Jan 15, 2025

Tùy bút - Bút ký

Đà Lạt Trong Ký Ức Tuổi Thơ
Cao Hữu Đạt * đăng lúc 06:54:14 PM, Nov 03, 2023 * Số lần xem: 397
Hình ảnh
#1

 

              

 

Đà Lạt Trong Ký Ức Tuổi Thơ


 

 Đà Lạt trong ký ức tôi là những hoài niệm không bao giờ phai nhòa, tôi đã có một thời gian dài gắn liền với vùng đất lạnh này và cho mãi đến sau này, những kỹ niệm đó vẫn sẽ theo tôi đến hết cuộc đời này.

 Có lẽ tôi sẽ bắt đầu những trang tự sự này từ môt buổi sáng đầu tháng Chín của ba mươi tám năm về trước. Buổi sáng ngày hôm đó nó mang một ý nghĩa đặc biệt đối với tôi, theo một thói quen hàng ngày là mỗi sáng khi thức giấc là tôi lại ra cửa sổ phòng khách, vén màn và ngắm khung cảnh ở trước nhà, phóng tầm mắt xa hơn về phía Đồi Cù xanh mướt và tha hồ mơ mộng…

     Buổi sáng hôm ấy lòng tôi thật xao xuyến với đầy sự bịn rịn, nuối tiếc vì kể từ ngày hôm đó tôi sẽ mãi mãi rời xa ngôi nhà thân yêu, ngôi trường Hùng Vương thân yêu và Đà Lạt thân yêu để cùng gia đình bắt đầu một cuộc sống mới tại Nha Trang với môi trường hoàn toàn mới, chưa biết thế nào. Tôi sẽ bỏ lại Đà Lạt căn nhà thân yêu này cùng với đám bạn bè thân thiết với đủ các trò chơi nghịch ngợm, những buổi picnic ở Hồ Than Thở, Vườn Bích Câu, những lần đi hội chợ ở Nhà thờ Domaine de Marie rồi những buổi chiều tà bên Hồ Xuân Hương... cùng những thói quen một thời và biết bao nhiêu điều nữa, tất cả chỉ còn là quá khứ và thế là tôi bật khóc một cách ngon lành. Rồi từng kỷ niêm cũ lại hiện về trong tôi như những thước phim…


Bắt đầu từ ngôi nhà thương yêu này, căn biêt thự mang số 41 Đinh Tiên Hoàng, nằm trên một ngọn đồi bên hữu của trường Bùi thị Xuân, từ đây có thể nhìn bao quát cả cái Đồi Cù thơ mộng với những rặng thông xanh biếc. Con đường Đinh Tiên Hoàng bắt đầu từ bờ Hồ Xuân Hương chạy men theo Đồi Cù và Giáo Hoàng Chủng Viện kéo dài đến tận Ngã Năm Đại học, theo tôi thì đây có lẽ là một trong những con đường đẹp nhất của Đà Lạt. Dạo đó mẹ tôi và các đồng nghiệp dạy lâu năm ờ trường Bùi Thị Xuân, được chính phủ cấp cho đất để làm nhà, căn nhà này từ lúc bắt đầu xây dựng cho đến khi hòan thành là cả biết bao  tâm huyết và công sức của ba mẹ tôi, để có tiền làm nhà ngoài số tiền dành dụm của ba mẹ tôi và sự hỗ trợ của ông ngoại tôi, ba tôi ngoài việc dạy chính ở trường Trần Hưng Đạo thì ba tôi phải dạy thêm nhiều ở các trường tư thục khác như Trí Đức, Văn Học, Bồ Đề… để có đủ tiền làm nhà và cuối cùng căn nhà xinh xắn ấy cũng hoàn thành với bao sự mãn nguyện của ba mẹ tôi, ngày dọn về nhà mới mẹ tôi vui quá, mấy đêm liền không ngủ được cứ đi lui đi tới mà ngắm các phòng trong nhà.

     Tôi thì thích nhất là cái lò sưởi, những năm ấy Đà Lạt lạnh lắm, cái cảm giác cả nhà quây quần bên lò sưởi những buổi tối mùa đông nướng bắp, lùi hạt dẻ, khoai lang và bóc ra ăn còn nóng hổi thật không gì bằng. Lúc đó trong vườn mẹ tôi trồng rất nhiều hoa, đủ các giống hoa mà mẹ tôi xin từ bạn bè và các chị học sinh Bùi Thị Xuân mang đến cho như Coquelicot, Ortansia Geranium, Hồng… Vì Đà Lạt  mưa rất nhiều nên trong vườn nhà tôi cũng mọc nhiều loài hoa dại như Tường Vi ven hàng rào, hoa Bươm bướm và Cúc Marguerite trắng… gần cửa sổ phòng ngủ mẹ tôi còn trồng cả một cây Mimosa hoa vàng mùi thơm rất dịu, lá có xen lẫn những hạt phấn hoa màu trắng, thỉnh thoảng tôi lại hái xuống một nhánh nhỏ để ép vào vở học.


     Những đêm trăng sáng từ cửa sổ phòng khách  có thể nhìn thấy rất rỏ cái Đồi Cù, ánh trăng len lỏi vào phòng khách, những đêm đó ba tôi thường mở đĩa hát cho cả nhà nghe Moonlight Sonata bất hủ của Beethoven. Rồi cứ mỗi Mùa Giáng Sinh về gian phòng khách lại trở nên lộng lẫy và ấm cúng hơn với cây thông. Thuở ấy người Đà Lạt thường dùng cây thông tươi để trang trí, muốn có thông thì phải vào tận những cánh rừng xa ở ngoại ô để kiếm và cả nhà cùng nhau trang trí cây thông, ôi cái mùi thơm của lá thông và nhựa thông, vào đêm Giáng Sinh hai anh em tôi cũng không quên để bít tất ở bên lò sưởi nhận quà của ông già Noel…  cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được những cảm xúc êm đềm ấy trong ngôi nhà thân thương.

     Có ai ngờ buổi sáng hôm đó lại chính là buổi sáng cuối cùng tôi được đứng ngắm cảnh trong ngôi nhà thân thương của mình. Sau khi nhà tôi chuyển về Nha Trang thì ba mẹ tôi cho một thương gia người Hoa ở Sài Gòn thuê lại căn nhà để con cái ông ấy ở mà theo học Đại học Đà Lạt. Sau 1975 căn nhà tôi lại bỏ hoang, không ai trông coi, cỏ dại mọc um tùm, vì đi lại khó khăn nên thỉnh thoảng mới ghé lên thăm qua, ngay cả khi ba tôi quay lại dạy thỉnh giảng ở Đại học Đà Lạt ba tôi cũng ở lại ký túc xá của đại học chứ cũng không ở nhà. Vì không ai trông coi nên đến năm 1979 ba mẹ tôi đã phái bán căn nhà náy với giá rất rẻ, mẹ tôi đã khóc rất nhiều.

     Tôi đã trải qua năm năm tiểu học dưới mái trường Hùng Vương (Trung Tâm giáo dục Hùng Vương Đà Lạt), hồi ấy ở miền Nam chỉ có bốn Trung tâm kiểu này là Hùng Vương Đà Lạt, Hàn Thuyên Nha Trang, Nguyễn Hiền Đà Nẵng và Lê Quí Đôn Sài Gòn, một nửa số giờ học Pháp văn với thầy người Pháp, một nửa số giờ học chương trình Việt  với thầy người Viêt kéo dài từ tiểu học lên đến hết trung học đệ nhị cấp. Ngôi trường rất đẹp và được xây dựng bề thế uy nghi, tiền thân của nó là Lycée Yersin từ thời Pháp thuộc, nơi đây chất chứa bao nhiêu kỷ niệm vui buồn trong năm năm học ấy. Cái tháp chuông cao ngất ngưỡng của trường mà gần như cả Đà Lạt đều nhìn thấy và hình ảnh này cùng với nhà Thủy Tạ đã gắn liền với biểu tượng của Đà Lạt. Hàng ngày anh em tôi được xe trường đưa đón đi học, những buổi sớm tinh mơ đi ngang qua bờ hồ với sương giăng lãng đãng trên mặt hồ và trên những cành thông, đi ngang qua cái Am Sohier thấy nhiều người hì hục khấn vái, gọi là Am Sohier vì cái Am ấy nằm đối diện với nhà thương của bác sĩ người Pháp Sohier, xe băng qua con đường trước Nha Địa Dư rồi vào trường. Sáng sớm đứng trong sân trường trời rất lạnh, tôi và các bạn nói chuyện mà thở ra hơi, từng đàn chim én trong mái trường bay tủa ra khắp nơi dưới ánh nắng ban mai.

     Một trong những kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên là những buổi học tiếng Pháp của năm lớp 2, năm đó ông thầy dạy chúng tôi là thầy Bernard rất dữ và nóng tính, tôi thì hay có tật lơ đễnh và mơ mộng, gặp lúc ông ấy hỏi tới thì ú ớ và thế là bị liền mấy cái tát, bị đánh hoài nên thấy giờ học tiếng Pháp như một cực hình và thế là tôi và thêm mấy đứa bạn nữa rủ nhau trốn học. Cứ mỗi lấn trốn học là đâu dám ở trong sân trường vì sợ thầy tổng giám thị bắt gặp và thế là chui qua hàng rào xuống cái đồi bên hông trường gần bờ hồ chơi hay chạy vào sân bóng Cô Giang đá bóng rồi đến giờ tiếng Việt thì vào học lại, việc trốn học này kéo dài gần một tháng thì ba tôi nhận được thông báo của cô Tứ hiệu trưởng và thế là ngày hôm ấy tôi bị một trận đòn nên thân và lúc đi học lại thầy Bernard nhìn vào những vết roi còn hằn trên cánh tay tôi mà tỏ ý hả hê lắm. Trong những tháng năm ở trường Hùng Vương, người thầy đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất đó là thấy Huỳnh Bào dạy tôi năm lớp 4, thầy có một lối truyền đạt rất hay và hấp dẫn, tôi đã lĩnh hội từ thầy rất nhiều kiến thức về lịch sử và khoa học thường thức. Ôi mái trường xưa nơi chất chứa bao nhiêu hình ảnh hồn nhiên và đầy tinh nghịch của thuở thiếu thời

.
    Đồi Cù, nơi ghi dấu bao kỳ niệm của tôi và đám bạn bè trong xóm với những lần dám trốn nhà qua tận bên ấy mà bắt dế, thả diều, chơi trốn tìm, hái quả ngũ  sắc chín cho vào ruột bút Bic bắn vào áo nhau hay chia phe đánh trận... Dạo ấy một số người giàu có ở Đà Lạt có cái thú vui là lái xe lên Đồi Cù vào dịp cuối tuần để chơi máy bay, đó là những chiếc máy bay nhỏ chạy bằng động cơ nổ và điều khiển bắng sóng vô tuyến, tiếng máy bay rền rang cả ngày làm bọn tôi háo hức lắm. Và thế là vào một ngày đẹp trời cả bọn rủ nhau lên tận nơi để mục kích sở thị, nhìn mấy bác ấy điều khiển những chiếc máy bay  lúc thì lên cao khi thì hạ xuống rất điệu nghệ mà bọn tôi mê quá không muốn về.

     Một nơi chốn khác của Đà Lạt mà luôn gắn liền với những ngày thơ ấu của tôi đó là Khu Hòa Bình, thuở đó cứ mỗi lần được ba tôi cho lên xe hơi chở ra phố là tôi thích lắm, từ phố ở đây là để chỉ Khu Hòa Bình, nơi nhộn nhịp và tấp nập nhất của Đà Lạt, những cái bảng hiệu mang tên: Việt Hoa, Đức Xương Long, Cao Nguyên,  Bích Đào, Tân Viêt, Liên Thanh, Bùi Thị Hiếu… nó đã ăn sâu vào tâm khảm tôi đến tận bây giờ. Được đi phố là đồng nghĩa với việc được ăn một cái bánh choux à la cream của hiệu bánh Thanh Nhàn, một khúc bánh mì baguette giòn tan của lò bánh mì Vĩnh Chấn, ngắm nhìn những cuốn truyện tranh trong nhà sách Hòa Bình, được dán mắt vào những món đồ chơi hấp dẫn bày trong tủ kính của mấy hiệu buôn người Ấn Độ, hay ở tiệm Hoàng Ngọc Bửu và biết đâu lại còn được mua môt món đồ chơi mang về, thích quá đi chứ. Khi ấy, Khu Hòa bình còn là tâm điểm của người Đà Lạt và cả du khách, cứ mỗi lần ra đây là ba mẹ tôi có thể gặp được các bạn bè và người quen, hễ cứ hôm nào gặp bác Đó,  bạn dạy cùng Trần Hưng Đạo với ba tôi là y như rằng hôm ấy bác Đó phải kéo cho được ba tôi vào nhà hàng Mekong mà ngồi uống trà Lipton hoặc cà phê  để hàn huyên, còn phần tôi thế nào cũng được một chai Coca hoặc một cái bánh và tha hồ ngồi ngắm dòng xe cộ và người qua lại tấp nập trên phố qua khung cửa kính của nhà hàng.

     Còn nếu đi phố để vào phòng răng của bà nha sĩ Sâm mà chữa răng, cái bà nha sĩ hay lái cái xe Hoa kỳ to tướng màu xanh lá cây  thì ôi thôi sợ phát khiếp. Nhưng cũng có những hôm ở  phòng răng bà Sâm ra tôi lại được thưởng bằng môt chầu xem phim ở rạp Hòa Bình hay Ngọc Lan, tới rạp xem phim cũng là một thú giải trí không thể thiếu được của gia đình tôi và người Đà Lạt thời ấy. Hồi đó, với trí óc non nớt của một cậu bé, tôi chỉ thích xem những bộ phim cao bồi có  những màn cưỡi ngựa, bắn súng. Cũng có lần được xem phim ”Tora, Tora, Tora” đóng về cuộc oanh kích của quân Nhật ở Trân Châu Cảng, tôi mê quá  ngày hôm sau lên trường say sưa múa mép với đám bạn. Chả bù cho cái lần đi xem bộ phim ”Les parapluies de Cherbourg” trong phim chỉ toàn hát với hát, cứ “Oui monsieur!” rồi “Oui  madame!”… và thế là tôi ngủ cho đến khi hết phim, trong phim cũng toàn cảnh trời mưa cùng hình ảnh những chiếc ô và khi ra khỏi rạp Hòa Bình thì trời Đà Lạt cũng mưa tầm tả và thế là cả nhà tôi lại lúp xúp che chung một cái ô băng qua đường đến ăn tối ờ cái dãy hàng ăn uống đối diện với khách sạn Thủy Tiên, kéo dài đến trước trường Đoàn Thị Điểm. Ở khu này có rất nhiều món ăn ngon và bình dân như bánh cuốn nóng chả lụa, xôi gà, mì xào giòn,cháo vịt... món nào cũng hấp dẫn, trong cái tiết trời mưa lạnh của Đà Lạt, bụng đang đói cồn cào mà được ngồi trước một đĩa bánh cuốn bốc hơi nghi ngút, ôi thât tuyệt.


   
Nói về ăn uống thì lúc đó Đàlạt có  nhiều nhà hàng và quán ăn ngon nhưng để lại trong ký ức của tôi nhiều nhất vẫn là Nam Sơn và Cẩm Đô, có lẻ vì đây là hai nơi tôi được thường xuyên lui tới và cả hai đều là nhà hàng Trung Hoa. Ở Nam Sơn tôi rất thích món bồ câu quay, có một hôm vì mải mê ăn quá mà khi ra về quên mất viêc phải cởi bỏ lại cái khăn ăn giắt nơi cổ và thế là ba tôi phải quay lại để trả khăn ăn cho nhà hàng. Còn ở nhà hàng Cẩm Đô tôi cũng có một kỷ niệm khó quên là vào dịp sinh nhật lần thứ 9 của tôi, bác sĩ Thọ bạn ba tôi mời cả nhà tôi đi ăn tối ở đây, hôm đó có món nai nướng cuốc và bánh xếp nước rất ngon và đây cũng là những món có tiếng của nhà hàng. Trước lúc về bác đã không quên ghé lên hiệu sách Hòa Bình mua cho tôi mấy cuốn truyên Tin Tin và Lucky Luke. Tôi cũng không thể nào quên được cái món kem dâu thơm lừng mùi dâu tươi của Việt Hưng. Buổi sáng Chủ Nhật sau khi đi Lễ ở nhà thờ Con Gà, thỉnh thoảng ba mẹ tôi đưa hai anh em vào đây ăn kem. Tiệm kem nằm trên môt dãy kiosque ở đường Thành Thái cũ, tiệm này của gia đình cô Phương Thu bạn thân của mẹ tôi, cô Phương Thu cũng dạy Anh văn ở Bùi Thị Xuân, đến năm 1974 thì cô làm hiệu trưởng trường này. Sau này ĐàLạt cũng còn thương hiệu Việt Hưng nhưng đã đổi chủ.

     Nói đến Đà Lạt là tôi phải nói đến một sự kiện quan trọng và nó đã gắn liền với cuôc đời tôi sau này đó là năm tôi lên 9, tôi và em tôi được ba mẹ cho đi học đàn piano. Người thầy piano đầu tiên của tôi là cô Trần Thị Huệ, cô là giáo sư Pháp Văn ở trường Bùi Thị Xuân nhưng cô chơi piano rất giỏi và cô có mở một lớp dạy piano tại nhà cô trong khu cư xá cũ của trường Bùi Thị Xuân. Cô là người đã trao cho tôi chiếc chìa khóa để mở cánh cửa vào khu vườn âm nhạc. Cả lớp piano của cô chỉ độc môt mình tôi là con trai nên tôi thường hay bị đám bạn trai trong xóm trêu chọc hoài. Ngày ấy ở Đà Lạt chỉ những người giàu mới dám cho con học piano vì tiền mua một cái đàn là bằng cả môt gia tài, nhà tôi lúc ấy cũng không có đàn nhưng ba mẹ tôi cũng vẫn cho đi học và tôi cũng còn lưu giữ tấm hình tôi chụp chung với cô và các bạn cùng lớp piano. Sau 1975 gia đình tôi cũng mất liên lạc với cô Huệ, nghe đâu cô cũng đã định cư ở nước ngoài. Cô có ngờ đâu đứa học trò con trai duy nhất trong lớp của cô ngày ấy cũng đã noi theo nghiệp của cô, nếu biết đươc thì chắc cô vui lắm, tôi ước mong qua trang web “Đà Lạt Dấu Yêu” (dalatdauyeu.com) hai cô trò có thể gặp lại nhau.

     Ôi Đà Lạt ơi, cả một khung trời kỷ niệm mà tôi không thể nào viết hết được, tất cả như là môt phần của cơ thể tôi. Đà Lạt lộng lẫy, thơ mộng của môt thời, dường như tôi mang nợ Đà Lạt môt món nợ ân tình rất lớn. Và rồi như một cơ duyên với Đà Lạt, trong một lần quay lại Đà Lạt tôi đã gặp và yêu một người con gái Đà Lạt, người trở thành vợ tôi bây giờ. Và cứ thế Đà Lạt dấu yêu đã, đang và mãi mãi là của tôi tự bao giờ.


Cao Hữu Đạt




Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.