Jan 15, 2025

Tùy bút - Bút ký

Tâm Kinh
Lê Thiệp * đăng lúc 04:19:18 PM, Mar 26, 2023 * Số lần xem: 900
Hình ảnh
#1

 

                               

 

 

Tâm Kinh (Lê Thiệp)


Nhớ những ngày làm báo!

Lê Thiệp là một tên tuổi không thể nào quên khi nhắc đến sự sinh thành của phong trào báo chí Việt Nam hải ngoại, đặc biệt là tại Nhật Bản. Có mặt từ ngày đầu với những bài viết phóng sự là thể loại sở trường của tác giả, Lê Thiệp đã từng là ngòi bút cột trụ trong các ấn bản tiền thân của Nguyệt San Hiệp hội. Văn của ông dù không thể thiếu cái nóng hâm hấp của của ký giả làng báo săn tin nhưng sau đó, bao giờ, cũng lấp lánh ánh nhìn đôn hậu vào sự việc tinh tế của một người làm văn nghệ bằng những mối giao tình thân thiết hơn là bằng lý thuyết sách vở.

Đoản bút ký sau đây viết về những giá trị tâm linh vào lứa tuổi đã chững chạc sau biết bao trải nghiệm trong đời được xem là khá đặc biệt so với các tác phẩm khác trong tập truyện Lững Thững Giữa Đời do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương phát hành. Vẫn một giọng văn ký giả hóm hỉnh pha nhẹ bông đùa, nhưng ông đã đi thật sâu và thật nhẹ nhàng vào những giá trị thực tiễn nhất của Phật Học. Người đọc lại thú vị hơn ở đoạn kết khi một lần nữa nhận diện tấm lòng đôn hậu của ông lững thững trải rộng ra cùng bằng hữu một thời. (Vũ Đăng Khuê)

——————-

Tâm Kinh

Lễ phát tang của bà cụ mẹ ông bạn ở chùa Giác Hoàng đường 16 xem ra đông ra phết, phần vì gia đình lớn, phần vì ông bạn là người quảng giao. Hai vợ chồng tôi trịnh trọng thắp hương vái bàn thờ xong lui ra nhường chỗ cho người khác. Căn phòng không rông lắm và tôi từ bị đẩy ra ngoài hành lang lúc nào không biết. Đứng lớ ngớ thấy vợ tôi vẫn mặt nghiêm và buồn nói chuyện với những người trong tang quyến tôi đi hẳn ra phòng ngoài ngồi. Thấy trên giá có để một lô sách tiện tay tôi rút và vớ được cuốn Nghi Thức Tụng Niệm. Cuốn sách bìa cứng màu đỏ chữ mạ vàng còn mới tinh, bên trong chữ in khá lớn có lẽ cỡ 12 để cho phật tử nào già nua mắt kém cũng có thể đọc được. Đây là điểm son của chùa chiền Việt Nam vì thỉnh thoảng đi lễ nhà thờ thấy thánh kinh in chữ nhỏ li ti. Đang lật qua lật lại mắt liếc mấy câu chú ..tà ha tát nị …thì có tiếng chào:

- Ông Thiệp đọc gì đó ?

Tôi ngẩng đầu lên. Một ông sư mặc áo chẽn màu trắng ngà tươi cười xà xuống ngồi trước mặt tôi. Tôi buột mồm trả lời không nghĩ ngợi :

- Thưa tôi đang đọc kinh.

- Á. Thế ông Thiệp đọc kinh gì vậy ?

Tôi ớ người ra. Tôi có đọc kinh gì đâu, chả qua chỉ liếc đi liếc lại nhưng vốn láu cá tôi cười.

- Thưa đọc Tâm Kinh.

- Tâm Kinh là kinh được tụng nhiều nhất hơn hẳn Pháp Hoa và Kim Cương. Nó ngắn gọn xúc tích.

Tôi nhìn ông sư cố moi trí nhớ xem đã gặp ông ở đâu, nhưng khuôn mặt nâu rắn rỏi và chiếc đầu nhẵn bóng không gợi nhắc đến một quen biết nào trong quá khứ. Tại sao ông lại gọi tôi là “ông Thiệp” đầy thân tình như vậy ? Bản tính tinh nghịch khiến tôi cười.

- Tâm Kinh e không phải là kinh Phật.

Nguyên khi có lần ông Như Hạnh là một học giả về Phật Giáo giảng Tâm Kinh, ông kể một câu chuyện liên quan đến kinh. Bà Jan Nattier một chuyên gia về Phật Giáo của đại học Indiana khi đọc Tâm Kinh thì thấy hai bản Pali và Hán văn có đôi chút khác nhau. Bà đi sang Ấn Độ cố tìm nguyên bản nhưng không thấy Tâm Kinh ở Ấn. Rõ ràng bản Hán văn lời văn cô đọng xúc tích hơn hẳn bản văn Pali. Bà hợp tác với một nhà ngôn ngữ học phân tích và sau khi đối chiếu họ đi đến kết luận bản Hán văn mới là bản chính và bản Pali chỉ là bản dịch. Bà Jan Nattier nghĩ rằng Huyền Trang sau khi đi Ấn Độ về và ngồi dịch kinh sách Phật Giáo sang Hán tự đã viết ra Tâm Kinh rồi dịch ngược lại tiếng Pali. Khi nghe tôi nói Tâm Kinh không phải là kinh Phật ông sư ngẩn người ra hỏi :

- Sao ông Thiệp lại nói thế ?

Tôi bèn hươu vượn :

- Thưa tôi nghĩ là ngài Huyền Trang sau khi dịch những bộ kinh đưa từ Thiên Trúc về, cuối đời ngài viết Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh chứ kinh không phải được dịch từ tiếng Pali.

- A, thế ông Thiệp cũng đọc bài khảo cứu của giáo sư Jan Nattier. Bà ấy cất công xử dụng ngôn ngữ học để cố chứng minh rằng bản Hán Văn mới là chính bản. Tôi vốn dốt nên không dám lạm bàn. Nhưng như vậy thì đã sao ? Thiếu gì kinh của Đại Thừa được các vị cao tăng viết ra băng Hán Văn như Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ Huệ Năng chẳng hạn. Ông Thiệp nghĩ sao ? Điều quan trọng là kinh có giúp người đọc người tụng trên đương tu học không, thế thôi.

Tôi ớ người ra nhìn nhà sư lòng có phần e dè kính nể. Ít ra thì ông này có học thật có đọc bà Nattier thật không phải học lỏm qua ông Như Hạnh như tôi.

Tôi dánh bài bây :

- Tôi thú thật có hiểu sâu xa gì về kinh với kệ đâu chỉ thấy các chú trong kinh thường trục tra trúc trắc đôi khi như là ám ngữ không có nghĩa , trong khi câu chú trong Tâm Kinh thì nghĩa lý rõ ràng nên thắc mắc vậy thôi.

- Á. Yết đế. Yết đế. Vượt qua. Vượt qua. Vượt qua được thì thành Phật ông Thiệp ơi.

- Vâng Sư dạy chí phải.

- Thế ông Thiệp ngày ngày còn đi bộ không ? Mấy cái sinh tử phù trong người có giảm đi không ? Ông Toại có khỏe không ?

Thế này là thế nào ? Nguyên tôi có viết một bài ký sự tặng ông bạn Ngô Vương Toại bàn về chuyện nên đi bộ mỗi ngày để giúp chữa những bệnh cao máu cao mỡ.

- Tôi thăm dò:

- Thưa sư cũng quen với anh Toại ?

- Ồ, không. Ông Toại là nhà báo lại làm đài phát thanh thì ai chả nghe tiếng. Vậy là ông Thiệp vẫn chăm chỉ đi bộ phải không ?

- Vâng.

- Thế thì nhất. Tôi còn ở DC mấy ngày nữa. Mai tôi xuống đi bộ chung với ông Thiệp cho vui được không ?

- Được chứ. Mời sư.

Tôi nhanh nhảu đáp và bỗng khựng lại. Ông sư này diễu chắc. Chưa quen biết gì mà cứ như thể bạn vong niên, một điều ông Thiệp hai điều ông Thiệp, nay lại muốn cùng đi bộ với tôi nữa.

- Ông cho tôi địa chỉ mai tôi đến, cỡ mấy giờ ông Thiệp ?

Tôi thấy mình lỡ dại, ở vào thế tiến thối lưỡng nan đành phải đưa địa chỉ và hẹn ông sáu giờ rưỡi sáng mai.

Biết thân biết phận, buổi sáng tôi dậy sớm diện quần đùi áo may ô cẩn thận, chân dận dày Nike trắng. Sư lái một chiếc pick up loại long bed khá lớn trên xe cột hai ba chiếc thang và đủ thứ đồ lỉnh kỉnh. Trên cửa xe thấy ghi Mike Construction Group bằng sơn đỏ. Thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi sư cười :

- Ấy xe của một phật tử cho mượn. Thế mình đi bộ quanh đây à ?

- Ồ, không. Tôi thường lái xe ra cái trail cách đây vài cây số. Con đường nhỏ đẹp lắm dành riêng cho bộ hành đỡ khói đỡ ồn mà lại an toàn vì không có xe cộ.

- Vậy thì ông lên xe tôi lái cho nhanh.

Tôi leo lên ngồi cạnh sư và khi thấy tôi lôi ra cái Ipot lui cui gắn lên tai, ông hỏi :

- Ông có cái máy gì thế?

- Cái Ipot để nghe nhạc lúc đi bộ cho vui.

- Thế hả. Cả đời tôi chưa bao giờ được nghe nhạc bằng Ipot, ông cho mượn được không ?

Tôi đành giao cái Ipot cho ông bảo :

- Tôi set up hết rồi, sư cứ gắn vào tai là nghe đươc.

Trời mùa hè dù còn sớm nhưng mặt trời đã lên khá cao và không khí nóng ẩm. Con lộ nhỏ có tên là Old Dominion Trail dài trên bốn mươi dậm dành riêng cho người đi bộ và xe đạp bề ngang cỡ hơn ba thước nhiều chỗ dốc ngược nhưng hai bên vệ đường cây cỏ xanh um tạo môt không khí thanh bình êm ả. Sư đi song song với tôi khen:

- Đẹp qúa. Chỉ có nước Mỹ rộng và giàu có mới có những trails như thế này giữa thành phố.

- Vâng, Mỹ mà.

Sư đi song song với tôi vừa đi vừa hỏi chuyện. Tôi thành thật khai báo rằng đã nghỉ hưu mấy đứa nhỏ thì đang học ở xa. Đi được khoảng mười lăm phút sư tháo cái Ipot trả lại và nói :

- Khiếu nghe nhạc của ông khác hẳn thiên hạ. Sao tôi nghe có Bob Dylan rồi BB King lại có nhạc dân ca Mỹ và cả bà Thái Thanh nữa.

Tôi hơi giật mình ngạc nhiên khi thấy một ông sư lại biết rành tên ca sĩ Mỹ trong khi tôi nghe để mà nghe vậy thôi nhiều khi lời nhạc cũng không hiểu nhất là mấy bài Jazz của ông da đen BB King. Tôi vội giải thích:

- Mấy đứa nhỏ thu cho tôi. Tôi để máy ở dạng cóc nhảy không theo thứ tự nào hết để nghe cho nó đỡ nhàm.

- Tôi thì tôi nghiệm ra thế này. Có một bản nhạc liên tu bất tận chả bao giờ dứt cả. Đấy ông cứ nghe thử coi. Gió thổi lá cây xào xạc chim hót nghe thích hơn. Mà thôi mình nhanh chân hơn chút cho nó ra mồ hôi.

Thú thật ngay từ đầu tôi đã muốn biểu diễn nên đi có nhanh hơn thường lệ nên trán đã rịn mồ hôi. Ngay khi rủ tôi nhanh chân, sư xoay người đi giật lùi, vừa đi vừa cười, nhìn tôi tay đánh mạnh như cố dục. Tôi đành xoãi chân cố bước. Được độ dăm phút sư quay lại đi cùng chiều với tôi hỏi:

- Ông đọc kiếm hiệp có nhớ ông sư ngây ngô ở chùa Thiếu Lâm vừa gánh nước vừa đọc kinh Kim Cương mà đắc được Cửu Dương Chân Kinh không? Có nhớ Hư Trúc cõng Đồng Mỗ vừa chạy vừa đọc kinh mà học được võ công của phái Tiêu Dao không ?

Tôi vừa thở vừa trả lời :

- Giác Viễn Thiền Sư.

- Vậy thì mình bắt chước Hư Trúc Giác Viễn vừa đi vừa đọc Tâm Kinh có khi lại hay.

Nói là làm, sư lớn tiếng đọc …Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã ….

Tôi cũng hứng chí đọc theo. Giọng sư trầm rõ , đọc chứ không phải tụng lúng búng trong mồm rất nhanh như ở các khóa lễ trong chùa. Bỗng sư lại vọt lên trươc đi giật lùi mặt tỉnh bơ. Mặc dù đi lùi nhưng tôi theo muốn bở hơi tai. Tôi có kinh nghiệm đối với người Mỹ, đàn ông đàn bà, già trẻ gì cũng vậy, kẻ thì huỳnh huỵch chạy như ma đuổi, kẻ thì trượt skate như gió hoặc đi bộ như tôi, nhưng chả ai lý tới ai, tử tế lắm thì khẽ dơ tay chào, còn thì mạnh ai nấy chạy nấy đi. Vậy thì cảnh hai ông Mít một ông đi giật lùi một ông thì cố xoãi bước theo, vừa đi vừa lảm nhảm không có gì là kỳ quặc cả. Nhưng khi chú tâm vào đọc kinh hình như chân tôi có hơi chùn lại và xiêu vẹo sao đó nên sư lấy chỉ xuống nói :

- Ấy, ông phải nhớ đi bộ là chính, đọc kinh để cho vui, để rảo chân nhanh hơn. Nào, dài bước, đều bước. Nào cố lên ….Thị chư pháp bất sinh bất diệt …

Và sư quay lại đi cùng chiều với tôi vẫn vừa đi vừa lớn tiếng đọc. Tôi thấy mồ hôi nhiễu xuống dù chưa đi được xa lắm. Đến lượt kinh thứ ba thì sư bảo :

- Bây giờ ông đọc một mình được không ?

- Để tôi cố thử xem.

Nói nghe có vẻ dễ nhưng chỉ vài câu là tôi lại vấp, và nhiều khi đọc sót hẳn một đoạn, lộn đoạn trên với đoạn dưới, ngập ngà ngập ngừng. Tôi thuộc Tâm Kinh từ lâu thỉnh thoảng vẫn niệm, nhưng đọc thầm khác và có thể thiếu chú tâm nữa nhưng nay vừa cố đi vừa đọc to xem ra không dễ nuốt. Khi đến cái ghế đá bên đường biết là đã đi được hai dậm, tôi ngưng lại nói

- Thường đến đây tôi nghỉ một chút

- Vậy thì mình nghỉ.

Tôi vừa thở phì phò vừa ngồi xuống trong khi sư vẫn tươi tỉnh ung dung. Tôi gạ chuyện :

- Sư không ở vùng này thì phải. Tôi ít đi chùa nhưng thỉnh thoảng có ghé thăm Thượng Tọa Thanh Đạm, không lần nào gặp sư.

- Ồ, tôi không có chùa, cứ nay đây mai đó nên chùa nào cũng là chùa của tôi cả. Mới đây tôi có ghé Dallas gặp cụ Trí Hiền, khi biết tôi sắp lên DC, cụ gửi lời thăm ông, vậy mà tí nữa quên mất.

Lòng tôi chùng xuống nhớ sư Trí Hiền và những ngày ở trại tỵ nạn mấy chục năm về trước.

- Nghe nói cụ nay già yếu lắm mà chùa thì rộng. Thế có ai phụ cụ không ?

- Ông biết mà. Tình trạng chung là Nhất Tăng Nhất Tự, mỗi vị hùng cứ một phương. Nó thế đó, biết làm sao. Thôi mình cuốc bộ về tôi còn phải trả xe nữa.

Đường về gay go hơn vì ngược dốc, ngược gió. Vừa đi được vài bước là tôi phải đọc theo …Xá Lợi Tử, sắc bất dị không ….và chỉ được một lúc sư bảo tôi đọc một mình.

- Ông đọc to, đọc to thì khí độc trong người thoát ra hết, nhẹ cả người, thích đáo để.

Thú thật là tôi đã gồng đủ mười thành công lực mới vừa đi vừa đọc mới lết về đến chỗ đậu trong khi sư vẫn như vừa đi vừa quan sát tôi thỉnh thoảng lại nhắc “Nhớ đi bộ là chính, xoãi chân đều bước” hoặc “cố đọc cho to”, “… tâm vô quái ngại …” Mồ hôi tôi ra ướt đẫm chiếc áo thung.

Trên đường ngồi xe về sư nói :

- Tôi là loại du tăng, toàn là xin ăn và ngủ nhờ khắp các chùa. Chưa đến tuổi xin SSI nên đến chỗ nào, tôi tìm mấy vị chuyên thầu sửa nhà sửa cửa xin làm thợ vịn kiếm tí tiền tiêu vặt. Lâu ngày vịn quen giờ tôi biết bắn đinh, biết xài máy cưa , biết sơn và còn dán wall paper được nữa. Kiếm đủ tiền là tôi lại đi.

Tôi chờ nhưng sư yên lặng. Qủa tình tôi định hỏi tên, hỏi về pháp môn, về đường tu và nhất là cái gì đã khiến sư biết tôi lần đầu gặp ở chùa hôm qua. Tôi đã cố moi trí nhớ nhưng có lẽ những xáo trộn dồn dập của đời sống khiến trí óc cùn đi, đông cứng lại. Về đến nhà tôi mời :

- Sư vào uống tí trà nghỉ mệt.

- Cám ơn ông Thiệp. Tôi có chai nước lọc trong xe. Tôi còn phải trả xe cho họ đi làm. Thôi hẹn ông sáng sớm mai.

Tôi đứng ở cửa nhìn và khi chiếc xe đi khuất hẳn, vừa vào trong là tôi lôi chai nước lạnh ngửa cổ làm một hơi hết nhẵn. Tôi thấy hôm nay cũng chỉ đi xa như mọi hôm nhưng rõ ràng cơ thể tôi phờ hẳn ra.

Sáng hôm sau tôi không đem cái Ipot theo nữa và chờ khi chiếc xe truck vừa đến là tôi tự đông mở cưả leo lên.

- Sao vừa đi vừa đọc kinh, ông thấy sao ?

- Chắc tại chưa quen nên mệt quá

- Ông cứ đi ít lâu rồi quen thì hết mệt. – và bỗng sư nói sang chuyện khác – Ông đọc sách nhiều chắc biết người ta thở không chỉ bằng mũi bằng mồm mà bằng cả cơ thể, chân lông kẽ tóc, làn da. Mà còn cái này nữa, hình như vật chất rỗng tuếch, nếu ép sát lai thì trái đất đâu chỉ lớn hơn qủa bóng đá. Tôi chẳng hiểu nhiều gì về khoa học nghe cứ như vịt nghe sấm nhưng nhờ thế mà đọc kinh cũng vỡ ra nhiều.

Tôi thật không biết sư toan dẫn tôi đến đâu nên buông xuôi theo :

- Vâng, tôi thấy sách vở dạo sau này có nhiều cuốn chứng minh kinh Phật rất gần với những khám phá của khoa học hiện đại.

Quả nhiên chỉ đi được vài bước là sư lên tiếng :

- Hôm nay vừa đi ta vừa thở cho nó nhẹ người ông ạ. Các cụ mình ngày xưa bảo thở bằng bụng nghĩ xem có lý ra phết ông nhỉ. Mình thử vừa đi vừa thở bằng bụng xem sao. Ông đọc sách nhiều chắc biết có cả trăm cách thở của các môn phái khác nhau, ối thôi đủ thứ.

Cái hoành cách mô ngăn ngực với bụng. Khi hít vào nó ép xuống, khi thở thì nó phồng lên giống như cái pít tông bơm lên bơm xuống. Ông cứ hít thật sâu để cái màng nó ép xuống rồi thở thật mạnh cho nó phồng lên. Nào. Hít vào. Nào. Thở ra.

Sư vọt lên đi lùi ngược chiều với tôi vừa đi vừa hô hoán hít vào thở ra. Tôi líu ríu làm theo …Nhớ hít sâu ..Nhớ thở ra, thở thật mạnh …Thở bằng mồm cũng được …Nào ..Nào ..Bước dài ra …Nhanh lên tí nữa …

Cứ thế tôi vừa đi vừa thở. Từ trước tới nay tôi đi để đi, có để ý gì đến chuyện hít vào thở ra đâu, nhưng nay vừa cố đi nhanh vừa thở chỉ độ nửa dậm là thấy bở hơi tai, có lúc hơi thở như hụt hẫng. Sư quan sát tôi và xoay người đi song song nói :

- Lúc nãy tôi có lạm bàn đến chuyện khoa học bảo vật chất là rỗng tuếch. Vậy cứ tạm tin rằng cơ thể mình cũng là vật chất nên rỗng thì thở bằng gì chẳng được. Ông thử thở ra bằng xương sống xem thế nào. Này nhé khi hít vào rồi nếu khi thở ra, ông tưởng tượng mình thở ra bằng lưng, đẩy hơi chạy dọc xương sống thì bụng ông phải ép lại cho cái hoành cách mô nó phồng lên, và như vậy bắt buộc hậu môn ông phải nhíu vào. Ông cứ nghĩ là không khí sẽ chạy dọc thẳng lên đỉnh đầu rồi chui ra khỏi mũi. Nào mình thử nha.

Phải mươi phút tôi mới vỡ ra cái cách thở này. Xem ra không khó nhưng phải tập trung tinh thần mới làm được. Có thể vì thế tôi chậm hẳn. Sư la oai oái nhắc:

- Ông nhớ đi bộ cho khỏe là chính, đọc kinh, thở là phụ. Nào bước …

Cứ thế tôi ngoi theo lời hô của sư. Đi. Thở. Thở. Đi. Ép bụng thở ra. Hít sâu thở vào. Đến chỗ ghế đá tôi nhược hẳn người, ngồi thở phì phò Sư cười nhìn tôi :

- Mình thở thế là thở như trẻ sơ sinh, tốt lắm. Càng lớn mình càng quên nên thở như thế nào mà chỉ lo cơm lo áo. Hít sâu theo con nhà võ là dẫn khí vào huyệt đan điền. Ở hậu môn có huyệt khí hải là trung tâm điều động gan thận. Khi thở ra kiểu này hậu môn nhíu lại kích thích huyệt này tốt gan tốt thận. Thở ra dọc xương sống để khí lên huyệt bách hội trên đỉnh đầu là huyệt chính của não bộ giúp ta sáng suốt tỉnh táo. Ông Thiệp cứ nghiệm mà coi.

Tôi đọc kiếm hiệp thấy nói huyệt này huyệt nọ thì hay vậy thôi. Nay nghe sư nói cũng vẫn nửa tin nửa ngờ vì chuyện huyệt đạo, điểm huyệt, bấm huyệt, khai huyệt, chích huyệt có vẻ hoang đường cho vui và nhất là có vẻ Tàu Tàu khó tin vô cùng. Lúc đứng dậy đi trở về, vừa đi được vài bước sư bỗng lên tiếng giọng đầy hốt hoảng:

- Chết quên. Mình quên Tâm Kinh. Bây giờ vừa đi vừa đọc nhé.

Thế là sư lớn tiếng và tôi phải theo …Vô thọ tưởng hành thức. Vô nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý … và chỉ được một chút sư lại lên tiếng …Phải thở cho đúng cách chứ …Hít sâu … Ép bụng …Thở ra …Nhớ dẫn khí lên huyệt bách hội …Nào … Vừa đọc vừa thở … Nào … Viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh niết bàn … Nào … Nào …

Đương về dốc. Vừa gồng người xoãi chân, vừa to tiếng đọc kinh, vừa thở bằng hoành cách mô, tôi như người đi trên mây, đầu óc không nghĩ ngợi và cứ như cái máy theo lời hô hoán của sư.

Thật là trần ai khoai củ mới về đến chỗ đậu xe. Mồ hôi ra như tắm và mặt thì nóng bừng, đỉnh đầu như bốc khói. Sư mở cửa xe lôi ra chai nước lạnh đưa. Tôi tu ừng ực một hơi. Trên đường về sư vẫn tươi cười nói:

- Thét rồi quen ông Thiệp ơi. Không khó đâu. Đi, thở, đọc kinh thì có gì lạ, tụi tôi ngày nào chả vậy. Lẽ ra tôi phải đưa cho ông xâu tràng hạt nữa vừa đi vừa lần cho nó giống mấy ông thày chùa tụi tôi. Đùa vậy thôi, ông cứ thử vừa đi vừa thở vừa đọc kinh ít lâu xem sao, có khi trở thành đại cao thủ như Giác Viễn với Hư Trúc cũng nên.

Tôi hơi nhợn nhợn khi nghe ông dọa sẽ đưa tôi xâu tràng hạt. Càng lúc tôi càng e dè và tò mò không biết ngày mai ông sư này còn dở võ gì ra nữa. Có khi dụ tôi cạo đầu đi tu tụng kinh gõ mõ, ăn chay trường thì phiền quá. Khi về đến nhà ông bảo phải đi làm thợ vịn kiếm tiền nên cáo lỗi không vào nhà hàn huyên được và hẹn ngày mai.

Sáng sớm hôm sau tôi y lệ mở cửa sớm chờ thì thấy một phong bì gài ở cửa ghi “Gửi Bạn Ta” , bên trong là mấy giòng :

Bạn ta

Tôi có việc phải rời đây sớm. Đáng lẽ còn ở đây cả tuần để đi bộ với bạn ta nhưng tiếc phải đi ngay. Cứ đi, cứ đọc kinh, cứ thở như hai hôm vừa qua. Đi và đọc kinh là Hình. Đi đọc kinh và thở là Khí. Đáng lẽ còn phần nữa là Thể nhưng không quan trọng gì. Bạn ta cứ chịu khó đều đều thì có thể tự mình tìm ra Thể là gì. Bạn ta căn cơ chắc chắn sẽ vượt qua, vượt qua.

Kỳ tới gặp nhau tụi mình kiếm bàn tin bắn chơi. Hễ ông có gặp mấy ông kia cho tôi gửi lời hỏi thăm. Hi hi.

Thư không ký tên nhưng trí nhớ tôi như bị kích động, òa ra ngay lập tức. Tôi nhớ rồi. Tự đâu không hiểu, người tôi nhũn ra, ngồi bệt xuống bậc cửa. Nguyễn Trí Đạt, học Luật, làm ở Bộ Tài Chính đường Hồng Thập Tự xế cửa vườn Tao Đàn, sát gần Việt Nam Thông Tấn Xã. Ông Đạt hay ghé VTX ăn trưa ở quán Bà Tí và hay đứng cặp với tôi bắn tin độ la de. Đám nhà báo trẻ tụi tôi thường tụ tập ở đây và mày tao chi tớ cãi nhau ỏm tỏi nhưng riêng với Đạt có lẽ vì thái độ nghiêm túc và lúc nào nhỏ nhẹ lại quần áo bảnh bao nên tôi không mày tao với anh chàng mà luôn luôn gọi là “Bạn Ta”. Đạt bắn tin rất cừ và cặp tôi được nhiều hơn thua.

Một dạo mất tăm cả hai ba năm, bỗng Đạt tái xuất hiện vào một buổi trưa, mặc đồ Biệt Động Quân rằn ri, đeo lon thiếu úy, mặt đen phong trần. Hôm đó uống la de mờ người với nhau nhưng chỉ ít lâu sau là tan hàng rã ngũ. Khó tưởng tượng bạn ta từ chàng công chức thành lính rồi nay là sư. Tôi ngồi đó bần thần, những kỷ niệm cũ cứ xô ập tới và tự trách mình đã quá khiếm khuyết để không nhận ra Nguyễn Trí Đạt. Nhưng tôi nhất định hễ gặp lại thế nào tôi cũng phạng cho ông sư này một quả.

Hỡi ơi, lâu qúa vẫn chưa thấy Ông Sư Bạn Ta trở lại. Tôi ngày ngày vẫn cố vừa đi vừa đọc vừa thở. Chả hiểu Hình là gì, Khí là gì, và lại còn cả Thể nữa. Nhưng tin lời Bạn Ta tôi chăm chỉ mỗi ngày để những mong nếu gặp lại tôi sẽ biểu diễn và có khi còn huyênh hoang bảo “Tôi tìm ra Thể rồi, hi hi “.
Lê Thiệp
Nguồn: ST Facebook

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.