Dec 30, 2024

Ký sự

Bán báo giấy ở Berlin
NGUỒN INTERNET * đăng lúc 03:46:47 PM, Nov 21, 2023 * Số lần xem: 420
Hình ảnh
#1
#2
#3
#4


 * Lê Kung Diễm
November 18th, 2023 

Bán báo giấy ở Berlin

Báo giấy nhường lãnh địa cho báo điện tử trong thời đại bùng nổ thông tin là điều không có gì phải bàn cãi. Tuy báo giấy có sa sút nhưng không phải đã đến… bước đường cùng!


                     Báo, tạp chí vào các siêu thị lớn   

Giai đoạn cầm cự

Năm 2015, dựa vào số liệu thống kê, Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản tin tức thế giới  (WAN-IFRA) cho biết có khoảng 2.7 tỉ người trên thế giới vẫn đang đọc báo giấy. Tất nhiên nay số liệu ấy đã không còn … tương đối đúng nữa! Không chừng cũng cả tỉ người chia tay báo giấy cũng nên! Có người còn dự đoán ngành công nghiệp báo in không lâu nữa sẽ … “tiêu vong”! Thị trường báo giấy ở Berlin, CHLB Đức, cũng như nhiều nước khác, trong tình trạng lao đao. Một nhà báo kỳ cựu tại Berlin từng khuyên con mình không nên chọn nghề làm báo giấy! Qua rồi cái thời ai cũng sáng sớm đi mua báo đọc, ra thùng thư trước cửa mở lấy tờ báo. Cô T.T.K.L. (40 tuổi) nay là viên chức một cơ quan nhà nước ở Brandenburg kể, khi còn sinh viên cô sống nhờ vào việc giao báo. Không kể thời tiết, cứ 5 giờ sáng là K.L. đi nhận báo rồi phân phối. Có khi bỏ báo vào thùng thư, có lúc liệng báo vào trước cửa nhà. Không dễ gì có được mối phân phối báo thời năm 2000!

Đã có nhiều tờ báo, tạp chí đóng cửa hoặc sáp nhập. Nhà báo ăn lương ngày càng giảm, nhà báo tự do ngày càng tăng. Anh Tobias Hausdorf, một nhà báo tự do người Đức, hiện cộng tác với tờ báo TAZ tại Berlin, tôi mới quen, nói: “Người bán báo có mức lợi tức không cao bởi phụ thuộc vào ngành đang trải qua nhiều biến động. Số lượng báo giấy phát hành đã giảm mạnh trong nhiều năm”. Những tờ báo, tạp chí đang phải gồng mình, căng sức để tồn tại. Các đại lý phát hành báo, người bán báo chung tay đem món ăn tinh thần cho bạn đọc truyền thống. Họ cũng tìm mọi cách để cầm cự…

Khách hàng quen thuộc của quầy báo chị Nguyễn Thị Ngân

“Phát hành viên” của tạp chí, báo giấy

 

Như một cánh tay nối dài của các tòa soạn báo, đại lý báo và người bán báo như những “phát hành viên” không ăn lương nhưng ăn … hoa hồng để sống! Trước kia, ở khu vực những trung tâm mua sắm, thường có vài ki-ốt (kiosk) bán báo, tạp chí. Nhưng nay đã không còn. Năm 2019, đi tàu điện tôi thấy thỉnh thoảng vài người đàn ông ôm một xấp báo đi mời. Nhưng rất ít người mua. Chiều cuối tháng 9/2023, tôi thấy trên đường …  một thanh niên tay ôm một xấp báo. Anh ta cứ đến đứng cạnh các bàn ăn, đứng trước cửa các quán ăn mà không nói gì hết! Trên đường phố của Berlin, rất nhiều những tiệm tạp hóa bán thuốc lá, bia rượu hoặc bán vé số (Lotto) thường kèm bán báo, tạp chí. Một số siêu thị lớn như ALDI, EDEKA còn kèm bán báo, tạp chí.

Ông T.P. ngoài 50 tuổi, quê Sài Gòn, ở Đức đã 20 năm. Trước kia, ông bán báo, tạp chí là chính. Khi báo giấy, tạp chí …tuột dốc thì ông bán thêm bia, nước ngọt, thuốc lá. Khách hàng mua báo của ông là những người lớn tuổi. Có một số bà, số cô thỉnh thoảng mua tạp chí thời trang hoặc báo, tạp chí có mục ô chữ để giải trí. “Hiện tình là giá giấy, mực in tăng nên báo giấy co cụm lại. Khách hàng mua báo cũng sụt giảm. Sau dịch cúm Tàu, mình chỉ còn chừng 30 đến 40 khách thường xuyên. Khu vực này vào mùa Đông bán ế vì người lớn tuổi ngại ra đường mua báo. Nhưng trời khô ráo, đường sạch sẽ lại dễ bán hơn”, ông T.P. chia sẻ.Ông cụ người Ukraine (78 tuổi), từng là bác sĩ phục vụ trong quân đội Nga 20 năm. Ông kể mình nói được tiếng Đức, Pháp, Rumani. Sang Đức làm việc và định cư đã 34 năm. Nhiều năm rồi ngồi bán báo trước tiệm cà phê, bánh ngọt Wiener Conditorei Caffeehaus, quận Charlottenburg- Wilmersdorf của Berlin. Mùa Đông, quán xếp cho ông một chỗ ngồi bán bên hàng hiên với cái giá sắt đặt báo.“Mỗi tháng lĩnh được 1,400 euro tiền hưu trí thôi. Tôi bán báo tại đây lâu lắm rồi. Khách hàng hầu hết là người lớn tuổi đến uống cà phê, ăn bánh và họ mua báo. Nhưng tôi chỉ bán Chủ Nhật, ngày cũng được 200 euro tiền báo các loại”, ông nở nụ cười thân thiện với chúng tôi. Một bà cụ tóc bạc trắng, bán báo cũng hơn 15 năm. Bà chọn một góc nhỏ trước cửa một ngân hàng ở khu Antonplatz, quận Weissensee, đặt một cái bàn xếp, bày ra vài chục tờ báo các loại. Từ 8 giờ mỗi ngày Chủ Nhật, như thường lệ, bà đến đây bán. Hơn 11 giờ tổng hợp, ghi sổ và cột gói báo còn thừa chờ trả lại. Gần như khách hàng của bà đều phóng khoáng, rộng rãi, không nhận tiền thừa vài ba đồng. Anh Felix, một giáo viên người Đức là khách hàng quen, kể: “Sáng Chủ Nhật nào tôi cũng đến quán cà phê và tiện thể ghé mua của bà ta một vài tờ báo để đọc. Bà góp phần mang những thông tin giá trị đến cho chúng tôi”.


               Khách hàng của bà cụ mỗi sáng Chủ Nhật

“Không sợ lỗ, không sợ ế” 

Giá báo không hề rẻ. Chẳng hạn báo cuối tuần, cuối tháng, báo quý, giá cũng từ 4 euro trở lên. Giá báo ở Berlin rẻ hơn những nơi khác. Một số nhật báo như Berliner Zeitung (2.60 euro), Berliner Morgenpost (2.80 euro), Berliner Kurier (1.30 euro), Tagesspiegel (2.40 euro)… báo lá cải có Bild (1.30 euro). Tờ Die Rote Fahne (1.80 euro) có in hình búa liềm màu đen rất nhỏ, măng-sét là chữ màu đỏ. Đây là tờ báo XHCN (thành lập từ 09/11/1918 tại Berlin), nay phát hành hằng tháng. Tờ báo nào cũng kèm nhiều trang quảng cáo. Tạp chí in nhiều màu, sặc sỡ, bìa cán láng như Tạp chí Ostsee (12.90 eurro),  Ausfluge (5.90 euro), Lịch sử, Thể thao, Âm nhạc, TV (đăng chương trình TV các đài)…

Có tổng đại lý phân phối báo, tạp chí. Đại lý giao báo theo khu vực. Tầm 4 giờ đến 5 giờ là đại lý giao báo cho các trạm bán xăng, siêu thị, quán bán báo, quầy tạp hóa… 6 giờ đến 7 giờ, người ta chuẩn bị đi làm. Và không quên ghé mua một ly cà phê hoặc một cái bánh mì kèm một tờ báo lên xe buýt, tàu điện để đọc. Nếu báo, tạp chí bán không chạy thì người bán trả lại, không có chuyện “mua đứt bán đoạn” như nhiều tờ báo, tạp chí bên ta. Ở đây, người bán không sợ lỗ, không sợ ế! Hoa hồng tùy theo tờ báo, từ 10% đến 20% hoặc ít hơn. Hoa hồng tạp chí cao hơn, có điều thường bán chậm. Đại lý giao báo tính tiền, người nhận bán trả trước tiền qua tài khoản khi đại lý gửi hóa đơn. Sau đó đại lý tính trừ lại hoa hồng, nhận lại báo, tạp chí ế … Tôi thấy lạ, quán bán rất nhiều báo, tạp chí nhưng lại kèm bán đồ chơi trẻ em và thuốc lá. Chị Nguyễn Thị Ngân (44 tuổi) quê Nam Định, sang Đức gần 20 năm, giải thích: “Đại lý báo cũng kinh doanh “thập cẩm, ngũ tạng” chú à! Họ phân phối báo kèm đồ chơi trẻ em cho mình bán. Mình bán mỗi báo không thì khó sống. Hoa hồng cho đồ chơi trẻ em cao hơn báo nhiều!”. Chị Ngân có số khách mua báo thường xuyên tại khu vực đường Smetanastrasse, Weisensee, Berlin…khoảng 100 người, hầu hết là người nghỉ hưu. Ngày nào cũng mua báo về nhà đọc. Thậm chí chị còn bán chịu để giữ khách.  

Tôi mượn lời tâm sự của chị Ngân để kết thúc bài viết: “Bán báo được cái nhàn nhã, không nặng nhọc nhưng mất thời gian. Nghĩa là phục vụ sớm cho người ta có báo đọc. Trễ là thua. Ai mua báo gì mình nhớ ngay, không cần hỏi. Sáng Chủ Nhật bán khá đắt khách. Người Việt mình toàn làm ở quán vì thu nhập cao chứ có mấy người chọn nghề bán báo như cháu. Chỉ được cái nhàn chứ không có giàu. Thấy khách cầm tờ báo mới với vẻ mặt rạng rỡ mình cũng vui”.


               Tác giả với cụ ông người Ukraine và chị Nguyễn Thị Ngân


    LKD

    *

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.