Dec 21, 2024

Tùy bút - Bút ký

Như Mây Nổi Bên Trời
Nguyên Thường * đăng lúc 12:14:49 PM, Mar 03, 2021 * Số lần xem: 1217
Hình ảnh
#1


Như Mây Nổi Bên Trời
(Kỷ niệm ngày gặp bạn đồng khoa 3.2017)

Tầng cao ngắm núi, biển Nha Trang
Một khoảnh trời mây thẳm lỡ làng
Nhất kiếp chưa qua cầu luyến nhớ
Tình xưa mấy nỗi chở sầu sang.

Hè 1972, chúng tôi rời Trung Tâm 1 để bay vào Nha Trang (Đồng Đế) và khúc quanh cuộc đời của các bạn, tôi từ đây khác trước.
Những bước đường đi qua lắm chông gai và không thiếu những buồn đau, hận tủi. Bước trên con đường này lòng chỉ muốn đem chút công sức của mình để mang lại an bình cho nhân quần xã hội và chỉ thế thôi.
 Nhớ lúc còn học môn Quốc Văn (trung học đệ nhị cấp):
“Kinh luân khởi tâm thượng 
Binh giáp tàng hung trung
Vũ trụ chi gian giai phận sự
Nam nhi đáo thử thị hào hùng...”
 Tâm trong sáng không chút tạp niệm, bỏ ngoài tai những cám dỗ vu vơ, bởi chúng tôi là thanh niên và với câu:
“Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời” từ thời Tiểu học còn như in trong tâm trí, hơn nữa chúng tôi bây giờ là Sinh Viên. Mặc dù chúng tôi chỉ là năm 1,2 của các khoa luật, văn khoa, khoa học và có nhiều cử nhân, giáo sư đã phục vụ xã hội cũng góp mặt nơi này và cùng khoá với chúng tôi.
Những ý niệm riêng tư, ước mơ đều bỏ lại để về đây với tư duy khác trước là chúng tôi cần phải dấng thân mạnh mẽ để góp phần xây dựng xã hội và quê hương tốt đẹp hơn, mọi bất công, rối rắm cần phải san bằng, chỉ thế thôi!
 Sự mơ mộng, đắp xây được tô điểm khi mới bước qua Tú Tài 1 với:
Từ Độ Ấy
Gặp nhau chiều ấy
Em lấy hồn tôi từ độ
Biết mơ
Bên gối vở đã nhàu
Ôm nhung nhớ
Văn, toán, triết bỏ ngỏ
Dệt vần thơ.
Rồi qua Tú Tài 2, Đại Học được một vài chứng chỉ...
Ra trường, chúng tôi nhập cuộc với tuổi thanh niên hưng phấn, của một phần tri thức được trang bị, được dùi mài đạo lý, nhân luân... Có nghĩa là chúng tôi phải tận lực giúp đời có thể bằng cả máu của chính mình.
Và cuối xuân 75, các bạn và tôi lại phải đi trên con đường khác biệt, chốn ấy có rất nhiều khổ đau, hận tủi..., chấm dứt hy vọng, niềm tin của tương lai mà tâm thường ấp ủ. Sự hụt hẳng ấy kéo dài vài năm hoặc có người lâu hơn nữa. Khi được trở về quê hương, quê hương của sự luyến nhớ, của khôn cùng, của sự trái ngược thường ngày mà trước vốn yên bình nay hoàn toàn khác lạ. Tiếng kẻng họp đội, đoàn liên tục hàng đêm, ngày loa vang inh ỏi...những bản nhạc như kích động hờn căm, thù hận sâu hơn với địa chủ, phong kiến, đế quốc và tay sai mà tôi, gia đình tôi lại nằm trong thành phần đó.
 “Nối vòng tay lớn của họ Trịnh, Dậy mà đi, Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng...”, chúng tôi trở về chẳng được trang bị gì ngoài bộ áo quần lính, chiếc ba lô của chế độ Saigon bạc màu, sờn rách, đôi dép râu, đôi tay chai sạn, nét phong trần và hai bàn tay trắng... Cơm cha áo mẹ, công thầy đã trở thành quá lạc hậu với xh này khi trẻ thơ kể cả người lớn được giáo dục cho sự đấu tranh, lòng thù hận giai cấp và tay sai bán nước!...
 Đồng ruộng khô cằn vì hạn hán, nắng nóng đổ trên đâu khủng khiếp. Con sông Lợi Nông chảy từ sông Hương qua ga Huế trơ đáy, người ta có thể đi qua mà chẳng cần ghe thuyền như mọi khi, ruộng đồng nứt nẻ, chỉ còn cỏ mọc nơi đất ẩm mà thôi.
 Hàng tre bên con dường trước mặt nhà vọt vàng, héo úa; tiếng hò ru con thời ấy chỉ còn là âm hưởng qua ký ức và rồi thỉnh thoảng buổi trưa nghe một đôi câu hò “Mái Nhì” của cụ Vàng chừng như thấm tới ruột gan. 
“Tiền tài như phấn thổ
Nghĩa trọng tợ thiên kim
Mất cha mất mẹ
Khốn kiếm lỡ tìm
Huống chi duyên chàng nợ thiếp
Như cá với chim thiếu gì...”
Đời người hãy cố vui đi
Còn cha còn mẹ có chi sướng bằng
Cho dù đèo hiểm sông ngăn
Ơn cha nghĩa mẹ trăm năm nhớ về
Trọn tình vẹn nghĩa đề huề
Hai vai chàng gánh thiếp thề bất ly...
Giọng của cụ hay đáo để, thấm cả buồng tim bởi khi tháng 4 về cha tôi không còn, mẹ đau ốm triền miên, thân ở trại, còn gì buồn bằng! Gặp lúc gạo châu củi quế, cấm chợ ngăn sông, gia đình tôi gắng gượng vài năm thì chẳng còn chi, vật dụng hàng ngày đem bán hết nào bàn ghé, chén bát, tủ đứng, những nông cụ như máy nước, con trâu sung vào hợp tác rồi làm công ăn điểm.
 Một sớm nọ, tôi bới theo lớn guigoz sắn lát khô độn cơm, một gói muối ớt, một bữa ăn như thế đấy. Tôi vác cuốc theo đoàn nông dân đi làm thủy lợi, chiều lại về nhà khoai sắn đỡ lòng, tối lại đi họp đội phân công làm nhiệm vụ mới... Cuộc sống thời 78,79 là vậy cọng thêm tem phiếu nhì nhằng làm cuộc sống vốn khó lại càng khó khăn, trắc trở thêm và tôi chỉ mong có đủ sắn khoai là ổn, nhưng...
 Ngoài kia loa cứ vang, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc mà trong lòng tôi lại chùng xuống thê thảm, tủi hổ thêm, chỉ còn biết ngậm ngùi! Tiếc cho ngày tháng yên bình, núp bóng cha mẹ, tiếc cho một thời đã qua và chẳng còn gì để mà trở lại, bởi tất cả đã là quá khứ, quá khứ của đắng cay chua chát và đau thương.
 Bên chồng sách đã cũ mà cha mẹ tôi đã giấu đi có tập thơ đánh máy của tôi, đó là tập “Từ Ấy”, sau này tôi lọc ra cho vào “Nguyên Thường thi tập1,2,3,4”. Ngoài ra còn có Thi Nhân Tiền Chiến, Kinh thư của Khổng, Tam Quốc chí, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Thần Điêu Đại Hiệp... Một cây đàn guitar cổ lổ, giây đứt muốn chơi phải nối lại nghe chẳng ra gì. Đó là tất cả niềm vui khi đêm về của tôi, cầm cây đàn đánh nhịp nghêu ngao những bản tình ca như: Ai ra xứ Huế, Đêm tàn Bến Ngự...quên đi những đoạn buồn thân phận, những tháng ngày vô vị, nhạt nhẽo.
 Lại nhớ đến đoạn ở Tiếu Ngạo Giang Hồ:
“ Thánh giáo chủ muôn năm
Trường trị nhất thống Giang hồ
Phó giáo chủ chín ngàn năm...” mà cứ cười mãi. Sự tung hê Nhậm Ngã Hành, Lệnh Hồ Xung của giáo chúng Mà Giáo thật buồn cười và tôi coi như đó là một mặt khác của cuộc đời đầy bỉ ổi. Sự nịnh hót đôi khi có thể làm những tên gian hùng đủ vui đấy chứ!
 Thời gian rãnh tôi lại tìm đến ĐY để đọc rồi học thuốc, châm cứu qua những tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông, Thượng Trúc... Thời gian này tôi cũng thực hành châm cứu với bà vợ của tôi đang làm BV Đông Y tỉnh và sau này lại trở thành nghề nghiệp chính thức của tôi từ 1985 cho đến bây giờ.
 Quê hương có lắm điều để nhớ da điêt và tưởng niệm, những ký ức hoài mãi không quên.
 Quê tôi Phường Đập sớm chiều
 Đò ngang Lương Lộc nắng dìu gió lên...
 Sương trôi cảnh đẹp êm đềm
 Dáng ai áo nhuộm lộng thềm tà bay
 Đường ra chợ buổi sớm mai
 Lung linh nắng mới vạt dài thướt tha
 Trầu cau quẳng gánh đường xa
 Chân vui bước ngập ngừng qua cổng làng...
 “Ai về Chợ Mới Lương Văn
 Cho tôi về với kẻo khuya trăng tối trời”
Nhớ lại những bước chân của tôi đã đi qua nhiều vùng miền khác nhau, thấy biết bao nhiêu cảnh nên thơ, hùng vĩ của núi đồi, nơi ẩn giấu mọi bạo ác có thể đem lại hiểm nguy cho tôi cùng đồng đội, nhưng chúng tôi cứ đi, cứ ở, cứ làm...Rồi khoảnh khắc nào đó lại nhớ một đêm xuân, súng dậy và rồi tiếp theo là những xác người chết một cách hận uất và buồn tủi, họ chết oan ức và tủi nhục mà người trao bắt phải nhận, không cãi, không chối, chỉ cúi đầu bất lực và họ Trịnh viết: “Hát trên những xác người”, như thế.
Và cuộc đời chỉ phải vậy thôi sao! 
“Ôi! 
Nhân sinh là thế ấy
Như phù du
Như mây nổi
Như gió thổi
Như chiêm bao...”
Vừa thoáng chốc lại đến nơi nào!
Cuộc đời diễn biến hình như có quy luật mà tạo hoá an bày, như âm dương tương hổ, như sinh khắc, như cao trào rồi lụi tàn... Đó là quy  luật của tự nhiên, thịnh suy của đời người đều được phán xét trong u minh. Mới ngày nào tuổi trẻ khí thịnh mà nay đã 70, tay run chân mỏi.
Hôm nay
Say bên ly rượu
Bạn hữu thân tình
Vỗ tay cùng ca xướng
Ngày mai ai biết ra sao
Thời gian vô tình
Giật mình đã vội về quá khứ
Vô thường thông tâm phế
Thầm nhủ qua rồi
Lời kinh cầu trôi nổi
Kìa gió trỗi cũng mơ màng...
Rồi chỉ có mình ta lang thang
Trăng cũng lặn, đêm cũng tàn
Mây cũng trôi
Thời gian nào trở lại
Ai kia có dám nói:
Ta là mãi mãi.
Gần 50 năm mới có dịp trở lại Nha Trang, nơi có nhiều bạn đồng khoa của tôi cùng về đây để hội ngộ, vui mừng cái bắt tay hay vòng tay ôm thắm tình thân ái, mừng cho nhau còn khỏe rồi hẹn nhau lần gặp tiếp và cũng thật buồn cho những người bạn đã nằm xuống ở khắp các vùng miền từ Quảng Trị, Phước Long hay cuối cùng là 75, chúng tôi 700 giờ chỉ còn non nửa. Buồn thiệt!
Gần nửa thế kỷ
Bạn, tôi chừ hội ngộ 
Gặp gỡ mừng số tuổi lại chất thêm
Tóc bay bạc gió bên thềm
Lâng lâng tim dạ kết nên muôn điều
Nhớ tuổi vừa yêu
Tình dài trải nợ
Bốn phương bỏ lỡ chuyện bút nghiên
Lòng trao nghĩa gửi trăm miền
Thấp cao chung một niềm tin xây đời
Ô hô!
Trò đời xui khiến
Mặt nhìn mặt tâm sầu xao xuyến
Bao ngôn ngữ cũng khó nói nên lời
Bởi vì sắc tàn màu phai kia đã vội
Tám hướng đời ngược lội đường trần...
Cho dù phải lội ngược nhưng tâm cứ thoáng, tìm xem cái gì hợp để tu thân, miễn là tiêu dao khoái hoạt để tìm chân, thiện, mỹ của cuộc đời là tốt. Đường trần lấy trăm năm làm giới hạn, tới tuổi này còn phía trước một đoạn nữa phải đi, trải nghiệm ý vị của cuộc đời này thêm nữa.
Mây bên trời phiêu lãng
Cuối chân mây
Ai đếm được mấy hàng
Lang thang chiều gió nổi đi hoang
Cũng trầm mặc
Cũng vội vàng biết mấy
Ngày vô tận hứng
Năm tháng có hữu tình 
Mây bên trời
Sương khói rũ mênh mông.
                                   Nguyên Thường
 

(Chợ Mới gọi là Phường Chợ, nơi tôi ở gọi là Phường Đập. Hai phường chia cách nhau chỉ một con đường. 

Hai câu lục bát thừa cuối cùng chỉ là câu ca dao, không biết được đặt tự bao giờ, chỉ có ý bảo là hơi xa nơi phố xá, bởi ngày xưa người ta thường đi bộ lên kinh (Huế) và khi về đến nhà là tối trời rồi).

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.