Jan 14, 2025

Tùy bút - Bút ký

Một lần qua sông Đáy (kỳ 4 – 5 – 6 Hết)
Vương Mộng Long * đăng lúc 08:41:39 PM, Nov 06, 2023 * Số lần xem: 400
Hình ảnh
#1
#2

 

                               

 

Một lần qua sông Đáy (kỳ 4 – 5 – 6 Hết)
  Tiếp theo
Một Lần Qua Sông Đáy 1 - 2 – 3 -
 

                        
 Giết người xong, cai tù treo cổ anh lên rồi kết tội rằng anh ấy đã tự tử.

Tôi nghĩ thầm trong bụng, ở đâu bọn sát nhân này cũng áp dụng một phương cách giết người giống nhau.

Năm 1976 tôi đã chứng kiến vở kịch “tự tử” của nhân vật cựu Thiếu tá Nguyễn Hữu Ðông ở Trại 4 Liên Trại 4 Hoàng Liên Sơn.

Ông Ðông can tội trốn trại, bị cùm chân, còng tay, vậy mà cai tù đã nói rằng ông Ðông chết vì treo cổ tự tử.

Nay nhân vật Trần Hàn của Trại Nam Hà A cũng bị cùm chân, còng tay, cũng chết vì treo cổ tự tử.

Năm 1976, sau khi trốn trại lần thứ nhứt thất bại, tôi đã bị đưa về Trại 4 Hoàng Liên Sơn, bị nhốt trong cái buồng giam mà anh Ðông đã bị nhốt trước đó vài ngày.

Tôi đã bị cùm chân và còng tay, nằm ngay trên cái sàn gỗ mà anh Ðông đã nằm.

Trong phòng giam này, cái xà ngang cao lắm! Muốn treo cổ lên xà phải đứng trên ghế! Tìm đâu ra cái ghế? Tìm đâu ra sợi dây dù để làm thòng lọng?

Ngày được thả ra khỏi phòng kiên giam để về đội lao động ở Trại 4 năm 1976, bạn bè tôi đã kể cho tôi nghe rằng, cái đêm mà Thiếu tá Ðông bị treo cổ thì quạ ở đâu bay về đậu kín mái buồng giam.

Rồi cứ “Quang quác! Quang quác!” lũ quạ tranh nhau kêu om sòm cho tới sáng.

Có phải đêm qua vì anh Hàn bị cai tù giết chết mà giữa khuya tôi đã mơ hồ nghe văng vẳng, xa xa tiếng quạ gọi nhau?

Vụ án Trần Hàn là một vụ án hoàn toàn không có tang chứng, không có vật chứng và không có nhân chứng.

Anh Hàn không bị bắt quả tang khi đang tàng trữ chiếc radio.

Anh Hàn bị bắt với hai tay không; cán bộ đã không tìm thấy cái máy thu thanh nào.

Không có ai làm chứng hành động phạm tội của cải tạo viên Trần Hàn.

Trong Buồng 3 có cả trăm tù nhân bị nhốt chung với anh Hàn, nhưng không có tòng phạm nào bị bắt cả.

Trong khi đó, tên Công An quản giáo Ðội 32 đã tiết lộ nguyên nhân vì sao anh Hàn đã chết là:

“Ðêm qua cán bộ đã treo cổ người tù giữ cái radio để dằn mặt các cải tạo viên khác.”

Như vậy, đây là một vụ giết người có chủ đích của bọn cai tù.

Chuyện Thiếu tá Trần Hàn treo cổ tự tử chỉ là một màn kịch được dàn cảnh để bọn sát nhân hợp thức hóa cái chết của Thiếu tá Trần Hàn mà thôi.

Từ ngày không còn tin tức do nghe radio nữa, quân ta đành truyền tai cho nhau tin tức thế giới đã nghe được qua những lần thăm nuôi của gia đình. Mất hy vọng này, ta nuôi hy vọng khác.

Tin tức từ thân nhân qua thăm nuôi cũng có tin vui, tin buồn, tin thật và tin giả.

Có một tin vui rộ lên rằng, hiện nay trong rừng núi Bạch-Mã ở Miền Trung có một trung đoàn Việt-Nam Cộng-Hòa đang ẩn náu và chiến đấu, người chỉ huy trung đoàn này là Trung tá Hoàng Mão, một anh hùng của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh.

Tin vui này vừa qua cổng đã được rỉ tai lan truyền rộng rãi, và đã làm cho một số tù ù ù, cạc cạc vui mừng. Những người biết chuyện nghe tin, lại ôm bụng mà cười.

Xem thêm: Đặng Thế Phong nhạc sĩ tài hoa đoản mệnh (1918-1942)

Người ta cười vì thực ra, thời gian này cựu Trung tá Hoàng Mão cũng là một cải tạo viên đang bị nhốt ở Buồng 15. Hoàng Mão là bạn cùng khóa 20 Võ Bị của tôi.

Vào một ngày trời mưa, ông Hoàng Xuân Tửu vào gọi tôi ra nhà văn hóa để gặp người nữ cán bộ Công An phụ trách thăm nuôi.

Viên nữ cán bộ hỏi tôi,

– Anh có quen ai tên là Bùi Tiến Tỉnh không?

Tôi lắc đầu,

– Không!

– Vậy Bùi Tiến Tỉnh không phải là anh của anh sao?

Tôi khẳng định,

– Không!

Người nữ Công An lườm tôi một cái rồi lắc đầu,

– Mới ăn cơm tù có mấy năm mà anh đã lú đã lẫn rồi! Ðến anh của mình mà cũng nói là không quen!

Tôi nhíu mày,

– Tôi không có anh có chị thì nói là không có anh có chị, chứ lú với lẫn cái gì?

Nghe thế, người nữ Công An lại hỏi,

– Có phải anh là người quê Hải Hưng không? Anh Bùi Tiến Tỉnh ở Hải Hưng tự xưng là anh của anh đấy!

Tới lúc này tôi mới vỡ lẽ, chợt nhớ ra, người có tên là Bùi Tiến Tỉnh chắc là ông anh con cô con cậu của tôi ở Hải-Dương. Ngày xưa, khi tôi di cư vào Nam thì anh ấy còn bé lắm.

Tôi gật gù,

– À! Chắc anh Tỉnh là con bác tôi. Tôi ở trong Nam, anh ấy ở ngoài Bắc chưa thấy nhau bao giờ, nên không nhớ ra, cán bộ cho tôi ra gặp anh ấy đi!

Người nữ Công An nhìn tôi rồi lắc đầu,

– Người ngoài Bắc nhỏ tuổi hơn thì nhớ họ, nhớ hàng, người trong Nam lớn tuổi hơn lại chẳng thèm nhớ ai!

Tôi buột miệng nói cho qua,

– Ðúng rồi! Người trong Nam lớn tuổi hơn nên lẩm cẩm!

Quả thực tôi lớn lên ở trong Nam, đến người cùng quê còn không thấy, huống chi họ hàng thân quyến còn ở ngoài Bắc.

Anh Bùi Tiến Tỉnh là con ông Bùi Văn Ðệ, anh ruột mẹ tôi. Người Nam gọi anh của mẹ là cậu, còn ở ngoài Bắc lại gọi là bác.

Bác Ðệ có hai vợ, người con gái lớn của bác cùng tuổi với tôi, còn anh Tỉnh là người con thứ nhì. Anh Tỉnh nhỏ hơn tôi sáu tuổi. Ngày tôi di cư vào Nam thì anh Tỉnh mới lên sáu.

Anh Tỉnh sinh ra và lớn lên trong thành phố Hải Dương nên không bị nói ngọng, nhưng giọng anh vẫn cưng cứng, tôi nghe không quen.

Anh Tỉnh thân hình vạm vỡ và cao hơn tôi một cái đầu.

Anh tôi ôm tôi, rồi khóc như mưa,

– Ngày chú ra đi thì anh còn bé tí đâu biết gì? Nếu đất nước cứ chia đôi thì suốt đời anh em không thấy nhau. Vậy mà giờ đây anh được gặp em. Anh mừng quá sức. Ðúng là ông giời có mắt!

Anh tôi đúng là hiện thân của một công nhân chân chất thật thà.

Cổ nhân có câu “Một giọt máu đào, hơn ao nước lã!” quả là không sai.

Tôi là người không có anh chị, bố tôi lại mất sớm, nên vòng tay siết chặt của anh Tỉnh đã cho tôi cái cảm giác thật là ấm áp khi lần đầu được một người anh ôm ấp, vỗ về.

Anh tôi kể hết chuyện này sang chuyện nọ, nào là ông nội, bà nội của anh, tức là ông ngoại, bà ngoại của tôi thương nhớ mẹ con tôi ra sao, rồi ông bà tôi chết năm nào. Hết chuyện canh tác ruộng đất, anh nói qua chuyện xây nhà xây cửa, chuyện lụt lội hàng năm, rồi tới chuyện anh cưới vợ sinh con.

Xem thêm: Miệng Nhà Quan ngày 12 tháng 10 năm 2023

Tôi cứ ngồi yên mà nghe anh tôi tâm sự, cho tới lúc anh tôi cầm tay tôi rồi nhỏ giọng,

– Chiến tranh quả là quá tàn khốc! Anh rất muốn em trả lời anh một thắc mắc, em có vui lòng không?

– Anh cứ hỏi.

– Em là người suốt đời đánh trận. Vậy em có bao giờ chôn một bộ đội Miền Bắc xâm nhập tên là Hải không?

Tôi phì cười vì câu hỏi quá ngây thơ,

– Sau một trận đánh thì số người chết có khi cả chục, có khi cả trăm, ai công đâu mà lục xác, tìm tên tuổi từng người. Ủa! Mà Hải là ai vậy anh?

– Em Hải là con dì Muối, Long quên rồi à?

Tôi chỉ nhớ mang máng, bà Muối là vợ hai của bác Ðệ nhưng không biết bà Muối có người con là anh Hải, tôi hỏi anh Tỉnh,

– Vậy anh Hải là em khác mẹ với anh? Anh Hải chết ở trong Nam à?

– Em Hải nhỏ hơn anh hai tuổi. Hải bị gọi đi nghĩa vụ. Nó đi B và đã hi sinh trong trận Pơ lây me năm 1974. Em có biết Pơ lây me ở đâu không?

Tôi chột dạ khi nghe tin một người anh con cô con cậu của tôi đã chết trên chiến trường mà tôi đã tung hoành trong nhiều năm.

Tôi cầm tay anh Tỉnh,

– Biết! Tôi biết Pleime ở Pleiku, Pleiku ở Cao Nguyên Trung Phần Việt-Nam Cộng-Hòa.

Anh tôi chợt ngước mắt lên trời, rồi gật gù,

– Cốt nhục tương tàn! Chắc ngày đó em không biết rằng trong đoàn quân vào Nam để đánh nhau với em lại có người anh con cô con cậu của em! Ðiều đáng buồn là em Hải đã chết. Nhưng điều đáng vui là sau chiến tranh em Long vẫn còn sống.

Tôi chẳng biết phải nói gì khi nghe câu bình luận có vẻ “hòa tiền” của anh tôi.

Cứ thấy người chết thì buồn, cứ thấy người sống thì vui!

Cách suy nghĩ cũng như cách giải thích của anh tôi sao mà giản dị quá vậy?

Quà mà anh Tỉnh mang lên thăm nuôi tôi là một bao cát chứa 10 ký lô gạo ruộng mới xay cùng cái bao giấy xi măng bọc kỹ 20 con cá mối phơi khô.

Tôi lấy làm lạ khi thấy những người tù được thăm nuôi và thân nhân của họ còn đang quây quần bên nhau chuyện trò, ăn uống, thì anh Tỉnh đã ôm tôi rồi nói câu từ biệt,

– Thôi! Anh phải về. Sợ nhỡ chuyến tàu hỏa Phủ- Lý, Hà- Nội tối nay. Lại còn phải lo chuyện đi nhờ xe vận tải xuôi Hải-Dương nữa chứ!

Trước lúc bước đi, anh lại cầm tay tôi lần nữa,

– Của ít, lòng nhiều. Trong khả năng của anh, anh chỉ có chút quà này đem cho em, mong em đừng chê.

Trong màn mưa mỏng giữa trưa, hình bóng anh tôi mờ dần, mờ dần, rồi biến mất sau con dốc dẫn xuống phân trại C.

Thì ra, để có thời gian chừng nửa giờ để thăm đứa em con bà cô đang bị giam giữ ở Nam-Hà A, người công nhân Bùi Tiến Tỉnh đã phải rời Ngã Sáu Hải Dương từ nửa đêm qua. Sau khi quá giang theo một chiếc xe vận tải để tới Hà Nội, anh liền nhảy tàu hỏa nhưng không mua vé để về Ga Phủ-Lý. Ở bến đò Phủ-Lý, anh năn nỉ người kiểm soát vé phà để được miễn trả tiền qua Hát Giang.

Rồi vác 10 ký lô gạo trên vai, tay xách 20 con cá khô, anh cuốc bộ một hơi từ bến phà sông Ðáy tới Nam Hà.

Thăm em chưa được nửa giờ anh đã phải về. Trên con đường ngược chiều ấy, anh sẽ cuốc bộ, sẽ qua phà, sẽ nhảy tàu, sẽ quá giang xe tải xuôi về quê tôi, Hải-Dương.

Con đường trở về của anh có lẽ không còn vất vả như lúc anh đi. Trên vai anh nhẹ tênh, không còn gạo, không còn cá.

Xem thêm: Thiết kế bất tiện

Tôi nghĩ rằng, chắc chắn trên đời này hiếm có người anh con cô con cậu nào tốt bụng như ông anh của tôi. Tội nghiệp anh tôi!

Nhìn màn mưa đang giăng trên những đỉnh núi đá vôi, rồi mường tượng ra đoạn đường gập ghềnh lầy lội từ đây ra Phủ-Lý, tôi bỗng thấy thương anh tôi quá.

Tới chiều, tù được thăm nuôi xếp hàng đi về trại.

Ai cũng gánh nặng, gánh nhẹ, riêng tôi chỉ cần một tay xách, một tay ôm.

Không biết các bạn được thăm nuôi cùng ngày với tôi có được thân nhân thông báo cho chút tin tức quốc nội, quốc ngoại gì không, chứ tôi thì chẳng có chuyện gì vui lạ để mà kể lại cả.

Lần thăm nuôi trước cách nay hơn nửa năm, mẹ tôi và vợ tôi từ Nam ra, tôi đã chia sẻ đồ ăn cho một số bạn thân.

Kỳ này vì “Của ít, lòng nhiều” nên tôi chỉ mời một người bạn là Lê Văn Chánh. Từ ngày đi tù tới giờ này, chưa có ai ra thăm Chánh.

Hoàng Trai, Lê Văn Chánh, Vương Mộng Long – USA 2007

Nghe tôi mô tả chặng đường mà bao gạo 10 ký lô đã đi để tới Nam Hà, bạn tôi đã đưa tay chùi nước mắt,

– Tội nghiệp ông anh của Long!

Lê Văn Chánh là một nghệ sĩ, nó mau nước mắt lắm!

Nghe một câu chuyện thương tâm là nó khóc, thấy một chuyện thương tâm là nó khóc.

Bưng bát cơm, nghe kể nguồn cơn đường đi, nước bước của bát cơm, nó cũng khóc.

Rồi nó tiếp tục vừa khóc tỉ tê, vừa kể cho tôi nghe một chuyện thăm nuôi, cũng rất buồn ở phân trại B.

Nó nghe được chuyện này khi đi đổ thùng sáng nay.

Mới cách đây hai hôm, có một bà vợ ông cựu đại úy dẫn một đứa con gái từ trong Nam ra thăm chồng.

Cháu bé mừng vui vô cùng vì sau bao tháng ngày nhung nhớ, cháu đã được gặp mặt bố cháu. Trên đường về, cháu vui, cháu nhảy chân chim…

Đại úy Trần Đức Lợi, Đại úy Đỗ Dũng, Đại úy Nguyễn Phương Đức, Đại úy Trần Tiến Bích – Houston USA (nguồn Đỗ Dũng)

Nhưng ông cựu đại úy vừa về tới buồng giam thì đã có tin con gái ông mới bị bắn chết!

Cháu chết ở chân dốc Ba Sao, nơi đây Trại Nam Hà C và Trại Tâm Thần ở sát nhau.

Ðã xảy ra ẩu đả giữa nhân viên giữ tù tâm thần và cai tù Trại C.

Sau khi đánh nhau bằng tay, chúng nó đã bắn nhau bằng súng.

Một viên đạn lạc đã cướp đi sinh mạng đứa bé gái vừa vượt cả ngàn cây số đường dài từ Nam ra Bắc để thăm bố.

Cháu bé đã được chôn bên cạnh mộ những người bạn tù của bố nó trong nghĩa địa tù Trại C.

Hai ngày sau khi tôi được thăm thì anh bạn cựu phi công Trần Tiến Bích nằm sát bên tôi cũng được thăm. Khách mời của Bích chiều hôm đó là một thương binh cụt một chân tên là Trần Văn Hòa.

Cựu Ðại úy Trần Văn Hòa là phi công của Phi Ðoàn 215 Thần Tượng, đồn trú ở Nha Trang. Thời 1968 tôi thường được phi cơ của đơn vị này chuyển vận trong các cuộc hành quân ở Cao Nguyên Vùng 2.

Thấy anh Hòa bị què một chân, tôi thắc mắc,

– Ủa! Anh là thương binh mà cũng bị bắt đi cải tạo ư?

Anh Hòa lắc đầu,

– Tôi không phải là thương phế binh. Tôi mới bị cưa chân đó!

Rồi Hòa từ từ tường thuật cho tôi nghe nguyên do vì sao anh đã bị què…

Thời gian mà tôi còn bị giam ở Trại 4 Liên Trại 4 thì Hòa bị giam ở Trại 9.

Ðói quá, nên hàng đêm Hòa thường chui rào ra vườn sắn moi mấy củ sắn vào nấu, nướng để ăn cho đỡ lòng.

Thế rồi một hôm, xui xẻo làm sao, anh đã bị cán bộ bắt được khi vừa ôm mấy củ sắn chui trở vào trong vòng rào.

Tên Việt-Cộng hỏi,

– Anh làm cách nào mà có mớ sắn này? Khai ra mau!

Hòa thật thà thú tội,

– Trình cán bộ tôi chui ra vườn ngoài rào đào trộm.

Thằng bộ đội tỏ vẻ nghi ngờ,

– Tôi không tin! Rào tre kín thế thì anh làm cách gì mà chui qua? Ðâu? Anh chui như thế nào thì làm lại cho tôi xem!

Nghe thế, anh pilot Việt-Nam Cộng-Hòa ngây thơ vội nhanh nhẹn dẫn tên cán bộ Việt-Cộng ra vị trí mà anh đã vạch một lỗ xuyên qua hàng rào nứa.

Tiếp đó anh từ từ biểu diễn lại màn “Anh chui qua rào…” cho tên cán bộ xem.

Vào đúng lúc anh ở vị thế đầu ngoài rào, chân trong vườn, thì “Ðoàng! Ðoàng! Ðoàng!” ba viên đạn liên tiếp nổ giòn.

Tiếng súng chưa kịp dội trong vách núi đã có tiếng la thất thanh,

“Ối! Anh em ơi! Cứu tôi với!”

Cũng ngay sau đó là tiếng hô hoán đặc sệt giọng Nghệ -Tĩnh của thằng quản giáo,

“Trốn trại! Báo động! Có tù trốn trại!”

Lập tức, kẻng báo động “Keng! Keng! Keng!” khua vang, vệ binh chạy xuống ào ào. Trại 9 nhốn nháo, om sòm.

Ðêm hôm đó tất cả cải tạo viên trong Trại 9 đều biết tin anh cựu phi công Trần Văn Hoà vượt ngục, nhưng không may, vừa chui chưa khỏi rào đã bị cán bộ tuần tra bắt gặp rồi bắn cho gãy giò.

Trại 9 có cái bệnh xá của Liên Trại 4 nằm sát bên, nên anh Hòa đã được cứu chữa cấp kỳ, vết thương không kịp làm độc.

Y tá Việt Cộng đã cứu anh bằng cách nhanh tay cưa đứt ngoém một chân anh. Cưa sát tới đầu gối, cưa không thuốc tê, cưa không thuốc mê, và cưa bằng cưa thợ mộc!

Sau khi vết thương kéo da non, Hòa được ưu ái cho về đội đan lát làm công việc nhẹ. Tới khi chuyển trại về Nam-Hà A anh Hòa cũng được làm việc nhẹ.

Nghe Hòa kể lại chuyện chui rào, mà tôi thấy sởn da gà và dựng tóc gáy.

Tôi sởn da gà vì không thể tin rằng trên thế gian này lại có thứ người gian manh, quỷ quyệt, và khát máu như tên cán bộ Việt-Cộng kia.

Hình như cái ác, cái gian đã tiềm tàng trong huyết quản của thằng cán bộ này từ ngày nó mới sinh ra?

Thay vì chỉ phạt cùm, phạt nhốt bỏ đói anh Hòa vài ngày, nó đã nghĩ ngay ra phương cách hợp lý để lạnh lùng bắn nát một chân anh.

Tôi dựng tóc gáy vì thấy cung cách cứu thương của Việt-Cộng sao mà dã man và tàn độc quá.

Ngày còn bị giam ở Trại 3 tôi đã nghe anh cựu Ðại úy Trần Mộng Long kể lại rằng, anh ta bị đau ruột dư, được mang lên bệnh xá Liên Trại 4 chữa trị.

Anh được mổ bụng bằng con dao cạo của thợ hớt tóc, mổ không thuốc mê, mổ không thuốc tê.

Thấy thế đã sợ rồi.

Nay so với chuyện cưa xương ống chân của anh Trần Văn Hòa, cũng không thuốc tê, không thuốc mê, mà còn bị cưa bằng cưa của thợ mộc thì chuyện mổ ruột dư của anh Trần Mộng Long chỉ là chuyện tầm thường, không đáng kể.

Cuối năm 1980 Trại Nam-Hà A có một đợt phóng thích. Trong số những người được thả có thân phụ của chú Tạ Văn Quang là cựu Ðại tá Tạ Văn Kiệt.

Buồng 16 cũng có hai người được về nhân dịp này; người thứ nhất là cựu Ðại úy Trần Bá Huệ của Phủ Tổng Thống, anh Huệ được ông Dương Văn Minh bảo lãnh, người thứ nhì là cải tạo viên Lê Văn Tịnh, không biết ai đã bảo lãnh anh ta.

Xem thêm: "Cò nhà đất"

Cũng nhân dịp này, Buồng 16 có nhân viên đánh xe cải tiến đổ thùng mới là anh cựu Ðại úy Ðịa Phương Quân Nguyễn Văn Thương.

Anh Thương đã tình nguyện thay chân anh Chánh, vì anh Chánh bị bệnh sốt rét, xơ gan phải đi nằm bệnh xá.

Ngày Lê Văn Chánh được đưa xuống bệnh xá, tôi những tưởng rằng sớm muộn gì bạn tôi sẽ qua đời. May thay anh em gom góp được gần chục vỉ thuốc trị sốt rét hiệu Fansidar cho Chánh uống, nên Chánh thoát chết. Vì thế mà từ đó, Lê Văn Chánh có biệt danh là “Chánh Phăng Si Ða”

Bệnh xá nằm ở góc cuối sân, cách Buồng 16 một bức tường cao.

Người cai quản bệnh xá là Bác sĩ Trần Văn Chơn, em ruột Bác sĩ Trần Lữ Y Tổng Trưởng Y Tế Việt-Nam Cộng-Hòa.

Phụ tá cho Bác sĩ Chơn là Bác sĩ Trương Như Quyến, em ruột của Luật sư Trương Như Tảng, Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp của Chính Phủ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam.

Trong thời gian Lê Văn Chánh đi nằm bệnh xá thì có một phái đoàn quan khách ngoại quốc tới thăm trại. Những người không có phận sự như tôi bị tập trung rồi bị dẫn vào trong trại chăn nuôi của hình sự ngồi chờ, khi nào phái đoàn đi khỏi, chúng tôi mới được về. Trại chăn nuôi nằm cách Trại A chừng một cây số về hướng núi. Xế chiều chúng tôi được dẫn về.

Tôi về tới trại thì Lê Văn Chánh đã đứng chờ trước sân.

Chánh đưa cho tôi một lon sữa bò còn hơn nửa,

– Long uống đi! Uống cho khoẻ.

Tôi hỏi,

– Của hiếm này ở đâu ra thế?

Chánh hối thúc,

– Uống đi! Uống hết đi rồi tui kể cho nghe.

Tôi há miệng hút hết nửa lon sữa đặc không pha. Chất ngọt của sữa làm cho tôi muốn cứng họng.

Thì ra hôm đó phái đoàn đã xuống quan sát tại chỗ tình trạng sức khoẻ và đời sống của các cải tạo viên đang nằm bệnh xá.

Họ trầm trồ khen ban chỉ huy trại đã đối xử với tù rất là nhân đạo khi thấy đầu giường mỗi bệnh nhân đều có một hộp bánh ngọt và một hộp sữa đặc có đường.

Trong khi phái đoàn đang nói chuyện với Bác sĩ Trương Như Quyến thì Bác sĩ Trần Văn Chơn ra dấu cho anh em bệnh nhân mở bánh ra ăn, mở sữa ra uống.

Phái đoàn thấy cảnh này thì có vẻ thích thú lắm, vài vị quan khách còn đem máy ảnh ra bấm lia lịa…

Anh Lê Văn Chánh sau khi xơi hết hộp bánh ngọt bèn làm một hơi nửa hộp sữa đặc có đường. Uống được nửa chừng thì Chánh nhớ tới tôi. Chánh để dành cho tôi nửa hộp.

Phái đoàn đi rồi, Bác sĩ Quyến mới giãy nảy lên,

– Anh Chơn! Anh cho tụi nó ăn hết đồ biểu diễn thì anh chịu trách nhiệm đó. Tui coi như không dính dáng gì tới vụ vi phạm này!

Bác sĩ Chơn đóng vai ngây thơ,

– Ủa! Không phải là mấy thứ đó trại đem xuống để bồi dưỡng cho người bịnh ư?

Bác sĩ Quyến trợn mắt,

– Bồi dưỡng cái con khỉ! Chỉ để biểu diễn thôi! Hết thăm viếng mình phải thu lại trả cho trại!

Hôm sau có lệnh của ban chỉ huy trại cho Bác sĩ Trương Như Quyến làm “Bác sĩ Trưởng” còn Bác sĩ Trần Văn Chơn tụt xuống làm nhân viên.

Cũng tự đó về sau, mỗi khi có phái đoàn tới thăm, tất cả bệnh nhân già, trẻ, què quặt, hay liệt chiếu, liệt giường đều bị điệu sang trại chăn nuôi từ sáng sớm.

Thay vào đó là những tù hình sự được nằm vào giường bệnh và được dặn dò cẩn thận rằng không được mở mấy gói bánh ngọt và sữa hộp ra ăn.

Những đồ ăn này chỉ để trang trí lòe mắt phái đoàn.

Phái đoàn đi rồi thì những thứ này phải đem trả lại cho căng tin của trại.

Xem thêm: Halloween ở Châu Phi & Ấn Độ?

Ðầu năm 1981 có đợt chuyển trại quy mô đầu tiên. Một số tù được di chuyển từ Nam Hà để về Nam, tới các Trại Gia-Trung, Pleiku và Z30C, Z30D, Hàm-Tân, Thuận-Hải.

Những nhân vật ở Buồng 16 có liên quan trực tiếp tới cái radio và cái quan tài của Trần Hàn là Hồ Văn Hòa, Tạ Văn Quang, Trần Tiến Bích, Vương Mộng Long, Nguyễn Văn Nghiêm, Nguyễn Văn Ninh, đều được di chuyển vào Nam.

Riêng cải tạo viên Lê Văn Chánh vì mang bệnh sốt rét nặng nên còn nằm bệnh xá.

Tới đầu năm 1982 Chánh Phăng Si Ða cũng được chuyển trại.

Sau đợt giảm tù lần này Trại Nam-Hà A bắt đầu bị đưa vào chế độ cai quản khắc nghiệt hơn xưa.

o O o

Lò sát sinh Trại Mễ…

Tôi đã bị đưa vào Nam từ đầu năm 1981, những sự việc xảy ra từ 1982 tới 1988 mà tôi ghi lại tiếp theo đây là lời tường thuật của các anh cựu Ðại tá Biệt Ðộng Quân Cao Văn Ủy, cựu Ðại úy Thủy Quân Lục Chiến Mai Văn Tấn và cựu Ðại úy Ðại Ðức Lê Thái Bình.

Một hôm, ông cựu Trung tá Nguyễn Huề lang thang sang buồng khác thăm bạn bị tên Chèo Lực bắt gặp. Lời qua tiếng lại vài ba câu chưa xong thì tên Chèo Lực đã ra tay đánh ông Huề.

Sáng hôm sau, giờ tập họp đi lao động anh em Ðội 20 đã reo hò “đả đảo!” để phản đối Chèo Lực.

Ða số cải tạo viên Ðội 20 là những người còn rất trẻ, là thành phần phản động và Phục Quốc.

Ðội trưởng Ðội 20 là cựu Trung úy Pháo Binh tên là Nguyễn Văn Hồng.

Hồng nhỏ con, trắng trẻo, mắt lồi, nhưng rất dễ mến.

Hồng là một nhạc sĩ tài tử, anh đã viết được vài bản nhạc mà bạn bè rất ưa thích. Trong đó nổi bật là hai bài “Như Mưa Cam Lồ” và “Ðôi Giày Dũng Sĩ.”

Nguyễn Văn Hồng là một con chiên Công Giáo, nhưng khi thai nghén tác phẩm “Như Mưa Cam Lồ” thì anh đã tham khảo ý kiến của cựu Ðại úy Ðại Ðức Tuyên úy Phật Giáo Lê Thái Bình, do đó lời của bài hát này đã giống như lời tiên tri của sự mất mát, của sự chia ly, và của sự siêu thoát.

Trong khi đó thì lời ca của bài “Ðôi Giày Dũng Sĩ” lại mang tính chất bùng nổ, tàn phá như tiếng súng thần công, tiếng đạn đại bác.

Bài hát mở đầu với câu, “Ðôi giày dũng sĩ đạp nát quân thù!”

Lời ca này đã thể hiện con người thật của Nguyễn Văn Hồng là một sĩ quan Pháo Binh.

Vì trình độ ký âm của Nguyễn Văn Hồng không khá cho lắm, nên mỗi khi viết xong một bài ca, Hồng đều nhờ nhạc sĩ cựu Ðại tá Lê Thọ Trung chỉnh sửa.

Hôm đó Ðội 20 đã châm ngòi một cuộc nổi dậy.

Trong sân trại, tiếng la ó dậy trời lan từ đội này tới đội khác.

“Ðả đảo Chèo Lực! Ðả đảo Cộng Sản!”

Thế là không khí bỗng chốc sục sôi như sắp có bạo loạn.

Ngay lập tức, vệ binh ào xuống đuổi tất cả trại viên về buồng.

Hôm sau Ðội 20 bị áp tải sang phân trại B.

Ðại đức Lê Thái Bình thuộc quân số của Ðội 20 nên bị đem đi đã đành, nhưng “Con nhạn là đà” Mũ Xanh Mai Văn Tấn ở Ðội 27 mà cũng bị còng tay thì thật là oan.

Ngày xảy ra chuyện lộn xộn, Mai Văn Tấn không những đã tích cực to tiếng “Ðả đảo Chèo Lực!” mà còn nhởn nhơ quơ chân, múa tay trước mắt cán bộ, nên cán bộ đã túm cổ, còng tay, tống vào trong hàng ngũ Ðội 20.

Vào Trại B các anh hùng trẻ tuổi của Ðội 20 vẫn tiếp tục các hành động chống đối và phá rối.

Ở đây cũng đã có những nhân vật cứng đầu, bất khuất sẵn sàng chung vai sát cánh với Ðội 20 như cựu Trung tá hoa tiêu Trực thăng Nguyễn Văn Trọng, cựu Ðại úy Ðơn vị 101 Nguyễn Tấn Mới.

Buổi sáng ngày mà Ðội 20 chuẩn bị rời Trại B thì tên trưởng trại cho lệnh tập họp tất cả tù đứng trước sân rồi lớn tiếng hỏi,

Xem thêm: Văn Hóa Quần Què

– Các anh thấy Ðội 20 phá phách, quầy rối như thế thì đúng hay sai?

Trong hàng ngũ tù có ai đó trả lời thật lớn,

– Ðúng! Ðội 20 phá phách là đúng!

Ngay lập tức, người vừa phát ngôn câu phát biểu trên đã bị tống vào hàng ngũ Ðội 20. Người trẻ tuổi này là một cải tạo viên diện Phục Quốc và phản động. Cậu ấy mới 15 tuổi, có tên là Tài. Anh em gọi cậu bé này là Tài Con.

Rồi Ðội 20 cùng các cảm tình viên của đội này là Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Tấn Mới, Tài Con bị trói tay đưa lên xe chở ra Trại Mễ.

Trại Mễ là tên của một trại tù xây dựng trong ngôi làng có tên là làng Mễ ở Phủ Lý. Nhân chuyến chuyển trại từ Thái Nguyên về Nam Hà đầu năm 1979 tôi đã có dịp ngủ qua một đêm ở trại này. Trại có hai hệ thống nhà giam, một ở dưới hầm và một ở trên mặt đất. Mỗi hầm có sức chứa khoảng bốn chục tù nhân nằm sát nhau. Ngày qua trại này, tôi bị nhốt trong hầm nên không rõ trên mặt đất có hình dáng thế nào.

Từ năm 1982 thì Trại Mễ trở thành một chi nhánh đặc biệt của Trại Nam Hà.

Trại này là nơi tập trung hai dạng tù.

Tù cứng đầu, và tù nhân bị bệnh nặng.

Người ta đặt tên cho Trại Mễ là “Ðoạn Ðầu Ðài” hay “Lò Sát Sinh” vì ai bị đưa tới đây chắc chắn sẽ không sống sót.

Tù cứng đầu bị tra tấn và bỏ đói cho tới chết. Tù bệnh nặng thì không cần chữa trị, cứ để nằm đó chờ bao giờ tắt thở thì đem chôn.

Khẩu phần lương thực của tù nhân ở đây bị cắt giảm 50 phần trăm, nghĩa là chỉ có nửa chén bo bo mỗi bữa, nước thì nửa lon Guizgo để uống, nửa lon Guizgo để làm vệ sinh một ngày.

Tù bình thường sẽ được tắm rửa mỗi tháng một lần, còn tù loại nguy hiểm thì sáu tháng mới được tắm gội một lần.

Ðội 20 tới Mễ không lâu thì một vụ giết người đã sớm xảy ra, kết thúc một mạng sống.

Khi biết tin anh cải tạo viên cựu Thiếu úy Cảnh Sát Vương Khai Quân, trong kỳ thăm nuôi vừa qua đã được người nhà dúi cho một cái nhẫn hai chỉ, thì cán bộ Ðản cai tù đã sai tên Trí, một tù hình sự siết cổ Quân để cướp vàng cho Ðản. Chuyện giết người cướp của vỡ lở, tên Trí bị còng tay đem đi, không rõ đi đâu. Xác của Vương Khai Quân thì ra nghĩa địa.

Ở Trại Mễ bỗng có bệnh kiết lỵ.

Bệnh này lây lan rất nhanh và giết người cũng rất nhanh.

Sau cái chết của Thiếu úy Vương Khai Quân là cái chết của cựu Trung sĩ Không Quân Nguyễn Văn Ðịnh.

Trung sĩ Ðịnh chết vì mắc bệnh kiết lỵ biến chứng, nghĩa là vừa bị đi cầu ra máu, vừa bị sốt cao.

Nguyễn Văn Ðịnh là người tù cùng buồng với Ðại Ðức Lê Thái Bình. Thấy Ðịnh nằm im không thở, Bình bèn bắc loa tay la lên,

– Báo cáo cán bộ! Buồng tôi có người chết!

Cán bộ bước vào vạch mắt Ðịnh ra kiểm tra, thấy con mắt của Ðịnh đã đứng tròng. Mắt đứng tròng là mắt người đã chết, vì thế, cán bộ phán,

– Chết rồi! Ðem đi!

Lập tức hai tù hình sự bước vào khiêng Ðịnh xuống nhà tẫn liệm.

Tuần sau, cựu Trung tá Nguyễn Văn Trọng được đưa tới giam chung buồng với Lê Thái Bình. Anh Trọng cũng đang bị bệnh.

Trọng than thở rằng anh đói bụng lắm, Bình đã bóp bụng nhường cho bạn một nửa phần ăn, nhưng Trọng vẫn đói.

Sau đó, Nguyễn Văn Trọng được chuyển sang chung phòng với Nguyễn Tấn Mới.

Rồi một buổi tối Trọng được đưa qua bệnh xá chữa bệnh.

Nhưng y tá vừa chích cho Trọng một mũi thuốc thì chỉ vài phút sau Trọng đã tắt thở.

Hai tù hình sự có nhiệm vụ khiêng Trọng sang bệnh xá, khi trở về đã kể rằng, Trọng nằm trên cáng, một nữ ý tá tới tiêm cho anh một mũi rồi đi ra cửa đứng chờ, tại đây cán bộ Ðản cũng đang đứng chờ.

Mấy phút sau họ nghe Ðản hỏi cô ý tá,

– Sao lâu thế? Sao nó chưa chết?

Người nữ y tá trả lời,

– Cũng phải chờ cho thuốc ngấm chứ! Mạch của anh ta yếu lắm! Thuốc không thể ngấm nhanh. Phải chờ! Chắc cũng không lâu lắm đâu!

Quả nhiên chỉ hai phút sau Trọng chết thật.

Trên tờ giấy chứng tử, cô y tá ký tên một bên, cán bộ Ðản ký tên một bên công nhận rằng bệnh nhân Nguyễn Văn Trọng đã chết vì mắc bệnh kiết lỵ biến chứng.

Không ai biết thật sự Trung tá Trọng đã chết vì bệnh kiết lỵ hay đã chết vì một mũi tiêm thuốc độc?

Thời gian sau Thầy Bình được chuyển sang nhốt chung buồng với cựu Binh nhì Bùi Bằng Ðoàn.

Bình và Ðoàn tiếp tục bị bỏ đói, rồi ít bữa sau thấy Ðoàn nằm bất động, Lê Thái Bình lại bắc loa tay,

– Báo cáo cán bộ! Buồng tôi có người chết!

Cán bộ bước vào vạch mắt Ðoàn ra kiểm tra, thấy con mắt của Ðoàn đã đứng tròng. Mắt đứng tròng là mắt người đã chết, vì thế, cán bộ phán,

– Chết rồi! Ðem đi!

Lập tức hai tù hình sự bước vào khiêng Ðoàn xuống nhà tẫn liệm.

Khác với những lần trước, vừa đặt cái cáng xuống đất thì hai anh hình sự nghe tiếng rên,

– Ðói! Ðói! Ðói!

Một anh hình sự vội cho Ðoàn húp bát cháo, Ðoàn sống lại!

Hóa ra anh tù Bùi Bằng Ðoàn chỉ bị đói quá mà ngất đi.

Sở dĩ có chuyện chết đi, sống lại này chỉ vì khi vào vạch mắt Ðoàn để kiểm tra, cán bộ thấy mắt Ðoàn đứng tròng, y tưởng Ðoàn chết rồi, nên mới cho người vào khiêng anh xuống nhà xác.

Không ngờ, Bùi Bằng Ðoàn bị chột, một mắt thật, một mắt giả, cán bộ đã vạch nhằm con mắt giả, thấy con mắt giả đứng tròng, y tưởng Ðoàn đã chết nên mới cho mang xác đi chôn.

Nếu nó vạch con mắt thật ra coi thì Ðoàn sẽ phải nằm đó chờ, chắc chắn sau đó không lâu sẽ chết thật.

Chính con mắt giả của Bùi Bằng Ðoàn đã cứu mạng anh ta.

Từ đó cứ nghe báo cáo có người chết thì cán bộ khám xét cẩn thận hơn bằng cách vạch cả hai mắt nạn nhân ra mà coi, nếu cả hai con ngươi đều bất động thì nạn nhân mới được khiêng đi, nếu một mắt còn động đậy thì cứ để nằm đó chờ chết.

Trong khi đó thì một trại viên khác chết rất âm thầm, anh ta chết đã hai hay ba ngày sau mới bị cán bộ phát giác vì không có ai chứng kiến, không có ai nhốt chung buồng.

Người chết là cựu Ðại úy Ðịa Phương Quân tên là Sanh.

Anh Sanh là con trai của chủ nhân nhà hàng “Quán Biên Thùy” ở Nhà Bè.

Thế rồi, một đêm, Nguyễn Văn Hồng đã vĩnh viễn ra đi, tác giả “Ðôi giày dũng sĩ” không còn nữa! Con chim ái quốc ấy đã hoàn toàn kiệt sức, không thể cất nổi tiếng hót sau cùng.

Chỉ vì cuối năm 1978 sau khi bị cùm vì tội vượt ngục lần thứ nhì thất bại, tôi đã gặp lại Ðại Ðức Lê Thái Bình ở Trại Phú Sơn 4, Thầy Bình hỏi tôi bí quyết để sống còn khi bị kiên giam, thì tôi đã giải thích cặn kẽ cho Thầy Bình biết rằng,

“Người bị kiên giam vì đói quá, nên mỗi khi được phát cơm, ngô, khoai, sắn hay bo bo, ai cũng ăn thật nhanh cho hết bữa; còn tôi chỉ ăn nhín nửa phần, tới nửa ngày sau mới ăn phần còn lại. Cách ăn này giúp cho cái dạ dày lúc nào cũng đói, lúc nào cũng no. Nhờ vậy mà không bị chết đói!”

Nhớ tới kinh nghiệm “vượt đói” của tôi, Thầy Bình đã cố gắng đánh lừa dạ dày trong suốt thời gian hơn hai năm bị kiên giam ở Trại Mễ nên mới còn hiện diện trên cõi đời này!

Trong thời điểm đó thì ở Nam Hà A, mỗi khi có chuyện xáo trộn như chuyển trại, hoặc nhận thêm người thì cán bộ lại thi hành một đợt kiểm tra và “biên chế”.

Khi “biên chế” thì tù bị trộn lộn, từ đội này chuyển sang đội khác, từ buồng này dọn qua buồng khác.

Lợi dụng cơ hội này, ít lâu sau khi được chuyển đội, ông Trung tá Nguyễn Văn An bèn vượt ngục lần thứ hai.

Rồi ông An cũng bị bắt lại, lần này cai tù không đá đít ông rồi cho phép ông về lại Buồng 15 nữa.

Ông bị tống cổ vào nhà kỷ luật, chịu đủ loại cực hình, rồi bị đưa ra Trại Mễ.

Xem thêm: Vui như ngày hội

Ít lâu sau thì ông An chết.

Chuyện Trung tá An vượt ngục, rồi chết, tôi đã nghe cựu Ðại tá Cao Văn Ủy tóm tắt lại như sau:

“Anh An vượt ngục một lần nữa để tìm về quê, nhưng chưa tới nhà đã bị bắt lại. Anh bị giam trong phòng kín, có khóa và có lính canh rất cẩn mật. Mỗi ngày anh đều bị dẫn lên văn phòng của Ban Xuyên tức là viên Trung tá Công An Việt-Cộng tên Xuyên, Trưởng Trại Nam Hà để khai báo và nhận cực hình. Tuần lễ đầu, Ban Xuyên, cho lũ chó bẹc giê cắn gãy hai chân anh. Tuần lễ thứ nhì, y cho chó cắn gãy hai tay anh. Tuần lễ thứ ba, y cho chó cắn nát hạ bộ của anh. Sau khi anh ngất đi, tên Xuyên mới gọi y tá đem anh xuống bệnh xá để băng bó tất cả các vết thương trên người. Ngày tiếp đó, anh An bị áp tải lên xe, chở ra bệnh xá ngoài Trại Mễ. Tại đây, anh tiếp tục bị bỏ đói cho tới chết. Anh Trung tá Biệt Ðộng Quân Nguyễn Văn An đã trút hơi thở sau cùng trên mảnh đất mà anh đã sinh ra là Phủ Lý.”

Xác Trung tá An được chôn ở bãi tha ma Trại Mễ. Nơi đây đã có ba sĩ quan Cảnh-Sát Quốc-Gia yên ngủ từ năm 1979, đó là Trung tá Lê Văn Thảo, Trung tá Ðoàn Ðình Từ và Trung tá Nguyễn Lê Tính. Ba sĩ quan Cảnh Sát này đã chết vì kiệt sức.

Cạnh mộ của Trung tá Nguyễn Văn An là mộ của Trung tá Nguyễn Văn Trọng, hoa tiêu trực thăng Biên-Hòa, kế đó là mộ của Ðại tá Nguyễn Phán, Trưởng Phòng Tổng Quản Trị Quân Ðoàn II.

Ông Trung tá Trọng chết vì bị bỏ đói và bị chích một mũi thuốc độc (?) thay vì thuốc trị bệnh kiết lỵ, còn ông Ðại tá Phán qua đời vì bị điên, bị đói, và kiệt sức.

Nhân số Ðội 20 cứ hao hụt dần theo thời gian.

Lâu lâu cán bộ lại họp nhau bình xét, chấm điểm. Ai được điểm cao sẽ được cho về lại Nam-Hà A.

Tới năm 1984 thì tên Trung tá Xuyên về nghỉ hưu. Người thay thế tên Xuyên là một Trung tá Công An tên là Lưu Văn Hán.

Lưu Văn Hán đã từng nhiều năm phục vụ trong ngành Công An ở Miền Nam.

Y đã chứng kiến những điều hay, đẹp, văn minh, nhân đạo, và tiến bộ của xã hội Miền Nam.

Y đã mở tầm mắt để thấy rằng những con người mà y đang giam giữ kia chính là tinh hoa gạn lọc của cả một chế độ, của cả một Miền Nam tiên tiến, văn minh.

Y đã nhìn ra cái giá trị đích thực ẩn tàng trong những con người khốn khổ mà y đang cầm mạng sống.

Vì thế, ngay sau khi nhận chức ít lâu, Lưu Văn Hán đã cho những người còn sót lại của Ðội 20 được trở về Nam Hà A.

Những người bị biệt giam lâu nhất đã ở Trại Mễ đúng hai năm rưỡi.

Họ ra khỏi trại này mà chỉ còn có da bọc xương. Thượng Ðế đã không chấp thuận cho họ được chết, nên tên Xuyên đã về hưu.

Anh Mai Văn Tấn và anh Lê Thái Bình đã may mắn sống sót và được về Nam Hà A lao động trở lại.

Sau đợt chuyển tù vào Nam năm 1982 thì tất cả tù còn sót lại từ Hà-Tây, Phong-Quang, Tân-Lập, Vĩnh-Phú đều tập trung về Nam-Hà A.

Nhân số của trại vào lúc Mai Văn Tấn và Lê Thái Bình quay lại có khoảng trên dưới 300 người.

Anh Lê Thái Bình thường đi lấy củi trong khu nghĩa trang tù.

Nghĩa trang tù của Trại Nam-Hà A lúc nào cũng vắng lặng vì ít khi có người vãng lai. Ở đây, ngôi mộ của Trần Hàn có lẽ là nơi buồn nhất, vì đó là một nấm đất cô đơn, nằm cách biệt với nghĩa địa gần trăm thước.

Không biết tự bao giờ, ai đó đã trồng ba cây phượng vĩ trên đỉnh đồi này.

Ðầu mùa Thu, chỉ cần một cơn gió nhẹ lướt qua, hoa phượng đã rơi lả tả.

Thật là không còn gì buồn hơn cảnh tượng đường trơn mưa Ngâu tháng Bảy, âm thầm trên mộ hoa rơi.

Lâu lâu Lê Thái Bình lại ghé chốn này, thắp một nén nhang cho Trần Hàn.

Vương Mộng Long và Lê Thái Bình 2016 TX-USA

-oOo-

Xương cốt về Nam…

Tới đầu Xuân 1988 là đợt phóng thích tù chính trị sau cùng, tôi cũng được thả về kỳ này.

Từ nay, trên toàn cõi Việt-Nam chỉ còn hơn một trăm tù nhân gốc Quân, Cán, Chính, Việt-Nam Cộng-Hòa mà thôi.

Số tù còn lại này, trong đó có Thiếu tướng Lê Minh Ðảo và Ðại tá Cao Văn Ủy được tập trung về Trại Z30D là nơi tôi vừa đi qua cổng với cái giấy ra trại.

Dù bận bịu vì sinh kế, nhưng Mai Văn Tấn, Lê Thái Bình và tôi cũng thường có dịp gặp mặt nhau.

Bình kể cho tôi nghe rằng qua sự giới thiệu của anh Phụ là một cựu sĩ quan Cảnh-Sát Ðặc-Biệt, bạn thân của anh Trần Hàn, gia đình anh Trần Hàn biết Ðại đức Lê Thái Bình là người biết rõ mộ phần của Trần Hàn nằm ở chỗ nào trong nghĩa trang, nên đã nhờ anh Lê Thái Bình đi ra Bắc bốc mộ cho anh Hàn.

Theo chương trình dự trù thì Lê Thái Bình sẽ tháp tùng hai người nhà của Trần Hàn lên xe lửa từ Ðà-Nẵng đi Hà-Nội, rồi thuê xe hơi để vào Nam-Hà.

Xem thêm: Vũ Bằng

Ðúng hẹn, sáng sớm ngày hôm trước, Lê Thái Bình từ Ðồng Tháp theo xe đò đi Ðà-Nẵng.

Xe vừa đổ Ðèo Cù Mông thì bị đứt thắng, xe lao nhanh xuống dốc.

Ai ngồi trên xe cũng tưởng phen này thế nào cũng chết.

May thay, trong giây phút thập tử nhất sinh ấy, thì phụ tài xế đã giựt được tay lái để xe tông vào vách đá.

Chiếc xe lộn một vòng rồi nằm im. Có hai hay ba người chết, số còn lại đều bị thương. May mắn thay, anh Bình chỉ bị thương nhẹ.

Bình tới Ðà-Nẵng đúng lúc người nhà của Trần Hàn sửa soạn lên xích lô để ra ga. Bình nhập đoàn với họ, mà không kịp có thời giờ rửa tay, và băng bó những vết sây sát trên người.

Ở ngoài Bắc, thời gian này Trại Nam-Hà đã hoàn toàn trở thành một trại tù hình sự.

Chỉ có những người đã chết thì vẫn còn nằm ở đây.

Năm này qua tháng nọ, có lẽ linh hồn các bạn đang yên ngủ ở đây vẫn mong chờ thân nhân tới bốc mộ, đem xương cốt họ về Nam?

Bình dẫn con của Trần Hàn tới một ngôi mộ cô đơn nằm cách nghĩa trang gần trăm mét.

Trong khi kiểm tra hàm răng của Trần Hàn, người con trai của anh Hàn đã thấy một cái răng vàng. Thời sinh tiền, hàm trên của Trần Hàn cũng có một chiếc răng vàng.

Vậy là đúng rồi! Chuyến đi hốt cốt này chắc chắn họ đã không đào nhầm mồ người khác.

Khi gom xương anh Hàn từ dưới mộ lên, anh Bình đã phát giác ra, xương cánh tay trái của Trần Hàn không nằm song song với người anh, mà nằm ở sau lưng anh. Chứng tích này có thể lý giải rằng tay trái của anh Hàn đã bị gãy vì tra tấn.

Xong việc cải táng, Lê Thái Bình giã từ gia đình Trần Hàn, giã từ Ðà Nẵng, lên tàu về Sài-Gòn.

Nhưng sau khi lên tàu hỏa được vài phút thì Bình sờ túi sau, cái bóp đã bị kẻ cắp chớp mất rồi! Vậy là Bình đành nhịn đói, chịu khát cho tới ngày về tới nhà tôi.

Thì ra, giờ đây, tay nghề của dân móc túi ga Ðà-Nẵng đã không thua kém gì tay nghề của kẻ cắp chợ Ðồng Xuân ngoài Bắc.

-oOo-

Dư âm xưa còn vang vọng…

Cuối năm 1988 chúng tôi bắt đầu nộp đơn để được xuất cảnh đi Hoa-Kỳ định cư theo chương trình H.O.

Những người có tên trên danh sách HO1, và gia đình của họ đã tới Mỹ từ tháng Giêng năm 1990, vậy mà tới tháng 5 năm 1992 Trại Z30D mới thực sự không còn ai là tù cựu binh Việt-Nam Cộng-Hòa nữa.

Bốn người tù sau cùng là Thiếu tướng Trần Bá Di, Thiếu tướng Lê Văn Thân, Thiếu tướng Lê Minh Ðảo và Thiếu tướng Ðỗ Kế Giai đã về tới nhà ngày 5 tháng 5 năm 1992.

Vì có thâm niên 13 năm tù, tôi có tên trên danh sách RD2 nên được ưu tiên xuất cảnh tiếp ngay sau cái đuôi của H15.

Tôi tới Mỹ tháng 4 năm 1993, và chưa một lần về thăm lại Việt-Nam.

Sáng nay tôi vừa nói chuyện với anh bạn cựu phi công Trần Tiến Bích, Bích hỏi tôi có nhớ chuyện cái radio ở Nam Hà A hay không, tôi trả lời rằng có nhớ. Thấy tôi chưa quên chuyện này, Bích bèn nói một hơi,

– Ông có nhớ cái đêm Thứ Bảy trời mưa, chiếc máy thu thanh cứ kêu “cà rẹc! cà rẹc!” khó nghe, tôi phải mở hết volume. Không ngờ âm thanh phát ra lớn quá làm cho thằng Tịnh chú ý, nó kiễng chân lên dòm chỗ tôi với ông nằm. Tôi sợ quá, báo cho ông biết. Vì thế sáng hôm sau ông đã chuyển cái radio qua Buồng 15. Nếu mình giữ nó thêm một ngày nữa thì ông và tôi dính cựa rồi!

Ghê quá! Ðến cái thùng chứa vôi bột trong cầu tiêu mà ông thường giấu chiếc radio cũng bị tụi nó lật úp để kiểm tra. Ghê quá!

Bạn Trần Tiến Bích nói đúng đó! Vì theo chu kỳ dự trù thì Buồng 16 sẽ giữ cái radio cho hết ngày Chủ Nhật, tới chiều Thứ Hai thì Tạ Văn Quang sẽ mang nó qua Buồng 15. Nhưng ngay lúc sáng tinh mơ Chủ Nhật, tôi đã mang nó sang Buồng 15 giao cho bạn Trần Tấn Hòa.

Tôi nghĩ rằng nếu tên Tịnh mà báo cáo cho cán bộ biết cái radio đang ở Buồng 16 thì chỉ có tôi và Trần Tiến Bích bị khám xét, không ngờ sáng Thứ Hai toàn trại bị thanh tra.

Nhắc tới Lê Văn Tịnh, tôi bèn hỏi Bích,

– Bích có biết giờ đây Lê Văn Tịnh còn sống hay đã chết? Nếu còn sống thì Tịnh đang ở đâu?

Bích cười,

– Muốn tìm cố nhân thì ông cứ lên Face Book mà nhắn tin.

Tôi biểu đồng tình,

– Ừ há! Ðể mình vào Face Book tìm xem có gặp được cố nhân không?

Bỗng dưng, danh từ “cố nhân” đã khiến Bích và tôi khao khát được nghe lại tiếng đàn của Lê Văn Chánh.

Vào những đêm mưa, Chánh thường ôm cây guitar hát đi, hát lại bài “Khối tình Trương Chi” của Phạm Duy.

“Ðêm năm xưa chưa nguôi lòng yêu ai

Duyên kiếp trong cuộc đời

Ðem xuống nơi tuyền đài

Ðể thành ngọc đá mong chờ ai…”

Xem thêm: Văn Hóa Quần Què

Lạ một điều là những lúc thả hồn theo từng nốt nhạc thì Lê Văn Chánh chỉ lim dim đôi mắt mà không khóc.

Nhưng giữa đêm khuya, tiếng đàn của nó nghe thảm thiết vô cùng.

Tiếng đàn của nó có lẽ còn buồn hơn là tiếng mưa rơi trên mái nhà.

Tiếng đàn đó đã làm cho hai hàng lệ nóng tuôn trào trên những đôi má đã khô cằn của những người tù già như Dương Khắc Ðệ, Nguyễn Hữu Huyến, Nguyễn Khắc Tĩnh.

Thế rồi tôi liên tưởng tới chuyện thăm nuôi, tới cái chết vì đạn lạc của cháu bé từ Nam ra Bắc thăm bố đang bị tù, và nhớ chuyện “Anh chui qua rào…” của người phi công què ở Nam-Hà A, tôi thắc mắc,

– Bích có tin gì về anh bạn Thần Tượng cụt chân ở Trại 9 không?

Bích cười hô hố,

– Nó đi H.O rồi! Ðang ở Texas! Giờ đây nó có chân giả, đi đứng ngon lành, đẹp trai, đắt đào lắm!

Nghe Bích nói thế, tôi cũng cười hô hố,

– Vậy là hắn ta hết còn được phân công làm việc nhẹ! Nếu gặp hắn, Bích cho mình gửi lời thăm.

Hết tâm tình cùng Trần Tiến Bích, tôi chuyển sang gọi Mai Văn Tấn, Tấn đang chơi với cháu, nhưng nghe tiếng tôi thì bỏ cả cháu mà bàn chuyện Trại Mễ, chuyện Trung tá Nguyễn Văn An, chuyện Binh nhì Bùi Bằng Ðoàn, chuyện bỏ đói, chuyện kiên giam…

Ðiện thoại của Mai Văn Tấn hết điện trì, tôi bèn bấm số Texas tìm Lê Thái Bình.

Thầy Bình đang làm công quả trong một ngôi chùa Việt-Nam ở Arlington.

Vậy là đôi bạn cố tri tranh nhau phát ngôn, nào là chuyện tôi và Bình đi hái trộm bắp của cán bộ cai tù để cứu đói cho bạn đồng cảnh ở Cẩm-Nhân, chuyện sau ngày ra tù hai đứa tôi chèo ghe vào mật khu Cờ Ðỏ, nghe thằng Việt-Cộng già, đảng viên Cộng-Sản thâm niên, chửi cha Cộng-Sản vì bị ngược đãi… vân vân.

Rồi tim tôi bỗng chùng xuống khi nghe thầy Bình nhắc tên những đồng ngũ vừa ra đi trong thời gian gần đây như Lê Minh Ðảo, Lê Văn Chánh, Trần Công Hạnh, Chu Trí Lệ, Tạ Văn Quang…

Thế hệ của chúng tôi sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong khói lửa.

Chúng tôi đã đem hết khả năng và cả xương máu của mình để bảo vệ quê hương. Ðất nước mất, chúng tôi là những người chịu trách nhiệm.

Chúng tôi đã trải qua những tháng ngày dài sống trong cảnh đọa đày.

Bởi vậy, những kỷ niệm đau buồn sẽ mãi mãi đeo đẳng trong đầu, không thể nào quên.

Cho dù nửa thế kỷ đã qua đi, nhưng dư âm của cuộc chiến Việt-Nam trong thế kỷ 20 vẫn chưa thể chấm dứt.

Người Việt Miền Nam vẫn còn âm ỉ mang trong lòng một nỗi đau.

Gần đây tôi nhận được một tin nhắn trên Face Book của một hậu duệ Việt-Nam Cộng-Hòa, nhờ các chú các bác có tin tức gì về bố của cháu thì cho cháu hay, vì sau ngày Miền Nam sụp đổ năm 1975, bố của cháu đã bị đưa ra Bắc để học tập cải tạo, tới nay, tháng 11 năm 2022 bố cháu vẫn chưa về.

Chiến tranh kết thúc đã 47 năm rồi, trại tù cũng đóng cửa lâu rồi, chắc không có ai ngờ rằng, giờ đây lâu lâu vẫn còn những chuyến tàu xuyên Việt chở theo xương cốt của cựu tù Việt-Nam Cộng-Hòa từ Bắc vào Nam… âm thầm.

Mấy chục năm qua, tôi đã có quá nhiều lần vẫy tay vĩnh biệt.

Mỗi khi bạn hữu hay người quen qua đời, tôi thường phân ưu hay chia buồn.

Nhưng có một ngày, tôi chợt nghĩ ra, đời mình đã quá buồn, quá khổ, nếu gánh thêm cái buồn, cái đau của người khác thì chỗ đâu mà chứa?

Thế là từ ấy, bạn bè hay người quen ra đi, tôi đều gửi cho thân nhân của họ lời nhắn sau đây:

“Chúc (anh, chị, ông, bà, bạn hiền, chiến hữu… vân vân) lên đường vui vẻ!”

Tôi đã nhìn đời với con mắt lạc quan hơn. Ðầu óc tôi cũng thanh thản hơn.

-oOo-

“U! U! Oa! Oa!”

Có tiếng loa vang vang, một con tàu sắp rời bến, nhường chỗ đậu cho một con tàu khác đang vào bờ…

“U! U! Oa! Oa!”

Tiếng loa nghe sao quá não lòng.

Phà cập bến, tôi không quen ai trong số những khách đang bước lên bờ.

Phà rời bờ, tôi cũng chẳng quen ai đang bước xuống phà.

Phà có hai trụ cờ, một lá cờ Hoa-Kỳ ở phía mũi, một lá cờ Hoa-Kỳ ở phía lái. Hai lá cờ bay phần phật trong gió.

Ðứng trên boong tàu có đôi người giơ tay vẫy về hướng bến từ giã.

Tôi cũng giơ tay đáp lại.

Tôi hy vọng rằng, nếu ngày nào đó tôi trở lại thăm chốn này, rồi tình cờ gặp lại người đứng trên boong tàu vẫy tay hôm nay, có lẽ người đó sẽ rất vui, và tôi cũng sẽ rất vui…

Hôm nay là một ngày cận kề lễ Thanksgiving 2022 ở Mỹ.

Trước mắt tôi là dòng nước đang trôi ra biển…

Ðứng nơi bến phà nối đôi bờ Mukilteo và Whidbey Island vùng Tây Bắc Hoa-Kỳ, nhìn hình ảnh chiếc phà rời bến, tôi chợt chạnh lòng nhớ lại chuyến phà qua sông Ðáy năm xưa.

Trên chuyến phà năm 1979 ấy có nhiều cựu binh Việt-Nam Cộng-Hòa đã qua sông nhưng không còn sống sót để trở về…

VML

Seattle, Thanksgiving Day 2022
Vương Mộng Long

Share Lại Hoài Niệm T.TT 


 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.