Jan 15, 2025

Viết về tác giả & tác phẩm

Đọc lại Bùi Bảo Trúc
Bùi Bảo Trúc * đăng lúc 08:13:12 AM, Sep 07, 2020 * Số lần xem: 903
Hình ảnh
#1


Đọc lại Bùi Bảo Trúc

 
Các bạn trẻ ngày nay chắc ít người biết đến Bùi Bảo Trúc (1944-2016) vì một lẽ dễ hiểu: ông là viên chức chế độ cũ và mãi đến năm 1977 ông mới chính thức bước vào làng văn, làng báo khi tỵ nạn tại Hoa Kỳ.
 
Bùi Bảo Trúc theo gia đình di cư vào Nam và tốt nghiệp Tú tài Toàn phần (Ban C) năm 1963 tại Sài Gòn. Sau đó, ông du học Tân Tây Lan và trở về nước năm 1965 để dạy tiếng Anh tại Hội Việt Mỹ và Trường London School của giáo sư Nguyễn Ngọc Linh.
 
Bùi Bảo Trúc trở thành công chức khi ông làm việc tại Phủ tổng ủy Dân vận và Chiêu hồi của Hoàng Đức Nhã. Đến năm 1973 ông là phát ngôn viên chính phủ VNCH. Năm 1974 ông làm việc tại Tòa Đại sứ Việt Nam tại Anh quốc và 30/4/1975 ập đến, ông qua Canada vào tháng 6 cùng năm.
 
Năm 1977, ông sang Hoa Kỳ và làm việc cho đài VOA tại Washington D.C. cho đến khi về hưu năm 2001. Đó là khoảng thời gian ông tạo nên một sự nghiệp văn chương với một loạt bài viết lấy tựa đề “Thư gửi bạn ta” rất được người đọc tán thưởng.
 
Ngoài ra, ông còn cộng tác với đài Little Saigon Radio và Hồn Việt TV trong hai chương trình “Ngày này năm xưa”“Chào hoàng hôn” được phát hình hàng ngày. Chỉ sau vài tháng trở bệnh, Bùi Bảo Trúc trở về với cát bụi ngày 16/12/2016 tại Fountain Valley, California.
 
Bùi Bảo Trúc (1944-2016)
 
Người đọc Bùi Bảo Trúc thích ông có lẽ vì ông có một giọng văn trào phúng rất “đời thường” về những chuyện xảy ra cả ở trong nước lẫn hải ngoại. Thế nhưng, với cách viết “tưng tửng” đó lại mang một ý thức hệ “chính trị” rất… nghiêm túc. Chẳng hạn như bài viết “Chuyện… cái nòn” (*), người đọc vừa buồn cười lại vừa thấy Bùi Bảo Trúc bài bác và “dị ứng” với cái “nón cối” xuất hiện sau năm 1975 như thế nào.
 
Trong “Thư gửi bạn ta” đề ngày 9/9/2016, tác giả “nhại” lại bài văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh bằng “Hôm nay tao đi học”. Câu chuyện xoay quanh một cậu học sinh thuộc loại “trẻ trâu” dưới mái trường của thời đại ngày nay, xưng “tao” một cách ngọt sớt:
 
 
“Hôm nay là hết những ngày lang thang bẻ me trèo sấu của bọn chúng tao, thế là lại phải quần áo để trở lại trường. Tao ghét nhất là cái khăn đỏ lúc nào cũng phải đeo trên cổ đã suốt mấy năm nay mà không đeo thì không được. Không đeo là bị kiểm điểm ngay. Mà tao biết ngay cả cái đứa đem tao ra kiểm điểm chính nó cũng chẳng ưa gì cái trò tròng cái khăn ấy vào cổ. Tao biết điều đó vì chính thằng con của nó nói với bọn tao chứ đâu. Nó là con mụ chủ nhiệm một lớp trong cái trường này. Thôi thì quàng vào cổ cho đủ lệ bộ….”
 
Cậu học trò thời nay trở lại trường cũng vui chứ không buồn như mọi người tưởng. Năm học mới cậu có “đồ chơi” mới trong túi. Không phải là mấy món đồ chơi Trung quốc rẻ tiền, cũng không phải là mấy cái “gêm” vớ vẩn, chơi vài bữa là hỏng. Đó là chiếc điện thoại di động mà ngày nay người ta gọi là… con dế!
 
 
“Trong túi tao có con dế rất sịn. Mẹ tao gửi tiền từ Đài Loan về cho tao mua nó. Tao chắc mẹ tao muốn tao im mồm về chuyện mẹ tao gì gì với thằng đàn ông mẹ tao ấm ớ với nó ở Cao Hùng từ mấy năm nay. Ối giời ơi, làm gì thì làm chứ dính dáng gì với tao nữa. Tao lo được thân tao. Ông bà nội ngoại tao tháng tháng có ít tiền gửi về là vui rồi, con chị tao hát karaoke trong cái quán khu Cửa Nam son phấn kiểu sao Hàn quốc thì kệ nó. Hai năm nay nó không còn làm phiền tao nữa. Con dế mới của tao là con Samsung 7”.
 
Đọc đến đây người ta hiểu cậu học trò đang sinh sống tại thủ đô. Ngôn ngữ của cậu là một thứ “hiện đại” một cách tự nhiên như người Tràng An thời @! Theo như lời kể, cậu có ông bố cũng rất “đặc biệt”. Vì sao ư? Cậu viết về bố:
 
 
“Ông ấy ngày nào cũng mang về một đống đồ mà tao thừa biết là ông ấy lấy từ Nội Bài, nơi ông ấy làm việc bốc rỡ hành lý ở phi trường. Bố tao kiếm được khá lắm: bao nhiêu là quần áo, đồ điện tử, máy móc sịn cho con nhân tình của ông ấy bán ra ngoài chợ nên tiền bạc lúc nào cũng đầy túi có tiền đi ăn uống bia rượu, gái gú ngày nào cũng như ngày nào nên mẹ tao muốn làm gì với thằng ở Cao Hùng, Đài Loan cũng được.”
 
Cuối cùng thì cậu học trò cũng tìm ra một thứ triết lý rất… “thời thượng”. Đi học thì vẫn cứ đi, nhưng học để là gì lại là một chuyện khác. Những tấm gương của người đi trước là bài học “sâu sắc” đối với cậu:
 
“Tao thấy bây giờ chỉ cần tiền như bố tao nói. Có tiền là muốn cái éo gì cũng có. Muốn có tiến sĩ, thạc sĩ cũng có ngay. Việc éo gì phải học. Có thằng chẳng bao giờ ra khỏi nước, mà vẵn có bằng ở Mỹ, có đứa trong rừng ra vẫn xưng có bằng cử nhân luật thì tại sao tao phải mài nát cái đũng quần ở cái trường khốn nạn này… Nhưng hôm nay tao vẫn đi học.”
 
Bùi Bảo Trúc… những ngày cuối đời
 
Ngày 5/8/2016, Bùi Bảo Trúc viết một bức thư với nhan đề “Fashion Show” về một cuộc biểu diễn thời trang mà cho đến bây giờ cộng đồng mạng vẫn còn nhắc tới. Cách đây 3 năm chưa có vụ 300 chiếc áo dài của nhà thiết kế thời danh VVC dành cho quan chức, bức thư mở đầu bằng những dòng sau:
 
 
“Em thua tôi 10 tuổi, nên có gọi bằng "em" thì cũng đúng. Đọc tiểu sử của em thì em gốc gác người Bến Tre, lên Sài Gòn ghi tên học ở Đại Học Văn Khoa năm 1973 nhưng chỉ khoảng hơn một năm sau, việc học của em bị gián đoạn vì "chính quyền Cộng Hòa Miền Nam kiểm soát toàn bộ miền Nam…”
 
Đó là ngày 30/4/1975, khi Sài Gòn được đổi tên. Trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức, “người đẹp” của Bùi Bảo Trúc được mô tả một cách hài hước như sau:
 
 
“Người ta chú ý ngay đến chiếc áo thêu hoa hoét em mặc. Đó là một chiếc áo dài rất kiểu cọ, không hề giống như những chiếc áo của mấy em đười ươi khác. Áo em mặc có cổ thấp, vai raglan, mầu sắc tươi tắn hoa hòe hoa sói tưng bừng, khiến phe chợ Đồng Xuân phát điên lên vì ghen tức.
 
 
“Và cũng từ đó, em xuất hiện nhiều hơn, lần nào cũng áo dài kiểu cọ rất dã man, cứ như vừa đi vừa ưỡn ẹo "la plus belle pour aller danser..." không bằng. Những chiếc áo em mặc đều được may khá đẹp, trước ngực có thêu hay vẽ như những chiếc áo của các buổi trình diễn thời trang áo dài. Thôi thì đủ kiểu cổ cao, cổ thấp, cổ thuyền... nhưng vẫn phải là tay raglan mới được…
 
(hết trích)
 
Quả thật, Bùi Bảo Trúc hài hước đến độ chua chát. Người đọc còn ngỡ ngàng hơn nữa khi đọc tiếp bức thư:
 
 
“Nhưng những chuyện như vậy thường hay đi những bước quá độ. Em mặc áo dài kiểu cọ lia chia. Mỗi lần xuất hiện là lại phải một chiếc áo với một design mới, cho dù là để cho cá ăn cho Obama tởn hồn hay vài ba dịp khác.
 
 
“Nhưng gần đây, em thừa thắng xông lên khiến em lộ nguyên hình một con nhà quê bầy đặt học làm sang nhân dịp em xuất hiện cạnh mấy đười ươi đực trong buổi lễ thương binh liệt sĩ. Trong khi mấy đười ươi đực mặc Âu phục, ca vát thì em chơi nguyên một quả áo dài đỏ loét hoàn toàn không thích hợp trong một dịp cần một (chút) không khí trang nghiêm.
 
 
“Em lại chơi một quả fashion show trình diễn thời trang cho bõ những ngày cơ cực. Em không hề biết trang phục cũng phải cho hợp thời và đúng lúc: không phải lúc nào cũng có thể y phục giống như mọi lúc.
 
(hết trích)
 
Tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội
 
Chuyện Việt Nam còn nhiều lắm, kể không hết. Xin điểm qua vài chuyện bên Hoa Kỳ, nơi Bùi Bảo Trúc sống cho đến ngày cuối cùng. Trong bài “Nỗi buồn Phây Búc” tác giả  tiết lộ tình trạng “chậm tiến” của mình trong khi thiên hạ ở Mỹ đang rầm rộ tham gia “phong trào” Facebook:
 
 
“Cho đến tận cuối tháng 8 của năm 2015, hôm tôi đến thăm một người bạn và phải nuốt một cục tự ái to tổ chảng, bẽn lẽn thú nhận là chưa có phây búc, cũng không biết phây búc là gì. Người bạn hỏi là có muốn có phây búc không rồi khi được trả lời là có, thì người bạn hỏi thêm dăm ba câu về thân thế, về cuộc đời ái tình và sự nghiệp (không huy hoàng mấy), và những ngón tay thoăn thoắt của nàng lập cho tôi một phây búc cho đỡ mắc cở với bạn bè…”
 
Kể từ ngày có “phây búc”, cuộc sống của ông đã thay đổi nhiều lắm. Kèm theo là những chuyện bực mình vô cớ.
 
 
“Tôi phải nạp thêm điện vào điện thoại mỗi ngày hai lần thay vì một lần như trước. Lý do là thời gian mà tôi ngó vào cái điện thoại rõ ràng là đã gia tăng. Thời gian nhìn vào cái computer giảm bớt đi nhiều. Nhưng vừa có phây búc thì tôi liền thấy mình nộ khí xung thiên ngay lập tức. Dựa trên mấy chi tiết bạn tôi cung cấp, phây búc liền ghi xuống một chi tiết tôi không bao giờ đồng ý và cung cấp. Phây búc tự tiện cho tôi là người của thành phố Hồ Chí Minh!”
 
Tuy bực mình nhưng Bùi Bảo Trúc lại ghiền “phây búc” từ lúc nào không biết. Cứ vài ba phút ông lại mở smart phone, chỉ để check xem có ai like bài viết của mình hoặc click vào vài ba cái trang của mấy hãng tin, dăm ba trang của friends xem có gì mới không.
 
Thường thì mỗi lần như thế thì cũng chẳng có gì mới. Đúng ra, cũng chỉ toàn những chuyện không đâu. Nhưng chuyện mở “phây búc” trở thành một thói quen, đúng ra là một hành động vô thức, không vì một lý do cụ thể nào cả.
 
 
“Tự nhiên những chuyện ớ đâu đâu đập vào mắt, bất kể tôi có đi kiếm hay không. Có những chuyện hoàn toàn vô bổ, có lẽ cũng chẳng có bao nhiêu người quan tâm hay muốn biết. Một cái sinh nhật, một món ăn vừa được thưởng thức, một cái áo mới, một quen biết tình cờ mới gặp lại, một đứa con, một đứa cháu mới ra đời, một chuyến đi mới thực hiện…”
 
Những chuyện đại loại như vậy được “bốt” (post) lên thì cũng chẳng sao, cũng chẳng gây phiền não cho bất cứ ai. Nhiều khi những chuyện đó lại làm được việc thông báo một số chuyện về những quen biết lâu không gặp hay không có tin tức.
 
Thế nhưng nhiều khi “phây búc” cũng lại rất vô tình. Cũng không thể trách những vô tình đó được. “Phây búc” nhận được gì thì “bốt” lên cái ấy. Thí dụ một bản tin về một người bị tai nạn mất hết khuôn mặt, mắt mũi, hay về một phụ nữ trẻ bị vẩy nến vừa qua đời… rồi ngay phía dưới là những bức ảnh của một phụ nữ uốn éo với những trang phục rất đẹp được mời đi dự một party sang trọng!
 
Đồng ý là “phây búc” không có lỗi trong những chuyện như thế. Mà thật ra cũng chẳng phải là những cái lỗi nào hết. Chúng ta vẫn phải sống đời sống của chúng ta bất kể những chuyện gì đang xẩy ra chung quanh. Không một ai có lỗi cả. Và Bùi Bảo Trúc kết thúc bất ngờ:
 
“Đọc mấy trang phây búc này bỗng chán đời không thể tả được. Thà không có trang phây búc còn hơn…”
 
Nỗi buồn Facebook
 
Bây giờ chúng ta theo chân Bùi Bảo Trúc đến với cuộc sống tại xứ “tư bản giãy chết”. Theo ông, người Mỹ sống ở hai miền Đông và Tây rất khác nhau. Ít nhất là ở một chuyện. Đó là chuyện xe cộ và quần áo.
 
 
“Người Mỹ ở miền đông thích quần áo hơn người miền tây. Mấy năm trước nhân sinh nhật của cậu bé con một gia đình tôi quen ở New York, tôi muốn mua cho cậu một món quà nhưng không biết mua gì. Tôi điện thoại hỏi thì cậu cho biết là muốn có một cái t-shirt nhưng phải là của Armani Exchange mới được. Tôi hỏi mấy người mới biết tiệm ở đâu. Cuối cùng rồi cũng kiếm ra tiệm ở South Coast Plaza. Tôi mua một chiếc mầu đen đúng như lời căn dặn cho sinh nhật thứ 12 của cậu. Cái áo tôi thấy không đẹp đẽ gì cho cam nhưng cái debit card của tôi bị trừ nghiến đi $75. Đó là người New York 12 tuổi.
 
 
“Người miền tây thì thích xe hơi. Tôi được nghe kể một cậu nhỏ một hôm nhất định không chịu để mẹ đón ở cổng trường vì hôm đó, mẹ cậu đến bằng chiếc Corolla mượn của người bạn cùng sở vì xe của mẹ cậu, chiếc Lexus, bị trục trặc máy. Cậu sợ các bạn biết là cậu phải lên chiếc Toyota Corolla mẹ cậu lái đến trường hôm ấy. Cậu là người California, cũng 12 tuổi.
 
(hết trích)
 
Trong bài “Mua xe Cali”, Bùi Bảo Trúc nhận xét người California cẩn thận với xe của mình, họ đối xử nhẹ nhàng với nó hơn, không phá xe như người ở các tiểu bang khác nên nếu mua xe cũ thì nên mua ở California.
 
Cứ lái xe đi ở trên những con đường ở California là thấy ngay. Người lái xe rất gượng nhẹ với những chiếc xe họ lái, chủ xe ở California giữ gìn xe hết sức cẩn thận. Ngoài chuyện những cái gạt nước ít khi phải dùng tới vì California ít mưa, người ta còn ít dùng và hà tiện luôn cả việc sử dụng những cái đèn hiệu khi quẹo trái hay quẹo phải nữa!
 
 
“… Rất ít người dùng đèn signal để ra hiệu cho những người lái xe khác biết họ sắp quẹo. Những người ấy, nếu biết cách, chắc họ còn sửa luôn cả những cái đèn stop để khi đạp thắng, đèn sẽ không báo xe sắp stop cho đỡ tốn điện và không cháy bóng rồi hư thì … khổ.
 
Ngoài những đức tính “trùm sò” đó còn phải nói đến những khuôn mặt quạu cọ từ những “parking lot” lao ra nhập vào đường lớn mà cũng không thèm ban cho nhân gian một nụ cười! Dân Cali là vậy đó.
 
 
Xe cũ Cali
 
***
 
Bình luận về Bùi Bảo Trúc, Báo Người Việt Online qua bài viết của Trần Mộng Tú cho rằng “Bùi Bảo Trúc tài hoa và lận đận”. Ông có một đời sống nhiều thay đổi, ông như ngựa chạy đường trường, không dừng vó lâu được. Cũng có thể ông là một con ngựa chứng, cần một “nài” giỏi mà ông chưa may mắn gặp, nên cuối đời không được vui.
 
 
“Bùi Bảo Trúc, một đời người với chữ nghĩa. Ở nơi nào anh tới, có truyền thanh, truyền hình, báo chí là có anh cộng tác. Những bài viết của anh được độc giả ưa chuộng tìm đọc nhiều nhất dưới tựa đề “Thư Gửi Bạn Ta” Anh viết rất sâu sắc, thông thái, chua chát với đời sống, cười cợt với con người, mắng mỏ kẻ ác, chế diễu Cộng Sản… trong suốt bao nhiêu thập niên tung hoành trên báo giấy rồi đến những trang mạng. Chưa có ai viết như anh. Chưa có ai mỗi khi viết, gửi vào bài viết những lầu thông kim cổ như anh. Văn Học Tây Phương, Đông Phương anh thu thập và nhớ rất nhiều…”
 
 
Đinh Quang An Thái của Little Saigon Radio lại tóm gọn 3 chữ Tâm, Tài và Tật dành cho Bùi Bảo Trúc. Tâm & Tài có lẽ là chuyện khỏi bàn, còn về Tật, An Thái viết:  
 
“Nhưng cũng phải nói, anh nhiều tài và cũng lắm “Tật” nên bị không ít người ghét, vì anh không kiêng dè, không chấp nhận những giả trá hay thói rởm của người khác, nhất là khi liên quan đến ngôn ngữ. Không biết bao nhiêu lần, anh cay nghiệt nói như vỗ vào mặt người khác – ngay cả trên radio, trên mặt báo. Anh còn bị cả cánh đàn ông và các bà ghét vì anh… đào hoa quá. Thực tình chẳng ngoa, anh cũng gieo rắc buồn phiền cho nhiều người và anh biết điều đó chứ chẳng phải không. “Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần,” cụ Tiên Điền Nguyễn Du mấy trăm năm trước đã nói thế rồi cơ mà…”
 
Lễ tưởng niệm nhà văn Bùi Bảo Trúc
 
*** 
(*) Đọc Chuyện “Cái Nòn” tại

https://chinhhoiuc.blogspot.com/2017/09/chuyen-cai-non.html

Nguon Internet

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.