lý thừa thãi, dự phóng, nôn mửa, những thắc mắc siêu hình, phản kháng. Thật sự những khái niệm trên chỉ có thể lồng trong khuôn khổ văn hóa Tây Phương mà nếu áp dụng ở Việt Nam chỉ là sự bắt chước vụng về!!

Đến có thể nói, đã có một thời, một số không nhỏ thanh niên miền Nam trở thành những đứa con hoang trong triết học Hiện sinh ..

Xin đọc thêm các bài viết của tác giả như: Triết học Hiện sinh ở miền Nam trong: 20 năm miền Nam Việt Nam, 1955-1975, trang 414 và Những người con hoang của J.P Sartre, trên  tạp chí Tân Văn số 3, trang 49

Nhưng rồi thời gian như xóa mờ tất cả. Nó đẩy lui tất cả những trào lưu văn học đã từng đánh dấu một thời. Đẩy lui không mang ý nghĩa phủ nhận, nhưng chỉ thị một giai đoạn văn học đã bị vượt qua. Nó là một chuỗi những vận động văn học có sử tính đi từ Nam Phong với Phạm Quỳnh sang Tự Lực Văn Đoàn với Nhất Linh rồi Sáng Tạo với nhóm Mai Thảo.

Những người trong cuộc như Nhất Linh có thể đôi khi cảm thấy cay đắng phũ phàng như một phản bội của độc giả !!

Tuy nhiên, nhìn lại, tôi nhận thấy hầu như có một nhà văn đã đáp ứng được phần nào xu hướng và nhu cầu vọng thời đại của người đọc- khát vọng của con người trong hoàn chiến tranh.

Đó là nhà thơ Nguyên Sa, Trần Bích Lan với tập thơ Nguyên Sa, 1960 và những bài viết tham luận cũa ông trên các tờ Hành Trình, Thái Độ và nhất là Đất Nước. Ông rời bỏ nền văn chương trú ẩn, rời tháp ngà văn chương ca tụng tình yêu lảng mạn để có thái độ dấn thân, nhập cuộc.

Thơ Nguyên Sa, Những năm 60, nxb Trình Bày

Nhất là giai đoạn chiến tranh ở cường độ ác liệt thì triết lý Hiện sinh dễ trở thành một món hàng xa xỉ phẩm. Nó không át được tiếng bom đạn, nó cũng không có câu trả lời cho sự mất một còn của cuộc chiến tàn bạo này!!

Rồi đất nước chuyển mình vào một thời kỳ mông muội, vô lý, đọa đầy, xỉ nhục không phải dưới gót giầy “xăng đá” mà là Đôi dép râu “ giải phóng miền Nam”.

Và đây là cả một thời kỳ văn học miền Nam bị xóa sổ !! Sự xóa sổ ấy đụng chạm đến nhu cầu đọc của người dân miền Nam cũng như niềm tự hào của dân chúng miền Nam. Nỗi xỉ ấy nhục dễ dầu gì quên được!

Xem thêm: Sách cũ miền Nam 1954-1975 của tác giả trong cuốn Lịch sử còn đó,  trang 461

Một cách vô thức, tôi tìm lại được câu trả lời cho thân phận con người bị cùm kẹp trong chế độ XHCN trong hai dấu mốc văn học lớn của miền Bắc XHCN.

Nếu bỏ ra ngoài dòng văn học chính thống nhằm tô hồng cho đảng với những văn công thì còn lại hai dòng văn học được gọi là phản kháng:

– Dòng thứ nhất với Nhân Văn Giai Phẩm mà đại diện là những Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Phan Khôi, Phùng Cung trên dưới vài chục người.

– Dòng văn nghệ phản kháng thứ hai vào các năm 1986-1990 với những  Dương Thu Hương, Nguyễn Minh Châu, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp vv..

Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm cho đến nay là điển hình cho sự đàn áp thô bạo chính trị trên Văn Học.

Nó biến những đòi hỏi mang tính văn học thành những âm mưu chính trị như nhằm lật đổ chế độ. Đặc biệt chụp mũ một cách thô bỉ bà Thụy An làm gián điệp cho Pháp và những nhà văn hay lui tới nhà bà Thụy An thành những kẻ đồng lõa như trường hợp Lê Đạt.

Huy Cận- một cận thần của Tố Hữu- vào lúc cuối đời tại Paris đã nhìn nhận sai lầm đó. Nó đã để lại  nhiều tai tiếng chẳng khác gì Cải cách ruộng đất cho đến tận bây giờ- Cải cách ruộng đất đã  biến một số nông dân mà theo Trần Đức Thảo trở thành một thứ ” côn đồ hóa nông dân”.

Trần Đức Thảo,  Nội dung xã hội và hình thức tự do,  Giai phẩm Mùa Động tập I năm 1956, trích lại trong Hoàng Văn Chí, Trăm Hoa đua nở,  trang  398

Nhưng ngược lại, nó biến các nhà văn trong NVGP  thành những  kẻ anh hùng hay những kẻ tử đạo bất đắc dĩ trong Văn học !!

Đồng thời nó cũng đã để lại những hệ lụy xót xa mà đọc đến rơi nước mắt về số phận một số nhà văn- Tiếng tăm và hệ lụy như số phận dành cho các nhà văn ấy. Và ngược lại nó để tiếng xấu muôn đời cho các nhà lãnh đạo như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Tố Hữu, Hoàng Văn Hoan và Nguyễn Đình Thi.

Sự nghịch lý là tên tuổi những người bị đánh trong NVGP tưởng đã bị chôn vùi sau 30 năm hoạn nạn thì nay được nhắc tới  một cách trân trọng.

Sách của họ được in lại như các cuốn Trần Dần được xuất bản ở Paris. Phùng Cung, truyện và thơ do nhà xuất bản Văn Nghệ in năm 2003. Số phận văn chương phê bình  của Trương Tửu  bị Hoài Thanh đánh là “kẻ buôn lậu chủ nghĩa”nay được rà soát lại và đánh giá  trong  “Tuyển tập nghiên cứu phê bình Trương Tửu”, 2007. Phần Phan Khôi, có cuốn của  Vu Gia,  Tiếng Việt, Báo Chí và Thơ Mới, TP HCM, 2003 như một sự nhìn nhận lại giá trị Phan Khôi trong lãnh vực báo chí và phê bình. Trần Đức Thảo vẫn đứng sừng sững cao trên mọi người mặc dầu cả đời lận đận với chữ nghĩa. Tờ Hợp Lưu đã dành cả một số báo để nói về sự nghiệp Trần Đức Thảo. Và hàng trăm bài báo đủ loại đã viết về ông.

Xem Hợp Lưu và diễn đàn Talawas.org

Cuộc đời Trần Đức Thảo thật gian truân quá.

Tài ba xuất chúng, nhưng  đời  sống ông khốn đốn vì cái xuất chúng ấy. Ông có người vợ tên Nguyễn Thị Nhất, không có con, vì khác nhau về tính tình nên bà Nhất  đã nộp đơn  ly dị, năm 1960. Năm 1963 bà Nhất lấy bác sĩ Nguyễn Khắc Viện từ Pháp về. Khi TĐT bị ngồi tù, cũng nhờ bài nói hộ một tiếng với Phạm Văn Đồng mà Trần Đức Thảo đang ở trong tù được thả ra.

Trong khi đó những bài luận tội đánh NVGP của Phạm Huy Thông, Hoài Thanh, Ngụy Như Kontum, Bàng Sĩ Nguyên, Lương Xuân Nhị, Phùng Bảo Thạch thì chẳng để lại được gì – ngay cả tư cách của họ cũng không còn nữa-.

Có lẽ  thời gian là cách đánh giá trung thực nhất về NVGP và về mối tương quan Văn Học-Chính trị. Thời gian phục hồi giá trị các sáng tác của nhóm NVGP và Nhân phẩm của họ.

Đối với một số nhà văn trong NVGP,  họ chỉ muốn được tự do sáng tác. Đó là những đòi hỏi ở phạm vi của văn học. Nhưng không thể nói thẳng, người ta nói vòng quanh, ẩn dụ. Vì thế mà Họ quả thật có  viết ” chạm nọc” thật như trong chuyện Ông Năm Chuột, Con ngựa già của Chúa Trịnh,  Ông Bình Vôi.

Nhưng sau này cũng đã biết bao nhiêu nhà văn viết chạm nọc như thế . Nguyễn Công Hoan viết “Đống rác cũ”, Trần Văn Thủy làm phim với ” Hà Nội trong mắt ai” và ” Chuyện tử tế”, Dương Thu Hương với ” Bên kia bờ ảo vọng”,  Về nhà trước cơn mưa của Trang Thế Hy, Con Khướu sổ lồng của Nguyễn Quang Sáng theo cái kiểu: Trời càng tối thì đóm càng sáng- Từ bùn, vẫn có sen vươn.

Và đến cái lúc đó thì có thể nói sau này có thế hệ nhà văn không còn biết nhượng bộ nữa. (Génération sans concession).

Nhưng dù viết thế nào thì đó là cách thức duy nhất họ có thể xử dụng để nói với lãnh đạo Đảng. Vì thế, nếu coi nó là chuyện văn học thì những đòi hỏi như thế là chuyện bình thường. Nhưng gọi nó là một vụ án NVGP  thì nó không còn là văn học nữa. Nó là chính trị rồi.

Tóm lại NVGP đối với các nhà văn lúc bấy giờ là một đòi hỏi văn học, đòi trả về cho văn học cái mà nó cần có để văn học là văn học. Còn đối với lãnh đạo Đảng NVGP được coi như một vụ án chính trị mà các nhà văn là những kẻ quấy rối về chính tri.(Sabotage politique).

Đó là hai quan điểm nhìn của hai phía. Một cái nhìn văn học và một cái nhìn chính trị.

Thật vậy nếu chúng ta giả dụ đặt vị thế NVGP xảy ra ở  miền Nam VN thì tình huống sẽ như thế nào? Câu  trả lời sẽ dễ vì chỉ cần so sánh số phận các nhà văn đã chọn lựa ở lại miền Bắc và những  nhà văn đồng lứa đã chọn lựa di cư vào Nam. Những Vũ Hoàng Chương, Tạ Ty, Phạm Duy, Mai Thảo, Trần Văn Tuyên nếu ở ngoài Bắc thì sẽ thế chỗ Trần Dần, Văn Cao và ngược lại.

Họ cùng một thế hệ- tài ba ngang ngửa, ngang tầm nhận thức- mà chỉ khác nhau về sự chọn lựa ở lại hay ra đi. Nhưng  từ đó lại có hai số phận. Giả dụ Nguyễn Mạnh Tường chọn miền Nam thì số phận thua gì giáo sư Vũ Văn Mẫu, luật sư Nguyễn Văn Huyền?

Có lẽ Dương Thu Hương là người đầu tiên nhận ra sự khác việt giữa hai không khí sinh hoạt văn học giữa hai miền khi bà đặt chân đến Sài Gòn lần đầu. Bà viết:

“Sau 30-4-1975, tôi vào miền Nam trong khi các phụ nữ khác lóa mắt vì vải lụa, son phấn, hàng hóa, tôi choáng váng nhận thấy hệ thống thông tin ở đó quá phong phú. Trên các quầy sách thấy bên cạnh vô vàn các tác phẩm văn chương, khoa học, triết học của thế giới cổ và kim, đông và tây, bày rất nhiều những sách triết học Mác-Lênin, sách văn học Nga và Sô Viết như Tsekop, Doxtôiepski, Gorki vv..Trong khi ở miền Bắc hàng bao năm trời chúng ta chỉ có một thứ đài Galen tự lắp, nhà nào khá lắp có cái đài xiongmao, trên các quầy sách hầu như chỉ có sách của phe xã hội chủ nghĩa”.

Dương Thu Hương tự bạch- Người phỏng vấn Nguyễn Trọng Chức, trích lại trong Trăm hoa vẫn nở trên Quê Hương, trang 194.

Có thể cái cảm giác của bà Dương Thu Hương khi đến miền Nam trong lúc còn tranh tối, tranh sáng, bà đã được thở hít trong giây lát không  khí tự do trong sáng tác trong văn học.

Những cảm nghiệm hiếm quý như thế chỉ những người cầm bút mới cảm nghiệm trọn vẹn được. Và phải chăng nó đã mở đường cho những tác phẩm đánh dấu một thời cao trào văn nghệ phản kháng với Bên Kia bờ ảo vọng rồi tiếp theo Những Thiên Đường Mù.

Cảm nghiệm tự do là cảm nghiệm hiện sinh của người cầm bút. Nó quý báu vô vàn mà những kẻ làm chính trị không bao giờ hiểu được.

Cũng cùng một cảm nghiệm như thế khi còn ở miền Bắc, khi nhà văn Vũ Thư Hiên kể một cách ngậm ngùi cái cảnh một số nhà văn đến nhà “tiên chỉ”(ám chỉ Văn Cao) để quây quần chia xẻ với nhau một cút rượu và ít viên lạc. Một lúc nào đó, cái thân hình Văn Cao vừa ốm yếu, vừa  trơ xương còm cõi vô tình để rơi giọt nước mắt trên chén rượu!! Quả thật là cảnh uống rượu hòa với nước mắt. Cái cánh xót xa ấy nói sao cho cùng !! Tại sao Văn Cao cầm ly rượu mà rơi nước mắt?  Vì ông cảm nghiệm sâu xa về thân phận người cầm bút ? Một cảm nghiệm mà Nguyễn Huy Thiệp mô tả:

“Chúng ta sống vô nghĩa, nghèo khó và đau khổ trong những lý thuyết chắp vá đầy ngụy biện!!”

Cái cảnh ấy không thể tìm thấy ở đâu, chỉ có thể xảy ra ở miền Bắc.

Một chút so sánh giữa Văn Cao-Phạm Duy là so sánh giữa hai chế độ chính trị và hai hình loại sinh hoạt văn học. Chính sự khác biệt hai thể chế chính trị đã định hình hai số phận. Phạm Duy ở bên này bờ vĩ tuyến 17 tự hào sáng tác được một nghìn bài ca. Văn Cao chỉ ở bên kia của dòng sông chỉ sáng tác được một bài và sau đó bỏ đi vẽ bìa sách kiếm tiền độ nhật.

Và Nguyễn Thanh Giang nhân viết về Văn Cao đã mạt sát Đảng như sau:

“Đầy đọa một Nguyễn Văn Cao- bậc tiền bối của cách mạng- là sự trà đạp lương tri một cách tàn ác, làm nhơ danh Đảng. Bóp nhgẹt cái Mùa-Xuân-Văn-Cao của đất nước, của dân tộc, làm cho nó không thể nào nở được càng có tội bội phản lớn hơn đối với nhân dân Việt Nam. Ai biết được có bao nhiêu sông Lô, bao nhiêu Thiên thai đã nghẹn lại , không thể ra đời. Và như thế đất nước đã mất đi bao nhiêu cái có thể còn quý giá hơn những gì đã biết của Văn Cao”.

Tản mạn về người viết Tiến Quân Ca,  Nguyễn Thanh Giang, Hợp Lưu số 80, 2005, trang 5

Hiểu được cái dòng sông địa lý phân cách bên này bên kia mà ta có thể chia xẻ một cách dễ dàng hơn những lời thú tội của Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Nguyễn Tuân- đọc để thấu hiểu- và điều đó chỉ vạch cho ta thấy chế độ ấy tàn bạo thế nào đến hủy diệt cả nhân cách một con người.

Vậy mà sự việc xảy ra nay đã trên nửa thế  kỷ nhắc lại xem ra vẫn còn nóng hổi.

Có một điều chắc chắn là những gì NVGP đã làm không bị rơi vào quên lãng và không vô ích. Thế hệ của các nhà văn miền Bắc phản kháng sau này những năm 1986-1989 đã hẳn chịu sức hút của các nhà văn trong NVGP như Trần Dần, Phan Khôi, Hữu Loan hơn là từ các cửa hàng Văn mậu dịch của Hội nhà văn !!

Bên Kia sông Đuống của Hoàng Cầm hay Màu tím Hoa sim của Hữu Loan thì vẫn dễ thu hút hơn là hàng trăm thứ Hoa cúc đều nở ra cùng một thứ hoa cúc vạn thọ của Đảng.

Chỗ của các nhà văn trong NVGP, dù bị xóa sổ vẫn nằm lấp ló trong chỗ sâu kín của các nhà văn thế hệ đàn em như Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy. Chẳng hay dấu ấnTrần Dần đã hằn in trong tâm hồn một nhà văn trẻ như Phạm Thị Hoài?

Đảng dù trù dập họ đã không bao giờ trù liệu được rằng những nhà văn  trong NVGP đã để lại một di sản tinh thần cho các thế hệ nhà văn trẻ của miền Bắc sau này những năm 1986!!

Chính trị đã thất bại vă văn học đã lên ngôi.

Và có thể nói NVGP năm 1958 và Cao trào phản kháng 1986 đánh dấu những chặng đướng lớn của Văn học miền Bắc!!

Cái gì còn để lại nơi họ và cái gì bị mất đi sau họ. Cái nghịch lý của thời gian lịch sử là họ càng bị dìm xuống thì thời gian càng làm cho họ lớn lên !! Ngày hôm này, ta đang được hưởng  cái lớn của họ đang tỏa sáng. Vì thế người đời có thể sẽ chẳng bao giờ quên được Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời, Chùa Đàn và Chiếc Lư đồng mắt cua.. Nhưng thử hỏi xem ai còn nhớ Đề cương Văn hóa của Trường Chinh? Ai còn đọc Ý nghĩa cuộc đấu tranh trong Văn Nghệ của Tố Hữu?

Tài liệu viết về NVGP từ phía miền Bắc thì hầu như không có bao nhiêu. Theo Lê Hoàn Nguyên sau hơn nửa thế kỷ NVGP, miền Bắc chưa có một công trình nghiên  cứu nào xứng tầm, ngoài một vài cố gắng lẻ tẻ của những người như Lại Nguyên Ân.

Điều đó hiểu được, vì sau 30 năm, nhiều nhà nghiên cứu và phê bình miền Bắc vẫn e ngại khi viết về NVGP. Đám tang Phan Khôi vào năm 1960 vỏn vẹn có 7, 8 người mà ngay những người cháu của ông cũng không có mặt. Sau này, khi Nguyễn Hữu Đang mất vào ngày 8/2/2007, tại Hà Nội, tang lễ của ông cũng chỉ được tổ chức trong vòng giới hạn và lặng lẽ.

Ông Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng- NHT được coi là một trong những người bạn thân thiết của ông NHĐ-. Ông Nguyễn Huy Thắng cũng không có cơ hội đến vĩnh biệt người bạn thân của bố mình.

Bóng ma cộng sản chờn vờn ngay cả trên số phận những người đã chọn ra đi vĩnh viễn.

Phía nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội hẳn đã có những nỗ lực “làm quên” những gì liên quan đến NVGP hoặc muốn ” tẩy xóa ” một ký ức không mấy tốt đẹp bằng cách giảo hoạt phục hoạt cho các nhà văn trong NVGP mà vẫn không nhìn nhận lỗi lầm quá khứ ấy.

Cũng có một số các bài báo thì đều viết theo chỉ thị của Đảng như các bài của  Hoài Thanh, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu..”. Cuốn sách xuất hiện sớm ở ngoài Bắc là cuốn Bọn Nhân văn giai phẩm trước tòa án dư luận.Thực ra cuốn sách cũng chỉ là tập họp các bài báo đánh phá NVGP- Khoảng  83 bài lớn nhỏ- đặc biêt là đánh phá Nguyễn Hữu Đang- với một số cò mồi  như Bàng Sĩ Nguyên, Mạnh Phú Tứ, Thiều Quang, Như Phong, Hồng Vân vv.

Có những tác giả như cụ Nguyễn Đổng Chi sau này tiết lộ cho biết bị chỉ định đánh Phan Khôi.Trước khi chết, cụ chối lại cho con trai là Nguyễn Huệ Chi ráng rửa cái vết nhơ đó cho cụ:

“Thưa chị Thụy Khuê, bản thân tôi, tôi đã chứng kiến người bố của tôi, Nguyễn Đổng Chi, viết bài phê phán học giả Phan Khôi, theo yêu cầu của người khác, khác với tính cách của ông, rồi sau đó đã không ngớt ân hận. Tôi phải nói lại chuyện này để chị hiểu cho có đầu đuôi một chút. Tức là kể từ thuở tôi còn là sinh viên, tôi và ông bố của tôi đã đối xử với nhau như bạn bè, có gì trong học thuật cũng trao đổi với nhau. Thời kỳ ấy, tôi nhớ vào khoảng tháng 3 năm 1958, hai bố con tôi, nhân ngày chủ nhật cùng nhau đi chơi, từ Ô Đống Mác đi lên Tràng Tiền. Đến ngã tư Tràng Tiền, rẽ về phía Nhà Hát Lớn, tới gần hiệu Bodéga, nhìn thấy hai bên đường có những tờ báo treo thòng xuống, vì ở đấy có chỗ bán sách báo, thì ông ấy hình như sực nhớ lại, mới nói với tôi thế này: “Ông Liệu, – tức là nhà sử học Trần Huy Liệu, thủ trưởng của bố tôi, Trưởng ban nghiên cứu Văn sử địa lúc bấy giờ -, ông Liệu có nói với bố là: Phan Khôi thì rõ là sai rồi, bởi vì tự dưng lại đứng ra làm Chủ nhiệm báo “Nhân Văn”, để cho những anh em trẻ nhân danh đòi tự do cho văn nghệ mà thoát ly đường lối lãnh đạo của Đảng, cho nên Phan Khôi phải chịu trách nhiệm về việc ấy. Thế nhưng đối xử với Phan Khôi như thế là không được, như thế là nặng, bởi vì Phan Khôi là một học giả nổi tiếng và là một trí thức lão thành, không thể đánh đồng với những người khác”. Tôi nghe bố tôi nói vậy, cũng chỉ biết vậy. Rồi hai bố con đi trở về. 

 

Nguyễn Đổng Chi

Nhưng sau đó khoảng chưa đầy một tháng, tự nhiên một hôm bố tôi đi làm về, buổi chiều tôi nhận thấy ông có một thái độ lặng lẽ khác thường, đi đi lại lại trên sân đình (hồi ấy chúng tôi còn phải ở nhờ một túp lều dột nát bên cạnh đình An Cư trong xóm Thanh Nhàn, trời mưa thì nước giọt tứ tung, và ban ngày tối như hũ nút và chật chội, đến nỗi hầu như cả nhà phải thường xuyên “tản cư” lên sinh hoạt tạm trên hè và sân đình) mà không nói gì. Tôi mới hỏi: hôm nay có chuyện gì mà bố có vẻ ưu tư thế? Bố tôi đáp: Bố mới nhận được một nhiệm vụ khó nghĩ quá. Tôi hỏi việc gì. Ông nói: Phải phê phán Phan Khôi. Tôi nghe hơi ngạc nhiên, bèn nói: Ủa, thế hôm trước bố đã nói thế rồi cơ mà? – Nhưng hôm nay thì yêu cầu đặt ra là tờ tập san Văn sử địa phải có một bài phê phán Phan Khôi mà bố được lãnh cái trách nhiệm ấy.

TK: Vậy ông cụ anh đã soạn bài viết ấy như thế nào? Anh có được đọc trước không và nếu anh được đọc, thì ý kiến của anh hồi ấy ra sao?

N.H.C.: Vài hôm sau thì thấy bố tôi bắt đầu đi thư viện, đi lục lọi, sưu tầm ở thư viện rất miệt mài. Và độ chừng 15 ngày sau nữa thì nghe bố tôi bảo: “Bố sẽ cố gắng chỉ nói về Phan Khôi trong giai đoạn từ 1945 về trước thôi. Còn giai đoạn sau, bố không nói, bởi vì xem ra, những bài ông ấy viết trên các tờ “Giai Phẩm”, tờ “Nhân Văn”, thì không có gì để nói được, là bởi vì ông ấy phê phán lãnh đạo văn nghệ, mà việc ông ấy phê phán một cái tập thể đứng ra thẩm định giải thưởng, đồng thời lại đưa tác phẩm vào để xin được trao giải, thế thì cái tập thể ấy có còn đạt được tiêu chuẩn gì gọi là dân chủ, gọi là công bằng nữa hay không? Thì bố thấy ông Phan Khôi nói chuyện ấy rõ là được chứ. Cho nên bố chỉ khoanh lại, nói về ông ấy từ 45 trở về trước cho tiện”. Sau đó thì bố tôi bắt đầu viết và tôi cũng tin là bố tôi sẽ nói một cách chừng mực thôi. Nhưng khi bài viết xong, đưa cho tôi, phải nói tôi có hơi choáng người, vì những lời lẽ ông ấy viết rất nặng. Nhưng vì kính trọng bố cho nên tôi không nói gì, vả chăng lúc bấy giờ tôi cũng nghĩ là Phan Khôi sai, tuy rằng thật tình tôi chưa biết nhiều lắm về cụ Phan Khôi, nhưng tôi vẫn nghĩ là cụ Phan Khôi sai lầm, cho nên bố tôi đã nói thế chắc là phải đúng”

Phỏng vấn của Thụy Khuê.

Bà Hăng Phương, cháu  gọi Phan Khôi bằng bác chẳng biết có chịu áp lực gì không cũng ú ớ phê bình. Lúc Phan Khôi chết, không dám đi đưa  đám. Nguyễn Khắc Viện, lấy vợ của bạn là Trần Đức Thảo muối mặt phê bình TĐT:”Rồi Trần Đức Thảo để chứng minh thuyết của mình lượm lặt những báo Pháp France-Observateur, Express, Temps modernesw đem luân chuyển cho người này người  nọ xem và học hỏi. (…)Được tâng bốc là người kế nghiệp của Các Mác, Trần Đức Thảo tự cho mình là nhà triết lý độc nhất của Việt Nam, và mơ tưởng một cuộc cách mạng thứ hai, trong đó Thảo sẽ là người dẫn đường chỉ lối.

Nguyễn Khắc Viên, Câu chuyện Nhân Văn- Giai Phẩm và vấn đề trí thức trong cuộc Cách mạng ngày nay. Tạp chí Văn Nghệ, số 16, tháng 9, năm 1958, trang 56-57. Bản điện tử do Talawas thực hiện.

Cho nên, phần lớn sách vở tài liệu viết về NVGP sau này là ở ngoài Việt Nam.

Tác phẩm viết sớm nhất được xuất bản ở Sài Gòn là của ông Hoàng Văn Chí Trăm hoa đua nở trên đất Bắc cũng vào năm 1959. Tài liệu này được coi là chính thức, căn bản nói về NVGP . Tuy nhiên, Nó bị Heinz Schutt  đánh giá là tài liệu Tâm lý chiến trong chiến tranh lạnh.

Heinz Schutt, Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam, trang mở đầu .


Cho đến nay, người ta vẫn không hiểu được vì lẽ gì, tác giả Hoàng Văn Chí không đề cập đến ông Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Lê Đạt và bà Thụy An- mấy nhân vật quan trọng của nhóm NVGP- trong cuốn sách của ông? Về phần trich dẫn bài thơ Nhất Định Thắng của Trân Dần tác giả có ghi rõ: “Bài thơ này đã gây nên cuộc đấu tố tác giả, khiến tác giả phải cứa cổ tự tử. Vì vậy nên tuy dài, chúng tôi cũng đăng trọn bài”.

Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc,  1959, Sài gòn, in tại Hải ngoại năm 1990.

Nhưng sự thực thì bài thơ của Trần Dần đã bị tác giả Hoàng Văn Chí cắt mất 1/4 bài- phần nhà thơ Trần Dần viết  về mền Nam-.

Nhưng mặc dù có một vài khuyết điểm, cuốn Trăm Hoa Đua Nở vẫn là cuốn sách căn bản nhất về NVGP.

Cuốn  sách xuất hiện sau đó khá quan trọng khá đầy đủ chi tiết có lẽ là cuốn Cent Fleurs écloses dans la nuit du Viet Nam(Trăm hoa đua nở ở Viet Nam) của Georges Boudarel, năm 1991. Nhưng cuốn này ít được  người Việt trong cũng như ngoài nước biết tới.

Bên cạnh đó còn có một vài tác giả khác viết về NVGP như Derselbe và Honey, P.J

Cuốn  sách quan trọng là Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954-1960 của Heinz Schutte, 2009. Cuốn này đặc biệt là tác giả đã từng về sống ở Hà Nôi, phỏng vấn khá nhiều người trong cuộc và ngoài cuộc, đọc và trích dẫn nhiều nguồn tài liệu, đặc biệt là tài liệu lưu trữ của tòa đại sứ  Đông Đức ở Hà Nội. Cái ưu thế  của ông là vì có dịp sống ở Hà Nôi, tiếp xúc được nhiều nhà thơ, nhà văn và nhất là tham khảo các bá cáo của tòa đại sứ Đông Đức ở Hà Nội.


Nhưng những ai là độc giả của Talawas sẽ không thể quên công trình sưu tập hiếm có cho in lại toàn bộ các bài viết chống NVGP của Hằng Phương, Tố Hữu, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Đoàn Văn Cừ vv.. và các bài ” tự thú” của Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán vv trên mạng Talawas của nhà văn Phạm Thị Hoài.


Người ta thấy có tất cả có 121 bài viết có liên quan xa gần đếN NVGP . Đây là những tập tài liệu để làm “sáng tỏ” sự thật về NVGP mà Hà Nội muốn quên. Họ đã không muốn vạch áo cho người xem lưng.


Nếu được in thành sách thì cuốn sách sẽ là những tư liệu hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu phong trào này.


Rất mong nó sẽ có dịp ra mắt bạn đọc.


Trong dịp ông Nguyễn Hữu Đang qua đời ở tuổi 95, Talawas cũng đã cử một đại diện là nhà thơ Hoàng Hưng ở trong nước phúng điếu một vòng hoa, có băng đễ rõ ràng Talawas thành kính phân ưu. Ban tổ chức đám ma đã tảng lờ danh xưng Talawas đi ..Tuyền là những chuyện vặt vãnh không đáng như thế mà họ vẫn có thể làm!!


Mới đây nhất, bà Thụy Khuê có cho xuất bản cuốn sách khá đồ sộ, gần 1000 trang, do Tiếng Quê Hương xuất bản. Bà Thụy Khuê, RFI, đã có dịp phỏng vấn  một số nhà văn còn sống sót và ghi lại trung thực ý kiến của họ. Đó là cuốn  Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc . Cuốn sách chứa đựng nhiều tài liệu hơn cuốn của Hoàng Văn Chi- khách quan hơn và tránh  tối đa mọi phẩm bình của tác giả.  Tác giả đã có dịp phỏng vấn trực tiếp những nhà văn hàng đầu của NVGP- đặc biệt là ông Lê Đạt ở Paris và những người khác như Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Trần Duy .. và đã giải mã được nhiều điều bí ẩn về NVGP . Nhưng cũng rất tiếc là mặc dù tác giả đã về Việt Nam vào năm 1995- theo tác giả- nhưng do sự kiểm soát của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội, tác giả đã không có cơ hội tiếp xúc và phỏng vấn nhiều người trong đó có người có vai trò quan trọng nhất là ông NHĐ-. Nhưng ngay tác giả Heinz S Chutt dù về Hà Nội lâu cũng chỉ có bản trả lời của Nguyễn Hữu Đang bằng tiếng Pháp. Ông là người bị Hà Nội theo dõi cho đến lúc xuống mồ.


Cuốn sách của bà Thụy Khuê được coi là một thành công xét về mặt học thuật viết bằng tiếng Việt đáp lại được lòng mong mỏi của nhiều người.


Số những nhà văn trực tiếp viết trong NVGP thì con số không quá vài chục người, nhưng Hà Nội đánh cả chùm nên liên hệ xa gần gì với NVGP đều bị  đưa vào sổ đen. Theo số thống kê của công an Hà Nội do Lê Hoài Nguyên đưa ra thì con số những người tham gia vào NVGP  và bị xử lý nặng là gần 100 người


Thụy Khuê, Nhân Văn Giai Phẩm, trang 150 .. Lê Hoài Nguyên làm ở Cục ” Bảo vệ cơ quan văn hóa- Bộ Công an – nên có thể có cơ hội có được danh sách đầy đủ những nhàvăn bị theo dõi và nghi ngờ.


Và cũng theo ông Lê Hoài Nguyên, còn có những người liên hệ xa gần có thể lên đến con số cả ngàn người.


Cho nên, điều mong mỏi là có một ấn phẩm khả thi có điều kiện để rà soát toàn bộ về những người tham gia vào NVGP mà rất nhiều điều vẫn chưa được  sáng tỏ. Không phải chỉ từ những người trong cuộc mà ngay cả từ giới sinh viên, thanh niên như trường hợp Nguyễn Huệ Chi lúc đó còn đang là một sinh viên.


Chúng ta mong mỏi có tác phẩm có thể ” làm sống lại” NVGP trong không khí chính trị văn học thời đó. Tôi cứ mường  tượng cái không khí xôn xao hứng khởi, với đầy lo sợ bất chắc khi Giai Phẩm Mùa Xuân được tung ra.Dân chúng thủ đô Hà Nội,-dù đói- dù nghèo chạy lo từng bửa ăn- mà tranh mua hết Giai Phẩm Mùa Xuân đến độ họ phải quyết định tái bản lần thứ hai !! Cái không khí  hứng khởi đầy tính lãng mạn văn học và chính trị mà NVGP đã tạo ra được thật khó xảy ra lần thứ hai.


Mặc dầu vậy, cuốn sách của bà Thụy Khuê được ra đời đúng lúc, đáp lại sự mong đợi của nhiều người. Nó khơi lại cả một thời đen tối của Văn học miền Bắc còn bị che dấu nhiều mà chủ yếu dựa trên các cuộc phỏng vấn các nhà văn trong vụ NVGP như Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, nhà thơ Hoàng Cầm vv. Nó đạt được những thông tin chính thức và trực tiếp của người trong cuộc mà hậu quả là mở ra những cánh cửa từng bị khép kín hoặc hiểu sai từ nhiều thập niên qua.


Đã có một thời kỳ NVGP- một thời kỳ được coi là xôi động nhất và cũng đen tối nhất của lịch sử văn học miền Bắc, vỏn vẹn kéo dài trong hai năm trời 1956-1958! Thì có lẽ cũng cần có một thời kỳ Hậu NVGP phơi bày trọn vẹn những gì đã xảy ra trong thời kỳ đó.


Việc đánh giá NVGP


Việc đánh giá lại NVGP là một đòi hỏi tinh thần và trách nhiệm khá cao Trên mặt trận tranh đấu lý tưởng, việc một số nhỏ nhà văn, trí thức dám cất lên tiếng nói của minh trong giai đoạn 1955-1956 là vô cùng khó khăn và can đảm.

 

Trong bối cảnh chính trị còn đầy tính chất giáo điều, đảng trị và hẹp hòi, bất cứ tiếng nói nào đi ngược lại quan điểm đường lối của Đảng là tự mình mang bản án chung thân bị khai trừ.  Nó không chỉ liên hệ đến bản thân cá nhân đó mà còn dính dáng đến ruột thịt, bạn bè . Nó không hạn định vào năm tháng mà có thể một thời gian léo dài vô định. Chỉ nghĩ tới thôi đã rùng mình.


Nhà văn Vũ Thư Hiên tâm sự cho rằng điều đáng sợ nhất là nó đụng đến miếng cơm, manh áo mà không dễ nói hay được. Nó trở thành nỗi sợ mà ngay cả một người cỡ Tôn Đức Thắng cũng biết sợ.


Thật vậy, theo như ông Lê Hoài Nguyên nói ở trên, trong vụ NVGP, nhiều nhà văn bị bắt oan vì có liên hệ cách này cách khác. Có nhiều nhà văn bị bắt một cách ” lãng xẹt” chỉ vì là bạn và có thể chỉ đi ăn một bữa cơm chung.


Có hàng ngàn người nằm trong sổ đen vì có liên can xa gần đến NVGP.


Nhà văn Xuân Vũ kể có gặp Phùng Quán đang gánh hàng cho vợ ra chợ bán, Xuân Vũ mắt trước mắt sau sợ hãi sau lén lút bắt tay bạn rồi đi thẳng. Sau này Xuân Vũ nhắc lại và hối hận vì cách cư xử tệ bạc và hèn nhát với bạn là Phũng Quán như thế.


Trong một buổi học tập 18 ngày ở Thái Hà Ấp trong dinh Hoàng Cao Khải. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng- nhà văn do Trường Chinh đưa vào Đảng- có uy tín nên đã dám đứng lên tuyên bố:


“Tối có đi ăn chả cá với anh em  nhóm NVGP  ở hàng Chả cá đấy ạ!” trước mặt Hoàng Văn Hoan trong Hội nghị đấu NVGP ở Thái Hà ấp ! Hội nghị đang nghiêm trang bỗng cười ồ vì câu nói hồn nhiên của Nguyễn Huy Tưởng.


Văn Nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết, Xuân Vũ, trang 35


Nhà  văn Vũ Thư Hiên cho biết khi NVGP bị đánh, ông không có mặt ở Hà Nội mà đang ở Liên Xô. Ông có gửi một tấm thiệp về cho Văn Cao .. Khi về ông bị gọi lên công an tra vấn về việc cỏn con này. Bùi Ngọc Tấn vốn hiền lành, nhút nhát chỉ vì chơi thân với Vũ Thư Hiên mà bị liên lụy. Vũ Thư Hiên ngồi tù 9 năm đã hẳn không vì NVGP, còn Bùi Ngọc Tấn nhẹ hơn với năm năm tù.


Nhưng trong điều dở có điều hay. Không có  9 và 5 năm tù, liệu chúng ta có được hai tác phẩm lớn: Đêm giữa ban ngày (VTH) và Chuyện kể năm 2000 ( BNT) !!


Tôi đã có dịp và trò chuyện với cả hai nhà văn này. Anh Vũ Thư Hiên thì hiền lành, nhưng nói chuyện hóm hỉnh và duyên dáng, không có sự hận oán lộ diện. Còn Bùi Ngọc Tấn thì hiền lành đến củ mỉ, cù mì. Vậy mà trong chốn lao tù đã un đúc họ biến ngòi bút của họ trở thành sắc bén như đao kiếm !! Sách vở của họ- như của anh Vũ Thư Hiên và Bùi Tín viết ra được tôi tra cứu nhiều lần và xử dụng như tài liệu để viết bài. Bởi vì hơn ai hết họ là những người trong cuộc. Và nếu không phải là người trong cuộc và chịu đựng biết bao điều khốn khó thì làm sao chúng ta có được những câu thơ bất hủ của một Phùng Quán:


Đi trọn đời  trên con đường chân thật

.. Tôi muốn làm nhà thơ chân thật

Chân thật trọn đời

Đường mật không làm ngọt lưỡi tôi

Sét nổ trên đầu không xô ngã tôi


Xem ra bỏ tù người thì có thể không khó, nhưng ai có thể bắt tù được chữ nghĩa của nhà văn? Nếu những người cộng sản từng ở tù thĩ những năm tháng tù đầy sẽ là giấy chứng chỉ tốt để họ thăng quan tiến chức. Nhưng đối với những nhà văn thì tù đầy sẽ theo họ suốt đời, nhưng nhờ đó họ trở thành những nhà tranh đấu mà còn là những nhà văn hóa lớn có tầm vóc không ai sánh bằng.


Vì vậy mà vào năm 1955, vẫn có người dám:” Uốn thẳng lưng ra thì ta với được trời xanh” . (Trần Dần , 1954. Và những dòng văn hào khí:” Bút giấy tôi ai cướp giật đi. Tôi sẽ dùng dao viết, văn lên đá.( Phùng Quán).


Cho nên nói gì thì nói, mọi phê bình phải dựa trên bối cảnh chính trị bầu khí thời đó.Trong cuốn sách NVGP, bà Thụy Khuê đã minh định và cảnh báo có những xu hướng muốn hạ thấp vụ NVGP và minh định rằng:


” Đồng thời nó cũng gián tiếp trả lời một số lập luận cố tình hạ thấp hoặc thu gọn tầm vóc NVGP thành một cuộc “đánh đấm nội bộ”, tranh dành thế lực cá nhân, không liên hệ đến vấn đề tự do tư tưởng ” (…)

 
“Nếu trong những bài viết trên báo hoặc các chương trình phát thanh từ 1988 đến nay, còn có các thiếu sót, sai lầm thì những chứng ngôn quan trọng của Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Duy đã đính chính bổ sung. Các ông thay mặt những người đã khuất, viết lại lịch sử của phong trào và lần này, không ai có thể ngăn ngừa sự thật”.


Thụy Khuê, Nhân Văn Giai Phẩm, trang 29-30


Sự cảnh báo ấy là cần thiết. Vì trên điễn đàn điện tử Talawas cũng đã có những tranh luận chung quanh NVGP giữa Đỗ Minh Tuấn- Quốc Việt  và giữa Nguyễn Huệ Chi- Nguyễn Văn Hoàn.


Nhưng một số nhà nghiên cứu hẳn là không bằng lòng với việc đơn giản hóa các nhà văn trong NVGP như một thiểu số thành phần bất mãn và chống lại chế độ. Nếu có bất mãn thì không bất mãn cho bản thân họ, mà cho một mục đích hay một lý tưởng cao hơn họ.


Họ muốn nhắc nhở mọi người những vấn đề do NVGP đặt ra vẫn là những vấn đề được đặt ra một cách nghiêm chỉnh như một đòi hỏi mà lãnh đạo phải biết nghe và chấp nhận.


Cho nên phần nhận định của Peter Zinoman tuy tương đối mới mẻ, rất là cá biệt và có thể vì ông không chia sẻ được cái không khi sôi sục của thời kỳ đó. Mọi nhà văn, mọi nghệ sĩ đều không thể đứng ngoài cuộc mà phải đứng vào hàng ngũ  để cùng lên tiếng và cùng với lãnh đạo Đảng đánh phá NVGP ..


Đó là một phong trào rồi- một tiếng nói quần chúng- không đơn giản là những cá nhân lẻ tẻ nữa.


Phần Peter Zinoman, trong một lần trả lời phỏng vấn của đài BBC được coi là một đánh giá mới về NVGP của ông, Peter Zinoman- một tác giả trước đây cũng đã có dịp đưa ra những phát hiện mới về tài liệu Vũ Trọng Phụng- đã có một nhận xét là đã có sự ” thổi phồng” các nhà văn trong nhóm NVGP.


Tác giả, một người rất quen thuộc với giới nghiên cứu ở Việt Nam, nhận định thời gian qua đã có thêm nhiều nghiên cứu mới “thành công khi thể hiện một hình ảnh đáng tin về NVGP như một phong trào mạnh của sự bất đồng quan điểm chính trị chống lại đảng-nhà nước”.


Nhưng ông cho rằng các học giả đã không phân tích sâu sắc nội dung các bài viết đã đăng của NVGP, mà chỉ có xu hướng tập trung vào những tuyên bố chống đối kịch tính nhất.


Peter Zinoman, phó Giáo sư khoa Lịch sử của ĐH Berkeley, Hoa Kỳ nêu ra trường hợp bài viết: Bài học Ba lan và Hung-ga-ri của nhà thơ Lê Đạt, in ở Nhân văn số 5, ngay sau khi xảy ra các biến cố rung chuyển hai nước Đông Âu.


Theo đúng những gì người ta trông đợi từ một phong trào đối kháng, bài này bị chính quyền ở Hà Nội phê phán là “bào chữa cho bọn phản cách mạng”.


Nhưng tiến sĩ Zinoman lưu ý người đọc rằng trong phần kết luận, Lê Đạt cho rằng phong trào đối lập ở hai nước Đông Âu bị “bọn đế quốc” kích động và lại còn tán thành với việc dùng bạo lực dập tắt sự nổi dậy ở Hungary.


Ví dụ này phải chăng cho thấy sự hạn chế trong nghị trình của NVGP. Ngoài ra, phong trào khi ấy không thể liên kết với công nhân, sinh viên và cộng đồng tôn giáo, và dường như người dân cũng không bày tỏ ủng hộ giới văn nghệ sĩ.


Bài nghiên cứu của tiến sĩ người Mỹ này muốn bác lại việc xem NVGP là phong trào “bất đồng chính kiến”. Theo ông, khi so sánh với sự trỗi dậy của các phong trào cải cách trong thế giới cộng sản thập niên 1950, thì NVGP là “nỗ lực tương đối hạn chế nhằm ‘cứu’ chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam bằng cách chuyển hóa nó từ bên trong”.


Peter Zinoman nói “mặc dù NVGP nhắc đến nhiều sự lạm dụng độc đoán của giới chức bậc trung, nó hiếm khi thách thức ban lãnh đạo đảng hay sự chính danh của hệ thống Cộng sản”.


“Thông thường NVGP tìm cách giảm nhẹ cường độ công kích bằng việc đi kèm các tuyên bố trung thành với chính thể và ý thức hệ cai trị.”.


Đúng ra, các nhà văn trong NVGP không dám đối đầu trực diện với lãnh đạo Đảng.


Chẳng những thế, theoTiến sĩ Peter Zinoman, nhận thấy ở NVGP có sự trung thành chính trị với Đảng Cộng sản, khẳng định đi theo chủ nghĩa Marx, ngưỡng mộ Khrushchev, Lenin và tôn sùng nhà thơ Mayakovski như biểu tượng chống sự sùng bái cá nhân.


Mặc dầu vậy,  Peter Zinoman đã cẩn thận cho rằng nghiên cứu của ông không nhằm “phủ nhận sự dũng cảm của các lãnh đạo phong trào hay bi kịch của họ dưới bàn tay tàn nhẫn của đảng – nhà nước”. Ông muốn bài viết tìm hiểu lại mục tiêu của NVGP và đánh giá điềm tĩnh hơn về tiềm năng cũng như hạn chế của phong trào trong vai trò lực lượng chính trị


Toàn văn phần trích dẫn trên dựa trên nguồn tài liệu: Một đánh giá mới về NVGP, Lê Quỳnh, BBC, 2/3/2011


Tóm lại, những nhận định của Peter Zinoman có thể là một đề nghị một lối giải thích và nhận đinh khác về vai trò của NVGP ..


Tuy nhiên theo tôi, cái khó nhất cho bất cứ ai tìm hiểu về sinh hoạt văn học, chính trị trong chế độ cộng sản là cách xử dụng ngôn ngữ hai mặt, lưỡng tinh- một thứ ngôn ngữ ẩn dụ. Điều được phát biểu công khai phải được hiểu có những con chữ ngầm, nói vậy mà không phải vậy. Có những ngôn ngữ phải được hiểu ngầm, có những câu chuyện mượn sự vật, mượn con người như Chiếc Bình Vôi, Con ngựa già để nói thay cho tác giả.


Hoặc giữa một điều phê bình, để né đòn, tác giả tìm cách cân bằng bằng cách vừa chê, vừa khen.


Và nếu nói thổi phồng sự việc thì những kẻ có trách nhiệm thổi phồng ấy không ai khác hơn là những Tố Hữu và phe cánh.


Cái ngôn ngữ lưỡng tính ấy rất Việt Nam và nó là một thứ văn hóa trong ngôn ngữ của người Việt- phải là người Việt mới có khả năng diễn giải nổi- phải chăng đã dẫn đưa Peter Zinoman đến những nhận xét khác mọi người về NVGP? Nhưng một mặt, người ta cũng phải nhìn nhận gián tiếp là:


– Về phía nhà cầm quyền cộng sản


Có thể nói ngược lại, chính các tác giả ấy không thổi phồng. Sự thổi phồng ấy lại đến từ phía chính quyền cộng sản. Những Trường Chinh- Tố Hữu- Hoàng văn Hoan đã cố tình ” thổi phồng  nội vụ,  về vai trò” của các nạn nhân NVGP.  Họ tạo hẳn một mặt trận văn hóa-chính trị trên các báo Đảng như với hàng trăm nhà văn hùa theo, vùi dập, kết án đủ tội tầy trời như chống đối Đảng, phản động, làm gián điệp cho Pháp. Họ đã vận động lấy chữ ký của 304 văn nghệ sĩ và cán bộ gửi Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Lao Động. Rồi Nghị Quyết của 800 Văn Nghệ sĩ.  Rồi họ chỉ định ai sẽ đánh Nguyễn Hữu Đang, ai sẽ đảm nhận đánh Trần Dần, Hoàng Cầm, ai sẽ đánh Phan Khôi, Trương Tửu…như một cảnh bề Hội đồng !! Hồng Vân (Trường Chinh?), Mạnh Phú Tứ. Như Phong (vốn là bạn của NHĐ) có nhiệm vụ đánh Nguyễn Hữu Đang. Hữu Mai đánh Trần Dần. Hoài Thanh đánh Trương Tửu và Trân Dần. Xuân Diệu đánh Văn Cao.


Phần Tố Hữu đã chỉ đạo, định ra ranh giới tiêu chuẩn phân biệt ai là bạn, ai là thù. Và việc đánh này có mục đích là “lột trần bộ mặt gian ác của những phần tử phản Cách mạng” .


Và Tố Hữu đã không nương tay bằng đủ thứ danh từ nội hàm đao búa như một thứ băng đảng đánh thuê chém mướn. Tố Hữu gọi bọn họ là những kẻ “đầu cơ Cách Mạng “.Những con buôn Mác Xít” có tên là Trương Tửu, Trần Đức Thảovv.


Tất cả những truyện tố cáo trên đều là truyện vu cáo bịa đặt, giả dối, là không có thật. Họ gán ghép NVGP  vào những  phong trào nông dân hay công giáo nổi dạy như những phần tử phá hoại chế độ:


” Trong nước, Trung ương đảng Lao động Việt Nam cũng tự phê bình và phát hiện được những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.


Nhân cơ hội đó, tất cả các lực lượng…đối lập với chủ nghĩa xã hội đều ngóc đầu dạy chống lại sự  lãnh đạo của Đảng và chính phủ. Bọn phản động trong công giáo hành động phá rối trật tự ở Nghệ An, Nam Định . Bọn phản động trong các dân tộc thiểu số “xưng vua” ở một vài miền rẻo cao. Một số địa chủ vừa bị đánh đổ liền ngóc đầu dậy, cấu kết với bọn phản động trong tôn giáo và bọn lưu manh, ọn tề ngụy cũ, đánh chửi nông dân để báo thù. Những phần tử khiêu khích phá hoại xúi dục một số thương binh làm mất trật tự ở một vài địa phương “.


Bọn NNVGP trước tòa án dư luận, phần mở đầu, nxb Sự Thật


– Rồi chúng ta lại được đọc những lời thú tội của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần.. Những lời thú tội này do áp lực, do sợ hãi, do muốn chuộc lỗi đã không phản ảnh đúng sự thật. Nhiều lời thú tội tỏ ra ngô nghê và nói cho qua, đôi chỗ tự bịa đặt, có chỗ tự mình kết tội về những điều không có làm. Họ chẳng khác gì những đứa trẻ vị thành niên sau khi lầm lỗi đà  tự thú lỗi một cách không ngượng nghịu.


Phải chăng, những lời thú tội và lối viết “hai hàng” đã đánh lạc hướng và đã đưa Peter Zinoman đánh giá nhẹ phong trào NVGP?


Có thể phải nhìn nhận một phần những nhà văn này đã không dám nghĩ tới chuyện lật đổ chính quyền- bởi vì  thực sự họ không có khả năng làm việc đó- bởi vì chỉ viết mấy bài mà họ đã sợ co dúm cả lên – đã vội vã tự thú nhận lỗi lầm- mà họ chỉ mong muốn dân chủ được mở rộng- mơ ước của một nhà văn được viết như đã được viết trước 1945- trong khuôn khổ hệ thống chính trị đảng cộng sản- như Hoàng Cầm viết:


Chúng tôi chỉ khác Đảng.


Cùng lắm thì những bài viết của họ chỉ là hình  thức thách thức tính độc quyền của Đảng.


Nó thể hiện rõ nét nhất trong bài viết căn bản coi như chủ trương của nhóm- bài Phê Bình lãnh đạo Văn Nghệ của Phan Khôi-

 

Phan Khôi nhắc lại như sau:

 

“Sáng hôm mùng một tết âm lịch năm nay, ông Tố Hữu đến chơi trụ sở Hội Văn Nghệ. Giữa anh em đông, ông hỏi ý kiến tôi về tập Giai Phẩm Mùa Xuân. Tôi nói trong đó chỉ có bài Trần Dần nói lôi thôi, có hơi không lợi; còn của Phùng Quán, của Lê Đạt, tôi thấy nói đúng đấy.  “Chống công thức”, ” Quét rác tư tưởng”, là việc chúng ta cần phải làm..(..) Ông Tố Hữu nói một câu có đông anh em cùng nghe: “Giấy mực đâu để mà phí để cho họ viết? ” Thế rồi tôi làm thinh. Tôi làm thinh nghĩa là tôi trả lời đã nhiều rồi, tôi tròn lắm rồi, tôi không dại dột đến nỗi đã thế rồi mà cứ còn nói nữa.


Mấy hôm sau, nghe nói tập sách mỏng ấy bị thu về, tôi cho rằng sự thu về ấy là thất sách. SAO LẠI PHẢI LÀM TO CHUYỆN CÁI CHUYỆN KHÔNG ĐÁNG LÀM TO ? (..) Ở Trung Quốc, Hồ Phong nói xấu lãnh đạo văn nghệ đến thế nào, mà ” Ba sấp tài liệu” của Hồ Phong vẫn được công bố ra, cả đến cái ” Ý  Thư cũng được công bố ra chẳng ai hề sợ”.(


Trăm Hoa đua nở trên đất Bắc, Hoàng Văn Chí, trang 77.


Bài viết này của Phan Khôi được đăng trên Giai Phẩm mùa thu, Giai phẩm ra sau Giai Phẩm Mùa Xuân .. Bài cũng được trích đăng lại trên Hợp Lưu, số đặc biệt về Phan Khôi, số 33, 1997, trang 178.


Về điểm này, nhà văn VTH có phần đồng ý với Peter Zinoman. Ông viết thư để trả lời thắc mắc của tôi như sau:


“Về câu hỏi của Lục, tôi có thể nói thế này:


– Tôi vốn không tin những bài phỏng vấn của những người mà mình không biết. Các “nhà” báo, “nhà” văn Việt Nam có thói quen hư mà họ gọi cho sang là hư cấu. Tôi có đọc mấy bài phỏng vấn nọ, nhưng không tin tính trung thực của chúng”.


Thơ riêng của Vũ Thư Hiên gửi cho tác giả .


Một vấn đề được đặt ra ở đây, phải chăng căn cứ vào số lượng bài viết và nhất là nội dung các bài báo mà Peter Zinoman đã nhận xét như trên? Họ- những nhà văn trong nhóm NVGP- đã thực sự viết được bao nhiêu bài trong năm số Giai phẩm và 5 số báo nhân văn?(Nhân Văn số 6 không được xuất bản). Như trường hợp Phùng Quán làm có hai bài thơ? Phùng Cung với chuyện Con ngựa già của Chúa Trịnh đăng trên Nhân Văn số 4, tháng 10-1956. Chỉ với hai bài thơ đủ để quy kết là chống Đảng là phản Đảng?


Đúng như Phan Khôi nhận xét rằng khi Hoài Thanh viết trên tờ Văn Nghệ quy kết rằng Trần Dần là một tên phản động chống lại Nhân Dân. Văn Nghệ số 110 ra ngày 17-3-1956.


Phan Khôi nhận xét: Thật là cái tội phản động ở xứ này sao mà ghép dễ dàng quá”.


Phan Khôi,  Ibid Hợp Lưu, trang 179


Sau thì chính Hoài Thanh nhìn nhận rằng việc kết án Trần Dần là quá vội vã, mang đầy thành kiến! Tại sao Hoài Thanh đã thay đổi  thái độ như thế? Đó là điều cần được tìm hiểu thêm.


Cũng theo dòng suy nghĩ của tôi, sứ mạng đòi hỏi nhà văn thì lớn quá mà Đảng thì quá mạnh. Thép đã tôi nhà văn, nhưng đứng trước lò thiêu của Đảng, thép cũng mềm nhũn ra.


Ngày hôm nay, được thong thả trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê, phải chăng Lê Đạt đã tự tin hơn và ăn nói dõng dạc hơn?


Trong khi đó trước đây, Hỏa lò Hà Nội- lò luyện người- gần xịt ngay đó- Nào ai dám nói gì!!


Trong số những nhà văn trong  nhóm NCGP, cùng lắm tôi chỉ còn thấy có một ông già, xách ba toong, khệnh khạng, trí thức, can trường dám nghênh ngang đứng giữa Hội trường thách thức và xin hỏi lãnh đạo một câu.


Đọc lại đoạn văn mô tả những trích đoạn từ nhà văn Xuân Vũ mới lột hết được cái sống động, cái sự thực trần truồng, cái không khí có một không hai trong không khí đấu tranh giữa nhà văn và lãnh đạo. Nó lột tả được cái tinh thần NVGP qua Phan Khôi- và có thể chỉ mình Phan Khôi có cái can trường và dũng cảm đó thôi- đối đầu với Trường Chinh như thế nào. Xin mời đọc:


“Vì vậy nên có một cuộc họp mặt ở số 2 Bà Triệu, ngang chỗ ngã tư Tràng Thi và Hàng Trống, đối diện với đồn công an. Hàng Trống là con đường có cái trụ sở báo láo Nhân Dân. Cuộc họp này có mục đích yêu cầu của Văn Nghệ sĩ là đòi Trung Ương giải thích mấy vấn đề gì đó.(..)


Người đến nói chuyện là Trường Chinh. Ông ta rào đón trước: vì bận họp Trung Ương gấp nên chỉ gặp anh chị em trong vòng 10-15 phút thôi. Hẹn khi khác sẽ mạn đàm thêm. Và đúng 10 phút, ông ta xem đồng hồ, nói thêm ít câu rồi xin rút lui. Đại khái thì cũng cái thiệu muôn năm cũ: Chiến tranh vừa kết thúc, nước ta còn nghèo ..vv.

 

Thế là xong buổi họp, toi công những người cuốc bộ tới đây nghe Trung ương. Gã cần vụ xách cái pa-đơ-xuy-đơ-vin tới quàng lên vai ông Tổng Bí Thư như nhắc ông ra về. Một ông già gầy nhom chống gậy ra chận ngang lối đi:


–  Xin cho tôi hỏi một câu.


Gã cần vụ đẩy ông ta sang một bên, nhưng ông ta còn cố nói:


-Xin cho tôi hỏi một câu thôi.

 

Cả mấy trăm nghệ sĩ im phăng phắc chờ đợi ông Tổng Bí thư- dừng lại và chờ nghe câu hỏi của ông già kia. Nhưng ông Tổng bí thư được gà cần vụ rẽ sẵn lối nên đi thẳng ra cửa mất tiêu. Ông già ngó theo. Mấy trăm cặp mắt phóng theo.


Câu hỏi của ông già vẫn còn nằm trong bụng.


Phải chăng buổi họp đó là cái đoạn dạo nhạc mở đầu cho phong trào nhân văn Giai phẩm “.


Xuân Vũ, Văn Nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết, tập 2, trang14-15)


Nói tóm lại, chính nhà nước cộng sản thổi phồng nhằm triệt tiêu tận gốc rễ những kẻ” chống đối ” Đảng.


Họ đã dùng những lời lẽ rất to để nói về những điều thực sự hết sức nhỏ.


–  Phần Việt Nam Công Hòa qua tác giả Hoàng Văn Chí dùng tài liệu này để phơi bày bộ mặt chính trị tàn bạo của cộng sản miền Bắc khi đàn áp giới nhà văn.


–  Phần các nhà văn nạn nhân qua phỏng vấn bây giờ cho thấy thời oan nghiệt đã qua. Nỗi sợ hãi không còn bao nhiêu. Họ có thể yên tâm nói mạnh hơn mà không sợ bị trù dập.


Trong tình thế lúc này, hơn lúc nào hết,  họ muốn tiếng nói của họ được vang dội và đi xa hơn.  Họ cũng gián tiếp đặt nặng vai trò của họ cho bỏ những ngày khổ lụy mà họ bị gánh chịu một cách oan uổng. Qua các cuộc phỏng vấn họ đã được gián tiếp nâng lên thành những nhà bất đồng chính kiến dám chống đối Đảng, đã từng ngồi tù hay bị cách ly trong nhiều năm.


Họ lớn lên và càng lớn lên theo cùng với những lời kết án Đảng.


Tất cả những suy luận trên tạm thời hiểu được và có thể được chấp nhận.


Thật vậy, theo như ông Lê Hoài Nguyên nói ở trên, trong vụ NVGP, nhiều nhà văn bị bắt oan vì có liên hệ cách này cách khác. Có nhiều nhà văn bị bắt một cách ” lãng xẹt” chỉ vì là bạn và có thể chỉ đi ăn một bữa cơm chung.


Có hàng ngàn người nằm trong sổ đen vì có liên can xa gần đến NVGP.


Hà Nội dùng kính hiển vi để soi mói, khuếch đại từng câu, từng chữ thành “có vấn đề”.  Như thế thì liệu những trả lời phỏng vấn của một số nhà văn- nạn nhân của cộng sản- có đúng mức không? Tôi hiểu thấm thía và sâu xa cộng sản miền Bắc những năm 1954 cũng không xa gì lắm cộng sản Bắc Hàn khi đọc cuốn sách vừa xuất bản tháng sáu/2012, cuốn Rescapé du camp 14, De l’enfer Nord- Coréen à la liberté, Blaine Harden.


De l’enfer Nord-Coréen à la liberté, Blaine Harden.


Một cuốn sách nhằm thức tỉnh thế giới về một chế độ bạo tàn có một không hai .. Nhà báo Blaine Harden, báo Washington Post ở ToKyo có cơ hội gặp Shin Dong-hyuk và viết về cuộc đời người thanh niên này ở trong trại giam 14 ở Bắc Hàn.


Viết bài tham khảo này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh nhiều hơn đến số phận các nhà văn trong NVGP để hiểu thấu được số kiếp nhà văn với biết bao hệ lụy đắng cay trong cuộc đời cầm bút của họ dưới chế độ cộng sản.


Đã có một thời NVGP với Hữu Đang-Trường Chinh.


Dù gì thì họ cũng đã lãnh đủ những hậu quả oan nghiệt do một số bài viết của họ.


Nay mục đích của chúng ta lại vực dậy và làm sống lại cái thời oan nghiệt ấy trong một bối cảnh vá cảnh ngữ bây giờ. cân đào  sới, làm sống lại một Hậu NVGP với giai đoạn của cao trào phản kháng 1986-1989.


Còn tiếp         
Một Góc Nhìn Về Vụ Án Nhân Văn Giai Phẩm (2)

Nguồn : Đàn Chim Việt


        

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.