Jan 15, 2025

Viết về tác giả & tác phẩm

Thầy TẠ KÝ – Nhà Giáo và Nhà Thơ
Nguyễn Vĩnh Thượng * đăng lúc 03:33:43 AM, Aug 13, 2020 * Số lần xem: 1057
Hình ảnh
#1

Thầy  Tạ Ký  -   Nhà Giáo và Nhà Thơ

 

                                                                                       Nguyễn Vĩnh Thượng

(nguồn: http://an-phong-an-binh.blogspot.com/)

Thầy Tạ Ký (1928 -1979) đã là Giáo sư môn Văn chương ở trường Trung học Petrus Ký và một số trường Trung học tư thục ở Sài Gòn và Đà Lạt, thầy cũng đã từng là Giảng viên môn Văn hóa ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Tạ Ký đã làm thơ từ lúc còn học ở bậc tiểu học, từ đầu thập niên 1950, sáng tác thơ chỉ là món tiêu khiển mà thầy ưa thích, thầy không sống bằng ngòi bút trong việc sáng tác thi ca. Thầy đã qua đời vào ngày 19 tháng 3  năm 1979. Hôm nay nhân ngày giỗ lần thứ 36 của thầy, tôi bắt đầu viết  luận văn này: “ Thầy Tạ Ký, Nhà Giáo, Nhà Thơ.” Tôi xin kính dâng bài viết này đến hương hồn của Thầy Tạ Ký. Bài viết  gồm các phần như sau :
I. Tiểu sử của Thầy Tạ Ký.
II.  Tạ Ký, nhà giáo dục.
III. Tạ Ký, nhà thơ.
IV.  Những kỷ niệm với thầy Tạ Ký.
V.  Kết Luận.

 

 

I. Tiểu sử của thầy Tạ Ký

ta ky

(hình này đã để trên bàn thờ Tạ Ký ở nhà Ông Tôn Thất Trung Nghĩa vào năm 1979)

Tiểu sử của thầy Tạ Ký mà tôi sẽ viết sau đây chắc chắn sẽ không nói hết được nhân cách đáng quý mến và nội lực văn chương thâm hậu của thầy tôi. Tôi muốn nói phần tóm tắt tiểu sử này không thể chuyên chở toàn bộ con người của thầy Tạ Ký. Do đó, chúng ta sẽ tìm hiểu thầy Tạ Ký như một nhà giáo đáng kính mến với những bài giảng sâu sắc, như một người yêu nước, như một người bạn, một người bạn được nhiều người yêu mến, như một người tình, một người tình đáng yêu…và đào hoa.

Sinh quán: Tạ Ký sanh năm 1928 (Mậu Thìn) tại làng Trung Phước, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng Trung Phước nằm ở hữu ngạn sông Thu Bồn, đây là vùng có nhiều núi non. Làng Trung Phước có phong cảnh hữu tình nên nơi đây đã là nguồn cảm hứng cho hai nhà thơ nỗi tiếng là Bùi Giáng và Tạ Ký.

Thời thơ ấu: Khoảng đầu thập niên 1940, Tạ Ký theo học ở trường Bình Sơn, Quảng Ngải. Tạ Ký được gởi ở trọ nhà ông Hiệu trưởng trường tiểu học phủ Bình Sơn để đi học, và cũng để cụ Hiệu trưởng dạy dỗ. Tạ Ký rất thích đọc thơ và học thuộc lòng thơ. Thầy đã làm một cái tập để chép thơ của các nhà thơ nổi tiếng như Đoàn văn Cừ, Nguyễn Bính …Thầy lấy tên tập thơ này là “Vườn Thơ” nơi trang đầu là bài “Chợ Tết Miền Quê” của Đoàn văn Cừ. Thầy thích chơi đá banh/ đá túc cầu, Thầy có lập đội banh của “lớp nhì năm thứ nhất”(Moyen première année).

Thời niên thiếu: Năm 1945, lúc được 18 tuổi, thầy đi kháng chiến chống Pháp ở chiến khu 5 (Quảng Nam, Quảng Ngải, Bình Định, Phú Yên). Trong 7 năm chiến đấu ở chiến khu 5, thầy đã thức tỉnh và phản tỉnh, thầy không thể chấp nhận chủ nghĩa Cộng sản, nên đã quyết định “dinh-tê” vào vùng Quốc gia. “Dinh-tê” là tiếng phiên âm của chữ Pháp là “renter”, đây là một tiếng lóng vào thời đó có nghĩa là từ bỏ vùng chiếm đóng của Cộng sản để trở về vùng Quốc gia đang kiểm soát.

Vào tháng 6 năm 1952, Tạ Ký đã cùng với các bạn cùng lứa tuổi học trò như Nguyễn Sum, Nguyễn Viết Tường và một người lớn tuổi hơn là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (1926-2004), LTN sáng tác nhiều bài ca, bản “Nắng Chiều” sáng tác năm 1952, sau ngày dinh-tê, là một trong các bài ca nổi tiếng [Qua bến nước xưa lá hoa về chiều,lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa.anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy.Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh], đi lội bộ qua sông Thu Bồn, nước rất cạn vào mùa Hè, để “dinh-tê”. Họ đến đồn Xuân Đài, thuộc Gò Nổi, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trình diện để được gia nhập vào cuộc sống bình thường ở vùng Quốc Gia.

Thầy làm khai sanh lại, khai sụt 7 tuổi để đi học lại. Ngày sanh trong khai sanh là 16 tháng 5 năm 1935. Tuổi trong khai sanh là 17, tuổi thật là 24. Thầy ra Huế để vô học các năm cuối của bậc trung học ở trường Khải Định/ Quốc học bây giờ. Vào thuở học trò trung học, thầy có một chuyện tình với một nữ sinh Đồng Khánh, cô gái Huế này rất xinh đẹp và đã đi vào đời thầy, một mối tình rất cao thượng. Ngoài cái sắc đẹp dịu hiền, cô gái Huế này còn là một nhà văn, nhà thơ, đó là nữ sĩ Phùng Khánh sau này.

Năm 1956, Tạ Ký đậu bằng Tú Tài Phần Thứ Hai. Hồi ấy Huế chưa có Đại Học, Viện Đại Học Huế được thành lập vào năm 1957. Tạ Ký phải đi vào Sài Gòn để tiếp tục học bậc đại học. Rời khỏi Huế, Tạ Ký đã để lại một cuộc tình thơ mộng như dòng sông Hương với trăm nhớ ngàn thương.

Thầy đã ghi danh học tại Đại Học Luật Khoa và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.

Từ năm 1957, thầy vừa dạy văn chương ở trường Trung Học Petrus Ký và tiếp tục học Đại Học. Thỉnh thoảng Thầy gởi các bài thơ mình vừa sáng tác đến các báo ở Sài Gòn.

Năm 1960, thầy đậu Cử Nhân Văn Khoa tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Tiếp theo đó, một số trường tư ở Sài Gòn mời thầy dạy thêm.

Năm 1961, NXB Khoa Học xuất bản quyển sách giáo khoa của Tạ Ký: Việt Nam Thi Văn Trích Giảng. Cũng trong năm 1961, tập thơ “Giòng Mắt Em Xanh” đã được kiểm duyệt xong dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa nhưng không thấy xuất bản.

Năm 1962, thầy được lịnh nhập ngũ khoá 14 Sĩ Quan Trừ Bị ở Liên trường Võ Khoa Thủ Đức cùng với thầy Dương ngọc Sum và rất nhiều giáo chức khác. Sau khi tốt nghiệp Chuẩn Úy VNCH, thầy được bổ nhiệm về trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt để dạy bộ môn Văn Hoá. Tại Đà Lạt, thầy có dạy thêm một vài trường trung học tư thục, trong đó có trường Việt Anh của Giáo sư Lê Phỉ. Tại ngôi trường này, có một nữ sinh rất duyên dáng, tuổi đời nhỏ hơn thầy rất nhiều. Theo Tạ Thái, đứa con trai thứ hai của Thầy Cô, trong Thái Ta’s Blog, đã kể rằng: “ Mẹ tôi thì đẹp, cho tới 50 cũng còn đẹp, nên hồi còn là một thiếu nữ trẻ đẹp đã có nhiều chỗ đến dạm hỏi nào là Bác sĩ, thương gia giàu có, nhưng mẹ đã yêu ba, chọn ba vì hai câu thơ:

Đêm nay có kẻ không nhà, 

Thẩn thơ phố lạnh đợi qua giao thừa”.

mối tình thầy trò lãng mạn đã đưa đến cuộc hôn nhân. Cô nữ sinh đó là Nguyễn thị Tuyết Hồng.

Trong xã hội Việt Nam thời đó, nhiều thiếu nữ trẻ đẹp đã rất thực tế hơn, họ đã chọn Bác Sĩ, Nha Sĩ, Dược Sĩ, Kỹ Sư để vừa có địa vị xã hội cao vừa có đời sống giàu sang.

Ta Ky 1

(nguồn: Thái Ta’s Blog)

Thầy và Cô đã có được 2 đứa con trai: Tạ Thạch và Tạ Thái. Theo Tạ Thái kể lại, thầy và cô đã sống rất hạnh phúc cho đến lúc Thái vừa mới sanh ra thì mẹ Thái đã phát giác ra ba của Thái có “affairs” với dì của Thái là người em gái cùng cha khác mẹ của mẹ mình. Cô Tuyết Hồng rất đau khổ, hạnh phúc gia đình của thầy và cô bắt đầu lung lay từ đó.

Năm 1964, năm Thìn, cơn bảo lụt dữ dội ở miền Trung đã cuốn phăng nhà cửa và mẹ của thầy ra biển cả. Mất mẹ cả bầu trời đều sụp đổ, một nổi buồn sâu đậm xâm chiếm lòng thầy.

Khoảng năm 1966, thầy được giải ngũ, trở về dạy lại ở trường Trung Học Petrus Ký. Thầy đã dạy thêm một số trường Tư Thục ở Sài Gòn.

Năm 1968, biến cố Tết Mậu Thân, thầy bị gọi tái ngũ. Cuối năm 1968 thầy được biệt phái về Bộ Giáo Dục, và đã trở về dạy lại ở trường Petrus Ký, và dạy thêm nhiều giờ ở một số trường tư.

Năm 1970, thầy xuất bản tập thơ “Sầu ở lại”, đây là tuyển tập một số bài thơ đã đăng trên các báo và một số bài chưa đăng báo. Tập thơ này được trao giải thưởng “Văn học và nghệ thuật của Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu vào năm 1971. Cùng trong năm này, tập thơ Sầu để lại đã được nhà xuất bản Quế Sơn-Võ Tánh in lại lần thứ hai.

Năm 1972, thầy cho in tập thơ thứ hai: “Cô đơn còn mãi”.

Năm 1974, thầy Tạ Ký viết chung với các Giáo Sư Petrus Ký có uy tín khác: Vũ Ký, Nguyễn Tăng Chương và Nguyễn Văn Hiệp quyển “Quốc Văn Lớp 12” do NXB Trí Đăng xuất bản, Sài Gòn.

Sau ngày 30 tháng năm 1975, bên chiến thắng Việt Nam Cộng Sản đã bắt thầy đi tù “học tập cải tạo” với cấp bực Đại Uý VNCH biệt phái ngành giáo dục.

Khoảng cuối năm 1977, sau hai năm đi học tập cải tạo, thầy được trả tự do, và đi dạy lại.

Những ngày cuối cùng của thầy Tạ Ký: Khoảng giữa năm 1978, vợ thầy đã dẩn hai đứa con trai đi vượt biên, trong hành trình đi tìm tự do họ đã gặp nhiều gian nan trên biển cả. Thầy Tạ Ký nghỉ dạy học, thầy đi về miền Tây có lẻ để tìm đường vượt biên, nhưng không thành. Trên đường đi từ Long Xuyên đến Chợ Mới, Tạ Ký đã bị kẻ lái xe Honda ôm, đánh cướp gần hết vàng và tiền đã thâu được do bán tháo bán đổ căn nhà và đồ đạt trong nhà. Còn lại một chút tiền nhờ cất dấu ở dưới đôi giày, thầy đã xin ở tá túc trong nhà một người đồng hương ở Chợ Mới, An Giang được khoảng 3 tháng. Ngày 25 tháng 12 năm 1978 thầy bị bắt vì cư trú bất hợp pháp, không có hộ khẩu. Bịnh nặng tái phát trong tù, thầy Tạ Ký qua đời vào lúc 13 giờ ngày 19 tháng 3 năm 1979 tại bệnh xá Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thầy hưởng thọ được 51 tuổi. Người đồng hương đã an táng thầy ở nghĩa trang Chợ Mới.

Nhà thơ Đinh Trầm Ca, ở Sài Gòn, đã vận động quyên góp tiền bạc để chuẩn bị cải táng thầy Tạ Ký. Sau đó nhà thơ Đinh trầm Ca và một người cháu của thầy là Đỗ Ngọc Anh đã cải táng hài cốt của thầy Tạ Ký về nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, Sài Gòn vào ngày 5 tháng 4 năm 2001 trong dịp lễ Thanh Minh. Mộ thầy được nằm cạnh với mộ thi sĩ nỗi danh Bùi Giáng. Trên mộ bia có ghi hai câu thơ trong bài “Đêm Giáng Thế”:

Thân cát bụi chẳng còn chi hối tiếc,

Nhưng lòng riêng khao khát chút tình thương.”

Ta Ky 2

Mộ Tạ Ký sau khi được cải táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, Sài Gòn.
Đứng cạnh mộ là nhà thơ Đinh Trầm Ca, người đã tìm ra mộ Tạ Ký tại Chợ Mới, An Giang và lo việc cải táng. (nguồn: Thái Ta’s Blog)                    

Sự nghiệp trước tác và sáng tác của thầy Tạ Ký

  1. Sách giáo khoa:

– Việt Nam Thi Văn Trích Giảng (Văn Học Cận Đại: 1765-1921) do NXB Khoa Học xuất bản năm 1961 ở Sài Gòn. Dưới chế độ mới, trong thời mở ngõ, quyển sách này đã được Nhà xuất bản Đồng Tháp, ở Sa Đéc, thuộc tỉnh Đồng Tháp, tái bản vào năm 1994.

Quốc Văn lớp 12, Tạ Ký viết chung với Vũ Ký, Nguyễn Tăng Chương và Nguyễn Văn Hiệp do NXB Trí Đăng xuất bản năm 1974 ở Sài Gòn.

– Nhiều bài giảng luận môn Quốc văn lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ), lớp Đệ Tam (lớp 10 bây giờ), đây là những bài soạn để dạy học, chưa có xuất bản.

  1. Các tập thơ và các bài thơ đã sáng tác: Tạ Ký đã làm thơ từ hồi còn nhỏ, hồi còn học ở bậc tiểu học.

– Tập thơ Giòng Mắt Em Xanh đã được kiểm duyệt xong vào năm 1961 dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa nhưng không thấy xuất bản.(Nguồn: Phạm Phú Minh trong bài thuyết trình “Công việc xuất bản và phát hành sách tại Miền Nam trước 1975″ trong cuộc Hội thảo về Văn Học Miền Nam (1954-1975) được tổ chức tại Little Sài Gòn, California, Hoa kỳ vào 2 ngày 6 và 7 tháng 12 năm 2014).

– Tập thơ Sầu Ở Lại, xuất bản năm 1970 ở Sài Gòn, tập thơ này đoạt được “Giải Thưởng Văn Học và Nghệ Thuật“ của Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu năm 1971. Cũng trong năm 1971, nhà xuất bản Quế Sơn – Võ Tánh đã tái bản tập thơ này. Bản điện tử đã được trang Web Talawas thực hiện từ nhiều năm qua ở hải ngoại, trang web của trường Petrus Ký và nhiều trang web khác.

– Tập thơ Cô Đơn Còn Mãi, xuất bản năm 1972, ở Sài Gòn.

– Nhiều bài thơ đăng rải rác trên các tờ: Đời Mới [ tạp chí này do nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, bút hiệu Hà việt Phương chủ trương], Văn Nghệ Tiền Phong [ tuần báo này do nhà văn Nguyễn Thanh Hoàng có bút hiệu là Hồ Anh]… từ đầu thập niên 1950. Nhiều bài thơ đã đánh máy nhưng chưa xuất bản.

– 2 bài thơ đăng trong Giai Phẩm Xuân của trường trung học Petrus Ký, xuất bản tháng giêng năm 1975.

– Các bài thơ sáng tác khi ở tù “học tập cải tạo” (1975-1977), thỉnh thoảng các bạn tù nhớ lại và đăng lên các báo ở hải ngoại. Một số ít bài thơ làm sau 1977 cho đến 1978.

– Đặc biệt bài thơ cuối cùng mà Tạ Ký đọc lại cho GS Võ hồng Lạc nghe trước khi giả từ ông Lạc để thầy đi vượt biên là bài “Sầu Ở Lại”.

– Tập nhật ký, chỉ có 11 trang, tựa đề: “ Một Cuộc Bể Dâu” ghi từ ngày 14 tháng 9 năm 1978 đến ngày 24 tháng 12 năm 1978, một ngày trước khi bị bắt ở Chợ Mới, An Giang.

II. Tạ Ký, nhà giáo dục

Ta Ky 3

(nguồn : Kỷ yếu trường Petrus Ký 1972)

Năm đầu tiên học với thầy Tạ Ký là năm tôi học lớp Đệ Lục (lớp 6 bây giờ, 1957-1958), thầy dạy môn Anh Văn. Hai năm sau thầy dạy tôi môn Quốc Văn ở lớp Đệ Ngũ (lớp 8, 1958-1959) và lớp Đệ Tứ ( lớp 9, 1959 – 1960). Tôi đã học hỏi và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thầy Tạ Ký trong giờ học môn Quốc Văn. Với kinh nghiệm sống của một người từng trải, với kiến thức uyên bác của một người đọc sách nhiều, nội dung các bài giảng của thầy thật phong phú. Thỉnh thoảng thầy đem những chuyện bên lề, những điều không có liên hệ trực tiếp tới bài học, nhưng những câu chuyện đó đã soi sáng thêm cho tâm hồn chúng tôi lúc bấy giờ.

Thầy Tạ Ký lúc nào cũng ăn mặc tươm tất, đầu chảy gọn gàng, có giọng nói san sảng trong lúc giảng bài. Thầy luôn luôn sách cái cặp chứa đầy sách vở, các bài giảng và có cả cây thước bảng nữa. Mỗi khi bọn tôi trửng giỡn, làm ồn trong lớp học thì thầy dùng cây thước bảng đập mạnh trên bàn giáo sư để lấy lại trật tự trong lớp, rồi thầy tiếp tục giảng bài.

Thầy rất nghiêm nghị, nhưng bản tính phóng khoáng, nên thầy không bao giờ “phạt cấm túc” một đứa học sinh nào, hồi ấy nếu bị phạt cấm túc thì phải vô trường học vào ngày Chúa nhật dưới sự trong nôm của thầy giám thị. Nhiều lúc bài giảng chưa kết thúc, thầy ở lại giảng thêm. Thầy là một nhà giáo tận tụy. Khi giảng một bài thơ, một bài văn, thầy giải thích từng chữ khó, từng câu thơ, câu văn, phân tích ý nghĩa bài thơ, bài văn, từ chi tiết đến đại cương, rồi thầy đọc phần lược bình để tìm hiểu giá trị của bài thơ, bài văn đó về nội dung và hình thức. Trong khoảng 20 năm dạy học, thầy Tạ Ký đã truyền đạt lại cái hồn của dân tộc Việt Nam từ một quá khứ đã đi qua cho nhiều thế hệ.

Ngoài các bài giảng môn Quốc Văn mà thầy đã soạn để dạy học sinh ở các lớp từ Đệ Ngũ đến lớp Đệ Nhị, và sau này cho lớp Đệ Nhất (lớp 12 bây giờ). Tạ Ký đã xuất bản 2 quyển sách giáo khoa, đó là quyển: “Việt Nam Thi Văn Trích Giảng” (viết tắt VNTVTG), NXB Khoa Học, Sài Gòn, 1961; và viết chung với các Giáo Sư Petrus Ký khác là Vũ Ký, Nguyễn Tăng Chương và Nguyễn Văn Hiệp quyển Quốc Văn Lớp 12 (viết tắt QV12), NXB Trí Đăng, Sài Gòn, 1974. Hai quyển sách giáo khoa này chứa đựng một nội dung phong phú, một tấm lòng tha thiết đến di sản tinh thần dân tộc của tiền nhân. Một công trình biên soạn công phu, các bài thơ, bài văn được trích giảng với một sự lựa chọn rất cẩn thận, nghiêm túc, những lời bình luận các bài thơ, các bài văn rất sâu sắc, rất khách quan, không thiên vị, gạt bỏ mọi thành kiến. VNTVTG và QV12 đã giúp cho nhiều hạng độc giả hiểu rõ cái cốt tủy của nền Văn học Việt Nam cận đại, hiện đại và tư tưởng của tam giáo: Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo, như độc giả còn là học sinh và sinh viên, độc giả là nhà giáo dạy môn Việt Văn cần tham khảo, độc giả không còn đi học nữa muốn hiểu biết về Văn học Việt Nam cận đại và hiện đại. (xem thêm phần phụ lục: “Môn Quốc văn/ Việt Văn trong chương trình Trung học ở miền Nam trước 1975″).

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, phe chiến thắng Cộng sản đã cho rằng văn hoá miền Nam là nền văn hóa đồi trụy của Mỹ Ngụy, nên các sách vở ở miền Nam đều bị tịch thu hoặc đem đốt. Cho đến khoảng năm 1990, sau khi các nước Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đổi mới, nên các sách vở của miền Nam mới được lần lượt in lại như: bộ sách Lịch Sử Triết Học Đông Phương của GS Nguyễn Đăng Thục, bộ sách Lịch Sử Triết Học Tây Phương của GS TS Lê Tôn Nghiêm, bộ sách Đại Cương Triết Học Trung Quốc của GS Giản Chi và Học giả Nguyễn Hiến Lê … Cuốn Việt Nam Thi Văn Trích Giảng của GS Tạ Ký cũng được nhà Xuất bản Đồng Nai in lại vào năm 1994 tại Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam.

Quyển sách VNTVTG dày 450 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm. Sách này trích giảng thơ văn xuyên suốt gần 200 năm lịch sử Văn Học Việt Nam Cận Đại (1765-1953) bao gồm 16 tác giả sau đây:

  1. Nguyễn Du (1765-1820) với Đoạn Trường Tân Thanh,
  2. Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) với Cung Oán Ngâm Khúc,
  3. Nguyễn Công Trứ (1778-1858),
  4. Cao Bá Quát (1808? – 1854),
  5. Tôn Thọ Tường (1825-1877),
  6. Phan Văn Trị (1830 – 1910),
  7. Nguyễn Khuyến (1835-1909),
  8. Trần Tế Xương (1870-1907),
  9. Phan Bội Châu (1867-1940),
  10. Phan Chu Trinh (1872-1926),
  11. Phạm Quỳnh (1892-1945),
  12. Nguyễn Bá Học (1857-1921),
  13. Phan Chu Trinh (1872-1926),
  14. Phan Kế Bính (1875-1921),
  15. Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936),
  16. Trần Trọng Kim (1882-1953).

Ta Ky 4

 (nguồn: VNTVTG, NXB Đồng Tháp, VN, 1994)

Sách VNTVTG gồm có những bài thơ, bài văn, hoặc những đoạn thơ trích trong tác phẩm thơ trường thiên như Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, hoặc một đoạn văn trích từ một cuốn sách dày như Nho Giáo của Trần Trọng Kim, Việt Hán Văn Khảo của Phan Kế Bính. Phương pháp giảng luận ở sách này được biên soạn theo phương pháp hiện đại, theo khuân mẫu giảng luận của các giáo sư dạy môn văn chương vào thời bấy giờ, tuy nhiên ở phần “lược bình” Tạ Ký đã đưa ra các nhận định riêng tư của thầy trong khi bình luận các bài thơ, các bài văn trích giảng.

Ở mỗi tác giả, sách trình bày 4 phần chính sau đây: 1. Thời đại/Hoàn cảnh lịch sử mà tác giả đã sống qua; 2. Tiểu sử của tác giả; 3. Phần giảng luận gồm có 2 phần nhỏ: 1) phần giảng văn gồm có: xuất xứ của bài thơ hay bài văn trích giảng; chú thích các chữ khó, các chữ cổ, các điển tích và các chữ Việt Hán; đại ý và bố cục của bài thơ hay bài văn được trích dẩn; 2) Phần lược bình: bình luận về nội dung rồi về hình thức của bài trích giảng; 4. Phần tổng kết về tác giả này. Như vậy sách giáo khoa này được biên soạn với phương pháp kết hợp giữa phần giảng văn và phần luận văn.

Sách VNTVTG đã có một giá trị cao, một cuốn sách biên khảo công phu đã đóng góp thêm cho việc giảng luận văn học Việt Nam cùng với nhiều sách có giá trị cao khác như:

  1. Dương Quảng Hàm, Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển (xuất bần thứ nhất năm 1942, được tái bản ở Sài Gòn trước 1975), Quốc Văn Trích Diễm (xuất bản ở Hà Nội năm 1925, NXB Trẻ tái bản sau 1975);
  2. 2. Hà Như Chi, Việt Nam Thi Văn Giảng Luận, Sài Gòn : Sống Mới, 1951;
  3. 3. Phạm Văn Diêu, Văn Học Việt Nam (văn học sử và giảng văn), Sài Gòn : Tân Việt, 1960;
  4. Phạm Thế Ngũ, Bài Việt Văn kỳ thi Tú Tài (phần thứ I) bộ sách gồm 3 quyển:
  5. Phương pháp làm bài nghị luận văn chương và nghị luận tư tưởng;
  6. Các bài nghị luận tư tưởng;
  7. Các bài nghị luận văn chương, Sài Gòn : NXB Phạm Thế Quốc Học Tùng Thư, 1961, được tái bản rất nhiều lần (bán chạy như tôm tươi ở miền Nam trước 1975).
  8. 5. Thẩm Thệ Hà, Quốc văn Toàn Thư, Sài Gòn,1969 và các sách giảng văn: lớp 6 và 7 do Sài Gòn : Sống Mới 1969; viết chung với Xuân Tước: Giảng văn lớp 8 và lớp 9, Sài Gòn : Sống Mới, 1969; viết chung với Xuân Tước và Bằng Giang: Giảng văn lớp 10, Sài Gòn : Sống Mới,1969;
  9. Đỗ Văn Tú, bộ sách Giảng văn các lớp 6,7,8,9,10,11, Sài Gòn : Văn Hào, 1970;
  10. Võ Thu Tịnh, Việt Văn, Đệ Nhị ABCD, gồm có 2 quyển, Sài Gòn : Hải Vân, 1961;
  11. Vũ Ký, Luận Văn Chương Và Giải Đề Thi Tú Tài I, sách này đã được xuất bản khoảng 1958 ở Sài Gòn, NXB Trí Đăng tái bản ở Sài Gòn 1972;
  12. Bộ sách Giảng văn trong chương trình trung học của Trần Bằng Phong, xuất bản khoảng 1957 và tái bản sau nhiều năm tiếp theo;
  13. 10. Đàm Xuân Thiều và Trần Trọng San, Việt Văn Độc Bản lớp 11, Sài Gòn: Bộ Giáo Dục VNCH, 1961;
  14. Trịnh Vân Thanh và Trần Đình Bửu, Giảng Luận Việt Văn, Sài Gòn : in lần thứ nhất khoảng 1960, tái bản bởi NXB Hồn Thiêng, 1971;
  15. Tạ Ký viết chung với Vũ Ký, Nguyễn Tăng Chương và Nguyễn Văn Hiệp, Quốc Văn       Lớp 12, Sài Gòn: Trí Đăng, 1974;
  16. 13. Hà Khải Hoàn, Nguyễn Trung Quân và nhiều tác giả khác, Quốc Văn Lớp 12, Sài Gòn : Yiễm Yiễm, 1974; v.v.; sau 1975 có sách từ miền Bắc như: Đinh Gia Khánh, chủ biên, Hợp Tuyển Thơ Văn Việt Nam (Thế kỷ X đến XVII), Hà Nội: Văn Học, 1976. v.v.

Nói tóm lại, Tạ Ký đã làm tròn sứ mạng giáo dục, thầy đã truyền đạt những kiến thức, những kinh nghiệm giảng luận thơ văn Việt Nam cho các thế hệ học trò của mình.

 

 

III. Tạ Ký, nhà thơ

Ta Ky 5

(nguồn: Thơ Tạ Ký, NXB Hồng Nguyên, Hoa kỳ, 2001)

Bên cạnh công việc hằng ngày là dạy học, Tạ Ký còn sáng tác thơ. Thầy là một thiên tài, xuất khẩu thành thơ. Thơ của thầy không nhiều, gồm có một tập thơ chưa xuất bản, hai tập thơ đã xuất bản, một số bài thơ đăng rải rác trên các báo Đời Mới, Văn Nghệ Tiền Phong, một số bài thơ chưa xuất bản, một số bài thơ sáng tác lúc ở tù “học tập cải tạo” từ 1975 đến 1977, các bài thơ sáng tác sau 1977 đến mùa thu 1978. Phần lớn các bài thơ, thầy đều ghi tặng cho các thân hữu như các nhà giáo, các nhà văn, nhà thơ. Mặc dầu thơ Tạ Ký có số lượng khiêm tốn, nhưng nội dung của các bài thơ ấy cũng giúp chúng ta hiểu được tâm sự và nhân cách của thầy.

Một “nỗi buồn/ sầu” bàng bạc trong thi ca Tạ Ký, gần như không thấy một bài thơ nào vui cả. Một nỗi buồn xâm chiếm trong lòng thầy, từ nỗi buồn về vận nước nổi trôi đến nỗi buồn về cuộc đời trôi nổi của mình. Để vơi đi nỗi sầu, thầy thường đi tìm sự lãng quên bên men nồng của các ly rượu “la-de” với các bạn bè, và trong cơn say. Sau giờ dạy học, thầy thường cùng với bạn bè để đối ẩm, họ là những nhà giáo, những nhà văn, những nhà thơ.

Nội dung thi ca của Tạ Ký có thể phân chia như sau:

1) Thế hệ 1945.

2) Cuộc tình thơ của Tạ Ký và Phùng Khánh.

3) Nỗi buồn trong thơ Tạ Ký.

4) Thơ tình của Tạ Ký, bài thơ gởi cho vị hôn thê.

5) Tình bạn trong thơ Tạ Ký.

  1. Thế hệ 1945

Lúc vào tuổi 18, Tạ Ký đã sống vào một giai đoạn lịch sử thật là nghiệt ngã của đất nước Việt Nam, đó là thế hệ 1945. Trước lời kêu gọi cứu nước của tổ chức Việt Minh, như nhiều thanh niên khác, Tạ Ký đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của lòng yêu nước, thầy đã theo kháng chiến đi vào chiến khu 5 (Quảng Nam, Quảng Ngải, Bình Định, Phú Yên), hết lòng chiến đấu để giành độc lập cho Việt Nam. Nhưng sau 7 năm ở trong chiến khu 5, Tạ Ký đã thức tỉnh và phản tỉnh: “Lừa lọc, gian ngoa, một bầy ác quỷ,/ Tuổi thanh xuân tàn như một giấc mơ!”, và nhận thấy rằng cuộc chiến đấu này chỉ là chiến đấu cho các nước Cộng sản đàn anh: Nga sô và Trung hoa. Tạ Ký đã không chấp nhận chủ nghĩa Cộng sản, thầy đã “dinh-tê” vào vùng Quốc gia. “Dinh-tê” là tiếng phiên âm của chữ Pháp là “renter”, đây là một tiếng lóng vào thời đó có nghĩa là từ bỏ vùng chiếm đóng của Cộng sản để trở về vùng Quốc gia đang kiểm soát. Thế hệ 1945:

“Chúng tôi:
Những kẻ sinh ra chưa biết nụ cười,
Đã thầm khóc trong bao năm khói lửa.
Mười tám tuổi, vải thô thay nhung lụa,
Giày vỏ xe hơi mòn gót liên khu,
Một dải miền Trung rừng rậm, sương mờ,
Vui kháng chiến, tình non sông muối mặn.
Chúng tôi lớn trong tiếng rền lựu đạn,
Ba-lô da nặng trĩu cả vai gầy.
Những bà mẹ già run rẩy đôi tay,
Rót từng bát nước chè trưa nắng gắt:
“Lũ chúng nó mới công đồn giết giặc”.

Chúng tôi:
Thế hệ bốn lăm
Vui chưa bao nhiêu nhiều lúc khóc thầm
Một phần tư thế kỷ,
Lừa lọc, gian ngoa, một bầy ác quỷ,
Tuổi thanh xuân tàn như một giấc mơ!
Hoảng hốt, điên cuồng, nhẫn nhục, bơ vơ,
Nắm tay nhỏ đưa lên trời phản đối,
Và tự hỏi mình: mình làm gì nên tội?
Bốn lăm! Bốn lăm!

Tiếng vọng xa xưa, nắng cháy, mưa dầm,
Lòng Đất Mẹ lại một phen chua xót!
Chúng tôi yêu núi Ba Vì chót vót,
Sông Cửu Long cuồn cuộn chảy ra khơi,
“Quê hương mình nghèo lắm ai ơi!

Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn”.
Thời gian qua đã ba chục mùa xuân,
Trai mười tám tóc ngả màu sương gió,
Những đêm đô thành men cay mắt đỏ,
Nhìn trong ly bỗng thấy bóng mình xưa.
Gác trọ buồn thiu nằm khểnh nghe mưa,
Xót thân thế, nhớ từng thằng bạn học.
Ngâm thơ người xưa đau mình cô độc,
Rồi áo cơm thay thế chuyện giang hồ,
Đôi lúc buồn tình làm một bài thơ!
Bốn lăm! Bốn lăm!
Những kẻ ra đi, những kẻ đang nằm,
Những kẻ chết, những kẻ còn vất vưởng
Chúng ta làm gì?
Thuyền con trong cơn gió chướng!

(Tạ Ký, Thế Hệ Bốn Lăm, trong tập thơ Sầu Ở Lại )

 Thanh niên thế hệ 1945 là một thế hệ “ hoảng hốt, điên cuồng, nhẫn nhục, bơ vơ”, họ như “Thuyền con trong cơn gió chướng”, chẳng biết đi về đâu giữa biển đời lênh đênh không có bến bờ. Cùng tâm trạng này, thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1916-1976) đã từng than thở : “Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/ Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh” … và Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ / Một đôi người u uất nỗi trơ vơ”… trong bài thơ Phương xa:

 Nhổ neo rồi thuyền ơi xin mặc sóng

Xuôi về Đông hay dạt tới phương Đoài

Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng

Lòng cô đơn cay đắng họa dần vơi

Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh

Bể vô tận sá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh

Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ

Một đôi người u uất nỗi trơ vơ

Đời kiêu bạt không dung hồn giản dị

Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ

Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt

Treo buồm cao cùng cất tiếng hò khoan

Gió đã thổi nhịp trăng chiều hiu hắt

Thuyền ơi thuyền theo gió hãy cho ngoan.

(Vũ hoàng Chương, Phương Xa, trong tập Thơ Say)

Giai đoạn lịch sử 9 năm, từ 1945-1954, đã có rất nhiều cuộc “dinh-tê”, nhiều nhà văn ở hải ngoại đã đặt câu hỏi: liệu lịch sử “dinh-tê” có được bên chiến thắng trình bày một cách khách quan hay không? hay chỉ nói những gì có lợi cho họ mà thôi. Thật ra, những kẻ cầm quyền từ thời vua chúa xa xưa cho đến nhà cầm quyền ngày nay, họ đều chỉ thị các nhà viết sử phải viết tốt về họ, và làm lờ đi hoặc nói phớt qua những gì bất lợi cho họ, nhưng có lẽ chế độ Cộng sản là bóp méo lịch sử nhiều nhất:

“Lịch sử là cả một quá trình văn hóa làm nên bộ mặt hôm nay (hiện giờ) của một dân tộc. Bởi vai trò quan trọng đó mà người làm chính trị và các chế độ chính trị luôn luôn tìm cách sửa đổi hay bóp méo lịch sử cốt để dẫn chứng hay biện minh cho những chiêu bài chính trị phần lớn là lỗi lầm của họ. Họ muốn che đậy hầu hết sự thật của những việc làm bất nhân, tàn bạo mà chế độ đã hay sẽ áp dụng. Chế độ càng phi nhân, càng tàn nhẫn độc ác thì sự áp bức bóp méo lịch sử càng nặng nề và càng sâu rộng. Bởi đó mà sự thật lịch sử ít khi được phơi bày một cách trung thực, đầy đủ như các nhà sử học chân chính mong muốn. Nó thường bị che đậy hay bóp méo không nhiều thì ít, hoặc có chủ đích hẳn hoi hoặc sai lạc một cách vô tình. Ở một nước tự do như nước Mỹ, với đội ngũ trí thức đông đảo to lớn như vậy, với tổng số chất xám vĩ đại như vậy, và với quyền hạn khoa học vô biên như vậy mà một số sách giáo khoa lịch sử còn không nói lên hết được mọi khía cạnh của sự thật (hãy đọc “Lies My Teacher Told Me,” của James W. Loewen) thì huống hồ gì những sự thật lịch sử dưới chế độ độc tài chuyên chế như chế độ Cộng Sản ngày nay. Sách giáo khoa về lịch sử Mỹ thường cố tình bỏ qua những sai lầm của chế độ về phương diện kỳ thị chủng tộc, hay những tàn phá trong chiến tranh mà Mỹ đã tham dự… để chỉ đề cao những thành tựu về kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tư bản tự do. Sách giáo khoa về lịch sử Nhật Bản cũng vậy, cũng cố tình bỏ qua những độc ác tàn bạo của quân đội Nhật trong Thế Chiến Thứ II. Nhưng khi nói về chủ trương bóp méo lịch sử để phục vụ cho chế độ chính trị, thì không có chế độ nào làm việc đó một cách toàn diện và sâu rộng bằng chế độ Cộng Sản.
Việc bóp méo, sửa đổi lịch sử nhân loại và quốc gia dưới chế độ cộng sản thật vô cùng tồi tệ. Nó tồi tệ gấp trăm lần chế độ quân chủ chuyên chế hay chế độ thực dân đô hộ thuở xưa. Cộng Sản Nga Sô chẳng hạn, đã viết lịch sử nước Nga méo mó đến độ trong năm 1988 (sau khi có công cuộc đổi mới và khai phóng, perestroika và glasnost) chính phủ phải ra lệnh bãi bỏ bài thi lịch sử ở các trường trung học vì những bài học lịch sử đã dạy ở học đường hoàn toàn sai bét, và các nhà giáo còn đang cần thời gian để viết lại toàn bộ sách giáo khoa về lịch sử nước này.
Chế diễu lối bóp méo hoàn toàn lịch sử của các nhà viết sử cộng sản, dân Nga đã định nghĩa một cách mỉa mai và ý nhị rằng sử gia cộng sản Nga là “một con người có thể tiên đoán được quá khứ.” (“someone who can predict the past.”). (New York Times, May 31, 1988, p.1). Đi đúng con đường Nga Sô đã vạch, nhà viết sử cộng sản Việt Nam cũng đẽo gọt và nhồi nặn lịch sử lại cho nó đẹp theo đúng cái khung đạo đức cách mạng và khung thẩm mỹ cộng sản.”…

 (Nguyễn Thanh Liêm, Quyển Phan Văn Hùm của Trần Ngươn Phiêu và sự thật lịch sử Việt Nam, trong Diễn Đàn Thế Kỹ, tháng 10 năm 2014, USA)

 2.   Cuộc tình thơ giữa Tạ Ký và Phùng Khánh [1]

[1] Mời đọc Cước Chú “Phùng Khánh

Phạm Phú Hay, một người đồng hương với Tạ Ký và cũng là một người bạn học ở trường trung học Khải Định/ Quốc học ở Huế, đã biết và ghi lại “một cuộc tình thơ” rất là thơ mộng giữa Tạ Ký – nam sinh Quốc học và Phùng Khánh – nữ sinh Đồng Khánh. Lúc đó, Phùng Khánh là một nữ sinh rất đẹp, nét đẹp dịu hiền của cô gái Huế, có mái tóc rất dài, thường vấn bính phía sau. Ông Phạm Phú Hay đã kể lại chuyện tình này như sau:

Chị Khánh, lúc bấy giờ là hoa hậu Ðồng Khánh, tài năng văn chương cũng cân xứng với họ Tạ, một chín một mười. Những buổi chiều tan học đứng bên nầy cầu Trường Tiền nhìn những tà áo dài trắng thướt tha, trên hàng hàng lớp lớp xe đạp, hoặc trên những con thuyền nhỏ nhịp nhàng qua bến Văn Lâu, mới thấy hết được cái đẹp, cái thơ của Huế. Hình ảnh Huế thuở ấy như trăng tròn nằm trong giấc mơ tuổi ngọc chúng tôi vô-tư-lự. Rồi hai người yêu nhau. Từ những tâm sự trong khu vườn xanh ở Vỹ Dạ, Nam Giao, đến những gặp gỡ đêm trăng Bến Ngự, Ðập Ðá, tưởng chừng cuộc tình thơ ấy bền chặt lâu dài…

Tiếc thay, mối tình giữa đôi “trai tài gái sắc” đã không nên duyên được, để lại cho đời những bài thơ son sắt não nùng.

……

Nào ngờ họ sớm chia tay vì tương lai sự nghiệp! Chàng phải vào Sài Gòn theo học đại học (ở Huế chưa mở trường đại học) để nàng ở lại đêm ngày vò võ nỗi sầu. Một thời gian sau, nóng lòng, Tạ Ký đăng một bài thơ trên báo Tiền Phong, nói lên những uẩn khúc tơ vò trong tâm tư tình cảm:

VIẾT TRANG TÌNH SỬ
Gởi Phùng Khánh
(Tạ Ký)

Ai về xứ mộng xứ mơ,
Cho tôi gởi một vần thơ tặng nàng
Sông Hương lắm chuyến đò ngang,
Chờ anh em nhé, đừng sang một mình!
Chờ anh kể chuyện tâm tình.
Từ em theo đuổi những hình phù vân…
Thôi em đã lỡ một lần.
Mấy năm đau khổ đã dần vơi vơi…
Nghĩ thương có kẻ sai lời

Nghĩ thương em những mong đời anh nên!
Xa xôi nhiều lúc vội quên
Rằng em gái vẫn chong đèn đọc thơ
Vẫn cầm duyên để đợi chờ,
Vẫn trông phượng đỏ hai bờ Hương Giang
Chiều lên huyền hoặc bướm vàng
Em như công chúa mơ chàng thám hoa.

 

 

 

 

[2].

[2]   Mời đọc Cước Chú “Chàng Thám Hoa

Không, em tôi còn mẹ già
Còn đàn em dại cửa nhà cậy trông
Hể ai nhắc chuyện lấy chồng
Thì em đôi má ửng hồng nên duyên
!

Cũng trên tuần báo Tiền Phong, vài tuần sau Phùng Khánh “trả lời” Tạ Ký:

CHÉP TRANG TÌNH SỬ
Gởi Tạ Ký
(PHÙNG KHÁNH
)

“Em về xứ mộng xứ mơ
Bỗng nhiên em nhận vần thơ vội vàng
Sông Hương vắng chuyến đò ngang
Cắm sào em đợi, anh sang một lần !
Mùa thu áo biếc bâng khuâng
Chim trời lẻ bạn ngàn trùng nhớ thương !
Con tằm còn để tơ vương
Người thơ còn để mấy đường thơ duyên
Ðêm đêm sông nước u huyền,
Ðêm đêm mơ ước như thuyền sóng dâng !
Xa xôi cách mặt, lòng gần
Tờ thơ mấy đoạn chi bằng thấy nhau !
Ngự Bình mặt trước lưng sau
Vẫn thường thay đổi mấy màu thông xanh
Chờ anh em nguyện chờ anh,
Chờ anh em nguyện tình mình nên duyên!”

Bẵng đi một thời gian lâu, phải có đến 5, 7 năm sau, trên báo Tiền Phong lại xuất hiện một bài thơ sau đây, gởi Phùng Khánh của Tạ Ký :

 XIN

Gởi Phùng Khánh
(Tạ Ký)

“Chỉ xin một nửa miệng cười
Chỉ xin một phút gần người yêu thương !
Chỉ xin một chút dư hương
Ðể làm duyên suốt nẻo đường viễn du !
Tình duyên thì đã tạ từ,
Năm năm đấy nhỉ, thực hư thế nào ?
Má còn làm thẹn hoa đào
Mắt còn làm nhạt ngàn sao trên trời ?
Tóc còn xanh thuở hai mươi
Ðại dương còn sóng hai bờ thuở xưa !
Từ ngày lạc một thế cờ
Ðắng cay nhiều nỗi, ngẩn ngơ, khóc thầm
Trang tình sử, truyện tri âm,
Khổ đau ai thấu được tâm sự này ?
Phong yên từ độ những ngày
Hậu đình hoa, cũng cau mày thế nhân
Ðỉnh đồng chưa vững ba chân
Hai thuyền thì đã phong trần cả hai…”

Cuộc tình thơ Tạ Ký – Phùng Khánh được kết thúc bi đát như thế nào và âm hưởng của nó còn đọng mãi trong tâm hồn hai người, những bạn bè thân hữu của họ. Trước 1975, khi bình đọc thơ tôi trên báo Bông Lúa của Nguyễn Vỹ, anh Ký có dẫn ra một đoạn thơ của anh cũng mang tâm trạng chán chường :

“Viết một bài thơ buồn nữa đây,
Nhìn qua khung cửa ánh sao gầy
Chao ơi, ba chục năm rồi nhỉ,
Lòng vẫn còn mơ nguyệt mái Tây 

 

 

 

 

[3]

[3]   Mời đọc Cước Chú “Nguyệt mái Tây

Còn chị Phùng Khánh ? Tôi nghe người ta nói, từ đó, chị đi tu, bây giờ là “sư Bà” của một ngôi chùa lớn tại Sài Gòn. Sư bà thuyết pháp rất hay bằng nhiều thứ tiếng và đông đảo Phật tử xa gần ngưỡng mộ.”…

(Phạm Phú Hay, Cali, tháng 6 năm 1997, Ðặc San Quảng Ðà Năm Mậu Dần 1998)

Trường Quốc học ([4]   Mời đọc Cước Chú “Trường Trung học Quốc Học  ) và trường Đồng Khánh ở gần nhau, chỉ cách nhau có một con đường tức là đường Nguyễn Trường Tộ. Cả hai trường đều tọa lạc ở một vị trí hữu tình: trước sông, sau núi, dọc đường có hàng cây long não xanh tươi che bóng mát, chạy dài xuống gần cầu Trường Tiền. Đã từng có nhiều mối tình thơ mộng giữa nam sinh Quốc học và nữ sinh Đồng Khánh. Nét đẹp và giọng nói êm đềm của các cô gái Huế đã quyến rũ các sĩ tử đến kinh đô Huế dự các khoa thi Hội và thi Đình của triều đình Huế từ xưa, họ đã không muốn trở về nhà sau khi cuộc thi đã chấm dứt:

“Học trò trong Quảng ra thi,

Thấy cô gái Huế chân đi không đành”.

(Ca dao)

Chuyện tình của Tạ Ký và Phùng Khánh không đưa đến hôn nhân, nhưng sự kết thúc của mối tình này là một tình yêu cao thượng. Quả thật là:

“Tóc mai sợi vắn sợi dài,

Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.

(Ca dao)

Félix Arvers (Pháp, 1806-1850) chỉ sáng tác có một bài thơ tình, diễn tả một mối tình lảng mạn và cao thượng. Bài thơ tình này rất nổi tiếng, được chuyền khắp thế giới, và đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đó là bài Sonnet d’Avers được đăng vào năm 1833, đây là một bài thơ rất nổi tiếng vào thế kỷ thứ mười chín. Sonnet là một bài thơ có 14 câu, trong khi thơ Đường chỉ có 7 câu mà thôi.

Khái Hưng (1896-1947) đã phỏng dịch bài Sonnet d’Arvers thành bài thơ “Tình Tuyệt Vọng” ở trong tập truyện ngắn viết chung với Nhất Linh (1906-1963) là “Anh Phải Sống” ( xuất bản năm 1934 tại Hà Nội):

Tình Tuyệt Vọng
Khái Hưng

Lòng ta chôn một khối tình,
Tình trong giây phút mà thành thiên thu.
Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu,
Mà người gieo thảm như hầu không hay?
Hỡi ơi người đó, ta đây,
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?
Dẫu ta đi trọn đường trần,
Chuyện riêng đâu dám một lần hé môi.
Người dù ngọc thốt, hoa cười,
Nhìn ta như thể nhìn người không quen.
Đường đời lặng lẽ bước tiên,
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình!
Một niềm tiết liệt, đoan trinh,
Xem thơ nào biết là mình ở trong.
Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng,
Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây.

( Khái Hưng phỏng dịch bài SONNET d’ARVERS)

Nguyên văn tiếng Pháp:

Le Sonnet

Félix Arvers

Mon âme a son secret, ma vie a son mystère :
Un amour éternel en un moment conçu.
Le mal est sans espoir, aussi j’ai dû le taire,
Et celle qui l’a fait n’en a jamais rien su.

Hélas ! j’aurai passé près d’elle inaperçu,
Toujours à ses côtés, et pourtant solitaire,
Et j’aurai jusqu’au bout fait mon temps sur la terre,
N’osant rien demander et n’ayant rien reçu.

Pour elle, quoique Dieu l’ait faite douce et tendre,
Elle ira son chemin, distraite, et sans entendre
Ce murmure d’amour élevé sur ses pas ;

À l’austère devoir pieusement fidèle,
Elle dira, lisant ces vers tout remplis d’elle :
“Quelle est donc cette femme ?” et ne comprendra pas.

(Félix Arvers)Ce murmure d’amour élevé sur ses pas ;

Phùng Khánh là bậc tài danh, một nhà văn, một nhà thơ có tấm lòng cao thượng. Bà đã vượt qua mối tình thế tục với Tạ Ký để đi đến một mối tình tôn giáo với lòng đại từ đại bi. Một mối tình bao la rộng lớn, tình yêu tất cả chúng sanh. Nên bà Phùng Khánh đã xuất gia đầu Phật năm 1964 với Phật hiệu là Thích Trí Hải hay Thích Nữ Trí Hải. Ni sư với hạnh nguyện Bồ tát, người đã đem tất cả khả năng của mình mà cống hiến, mà phụng sự cho chúng sanh, Phật tử hay không Phật tử, bằng cách dịch thuật, biên khảo và trước tác nhiều sách khảo cứu về Phật giáo rất có giá trị; bà đã giúp cho biết bao Tăng Ni, Phật tử trên đường tu học. Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải đã để lại biết bao niềm thương tiếc của rất nhiều Tăng Ni và Phật tử khi người qua đời.

Trong tiểu thuyết “Hồn Bướm Mơ Tiên” (xuất bản năm 1932 ở Hà Nội) của Khái Hưng có chuyện tình của hai nhân vật: Lan và Ngọc. Mối tình dang dở. Chú tiểu Lan đã giả trai đi tu ở chùa Long Giáng, đây là một mối tình yêu tôn giáo đầy cao thượng:

Cũng là mơ mộng, là yêu đương, là thất tình nữa, nhưng ái tình không đưa đến sầu thảm bi ai mà có vẻ nhẹ nhàng, trong trẻo, vui tươi, nhờ một quan niệm mở rộng ái tình ra cái tôn giáo từ bi, mượn tôn giáo tẩy lọc tất cả những gì vẫn đục nặng nề trong lòng những kẻ yêu nhau. Ái tình vô vọng làm đau khổ vì người ta cứ muốn ái tình phải đưa đến sự xum họp gia đình, sự chung đụng lứa đôi. Lan và Ngọc đã tìm ra một lối thoát cho họ: “Tôi không có gia đình nữa. Đại gia đình là nhân loại vũ trụ, tiểu gia đình là hai linh hồn núp dưới bóng Phật tổ”. Cũng nhờ một quan niệm mở rộng ái tình ra lòng ái mỹ, mượn nghệ thuật nhất là tình yêu thiên nhiên, sự giao hòa với cảnh vật, để nâng cao tâm hồn. Người ta không đi tự tử vì tình, gieo mình xuống hồ Trúc Bạch nữa, mà vui sống với ái tình vô vọng, tìm ở đó một phong vị êm đềm, cao thượng”.

(Phạm thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, Tập III, Sài Gòn : Quốc Học Tùng Thư, 1965, trang 464)

  1. Nỗi buồn trong thi ca Tạ Ký

Hầu hết các bài thơ của Tạ Ký đều chứa đựng một nỗi buồn, nỗi buồn man mác ám ảnh trong lòng thầy, và được thể hiện qua các bài thơ thầy sáng tác:

Nỗi buồn trong bài Sầu Ở Lại:

“Đời lỡ nhúng sầu bên cốc rượu,
Mượn vui bè bạn sống qua ngày,
Đoạn trường hơn cả thân ca kỹ
Cơm áo làm nên chuyện nước mây
Năm cùng tháng tận đời hoang vắng
Bên quán ngờ đâu gặp lại mày
Gọi để mừng nhau khi hội ngộ
Thì xin hãy cạn chục ly đầy*
Quàng vai tìm chút dư hương cũ
Nhắc đến hàng trăm chuyện đổi thay

Nhắc đến những thằng nay đã chết

Những thằng đang sống kiếp trâu cày

Bạn ơi, nước mắt mình tuôn đấy

Ngồi nhậu bên đường ta khóc đây. “

(Tạ Ký, Sầu Ở Lại)

*chục ly đầy: khi uống “la-de”, Tạ Ký không chỉ uống có một chai “la-de”, thầy thường uống liên tục cả chục chai “la-de”, cả “kết” la-de, tức là phải uống nhiều lắm, tới cả chục ly mới đủ tửu lượng.

rồi lại thêm một nỗi buồn nữa vì tình si:

Em có về trong khói thuốc say?
Em có về trong ly rượu đầy?
Em có về trong thương với nhớ?
Em có về trong mộng đêm nay?

Em đâu về vì em quên anh!
Em đâu về hoang vu kinh thành..
Tại em nên thức nhiều đêm trắng,
Khói thuốc che mờ mái tóc xanh

Anh đi tìm em qua cánh chim,
Anh đi tìm em qua bao đêm,
Cánh chim đã lướt theo chiều gió,
Hơi rượu càng làm anh nhớ thêm.

(Tạ Ký, Nhớ Thêm)

và lại viết thêm một bài thơ buồn nữa:

Viết một bài thơ buồn nữa đây,
Nhìn qua khung cửa ánh sao gầy
Chao ơi, ba chục năm rồi nhỉ,
Lòng vẫn còn mơ nguyệt mái Tây!…                                                                                          

(Tạ Ký, Bài Thơ Buồn)

Đọc thơ Tạ Ký, chúng ta thấy “nỗi buồn/sầu” như một sợi dây xuyên suốt thơ của thầy, có vài bài nói về sầu tình, nhưng toàn thể nỗi buồn chỉ là một ẩn dụ: nỗi buồn về vận nước nỗi trôi, và cuộc đời Tạ Ký cũng trôi nỗi theo vận nước. Tạ Ký chỉ có một bài thơ nói trực tiếp về thời thế, đó là bài Thế hệ bốn lăm :

Chúng tôi:
Những kẻ sinh ra chưa biết nụ cười,
Đã thầm khóc trong bao năm khói lửa.
Mười tám tuổi, vải thô thay nhung lụa,
Giày vỏ xe hơi mòn gót liên khu…

(Tạ Ký, Thế hệ bốn lăm)

Qua lời tâm sự của Tạ Ký với một người cùng ở tù “học tập cải tạo” sau 1975, thì thầy đã từng hoạt động chính trị, và đã từng vào tù ra khám qua nhiều chế độ khác nhau:

Ký nhắc lại khi gặp tôi ở trại tù Xuân Lộc: “Đời không đáng một cơn say!”

…..

Đêm cuối gặp Ký ở Xuân Lộc, Ký cầm một que cây khơi đống tro tàn, ứng khẩu:

 Đêm sâu đóm lửa đương tàn,

Khói làm cay mắt cho hàng lệ rơi.

 Rồi trao cho tôi một mảnh giấy nhỏ ghi lại bốn câu thơ Ký đã đọc trong dịp gần Tết 1975 ở Chợ Đủi và hai câu Ký viết thêm:

 Đoạn thơ ấy viết từ hai năm trước,

Rồi tự nhiên không tiếp được lời nào

Điếu anh, điếu tôi, qua khói thuốc lào chúng tôi nhắc chuyện xưa, bùi ngùi, chua xót…Ký cho biết đã từng vào tù ra khám. Hết Tây nhốt, tra khảo đến Việt Minh nhốt, khảo tra. Ký cũng đã nếm mùi mật vụ thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Nhưng Ký nói lần này Ký kinh hoàng nhất:”Chắc chết trong tù!”. Quả nhiên, sau đó Ký đã bỏ mạng khi vào tù Cộng Sản lần thứ hai vì tội vượt biên…hụt!”

(Lê Tấn Lộc, Về Tạ Ký, Một Người Bạn, trên Lê Tấn Lộc’s Blog)

Tạ Ký đã hoạt động chính trị, thầy là người yêu nước thực sự, tính tình khẳng khái, con người có nhiều khí phách nên đã bất đồng chánh kiến với nhiều chế độ chính trị, và hậu quả là bị tù đày, khổ sở và sống trong cảnh đạm bạc.

Trong lịch sử Việt Nam, những kẻ bán nước cầu vinh thì luôn luôn giàu sang, hưởng phú quý, những kẻ xu thời, lắc lư cũng tìm đủ mọi cách thu tóm tiền bạc cho nhiều để làm giàu ở bất cứ chế độ nào, những kẻ làm quan hối lộ, tham nhũng kinh khủng thì giàu nức trứng. Họ chuyển tiền ra nước ngoài để khi thời thế thay đổi thì chạy ra ngoại quốc có bãi đáp an toàn mà tiếp tục hưởng cảnh giàu sang.

Thật là “buồn” cho các nhà chí sĩ yêu nước thật sự!

Sau khi Tạ Ký được tự do, khoảng cuối năm 1977, nhiều người bạn cũ đã mời thầy đến nhà họ hoặc ở các quán cốc để uống rượu, trong bàn nhậu thầy thường đọc các bài thơ thầy đã sáng tác trong tù. Một trong các người bạn đó, đã chép lại bài thơ “Cúi Xuống”, bài thơ nầy cho thấy nỗi buồn của một người ở trong tù: cỏ cây, hòn sỏi, cục đất… cũng không thèm để ý tới tác giả:

Ngồi viết những dòng này về Tạ Ký, tôi buồn lặng người. Nhớ Tạ Ký. Nhớ Tôn Thất Trung Nghĩa. Dĩ vãng hàng me xanh Chợ Đủi, quán cà phê vỉa hè Lê Lợi, quán nhậu bà Năm Lửa, quán nhậu đường Bàn Cờ, quán Ba Thừa buổi tối chia tay…Có ai còn nhớ đến Tạ Ký? Bài thơ sau đây của anh viết trong tù đã đọc cho bạn bè nghe. Tôi không nhớ hết, nhớ đủ nhưng cũng xin ghi ra đây như đốt lên một nén hương tưởng nhớ đến anh, bài thơ có tựa đề “Cúi Xuống”:

“Cúi xuống nhìn hòn sỏi
Hòn sỏi nhìn trời cao
Cúi xuống nhìn luống cải
Luống cải nhìn ông sao
Cúi xuống nhìn cục đất
Cục đất nằm im lìm
Cúi xuống nhìn ngọn cỏ
Ngọn cỏ đợi sương đêm

Cúi xuống nhìn ngón cẳng
Ngón cẳng dài thêm ra
Bàn chân có năm ngón
Ngón nào riêng của ta ?

Cúi xuống thêm chút nữa
Gục trên đầu gối mình.”

(Tạ Ký, Cúi Xuống)

(bài thơ này được ghi lại bởi Phong Châu trong bài viết Tưởng Nhớ Nhà Thơ Tạ Ký, viết vào tháng 7 năm 1992)

Trước cuộc đời hư ảo, Tạ Ký đã đi tìm sự quên lãng cho mối sầu nhân thế trong men rượu, trong cơn say: “Đời không đáng một cơn say”.

  1. Thơ tình của Tạ Ký

Nhiều người tình đã đi qua đời Tạ Ký. Mỗi người tình đều có một chuyện tình đầy lãng mạn, và đó là nguồn hứng khởi cho các vần thơ. Thầy đã sáng tác rất nhiều bài thơ tình, đặc biệt có bài thơ tình thầy gởi tặng cô Tuyết Hồng, vị hôn thê của thầy, đó là bài Sơ Nguyện :

Hay là tôi đến thăm em?
Chiều không mưa, trăng chưa ngả bên thềm,
Đường nhân thế lối đi về vĩnh viễn.
Tôi chín chắn như thủy thủ già vượt biển
Đọc mây sao tìm hướng của phong ba.
Mùa lỡ xuân mà ngày cũng sắp tà,
Nên do dự khi mang buồn đến biếu.
Người con gái thường vô tình chẳng hiểu
Kẻ thương mình thức trọn giấc chiêm bao.
Ba mươi tuổi rồi biết nói làm sao,
Lòng luyến mộ lẫn ít nhiều chua chát.
Trời hôm nay vài gợn mây tím nhạt.
Hay là tôi đến thăm em?
Thương là thương, dù đêm trắng cả đêm
Vẫn thức chép những vần thơ gửi tặng.
Lòng chúng ta hẳn nhiều phen cay đắng,
Đường em đi hoa đẹp nở bao lần?
(Những đoá hoa tình của một thời xuân)
Cũng buồn thật nếu nhìn nhau đắm đuối,
Cũng chán thật nếu lòng kia tiếp nối,
Và yêu đương thành những chiếc hôn nồng,
Giấc chiêm bao gờn gợn những đường cong.
Hay là tôi đến…?
Dòng mắt em xanh,
Mong manh mong manh,
Nửa chiều sơ nguyện.

(Tạ Ký, Sơ Nguyện, cho Tuyết Hồng)

 và một bài thơ khác cho một người yêu mà tuổi đời quá chênh lệch với thầy:

 Không đủ say nào quên được em,
Mà say càng thấy nhớ nhung thêm.
Hỡi ơi tuổi tác làm chênh lệch,
Chờ đến thiên thu đá có mềm ?…

 

  1. Tình bạn trong thi ca Tạ Ký

 Nhiều nỗi buồn luôn xâm chiếm tâm hồn Tạ Ký, Thầy dùng rượu để giải sầu. Khi uống rượu thầy cần có bạn tâm giao để đối ẩm. Trước năm 1975, sau giờ dạy học thầy và các bạn đối ẩm thường hẹn gặp nhau ở quán “Hoa Nở”, đây là một trong các quán nhỏ ở “Chợ Đủi”. Chợ Đủi [5] ([5]     Mời đọc Cước Chú “Chợ Đủi“) toạ lạc ở ngã tư đường Trần Quý Cáp cũ (bây giờ là đường Võ Văn Tần) và Lê Văn Duyệt cũ (bây giờ là đường Cách Mạng Tháng Tám), đối diện với rạp hát bóng Nam Quang. Cô chủ quán Hoa Nở tánh tình lịch thiệp, nhiều thực khách không đủ tiền trả bửa tiệc, cô vui vẻ ghi sổ để thâu tiền lại vào một ngày khác. Quán “Hoa Nở” có nhiều món nhậu rất ngon, nên đã có nhiều thực khách. Tạ Ký chỉ thích uống “la-de” mà thôi, thầy không thích uống rượu mạnh:

Từng đêm chợ Đủi đẫm sầu,
Ly la-de đổ gội đầu tóc xanh.
Người sơn dã
[6] lạc kinh thành,
Ngả nghiêng đáy cốc độc hành trong đêm.

 (Tạ Ký, Tôn Thất Trung Nghĩa)

[6] Theo Ông Võ Hồng Lạc kể lại cho tôi nghe thì Tôn Thất Trung Nghĩa là người bạn rất thân với Tạ Ký; hồi 1979, Nghĩa còn ở Việt Nam, sau khi hay tin Tạ Ký qua đời, Nghĩa đã lập bàn thờ Tạ Ký trong nhà mình. Mỗi lần bạn bè đến nhà Nghĩa để cùng uống rượu, thì Nghĩa đều có mời hương hồn Tạ Ký về uống một ly rượu với bạn bè. Những “người bạn nhậu” thường có tình cảm thương yêu quấn quít với nhau. Theo Tạ Ký giải thích với VH Lạc thì Nghĩa, một người tây lai, đẹp trai cao lớn, và nhất là có đôi mắt rất đẹp, màu đục giống như người thiếu nữ sơn cước; “người sơn dã” ý chỉ Nghĩa.

Bạn đối ẩm với Tạ Ký có nhiều nhà giáo như Tôn Thất Trung Nghĩa, Lê Tấn Lộc, thỉnh thoảng có Trương Vĩnh Án (trước 1975 là Chánh sở học chánh Bạc Liêu), Lâm Võ Huỳnh (trước 1975 là Giám đốc Trung Tâm Giáo dục Hồng Bàng), Phan Ngọc Răng (trước 1975 là Thanh Tra Trung học Bộ Giáo Dục) … và nhiều nhà thơ, nhà văn khác. Hầu hết các bài thơ của Tạ Ký đều đề tặng cho các bạn của thầy.

Chúng tôi sẽ trích dẩn vài bài thơ mà Tạ Ký đã đề tặng cho vài người bạn của thầy:

Bài thơ “Buồn Như” đề tặng cho Tôn Thất Trung Nghĩa. Nghĩa là bạn rất thân của Tạ Ký, có khi Tạ Ký uống “la-de” say rồi lại lấy “la-de” đổ lên đầu Nghĩa, nhưng Nghĩa vẫn không giận. Tôn Thất Trung Nghĩa đã từng dạy ở trường Sư Phạm Sài Gòn cho đến năm 1972, Ông đậu Tiến Sĩ Kinh Tế và lên dạy Đại Học Luật Khoa Sài Gòn; vượt biên, rồi định cư ở Hoa Kỳ. Ông bị bịnh và qua đời vào tháng 10 năm 1990 tại Hoa Kỳ.

Buồn như ly rượu cạn,
Không còn rượu cho say.
Buồn như ly rượu đầy,
Không còn một người bạn.

Buồn như đêm khuya vắng,
Qua cửa sổ trông trăng.
Buồn như em nói rằng:
Nhớ anh từng đêm trắng.

Buồn như yêu không được
Dù người yêu có thừa.
Buồn như mối tình xưa
Chỉ còn dòng lưu bút.

Buồn như buồn như thế,
Buồn như một kiếp người.
Đây cõi lòng quạnh quẽ
Buồn như đoá hoa rơi! “

(Tạ Ký, Buồn Như)

 Một người bạn đối ẩm với Tạ Ký trước 1975, và cũng là người bạn ở trong tù “học tập cải tạo” sau 1975 là Lê Tấn Lộc. GS Lộc nguyên dạy Triết học, hồi 1962 ông bị động viên khoá 14 Sĩ Quan Trừ Bị tại trường Võ Bị Thủ Đức, Ông Lộc đã học cùng khoá với Tạ Ký. Trước 1975, Ông Lộc đã từng làm Hiệu trưởng trường Trung Học Trịnh Hoài Đức, Bình Dương; Giám đốc Khu Học Chánh III ở Biên Hoà. Lê Tấn Lộc hồi tưởng về Tạ Ký:

Ký nhắc lại khi gặp tôi ở trại tù Xuân Lộc: “Đời không đáng một cơn say!”                                                    

…..

Đêm cuối gặp Ký ở Xuân Lộc, Ký cầm một que cây khơi đống tro tàn, ứng khẩu:

 Đêm sâu đóm lửa đương tàn,

Khói làm cay mắt cho hàng lệ rơi.

 Rồi trao cho tôi một mảnh giấy nhỏ ghi lại bốn câu thơ Ký đã đọc trong dịp gần Tết 1975 ở Chợ Đủi và hai câu Ký viết thêm:

 Đoạn thơ ấy viết từ hai năm trước,

Rồi tự nhiên không tiếp được lời nào

Điếu anh, điếu tôi, qua khói thuốc lào chúng tôi nhắc chuyện xưa, bùi ngùi, chua xót…Ký cho biết đã từng vào tù ra khám. Hết Tây nhốt, tra khảo đến Việt Minh nhốt, khảo tra. Ký cũng đã nếm mùi mật vụ thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Nhưng Ký nói lần này Ký kinh hoàng nhất:”Chắc chết trong tù!”. Quả nhiên, sau đó Ký đã bỏ mạng khi vào tù Cộng Sản lần thứ hai vì tội vượt biên…hụt!

Lúc đến trại tù Long Giao, cũng nhân dịp Tết đến (1976), nhớ Tạ Ký, tôi tiếp tục bài thơ bỏ lững của Ký:

(Anh)

Không có em càng không thể say,

Khi muốn yêu, tình đã đổi thay.

Thâu canh độc ẩm, sầu vạn cổ,

Quán vắng, lều thưa gió lắt lay.

 

(Em)

Không biết yêu vì không thiết yêu,
Thương ai trường hận mãi đăm chiêu.
Mình em về lại rừng hoang dại,
Dã thú, sài lang ắt phải nhiều…

Em đã tới từ trong bóng tối
Van xin ai đừng chối từ em
Giận ai khe khắt muộn phiền,
Vết đau ngày cũ, lòng điên đảo sầu.

Em đã tới, cười qua nước mắt
Xin cho em dìu dắt tình say,
Hằng mong quên hết đọa đày,
Nỡ đâu người nới vòng tay, hửng hờ…

(Anh)

Em hỡi em! Tình đã tưởng quên,
Sao cứ say cười lên đảo điên ?
Cố nhân ơi! cố nhân biền biệt…
Tượng đá vô tri thấu nỗi niềm ?

(Em)

Em bước tới từ trong gió lốc
Xin ai kia đừng khóc đời em,
Nhìn hoa tan tác bên thềm,
Bước đi lặng lẽ, sầu riêng ngất trời.

(Anh)

Ô hay khói thuốc làm cay mắt,
Thế gian tiếu ngã bất tang thương.
Rượu chuốc tàn canh, mưa lất phất,
Ngã tiếu thế gian khấp đoạn trường.

(Em)

Em đã khóc và em đã khóc,
Xin cho em ngủ giấc bình yên !
Ngày mai quên hết ưu phiền,
Chẳng bao giờ nữa còn điên đảo sầu…

(Anh)

Em hỡi em! Đường lên suối tiên
Xa lắm không? Chờ ta với em!
Hỡi ơi! Rung cảm ta tàn tật
Vì đã cho ai hết lửa tim.

Em hỡi em! Rượu không thể quên,
Ôi dáng xưa nhoà trong bóng đêm…
Hỡi Angélique muôn đời trẻ!
Chờ đến thiên thu đá có mềm?…

Tôi đặt tên bài thơ là “Không Đủ Say”: sau đó tôi phổ nhạc vài đoạn trong bài nầy: tình khúc mang tên “Angélique Gwen”.

(Lê tấn Lộc, Về Tạ Ký, Một Người Bạn, trong Lê tấn Lộc’s Blog)

Bài thơ “Xuân Về Thương Nhớ Ai Đây” đề tặng cho Trương Đình Ngữ. Thầy Ngữ là một vị giáo sư dạy môn Lý và Hóa rất nổi tiếng ở trường Trung Học Chu Văn An Sài Gòn, trường Trung Học Hưng Đạo của Giáo sư Nguyễn Văn Phú ở Sài Gòn. Rất nhiều học trò trung học theo học các lớp Toán Lý Hoá của Thầy và các vị Giáo sư Toán khác ở trường Hưng Đạo. Hồi học lớp Đệ Nhị ban Toán (lớp 11 bây giờ, 1961-1962) và lớp Đệ Nhất Ban Toán (lớp 12 bây giờ, 1962-1963) tôi đã mua các sách giáo khoa và giải bài tập Vật lý của GS Trương Đình Ngữ, do Trường Thi xuất bản, để tự học thêm và luyện thi Tú Tài I và Tú tài II. GS Trương Đình Ngữ đã không dạy tôi một cách trực tiếp, nhưng tôi đã học hỏi từ ông rất nhiều. Tôi kính mến ông như một vị thầy học của tôi. Năm 1961, thầy Trương Đình Ngữ bị động viên Khoá 12 Sĩ Quan Trừ Bị tại trường Võ Bị Thủ Đức, thầy đã tốt nghiệp Thủ Khoa của khóa này. Thầy được bổ nhiệm làm Giảng Viên môn Văn hóa tại trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Thầy Tạ Ký cũng đã được bổ nhiệm làm Giảng Viên môn Văn hóa tại đây sau khi tốt nghiệp Khóa 14 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.


Tết đến rồi đây, xuân đến đây,
Xuân xuân, tết tết được bao ngày?
Cười nghiêng núi thẳm, xuân gian khổ,
Khóc đứng quê xa tết dạn dày.
Có những con người không biết tết
Cầm bằng năm tháng một cơn say
Có những con người không biết chết
Hẹn cùng trời đất một ngày mai,
Có những con người không nói hết
Căm căm thế sự nhíu đôi mày!

Tết đến, xuân về băm mấy bận,
Giang hồ ta vẫn trắng đôi tay.
Lòng riêng nào biết xuân hay tết,
Tóc đã pha sương kể những ngày
Câu chuyện tâm tình không tỏ được,
Hoa đào hàng xóm lả lơi bay…
Xót thương thân thế toàn dang dở,
Khói thuốc làm cay đôi mắt cay!
Chợt thấy bên hiên hoa lại nở,
Và xuân lại đến ở đâu đây.

Nhưng hoa đã tỏ đường ong bướm,
Xuân vẫn còn xuân với đọa đày.
Xuân vẫn còn xuân trong máu lửa,
Còn xuân nên vẫn trắng đôi tay!
Nhấm mứt gừng suông ba bữa tết,
Giở chồng thư cũ mấy năm nay…
Đâu đây nhạc rót mừng xuân mới,
Không hiểu thương ai nước mắt đầy!
Nhà trống tha hồ mơ mộng đến,
Tiền đâu mua lấy nửa cơn say?

Thơ chẳng ai yêu, rồi cũng vẫn
Đêm đêm nằm tính chuyện tương lai.
Cố tri dăm đứa nghèo xơ xác,
Ăn chực nằm chờ khắp đó đây.
Tán gẩu, cười suông, ngâm lạc giọng:
“Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây”
Thuốc chưa hết điếu mà cay mắt,
Tình chủng muôn đời vẫn đắng cay!
Xuân bỗng tưng bừng trên má thắm,
Xuân về thương nhớ với ai đây?

(Tạ Ký, Xuân Về Thương Nhớ Với Ai Đây )

 Khoảng năm 2001, thầy Trương Đình Ngữ đã đi du lịch Hoa Kỳ và Canada. Nhân dịp đó thầy có đến Toronto, thầy Ngữ và Ông Nguyễn Bình Tưởng đã ghé thăm tôi. Trước 1975, Tưởng đã từng làm Giám học trường Trung học Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn, và Hiệu trưởng trường Trung Học Vĩnh Bình. Tôi thật cảm động hết sức. Thầy Ngữ, Nguyễn Bình Tưởng và tôi cùng hàn huyên, nhắc lại chuyện ngày xưa, những kỷ niệm của những tháng ngày đã qua. Tôi thấy quá khứ thật nhiệm mầu đang chợt hiện ra trong giây phút hiện tại cũng nhiệm mầu này. Chúng tôi đã đi ăn trưa. Thầy Ngữ trở về Sài Gòn, một thời gian sau tôi hay tin thầy đã qua đời một cách đột ngột. Tôi buồn vô cùng. Các bạn tôi cho biết các học trò cũ của thầy Trương Đình Ngữ đã làm đám tang cho thầy rất trọng thể ở Sài Gòn. GS Trương Đình Ngữ là bậc thầy đáng tôn kính của nhiều thế hệ học trò.

Sau khi được trả tự do, khoảng cuối năm 1977, thầy Tạ Ký không còn uống “la-de” thường xuyên ở “Chợ Đủi” mà đi uống nhiều thứ rượu thuốc, giá rẻ hơn “la-de” và có nồng độ mạnh hơn, nhưng cũng có nhiều chất độc hơn, với các bạn hữu: các nhà giáo, nhà thơ, nhà văn ở nhiều quán nhỏ khác nhau hoặc ở nhà của các bạn hữu đó. Có nhiều vị ít uống “la-de” với thầy trước 1975, nay cũng kết bạn nhậu với thầy, nghe kể lại có Võ Hồng Lạc, Nguyễn Minh Đức và nhiều nhà thơ nhà văn khác. Nguyễn Minh Đức là vị Hiệu trưởng cuối cùng của trường Trung Học Petrus Ký ở Sài Gòn. Sau 1975, tên trường Petrus Ký bị đổi tên khác. Đức đã đi định cư ở Hoa Kỳ. Khoảng năm 1990-1994, Nguyễn Minh Đức đã làm Giám Đốc Điều Khiển Chương Trình Giáo Dục (CONSORTUM) của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại trại tị nạn Galang, Indonesia. Hết nhiệm kỳ, Đức trở về Hoa Kỳ, sau đó ông bị bịnh và qua đời. Tất cả bạn bè đều thương tiếc ông.

 

 

Bài thơ cuối cùng thầy Tạ Ký đã đọc lại: “Sầu Ở Lại

Khoảng giữa năm 1978, cô Tạ Ký đã dẩn hai đứa con trai đi vượt biên, thầy cũng muốn về miền Tây để tìm đường vượt biên đi theo vợ con. Theo Ông Võ Hồng Lạc kể lại cho tôi nghe, đang lúc tôi viết bài này, buổi tối trước khi đi tìm đường vượt biên, vào mùa thu 1978, thầy đã cùng đi uống rượu với Tôn Thất Trung Nghĩa, Nguyễn Minh Đức, Thái Văn Lâm, Trương Vĩnh Án và Võ Hồng Lạc để chia tay. Tại quán nhậu Tạ Ký đã xuất khẩu, đọc lại nhiều bài thơ của thầy. Trên đường đi về cùng với Võ Hồng Lạc, hai vị đã ghé một quán cốc bên đường Phan Đình Phùng cũ để tâm sự, rồi thầy Tạ Ký đọc lại bài “Sầu Ở Lại” trước khi giả từ. Trước 1975, Võ Hồng Lạc là Hiệu trưởng trường Trung Học Quận 7 Sài Gòn. Lạc là người có tính tình khẳng khái, phóng khoáng và giao tiếp với nhiều anh em ở các nhóm khác nhau, ông hay giúp đỡ mọi người gặp khó khăn. Ông thuộc “gia đình cách mạng” nhưng không xu thời chạy theo chế độ mới. Ông rất tha thiết với triết lý giáo dục VNCH, nên sau đó ông đã xin nghỉ dạy học vì không thích hợp với đường lối giáo dục của nhà trường XHCN. Võ Hồng Lạc không ưa những “nhà giáo cách mạng 30 tháng tư”, có lần ông đã nói thẳng vào mặt các nhà giáo này. Ông Võ Hồng Lạc đã đọc lại bài thơ “Sầu Ở Lại” cho tôi ghi chép qua điện thoại, và kể lại chuyện ông đã tìm giúp thầy Tạ Ký “lá sống đời” mỗi ngày để trị bệnh gan trong lúc thuốc men rất mắc và khó kiếm hồi 1977 và 1978 ở Sài Gòn, một tình bạn đáng quý. Võ Hồng Lạc đọc thuộc lòng bài thơ “Sầu Ở Lại” qua điện thoại:

Đời lỡ nhúng sầu bên cốc rượu

Mượn vui bè bạn sống qua ngày

Đoạn trường hơn cả thân ca kỹ

Cơm áo làm quên chuyện nước mây

Năm cùng tháng tận, đời hoang vắng

Bên quán ngờ đâu gặp lại mầy

Gọi để mừng nhau khi hội ngộ

Thì xin hãy cạn chục ly đầy

Quàng vai tìm chút dư hương cũ

Nhắc đến hàng trăm chuyện đổi thay

Nhắc đến những thằng nay đã chết

Những thằng đang sống kiếp trâu cày

Bạn ơi, nước mắt mình tuôn đấy

Ngồi nhậu bên đường, ta khóc đây.

(Tạ Ký, Sầu Ở Lại)

Trước khi từ giả, thầy Tạ Ký đã nói với Võ Hồng Lạc: “Có thể chẳng bao giờ tao với mầy còn gặp lại nhau nữa”. Như một lời trăn trối. Khoảng giữa năm 1979, Lạc được tin Tạ Ký đã qua đời vào lúc 13 giờ ngày 19 tháng 3 năm 1979 tại bệnh xá Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thầy hưởng thọ được 51 tuổi. Người đồng hương đã an táng thầy ở nghĩa trang Chợ Mới, An Giang.

 

 

Những người bạn với tấm lòng quãng đại

Bên cạnh các người bạn đồng nghiệp dạy học, thầy Tạ Ký còn có rất nhiều bạn là nhà thơ, nhà văn rất đa tài như Đinh Trầm Ca, Phạm Phú Minh (tức Phạm Xuân Đài, cựu Giáo sư môn Triết học ở trường Petrus Ký trước 1975), Phạm Phú Hay, Tú Lắc, Hà Thượng Nhân, Phong Châu, Trịnh Cung, Viên Linh… Nhà thơ Đinh Trầm Ca, ở Sài Gòn, và GS Phạm Phú Minh, ở Hoa Kỳ, rất quý mến Tạ Ký, họ đã vận động quyên góp tiền bạc để chuẩn bị cải táng hài cốt của thầy Tạ Ký. Sau đó nhà thơ Đinh trầm Ca và một người cháu của thầy là Đỗ Ngọc Anh đã đứng ra lo cải táng hài cốt của thầy Tạ Ký về nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, Sài Gòn vào ngày 5 tháng 4 năm 2001 trong dịp lễ Thanh Minh. Mộ thầy được nằm cạnh với mộ thi sĩ nỗi danh Bùi Giáng. Hai câu thơ trong bài “Đêm Giáng Thế” được khắc vào tấm bia:

 

 

Thân cát bụi chẳng còn chi hối tiếc,                                                                                        

Nhưng lòng riêng khao khát chút tình thương.

Đêm Giáng thế

Hỡi Thượng Đế, suốt đời con đơn chiếc,
Đi vu vơ như lạc nẻo Thiên Đường,
Thân cát bụi chẳng còn chi hối tiếc,
Nhưng lòng riêng khao khát chút Tình Thương.
Con ngẩng mặt: đêm nay trời nạm ngọc,
Quê Cha đâu? Đường lối hẹp kinh kỳ.
Thuyền vật chất trôi xuôi về địa ngục,
Trong hồn con còn dội bước con đi.

Nợ với Đất ngày mai con trả Đất,
Đời vui chi, cười khóc vẫn xô bồ!
Tiếng chuông Chúa những chiều sầu sắp tắt
Gọi đêm về vây phủ kín thành đô.

Đêm Giáng thế, chiên lành quỳ lạy Chúa
Thương đàn chiên nằm dưới gót sài lang,
Chúng con sống đau buồn trong khói lửa,
Thây chồng thây, ngăn mất lối Thiên Đường.

Đấng Cứu Thế tình yêu trùm vũ trụ
Vâng Ngôi Cha làm một kẻ chăn cừu,
Xin vớt lấy những linh hồn đen tối,
Đang điên rồ cười khóc suốt đêm thâu.

(Tạ Ký, Đêm Giáng Thế)

Tôi chân thành tán thán tấm lòng quãng đại của nhà thơ Đinh Trầm Ca, GS Phạm Phú Minh và tất cả các nhà văn, nhà thơ, bạn bè, học trò, bà con của thầy ở trong nước và hải ngoại đã hết lòng lo cho thầy Tạ Ký một nơi yên giấc vĩnh cửu khang trang.

Nhà thơ Đinh Trầm Ca, các nhà thơ, nhà văn, thân nhân của Tạ Ký đã có một tình bạn quý hiếm trong xã hội kim tiền ở Việt Nam hiện nay. Hằng ngày, trên internet, chúng ta thấy ở Việt Nam xảy ra biết bao chuyện bạn bè lừa gạt, tranh giành, giựt dọc… tiền bạc lẩn nhau, thậm chí còn hảm hại nhau vì tiền bạc, thật là không còn tính người.

Thầy Tạ Ký đã có rất nhiều bạn tốt, có nhân cách đáng quý trọng. Người Tây phương thường nói nhìn các bạn bè của một người thì có thể đoán nhân cách của người đó như thế nào: “A man is known by the company he keeps”.

  1. Văn phong của Tạ Ký

Văn phong của Tạ Ký thì bình dị, dể hiểu, vài nơi có dùng lối ẩn dụ, có nơi thấy hơi khinh bạc, một chút ngông. Tạ Ký dùng chữ rất mẫu mực của nhà sư phạm, tôn trọng người đọc thơ mình. Không như vài nhà văn, nhà thơ khác cùng thời với thầy, họ dùng các từ lộng ngôn, các từ triết học hóc búa, dẩn tên các triết gia hiện sinh như Jean-Paul Sartre (Pháp, 1905-1980), Albert Camus (Pháp, 1913-1960), các nhà hiện tượng luận như Martin Heidegger (Đức, 1889-1976), Edmund Husserl (Đức, 1859-1938)… để hù dọa các người đọc không chuyên môn.

Văn tức là người. Thơ Tạ Ký cho chúng ta thấy một con người giản dị, luôn mang nỗi buồn trong tâm hồn cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời.

Bạn đọc có thể so sánh văn phong của Tạ Ký với văn phong của một thi sĩ cùng quê quán và cùng thời với thầy qua bài viết “Hiện Tượng Bùi Giáng” của nhà phê bình văn học Thuỵ Khuê (1944 –     ): http://thuykhue.free.fr/stt/b/BUIGIAN1. html

IV. Những kỷ niệm với thầy Tạ Ký

Thầy Tạ Ký dạy môn Anh văn khi tôi học lớp Đệ Lục (lớp 7, 1957-58). Mùa Hè 1958, bạn Nguyễn Huệ rủ tôi đi thăm thầy, Huệ đi bộ từ nhà ở đường Gia Long, gần chợ Bến Thành đến nhà tôi ở gần Chợ Vườn Chuối, hai đứa cùng đi bộ tới nhà trọ của thầy Tạ Ký ở ngõ hẻm đường Phạm Ngũ Lão gần rạp hát bóng Thanh Bình. Tụi tôi chỉ ở chơi khoảng 15 phút, thầy đã vui vẻ nói chuyện với tụi tôi. Nhận thấy thầy đang bận rộn đọc sách nên tụi tôi từ giả thầy. Tụi tôi đã lội bộ đến vườn Tao Đàn, đi lang thang trong vườn này cả tiếng đồng hồ thì mạnh ai nấy đi về nhà.

Thầy Tạ Ký dạy môn Quốc văn khi tôi học lớp Đệ Ngũ (lớp 8, 1958-59). Thầy bắt tụi tôi học thuộc lòng các bài thơ, bài văn được thầy trích giảng, và học thuộc lòng cả phần lược bình do thầy viết nữa. Tôi chép bài mệt nghỉ… Hồi đó, lớp Đệ Ngũ học vào buổi chiều. Các lớp học Việt Văn với thầy Tạ Ký đều được thầy đọc truyện “Thần Hổ” vào các buổi cuối giờ học. Tụi tôi đã giữ yên lặng, thích thú nghe câu chuyện ma quái, rất kinh dị ở nơi rừng sâu heo hút trong khi cảm thấy sợ ma nhất là vào những buổi chiều trời mưa tầm tả ở bên ngoài. Rất nhiều bạn tôi còn nhớ đến kỷ niệm này như Phạm Ngọc Thạch, Trần Vĩnh Trung, Nguyễn văn Mùi …Truyện Thần Hổ của Tchya (1908-1969) được đăng lần đầu trên bán nguyệt san Phổ Thông vào ngày 01 tháng 09 năm 1937, sau đó tiểu thuyết này được in thành sách. Hè 1959, thầy Đặng Quốc Khánh và thầy Tạ Ký mở lớp Hè “Toán Lý và Anh Văn” lớp Đệ Tứ tại một ngôi trường nhỏ ở đường Đề Thám gần Chợ Cầu Ông Lãnh. Thầy Khánh dạy môn Toán Lý lớp Đệ Tứ, thầy Tạ Ký dạy môn Anh Văn lớp Đệ Tứ. Tôi và rất nhiều bạn khác đều theo học lớp Hè này. Trong 2 tháng hè, hai thầy đã dạy hết chương trình lớp Đệ Tứ: Toán Lý – Anh Văn. Nhờ học trước nên tôi không gặp khó khăn trong lớp Đệ Tứ. Hai tháng hè qua nhanh, ngày tựu trường đã đến.

Thầy Tạ Ký dạy môn Quốc Văn khi tôi học lớp Đệ Tứ (lớp 9, 1959-60). Như năm ngoái, thầy bắt tụi tôi học thuộc lòng không những các bài thơ, bài văn trích giảng mà còn học thuộc lòng phần lược bình nữa. Trong kỳ thi Trung học Đệ Nhất Cấp vào mùa Hè năm 1960, tụi tôi trúng tủ đề thi môn Quốc Văn với đề tài: “Bình giảng đoạn thơ “Kiều Du Xuân” trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du:

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

——————————- ——————                                                                                                                   ————————————————-

Sè sè nấm đất bên đàng,

Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

Không biết đề thi này có phải do thầy Tạ Ký đề nghị với Nha Khảo Thí hay không?

Buổi hội ngộ cuối cùng với thầy Tạ Ký

Hồi khoảng cuối năm 1977, bạn Võ Lưu Sanh đã tổ chức một bửa nhậu vào một buổi tối tại nhà bạn ở đường Tự Do cũ. Bạn Sanh cho biết đây là bửa tiệc đãi thầy Tạ Ký và các bạn bè vừa được tự do từ các trại tù “học tập cải tạo”. Tôi nhớ có thầy Tạ Ký, thầy Phạm Ngọc Đảnh; thầy Đảnh dạy môn triết học và môn Đức văn, thầy là Thanh tra Khảo Thí trước 1975. Thầy Đảnh không có dạy tôi, nhưng tôi rất kính mến thầy. Trong buổi giao thời hồi 1975, thầy Đảnh là một người trí thức miền Nam đầy sĩ khí, thầy có cái hào khí của người dân Nam bộ. Hồi học lớp Đệ Nhất Ban Khoa học Toán (lớp 12, 1962-63), thầy Bùi Phong Quang dạy lớp tôi môn Triết học. Thầy Quang có kiến thức uyên bác, thầy đọc sách nhiều, tôi say mê nghe thầy giảng bài, thầy đã khai tâm môn Triết học cho tôi. Cho nên khi lên Đại học thay vì học môn Khoa học, tôi lại thích đi học môn Triết học. Buổi tiệc này, các bạn bè của Sanh có khoảng 10 đứa, tôi nhớ có Nguyễn Huệ, Trương Văn Long, G. …Hôm ấy, thầy Tạ Ký vui lắm, gặp lại đám học trò cũ mà ngày xưa cũng hay giỡn trong lớp, nhưng hết lòng kính mến thầy. Thầy uống nhiều “la-de quốc doanh” mà Sanh đã mua để đãi thầy và các bạn. Thầy Tạ Ký đã nhờ G. dạy kèm môn toán cho một đứa con nuôi của thầy để chuẩn bị thi vô Đại học, G. nhận lời. G. đã đi tù “học tập cải tạo” dưới diện Sĩ Quan VNCH biệt phái về Bộ Giáo Dục để dạy học. Khi được tự do, G. đi dạy học lại. Trong bữa tiệc, không khí thật vui vẻ, chuyện xưa được nhắc lại nhất là các câu chuyện hồi còn học với thầy Tạ Ký và với thầy Đảnh. Bạn G. pha trò với những chuyện tiếu lâm. Nhìn thoáng qua, ai cũng thấy G. thật vui, thật hạnh phúc, nhưng những sự vui vẻ bề ngoài đó chỉ để che dấu một nỗi buồn, nỗi buồn vô hạn, G. thuộc một gia đình rất đau khổ, một gia đình là nạn nhân của cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn trong lịch sử Việt Nam hiện đại: sau hiệp định Genève 1954, ba G. đã dẩn một người anh trai của G. đi tập kết ra Bắc. G. ở lại Sài Gòn với mẹ và các anh chị em khác. Trước 1975 vài năm, em trai của G. là một Sĩ quan VNCH đã tử trận. Không biết anh của G., khi ở bên kia chiến tuyến, có chĩa súng bắn vào em mình hay không? Những người bạn thân của G., có cả tôi nữa, đã đến chia buồn với G. Thật là buồn vô cùng. Tôi còn nhớ vài bạn có mặt hôm đó: Đinh SơnThông (đã qua đời nhiều năm qua), Lộc (đã qua đời nhiều năm), Sanh (đã qua đời nhiều năm qua), KTS Trương Văn Long (đã qua đời nhiều năm qua) v.v. Buổi họp mặt nào tôi cũng cảm thấy thời gian trôi qua rất nhanh. Bửa tiệc nào rồi cũng tàn, buổi hội ngộ nào rồi cũng tới lúc chia tay. Thầy Tạ Ký uống rất nhiều la-de, thầy say. Tôi còn tỉnh vì tôi thuộc “nhóm phá mồi”, ăn nhiều nhưng uống “la-de” chẳng bao nhiêu. Hôm đó, tôi chạy chiếc xe gắn máy Honda, thầy Tạ Ký ngồi giữa, thầy Đảnh ngồi phía sau để kèm thầy Ký. Tôi chở thầy Ký đến cổng xe lửa ở đường Hồng Thập Tự cũ, thầy Đảnh dìu thầy Ký vào nhà ở hẻm Bùi Chu gần đường rầy xe lửa. Vào khoảng giữa năm 1979, tôi nghe tin thầy Tạ Ký qua đời ở Chợ Mới, An Giang. Một thời gian sau đó thầy Đảnh đi định cư ở Berlin, phía bên nước Tây Đức. Thầy làm việc xã hội, thầy ăn chay trường. Trong cộng đồng Việt Nam ở Tây Berlin, nước Đức, nhiều người kính trọng và tôn vinh thầy Đảnh như là một vị Bồ Tát trong Đạo Phật, vì thầy giúp đỡ rất nhiều người Việt. Cách đây mấy năm, nhân đi thăm người con đang làm Bác Sĩ ở nước Úc, thầy Đảnh đột ngột qua đời tại đó. Hồi khoảng 2008, tôi nghe tin bạn Võ Lưu Sanh qua đời. Năm 2011 được tin bạn Nguyễn Huệ qua đời…; cách đây mấy tháng, tôi được tin bạn Nguyễn Văn Danh qua đời:

Bạn bè lớp trước nay còn mấy,

Chuyện cũ mười đều chín chẳng như.

(Nguyễn Khuyến, Tự Thọ)

Trong bài giảng về ảnh hưởng Nho giáo trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, thầy Tạ Ký đã đọc tiểu sử của Khổng Tử, ông tổ của Nho học. Nay tôi tóm tắt lại cuộc đời của Khổng Tử như một kỷ niệm để tưởng nhớ đến thầy.

 Khổng Tử (551 – 479 trước Tây Lịch), quê quán làng Xương Bình, nước Lỗ, đời Chu bên Trung Hoa. Nay là quận Khúc Phụ, tỉnh Sơn Ðông. Thọ được 72 tuổi Tây,tức 73 tuổi ta. Ngài đã san định Ngũ Kinh: Thư, Dịch, Thi, Lễ, Nhạc và hoàn thành cuốn Xuân Thu.

Khổng Tử đã hết lòng dạy dỗ học trò và đi du thuyết nhiều người ở nhiều nơi để thực hiện tư tưởng của mình. Người sau đã tôn vinh Khổng Tử là “Vạn thế sư biểu”.

Sách Luận Ngữ là một cuốn sách ghi chép lại các lời nói, lời dạy của Ðức Khổng Tử, có một chỗ ghi lời của Ngài tóm lược lại cuộc đời của chính mình như sau:

Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư ( vu ) học,

Tam thập nhi lập,

Tứ thập nhi bất hoặc,

Ngũ thập nhi tri thiên mệnh,

Lục thập nhi nhĩ thuận,

Thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ    

Tôi xin mở ngoặc ở đây để dịch nghĩa các câu trên:

Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư (vu) học: Khi ta tới 15 tuổi thì mới tự mình chú tâm vào việc học.

(Thập hữu ngũ: 10+5 tức là 15, chí = để hết tâm ý, chữ Hán Việt = Ư và Vu có cùng một ý nghĩa = lời so đo, đối đãi, đối với).

Tam thập nhi lập: Khi tới 30 tuổi, thì ta mới có đủ sức tự lập để tạo sự nghiệp, để thực hiện lý tưởng của mình.

Tứ thập nhi bất hoặc: Khi lên tới 40 tuổi thì không còn bị mê hoặc tức là mới hiểu biết được lý sự trong thiên hạ, biết phân biệt tốt xấu, biết được gì nên làm và không nên làm.

 – Ngũ thập nhi tri thiên mệnh: Khi lên tới 50 tuổi thì ta mới hiểu được mệnh trời, mới hiểu được những giới hạn của cuộc đời, của con người, tức là có những điều lúc nhỏ ta muốn thực hiện, nhưng vì mệnh trời, vì những giới hạn nên công việc làm rốt cuộc chẳng thành tựu được.

Lục thập nhi nhĩ thuận: Khi lên tới 60 tuổi, tai ta nghe (sự đời) chẳng thấy chướng ngại gì cả “nhĩ thuận”, tức là hiểu thấu mọi lý lẽ ở đời do ở kinh nghiệm sống dồi dào, kiến thức phong phú về nhiều sự vật.

Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ: Khi lên tới 70 tuổi, ta tự do muốn làm điều gì hay suy tư điều gì theo ý muốn của mình miễn là không vượt ra khỏi khuôn khổ của đạo lý luân thường.)

 

 

V. Kết Luận

Thầy Tạ Ký là một người yêu nước, là một nhà giáo mẫu mực và tận tụy, là một nhà thơ thiên tài chuyên giải bày nỗi buồn của cuộc đời mình. Tạ Ký đã vĩnh viễn ra đi về bên kia thế giới. Bây giờ chỉ còn “Sầu Ở Lại”.

Tôi trân trọng cám ơn công lao dạy dỗ của thầy Tạ Ký, và kính mong hương hồn của thầy được tiêu diêu nơi cõi cực lạc.

Viết xong tại Toronto, ngày 19 tháng 4 năm 2015

Nguyễn Vĩnh Thượng                                              

Cựu học sinh trường Petrus Ký (1956-1963)

 Cựu  Giáo sư Triết học (1969-1975) tại các trường Petrus Ký, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn An Ninh, Cần Đước và trường Sư Phạm Sài Gòn.        

Cựu Social Services Worker/Social Assistance Case Worker (Viên chức xã hội p
phụ trách trợ cấp phúc lợi xã hội) tại Region of Peel, Ontario, Canada (1992-2014), về hưu cuối năm 2014.


Cước chú

(1)       Phùng Khánh

Tên đầy đủ là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh, sanh ngày 09 tháng 3 năm 1938 (Mậu Dần) tại Vỹ Dạ, tỉnh Thừa Thiên, thành phố Huế, thân phụ là GS Nguyễn Phước Ưng Thiều, cháu nội của Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Miên Trinh; thân mẫu là cụ bà Đặng Thị Quê.

Người thiếu nữ lớn lên xinh  đẹp, dịu dàng với cái tên Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh đã làm rung động bao trái tim của những chàng trai thuở ấy… Nhưng vượt thoát ra khỏi tất cả những cám dỗ và dục vọng tầm thường, Phùng Khánh đã chọn cho mình một con đường thanh cao nhất. Với thiên tư thông tuệ, tài hoa, phẩm cách thanh cao, người đã nuôi chí xuất trần vào giữa tuổi hoa niên tươi đẹp.”

(Thích Nữ Hương Nhũ, Ni trưởng Trí Hải – Một Đoá Sen Ngát Hương, Giác Ngộ online, 2010)

GS Lê-Khắc Ngọc-Quỳnh viết về Phùng Khánh, bạn của tác giả, trong truyện ngắn “Nét Chân Tâm” trong tuyển tập truyện ngắn “Nét Chân Tâm”, xuất bản ở Toronto, Canada vào đầu thập niên 1990: “Phùng Khánh học rất giỏi, sống giản dị, ăn mặc đơn sơ, nhu mì, tính tình hiền hòa, và đã có biểu hiện là một bậc chân tu sau này”.

Phùng Khánh có người em gái tên là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng. Hai bà đã dịch quyển Siddharta (xuất bản năm 1922) của nhà văn hào người Đức Hermann Hesse (1877–1962), ông đã nhận giải thưởng Nobel về văn chương(Nobel Prize in Literature) vào năm 1946. Bản dịch có tựa là “Câu Chuyện Dòng Sông” do nhà xuất bản Lá Bối phát hành vào năm 1965 ở Sài Gòn, tái bản năm sau 1966. NXB An Tiêm tái bản năm 1967. Dịch phẩm này đã được rất nhiều độc giả mến chuộng từ cuối thập niên 1960 cho đến đầu thập niên 1970. Rất nhiều độc giả sau khi đọc sách này đã cảm thấy yêu mến đạo Phật và đã bắt đầu nghiên cứu đạo Phật. Vào mùa thu năm 2002, một bản in song ngữ (Đức-Việt) được xuất bản: một bên là nguyên văn chữ Đức quyển Siddharta của Hermann Hesse, một bên là bản dịch Câu Chuyện Dòng Sông của Phùng Khánh và Phùng Thăng.

Phùng Khánh có người chị là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Mai. Bà Phùng Mai có chồng là một cựu học sinh trường Trung học Khải Định/Quốc Học là ông Tôn Thất Đệ.

Năm 1960, Phùng Khánh tốt nghiệp ngành huấn luyện Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp ban Anh văn ở trường Đại Học Sư Phạm Huế. Bà được bổ nhiệm đến giảng dạy tại trường Trung Học Phan Chu Trinh, Đà Nẳng. Dạy học được mấy tháng thì bà được học bổng đi du học tại Đại học Princeton ở Hoa Kỳ.

Năm 1963, bà tốt nghiệp Cao học ngành Thư viện và Tin học (Master of Arts in Library and Information Science), cuối năm 1963 bà trở về nước. Bà đến giúp Ni Sư trưởng Thích Nữ Tịnh Nguyện ở chùa Phước Hải, ở trong hẻm của đường Trần Quốc Toản cũ, Sài Gòn ; và cũng đến làm việc ở chùa Pháp Hội ở gần chùa Phước Hải. Ni Sư trưởng Thích Tịnh Nguyện đã tốt nghiệp ngành huấn luyện Giáo Sư Trung Học Đệ Nhị Cấp ban Việt Hán ở trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn vào đầu thập niên 1960.

Năm 1964, bà Phùng Khánh quyết định chấm dứt trần duyên, cắt tóc, xuất gia tại chùa Hồng Ân Huế, Phật hiệu là Thích Nữ Trí Hải.

Mùa xuân năm 1964,Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn được thành lập, trụ sở đặt tại chùa Pháp Hội. Cuối năm 1964, Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn trở thành Viện Đại Học Vạn Hạnh (ĐHVH), Phân Khoa Phật học được tiếp nối Viện Cao Đẳng Phật Học. Năm đầu tiên chỉ có 2 Phân Khoa: Phân Khoa Phật học, Phân Khoa Văn học và Khoa học Nhân văn. Các lớp học được đặt tại chùa Pháp Hội và Chùa Xá Lợi Sài Gòn (ở bên hông trường Gia Long cũ) cho tới khi một trụ sở mới khang trang được xây cất xong tại đường Trương Minh Giảng cũ. Giáo Hội Phật Giáo cử Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải làm thư ký cho Thượng Toạ Viện trưởng ĐHVH Thích Minh Châu.

Năm 1968, Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải được cử làm Thư viện trưởng và Giám đốc Trung tâm An sinh Xã hội tại Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn. Bà cũng phụ trách giảng dạy, dịch thuật, thuyết pháp cho Sinh viên và Tăng Ni.

Sau 1975, Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải tiếp tục làm giảng sư cho các trường Cao Cấp Phật Học, Thiền Viện Vạn Hạnh, Học Viện Phật Giáo Việt Nam…

Đầu tháng 12 năm 2003, Ni trưởng được cử làm Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam. Vài ngày sau, 07 tháng 12 năm 2003, Ni trưởng lâm nạn và qua đời, hưởng thọ được 66 tuổi đời với 33 Hạ lạp. Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải đã để lại biết bao nỗi ngậm ngùi thương tiếc cho bao hàng Tăng Ni và Phật tử.

Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải là ngôi sao sáng trong nền văn học Phật giáo Việt Nam, là một đoá sen ngát hương của từ bi và trí tuệ. Ni trưởng đã để lại nhiều tác phẩm dịch thuật, biên khảo về Phật học. Các bản dịch nổi tiếng là: Câu Chuyện Dòng Sông (viết chung với Phùng Thăng), Gandhi Tự Truyện, Câu Chuyện Triết Học (viết chung với Bửu Đính), Thanh Tịnh Đạo Luận, Tư Tưởng Phật Học (Con Đường Thoát Khổ), Thắng Man, Tạng Thư Sống Chết, Giải Thoát Trong Lòng Tay. Có 3 tập biên khảo: Toát Yếu Trung Bộ Kinh.

(2) Thám hoa (探花) là một loại danh hiệu của học vị Tiến Sĩ trong hệ thống giáo dục ở Trung Hoa và Việt Nam vào thời xưa. Trong kỳ Thi Đình, được tổ chức tại sân đình nhà Vua, 3 thí sinh đậu cao nhất gọi là Tam Khôi, tuỳ theo số điểm được xếp :

đậu đầu là Trạng Nguyên                                          

đậu hạng nhì là Bảng Nhản                            

đậu hạng ba là Thám Hoa

– Chàng thám hoa: chàng trai đã đậu Tiến Sĩ.

Năm 1075, Vua Lý Thái Tông mở khoa thi Tam Trường để khai sáng lịch sử về thể lệ thi cử ở Việt Nam. Từ đó chế độ thi cử có thay đổi tuỳ theo mỗi thời đại. Chế độ thi cử này chấm dứt vào năm 1919 dưới đời Vua Khải Định. Khoa cử là hệ thống thi cử để tuyển chọn nhân tài ra làm quan giúp vua trị nước. Khoa bảng là cái bảng danh dự liệt kê tên họ các thí sinh đậu đạt học vị trong các kỳ thi cử này. Thường thì phải chờ hai ba năm mới có một kỳ thi. Các kỳ Thi Hội, Thi Đình đều tổ chức ở Kinh thành, nên khi đi thi thí sinh phải mang theo lều, chỏng, thức ăn, vì họ phải lặn lội từ xa để lên Kinh thành.

Có 3 kỳ thi theo thứ tự là Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình :

  1. Thi Hương:Thi Hương được tổ chức ở cấp địa phương tại các trường ở gần khu vực quê hương của thí sinh. Ba bốn trấn hoặc một tỉnh cùng thi ở một nơi, ví dụ: trường Nam thì tập trung các thí sinh ở chung quanh Nam Định, trường Hà dành cho các tỉnh chung quanh Hà Nội.

Người đậu điểm cao nhất gọi là Giải Nguyên.

Ai được điểm cao thì lấy bằng Cử Nhân, ai có điểm thấp thì lấy bằng Tú Tài.

Có đậu được Cử Nhân thì mới được vào Thi Hội.

Khoa Thi Hương đầu tiên được tổ chức vào năm 1396 dưới đời vua Trần Thuận Tông, khoa Thi Hương cuối cùng được tổ chức vào năm 1918 dưới đời vua Khải Định.

  1. Thi Hội:Thi Hội được tổ chức ở cấp trung ương do bộ Lễ, 3 năm thì có 1 khoa thi. Các người đậu cử nhân ở kỳ Thi Hương ở địa phương tụ hội lại ở kinh đô để dự kỳ Thi Hội.

Người đậu điểm cao nhất gọi là Hội Nguyên.

Người đủ điểm đậu Thi Hội thì có học vị là Thái Học Sinh (tức Tiến Sỉ).

Dưới triều Nguyễn, những thí sinh thiếu điểm để đậu Tiến Sỉ có thể được cứu xét và được ban cho học vị Phó Bảng.

Khoa Thi Hội đầu tiên được tổ chức vào năm 1397 dưới đời vua Trần Thuận Tông, khoa Thi Hội cuối cùng được tổ chức vào năm 1919 dưới đời vua Khải Định.

Ai đậu Tiến Sĩ (Thái Học Sinh) thì mới được vào Thi Đình.

  1. Thi Đình:Thi Đình là kỳ thi ở cấp bực cao nhất được tổ chức tại sân đình nhà vua. Nhà vua trực tiếp ra đầu đề thi, sau khi Hội đồng Giám khảo hoàn thành việc chấm bài thi, chính nhà vua tự tay phê chuẩn kết quả.

Ai được điểm đậu cao nhất gọi là Đình Nguyên.

Tuỳ theo số điểm, người thi đậu được xếp làm 3 hạng (Tam Giáp):

Bậc 1: Đậu Tiến Sĩ Đệ Nhất Giáp gồm 3 thí sinh có điểm đậu cao nhất gọi là Tam Khôi:

đậu đầu là Trạng Nguyên

đậu hạng nhì là Bảng Nhản

đậu hạng ba là Thám hoa

Bậc 2: Đậu Tiến Sĩ Đệ Nhị Giáp : Hoàng Giáp

Bậc 3: Đậu Tiến Sĩ Đệ Tam Giáp:   Đồng Tiến Sĩ Xuất Thân.

Vào năm 1928, vua Minh Mạng cải tổ lại khoa cử, Vua bỏ Tiến Sĩ Đệ Nhất Giáp: như vậy học vị Trạng Nguyên, Bảng Nhản, Thám hoa không còn trong khoa bảng nữa.

(3)     nguyệt mái Tây:

mái Tây do chữ Việt Hán là Tây sương (西廂), sương ()có nghĩa là cái mái nhà, cái chái nhà; Tây sương có nghĩa là cái chái ở phía Tây chùa Phổ Cứu, nơi hai nhân vật chính: người thiếu nữ rất đẹp và thuộc con nhà quyền quý Thôi Oanh Oanh với chàng thư sinh Trương Quân Thuỵ hẹn hò gặp nhau trong truyện “ Tây Sương Ký”.

nguyệt mái Tây: đêm trăng sáng (trăng rằm) ở mái nhà phía Tây chùa Phổ Cứu, đó là lúc và là nơi hẹn hò của Oanh Oanh và Quân Thuỵ.

Lòng vẫn còn mơ nguyệt mái Tây : ý nói lòng mình vẫn còn ước mơ cuộc hẹn hò để gặp gở người tình xưa.

Tây Sương Ký (西廂記), truyện ký mái Tây hay câu chuyện ở dưới mái Tây, còn có tên đầy đủ là Thôi Oanh Oanh Đãi Nguyệt Tây Sương Ký (崔鶯鶯待月西廂記), câu chuyện về Thôi Oanh Oanh chờ trăng ở dưới mái Tây; đây là vở tạp kịch của Vương Thực Phủ (sống vào đời Nguyên, sanh: ?, mất: ?) được sáng tác trong khoảng năm Đại Đức (1297-1307) đời Nguyên Thành Tông (1295-1307), cốt truyện miêu tả cuộc tình vượt qua lể nghi và vượt qua quan niệm môn đăng hộ đối giữa thiếu nữ rất đẹp con nhà quyền quý với chàng học trò Trương Quân Thuỵ. Theo truyện này, chùa Phổ Cứu được thành lập bởi Đức Bà Kim Luân Thánh Thần Hoàng Đế, tức Võ Tắc Thiên, đời Võ Chu (690-705), phía Tây của mái Tây chùa Phổ Cứu có một biệt thự rất lớn của quan Tướng quốc họ Thôi. Khi Tướng quốc qua đời thì Thôi phu nhân xin quàng linh cửu của ông ở trong chùa, bà cùng với con gái là Thôi Oanh Oanh làm lể chịu tang. Nhân dịp này chàng học trò Trương Quân Thuỵ được quen biết với Thôi Oanh Oanh. Từ đó họ yêu nhau. Một hôm Oanh Oanh sai người hầu đem bức thư đến Quân Thuỵ để hẹn gặp chàng vào lúc trăng sáng ngày rằm tháng 2 tại chái nhà ở trong biệt thự, phía Tây chùa Phổ Cứu. Tường phía Đông ở sau biệt thự của họ Thôi có một gốc cây hoa lớn, Trương nhân đó trèo lên cây này để leo qua tường vào đêm rằm như đã hẹn, chàng lần đến mái Tây thì cửa đã hé mở sẵn, Quân Thuỵ gặp Oanh Oanh…

Vương Thực Phủ đã lấy cốt truyện của truyện ngắn “Hội Chân Ký” ( ),câu chuyện gặp gở chân tình, còn có tựa là Oanh Oanh truyện ( )của Nguyên Chẩn tức Nguyên Vi Chi (sống vào đời Đường, 779-831) để làm nền mống cho vở tạp kịch Tây Sương Ký. Tuy nhiên có điểm khác biệt ở đoạn kết là: trong “Hội Chân Ký” thì kết quả là sự ly biệt, còn trong “Tây Sương Ký” thì kết quả là sự đoàn viên giữa Trương Quân Thuỵ và Thôi Oanh Oanh.

Trong “Hội Chân Ký” và trong “Tây Sương Ký” đều có ghi lại bài thơ của Nguyên Chẩn diễn tả lại cuộc hẹn hò gặp nhau của Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thuỵ tại nhà Thôi Oanh Oanh vào đêm trăng sáng ngày rằm tháng hai, bài thơ nầy rất nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung quốc:

Minh Nguyệt Tam Ngũ Dạ

Nguyên Chẩn

Đãi nguyệt Tây sương hạ
Nghênh phong hộ bán khai
Phất tường hoa ảnh động
Nghi thị ngọc nhân lai

 

Nguyên tác chữ Hán:

明月三五夜
元稹

待月西廂下
迎風戶半開
拂牆花影動
疑是玉人來

Chú thích và dịch nghĩa:

  • Tam ngũ dạ (三五夜): 3 x 5 = 15 âm lịch, tức đêm rằm; trăng trong đêm rằm thì tròn nên rất sáng: minh nguyệt tam ngũ dạ.
  • (Oanh Oanh) chờ trăng lên ở dưới mái nhà phía Tây: Đãi nguyệt Tây sương hạ.
  • Cửa hé mở (làm bộ) để hứng gió, nhưng nhầm giúp Trương Quân Thuỵ đi vào nhà cho dể: Nghênh phong hộ bán khai.
  • Cành hoa phía tường (phía Đông và ở đằng sau nhà) lay động: Phất tường hoa ảnh động.
  • Chắc hẳn là người ngọc (Trương Quân Thuỵ) đã tới rồi: Nghi thị ngọc nhân lai.

 Bản dịch thơ của Nhượng Tống:

 Trăng sáng đêm rằm

Cửa hé theo luồng gió,

Trăng chờ dưới mái tây.

Chạm tường hoa động bóng,

Người ngọc đến đâu đây.

Nhượng Tống (1904-1949) đã dịch “Tây Sương Ký” ra tiếng Quốc ngữ, lấy nhan đề là “Mái Tây”, do NXB Tân Việt xuất bản lần đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1943. Vào đời Nguyễn ở nước ta, Lý Văn Phức(1785-1849) đã dịch kịch bản “Tây Sương Ký” sang tiếng Nôm, có tựa là “Mái Tây”; có nơi nói dịch giả là Nguyễn Lê Quang, một bạn đồng liêu của Lý Văn Phức.

(4) Trường Trung học Quốc Học được thành lập từ tháng 10 năm 1896 dưới đời vua Thành Thái. Trường đã được đổi tên qua nhiều thời kỳ của lịch sử. Lúc mới được thành lập có tên “Pháp tự Quốc học đường”, rồi tiếp theo là École Primaire Supérieure (Trường Cao đẳng Tiểu học) [1896-1915]; Collège Quốc học (1915-1936); Lycée Khải Định (1936-1955); Trường Trung học Ngô Đình Diệm (1955-1956); Trường Trung học Quốc học (1956- ), hiện nay có tên là Trường Trung Học Phổ Thông Chuyên Quốc Học.

Trường nữ Trung học Đồng Khánh được thành lập từ năm 1917. Từ 1981, trường này bị đổi tên là Trường Trung Học Phổ Thông Hai Bà Trưng.

Trường Trung Học Petrus Ký được bắt đầu xây cất hồi năm 1925, khải giảng niên khoá đầu tiên vào tháng 9 năm 1929 với tên Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký. Sau này đổi tên là trường Trung Học Petrus Ký, gọi tắt là trường Petrus Ký. Tháng 10 năm 1975, trường này bị đổi tên là trường Trung Học Cấp 2-3 Lê Hồng Phong. Năm 1980, có tên là trường Phổ Thông Trung Học Lê Hồng Phong. Năm 1990, đổi tên là trường Trung Học Phổ Thông Chuyên Lê Hồng Phong.

Trước cổng trường Petrus Ký có 2 câu đối được viết bằng chữ Hán, âm Việt-Hán như sau:

Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm.

(Ý nghĩa của hai câu đối này là: Một mặt hãy khắc ghi vào trong xương tủy nền luân lý đạo đức Á Đông và mặt khác hãy làm sáng sủa tâm hồn mình bằng nền văn minh khoa học tân tiến của Âu Tây).

Hai câu đối trên do GS Nguyễn Phước Ưng Thiều sáng tác, thân phụ của nhà văn Phùng Khánh, thầy Ưng Thiều dạy môn Hán văn ở trường Petrus Ký. Năm tôi học lớp Đệ Lục (Lớp 6, 1957-1958), thầy Ưng Thiều dạy chúng tôi môn Hán Văn.

Ta Ky 6

Huy hieu 2

(5) Chợ Đủi hay chợ Đuổi

Ở Sài Gòn, Chợ Đủi ra đời vào đầu thế kỷ 19, lúc đầu ở phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Sài Gòn bây giờ, sau dời về góc đường Lê Văn Duyệt cũ (bây giờ là đường Cách Mạng Tháng 8) và đường Trần Quý Cáp cũ (bây giờ là đường Võ Văn Tần), quận 3,Sài Gòn.

Đủi là một thứ hàng dày dệt bằng tơ lớn sợi. Chợ này bán các món hàng đủi nên người ta gọi là Chợ Đủi. Ngày nay mặt hàng này đã biến mất trên thị trường, nhưng địa danh này vẫn còn. Địa danh Chợ Đủi bao gồm một chu vi rộng lớn có đường bán kính khoảng 2 km, vùng này gọi là vùng Chợ Đủi. Có nhiều cơ sở tôn giáo và thương mại lấy tên Chợ Đủi, ví dụ: Nhà thờ Thiên Chúa Giáo Huyện Sĩ có họ đạo Chợ Đủi. Có trường tiểu học Chợ Đủi (tư thục) thành lập vào cuối thập niên 1940; lúc bấy giờ ở gần đó có trường Trung Tiểu học Lê Bá Cang (tư thục, lớn hơn trường Chợ Đủi nhiều lắm) ở đường Cao Thắng cũ, gần ngã tư đường Phan Đình Phùng cũ thuộc vùng Bàn Cờ Sài Gòn. Trường Chợ Đủi nằm trên đường Phan Đình Phùng cũ, gần Cổng xe lửa và gần Chợ Vườn Chuối. Trường này đã đóng cửa vào khoảng năm 1959.

Có một giả thuyết khác: nhiều người cho rằng đó là Chợ Đuổi, vì vào thời xưa khi bạn hàng nhóm chợ thì bị lính “mã-tà” (tức là Cảnh Sát bây giờ) rượt đuổi không cho bày bán ở chỗ đó. Lâu ngày, người ta mới gọi vùng đó là vùng Chợ Đuổi. Thuyết này không đứng vững, cho nên ngày nay người ta thường gọi là Chợ Đủi, ở Sài Gòn.

Ở Hà Nội, có Chợ Đuổi, vì chợ này chỉ họp khi các chợ khác đã tan, nghĩa là các bạn hàng bị đuổi ở chợ khác nên họp ngoài trời ở chỗ này. Sau 6 giờ chiều các ông giữ chợ đuổi hết mọi người ra khỏi chợ để họ dọn dẹp. Vì muốn bán các hàng còn lại, hoặc muốn kiếm thêm tiền, các bạn hàng kéo đến bãi cỏ ở làng Thể Giao để họp chợ tiếp… lâu ngày tên Chợ Đuổi được nhiều người đặt cho chợ này, tên Chợ Đuổi còn lưu lại đến ngày nay. Người Hà nội đã sáng tác 4 câu thơ còn lưu truyền trong văn học dân gian:

Vui nhất Chợ Đồng Xuân,

Bắc Qua cũng gần nhưng kém vui xa.

Chợ Đuổi họp lúc chiều tà,

Chợ Hôm họp sáng, Chợ Hàng Da họp ngày.

(Ca dao)

 

Cùng một tác giả

Về một nhà giáo thời VNCH: GS TS Nguyễn Thanh Liêm, Nhà Văn Hóa Giáo Dục Nhân Bản Việt Nam, trong quyển “Kỷ Niệm về GS Nguyễn Thanh Liêm”, California: Văn Đàn Đồng Tâm, 2010. Đăng lại trên trang web Tiếng Thông Reo.

–  Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa Lỗi Lạc, Toronto: Đặc San Quốc Gia Hành Chánh, 1999. Bài này đã đăng lại trong tuyển tập “Hiện tượng Trương Vĩnh Ký”, chủ biên: TS Trần Văn Đạt, Lê Thành Lân và Phạm Hồng Đảnh, California 2005; quyển sách này đã được nhóm chủ biên đăng trên trang web của họ.

Ý chí về độc lập của dân tộc Việt Nam, Toronto: Nguyệt San Phổ Thông, số 12 & 13 (tháng 4 & 5, 1985). Đăng lại trên trang web An Phong – An Bình, và tuần báo Thời Mới, Toronto, 2015.

–  Ảnh hưởng Phật giáo trong pháp luật triều Lý, Sài Gòn : Nguyệt san Từ Quang, Hội   Phật học Nam Việt, Chùa Xá Lợi Sài Gòn, từ số 255 đến 258 (từ tháng 6 đến 9 năm 1974). Đăng lại trong Đặc san Chánh Giác, Chùa Hoa Nghiêm: Toronto 1991. Đăng lại    trên trang web Đạo Phật Ngày Nay.

–  Tư Tưởng Phật Giáo Trong Văn Học Thời Lý (sách), California: NXB Văn Nghệ ấn hành; Phật Học Viện Quốc Tế phát hành,1996.

–  Đạo Phật như là một Triết học hay như là một Tôn giáo, Toronto: tháng 12 năm 2014, đăng trên trang web Thư Viện Hoa Sen.

Cuộc đời của Đức Phật Thích ca. Toronto: tháng Hai năm 2015, đăng trên trang web Thư Viện Hoa Sen.

Tình mẹ trong thi ca Nhất Hạnh. Toronto: Nguyệt san Làng Văn, Kỷ niệm lễ Vu Lan năm 1985. Đăng lại trên trang web Đạo Phật Ngày Nay.

Hệ thống tư pháp bảo trợ tại tỉnh Ontario, Canada. Toronto: tạp chí Thời Báo số 33, tháng 4 năm 1989. Đăng lại trên trang web An Phong – An Bình.

Các Hiệp Hội Tín Dụng tại tỉnh Ontario, Canada. Toronto: tạp chí Thời Báo, số 24, tháng 7 năm 1988. Đăng lại trên trang web An Phong – An Bình.

An analysis of the Liberal-NDP Accord 1985 in Ontario, Canada. Written in December 1986. Posted in website An Phong-An Bình.

A Cross-cultural Glimpse of the Vietnamese People in Canada. Written in 1992; published by Bạn Việt (Friends of Viet Nam, a monthly magazine of the “Vietnamese Association – Toronto”), November 1994, issue # 23, Toronto; posted in website An Phong-An Binh.

vân vân

Phụ lục

Môn Quốc văn ở miền Nam Việt Nam trước 1975

Thầy Tạ Ký đã giảng dạy môn Quốc văn trong khoảng 20 năm ở nhà trường VNCH, tôi sẽ ghi chép chương trình môn Quốc văn từ lớp 6 đến lớp 12 (từ năm 1954 đến tháng 4 năm 1975, hồi khoảng năm 1960 Bộ Giáo Dục có cập nhật hóa chương trình Quốc văn từ lớp 6 đến lớp 11, và vào năm 1974 Bộ Giáo Dục đưa môn Quốc văn lên lớp 12) như là một kỹ niệm. Chương trình Quốc văn này đã đi vào quá khứ, nhưng giá trị văn hoá và giáo dục của nó được rất nhiều vị Giáo Sư và Học giả đánh giá rất cao, và ảnh hưởng của nó có thể sẽ còn kéo dài trong việc hun đúc tinh thần dân tộc Việt Nam.

I. Dẫn Nhập

Ở miền Nam Việt Nam trước 1975, hệ thống giáo dục Tiểu học và Trung học có tổng cộng là 12 năm học: 5+4+3 tức là 5 năm tiểu học + 4 năm trung học đệ nhất cấp + 3 năm trung học đệ nhị cấp. Trong khi đó thì ở miền Bắc hệ thống này có tổng cộng là 10 năm học: 4+3+3 tức là 4 năm tiểu học + 3 năm trung học cấp hai + 3 năm trung học cấp ba. Nhiều năm sau 1975, từ Bắc vô Nam có một hệ thống tiểu trung học thống nhất là 12 năm học (5+4+3).

Trường Trung học ở miền Nam trước 1975 được chia làm hai cấp như đã ghi trên:

1) Trung học Đệ Nhất Cấp (4 năm học): từ lớp 6 đến lớp 9, hiện nay gọi là Trung học Cơ Sở.

2) Trung học Đệ Nhị Cấp (3 năm): từ lớp 10 đến lớp 12, hiện nay gọi là Trung học Phổ Thông. Các lớp học được chia ra 4 Ban học: A,B,C & D, học sinh được tự do chọn lựa Ban để theo học:

      –   Ban A: Ban Khoa Học Thực Nghiệm, chuyên sâu về môn Hoá học và Vạn Vật / Sinh vật..

      –   Ban B: Ban khoa học Toán, chuyên sâu về môn Toán.

      –   Ban C: Ban Văn chương, chuyên sâu môn Quốc văn và ngoại ngữ (Anh, Pháp).

      –   Ban D: Ban cổ ngữ, chuyên sâu về Hán văn.

Các giáo chức dạy các lớp trung học được gọi là Giáo sư (bây giờ gọi là Giáo viên). Các giáo chức dạy các lớp tiểu học thì gọi là giáo viên.

Từ năm 1954 đến niên khoá 1973-1974, môn Quốc văn chỉ có từ lớp 6 đến lớp 11, lớp 12 không có môn Quốc văn mà được thay thế vào môn Triết học gồm có: Đạo đức học, Luận lý học, Tâm lý học và Siêu hình học.

Vào năm 1974, để nâng cao địa vị môn Quốc văn ở trường Trung học, Bộ Giáo Dục VNCH đã ban hành một nghị định đưa môn Quốc văn vào chương trình lớp 12 bên cạnh môn Triết học. Hình thức thi Trắc nghiệm có nhiều lựa chọn cũng được áp dụng cho môn thi Quốc văn. Chương trình Quốc văn lớp 12 chỉ kéo dài khoảng 8 tháng (từ tháng 9 năm 1974 đến tháng 4 năm 1975), vì sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam bị đặt dưới sự cai trị của chế độ XHCN, chương trình giáo dục bị thay đổi hoàn toàn.

II. Bộ Giáo Dục VNCH và chương tình môn Quốc văn ở bậc trung học

Bộ Giáo dục quy định chương trình Quốc văn cho từng cấp lớp: một chương trình quy định nội dung giảng dạy gồm có tác giả, tác phẩm, thời lượng cho từng tác giả, tác phẩm … như là một cái khung tổng quát. Giáo sư Việt văn có thể tự chọn lựa bài thơ, bài văn … để trích giảng và giảng dạy cho học sinh.

Bộ Giáo Dục không độc quyền biên soạn sách giáo khoa, hoặc chỉ định phải dùng một sách giáo khoa nào. Giáo sư Việt văn có thể tự soạn bài giảng văn, và GS có thể tham khảo các sách đã xuất bản. Bộ giáo dục cũng không can thiệp vào sự biên soạn các sách giáo khoa. Các nhà xuất bản thường mời các vị giáo sư có uy tín, nhiều kinh nghiệm, khả năng dồi dào để soạn các sách giáo khoa môn Quốc văn từ lớp 6 đến lớp 12.

Bộ Giáo Dục chỉ ra huấn thị các điểm chính về việc giảng dạy môn Quốc văn như sau:

  1. Mục đích của môn Giảng văn là làm cho học sinh hiểu cặn kẻ về nội dung và hình thức của một bài thơ, một bài văn, một tác phẩm để từ đó mở mang kiến thức và khả năng thẩm định về văn học nghệ thuật, và tạo cho học sinh một tinh thần dân tộc, nhân bản và khai phóng.
  1. Các bài trích giảng gồm có: cổ vănkim văn.
  1. Giáo sư phải hướng dẩn học sinh đọc sách: ghi chép đoạn văn hay, bài thơ hay, tóm lược các cuốn sách đã đọc. Giáo sư cần khuyến khích việc đọc sách để sau này ra đời học sinh có thể tiếp tục học hỏi qua sách vở.
  1. Thuyết trình văn học: song song với việc khuyến khích học sinh đọc sách, giáo sư phải hướng dẩn học sinh thuyết trình văn học về một tác phẩm hoặc một vấn đề văn học thuộc chương trình Quốc văn đang học, có thể một học sinh hoặc một nhóm phụ trách việc thuyết trình. Giáo sư đóng vai trò hướng dẩn buổi thuyết trình, sau buổi thuyết trình GS và học sinh cả lớp sẽ đánh giá buổi thuyết trình trong tinh thần xây dựng và học hỏi, thường thường thì mỗi tháng có một lần thuyết trình khoảng 2 giờ đồng hồ.

III. Nội dung chương trình Quốc văn cho từng cấp lớp ở miền Nam trước 1975

  •  Chương trình Quốc văn cho các lớp Trung học Đệ Nhất Cấp 

1) Lớp 6

               a) Giảng văn

                    – Cổ văn: trích giảng văn vần: tục ngữ, ca dao; và văn xuôi: các truyện cổ tích

                    – Kim văn: trích giảng các bài văn của các nhà văn hiện đại

               b) Văn thể: thơ lục bát và biến thể.

               c) Luận văn: miêu tả, thuật sự, thư tín.

          2) Lớp 7

               a) Giảng văn:

                  – Cổ văn: văn vần; trích giảng Gia Huấn Ca của Nguyễn Trải, Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái; và

                                  văn xuôi: trích giảng chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký, Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của.

                    – Kim văn: trích giảng nhiều bài về văn thuật sự, văn miêu tả, miêu tả phối hợp với thuật sự, thư tín.

               b) Văn thể: thơ song thất lục bát và biến thể.

               c) Luận văn: thuật sự, miêu tả phối hợp với thuật sự.

          3) Lớp 8

                a) Giảng văn:

                   – Cổ văn: trích giảng thơ của Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn, thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ của Bà Huyện Thanh Quan, trích tập thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.

                    – Kim văn: văn nghị luận của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Học, Phan Kế Bính; và những bài trích lục từ các tạp chí: Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tri Tân, Thanh Nghị, Tao Đàn…

                 b) Văn thể: thơ Đường luật

c) Luận văn: các thể văn miêu tả, thuật sự, đơn từ, tờ trình, văn tự (có tính thực tế), nghị luận luân lý.

          4) Lớp 9

                a) Giảng văn:

                    – Cổ văn: trích giảng thơ của các tác giả: Nguyễn Du với Truyện Kiều, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Phan Bội, Phan Chu Trinh.

                    – Kim văn: trích giảng các bài nghị luận của Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan chu Trinh; và các bài báo trên các tập chí: Đông Dương, Nam Phong, Tri Tân, Thanh Nghị, Tao Đàn.

                b) Văn thể: hát nói.

                c) Văn học sử: Đại cương văn học sử Việt Nam từ khởi thủy đến hiện đại

                 d) Luận văn: nghị luận văn chương, nghị luận luân lý.

  • Chương trình Quốc văn cho các lớp Trung học Đệ Nhị Cấp

 Các lớp Trung học Đệ Nhị Cấp được phân ra làm các Ban A,B,C & D như đã viết ở trên. Ban A & B có ít giờ việt văn hơn Ban C & D, chương trình Quốc văn của Ban C & D được học sâu hơn các Ban A & B.

          1) Lớp 10                                                                                                    

               a) Giảng văn: chỉ học cổ văn: trích giảng thơ Nôm thời Hồng Đức của Lê Thánh Tôn và Hội Tao Đàn, thơ Nguyễn Bĩnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Lượng, Phạm Thái, Đặng Đức Siêu, Nguyễn Văn Thành, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Hoa Tiên truyện, Vở tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên.

               b) Văn thể: Đối, Phú, Văn tế.

               b) Văn học sử: văn chương truyền khẩu/văn chương bình dân, văn chương chữ Nôm từ đầu nhà Trần (Hàn Thuyên đến Nguyễn Du). Giới thiệu thơ chữ Hán và truyện cổ tích.

               c) Luận văn: nghị luận văn chương, nghị luận tư tưởng.

Tôi nhớ lại, hồi học lớp Đệ tam B5 (1960-1961), trong số các bài nghị luận tư tưởng do GS Nguyễn Thanh Liêm cho tụi tôi có đề tài: -“Bình giảng câu nói: “ một nhà khoa học giết chết một nhà khoa học (đi trước), một thi sĩ không thể giết chết một thi sĩ (đi trước). “Bình giảng câu nói: “hạnh phúc như là một trái banh, khi vừa đụng đến nó thì nó đã đi xa rồi.”

          2) Lớp 11

               a) Giảng văn:

                  Cổ văn: trích giảng thơ văn của: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu (thơ và văn tế), Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, đọc thêm: Cao Bá Nhạ, Dương Khuê. Giới thiệu các tác phẩm Hán Văn.

                   – Kim văn: lược khảo Đông Dương tạp chí, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính; lược khảo Nam Phong tạp chí, Phạm Quỳnh, Nguyễn Trọng Thuật; lược khảo Tự Lực Văn Đoàn: Nhất Linh với tác phẩm Đoạn Tuyệt, Khái Hưng với tác phẩm Nửa Chừng Xuân, Hoàng Đạo với quyển Mười Điều Tâm Niệm.

          a) Văn thể: thơ Đường luật, ôn lại Hát Nói, học kỹ thơ Mới.

          b) Luận văn: nghị luận văn chương về các tác phẩm của các tác giả đã học trong chương trình, nghị luận tưởng.Văn học sử: văn học Việt Nam từ sau Nguyễn Du đến 1945 gồm văn học chữ Nôm và văn học chữ Quốc ngữ.

Tôi nhớ, hồi học lớp Đệ nhị B5 (1961-1962), GS Phạm Thế Ngũ đã cho một trong số các bài nghị luận văn chương có đề tài: “Hãy bình luận về cái ngông của Tản Đà”.

          3) Lớp 12

Như đã trình bày ở trên, môn Quốc văn lần đầu tiên được Bộ Giáo đưa vào lớp 12, bằng một nghị định, trong niên khóa 1974-1975 ( từ tháng 9,1974 đến tháng 4 năm 1975). Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chế độ mới XHCN đã thay thế toàn bộ chương trình giáo dục ở miền Nam Việt Nam. Dĩ nhiên chương trình môn Quốc văn cũng có một nội dung mới theo định hướng của XHCN.

Chương trình Quốc văn lớp 12 (niên khóa 1974-1975) chú trọng vào phần Kim Văn với văn chương hiện thực trong 30 năm đầu của thế kỷ XX: Phạm Duy Tốn, Nguyễn trọng Thuật, Vũ Đình Long…,văn chương hiện thực phê phán 1932-1945: Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Hồ Biểu Chánh; Văn chương đương thời. Tam giáo và ảnh hưởng của tam giáo trong văn học Việt Nam: Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo.

Tôi chỉ còn nhớ có 3 quyển sách giáo khoa Quốc văn lớp 12(niên khóa 1974-1975):

  1. Quốc văn lớp 12 của nhóm Giáo sư Petrus Ký: Vũ Ký, Tạ Ký, Nguyễn Tăng Chương và Nguyễn Văn Hiệp do NXB Trí Đăng ở Sài Gòn ấn hành năm 1974. GS Vũ ký đã qua đời tại nước Bĩ, GS Nguyễn Tăng Chương đã qua đời tại Canada, GS Nguyễn Văn Hiệp đã định cư tại Canada.
  2. Trắc Nghiệm Quốc văn lớp 12 của hai Thanh Tra Khảo Thí Nguyễn Viết Sơn và Bùi Văn Mười viết chung do NXB Trí Đăng ấn hành tại Sài Gòn năm 1974.
  3. Quốc văn lớp 12 của nhóm Giáo sư: Hà Khải Hoàn (Phó Giám Đốc Nha học Chánh), Nguyễn Trung Quân (Hiệu Trưởng trường Trung Học Nguyễn An Ninh, Sài Gòn ) và nhiều GS khác, do NXB Yiễm Yiễm phát hành tại Sài Gòn năm 1974.
  4. Nhận Xét tổng quát về chương trình Quốc văn này

Chương trình môn Quốc văn của Bộ Giáo Dục VNCH đã sắp xếp các bài thơ, bài văn trích giảng theo một trình tự luận lý từ dể tới khó, và theo dòng lịch sử văn học Việt Nam. Môn Văn học sử Việt Nam bắt đầu dạy từ lớp 9 tới lớp 11.

Phần Văn thể được dạy từ lớp 6 đến lớp 11, các thể loại được sắp xếp theo một trình tự hợp lý, gồm có: tục ngữ, ca dao, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, câu đố, thơ lục bát và biến thể, thơ song thất lục bát và biến thể, câu đối, phú, văn tế, hát nói, thơ mới.

Phần Giảng văn về các bài thơ, bài văn trích giảng đều được các Giáo sư Việt văn và các tác giả của các sách giáo khoa trình bày rất rõ ràng, dể hiểu với sự kết hợp của phần giảng (chú thích chữ khó: chữ khó: chữ cổ, điển tích; đại ý, bố cục) với phần bình luận về nội dung và hình thức. Đây là một phương pháp giảng văn rất có khoa học và tiến bộ.

Giáo sư Việt văn và các tác giả sách giáo khoa được tự do vận dụng khả năng của mình để giảng dạy và biên soạn sách. Học sinh có thể tham khảo một hay nhiều sách giáo khoa bên cạnh bài giảng của Giáo sư.

Tôi viết lại chương trình Quốc văn này dựa vào các ký ức của một số Giáo sư Việt văn và của tôi, có thể có chỗ thiếu sót, vì khoảng cách của thời gian đã 40 năm nên không thể nào nhớ lại hoàn toàn được hết; tôi cũng tìm kiếm thêm tài liệu trên internet nhưng cũng không được đầy đủ lắm. Chương trình Quốc văn này đã đi vào quá khứ, và đã có một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử giáo dục Việt Nam, nhớ lại thì lòng tôi thật bồi hồi.

Hết

[1] Mời đọc Cước Chú “Phùng Khánh

[2]   Mời đọc Cước Chú “Chàng Thám Hoa

[3]   Mời đọc Cước Chú “Nguyệt mái Tây

[4]   Mời đọc Cước Chú “Trường Trung học Quốc Học

[5]     Mời đọc Cước Chú “Chợ Đủi

[6]     Theo Ông Võ Hồng Lạc kể lại cho tôi nghe thì Tôn Thất Trung Nghĩa là người bạn rất thân với Tạ Ký; hồi 1979, Nghĩa còn ở Việt Nam, sau khi hay tin Tạ Ký qua đời, Nghĩa đã lập bàn thờ Tạ Ký trong nhà mình. Mỗi lần bạn bè đến nhà Nghĩa để cùng uống rượu, thì Nghĩa đều có mời hương hồn Tạ Ký về uống một ly rượu với bạn bè. Những “người bạn nhậu” thường có tình cảm thương yêu quấn quít với nhau. Theo Tạ Ký giải thích với VH Lạc thì Nghĩa, một người tây lai, đẹp trai cao lớn, và nhất là có đôi mắt rất đẹp, màu đục giống như người thiếu nữ sơn cước; “người sơn dã” ý chỉ Nghĩa.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.