Dec 21, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Về Thăm Lại
Phạm Đức Nhì * đăng lúc 12:01:17 PM, Oct 19, 2020 * Số lần xem: 1130
Hình ảnh
#1

                            

VỀ THĂM LẠI “BIỂN ĐÊM”

 

 

Vài Lời Phi Lộ

 

Đọc bài thơ Biển Đêm của Nguyên Lạc tôi đã nổi hứng viết mấy lời nhận xét. Không phải bình mà là nhận xét, và nhận xét chỉ giới hạn ở cách gieo vần của bài thơ. Tác giả không hài lòng với cách nhận xét của tôi đã viết một bài “phản biện”.

 

Bài viết “Trả Lời Phạm Đức Nhì …” (http://t-van.net/?p=44507) của Nguyên Lạc có nhiều đoạn dài dòng mà hơi xa đề tài tranh luận cho nên để làm rõ những điểm có tính học thuật trong bài viết trước của mình tôi đành Về Thăm Lại “Biển Đêm”.

 

Tôi sẽ phân tích kỹ hơn, sâu hơn về các chỗ “không khéo” về “vần nguyên chữ”, vần quẩn”, “trụ quá lâu ở thanh huyền” (trong bài tôi viết lầm là thanh bằng).

 

Ngoài ra, anh Nguyên Lạc cũng nhắc nhở tôi rằng:

 

“Trước hết xin nhớ rằng: lời nhận xét của các nhà phê bình cũng chỉ chủ quan, nghĩa là tương đối có đúng có sai, vì cảm nhận mỗi người khác nhau. Ông phê bình nói dở nhưng biết đâu độc giả cho hay thì sao? Đừng đem quan niệm chủ quan của mình mà lấn át, áp đặt người khác.”

 

nên trong bài này tôi cũng nói về tính chủ quan của tôi khi viết câu:

 

Độc giả nào đọc cả đoạn mà không cảm thấy ngán cái giọng “ầu ơ” thì quả là có nội công thâm hậu, rất đáng nể phục“.

 

đ anh Nguyên Lạc phải thốt lên:

 

Chủ quan ghê chưa?”

 

 

 

Vần Nguyên Chữ

 

Tôi mến mộ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và cũng thích nhạc của ông, nhất là bản Chiều Mưa Biên Giới. Nhưng nghe câu đầu của bản Nhớ Một Chiều Xuân:

 

“Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người, chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ

 

lại thấy cái gì đó chõi chõi, khó chịu. Đó chính là hai chữ “nhớ” trong cùng một ý nhạc. Chữ “nhớ” trước chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong khoảng thời gian một “nốt móc đen” ở vị trí phụ giữa câu nhạc. Nhưng kết hợp với chữ “nhớ” sau ở cuối câu - có thời gian ngân dài hơn nhiều - vừa trùng âm, vừa trùng ý, tạo cảm giác nhàm chán đáng kể.

 

Thi sĩ làm thơ lục bát cũng kỵ gieo vần nguyên chữ, vì vị trí gieo vần là những điểm trọng yếu của câu thơ. Nếu vô tình vướng phải vần loại này cảm giác nhàm chán, so với 2 chữ “nhớ” ở trên, mạnh hơn nhiều.

 

Trong Truyện Kiều có một cặp lục bát đã được các nhà hiệu đính xoay trở để tránh loại vần này:

 

Duyên kia có phụ chi tình

Mà toan chia gánh chung tình làm hai.

(3089-3090)

 

Hai bản Kiều Liễu Vân Đường 1866 và 1871 đều khắc là “tình”. Những bản Kiều khác về sau (Kiều 1870, Kiều 1872, Kiều 1874, Kiều 1902) đều đổi chữ “tình” câu lục thành chữ “mình” để tránh vần nguyên chữ.

 

 Xét về vần của thơ lục bát – ngoài lạc vận là lỗi nặng – trong số những xử sự không khéo về vần thì vần nguyên chữ, với tôi, gây cảm giác chán ngán, khó chịu hơn những loại vần “không khéo” khác.

 

Bước Vào “Biển Đêm”

 

Bây giờ mời độc giả cùng tôi đọc một đoạn thơ khá dài của Nguyên Lạc trong Biển Đêm.

 

Người về tìm lại thân thương đã rồi...

Biết rằng sương khói mà thôi

Thịt da trên cát hằn tôi nỗi sầu

Biển chiều trời vội trốn mau

Cô đơn lặng nhớ tình đau một thời

Biển xưa bãi cũ tôi ngồi

Hồn nghe sóng vỗ đôi mươi tình nào

Tay ôm thân ngất quyện nhau

Môi thơm ngực ngải cho nhau lần đầu

Đêm nay biển vắng người đâu?

Vầng trăng khuyết tật trên đầu đưa tang

 

1/ Vần quẩn

 

Hai chuỗi vần quẩn “rồi thôi tôi” và “thời ngồi mươi” có 4 chữ ăn vần chính vận (rồi thôi tôi ngồi) bị ngăn cách bở chữ “thời” (thông vận gần) nên độ ngọt chỉ ở mức “nghiêng về phía nhàm chán”. Nặng hơn một chút là 3 chuỗi vần quẩn “sầu mau đau”, “nào nhau nhau” và “đầu đâu đầu”. Nhưng cộng lại, độ ngọt của vần quẩn chỉ hơn mức “nghiêng về phía nhàm chán” chút đỉnh.

 

2/ Anh hùng tụ hội

 

Nhưng không biết tác giả xoay trở thế nào mà để 4 cách chơi vần “không khéo” của thơ lục bát đều quy tụ ở câu:

 

“Môi thơm ngực ngải cho nhau lần đầu

 

     a/ Vần quẩn – như đã nói ở trên.

     b/ Vần ngang câu bát có độ ngọt tương đối cao vì “nhau đầu” là thông vận gần.

     c/ Cặp vần nguyên chữ (nhau nhau) trong đó chữ “nhau” thứ hai là chữ ăn vần cũng có mặt trong câu này. Đây là lỗi nặng, độ ngọt cao, tạo cảm giác nhàm chán đáng kể.

     d/ Trụ quá lâu ở thanh huyền: Cũng ở câu này, 4 cặp lục bát trước, sau khi à ơi ở 4 thanh huyền (rồi sầu thời nào) đến đây lại đáp đúng vào chữ “đầu” – là thanh huyền thứ 5.

 

Độc giả thử tưởng tượng “tất cả các nguồn tạo ra độ ngọt (4 ‘không khéo’ về vần) từ 11 câu lục bát (78 chữ) đều đổ dồn vào 2 chữ ‘nhau đầu’ thì cảm giác nhàm chán sẽ lên cao đến mức nào?”

 

Dù anh Nguyên Lạc vẫn ngồi rung đùi ca”Nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu” (Rừng Lá Thấp), tôi tin rằng những người thưởng thức thơ sành điệu một chút khi đọc hết 11 câu thơ sẽ thông cảm với nhận xét của tôi:

 

Độc giả nào đọc cả đoạn mà không cảm thấy ngán cái giọng “ầu ơ” thì quả là có nội công thâm hậu, rất đáng nể phục“.

 

vì đã rất rõ ràng, đâu có gì quá đáng.

 

 

Đem “Ta Về” Của Lê Văn Trung Để Phản Biện

 

Ta về trắng cuộc tình duyên

Phố xa lạ phố, người quên, lạ người

Sầu chao nghiêng mái hiên đời

Sầu rơi như chiếc lá bùi ngùi rơi

Ta về, tàn cuộc rong chơi

Chuyến tàu muộn, không còn ai, ga buồn

(Ta Về – Lê Văn Trung)

 

Hai chuỗi vần “người đời bùi” và “rơi chơi ai” là hậu quả của cặp vần ngang câu bát “bùi rơi”, không phải là vần quẩn chính hiệu. Vì “bùi rơi” là thông vận quá xa, hai chuỗi vần này chỉ có 3 chữ ăn vần chính vận (đời rơi chơi), 3 chữ còn lại “người bùi ai” thì “3 phé 3 nơi” – cách nhau xa lắc. Vần quẩn ở đây không gây nhàm chán vần. Anh Nguyên Lạc chưa đụng chạm vần loại này nhiều nên chưa biết.

 

Tuy nhiên, bài thơ cũng có khuyết điểm về luật:

 

Chữ “không” trong câu bát cuối lẽ ra phải là một chữ vần trắc. Viết như vậy là sai luật. Sai luật vì vụng chứ không phải vì một “thủ pháp nghệ thuật” nào hết. Thay chữ “không” bẳng chữ “chẳng” là êm. Vẫn giữ được ý mà lại đúng luật.

 

Phê Bình Đừng Chủ Quan

 

Anh Nguyên Lạc còn nhắn nhủ tôi:

 

"Phân tích nhưng đừng đưa chủ quan mình vào chê trách. Nhà bình luận cho là dở, biết đâu độc giả cho là hay (thì) sao? Mỗi người có cảm nhận riêng. Có nhớ chuyện ngụ ngôn CON CÁ của Trang Tử không?"

 

 

Để trả lời anh Nguyên Lạc tôi xin trích một đoạn văn nói về chức năng của công việc phê bình.

 

“Để viết phê bình, cần có nhiều điều kiện. Kiến thức. Óc phán đoán. Sự nhạy bén trong nghệ thuật. Khả năng diễn đạt. Và, đến trình độ nào đó, cần thêm một điều kiện khác nữa: chủ kiến.

Hướng tới tương lai, nhà phê bình giỏi không phải chỉ là một kẻ thưởng ngoạn sành điệu mà còn là người quyết liệt tranh đấu cho một lý tưởng thẩm mỹ nhất định.

Tính chất quyết liệt trong tranh đấu làm cho tác phẩm của hắn, về phương diện thể loại, dễ có màu sắc bút chiến; về phương diện tư tưởng, dễ bị xem là xem là cực đoan; về phương diện hiệu quả, dễ gây phân hoá trong hàng ngũ những người cầm bút.

 

Nhà phê bình nào cũng cần có chủ kiến. Không có chủ kiến, tưởng là khách quan, nhà phê bình chỉ làm nô lệ cho truyền thống và theo đuôi quần chúng. Hắn có thể diễn đạt hay; nhưng cái hay ấy chỉ nhằm củng cố những điều mọi người đã biết. Quanh quẩn trong sân chơi của những cái-đã-biết, hắn rất dễ nhận được những tràng pháo tay, nhưng đó là những tràng pháo tay tống tiễn hắn vào cõi quên lãng.”

(Phê Bình Cần Có Chủ Kiến, Nguyễn Hưng Quốc, tienve.org)

 

Bình thơ là khen chê một bài thơ. Mà khen chê dựa vào cách hiểu, cách đánh giá Chủ Quan của người bình về bài thơ. Khi bình thơ tôi không quan tâm lắm đến việc “Nhà bình luận cho là dở, biết đâu độc giả cho là hay thì sao?”

 

Với một bài thơ, “mỗi người có cảm nhận riêng”. Bình thơ với tôi là trình bày, phân tích, biểu lộ cách hiểu, cách cảm nhận riêng của mình về bài thơ; sau đó đưa ra lời khen chê – hay chỗ nào? Và dở chỗ nào? Tuy nhiên, cách nhìn nhận, đánh giá của tôi về bài thơ không phải là kết luận chung cuộc. Độc giả không đồng ý có quyền phản biện.

 

Chứ nói như anh Nguyên Lạc:

 

Phân tích thì cần thiết, nhưng chủ quan PHÊ PHÁN hay/ dở là chuyện khác. Thường khi chê người khác dở thì mình "phải" hoặc "tự cho" là mình "hay hơn", phải không? Trình bày, biểu lộ và cảm nhận riêng là tốt, đừng chủ quan PHÊ PHÁN "quá mạnh tay", vì như thế sẽ mất đi tính "xây dựng".

 

thì là rất “không hiểu chuyện”.

 

Như đã nói ở trên:

Bình thơ là “trình bày, phân tích, biểu lộ cách hiểu, cách cảm nhận riêng của mình về bài thơ.”

Tại sao phải phân tích, trình bày như thế? Để có dữ kiện mà đưa ra lời khen chê, chứ nếu không có ý khen chê thì phân tích trình bày làm gì cho tốn công? Mà không khen chê thì sao lại gọi là phê bình?

 

Với tôi, bình thơ cốt ở chữ “biết” - biết những thước đo và biết cách đo. 

 

Hơn nữa, phê bình phải thẳng thắn, đúng mực. Đừng “quá mạnh tay” nhưng cũng chẳng nên “nhẹ tay”. Phê bình mà cứ “nhẹ tay một chút để đỡ mất lòng” mới là mất tính xây dựng. Còn phê bình thẳng thắn, đúng mực sẽ có lợi cho người được (bị) phê bình và cho cả độc giả nữa.

 

 

Một Chút Kinh Nghiệm Về Chủ Quan

 

1/ Tuyển sinh vào chuyên khoa trên đại học

 

Khoảng 15 năm trước con lớn tôi đang kể lại cuộc phỏng vấn để vào khoa Dược ở đại học thì vợ một người hàng xóm (mới được bảo lãnh từ Việt Nam qua) phát biểu:

 

“Hỏi toàn những câu vớ vẩn thế thì làm sao biết được ai giỏi hơn ai để nhận vào trường hả trời?”

 

Bà hàng xóm không biết rằng những câu hỏi có vẻ ngoài lề ấy chỉ để biết thêm về thái độ của sinh viên đối với việc học và việc phục vụ xã hội sau này (Và tùy trường, còn có vài mục đích khác nữa). Còn “học giỏi hay dở” thì nhà trường đã có trong tay đầu đủ hồ sơ:

 

     a/ GPA (Grade Point Average): Điểm trung bình mấy năm dự bị.

     b/ Điểm thi SAT (Scholastic Aptitude Test): Kỳ thi “chuẩn hóa” để ghi danh và đại học.

     c/ Điểm thi PCAT (Pharmacy College Admission Test): Bài thi đầu vào trường Dược.

     d/ Hai thư giới thiệu của những người có uy tín quen biết mình.

     e/ Hồ sơ làm thiện nguyện có nhận xét đánh giá của chủ cơ quan.

 

Những người điểm kém thì đã bị loại thẳng. Những người được mời phỏng vấn thì ban phỏng vấn đã có “chỗ dựa” vững chắc để so sánh, chọn lựa, chứ không phải hoàn toàn chủ quan. Phỏng vấn chỉ để loại bớt một số ít người “yếu cơ” hơn.

 

2/ Học bình thơ

 

Từ trường lớp, sách vở tôi được trang bị trên dưới 20 tiêu chí để thẩm định giá trị một bài thơ. Dựa vào những nét đặc thù của thơ ca Việt Nam và kinh nghiệm bình thơ cá nhân, tôi rút xuống còn trên dưới 10 tiêu chí - mà tôi gọi là chỗ dựa - để chuyển từ lối bình thơ lan man sang bình thơ bài bản.

 

Đó là:

 

     a/ Tứ thơ

     b/ Ngôn ngữ, hình tượng

     c/ Biện pháp tu từ (thủ pháp nghệ thuật) như ẩn dụ, hoán dụ …

     d/ Thể thơ và cách gieo vần

     e/ Dòng chảy của tứ thơ

     f/ Bố cục (thế trận)

     g/ Cách kết thúc bài thơ

 

     Riêng phần cảm xúc tôi chia làm 3 tầng:

 

     i/ Cảm xúc tầng 1: Phát sinh từ cái đẹp của ngôn ngữ, hình tượng, câu thơ, đoạn thơ.

     j/ Cảm xúc tầng 2: Phát sinh thế trận nhịp nhàng, đấu pháp toàn đội chặt chẽ, hợp lý.

     k/ Cảm xúc tầng 3: Nằm giữa những hàng kẻ, phát sinh từ cảm xúc mạnh mẽ lúc làm thơ, trạng thái nổi điên, lạc thần trí của thi sĩ.

Nếu bài thơ có cao trào, hồn thơ sẽ xuất hiện.

 

Như vậy, bình thơ bài bản, dĩ nhiên vẫn có phần chủ quan nhưng là thứ chủ quan dựa vào logic chứ không phải hoàn toàn cảm tính và đi lan man như bình thơ ấn tượng.

 

3/ Nhận xét về vần của bài Biển Đêm

 

Trong bài viết về Biển Đêm tôi chỉ giới hạn nhận xét của mình về vần của thơ lục bát - một chi tiết nặng tính kỹ thuật. Tôi đưa ra 4 cây thước để đo độ nhàm chán của vần và đã giải thích cặn kẽ cách đo của mình. Tôi thấy thế nào thì chê như thế, không “quá mạnh tay” nhưng cũng “chẳng nhẹ tay”. Bàn về kỹ thuật thơ, tuy khó có thể khẳng định là hoàn toàn khách quan, nhưng tính chủ quan, nếu có, cũng rất ít.

 

 

XIN CHỪA TÔI RA

 

Anh Nguyên Lạc còn viết:

 

“Tặng bạn trích đoạn bài thơ XIN CHỪA TÔI RA post trên FB của tôi”:

Biết bao giờ con người thành thật?

Những ngữ ngôn cảm xúc nở hoa

Xin tha tôi, chừa tôi ra nhé

Lạy các ông lớn tiếng... kèn loa

.

Tôi sợ lắm "cái hòm" đóng sẵn

"Chặt chân tay cảm xúc"cho vừa!

Khủng khiếp lắm, tôi van lạy đó

Kinh lắm rồi thông điệp... Không ưa!...

 

 

Đọc đoạn thơ tôi thấy thương anh Nguyên Lạc quá.

 

Anh chẳng hiểu gì về Liên Quan Giữa Sáng Tác Và Phê Bình. Khi anh đưa tác phẩm của anh ra công chúng, nó sẽ là “gái giữa chợ”. Ông đi qua, bà đi lại đều có quyền ngắm nghía khen chê.

 

Nếu thơ hay hoặc có điều gì mới lạ, thì dù anh có giơ bảng Stop người ta cũng vẫn bước vào phân tích ngợi khen.

 

Nếu thơ dở thì dù anh có chào mời, nài nỉ, độc giả cũng nhắm mắt bước qua.

 

Nếu thơ dở mà tác giả còn có giọng cao ngạo, ta đây thì thế nào cũng có độc giả hiểu biết ghé vào dè bỉu chê bai cho bõ ghét.

 

Tôi không bình thơ theo yêu cầu. Cũng không bình thơ để “trả đũa” vì “đụng chạm” hay vì ác cảm với thi sĩ.

 

Tôi để ý về phần kỹ thuật trong bài thơ Biển Đêm của anh Nguyên Lạc vì nó có hầu như tất cả các lỗi và sự “không khéo” về vần của thơ lục bát. Từ lạc vận, vần nguyên chữ, vần ngang câu bát, vần quẩn, trụ quá lâu ở thanh huyền - đủ hết. “Các anh hùng đều tụ hội ở Biển Đêm.”

 

Bài viết của tôi sẽ có lợi cho độc giả nhưng dĩ nhiên, buồn lòng tác giả bài thơ. Có điều với tôi, vui buồn của tác giả không là – và không nên là - mối quan tâm của người bình thơ.

 

Cô Giáo Diên Hồng Dương

 

Mấy năm trước, cô giáo bình bài thơ Tình Yêu Không Lời của Phạm Trung Dũng. Tôi xía vào bàn tán, phê phán. Cô giáo cũng không vừa, đôi co qua lại. Lời lẽ hòa nhã nhưng đã có mùi gay cấn, căng thẳng. Thế rồi hai người không ai nhường ai nhưng vẫn giao lưu lịch sự.

 

Hình như là năm ngoái, cô giáo có đăng trên FB lá thư tag tên tôi:

 

Một năm đã trôi qua, đọc lại bài này, Diên Hồng Duơng thấy không khí tranh luận hồi ấy vui quá. Nếu đừng để sân si lấn sâu thì đâu có gì buồn phiền đâu, phải không anh Phạm Nhì? Bằng chứng là cho đến hôm nay, cô giáo Diên Hồng, người hay làm trò khỉ khọn, hay cảm nhận thơ trên mạng, vẫn là em gái được nhà phê bình Phạm Nhì gửi tài liệu cho đọc, cho học qua đám mây “Phê tê bóc” đều đều phải không ạ?

 

Cám ơn anh về thái độ hành xử rất đàn anh trong học thuật a.

 

Chúc nhà phê bình Nhi Pham luôn thăng hoa trong cảm hứng phê bình sáng tạo và luôn phát triển những nét rất riêng trong bút pháp phê bình của mình.

 

Diên Hồng Dương – Giáo Viên môn Văn Cao Đẳng Sư Phạm Tây Ninh

 

Tôi rất phục cô giáo Diên Hồng Dương. Trong “chuyện của hai người” cách ứng xử của cô giáo rõ ràng cao hơn tôi một bậc.

 

Kết Luận

 

Rồi sẽ đến một lúc nào đó, tâm hồn lắng đọng, hoặc là tôi, hoặc là anh sẽ thấy ít nhiều sai sót trong bài viết của mình. Nhưng nếu lỡ cả hai đều cứng đầu – “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” – thì không biết anh thế nào chứ tôi cứ quyết học cách ứng xử của cô giáo Diên Hồng Dương. Ý mình mình giữ nhưng cũng không làm “hỏng” mối thân tình của hai người đã có từ bấy lâu nay.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

phamnhibinhtho.blogspot.com

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.