Jan 15, 2025

Viết về tác giả & tác phẩm

Hoa hậu đầu tiên của miền nam và câu thơ CÒN 2 CON MẮT KHÓC NGƯỜI 1 CON
Đông Kha * đăng lúc 09:36:14 AM, Nov 20, 2021 * Số lần xem: 559
Hình ảnh
#1

 

HOA HẬU ĐẦU TIÊN CỦA MIỀN NAM & CÂU THƠ "CÒN 2 CON MẮT KHÓC NGƯỜI 1 CON" CỦA BÙI GIÁNG – Đông Kha

 

Trong bài hát “Con Mắt Còn Lại” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có câu hát: “Còn hai con mắt khóc người một con...”

 
Nhiều người cho rằng bài hát này được Trịnh Công Sơn được dựa theo 1 câu thơ trong bài thơ “Mắt Buồn” của thi sĩ Bùi Giáng. Khi nghe bài hát “Con Mắt Còn Lại”, ai cũng hiểu nội dung của bài hát nói rằng có 2 con mắt, dùng 1 con mắt để khóc người, còn con mắt còn lại thì “nhìn cuộc đời tôi…” và “nhìn cuộc tình phai…”

 
Tuy nhiên, nội dung gốc của câu thơ “còn hai con mắt khóc người một con” của Bùi Giáng có phải có ý nghĩa như vậy hay không?
Thực ra, ý nghĩa của câu thơ Bùi Giáng không phải là “tâm thần phân liệt” như vậy, mà “Còn hai con mắt khóc người một con” tức là Bùi Giáng đã dùng cả hai con mắt để khóc cho người đẹp đã có một đứa con, là “gái một con trông mòn con mắt”.

 

Có câu chuyện kể lại rằng vào năm 1957, Bùi Giáng say mê một hoa hậu tên là Thu Trang khi cô này đã có đứa con với một người đàn ông có gia đình. Người đó là Tống Ngọc Hạp, đạo diễn phim Lục Vân Tiên mà Thu Trang đóng vai nữ chính (câu chuyện này sẽ được kể thêm ở bên dưới).

 
Hoa hậu Thu Trang tên thật là Công Thị Nghĩa, là hoa hậu đầu tiên của VNCH năm 1955, được biết đến như là 1 cán bộ nằm vùng với bí danh Tư Nghĩa. Bà là “nàng thơ” của Bùi Giáng trong nhiều bài thơ khác in ở tập Mưa Nguồn xuất bản khoảng năm 1962, như là:
 
“Không biết trời tròn hay méo
Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay
Trời bên kia – nhan sắc ở bên này”
 
Bùi Giáng còn có bài thơ mang tên Thu Trang chưa công bố bao giờ, sau này được hoạ sĩ Bửu Ý chép lại cho Thu Trang:
 

“Trang của tờ giấy cũ

Của vầng tóc ban đầu

Trang của hồi vàng tụ

Về mệt mỏi mai sau

Anh nhớ em vô cùng

Đất sầu không xiết kể

Anh kêu gọi mông lung

Trang ồ Trang rất tệ”.

 
Trở lại với bài thơ Mắt Buồn, có câu hát “còn hai con mắt khóc người một con” ở câu thơ cuối cùng, trong bài này Bùi Giáng đã cố ý lồng tên người đẹp Thu Trang vào câu thơ: Ấn TRANG sử lịch THU triền miên trôi.
 
Bài thơ như sau:
 

Bóng mây trời cũ hao mòn

Chiêm bao náo động riêng còn hai tay

Tấm thân với mảnh hình hài

Tấm thân thể với canh dài bão giông

Cá khe nước cõng lên đồng

Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một Giêng

Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng

Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi

Bỏ trăng gió lại cho đời

Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa

Bỏ người yêu, bỏ bóng ma

Bỏ hình hài của tiên nga trên trời

Bây giờ riêng đối diện tôi

Còn hai con mắt khóc người một con.

 
Nói thêm về người đẹp Thu Trang, nhiều người biết đến bà như là Hoa hậu đầu tiên của miền Nam Việt Nam sau hiệp định Genéve (trước đó, thời Pháp thuộc, đã có nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức).

Bà Thu Trang tên thật là Công Thị Nghĩa, sinh năm 1932 trong một gia đình tiểu tư sản ở Hà Nội. Năm 1942, cha của bà vốn là một công chức chính quyền thuộc địa được điều động vào Sài Gòn làm việc, cả gia đình theo ông vào miền Nam và định cư ở Sài Gòn.
Đầu thập niên 1950, Thu Trang tham gia phong trào Trần Văn Ơn và được Việt Minh móc nối để trở thành thành viên của tổ điệp báo hoạt động trong nội thành khu vực Sài Gòn – Gia Định với bí danh Tư Nghĩa, bà cũng từng vào chiến khu.
Tháng 7 năm 1952, Thu Trang bị thực dân Pháp bắt giam. Trong phiên toà tháng 6 năm 1953, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã biện hộ và giải thoát. Năm 1954, Thu Trang viết báo với bút hiệu Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu… trên các báo Tân Văn, Cần học, Sài Gòn mới, Phụ nữ diễn đàn, Lẽ sống… với đủ thể loại từ thơ đến truyện ngắn, truyện dài…
Từ sau đó, bà được biết đến nhiều nhất với tên gọi Thu Trang, là bút danh khi làm nhà báo, sáng tác văn chương và viết sách nghiên cứu về lịch sử.

Đầu năm 1955, Tổng trưởng Thông tin Trần Chánh Thành và Tổng trưởng Xã hội Nguyễn Mạnh Bảo của chính quyền miền Nam đã họp bàn với nhau tổ chức lễ hội kỷ niệm Hai Bà Trưng (6 tháng 2 âm lịch), trong lễ hội đó sẽ có cuộc thi hoa hậu đầu tiên.
Cuộc thi hoa hậu này nhằm tôn vinh hai nữ anh hùng dân tộc, đồng thời lấy tiền bán vé để ủng hộ cho Tổng uỷ di cư tị nạn – một cơ quan để hỗ trợ những người di cư vào Nam trong thập niên 1950.
Nhà báo Thu Trang lúc đó mới 23 tuổi đến gặp ban tổ chức cuộc thi để lấy thông tin viết bài về cuộc thi hoa hậu, không ngờ ban tổ chức vừa thấy cô phóng viên xinh đẹp sắc sảo liền thuyết phục cô đăng ký thi hoa hậu.
 
Cuộc thi Hoa hậu này được tổ chức vào ngày 20-2-1955 tại rạp Lido, rạp lớn nhất Sài Gòn thời đó với sức chứa cả ngàn người.
Mặc dù ban đầu Thu Trang chỉ định đi thi cho vui, không tin tưởng lắm vào việc trúng giải, rốt cuộc cô lại giành ngôi vị cao nhất. Nếu so với các thí sinh hoa hậu thời nay, chiều cao của cô thấp hơn nhiều. Cô chỉ cao 1,61m, nặng 53 kg, số đo là 86 – 62 – 88. Ở thời điểm hơn 60 năm trước thì đây là số đo lý tưởng vì vậy mà khi công bố kết quả, Thu Trang thậm chí còn vượt xa đến vài chục điểm so với á hậu 1 và á hậu 2.
Á hậu 2 là sinh viên Ngô Yên Thu, người Cần Thơ; Á hậu 1 là Nguyễn Thị Ninh, sinh viên người Hà Nội mới di cư vào Nam.
 

 

Khi tên Hoa hậu Thu Trang được tuyên đọc, hội trường vang dậy tiếng vỗ tay, sân khấu tràn ngập mấy chục nhiếp ảnh gia, quay phim và nhà báo. Ca sĩ đang rất nổi tiếng dạo đó là Tâm Vấn – cũng là một người vừa mới di cư – đã đại diện khán giả nữ lên sân khấu tặng hoa chúc mừng.

 

Ra khỏi rạp Lido, Hoa hậu được mời lên xe hơi mui trần màu xanh bóng loáng nước sơn mới để đi diễu hành trong khoảng hai tiếng đồng hồ qua các đường phố chính của Sài Gòn.
Phần thưởng cho danh hiệu Hoa hậu mà Hoa hậu Thu Trang nhận được là một chiếc xe 2 bánh hiệu Lambretta, kiềng vàng, nước hoa và nhiều loại mỹ phẩm danh tiếng khác. Lambretta thời điểm đó rất có giá trị, nó thuộc loại xe hai bánh cao cấp bậc nhất. Vì chiếc xe này mà Thu Trang được nhiều người gọi đùa là “Hoa hậu Lambretta”.
 
Sau khi đạt giải Hoa Hậu, Thu Trang bước vào lĩnh vực điện ảnh, với cuốn phim đầu tay là Chúng Tôi Muốn Sống (1956) nhưng chỉ tham gai vai phụ. Sau đó bà đóng vai nữ chính trong phim Lục Vân Tiên của đạo diễn Tống Ngọc Hạp, và đó là bước ngoặc lớn của cuộc đời.
 

Phim Lục Vân Tiên được đề cử mang đi dự Liên hoan phim châu Á 1957, rồi mang đi giới thiệu qua nhiều quốc gia khác. Toàn bộ hậu kỳ của phải làm ở Nhật, thời gian ở nước ngoài khá lâu nên kinh phí không đủ, đoàn từ bốn người đã rút lại còn mỗi đạo diễn và nữ chính Thu Trang.

Chỉ có 2 người ở với nhau một thời gian dài như vậy nên việc nảy sinh tình riêng là không tránh khỏi. Thu Trang trở thành tình nhân và mang trong mình đứa con của vị đạo diễn đã có gia đình này ngay trong tháng đầu tiên ở Tokyo. Dư luận xã hội lúc bấy giờ không dễ gì tha thứ cho một sự việc như thế. Thu Trang kiên quyết giữ lại đứa con của mình và sẵn sàng chấp nhận tất cả búa rìu dư luận.
Mùa thu năm 1957, cả hai trở về Sài Gòn, sau đó sinh con và đặt tên Tống Ngọc Vân Tiên để kỷ niệm tình yêu đầu tiên (đặt theo tên phim Lục Vân Tiên), và sau này bà cũng chưa bao giờ trách móc đạo diễn Tống Ngọc Hạp bất cứ điều gì.

 

Đến năm 1961, nhận được một lời mời sang Pháp tham gia ngành điện ảnh, Thu Trang đã nhận lời và cùng con trai nhỏ sang.
Khi biết Thu Trang chuẩn bị đi Pháp, Bùi Giáng đến nhà thăm bà trong một ngày mưa. Bà Thu Trang nhớ lại hành động “kỳ quặc” của ông hôm đó: “Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó, anh nhặt lên và lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: Tôi về!”.
 
Ở Pháp, Thu Trang không làm điện ảnh mà tiếp tục đi học và định cư luôn tại đây, có lẽ vì lúc đó bà đã lo sợ bị lộ thân phận là một điệp viên. Tại đây, bà Thu Trang kết hôn với một người Pháp là bác sĩ nha khoa tại Paris.
 
Năm 1978, bà trở thành Tiến sĩ Sử học tại ĐH Paris VII với đề tài Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp.
 
Sau 1975, Thu Trang về Việt Nam thăm nhà và nhận thấy ngành du lịch còn chưa phát triển đúng mức ở nhiều địa phương, bà trở lại Paris tìm học về nghiên cứu du lịch để góp ý phát triển du lịch Việt Nam và nhiều lần về nước giảng dạy cho các sinh viên các trường đại học về du lịch.
 

 

Nói thêm trở lại về bài hát Con Mắt Còn Lại nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có thể ông chỉ mượn duy nhất 1 câu thơ của Bùi thi sĩ để thi triển thêm thành bài hát có nội dung tâm sự về cuộc tình, cuộc đời, mang một ý nghĩa khác, không còn nghĩa gốc là “khóc người (có) một con” nữa.
 

Còn hai con mắt khóc người một con.

Còn hai con mắt một con khóc người.

Con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi.

Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp.

 

                                                                                 

Đông Kha
                                                                         

nhacxua.vn biên soạn

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.