Dec 21, 2024

Thơ các nước ngoài

Thần Khúc Dante- bài 14.
Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh * đăng lúc 01:32:28 PM, Sep 21, 2020 * Số lần xem: 1097
Hình ảnh
#1

 

THẦN KHÚC DANTE (bài 14)

NHỮNG KHÚC CA THẦN DIỆU

DANTE  ALIGHIERIE

(1265-1321)

NHẤT UYÊN PHẠM TRỌNG CHÁNH
chuyển ngữ thơ lục bát

LUYỆN NGỤC HAY TĨNH THỔ̉̉  ?

     Năm 1274, khi Dante lên 9 tuổi gặp  cô bé Béatrice đồng tuổi, cũng là năm Giáo Hội Thiên Chúa Giáo tại Hội Nghị các Giám Mục Thế Giới lần thứ hai tại Lyon, thiết lập ra một tín điều mới Pugatoire, được gọi là Luyện Ngục. Cho đến lúc đó trong trí tưởng tượng loài người sinh sống trên mặt  đất, ngoài mặt đất chỉ có cõi Thiên Đường trên cao cho người thánh thiện, và cõi Địa Ngục dưới mặt đất nơi lửa nóng vua Diêm Vương trừng trị những linh hồn tội lỗi. Thần thoại Hy Lạp chia thế giới ra làm ba cõi:  Thần Zeus đóng đô trên núi Olympe cai trị cõi Trời và Người. Thần Hadès ngự trị cõi âm và Thần Poséïdon cai trị biển cả..

    Trong trí tưởng tượng Tây phương đương thời, Purgatoire Luyện Ngục cũng là một cõi Địa Ngục, lửa cháy, hình phạt các âm hồn. Dante đã cắt đứt truyền thống đó, ông mô tả Purgatoire là một cõi êm ái trước khi đến Thiên Đường. Giáo Sư Nguyễn Văn Hoàn trong bản dịch Thần Khúc có lý khi dịch là Tỉnh Thổ khác với chữ Luyện Ngục của người Thiên Chúa Giáo Việt Nam.

    Sau khi đi qua các vòng Địa Ngục từ trung tâm Đất đến bên ngoài, trèo lên các dốc đá cao, bám víu vào các chùm lông trên thân hình to lớn lạnh băng của Lucifer, một thiên thần chống lại quyền lực kẻ sinh ra mình, nên bị rớt xuống Địa Ngục. Rời Địa Ngục, Virgile và Dante có cảm giác sung sướng như lạc vào Thiên Đường.

    Vào một bình minh chủ nhật mùa Phục Sinh năm 1300. Virgile và Dante đi thuyền đến bờ biển Tiền Tỉnh Thổ.

    Tĩnh Thổ của Dante có hình ảnh là một đảo núi giữa biển vùng băng giá, trong ánh sáng mặt trời, cư ngụ bởi các Thiên Thần, có cung điệu thi vị của các nền nghệ thuật : Điêu khắc, rộn tiếng hát ca, và gặp gỡ các thi sĩ, Tĩnh Thổ là một nơi đã trở nên tốt và nhẹ nhàng.

    Nếu trí tưởng tượng người Thiên Chúa Giáo lúc đó chỉ biết có Âu Châu, miệng núi lửa Etna ở Sicile nước Ý, Puit de Saint Patrick, những vòng xoán đi đến tận cùng Địa Ngục, có thung lũng rộng tràn đầy ánh sáng thấy vua Arthur ngủ trên  một cánh đồng. Tỉnh Thổ được tưởng tượng giống như là đảo quốc Islande ngày nay gần vùng băng giá Bắc Cực  và Thiên Đường trên cõi các vì sao.

    Dante đã tưởng tượng từ lúc tạo thiên lập địa,  lúc Lucifer từ trên trời rớt xuống ở trung tâm đất trở thành cái thang để leo lên. Khối lượng đất văng lên tạo thành một quả núi trên biển bán cầu nam, không ai ở, đó là Tỉnh Thổ, có đường vòng quanh biển, có rừng vòng quanh, ấy là một thiên đường hạ giới.

    Thử thách để trong sạch linh hồn là việc leo lên núi. với nhiều chặn đường khó khăn đi qua, tùy theo tội lỗi ít nhiều trên trần đời. Tất cả các điểm của chặn đường này được Dante mô tả, xác định gồm cả từ nơi bờ bến các linh hồn được chỡ đến. Cửa sông Tibre thuyền được các thiên thần tiếp đón đẫn đến bờ biển Tiền Tỉnh Thổ. Đây là một sáng tạo hoàn toàn của Dante, một không gian chuẩn bị trước khi leo núi để trong sạch linh hồn.

    Nếu Địa Ngục được Dante tưởng tượng thiết lập gồm chín vòng hố đi vào đất. Tỉnh Thổ là những vòng đi lên núi, giống như khoảng giữa Lerice và Turbia. Lerice là một lâu đài cổ trong vịnh La Spezia ở cực Đông, Turbia là một thị trấn nhỏ ở gần Nice nước Pháp nay gọi là La Turbie ở cực Tây bờ biển Ligure. Dante cố ý lấy những địa danh này cách xa nhau mà thời Dante chưa có đường giao thông nối liền, để tạo câu chuyện kể, tưởng tượng của ông có vẻ thật.

    Trước Dante, trong suy nghĩ mọi người, chỉ có hai cực đối lập: trắng đen, tốt xấu, phải trái, Thiên đường Địa ngục..  Tỉnh thổ là một trung gian giữa hai cực, nó kéo theo một sự thay đổi các biểu tượng. Những Khúc Ca Thần Diệu của Dante trở thành một sáng tạo Thần Học mới trong thời đại của ông, một kinh nghiệm thi ca tiền phong. Từ thể thơ ba câu tạo nên một nhịp điệu mới đến cả nơi chốn, thời gian không còn là đêm vô tận  ở Địa ngục, không thấy ánh sao, trong Tỉnh Thổ dưới ánh sáng mặt trời ngày và đêm thay đổi nhau liên tục.

    Mở đầu bằng một câu thơ tả không gian tuyệt vời. “Dolce color d ́ oriental zaphiro” (Thi ca khúc I, câu 12) “Đông phương tỏa ánh màu lam ngọc, lam ngọc là lam ngọc đông phương”. Màu lam ngọc  saphir, gợi nên một thần diệu trong trí tưởng tượng mọi người đương thời, những huyền bí thần thoại trong kho tàng Ấn Độ và Trung Hoa: “Chuyện ngàn một đêm lẽ” Dante chưa hề biết, dù nó đã có, nhưng gợi nên một không gian trên mặt đất đầy quyến rũ.

    Dante bằng sự tưởng tượng ba cõi Địa Ngục, Tĩnh Thổ và Thiên Đường đã sáng tạo ra một thể loại văn học mới. Là khởi đầu các loại truyện giả tưởng và khoa học giả tưởng về sau. Nếu Homère tưởng tượng ra cuộc phiêu lưu trở về từ thành Troie của Ulysse,  trận núi lửa động đất là đắm 11 chiến thuyền, chỉ có thuyền Ulysse chạy thoát thành cuộc tấn công dân khổng lồ Lestrygon, đánh đắm thuyền bắt thủy thủ ăn thịt như xiên cá nướng. Những tiếng kêu con cá heo trong đêm trên biển thành tiếng hát các nàng nhân ngư, quyến rũ các thủy thủ, người nghe theo bị mê hoặc, bị kiệt quệ tinh khí và chết thành các đống xương trắng xoá, như Bồ Tùng Linh tưởng tượng các hồ ly tinh trong Liêu Trai Chí Dị. Dante tưởng tượng cả ba thế giới có thứ tự lớp lang, liên hệ với hành động, tội trạng, công đức người khi sống trên trần thế, từ những nhân vật trong Kinh Thánh, sách vở lịch sử đến nhân vật thời đại ông. Dante đã ra vào thông thương giữa sự thật và đời sống tâm linh, tri thức và tiềm thức.

    Dante đã khai sinh một nền văn học mới, nghệ thuật mới, khác nghệ thuật tả chân và tự truyện.. Không đọc Dante không thể hiểu tác phẩm Cổng Địa Ngục của nhà điêu khắc Auguste Rodin, không thể hiểu thơ Baudelaire, cũng như đi vào thế giới hội họa của Picasso, Dali.. về sau. Không đọc Dante không thể hiểu được bước đường dài của văn học nghệ thuật Tây Phương vì sau nó thoát ra được sự mô tả, tả chân những gì chung quanh.


TĨNH THỔ̉

THI CA KHÚC I

Cầu Thần nữ Thi Ca gợi thi hứng. Dante ngắm bốn vì sao Nam Bán Cầu. Carton Thiên thần cai quản Tĩnh Thổ xuất hiện. Nghi lễ tẩy trần trên bãi biển. Chủ Nhật Phục Sinh ngày 10 tháng 4 năm 1300  buổi bình minh.

Buồm căng vượt biển êm lành,
Chiếc thuyền trí tuệ vượt trùng sóng xanh.
Bỏ lại sao biển dữ hung,
Đệ Nhị vương quốc hợp đồng ngợi ca.
Nơi hồn tắm gội thanh tao,
Để xứng đáng với Trời cao ngàn trùng.
Vần thơ chết bổng phục sinh,
Nữ Thi Thần hỡi, tôi dâng tâm hồn.
Calliope bỗng bay lên,*
Hòa theo tôi giọng ca êm tuyệt vời.                        10
Tiếng chim sáo sậu buồn ơi.*
Thứ tha tội lỗi chẳng lời xót thương.
Dịu dàng lam ngọc đông phương *
Không gian thanh khiết trải trong vô cùng.
Đến tận chân trời trong xanh,
Bắt đầu lại thấy vui trong dạt dào.
Từ khi rời xứ thảm sầu,
Tối tăm mặt mũi, khổ đau nỗi lòng.
Hành tinh đẹp gợi yêu thương,
Miệng cười tươi gợi linh hồn phương đông,                    20
Mờ phai Ngư Tinh tiễn chân,*
Tôi quay tay phải nhìn vùng cực cao.
Tôi trông thấy bốn vì sao,*
Chưa ai trông, chỉ người vào sơ khai,*
Bầu trời rộn ánh sao vui,
Bắc phương băng giá một trời cô đơn.
Chẳng trông sao sáng nào hơn.
Khi tôi rời mắt khỏi phương trời này.
Quay về cực khác đổi thay,
Chòm Thần Nông cũng khuất ngay  mất rồi.                    30
Một cụ già hiện bên tôi,*
Nghiêm trang vẽ mặt một người kính thương.
Như cha già trước các con,
Bộ râu dài đã điểm sương bạc màu.
Tóc dài buông xỏa đều nhau,
Hai hàng buông xuống từ cao ngực mình.
Bốn vì sao thánh long lanh,
Làm cho rạng rỡ trên khuôn mặt người.
Tôi nhìn cụ hướng mặt trời :
“Anh là ai, ngược dòng trôi mịt mù ?                        40
Thoát chốn vĩnh hằng ngục tù.
Cụ lời phúc hậu râu cười rung rinh:
Ai dẫn anh, soi đèn lồng,
Đưa anh rời khỏi tận cùng ngục đen.
Ngục tù thung lũng tối tăm.
Hay ở dưới đó luật hình đổi thay ?
Luật mới ban xuống trời này,
Nên kẻ phạm tội được đày đến ta ?
Thầy hướng đạo nắm vai xoa,
Bằng lời, bằng dấu dặn dò nhỏ tôi.                        50
Hãy cúi quỳ gối tỏ lời.
Thầy rằng: Chắng phải là tôi tự mình.
Một nương nương cõi trời xanh,*
Thỉnh cầu tôi giúp dẫn chân người này.
Nếu ngài muốn tôi giải bày,
Ấy là sự thật, điều này phận tôi.
Ý muốn cụ chẳng trái lời,
Anh này chưa đến tắt hơi đời tàn.
Nhưng đã gần, vì cuồng ngông,
Vì thời gian sống chẳng còn bao nhiêu.                    60
Như lời tôi, sứ mệnh trao,
Cứu anh tôi chẳng cách nào khác hơn.
Anh đi đâu, tôi dẫn đường,
Dẫn anh xem bọn phạm nhân cõi trần.
Bây giờ muốn thấy linh hồn,
Được tẩy tinh khiết dưới quyền cụ đây.
Dài dòng bày tỏ điều này,
Một vị đức hạnh khiến sai từ Trời,
Dẫn anh nghe cụ dạy lời.
Xin cụ chấp nhận một người viếng thăm.                    70
Tìm tự do bao mến thân,
Vì tự do cụ rời chân khỏi đời.*
Cụ biết vì cái chết thôi,
Utica trút bỏ đắng cay hình hài.*
Vì tươi sáng một ngày mai,
Chúng tôi không phạm luật nơi vĩnh hằng.
Anh sống, Minos không giữ chân.
Tôi trong “Nhóm mắt trung trinh cõi trời “.
Martia nhìn cụ cầu lời,*
Trái tim thánh thiện giữ lời nương nương.                    80
Cho tình yêu, cụ lượng tình,
Xin qua nơi cụ, bảy tầng quản cai.
Ân huệ này, tôi trình ngài,
Cõi trên  gửi cụ một lời tri ân.
Cụ rằng: Martia  thân thương,
Khi ta còn ở bến bên kia bờ.
Mọi điều, nàng thỏa lòng chờ,
Nhưng khi nàng ở lại bờ kia sông,
Nàng chẳng lay chuyển ta lòng,
Luật trời đã định ta trong cõi này.                        90
Dù nương nương có đến đây,
Dẫn đường lời nỉ năn này ích chi !
Chỉ cần cầu nguyện đủ thì,
Hãy đi đi ! buộc cói dây anh này,
Sợi cói mềm, lau mặt mày,
Để xóa hết sạch mọi tì vết nhơ.
Không thích nghi, nếu mắt mờ,
Bởi sương mù đến trước bờ cõi trên.
Các quản đạo chốn thiên đường.
Cái đảo nhỏ bé này quanh bến bờ.                        100
Đằng kia nơi sóng vỗ bờ,
Cây cói mọc phủ đầy phù sa êm.
Nơi chẳng xum xuê cây vòm,
Thân cây gỗ cứng chẳng cùng sống đâu !
Không thể chịu sóng đập vào,
Nhưng ở đây nhớ, chớ nào quay lui.
Trời sắp lên tỏ đường đi,
Lên núi theo dốc trèo thoai thoải đường.
Cụ biến mất, tôi đứng lên.
Không nói gì được, chỉ ôm chầm Thầy.                    110
Ngước đôi mắt, đợi lời ngay.
Thầy rằng : Con đến nơi này theo ta.
Lùi sau phía cánh đồng xa,
Từ đây có thể đi qua biển bờ.
Bình minh lan rộng tinh mơ,
Đêm lùi dần phía mây mờ xa xa.
Thì thầm sóng biển bao la,
Chúng tôi đi bãi bình sa vắng người.
Quay về khi lạc đường dài,
Thấy an tâm, chẳng còn hoài công đi.                        120
Chúng tôi đến chỗ sương mai,
Chống tia nắng xuống bốc hơi đôi phần.
Tan trong gió thổi dần dần,
Thầy tôi lại đặt nhẹ nhàng bàn tay.
Xòe trên cỏ mượt xanh dày,
Và tôi hiểu được hành vi của Thầy.
Tôi đưa hai má đầm đìa,
Mà Thầy phát hiện những gì trong tôi.
Màu đen Địa ngục  bồi hồi.
Chúng tôi đi tiếp, biển người vắng tanh.                    130
Không ai trên biển dong thuyền,
Hay quay về bến cô thôn xóm chài.
Theo lời chỉ dẫn cụ già,
Ôi tuyệt vời ! sợi cói đà chọn cho.
Cây bình dị mọc bên bờ,
Mới vừa bị ngắt lại chờ mọc ngay.


CHÚ THÍCH

9. Calliope. Một trong chín Thần Nữ Thi Ca. Thần gợi hứng cho trường ca và sử thi. Tên có nghĩa là giọng hát thanh tao.
11. Chim sáo sậu (les Pies) Các cô con gái của vua Pierios, vua xứ Thessalie (một vùng đất liền Hy Lạp ngày nay) đám chế nhạo các Thần nữ Thi Ca trong lời hát, Calliope tức giận trừng phạt thành chim sáo sậu.
21. Mờ phai Ngư Tinh: Sao Vệ Nữ toả sáng làm bao phủ mờ nhạt cả chòm sao Ngư Tinh, hai giờ trước khi mặt trời mọc.
24. Bốn vì sao : Bốn đạo đức chính :  Thận trọng, Công bằng, Uy vũ và Điều độ. Cái nhìn của người đầu tiên Adam và Eve trong vườn Địa đàng.
30. Đại Hùng Tinh, Sao Thần Nông hình chiếc xe.
31. Cụ già đơn độc : Carton d ́Utique (Utica) được xem như một người thánh tử đạo cho tự do đạo đức và tinh thần. Sinh năm 95 trước Tây Lịch, là người bảo vệ nhiệt thành cho nền Cộng Hòa, tự tử năm 46 tTL sau khi César chiến thắng.
63. Một nương nương : Béatrice. Địa Ngục Thi Ca Khúc II.
72. Vì tự do cụ rời chân khỏi đời :  Ám chỉ việc Carton tự tử, Dante xác định việc tự tử này là “sự bất tử một linh hồn tự do.” Phạm tội tự tử đáng lẽ bị ném xuống Địa Ngục, nhưng Dante và Giáo Hội vẫn kính trọng Carton và xem như là một vị Thần canh cửa Tỉnh Thổ.
74. Trút bỏ hình hài: thân xác.
79. Martia. Vợ Carton đã có với nhau những đứa con xinh đẹp. Nhà hùng biện Hortensius đề nghị Carton nhường Martia Carton đồng ý. Hortensius chết, Martia xin trở lại với Carton, Carton cũng đồng ý. Trong tác phẩm Convivo, Dante xem sự trở về của Martia như sự trở về của Chúa các linh hồn sau khi chết.
96. Cây cói. Tượng trưng cho sự khiêm nhường giản dị. Đây là một tục lệ của Tĩnh Thổ.


TĨNH THỔ̉
THI CA KHÚC II

 Ngày lên trên đảo.  Các thiên thần chỡ thuyền đến. Gặp gỡ các âm hồn. Lời hát Casela.  Carton lại xuất hiện và bỏ đi.

Mặt trời đã đến chân trời.
Đường kinh tuyến đã vòng rồi bao quanh.
Jésusalem đến đỉnh xanh,*
Đêm tối đã phủ nửa vòng cầu bên.
Sông Hằng xuất hiện sao Cân,*
Dần dần thoát khỏi đêm đen trị vì.
Bầu trời trắng và hồng tươi,
Nơi tôi đi đến, sáng ngời bình minh.
Đổi màu cam lên cao dần,
Chúng tôi vẫn bước dọc bên cát vàng.                    10
Như người đang nghĩ lộ trình,
Óc tim đi mất, thân mình còn đây.
Như người ta thấy ban mai,
Hỏa Tinh đỏ rực trong hơi sương dày.
Trên biển cả phía trời Tây,
Bỗng nhiên xuất hiện và tôi còn nhìn,
Một luồng sáng biển bay lên,
Bay lên chẳng có gì bằng, bay nhanh.
Tôi quay mặt, chăm chú nhìn.
Để hỏi Thầy hướng đạo cùng giải thông.                20
Ánh sáng càng lớn chói chang,
Quanh nó xuất hiện các bên lạ kỳ.
Cái gì trăng trắng, hiểu gì ?
Và vật trắng nữa dưới thì nhô ra.
Thầy im lặng chưa nói ra,
Khi mảng trắng rõ, hình là cánh bay.
Đó Thiên sứ, Thầy hiểu ngay,
Thầy kêu: Hãy khấu đầu quỳ, chắp tay.
Thiên sứ đã đến nơi này,
Con sẽ còn thấy, đến đây nhiều Thần.                    30
Không thích phương tiện nhân quần,
Không chèo, cũng chẳng cánh buồm giăng lên.
Với đôi cánh từ mông mênh,
Con xem ngài hướng lên miền trời xanh.
Rẽ không trung cánh vĩnh hằng,
Bộ lông bất tử chẳng màng đổi thay.
Tiến gần lại chúng tôi ngay,
Cánh chim thần điểu tung bay rỡ ràng.
Mắt tôi chói sáng ánh quang,
Cúi đầu chào vị thần, sang biển bờ.                    40
Lên một thuyền gọn nhẹ chờ,
Nước không dâng đến mạn, vô võ thuyền.
Đứng đầu mũi, vị thiên thần,
Ánh hào quang tỏa một vầng an nhiên.
Hơn trăm âm hồn dưới chân:
“ Đất Ai Cập. Do Thái dân thoát rồi ! “*
Cùng hòa vang tiếng hát vui,
Một chương thánh vịnh, tiếp lời ngợi ca.
Thiên thần làm dấu thánh cha,
Và rồi ngài nhảy lên bờ đi ngay.                    50
Nhanh như lúc đến, vút đi,
Cả đoàn lạ với những gì nơi đây.
Họ đưa mắt nhìn mê say,
Như kẻ đến cảnh mới ngây ngất nhìn.
Mặt trời vàng trải mênh mông,
Như tên thiện xạ phóng miền hoang vu.
Săn đuổi giữa chòm sao Ngưu.*
Bọn mới đến hướng chúng tôi hỏi rằng :
“Nếu các vị đã biết đường,
Chỉ chúng tôi hộ lối mòn lên non.”                    60       
Virgile : Các vị  tưởng lầm,
Chúng tôi chẳng thạo lối đường nơi đây.
Cũng hành hương đến nơi này,
Chúng tôi mới đến trước ngày không lâu.
Đường khác gai góc thảm sầu,
Lên non giờ chỉ như hầu trò chơi.
Các âm hồn nhận thấy tôi,
Tôi vẫn còn thở :  “là người sống nhăn”.
Tất cả tái mặt ngạc nhiên,
Như có sứ giả cầm cành ô liu.                        70
Đám đông tò mò kéo nhau,
Chẳng ai ngại phải chen vào hỏi tin,
Thế nào, may mắn hồn linh,
Đến đây say đắm họ cùng ngắm tôi.
Quên cả làm đẹp mình thôi.
Bỗng tôi trông thấy một người chen lên.
Ôm hôn tôi bao thiết thân,
Khiến tôi cũng phải âm chầm làm theo.
Ôi hồn hư ảo trong veo,*
Ba lần dang cánh tay gieo ôm người.                    80
Ba lần chỉ ôm ngực tôi,
Sững sờ tôi tưởng lộ nơi mặt gì,
Khiến âm hồn cười bỏ đi.
Còn tôi bước vội tức thì theo chân.
Dịu dàng hồn bảo tôi dừng.
Lúc này tôi nhận ra hồn cầu xin.
Dừng chân trò chuyện xa gần.
Anh rằng:: Tôi vẫn mến anh thuở nào.
Thân chết lòng vẫn yêu sao,
Thế nên dừng lại. Anh sao nơi này ?                    90
- Casella, tôi sẽ về đây,
Nơi quê sinh trưởng, nơi này viếng thăm.
Còn anh, đã mất bao năm ?
Hồn rằng :  Tôi chẳng tội hình gì đâu !
Dẫn ai, tùy thích, khi nào,
Nhiều lần tôi bị chối từ lên non.
Vì điều muốn do chính tâm,
Thật ra chỉ mới ba trăng qua rồi.
An lành, tất cả lên thôi.
Do tôi quay lại về nơi bãi bồi,                        100
Nước sông Terero mặn mòi,
Nơi tôi may mắn được rồi nhận lên.
Thiên thần dửng nơi cửa sông,
Nơi đây tiếp nhận hồn trần luôn luôn.
Những ai không đi Achéron,
Tôi rằng:  Luật mới chẳng làm anh quên.
Lời bài ca ngợi yêu thương,
Lời ca xoa dịu sầu vương cạn dần.
Lời ca an ủi vững tâm,
Linh hồn chịu với xác thân bao sầu.                    110
Lòng đa mang bao buồn đau,
Tình thương dẫn dắt tim vào đường yêu.
Anh bắt đầu, lời dịu êm,
Dịu dàng xúc động tâm hồn trong tôi.
Thầy, tôi, và đám hồn người,
Với anh đều thấy an vui hài lòng.
Như không còn chút bâng khuâng,
Chúng tôi yên lặng nghe từng lời thanh tao.
Bổng cụ già chợt hét to :
Linh hồn chậm tựa rùa bò vì sao ?                    120
Hãy nhanh lên núi, cỡi nào xác thân.
Sao dừng lại, sao phân vân,
Lớp võ này thấy Chúa chăng được này ?
Như chim câu kết chung bầy.               
Lặng nhặt lúa mạch, lúa mì vãi rơi,
Trên cánh đồng bình yên thôi.
Không tỏ kiêu hãnh rong chơi thường ngày,
Nếu điều hiển hiện hiểm nguy,
Lập tức chúng bỏ, tức thì bay đi.
Như bị điều hệ trọng gì,
Một đoàn mới đến nơi này bỗng dưng,                130
Mặc lời ca, chạy lên non.               
Người mới đến chẳng thông đường vào.
Phần chúng tôi, chẳng kém nào.                    133               

CHÚ THÍCH
3.  Jésusalem đến đỉnh xanh :  Theo hiểu biết về địa lý thời Dante. Mặt đất được ở chỉ có bán cầu bắc từ nguồn sông Èbre đến  lưu lực sông Hằng. Jésusalem ở chính giữa.
Tây Ban Nha trưa đứng bóng, Ấn Độ là nửa đêm. Jésusalem mặt trời lặn.
5. Đêm dài vào  mùa đông đến đêm ngắn mùa hạ sao Cân xuất hiện trong đêm.
46. Câu đầu Thánh Vịnh CXIII nói đến sự kiện dân Do Thái thoát đời nô lệ ở Ai Cập trở về miền đất hứa.
57. Chòm sao Ngưu ̣(Capricorne) ở gữa trên đỉnh Tĩnh Thổ, biến mất bởi ánh sáng mặt trời.
91. Casella:  nhạc sĩ người Firenze thời Dante.
112. Tình yêu:  Câu đầu bài 3 Convivio.


TĨNH THỔ̉
THI CA KHÚC III


Tiền Tĩnh Thổ.  Tiếp tục con đường . Giải thích Dante về bản chất thân thể. Nỗi lo lắng của Dante.  Gặp gỡ các linh hồn chậm chạp. Manfredi.

Đột nhiên bỏ chạy âm hồn,
Tản lạc qua khắp cánh đồng đi lên.
Sườn non phán xét linh hồn.
Tôi đi sát vị dẫn đường cậy tin.
Không có người, ai dẫn chân,
Dắt tôi lên đỉnh núi thần này đây.
Hình như người cũng rứt ray,
Ôi lương tâm tế nhị đầy thanh tao.
Một lỗi nhỏ cũng xuyến xao,
Bước đi khi đã hết bao vội vàng.                10
Khiến người bớt vẽ trang nghiêm,
Trí óc tôi hết buộc ràng vấn vương.
Nay khát vọng đầy muốn ham,
Và tôi ngước mắt lên ngàn non cao.
Vươn tới vời vợi đỉnh cao,*
Mặt trời chói lọi nắng đào sau lưng.
Tia sáng cản bởi xác thân,
Vì tôi vật cản của vầng ánh dương.
Tôi lo sợ quay sang bên,
Sợ bỏ rơi, bổng chợt mình nhận trông,            20
Một mình, mặt đất tối tăm.
Thầy tôi quay lại, hiểu lòng trấn an.
Tại sao con sợ ? Thầy khuyên.
Ta luôn luôn vẫn bên con dẫn đường
 Chiều xuống nơi đó, chiều buông,
Lúc ta còn sống, ta còn bóng ta.
Napoli có, Brandicio xa,*
Nếu chẳng có bóng trước ta thành hình.
Cũng đừng kinh ngạc, thấy chăng,
Các bầu trời chẳng cản đường sáng nhau.            30
Đấng tạo hóa tạo thân sao,
Chịu đựng giông bão, nóng cao, giá hàn.
Đạo đức thần thánh tạo thân,
Chẳng muốn ta biết sinh thành ra sao.
Thật điên rồ, trí tuệ nào,
Có thể qua được nẽo vào thiên thu.
Của Trí tuệ Đấng Ba Ngôi,
Hãy bằng lòng với phận người sinh ta.
Nếu người có thể tự sinh ra.
Thì đâu cần Đức Maria sinh thành.                40
Biết bao khát vọng vĩ nhân,
Mơ ước vô ích những mong ước này.
Dằn vặt vĩnh cửu chẳng hay,
Ta nói Aristote và này Platon,*
Nhiều người khác cũng cùng,
Ước mơ như thế. Thầy ngừng, ưu tư..
Cúi đầu đầy nỗi lo âu.
Đến chân núi chúng tôi từ đó lên,
Một dốc đá dựng chon von,
Mà chân ngưởi khó vượt đường lối ra.            50
Giữa Lerice và  Turbia,*
Hoang vắng, đổ nát so ra chỉ là,
Bậc tam cấp rộng dễ qua,
Nào ai biết phía sườn đà dễ lên.
Không cần có cánh bay lên.
Thầy tôi chẳng bước đi thêm, Thầy dừng
Và khi cúi mặt phân vân,
Thầm trù tính xét con đường nào thông.
Tôi nhìn lên đỉnh đá trên,
Ở phía trái, đám âm hồn hiện ra.                60
Tiến gần nơi chúng tôi qua,
Nhưng quá chập chạp như là không đi.
Tôi rằng : Thầy nhìn xem chi ?
Có thể nhờ họ chỉ ngay lối đường.
Nếu ta không biết gì hơn.
Thầy nhìn trầm tĩnh, giọng thêm vững lòng.
Tiến gần, vì họ chậm chân,
Một niềm hy vọng tăng thêm con à !
Chúng tôi đi nghìn bước xa,
Chỉ còn cách nhóm kia là tấc gang.                70
Một hòn đá ném tay vung.
Sát vào nhau họ lại dừng chân lên,
Con đường đá dốc chênh vênh,
Như khi nhìn thấy, điều còn ngại nghi :
Hỡi linh hồn tốt được chọn đây,
Virgilo nói: Cảnh này ước mong.
Mọi người đều đợi chờ trông,
Nơi núi đèo thấp, con đường là đây.
Để vượt qua đến nơi này,
Những ai không muốn mất đi thì giờ.                80
Như khỏi chuồng, một đàn cừu,
Một, hai ba, lại ra vô cả bầy.
Hiền lành mắt mũi thơ ngây,
Con đầu làm, thế cả bầy làm theo.
Con đầu dừng, chúng cùng nhau,
Giản đơn, lặng lẽ, chẳng tại sao làm gì.
Cũng như thế thấy nơi đây,
Đám đông hạnh phúc nơi này chuyển qua.
Vẽ mặt nghiêm chỉnh, thật thà,
Những kẻ đầu thấy chói loà ánh dương.            90
Sườn phải tôi che khuất ngang,
Khiến bóng tôi trải đến tầng đá cao.
Họ ngừng lùi lại xôn xao,
Những kẻ khác cũng dừng theo lạ lùng.
Không hỏi nhưng nghĩ giống chung.
Các vị không hỏi, tôi xin rõ rằng :
Người này còn sống xác thân,
Bóng anh, ngăn ánh sáng trên đất bằng.
Đừng ngạc nhiên, nên tin rằng :
Anh được ân huệ cao xanh ban đầy.                100
Đang tìm vượt qua dốc này.
Nghe Thầy nói, cả đoàn người nể nang,
Vừa nói vừa khoát tay rằng :
Hãy quay lại, bước qua đoàn chúng tôi.
Một người hỏi : Anh là ai ?
Vừa đi vừa lại nhìn hoài mãi tôi.
Nhớ xem, đã nhìn trên đời.
Tôi quay nhìn lại,  ngắm người kỹ hơn.
Tóc vàng, đẹp, vẻ quý tôn,
Thẹo nhát gươm xém một bên lông mày.            110
Tôi thành thật thú rằng này,
Chưa bao giờ thấy anh đây. Anh rằng :
Xem trên ngực một vết thương,
Mỉm cười, Manfredi tôi là,
Cháu Nữ Hoàng Constanza,*
Tôi nhờ anh lúc về nhà trần gian,
Con gái tôi, hãy đến thăm,
Sicile và Aragon vinh dự dự đẹp xinh mẹ hiền.*
Nói thật, dù ai khác lòng.
Tôi đã bị chém đâm xuyên thân mình.                120
Bởi hai nhát kiếm tử vong.
Tôi khóc bày tỏ lời lòng thứ tha.
Kinh khủng thay, tội lỗi ta,
Vòng tay cao cả mở ra tấm lòng.
Tiếp nhận lời khẩn cầu lành,
Consenza Giám Mục nếu còn đuổi ta.*
Theo Clément rút phép thông công ta,
Trang sách Kinh Thánh đọc ra rành rành.
Di hài ta đó vẫn còn,
Nơi đầu cầu đó ở gần Bénévent.                130
Đống đá nặng khuất xác thân,*
Mưa dầm gió cuốn vẫn còn thấy trông.
Ngoài vương quốc, Verde bờ sông,
Ở đó mọi ánh sáng trông chẳng còn,
Tình vô chung, bởi lời nguyền,
Chẳng tiêu tan được, mà còn tái sinh.
Niềm hy vọng vẫn còn xanh,
Quả đúng lời kẻ nghịch, hồn chết đi,
Chống Hội Thánh, phút từ ly,
Ăn năn hối lỗi, tội gì cũng không.                140
Bên bờ sông ba mươi lần,
Phản nghịch thời hạn cũng bằng thời gian.
Nếu cầu nguyện thật thành tâm.
Thì ta rút ngắn được thêm hạn kỳ.
Nếu anh có thể nói chi,
Constanza con gái nhân từ của ta.
Tình cảnh, luật lệ xãy ra,
Người trần sửa đổi tiến xa tâm tình.                148

CHÚ THÍCH:

15,  Tỉnh Thổ : Là  nơi cao nhất hơn các núi trên trần thế.
27.  Brandizio  (Brindes) nơi Virgilo chết, thế kỷ 19 trước CN dưới lệnh của Auguste thi hài được chuyển đến chôn cất ở Naples.
44. Aristote, Platon : Ngay cả những triết gia lớn cũng không đi vào sự chân lý cuối cùng sự sống.
55. Lerice một lâu đài cổ trong vịnh La Spezia cực Đông, La Turbie ở cực Tây bờ biển Ligure, gần Nice.
114. Manfredi. Con ngoại hôn của  vua Fédéric II. Sau khi vua cha và anh là Conrad được phong làm vua Sicile mất. Ông trở thành vua của Sicilia và Napoli và nhận vương miện Palermo năm 1258, tiếp tục đường lối chính trị của cha chống lại Giáo Hoàng, bị rút phép thông công bởi Giáo Hoàng Clément VII, Giáo Hoàng cầu cứu ông hoàng Charles d ́ Anjou một lãnh chúa nước Pháp. Manfredi bị bại trận năm 1266 và tử trận. Giám Mục Consenza cho đào mộ ông và vất thi hài xuống sông  Garigliono còn gọi là sông Xanh.
115.  Nữ Hoàng Constance :  Con gái của Roger d ́ Altavilla, Vợ Henri VI. Mẹ Fédéric II.
118. Niềm vinh dự Sicile và Aragon. Vinh dự đây chỉ Nữ Hoàng Constance. Con gái Manfredi cũng có tên là tên là Constance, mẹ Jacques vua Sicile và  mẹ Alphonse vua Aragon.
126. Giám Mục Consenza nếu ông theo lòng bác ái của Thiên Chúa, thì ông ta không thù hận bức bách Manfredi. Cuối cùng đã có thái độ khoan dung và tha thứ cho Manfredi và chúng ta thấy Manfredi có mặt nơi phòng chờ Tĩnh Thổ. Ký ức và lòng kỳ vọng Manfredi về trần thế vẫn còn sâu sắc, mãnh liệt.
131. Đống đá nặng khuất xác thân : Charles d ́ Anjou, ngăn cản không cho xây mộ, mỗi người của ông ném một tảng đá xuống huyệt, trở thành một đống đá nặng.       

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.