|
Tùy bút - Bút kýNghĩa trang quân đội Biên Hòa , nổi đau còn đó !/Tìm lại tuổi Teen . Hồ Thanh Nhã * đăng lúc 01:15:09 PM, Sep 13, 2020 * Số lần xem: 821
#1 |
|
Nghĩa trang quân đội Biên Hòa , nổi đau còn đó !
Cuối tháng 11 năm 1967 , Đại đội 17 – Khóa 25 Sinh viên sĩ quan Thủ Đức chúng tôi , được vinh dự làm Đại đội dàn chào , khánh thành Đài Tử Sĩ của Nghĩa trang quân đội Biên Hòa vừa được Công binh xây dựng . Trung tướng Trần văn Trung – Tổng cục chiến tranh chánh trị- thay mặt Tổng Thống Việt Nam Cộng hòa khánh thành . Toàn Đại đội sinh viên sĩ quan chúng tôi trong quân phục vàng , đứng dàn chào hai hàng từ ngoài đường , dưới chân Bức tượng Thương Tiếc , dài vào đến chân đài Tử Sĩ . Hàng quân chắc dài hơn 200 mét .Trên bậc thang đi lên Đài Tử Sĩ thì tay trái mỗi sinh viên đều cầm thêm bó đuốc đang cháy. Quang cảnh buổi lễ vô cùng trang nghiêm , lắng đọng .
Sau khi Tướng Trung đọc xong diễn văn , thì nghe có tiếng ai đó tiếp đọc sang sảng bài văn tế dài cả tiếng đồng hồ .Chen lẫn trong từng đoạn là tiếng tiêu ai oán như gọi hồn núi sông. Có khi là tiếng trống trận bừng bừng khí thế .Rồi tiếp theo là nhạc chiêu hồn tử sĩ trổi lên nhè nhẹ , hòa trong bài văn tế . Lúc đó toàn vùng đồi nghĩa trang vang lên nhiều âm thanh lẫn lộn , hòa tan vào nhau , khi nhặt khi khoan , lúc hùng dũng , lúc nhẹ nhàng , làm cho tâm hồn mọi người hiện diện nơi đó như say như tỉnh . Ai cũng thấy rợn người , cảm giác như có hàng ngàn hàng vạn oan hồn đang tụ tập mọi nơi trong vùng đồi thấp nầy . Tiếng trống rộn ràng như thúc giục lên đường , hòa tan trong tiếng tiêu nhè nhẹ trong mây :
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Buổi lễ kéo dài hơn 2 giờ mới kết thúc mà dư âm còn lắng đọng trong lòng mọi người quá nhiều nỗi xót xa ngậm ngùi . Năm đó vì mới xây dựng , nên Nghĩa trang chỉ mới có chừng ngót một ngàn ngôi mộ. Sau nầy khi chiến sự leo thang , tốc độ mai táng tử sĩ càng ngày càng gia tăng . Nhất là khi cuộc chiến leo thang đến chót đĩnh vào mùa Hè đỏ lửa năm 1972 . Tử sĩ chở về nghĩa trang càng nhiều thì thành phần cơ hửu của nghĩa trang cũng phải gia tăng theo . Họ là thành phần tạp dịch , lo việc hậu sự của tử sĩ như : tắm rửa tử thi , tẩn liệm ,đào huyệt , xây mộ …Từ một trung đội thành một đại đội khi cuộc chiến chấm dứt năm 1975 .
Song song đó , Công binh cơ giới cũng bận rộn không kém . Họ tiếp tục đào đấp , xây cất thêm những công trình khác .Theo sơ đồ tổng quát toàn khu như đường sá ngăn chia từng khu mộ , bức tường Vành Khăn Tang …Vào sâu trong trung tâm nghĩa trang , còn có đài Tử Sĩ được xây trang trọng trên ngọn đồi thấp có hàng trăm bậc thang đi lên. Trước đài có cổng Tam quan uy nghi , hoành tráng …Giữa nghĩa trang là một tháp xi măng cao 43 mét gọi là Trung Dũng Đài , Chung quanh Trung Dũng Đài là một bức tường lớn hình tròn gọi là Vành Khăn Tang. Không biết ai đặt tên cho bức tường nầy Vành Khăn Tang ? Sao mà nghe ai oán , thê lương , nảo lòng cho người sống và cả cho những linh hồn người lính đã trở về cùng cát bụi , đã nằm im lìm theo năm tháng đi qua .Từng dãy mồ tiếp nối , dài thêm theo từng ngày , từng tháng . Bia mộ nằm thẳng hàng ,yên lặng , bình đẳng , hàng hàng , lớp lớp , mút mắt cho đến cuối chân đồi Việc xây thêm mồ mả đó dừng lại vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 . Như một định mệnh , như một sự an bày !
Lúc khánh thành thì nghĩa trang chỉ có ngót nghét ngàn ngôi mộ . Thế mà khi cuộc chiến chấm dứt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 , tổng số mộ phần ở đây đã lên gần 16 ngàn ngôi mộ .Đó là chưa kể nhiều tử sĩ đã được thân nhân đưa về đất nhà , mà con số nầy thì vô phương tổng kết . Tại nghĩa trang nầy cũng có hơn mười ông Tướng nằm chung với thuộc cấp của mình . Trong số đó có Đại tướng Đỗ Cao Trí . Nằm lại bình đẳng – Huynh đệ chi binh .
Theo đồ án dự trù xây cất thì chung quanh vành tròn bức tường Vành Khăn Tang nầy , sẽ thi công nhiều công trình điêu khắc nghệ thuật ghi lại những chiến tích oai hùng chống ngoại xâm của dân tộc ta qua các triều đại , từ thuở vua Hùng mỡ nước kéo dài cho đến ngày nay . Việc thi công trên còn đang tiếp diễn hàng ngày, thì xảy ra biến cố 30 tháng 4 năm 1975 . Những phá hoại lớn bắt đầu từ đó ở nghĩa trang nầy qua nhiều bàn tay của bên thắng cuộc .Chính quyền Cộng sản quản lý nghĩa trang nầy cắt bỏ 10 mét phần đầu của Nghĩa Dũng đài đem đâu mất , phần nầy bắng thép , chắc mắc . Bức tượng Thương Tiếc bị xe cần cẩu giựt sập , chở đi biệt tăm . May quá có một ký giả người Pháp chụp được hình lúc pho tượng bị kéo sập, phổ biến lên mang nên nhiều người xem được . Còn nhiều thứ trong nghĩa trang bị đánh căp , chia chát nhau không ai dám kiểm soát . Con cóc làm sao dám kiện ông Trời ?
Đứng trên khu vực dưới chân Nghĩa Dũng đài, ta thấy cả một cánh đồng mộ chí trùng trùng điệp điệp, dài đến mút mắt . Một quang cảnh tiêu điều , hoang vu nhưng lại có giá trị lịch sử , trong suốt thời gian điêu tàn vận nước vừa qua ;
Tủi thân người lính nằm trong mộ
Nợ máu xương nầy …biết hỏi ai ?
Đêm bấc hồn oan theo bóng đóm
Vật vờ ghềnh bãi …ánh ma trơi
Đại đội 17 –Khóa 25 Sinh viên sĩ quan trừ bị Thủ Đức chúng tôi , vào tháng 11 năm 1967 , là những nhân chứng tận mắt ngày bắt đầu xây dựng Nghĩa trang quân đội Biên Hòa . Và nhiều sinh viên khóa 25 nầy còn sống sót cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 trong đó có tác giả , lại cũng chứng kiến sự khép cửa Nghĩa trang vĩnh viễn . Một giai đoạn đau buồn của đất nước Việt Nam đã đến và cũng đã đi qua . Cầu xin anh hồn của 16 ngàn tử sĩ cùng độ trì , phù hộ cho Nghĩa trang không bị tàn phá tiếp . Xin hỏi núi cao , xin hỏi sông dài , hỏi em bé lên ba , hỏi bà già tám chục , thì chắc chắn rằng hồn thiêng sông núi và toàn dân Việt đều một lòng muốn bảo vệ Nghĩa trang yêu dấu nầy . Lúc nào toàn dân ở trong nước cũng như ở hải ngoại cũng dành một góc trang trọng trong lòng , tôn kính những người con anh hùng đã nằm xuống. Mười sáu ngàn tử sĩ nầy đã đem máu đào bảo vệ từng tấc đất ngọn rau và họ đã đền nợ nước . Mà than ôi ! Kết quả khác nào như việc làm vô ích của những con dã tràng se cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì ? Xin đọc bài thơ Nghĩa trang dưới đây :
Nghĩa trang .
Ở đây lớp lớp mồ vô chủ
Nào có ai dành một nén hương ?
Ở đây tối tối hồn oan khóc
Tiếng dế đêm sâu não nuột buồn
Bao nhiêu mộ chí nằm nghiêng đổ
Bạn với trâu bò mỗi giấc trưa
Lối nhỏ hoang tàn gai mắc cở
Nào ai thăm viếng lúc sang mùa ?
Người từ tuyến lửa chở về đây
Tử sĩ Binh Long ngăn đá đầy
Từng dãy Poncho về bãi H.
Trực thăng lên xuống bụi mù bay
Về đây rũ sạch trần duyên cũ
Lặng lẽ đi về cõi tịch liêu
Về đây hoàn tất phần chung sự
Đồi thấp thiên thu lộng gió chiều
Ở đây bình đẳng nằm thanh thản
Kẻ trước người sau…những dãy mồ
Ở đây tất cả là huynh đệ
Mật thiết nhau từ mảnh vải sô
Đồi vắng chiều hôm ai đứng đó
Bàng hoàng lịch sử đã sang trang
Xa xa Châu Thới xanh màu núi
Thánh giá nghiêng xiêu lệ mấy hàng
Người sống hôm nay còn thẹn mặt
Với hồn tử sĩ với trăng sao
Ngoài kia pho tượng …đi đâu mất
Chiếc bệ còn nguyên nỗi nghẹn ngào
Ở đây tháng Bảy mùa ân xá
Luống những điêu tàn chẳng khói hương
Ai thỉnh cho hồi chuông siêu độ ?
Giải oan hồn phách lạc mười phương
Bao nhiêu suối lệ , bao nhiêu máu
Rồi cũng ô hô kiếp dã tràng
Một sớm Xuân về nghe bão tới
Sơn hà xao xuyến lệ dầm chan
Từ đấy miền Nam…thành khánh tận
Sạch trơn bờ cõi…trắng tay chung
Nổi trôi vận nước bèo mây dạt
Xí xóa cho rồi cuộc phế hưng
Tủi thân người lính nằm trong mộ
Nợ máu xương nầy …biết hỏi ai ?
Đêm bấc hồn oan theo bóng đóm
Vật vờ ghềnh bãi …ánh ma trơi
Nhân chứng là đây…từng dãy mộ
Đoạn trường chi lắm núi sông ơi !
Có nghe tiếng quốc buồn bi thiết
Hòa tiếng mưa rơi cuối…cuối trời
Hồ Thanh Nhã .
Tìm lại tuổi Teen .
Trần tấn Đạt – bạn bè thường gọi Đạt ròm , ốm quá - và tôi là đôi bạn chí thân từ năm lớp 7 đến lớp 9 . Chúng tôi cùng học ở trường Trung học Phong Châu gần cầu Cá lóc , châu thành Bến Tre .Đi đâu cũng có cặp , trong lớp thường gọi là cặp bài trùng .Có khi cả nhóm rũ nhau đi thăm nhà bạn , đi Cù lao Ốc ăn giỗ hoặc đi bất cứ nơi đâu mà thiếu nó tôi không đi hoặc thiếu tôi Đạt cũng tìm cớ vắng mặt . Lúc đó ở tuổi Teen bọn tôi đứa nào cũng nhát gái .Chỉ biết lo ăn học chưa ai biết đến tình yêu trai gái là gì . Gặp nhau thì chỉ bàn đến chuyện bài vở học hành , ganh đua trong lớp . Đạt giỏi Toán nhất lớp còn tôi thì khoái nhất là giờ Văn của thầy Thoại . Nhà tôi nghèo huê lợi chỉ có mấy công vườn dừa . Ba má tôi tiện tặn lắm mới cho tôi được tiếp tục học Trung học . Còn ba má Đạt khá hơn , có nhà máy xay lúa ở Ba Tri . Biết tôi nghèo nên Đạt thường hay chiếu cố đến tôi . Nó rất thảo ăn , lúc nào hẹn đi đâu cũng dúi vào tay tôi khi thì cái bánh , củ khoai . Có khi là bịt đá nhận si rô – một món mà tụi nhóc chúng tôi rất thích . Trưa Hè cầm mút mút cũng ngon . Một năm nghỉ Hè, Đạt rũ tôi về nhà nó chơi mấy bữa . Ba má nó có nhà máy xay lúa nên chắc khá hơn gia cảnh nhà tôi . Đạt lại là con trai thứ học giỏi nên cả nhà ai cũng nể . Mấy đứa em gái lăng xăng mừng anh dẫn người bạn cũng ốm nhom về chơi . Chúng tôi thường đạp xe đi tắm biển Bãi Ngao cách nhà chừng vài cây số . Nước biển hơi đục phù sa vì gần của sông , chớ không trong như biển Vũng Tàu , Nha Trang mà sau nầy tôi có dịp tới . Chạy đua đả đời xong nhảy xuống tắm , rồi lại chạy đua . Trưa đói bụng Đạt đãi bạn ăn cua , sò luộc . Hồi đó hai đứa ốm nhom , trai mới lớn nhổ giò bể tiếng . Tuổi trẻ thường hay háo thắng . Chúng tôi tuy thân nhưng cũng ganh đua nhau từng chút . Đạt đúng đầu lớp môn Toán . Còn tôi thì thầy Thoại dạy Văn khen có trí nhớ dai . Đọc 412 câu Chinh phụ ngâm dễ như ăn cháo . Học xong lớp 9 , Đạt thi đậu bằng Trung học đệ nhất cấp hạng Bình thứ . Còn tôi thi rớt phải thi lại kỳ 2 sau đó hai tháng mới đậu . Sau đó thì chia tay . Đạt lên Sài Gòn học tiếp , còn tôi thì ở lại tỉnh học trường khác .Xa nhau từ đó , ít có dịp gặp nhau . Nhiều năm sau nghe nói Đạt học Dược . Còn tôi thì đi lính . Cuộc đời Đạt suông sẻ hơn tôi . Đời lính gian khổ quá nhiều , vết xích xe lăn qua nhiều chiến trường , hết ở vùng 3 rồi đổi ra vùng 2 , rồi sau trở về Mỹ Tho cho đến ngày sập tiệm 30 tháng 4 năm 1975 .
Sau khi đi tù về , vất vả nhiều năm kiếm sống , hết làm rẫy ở Dầu Giây đến nhiều năm , sau phải đẩy xe đạp đi bán dầu hôi lẻ quanh khu chợ Vườn Chuối Sài gòn . May nhờ Trời ngó lại được đi Mỹ theo diện H.O. vào năm 1993 . Mỗi tuần cày 6 ngày 2 jobs nên cũng chẳng có thì giờ đâu mà về Việt Nam tìm bè bạn. Người quen cũ nhất là nhóm bè bạn lứa tuổi Teen tan tác bốn phương trời biết đâu mà tìm .Mới đây tôi được biết tin buồn của Đạt qua điện thoại người em rễ của Đạt . Đó là anh Trần Bình Trọng trước dạy môn Toán trường Trung học Ba Tri – Bến tre , sau vươt biên đến Mỹ vào khoảng 1987 . Quen được Trọng cũng là một duyên may , tình cờ nhưng biết đâu cũng do bề trên xếp đặt . Một buổi chiều rãnh ngồi xem Ti Vi , tự nhiên có người gọi nhìn đồng hương . Anh Trọng thì chắc cũng gặp lúc rãnh rang như tôi , rà Youtube tìm bạn lính trong Chương trình Tiếng Hát Hậu Phương kỳ 135 . Trước khi được biệt phái về dạy học ở Ba Tri , anh phải nhập ngũ theo học khóa 25 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức .Thấy cô MC Phương Hồng Quế phỏng vấn tôi là một sĩ quan Thiết giáp trước theo học khóa 25 Trừ bị Thủ Đức , anh Trọng gọi điện thoại cho tôi liền nhìn bà con đồng khóa .Nói chuyện lan man một hồi mới biết mình vừa đồng khóa mà cũng là đồng hương Bến Tre . Biết anh là người Ba Tri , tôi hỏi dồn tới là có biết Trần Tấn Đạt không ? Anh cho biết Đạt là anh vợ và đã chết bịnh rồi , cách đây 18 năm lúc mới 62 tuổi . Tin bất ngờ Đạt chết làm tôi xúc động mấy bữa . Cứ nhớ hoài những kỹ niệm lúc còn học chung , lứa tuổi Teen . Trong câu chuyện thì Trọng cũng cho biết là em gái kế của Đạt là vợ Trọng . Tôi nhớ hồi đó về nhà Đạt chơi 3 ngày có nói chuyện vài lần với cô bé tóc thề hay đứng thu tiền xay lúa , không biết có phải là vợ Trọng không ? Mới đó mà đã hơn 6o năm rồi , cuộc đời thoáng đến thoáng đi như áng mây trôi . Bạn bè lứa tuổi tôi cũng lần lượt về với đất cả rồi . Bao giờ mới tới phiên mình đây , quá tuổi Thất thập cổ lai hy rồi ! Viết đến mấy giòng chữ nầy, xinđốt nén tâm hương , coi như những lời phân ưu trể tràng đến gia đình Đạt , một người bạn tuổi Teen ốm nhom hơn 60 năm về trước . Nhớ bạn quá Đạt ơi ! Coi như những giòng Thơ dưới đây là những nén tâm hương dành cho Đạt đó . Cầu xin ơn trên phù hộ cho bạn mau siêu thoát .
Ngày Hè Ba Tri chói chan gió lộng
Hai thằng nhỏ ở trần
Chạy dưới nắng trưa
Thấy bóng người đi … mấy con còng gió
Biết lượng sức mình chui vôi vào hang
Biển Bãi Ngao
Đục ngầu bọt sóng
Có cánh buồm xa về cuối chân trời
Hai thằng bạn thân
Mệt nhoài thở dốc
Chạy hết nổi rồi nằm thẳng cẳng ngó mây
Mây trắng lững lờ trôi về cuối biển
Trời mênh mông tiếng gió thầm thì
Lớn lên mầy làm gì
Ba tao muốn tao học ngành y
Nhưng chưa biết sức tao có nổi
Được đó mầy ơi !
Mầy giỏi Toán quá trời
Ngẫm nghĩ thân mình tao chưa biết sẽ ra sao
Thầy Thoại khen mầy giỏi Văn nhất lớp
Mấy ai như mầy
Đọc Chinh Phụ ngâm trơn tru như cháo
Làm một lèo xuôi rót bốn trăm câu
Vậy chắc ngày sau tao thành nhà báo
Đời có thể nhọc nhằn bảy nổi …chín lênh đênh
Đó là nhắc chuyện năm xưa
Xa quá là xa
Chắc cũng hơn sáu chục năm liền
Khi hai đứa còn ở tuổi Teen
Chưa học xong lớp Tám
Rồi một chiều mưa u ám
Nhận được thiệp cưới của mầy
Gần biên giới Việt Miên
Xin lỗi nhé bạn hiền!
Tao khó lòng về dự
Chiến trận nặng nề ai nỡ bỏ anh em
Rồi từ đó lần lượt miền Trung nhiều tỉnh mất
Di chuyển liên miên
Cho đến ngày sập tiệm
Không làm sao về phép gặp bạn hiền
Sau đó đi tù
Nhiều năm ở trong rừng rú
Chừng được thả về tìm đủ cách vượt biên
Trật duột nhiều phen…sau nhờ Mỹ cứu
Đi được chương trình tị nạn với anh em
Cho đến hôm nay
Như một duyên phận tình cờ
Mới biết bạn xưa đã về với đất
Đã mười tám năm qua
Rong chìm đá nổi
Số phận mỗi người sao quá đổi mong manh
Tao với mầy
Chập chùng kỹ niệm
Mầy đi rồi tao muốn khóc làm sao
Nhớ lại Hè nào nắng cháy Bãi Ngao
Hai đứa đạp xe đường quê gió lộng
Sương trắng chiều hôm biển trời hai bóng
Chiều xuống mau hai đứa đạp xe về
Một thuở tuổi Teen
Chập chùng kỹ niêm
Sao mầy vội đi… mau quá nẻo luân hồi ?
Hồ Thanh Nhã .
|
|
Ý kiến bạn đọcVui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
|
|