Jan 14, 2025

Biên khảo

Đố Kiều
Nguyên Lạc * đăng lúc 12:00:02 PM, Jan 21, 2022 * Số lần xem: 747
Hình ảnh
#1

 

ĐỐ KIỀU  

Nguyên Lạc  
 
 
 
Thuy Kieu_Thuy Van.jpg

SƠ LƯỢC ĐỐ KIỀU

Truyện Kiều càng được đông đảo người đọc say mê thì thuộc Kiều cũng là niềm tự hào của người Việt. Dân Việt thường đố nhau xem ai thuộc kỹ cuốn truyện, nghĩa của từng chữ, tình ý của từng câu. Lại còn đố nhau về vị trí của chữ này, số lượng của chữ kia trong toàn bộ Truyện Kiều…

Đố Kiều là một hình thức tiếp nhận Truyện Kiều sinh động và độc đáo. Đố Kiều có thể có hai loại: mượn Kiều để đố và đố về Truyện Kiều.

1 – Mượn Kiều để đố thì có thể có vế đố tập Kiều. Loại này được thể hiện qua các câu thơ đã được chuyển từ nghĩa không ẩn dụ thành nghĩa ẩn dụ. Hình tượng câu thơ được gán ghép với cách hiểu khác. Có hai cơ sở để chuyển hóa câu Kiều thành câu đố loại này: hoặc đều dùng phương tiện nhận thức và phản ánh thế giới khách quan bằng hình tượng, hoặc phản ánh câu đố được trình bày nửa kín nửa hở, mượn cái nọ để nói cái kia, vì câu lục bát Kiều thường đa nghĩa. Lời đố mô tả những yếu tố cấu tạo nên vật đố nhưng chỉ cần đưa ra một vài đặc điểm chính có thể kèm thêm một vài điểm phụ. Thí dụ như:

 

Rỡ mình lạ vẻ cân đai
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm
– Là cái chăn
.
2 – Loại đố về Truyện Kiều trong đó vế đáp là một bài tập Kiều – thường diễn ra dưới hình thức hát đối, hát đối đáp giao duyên của nam nữ nông thôn. Loại này rất phong phú. Vật đố có thể là chữ hoặc câu thơ hay những chi tiết về nhân vật hay nội dung tác phẩm. Tính nghệ thuật của câu đố Kiều là ở nét tương đồng giữa nhận thức và hiện thực khách quan, mối liên hệ giữa chúng càng bất ngờ khiến câu đố càng thú vị tạo nên một sự nhòe nghĩa mà người đố có thể sáng tạo trong một quy ước ngầm. (Theo Phạm Đan Quế)
.
Hỏi:
Truyện Kiều anh thuộc đã lâu
Đố anh kể được hai câu hết Kiều?
.
Đáp:
“Trăm năm trong cõi người ta…
Mua vui cũng được một và trống canh”
.
Câu đố tưởng như vô lý, vì Truyện Kiều dài những 3.254 câu thơ thì làm sao tóm tắt được chỉ trong hai câu. Ấy vậy mà có đấy. Người ta đã chắp câu đầu tiên của Truyện Kiều với câu cuối cùng (câu thứ 3.254) đổi chữ “một vài trống canh” thành “một và trống canh” là được một câu lục bát tập Kiều kể được hết Truyện Kiều từ câu đầu đến câu cuối vì đó chính là câu đầu tiên và câu cuối cùng của Truyện Kiều.
Cũng tương tự, còn một câu đố nữa là:
.
Nghe chừng anh thuộc đã nhiều
Đố anh tóm tắt Truyện Kiều (lại chỉ bằng) bốn câu?
.
Với câu trả lời thực khéo lại là:
.
Anh xin trả lời như sau
Truyện Kiều tóm lược bốn câu ấy là:
“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh”
.

.
ĐỐ KIỀU TRONG DÂN GIAN

Đố Kiều là một trò chơi văn nghệ dân gian dưới hình thức đối đáp, nghĩa là một bên hỏi, một bên trả lời, mỗi bên thường là một nhóm, một đội… Có điều đặc biệt là khi chơi trò Đố Kiều, cả người ra đố và giải đố thường dùng thơ, chủ yếu là thể lục bát, để chuyển tải ý của mình.

Trò chơi Đố Kiều xẩy ra nhiều nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng ở vùng quê Nghệ Tĩnh trước đây chủ yếu diễn ra trong các cuộc hát Phường vải. Hát Phường vải là hình thức hát đối đáp gồm hai nhóm người, một bên là các cô gái địa phương ngồi quay xa dệt vải, một bên là các chàng trai tứ chiếng tụ tập lại. Nội dung hát đố, giải trong hát Phường vải gồm nhiều đề tài khác nhau, nhưng Đố Kiều luôn luôn chiếm một vị trí quan trọng. Điều khó của người giải đố là sau khi nghe đố xong, chỉ một thời gian thật ngắn phải có lời đáp. Bởi vậy trò chơi này đòi hỏi những người tham gia không những thuộc, hiểu “Truyện Kiều”, mà phải có phản ứng nhanh trong việc diễn tả ý của mình dưới thể thơ lục bát, lục bát biến thể, đồng thời cần có giọng ngâm, giọng hát hay. Sự thật khó tìm được một người toàn tài như vậy, mà trong các bên dự thi Đố Kiều phải phân công nhau, để cho từng người thể hiện sở trường của mình. Thông thường trong thành viên mỗi đội, ngoài số nam thanh nữ tú ra, mỗi bên còn mời một vài người không phân biệt tuổi tác, thường là cụ đồ Nho hoặc cậu tú, cậu cử… thông thuộc “Truyện Kiều”, gánh vác nhiệm vụ mách lời, còn các chàng trai, các cô gái tốt giọng có khi chỉ là “người phát ngôn” – (Theo Thái Văn Sinh)
.
Hỏi:
Song thu đã khép cánh ngoài
Nàng Kiều chung chạ có thai bao giờ?
Đáp:
“Lỡ từ lạc bước bước ra”
“Thất kinh nàng chửa biết là làm sao!”
.
Hỏi:
Đến đây hỏi khách cựu giao
Chàng Kim đau bụng thế nào chàng ơi?
Đáp:
“Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày!”
.
Hỏi:
Truyện Kiều anh thuộc từng vần,
Đố anh đọc được ba lần trăm năm?
Đáp:
“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Rằng trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi.
Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không”
.

 

ĐỐ KIỀU TRONG HÒ ĐỐI ĐÁP MIỀN NAM
.
Hò là một trong những thể loại âm nhạc dân gian miền nam Việt Nam, được du nhập bởi những đợt di dân từ đất ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Tín, Quảng Nam và Quảng Ngãi) vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, từ vùng ngoài đưa vô vùng đất mới phía cực nam của đất nước ta.

Trong cuộc Nam tiến, nhiều dòng người từ các nơi đã đến vùng đất mới này sinh cơ lập nghiệp, trên bước đường chinh phục hoang vu, từ những chiếc ghe bầu, ghe chài, tam bản, xuồng ba lá… hành trang mang theo của những cư dân mới có cả những câu hò, điệu lý… làm chỗ dựa tinh thần trên bước đường xa xứ. Trên bước đường bôn ba, lênh đênh sông nước, những hành trang tinh thần này được các tiền nhân sáng tác, phổ biến, cách tân cho phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Hò rất được ưa chuộng ở miền Nam. Nó có sức hấp dẫn lạ thường. Chúng tôi xin tạm phân làm ba loại hò: Hò trên cạn, hò trên sông nước và hò giao duyên hay đối đáp.

 

Về hò đối đáp:

 

Mỗi người (nam hoặc nữ) thường chỉ dùng một câu ca dao lục bát hoặc lục bát biến thể ngắn đối đáp nhau. Trong các hò đối đáp, có ĐỐ KIỀU.
Ta hãy đọc/ nghe thử vài bài”
.
1.

Hỏi:
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
Đồn rằng anh thuộc Truyện Kiều,
Ai cha, ai mẹ, ai dập dìu rể con?
Ai mà mở phố lầu son?
Ai tu hành đắc đạo, ai bán buôn kiếm lời? ơ ơ ơ…
.
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
Ai tự vẫn, ai cứu người?
Ai lo tu tập, ai thời viết kinh?
Ai khôn, ai khéo điều binh?
Ai thời thi đổ triều đình quan cao? ơ ơ ơ…
.
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
Ai thời tứ xứ anh hào?
Thì anh giảng hết
ơ ơ …
Thì anh giảng hết luận vào em  ơ ơ … nghe!
.
Đáp:
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
Ông bà Viên ngoại mẹ cha,
Vương Quan, Kim Trọng ấy là rể con
Tú Bà mở phố lầu son,
Giám Sinh họ Mã bán buôn kiếm ơ … ơ lời
.
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
Giác Duyên tu đạo cứu người,
Thúy Kiều tự vẫn lại ngồi viết kinh.
Hồ Công lập kế điều binh,
Vương Kim thi đổ triều đình quan cao ơ ơ ơ…
.
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
Bốn phương phất ngọn cờ đào
Ấy là Từ Hải ơ ơ..
Ấy là Từ Hải anh hào Việt ơ … ơ Đông
.
2.

Hỏi:
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
Truyện Kiều anh đọc đã nhiều
Nếu anh kể được ớ…ơ… ơ…
Nếu anh kể được em liều theo anh
.
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
Thúy Kiều lưu lạc gian truân
(Chứ) Với người tình đã mấy lần chia ơ… ơ tay?
.
Đáp:
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
Nầy em lời giải anh đây
Câu thơ trong truyện anh hay nhớ ơ…ơ mà
.
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
“Dùng dằng một bước một xa”
Chia tay Kim Trọng lệ sa đẫm đầy
“Chén đưa nhớ buổi hôm nay”
Chia tay chàng Thúc hẹn ngày năm sau
“Đành rằng chờ đó ít lâu”
Chia tay Từ Hải lòng đau đoạn ơ…ơ đoài
.
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
Chiếc thân bèo dạt mây trôi
Ba lần ly biệt ơ…ơ
Ba lần ly biệt tình ôi đoạn ơ…ơ trường!
.
3.

Sau đây là câu Đố Kiều của Phường vải vùng Nghệ rất khó, nữ sĩ Phan Lan Hoa – người vùng Nghệ, có nhiều bài viết nghiên cứu lý thú như Các Người Có Tên Nguyễn Du, Trà Đạo Việt Nam, Lý Thuyết Học Làm Thơ… Nữ sĩ đã chuyển điệu Ví giặm Nghệ Tĩnh sang hò Nam bộ và hò hỏi tôi.

 

Phan Lan Hoa hỏi:
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
(Chứ) Đồn rằng anh thuộc truyện Kiều
Cho em xin hỏi ớ…ơ… ơ…
(Chứ) Cho em xin hỏi mấy điều phân ơ…ơ minh
(Chứ) Năm nào Kiều lấy Thúc Sinh?
Năm nào Kiều phải bán mình chuộc ơ…ơ…. cha?
.
Nguyên Lạc đáp:
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
Em hỏi thì anh nói ra
Truyện Kiều anh thuộc thật ra cũng rành
“Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh” [*]
(Thằng) bán tơ giá họa (Thúy Kiều phải) bán mình chuộc ơ ơ … cha
.
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
Sa chân vào mụ Tú Bà
Thúc Sinh ̣(sáu tháng sau) duyên nợ mua ra thanh lầu [**]
Đáp rồi em nghĩ ra sao?
Nếu mà thấy đúng ớ ơ ơ …
Nếu mà thấy đúng hãy nào theo ơ… ơ anh
………..
[*] Gia Tĩnh thứ 3 Kiều sinh khoảng 1524; chị em Kiều đi chơi Thanh minh năm 1545, và rồi Kiều nhận bán mình chuộc cha.

[**] Sáu tháng sau, 1546 – khoảng Gia Tĩnh thứ 24, Thúc Sinh chuộc Kiều ra khỏi Thanh lâu. Thời gian Thúc Sinh chuộc Kiều ra rồi cưới Kiều, hai người sống với nhau được 1 năm 6 tháng.
(Theo Kim Vân Kiều Lục)
— Gia Tĩnh là niên hiệu của Minh Thế Tông: Tên đầy đủ của ông là Chu Hậu Thông, vị Hoàng đế thứ 12 của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông cai trị từ năm 1521 tới năm 1567, trở thành một trong những vị hoàng đế Trung Quốc tại vị trên ngai vàng lâu nhất.
 
.
4.

Hỏi:
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
Thế ra anh cũng rất rành
Cho em được hỏi ớ…ơ… ơ…
(Chứ) Cho em được hỏi thêm anh vài ơ…ơ điều
(Chứ) Từ đâu Nguyễn Du viết truyện Kiều?
Nguồn cơn tỏ rõ em liều theo ơ… ơ anh
.
Đáp:
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
Không phải khoe anh hiểu cũng rành
Dựa vào tích sử triều Minh của Dư Hoài (*)
Phong Tình Lục với kịch hài (*)
Thêm vài chi tiết ớ ơ ơ …
Thêm vài chi tiết thiên tài Nguyễn Du
.
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
Thiên tài Nguyễn Du
Sáng tạo ra tuyệt diệu truyện thơ
“Khúc ca mới đứt ruột” ớ ơ ơ …
“Khúc ca mới đứt ruột” lệ sa lòng người
.
Hò… ơ… ớ … ơ…ơ
Truyện Kiều của dân Việt rõ ơ… ơ mười
Anh đà giải thích ớ ơ ơ …
Anh đà giải thích em rồi theo ơ… ơ anh?
………
. Khúc ca mới đứt ruột = Đoạn Trường Tân Thanh/Truyện Kiều
(*) Xem phần chú thích

 

***
Vài hàng về ĐỐ KIỀU, mong các bạn trẻ tìm thấy được vài điều lý thú từ tiền nhân.
.
Nguyên Lạc
…………….
Ghi chú
– Bài viết Vương Thúy Kiều – Trong tuyển tập Ngu Sơ Tân Chí của Trương Trào (1650-1707), của Dư Hoài (1616-1696)
– Phong Tình Lục (Tình Sử) của Phùng Mộng Long: Bộ tập hợp gồm 804 câu chuyện tình trong cổ thư Trung Hoa, từ Tây Thi đến Chiêu Quân, đến Tiểu Thanh, đến Vương Thúy Kiều, Trác văn Quân, Thôi Oanh Oanh … đều có đủ. Sách rất phố thông, tựa như Liêu Trai Chí Dị .
– Kịch hài = hý kịch (tuồng hát bộ Tàu) như Thu Hổ Khâu của Vương Long trước tác 1676, và Hổ phách trủy (1707), Nguyễn Du được xem khi đi sứ sang Thanh.
Nguyễn Du đã xử dụng những văn bản nguồn trên, thêm thắt chi tiết, các nhân vật phụ như Kim Trọng, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Thúy Vân, Vương Quan … để hư cấu, sáng tạo ra Đoạn Trường Tân Thanh/ Truyện Kiều
.
Mời xem:
1. THỬ “GIẢI MÔ LẠI TRUYỆN KIỀU – Lê Nghị
http://phudoanlagi.blogspot.com/2020/09/thu-giai-ma-lai-truyen-kieu-le-nghi.html#more
2. TỪ ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH ĐẾN PHÁT SINH KIM VÂN KIỀU TRUYỆN.- Lê Nghị biên khảo
http://chimvie3.free.fr/baivo/lenghi/lenghi_KimVanKieu.pdf
.
Tham Khảo:
– “Đố Kiều” Phạm Đan Quế – Trích vài câu Đố Kiều
– “Truyện Kiều, Nguyễn Du, ở trong còn lắm điều hay”- Vương Trọng – trích vài câu Đố Kiều
– Các bài viết trên Net

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.