Dec 30, 2024

Bài giới thiệu

Điếu văn tưởng niệm Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu-Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa
Webmaster * đăng lúc 11:14:12 AM, Aug 12, 2022 * Số lần xem: 359
Hình ảnh
#1

ĐIẾU VĂN TƯỞNG NIỆM
CỐ TRUNG TƯỚNG NGUYỄN VĂN THIỆU-
TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HÒA


do Tác giả Trần Quảng Lượng cẩn bút


 Lịch sử ngôn ngữ và văn chương từ biểu tượng đến âm thanh ghi nhận sinh hoạt con người trong cộng đồng xã hội về mọi mặt, tận cho đến cái sau cùng là tử biệt sinh ly dưới nhiều hình thức như cáo phó, phân ưu, bi ký…mà hình thức văn học chuyên biệt cao nhất là Điếu văn.
Thể loại điếu văn (eulogy)người Việt chúng ta thường dùng là Văn tế(elegy).Văn tế gắn liền với phong tục, nghi thức tang lễ không thể thiếu từ thời cổ đại, khi nhân loại biết xử dụng từ ngôn qua ngữ để tụng ca, tiếc thương về những mất mát lớn lao từ người quá cố, dỗ dành, an ủi người ở lại và nhất quán phùng nhất, cùng gặp ở điểm sau cùng về tương quan hai phía, giữa người sống kẻ chết qua những liên hệ không gian, thời gian chủ yếu về mặt tâm lý,tình cảm mà các bài giảng hành lễ trong chùa, nhà thờ, trước linh cữu người quá cố thường có.
Có 2 loại văn tế:
– Văn tế ngợi ca dành cho người sống hoặc cầu nguyện trời đất, khấn vái giang sơn, thường được gọi là kỳ văn hay chúc văn(panegyric).
– Văn tế khóc người đã khuất là ai điếu hay điếu văn(eulogy), đặc biệt viết bằng thơ thì đúng nghĩa,gọi là văn tế (elegy).
Bài Điếu văn tưởng niệm Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu-Tổng Thống Việt Nam Cọng Hòa của phú gia Trần Quảng Lượng, về hình thức gồm 109 câu dài,ngắn được viết theo thể Phú, là lối văn có vần(vận văn)và đối (biền ngẫu)ở phần lung khởi, các phần còn lại là Thơ song thất lục bát, một thể thơ đặc thù của Việt Nam,hình thành dưới triều Hậu Lê,đầu thế kỷ 15, mà trước đó không có, và Nguyễn Trãi là người tiêu biểu khởi xướng với các bài trong Quốc Âm Thi Tập.
Văn chương, riêng về văn vần, nói như Phan Kế Bính là vẻ sáng của Trời đất, của con người và cuộc sống,thể hiện qua Thi(poem)-Từ(song of Chu)-Ca(song-poem)-Phú(rhapsody).
Phú là một thể loại văn xuôi có vần, thì phép làm văn tế, dụng thể Phú là thông thường và phù hợp nhất. Bài văn tế phỏng theo phú Đường luật về cách thức hiệp vần, đặt câu bằng trắc kiểu cách cú, gối hạc, song quan…có phần uyển chuyển và linh hoạt, là một loại tụng thi mà viết được, đòi hỏi phải lão luyện, thông thái và từng trải.Các hình thái văn học phương Tây không có thể loại tương tự như Phú.
Dùng thể Phú để viết văn tế, qua trung gian tổng hợp cả 3 tản, biền và vận văn,vận văn thì thể thơ Song thất lục bát là phù hợp nhất bởi thi pháp(prosody)vốn có của nó, mà ngữ điệu,giai điệu và nhịp điệu cao thấp, nhịp nhàng, dồn dập theo phân khúc của âm thanh, âm hưởng như nước chảy róc rách, bồi hồi với âm tiết, âm sắc rót vào thính giác gây cảm xúc khôn lường, để chuyển tải phần nội dung nói lên cái bi ai của sinh ly tử biệt, từ cảm xúc của tình chiến hữu “bất ca nhi tụng”, qua cái chết của cấp chỉ huy là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu ,điều này cũng vốn đã có trước, như lời than vãn của Ngọc Hân công chúa trước cái chết của vua Quang Trung trong bài Ai tư Vãn.
Để xét bài điếu văn nêu trên, phải theo cấu trúc của nó gồm 4 phần, như sau :
– Thứ nhất, là phần lung khởi, tác giả xử dụng lối tản văn, nhằm giới thiệu không gian, thời gian, bàn thờ với các chi tiết khác, sự liên hệ giữa người sống và người chết, đặc biệt luận về lẽ thường sinh tử, dùng chữ ngắn: duy,kim vì,viết,hỡi ôi…Cùng tiếp theo lối biền ngẫu, câu chữ song hành, nhịp nhàng cân đối khẳng định sự kiện, con người và những diễn biến kế tiếp :
Thương quá, chim Việt đậu cành nam, vọng quê cha, thăm thẳm nghìn trùng núi khuất.
Xót thay, ngựa Hồ hí gió bắc, vời đất mẹ, mịt mù bốn bể mây che.
Dẫu đã biết, sinh tức ký tử tức quy.
Nào hay đâu, tới một đường lui một lối.
– Thứ đến là phần thích thực, nhằm luận về phẩm hạnh, công đức, cuộc đời người quá cố, liên kết nội tâm xét qua tình cảm, dấu ấn cá nhân người khuất núi, như nhớ, thương và oán, trách tha nhân, thời cuộc, tỏ lòng kính trọng thương tiếc,bày tỏ nỗi đau thương của người sống trong giờ phút vĩnh biệt.Các tình tiết là : nhớ-thương-oán-trách như sau:
. Nhớ, xử dụng câu gối hạc, câu khoảng cách 3 nhóm chữ, hùng hồn, ngợi ca:
Rạch kiếm cung một thời, đã tỏ chí nam nhi, bao phen vào sinh ra tử.
Gánh non sông mấy thuở, cũng lo toan vận nước, lắm lúc cát lẫn bụi lầm.
. Thương, theo thể song thất lục bát, tỏ lòng xót thương cảnh ngộ :
Chiếc thuyền nan giữa dòng bão tố
Lả tay chào bến đổ nơi đâu
Bao năm khanh tướng công hầu
Cũng nhiều vinh nhục, tủi sầu khổ đau.
. Oán, nằm trong 2 câu lục bát, nói lên sự bất bình đối với tha nhân, mà thể Phú cũng như Hành trong thi ca đòi hỏi, phải có 2 ngôi, ngôi 1 và 2.
Đồng minh chót lưỡi đầu môi
Đang thời giao chiến nửa vời bỏ ngang.
. Trách, trách trời đất, thế cuộc gây nỗi tai ương cho đất nước, đồng bào :
Bởi trời tạo nhiều cơ, mưa dập gió dồn, nên dễ gì định lối.
Do đất bày lắm nỗi, sóng vùi cát lấp, âu cũng khó tìm đường.
Vấn đáp giữa chủ khách, giữa kẻ ở lại và người ra đi, nói lên nỗi khổ đau thương tiếc, với nhiều buồn thảm bi lụỵ, cung bái, cầu khẩn và ước nguyện :
Hỡi anh linh đang ở nơi nao?
Bình Long, Quảng Trị, miền cao
Chiến công vang dội, khác nào triều dâng
Hay xao xuyến bâng khuâng chốn cũ
Nơi đầu rồng, dinh phủ ngày xưa.
Hay thơ thẩn bên cầu Thượng Phước
Thương quân dân thuở trước rút lui
Bảy hai (1972) lửa đạn dập vùi
Sinh ly tử biệt, ngậm ngùi xót xa.
Hay lặng ngắm Đông Ba,Thành Nội
Hận lũ người gây tội Mậu Thân
Làm cho bao kẻ lìa trần
Không ai hương khói, mộ phần nơi đâu.
Hay nhỏ lệ đầu cầu Quảng Trị
Thương chiến binh bền bỉ đêm ngày
Hy sinh cho ngọn cờ bay
Trên thành Công Tráng, trong ngày Trọng Thu.
– Thứ ba là Ai vãn, như Cicero(106-43 BCE),triết gia,chính trị gia thời cổ đại La Mã nói: Chỗ ở của người ra đi là nằm trong tâm khảm người ở lại :
Ôi ! Thôi Thôi!
Quốc phá gia vong thiên kỷ hận
Sinh ly tử biệt bách niên sầu
Trải qua một cuộc bể dâu
Lệ tràn bể cả, thành sầu non cao
Nghĩa tình xưa nao nao tấc dạ
Hỡi anh linh đôi ngã âm dương
Thân tằm tất phải tơ vương
Niềm kia nỗi nọ, trăm đường ngổn ngang.
– Và cuối cùng là phần Kết, phục duy, thượng hưởng, bài văn chấm dứt nhưng âm vang còn đọng lại:
Hỡi anh linh xét thương lắm nỗi
Đã ra đi bỏ cội bỏ nguồn
Bỏ làng bỏ bản bỏ buôn
Bỏ bao năm tháng, đau buồn nhớ nhung.
Giờ tưởng niệm vô cùng thương tiếc
Hỡi anh linh vĩnh biệt từ đây
Xa xăm trong cõi trời mây
Nguyện cầu thanh thản, lòng đầy thương yêu.
Phò trì dương thái âm siêu
Việt Nam Tổ Quốc gặp nhiều hanh thông.
Nữ hoàng Elizabeth II nước Anh hiện nay có một câu nói giản dị, bình thường nhưng lại sâu sắc: Nổi đau là cái giá phải trả cho sự yêu thương.
Thật vậy, từ Quốc hận 30 tháng 4, sau chiến cuộc, người ra đi và kẻ còn ở lại trong nước, sống trong chế độ cọng sản hà khắc, ngày một nghèo đói và lạc hậu, tự do dân chủ không còn, môi sinh môi trường bị tàn phá, phẩn nộ trước việc đất liền và biển đảo bị Trung Quốc xâm chiếm, mới thấy cái giá trị của câu nói của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu:
Đất nước còn, còn tất cả, đất nước mất, mất tất cả.
Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm.
Cái đau của nhận thức và thực tế đã trải thuộc về ai ?
Là người đứng đầu lãnh đạo nhân dân miền Nam chống Cọng sản trong 10 năm cuối, tính đến năm 1975, Ông chịu trách nhiệm hoàn toàn về biến cố Tháng Tư Đen chăng? Đây là vấn đề then chốt và tế nhị trong mọi quan điểm lịch sử, và có lẽ cũng bởi lẽ đó, nên tác giả Trần Quảng Lượng đã chân thật, giản dị và định vị tình huynh đệ chi binh, của một quân nhân đối với một Trung tướng, của chiến sĩ cấp dưới viết về cấp trên trong quân đội, hay chính xác hơn là Quân lực VNCH, thay vì một công dân đối với một Tổng thống, mà điều này như thế là thỏa đáng.
Chúng tôi đối với anh linh
Tấc lòng huynh đệ chi binh mặn nồng
Tình huynh đệ chi binh thắm thiết
Trải bao đời khôn xiết thâm sâu.
Riêng phần việc luận công hay tội
Để sử gia kiểm phối phê bình.
Còn sự thế trước sau sẽ rõ
Ai bán dân, ai bỏ giống nòi
Có vầng nhật nguyệt sáng soi
Sử xanh ghi chép hẳn hòi phân minh.
Ngoài ra, nếu không có sự bất tử về công trạng, thì cũng không thể thiếu cái bất tử về tình yêu thương đồng đội, huynh đệ chi binh, và tôn vinh người quá cố như là một mệnh lệnh của lương tri, là vòng hoa tang lễ đẹp đẽ, chí tình và trân trọng nhất đối với anh linh, gia đình, bạn bè người quá cố, cùng để lại dấu ấn trong lòng mọi người như niệm tụng phước lành lâu dài về sau, và đây là triết lý luận về mất còn qua ngôn ngữ, như là một cách để thao tác tâm linh, khơi gợi suy nghĩ và cảm xúc thế nhân, cung cấp sự an ủi nhân tình và cân nhắc một ý thức trách nhiệm về chính trị xã hội cần nói lên( sociopolitical protest)mà thông thường các bài Điếu văn cùng loại, đòi hỏi.
Tưởng cũng nên ghi lại, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu(1923-2001) Tổng Thống Việt Nam Cọng Hòa, tạ thế ngày 27 tháng 9 năm 2001 tại thành phố Boston ,tiểu bang Massachusetts – Hoa Kỳ,hưởng thọ 78 tuổi.
Văn học Việt Nam, so với sự phong phú của thi ca, thì chỉ có khoảng 100 bài văn tế nỗi tiếng còn lưu lại,ví như: Văn tế Trương Định của Nguyễn Đình Chiểu,Văn tế Cao Thắng của Võ Phát,Văn tế Phan Chu Trinh của Phan Bội Châu …
Thời trước, thượng thư bộ Lễ Đặng Đức Siêu (1751-1810), vâng lệnh vua Gia Long làm văn tế ca tụng các trung thần Châu Văn Tiếp,Võ Tánh và Ngô Tùng Châu… Đời sau, tiếp nối gương xưa và tự đáy lòng mình,Trần Quảng Lượng cẩn bút bài Văn tế Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Thống Việt Nam Cọng Hòa. Cho hay, anh hùng, nghệ sĩ, thi nhân, thành bại, trước sau, ánh sáng bóng tối lịch sử…chung quy đều trở về với đạo lý cương thường, tính nhân nghĩa, lòng dũng cảm, sự trách nhiệm, được viết lên một mực thủy chung nhân ái như trải tấm lòng với người quá cố, gia đình, đồng đội và nhân thế, với quốc gia dân tộc cùng đồng bào, như là phẩm vật cống hiến xoa dịu trần gian, điều này đòi hỏi người viết phải uyên bác,lịch lãm. Việc này khó,không dễ làm.
Mà quả thật, trong lãnh vực văn chương, viết văn tế khó mà làm được, làm được chưa chắc đã hay. Trần Quảng Lượng đã vượt ra khỏi điều này qua các bài văn tế đã viết, mà đặc biệt là bài Điếu văn Tưởng niệm Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu-Tổng Thống Việt Nam Cọng Hòa như đã nêu trên, và có được như vậy, đó là điều may mắn và hạnh phúc không những cho chính tác giả mà còn cho cả chúng ta và đời sau vậy.
Và nếu có gì thái quá, bất cập hoặc bất đạt ở đây, xin tác gia Trần Quảng Lượng và độc giả, rộng lòng bỏ qua cho vì bao giờ cũng thế, trong vãn bi ai ca thì, khi nước mắt rơi, lời nói không đủ lấp đầy.
Trương Thúy Hậu
Boston,30.4.2016










 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.