Jan 14, 2025

Tùy bút - Bút ký

Tôi Bị Bắt
Trần Vàng Sao * đăng lúc 09:15:32 PM, Oct 30, 2023 * Số lần xem: 347
Hình ảnh
#1

 

  
                               
                                     Tôi Bị Bắt
                                       Trần Vàng Sao

             

1
(Nhớ lại những năm tháng tôi bị bắt rồi được thả ra và sống như tù)
 
Lời người sưu tầm: Tài liệu mà tôi gởi tới độc giả sau đây là một tập hồi ký, dày 134 trang A4 đánh máy vi tính chữ nhỏ xuất hiện dưới hình thức samizdat được photocopy (thứ văn chương chuyền tay khá phong phú ở Việt Nam sau những năm “đổi mới”) cách đây có hơn 10 năm [1] . Tác giả của nó là Trần Vàng Sao (tên thật là Nguyễn Đính), một người làm thơ ở miền Nam, nhưng vào những năm 60 của thế kỷ trước, đã cùng với nhiều bạn bè đồng lứa đứng lên chống lại chế độ chính trị của miền Nam lúc đó bằng cách “đi lên núi” để cuối cùng, sau khi thoát khỏi bom đạn Mỹ, anh đã vướng phải một tai hoạ cực kỳ tệ hại.
Cuốn hồi ký này kể lại cái tai hoạ đó khi từ chiến khu, anh được đưa ra miền Bắc trị bệnh: ở nơi đây, sau một thời gian quan sát, anh đã ghi lại những suy nghĩ của mình về cái gọi là “hậu phương xã hội chủ nghĩa” đó bằng nhật ký và chính vì những suy nghĩ ghi thành chữ viết này anh bị các đồng chí của mình truy bức, nguyền rủa, phỉ nhổ, cô lập, đến chỗ như anh cho biết anh không còn được coi là con người mà đã thành “một con vật, một con chó”. Trong rừng, tôi đã nghe biết một số trường hợp những trang nhật ký bị tố cáo, nhưng chưa thấy có trường hợp nào sự tố cáo lại dẫn đến một cuộc hành hạ, trừng trị độc địa như trường hợp của Trần Vàng Sao.
 
Những ai đã đọc Đặng Thuỳ Trâm cùng những bàn tán về nhật ký của chị, khi đọc xong hồi ký của Trần Vàng Sao, sẽ thấy rất khó mà coi các tài liệu chiến tranh này là những “bản chứng nghiệm chân thực của lịch sử” – như có một tác giả nào đó đã cho là vậy. Tuy cùng “chung một chiến hào”, thuộc cùng một thế hệ những người đi vào chiến tranh (Trần Vàng Sao cũng sinh năm 1942 như Đặng Thuỳ Trâm), nhưng những giá trị mà Đặng Thuỳ Trâm tin tưởng một cách “chân thực” để sống và để chết thì đối với Trần Vàng Sao lại chỉ là những điều huyễn hoặc đơn thuần. Không thể nói là không “chân thực” nỗi thất vọng của một trí thức như anh, một người đi qua máu lửa để tìm đường chợt thấy trước mắt mình hiện ra một khoảng hư vô mù mịt.
 
Với tai hoạ ấy, anh đã bị đẩy vào tình thế đứng giữa hai lằn lửa. Là người miền Nam, nhưng anh đã phủ định cái huyền thoại ngô nghê về một “một miền Nam đúng nghĩa” dưới một chính thể mệnh danh “dân chủ, tự do, no ấm” để chọn lựa đi về “phía bên kia”, cuối cùng đã bị cả “phía bên kia” lẫn “phía bên này” kết án. Ngày nay, với sự xuất hiện lại của hồi ký này, không thể loại trừ những tố cáo ấy sẽ tái diễn, và nếu như vậy thì cũng chẳng có gì khó hiểu. Như có người đã nói rồi, cuộc chiến đã chấm dứt 30 năm nhưng những vết thương mà nó để lại trong lòng người còn quá sâu đậm: bên cạnh hàng triệu người vui vẫn còn hàng triệu người buồn. Những vướng mắc trong quá khứ vẫn chưa tìm được cơ sở chung để tháo gỡ một cách thanh thản, hoà bình.
 
Dù sao, tôi thấy giới thiệu lại những trang hồi ức của Trần Vàng Sao như dấu tích của một thời đã qua vẫn là cần thiết, nhất là với những ai chợt thấy có mong muốn nhìn lại cái thời đã qua ấy một cách nhiều mặt hơn: ngoài những tiếng nói của hai phe đối nghịch có đủ lý do (Bắc/Nam, quốc/cộng…) để tố cáo nhau một cách ác liệt, còn có tiếng nói của những người cũng có đủ lý do để không còn phải đứng về phe nào trong hai phe ấy nữa. Có thể chẳng giải quyết được gì: nhiều lắm cũng chỉ là trải nghiệm của một cuộc dấn thân máu lửa, cần được nhắc đến để rọi sáng thêm một cuộc máu lửa mà những hệ luỵ của nó chưa chịu nằm yên trong những nấm mồ. Sự chân thực mang tính chất nhân chứng ở đây không có lý do nào chính đáng để nâng mình thành sự chân thực của bản thân lịch sử, dù đó là sự chân thực của một niềm tin hay là sự chân thực của một hận thù.
 
Sài Gòn ngày 2.11.2005
 Lữ Phương

I. Ở K65 thị xã Sơn Tây

1.
 
“Ngồi đó!”
 
“Ngồi đó!”
 
“Ngồi xuống!”
 
“Ngồi xuống đó!”
 
Một hai ba ông không nhìn tôi chỉ cái ghế quay lưng ngay ở cửa ra vào nói. Tôi ngồi xuống, rồi dớm người kéo vạt áo bông lên. Hình như hai cái bàn đâu lại với nhau. Ghế, ghế xung quanh. Tôi nghe tiếng chân ghế kéo lẹt xẹt trên nền xi măng. Rất nhiều ông đã ngồi trước. Rất nhiều ông đội mũ cát dạ, kiểu Trung Quốc, kiểu Liên Xô; một hai ba cái mũ bê-rê. Tất cả đều mặc áo ấm, áo đại cán và áo bông, và choàng khăn cùng một loại bằng len, chỉ khác màu, lấm tấm đỏ đen xanh trắng. Tôi lấy thuốc ra hút. Trước mặt tôi là cái cửa sổ to rộng, nhiều cánh, không có song và tàng cây xanh ở ngoài xa. Sột soạt, với tiếng ghế đụng nhau, họ soạn sổ sách, giấy bút. Tất cả bọn họ đều là một màu xanh đậm đen và đen, và to phồng. Mặt của họ đỏ, đen chì, trắng xám, có mặt đỏ láng. Số đông bọn họ đều già, tuổi từ 50 trở lên. Có một hai người suýt soát trên dưới 40. Bọn họ đều lạ đối với tôi và hầu hết tôi không biết tên, và nếu tôi có biết thì cũng nghe họ xưng hô với nhau. Tôi cũng không biết rõ họ là ai, ở đâu đến.
 
Tôi nghe có tiếng nói giữa đám người đó, giọng Thừa Thiên pha giọng Bắc rất khó chịu:
 
“Thôi, làm đi!”
 
Ông vừa nói tên Lai, mặt đỏ láng.
 
Một người mở tờ giấy ra để trước mặt và đọc:
 
“Họ và tên: Nguyễn Đính. Sinh ngày: 12-12-1942…”
 
Người đó dướng hai con mắt khỏi cặp kính ngó tôi; nói bằng giọng Quảng cũng pha Bắc chớt chớt:
 
“Thật không?”
 
Tôi ngó người đó không trả lời. Người đó cuối xuống đọc tiếp. Trong lúc ông này đọc lý lịch của tôi, tất cả bọn họ đều ngó chằm tôi. Một ông trễ kính xuống đầu chót mũi dướng mắt ngó; một ông nghiêng đầu sang ông bên cạnh miệng mấp máy, mắt liếc xéo tôi; một ông dim mắt tay đỡ cằm ngó tôi; một ông dựa ngửa nhìn tôi qua khói thuốc; một ông miệng méo như cười, tai đụng vai ngó tôi, ông nữa phía bên cạnh chống tay một bên đầu, răng cắn vào môi ngó tôi; ông nữa cắn gọng kính khịt mũi ngó tôi; ông nữa vừa xoay vừa thổ xuống mặt bàn cái bi-kê Trung Quốc, đánh hai hàm răng theo nhịp ngó tôi; ông nữa mím thít hai hàm răng, bạnh cằm ra ngó tôi; ông nữa cắn răng vào khẩu tay ngó tôi; ông nữa ngửa mặt lên trần ngó mắt xuống vào tôi.
 
Ông kia đọc xong, một ông khác dựa ngửa gõ gõ cả bàn tay xuống mặt bàn, gục gặc đầu, hất hàm hỏi:
 
“Anh khai thật chứ?”
 
Tôi nghe tiếng nước chảy dưới nhà lỏng bỏng. Có tiếng đàn bà nói:
 
“Mở nước ra rồi thì phải đóng lại chứ. Lãng phí thế này…”
 
Tiếng nước chảy to hơn, nước đổ vào cái thau men thì phải; tiếng bọt sủi, nước tràn rồi. Chỗ này thỉnh thoảng tôi hay rửa chân cho mát khi đi qua đây. Tiếng nước tắt. Tiếng người đàn bà:
 
“Đun nước lên con!”
 
“Từ ngày ra Bắc đến bây giờ anh đã làm gì?” Cái ông tên Lai mặt đỏ láng, đội mũ cát xanh gần như đen kiểu Trung Quốc, lắc người trên ghế. Khi cái ghế dừng lại, ông ta chồm người ra phía trước, nói như thế. Hai con mắt ngó thẳng vào tôi. Hết câu ông ta dựa ngửa người lại, mười ngón tay gõ hết lên mặt bàn, điếu Điện Biên bao bạc ngậm trên miệng, đầu hất ra phía trước, cằm đụng vào cái cổ áo lông màu đà. Hai hàm răng ông Lai đó mở ra:
 
“Nói đi và nói thật!”
 
Có tiếng kẹt bi-kê. Tôi rút một điếu thuốc, rối vuốt điếu thuốc cho thẳng. Tôi đưa điếu thuốc lên môi, hai bàn tay đan vào nhau trên mặt bàn. Tôi không hút. Tôi khịt mũi, rồi lấy điếu thuốc ra khỏi miệng và nhổ từng sợi thuốc dính trên môi ra. Tôi hút thuốc.
 
Hôm đó là sáng 25 tháng 1 năm 1972 tại Viện điều dưỡng K65 ở Thị xã Sơn Tây.
 
Đêm hôm qua, khoảng bảy tám giờ, tôi thấy có một người đàn ông trên 50 tuổi vào phòng tôi ngồi nói chuyện với ông già người Phú Yên tên Giác ở cùng phòng với tôi. Trong khi nói chuyện, thỉnh thoảng ông người lạ này giả đò bâng quơ nhìn tôi. Lúc đó tôi ngồi ở phòng trong. Tôi không để ý đến thái độ của ông ta. Tôi đang đọc và viết.
 
Bảy giờ sáng hôm sau, ngày 25-1-1972, ông trưởng khối bệnh nhân đến gặp tôi nói:
 
“Anh qua gác hai nhà C, có mấy anh ở trên gặp.”
 
Thôi, tôi bị rồi. Tôi đi dọc dãy hành lang. Những con mắt, những con mắt ngó tôi không như thường. Họ biết hết tôi rồi. Họ đã cùng nhau họp hành, sắp xếp hết cho tôi rồi. Tôi bị dòm ngó như một con quỷ sứ bắt đầu từ dãy hành lang này, từ ngày này.
 
Gần một tháng nay tôi đã đoán biết mọi sự rồi sẽ xảy ra cho tôi. Nhưng tôi không biết người ta sẽ xử tôi như thế nào và bằng cách nào. Cách đây một tháng, bà bác sĩ chủ nhiệm khoa tôi ở, tên Quy, đến báo cho tôi biết:
 
“Sáng mai anh về E2 kiểm tra sức khỏe và nhất là để chụp phim lại cái dạ dày. Anh nhớ mang theo quần áo để dùng trong một tuần.”
 
E2 là bệnh viện dành cho cán bộ miền Nam ra Bắc chữa bệnh. Bệnh viện này ở làng Cổ Nhuế cách trường đảng Nguyễn Ái Quốc độ ba trăm mét. Về E2 kiểm tra sức khỏe là phải ở lại đó một tuần. Tôi hoàn toàn không biết đây là sự sắp xếp của Ban bảo vệ Đảng (thuộc Ban Thống nhất của Chính Phủ) (?) và Cục đón tiếp cán bộ B. (Tất cả các cơ quan bí mật hay công khai này tôi không biết rõ, chỉ gọi chung là Ban Thống nhất hoặc Cục đón tiếp).
 
Tôi lại cho là tôi gặp may, vì đây là một dịp tôi ở gần Hà Nội để đi chơi với Nguyễn Hữu Ngô, Hồ Tính Tình (bí danh là Hồ Thanh) và những anh em bạn bè khác. Hơn nữa, thường sau một thời gian chữa bệnh, người nào được kiểm tra lại sức khỏe tức là sắp sửa chuẩn bị vào Nam lại. Lúc này tôi rất muốn trở lại chiến trường. Tôi vui. Những ngày ở E2 thỉnh thoảng tôi về Hà Nội ở chơi với bạn bè. Thời gian này tôi viết tiếp cho xong bài thơ dài trên 500 câu: “Bản Thánh ca của một người dựa cột đình liếm lá bánh”. Một sáng thứ bảy tôi thanh toán tiền ăn của tôi những ngày ở E2 (tất cả đều trên giấy tờ). Sáng Chủ nhật tôi qua K10 ở Gia Lâm thăm ông Sự. Ông Sự là Phó ban tuyên huấn Thành ủy Huế ra Bắc chữa bệnh và học tập. Lúc đó, ông ta đang ở K10 bồi dưỡng sức khỏe chuẩn bị vào Nam. Tôi ngỏ ý với ông Sự là tôi muốn trở lại chiến trường và nhờ ông tạo điều kiện cho tôi vào càng sớm càng tốt. Khác với những lần gặp trước, bao giờ ông Sự cũng hỏi tôi đã khỏe chưa, vết thương ở đầu gối và cái bụng thế nào, có đủ sức leo dốc không. Lần này ông Sự chỉ ậm à ậm ừ với tôi. Tôi không để ý đến thái độ lạnh nhạt của ông đối với tôi. Tôi hỏi ông:
 
“Bao giờ anh vào lại?”
 
Ông Sự loay hoay xếp dọn, lục lọi, tìm kiếm những thứ vặt vãnh giấy má gì đó giữa giường, trong ba lô với những cử chỉ, động tác của chân tay quờ quạng lúng túng, thừa một cách vô ích, thỉnh thoảng lại khịt mũi vài cái. Ông nói không nhìn tôi:
 
“Cũng chưa biết nữa.”
 
Rồi xoay qua xoay lại Ông nói lảng một mình:
 
“Chà không biết để mô hè?”
 
Tôi đi gặp một vài người quen ở các phòng gần đó. Lúc tôi quay lại thì ông Sự đã đi đâu rồi. Tôi tìm một miếng giấy loại để đi cầu. Tôi thấy ở dưới đất phía trên đầu giường của ông Sự một tờ giấy vo tròn lại. Tôi nhặt lên. Vào ngồi trong cầu, tôi trăn tờ giấy ra, hoàn toàn tình cờ. Chữ của thằng Trần Nguyên Vấn, bằng bút bi bấm màu xanh viết trên giấy kẻ ngang, tờ ét, xếp đôi. Hèn gì ông Sự đối xử với mình lạnh nhạt và đờ đẫn. Lâu nay tôi có hơi nghi thằng Nguyễn Viết Trác (chứ không nghĩ nó có thể phản tôi), tôi nghi ngờ về lòng thành thật và thẳng thắn của hắn. Khi nói chuyện với tôi, nhất là về chuyện chính trị, về tình trạng xã hội ở miền Bắc, về chiến tranh, về Đảng… hắn bao giờ cũng chỉ ậm ờ và làm ra vẻ lắng nghe, và không bao giờ tỏ vẻ phản đối hay đồng ý. Còn thằng Trần Nguyên Vấn, hắn ở với tôi cùng một cơ quan trong rừng. Lúc ra Hà Nội cho đến lúc này, hình như tôi có gặp một hai lần gì đó. Nó không biết gì về tôi lúc ở miền Bắc hết. Chỉ có thằng Trác. Tôi giật mình và đắng cuống cổ. Tôi hoàn toàn không ngờ và cho đến hôm nay, ngày 25 tháng 1 năm 1972, người ta đem xử tôi, tôi cũng không nghĩ là người ta đã xử sự với tôi như thế. Không phải là công việc của họ đã được tổ chức và âm mưu một cách bí mật, rất tài nên tôi không biết được. Thực sự lúc này đây, lúc tôi đang ngồi trong cầu tiêu của K10 này, tôi đã dự đoán được một đôi điều sẽ xảy đến cho tôi và tôi đã biết người muốn “lật tẩy phản động, chống Đảng” của tôi là ai. Tôi cho rằng tôi không có gì phải sợ về những điều tôi viết trong nhật ký và trong những bài thơ của tôi lúc tôi ở miền Bắc. Trong thư gửi cho ông Sự mà tình cờ tôi tưởng là giấy loại đó và lúc này tôi ngồi trong nhà cầu đang đọc đây, thằng Vấn báo cho ông Sự biết công việc của hắn và thằng Trác, đại ý thế này: Cả hai đứa đã làm việc với Ban bảo vệ Đảng và Cục đón tiếp cán bộ B về tôi và hỏi ý kiến ông Sự với tư cách là thủ trưởng của tôi về cách xử lý trường hợp của tôi như thế nào. Cứ như lời lẽ trong thư thì thằng Vấn không nói trắng ra nhưng cố giành phần lớn công cho hắn về việc “phát hiện tôi là một tên phản động chống Đảng”. Khoảng năm 1978, 1979 gì đó; Võ Quê có nói với tôi “ông Trác luôn vỗ ngực cho là mình đã lập được một công lớn là phát hiện Trần Vàng Sao là một tên phản động”. Võ Đại Ngẫu kể hồi 1976 hắn gặp thằng Vấn ở Hà Nội, thằng Vấn cũng vỗ ngực giành công kịp thời tố cáo tôi là một tên phản động chống Đảng.
 
Tôi vò lá thư của thằng Vấn lại như cũ và xé bao thuốc thay vào cho việc riêng của tôi trong nhà cầu. Tôi bỏ lại lá thư vào chỗ cũ dưới thềm nhà trên đầu giường của ông Sự. Tôi nghĩ một cách dại rằng như thế làm như tôi không biết gì về âm mưu của thằng Trác, thằng Vấn với ông Sự. Tiếc là tôi đã không giữ được lá thư đó. Nhưng nếu tôi có giữ thì sau này cũng bị tịch thu.
 
Tôi chào ông Sự rồi về Hà Nội. Gặp Nguyễn Hữu Ngô, Hồ Tính Tình tôi chỉ nói: Sáng thứ hai tao lên Sơn Tây. Loanh quanh luẩn quẩn trong Hà Nội với anh em bè bạn, mượn một vài cuốn sách, mua một vài tờ báo rồi về bệnh viện E2. Tôi hoàn toàn không biết kể từ lúc này tôi đang bị theo dõi sát nút. Tôi đi đâu, đến nhà ai, gặp ai ở Hà Nội người ta đều biết.
 
Sáng thứ hai có xe, tôi lên Sơn Tây. Tôi sống trong một tâm trạng bồn chồn, lo lắng, không yên. Trước sau tôi cũng bị. Thằng Trác cố tránh tôi. Tôi hoàn toàn không biết là thời gian tôi ở bệnh viện E2, va ly của tôi đã bị lục soát. Và thằng Trác chủ mưu trong việc này. (Lúc tôi về E2 tôi gửi chìa khóa va ly cho hắn). Vài ngày sau đó tôi tìm cách đốt mấy tập nhật ký của tôi rất dày, khoảng 4, 5 tập vở một trăm trang viết hai mặt. Việc đốt tập nhật ký rất khó. Tôi đã đốt và làm như việc đốt giấy loại. Có khi tôi đốt trước mặt mọi người, nhưng không ai để ý. Có khi nhân chuyện làm vệ sinh đốt rác, tôi xé nhỏ các tập vở lấp rác lên rồi đốt. Tôi làm như một kẻ không có việc chi làm lấy chuyện đốt rác nhìn lửa cháy khói bay cho vui.
 
Và bây giờ đây tôi đang bị tra tấn trong cái phòng của căn nhà C này.
 
“Từ ngày ra Bắc đến nay anh đã làm gì? Hãy khai đi, khai cho thật.”
 
Bây giờ cái ông tên Lai mặt đỏ láng này không nói “hãy nói” nữa mà “hãy khai đi”.
 
Những người chung quanh tôi mặt mày lạnh tanh. Tôi có cảm tưởng họ bất động. Tôi nói:
 
“Tôi không biết các anh muốn tôi khai cái gì?”
 
Cái ông Lai đó ngó căm vào tôi:
 
“Anh khai hết tất cả những việc mà anh đã làm từ ngày ra Bắc đến nay.”
 
“Nhưng mà việc gì mới khai được chứ? Tại sao tôi lại phải khai? Tôi không biết các anh muốn gì?”
 
Những người chung quanh tôi động đậy. Có người cầm tách nước lên uống; có người đổi thế ngồi; có người phịp phịp trong miệng. Ông tên Lai trề môi dưới, gật gật cái đầu, dim mắt nhìn tôi. Ông ta hừ trong miệng một tiếng:
 
“Anh đừng có giả vờ. Anh tưởng anh qua mặt được chúng tôi hả? Chúng tôi biết hết anh rồi. Anh thành thật đi cho rồi.”
 
Đến lúc này thành thật mà nói tôi không hiểu họ muốn gì ở tôi. Tôi nói:
 
“Tôi ra Bắc làm gì các anh đều đã biết.”
 
Có tiếng “hử” và tiếng khịt mũi.
 
“Này, tôi nói cho anh biết. Anh không giấu được chúng tôi đâu. Tất cả những việc làm của anh chúng tôi đã biết và có đầy đủ tài liệu làm bằng cớ. Anh thành khẩn sẽ được khoan hồng.” Cũng cái ông tên Lai đó nói.
 
Đã đến nước này, tôi bực lắm rồi:
 
“Tôi không hiểu các anh muốn tôi nói gì. Tôi ra Bắc nằm ở E2, lên E1 và bây giờ ở K65. Những việc đó các anh đã biết rồi.”
 
“Anh ngoan cố, không chịu thành khẩn.”
 
Ông Lai đó hất hàm cho một người trong bọn. Ông này khoảng dưới bốn mươi tuổi. Ông ta thủng thẳng hỏi tôi:
 
“Anh Đính, chúng tôi gặp anh hôm nay là tạo cho anh một cơ hội để anh sớm thức tỉnh, đừng đi sâu thêm nữa vào con đường tội lỗi của anh. Anh nên thành thật khai hết những việc làm của anh.”
 
Ông ta nghỉ một lát, rồi nói tiếp:
 
“Khi ra Bắc, ai giao nhiệm vụ cho anh? Nhiệm vụ đó là nhiệm vụ gì? Anh đã gặp ai, ở đâu, bao giờ? Anh đã tổ chức họ như thế nào? Công việc của anh hiện nay đã tiến hành đến đâu? Anh phải nói thật, nói hết, không được giấu giếm. Sinh mạng của anh là do nơi sự thành khẩn của anh quyết định đó.”
 
Đợi cho ông này nói xong, một ông khác một tay dựa lên thành ghế, một tay đặt trên bàn, nghiêng người về phía tôi, nó thêm vào:
 
“Chúng tôi biết hết những việc anh làm, nhưng chúng tôi muốn tự anh nói ra hết. Vì chỉ có như thế, anh mới hưởng được lượng khoan hồng của Đảng.”
 
A, thì ra như thế. Bây giờ thì tôi hiểu ra rồi, họ nói tôi là CIA. Như thế tôi chẳng cần gì phải đối phó gì với họ về điều này nữa. Tôi dựa ngửa người ra và hút thuốc. Thái độ của tôi làm cho họ bực tức. Tôi nói:
 
“Tôi đau dạ dày và bị thương. Tôi được Thành ủy Huế cho ra Bắc chữa bệnh.”
 
Ông tên Lai đó chồm người ra phía trước, cùi tay chống lên bàn, rung rung ngón tay trỏ chỉ vào tôi, lần này ông ta nói to, dằn từng tiếng một:
 
“Đến lúc này mà anh vẫn còn ngoan cố. Được, chúng tôi có cách để cho anh phải khai thật, nhưng chúng tôi vẫn muốn chính anh thành thật khai báo để cho anh có cơ hội được hưởng khoan hồng của Đảng. Anh nghe chưa?”
 
“Tôi có gì mà ngoan cố. Tôi được Thành ủy Huế cho ra Bắc chữa bệnh. Tôi có làm gì đâu mà các anh bảo tôi phải khai báo.”
 
“Thôi được. Anh không nói, nhưng rồi anh cũng phải nói.”
 
Cái ông độ dưới bốn mươi tuổi mở cặp ra, cái cặp da rất to màu đen, loại cặp đựng sách vở của học trò (loại cặp bấy giờ khó thấy có ở miền Bắc). Bây giờ tôi mới để ý người nào trong bọn họ cũng có cặp xách riêng. Một hai người có cặp to, còn phần đông là xách. Ông này lấy trong cặp ra một cái cặp bìa cứng dày to đựng toàn giấy. Ông ta lật lật giấy tờ. Trong lúc đó, ông tên Lai vẫn cái giọng dữ tợn hỏi tôi:
 
“Anh đã viết gì trong nhật ký?”
 
Hỏi chi lạ. Tôi nói:
 
“Tôi không thể nhớ hết được.”
 
“Được rồi, anh phải nhớ.”
 
Cái ông dưới bốn mươi tuổi đó để hai tay lên cặp giấy mở ra trước mặt, nói:
 
“Anh Đính, tất nhiên đã gọi anh đến đây để làm việc, chúng tôi phải có đầy đủ hồ sơ và bằng chứng về anh. Anh đừng tưởng là tôi nói thế để dọa anh đâu, cũng không phải nói thế để lừa anh. Chúng tôi chỉ muốn cứu anh. Một người có học như anh tôi chắc anh hiểu được những hậu quả của việc làm của mình lâu nay.”
 
Tôi uống nước và ngó ra ngoài cửa sổ. Trời khô và lạnh. Không khí bắt đầu căng thẳng. Trên mặt của họ đã lộ vẻ căm tức. Họ không còn như bất động nữa. Tiếng giày dép kéo trên sàn nhà; tiếng áo quần xát trên ghế; chân ghế đụng chân bàn. Bọn họ xoay người, nghiêng, ngửa, đổi thế ngồi, chống tay lên cằm, cắn môi, cắn ngón tay, đẩy gương sát vào mắt, đẩy tách nước ra xa, bẻ ngón tay.
 
Ông tên Lai, chắc ông ta là trưởng đoàn của đoàn người tra khảo tôi, nói, nói nhanh:
 
“Tôi biết hiện nay anh đang nghĩ gì về chúng tôi. Tôi biết những gì đang chứa trong đầu óc của anh. Tôi nói thẳng anh là một tên phản động, chống Đảng. Anh căm thù chúng tôi, căm thù chủ nghĩa xã hội, căm thù chế độ này. Anh đang âm mưu lật đổ chế độ này. Có phải chính anh đã kêu gọi biểu tình, viết báo chữ to lật đổ chế độ này hay không? Anh sợ? Anh chối à? Nói đi, nói đi, có phải không?”
 
Ông ta chồm người ra trước dằn giọng:
 
“Đây, đây này, anh đòi bắn, đòi treo cổ tất cả bọn chúng nó; đã đến lúc phải biểu tình, viết báo chữ to tố cáo tội ác của chúng nó.”
 
Ông ta dừng lại, bỏ kính xuống bàn nghe cạch:
 
“Có phải anh đã viết trong nhật ký như thế không?”
 
“Tôi không nhớ.”
 
“Anh viết mà anh lại không nhớ à?”
 
“Làm sao tôi nhớ hết những gì tôi viết.”
 
Cái ông trẻ dưới bốn mươi tuổi đứng dậy, xoay người ra phía sau lấy cái cặp da để đứng dưới sàn nhà. Cái cặp đã mở sẵn. Ông ta xây lưng về phía tôi. Ông rút ra một tờ giấy đưa ra trước mặt tôi:
 
“Cái gì đây? Có phải chữ của anh không?”
 
“Phải?”
 
Đó là bức ảnh chụp một trang nhật ký của tôi, khổ bằng tờ giấy kẻ ngang. Đến lúc này tôi mới biết là toàn bộ nhật ký của tôi đã bị chụp ảnh trong thời gian tôi về bệnh viện E2 để kiểm tra sức khỏe, và bây giờ tôi mới biết việc tôi đi E2 kiểm tra sức khỏe là một sự xếp đặt của Ban Thống nhất Trung ương, Cục đón tiếp cán bộ B và Cục 78.
 
Ông Lai nói:
 
“Anh hết chối chưa?’’
 
Mọi người ở đây đều đã biết trước sự việc sẽ diễn tiến ra sao rồi. Tối hôm qua họ đã họp với nhau bàn kế hoạch.
 
“Tại sao anh lại đòi bắn, đòi treo cổ? Bắn ai, treo cổ ai? Nói đi!”
 
Tôi nói:
 
“Tôi đòi bắn tất cả những kẻ nào, người nào đã ăn đường, sữa, tã lót của trẻ con, ăn hòm, vải liệm của người chết, những kẻ đã đẩy con dân vào chiến trường còn con cháu họ thì qua Liên Xô, Bulgari, Hungari…”
 
“Anh đòi bắn cả Trung ương Đảng kia mà.”
 
“Nếu trong Trung ương Đảng, trong Chính phủ có người nào đã ăn như thế, theo tôi, đều đem bắn được hết.”
 
“Anh lại còn kêu gọi biểu tình?”
 
“Tôi đâu có kêu gọi ai. Tôi nói là đã đến lúc phải làm như thế.”
 
“Vì sao lại viết báo chữ to?”
 
“Viết báo chữ to để mọi người đều biết.”
 
“Mọi người là ai?”
 
“Nhân dân.”
 
“Nhân dân, hừ”, một ông chỉ vào mặt tôi, “nhân dân! Anh làm gì có nhân dân. Nhân dân theo Đảng làm cách mạng, đổ xương, đổ máu để có được như ngày nay. Nhân dân của anh là nhân dân kiểu Mỹ Ngụy. Anh là kẻ thù của nhân dân thì có.”
 
Giọng ông ta mỗi lúc một to, mỗi lúc mỗi gấp.
 
“Anh là một tên gian dối. Anh khai lý lịch không thật. Anh bảo anh thuộc tầng lớp dân nghèo thành thị. Anh tưởng anh qua mặt được tổ chức à? Dân nghèo thành thị dưới chế độ Mỹ Ngụy mà học hành được như anh à, mà lại lên được đại học như anh à? Không phải là tư sản thì gia đình anh cũng thuộc tầng lớp tay sai Mỹ Ngụy. Đúng là Mỹ Ngụy đã đào tạo anh không uổng. Anh chui rúc vào tổ chức cách mạng cũng khá sâu, anh Đính.”
 
Ông ta dừng lại. Một vài người trong đám người này gật gật đầu tán thưởng ý kiến của ông ta. Một vài người ghé đầu vào nhau to nhỏ. Ông ta nói tiếp vừa nói vừa nhìn xuống cuốn sổ:
 
“Theo tôi, tất cả những tư tưởng phản động của anh trong nhật ký, trong thơ không phải chỉ là lẻ tẻ, ngây thơ, không phải là do nhận thức bị hạn chế. Tất cả đều có hệ thống, đều nằm trong một hệ thống, từ văn chương đến triết học, chế độ xã hội chủ nghĩa, Quốc hội, chuyên chính vô sản, sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức quần chúng, hạn chế sinh đẻ, sinh hoạt xã hội, chiến tranh, các đồng chí lãnh tụ, thậm chí cái áo, cái quần, lon sữa miếng đường, rác rưởi đều có trong nhật ký của anh, đều bị anh xuyên tạc, nói xấu. Anh xem cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta hiện nay là máu, là chết chóc. Anh không phân biệt được chiến tranh chính nghĩa với chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc. Anh lên án tất cả mọi cuộc chiến tranh, cho chiến tranh là ghê tởm.’’
 
Cái ông dưới 40 tuổi lại chìa ra một bức ảnh:
 
“Có phải như thế không?’’
 
Đó là bức ảnh chụp một trang nhật ký của tôi, trong đó có đoạn tôi nói về chiến tranh. Tôi không nhớ nguyên văn, đại ý tôi cho rằng tất cả mọi cuộc chiến tranh đều là thảm họa, đều là máu và xác chết. Tôi ghê tởm và sợ chiến tranh. Hình như tôi có dẫn lời của một người nào đó nói về trận đánh ở Nam Lào: “Đó là một chiến thắng vĩ đại, nhưng hết sức đau lòng, vì có quá nhiều người chết mà đều là người Việt Nam”.
 
“Vậy là anh đã không phân biệt địch và ta, tức là anh đứng về phía kẻ thù. Anh ghê tởm cuộc chiến tranh này, tức là anh chấp nhận cuộc chiến tranh xâm lược, anh cho đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai là chính nghĩa.’’
 
Một ông khoảng 57, 58 tuổi mặc áo đại cán màu nâu, ngồi đối diện với tôi ở cuối hai cái bàn đâu lại, từ nãy giờ không nói, bây giờ vươn hai tay ra trước và nhìn vào xấp giấy để trên bàn, nói:
 
“Đây này, anh viết bằng tiếng Pháp, đại ý: ‘Chiến tranh là thế đấy con hãy nhìn và nhớ lấy, vâng, chiến tranh là thế đấy, là chết chóc, hận thù, hủy diệt, là làm cho con người quên tất cả những tình cảm nhân loại’. Hừ, nhân loại, nhân dân! Nhân loại, nhân dân của anh là nhân loại, nhân dân của bọn tư sản, đế quốc. Chủ nghĩa của bọn thực dân đã làm cho anh trở nên ngu đần.’’
 
Tôi nhớ tôi có ghi lại trong nhật ký lần tôi, Nguyễn Hữu Ngô, Hồ Tính Tình đi thăm ông Nguyễn Đóa, ông Tôn Thất Dương Tiềm và bà Nguyễn Đình Chi ở phố Nguyễn Du, Hà Nội. Lúc đó những người này ở trong Mặt trận Liên minh thành phố Huế ra Hà Nội cư trú. Ông Đóa là thầy dạy Pháp văn, ông Tiềm là thầy dạy quốc văn của tôi năm đệ tứ ở trường Bồ Đề Huế. Tôi nói với thầy Đóa: “Thưa thầy, con nhớ mãi câu mà thầy dạy bọn con năm học đệ tứ ở Bồ Đề”. Tôi đọc câu nói về chiến tranh đó bằng tiếng Pháp. Thầy Đóa xua tay: “Thôi, thôi…..”. Tôi biết lúc đó, trong hoàn cảnh đó thầy ngại.
 
Cái ông trẻ dưới 40 này (thôi cứ tạm gọi ông ta tên Thanh) nói tiếp theo liền:
 
“Rõ ràng đây anh Đính này. Anh viết: ‘Đâm mũi chông vào ngực kẻ thù, tôi tự do và trở thành thi sĩ’’’.
 
Ông ta đọc thêm một số câu trích trong bài “Những con đường đã đi qua và những con đường sẽ đi tới” của tôi viết khoảng đầu năm 1968 lúc còn ở trong rừng, trong đó có những câu nói về những bàn tay rướm máu vì kéo thép gai (tôi không nhớ rõ nguyên văn). Hình như ông ta có đọc câu: “hàng cờ bay trên đống thịt người” thì phải.
 
Ông mặc áo đại cán màu nâu giải thích thêm:
 
“Kẻ thù? Hừ! Anh đã để lộ rõ con người thật của anh rồi. Kẻ thù ở đây, thưa các đồng chí, là kẻ thù của anh ta, là cách mạng, là chúng ta ngồi ở đây. Anh ta đâm vào cách mạng, vào Đảng để anh được tự do và trở thành nhà thơ. Kinh thật! Còn những người kéo thép gai tay rướm máu, đó là anh muốn ám chỉ các chiến sĩ giải phóng phải sống cuộc sống đọa đày… chớ gì nữa.’’
 
Tôi không cãi gì thêm mệt. Khoảng tháng 11-1968, tôi có làm bài thơ tưởng niệm Trần Quang Long (hy sinh tháng 10-1968 tại chiến trường Tây Ninh) và dán trên tờ báo tường của Chi đoàn Thanh niên thuộc cơ quan Thanh vận Thành Uỷ Huế (C90). Tôi nhớ mấy câu của Trần Quang Long trong bài “Thưa mẹ trái tim”:
 
Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
 
Xuyên vào gan lũ giặc
 
………
 
Và tôi viết:
 
Đâm mũi chông vào ngực kẻ thù
 
tôi tự do
 
và trở thành thi sĩ
 
Tôi chỉ nói:
 
“Chỉ có ta mới dùng chông chứ địch không dùng chông. Còn những bàn tay kéo thép gai rướm máu là tôi nói đến những người sống trong vùng địch bị bắt đi xây đồn đắp lũy.’’
 
Cái ông 57, 58 tuổi mặc dại cán màu nâu, xoay sang hỏi tôi:
 
“Trong nhật ký anh có viết mấy chữ tắt C. C., nghĩa là gì?’’
 
“Comité Central.’’
 
“Vì sao anh lại viết tắt mà không viết thẳng ra là Trung ương Đảng?’’
 
“Đó là thói quen ghi chép của tôi. Tôi viết cho tôi.’’
 
“Anh cố ý che mắt những người nào đó tình cờ đọc nhật ký của anh chứ gì nữa? Đây, anh viết…’’
 
Ông ta chìa cho tôi một tấm ảnh khác.
 
“Một câu tiếng Pháp có nghĩa như thế này: “Cách mạng cần lao muôn năm!” Anh có giấu ý đồ của anh ở đâu cho được. Anh vẫn nuôi mộng Bắc tiến của bọn Cần lao nhân vị Ngô Đình Diệm.’’
 
Tôi cấm bức ảnh đọc và nói:
 
“Không phải như thế. Tôi viết thế này: “Vive la révolution prolétarienne!”, nghĩa là “cách mạng vô sản muôn năm!”. Đó không phải tôi nói, câu đó là của Lenine.’’
 
Tôi biết đây là một sự cố tình xuyên tạc của ông ta. Ông ta có lẽ là người duy nhất trong đoàn khảo tra tôi biết tiếng Pháp. Ông ta là người tra vấn tôi về những đoạn ghi chép, trích dẫn của tôi bằng tiếng Pháp. Nhưng từ đó, người ta vẫn cứ buộc tôi là một tên CIA-Cần-lao-nhân-vị-tay-sai-Mỹ-Ngụy, “muốn phục hồi một chế độ đã từng lê máy chém khắp miền Nam sát hại nhân dân, tiêu diệt cách mạng, một chế độ mà ngay nhân dân miền Nam đã đạp đổ từ năm 1963”.
 
Ông này nói tiếp, ông coi như không có những lời của tôi nói vừa rồi.
 
“Cho nên tôi nói thẳng cho anh biết rằng trong máu anh đã có sẵn máu phản động chống Cộng rồi. Những tư tưởng suy nghĩ như thế sẽ dẫn anh đến hành động chống đối, làm loạn.’’
 
Rồi ông ta chuyển sang vấn đề khác:
 
“Trường Nguyễn Ái Quốc là một trường Đảng nổi tiếng khắp thế giới mà anh cũng không trừ ra. Anh cho trường Nguyễn Ái Quốc chỉ đào tạo những mẫu người trung thành với chế độ, với Đảng mà không có đầu óc suy nghĩ độc lập, thậm chí anh còn nói là có những người mới học có lớp bốn trên danh nghĩa, chữ viết còn sai chính tả mà cũng học lớp trung cấp, cao cấp Nguyễn Ái Quốc.’’
 
Trong nhật ký tôi có ghi lại lần Nguyễn Hữu Ngô, Hồ Tính Tình và tôi gặp ông Phạm Như Cương với ông Tịnh và một bà nào đó (hình như tên Quỳ thì phải) tại Viện Triết học ở Hà Nội. Trong câu chuyện tôi có nói đại ý: trường Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo được những cán bộ trung thành với đường lối và chủ trương của Đảng, nhưng không đào tạo được những con người có đầu óc phản tỉnh, suy nghĩ độc lập, nhất là về mặt tư tưởng triết học. Hình như ít có người (hay là không có người) sau khi học xong có thể viết được một bài ngắn về triết học Mác-Lênin, một vài dòng về bản tuyên ngôn Đảng Cộng sản…
 
Nguyễn Hữu Ngô, Hồ Tính Tình nói: “Những thứ mà các anh gọi là triết học đã dạy ở các trường Đảng chỉ là một thứ triết học hành chính, mà hết chữ cho nên phải dùng hai chữ triết học đó…”.
 
Tôi có nói: “Theo tôi, tinh thần triết học trước hết là đối thoại. Đối với triết học Mác-Lênin thì không có đối thoại. Vì chủ nghĩa Mác-Lênin là vô địch, là bách chiến bách thắng, là muôn năm. Đối thoại ở đây là vô ích mà còn bị… tù nữa là khác. Bởi vì các anh hãy cất khẩu súng trong hộc bàn đi khi nói chuyện triết học, văn chương với người khác… Đối với các anh, chủ nghĩa Mác-Lênin là đỉnh cao tuyệt vời nhất của nhân loại, và xưa nay, chỉ có tư tưởng, triết học Mác-Lênin là triết học chân chính, duy nhất vĩ đại. Thậm chí, trong các bài giảng, sách vở của các anh, các anh đã khinh bỉ Hegel. Các anh cố tìm xem trong nhân loại xưa nay, có ai có tư tưởng duy vật hay không. Và nếu có ai, na ná như thế, hoặc các anh tự gán ép na ná như thế, và kết luận: một thứ chủ nghĩa duy vật ngây thơ, tự phát… và những người đó, các anh cho là… tiến bộ… còn toàn thể là duy tâm phản động…”.
 
Tôi nói, thằng Ngô nói, thằng Tình nói… Ông Phạm Như Cương (tôi không nhớ lúc đó có phải ông ta là Viện trưởng Viện triết học hay không) vẫn để tay trên cuốn sách mở ra làm như đang đọc nữa chừng: Les Problèmes de la dialectique dans le Capital de Karl Marx của Rosenthal (bản dịch từ tiếng Nga, cuốn này đã có bản dịch tiếng Việt). Sau này khi nghe tin tôi là một tên phản động, ông ta nói: “CIA giỏi thật, cài anh ta vào sâu đến như thế”.
 
© 2005 talawas
 
[1]Tôi có được một bản do bạn bè cho mượn nhưng lại là một bản không bìa, nên không biết nhan đề của tập hồi ký là gì. Đáng lẽ tôi phải nhờ tác giả xác minh, nhưng do không quen biết anh, lại đọc thấy ở trang cuối trong hồi ký của anh dòng sau đây: “Tôi muốn yên ổn. Nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn cứ bị nhòm ngó”, nên rất ngại phải liên lạc với anh trong việc này. Vì vậy (trong khi chờ đợi được bổ sung), tôi tạm đặt cho cuốn hồi ký của anh cái tên Hồi ức của một người tù không bị giam vào ngục, như anh đã viết về mình trong hồi ký là “trường hợp một thằng tù không bị giam vào ngục”.

*



 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.