Dec 26, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Trường Thi Lục Bát “Kinh Bô Thường” của Võ Thạnh Văn Vương Trùng Dương
Vương Trùng Dương * đăng lúc 12:24:11 AM, Oct 12, 2024 * Số lần xem: 734
Hình ảnh
#1
#2

            * đăng lúc 01:13:31 PM, Nov 16, 2020 * Số lần xem: 637


  

         

Trường Thi Lục Bát  “Kinh Bô Thường”
của Võ Thạnh Văn

Vương Trùng Dương


Trường thi lục bát “Kinh Vô Thường” của Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn với 2500 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, gồm hai quyển, dày 1560 trang, nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2016.

Quyển Thượng dày 884 trang, có 1250 đoạn cùng Lời Tựa của Cung Tích Biền, Lời Bạt của Hà Thượng Nhân, Duy Văn, Nhị Thu, Ngô Đức Diễm, Lâm Vân, Thinh Quang, Nguyễn Quang, Cao Phương Kỷ. Lời Bình của Ngô Nguyên Diễm. Cảm Tác qua các bài thơ sau khi đọc “Kinh Vô Thường” với Hà Thượng Nhân, Hải Phương, Cung Diễm, Nguyễn Đức Đệ, Thiên Hà, Cao Mỵ Nhân và các bài viết của Võ Công Liêm, Ngô Xuân Hậu, Cao Mỵ Nhân. Ngoài ra còn có những dòng thơ cảm tác của các thi hữu.

Quyển Hạ dày 676 trang, ngoài phần Cảm Tác & Cảm Tưởng viết thêm của Hà Thượng Nhân, Cao Mỵ Nhân, Cung Diễm, có Thanh Thanh và Trình Ngọc Lan. Lời Bạt của Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Liệu, Diên Nghị, Độ Ngạn, Nguyễn Đăng Trúc.

Trong trường thi lục bát nầy tác giả chia thành 10 chương Cát Bụi, mỗi chương có 250 đoạn. Đây là trường thi dài và dày nhất trong thi ca Việt Nam.

Theo lời tác giả: “Kinh Vô Thường là một lời kêu thương bi thống của một kiếp nhân sinh bi lụy trong cõi trần ai. Đó là lời ca cùng tột bi tráng chứa đựng ngậm nùi chất ngất đau thương của những tâm hồn vươn lên từ nỗi bi thiết thường hằng”.

Về hình thức, trình bày rất trang nhã, thoáng. Và, ngoài sở trường của nhà văn, Cung Tích Biền đảm trách công việc nầy, tôi nói đùa với anh “lấn chiếm nghề của tôi” vì tôi không ngờ khi giở từng trang được layout trong tác phẩm dày cộm như vậy.

Quê hương của núi Ấn sông Trà với những nhà thơ nỗi tiếng như Bích Kê, Tế Hanh, Nguyễn Vỹ… đã góp mặt trên thi đàn Việt Nam. Điều rất thú vị qua Lời Tựa của Cung Tích Biền cho biết Võ Thạnh Văn xuất thân trên mảnh đất nầy và “Võ Thạnh Văn là một Ki-tô-hữu, được hun đúc trong/ và thừa hưởng nên giáo dục nhị nguyên của kinh điển Ki-tô-giáo. Lại một người khá thông tuệ Phật giáo, như từ Cửa Phật. Tĩnh lại một thiền giả…”, “Anh được cái mầm ân sủng của miền kỳ vĩ núi Ấn sông Trà, thừa hưởng từ Vô, lẫn Hữu hình ấy, từ cái ‘đục-trong rạch ròi’. Mang cái trong vắt tâm linh trí tuệ đi cùng cái khí hậu nhân gian đục ngầu đương nhiên phải đục, bản thể của tục lụy. Tất cả, từ ngọn cỏ Quê Nhà đến hình tượng Thần Tự Do nơi xứ sở thứ hai anh đang tạm dung / cư ngụ, đã tụ gom. Hình thành một thi sĩ Võ Thạnh Văn hôm nay”.
 
Đoạn 001 khởi đầu:

“phận ta hạt bụi mê lầm
trong cơn say tĩnh gọi thầm giai nhân
lạc nhau cát bụi bần thần
gác khuya trở giấc gieo vần ngả nghiêng”

Đoạn 2500 kết thúc:

“thiên thu một nắm tro đời
vần - xoay - dịch - chuyển - đổi - dời - hoại - sinh
sắc - không - chân - giả - bóng - hình
cát: ân thiên hựu - bụi: tình khởi nguyên”.
 
Tứ bốn câu khởi đầu đến bốn câu kết thúc cũng càm nhận được ý nghĩa mười ngàn câu với cuộc sống “vô thường” trong cõi đời.

Trong trường thi lục bát nầy tác giả chia thành 10 chương, mỗi chương có 250 đoạn.

Trong Bát Nhã Tâm Kinh của Phật Giáo có câu: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc” nói lên ý nghĩa sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Chữ “Sắc” trong đạo Phật dùng để chỉ vật chất và những gì có hình tướng màu sắc. Chữ “Không” trong đạo Phật là “Chơn Không Diệu Hữu”. Như vậy, sắc tức thị không là nói đến thật tướng của vạn pháp và đấy chính là vô tướng, cái tướng không của vạn pháp. Nó vô thường, tất cả cũng do nhân duyên tạm bợ nương gá nhau mà thành. Hết duyên thì tan rã rồi trở về với cát bụi hư vô. Không có gì là tự thân riêng biệt của chính nó cả.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp tại chùa Điều Ngự ngày 20 tháng 6 năm 2016, Ngài giảng: “Tính không là gì? Sắc tức thị không; không tức thị sắc. Nếu chúng ta suy xét và phân tích kỹ càng về sắc, chúng ta sẽ không thể thấy bất cứ thứ gì tồn tại một cách cố hữu cả. Mọi thứ đều tồn tại trong mối liên hệ với sự vật khác. Sắc tướng và tính không đều có sự tương tác lẫn nhau”.

Là một tín hữu Ki-tô-giáo mà tác giả Võ Thạnh Văn đã “ngộ” được triết lý cao siêu của Phật Giáo để trang trải qua mười nghìn câu thơ lục bát quả là một công trình sáng tác tuyệt vời. Chẳng hạn “quay đầu đã ngộ bến xưa, phá thuyền chợt thấy sóng lưa thưa dồn” (câu 1501-1502). Hai chữ lưa thưa để chỉ mái tóc, nhà cửa… nhưng lại dùng cho cho sóng nước lúc hiền hòa. Nhưng khi nổi cơn thịnh nộ thì “nửa cơn hồng thủy ập về, phận thuyền luân lạc – phận bèo giạt trôi” (câu 2257-2258). Con người cũng vậy, lúc hiền hòa thì vỗ về, lúc thịnh nộ thì gây tai họa! Vì vậy, trong cõi trần ai nầy chỉ là cõi tạm, sống với cái tình, cái tâm để rồi khi trở thành cát bụi “mai sau gặp cõi vĩnh hằng, mời nhau uống chén trà sen ướp quỳnh” (câu 2417-2418).

Trước khi tác giả in thành tác phẩm, trường thi “Kinh Vô Thường” đã gởi đến quý văn hữu để đóng góp cảm nhận. Xin trích:

Ngô Đức Diễm với lời kết: “Rốt cuộc, tất cả là hư không. Chỉ có tình là vĩnh cửu, là thường hằng. Nhưng tình lại chính là Thơ, nên Thơ phải viết bằng chữ hoa. Thơ là thường hằng vĩnh cửu, và đó chính là nụ hoa tô điểm cuộc đời. Thơ là Kinh vậy”.

Theo Cao Phương Kỷ: “Đọc Kinh Vô Thường hơn môt vạn câu thơ, vừa ngậm ngùi, vừa réo rắt, vừa hoan lạc, trong một kiếp nhân sinh đa lụy của thân phận làm người… Khởi đi từ kiếp sống “cát bụi vô thường” để vượt lên cõi “thường hằng bất biến”, thi nhân đã rút ra được những dòng triết lý ứng dụng tực tiễn. Khởi từ cuộc đời “hư vô tương đối” ở cõi trần để tìm về cõi “hư vô tuyệt đối” (Absolute Nothingness) tức “Diệu Hữu Chân Không”, thi nhân dường như đã gần đạt đến cùng đích của kiếp phù sinh tạm bợ nầy”.

“Chân không diệu hữu” hay “diệu hữu chân không” mang triết lý của Từ Đạo Hạnh (1072-1116) vị thiền sư người Việt Nam thời nhà Lý, dân gian gọi là đức thánh Láng. Bài thơ Hữu không của Ngài:

“Tạc hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thuỷ nguyệt,
Vật trước hữu không không”.

Dịch nghĩa

(Bảo là có, thì nhỏ nhoi như hạt bụi cũng có
Bảo là không, thì tất cả trên thế gian đều không
Có và không như ánh trăng dưới nước
Đừng có bám hẳn vào cái có cũng đừng cho cái không là không).

Theo Trần Tuấn Kiệt: “Thế là trong cát bụi, nhà thơ không chỉ có suy diễn trầm tư về sự vô thường mà còn mở ra một chân trời phóng khoáng lãng mạn và đầy chân tính với một hình bóng giai nhân nào đó hoặc là ảo ảnh từ cát bụi mà ra, hoặc là huyền nhiệm vô song đối với cái hiện sinh đầy hư ảo của cuộc đời”.

Với Diên Nghị nhận xét: “Dòng thơ lục bát thanh tao, dịu dàng, uyển chuyển, vốn bắt nguồn từ ca dao dân tộc, một hình thái văn chương Việt Nam đặc thù, tồn tại lâu dài và dự phóng phồn phú mai sau, như là nền tảng căn bản của sangg1 tạo thi ca, kết âm từ và điệu. Mười ngàn câu lục bát của Võ Thạnh Văn trong Kinh Vô Thường đã vận dụng, diễn đạt, phóng chiếu lấp lánh hào quang lên cõi tịch lặng uyên nguyên của Đức Phật, khai ngộ chính mình và đến nơi an vị Đạo, dưới gốc bồ đề”.

Vì sao tác giả không để “Thơ Vô Thường” mà “Kinh Vô Thường” trong Lời Bạt của Nguyễn Đăng Trúc cho rằng: “Khi nói đến Kinh và Thi Ca, văn hóa vùng Đông Nam Á một mặt tôn vinh Kinh là Nguồn của Đạo làm người, mặt khác gọi Thi Ca là Nguồn của các Kinh. “Hưng ư Thi”: Thi ca là thần lực đem lại sức sống và lương tực nuôi dưỡng, nhân tính, là cảm hứng cho lời nói chân thật của con người”.

Tóm lại, với trường thi lục bát “Kinh Bô Thường” của Võ Thạnh Văn, với chủ ý của tác giả chia thành 10 chương, mỗi chương với 250 đoạn, mỗi đoạn có 4 câu. Với mười nghìn câu thơ lục bát, không phải là cốt chuyện mà khi đọc mỗi đoạn cũng cảm nhận được ý nghĩa của nó gói ghém về nhân sinh quan trong cuộc đời.

Mượn lời kết của Chu Vương Miện khi giới thiệu về trường thi nầy đã viết: “Ôi! Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn, người bạn trẻ vong niên của tôi, nguyên quán xã Tịnh Minh, tức “Ba Gia" Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Giữa cuộc đời lưu lạc tha phương,tạm dung xứ người, mà thi nhân đã trứ tác được những bộ trường thiên thi như Kinh Vô Thường (và Kinh Vô Tự, Đoạn Trường Hư Thanh), thuộc loại những thi phẩm đồ sộ để đời, đáng ngợi ca, đáng biểu dương, đáng bái phục. Thiết nghĩ, những tác phẩm nầy không còn riêng của tác giả, mà là của chung, đáng trân quý và giữ gìn”.

Little Saigon, March 2017
Vương Trùng Dương




 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.