Oct 30, 2024

Tùy bút - Bút ký

Xưa em gắp miếng thịt gà của Đoàn xuân Thu
Đoàn Xuân Thu * đăng lúc 02:24:35 PM, May 31, 2024 * Số lần xem: 646
Hình ảnh
#1

 

 

Xưa em gắp miếng thịt gà

 

 

Thưa bà con! Giống như người Tàu ở Hong Kong, ở Macau, người Tàu ở miền Nam Việt Nam mình, nhứt là ở Chợ Lớn, đa số nói tiếng Quảng Đông (Cantonese), kế đến mới tới tiếng Triều Châu; chứ không nói tiếng Quan Thoại, (Mandarin), tiếng Phổ Thông, trừ ra những ai có đi học trường Tàu mới biết.

 

Dân Sài Gòn thường chê những người ưa nói Thánh nói Tướng; nói Trời nói Đất; nói không đâu vào đâu là: “Đồ nói Quảng nói Tiều!”

 

Bà con người Việt rặt ri mình vốn tánh xởi lởi, không xét nét nhỏ mọn, chi li: ai là người Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam hay Khách Gia (người Hẹ) gì hết ráo. Mà gọi chung là: Các Chú, Chệt hoặc Ba Tàu.

 

(Đất lành chim đậu mà! Đến đây thì ở lại đây… Bao giờ bén rễ xanh cây… hết về…)

 

Đàn ông thì mình gọi là Chú Ba; đàn bà thì mình gọi là Thiếm Xẩm. Chú Thiếm hết ráo coi như ai cũng bà con hết trơn hết trọi hè!

 

Thưa sau nầy lưu lạc tới những nước nói tiếng Anh, câu chào hỏi đầu tiên là về thời tiết như Good morning! Good afternoon! Good evening!

 

Úc (vua làm biếng) chỉ Gday (Good day) khỏi cần sáng trưa chiều gì cho nó mắc công!

 

Người Việt mình thì chú trọng về sức khỏe về tinh thần cũng như về vật chất nên gặp nhau thì: “Độ rày có phẻ hông?”

 

Phẻ nầy cũng nhiều nghĩa, phẻ là có đau bịnh gì không? Mà phẻ cũng có nghĩa là làm ăn có đồng vô đồng ra đều đều hay không?

 

Riêng người Tàu (đâu cũng vậy): “Ăn cơm chưa?”

 

Có thể suốt từ thời lập quốc tới giờ, người Tàu bị nạn đói cơm rách áo hoành hành nên bị ám ảnh triền miên về cái ăn hay chăng?

 

Và chắc cũng chính vì vậy mà người Tàu luôn để cái thú ẩm thực đứng hàng đầu, “số dzách” Nên mới có câu: “Thực tại Quảng Châu, Y tại Hàng Châu, Thú tại Tô Châu, Tử tại Liễu Châu” (Cơm ngon ăn tại Quảng Châu, Áo đẹp may vải Hàng Châu, Vợ xinh đẹp cưới ở Tô Châu, Hòm chết chôn không bao giờ mục ở Liễu Châu).

 

Quảng Châu chính là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông đó!

 

Như vậy người Quảng (Đông) là trùm về ăn uống. Vô Chợ Lớn ghé một tiệm ăn là: “Hầm bà lằng kỷ tố?” (Tất cả hết bao nhiêu?) (broken Cantonese!), là phổ ky nó biết mình xạo… Dốt mà bày đặt nói tiếng của ngộ nhe! He he!

 

Ôi nhớ xưa! Tía của người viết có lần trúng xổ số kiến thiết quốc gia (giúp đồng bào ta xây cửa xây nhà)… bèn dắt lóc nhóc một đám vợ cùng con đi ăn cơm Tàu trong Chợ Lớn.

 

Gọi là ăn cơm thố (chưng cách thủy gạo trong thố). Canh hàng chục loại khác nhau, chỉ khác rau cải, heo gà nhưng có cùng chung một loại nước súp cho nó tiện, gọn bân hè!

 

Sau nầy, qua Úc, biết bao lần đi ăn đám cưới, trong thực đơn bao giờ cũng có món cơm chiên Dương Châu cũng từ Quảng Đông.

 

Khởi thủy đây chỉ là đồ dư thừa của bữa tiệc hôm trước được gom vô, chiên lại.

 

Cơm là cơm nguội, thêm lạp xưởng, trứng chiên, đậu Hòa lan, hành lá… còn dư được xắt lát rồi trộn với cơm mà chiên lên!

 

Bà con người Việt mình cũng có cái tánh tằn tiện như người Quảng đó thôi. Sau đám cưới, đám giỗ quảy gì đó, thịt thà còn sót lại đổ hết vô một nồi gọi là xà bần… để dành ăn dần… cho tới Tết Congo… mới hết!

 

Thưa mới đây tui đọc báo thấy bài về Elizabeth Phu, cố vấn cho Tổng Thống Mỹ về an ninh Đông Á đã tháp tùng Barack Obama trở lại đất Sài Gòn mà 36 năm trước đã từng là một thuyền nhân mới lên 3 tuổi…

 

Phu mà có báo viết là Phú nên người viết tò mò muốn tìm hiểu thêm. Thì ra là Phù, viết tiếng Mỹ nên bị văng mất cái dấu huyền thành Phu! Mấy tay nhà báo bá xí ba tú thêm vô dấu sắc thành Phú!

 

Họ Phù gốc Đường Sơn trong lục địa Trung Quốc, rồi ra đảo Hải Nam, sống cũng không nổi nên phải tha phương cầu thực qua nước Việt của mình và các nước khác trong vùng Đông Nam Á!

 

Họ Phù coi tên lót rất quan trọng; vì cho biết người ấy thuộc đời thứ mấy, vai lớn nhỏ, có tôn ti trật tự đàng hoàng trong giòng họ.

 

Tên lót hiện thời là Phù Khí hay Phù Thọ là đời thứ 32. Phù Chí hay Phù Quốc là đời thứ 33. Tức cả ngàn năm nữa mới tới đời thứ 66 là hết.

 

Sau đó nếu chưa tận thế thì bà con họ Phù họp lại tại bản thổ là Đường Sơn để làm thơ, đặt tiếp… Cái chuyện đó còn lâu mà!

 

Nhưng lý thú hơn là, người Hải Nam, họ Phù, có món cơm lừng danh trên chốn giang hồ từ Hải Nam tới Hong Kong, Ma Cau, Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai cho tới tận Singapore (coi món cơm nầy là quốc bảo). Đó là cơm gà Hải Nam.

 

Dân Hải Nam thì mùng Hai và Mười Sáu âm lịch thường cúng gà, cúng bà La Sơn Thánh Mẫu. Không có thịt gà là không thành yến tiệc!

 

Cơm gà là phải có gà. Mà gà Văn Xương mới được, thả trên đồi cho ăn hạt cây, sâu bọ và cùi dừa! Sau 4 tháng thì bắt về nuôi trong chuồng thêm 2 tháng nữa để vỗ béo bằng bã đậu phọng, gạo và khoai nấu lẫn với nhau. Gà ú nu nhưng ít mỡ, ít cholesterol.

 

Gạo tám thơm vo sạch đổ vào nồi, sau đó cho thêm một ít mỡ gà, tỏi phi thơm vào khuấy đảo cho đều, rồi đổ nước luộc gà vào nấu, khi nấu chín hạt cơm săn chắc, bóng dầu, chớ không có nở tòe loe, thơm phức…

 

Nước chấm được pha chế với nấm đông cô, tỏi băm nhuyễn, gừng cà nhuyễn, gia vị thêm tiêu, ớt đường, dấm, các vị mặn, ngọt, chua tùy ý thích mà nêm nếm!

 

Dưa chua ăn dặm thêm cho đỡ ngán gồm su hào, đu đủ và dưa cải…

 

Cơm gà Hải Nam theo đầu bếp họ Phù cũng tha phương cầu thực! (Bán cơm để có cơm mà ăn!). Đến mỗi nơi đổi một chút cho hợp với khẩu vị của người địa phương!

 

Đến Sài Gòn, vào Chợ Lớn, Cơm gà Siu Siu Hải Nam cũng danh trấn giang hồ trên đường Nguyễn Duy Dương (tức Thiên hộ Dương, một đầu lĩnh nghĩa quân kháng Pháp ở Đồng Tháp Mười) gần Chợ An Đông.

 

Những dĩa thịt gà vàng óng, những dĩa cơm gà nóng bốc khói, một dĩa đùi gà thêm vài ba cái phao câu và một dĩa gồm gan, mề, lòng, mươi quả trứng non bé bé xinh xinh màu vàng ngậy!

 

Thực khách (hơi có tiền một chút) uống lave đầu con cọp hay bia 33 là cha thiên hạ rồi!

 

Nghề chặt thịt, ông chủ tiệm kiêm đầu bếp tiệm cơm đã quen tay, coi giống như là ông đang múa võ; còn hay hơn là Vương Vũ hay Khương Đại Vệ, Địch Long, Trần Tinh hay Sơn Điền Bảo Chiêu múa mã tấu Tàu hay kiếm Nhựt trong phim kiếm hiệp Hong Kong thuở ấy.

 

Con gà bóng mỡ nằm ngửa trên thớt. Một nhát dao chặt cái bụp trên bụng, phân hai. Rồi phập phập! Hai cái đùi gà văng ra. Bốn đầu ngón tay trái chặn cái đùi gà! Rồi Phập! Phập! Bốn ngón tay lùi tới đâu con dao phập sát tới đó. Phập! Phập! Phập! Xong!

 

Xúc bằng yếm dao những miếng gà đều đặn, sắp hàng gọn ghẽ lên một chiếc đĩa trắng, rắc một ít hành lá lên trên cùng với những chén cơm gà nóng vàng ngậy, bốc khói, thêm hai thứ nước chấm: một chén xì dầu có những lát ớt đỏ và một chén gừng băm trộn dấm.

 

(Nghề chặt thịt siêu đến nổi có thằng nhỏ bị tật nói lắp, tức cà lăm, đến: “Bán… cho tui… ui… một dĩa cơm gà… à…!”

 

Phập phập. Thằng nhỏ chưa dứt câu là mấy cái đùi gà đã xếp hàng ngay ngắn như lính sắp hàng chờ duyệt binh trên dĩa cơm còn bốc khói “Xong rồi Tửng! Hà cái lầy rinh về cho Tía mầy nhậu đi!”

 

Thưa bà con! Ông bà mình thường nói nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh! Bất cứ nghề nào mà giỏi là giàu có mấy hồi. Nhất là nghề ẩm thực. Chỉ cần vốn ít, ngày nào cũng xoay xong một vòng hết ráo. Sáng mua, bán tới chiều. Tối gom tiền lại, gấp 2, 3… hồi sáng!

 

Nên xin đừng nghĩ kiểu xưa là: “Sĩ, Nông, Công, Thương”. Anh thương mãi bao giờ cũng đứng chót mà trật bàn đạp…

 

Người Tàu tha hương giờ đi khắp thế giới nhiều đến nỗi bà con mình thường nói: “Đâu có khói là nơi đó có người Tàu!” Khói là từ bếp của một tiệm ăn nào đó của họ, vươn lên trời xanh mời gọi khách đường xa trong một buổi chiều đói bụng quá ta!

 

Ghé một tiệm cơm gà Hải Nam trên dọc đường gió bụi, ăn một mình. Gọi dĩa cơm, kèm theo một chai bia! Ăn xong, no bụng rồi mới xực nhớ là em yêu ở nhà phải ăn cơm với nước mắm kho quẹt quanh năm suốt tháng mà cảm thấy lương tâm mình cắn rứt! Nỡ lòng nào: Hột muối chia hai; mà cục đường anh lủm hết vậy cà?

 

Làm ăn chí thú, nên dầu chiến tranh ì ì như vậy mà ông chủ tiệm cơm gà Hải Nam Siu Siu nầy phất lên thấy rõ.

 

Từ một cái quán nhỏ tí teo như trái dưa leo giờ ông hết nghèo, chơi trèo, mua một hơi 3 căn nhà sát nhau trong một dẫy phố đường Nguyễn Duy Dương thành một nhà hàng bán cơm gà Hải Nam thật lớn.

 

Khá rồi nhưng vẫn không phụ nghĩa tình xưa, cái quán cơm Siu Siu thuở đầu hẻm, bàn ghế phải bày ở hàng hiên, vẫn còn nơi mà những khách quen từng lui tới biết chỗ để tìm về kỷ niệm, dắt em yêu hay má bầy trẻ cùng sắp nhỏ đi ăn thuở ấy.

 

Theo như người biết chuyện, nhà văn Nguyễn Tường Thiết (con trai út của nhà văn Nhất Linh) vốn là hàng xóm sát vách với tiệm cơm Siu Siu, bùi ngùi kể lại! Cho đến khi CS vào chiếm Sài Gòn, Chợ Lớn. Đánh tư sản mại bản hai, ba đợt. Những quán cơm gà của một đời cần lao, tay làm hàm nhai bỗng bay vào tay bọn cướp.

 

Tháng Sáu, năm 1978, ông chủ quán cơm gà Hải Nam Siu Siu và toàn gia đình vợ con đành đứt ruột bỏ tất cả để ra đi.

 

Ra khơi, tàu chìm. Gần trăm người trên tàu không một ai còn sống; chỉ sót một mình ông Siu Siu, bám vào một tấm ván theo sóng biển bập bềnh trôi, tấp vào bãi biển Bến Tre.

 

Ông Siu Siu sau đó nghĩ quẩn riết rồi… thành người mất trí. Không còn vợ con; không còn nhà cửa; không còn quán cơm Siu Siu ngày cũ.

 

Xưa ông bán cơm để làm người ta ăn no. Giờ cay nghiệt thay ông lại đói!

 

Phải ngửa tay xin từ gói xôi, gói bắp của những người qua đường để sống lây lất trước hàng hiên của chính căn nhà mình năm cũ.

 

Mất Sài Gòn là ông Siu Siu mất hết; là chết!

 

Quán cơm gà Hải Nam Siu Siu gần Chợ An Đông ngày xưa đã không còn nữa nhưng trong kỷ niệm của người Sài Gòn, của người viết đây, vẫn còn sống riết, bám chặt vào tâm tưởng!

 

Nhớ ngày nào đôi ta còn rất trẻ, mới quen nhau, anh dắt em yêu ra quán cơm Siu Siu (ngày cũ). Em yêu khẽ khàng vén nhè nhè tay áo dài, gắp miếng thịt gà vàng ươm từ trên dĩa, chấm miếng nước mắm gừng bỏ vào chén cho anh.

 

(Dẫu bây giờ sau biết bao năm mặn nồng hương lửa, giờ em chỉ gắp cho em. Còn anh? Anh đành gắp cho anh vậy!)

 

Nhưng kỷ niệm thời mới yêu nhau tràn về như sóng làm anh độ lượng mà tha thứ cho cái tật bỏ bê tình cũ của em yêu!

 

“Xưa em gắp miếng thịt gà. Gừng cay muối mặn tình già cũng (hổng quên!)” Hu hu!

   

Đoàn Xuân Thu

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.