Jan 14, 2025

Tiểu luận - Tạp bút

Chiếc Áo Dài Cho Ta Thấy Gió
Võ Phiến * đăng lúc 04:34:32 PM, Dec 08, 2023 * Số lần xem: 560
Hình ảnh
#1
#2

 

 
 

                   Chiếc Áo Dài Cho Ta Thấy Gió

          

       Trong quyển Tùy Bút của ông Võ Phiến,
ông kể về nhận xét của nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm trong lúc dự hội chợ Osaka Nhật bản, rằng "sở dĩ áo dài VN thắng lớn ở trong và ngoài nước, là do nó cho thấy gió." 

 Chiếc áo dài mà cho ta thấy gió thì lạ thiệt.

Theo ông Võ Phiến, mặc áo dài mà đứng yên thì chưa chắc ăn đứt các y phục khác. Nhưng mặc áo dài mà đi, mà múa v.v..,thì người con gái VN linh động hẳn lên, không ai qua mặt nổi.

Chắc ai cũng nhớ, thuở sinh thời, Marilyn Monroe mặc cái áo đầm xòe, đứng trên miệng thoát hơi của métro, rồi gió thổi bay lên, gợi hình hết sẩy. Nhưng hình ảnh này tục chớ không thanh như chiếc áo VN trong gió.

Đầu năm 2017, bạn bè đồng môn gởi lên mạng vô số hình ảnh chiếc áo dài, thôi thì đủ màu, đủ kiểu. Nhưng đã nói, áo dài, thì tà áo không thể nào ngắn được, cũng không thể dài 3 thước như áo của bà Thúy Nga, dị hợm lắm vì nó không cho thấy gió. Thế là hỏng.

Áo dài VN kể từ khi ông Cát Tường vẽ ra đến nay, qua bao nhiêu thời đại, bao nhiêu biến đổi, từ cổ cao đến cổ thấp, cổ hở như áo bà Nhu, tay nối, tay raglan. Eo nhấn như đồng hồ cát, rất không thẩm mỹ. Eo không nhấn thon thả mượt mà, đạt đến sản phẩm cuối cùng ngày nay, thì tôi xin các ngài, cứ làm ơn để yên như vậy cho em nhờ, chớ nên thay đổi nữa, vì nó đã đạt tới đỉnh cao (không phải của trí tuệ noài người đâu, mà...) của mỹ thuật đấy.

Theo ông Võ Phiến, áo dài vừa theo sát những nét tuyệt mỹ của thân người, lại vừa thêm cho tấm thân ấy sự linh động phơi phới mà nó vẫn ao ước - Ai ao ước? Tấm thân ao ước ?  Ao uớc cái gì ? Ghê chưa cái ông Võ Phiến.

Phía thân dưới của áo dài, chỉ thấy gió, có cái thướt tha, cái bay bướm. Mà áo dài chế ra là cho các cô gái VN mặc, vì người ngoại quốc, thân hình họ, dáng đi họ không hợp với chiếc áo dài. Họ vạm vỡ quá. Trừ số ít người thon thả dĩ nhiên.

Nhìn kìa, chiếc Kimono, trông sự xếp đặt kỹ quá, khó quá (lại ông Võ Phiến nữa!) không còn thấy đâu là thân người, kín đáo tựa tâm hồn người Nhật, phải theo đúng đạo, thứ tự, lớp lang, tuyệt nhiên không được  phá rào. Trà đạo, kiếm đạo, tự tử cũng phải theo một quy củ rõ ràng, thì làm gì có bay với bướm?

Chiếc áo Hanbok của Đại Hàn cũng thế. Có kẻ xấu mồm bảo họ may thùng thình để che cái bụng bầu non désiré bất đắc dĩ, vì thuở đó mấy chú Nhật lùn qua Đại hàn hãm hiếp hàng loạt để tạo ra các chú lính con cho Nhật Hoàng - thiệt không ?  Vì lẽ đó, người Đại hàn thù Nhật bản muôn kiếp.

Còn chiếc xường xám của Trung Hoa, có bọc theo sát các đường cong tuyệt mỹ của các á xẩm thật, nhưng tuyệt nhiên không có gió.

Nói chi cái váy của người Lào, người Kampuchia, Thái lan chung quanh ta. Thật chẳng đáng so bì.

Tôi có cho các bạn canadiens xem ảnh và vidéo trình diễn thời trang áo dài VN, thì các bạn đều trầm trồ khen ngợi, thật tuyệt mỹ.  Có bạn đã đi viếng VN, thì bảo rằng: trông các cô nữ sinh, sinh viên, tan trường về, đi ngược gió thì sexy vô cùng. Tôi cãi, nhưng chiếc áo dài của chúng tôi đâu có hở mà bạn bảo là sexy ?
Bạn cười trả lời:

"Ấy, nó không hở như mini jupe, không kín như jupe dài, mà nửa kín nửa hở nên nó mới sexy, vừa gợi hình vừa gợi cảm." Gì mà ghê vậy?.

Chị họ tôi, nữ sinh trường áo tím kể lại:
-Có bà tổng giám thị, giờ ra chơi, bà cầm cây thước rảo trong sân trường, coi cô nào mặc áo dài mà hở khoảng giữa 2 tà và phần trên của quần, tức vùng "tam giác vàng", là bà gọi vào văn phòng làm việc ngay, vì có vấn đề.

Bà dạy:

-Ở đây là chốn học đường, đứng đắn chứ không phải chỗ bán bánh ít trần. Ôi cái bánh ít trần, chắc phải lợi hại lắm nên bà Tổng giám thị mới phải ra công mà lùng địch và diệt địch.

Cứ tưởng tượng một nữ sinh mặc áo dài đi ngược gió hiện lên qua lời thơ Phạm Thiên Thư...,"đôi gò bồng đảo trên miền tuyết hương".

Hay qua hai câu thơ rất gợi hình sau đây:

"Em khoe áo mỏng giữa trời,
Cho anh nhìn thấy núi đồi thảo nguyên.
...,thì thấy các bạn canadiens chí lý thật.

Đấy là tôi mượn bài thơ tả cái váy mà sửa lại nên núi đồi quả tôi có thấy, còn thảo nguyên thì không.

Nhà thơ Nguyên Sa mà viết thơ tình thì ai không mê? Nhưng đến bài thơ ít người biết này, tựa là "Tương tư" thì không bài nào qua được, để tả chiếc áo dài:

"Có phải em mang trên áo bay,
Hai phần gió thổi, một phần mây,
Hay là em gói mây trong áo,
Rồi thổi cho tà áo trắng bay?

Bạn đã thấy gió chưa?...

Nguồn Internet

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.